LIỆU NAM VIỆT NAM CÓ SỐNG CÒN ĐƯỢC KHÔNG?
(IS SOUTH VIETNAM VIABLE?)
Nguyễn Thái
(Nguyên Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn
Xã, 1955-1961)
LGT - Tác giả bài viết dưới đây
là ông Nguyễn Thái,
nguyên Chủ tịch "Hội Sinh viên Công giáo Việt Nam tại Mỹ" vào
những năm đầu thập niên 1950'. Nhờ là người Công giáo, lại được đào tạo tại Mỹ,
ông hội đủ được hai điều kiện để ông Ngô Đình Diệm trân trọng mời về nước và cử làm Tổng
Giám đốc đầu tiên của cơ quan "Việt Nam Thông Tấn xã" trong 6
năm trời (1955-1961).
Đó là một chức vụ cực kỳ quan
trọng, được tiếp cận những thông tin chọn lọc của Dinh Độc Lập để biên tập và
phổ biến những tài liệu chính thức trong môi trường truyền thông (cả quốc nội
lẫn quốc tế) hầu đề cao và bảo vệ chế độ. Nhưng cũng nhờ ở vị trí được tin dùng
đó, ông Nguyễn Thái là một trong những người thân cận của chế độ, từ năm 1959, đã
thấy được bản chất độc tài và "tình trạng tuyệt vọng của miền Nam"
và "sẽ không chống lại được mối đe dọa do Cọng sản khuynh loát"
dưới sự cai trị của gia đình ông Diệm.
Nhận thấy với tình trạng độc
tài của cấp lãnh đạo lúc bấy giờ, và vì không có điều kiện và cơ hội để thay
đổi chế độ, ông Nguyễn Thái chọn cách tiếp cận mà ông cho là hữu hiệu nhất:
Trực tiếp thuyết phục thế lực đã khai sinh, nuôi dưỡng và đang ủng hộ chế độ
Diệm. Vì vậy, năm 1962, ông từ chức, qua Mỹ, và viết "tập điều trần " IS
SOUTH VIETNAM VIABLE ?" (Liệu Nam Việt Nam có sống còn được không ?)
để cảnh tỉnh chế độ Diệm và những nhà làm chính sách Mỹ.
Một năm sau khi xuất bản
(Manila, 12-1962), những lời cảnh cáo của ông trở thành sự thật: Chế độ Diệm sụp đổ vì những khuyết tật nội tại của chính nó, mà hai khuyết
tật lớn nhất là tính phi Dân tộc và tính phản Thời đại của gia đình cấp lãnh đạo
chế độ!
Dưới đây là "Lời Mở
đầu" của tác phẩm nầy. Xin những người tìm hiểu về chế độ Diệm bây giờ
(2012), nhất là những người Công giáo hoài Ngô, nên trân trọng suy gẫm những
lời tâm huyết của một trí thức Công giáo biết nhiều và biết kỹ hơn họ về chế độ
Diệm, hầu tìm ra một cách ứng xử lương thiện hơn là chỉ những khẩu hiệu tuyên
truyền phi lịch sử vô nghĩa.
IS SOUTH VIETNAM VIABLE?
Lời Mở Đầu
Tôi khỏi nói ra đây rằng, hơn ai hết, tôi biết rất rõ những
thiếu sót hiển nhiên trong cuốn sách này. Được thai nghén trong niềm lo âu và
được viết ra một cách vội vàng, cuốn sách này chỉ có giá trị của một lời báo
động khẩn cấp về tình trạng tuyệt vọng của miền Nam Việt Nam. Phần lớn
nội dung của lời báo động này có thể là không mới mẻ gì. Tuy nhiên tôi cũng phải
nói lên cho công luận biết, vì có thể đó là bước đầu để mở một lối thoát cho sự
bế tắc hiện nay tại Việt Nam. Ví
thử ước nguyện này không bao giờ thực hiện được để hàng triệu người Việt phải
nhận lãnh cái hậu quả thảm hại của một chính sách “tự vận” hiện nay thì ít nhất
tôi cũng đạt được một niềm an ủi đáng buồn là tôi đã cố gắng phơi bày những
điều mà tôi tin là sự thật.
Dù vậy, tôi là người đầu tiên công nhận rằng vì sự thật
không phải là độc quyền của riêng tôi nên tôi cũng có thể sai lầm trong việc nhận
định về tình hình hiện nay cũng như trong việc tiên đoán những diễn biến trong
tương lai - Tuy nhiên có một điều mà không ai bị lường gạt là cuốn sách này
không phải chỉ là một cuộc diễn tập chữ nghĩa để phân tách “một cách khách
quan” những khó khăn của tình trạng quản trị chậm tiến, mà là một thông điệp chính trị tôi hoàn toàn tin tưởng và
sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm có thể xảy đến cho sinh mạng cũng như sự nghiệp của tôi.
Sau nhiều tháng suy nghĩ, tôi cũng đã cố ý quyết định phơi
bày trong cuốn sách này những điều mà hầu hết người Việt đang ưu tư nhưng không
có khả năng để diễn đạt vì sự áp bức tại miền Nam Việt Nam ngày nay. Làm
điều này, một số người có thể coi tôi như là một “kẻ phản bội” và cuốn sách chỉ
là phản ứng của một kẻ bất mãn; một số người khác có thể coi tôi như một kẻ vô
ơn nay trở lại cắn vào bàn tay đã nuôi mình ăn. Nhưng tôi chỉ quan tâm đến
chuyện mà tôi nghĩ cần phải làm, hơn là lo lắng đến chuyện đưa ra một hình ảnh
tốt về mình hay là chuyện ném bùn vào những kẻ mà có thời tôi đã tin tưởng và
ủng hộ. Một số người nữa có thể nghĩ rằng tôi có điên mới viết cuốn sách này,
nhưng tôi sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả của sự điên rồ này.
Sau những lời mở đầu ở trên, tôi xin quý vị hãy kiên nhẫn
với lời văn không mấy hay ho của tôi trong cuốn sách này. Sau khi đọc hết cuốn
sách, nếu quý vị đồng ý với tôi rằng, miền Nam Việt Nam do chế độ Ngô Đình Diệm quản trị sẽ
không chống lại lâu dài được mối đe dọa do Cộng Sản khuynh đảo thì
lời tôi chỉ trích chế độ này đã không phải là điều vô ích.
Như quý vị sẽ thấy, sau khi đọc chi tiết cuốn sách này, tôi
không cổ súy việc thiết lập ngay một nền dân chủ lý tưởng tại miền Nam Việt
Nam. Như hầu hết những người Việt không Cộng Sản khác, tôi sẽ mãn nguyện nếu
miền Nam Việt Nam có được một chế độ dù không lý tưởng nhưng ngay thẳng,
liêm chính và hữu hiệu, ít nhất là ở mức độ mà quần chúng có thể chấp nhận
được. Bất hạnh thay, chế độ Ngô Đình Diệm, như ta thấy, đã không đáp ứng
được cả điều mong ước tối thiểu này. Hình như tất cả những gì chế độ này
chỉ có thể làm được là phung phí hết những trợ giúp rộng rãi nhất mà Việt Nam
đã được hưởng và bằng
mọi giá nắm giữ độc quyền quyền lực của gia đình nhà Ngô tại miền Nam Việt Nam.
Nếu quý vị tự hỏi làm thế nào mà chế độ Ngô Đình Diệm đã có
thể tồn tại dài lâu như thế thì tôi xin trả lời rằng sở dĩ Diệm còn tồn tại
được thứ nhất là vì những cố gắng hỗ trợ tận tình của người Mỹ, thứ hai là
vì người Việt thù ghét vô cùng nền độc tài Cộng Sản.
Vì từng làm việc mật thiết với chế độ này trong suốt 7 năm,
nên tôi đã có thể thấy được rằng chế độ này không có khả năng thu phục được sự ủng hộ của nhân dân.
Ngay cả những người lúc đầu ủng hộ chế độ cũng không còn chịu đựng được tình
trạng tham nhũng giả dối và vô hiệu năng do những phe nhóm gồm toàn những kẻ ăn
bám và nịnh hót tạo ra để nhũng lạm chế độ trước khi chế độ này sụp đổ.
Ngoài những tên nịnh hót vô tích sự và các bà con trong gia đình họ Ngô,
không còn ai tận tâm ủng hộ chế độ nữa.
Do đó mà tại miền Nam Việt Nam ngày nay, với một quân đội
tinh nhuệ và được trang bị đầy đủ, và một bộ máy hành chánh tương đối to lớn,
chế độ vẫn không chống nổi sự khuynh đảo chính trị của Cộng Sản, vì những người lãnh đạo của chế
độ đã vẫn liên tục không chịu chặt tận gốc rễ những nguyên nhân của tham nhũng
và sự vô hiệu. Trái lại, giới lãnh đạo này đã nỗ lực tối đa để dấu
diếm sự thật về tình hình miền Nam Việt Nam, xuyên tạc sự thật đến độ ngay cả
người Mỹ cũng tin rằng không có một giải pháp chính trị nào khác ngoài tình
trạng hiện hữu.
Đặt hết trọng tâm vào việc diệt hết những người quốc gia đối lập, chế độ cố gắng
thay sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam bằng sự trợ giúp của người Mỹ.
Ngô Đình Diệm cố tạo cho mình hình ảnh của một lãnh tụ chống Cộng “bất khả
thay thế”, và ngày nào mà người Mỹ còn tin rằng ông Diệm là “bất khả thay
thế” thì ngày đó ông Diệm không cần sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam,
vì ông ta có thể dựa vào sự ủng hộ vô điều kiện và vô giới hạn của người Mỹ.
Không thể nào thoát ra được cái vòng luẩn quẩn do mối liên
hệ Việt-Mỹ ấy tạo ra nếu không đặt một hướng đi mới cho chính sách của Mỹ, một
hướng đi dẫn đến sự xuất hiện của một giới lãnh đạo chính trị khác, không Cộng
Sản, tại miền Nam Việt Nam.
Tôi còn một lời cuối cùng cho những ai thắc mắc về việc tôi
tránh đưa ra những đề nghị chi tiết, những giải pháp tích cực trong cuốn sách
này.Tôi nghĩ là chưa cần phải đưa ra đề nghị về những giải pháp
chi tiết cho cuộc thay đổi tình hình tại miền Nam Việt Nam, khi mà mọi người liên
hệ đến tình hình ấy vẫn chưa tin rằng cần thay đổi. Vì nếu nhu cầu thay đổi này
không được công nhận thì mọi giải pháp đề nghị ra đều vô nghĩa.
Nói cách khác, những bạn hữu của Việt Nam tự do phải biết
rằng chế độ hiện nay
tại miền Nam Việt Nam không thể tồn tại được, rằng chế độ ấy không có khả năng
xây dựng Việt Nam thành một quốc gia tân tiến, và không thể đánh bại được Cộng
Sản. Sự kiện thiết yếu này phải được công nhận rõ ràng trước khi tìm
kiếm một giải pháp để bảo đảm khả năng sinh tồn của miền Nam Việt Nam.
Niềm hy vọng của tôi là sự kiện thiết yếu nói trên được tất
cả các bạn hữu của Việt Nam tự do công nhận.
Cambridge, tháng 11 năm 1962
Nguyễn
Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét