MƯU TÍNH ĐƯA NHẤT LINH VÀO NHÀ THƯƠNG ĐIÊN
Vũ Cầm
Bài “Chúc thư văn học của Nhất
Linh: Một cái chết định sẵn” của Nguyễn Văn Lục đăng trên VietWeekly
ra ngày 20 tháng 3, 2008 là một “công trình nghiên cứu” rất lạ, không ra
văn học, cũng chẳng giống y học (mặc dù có trưng ra vài từ y học), với một cung
cách trình bày ngoắt ngoéo nhiều hậu ý.
Xin nói thẳng ra nhận xét chung đầu
tiên: đây là một bài làm ra vẻ nghiên cứu, nhưng mục đích chính là để bôi đen
chân dung một bậc hào kiệt của Việt Nam, chỉ vì người ấy dùng cái chết của mình
chống đối chế độ Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Và chống đối có kết quả: chỉ mấy
tháng sau khi Nhất Linh tự tử, chế độ Diệm đã nhào đổ. Giai đoạn lịch sử ấy đã
lùi xa cách đây 45 năm, bây giờ thì người ta có thể nhìn lại mọi sự một cách
khách quan hơn, đánh giá lại nhiều sự việc. Chẳng hạn bản thân người viết những
dòng này lúc đó là một học sinh Ðệ nhất Chu Văn An, đã cùng chúng bạn bãi khóa,
biểu tình chống chính phủ để bênh vực Phật giáo với một lòng sục sôi căm ghét
ông Diệm và gia đình ông; bây giờ lớn tuổi rồi, nhìn lại cá nhân ông Diệm thấy
nhiều điểm đáng kính trọng, thấy thương ông. Nhưng đối với chế độ của ông thì
nhận định của tôi vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn thấy nó tệ hại, không đoàn kết
được (thực chất thì không bao giờ muốn đoàn kết) với các phần tử quốc gia uy
tín khác chính kiến. Giết chóc, tù đày những thành phần quốc gia ưu tú là việc
chế độ này đã làm, một cách liên tục trong chín năm cầm quyền. Nghĩ thật cám cảnh
cho những chiến sĩ quốc gia chân chính trong truyền thống kẻ sĩ Việt Nam, phía
bên kia thì bị phe cộng sản quốc tế giết hại, phía bên này thì bị chính quyền của
một ông Tổng thống Thiên Chúa giáo trừ khử. Bi kịch này, mong có một dịp sẽ thảo
luận kỹ hơn.
Ông Nguyễn Văn Lục, dưới cái áo
khoác “nghiên cứu”, cố gắng phục hồi chế độ Diệm, không bằng lời lẽ ca tụng chế
độ ấy, mà theo cách bôi đen những ai chống đối nó. Những kẻ cùng chí hướng với
ông đã lắm phen nhục mạ tướng Dương Văn Minh và các tướng lãnh chủ mưu cuộc đảo
chánh; dựng nên một màn hỏa mù cho người ta thấy, bằng những chứng cớ hoàn toàn
bịa đặt, rằng tất cả các nhà sư tranh đấu hồi 1963 toàn là cán bộ cộng sản; thậm
chí đã phao cái bí mật động trời này: trong các chùa có một bài thuốc bắc, khi
uống vào thì toàn bộ hệ thống thần kinh con người bị tê liệt, và Thích Quảng Ðức
đã được cho uống thang thuốc ấy trước khi tự thiêu. Họ hy vọng hình ảnh đại
hùng, đại lực, đại từ bi trong truyền thống Phật giáo bỗng dưng sẽ bị xóa đi,
làm tầm thường hóa đi, với cái bài thuốc quái đản này, thì cũng không khác hình
ảnh “nướng thịt” do bà Ngô Ðình Nhu sáng tác ra. Những gì thuần túy có gốc rễ
sâu xa của tâm thức Việt Nam có vẻ bị khinh miệt quá đáng bởi những yếu tố ngoại
nhập, có thể vì ý thức ngoại lai thì không thể nào cảm nhận thấm thía được những
giá trị truyền thống nghìn đời của một dân tộc.
Luận đề chính của ông Nguyễn Văn
Lục là chứng minh nhà văn Nhất Linh không phải đã tự tử để lên án chế độ Diệm,
mà đó là một cái chết đã được định sẵn, đến đúng thời điểm, hội đủ duyên thì nó
xảy ra, thế thôi. Nếu thành công trong biện luận này, thì sẽ có một hệ luận tự
nhiên hiện ra: chế độ của cụ Diệm rất tốt, nhà văn, nhà cách mạng nổi tiếng vào
bậc nhất của Việt Nam là Nhất Linh đâu có chống đối gì chế độ ấy, chẳng qua ổng
bị bệnh tâm thần mà tự tử vậy thôi.
Ông Lục đã làm một cuộc mổ xẻ rất
“khoa học,” bằng cách trích dẫn tất cả những đoạn nói về nỗi buồn khổ thầm kín
của Nhất Linh để làm tiền đề cho sự chẩn đoán của ông. Ðọc chúc thư văn học Nhất
Linh viết đêm giao thừa Quý Tỵ 1953, trong đó có đượm vẻ bùi ngùi vì nhớ đến sự
nghiệp xưa và các văn hữu đã khuất, ông Lục phê ngay: “Không khí chúc thư cho ta có cảm tưởng như thể của một người sắp ra đi,
muốn nhắn nhủ lại (…) Trong bản
chúc thư (…) đã có điểm dự báo về cái chết không tránh khỏi của ông sau này (…)
Dẫn dần tới cái chết như một thứ định mệnh an bài. Không xảy ra cách này thì
cũng xảy ra cách khác.” Trời đất, chẩn bệnh kiểu này thì nhìn đâu mà chẳng
thấy “cái chết không tránh khỏi”! Chỉ một nỗi buồn nhớ rất thông thường trong
giây phút giao thừa là giây phút nhiều cảm xúc tụ về, thế mà nhà phân tâm này
đã đoán người này trước sau gì cũng chết! Thật chẳng khác gì cách nói của thầy
bói: “Số cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông…, sinh con đầu lòng chẳng
gái thì trai…” Ðấy, mầm mống “ý định tự tử” của Nhất Linh đã manh nha một cách
dứt khoát và rõ rệt như thế!
Rồi đến dẫn chứng lời kể của Nguyễn
Tường Thiết rằng đã nghe Nhất Linh khóc trong đêm khuya, con mắt mọng nước của
Nhất Linh theo trí nhớ của Nguyễn Thị Vinh v.v… đã giúp Nguyễn Văn Lục kết luận
một cách chắc nịch rằng nhà văn đã bị bệnh tâm thần. Ðúng là Nhất Linh có nhiều
nỗi buồn của riêng ông, mà với tâm hồn mẫn cảm của một nhà văn thì hẳn những nỗi
buồn ấy càng lớn lao, nhưng gọi liền đó là bệnh tâm thần và kết luận “phải tự tử”
thì ông thầy thuốc này chắc đã uống một thang thuốc… liều. Bởi vì Nhất Linh
không phải là một người suốt đời buồn rũ rượi, không phải “thoạt đầu khi làm
báo, ông lấy tên báo là Tiếng Cười, nhưng cả cuộc đời ông chỉ là những
tiếng khóc” như Nguyễn Văn Lục đã chơi chữ để mô tả tính chất của ông. Hoàn
toàn không phải như thế, Nhất Linh là một người rất hoạt động: khi làm báo, đã
theo một phong cách vô cùng linh hoạt và hài hước, tờ Phong Hóa và Ngày
Nay có văn phong trong sáng vui vẻ, nhiều vui cười và tranh hí họa; thấy
dân nghèo cuộc đời lầm than, ông tổ chức hoạt động xã hội, làm nhà ánh sáng cho
dân; thấy nước nhà bị thực dân đô hộ, bèn đi hoạt động cách mạng để mưu tìm tự
do cho dân tộc; ngay trong hoàn cảnh ẩn dật ông vẫn sống tích cực: vào rừng tìm
lan, chơi nhạc, viết tiểu thuyết, xây dựng “ngôi nhà mơ ước”… Nhưng rồi ông đã
hạ san, hoạt động văn hóa và chính trị trở lại, để đấu tranh với một chế độ quá
nặng về gia đình và tôn giáo, không tạo được sự đoàn kết quốc gia. Một con người
đầy ắp năng lực như thế mà dám bảo tâm thần suy nhược, lúc nào cũng chực tự tử!
Ấy là vì ông Lục đã có chủ đích trước, kết luận đã có rồi, ông lặn lội đi tìm
những chứng cứ để chứng minh cho cái định đề đã ra sẵn của mình, và dĩ nhiên
ông sẽ lờ đi những yếu tố ngược lại, là sức sống tích cực trong con người Nhất
Linh.
Ông viết: “Thất bại của ông thì nhiều, trải dài trong suốt cuộc đời làm chính trị
khiến ông bị căn bệnh trầm uất triền miên. Depressive psychosis với ba giai đoạn phát triển tuần tự của bệnh từ
Suicidal ideation, suicidal planning và cuối cùng suicidal attempt. Từ ý tưởng
sang kế hoạch và sau cùng là thi hành.”
Tôi không tin ông Lục hiểu biết
nhiều về bệnh lý học của bịnh tâm thần, ông chỉ lấy một ít kiến thức phổ thông
qua sách vở, báo chí rồi đem “ứng dụng” vào một ca mà ông tự cho là mình hiểu rất
rõ, rõ đến độ đã kết luận chắc nịch còn hơn thầy thuốc nữa!
Ông lại còn mang cuốn Bướm trắng
ra để chứng minh cho lập luận của ông, chỉ vì trong đó nhân vật Trương trong một
trạng thái tuyệt vọng đã nghĩ đến chuyện tự tử. Bướm trắng là một cuốn
tiểu thuyết phân tích tâm lý hay nhất của Nhất Linh và cả của văn học Việt Nam,
không làm gì có cái sắc thái u ám như ông Lục đã viết: “Ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông,
bàng bạc trong các tác phẩm của ông,
rõ rệt nhất là trong truyện Bướm
trắng.” Phân tích nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, trong đó có cả ý định
tự tử của nhân vật vào một thời điểm không lối thoát, thì thiết tưởng nhà viết
tiểu thuyết nào cũng có thể làm, ấy vậy mà ông Lục bám ngay vào chi tiết này,
dùng nó làm công cụ để chứng minh cho luận đề “Nhất Linh muốn tự tử” của ông,
tôi thấy ông Lục đã đi quá xa, trước sau ông bị một cái định kiến bám chặt vào
đầu và chỉ chăm chăm đi tìm hai chữ “tự tử” trong bất cứ thứ gì Nhất Linh viết.
Một người thưởng thức văn học bình thường thôi, chứ khoan nói là nghiên cứu văn
học, không thể có một thái độ như vậy. Hơn nữa, nhận xét “ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông,
bàng bạc trong các tác phẩm ông” có phải là điều có thật không? Nhưng ai đã
đọc Nhất Linh, từ Ðoạn tuyệt, Lạnh lùng, Ðôi bạn, Nắng thu, Ði Tây, Hai buổi
chiều vàng, Bướm trắng v.v… của giai đoạn Tự lực Văn đoàn, rồi Xóm Cầu Mới,
Giòng
sông Thanh Thủy của thập niên 1950, 60, có nhận ra điều mà ông Lục
nói không? Với tư cách một độc giả bình thường, tôi phải khẳng định ngay rằng
ông Lục đã nói ra những điều bịa đặt. Tác phẩm văn học của Nhất Linh, từ giai
đoạn luận đề đả phá cái cũ, cổ xuý cái mới, cho đến giai đoạn đi sâu vào phân
tích tâm lý, rồi mô tả cuộc sống phong phú muôn mặt chung quanh, đều trong
sáng, tích cực, luôn cố gắng đạt đến chỗ cao hơn của nghệ thuật tiểu thuyết, chứ
không hề bàng bạc về sự tự hủy, về cái chết (mặc dù tính cách này, giả dụ nếu
có thật nơi một tiểu thuyết gia thì cũng không phải là một cái gì đáng chê
trách, nếu ông hay bà ta viết hay).
Ông Lục đúng là đã “chẩn bệnh kiểu
văn học”, trích đây một câu, kia một câu rồi ra… bệnh án. Theo lối này, nhiều lắm
chỉ nên đặt ra như một giả thuyết khi trà dư tửu hậu, chứ viết ra những khẳng định
về một nhân vật rất lớn của đất nước, giữa một giai đoạn lịch sử gay cấn như
mùa hè năm 1963, thì tôi thấy thiếu đứng đắn.
Trên đây chỉ là nói qua cái ý đồ
chính của ông Lục, khi đọc bài ông sẽ thấy rất nhiều chi tiết bộc lộ sự không đứng
đắn khác của ông. Nói chung, mục đích của ông là cố ý “hạ” Nhất Linh, tạt một
thùng hắc ín vào chân dung của nhà văn, nhưng đây đó vẫn điểm xuyết vài ngụy
trang khen ngợi. Ðó là một cái mánh để tỏ ra mình “vô tư”, nhưng nếu đọc kỹ sẽ
thấy tác giả rất thống nhất trong chủ ý của mình, “gài mìn bẫy” rất tinh vi khắp
nơi.
Trong suốt gần một thập niên nhóm
Tự lực Văn đoàn làm báo Phong Hóa rồi Ngày Nay, thỉnh thoảng có
những bài phê bình, thường với phong cách chế giễu, trào lộng, đối với một vài
tác phẩm đương thời, và xảy ra bút chiến, thế là ông Lục khẳng định ngay: “Chửi liên tiếp. Chửi tất cả. Kể cũng là lạ ở
thời kỳ đó, người ta đã chửi nhau như thế.” Ðọc câu này, những người nhỏ tuổi
chưa từng thấy báo Phong Hóa, Ngày Nay dám tưởng các báo này cũng
giống như những “báo chợ”, “báo chửi” ở vùng Little Saigon ngày nay, vốn dùng
chửi bới để… tiến thân và… làm giàu! Nghe ông Lục mô tả như thế, đám trẻ tuổi hẳn
không ngờ Phong Hóa, Ngày Nay chính là những tờ báo quan trọng nhất
trong thời kỳ trưởng thành của làng báo Việt Nam, cách đây bảy, tám mươi năm.
Tôi đồ chừng ông Lục cũng chẳng đọc nhiều các tờ Phong Hóa, Ngày Nay
(hoặc chẳng bao giờ đọc cả cũng nên!), chỉ xem những câu chuyện bút chiến trong
các cuốn luận đề văn chương dành cho học sinh trung học thời trước 1975, rồi
nói phịa ra thế thôi, chứ nếu có đọc thì chắc hẳn ông đã có một đánh giá khác
(với điều kiện ông có khả năng để đánh giá).
Những chi tiết như những vệt sơn
đen tình cờ kiểu đó còn nhiều, rải rác trong bài viết, cuối cùng sẽ cho một bức
tranh rất nhiều vết nham nhở. Khi nói về tác phẩm Con trâu và tác giả Trần
Tiêu, ông Lục đoán lý do Trần Tiêu không được Nhất Linh cho vào danh sách Tự lực
Văn đoàn: “Có thể là vì lý do chính trị
đã khiến Nhất Linh gạt tên Trần Tiêu ra khỏi Tự lực Văn đoàn? Nhưng phải giải thích làm sao trường hợp ba
người ở lại hợp tác với cộng sản là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ?” Thú thật đọc
câu này tôi chưng hửng, vì phỏng đoán rồi kết nối việc nọ với việc kia một cách
rất tầm phào. Tự lực Văn đoàn tự nó không phải là một đảng phái chính trị,
thành viên của nó tùy khuynh hướng và hoàn cảnh về sau có người theo bên này,
người theo bên kia, chuyện đó đâu có gì lạ, sao phải đặt một câu hỏi theo kiểu
như vậy?
Mời bạn đọc xem tiếp đoạn này: “Nhất Linh đã tự tử. Sự lựa chọn đó phải chăng do những biến cố thời cuộc chính trị của những
năm 1963 hay là một chọn lựa tiền định, tiềm ẩn? Thực tế ông đã để lại một
thông điệp 72 chữ mà nhiều người có thể lặp lại một cách thuộc lòng như: Ðời
tôi để lịch sử xử. Nhưng lịch sử là ai? Ai xử? Xử như thế nào? Ðã xử chưa?” Thật
là những câu hỏi dồn dập, gắt gao, nhưng lại làm cho tôi chưng hửng một lần nữa.
Có thể nào một người Việt Nam có học lại không hiểu câu “đời tôi để lịch sử xử”,
nhất là người viết câu đó sắp bị chế độ đem ra tòa để xử. Làm gì hùng hổ dồn một
lô một lốc các câu hỏi mới nghe tưởng như trí thức lắm, “truy tìm sự thật” lắm,
nhưng ngẫm lại đó chỉ là những cái đao, những cái búa bằng giấy bồi vung lên chỉ
cốt làm người ta hoa mắt. Thật ra, chỉ có mấy tháng sau ngày 7 tháng 7 năm 1963
ấy thì lịch sử đã lên tiếng rồi, vào ngày 1 tháng 11. Ai xử ai, xử như thế nào,
đã lộ rõ. Bây giờ ông Nguyễn Văn Lục có muốn “xử” lại ông Nhất Linh bằng cách cố
tình bóp méo động cơ cái chết của ông để biện minh rằng chế độ Diệm rất là tốt
đẹp, thì cũng đã trễ rồi, trang lịch sử ấy theo tôi đã được khẳng định, đã
xong. Nguyên khí của nước Việt Nam truyền thống đã ra tay điều chỉnh những lệch
lạc của một thời, đặt để lại những giá trị sâu xa bền vững của dân tộc nghìn
năm vào trong tâm khảm của người dân.
Việc tờ Văn Hóa Ngày Nay
phải đình bản vì chính quyền làm khó dễ việc phát hành đã đưa đến cụt vốn, điều
này những người trong cuộc đã nói đến nhiều rồi. Và sự việc cũng dễ hiểu, trong
cái bối cảnh hồi đó. Thế mà ông Lục đã ghép việc này với việc khác, để tạo ra một
nghi vấn. Hãy đọc: “… ông Nhất Linh có
tâm sự và cho biết do những khó khăn về tài chánh nên phải đình bản tờ báo. Và
nếu như thế thì cắt nghĩa làm sao sự chết yểu của Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 cũng
trong thời kỳ đó? Dù mọi người hiểu rằng Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 đóng cửa
vì hết tài trợ. Tóm lại, Văn Hoá
Ngày Nay đình bản vì thiếu tài
chánh…” Ðộc giả chắc nhận ra cái ẩn ý của Nguyễn Văn Lục trong đoạn văn vừa
rồi? Chỉ viết khơi khơi thôi, chẳng kết luận gì, nhưng cố tình gợi ý rằng tờ Văn
Hóa Ngày Nay đã nhận tiền tài trợ của một cơ quan ngoại quốc nào đấy, như
các tờ Hiện Ðại, Thế Kỷ 20. Báo hết tiền phải đóng cửa là chuyện thường
xảy ra trong làng báo, nhất là những tờ bị chính quyền ra tay trù dập như Văn
Hoá Ngày Nay. Thế mà ông Lục ghép ngay với các vụ tài trợ khác chẳng có dây
mơ rễ má gì. Nếu có bằng cớ thì trưng ra, còn không có thì thôi đừng nói tới,
đàng này biết là sự việc chẳng phải như vậy mà cứ nối kết với một sự việc khác
để “gợi ý” cho người khác hiểu như thế, đó là trò thiếu lương thiện.
Có một đoạn văn trong bài của ông
Lục đã làm cho tôi thực sự ngạc nhiên, đó là đoạn ông đả kích người khác thương
tiếc Nhất Linh. Ông đã trích một đoạn văn diễn tả cảm xúc của một người đối với
cái chết của Nhất Linh: “Riêng tôi, trên
đường đi, tôi cảm nhận hơn một lần,
hình như khi đưa tiễn Nhất Linh tôi đang đưa tôi, đang đưa một chặng đường văn
học của quãng đời thanh xuân của mình (…)” rồi đả phá nó một cách phũ phàng
không ngờ: “… loại văn chương ai điếu, thứ
văn chương mà hễ có nhân vật nổi danh nào nằm xuống là phải có sẵn một bài tụng
niệm sáo ngữ, để nhập cái chết của ông vào cuộc tranh đấu của Phật giáo chống
chính quyền Ngô Ðình Diệm. (…) Ðó chỉ là thứ kèn trống đám ma, nói thì nghe xôn
xao rộn rã nhưng không biết mình nói gì, viết gì.” Tôi thật sự ngạc nhiên về
sự phẫn nộ của ông Lục. Người thương tiếc người, thì hãy để người ta khóc, việc
gì đến ông? Sao ông xúc phạm người khác quá quắt như vậy, ông nhân danh cái gì?
Trong di chúc của mình, Nhất Linh nói rõ ông theo gương Thượng tọa Thích Quảng
Ðức chọn cái chết để phản đối chính quyền Ngô Ðình Diệm, chỗ đứng của ông hết sức
rõ ràng, đâu có cần ai phải “nhập cái chết của ông vào cuộc tranh đấu Phật
giáo”! Nhất Linh và Phật giáo đứng chung một chiến tuyến, bảo vệ cho tự do và
truyền thống của dân tộc. Trong đám tang của Nhất Linh, trước khi hạ huyệt,
linh mục Thanh Lãng và nhà văn Nhật Tiến đã đọc lời ai điếu - một hành vi can đảm
giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, nhất là cho nhà văn Nhật Tiến - ông Lục có
dám coi đó là thứ “kèn trống đám ma” không? Ông có quyền nghiên cứu để chứng
minh ông Nhất Linh bị bệnh tâm thần, nhưng ông cần phải tỏ ra có giáo dục, tôn
trọng tình cảm của người khác đối với nhân vật lừng lẫy này. Chưa biết công
trình của mình có ra cái gì, đã vội vùi dập người khác bằng những lời lẽ vô lễ
và khiếm nhã, một người có tư cách không thể làm như vậy.
Tôi sẽ không viết về những đoạn
trong phần Phụ lục, rình mò chuyện riêng tư, cũng với ý đồ bêu xấu Nhất Linh và
các đồng chí của ông thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng, vì bà Trương Kim Anh đã nói
đến. Tôi chỉ xin quay lại một chút với chủ đề chính của tác giả Nguyễn Văn Lục
trước khi dừng bút. Ấy là vấn đề bệnh tâm thần. Ðể vô hiệu hóa hành vi, ngôn ngữ
của kẻ nào, điều dễ nhất là nói người đó điên. Khi thuyết phục được mọi người rằng
một ai đó có bệnh tâm thần là đã có thể hư vô hóa người ta. Không một cái gì
thuộc về người ấy còn có giá trị với đời sống bình thường của chúng ta nữa.
Nguyễn Văn Lục đã khổ công tạo ra một Nhất Linh bị bệnh tâm thần để triệt hạ ông,
và tưởng như thế là một phát minh mới mẻ lắm. Không, Đảng Cộng sản Nga đã chơi
cái trò đó nhiều rồi. Những ai thuộc giới trí thức mà chống đối chế độ, thay vì
bắt giam tra tấn đánh đập nhiều khi chỉ càng làm người ấy nổi bật lên vì sự can
đảm, chỉ cần tống vào nhà thương điên là người ấy không còn tư cách làm người nữa
trước mắt xã hội.
Nguyễn Văn Lục mưu đồ cho Nhất
Linh vào nhà thương điên. Nhưng người điên, ở đây là ai?
© 2008 talawas
ĐÁM TANG NHẤT LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét