Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013


ĐẠO CAO ĐÀI BỊ NHÀ NGÔ ĐÀN ÁP RA SAO?


Trần Văn Rạng


LGT:  Các thông tin sau trích từ Chương VIII trong tập biên khảo “Chân Dung Hộ Pháp Phạm Công Tắc” viết bởi Hiền tài Trần Văn Rạng -- Hiệu trưởng trường Trung Học Phú Khương, Trưởng Nhiệm Văn Hoá và Trưởng Nhiệm Giáo Lý Ban Thế Đạo -- bản điện tử lưu ở kho dữ liệu đaị học University of Sydney, địa chỉ:
Vì viết về cuộc đời của Ngài Hộ Pháp Phạm Công Tắc, nên chỉ ghi tới năm 1959. Các dấu ba chấm là cắt bớt cho gọn.



... Khi Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm từ giã ra về, Đức Hộ-Pháp nhắc nhở Thủ-Tướng nhớ sớm quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài. Thế nên, chánh phủ Ngô Đình Diệm đã ban hành lịnh quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài vào ngày 2.05.1955. Từ đó, Đức Hộ-Pháp từ vị Thượng-Tôn Quản-Thế do Thánh-lịnh số 704/VPHP, ngày 11.03 Ất-Mùi vì Đạo không còn quân-đội nữa.
Tóm lại, thời gian từ năm 1947-1955 là giai-đoạn thanh-bình thịnh-trị của Đạo Cao-Đài. Danh Đạo đã sáng chói trên hoàn cầu...


... Nhờ viện-trợ Mỹ, Ngô Đình Diệm vận-động phá vỡ "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc-Gia", bằng cách (Donald Lancaster, The Emancipation of French Indochina, London 1963) mua chuộc và chia rẽ các lực lượng giáo-phái. Phòng Nhì của Diệm đã bỏ ra một trăm triệu để mua chuộc Nguyễn Thành Phương (chưa nhập-môn theo Đạo) và Năm Lửa (Cố-vấn Ngô Đình Nhu ra lịnh cho Nguyễn Thành Phương kéo quân lên Tòa-Thánh để thanh trừng những phần-tử Cao-Đài chống-đối chế-độ độc tài gia đình trị.)




Trong khi Nguyễn Thành Phương bao vây Hộ-Pháp Đường không cho Đức Hộ-Pháp trốn thoát, một số cựu quân-nhơn do Đại-Tá Huỳnh Thanh Mừng (sau trận nầy ông đi theo Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam), chỉ huy binh-sĩ chống lại hành động của Tướng Phương, chiếm đóng vùng chợ Long-Hoa đến Cửa Số 6.  Đại-Tá Mừng cho đóng quân từ Núi Bà đến cửa Hòa-Viện, nhứt quyết một còn một mất với Tướng Phương. Nhưng chẳng may Đại-Tá Mừng bị bộ-hạ của Tướng Phương phục-kích bắn gãy một cánh tay, khiến cuộc tranh chấp đôi bên quyết liệt hơn.

Nhóm thứ ba do Thiếu-Tá Nguyễn văn Đờn và Nguyễn văn Mạnh chỉ huy, kéo quân vào đóng trong nội-ô Tòa-Thánh tuyên-bố là sẽ ngăn chặn hai nhóm kia hầu tránh cảnh lưu huyết vô lối.

Để tránh viễn cảnh máu đổ giữa đồng-đạo và làm cớ cho cường-quyền Ngô Đình Diệm chiếm Tòa-Thánh, Đức Ngài ra "Bản Tuyên-Ngôn" có câu: "Cơ Đạo trải qua hồi biến chuyển, Bần-Đạo khuyên cả con cái Đức Chí-Tôn bình tĩnh, sáng suốt, chờ Hội-Thánh giải quyết".




Đức Ngài cũng nói với các cấp chỉ-huy quân-đội: "Các con là lửa Tam-Muội. Lửa dữ trừ được ma vương mà cũng có thể đốt thiêu luôn Tòa-Thánh".




Vì thế, Đức Ngài phải ép lòng ra đi để làm cho các phe phái đối lập không còn lý do gì tranh chấp với nhau. Dự kiến nầy được giữ kín, ít ai biết. Thế mà nhóm Mừng, Đờn, Mạnh cũng đoán được, nên họ đề-nghị dọn đường rừng đưa Đức Hộ-Pháp đi để tránh sự săn đuổi của Tướng Phương. Đức Ngài lặng lẽ và làm theo kế hoạch của riêng mình...




...  Khổ-nhục kế để Đức Hộ-Pháp phải ra đi ư? Đó là trúng kế Ngô Đình Diệm, để Đạo mất đầu, sau đó họ đàn-áp Đạo suốt chín năm trời (1955-1963), cớ sao gọi là khổ-nhục kế? Giả thử, Ngô Đình Diệm cho mật-vụ ám-sát Đức Hộ-Pháp, hoặc bắt Đức Ngài bỏ tù, thì cố-vấn chánh-trị Ngô Đình Nhu có để cho Ngô Đình Diệm làm như thế không? Ngô Đình Nhu không bao giờ muốn chọc tay vào tổ ong có mạng lưới khắp cả Miền Nam như tôn-giáo Cao-Đài. Ngô Đình Nhu cũng không muốn đổ thêm dầu vào lửa, vì tình hình giữa chánh-phủ và Mặt-Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc-Gia đã đổ vỡ. Không cách nào hơn, Ngô Đình Nhu dùng mẹo "ném đá dấu tay". Mà người thi-hành kế là Nguyễn Thành Phương được Nhu hứa hẹn cho nhiều quyền lợi, mà chịu "nối giáo cho giặc Đạo". Người Đạo nào lúc ấy lại không biết chuyện đó, biện minh mà chi?!...




... Trong nước, chánh quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại hiệp định Genève, từ chối hiệp thương với chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam, nhằm phân chia lâu dài là một thiệt thòi lớn cho con Hồng cháu Lạc.

Để thực hiện Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống, Ban Túc Trực Bến Hải được thành lập, ngày 17-4 năm Bính Thân (1956), vị Trưởng phái đoàn Lê Văn Thoại đã cắm được cờ Nhan Uyên (Nhan Uyên kỳ là cờ trắng của Thầy Nha Hồi dùng để khi nòi giống xô xác thì trương lên giải hòa ) trên nhịp thứ hai cầu Hiền Lương thuộc sông Bến Hải, ông Thoại bị mật vụ Ngô Đình Cẩn bắt ngay tại Quảng Trị và ba người khác: Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Quốc Đại cũng bị cảnh sát bắt tại bến xe tỉnh này. Tất cả nhóm 4 người đều bị giam tại Lao xá Thừa Thiên trên 3 năm mới được trả tự do.




Cảnh sát Thừa Thiên còn bắt Giáo-sư Thượng Cao Thanh (Mã Tăng Cao), Khâm Trấn Đạo Cao Đài Thừa Thiên vì bị tình nghi chứa chấp và đưa đường Ban Túc Trực tới Bến Hải. Ông chết trong ngục tại Huế.




Chánh sách này hoạt động âm ỉ trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh. Vào ngày 23-10-1961, Sĩ Tải Phạm Duy Nhung thừa ủy nhiệm của Đức Hộ Pháp họp báo tại nhà hàng Soái Kình Lâm (Chợ Lớn) trước báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước, ông công bố các bức thư gởi cho các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ có đơạn viết:




"Chúng tôi tin tưởng vào sự chân thành của quí quốc với đại danh là liệt cường luôn luôn có ý chí giúp đỡ dân tộc chúng tôi mà không vụ lợi". Ông bị chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt và tra tấn đến chết. Phong trào Thánh Xa Thơ ngày càng lên mạnh. Các ông Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương, Thừa Sử Phan Hữu Phước... đều bị bắt từ đây và đều bỏ mạng trong tù.



Tính sổ, có trên hai ngàn chức sắc, chức việc và tín đồ trên toàn quốc bị bắt giam cầm. Đức Hộ Pháp có lập danh sách gởi đến Hội Đồng Nhân Quyền nhờ can thiệp mà không kết quả …


... Ngô Đình Diệm ra lịnh thẳng tay đàn áp bắt bớ các tín đồ Cao Đài. Đến ngày 17-9-1956, Diệm cho mở chiến dịch Trương Tấn Bửu gồm chín bước, kéo dài trong 150 ngày đêm, nói là "tố Cộng". Nhưng thực chất là diệt Đạo Cao Đài. Đầu tiên làm thí điểm ở xã Phước Vinh (Hảo Đước), mật vụ của Diệm bắt 4 người lính Cao Đài cũ nói là Việt Cộng nằm vùng. Giáo dân Cao Đài phản đối kịch liệt họ phải thả bốn người này.




Tại Nhàn Du Khách Sạn bị mật vụ Diệm chiếm đóng không ngày nào họ không bắt người tra khảo xem coi có liên lạc gì với Đức Phạm Hộ Pháp. Chiến dịch kết thúc mà không đạt ý muốn vì mgười tín đồ ngậm miệng chịu tra tấn tù đày để giữ vẹn niềm tin.




"Mặc dù bị đàn áp gắt gao, khí thế của giáo phái Cao Đài vẫn mạnh mẽ, khiến đầu năm 1957, anh em họ Ngô phái đại diện đi Nam Vang gặp giáo chủ Phạm Công Tắc thương thuyết, mời về hợp tác.




"Vị Giáo chủ Đạo Cao Đài đưa điều kiện đòi Diệm phải thả hết những người Cao Đài bị giam giữ, chấm dứt chiến dịch gọi là Tố Cộng, để bắt bớ các tín đồ tôn giáo, ngưng hẳn đàn áp các giáo phái, ban hành các tự do dân chủ, và thành lập chánh quyền liên hiệp quốc gia.

"Không mua chuộc, dụ dỗ được giáo chủ Phạm Công Tắc, anh em Diệm tiếp tục chánh sách kỳ thị tôn giáo




". (Hoàng Trọng Miên , - Đệ Nhất Phu Nhân, Tập I )


Nhân ngày vía Đức Chí Tôn năm Đinh Dậu (1957), Ngô Đình Diệm đưa tiền mua chuộc một số người kêu gọi giáo dân mít tinh, trưng hình Đức Hộ Pháp và các biểu ngữ: "Yêu cầu Đức Hộ Pháp hồi loan" và "Đạo không đời không sức, đời không Đạo không quyền". Một số người nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền của cán bộ thông tin "Ngô Tổng Thống đã chấp thuận Đạo Cao Đài là quốc Đạo" v.v...




... Ngô Đình Diệm còn cử phái đoàn Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ lên Tòa Thánh áp lực Hội Thánh lấy tro Đức Cường Để tại Báo Quốc Từ. Một số chức sắc buộc phải làm biên nhận việc lấy tro cốt, mượn danh nghĩa là đưa về Huế thờ, thật sự là đào tận rễ không để chút di tích chánh trị nào giữa nhà Nguyễn và Hội Thánh Cao Đài. Đồng thời Ngô Đình Diệm cho chiếm luôn Nhàn Du Khách Sạn (vốn của Đạo), trước cửa chánh môn Tòa Thánh, tăng cường thêm mật vụ để dò la các tín đồ Cao Đài thường tới lui cúng kiếng. Mọi việc diễn biến ở Tòa Thánh đều được báo cáo đầy đủ lên Đức Phạm Hộ Pháp ở Nam Vang...




... Được tin Đức Hộ-Pháp triều thiên, toàn đạo trong nước vô cùng thương tiếc. Từ miền Trung đến Lục Tỉnh kéo về Tòa-Thánh làm lễ truy điệu Đức Hộ-Pháp. Mật-vụ của Ngô Đình Diệm hay tin đến giải tán. Tấm lòng của người Đạo đối với Đức Ngài quá to lớn, nên họ phân tán từng nhóm nhỏ vượt biên giới sang Nam-Vang. Những tổ-chức trong nước cũng phân tán mỏng như Hòa-Bình Chung-Sống, Thánh Xa-Thơ, Phạm-Môn, Phạm-Nghiệp




... Mỗi nhóm đều tổ-chức tưởng niệm Đức Ngài trong nội-bộ của mình để che mắt mật-vụ và Cần-lao Nhân-vị.



Tại Nam-Vang, năm mươi ngàn tín-hữu Cao-Đài khắp nơi lũ lượt đưa nhau về Thủ-đô Phnom Penh thọ tang suốt mười ngày đêm túc trực bên liên-đài của Đức Ngài. Đại-diện các Tôn-Giáo trong nước Cam-Bốt từ các Tỉnh xa như Xiêm-Rệp, Battambang, Kratié, Kompong Cham, Kompong Speu, Kompong Xom, Sway Riêng, Mimot đều đến chia buồn phúng điếu với Hội-Thánh Ngoại-Giáo. Một số lớn ngoại-giao đoàn tại thủ-đô Phnom Penh cũng đến đặt vòng hoa. Thủ-Tướng Pen Nouth đại-diện chính-phủ Hoàng-Gia Cao-Miên đến chiêm-ngưỡng và đặt vòng hoa trước liên-đài...


Trần Văn Rạng

(Toàn bộ cuốn biên khảo: http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvrcdhp-cVIII.htm )


2 nhận xét:

  1. Xao Het Cho Noi...Bia Chuyen...Khong dung su that...

    Cong-San XHCN da dung sau lung giut giay...

    Da bi mac muu CS/XHCN...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nói như này thì chứng tỏ VNCH dở/kém/ngu mới bị giựt dây sau lưng, nhen?
      nếu không thì sao lại đổ xụp cái rụp khi vừa dứt bầu sữa Mẽo?

      Xóa