BẢO ĐẠI - VỊ VUA CUỐI TRIỀU NGUYỄN,
CÔNG VÀ TỘI
Hoành Linh Đỗ Mậu
(Trích đoạn
từ Chương VI – “Bảo Đại và Ngô Đình Diệm” - của tác phẩm
Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi,
Hoành Linh
Đỗ Mậu, Văn Nghệ, 1993)
Vua Bảo Đại (1925–1945), vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, là
con trai độc nhất của vua Khải Định, nhưng đặc biệt diện mạo cùng phong độ lại
khác hẳn vua cha. Ông có nét mặt chữ điền, đi đứng nghiêm trang, ăn nói đàng
hoàng, dáng điệu đường bệ chững chạc. Rất nhiều tài liệu cho thấy ông Bảo Đại
không phải là con ruột của vua Khải Định, vì vua Khải Định mang bịnh bất lực
không thể gần gũi đàn bà.
Vua Bảo Đại húy là Vĩnh Thụy, sinh năm 1913 (Quý Sửu) tại
kinh thành Huế. Ngày 28 tháng 4 năm 1922, ông được vua cha tấn phong làm Đông
Cung Hoàng Thái Tử, nghĩa là tước vị của một thái tử sẽ được quyền nối ngôi
vua. Ngày 15 tháng 5 năm 1922, khi ông mới lên chín tuổi, thì được vua cha và
chính phủ Bảo Hộ cho đi Pháp du học. Trong thời gian ở Pháp, ông được vua Khải
Định gởi gấm cho ông Charles (một vị cựu khâm sứ Trung kỳ) để giám hộ như một
người cha nuôi săn sóc trông coi. Năm 1925, khi vua Khải Định băng hà, Bảo Đại
về nước để chịu tang và để làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế. Sau đó, ông trở
lại Pháp để tiếp tục việc học cho đến năm 1932 thì về nước vĩnh viễn, và chính
thức tức vị để điều khiển triều đình An Nam.
Nhân dân ta từ ngày bị Pháp đô hộ vẫn liên tục kiên cường
chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lăng. Ngay cả dưới triều Khải Định mà việc nước
hầu như đã khoán trắng cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp
qua ông Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài (nhất là trong khoảng thời gian 1925–1932, từ
khi vua Khải Định băng hà cho đến ngày ông Bảo Đại về nước chấp chánh), lửa
cách mạng vẫn hừng hực cháy trong lòng dân tộc Việt. Ngọn lửa đó đã được đốt
bừng lên và được nuôi dưỡng mạnh nhờ ảnh hưởng của bản án tử hình chí sĩ Phan
Bội Châu. Lửa cách mạng mãnh liệt đến nỗi trước cao trào đấu tranh của toàn dân
phản kháng bản án này, thực dân đành phải hủy bản án và đem Cụ về quản thúc tại
kinh thành Huế (1925). Trong khoảng thời gian đó, những phong trào cách mạng và
những biến động quan trọng đã liên tiếp xảy ra: đảng Tân Việt Cách Mạng gồm đa
số là những trí thức trẻ ra đời tại Huế, phong trào Sô Viết nổi lên ở Nghệ Tĩnh
và cuộc nổi loạn đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Việt do anh hùng
Nguyễn Thái Học cầm đầu. Lại còn ảnh hưởng của phong trào Cường Để tại hải
ngoại, của Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, của cuộc tranh đấu đòi dân quyền
của chí sĩ Phan Chu Trinh… tất cả đã là những hỏa sơn ầm ĩ cháy trong lòng dân
tộc. Vì vậy, trước ý chí đối kháng của nhân dân để bày tỏ sự bất mãn đối với
chế độ bảo hộ và nhất là đối với triều đình mục nát già nua, người Pháp bèn lợi
dụng việc vua trẻ Bảo Đại hồi loan để trẻ trung hóa triều đình, và hứa sẽ để
cho nhà vua thực hiện một số cải cách mong xoa dịu lòng dân, mà việc đầu tiên
là sa thải lớp quan lại già cả về hưu trí để thay thế bằng một lớp người trẻ
trung hơn.
Những quan lại lớn tuổi này chẳng những là lớp người lạc hậu
không hợp thời để theo kịp với dân trí mỗi ngày một tiến bộ, mà đa số những vị
quan này là những nịnh thần tham nhũng, làm tay sai cho Pháp. Bài thơ của Cụ
Nghè Ngô Đức Kế dưới đây đủ nói lên cái tư cách của lớp quan lại áo mão xênh
xang mà thật ra chỉ là những con bung xung làm gai mắt mọi người:
Cu li đành phận chớ ra oai,
Chuyên chế ăn quen thói cũ hoài.
Quân chủ cờ bay vui trước mắt,
Dân quyền trống đánh chán bên tai.
Bài,
Liêm giảo hiểm khoe tài trí
Huề,
Thụ thông minh gọi bất tài.
Cấm hết công môn tiền hối lộ,
(Bài, Liêm, Huề, Thụ là tên bốn vị Thượng thư mà Bài tức là
ông Nguyễn Hữu Bài người đỡ đầu cho ông Diệm, và Huề tức là ông Thân Trọng Huề,
ông ngoại của bà Ngô Đình Nhu).
Trong lớp quan lại già nua đó, người nổi tiếng nhất là ông
Nguyễn Hữu Bài. Nổi tiếng vì ông đã là tay sai đắc lực nhất của hai thế lực
Thực Dân lúc bấy giờ. Một là hệ thống cai trị của Pháp, và một là hội Truyền
giáo Hải ngoại Pháp. Ông cũng nổi tiếng vì với tư cách đó, ông lại là vị tể
tướng cầm đầu triều chính trong thời gian vua Bảo Đại du học tại Pháp, quả thật
ông Nguyễn Hữu Bài là một thứ vua không ngai. Thời bấy giờ, số phận quan lại từ
trên xuống dưới đều nằm trong tay ông, đời sống nhân dân cũng nằm trong tay ông
qua những chính sách ông đề nghị với chính phủ Bảo Hộ.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Xuân thì ông Nguyễn Hữu Bài có đến 5
đồn điền chung quanh Huế, có đồn điền rộng đến cả 1.000 mẫu ruộng. Phê bình ông
Nguyễn Hữu Bài, vị giáo sư đại học Huế đã viết:
“Đối với chúng ta,
ngày nay có thể công kích Nguyễn Hữu Bài, ông gia của Ngô Đình Khôi và ông gia
hụt của Ngô Đình Diệm, cho rằng chỉ là một thứ “bồi Tây” dù ông được liệt vào
hạng “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”, và những nhàn điền (đồn điền) của
ông chỉ theo phương thức bóc lột tư bản Tây phương tàn nhẫn và trong sự thật
cũng đáng gọi là tên chủ đồn điền quỷ quyệt” [14].
Ngoài ra trong tác phẩm “Hoàng Tử Vĩnh Sang” của sử
gia Vũ Ngự Chiêu (tr. 113–114) có trích đăng một lá thư của vua Thành Thái từ
Saint Denis gởi về cho vợ, tố cáo Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài – trong cuộc nổi
dậy của vua Duy Tân – đã lập kế xúi dục vua Duy Tân bỏ Đại nội ra ngoài Hoàng
thành để Tây bắt.
Với một thành tích tay sai đắc lực của hai thứ thực dân như
thế, và với sự tích lũy tài sản lớn lao như thế mà lại tự xưng là người có lòng
yêu nước yêu vua, dám “đày vua không Khả,
đào mả không Bài” thì quả thật là một sự lạ đối với người có hiểu biết về
tâm lý tình báo và lý luận chính trị. Còn ông Ngô Đình Khả thì lại là người đã
theo đại Việt gian Nguyễn Thân cầm quân đánh phá chiến khu Phan Đình Phùng, đào
mả Cụ lên rồi lấy thuốc súng trộn với thi hài Cụ bắn đi cho mất tích (tài liệu
của tạp chí Lên Đường số ra mắt, Houston, trong phần phụ lục E). Ngoài
ra, qua bức thư gởi cho Toàn quyền Decoux, giám mục Ngô Đình Thục (xem phần phụ
lục) xác nhận Cụ Ngô Đình Khả và hai con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đều là
tay sai đắc lực của thực dân Pháp.
Thư
của Giám mục Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Decoux ngày 21-8-1944,
thú nhận thân phụ là Cụ Ngô Đình Khả và hai em
là Ngô Đình Diệm
và Ngô Đình Nhu đều là tay sai đắc lực cho
Thực dân Pháp
Còn trường hợp ông Nguyễn Hữu Bài không ký giấy đào mả vua
cần được phân tách kỹ càng hơn. Theo tác phẩm “Hồ sơ Vua Duy Tân” mà cụ
Hoàng Trọng Thược, một nhân sĩ người Huế và cũng là một nhà viết sử, thì Nguyễn
Hữu Bài là người mà vua Duy Tân không ưa mấy, nhất là lúc ông Nguyễn Hữu Bài
cho đào đất tìm vàng trong Đại nội. Vua hỏi:
- Đại nội nầy thuộc về ai rứa thầy?
- Tâu: của Vua.
- Vậy tôi có bảo đào đâu?
- Tâu: vì kho ta thiếu tiền và người
Pháp đang đánh nhau với Đức.
- Nước Pháp bị xâm lăng chứ nước ta
không bị xâm lăng đó sao?
Nguyễn Hữu Bài vâng đầu bái phục.
Song vì tình thế, Ấu Chúa cũng không làm sao ngăn được việc làm của người Pháp.
Đất cấm địa nơi vua đang ở và vua còn sống, mà ông Nguyễn
Hữu Bài dám cho đào lên để tìm vàng dâng cho Tây, thì câu “Đày vua không Khả,
đào mả không Bài” có còn ý nghĩa là câu truyền tụng để “vinh danh” cho ông
Nguyễn Hữu Bài nữa hay không?!
Để những nhà Sử học có thêm tài liệu nghiên cứu về tội làm
tay sai cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp của ông Nguyễn
Hữu Bài và cha con ông Ngô Đình Khả, tôi xin đề nghị quý vị đọc thêm các tác
phẩm khác như “Hồ Chí Minh Con Người và Huyền Thoại” của Chính Đạo, như
“Hoàng Tử Vĩnh Sang” của Vũ Ngự Chiêu, như “Việt Nam Niên Biểu Nhân
Vật Chí” của Chính Đạo do nhà xuất bản Văn Hóa (Houston, Texas, Hoa Kỳ)
phát hành.
Trong kế hoạch trẻ trung hóa triều đình này, vua Bảo Đại đã
đồng ý trọng dụng hai nhân vật nổi tiếng là hai ông Ngô Đình Diệm và Phạm
Quỳnh. Ông Ngô Đình Diệm là một vị Tuần Vũ 32 tuổi của một tỉnh nhỏ (Bình
Thuận), được Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài tiến cử giữ chức Thượng thư Bộ Lại đầu
triều. Và ông Phạm Quỳnh là một học giả chủ nhiệm báo Nam Phong, nhưng
đồng thời cũng là bạn thân của Marty (Giám đốc sở Chính trị của Phủ Toàn
quyền), được cử giữ chức Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Ngự tiền văn phòng của
Hoàng Đế. Khi chấp nhận hai vị Thượng thư này, rõ ràng trong sự chọn lựa chính
trị của vua Bảo Đại, yếu tố “trẻ” không phải là yếu tố quyết định nhất mà chính
vì với một Ngô Đình Diệm trung quân, rường mối nhà Nguyễn sẽ vững vàng không lo
hậu họa, và với một Phạm Quỳnh thân Pháp, tương quan Pháp Việt sẽ dễ dàng hơn
để có thể thực hiện những cải tổ cần thiết. Hai vị đại thần đó sẽ bổ túc cho
nhau để giúp cho vua Bảo Đại vận hành triều đình An Nam để có thể thực hiện
những cải cách xã hội mà người Pháp đã hứa hẹn với ông.
Nhưng bao nhiêu lời hứa hẹn của thực dân đều như nước chảy
qua cầu, dân bị trị vẫn là dân bị trị, vua bù nhìn vẫn là vua bù nhìn. Vua Bảo
Đại bất lực bó tay để đi từ bất mãn đến chán nản, Thượng thư Ngô Đình Diệm xin
từ quan, việc triều chính nằm trong tay ông Phạm Quỳnh và người Pháp. Do đó,
trong thời gian làm vua, ông Bảo Đại chỉ còn biết săn bắn và thể thao, thường
sống ở đồn điền Quảng Trị, ở Bạch Mã, Đà Lạt hơn là giam mình trong bốn bức
tường thành nội cung với cỏ mọc rêu phong. Từ khi chấp chánh cho đến ngày 9
tháng 3 năm 1945 (ngày Nhật Bản đảo chánh), ông cố giảm thiểu càng ít càng tốt
mối ràng buộc với Pháp trong những chính sách thất nhân tâm. Công việc của ông
chỉ là công việc tế lễ, như lễ ở Nam Giao, cúng kỵ các tiên vương, ban phát sắc
bằng huy chương cho hàng quan lại, còn mọi việc cai trị ông giữ thế mắt đui tai
điếc. Thần dân chỉ biết ông Bảo Đại là một vị vua bù nhìn mà có ai hiểu nỗi tâm
sự thầm kín của ông đâu.
Ông Bảo Đại làm vua bù nhìn nhưng nếu những ai đã từng sống
đồng thời với ông, chịu khó quan sát cảnh ngộ của ông ta đều phải nhận rằng nếu
ta ở vào địa vị của ông thì cũng khó thể làm gì được khác hơn. Vua Bảo Đại hoàn
toàn bị bao vây kềm kẹp, nhất cử nhất động của ông ta đều bị thực dân theo dõi
kiểm soát gắt gao. Họ đặt quan hầu người Pháp bên cạnh, họ lập cho ông một đội
lính khố vàng (Ngự Lâm Quân) do viên Đại úy Bond trực tiếp chỉ huy, đóng ngay
trong Hoàng thành để canh chừng những hành động chống đối của nhà vua. Họ đặt
các vị Thượng thư toàn là tay chân thân tín của họ để ngăn cản vua mưu đồ thực
hiện những cuộc cải cách, hay những âm mưu nổi loạn như các vua tiền triều. Thế
mà người Pháp vẫn chưa vừa lòng, họ còn đặt những viên cố vấn người Pháp gọi là
Hội lý bên cạnh các vị Thượng thư để kiểm soát các vị này, và để triều đình An
Nam thi hành cho đúng những chỉ thị do Toàn Quyền và Khâm Sứ ban bố.
Vừa không đủ khả năng và điều kiện nhân tâm cũng như điều
kiện hoạt động để phát khởi một cuộc đấu tranh, vừa phải khôn khéo hóa giải
những áp lực chính trị có thể làm sụp đổ vĩnh viễn triều đại nhà Nguyễn, vua
Bảo Đại chỉ còn hai chọn lựa: hoặc làm một vị vua tay sai mang tội với lịch sử,
hoặc làm một vị vua bù nhìn bất lực cho hậu thế chê cười. Và ông đã chọn lựa. Hậu thế chỉ có thể chê cười mà không thể
kết ông tội bán nước hay tay sai.
Hãy nhìn vào cuộc hôn nhân của ông Bảo Đại để thấy chính
sách cai trị thâm độc và chặt chẽ của thực dân, để nhìn thấy những kế hoạch
đường dài và những toan liệu kỹ lưỡng của sự cấu kết giữa chính quyền thực
dân Pháp và Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp.
Trong những năm cuối cùng của Bảo Đại ở Pháp vào lúc đã ở
tuổi trưởng thành, họ cho một nữ sinh tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan,
con một nhà phú hộ theo Công giáo là ông Nguyễn Hữu Hào ở Nam Kỳ, đi Pháp du
học. Tất nhiên cô Marie Thérèse phải là một tiểu thư dù không hoàn toàn sắc
nước hương trời thì vẫn có được cái đẹp kiều diễm đài các để có thể làm rung
động trái tim của một nhà vua trẻ đang đến tuổi rạo rực tình yêu đôi lứa. Trong
thời kỳ ông Bảo Đại còn bận học hành, họ chưa cho đôi trai tài gái sắc gặp
nhau, mà đợi đến khi ông xuống tàu về nước chính thức cầm đầu triều đình, đến
khi ông thấy mình đã trưởng thành và có trách nhiệm với quốc dân thì họ mới tổ
chức cho Marie Thérèse Nguyễn Thị Lan gặp ông Bảo Đại. Ban đầu họ cho cô Lan
lân la gần ông mỗi khi ông đứng một mình trên boong tàu nhìn ngắm sóng nước
trùng dương. Cho đến khi hai người đã vượt khỏi giai đoạn khách sáo sơ giao thì
họ bắt đầu tổ chức cho đôi uyên ương khắng khít nhau hơn trong những buổi dạ
hội trên chuyến tàu xuyên đại dương bất tận.
Chỉ tội nghiệp cho bà Từ Cung Thái Hậu, vì trong lúc con
mình ở nơi đất khách quê người thì bà đã lo nghĩ đến tương lai của dòng họ, đã
nghĩ đến việc tìm bạn trăm năm cho con. Tại Huế, Bà đã cho dò xét thân thế,
phẩm hạnh, sắc đẹp của bao nhiêu tiểu thư khuê các, con những vị đại thần để Bà
có thể lựa chọn một nàng dâu cho Hoàng tộc, một Hoàng Hậu tương lai cho nước An
Nam. Bà đã chọn được một nữ sinh con một vị đại quan có sắc đẹp nghiêng nước
nghiêng thành mà bà mẹ của tiểu thư đó cũng sùng mộ đạo Phật như Bà. (Tiểu thư
này sau lấy chồng họ Phạm, giáo sư trường Quốc học Huế). Bà chỉ đợi con mình ngự
giá hồi loan chính thức điều khiển việc nước là làm lễ thành hôn cho đôi lứa.
Cuộc đời của Bà xuất thân từ nơi dân giả, phúc đức cha ông đẩy đưa Bà được tiến
cung làm Hoàng Hậu nên Bà cố học hỏi cho thành người đài các chốn vi cung, cố
trau dồi đức hạnh cho thành người vợ hiền dâu thảo. Nhưng chẳng may chồng mất
sớm, Bà lại chỉ có một mụn con trai nên Bà thiết tha mong cho con trưởng thành
để nối nghiệp vua cha và nối dõi tông đường. Vì thế, đối với Bà, việc tìm kiếm
một nàng dâu đức hạnh mọi bề là điều quan trọng thiết yếu nhất. Quan trọng vì
không phải chỉ thương con mà còn vì danh dự triều đại nhà Nguyễn nữa.
Bà không ngờ rằng trong lúc Bà đang sống những giây phút rộn
ràng của bất kỳ một người mẹ nào đang lo chuyện trăm năm cho con thì người
Pháp, ở trong những văn phòng của các thế lực giáo quyền và thế quyền, cũng âm
thầm thực hiện âm mưu vượt quyền hạn và giết giấc mơ của Bà để cưới vợ cho vua
Bảo Đại dựa vào những tiêu chuẩn chính trị của chính sách bảo hộ lâu dài.
Vua Bảo Đại về nước được một thời gian, việc triều chính tạm
yên thì vợ chồng ông Charles, người giám hộ, bắt đầu lo chuyện thành hôn cho
ông. Vào khoảng cuối năm 1933, ông bà Charles rủ vua Bảo Đại đi Đà Lạt, tại
khách sạn Lang Biang huy hoàng tráng lệ, bà Charles dẫn tiểu thư Marie Thérèse
chính thức giới thiệu với nhà vua trẻ tuổi trước sự chứng kiến của quan Toàn
quyền Pierre Pasquier. Tất nhiên khi đã có phù phép của chúa tể thực dân tại
Đông Dương thì cuộc hôn nhân chính trị giữa vua Bảo Đại và cô Nguyễn Thị Lan
nhất định phải thành. Nó phải thành trên nỗi đau khổ cay đắng của Bà Từ Cung,
của những vị đại thần trong Tôn Nhân Phủ và của cả Hoàng gia. Đó là lần đầu
tiên trong lịch sử nước nhà, triều đình Việt Nam có một vị Hoàng Hậu theo Công
giáo La Mã qua sự sắp đặt của các thế lực phương Tây. Sau 400 năm, công tác
truyền giáo đạt đến cao điểm bằng sự có mặt của một nữ tín đồ trong chốn thâm
cung của triều đình Việt Nam. Và cô Marie Thérèse từ nay được mang danh hiệu là
Nam Phương Hoàng Hậu.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, triều đình
Việt Nam có một vị Hoàng Hậu mang quốc tịch Pháp và theo Công giáo La Mã qua sự
sắp đặt của các thế lực phương Tây,
cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu
Lịch sử đế quốc thực dân Pháp đã cho thấy rằng Hội Truyền
Giáo Hải Ngoại Pháp luôn luôn chủ trương Công giáo hóa Việt Nam, không chỉ là
đối với người Việt Nam thuộc hàng dân dã mà chủ yếu là hạng người Việt Nam
thuộc đẳng cấp cao nhất của triều đình. Thời Nguyễn Ánh, Pigneau de Béhaine đã
khuyến dụ được Hoàng Tử Cảnh, nay đến thời vua Bảo Đại họ đặt một hoàng hậu
người Công giáo thì tất nhiên trong tương lai vị vua kế vị ông Bảo Đại cũng sẽ
là một ông vua đã được rửa tội từ lúc mới sinh ra để tô bồi cho “la fille
ainée de l’Eglise en Extrême Orient” (Trưởng nử cuả Giáo hội tại Viễn đông)
Chẳng thế mà vị đại diện tòa Thánh ở Đông Dương, Đức Khâm
Mạng Drapier, đã tôn vinh cuộc hôn nhân Bảo Đại - Nguyễn Thị Lan trong cuốn Lịch
sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong bài đề tựa cuốn sách, sau khi ca ngợi sự
bành trướng của đạo Công giáo La Mã trên mảnh đất thuộc địa màu mỡ, Đức Khâm
Mạng Drapier huênh hoang viết:
“… Việc kể ra cũng đi
theo một thứ tự với lịch sử thế tục vì đời sống của Công giáo đã lẫn với đời
sống xã hội Việt Nam từ bốn trăm năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, có hai
việc cách nhau hàng trăm năm đã tỏ rằng Công giáo bao giờ cũng “trung thành với
đế quốc Việt Nam”(sic). Việc đức giám mục D’Adran giúp nhà Nguyễn và việc đức
Bảo Đại phong (?) lên ngôi Hoàng Hậu một thiếu nữ dòng dõi vọng môn Công giáo
hồi đầu chiến tranh [15].”
Tuy nhiên đây là một cuộc hôn nhân dị giáo trái với giáo
luật thời bấy giờ nhưng tại sao Bảo Đại vẫn cưới được Nguyễn Thị Lan. Thì ra thực
dân đã có kế hoạch sẵn. Theo cuốn “Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí” của
Chính Đạo (tr. 36, 37) thì:
“Năm 1934: Lấy Nguyễn
Hữu Thị Lan, con gái một đại điền chủ miền Nam. Vì Thị Lan có đạo Kitô, gây
nhiều trở ngại. Ngô Đình Thục cực lực chống đối vì theo đúng phép đạo Kitô, Bảo
Đại phải “rửa tội” rồi mới được thành hôn. Sau đó, Pháp dàn xếp cho một giáo sĩ
ngoại quốc bí mật làm lễ cưới theo phép đạo. Như thế Bảo Đại trở thành vua Kitô
đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.”
Cũng trong cuốn sách này, Đức Khâm Mạng lại trách móc những
phản kháng của người Việt Nam mà đại diện là giới sĩ phu nho sĩ: “Núp mình sau bức thành chữ Nho, các nhà cựu
học không thể nhận được Tin Lành Cứu Thế. Các nhà tân học chịu ảnh hưởng một
nền giáo hóa thế tục cố tình không muốn biết đến đạo lý Gia Tô”.[16]
Lúc nêu lên hai sự kiện lịch sử của thời Gia Long và thời
Bảo Đại, cũng như lúc chê bai giới sĩ phu VN, Đức Khâm Mạng Drapier muốn chứng
tỏ một cách công khai rằng quá trình phát triển của Công giáo tại Việt Nam luôn
luôn gắn liền với giai cấp triều đình quý tộc ở mức độ cao nhất, và có cả “Thế”
lẫn “Lực” mạnh nhất trên đất nước Việt Nam này mà thể hiện rõ ràng nhất (của sự
liên tục này) là Thượng thư đầu triều Nguyễn Hữu Bài khi từ chức đã đề cử (và
đã được chấp thuận) một vị khác thế mình, ông Ngô Đình Diệm, mà cả hai người,
cũ cũng như mới, đều có những liên hệ chặt chẽ trên cả hai mặt đức tin lẫn sự
tuân phục với Hội Truyền Giáo Hải Ngoại.
Nói cho đúng, từ khi gặp cô Marie Thérèse trên chuyến tàu
hồi hương cho đến tận khi lập thành Hoàng Hậu, ông Bảo Đại không cảm thấy bị ép
buộc và tình yêu đôi lứa hẳn phải có sự đồng thuận của cả hai bên. Tuy nhiên,
điểm đáng nhấn mạnh ở đây là tình yêu đó được tác thành trong một thủ đoạn
chính trị vượt hẳn sự sáng suốt của một người thanh niên đang ngụp lặn trong
tình yêu, như Lý Bạch ngày xưa ngây ngất nhảy xuống nước ôm trăng mà không biết
mình sẽ vùi thân dưới dòng sông lạnh.
Trường hợp hôn nhân của vua Bảo Đại và cô Marie Thérèse chỉ
là một trong rất nhiều hình thái kiểm soát, vận dụng, khai thác một vị vua của
các thế lực thế quyền và giáo quyền Pháp. Tôi muốn nêu lên trường hợp đó là để
chứng minh rằng ông Bảo Đại dù có muốn cũng không thể làm gì hơn được, dù có
lúc ông đã muốn có những cải cách, những vận động để cứu triều đại nhà Nguyễn
và cứu chính nước Việt Nam của ông. Trôi nổi trong một hoàn cảnh như thế, sự
bất lực chính trị đã biến sự bất mãn thành ra một sự chán nản tâm lý và sinh
lý. Ông chỉ còn biết mượn những thú thể thao để khuây khỏa cho phù hợp với thói
quen phóng khoáng của cuộc sống Paris mà ông đã bị điều kiện hóa từ ngày ông du
học ở Pháp.
Năm 1945, sau khi được tiếp xúc nhiều lần với vua Bảo Đại,
học giả Trần Trọng Kim đã có nhận xét: “Vua
Bảo Đại thông minh, am hiểu tình hình. Trong thời Bảo hộ của nước Pháp, hình
như Ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Ngài có vẻ
trang nghiêm và nói những điều rất đứng đắn”[17].
Học giả Trần Trọng Kim quả thật đã mô tả đúng tâm sự của một con người bất đắc
dĩ phải làm vua bù nhìn, làm một vị vua không nổi loạn được vì bị kềm kẹp,
không làm tay sai được vì lòng yêu nước nồng nàn, và nhất là không tự xử thân
mạng được vì trách nhiệm duy trì dòng dõi nhà Nguyễn.
Khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông Bảo Đại
đã biết lợi dụng vận hội mới đó để khước từ dĩ vãng đau thương, ông đã tuyên bố
Độc Lập cho Việt Nam, xé bỏ mọi hiệp ước liên hệ với nước Pháp, chấm dứt nền đô
hộ gần trọn thế kỷ. Có lẽ sẽ có người cho rằng súng đạn và sức mạnh của quân
đội Nhật Bản đã giúp cho ông Bảo Đại có lòng yêu nước. Nói thế quả thật tội
nghiệp cho ông ta bởi vì ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi Nhật Bản sửa soạn đầu hàng
Đồng Minh và nước Pháp của De Gaulle đang sửa soạn đổ bộ để tái chiếm Việt Nam,
ông vẫn có can đảm và sáng suốt gởi thông điệp cho Tổng thống Truman để nhờ
Tổng thống Mỹ gởi lời phản kháng đến Tổng thống De Gaulle:
Hoàng Đế Bảo Đại
Gởi Tổng Thống Truman
Được tin Chủ tịch Chính phủ Lâm thời
Pháp sẽ yết kiến Các hạ để giải quyết tình thế tương lai của Đông Dương, Quả
nhân xin tin Các hạ biết rằng các nước Đông Dương đã tuyên bố độc lập và quả
quyết giữ vững nền độc lập ấy.
Riêng về phần dân tộc Việt Nam, chúng
tôi không coi kiều dân Pháp là kẻ thù, lại trọng nhân mạng và tài sản của họ,
nhưng chúng tôi sẽ cực lực phản kháng việc nước Pháp lập lại nền thống trị của
họ trên đất nước Việt Nam bất cứ theo một chế độ nào.
Chính sách thực dân nay không hợp
thời nữa! Một dân tộc Việt Nam đã có bốn ngàn năm lịch sử và một dĩ vãng vẻ
vang không thể chịu ở dưới quyền một dân tộc khác.
Nước Pháp nên cúi đầu theo lẽ công
bằng ấy, mà Mỹ quốc là một nước hào hiệp đã từng công khai tuyên bố và bảo vệ
điều đó.
Nước Pháp phải vui lòng thừa nhận
chân lý đó để tránh khỏi tai vạ và để cho chiến tranh đừng xảy ra trên đất nước
chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh vừa kết liễu, dân tộc chúng tôi tuy không
tham chiến mà cũng đã chịu bao nhiêu nỗi khổ, nên chúng tôi chỉ mong tham dự vào
một cuộc kiến thiết mới: kiến thiết một nền hòa bình với công lý trên toàn thế
giới.
Quả nhân nhờ Các hạ chuyển đạt thư
này sang quý chính phủ của hai nước Anh Quốc và Trung Hoa.
Bảo Đại
Đồng thời với bức thông điệp gởi cho Tổng Thống Truman, vua
Bảo Đại cũng đã gởi cho tướng De Gaulle một bức thư với lời lẽ hết sức nhã nhặn
mà cũng vô cùng cứng rắn. Ông báo cho tướng De Gaulle biết là nếu nước Pháp vẫn
quyết tái lập nền thuộc địa trên đất nước Việt Nam thì “… dân tộc Việt Nam không muốn và cũng không thể chịu đựng một cuộc đô hộ
nào nữa, mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng sự cũ của Pháp sẽ là
một kẻ thù…” [18]
Những lời tuyên bố nồng nàn tình yêu nước và sự bày tỏ thái
độ quyết liệt đối với Pháp khi quân đội Pháp sắp sửa tái xâm chiếm Việt Nam, đã
nói lên quyết tâm của vua Bảo Đại nhất định khước từ quá khứ, dù quá khứ ấy đã
được đan bằng những sợi dây liên hệ giữa ông và nước Pháp.
Nhưng chẳng may cho vận nước còn phải chịu cảnh ngửa nghiêng
nên toàn dân lại hướng về cuộc kháng chiến của Việt Minh, và thêm vào đó ông
Bảo Đại lại không tham quyền cố vị, không luyến tiếc điện ngọc ngai vàng, vui
vẻ từ bỏ ngôi báu để tránh cho quốc dân một cuộc huynh đệ tương tàn. Ông đã
tuyên bố:
Hạnh phúc của dân Việt Nam,
Độc lập của nước Việt Nam,
Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã
tuyên bố hy sinh tất cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy, Trẫm muốn sự
hy sinh của Trẫm phải bổ ích cho tổ quốc.
… trong giờ phút nghiêm trọng này,
đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
… cho nên mặc dầu Trẫm hết sức bùi
ngùi cho nỗi làm vua 20 năm, mới gần gũi dân được mấy tháng, chưa làm được ích
lợi gì cho quốc dân như lòng Trẫm mong muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để
nhường quyền điều khiển quốc gia cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
… còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai
vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm
dân Tự Do của một nước Độc Lập, chứ Trẫm nhất quyết không để ai lợi dụng danh
nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa…
(trích một đoạn trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại nhân
dịp trao bảo kiếm, ngọc tỷ cho ông Trần Huy Liệu, đại diện Việt Minh tại lầu
Ngọ Môn ngày 25 tháng 9 năm 1945)
Chính tấm lòng hy sinh cao cả của vua Bảo Đại, hy sinh quyền
uy tối thượng, hy sinh bệ ngọc ngai vàng, hy sinh cả sự nghiệp mấy trăm năm
trời của vua chúa nhà Nguyễn mà lúc bấy giờ vào thời điểm quân Pháp đang lăm le
tái chiếm Việt Nam, quốc dân đã quên hết cái dĩ vãng 20 năm trời làm vua bù
nhìn của vua Bảo Đại để chỉ thấy nơi ông một công dân Vĩnh Thụy đầy lòng yêu
nước.
Năm 1946, khi Cựu Hoàng đang thong dong với đời sống tự do
của một công dân thì ông Hồ Chí Minh, vì gặp nhiều khó khăn chống đối, nên muốn
nhường quyền lại cho ông để ông hứng chịu những hậu quả đen tối của tình thế.
Tuy nhiên ông Bảo Đại đã không tham quyền tham danh để bị mắc mưu. Ông kể
chuyện này cho ông Phạm Văn Bính nghe khi ông Bính đến gặp ông ở một biệt thự
tại đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Lúc bấy giờ, ông Bính đang là cộng sự viên
của ông Nguyễn Tường Tam và đang hoạt động cho phong trào Ngũ Xã, một phong
trào chống Cộng do bác sĩ Phan Quang Đán cầm đầu).
Cựu Hoàng mỉm cười bảo tôi:
Tôi đã nhã nhặn nhưng cương quyết từ
chối. Cụ Hồ khôn ngoan quá mức. Một là Cụ thử lòng tôi còn ham chính quyền
không, hai là Cụ muốn trút lên đầu tôi những sự khó khăn hiện tại.
Cụ thấy sinh viên, thanh niên và dân
chúng biểu tình đòi Việt Minh trả lại chính quyền cho tôi. Cụ làm như Cụ dân
chủ tột bực. Cụ biết nội các nào cũng không qua nổi mặt Việt Minh, và một khi
nội các Vĩnh Thụy không làm được gì cho quốc dân đồng bào, thì sinh viên, thanh
niên đang ủng hộ tôi sẽ chán nản và không còn tín nhiệm tôi nữa.
Tôi đã thoái vị để được hưởng tự do
của một người công dân, chẳng lẽ tôi tham một chức Thủ tướng làm bù nhìn cho Cụ
Hồ hay sao? [19]
Vai trò Cộng Sản quốc tế của ông Hồ Chí Minh lần lần hiện rõ
nên lợi dụng chuyến đi Trùng Khánh, khi trở về, vua Bảo Đại đã ở lại luôn Hồng
Kông. Sau đó, theo lời kêu gọi của người Quốc gia, ông đứng ra thương thuyết
với đại diện của Pháp, ông Bollaert, Cao ủy của Pháp tại Đông Dương.
Kể về giai đoạn này, ông Đoàn Thêm, một nhà văn nổi tiếng,
một cựu Đổng lý Văn phòng của Bộ Phủ Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa, đã viết:
“Ngày 15-5-1947 và
ngày 10-9-1947 tại Hà Đông, ông Ballaert đọc diễn văn hứa hẹn thừa nhận trên
nguyên tắc sự độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Y cũng biết rằng những nhân vật
được mời ra hợp tác đều mắc tiếng bị mua chuộc nên không được ủng hộ, nên y kêu
gọi tất cả đoàn thể các gia đình tinh thần (famille spirituelle).
Khốn nỗi,
các gia đình ấy lại chia rẽ, lục đục, hoặc chưa có dịp xum họp để tìm đường lối
chung. Nếu nói chuyện với từng nhà thì chỉ thấy những thành kiến, những ý niệm
cố chấp, những quyền lợi tương phản. Vậy phải tìm một nhân vật nào sẵn uy tín,
được toàn quốc biết tên tuổi, đứng trên các đảng phái để liên lạc, quy tụ các
phe nhóm địa phương rồi chính thức đàm thoại với Pháp. Tất nhiên người đó lại
phải có thái độ ôn hòa, có dĩ vãng đáng tin cậy, thực lòng thừa nhận cho Pháp
những quyền lợi quan trọng mà Pháp phải huy động toàn lực để duy trì.
Đủ các
điều kiện ấy thì ai cũng thấy chỉ có Cựu Hoàng Bảo Đại… Tại Việt Nam, báo Thời Sự của nhóm Nghiêm Xuân Thiện,
Trần Trung Dung ở Hà Nội là một trong những tờ báo đầu tiên đưa ra ý kiến thỉnh
Cựu Hoàng về nước lãnh đạo quốc gia và để chống Cộng. Rồi nhiều cuộc biểu tình
khá lớn đã tiếp diễn như ở Huế ngày 12-8-1947, ở Hà Nội ngày 1-9-1947, và cả ở
Sài Gòn để ủng hộ và yêu cầu Cựu Hoàng đứng ra cứu vãn thời cuộc…
Trước sự
ủng hộ nồng nhiệt của quốc dân và của mọi giới nhân sĩ, Bảo Đại mới lên tiếng
với phóng viên ngoại quốc: “Nếu quả thật quốc dân còn tín nhiệm thì ông sẵn
sàng đàm phán với Pháp”. Kế đó, ông nhận lời mời của Bollaert tới gặp Cao ủy
tại vịnh Hạ Long (6-12-47) trao đổi ý kiến rồi lại trở về Hương Cảng…
Sau một
thời gian trả giá, cuộc thương thuyết ngày 5 tháng 6 năm 1948 đi đến một thỏa
thuận: “Bollaert nhân danh chính phủ Pháp long trọng tuyên bố thừa nhận Việt
Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp”. Cựu Hoàng xác nhận chính thức hóa việc điều
đình với Pháp trên căn bản đó và chính phủ trung ương lâm thời của tướng Nguyễn
Văn Xuân ra đời [20].”
Mặc dầu đã xác nhận chính thức đứng ra thương thuyết với
Pháp, nhưng vua Bảo Đại cũng tự biết những nhược điểm và ưu điểm của mình cho
nên ông đã tỏ ra rất khôn ngoan cẩn trọng trong việc đấu tranh cho đất nước.
Ông biết người Pháp cần ông ta làm người đối thoại, nhưng ông cũng biết người
Pháp sẵn sàng phản bội để quay về thỏa hiệp với lực lượng của ông Hồ Chí Minh.
Ông biết chống Cộng Sản là điều tối quan trọng của phe quốc gia, nhưng ông cũng
biết phải làm thế nào để thỏa mãn ý nguyện tối thiểu của quốc dân, cho nên sau
thỏa ước vịnh Hạ Long, ông tiếp tục ráo riết đấu tranh với Pháp một cách can
đảm (bravely) và khôn khéo (skillfully) để tạo cái thế đứng vững chắc cho ông
và cho phe quốc gia chống Cộng sau này như Buttinger đã nói rõ [21].
Dù chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra đời (27-5-48), vua Bảo Đại
vẫn chưa chịu về nước mà tiếp tục kiên nhẫn đấu tranh để đạt cho bằng được hai
mục tiêu: thứ nhất là thống nhất ba kỳ mà đặc biệt là sát nhập Nam Kỳ vào cộng
đồng quốc gia (là điều kiện mà lực lượng hữu phái của Pháp và “nhóm ly khai Nam
Kỳ quốc” vẫn ngoan cố chống đối), và việc thứ hai là nước Pháp phải chính thức
thừa nhận nền thống nhất và độc lập của Việt Nam. Ông đi Pháp và qua bao nhiêu
vận động khó khăn, cuối cùng, một hiệp ước chính thức ra đời (ký kết ngày
8-3-1949) giữa ông và Tổng thống Pháp Vincent Auriol. Dù vậy, ông vẫn chờ đợi
cho việc thống nhất ba kỳ thật sự hoàn thành rồi ngày 13-6-49 ông mới chịu trở
về nước và chính thức giữ chức quốc trưởng.
Khách quan nhìn lại khung cảnh phức tạp của lịch sử lúc bấy
giờ với hai lực lượng ưu thế nhất đang tranh giành quyền làm chủ nước Việt Nam
mà một bên là bộ máy viễn chinh Pháp có binh hùng tướng mạnh, có một tập đoàn
tay sai bản xứ trung thành, có một mẫu quốc to lớn yểm trợ… và một bên, lực
lượng kháng chiến Việt Nam có đảng Cộng Sản lãnh đạo, có đại đa số quần chúng
sẵn lòng hy sinh, có thế lực Cộng Sản quốc tế làm hậu phương lớn… thì, trong
cái thế gọng kìm nghiệt ngã đó, nếu không có vua Bảo Đại với ý thức trách nhiệm
(dù chưa thật sự toàn vẹn), với khả năng ngoại giao (dù chưa thật sự đủ khôn
khéo) để đấu tranh với cả Pháp lẫn Việt Minh để tạo một thế đứng cho phe
quốc gia, để khai sinh lá cờ vàng ba sọc đỏ, thì thử hỏi số phận những
người chống Cộng sẽ đi về đâu? Vào bưng thì bị Cộng Sản vận dụng, dinh Tề thì
trở thành Việt gian, nhắm mắt bịt tai làm kẻ đui điếc thì mang tội hèn nhát với
lịch sử trong khi Việt Minh đã giành lấy mất chánh nghĩa dân tộc, trong khi
thực dân Pháp đang giành độc quyền chống Cộng để thực hiện chủ trương tái xâm
lăng của De Gaulle như lời tuyên bố của ông ta trong bài diễn văn đọc tại
Brazzaville (Congo) năm 1944. Cho nên lá cờ chống Cộng của vua Bảo Đại phất
lên, cho nên chính quyền Việt Nam (quốc gia) mà vua Bảo Đại là biểu tượng, nếu
chỉ thực sự phản ánh đúng đắn mà chưa đầy đủ ước nguyện và vị thế của các lực
lượng thì ít nhất, trong giai đoạn đó, cũng đã đặt nền móng và cũng đã phân
định biên cương cho sự hiện diện của một lực lượng “đả Cộng chống Pháp” mà, ít
nhất trên mặt quốc tế, đã được các cường quốc và tòa thánh La Mã Vatican công
nhận.
Nếu cho rằng không có ông Bảo Đại thì cũng sẽ có một nhân
vật khác thoát thai từ lực lượng này để điền vào chỗ trống đó của lịch sử, thì
xin hỏi nhân vật đó là ai? Những chánh khách thân Pháp ư ? Những chính trị gia
trong “gia đình tinh thần” được khối Thiên Chúa giáo quốc tế công nhận ư? Ông
Đoàn Thêm đã trả lời rồi nhưng ở đây tôi cũng xin liệt kê thêm một số nhân vật
mà lập trường và tư thế có nhiều triển vọng để xem họ có đóng được vai trò lịch
sử đó không?
Đó là các lãnh tụ cách mạng, các lãnh tụ đảng phái đã lần
lượt bị sa lưới Việt Minh hay đã bị tê liệt chính trị, không còn một phương thế
nào tạo nổi một chủ lực, một hậu thuẫn để đương đầu với ông Hồ Chí Minh hoặc
với Pháp, hoặc với cả hai. Cụ Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Việt Cách, các ông Vũ
Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, lãnh tụ Việt Quốc, đều đã bỏ sang Tàu khi không
chống nổi Việt Minh dù có quân Lư Hán yểm trợ. Lãnh tụ Đại Việt Trương Tử Anh
đã bị Việt Minh sát hại ngay tại Hà Nội năm 1946, lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A cầm
quân kháng Cộng một thời gian ngắn rồi mất tích luôn ở vùng Hòa Bình Bắc Việt.
Lãnh tụ Đệ Tứ Quốc Tế, ông Tạ Thu Thâu, bị Việt Minh âm mưu sắp đặt cho dân
quân Quảng Ngãi giết trên đường vào Nam. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của lực lượng
Hòa Hảo từng tỏ thiện chí hợp tác với Việt Minh cũng bị lừa và bị giết trong
chiến khu Nam Bộ năm 1947. Lãnh tụ Cao Đài, ông Nguyễn Văn Sâm, thì bị Việt
Minh giết ngay khi họ vừa cướp chính quyền năm 1945. Còn Đức Hộ Pháp Phạm Công
Tắc, giáo chủ Cao Đài, thì bị Pháp đày ra đảo Comores từ 1940, mới được thả về
năm 1946 và vẫn bị Pháp canh chừng. Những trí thức nhân sĩ có thể làm lãnh tụ
hàng nhì thì hoặc là đã chạy theo Việt Minh hoặc là giữ thái độ trùm chăn, cầu
an, chờ thời. Ngay như ông Ngô Đình Nhu có thù máu với Cộng Sản mà cũng chỉ tìm
đường trốn về Thanh Hóa rồi qua Lào để cuối cùng về sống an nhàn ở Đà Lạt, và
làm một chính khách xa lông đợi thời. Ông Ngô Đình Diệm, lãnh tụ của phe Công
giáo, là người có tên tuổi thế mà sau khi được ông Hồ Chí Minh trả tự do, dù có
mối thù không đội trời chung với ông Hồ Chí Minh và Việt Minh, cũng chỉ biết về
sống tại Sài Gòn, Đà Lạt, trong vùng Pháp chiếm đóng cho đến cuối năm 1947 mới
qua lại Hồng Kông để yết kiến Cựu Hoàng mong chống Cộng bằng giải pháp Bảo Đại.
Theo giáo sư Buttinger, thì chính ông Ngô Đình Diệm lần đầu tiên đã đứng chung
trên một mặt trận do ông Lê Văn Hoạch thành lập vào năm 1947, gồm nhiều nhân
vật Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Quốc, Đại Việt, Công giáo và một số người Phật giáo
để ủng hộ vua Bảo Đại. Buttinger lại còn cho biết rằng trước khi Cựu Hoàng Bảo
Đại thành công trong việc xây dựng những cơ sở pháp lý và các điều kiện chính
trị thuận lợi cho một nước Việt Nam qua thỏa ước Vịnh Hạ Long vào tháng 5 năm
1948, ông đã phái ông Ngô Đình Diệm về Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1948 để
thương thuyết trước với Pháp mà ông Diệm không hoàn thành nổi công tác này.
Ngoài các lãnh tụ trên đây còn phải kể đến bác sĩ Phan Quang
Đán và Đức Giám mục Lê Hữu Từ.
Trong những năm đói (trước và sau năm Ất Dậu), bác sĩ Đán
cầm đầu phong trào khất thực để cứu giúp đồng bào. Sau khi Việt Minh cướp chính
quyền, ông dám ngang nhiên thành lập Phong Trào Ngũ Xã gần hồ Trúc Bạch Hà Nội để
chống lại lực lượng võ trang Việt Minh. Phong Trào Ngũ Xã không theo Pháp,
không dựa vào quân đội Trung Hoa, chỉ là một phong trào nhân dân chống Cộng. Tờ
báo Thiết Thực của Phong Trào đã gây phấn khởi cho nhiều người quốc gia,
đã phổ biến vào tận miền Trung. Khi cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp xảy ra
vào tháng Chạp năm 1946 thì Phong Trào mới tan rã.
Trái: Bác sĩ Phan Quang Đán (trong cuộc vận động
tranh cử Tổng thống năm 1967)
Phải: Giám mục Tađêo Lê Hữu Từ đang duyệt hàng quân
Tổng bộ Tự vệ Công giáo
của Linh mục Hoàng Quỳnh tại Phát Diệm (1948)
Còn Giám mục Lê Hữu Tư, lúc đầu làm Cố vấn Tôn giáo cho ông
Hồ Chí Minh nhưng sau đó đã viết thư luân lưu lên án Việt Minh là Cộng Sản, rồi
giữ vùng Phát Diệm trong thế tự trị cho đến ngày Quốc trưởng Bảo Đại về nước
cầm quyền năm 1949, ông mới xin sát nhập vùng Phát Diệm vào cộng đồng quốc gia
và triệt để ủng hộ Quốc trưởng.
Nêu tên tuổi và trường hợp tất cả các lãnh tụ ra, nhất là
trường hợp ông Ngô Đình Diệm, người sau này truất phế vua Bảo Đại, là để chứng
minh rằng ông Bảo Đại quả thật là một con cờ, nhưng là một con cờ cần thiết
độc nhất cho giai đoạn 1948-1954 không ai thay thế được. Chỉ tiếc rằng
con cờ đó đã không được lực lượng quốc gia sử dụng một cách khôn khéo. Nếu
không muốn nói rằng ông Bảo Đại là vị cứu tinh cho phe quốc gia trong giai đoạn
và bối cảnh đất nước lúc bấy giờ thì ít nhất ông cũng đã có công làm kẻ lót
đường cho người quốc gia có đất đứng để tiếp tục cuộc hành trình chống Cộng
sau 1954. Vua Bảo Đại đã đóng đúng vai trò cần thiết và bi hùng của ông trong
một giai đoạn lịch sử khó khăn đến vậy.
Mặc dù mang tiếng là người thân Pháp, nhưng trong thời gian
làm Quốc trưởng, ông vẫn tỏ rõ phong cách và thái độ một lãnh tụ quốc gia. Ông
trọng dụng những phần tử cách mạng, các nhân sĩ có thành tích yêu nước, các
nhân tài trí thức, ông không phân biệt chia rẽ đảng phái, không kỳ thị tôn
giáo. Gia đình của ông không mang tiếng tham nhũng khủng khiếp như các chế độ
sau ông. Ông đã tỏ rõ tư thế một vị Quốc trưởng của một quốc gia độc lập, làm
cho chính tướng De Lattre De Tassigny vừa là Cao ủy vừa là Tổng Tư lệnh quân
đội Pháp, tuy hết sức bất mãn nhưng vẫn kính trọng.
Sau năm năm lãnh đạo quốc gia, ông Bảo Đại đã xây dựng được
những gì? Theo ông Đoàn Thêm thì chế độ Bảo Đại đã để lại nhiều thành quả,
nhiều định chế mà giá trị vẫn còn được các chế độ sau mặc nhiên thừa nhận,
nghĩa là thừa hưởng, và duy trì như:
- Từ 1949, sau khi được một số khá đông cường quốc công
nhận, Việt Nam mới bước chân ra chính trường ngoại giao và tuy chưa thể vào
Liên Hiệp Quốc vì sự ngăn trở của Nga Sô, nhưng cũng đã được gia nhập vào 35 cơ
quan quốc tế.
- Hoa Kỳ đặt phái bộ viện trợ quân sự từ ngày 6-3-50 và ký
hiệp ước tương trợ với Việt Nam ngày 7-9-1951, đồng thời viện trợ kinh tế và
cứu trợ cho Việt Nam.
- Quân đội quốc gia được thành lập và phát triển mau lẹ: Từ
5 tiểu đoàn (1950) lên 26 tiểu đoàn (1951) và vào năm 1953 gồm 167.000 binh sĩ
với 3.500 phụ lực quân. Các cấp chỉ huy được đào tạo tại các trường Võ Bị Liên
Quân Đà Lạt, khai giảng ngày 5-11-1950, trường Cao Đẳng Võ Bị thành lập ngày
25-6-1950, trường Quân Y ngày 7-8-1950, trường Không Quân ngày 24-6-1951, và
Hải Quân ngày 1-1-1952. Các tổ chức khác cũng được thành lập như Tòa Án Quân
Sự, Bộ Tổng Tham mưu, nhiều luật lệ quân sự cũng được ban hành như: Quy chế
quân đội, chế độ quân dịch, thể thức sát nhập các lực lượng giáo phái vào quân
đội quốc gia (10-4-1954).
- Tổ chức Tư Pháp và các tòa án.
- Hành chánh địa phương.
- Giáo dục, Văn hóa: Trường đại học Văn Khoa, Sở Bảo Tồn Cổ
Tích, trường Cao Đẳng Sư Phạm, Văn Hóa Nguyệt San.
- Kinh tế, xã hội: Bộ Luật Lao Động, Bộ Luật Cải Cách Điền
Địa.
- Các tổ chức chuyên môn: Viện Thống Kê, Việt Nam Thông Tấn
Xã, Quốc gia Kiến Ốc Cục và Vé số Kiến Thiết Quốc Gia, Sở Du Lịch Quốc Gia,
Công ty Hàng Không Việt Nam, trùng tu Điện Lực Cuộc, trường Quốc Gia Hành
Chánh.
- Quy chế Nghiệp Đoàn, Chế độ Bảo vệ quyền phát minh và sáng
chế công nghệ, chế độ Phim ảnh và Quay phim.
- Các thiết bị và Quy chế quan trọng: Bảo Quốc Huân Chương,
Anh Dũng Bội Tinh, ngày Phụ Nữ Việt Nam, Quy Chế Công Chức Quốc Gia, Quy Chế
các Hiệp Hội, Quy Chế Thể Thao, Thanh Niên, Quy Chế Hàng Hải, Chế độ Thuê nhà
và quyền lưu cư. Bộ Luật thuế Trực thu và Gián thu.
Ông Đoàn Thêm cho rằng người ta đã vô tình hay hữu ý thổi
phồng những khuyết điểm, những thất bại của ông Bảo Đại một cách quá đáng, đã
mô tả cuộc đời và sự nghiệp của ông Bảo Đại một cách lố lăng mà không nghĩ đến
hoàn cảnh khó khăn của đất nước dưới thời ông Bảo Đại, so với hoàn cảnh dễ dàng
hơn của thời ông Ngô Đình Diệm. Thậm chí người ta đã dễ dàng gắn cho Bảo Đại là
trụy lạc dâm ô, trong lúc Bảo Đại lấy vợ hầu chỉ là để đền ơn trả nghĩa cho một
người đàn bà đã từng giúp đỡ ông trong khi ông đang bôn ba ở Hồng Kông.
Theo ông Đoàn Thêm, người ta chỉ trích vua Bảo Đại mà quên
đi công lao to lớn của ông ta. Trước hết, nếu
không có vua Bảo Đại thì người Quốc gia chưa chắc đã còn hiện diện trong cuộc
tranh chấp Pháp – Cộng, lại nữa, trong lúc đầu, tuy ông chỉ giành được một
nền độc lập trong Liên Hiệp Pháp, nhưng trước khi Việt Nam bị chia đôi bởi hiệp
ước Genève, ông đã cương quyết đòi cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập và bình
đẳng với nước Pháp qua hai Hiệp ước Độc lập (Traité d’Indépendence) và Hiệp ước
Liên kết (Traité d’Association). Nhờ hai hiệp ước đó mà ông Ngô Đình Diệm thừa
hưởng chủ quyền trọn vẹn trên một nửa đất nước sau này.
Nói tóm lại, sau 8 năm đấu tranh và 5 năm lãnh đạo, vua Bảo
Đại đã tạo dựng cho phe quốc gia, phe chống Cộng ba thành quả cơ bản to lớn:
(1) Một quốc gia với thế đứng hợp pháp, (2) Một nền độc lập và thống nhất toàn
vẹn, (3) Nhiều cơ sở về ngoại giao, hành chánh, kỹ thuật, văn hóa làm nền tảng
cần thiết cho sinh hoạt quốc gia.
So sánh hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, ông Đoàn Thêm sau
khi nói về công tội của vua Bảo Đại, đã chê trách ông Diệm nhiều điều mà điều
quan trọng nhất là thiếu đạo đức và tài trí để làm một nhà lãnh đạo.
Phê phán những nhà lãnh đạo là một việc làm hết sức tế nhị
mà nếu nhầm lẫn thì hậu quả sẽ không những nguy hiểm cho mình mà còn cho hậu thế
nữa. Muốn tỏ tấm lòng vô tư và tinh thần khách quan của mình, sau khi nêu lên
những sự kiện lịch sử, những dẫn chứng rõ ràng, ông Đoàn Thêm đã đưa ra những
phân trần để tránh ngộ nhận: “… Song đối
với kẻ đem tâm thành mà tìm hiểu việc nước, thiết nghĩ “bình tĩnh nhận xét” là
điều kiện ưu tiên để tới gần sự thật. Nên tôi đã lặng lẽ kiểm điểm một mình
công cuộc của ông (Bảo Đại) và của
một lớp người, để tự soi sáng cho tôi. Vì đối với bất cứ nhân vật nào, chánh
thể nào, tôi không muốn nghĩ ác vì tưởng lầm, hoặc nói ác vì không biết rõ”
[22].
Ông Đoàn Thêm là một nhà hành chánh kinh nghiệm và có thực
tài, một công chức cao cấp đã từng làm việc với nhiều chế độ từ thời Pháp thuộc,
qua chế độ Quốc trưởng Bảo Đại, đến chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông không
thuộc một đảng phái nào mà chỉ là một công chức tận tâm và kỷ luật, liêm chính
và cương trực, đứng trên những mâu thuẫn phe phái để ghi nhận các biến cố lịch
sử. Nhưng quan trọng hơn cả, ông cũng là một nghệ sĩ đa tài, cả văn lẫn thơ lẫn
hội họa, vốn là những chất liệu hun đúc nên một tâm hồn luôn luôn đối nghịch
với cái gì xấu xa, bất thiện. Tôi không quen biết nhiều ông Đoàn Thêm nhưng vốn
có ít nhiều hiểu biết về ông Bảo Đại, về ông Ngô Đình Diệm và đã từng sống và
làm việc dưới cả hai chế độ, nên tôi nhận thấy tác phẩm “Những Ngày Chưa
Quên” sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn biết về giai đoạn lịch sử 30
năm Việt Nam chiến tranh Quốc Cộng, viết bởi một người quốc gia mang nhiều tâm
tư cố tìm hiểu lịch sử. Ông không cố tình bóp méo lịch sử như ông Cao Thế Dung
hay bà Margueritte Higgins, ông không lợi dụng viết hồi ký để xuyên tạc và bôi
lọ người khác như Linh mục Cao Văn Luận, ông Nhị Lang, ông Nguyễn Văn Chức, ông Nguyễn Trân…
Để tóm tắt lại trường hợp của ông Bảo Đại, vị vua cuối cùng
của triều Nguyễn, của chế độ quân chủ tại Việt Nam, thì kể từ lúc tức vị (1932)
cho đến năm bị truất phế (1955) là 24 năm chịu trách nhiệm trước quốc dân và
trước lịch sử, ông Bảo Đại quả thật đã mang đầy đủ vóc dáng của một vị nguyên
thủ quốc gia vào lúc mạt vận, nghĩa là có đầy đủ khuyết điểm của một vị lãnh
đạo không có thực quyền và không có thực tài để hoán chuyển định mệnh. Nhưng
ông cũng có đầy đủ những công lao của một nhân vật lịch sử trong giai đoạn giao
thời, là xây dựng cơ sở cho giai đoạn kế tiếp chứ không đạp đổ những nền móng
cơ bản để gây xáo trộn cho kẻ thừa kế.
Khi công dân Vĩnh Thụy đứng dậy, ông đã chứng tỏ được lòng
yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộc và tiền đồ tổ quốc.
Khi trở thành kẻ thất bại (dù là thất bại trước đối thủ thực dân Pháp hay cựu
thần Ngô Đình Diệm) ông vẫn giữ được cái phong thái lãnh đạo trong cách hành xử
chững chạc cũng như trong thái độ quân tử an nhàn. Giai đoạn nào thì có nhân
vật đó, chỉ khen vua Bảo Đại mà không
biết đến tội của ông hay chỉ chê mà không biết đến công của ông thì quả thực
bất công. Tôi không có khả năng và cũng không có ý định phê phán ông, nhưng
chẳng qua vì muốn bắt chước người xưa, nói thẳng những điều mình biết để đóng
góp vào sự thật cho những người làm công việc viết sử sau này mà thôi.
Vì thật ra, có lẽ chính ông Bảo Đại cũng không màng những
lời phê phán đó khi mà hoàn cảnh của ông cũng như của đất nước đã là những thảm
trạng tột cùng của sự đau khổ.
CƯỚC CHÚ:
bạn có biết rằng dấu hiệu sắp sinh của bà bầu đang rất được quan tâm. Cách chăm sóc da LÚC mang thai chúng ta cần có một Chế độ dinh dưỡng lúc mang thai tháng thứ 8 và chúng ta thì mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì? và nếu như vậy thì nên uống collagen trong bao lâu thì có hiệu quả chúng ta bị lão hóa da thì nên nên uống collagen vào lúc nào mẹ em đã đứng tôi nếu tuổi nào nên uống collagen
Trả lờiXóa