Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013


MÙA PHẬT ĐẢN ĐẨM MÁU

Chính Đạo
 

 
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là một đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa được hoàn toàn giải mật. Ða số tác giả đều đứng về phe này hay phe kia, xếp đặt và diễn giải các dữ kiện vốn bị giới hạn và thiếu sót theo sự yêu ghét hay khuynh hướng chính trị, tôn giáo của họ. Tác nhân lịch sử bị đặt lên những chiếc giường của tên tướng cướp, thừa chặt bớt, ngắn kéo dài ra cho vừa khuôn thước thành kiến tiên thiên của mình. Không ít người còn bịa đặt ra những chi tiết không thực để bẻ cong lịch sử. Trong cuốn Tôn Giáo Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967, do nhà Văn Hóa xuất bản năm 1994 tại Houston, Texas, tôi đã dành một chương khá dài cho cuộc tranh đấu năm 1963 của Phật giáo miền Nam. 10 năm sau, nhiều tài liệu văn khố Mỹ, Pháp, Việt Nam và Liên Hiệp Quốc được giải mật thêm, nên tác giả đã hiệu đính chương này sau mỗi lần nghiên cứu ở các văn khố, kết đúc thành bài “Mùa Phật Ðản Ðẫm Máu” trong tập Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hoá, 2004). Mới đây, nhờ được du khảo tại Việt Nam, làm việc trên các tư liệu văn khố VNCH tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II Sài Gòn, chúng tôi lại hiệu đính thêm bài này. Tuy nhiên, trên đại thể, những nét chính không thay đổi bao lăm. Xin đọc thêm “Cái chết của một hàng tướng: Dương Văn Minh, 1916-2001,” trong Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002), tr. 9-156; bản hiệu đính đăng trên Phụ Bản tháng 9 &10/2006 của Hop Luu online.

 
I. TỪ CỜ ÐẾN MÁU LỬA:

Ngày 6/5/1963, Ðổng lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Quách Tòng Ðức, gửi đi khắp nơi lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài các nơi thờ tự, theo “chỉ thị” của Tổng thống Ngô Ðình Diệm (1955-1963).( 1) Lệnh này, dù đã có sự tham khảo mật với Mai Thọ Truyền, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, được ban hành không đầy 48 tiếng đồng hồ trước Lễ Phật Ðản 2507 (15/4 Quí Mão, tức 8/5/1963), và tới các địa phương trong ngày, khi các tư gia, chùa chiền đã treo cờ ngũ sắc Phật giáo, cùng biểu ngữ và cổng chào. Theo lời khai của viên chức chính phủ với phái đoàn Liên Hiệp Quốc [LHQ] vào tháng 10/1963, Diệm biết rõ rằng lệnh cấm treo cờ trên sẽ ảnh hưởng đến ngày Phật Ðản sắp tới–ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo–nhưng bất chấp hậu quả.( 2)

Lập luận của chính phủ để biện minh cho lệnh cấm treo cờ là quốc kỳ (cờ vàng ba sọc đỏ) phải được tôn trọng hơn cờ tôn giáo. Dân chúng phải treo quốc kỳ, còn cờ tôn giáo chỉ được phép treo trong các ngày lễ, tại các nơi thờ tự hay tư gia, với sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Ðó là tinh thần Nghị định 189/BNV/NA/P5, ngày 12/5/1958 của Bộ Nội Vụ, được tái xác nhận ngày 14/6/1962.( 3) Cờ Phật giáo ngũ sắc được chính thức công nhận tại Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới [World Fellowship of Buddhists, hay Hội Bằng Hữu Phật Giáo Thế Giới] tại Colombo (Sri Lanka, hay Tích Lan), từ ngày 26/5 tới 7/6/1950. Thượng tọa Tố Liên (1903-1977) đại diện cho Việt Nam tại Ðại Hội này. Chùa Quán Sứ Hà Nội là nơi lá cờ ngũ sắc của Phật giáo được trương lên trước tiên trên toàn thể đất nước Việt Nam. Trong thập niên 1950, lá cờ Phật Giáo ngày càng trở thành quen thuộc vì sự phát triển khá mạnh của các hệ phái Phật Giáo tại phía Nam vĩ tuyến 17.

Sự phát triển đặc biệt này, cần nhấn mạnh, không do sự khuyến khích của tam đầu chế Ngô Ðình Thục-Ngô Ðình Diệm-Ngô Ðình Nhu. Việc giúp đỡ bất cứ tôn giáo không Ki-tô nào chỉ có tính cách tượng trưng, do các cấp viên chức địa phương (như không khắt khe áp dụng luật số 10 về các hiệp hội, hay cho mở sổ số để gây quĩ, v.. v...). Nhận hiểu rằng Phật tử chiếm đa số dân chúng trong nước, trong những năm đầu, Thục-Diệm-Nhu làm ngơ trước sự phát triển của các khuôn hội, đoàn Phật tử, v.. v... Những người góp công lớn trong việc phát triển của Phật giáo là tăng ni di cư và Phật tử chống Cộng. Xây dựng chùa chiền, tổ chức các ban đại diện, phong trào Phật tử, phát huy và hoằng dương đạo pháp là một phương thức chống Cộng hòa bình và hữu hiệu nhất: Lấy tôn giáo chống lại Cộng Sản vô thần (những người từng ví von tôn giáo như thuốc phiện).( 4)

Ngoài ra, việc phát triển các chùa chiền, khuôn hội còn phản ảnh một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh lạnh giữa Phật Giáo và Ki-tô giáo, đã kéo dài hơn bốn thế kỷ, và lên cao độ dưới thời Pháp thuộc (1858-1945, 1945-1955). Trong giai đoạn Pháp xâm chiếm Việt Nam, Ki-tô giáo ngày một vượt thắng vì là tôn giáo của giai tầng chiếm đóng (Pháp) và đa số giai tầng trung gian bản xứ trung kiên. Rất nhiều danh tự của Ðại Nam đã biến thành nhà thờ ở Hà Nội, Sài Gòn, Nam Ðịnh hay Quảng Trị. Mặc dù từ thập niên 1910 viên chức Pháp quyết định đoạn tuyệt với chính sách đồng hóa và Ki-tô hóa của Hội truyền giáo, chuyển sang chính sách hợp tác hay Pháp-Việt đề huề, mãi tới thập niên 1920 Phật giáo và các tổ chức tôn giáo bản xứ khác mới bắt đầu được “duy tân” và khuyến khích đoàn ngũ hóa. Nhưng thời gian này, các cộng đồng Ki-tô bản xứ đã trở thành những quốc gia trong một quốc gia, tự ban danh hiệu “công giáo,” và cung cấp cho giai tầng trung gian bản xứ cũng như thị dân một nhân số quan trọng.

Hợp tác toàn diện giữa chính quyền thực dân Pháp và Giáo hội Công giáo Việt Nam
Trái: Nữ tu Việt đang "báo cáo" với quan Tây - Chùa Báo Thiên bị phá để xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội  
 

Chính vì thế, Ngô Ðình Diệm (1897-1963)–với thành tích hết hợp tác với Pháp tới Nhật, và bị đánh giá là “cuồng đạo” [a Catholic mystic hay religious fanatic]–vẫn được chọn cầm đầu miền Nam. Ngắn và gọn, số chùa chiền, tu viện, khuôn hội Phật giáo gia tăng từ 1954 tới 1963 không chỉ do ảnh hưởng quốc sách chống Cộng, mà còn phản ảnh sự chống đối vừa tiêu cực vừa tích cực của Phật giáo với chế độ giáo phiệt Ki-tô Diệm-Thục-Nhu.( 5) Tổng Giám Mục Thục (1897-1984), người cai quản địa phận Huế từ năm 1961, dĩ nhiên chẳng muốn thấy sự hiện hữu của bất cứ lá cờ Phật giáo nào tại Huế hay miền Trung, nói chi sự phát triển vững mạnh của Tổng Giáo Hội Phật Giáo. Thục, theo Tướng Lê Văn Nghiêm, từng tuyên bố với những người tín cẩn rằng “cần phải hạ Phật giáo bằng mọi phương tiện, nếu không Phật giáo sẽ mạnh hơn Ki-tô,” và “ngay cả đời sống giáo dân sẽ bị đe dọa.”( 6)

Mùa Xuân 1963 Thục có thêm lý do khác để “ra tay” với Phật Giáo. Lễ kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục sắp đến. Thục–theo lời một nhân chứng ngoại quốc, viết bằng Mỹ ngữ ngày 12/6/1963, và Linh mục Cao Văn Luận, Viện truởng Ðại học Huế–đã xin với Vatican lên chức Hồng Y vì “80% dân chúng trong giáo phận Huế là giáo dân Ki-tô.” Vatican bèn gửi một phái đoàn điều tra tới miền Trung vào đầu tháng 5/1963. Mặc dù cờ Ki-tô giáo nửa vàng, nửa trắng giăng mắc khắp nơi trong thời gian phái đoàn ở Việt Nam, đại biểu Vatican cũng ghi nhận Phật tử đang chuẩn bị cờ ngũ sắc, biểu ngữ và cổng chào mừng đón Phật đản 2507. Bởi thế phái đoàn Vatican kết luận sơ khởi rằng chỉ có 20% dân miền Trung theo đạo Ki-tô mà không phải 80% như Thục báo cáo. Ðể che dấu sự thực, Thục ngầm cho lệnh viên chức địa phương cấm treo cờ hay tuần hành rước lễ Phật Ðản. (7) Dù Thục có áp lực Diệm ban hành lệnh cầm treo cờ Phật giáo ngày Phật Ðản 2507 hay chăng, văn thư nhắc nhở lệnh cấm ngày 6/5/1963 là sỉ nhục lớn với Phật tử. Vì, cho tới ngày 5/5, cờ Ki-tô giáo–nói theo Thục, chỉ là mấy thước vải vô nghĩa biểu hiệu cho nước Vatican mà không đại diện cho Ki-tô giáo–còn phấp phới khắp miền Nam, trong khi tổng số giáo dân không đầy 10% dân số. Ngày này, Tổng thống Diệm còn cử hành quốc lễ chúc mừng kỷ niệm 25 năm Thục được phong chức Giám Mục tại nhà thờ trên đường Kỳ Ðồng, Sài Gòn.( 8)

Ngay chiều ngày 6/5 (13/4 Quí Mão), Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Huế là Nguyễn Văn Ðẳng sao gửi công điện của Quách Tòng Ðức cho các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là Ban trị sự Giáo hội Tăng già và Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần và tỉnh Thừa Thiên, cùng Ban tổ chức Lễ Phật Ðản tại Thừa Thiên-Huế. Các lãnh đạo Phật giáo phản ứng một cách chừng mực. Sáng hôm sau, một phái đoàn đại diện Tăng Già và ban tổ chức Phật Ðản–gồm Thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Mật Nguyện, Thích Thiện Minh và Thích Thiện Siêu–đến gặp Thị trưởng Ðẳng để “trình bày những thắc mắc và uất ức” của Phật tử về lệnh cấm treo cờ. Không thỏa mãn với lời giải thích của Ðẳng, đại diện Phật Giáo yêu cầu được tiếp kiến Cố vấn chỉ đạo miền Trung là Ngô Ðình Cẩn (1911-1964) về lệnh cấm treo cờ. Ngô Ðình Cẩn đồng ý, mời Trí Quang tới tư dinh, dự một cuộc họp với Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương và Thị trưởng Ðẳng vào lúc 11G45 ngày 7/5/1963 (14/4 âm lịch). Sau một hồi thảo luận, Cẩn đồng ý cho các chùa chiền và lễ đài tiếp tục treo cờ, nhưng các tư gia thì nên cho Cảnh Sát đi thuyết phục họ hạ cờ. Bởi thế, lúc 12 giờ trưa ngày 7/5/1963, Ðẳng gọi Trưởng ty Cảnh sát Huế tới tư dinh Cẩn, cho lệnh sử dụng Mật vụ để áp lực dân chúng hạ cờ.( 9) Có lẽ vì thế một số nhân viên Cảnh Sát, Công An đã sốt sắng tháo gỡ cờ Phật giáo bất chấp sự phản đối của dân chúng.( 10)

Khoảng 17G45 ngày 7/5, một phái đoàn gồm các đại diện Giáo Hội Tăng Già, ban tổ chức Phật đản 2507 và khoảng 200 Phật tử kéo tới Toà Hành chánh tỉnh gặp Ðẳng.( 11) Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Lương khai với Phái đoàn Liên Hiệp Quốc ngày 30/10/1963, đích thân Lương cho tạm hoãn thi hành lệnh cấm treo cờ, và lãnh đạo Phật giáo rất mãn nguyện.( 12) Tại Ðà Nẵng, cách Huế khoảng 100 cây số về phía Ðông Nam, Cảnh sát cũng tới các cơ sở thương mại, ra lệnh cấm treo cờ mừng Phật đản; bằng không sẽ bị rút giấy phép. Chẳng hiểu việc làm này liên hệ gì đến Thị trưởng Hà Thúc Luyện hay chăng. Cách nào đi nữa, ngày 8/5, Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh Quân Ðoàn I, vẫn cho phép quân nhân Phật tử tổ chức lễ Phật Ðản.( 13) Tại Ðà Nẵng, quân nhân Phật tử dựng một khán đài tại góc đuờng Thống Nhất và bờ sông Bạch Ðằng (sông Hàn), và tổ chức diễn hành xe hoa. Tại Huế, Phật tử cũng dựng khán đài và kết cờ Phật Giáo. Nhưng không khí đấu tranh phảng phất trong không gian. Trong cuộc rước lễ từ chùa Diệu Ðế tới chùa Từ Ðàm vào sáng ngày 8/5/1963, Phật tử đã trương lên một số biểu ngữ đòi bình quyền tôn giáo và thề bảo vệ giáo kỳ bằng mọi giá. Người châm ngòi nổ cho cuộc tranh đấu là Thượng tọa Trí Quang, Chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Phần, qua bài diễn văn nẩy lửa trong buổi lễ sáng 8/5 tại chùa Từ Ðàm, với sự tham dự của nhiều viên chức cao cấp địa phương (ngoại trừ Ðại biểu Trung Nguyên Trung Phần và Thị trưởng Ðẳng).

Chưa hết. Tối đó, một biến cố đẫm máu đột ngột xảy ra. Giữa lúc hàng ngàn Phật tử tụ họp trước Ðài phát thanh Huế vào khoảng 8 giờ tối để nghe chương trình phát thanh đặc biệt Phật Ðản, một nhóm thanh niên Ki-tô giật cờ Phật Giáo tại một cổng chào, rồi xông tới đập phá lễ đài. Bạo động bùng nổ. Giám đốc đài Huế, Ngô Ganh, sau khi nhận chỉ thị phải từ chối phát thanh lại cuốn băng buổi lễ Phật Ðản tại chùa Từ Ðàm, khóa trái cửa “để bảo vệ máy móc” trước sự đe dọa của một số Phật tử hung hãn. Khoảng 22 giờ, Thị trưởng Ðẳng được mời tới Ðài phát thanh bàn thảo với Thượng Tọa Trí Qang về nội dung chương trình Phật Ðản mà hàng ngàn người đang chờ đợi, Thiếu tá Ðặng Sỹ, Phó Tỉnh trưởng Nội An, dẫn Cảnh Sát, và lực lượng an ninh (Biệt đội Ngô Ðình Khôi) gồm 8 tuần thám xa [blinder] của Ðịa Phương Quân, 1 đại đội ÐPQ, 1 đại đội trừ Bộ Binh, đến tái lập trật tự. Sau khi đám đông không chịu giải tán, Sỹ cho lệnh dùng lựu đạn cay, vòi rồng phun nước, và rồi nổ súng. Ða số binh sĩ không tuân lệnh, chỉ có đơn vị riêng của Sỹ thẳng tay đàn áp. Xe tuần thám chạy ngang dọc giữa đám đông. Dân chúng hoảng hốt tranh nhau bỏ chạy tứ phía. 9 người chết (kể cả 2 trẻ em bị tuần thám xa cán), và 14 bị thương.( 14)
 
Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo tại Huế - Bác sĩ Eric Wulf, giáo sư tại Đại học Y khoa Huế, chứng nhân vụ tàn sát trước Đài Phát Thanh, trở lại thăm Huế cùng gia đình với Tiến sĩ Thái Kim Lan
 

Ðây là một hành động có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh [war crime] và tội ác chống lại nhân quyền [crime against Human rights] của Sỹ; và các cấp chỉ huy, kể cả Ngô Ðình Diệm, phải liên đới trách nhiệm.( 15) Ðể che đậy sự thực, thoạt tiên chính phủ loan tin một quả lựu đạn của quân khủng bố (Cộng Sản) từ đám đông ném ra, vì quân đội chỉ bắn lên trời hoặc dùng đạn mã tử. Lời giải thích này được ghi vào mật điện số 100/MM, từ văn phòng Ðại biểu Trung nguyên Trung Phần (Hồ Ðắc Khương) gửi về Phủ Tổng thống ngày 9/5/1963. Theo Mật điện trên, trong lúc Ðặng Sỹ đàn áp đám đông, “một quả lựu đạn MK-2 đã từ trong đoàn người phóng ra làm cho 7 thường dân chết, 1 thường dân và 5 binh sĩ bị thương. Cơ quan an ninh đã phải xử dụng lựu đạn cay mắt để giải tán đoàn người và tình hình đã trở lại tương đối yên tịnh vào lúc 24G00.” VP/ÐBCP/TNTP cũng qui tội cho Việt Cộng, và xin được tổ chức biểu tình ngày 9/5/1963.( 16) Sau khi đám đông bị giải tán, viên chức chính phủ mang 9 xác chết tới bệnh viện Trung ương Huế. Theo một nguồn tin an ninh Mỹ, dù được lệnh phải ghi vào giấy chứng tử là các nạn nhân “chết vì lựu đạn do khủng bố Việt Cộng ném,” Y sĩ Lê Khắc Quyến, Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Y tế miền Trung, không đồng ý: Các y sĩ thực hiện giảo nghiệm (lý khám) kết luận rằng đa số nạn nhân đều chết vì những vết thương trên đầu, và di thể không hề có mảnh “lựu đạn MK-2” nào.( 17)

Bởi vậy, viên chức chính phủ, dù vẫn nhất tề trút mọi trách nhiệm cho Việt Cộng, nhưng bắt đầu sửa sai từ “lựu đạn” sang “mìn từ lực” [plastic] cho có vẻ hợp lý hơn.( 18) Ngày 11/7/1963, Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ, trong thư gửi Thượng tọa Thiện Minh, biện minh rằng các nạn nhân đêm 8/5/1963 là do “plastic” của Việt Cộng; chính Y sĩ Quyến, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế, đã xác nhận viêc này trong buổi tiếp xúc ngày 8/7/1963 với Ðại biểu TNTP và các y sĩ lý khám.( 19) Tháng 10/1963, Trần Tử Oai khai với phái đoàn LHQ tìm sự thực về sự vi phạm nhân quyền tại Nam Việt Nam rằng Cộng Sản đã cho nổ hai trái mìn từ lực mà quân đội VNCH cũng như Mỹ không có [That night another more violent meeting took place at the Huê radio station. Communist elements took advantage of it to explode two plastic charges which caused the death of eight persons, including several children and a Catholic girl]. Ở một đoạn khác, Oai lập lại lời cáo buộc này [With regard to the charge that the Government had ordered the killing of the demonstrators by tanks, cannons, rifles and grenades, this was an absolute slander. According to the findings of the medical experts, all the wounds on the victims’ bodies were caused by the explosion of plastic charges, which are not used by the Army or the security forces of Vietnam, but only by Communists.”( 20) Bộ trưởng Nội vụ cùng một luận điệu.( 21)

Những ngày kế tiếp, tình hình Huế cực kỳ sôi động. Suốt đêm mồng 8 rạng 9/5, thanh thiếu niên kéo nhau đi quanh đường phố, hô to khẩu hiệu đả đảo Diệm. Khoảng 11G00 sáng, chừng 800 Phật tử tụ họp biểu tình. Ðẳng yêu cầu họ giải tán để tránh bị “phản loạn” lợi dụng. Ðẳng cũng ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối. Ngày 9/5, Diệm sai Bộ trưởng Nội vụ trở lại Huế giải quyết. Lương áp lực Trí Quang đi theo xe phóng thanh kêu gọi mọi người ra về. Trí Quang chỉ hòa thuận bề ngoài, chưa chịu lùi bước.( 22)

Chiều 9/5, Phong trào Cách Mạng Quốc Gia tổ chức mít-tinh, lên án Cộng Sản phá hoại, khủng bố trong đêm 8/5. Rất ít người tham dự, và không ai lên diễn đàn. Một số tiểu đoàn Dù gốc Nùng được điều tới Huế để “bảo vệ trật tự.” Mật vụ bắt đầu lùng bắt các lãnh tụ Phật tử, và lực lượng an ninh cô lập hàng ngàn người biểu tình trong vòng rào kẽm gai.( 23)

Ngày 10/5, trong cuộc biểu tình qui tụ khoảng 5,000-6,000 Phật tử, tăng ni tại chùa Từ Ðàm, Trí Quang đọc diễn văn, kêu gọi bất bạo động và Phật tử tiếp tục treo cờ. Sau đó, đại diện Ủy ban tranh đấu trao cho Ðẳng một Tuyên Ngôn [Manifesto], đòi hỏi 5 điều tương đối ôn hoà: tự do treo cờ; Phật giáo được hưởng quyền dành cho Ki-tô giáo qui định trong Dụ số 10 [ngày 6/8/1950]; ngưng bắt giữ và khủng bố Phật tử; tự do tín ngưỡng; bồi thường cho nạn nhân ngày 8/5 và trừng trị những người có trách nhiệm. Năm người ký tên là Hòa Thượng Tường Vân, Thượng tọa Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Quang, và Thiện Siêu.( 24) Với đại đa số Phật tử, “Dụ số 10” nêu trong Thông Bạch ngày 10/5/1963 có vẻ xa lạ. Dụ này do Bảo Ðại ban hành ngày 6/8/1950, liên quan đến qui chế các hiệp hội, đảng phái, gồm 5 chương, 45 điều. Ðiều thứ 44 ghi nhận: “Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô, và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.”( 25) Ðiều này có nghĩa các tổ chức tôn giáo không Ki-tô như Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Ðài, Islam v.. v... đều chỉ được phép hoạt động nếu có sự đồng ý của chính phủ. Thị trưởng Ðẳng, “con nuôi tinh thần” của Hòa thượng Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật Giáo, lên diễn đàn xin lỗi về tai nạn đã xảy ra, và hứa bồi thường cho gia đình nạn nhân. Cẩn cũng áp lực Trí Quang phải ngưng tranh đấu, tìm cách giải quyết.

Hôm sau, 11/5, Trí Quang triệu tập một buổi họp với các giáo sư và sinh viên, học sinh để giải thích 5 nguyện vọng của Phật giáo.( 26) Ðồng thời, các lãnh tụ Phật Giáo bắt đầu khai thác cái chết của các nạn nhân tối Phật Ðản, ca ngợi họ như “thánh tử đạo.” Ngày 12/5, Trí Quang yêu cầu Ðẳng cho làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân vào ngày 14/5. Ðẳng không dám tự quyền, đề nghị Phật Giáo thảo luận với Tư lệnh Quân Ðoàn I và Ðại biểu Chính phủ tại TNTP vào hôm sau. Phật Giáo đồng ý lùi ngày cầu siêu lại một tuần, tức 21/5/1963. Riêng ngày 14/5, chỉ được làm lễ cầu siêu trong chùa Từ Ðàm.

Trong ngày 13/5, Trí Quang cũng gặp Ðại biểu chính phủ để thảo luận về 5 đòi hỏi của Phật Giáo. Mặc dù cho rằng những yêu sách của Phật Giáo “vô căn” [groundless], viên chức này tuyên bố chính phủ sẽ cứu xét. Ðại biểu của chính phủ thêm rằng đòi hỏi của Phật Giáo mang tích cách một “tối hậu thư,” và đây là một sai lầm.( 27) Tại Sài Gòn, mặc dù Quách Tòng Ðức đã bí mật hội ý với Mai Thọ Truyền trước ngày ban hành lệnh cấm treo cờ, Phật tử biểu tình liên tiếp trong hai ngày 7 và 8/5 để chống lệnh cấm và đòi bình quyền tôn giáo. Ngày 9/5, Thượng tọa Tâm Châu, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo–quyết “Tử Vì Ðạo.”

Ủy ban Liên Phái qui tụ 11 Hội đoàn, gồm Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, Hội Phật Học Nam Việt, Hội Phật Giáo Trung Việt, Hội Phật Giáo Bắc Việt tại miền Nam [thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam; 1960-1965: Hội chủ: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết; Phó Hội chủ: Thượng tọa Thích Tâm Châu, Mai Thọ Truyền], Giáo Hội Thiền Ðịnh Ðạo Tràng (chùa Phật Bửu, đường Cao Thắng; Ðạo chủ là Hòa thượng Minh Trực, có 16 chùa), Giáo Hội Tăng Già Kampuchia [người Việt gốc Khmer], Hội Phật Giáo Kampuchia [người Việt gốc Khmer], (chùa Chantareansey, đường Trương Minh Giảng, Phú Nhuận; Lục cả Lâm Em), Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy [Therevada] (chùa Kỳ Viên, đường Phan Ðình Phùng [người Việt], Ðại Ðức Bửu Chơn, Tăng thống), Hội Phật Giáo Nguyên Thủy [người Việt] (Hội trưởng: Nguyễn Văn Hiếu; ngoài chùa Kỳ Viên còn có 6 chùa khác: chùa Bình Ðông, Phú Lâm, Gò Dưa, Bình Hòa (chùa Phổ Minh) và Ðà Nẵng (Tam Bảo)). Tâm Châu, một tăng di cư, từng vận động chống việc chiếu phim về Phật Thích Ca, được cử làm Chủ tịch; với Mai Thọ Truyền, Tổng thư ký. Văn phòng đặt tại chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan. (28) Thượng tọa Tâm Châu cũng gửi một tâm thư cho các tăng ni mọi cấp, kêu gọi mọi người quyết tâm bảo vệ giáo kỳ với tinh thần “tử vì đạo.” (29) Riêng Thượng tọa Thiện Hòa (1907-1978), Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Gìa Toàn Quốc, kêu gọi tinh thần bất bạo động, hòa giải. (30)

Cuộc đàn áp ở Huế không chỉ tạo nên tia lửa điện tranh đấu trong hàng ngũ Phật tử Việt Nam mà cũng khiến Bộ Ngoại Giao Mỹ đặc biệt quan tâm. Dù tuyên bố trung lập, Bạch Cung có thiện cảm với Phật Giáo. Từ Oat-shinh-tân, chiều 9/5 [04G24 sáng 10/5 VN], Ngoại trưởng Dean Rusk chỉ thị Ðại sứ Frederick Nolting yêu cầu Diệm: (1) Không nên đàn áp Phật tử, (2) bày tỏ cảm tình với gia đình nạn nhân và giúp tiền an táng, (3) sử dụng những biện pháp thích nghi để vãn hồi trật tự, và (4) tạo tinh thần thân ái giữa các nhóm giáo dân.( 31) Trong khi đó, Trung ương Tình báo Mỹ [CIA] ghi nhận Cao Ðài và Hoà Hảo đang thảo luận phối hợp hành động với Phật giáo. Lại cũng có tin tuyệt thực đã bắt đầu tại Huế từ ngày 12/5. Theo Trung tá Trần Văn Thưởng–Giám đốc Cảnh Sát Công An Trung nguyên Trung Phần, người đã điều tra về việc đàn áp Phật Giáo ở miền Trung năm trước–Phật tử dự định biểu tình khắp đồng bằng miền Trung ngày 21/5.

Tổng thống Diệm - Đại sứ Mỹ Nolting - Thượng tọa Thích Trí Quang
 

Tại Sài Gòn cũng có tin sẽ biểu tình ngày 21/5.( 32) Do sự dàn xếp của Nolting, ngày 15/5, Tổng thống Diệm tiếp đại diện Phật giáo tại Sài Gòn. Phái đoàn đầu tiên này gồm Thượng tọa Thiện Hòa (Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Toàn quốc); Thiện Hoa (Trị sự trưởng Giáo Hội Nam Việt); Thiện Thái (Trị sự trưởng Giáo Hội Bắc Việt), Lâm Em (Trị sự trưởng Chùa Chantereansey), Dũng Chí (đại diện Phật Giáo Nguyên Thủy), cùng hai cư sĩ Mai Thọ Truyền (Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt), và Vũ Bảo Vinh (Hội trưởng Hội Phật học Bắc Việt). Phe chính phủ có Bui Văn Lương (Nội vụ) và Paul Ngô Trọng Hiếu (Công dân vụ).( 33)

Theo Việt Tấn Xã ngày 17/5, về đòi hỏi số 1 (rút lại lệnh cấm treo cờ Phật giáo), Diệm cho rằng cả Ki-tô lẫn Phật giáo đã có lỗi về việc treo cờ; chỉ được treo giáo kỳ trong các thánh đường hay chùa. Về đòi hỏi thứ hai (Dụ số 10), Diệm nói sẽ cứu xét lại. Ðiểm 3, về việc bắt giữ Phật tử và tăng ni, Paul Hiếu nói không hề có “khủng bố.” Lương cũng khẳng định “không hề có việc quân đội ném lựu đạn, xe thiết giáp bắn trọng pháo hay cán vào đám đông. . . . Sự thật chỉ có hai trái mìn từ lực [plastic] do Việt Cộng thừa lúc lộn xộn mà giựt, vì Quân đội không có plastic và căn cứ vào vết tích còn lại.” Diệm nói những người bị bắt có hành động bất an cho dân chúng và chính quyền, nếu tha ra, phần tử xấu sẽ lợi dụng. Ðiểm 4, về tự do tín ngưỡng, Diệm xác nhận đó là quyền hiến định. Ðiểm 5, về bồi thường, Diệm chỉ hứa sẽ nghiên cứu việc trợ cấp. Ðại diện Phật giáo đưa thêm hai đề nghị: ra Huế thăm viếng những người bị bắt giữ và tổ chức cầu siêu cho nạn nhân. Diệm nói sẽ cứu xét đòi hỏi thứ nhất, và đồng ý đòi hỏi thứ hai, với điều kiện chỉ tổ chức trong khuôn viên các chùa. Nhưng đại diện Phật giáo, qua buổi họp này, kết luận rằng Diệm chưa có quyết định nào rõ rệt.( 34) Tuy nhiên, họ kiên nhẫn chờ đợi thiện chí của chính phủ. Có lẽ vì vậy, Trí Quang đồng ý tu chính lại 5 nguyện vọng, và ngày 15/5, nhờ Ðẳng chuyển thư cho Cẩn, hứa không tranh đấu nữa.( 35)

Ðáng ghi nhận là từ ngày 15/5 này, Bộ trưởng Nội vụ Lương bắt đầu thay “lựu đạn” bằng hai trái mìn từ lực của Cộng Sản mà quân đội không được cấp phát. Ðây là nỗ lực “sửa sai” đầu tiên của chế độ để chối bỏ tội lỗi (trong khi mãi tới ngày 25/5, Diệm mới thú nhận là cấp dưới đã báo cáo sai lạc về một hay nhiều trái lựu đạn).( 36) Vì sắp qua Greece [Hy Lạp] nghỉ thường niên, Nolting khuyên Diệm nên ra tuyên cáo chính thức về vấn đề Phật Giáo. Nolting cũng tiếp xúc Khâm sứ Vatican là Salvatore d’Asta và Linh mục Cao Văn Luận để thuyết phục Diệm. Theo Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Ðình Thuần, thương thuyết với Phật giáo tiến triển tốt đẹp, nhưng chủ chốt là chính phủ muốn tránh trách nhiệm.( 37)

Ngày 18/5, khi cùng XLTV Ðại sứ William C. Trueheart qua chào tạm biệt Diệm, Nolting cố thuyết phục Diệm đáp ứng nguyện vọng của Phật giáo. Nolting muốn Diệm tuyên bố chịu trách nhiệm về biến cố ở Huế, bồi thường cho nạn nhân, và tái khẳng định chính sách bình quyền tôn giáo và không kỳ thị. (38) Diệm không hứa điều gì. Diệm vẫn tin, hoặc muốn diễn giải rằng biến cố ở Huế là do các lãnh tụ Phật giáo khích động; những người ở Huế chết vì một hay nhiều trái lựu đạn, do Cộng sản hay phe chống chế độ ném, không phải viên chức chính phủ; và một số lãnh đạo Phật giáo lợi dụng biến cố ở Huế để củng cố thế lực trong nội bộ Giáo hội. Dưới mắt Diệm, vấn đề Phật giáo không quá nghiêm trọng như Mỹ tưởng nghĩ.( 39) Dù được xem những khúc phim về cuộc đàn áp Diệm không thay đổi lập trường.( 40) Diệm chỉ cách chức Ðẳng, đưa Nguyễn Văn Hà ra Huế. Ðồng thời, bổ nhiệm Nguyễn Xuân Khương, đương kim Tổng Giám Ðốc Ðiền Ðịa, làm Ðại biểu Trung Nguyên Trung Phần, hiệu lực từ ngày 1/6/1963. Cho rằng chính phủ kỳ thị Phật Giáo, các tăng ni quyết tranh đấu đến cùng.

Ngày 19/5, Hòa thượng Tịnh Khiết thông báo cho Ðại biểu TNTP và Thiếu tướng Tư lệnh QÐ I rằng đã chấp thuận cho hai Thượng tọa Mật Nguyện và Trí Quang tuyệt thực để cầu cho nguyện vọng của Phật Giáo.( 41) Ngày 23/5, năm lãnh tụ Phật giáo, gồm cả Hòa thượng Tịnh Khiết, ra tuyên ngôn khẳng định lập trường bất bạo động và phi chính trị, nhưng cương quyết đòi chính phủ phải thỏa mãn các đòi hỏi của Phật Giáo “trong một thời [gian] càng sớm càng tốt,” đồng thời ngưng ngay những cuộc “khủng bố, bắt giữ.”( 42)

Tại Sài Gòn, sáng ngày 21/5, 600 tu sĩ làm lễ cầu siêu cho nạn nhân ở Huế, rồi diễn hành từ chùa Ấn Quang đến chùa Xá Lợi. Bốn ngày sau, Ủy Ban Liên Phái ra tuyên cáo ủng hộ 5 nguyện vọng của Phật Giáo, và hứa đoàn kết tranh đấu cho bằng được các nguyện vọng trên. (43) Phần chính phủ vẫn im lặng khó hiểu. Mặc dù từ ngày 24/5 các chuyên viên y khoa khẳng định rằng thương tích nạn nhân ở Huế đêm 8/5 không do mảnh lựu đạn gây nên Diệm vẫn chẳng tỏ một thái độ hòa giải nào.( 44) Các lãnh đạo Phật Giáo bèn quyết định mở rộng cuộc tranh đấu: Ngày 28/5, Tâm Châu thông báo với Tổng thống Diệm là sẽ tổ chức tuyệt thực trong vòng 48 giờ, kể từ 14 giờ ngày 30/5/1963.( 45)

Hôm sau, 29/5, báo chí mới đăng thông cáo của Diệm, khẳng định quyền tự do và bình đẳng tín ngưỡng được qui định trong điều 17 của Hiến Pháp; nhưng vẫn bảo vệ lệnh treo cờ, vì quốc kỳ phải có địa vị tối thượng, và khẳng định chính phủ “không hề có ý nghĩ phân biệt đối xử với bất cứ tôn giáo nào.”( 46) Thời gian này, báo chí Mỹ cũng ra sức ủng hộ Phật Giáo. Gây chấn động nhất là bài trên tuần báo Newsweek số đề ngày 27/5/1963, vạch trần sự lộng hành của tập đoàn cai trị Ki-tô của Thục cùng các “quan” ở Huế.( 47) Ngày 29/5, tại Mỹ, báo New York Times [New York Thời Báo] cũng khai thác ngay bản tin mà Ủy Ban Liên Phái gửi cho các cơ quan truyền thông và nhiệm sở ngoại giao, tường thuật rằng Phật tử rất bất mãn về cách đối xử của Diệm, và đang chuẩn bị đấu tranh tuyệt thực, đồng thời tổ chức cầu siêu trong vòng 4 tuần lễ. David Halberstam–một ký giả lập nên sự nghiệp nhờ chiến tranh Việt Nam và chủ trương nhà Ngô phải ra đi–thuật lại rằng trong buổi họp ngày 15/5, Diệm đã lên án các tăng sĩ là “bọn khùng” [damn fools] khi đòi hỏi bình đẳng tôn giáo, vì quyền này đã được Ðiều 17 của Hiến pháp (một bộ tiểu thuyết luật pháp và nhân quyền) bảo đảm.

Bộ Ngoại Giao Mỹ vội thông báo cho Trueheart về nội dung bài báo trên, đồng thời chỉ thị Trueheart phải đích thân gặp Diệm, thuyết phục Diệm thỏa mãn nguyện vọng của Phật giáo.( 48) Hôm sau, Bộ Ngoại Giao đồng ý cho Trueheart gặp Khâm sứ Vatican, nhờ khuyên bảo Diệm về vấn đề Phật Giáo.( 49) Trueheart chưa kịp gặp Diệm, Phật Giáo đã hành động. Hòa thượng Tịnh Khiết–đúng hơn nhóm lãnh đạo tranh đấu–chỉ thị cho các tăng sĩ tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ kể từ 2 giờ chiều ngày 30/5. Ngày này, tại Sài Gòn, 350 tăng ni biểu tình trước Quốc Hội, rồi tuyệt thực.( 50) Tại Huế, dù chùa Từ Ðàm bị cô lập, các cấp lãnh đạo Phật giáo vẫn tuyệt thực. Khoảng 3,000 Phật tử bị vây hãm trong vòng rào kẽm gai. Tại Quảng Trị, Phật tử biểu tình trong trật tự.

Ngày Thứ Bảy, 1/6, đúng ngày Tỉnh trưởng Ðẳng, Phó Nội an Sỹ và Ðại biểu Trung phần bị thay thế, nhiều đoàn Phật tử Huế tụ họp tại một số địa điểm trong thành phố, kể cả Dinh tỉnh trưởng và Tòa Ðại biểu chính phủ tại miền Trung. Khoảng 10,000 người tụ họp trước chùa Từ Ðàm. Sau đó giải tán do yêu cầu của các tăng sĩ. Ðỗ Cao Trí điều Nhảy Dù và M-113 từ Quảng Trị vào Huế đề phòng bất trắc.( 51) Tại Ðà Nẵng, Phật tử cũng tổ chức tuần hành không bạo động vào ngày 1/6, do các tăng ni dẫn đầu. Tối hôm trước, 31/5, Ðại tá Lâm Văn Phát, Tư lệnh Sư đoàn 2 BB–một giáo dân Ki-tô tân tòng, thường tự chứng tỏ là rất trung thành với chế độ–cho lệnh các đơn vị dưới quyền chuẩn bị chống biểu tình.

Chiều 1/6, một xe vận tải hai tấn rưỡi (GMC) của quân đội chở đầy đạn bỗng dưng bị hư máy ở một ngã tư cách Toà Thị chính một khu phố về phía Bắc. Cấp chỉ huy bèn phái một xe GMC khác tới tháo rỡ đạn, dưới sự bảo vệ an ninh của một đơn vị tác chiến. Quân Cảnh, Cảnh Sát và Công An cũng chặn đường từ phía Nam lên Toà Thị chính. Kế hoạch của Phát không đủ ngăn cản Phật tử biểu tình trong trật tự. Các tăng ni dẫn đầu một đoàn phụ nữ và thiếu niên diễn hành qua đường phố, với khẩu hiệu đòi tự do tín ngưỡng và bình quyền tôn giáo. Tới trước cửa Toà Thị chính, 7 nhà sư rời đám đông, biểu tình ngồi; trong khi Phật tử tiếp tục cuộc diễn hành, rồi giải tán. Giữa lúc Phật tử đang biểu tình, Phát vào gặp Thị trưởng Ðà Nẵng là Hà Thúc Luyện, cho lệnh phải dời 7 nhà sư đang ngồi trước Toà Thị chính, và giải tán cuộc diễn hành, cho dẫu “đích thân Thị trưởng phải ném lựu đạn vào đám đông.” Luyện, dù là một cán bộ Cần Lao cao cấp thân tín của Cẩn, từ chối.

Trong đêm 2/6, Phát điều thêm một số đơn vị khác vào thành phố. Một đại đội tăng cường cho Ty Công An Ðà Nẵng (đối diện khách sạn). Phần quân nhân Phật tử bị cấm trại. Trong đêm, 7 nhà sư bị bắt đi mất tích. Qua hôm sau, 3/6, Luyện bị cất chức Thị trưởng; gọi vào Sài Gòn trình diện. Trung tá Trần Ngọc Châu, Tỉnh trưởng Kiến Hoà, một Phật tử gốc miền Trung, ra thay. (52) Trong khi Ðà Nẵng đang sôi động, ngày 2/6, Phật tử Quảng Trị lại biểu tình. Chính quyền đàn áp bằng lựu đạn cay. Giao thông với Huế bị cắt đứt. (53) Chiều hôm sau, 3/6, tại Huế, khoảng 500 thanh niên tụ họp trước Tòa Ðại Biểu Trung Phần. Quân đội “dàn chào” bằng lưỡi lê và lựu đạn cay. Các nẻo đường dẫn đến chùa bị phong tỏa bằng kẽm gai. Phật tử biểu tình ngồi. Binh sĩ dùng lựu đạn cay giải tán. Trong khi đó, Trí Quang đã tuyệt thực nhiều ngày, sức khoẻ suy giảm. Ðại tá Trí ra lệnh giới nghiêm. Khoảng 18G30, quân đội lại tấn công mạnh Phật tử biểu tình tại chợ Bến Ngự. Dùng cả chất hóa học (blister gas), khiến 67 nạn nhân bị nôn mửa, lưu lại vết bỏng trên da.( 54)

Ðược báo cáo, ngày 3/6 [sáng 4/6 Việt Nam] Bộ Ngoại Giao Mỹ hai lần chỉ thị Trueheart phải yêu cầu Diệm hoà giải với Phật giáo và báo cáo rõ hơn về khói hóa học sử dụng để đàn áp Phật tử.( 55) Trueheart vội đến gặp Thuần vào khoảng 11G45 ngày 4/6. Khác với Nolting, Trueheart trở lại thái độ công khai áp lực mà cựu Ðại sứ Elbridge Durbrow đã áp dụng. Trueheart cảnh cáo rằng Mỹ có thể ngưng yểm trợ nếu còn đàn áp Phật Giáo. Thuần tiết lộ Hội đồng chính phủ đã đề nghị thành lập một Ủy Ban Liên Bộ [UBLB] để cứu xét các đòi hỏi của Phật Giáo như Trueheart yêu cầu từ ngày 1/6, và Diệm đã chấp thuận. Nhu cũng hứa sẽ tiếp xúc với lãnh tụ Phật Giáo. Ngay chiều đó, Thuần còn mời Trueheart tới tư dinh, nói đã thành lập một ủy ban điều tra về hơi độc ở Huế, do Ðại tá Nguyễn [Trần] Văn An, và Trung tá Y sĩ Liêm cầm đầu. Diệm cũng sẽ tuyên bố thành lập UBLB, gồm Phó Tổng Thống Thơ, Lương và, Thuần.( 56) Nhưng khoảng 17G00, Bộ Tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam [MAC-V] lại xin ý kiến Trueheart về việc Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu MAC-V không vận 300 Cảnh sát từ Vũng Tàu ra Huế. Trueheart không chấp thuận.( 57)


III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963:

Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ có vẻ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu. Họ Ngô không muốn nhìn nhận trách nhiệm vì cho đó là nhược điểm. Diệm cũng không muốn thỏa mãn các nguyện vọng đưa ra ngày 10/5 vì sợ Phật Giáo sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều hơn. Áp lực của Mỹ khuyên Diệm hòa hoãn thì được giải thích theo một ý nghĩa khác–thực ra, chế độ Diệm đang rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin với Mỹ, và Nhu đang bí mật ve vãn Cộng Sản với sự tiếp tay của Pháp và India.( 58) Trong khi đó, lãnh tụ Phật Giáo khéo léo phối hợp giữa biểu tình và ngoại giao, nhất là việc sử dụng các cơ quan truyền thông quốc tế. Một số giáo chức Tây Germany [Ðức] và ký giả ngoại quốc cũng tích cực tiếp tay.( 59)

Biến cố gây xúc động nhất là cuộc tự thiêu của Thượng tọa Quảng Ðức ở Sài Gòn ngày 11/6/1963. Có thể nói lần đầu tiên mới có một cuộc đấu tranh chính trị tinh xảo đến thế. Bởi vậy, chính phủ Mỹ không ngừng áp lực Diệm phải giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 16/6, Diệm và Tịnh Khiết ra một Thông cáo chung. Nhưng Diệm không thực tâm thi hành những điều đã ký kết. Thục và vợ chồng Nhu-Lệ Xuân cũng tìm mọi cách ngăn chặn việc thực thi tuyên cáo ngày 16/6. Phật giáo không lùi bước.

 
A. THƯƠNG THUYẾT:

Chiều ngày 5/6/1963, Ủy Ban Liên Bộ [UBLB] cùng các Thượng Tọa Thiện Minh và Thiện Hoa ngồi vào bàn thương thuyết. Ngay sau buổi họp đầu, cả đôi bên đều thất vọng về sự thiếu thành khẩn của nhau. Dẫu vậy, Thuần cùng Thiện Minh, phụ tá của Trí Quang, bí mật đạt được thỏa thuận sơ khởi trên 5 đòi hỏi của Phật giáo, với điều kiện phải được Diệm phê chuẩn.( 60) Hôm sau, 6/6, hai bên đồng ý chính phủ sẽ rút quân đội và an ninh khỏi vùng lân cận các chùa, Ðỗ Cao Trí ngừng biểu dương võ lực. Ngược lại, Phật giáo ngừng tuyên truyền chống chính phủ.

Thiện Minh lập tức lên đường ra Huế tường trình về những điều thỏa thuận với UBLB, mang theo một cư sĩ quen biết Thuần để bảo đảm rằng những phần tử “quá khích” [extremist elements] không phá hoại thương thuyết. Theo dự trù, Tịnh Khiết, đang tuyệt thực ngoài Huế, cũng sẽ vào Sài Gòn ký tuyên cáo chung.( 61)

Ngày 6/6 này, Diệm đọc một diễn văn truyền thanh ngắn, kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh vì chính phủ cần thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng.( 62) Nhưng tại Huế, tình hình thêm căng thẳng. Trong ngày 5/6, bạo động lại diễn ra khiến 4 Phật tử chết, hơn 100 bị thương và hơn 1,000 người bị bắt. Hai sinh viên bị mất tích. 3 y sĩ Germany [Ðức] và 2 y sĩ Mỹ đang phục vụ tại Huế đã tích cực giúp đỡ Phật tử. Diệm bèn cho lệnh hai y sĩ Germany, Erich Wulff và Hans Holterscheidt, phải lập tức rời cố đô. Sau đó, trục xuất họ khỏi Sài Gòn với lý do “không được ưa chuộng” [Persona Non Grata].( 63) Chính quyền Huế còn ngưng tiếp tế cho những người biểu tình bị cô lập. Lãnh sự John J. Helble báo cáo rằng tình trạng thực phẩm và nước uống tại chùa Từ Ðàm đã ở mức báo động đỏ. Phi cơ chính phủ thì rải truyền đơn đả kích Trí Quang và đòi bắt giữ cả Tịnh Khiết.( 64)

Tại Sài Gòn, thái độ họ Ngô cũng đột ngột cứng rắn. Vợ chồng Nhu-Lệ Xuân công khai trách mắng Thuần đã nhân nhượng quá nhiều.

Ngày 7/6, Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới [PTPNLÐ] của Lệ Xuân ra “quyết nghị” lên án những cuộc biểu tình chống chính phủ là chống lại chính nghĩa quốc gia (anti-nationalist), bị “Cộng sản khai thác và lợi dụng, dẫn đến hỗn loạn và trung lập.” Và yêu cầu chính phủ không thể tiếp tục im lặng trước những mưu toan chính trị, lập tức trục xuất những ngoại nhân chuyên phá hoại, dù mặc áo thày tu hay không, đặc biệt là những kẻ mưu toan biến Việt Nam thành chư hầu ngoại bang.( 65) Quyết nghị này được trao cho báo chí ngày hôm sau, 8/6/1963.

Ngày này, Trueheart gặp Thuần về quyết nghị của PTPNLÐ trên nhưng Thuần thú nhận mình không giải quyết được gì. Chiều đó, Truehart vào Dinh Gia Long, đích thân phản đối lời tuyên bố của vợ Nhu, và dọa sẽ công khai không ủng hộ chính sách Phật giáo của Diệm. Diệm nói không thể bác bỏ quyết nghị của PTPNLÐ, vì đây là một hội đoàn tư nhân, nhưng sẽ cho lệnh Bộ trưởng Nội vụ phải để những người biểu tình tại chùa Từ Ðàm được tiếp tế lương thực và nước uống. Diệm cũng nói không biết gì về việc phi cơ chính phủ thả truyền đơn sỉ nhục lãnh tụ Phật giáo. Sau đó, Diệm khẳng định lập trường: Sẽ thương thuyết trong thế mạnh; Phật giáo vi phạm lời cam đoan tạm ngưng chiến dịch tuyên truyền, tiếp tục phát tài liệu cho báo chí ngoại quốc (như Thiện Minh đã tiết lộ về những điều khoản thỏa thuận); Phật giáo thiếu thành tín (bad faith).

Lần đầu tiên, Diệm thú nhận với Trueheart rằng chính quyền địa phương bất lực trong việc đối xử với Phật giáo; vì mãi đến ngày 24/5–tức hơn hai tuần lễ sau cuộc thảm sát ở Huế–chuyên viên y khoa mới báo cáo là thương tích không do mảnh lựu đạn gây nên. Nhưng Diệm nhấn mạnh sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì trật tự nếu hỗn loạn tiếp tục.( 66)

Hôm sau, 9/6, báo Times of Vietnam [Việt Nam Thời Báo] đăng nghị quyết ngày 7/6 của PTPNLÐ. Báo này nhấn mạnh vai trò các tăng sĩ Nam tông (Therevada) trong những cuộc rối loạn hiện nay. Hàm ý là phe Nam tông có liên hệ với chính sách trung lập hoá miền Nam của Charles de Gaulle và Norodom Sihanouk. Các báo Việt ngữ không đăng. Diệm cũng cho lệnh đài phát thanh không nhắc đến lời Lệ Xuân đả kích Phật Giáo. Tuy nhiên, lệnh này ban hành sau khi đài Sài Gòn đã phát thanh vài ba lần.

Tại Huế, số Phật tử bị phong tỏa đã 3 ngày không có nước uống, thực phẩm và thuốc men. Một số tư nhân mang tặng thực phẩm, nước uống. Chính phủ cho chụp hình, loan báo đó là do chính phủ cung cấp. Trong khi đó, điện thoại với Sài Gòn bỗng dưng bị “hư.” Lãnh sự Huế Helble không thể liên lạc được với Trueheart. Thuần cũng lâm vào cảnh tương tự. Phi cơ chính phủ tiếp tục rải truyền đơn, tố cáo Trí Quang là Cộng Sản. Ðây là bước chuẩn bị cho việc bắt giữ các lãnh tụ tranh đấu–vì chỉ cần “liên hệ với phiến Cộng” đã là trọng tội, có thể bị kết án từ khổ sai tới tử hình. Không ít người đã bị tra tấn đến chết hay thủ tiêu.( 67)

Tại Oat-shinh-tân, trưa ngày 8/6 [đêm 8 rạng 9/6 tại Việt Nam], Ngoại trưởng Rusk chỉ thị Trueheart yêu cầu Diệm bác bỏ nghị quyết của PTPNLÐ, rút lại Sắc luật số 10, và cần xác định chính phủ duyệt trước hay chăng lời tuyên bố của Lệ Xuân. Lời tuyên bố của Lệ Xuân, Rusk nhấn mạnh, làm suy giảm vị thế của VNCH, và làm tổn hại uy tín của Mỹ, có thể gây khó khăn cho việc tiếp tục yểm trợ VNCH tại Quốc Hội cũng như dư luận Mỹ. (68) Gặp Thuần ngày 9/6, Trueheart cho biết chỉ thị của BNG Mỹ. Rồi đả kích việc chính phủ đang chuẩn bị phản biểu tình vào ngày 10 hay 11/6. Kế hoạch phản biểu tình của Paul Hiếu này gồm có những thủ thuật sử dụng “sư giả” từ các tỉnh, Thanh Niên Cộng Hoà và bọn tệ đoan xã hội ở Chợ Lớn giả làm sư. Trueheart cảnh cáo rằng nếu quả thực như vậy, cần phải ngừng ngay. Trueheart cũng nêu lên vấn đề giáo dân Ðà Nẵng đang chuẩn bị ra nghị quyết cách chức Thiếu tá Thiệt, Tỉnh trưởng Quảng Nam, nhân dịp làm lễ cầu hồn cho Giáo hoàng John XXIII (1958-1963) vào ngày 10/6. Nếu đúng sự thực, cần chấm dứt ngay. Trueheart còn nêu lên vấn đề 4 ký giả (Michaud của AFP, Sheehan của UPI, Browne của AP và Parry của báo NY Times) đã bị bắt giữ 1 giờ đồng hồ tại Quận 3. Hành động này, Trueheart bảo thẳng Thuần, là “khùng” và bất lợi.( 69)

Mãi tới 9 giờ sáng ngày Thứ Hai, 10/6, Thuần mới gặp Trueheart để phúc đáp. Thuần nói đã trình bày với Diệm và Nhu về những đề nghị của Mỹ. Về Sắc luật số 10, Diệm không có quyền rút lại. Quyết nghị của PTPNLÐ không phải là “tuyên bố của bà Nhu,” mà là của “một tổ chức đại chúng” (cả Thuần lẫn Trueheart đều mỉm cười). Diệm đã điện thoại cho Paul Hiếu trước mặt Thuần về vấn đề tổ chức phản biểu tình. Hiếu chối không có kế hoạch đó. Cũng không có kế hoạch đòi cách chức Tỉnh trưởng Quảng Nam. Ðang dàn xếp cho những người trong chùa Từ Ðàm ở Huế ra về không gặp trở ngại, ngoại trừ các công chức. Chính phủ không đứng ra tổ chức lễ cầu hồn cho John XXIII. Diệm vẫn muốn thương thuyết, nhưng cần cô lập những thành phần quá khích. UBLB của PTT Thơ sẽ họp lúc 10G00 để nghiên cứu lá thư mới nhất của UB Tranh đấu Phật giáo.( 70)

 

B. NGỌN LỬA CÚNG DƯỜNG ÐẠO PHÁP:

Biến cố khiến cuộc tranh đấu của Phật giáo được dư luận thế giới chú ý nhất là cuộc tự thiêu của Thượng tọa Quảng Ðức tại ngã tư Phan Ðình Phùng-Lê Văn Duyệt Sài Gòn (ngay trước Tòa Ðại sứ Kampuchea).

Quảng Ðức, tục danh Lâm Văn Tức (1897-1963), đang tu tại chùa Quán Thế Âm trên đường Nguyễn Huệ, Gia Ðịnh. Lúc 9G30 sáng ngày 11/6–giữa lúc Diệm và hầu hết nhân viên cao cấp trong chính phủ đang tham dự buổi quốc lễ cầu hồn cho Giáo Hoàng John XXIII– chiếc xe Austin của một Phật tử, dưới sự dẫn đường của một đoàn 400-500 tăng sĩ, đưa Quảng Ðức tới chỗ hóa thân. Ðịa điểm này được các tăng ni làm hàng rào cản không cho Cảnh sát can thiệp. Số khán giả tò mò lên tới khoảng 500 người, ngày càng đông. Một số ký giả như Sheehan của hãng UPI cũng được báo trước. Từ xe bước xuống giữa ngã tư, Quảng Ðức ngồi xuống theo thế thiền định, nhờ một Ðại đức đổ xăng lên thân thể mình, rồi tự tay châm lửa bằng diêm (quẹt). Malcolm Browne, nhân viên hãng AP, thu được tấm hình này–bức hình rồi sẽ gây chấn động dư luận thế giới.( 71) Trưa đó, khoảng 400 tăng sĩ đưa thi hài Quảng Ðức tới chùa Xá Lợi. 2,000 Phật tử cũng lũ lượt kéo nhau tới chùa. Khoảng 1,000 Cảnh sát tới “bảo vệ an ninh,” nhưng các tăng ni được di chuyển tự do trong khu vực này.( 72)

Cố vấn Nhu - Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu - Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân
 

Khoảng 12G30, quân đội được lệnh cấm quân. Bảy tiểu đoàn Dù nhận lệnh ứng chiến. Ðại tá Lê Quang Tung tăng cường 2 Ðại đội Lực Lượng Ðặc Biệt [LLÐB] cho Sài Gòn, trí quân trong phi trường Tân Sơn Nhất. Nhân viên Mỹ được nghỉ sớm, và khuyến cáo không nên đến gần các đám biểu tình.( 73)

Phần Trueheart tới gặp Thuần tại tư dinh, bảo thẳng Thuần rằng Diệm phải có thái độ ngay chiều đó, bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không liên hệ đến chính sách tôn giáo của Diệm. Khi Thuần hỏi có thể dẫn lời Trueheart cho Diệm và Nhu nghe được không, Trueheart đồng ý. Trueheart cũng lưu ý Thuần về kháng thư của PTPNLÐ đăng trên Times of Vietnam sáng đó để phản đối hãng UPI khi gửi đi bản tin của Sheehan; và cảnh cáo rằng nếu đây là bước đầu để trục xuất Sheehan thì là một điều “ngu xuẩn” (stupid). (74) Phó Tổng thống Thơ và Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cũng vào yêu cầu Diệm phải có hành động tức khắc, đồng thời chỉ thị UBLB xúc tiến nhanh việc thương thuyết với Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo Tranh Ðấu.( 75)

Ngay tối 11/6 đó, Diệm đọc diễn văn, cam kết là “phía sau Phật Giáo trong nước còn có Hiến Pháp, tức là có tôi.”( 76) Diệm hy vọng diễn văn truyền thanh của mình sẽ trấn an dư luận cho tới hôm sau, khi UBLB gặp mặt Ủy Ban Liên Phái. Tại Oat-shinh-tân, gần nửa đêm 11/6 [gần trưa 12/6 tại Việt Nam], Rusk chỉ thị cho Trueheart: “Nếu Diệm không có những bước cấp tốc và hiệu lực để giải quyết cuộc khủng hoảng để gây lại niềm tin của Phật tử, chúng ta sẽ phải tái duyệt xét việc ủng hộ chế độ Diệm.”( 77)

Tối ngày 12/6, Trueheart mới gặp được Diệm. Không những thông báo cho Diệm biết cuộc tự thiêu của Quảng Ðức đang gây sôi nổi dư luận thế giới, Trueheart còn trao cho Diệm một văn bản cảnh giác–theo đúng chỉ thị của Rusk–là Mỹ có thể sẽ công khai tuyên bố không ủng hộ chính sách Phật giáo của Diệm. Trước khi kiếu từ, Trueheart nêu lên 3 điểm:

1. Báo cáo ngày 11/6 cho biết chính quyền Huế và Ðà Nẵng tiếp tục bắt giữ người biểu tình.

2. Chính phủ không thể truy tố những người “giúp” Thượng tọa Quảng Ðức tự thiêu. (Diệm nói có người giúp Quảng Ðức đổ xăng lên mình, và châm lửa. Trueheart nhấn mạnh rằng hai nhân chứng đích mắt thấy Quảng Ðức tự mình tưới xăng và châm lửa).

3. Có tin chính phủ đang cấm các tăng ni từ các tỉnh vào Sài Gòn. (Cả Diệm lẫn Thuần trả lời là vì lý do an ninh. Diệm thêm rằng Quốc Hội đang thành lập tiểu ban nghiên cứu việc sửa đổi Sắc Luật số 10). (78)

 
C. THÔNG CÁO CHUNG:

Từ sáng 12/6, Hoà thượng Tịnh Khiết cùng Trí Quang và Thiện Minh rời Huế vào Sài Gòn để thương thuyết với UBLB. Ba lãnh tụ Phật giáo tới phi trường Tân Sơn Nhất lúc 13G15, và tạm trú tại chùa Xá Lợi. (79) Phó TT Thơ viết thư yêu cầu hai bên họp ngay lúc 18G00 hôm đó để giải quyết mau chóng các đòi hỏi của Phật giáo. Phe Phật giáo muốn trì hoãn ít ngày để bàn bạc với các đại diện miền Nam, nên nêu lý do Tịnh Khiết còn yếu sau 5 ngày tuyệt thực, cần tĩnh dưỡng ít lâu. Thơ lại đề nghị gặp nhau hôm sau, giờ và địa điểm do Phật giáo chọn. Cuối cùng, Phật giáo đề nghị họp ngày 14/6, với điều kiện chính phủ phải nhân nhượng toàn bộ 5 đòi hỏi ngày 10/5/1963.( 80)

Ngày 14/6, phái đoàn Phật Giáo do Thiện Minh làm Trưởng đoàn–gồm Thiện Hoa, Tâm Châu, Huyền Quang (Thư ký), và Ðại đức Ðức Nghiệp (Phó Thư ký)–bắt đầu họp với UBLB. Do áp lực của Trueheart, ngay sáng hôm đó, chính phủ nhượng bộ đòi hỏi thứ nhất: đồng ý cho Phật tử treo cờ Phật Giáo. Trong phiên họp chiều, đồng ý sửa lại Sắc luật số 10 của Bảo Ðại. Ðể chứng tỏ thiện chí, Tịnh Khiết kêu gọi Phật tử tạm ngưng biểu tình.( 81)

Hôm sau, khoảng 18G30, thương thuyết hoàn tất. Ngày Chủ Nhật, 16/6, hai bên ra thông cáo chung với những điều khoản sau: Tạm ngưng áp dụng Dụ số 10; cứu xét lại những khiếu nại của Phật Giáo; xác nhận tự do tôn giáo; sẽ “trợ cấp” (không phải “bồi thường”) cho gia đình nạn nhân ở Huế. Tịnh Khiết và Diệm cùng ký vào bản Tuyên Cáo trong Dinh Gia Long–nhưng Diệm không ký ngang chỗ “Khán” của Tịnh Khiết mà ghi vào góc trên của bản Thông cáo chung như sau: “Những đều được ghi trong thông cáo nầy thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ đầu; Ngô Ðình Diệm.” (82)

Trong khi thương thuyết đang diễn ra, Phật tử và một số lãnh tụ Phật giáo thiên về bạo động hơn. Ngày 13/6, Phật tử khắp nơi treo cờ Phật Giáo, chống lại lệnh cấm của Diệm (thực ra Diệm đã bí mật đồng ý). Buổi lễ cầu siêu cho Quảng Ðức ngày 16/6 tại chùa Xá Lợi qui tụ hàng chục vạn người. Hơn 500,000 thanh niên, hoc sinh và Phật tử xuống đường biểu tình. Xô xát Cảnh Sát kéo dài 45 phút trước chùa Xá Lợi.( 83) Buổi tối, Thiết Giáp phải đến tăng cường cho Cảnh Sát. Một thiếu niên 15 tuổi bị tử thương vì trúng đạn ở đầu. 3 tăng và 2 Phật tử bị thương. Hàng ngàn người bị bắt giữ.( 84) Ba ngày sau, 19/6, nhờ Cảnh Sát, Công An nỗ lực ngăn chặn Phật tử tham dự, lễ hỏa táng Quảng Ðức bớt hỗn loạn hơn.


IV. GIAI ÐOẠN “HƯU CHIẾN,” 19/6-20/8/1963:

Thông cáo chung ngày 16/6/1963 là cơ hội tốt nhất cho chính phủ Diệm giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Nhưng vì những nguyên do thầm kín, họ Ngô quyết định không tôn trọng những điều đã cam kết. Phật Giáo chẳng phải không đề phòng. Lãnh đạo Phật Giáo chỉ tạm thời “ngưng chiến” trong vòng 2 tuần lễ, chờ đợi thành tâm của chính phủ.


A. NỖ LỰC PHÁ HOẠI THÔNG CÁO CHUNG 16/6/1963:

Có dấu hiệu cho thấy vợ chồng Nhu-Lệ Xuân muốn phá hoại việc thực hiện thông cáo chung với Phật giáo. Một mặt, Nhu vận động các hội Phật giáo độc lập chống lại cuộc tranh đấu. Ngày 20/6, Phật Giáo Cổ Sơn Môn –mới thành lập tại chùa Giác Lâm, Chợ Lớn; do Huệ Tâm, Hoà thượng trụ trì chùa Trung Nghĩa, Sa Ðéc, thủ lĩnh Lục Hòa Tăng làm Tăng thống–tuyên bố ủng hộ chính sách tôn giáo của chính phủ, và đứng ngoài chính trị.( 85) Nhu còn cho lệnh cắt bỏ đoạn phim thời sự về cuộc thương thuyết giữa chính phủ và Phật giáo.

Mặt khác, Nhu sai các tỉnh tổ chức mít-tinh lên án phong trào tranh đấu của Phật giáo và phong tỏa các chùa chiền. Ðoàn viên Thanh Niên Cộng Hoà [TNCH] mặc đồng phục xanh dương đậm đi lấy chữ ký để ra thỉnh nguyện thư phản đối bản thông cáo chung 16/6/1963, và chuẩn bị biểu tình đòi xét lại thông cáo chung này. Bản thông cáo số 3 của TNCH đệ trình lên “Tổng thủ lãnh” Nhu đề ngày 25/6/1963 gồm nhiều lời đả kích Phật giáo nặng nề như “dị đoan cuồng tín,” “phản loạn, tay sai của kẻ thù chung,” v.. v... Ðồng thời, lên án Tuyên cáo chung 16/6/1963 là “không phù hợp với lý tưởng của TNCH, co đặt những đặc quyền và độc quyền cho một nhóm, có những chủ trương trái với luật lệ hành chánh.”( 86) Trước sự phản kháng của Phật giáo, ngày 1/7/1963, TNCH lại ra Tuyên cáo số 4, ám chỉ lãnh tụ Phật giáo tranh đấu liên hệ với bọn phản loạn và phản quốc, trong khi đích thân Tổng thủ lãnh “cảnh giác để không cho phép bọn đầu cơ chính trị và Cộng Sản lợi dụng Thông cáo chung [16/6] đó hầu làm sai lệch nó ra ngoài phạm vi tôn giáo.”( 87)

Lệ Xuân thì cho PTPNLÐ họp tại trụ sở trung ương ngày 16/6, dùng loa phóng thanh công bố Quyết nghị ngày 7/6. Rồi ra một Bạch thư [Sách trắng], do vợ chồng Gene và Ann Gregory, chủ nhiệm báo Times of Vietnam soạn thảo, đăng trên chính tờ Times of Vietnam số ra ngày 17/6, miệt thị cuộc tranh đấu của Phật giáo, tố cáo cuộc tranh đấu không vì lý do tôn giáo mà chỉ vì lý do chính trị.( 88) Rồi đến kế hoạch ăn mừng lớn suốt ba ngày, từ 25 tới 27 tháng 6/1963, để kỷ niệm 25 năm Thục được phong chức Giám mục (Lễ Ngân Khánh = Tea Deum).( 89)

Có lẽ anh em họ Ngô muốn sử dụng ngày lễ này để vận động sự ủng hộ của khối giáo dân Ki-tô chống lại Phật Giáo. Bởi thế, ngày 16/6, Tổng Giám Mục Paul [Nguyễn Văn] Bình chỉ thị các họ đạo phải giữ tôn giáo biệt lập với chính quyền. “Một giáo dân Ki-tô tốt, và đạo hạnh, là công dân thượng hạng, ràng buộc với tổ quốc, trung thành với chế độ cầm quyền, bất kể sự chính thống của chính quyền ấy.” Ðó là lời giải thích của Pie XI, trong Sắc Dụ ngày 31/12/1929.”( 90) Hệ thống tuyên truyền của chế độ cũng tìm đủ cách hạ giá trị các lãnh tụ và mục tiêu tranh đấu của Phật tử. Cán bộ chính phủ loan tin Cộng Sản đã nhúng tay vào máu khi ném lựu đạn vào đám đông đêm 8/5/1963. Khi những cuộc giải phẫu tử thi không tìm thấy mảnh lựu đạn, câu chuyện biến thành mìn từ lực Cộng Sản. Ít năm sau, lại mọc ra chi tiết một Ðại úy Mỹ đã chết từng tự nhận đặt chất nổ.

Thượng tọa Trí Quang, linh hồn của cuộc tranh đấu miền Trung, bị cáo buộc là cán bộ Cộng Sản cao cấp, từng bị Pháp bắt giữ, âm mưu lật đổ chính quyền từ năm 1960. Hòa thượng Tịnh Khiết, theo những lời tuyên truyền này, không biết quốc ngữ, chỉ ký vào những gì các sư trẻ, quá khích bắt buộc phải ký. Cuộc tự thiêu của Quảng Ðức không tự nguyện, mà là một hình tội sát nhân. Quảng Ðức, theo lập luận này, đã bị chích thuốc trước khi “sát nhân” đổ dầu và châm lửa đốt cháy. Diệm và Nhu còn đe sẽ truy tố những người đã trợ giúp thượng tọa hóa thân ra tòa.

Lệ Xuân thì khẳng định rằng cuộc tự thiêu của Quảng Ðức chỉ là một màn “nướng thịt sư” [barbecue of a bonze] với xăng nhập cảng. Bác sĩ riêng của Diệm mật báo với Nolting rằng Quảng Ðức bị một số sư trẻ thuyết phục nên tự thiêu; vì ít năm trước, Quảng Ðức từng hứa với một người bạn là sẽ “đồng tử,” và nay người bạn đó đã chết, Quảng Ðức cần giữ lời thề. Nói cách khác, Quảng Ðức không thích chính trị, và không tự thiêu để chống chính phủ.( 91) Trong khi đó, tại vài địa phương, viên chức thông tin loan tin chống Phật Giáo, chùa chiền bị phong tỏa, sinh viên, học sinh và thanh niên Phật tử liên tục bị gây khó khăn, và bắt giữ. Ðiều khiến các lãnh tụ tranh đấu bất mãn nhất là tổ chức Cổ Sơn Môn công khai tố cáo phe tranh đấu có ý đồ làm chính trị. Ngày 26/6, Tịnh Khiết phải than với Diệm rằng “tình thế không những không thay đổi mà còn trầm trọng hơn.”( 92) Ngày 1/7, Hoàng Văn Giàu, Trưởng đoàn Thanh Niên Phật Tử, gay gắt lên án thái độ của chính phủ và kêu gọi Phật tử quyết tâm tranh đấu. (93)

 
B. NỖ LỰC HÒA GIẢI CỦA MỸ:

Kennedy và các cố vấn cực kỳ bối rối. Trong một phiên họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia [ANQG], Kennedy đặt câu hỏi phải chăng Quảng Ðức đã bị “thuốc” [drugged], nhưng các cố vấn khẳng định đức tin đã quá đủ cho những hy sinh tương tự. Dù là một giáo dân Ki-tô, ủng hộ Diệm từ thập niên 1950, Kennedy chỉ thị toà Ðại sứ Sài Gòn phải áp lực bắt Diệm đáp ứng ngay đòi hỏi của Phật giáo. Ngày 14/6 [11 giờ sáng 15/6/1963 VN], Rusk chỉ thị Trueheart cứu xét việc đưa Phó Tổng thống Thơ lên thay Diệm trong trường hợp bất trắc, và Trueheart phải tiếp xúc Thơ cùng những người không ủng hộ Diệm.( 94) Nhưng hai ngày sau, Trueheart trả lời là không tiện bàn với Thơ, vì tình hình đã sáng sủa hơn–Phật giáo và UBLB đạt được thông cáo chung. Trueheart chỉ hứa sẽ thuyết phục Diệm hoà hoãn với Phật giáo, và nếu Diệm không chịu thực thi thông cáo chung, sẽ xúc tiến tìm “một giải pháp khác Diệm.”( 95)

Ngày 18/6, Trueheart bảo Thơ rằng chỉ nên coi những thỏa thuận như bước khởi đầu mà chưa phải hồi kết của cuộc khủng hoảng. Diệm cần thực hiện những điều đã thỏa thuận. Sáng đó, khi gặp Thuần, Trueheart cũng nói tương tự, với lời lẽ cứng rắn hơn. Trueheart đặc biệt nhắc Thuần về luận điệu của tờ Times of Vietnam ngày 17/6 về tuyên cáo chung, và hành vi khiêu khích của PTPNLÐ.( 96)

Tối 19/6 [8G28 ngày 20/6/1963 tại VN], Roger Hilsman chỉ thị cho Trueheart nên lưu ý các viên chức Việt là đừng nên đồng hoá một cá nhân với chế độ. Thí dụ như lời tuyên bố “Phật giáo có thể tin cậy nơi Hiến pháp, nghĩa là tôi” của Diệm tạo nên những cảm tưởng xấu ở Mỹ. Viên chức Việt cũng cần tiếp xúc thường xuyên với các lãnh tụ Phật giáo và đối xử đồng đẳng với họ. Ðặc biệt, thỏa ước 16/6/1963 phải được tôn trọng và nhanh chóng thực hiện để giảm thiểu sự nghi ngờ của Phật tử.( 97)

Dư luận thế giới cũng đã chú ý hơn đến cuộc tranh đấu của Phật giáo. Ngày 14/6, Norodom Sihanouk viết thư cho Kennedy, phản đối việc đàn áp Phật giáo tại miền Nam VN. Sihanouk cũng gửi cho TTK/LHQ U Thant, Thủ tướng Bri-tên McMillan, TT Pháp de Gaulle và TT India, Radhakrishnan, thông điệp tương tự. Sihanouk còn trao cho Ðại biện VNCH tại Phnom Penh một công hàm về vụ tàn sát Phật tử ở Huế.( 98)

Hôm sau, 15/6, lần đầu tiên tin Phật Giáo Việt Nam được lên trang nhất báo The New York Times [Nữu Ước Thời Báo], tờ báo uy tín của giới trung lưu Mỹ. Max Frankel, tác giả, cho rằng nhân viên ngoại giao Mỹ đã nói thẳng với Diệm bằng giọng điệu gay gắt rằng VN phải thỏa mãn các đòi hỏi của Phật Giáo, bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không yểm trợ chính sách Phật Giáo của Diệm.( 99) Thông báo cho Trueheart tin này, BNG chỉ thị Trueheart nói với Diệm rằng chính phủ Mỹ vẫn yểm trợ Diệm; tạm thời không đề cập đến bài báo trên NYT. Hầu hết báo lớn và các lãnh tụ Mỹ đều chỉ trích chế độ Diệm.

Ngày 18/6, Thủ tướng Ceylon là Bandaranaike cũng gửi thư cho Kennedy, yêu cầu hòa giải để Phật tử, vốn chiếm đa số tại Việt Nam, được quyền tự do tín ngưỡng. Mười ngày sau, 28/6, đại biểu Cambodia, Ceylon và Nepal tại LHQ gặp đại biểu Mỹ để bày tỏ quan tâm về tình hình Phật giáo Việt Nam.( 100) Ðáng lưu ý là trong hai tháng đầu đấu tranh của Phật Giáo–mặc dù chính phủ Ngô Ðình Diệm không ngớt vu cáo cuộc tranh đấu do Cộng Sản xúi dục, và sau này Nguyễn Hữu Thọ đánh gía nó như “món quà từ trên trời rơi xuống”–cả Hà Nội lẫn MT/GPMN đều chưa bày tỏ một thái độ rõ ràng nào ngoài những phản kháng chung chung của Võ Nguyên Giáp hay Hà Văn Lâu gửi Ủy Ban Quốc Tế Kiểm soát Ðình chiến, hay Tuyên cáo của MTGPMN về việc vi phạm Hiệp định “Giơ neo vơ.”( 101)

Mãi tới ngày 15/7 mới có tin tình báo là MTDTGPMN kêu gọi binh sĩ và cảnh sát ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo. (102) Cũng từ ngày này, có dấu hiệu cán bộ nằm vùng CS xâm nhập vào các cuộc tranh đấu, lôi kéo thanh thiếu niên nam nữ. (103) Các cơ quan tuyên truyền của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam mở nhiều chiến dịch khai thác cuộc tranh đấu:

- Mít tinh, tuyên cáo đả kích Mỹ-Diệm và ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo trước dư luận quốc nội cũng như quốc tế.

- Xâm nhập cán bộ vào các đô thị và phong trào tranh đấu

- Gia tăng hoạt động quân sự, đánh phá các đồn bót và Ấp chiến lược.

- Khoét sâu sự khác biệt giữa chính quyền miền Nam và Phật Giáo.

Vì vậy, có lúc an ninh Mỹ phải đặt câu hỏi thực chăng CS đã bỏ vùng thôn quê, dồn vào mặt trận tỉnh thị.


C. THAY ÐỔI ÐẠI SỨ MỸ:

Giữa thời gian này, Oat-shinh-tân gửi công hàm hỏi ý kiến Diệm về việc thay Ðại sứ ở Sài Gòn. Ngày 20/6/1963, BNG Mỹ chỉ thị cho Trueheart xin gặp Diệm để xin ý kiến về việc cử Henry Cabot Lodge thay Nolting.( 104)

Sau khi tiếp Trueheart khoảng 1 tiếng đồng hồ chiều ngày 22/6, ba ngày sau, 25/6, Diệm sai Thuần cho Truheart biết Diệm rất bất mãn. Diệm cho rằng Mỹ đang thay đổi chính sách và nỗ lực bắt Diệm phải làm theo Mỹ hay sẽ bị loại bỏ [Diem thought a new American policy was involved and an effort to force him to do our bidding or to unseat him]. Diệm cũng nhắn đến tai Lodge rằng “họ có thể gửi 10 Lodge tới đây, nhưng tôi không để cá nhân tôi hay đất nước này bị hạ nhục, kể cả việc họ huấn luyện pháo binh bắn vào dinh thự này [they can send ten Lodges, but I will not permit myself or my country to be humiliated, not if they train their artillery on this Palace].( 105) Theo Thuần, Diệm sẽ trở nên cứng đầu hơn. Truheart bảo thẳng Thuần rằng cách tốt nhất để tránh đương đầu với Mỹ là chính phủ Diệm nên bắt đầu thay đổi cách làm việc.( 106)

Ngày 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao George W. Ball chỉ thị cho Trueheart gặp Diệm, giải thích rằng chính sách của Mỹ không thay đổi; đó là yểm trợ chính phủ chống Cộng miền Nam. Riêng việc bổ nhiệm Lodge đã được quyết định từ tháng 4/1963, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, vì Nolting đã ở Việt Nam hai năm. Mục đích của Mỹ là cảnh giác Diệm về những hiểm họa có thể tránh, không để làm suy yếu Diệm. Nhưng quyết định và hành động là trách nhiệm của riêng Diệm.( 107) Hôm sau, Diệm tiếp Trueheart khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, tuyên bố sẽ thực hiện việc dân chủ hóa từ nông thôn lên, nhưng không muốn vợ chồng Nhu bị tách xa cá nhân mình.( 108) Thuần cũng thông báo với Trueheart là Chính phủ Việt Nam sẽ ra chỉ thị cho các tỉnh thi hành nghiêm chỉnh bản tuyên cáo chung 16/6/1963. Cá nhân Diệm có thể sẽ ra Huế để nghiên cứu và giải quyết mọi sự; Diệm cũng sẽ đọc diễn văn về việc thực thi tuyên cáo chung.

Nhưng ngày 27/6, Bộ trưởng Nội Vụ Lương lại tuyên bố với một nhân viên CIA rằng Cộng sản đã xâm nhập phong trào tranh đấu của Phật giáo, và trong vài ngày tới, sẽ ra thông cáo về việc những người bị bắt giữ. (109) Lời cáo buộc của Lương báo hiệu chính sách mới của họ Ngô với Phật giáo. Rất có thể chính sách này được thảo luận kỹ càng hơn trong dịp anh em họ Ngô về Huế dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong Giám mục của Thục, trong các cuộc họp mật vào cuối tháng 6/1963.( 110)

Tại Mỹ, Kennedy và các cố vấn theo dõi những biến chuyển ở Sài Gòn với mắt nhìn bi quan. Phản ứng tại nội địa Mỹ cũng chẳng có gì đáng lạc quan. Ngày 27/6, báo New York Times đăng bài cậy đăng nguyên một trang của 12 lãnh tụ Tin lành Mỹ, kể cả Reinhold Niebuhr và James Pike, yêu cầu Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam. Bài cậy đăng trên có cả hình Quảng Ðức tự thiêu của Browne. Chỉ còn vài ký giả ủng hộ Diệm trên những tờ báo mà Giáo Hội Ki-tô Mỹ có ảnh hưởng.

Quyết định bổ nhiệm Lodge cũng tạo nên những tia lửa điện trong chính giới và hàng ngũ Tướng tá Việt Nam. Lodge, một lãnh tụ đảng Cộng Hoà từng đứng phó trong liên danh Richard M. Nixon năm 1960, nổi danh là “vua đảo chính” (đặc biệt là việc đảo chính Lý Thừa Vãn ở Nam Hàn). Bởi thế, các mưu toan đảo chính Diệm bắt đầu rộn rịp tại Sài Gòn. Tin đồn đảo chính loan truyền rộng rãi. Cuối tháng 6/1963, cơ quan CIA đã thiết lập được danh sách các nhóm có ý làm đảo chính. Ðáng kể nhất có nhóm “Bác sĩ” Trần Kim Tuyến. Tuyến mới mất chức Giám đốc Mật Vụ, và đang chờ đi ngoại quốc. Quanh Tuyến có một số nhân viên Bộ Công Dân Vụ của Paul Hiếu, Tổng Nha Thông Tin, Mật Vụ, và một số sĩ quan trẻ. Nhóm khác do Huỳnh Văn Lang và Trung tá [Albert] Phạm Ngọc Thảo, Thanh tra Ấp Chiến Lược, chủ trương. Nhóm này gồm hầu hết cựu đảng viên của hệ Cần Lao “Liên kỳ Nam-Bắc Việt” do Lang thiết lập tại miền Nam, kể cả Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu trưởng Liên quân.

Từ ngày 30/5, đã có tin đồn Tuyến và Albert Thảo mưu làm đảo chính. (Tuyến bị thất sủng; sau đó bị gửi qua Morocco [Ma Rốc] và Cộng Hòa Arab, nhưng hai xứ này không nhận). Hai nhóm Tuyến và Thảo, phần đông là Ki-tô giáo, không muốn thấy “thiên mệnh Mỹ” rơi vào tay Phật giáo. (Theo tình báo Mỹ, Tuyến được sự yểm trợ của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Hoà thượng Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh, Trung Tướng Dương Văn “Big” Minh và Thiếu tướng Tôn Thất Ðính. Lãnh tụ của nhóm Tuyến có lẽ là Nguyễn Ngọc Thơ). Nhưng mạnh nhất, và được Mỹ tin cậy nhất, là nhóm do Trung Tướng [André] Trần Văn Ðôn, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, đại diện. Từ tháng 6/1963, André Ðôn và em rể là Lê Văn Kim đã xin Nolting cho làm đảo chính, nhưng bị Nolting nghiêm khắc trách mắng: "Ðừng cho tôi mấy thứ làm loạn và yểm trợ nổi loạn. Tại sao mấy ông không lo làm trọn nhiệm vụ của các quân nhân? Nước Mỹ không dính líu vào vấn đề đảo chính.( 111)"

Ngày 8/7, André Ðôn nói với một nhân viên CIA là nhóm mình được đa số cấp chỉ huy ủng hộ, ngoại trừ Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh QÐ IV, và Tôn Thất Ðính, Tư lệnh QÐ III.( 112)

Đại sứ Cabot Lodge và ông Diệm - Tướng Dương Văn Minh - Bác sĩ Trần Kim Tuyến

Nhưng khuôn mặt mà chế độ gờm sợ nhất vẫn là Trung Tướng Dương Văn Minh (1916-2001). “Big” Minh, một thời được ca tụng như “Anh hùng Rừng Sác,” đang là một Tướng không có quân, vô quyền lực với chức vụ Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống từ ngày 8/12/1962. Không ai rõ tại sao Tướng Minh bỗng dưng bị thất sủng. Người nêu lý do Minh đã dấu đi một phuy vàng tịch thu được trong chiến dịch truy lùng Bình Xuyên. Người suy diễn rằng Diệm không tin Minh, một Tướng ngoại đạo, do Pháp đào tạo, lại có em trai theo Việt Minh. Thêm vào đó, một số quan Tướng Mỹ, kể cả Lansdale, không ưa “Big” Minh. Ngày 27/12/1961, chẳng hạn, Lansdale phản đối việc cử “Big” Minh nắm giữ quân đội vì, theo Lansdale, Minh từng công khai nói về ý định đảo chính Diệm.( 113) Theo Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, cá nhân ông ta và Big Minh bị Ngô Ðình Nhu dèm xiểm với Tổng thống Diệm là thành phần “chủ bại,” nên bị nghi ngờ và thất sủng từ năm 1959.

Cách nào đi nữa, “Big” Minh từng mưu định ám sát Nhu, nhưng phải bỏ dở. Trong số đồng minh “tự nhiên” của “Big” Minh có Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, các sĩ quan gốc miền Nam và một số đảng viên Ðại Việt thời cơ như Ðặng Văn Sung và Bùi Diễm.


D. ÐỢT TRANH ÐẤU THỨ HAI CỦA PHẬT GIÁO:

Phần Phật giáo vẫn chuẩn bị tiếp tục tranh đấu, nếu cần. Ngày 26/6, Thiện Minh viết thư phản đối với UBLB về việc thành lập Phật Giáo Cổ Sơn Môn. Không hài lòng với thư trả lời ngày 28/6 của UBLB, nhóm tranh đấu quyết định xuống đường. Ngày 30/6, hàng ngàn tăng ni Sài Gòn bắt đầu tuyệt thực. Qua đầu tháng 7/1963, sinh viên, học sinh Sài Gòn biểu tình trước Quốc hội để yểm trợ cuộc tuyệt thực của các tăng ni.

Ngày 1/7, tờ Times of Vietnam cho đăng trên trang nhất bản tin tựa đề: “Băng keo Scotch bí ẩn và Ðoạn kết chứng hoang tưởng đã ló dạng” [Mysterious Scotch Tape and End to Schizophrenia In Sight]. Bài này hàm ý có sự chia rẽ giữa Nhu và Thơ-Thuần, cáo buộc Quảng Ðức đã bị “thuốc” trước khi tự thiêu, và đưa ra nhận định thời gian hưu chiến hai tuần đã qua, nhưng Sài Gòn vẫn yên tĩnh; ngoại trừ có một biến cố đặc biệt nào, thí dụ như một cuộc tự thiêu khác, có thể kết luận rằng những đòi hỏi của Phật giáo đã được thỏa mãn.”( 114) Hai ngày sau, 3/7, Phó TT Thơ tuyên bố là, theo sự điều tra của chính phủ, chính “Việt Cộng” đã gây nên cuộc thảm sát đẫm máu ở Huế. (Vì việc này, ngày 10/12/1963, Thơ đã bị chất vấn gay gắt trong một buổi họp báo ở Sài Gòn sau ngày đảo chính Diệm)

Tại Mỹ, từ ngày Thứ Hai, 1/7, Michael Forrestal đã yêu cầu cho Nolting trở lại Việt Nam vì Phật giáo có thể biểu tình trở lại sau thời gian “hưu chiến.” Tối 1/7 đó, Ball chuyển chỉ thị của Hilsman và Nolting cho Trueheart là phải gặp Diệm ngay, bảo thẳng Diệm rằng dư luận Mỹ nghĩ rằng người thân của Diệm đang cố tình phá hoại sự thỏa thuận với Phật giáo. Ðúng hay sai, dư luận Mỹ cũng cho rằng đang có bách hại tôn giáo ở miền Nam. Khi gặp Thuần, Trueheart yêu cầu Thuần đọc bài viết trên Times of Vietnam, và đề nghị Mỹ muốn Lệ Xuân đừng nên tuyên bố gì hết; bài báo trên Times of Vietnam hàm ý thách thức Phật giáo tiếp tục tự thiêu. Rồi thêm chẳng lẽ Diệm không hiểu rằng chỉ cần một vụ tự thiêu nữa là chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố không dính líu gì đến chính sách tôn giáo của Diệm? Thuần trả lời rằng Diệm không biết điều đó, và đề nghị Trueheart nên nói thẳng với Diệm.( 115)

Trueheart xin chỉ thị của Bộ Ngoại Giao và Ball cho gặp Diệm, nói thẳng với Diệm; và nếu cần, gặp cả Nhu. (116) Buổi Diệm gặp Trueheart chiều ngày 3/7 khiến liên hệ giữa hai bên thêm căng thẳng. Khi Trueheart đề nghị Diệm đích thân gặp các lãnh tụ tôn giáo để giải quyết, Diệm nói sẽ nghiên cứu lại. Khi Trueheart đề cập đến bài trên Times of Vietnam, Diệm cũng chỉ nói sẽ nghiên cứu.( 117)

Hôm sau, Thuần cho Trueheart biết rằng có lẽ Diệm không hành động gì về những đề nghị của Trueheart và yêu cầu Nolting trở lại Sài-Gòn càng sớm càng tốt.( 118) Cũng trong ngày 4/7 này Lệ Xuân viết bài “Who Is Spokeman of Whom?” [Ai là phát ngôn viên của ai?] trên Times of Vietnam, phủ nhận tờ Times of Vietnam là cơ quan ngôn luận của mình. Nếu những bài trên Times of Vietnam có trùng hợp ý kiến của Lệ Xuân, đó cũng không phải là quan điểm của chính phủ. Lệ Xuân cũng khẳng định không đại diện cho chính phủ VNCH, và những kẻ xuyên tạc có thể bị lợi dụng bởi Cộng Sản và tay sai [lackeys] của chúng. Bài này đã được phát cho báo chí ngày hôm trước.( 119)

Trong phiên họp HÐ/ANQG từ 11G00-11G45 ngày 4/7 (khoảng nửa đêm ngày 4/7 tại Sài Gòn), ý kiến chung của các viên chức Mỹ là Diệm không chịu xa Nhu. Hilsman, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, thông báo cho Kennedy biết sẽ có đảo chính trong vòng 4 tháng.( 120)

Hôm sau, 5/7, từ Greece về tới Oat-shinh-tân, Nolting được mời tham dự phiên họp của HÐ/ANQG, rồi nhận lệnh trở lại Sài Gòn càng sớm, càng tốt, với hy vọng cho Diệm cơ hội chót. Giữa lúc Nolting đang trên đường về nhiệm sở, ngày Chủ Nhật, 7/7, tại đường Trương Minh Giảng, Công an hành hung một nhóm ký giả ngoại quốc nổi danh chỉ trích chế độ như Browne, Trưởng văn phòng hãng AP, Peter Arnett, gốc New Zealand, Sheehan, Halberstam, v.. v..., khi họ đang quan sát và thu hình cuộc biểu tình của các tăng ni chùa “Miên.”( 121)

Ngày 10/7, bản ước lượng tình báo đặc biệt [SNIE 53-2-63] của Hội đồng ANQG Mỹ dự đoán rằng nếu Diệm không thi hành nghiêm chỉnh tuyên cáo chung 16/6, sẽ có đảo chính trong tương lai gần, với hơn 50% cơ hội thành công.( 122)
 

E. NỖ LỰC VÔ VỌNG CỦA NOLTING:

Nolting vừa về tới Sài Gòn ngày 11/7 đã được Diệm mời vào Dinh Gia Long, trình bày tình hình. Ðể trả lời câu tuyên bố của Nolting với giới truyền thông khi vừa bước xuống phi trường–là mong muốn hai bên tiếp tục nói chuyện để đạt thỏa thuận–Diệm nói kết quả thương thuyết tùy thuộc vào phe tranh đấu.( 123) Vì nghi ngờ rằng Phật giáo bị Cộng Sản giật giây, Nolting nỗ lực nối lại mối giao hảo giữa Toà Ðại sứ và Diệm. Ngày 15/7, Nolting khuyên Diệm nên công bố một số nhân nhượng cần thiết với Phật giáo. Diệm đồng ý, nhưng chưa có hành động nào. Theo Nolting, chính Diệm cũng đang muốn tử vì đạo (124)

Nhưng cuộc diễn hành tới trước tư thất Ðại sứ Nolting ngày 16/7, do Tâm Châu dẫn đầu, để phản đối việc chính phủ tiếp tục đàn áp, bắt giữ tăng ni, Phật tử, và khẳng định Phật giáo không phải là Cộng sản hay bị Cộng sản lợi dụng, khiến Diệm cứng rắn hơn.( 125) Hôm sau, 17/7, Trần Văn Tư, Giám đốc Nha Cảnh sát Ðô thành, sai Cảnh sát đàn áp dữ dội cuộc biểu tình bất bạo động ở Sài Gòn và chùa Giác Minh tại Chợ Lớn. Hàng chục xe chở người bị bắt đến các trại tập trung vào An Dưỡng Ðịa Phú Lâm để sưu tra lý lịch. Các chùa đều bị phong tỏa.

Sau khi Kennedy tuyên bố trong buổi họp báo ngày 17/7 tại Oat-shinh-tân là hy vọng cuộc tranh chấp tôn giáo sẽ được giải quyết sớm, ít giờ sau [ngày 18/7 tại Việt Nam], Diệm tuyên bố trên đài thanh không hề đàn áp Phật giáo, yêu cầu mọi người đoàn kết sau lưng chính phủ, rồi kết luận bằng câu “Xin ơn trên ban phép lành cho chúng ta.”

Hôm sau nữa, 19/7, Diệm cho phát lại bài diễn văn truyền thanh vỏn vẹn 2 phút kể trên. Ngày này, Ủy Ban Liên Phái Tranh Ðấu Bảo Vệ Phật Giáo tán thành lời kêu gọi của Diệm; và yêu cầu có những biện pháp cụ thể để thực hiện Tuyên cáo chung 16/6/1963, như phóng thích những người bị bắt giữ từ ngày 8/5, trừng phạt những người gây nên tội ác trong ngày 8/5, và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình. Hôm sau, 20/7, đích thân Paul Hiếu và Trần Văn Tư tới Phú Lâm yêu cầu các tăng ni bị bắt giữ được trở lại chùa Xá Lợi.( 126)

Ngày 22/7, Ủy Ban tranh đấu gửi điện văn thông báo khắp nơi là cuộc đấu tranh đòi hỏi thực thi Thông cáo chung chưa chấm dứt: Luân phiên cầu nguyện và tuyệt thực.( 127) Các lãnh tụ tranh đấu cũng tổ chức họp báo tại chùa Xá Lợi, lên án chính phủ không giữ lời hứa.( 128) Ðiều đó, có lẽ Nolting rõ hơn ai hết. Chiều ngày 16/7/1963, khi Nolting vào Dinh Gia Long gặp Nhu, Nhu đã tuyên bố Phật giáo không có sự đe dọa nào đáng kể.

Nhưng các cố vấn của Kennedy nhìn sự việc một cách khác. Ngày 23/7, Hilsman chỉ thị cho Nolting là Bộ Ngoại Giao dự trù sẽ còn nhiều cuộc biểu tình của Phật giáo; những cuộc biểu tình này khích động thị dân, và có thể sẽ có đảo chính trong vài tháng, nếu không phải vài tuần; và những cuộc đảo chính ấy hy vọng thành công. Bởi thế, Nolting có thể ra tuyên cáo tự cách biệt với chính sách của Diệm; khuyến khích việc kế vị hợp hiến (Thơ lên thay); thuyết phục những người muốn đảo chính bỏ ý định; hoặc, tiếp tục chờ đợi, hy vọng Diệm cải cách. Hiện tại, nên theo đuổi chính sách chờ đợi.( 129)

Nolting vẫn ra công bảo vệ Diệm. Theo Nolting, Diệm là cơ hội tốt nhất của miền Nam.( 130) Ngày 28/7, Nolting còn tuyên bố với hãng UPI là không hề có việc đàn áp Phật Giáo ở VNCH, vì Bộ trưởng Nội Vụ Lương đã cho Nolting biết sẽ không dùng biện pháp mạnh để đàn áp; và dân chúng đã chán ngán cảnh hỗn loạn. Diệm còn trực tiếp chỉ thị cho Ðại tá Nguyễn Văn Y, Giám đốc Mật vụ, và Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh Sát Ðô thành, không được dùng võ lực. Phó Tổng thống Thơ cũng nói đại diện Phật giáo đồng ý gặp Thơ trên căn bản bán chính thức từ ngày 31/7/1963.

Nhu và Lệ Xuân tiếp tục sử dụng cán bộ Cần Lao cùng các tổ chức ngoại vi như Thanh Niên Cộng Hoà, Thanh Nữ Cộng Hoà chống Phật Giáo. Vì quá hăng say phục vụ lãnh tụ và để chuộc tội thua trận Tua Hai (Tây Ninh) hơn ba năm trước, ngày Chủ Nhật 23/7, Trung Tá Trần Thanh Chiêu, Giám đốc Nha Thanh Tra Dân Vệ, tụ tập khoảng 100 dân vệ, gia đình tử sĩ và thương phế binh trước chùa Xá Lợi, yêu cầu “các thày trở lại việc tu hành, ngưng tiếp tục gây rối loạn chỉ làm lợi cho Cộng Sản.”( 131)

Lỗ mãng nhất là Lệ Xuân. Không những chỉ thị cho tờ Times of Viet Nam đả kích Phật giáo, mà còn hàm ý thách thức các tăng ni tiếp tục tự thiêu.( 132) Ðể trả lời Lệ Xuân, ngày 23/7, Sư bà Diệu Huệ, mẹ Giáo sư Bửu Hội, họp báo tuyên bố sẵn sàng tự thiêu cúng dường tam bảo. Tuy nhiên, cuối cùng Bửu Hội thuyết phục được mẹ mình ngưng tự thiêu.( 133)

Ngày 1/8, Lệ Xuân tuyên bố với phóng viên đài truyền hình Mỹ CBS rằng các lãnh tụ Phật giáo đang âm mưu lật đổ chính phủ; và tất cả những gì Phật tử đã làm chỉ có mỗi việc “nướng thịt một sư” [barbecue a bonze] với “săng nhập cảng” [imported gas]. Hai ngày sau, 3/8, Lệ Xuân tuyên bố trước khoá sinh khoá III Phụ Nữ Bán Quân Sự rằng những vụ tranh đấu chỉ có bề ngoài tôn giáo, nhưng mục đích là chính trị, với thủ thuật Cộng Sản, cần phải bẻ gãy. Ðại sứ Trần Văn Chương, cha ruột Lệ Xuân, phải công khai trách Lệ Xuân là “thiếu tư cách và hỗn láo” [impertinent and disrespectful] trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ [VOA] vào ngày 6/8. Ngày 8/8, để trả lời Ðại sứ Chương, Lệ Xuân tuyên bố dù có “thiếu lễ độ” cũng phải nói “sự thực.” Lệ Xuân cũng biện hộ cho những lời tuyên bố trên đài CBS ngày 1/8; khẳng định các lãnh tụ Phật giáo không đại diện cho Phật giáo hay dân tộc Việt Nam.

Hôm sau nữa, 9/8, trong bài phỏng vấn của tuần báo Mỹ Newsweek, Lệ Xuân còn hung hăng hơn.( 134) Ngoài ra, còn có tin em trai Lệ Xuân, Trần Văn Khiêm, lên thay Trần Kim Tuyến làm Giám đốc Mật vụ, và Khiêm đã lập sẵn danh sách những người chống đối để quăng lưới. Khiêm mang danh sách trên ra khoe với cả một ký giả Australia.( 135) Nhu cũng tiếp tay vợ trong chiến dịch đả kích Mỹ và Phật giáo. Trả lời câu hỏi của Reuters ngày 3/8, Nhu tuyên bố chùa Xá Lợi đang trở thành một trung tâm mưu lật đổ chính phủ, và nếu không giải quyết được vấn đề Phật giáo, sẽ có một cuộc đảo chính chống Mỹ và Phật giáo.( 136) Ngày 7/8, Nhu nói với Nolting là hoàn toàn ủng hộ chính sách của Diệm qua bản tuyên cáo ngày 18/7, nhưng Lệ Xuân có quyền phát biểu ý kiến riêng của một công dân.

Ngày 8/8, nhật báo New York Times đăng hai bài trên trang nhất về Việt Nam. Bài thứ nhất của Halberstam, từ Sài Gòn, với tựa “Bà Nhu Tố Cáo Mỹ Bắt Chẹt ở Việt Nam” [Mrs. Nhu Denounces U.S. for “Blackmail” in Vietnam]. Lệ Xuân, theo Halberstam, tuyên bố rằng Diệm không có quần chúng ủng hộ, phải dựa vào vợ chồng Nhu. Bài thứ hai của Tad Szulc ở Oat-shinh-tân, tiết lộ mối quan tâm ngày một gia tăng của chính phủ Kennedy về việc chính phủ Diệm khó sống còn nếu không hòa hoãn với Phật giáo. Tính sổ chung với những tuyên bố đòi rút số cố vấn Mỹ trong tháng 5/1963, kế hoạch âm thầm ve vãn Cộng Sản Bắc Việt và sử dụng Pháp để giải tỏa áp lực Mỹ, vợ chồng Nhu mới đích thực trở thành Persona Non Grata với Oat-shinh-tân.

Ðặt mình trước nhiều hơn một lằn đạn–và nhất là đã bị thuyết phục rằng cuộc tranh đấu của Phật giáo chẳng những không thuần túy tôn giáo mà chỉ là một âm mưu chính trị, nhằm lật đổ chính phủ, do Cộng Sản xúi dục–mọi nỗ lực của Nolting ở Việt Nam hầu như uổng phí. Ngày 30/7, Phật tử tổ chức linh đình giỗ thất tuần (49 ngày) Quảng Ðức. Hôm sau, 31/7, Ủy Ban Tranh Ðấu Bảo Vệ Phật Giáo ra tuyên cáo phản đối lời tuyên bố ngày 28/7 của Nolting; và hôm sau nữa, 1/8, Tâm Châu gửi thư trách cứ Nolting, khẳng định “những vụ đàn áp là cực độ của cả một chuỗi lạm quyền, áp bức giết chóc mà Phật tử phải gánh chịu trong nhiều năm, dưới nhiều hình thức, do cấp thừa hành bên dưới của một nền hành chánh cố tình dung túng gây ra.”( 137)

Ngày 1/8, Tịnh Khiết cũng gửi công điện cho Kennedy, phản đối lời tuyên bố của Nolting rằng không có việc đàn áp Phật Giáo ở VNCH.( 138) Một Nhóm Người Yêu Nước thì ra tuyên ngôn phản đối Nolting là không hiểu biết gì về tình cảnh Phật giáo tại Việt Nam.

Ba ngày sau, 4/8, Ðại Ðức Nguyên Hương (Huỳnh Văn Lễ) tự thiêu trước Dinh Tỉnh trưởng Phan Thiết, và Phật tử xuống đường biểu tình đòi lại xác đã bị Cảnh Sát lấy đi. Ngày 12/8, một nữ sinh chặt một bàn tay phản đối chính quyền và luận điệu hỗn hào của Lệ Xuân đối với các tăng ni. Rồi, ngày 13/8, Ðại Ðức Thanh Tuệ cúng dường tam bảo ở chùa Phước Duyên, Hương Trà, Thừa Thiên. Hai ngày sau, ni cô Diệu Quang tự thiêu ở Ninh Hòa. Hôm sau nữa, 16/8/1963, Thượng tọa Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Ðàm, Huế.( 139)

Bẽ bàng hơn nữa là anh em họ Ngô cũng bắt đầu coi thường Nolting. Khi Nolting cho Diệm xem bức công điện khẳng định chính phủ Mỹ không thay đổi chính sách về Việt Nam, Diệm nói: “Tôi tin ông, nhưng không tin nội dung bức điện ông nhận được.”( 140) Khi Nolting đề nghị Diệm có biện pháp với Lệ Xuân–người mà theo Nolting đã vượt ngoài sự kiểm soát của cha mẹ và anh chồng–Diệm chỉ hứa “sẽ cứu xét.”( 141)

Ngày 12/8, khi tiếp kiến Nolting, Diệm cho rằng các tăng ni không thành thực, và thế giới không biết đến việc các sư giả muốn lật đổ chế độ. Sau dạ tiệc đưa tiễn Nolting của Diệm, ngày 13/8, Thơ họp báo, tuyên bố sẽ truy tố một số người tham dự biểu tình ngày 8/5, và những người bị bắt sau ngày 16/6 có thể không được khoan hồng. Trong phần hỏi đáp, Thơ so sánh trường hợp Lệ Xuân với những lời chỉ trích chính phủ VNCH của Thượng Nghị Sĩ Mansfield. Buổi họp báo của Thơ khiến Ngoại trưởng Rusk phải gửi điện tín cho Nolting, hỏi liệu Diệm có muốn đi nghỉ mát chung với vợ chồng Nhu chăng? (142)

Sau nhiều lần xin ở lại Sài Gòn nhưng bị từ chối, ngày 14/8, Nolting vào chào từ biệt Diệm. Gần lúc chia tay Diệm mới hứa sẽ phủ nhận những lời lỗ mãng của Lệ Xuân. Những lời hứa cho có. Ngày 15/8, tờ Times of Viet Nam ca ngợi Nolting như “người đầu tiên xứng đáng với tước hiệu đại sứ.”( 143)

Do sự dàn xếp của Nolting, báo New York Herald Tribune [Diễn Ðàn Tiền Phong New York] đăng bài phỏng vấn Diệm của Marguerite Higgins. Higgins trích lời Diệm là chính phủ vẫn theo đuổi chính sách ôn hoà với Phật giáo. Diệm và gia đình cũng rất vui lòng về việc bổ nhiệm tân Ðại sứ Lodge.( 144) Thực ra, đây chỉ là món quà tiễn chân Nolting, và để trấn an dư luận Mỹ, vì Diệm-Nhu đang có kế hoạch xuống tay mạnh với Phật giáo.( 145)

Tại miền Trung, việc bắt giữ, hành hung, ám sát Phật tử vẫn diễn ra hàng ngày. Tại Huế, sau phiên họp giữa Thị trưởng Nguyễn Văn Hà và lãnh đạo Phật Giáo ngày 9/8, thái độ chính quyền ngày một cứng rắn. Ngày 10/8, Thị trưởng Huế yêu cầu Thượng tọa Thiện Minh tháo gỡ các biểu ngữ chống chính phủ theo tinh thần buổi gặp mặt ngày 9/8/1963. (146) Phó Tỉnh trưởng Hồ Ứng Dần cũng yêu cầu Tỉnh hội Phật Giáo Thừa Thiên chấm dứt việc phổ biến các tin tức và tài liệu bất hợp pháp. Ðồng thời ra thông cáo cấm dân chúng tập trung đông đảo tại chùa Từ Ðàm và Diệu Ðế vào những giờ phát thanh của Phật Giáo. (147)

Mờ sáng Thứ Ba, 13/8/1963, Ðại đức Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên. (148) Cuộc tự thiêu này châm ngòi cho một đợt tranh đấu mới.

Ngày14/8, Hoà thượng Tịnh Khiết gưỉ văn thư than phiền về việc di chuyển linh cữu Thanh Tuệ. (149) Thượng tọa Mật Hiển cũng xin gặp Ðại biểu TNTP tường trình về trường hợp Thanh Tuệ. Trong khi đó, một thợ mộc Phật tử phụ trách việc treo biểu ngữ và cờ bị bắn chết. (150) Hôm sau, 15/8, khoảng 100 học sinh và sinh viên Huế biểu tình từ chùa Từ Ðàm về Tòa Hành Chánh tỉnh. Cảnh sát trưởng quận Hữu ngạn chặn đoàn biểu tình trước trường Ðồng Khánh, bị xô đẩy, mang thương tích cùng một cảnh binh. Sau đó đoàn biểu tình kéo tới ngồi tại hoa viên trước tòa hành chính. (151)

Cảnh sát đặt nút chặn phong tỏa chùa Từ Ðàm. Buổi trưa, khoảng 300 Phật tử tụ họp trên đường Trần Hưng Ðạo. Chính quyền thả chó đàn áp. Xô xát dữ dội. Một số bị bắt. Ðám đông bị giải tán trong vòng nửa giờ. 50% nhà hàng, cửa tiệm đóng cửa. 70% sạp vải Ðông Ba ngưng hoạt động. (152) Ngày này, Ni cô Diệu Quang–tục danh Ngô Thị Thu (1936-1963), sinh tại Phù Cát, Thừa Thiên, tu tại ni viện Vạn Thạnh, Nha Trang–tự thiêu tại chùa Ninh Hoà.( 153) Hôm sau nữa, 16/8, Ðại đức Tiêu Diêu–tục danh Ðoàn Văn Mễ (1893-1963), cha của Ðoàn Văn An, giảng sư Ðại học Huế; năm 1930 mới đi tu, học trò Tịnh Khiết–tự thiêu ở chùa Từ Ðàm. Chính quyền ban hành lệnh thiết quân luật từ 6 giờ sáng, xe tăng án ngữ ở một số ngã tư, kẽm gai kéo ra ngăn chặn. (154) Hội Phật Giáo tung tin quân đội đã cướp thi hài Tiêu Diêu dấu đi. Anh ruột Tiêu Diêu là Bùi Câu minh xác đã đến tận nơi xin lãnh thi hài về quê mai táng. (155)

Ngày Thứ Bảy, 17/8, Thị trưởng Huế Nguyễn Văn Hà lại ra thông cáo: "Yêu cầu đồng bào tuyệt đối tránh mọi lợi dụng tôn giáo để đả kích chính phủ, vi phạm luật pháp quốc gia và làm trở ngại công cuộc bảo vệ an ninh trật tự công cộng."

Ðưa ra 4 điểm sẽ thi hành:

Triệt để thi hành thông cáo chung;

Phật tử được hoàn toàn tự do đi chùa dự lễ tôn giáo;

Không hề chủ trương bắt bớ Phật giáo đồ nếu các đồng bào đó không hành động gì phạm đến kỷ luật quốc gia; trong trường hợp có sự bắt bớ trái phép yêu cầu cấp tốc can thiệp với tòa [tỉnh] để giải quyết gấp;

Sẽ thiết lập một Ủy Ban đặc biệt có nhiệm vụ tiếp xúc với đồng bào Phật Giáo để giải quyết nhanh chóng những việc liên quan đến vấn đề thực thi thông cáo chung. (156)

Tuy nhiên thông cáo trên không đủ ngăn chặn tăng ni, Phật tử tấp nập tới chùa Từ Ðàm bái viếng thi hài Thích Tiêu Diêu. Buổi chiều, Tiểu khu Thừa Thiên mở cuộc họp báo trình bày vụ Tiêu Diêu. Trong khi đó, Chủ Nhật, 18/8, Thích Minh Nhật, Tổng thư ký THPG tại Sài Gòn, diễn thuyết tại chùa Diệu Ðế. Ðề tài: “Phật tử trong giai đoạn hiện tại.” Khoảng 2000 người tham dự. Tại Sài Gòn, Phật tử cũng tụ họp đông đảo ở chùa Xá Lợi vì có tin chính phủ sẽ ra tay tấn công. Trong khi đó, mười Tướng lãnh và Tư lệnh đơn vị họp mật. Ðồng ý yêu cầu Diệm thiết quân luật, để bắt buộc các tu sĩ trở lại chùa.

Thời gian này, sinh viên Huế cũng bắt đầu xao động. Ngày 15/8, đại diện sinh viên Phật tử gặp Viện trưởng Ðại học Huế là Cao Văn Luận, xin can thiệp trả tự do cho những người bị bắt giữ. Mới xuất ngoại trở về, ghi nhận được những đổi thay của chính giới Mỹ, Luận có phần thiện cảm với phe tranh đấu, nên hứa sẽ can thiệp.( 57) Nhưng ngay chính Linh mục đang bị thất sủng. Ngày 16/8, trong khi chính quyền địa phương ban hành lệnh thiết quân luật từ 6 giờ sáng, bố trí xe tăng án ngữ ở một số ngã tư, kẽm gai kéo ra ngăn chặn dự định tự thiêu của Ðại đức Tiêu Diêu ở chùa Từ Ðàm, Bộ trưởng Giáo Dục Nguyễn Quang Trình cùng Trần Hữu Thế, tân Viện trưởng Ðại học Huế, tới cố đô để làm lễ bàn giao với Linh mục Luận vào ngày hôm sau.( 158)

Nhân cơ hội này, sinh viên tranh đấu khai thác việc thay thế Viện trưởng Luận. Ngày 17/8, lễ bàn giao chức Viện trưởng được đánh dấu bằng vụ từ chức tập thể của các Giáo sư Ðại học Huế: Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa; Bùi Trần Huân, Luật khoa; Tôn Thất Hanh, Khoa học; Nguyễn Văn Trường, ban Khoa học Sư phạm; Lê Tuyên. Thế phải bỏ vào Sài-gòn báo cáo. Trong khi Luận lên đường vào Ðà Nẵng, các giáo sư lại ký kiến nghị phản đối việc cách chức Luận (159)

Buổi chiều 17/8, Tiểu khu Thừa Thiên mở cuộc họp báo trình bày vụ Tiêu Diêu. Lúc 16G00, ký giả ngoại quốc kéo nhau rời phòng họp vì có tin khoảng 200 sinh viên Huế bắt đầu biểu tình tới Tòa Ðại biểu TNTP đưa kiến nghị yêu cầu lưu giữ Viện trưởng Luận. Nguyễn Xuân Khương và Bộ trưởng Trình ra nhận kiến nghị trước cổng Tòa Ðại biểu. (160)

Chủ Nhật, 18/8, một số Khoa trưởng, Giáo sư và khoảng 500 sinh viên hội thảo tại Ðại học Huế. Vận động bãi khóa, bỏ thi cử, phản đối việc cách chức Cao Văn Luận, và thành lập một Ban chấp hành Sinh viên mới, hầu mở rộng liên lạc với Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Ðà Lạt. Họ đưa kiến nghị lên Tổng thống. (161)

Hôm sau, 19/8, sinh viên Huế hủy bỏ một cuộc biểu tình vì sợ bị chụp mũ Cộng Sản (ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng 8/1945). Nhưng các giáo chức đệ đơn từ chức trong khi sinh viên yêu cầu tân Viện trưởng Thế–đương kim Ðại sứ Philippines, mới được Ngô Ðình Thục đề cử thay Linh mục Luận mà không hề thông báo cho Bộ Ngoại Giao–chuyển thỉnh nguyện mời Cao Văn Luận trở lại. (162) Thứ Ba, 20/8, Viện trưởng Thế cho lệnh những buổi hội họp trong khuôn viên trường phải xin phép trước. (163)

Giọt nước làm tràn ly, và cũng là chiếc đinh đầu tiên đóng lên nắp quan tài VNCH, là cuộc tấn công hầu hết các chùa chiền trên toàn quốc vào nửa đêm ngày 20, rạng ngày 21/8/1963. Ðây là một tội ác vi phạm nhân quyền khác, nặng nề gấp trăm lần cách dùng đèn cầy [nến] đốt hậu môn tù nhân mà có nhân chứng tiết lộ rằng Tri huyện Ngô Ðình Diệm sính dùng để khảo cung nghi can ngày còn làm quan cho Pháp hơn 30 năm trước. Cuộc tấn công này và những thủ thuật bưng bít, xuyên tạc của anh em ông Diệm-Nhu trong những ngày kế tiếp–như ông Diệm cả quyết rằng chỉ lục soát vài chục ngôi chùa lớn trong số 4,700 chùa khắp miền Nam–gỡ xuống chiếc mặt nạ “tiết trực tâm hư” của ông Diệm, và gột sạch bất cứ thiện cảm nào còn sót lại với ông ta trong đám đông thầm lặng cũng như viên chức Mỹ. Cho đến nay, vẫn còn người cố tình xuyên tạc về biến cố tấn công các chùa chiền đêm 20 rạng 21/8. Bởi thế tưởng nên thuật lại tóm lược biến cố trên.


IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY:

Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Ðại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội. Nguyên cớ gần có lẽ là bức điện văn mật ngày 16/8/1963 của Ðại sứ Trần Văn Chương: Theo Chương, dư luận thế giới và đặc biệt là tại Mỹ tin rằng Diệm không thể mang lại chiến thắng Cộng Sản. Cuộc khủng hoảng Phật Giáo vốn dĩ không phải là nguyên nhân, mà chỉ là hậu quả, một giọt nước làm tràn ly. Bởi thế, Diệm phải ngưng tin dùng các cố vấn Nhu và Cẩn.( 164)

Ðúng ngày 16/8 này, báo Life đăng lại lời Lệ Xuân tuyên bố là sẽ phá tan Phật giáo. Trong khi đó, Hòa thượng Tịnh Khiết viết thư cho Diệm, cực lực phản kháng “sự ác độc của một chế độ xem dân như cỏ rác,” và “mong được chết an hơn sống khổ.”( 165)

Ngày 17/8, Phật tử tụ họp đông đảo ở chùa Xá Lợi. Hôm sau, hơn 10,000 Phật tử đến chùa Xá Lợi làm lễ cầu siêu.


A. CUỘC TỔNG CÀN QUÉT CHÙA CHIỀN:

Ý định tấn công các chùa chiền và ban hành thiết quân luật từ nửa đêm ngày 20/8 không được giữ bí mật hoàn toàn như người ta thường nghĩ. Bộ trưởng Nguyễn Ðình Thuần đã cho nhân viên Tòa Ðại sứ Mỹ biết về Thiết quân luật trước nhiều giờ.( FRUS, 1961-1963, III:595n2) Một ký giả Mỹ cũng tự nhận được “mật báo” từ một viên chức nào đó tại Dinh Gia Long, nên đã tới chùa Xá Lợi trước khi xảy ra cuộc tấn công. Và, thực ra, từ hơn nửa tháng trước, đích thân ông Nhu đã răn đe trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters là sẽ phá tan chùa Xá Lợi, nhưng khi bị Nolting chất vấn đã qui trách cho ký giả Mỹ dẫn không đúng lời mình.

Từ ngày 7/8/1963, Hòa thượng Tịnh Khiết cũng đã báo động với Tổng thống Diệm về “Kế hoạch Nước Lũ,” nhằm cô lập và phân hoá các chùa, đồng thời đàn áp cuộc đấu tranh của Phật Giáo. (165bis) Ngày Chủ Nhật 18/8, mười Tướng và Tư lệnh đơn vị–kể cả Huỳnh Văn Cao và Tôn Thất Ðính–họp mật, rồi đồng ý yêu cầu Diệm thiết quân luật, để bắt buộc các tu sĩ trở lại chùa.( 166) Hai ngày sau, 20/8, các Tướng trình dự thảo Thiết quân luật lên Nhu và Diệm. Diệm chấp thuận, cho lệnh André Ðôn, mới được cử làm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng thay Ðại tướng Lê Văn Tỵ, ký tên và công bố ngay nửa đêm đó. Ðính được cử làm Tổng trấn. Tuy nhiên, Diệm không hề hé môi về kế hoạch trên trong buổi họp chính phủ suốt chiều ngày 20/8.( 167)

Khoảng nửa giờ sau khi Thiết Quân luật có hiệu lực, Nhu cho lệnh tấn công các chùa trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, nơi đặt bản doanh Ủy ban Tranh đấu Liên Phái, hai đại đội thuộc Liên đoàn 31 Lực Lượng Ðặc Biệt [LLÐB], Ðại đội 16 Bảo An, và Cảnh Sát mặc giả quân phục đánh chiếm mục tiêu. Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Tâm Châu, cùng nhiều tăng sĩ bị bắt giam sau một giờ chống cự. Khoảng 30 tăng sĩ bị thương, và 2 người bị mất tích. Ðích thân Ðại tá Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng LLÐB, và Giám đốc Cảnh sát CA Ðô thành, Trần Văn Tư [tài liệu Pháp ghi là Cò Túc?], chỉ huy, dưới sự điều động của Ðính. Do mật báo từ Dinh Ðộc Lập, ký giả ngoại quốc biết trước tin này và có mặt tại chùa Xá Lợi để chứng kiến cuộc “vét chùa”, và quyết tâm bảo vệ đạo pháp của các tăng ni. Các chùa Ấn Quang, Chantareansay (Sài Gòn) đều bị chiếm. Các tăng trụ trì, Thiện Hoa và Lâm Em, bị bắt .( 168) Ðồng thời, hai chùa Linh Mụ và Từ Ðàm (Huế), cùng các chùa ở Ðà Nẵng, Nha Trang v.. v... đều bị chìm trong “nước lũ” bạo lực.

Tại Huế, khoảng 3 giờ đêm tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kêu cầu cứu vang lên khắp nơi. Ðồng bào quanh chùa đánh mõ, gõ thùng thiếc báo nguy. Ðợt tấn công đầu, Cảnh sát bị đẩy lui. Sau đó, Ðỗ Cao Trí cho lệnh nổ súng. Những giáo sư, sinh viên và học sinh tranh đấu cũng bị bắt giữ.( 169) Tổng cộng khoảng 1,400 tăng sĩ, bị bắt trên toàn quốc. Chỉ có hai sư từ chùa Xá Lợi thoát được tới Phái Bộ Kinh Tế [USOM] gần đó xin tị nạn. Qua ngày 23/8, Trí Quang cũng trốn được vào Toà Ðại sứ Mỹ.( 170)

Tại Sài Gòn, Diệm triệu tập Hội đồng chính phủ vào lúc 5G30 sáng. Diệm chỉ giải thích rằng phải thiết quân luật theo điều 44 Hiến pháp vì Cộng Sản đã xâm nhập một số tỉnh lÿ, quận lÿ gần thủ đô; nhưng tuyệt nhiên không đả động đến vụ tấn công chùa Xá Lợi. Vì đã được một nhân viên báo tin cuộc tấn công chùa Xá Lợi, Ngoại trưởng Mẫu phản đối. Phó Tổng thống Thơ cũng ngả theo Mẫu.( 171) Nửa giờ sau, đài phát thanh bắt đầu loan đọc Tuyên cáo ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ, hiệu lực từ ngày 21/8: “Chiếu điều 44 Hiến Pháp, kể từ ngày 21/8/1963, tôi tuyên bố ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn thể lãnh thổ Quốc Gia. Ủy nhiệm cho QÐVNCH tận dụng mọi phương tiện và thi hành mọi biện pháp cần thiết bảo vệ Quốc Gia chiến thắng Cộng Sản, xây dựng tự do, dân chủ”. “Số người đầu cơ chính trị, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng thái độ hòa giải tột bực của chính phủ liên tiếp hành động bất hợp pháp để tạo nên một tình trạng rối loạn phá hoại chính sách ấy và cản trở chủ trương dân chủ pháp trị, rất tổn thương cho uy tín Phật Giáo, chỉ lợi cho Cộng Sản.” (HS 8501 & 8506) Quân đội VNCH từ nay “chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh công cộng, có quyền xét các tư gia bất cứ giờ nào, bắt giữ những người xét ra có hại cho an ninh công cộng; cấm mọi cuộc hội họp, tụ tập có thể phương hại cho an ninh trật tự công cộng; hạn chế tự do báo chí, kiểm soát hệ thống phát thanh, kiểm soát phim ảnh kịch trường; cấm tàng trữ, lưu hành những ấn loát phẩm, tài liệu, truyền đơn xét có hại cho an ninh công cộng (điều 3); tất cả mọi vi phạm đến trật tự công cộng đều thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự (điều 4). (Sắc lệnh này gồm 5 điều, công bố theo tình trạng khẩn cấp. (172) Nhu cũng đọc diễn văn, yêu cầu Thanh Niên Cộng Hòa yểm trợ chính phủ. (173)

Trong phiên họp hàng tuần về Ấp Chiến Lược ngày Thứ Sáu, 23/8, Ngô Ðình Nhu dành nhiều thì giờ giải thích về cuộc đấu tranh của Phật Giáo. Theo Nhu, tình trạng trầm trọng trong nước từ hơn 3 tháng qua là “do một số Sư Sãi đã tiếm đoạt địa vị của Phật Giáo và có những hành vi, ngôn ngữ và thái độ hoàn toàn trái ngược với Pháp Chánh của Ðạo Phật và luật pháp của Quốc Gia, đồng thời bất chấp đến ý chí hòa giải tột bực của Tổng thống và chính phủ… Thiện chí ôn hòa của chính phủ đã bị số sư sãi trên coi là biểu hiệu của một sự nhu nhược, nên họ càng làm tới. Họ đã biến các chùa chiền nhất là chùa Xá Lợi thành những trung tâm khuấy rối, khủng bố các vị chân tu, hàng ngày mạt sát và đả kích chính phủ, rồi cứ thế được đà, họ đã tiến tới những âm mưu vận động phá hoại quốc gia, và tổ chức đảo chánh cố kềt với Cộng Sản và Ngoại quốc.” Họ dùng phương pháp “bình nghị” để cưỡng ép các vị chân tu phải lần lượt tự thiêu để họ liên tục khai thác bên cạnh những xác chết đó hầu thực hiện những âm mưu chính trị của họ. Ban Trị sự Giáo Hội Tăng Già Nam Việt phải bỏ chùa Ấn Quang về miền Tây.

“Thiêu đốt Thượng tọa Thích Quảng Ðức.” [tr. 7] Có người bật quẹt đốt Quảng Ðức vì hộp quẹt trong người Thượng tọa bị ướt, không cháy. Vị sư đưa hộp quẹt đốt Quảng Ðức hối hận bỏ trốn, bị lùng bắt để thủ tiêu. Với chính phủ thì bọn người lợi dụng tôn giáo này đã đi từ khiêu khích này tới khiêu khích khác liên tục. . . Chính phủ tự mình đặt vào một thế bất động trong lúc bọn người lợi dụng tôn giáo cứ tiến tới vừa khiêu khích vừa ru ngủ mình [Tâm Châu và Thiện Minh xin gặp Nhu nhưng không đến, không viết thành văn lời yêu cầu; không tham gia Ủy Ban Hỗn Hợp] Ai ưng tu hành thì quyết tâm tu cho đắc đạo, và ai ưng làm chính trị thì phải từ bỏ áo tu, ra hẳn ngoài đời để làm chính trị, chứ không thể kéo dài tình trạng mập mờ, nửa đạo nửa đời như từ hơn ba tháng nay được. (174) Ngày này, các cấp TNCH gửi kiến nghị ủng hộ Diệm. (175) Tại Huế, ngày 24/8, Tỉnh trưởng Nguyễn Mâu sử dụng TNCH xét giấy người khả nghi. Hôm sau, 25/8, tổ chức “50,000 người” biểu tình trước bến Phú Văn Lâu chống và “lên án bọn lưu manh phản động đội lốt tôn giáo âm mưu phá rối an ninh công cộng,” và lên án bọn phản loạn đội lốt tôn giáo. (176) Mâu còn cho lệnh bắt giữ Thích Trí Hữu, Tổng Thư Ký Phật Giáo Trung Phần, cùng hai người tháp tùng. (177)

Chiến dịch Nước Lũ nhằm đánh chiếm chùa và bắt giữ tăng ni là một thứ chiến thắng cay đắng cho chế độ Diệm-Nhu. Mặc dù hầu hết các lãnh đạo phong trào tranh đấu đều bị bắt giữ–ngoại trừ Thượng tọa Thích Trí Quang và hai tăng trốn vào được Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn–biến cố này gây nên một chuỗi phản ứng giây chuyền mà kết quả chung cuộc là cái chết bi thảm của ba anh em họ Ngô. Trên bình diện quốc nội, sinh viên, học sinh Huế–có sự tiếp tay của cán bộ Cộng Sản hay chăng–xuống đường biểu tình dữ dội. Ðường phố Ðà Nẵng cũng rung chuyển khí thế đấu tranh và quyết tâm đánh dẹp biểu tình của nha trảo chế độ. Thục, rồi Nhu yêu cầu Linh mục Luận, lúc đó đang tạm trú ở Ðà Nẵng, trở lại Huế giải quyết. Luận từ chối, dù là một cán bộ Cần Lao cao cấp–chuyến tham quan Mỹ trong mùa Hè 1963 cho Luận nhận hiểu ngày tàn của chế độ đã điểm.( 178)

Một biến cố chấn động dư luận là chiều ngày 22/8, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đột ngột xuống tóc, đệ đơn xin từ chức. Sau đó, tiếp kiến các phái đoàn Ngoại giao (Trung Hoa Quốc Gia, Thái Lan, Ðại Hàn, Nhật Bản, Lãnh sự India, Chủ tịch UHQTKSÐC), và chào từ biệt Nguyễn Ngọc Thơ tại Hội trường Diên Hồng. Sáng ngày Thứ Bảy, 24/8, Mẫu tới Ðại học Luật khoa nói chuyện với khoảng 3000 sinh viên các phân khoa sinh viên. Hô hào sinh viên tranh đấu bất bạo động. Có Vũ Quốc Thúc và Nguyễn Văn Bông xuất hiện. Hẹn sẽ gặp lại vào ngày hôm sau. Nhưng từ ngày này, bị giam lỏng tại gia. (179) Ngày 23/8, Diệm đã không chấp thuận cho Mẫu từ chức, mà chỉ cho nghỉ dài hạn ba tháng, qua Nepal hành hương. Ngày 26/8, trên đường ra phi trường qua India, Mẫu bị Tổng trấn Tôn Thất Ðính cản lại tịch thu thông hành. Mãi tới ngày 29/8, Mẫu mới được rời nước.

Biến cố thứ hai là sự nhập cuộc của giới sinh viên, học sinh Sài Gòn. Ngày 22/8, 1253 sinh viên trường Kỹ thuật Phú Thọ (trên tổng số 1291 người) bãi khoá. Chỉ có 15/80 sinh viên ban Cao đẳng hỗn hợp, 7/302 sinh viên Công chánh và 16/189 sinh viên ban Ðiện đi học. (180) Hôm sau, 23/8, sinh viên Y-Dược Sài Gòn xuống đường ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật tử và sinh viên, giáo chức tại miền Trung. Cảnh sát đàn áp mạnh, bắt giữ nhiều người. Việc sinh viên Y-Dược, được coi là cốt cán của chế độ và những thành phần bảo thủ nhất trong xã hội, nghiêng về phe Phật Giáo cho thấy uy tín chế độ đã suy tàn. Anh em Diệm-Nhu tìm cách vuốt ve, nhưng không thành công. Nhiều người trong số 19 thành viên ủy ban đại diện bị bắt. (181) Sáng Chủ Nhật 25/8, hàng chục ngàn sinh viên học sinh biểu tình tại Chợ Bến Thành và nhiều địa điểm khác trong thủ đô. Hai anh em Diệm-Nhu thẳng tay đàn áp. Nhiều người chết, bị thương, hay bị bắt giữ. Vì dám chống đối chế độ, sinh viên, học sinh được chụp ngay cho cái mũ “Cộng Sản.” Trong khi đó, Trần Văn Chương–cha vợ Nhu, đương kim Ðại sứ tại Mỹ –cũng từ chức phản đối, hoặc bị Diệm cách chức, từ ngày 22/8/1863. Mẹ Lệ Xuân, Thân Thị Nam Trân, từ chức Quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc.

Từ ngày 17/8, Chương đã gửi mật điện cho Diệm, báo cáo rằng dư luận thế giới và đặc biệt tại Mỹ tin rằng Diệm không thể mang lại chiến thắng Cộng Sản. Cuộc khủng hoảng Phật Giáo vốn dĩ không phải là nguyên nhân, mà chỉ là hậu quả, một giọt nước làm tràn ly. Phải ngưng tin dùng các cố vấn Nhu và Cẩn. Nội các cho rằng điện văn đó không thể chấp nhận được, “khiêu khích và huênh hoang,” nên ngày 21/8/1963 bị Diệm cách chức trước khi xin từ chức. Diệm tuyên bố phải loại trừ bọn phá hoại, không đàn áp Phật Giáo, và tin tưởng ở quân đội. (182) Tối 27/8, hai vợ chồng Chương còn thúc dục Tướng Lansdale là Mỹ phải lật đổ ngay Diệm-Nhu, bằng không dân chúng sẽ trở thành chống Mỹ. Ðích thân Nam Trân yêu cầu Lansdale qua ngay Sài Gòn, khuyên anh em Diệm rời nước. Nam Trân nhấn mạnh: "Dân chúng đã ghét họ, và họ không nên ở lại để chờ dân chúng giết. Họ chắc chắn sẽ bị giết nếu còn ở lại, và chẳng có ai trong Dinh [Gia Long] bảo thẳng với họ về cảm tưởng của dân chúng. Họ đã bị cách biệt hẳn với thực tế. Sau chín năm cầm quyền, tại sao họ còn muốn tiếp tục nếu toàn gia bị chết. Nước Mỹ đã bảo Syngman Rhee [Lý Thừa Vãn của Nam Hàn] rời nước [năm 1961]. Tại sao không làm như thế với Diệm và Nhu?( 183)"

Ngày 24/8, Vũ Văn Thái–cựu Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện, hiện đang làm việc cho cơ quan LHQ tại Lome, Togo– cũng viết thư cho Harriman, đề nghị Diệm và gia đình phải ra đi. Nội dung thư Thái tương tự như thư riêng của Vũ Văn Mẫu gửi Chester Bowles từ New Dehli.( 184) Trong khi đó, cuộc tấn công chùa chiền ngày 21/8 gây nên những phản ứng sâu đậm khắp thế giới. Từ ngày 11/6, bức hình tự thiêu của Thượng tọa Quảng Ðức đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu của Phật giáo và chính sách giáo phiệt Ki-tô của anh em Diệm. Vào thượng tuần tháng 8/1963, một số nước Phật giáo chính thức yêu cầu triệu tập Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc thảo luận. Ngày 22/8, từ Nam Vang, chính phủ Cao Miên ra tuyên cáo: “Chính phủ Hoàng gia Căm-bốt kinh hoàng đón nhận tin chính phủ Sài-gòn đàn áp man rợ các tăng ni và Phật tử Nam Việt Nam vào rạng sáng ngày 21/8/1963. Việc tấn công các chùa bằng lực lượng tinh nhuệ của chính phủ, việc tàn sát tăng ni, việc bắt giữ, việc phong tỏa các nơi thờ tự đang diễn ra tại thủ đô Việt Nam là một thách thức thế giới văn minh.  Trong lịch sử hiện đại chỉ có chế độ Hitler mới dám vi phạm những tội ác chống lại quyền tối thượng của con người như thế.” Tiếp đó, chính phủ Sihanouk kêu gọi các quốc gia tố cáo và ngăn chặn tội ác đàn áp Phật giáo của chính phủ Diệm. Nam Vang còn kêu gọi Vatican cho lệnh chính quyền Diệm và tín đồ Ki-tô phải theo đúng nguyên tắc cao cả của Ki-tô giáo. (185)
 
Ngay đến Vatican, điểm tựa vững chắc nhất của chế độ Diệm, cũng bất bình. Khâm sứ Vatican d’Asta từng bảo thẳng Diệm rằng việc tấn công chùa chiền và đàn áp Phật Giáo làm hại cho uy tín Vatican và đi ngược lại quyền lợi của quốc gia Việt Nam. Tại Mỹ, hầu hết các cơ quan ngôn luận đều yêu cầu chính phủ Mỹ có thái độ tức khắc. Tờ New York Times kịch liệt lên án chính phủ Diệm, mà sự mất lòng dân, độc tài và tàn bạo biểu lộ qua cuộc đàn áp Phật giáo. Báo này cũng chỉ trích chính phủ Kennedy đã không sử dụng áp lực thích đáng với Diệm và chậm trễ trong việc minh định thái độ. (186) Những báo khác gọi chế độ Diệm là độc tài, cảnh sát trị, làm mất giá trị sự tham chiến của lính Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng. (187)

Chỉ riêng tờ New York Herald Tribune muốn chính phủ Kennedy tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm trước hiểm họa Cộng Sản. Marguerite Higgins, trong loạt bài viết về chế độ Diệm, lập lại hầu như nguyên văn lời tuyên truyền của chế độ Diệm: không có kỳ thị tôn giáo mà những biến động thuần có tính cách chính trị, do Cộng Sản giật dây, với sự hỗ trợ của báo chí ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ. Bối rối và giận dữ nhất là các viên chức Mỹ. Tại Sài Gòn, để bảo mật, ngay sau nửa đêm 20/8, Nhu cho lệnh cắt đứt dây điện thoại tới Tòa Ðại sứ Mỹ và tư gia các viên chức Mỹ. Bởi thế, ngày 21/8, từ Trueheart tới Chánh sở CIA John H. Richardson đều không biết rõ chính Diệm đã cho lệnh, hay các Tướng lãnh đã làm đảo chính, đánh chiếm chùa chiền. Ngộ nhận các Tướng làm đảo chính, đài VOA và Bộ Ngoại Giao Mỹ nghiêm khắc qui trách cho quân đội.( 188) Mãi tới 6G00 sáng ngày 21/8–sau khi Diệm đã cho công bố lý do hành quân cảnh sát lục soát một số chùa, và giới nghiêm vì Cộng Sản xuất hiện gần Sài Gòn–Tướng André Ðôn mới điện thoại cho Paul Harkins thông báo về lý do ban hành thiết quân luật. Theo Ðôn, Diệm cho lệnh Thiết quân luật để chống lại Phật giáo. Lệnh này chắc không kéo dài quá ngày bầu cử [Quốc Hội dự trù vào ngày 31/8/1963]. Ðôn cũng tiết lộ mới chỉ sử dụng 1 tiểu đoàn Dù, 1 tiểu đoàn TQLC, và quân cảnh ở Sài Gòn.

Tuy nhiên, các đơn vị ven đô đều đặt trong tình trạng báo động. Thiết giáp cũng xuất hiện tại thủ đô và Chợ Lớn. Ðại sứ Nolting–đang dự hội nghị Honolulu với tân Ðại sứ Lodge, Hilsman, Ðề Ðốc Harry D. Felt, và Paul Kattenburg, tân Chủ tịch Ủy Ban Ðặc Nhiệm Việt Nam tại Bộ Ngoại Giao Mỹ–gửi cho Diệm một công điện phản đối, trách móc Diệm: “Ðây là lần đầu tiên ông không giữ lời hứa với tôi.” (189) Hôm sau, 22/8, Tổng thống Kennedy chỉ thị Lodge nhận nhiệm sở càng sớm càng tốt, vì Lodge dự định ghé thăm Hong kong ít ngày, rồi trình ủy nhiệm thư vào ngày 26/8. Oat-shinh-tân vội gửi một phi cơ quân sự đặc biệt cho Lodge tới ngay Sài Gòn. Khoảng 21G30 ngày 22/8, Lodge mới có mặt tại thủ đô miền Nam. Tới trước Lodge vài tiếng đồng hồ là mật điện của Hilsman, chỉ thị phải tìm cách giảm quyền lực Nhu. (190)

Lodge là một lãnh tụ quan trọng của Ðảng Cộng Hòa Mỹ. Năm 1960, Lodge từng đứng chung liên danh với Richard M. Nixon, nhưng bị liên danh Kennedy-Johnson của Ðảng Dân Chủ đả bại khít khao. Từ tháng 6/1963, khi Oat-shinh-tân hỏi ý kiến về việc đề cử Lodge, Diệm không phản đối, nhưng không dấu sự bất mãn và lo ngại. Nhu mỉa mai gọi Lodge là Toàn quyền [Gouverneur General], trong khi Diệm tuyên bố dù có gửi 10 Lodge qua Việt Nam, Mỹ vẫn phải huấn luyện người bắn pháo binh vào Dinh Gia Long. Trong buổi tiếp kiến Kennedy vào trưa ngày 15/8, Lodge có cảm tưởng rằng Kennedy đặc biệt lo ngại về tình hình Việt Nam, và hàm ý rằng chế độ Diệm đang đi vào đoạn kết. Cuộc tấn công chùa ngày 21/8 đặt Lodge trước một việc đã rồi. Một cái tát xiếc, như một ký giả Mỹ nhận định, nếu xét kỹ những áp lực và đòi hỏi “hòa hoãn với Phật giáo” của Oat-shinh-tân. Ngay trong ngày 23/8, Lodge cho nhân viên đi tiếp xúc hầu hết các nhân vật cao cấp Việt để có được một hình ảnh rõ ràng về tình hình. Lodge còn mời các ký giả Mỹ tới tham khảo hầu cải thiện liên hệ giữa Tòa Ðại sứ với các ký giả. Không kém quan trọng, Lodge cho người đi tháo gỡ dây kẽm gai mà Cảnh sát giăng kín trụ sở USOM, đích thân tiếp xúc hai nhà sư xin tị nạn, và gặp đại diện nhóm Caravelle. Lodge còn tiếp xúc với Ðại sứ Italia Giovanni d’Orlandi và Khâm sứ Vatican Salvatore d’Asta.

Chỉ trong vòng 24 giờ, Lodge đã nắm vững được tình hình. Trước hết, quân đội không dính líu gì đến cuộc tấn công chùa chiền, và nhiều nhóm muốn làm đảo chính. Nhân viên CIA Lucien “Lu” Conein và Rufus Phillips được Nguyễn Ðình Thuần, Võ Văn Hải, Chánh văn phòng của Diệm, André Ðôn, và Lê Văn Kim, khẳng định rằng chính Nhu cầm đầu cuộc tấn công chùa chiền.( 191) Buổi nói chuyện giữa Ðôn và Conein tại Bộ Tổng Tham Mưu khiến Lodge chú ý nhất. Ðôn yêu cầu đài VOA cải chính là không phải quân đội đã tham gia cuộc đàn áp, tấn công các chùa chiền, mà chính Cảnh sát đặc biệt của Nhu. Theo Ðôn, khoảng 1,420 tăng ni bị bắt giữ khắp miền Nam trong ngày 21/8. Nhu là “khối óc” [thinker] của Diệm; nhưng Diệm có quyền quyết định. Lệ Xuân hành xử như “vợ” [platonic wife] Diệm. Diệm chưa bao giờ lấy vợ và không quen có đàn bà bao quanh. Chín năm qua, Lệ Xuân chăm sóc Diệm sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc. Lệ Xuân nói chuyện, giúp Diệm giải tỏa áp lực, và giống như bất cứ người vợ nào, thống trị gia đình. Giữa Diệm và Lệ Xuân không có liên hệ tình dục, vì Diệm chưa hề trải qua mùi vị nam nữ. Diệm và Lệ Xuân, theo Ðôn, giống như Hitler và Eva Braun. Ðôn cũng tiết lộ Diệm rất thích những thanh niên đẹp trai. Một Trung sĩ làm vườn đã được cất nhắc lên Trung tá, trông coi dinh điền quân đội, nhờ đẹp trai. Theo Ðôn, không thể tách rời Diệm với vợ chồng Nhu. Nếu phải chọn giữa Diệm và Nhu, Ðôn muốn Nhu ra đi.( 192) Tướng Lê Văn Kim, phụ tá báo chí của Ðôn, tâm sự với Phillips, Giám đốc Phòng Cải Cách Ðiền Ðịa của cơ quan USOM, đặc trách Ấp Chiến Lược, là quân đội đã trở thành “tay sai” của Nhu. Chính Nhu đã bầy mưu để các Tướng yêu cầu ban hành thiết quân luật. Và, 1426 tăng ni, Phật tử đã bị bắt giữ.

Sáng ngày 23/8, sinh viên Y khoa và Dược đã bắt đầu biểu tình. Nhu đã cho lệnh Cao Xuân Vỹ tổ chức phản biểu tình vào ngày 25/8. Trong bữa điểm tâm tại tư dinh Nguyễn Ðình Thuần ngày 24/8, Thuần cũng nói với Phillips rằng vợ chồng Nhu phải ra đi. Theo Thuần, ngày hôm trước (23/8), Diệm đã viết thư cho Lệ Xuân, yêu cầu từ nay đừng tuyên bố gì nữa. Diệm cũng đã chuyển cho Bénoit Trần Tử Oai và Tổng Giám Ðốc Thông Tin [Phan Văn Tạo?] biết lệnh này. Theo Thuần, Mỹ đừng lo ngại việc mở cửa cho Cộng Sản với cái giá phải yểm trợ một chính phủ có Nhu. Nếu Mỹ cả quyết, các Tướng sẽ hành động.( 193) Vị đắng của cảm giác bị anh em Diệm-Nhu “phản bội” và ý niệm vai trò Diệm đã mất đi sự tối thiết hoặc hữu dụng trong chiến lược của Mỹ khiến Lodge giữ thái độ xa cách với Dinh Gia Long. Sách lược của Lodge là giai đoạn mềm mỏng dưới thời Nolting đã qua. Diệm phải tìm đến Lodge–như ngày nào Diệm đã phải tìm đến tu viện Maryknoll ở New Jersey và Oat-shinh-tân cầu viện trợ. Vì, thực ra Diệm cần Mỹ hơn Mỹ cần Diệm. Chỉ có Tướng Harkins vẫn ủng hộ Diệm.

Trong báo cáo ngày 22/8 về Oat-shinh-tân, Harkins tán thành việc tấn công các chùa, vì muốn ổn định tình hình. Harkins cũng không đồng ý việc đặt Ðôn lên chức Tổng Tham Mưu trưởng, hay Ðính nắm Quân đoàn III và Biệt Khu Thủ Ðô, vì việc bổ nhậm này tạo cho phe đảo chính cơ hội nắm quyền dễ dàng.( 194) Tuy nhiên, phe Cố vấn ANQG Bundy cùng Harriman và Hilsman tại Bộ Ngoại Giao cảm thấy đã quá đủ với họ Ngô. Ngày cuối tuần 24/8, XLTV Ngoại trưởng George Ball bật đèn xanh cho Lodge tìm một giải pháp khác Diệm.

 
KẾT TỪ:

Mùa Phật Ðản 2507 (1963) đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam như một trong những trang bi hùng nhất. Bảy ngọn lửa cúng dường cho đạo pháp của tăng ni làm rúng động lương tâm nhân loại, ngoại trừ anh chị em nhà họ Ngô và nha trảo, trong “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị chưa từng thấy từ thời các Nga hoàng.”( 195) Ðây là lần đầu tiên Phật Giáo đã vượt ra ngoài thế thụ động, “xuất thế” quen thuộc, đứng lên tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng tín ngưỡng của mình. So với đồng đạo ở phía Bắc vĩ tuyến 17, lãnh đạo Phật Giáo miền Nam đã chứng tỏ một lòng vì đạo cao sâu hơn nhiều bậc. Họ đã giành đoạt được quyền tự do và bình đẳng tôn giáo bằng máu, nước mắt và mồ hôi, mà không chờ đợi, van vái ân sủng của nhà cầm quyền. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam trong năm 1963, qua những tài liệu văn khố hiện đã giải mật, nặng tính chất tôn giáo hơn chính trị. Mặc dù chế độ Diệm-Nhu-Thục cố tình diễn giải cuộc tranh đấu của Phật Giáo dưới góc cạnh xấu xí nhất–như nặng mang tính chất chính trị hơn tôn giáo, có bàn tay Cộng Sản giật giây, có bàn tay ngoại cường (hiểu như người Mỹ), v.. v...– mùa Phật đản đẫm máu 1963 là cao điểm của phong trào duy tân Phật Giáo Việt Nam từ thập niên 1920. Tính cách phi-chính-trị của cuộc tranh đấu khiến người Mỹ, đặc biệt là Cố vấn ANQG Bundy và Ðại sứ Lodge ra sức tiếp trợ.

Nói cách khác, cuộc tranh đấu của Phật Giáo đã khơi động niềm cảm phục của các viên chức Mỹ cũng như dư luận thế giới, nơi giáo hội và chính phủ đã hoàn toàn biệt phân, và tự do tín ngưỡng được coi như nhu cầu tối thiết, một quyền người cơ bản. Ngay đến đại diện Vatican ở Sài Gòn cũng phải cảnh cáo Diệm rằng việc đàn áp Phật Giáo là một tội ác, làm giảm uy tín giáo hội Ki-tô. Các tăng ni lãnh đạo phong trào tranh đấu không chỉ chứng tỏ tinh thần Bồ tát đại dũng trước bạo lực, sẵn sàng dùng nhục thân bảo vệ Phật pháp, mà còn chứng tỏ một chiến thuật vận động đấu tranh tỉ mỉ, xuất sắc. Họ đã phối hợp giữa vận động quần chúng và các cơ quan truyền thông quốc tế để tạo nên những biến động thu hút dư luận và cảm tình của ngay những người chưa đủ khả năng tìm kiếm ra vị trí Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo hẳn có thể đã không xảy ra, hoặc giảm bớt cường độ và rút ngắn về thời gian, nếu nhà cầm quyền khéo léo kiểm soát và giảm thiểu những hậu quả tại hại. Nhưng chế độ Diệm-Thục-Nhu, giống như bất cứ một chế độ giáo phiệt tương tự nào, đã đánh giá thấp biên độ và khả năng phát triển của phong trào tranh đấu. Họ đã sử dụng nguyên vẹn những thủ thuật đã áp dụng đối với Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên của tám chín năm trước, khi người Mỹ can đảm hy sinh cả giao tình với nước Pháp để giữ Diệm ở lại chiếc ghế Thủ tướng. Nhưng hơn tám năm đã qua, hơn hai tỉ Mỹ kim đã đổ vào Việt Nam. Viễn ảnh thua trận bắt đầu ám ảnh những chuyên viên về Việt Nam, mà Fishel, Mendendall hay Mansfield chỉ là ít nhân vật tiêu biểu. Dù rằng vẫn chưa có một con ngựa nào khá hơn Diệm xuất hiện, các viên chức Mỹ đã mất đi ảo tưởng về khả năng duy trì một miền Nam chống Cộng của họ Ngô. Ðó là chưa nói đến mối bận tâm canh cánh bên lòng về âm mưu ve vãn Cộng Sản của anh em Diệm-Nhu trong mùa Xuân-Hè 1963, hoặc mối đại họa là bỗng một ngày nào đó Diệm-Nhu công khai đòi Mỹ triệt thoái khỏi Nam Việt Nam. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo cũng bùng nổ trong một tình thế an ninh-quân sự đặc biệt.

Từ năm 1962-1963, Bắc Kinh đã sốt sắng hơn trong việc sử dụng thanh nam, thanh nữ và tài nguyên Việt Nam, Lào, Kampuchea–cùng cái gọi là học thuyết Mao về “chiến tranh giải phóng”–để gạt ảnh hưởng Mỹ khỏi ngưỡng cửa chiến lược Ðông Nam. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã có cả lực lượng vũ trang lên tới cấp trung đoàn, và một hệ thống hành chính nông thôn, cùng tình báo tại các thành thị. Mặc dù không chính thức ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo, Trung Ương Cục Miền Nam–mới được cải tổ vào cuối Hè 1961–đã lợi dụng cơ hội gửi cán bộ tình báo chiến lược xâm nhập vào thành thị, khoét dần những lỗ hổng làm cơ sở tiềm sinh trong giới sinh viên, học sinh, tôn giáo. Cho đến một lúc, các lãnh đạo Phật Giáo mới khám phá ra rằng chiến thắng của Phật Giáo năm 1963 mới chỉ là chiến thắng phiến diện. Giai đoạn 1966-1968, khi Cố vấn QNQG Bundy đã rời chính quyền và Lodge cùng Ellsworth Bunker đã mất hết thiện cảm, các lãnh tụ Phật Giáo sẽ tri nghiệm được rằng đừng nên trộn lẫn giữa tôn giáo và chính trị.

 

Phụ chú:

1. CÐ số 9195, ngày 6/5/1963; Kho Lưu Trữ Quốc Gia [KLTQG] II (Thành phố Hồ Chí Minh), Phủ Tổng thống Ðệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa [PTT/Ð1CH], HS 8501; 8352; Lê Cung, Phong trào Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (Huế: Thuận Hóa, 2003), tr. 131-132.

2. Xem, chẳng hạn, lời khai của Bénoit Trần Tử Oai, Bộ trưởng Thông tin, UN/GA Official Records, Agenda Item 77: “The violation of Human rights in South Vietnam;” Doc. A/5630, 7/12/1963, tr. 12-16. [Sẽ dẫn UNGA Doc. A/5630]. Bùi Văn Lương khai với Phái đoàn LHQ ngày 30/8/1963, là đích thân Lương cho lệnh tạm hoãn treo cờ, và các lãnh đạo Phật giáo rất mãn nguyện. [I also gave instructions to the administrative local authorities provisionally, not to apply the circular [of 6 May 1963]. The leaders of the monks are very pleased. They . . . told me I had given complete satisfaction to their desires.]; Ibid., tr. 22, 23. Xem thêm lời Ngô Ðình Diệm, Ibid., tr. 16; Ngô Ðình Nhu: Ibid., tr. 16-20; Nguyễn Ngọc Thơ: Ibid., tr. 20-21; Nguyễn Ðình Thuần: Ibid., tr. 25-27; Hồ Ðắc Khương, Ðỗ Cao Trí: Ibid., tr. 27-29; Trương Công Cừu: Ibid., tr. 29-31. Ðể chuẩn bị đón phái đoàn LHQ điều tra về việc vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam, cơ quan Việt Tấn Xã [VTX] của chính phủ Diệm, do Tôn Thất Thiện cầm đầu, cũng lưu hành một tài liệu bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, gồm 3 tập. Xem Vấn đề Phật giáo [The Buddhist Questions]; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8506, 8511. Xem thêm Thích Trí Quang, “Cuộc vận động Phật giáo Việt Nam: Giai đoạn phát khởi;” Liên Hoa nguyệt san (29/1/1964), tr. 22, 28; dẫn trong Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn 1963 (Giao Ðiểm: 2003), tr. 91.

3. Tác giả luật hạn chế treo cờ là Lâm Lễ Trinh, Bộ trưởng Nội vụ; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8368. Ngày 29/5/1963, chính phủ ra thông cáo: “Khi qui định thể thức treo quốc kỳ và đạo kỳ, chánh phủ chỉ muốn nhắc nhở Quốc kỳ là tượng trưng cho chánh nghĩa, là kết tinh ý thức đấu tranh toàn diện, toàn dân, toàn quân.” Vấn đề Phật giáo (1963), I:1; Ibid., HS 8511. Xem thêm chi tiết trong Ibid., HS 8507.

4. Xem, chẳng hạn, thư ngày 11/3/1955, gửi Thủ tướng, của Ðoàn Trung Côn [Còn], Hội trưởng sáng lập Tịnh Ðộ Tông Việt Nam, TTK Uy ban vận động Phong trào Phật Giáo Xã hội; KLTQG II (TP/HCM), Phủ Thủ tướng [PThT], HS29229: (Phật Giáo, 1954-1955). Xem bảng tổng kết số chùa tại miền Nam vào tháng 9-10/1963 trong Ibid., PTT/Ð1CH, HS 8506, & 8512. Tại Sài Gòn có 180 chùa: 69 thuộc THPGVN, 22 thuộc Cổ Sơn Môn, và 89 thuộc các môn phái khác và chùa tư. Ibid. Từ 1954 tới 1963, chính phủ trợ cấp 24 tổ chức Phật Giáo 3,681,000 đồng, quá chênh lệch so với trợ giúp cho Ki-tô; Ibid, HS 8540.

5. Xem, thư ngày 20/2/1962, Thích Tịnh Khiết gửi Ngô Ðình Diệm, về việc đàn áp Phật Giáo tại Phú Yên, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 7941; thư ngày 17/2/1962, Wesley Fishel gửi John A. Hannah, Viện trưởng Ðại học Tiểu bang Michigan (MSU); Foreign Relations of the United States [FRUS], 1961-1963, II:148-52; báo cáo của Ðại sứ Roger Lalouette ngày 10/3/1962; Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975 [VNNB], I-C: 1955-1963, tr. 248-250. Xem thêm chú [32] infra.

6. Archives du Ministère des Affaires Etrangères [AMAE] (Paris), Cambodge-Laos-Vietnam [CLV], Sud Vietnam [SV], 17:70-73.

7. Xem Phụ Bản I, Chính Ðạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Văn Hóa, 1994). Ða số chi tiết dưới đây rút từ tài liệu Mỹ ngữ trên. Chúng tôi chỉ ghi những tài liệu khác nếu cần thiết. Xem thêm Cao Văn Luận, Bên Giòng Lịch Sử (Sài Gòn: 1972), tr. 328. Ngày 16/9/1963, Lãnh sự Pháp ở Tourane báo cáo rằng theo Tướng Nghiêm chính sách bài Phật giáo chỉ là của Thục. Ngày 8/5, khi Nghiêm vào Sài Gòn gặp Diệm, Diệm cho lệnh phải thẳng tay với Phật giáo, và nhận lệnh từ Cẩn. Ðại tá Ðỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư đoàn 1, được lệnh “duy trì trật tự ở Huế.” Sau đó Trí được thăng cấp Tướng, thay Nghiêm nắm Vùng I. AMAE (Paris), CLV, SV, 17:70-73. Về những việc làm của Trí, xem KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8527.

8. Ngày 5/5/1963 này, Diệm long trọng tổ chức Lễ Tạ Ơn chào mừng ngày thụ phong của Tổng Giám Mục Thục tại nhà thờ Dòng Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng, Sài Gòn. Thục cũng tham dự. Ngoài lễ nghi quân cách, cờ Ki-tô giáo chi chít khắp nơi. Xem KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8425.

9. Nguyễn Văn Ðẳng, “Phúc trình của Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên về lễ Phật Ðản tại Huế (20/5/1963),” tr. 2; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8529. Theo một nguồn tin, Cẩn còn sai Hồ Ðắc Khương, Ðại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung Phần, gửi điện tín xin hoãn thi hành lệnh trên. Cẩn cũng bảo Ðẳng đừng can thiệp vì có giao tình với Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và, theo lời đồn, bài vị Ngô Ðình Dinh, cha Ngô Ðình Khả, còn đặt tại chùa Diệu Ðế. Dinh theo đạo thờ cúng tổ tiên. Khả (1856-1914)Ư, cha Diệm, là người đầu tiên theo đạo Ki-tô, và hành nghề thông ngôn trong thời gian Pháp đánh chiếm Bắc và Trung Việt. Chức vụ cuối cùng của Khả là Ðề đốc kinh thành vào cuối đời Thành Thái, và được hàm Thượng thư khi về hưu. Nhờ tước hàm Thượng thư này của Khả, năm 1917 Diệm được tập ấm chức cửu phẩm, làm việc tại Tân Thư viện Huế, tức Musée Khải Ðịnh. Xem Chính Ðạo, “Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963);” Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hoá, 2004). Cũng có tin bài vị Dinh đặt tại chùa Từ Hiếu. Tuy nhiên, vào tháng 12/2004, chưa thể khẳng định có chăng bài vị nói trên (tiếp xúc với một tăng của chùa này).

10. Báo cáo số 249-VP/M, ngày 10/5/1963; [KLTQG II (TP/HCM), TNTP.167;] Lê Cung, 2003:136.

11. Báo cáo số 2262-TT/VP/BTM, ngày 9/5/1963, Thừa Thiên gửi BNV; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8529.

12. UN Doc. A/5630, 7/12/1963:22, col2. Xem thêm Thích Trí Quang, “Cuộc vận động Phật giáo Việt Nam: Giai đoạn phát khởi;” Liên Hoa nguyệt san (29/1/1964), tr. 22, 28; dẫn trong Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn 1963 (Giao Ðiểm: 2003), tr. 91.

13. Xem thêm Nguyễn Ngu Í, “Ðại học Huế tranh đấu chống chế độ cũ qua hai giờ nói chuyện với Giáo sư Lê Tuyên;” Bách Khoa, số 171 (15/2/1964), tr. 37-47, và số 172 (1/3/1964), tr. 27-42. Sẽ dẫn: Nguyễn Ngu Í, 1964a, và Nguyễn Ngu Í, 1964b.

14. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 3, p. 5; CÐ số 5, 10/5/1963, Huế gửi BNG; US Department of State, Foreign Relations of the United States [FRUS], 1961-1963, III:284; Airgram A-20, 3/6/1963, Helble gửi Sài Gòn; III:277,n2; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 279-280.

15. Xem danh sách các nạn nhân trong Phụ lục đính kèm của báo cáo của Nguyễn Văn Ðẳng ngày 20/5/1963; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8529. Sỹ sau này bị kết án chung thân khổ sai, nhưng được Nguyễn Văn Thiệu ân xá vào năm 1966Ô sau cuộc nổi dạy của miền Trung.

16. CÐ số 100/MM, ngày 9/5/1963, TNTP gửi Ðổng lý VPTT; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8523.

17. KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8529 [?].

18. Xem, chẳng hạn, báo cáo của Thị trưởng Huế và các cấp chỉ huy cảnh sát, quân đội trong KLTQG II (TP/HCM), PTT, Ð1CH, HS 8529.

19. Ibid., HS 8506.

20. UN/GA Doc. A/5630, 1963, tr. 12, col.2.

21. “I had concluded, according to the specialists in artillery and artificiers, whom we had consulted in Hue and Sai Gon, that it was probably bombs of plastic . . . that we had many bullets because the United States had given us many free, but we had no plastic; plastic is the arm of the Viet Cong guerilla.” A/5630, 1963:24, col 1.

22. Theo Lương, Trí Quang đã âm mưu chống chính quyền từ năm 1960, với sự xúi dục của Cộng Sản. Ðặng Ngọc Lựu, thân cận của Trí Quang, cung cấp tin này; UN/GA Doc. A/5630, 1963:22-23.

23. FRUS, 1961-1963, III:284-285.

24. Tâm thư 10/5/1963, công điện cùng ngày của Thích Tịnh Khiết, và tài liệu giải thích ngày 16/5/1963, 23/5/1963 (Tịnh Khiết, Mật Nguyện, Mật Hiền, Trí Quang, Thiện Siêu ký) có thể tìm thấy trong KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8541. Tường Vân là tên chùa Hòa thượng Tinh Khiết trụ trì. TT Mật Nguyện, tục danh Trần Lộc, 56 tuổi, tu tại chùa Linh Quang. TT Mật Hiển, tục danh Nguyễn Duy Quang, 56 tuổi, tu tại chùa Trúc Lâm. TT Trí Quang, tục danh Phạm Trí Quang, sinh năm 1922, và TT Thiện Siêu, tục danh Vũ Trọng Tường, 43 tuổi, tu tại chùa Từ Ðàm; Ibid., HS 8531. Bản dịch Mỹ ngữ trong FRUS, 1961-1963, III:287-288.

25. Công báo Việt Nam [CBVN], III:3 [19/8/1950]:434-437. Người soạn thảo luật này là Nguyễn Khắc Vệ, Tổng trưởng Tư Pháp của chính phủ Trần Văn Hữu. Bản dịch Anh ngữ Dụ số 10 ngày 6/8/1950 cùng hai tu chính ngày 19/12/1952 và 3/4/1954 trích in trong phần phụ bản XV của UNGA, Doc. A/5630, 7/12/1963:86-89.

26. Nguyễn Ngu Í 1964a:40-41. [Xem chú 13 supra]

27. FRUS, 1961-1963, III:288, n3. Ðại biểu chính phủ cũng yêu cầu hoãn ngày cầu siêu cho nạn nhân Huế từ 14/5 tới 21/5; CÐ ngày 13/5/1963, Thừa Thiên gửi BNV; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8529.

28. Tâm Châu, Bạch Thư về vấn đề chia rẽ của Ấn Quang với Việt Nam Quốc Tự (Montréal: Tổ đình Từ Quang, 1994), tr:17. Một nhân chứng khai UBLP/BVPG gồm 14 hội đoàn. Xem thêm Việt Nam Cộng Hòa, Phủ Tổng thống, Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, “Bảờn nghiên cứu đặc biệt: Phật Giáo Việt Nam” [n.d.]; PTTÐ1CH, HS 8573.

29. Tục danh là Ðoàn Văn Hanh, sinh khoảng năm 1922 tại Ninh Bình, Bắc Việt. Tu tại chùa Xuân Dương, huyện Ða Phúc, Phúc Yên (Phái Vĩnh Nghiêm). 1951: Cùng Tố Liên vào Huế tổ chức Ðại hội thống nhất Phật giáo. 1952: Phó Trị sự Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc Việt Nam. 1955: Tham gia Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam. 1959: Thành lập Hội Phật Giáo Quán Âm Phổ Tế. Trụ sở tại 584/1 đường Phan Thanh Giản Sài-gòn. 1/1963: Lập Ủy Ban Liên Phái chống phim Sakya. 9/5/1963: Thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, qui tụ 11 hội đoàn. Trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi. 25/5/1963: Phát động phong trào tranh đấu tích cực ở miền Nam. 30/5/1963: Tuyệt thực 48 giờ cùng hàng trăm tăng ni. Thứ Sáu, 14/6/1963: Tham gia phái đoàn Phật Giáo nói chuyện với Ủy Ban Liên Bộ của chính phủ Diệm. 16/7/1963: Dẫn đầu một đoàn biểu tình trước tư dinh Ðại sứ Nolting. 21/8/1963, mờ sáng: Bị bắt tại chùa Xá Lợi cho tới ngày 1/11/1963. 31/12/1963: Tham dự Ðại Hội Thống Nhất Phật Giáo ở Chùa Xá Lợi [cho tới ngày 4/1/1964]. Ðược bầu làm Chủ tịch Viện Hoá Ðạo với nhiệm kỳ 2 năm. 13/1/1964: Nhận chức Viện trưởng Hoá Ðạo. 20/1/1965: Cùng Trí Quang, Pháp Tri, Thiện Hoa và Hộ Giác tuyệt thực chống chính phủ Trần Văn Hương. 27/1/1965: Hội Ðồng Quân Lực ra tuyên cáo nắm lại chính quyền. Viện Hoá Ðạo ra lệnh ngừng tranh đấu. Các sư ngưng tuyệt thực. 24/8/1964: Khánh yêu cầu Trí Quang, Tâm Châu và Thiện Minh kêu gọi sinh viên, học sinh và Phật tử ngưng biểu tình. Các lãnh tụ Phật giáo ra điều kiện: hủy bỏ hiến chương Vũng Tàu, thành lập chính phủ dân sự, bảo đảm tự do tôn giáo, và tổ chức bầu cử ngày 1/11/1965. /1975: Tị nạn ở Pháp, rồi Canada. Hiện tu tại Tổ đình Từ Quang, Montréal, Québec. 9/1/1995: Cùng 126 tăng sĩ ký tên vào kháng thư phản đối việc bắt giữ Huyền Quang và Trí Ðộ. 2/5/1995: Tham dự biểu tình ở Oat-shinh-tân.

30. Thiện Hoà, tục danh Hứa Khắc Lợi, sinh tại Chợ Lớn, đi tu từ năm 1935. 1935: Theo học Phật học đường Lưỡng Xuyên. 1936-1938: Theo học An Nam Phật học đường tại chùa Tây Thiên, Huế. 1938-1939: Theo học Phật học đường Long Khánh, Bình Ðịnh. 1939: Theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế. 1945-1950: Ở Bắc. 5/1950: Về Sài Gòn. Dạy tại Phật học đường Sùng Ðức. 1951: Giám đốc Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang. 1953: Trị sự trưởng GHTGNV. 1959: Trị sự trưởng GHTGTQ. 15/5/1963: Gặp Ngô Ðình Diệm về 5 nguyện vọng của Phật Giáo. 26/8/1963: Chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Bảo Vệ Phật Giáo Thuần Túy, ủng hộ Ngô Ðình Diệm. 1967: Tổng Vụ trưởng TV Tài chính & Kiến thiết của GHPGVNTN tại Ấn Quang. 1973: Phó Tăng Thống. 7/2/1978: Chết tại chùa Ấn Quang.

31. CÐ 1066, ngày 9/5/1963, BNG gửi Sài Gòn, FRUS, 1961-1963, III:283. Xem thêm báo cáo ngày 18/6/1962 của Bùi Văn Lương; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 7941.

32. FRUS, 1961-1963, III:310.

33. Bộ Công Dân vụ [Civic Action] bao gồm Tổng Nha Thông tin dưới quyền Phan Văn Tạo.

34. FRUS, 1961-1963, III:309-310; Mẫu 2003:246-255.

35. Tâm Châu, Bạch Thư về vấn đề chia rẽ của Ấn Quang với Việt Nam Quốc Tự (Montréal: Tổ đình Từ Quang, 1994), tr. 18.

36. Không rõ Lương hay VTX của Tôn Thất Thiện và Ðặng Ðức Khôi đã phát minh ra lối giải thích mới này.

37. FRUS, 1961-1963, III:311.

38. Ðề nghị này Nolting đã trình về BNG ngày 18/5 và được Rusk chấp thuận ba ngày sau, 21/5; FRUS, 1961-1963, III:312,n3.

39. FRUS, 1961-1963, III:314. Sau này, Nhu còn phát minh ra lối giải thích “pain of growth” [sự đau đớn khi phát triển] của Phật giáo Việt Nam, một hiện tượng quen thuộc của các nước chậm tiến.

40. Gravel, II:226. Theo Trueheart, Diệm có vẻ “giận dữ” [quite agitated], và không muốn nghe theo lời khuyên của Mỹ; FRUS, 1961-1963, III:338.

41. CÐ ngày 19/5/1963, Thừa Thiên gửi BNV; KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8529.

42. Ibid., HS 8541.

43. Ibid.

44. CÐ 1136, 9/6/1963, Trueheart gửi BNG; FRUS, 1961-1963, III:368.

45. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541.

46. VNCH, Vấn đề Phật Giáo: Lập trường của chính phủ VNCH: Văn kiện căn bản, Tập I (từ 6/5/1963 tới 21/8/1963), tr. 1; Ibid., HS 8511. Người chủ biên tập tài liệu này là Tôn Thất Thiện, Giám đốc Việt Tấn Xã.

47. Nguyên văn: The Buddhists (estimated at some ten million) have long been resentful of the mandarins of Hue and their ruling Catholic oligarchy; the Buddhists particularly resent a host of restrictions imposed on their religious freedom by President Diem. Most of Ngo Dinh Diem’s high Government officials, chiefs of provinces and military officers are Catholics, and most young army officers are convinced that they must be at least nominal Catholics if they wish to rise above the rank of captain. Diem apparently believes (and with some reason) that Catholics are more loyal to him personally and also more genuinely dedicated in their anti-Communism. Catholicism, therefore, seems to have become a kind of status symbol, as well as a prerequisite for advancement . . .

The Buddhists say that most Government supplies pass through Catholic hands and are distributed chiefly to Catholics. One American adviser has reported that Catholic battalion commanders in South Vietnam’s army get better equipment and heavier weapons than the non-Catholics. In the countryside, there are a number of villages where Christian priests are in control and maintain their own private armies. In the northern coastal region around Hue, small units of these troops, known as the ‘Bishop’s Boys’, are directly responsible to the Archbishop, and their primary mission is to protect churches and priests. They are armed with United Sattes weapons and trained at least in part by United States advisers.

Vast supplies of United States food relief (wheat, flour, rice, cooking oils) are distributed in South Vietnam through Catholic Relief Services to Catholic priests in the provinces. Some Viet-Namese are convinced that many of these supplies never reach the intended beneficiaries but find their way into the black market instead.” A/5630:90.

48. NYT, 29/5/1963; FRUS, 1961-1963, III:335-336.

49. CÐ 1162, 30/5/1963, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1961-1963, III:337n3.

50. Thư ngày 28/5/1963, Tâm Châu gửi TT; Báo cáo ngày 30/5/1963 của Q. Ðô trưởng Vũ Tiến Huân; KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501.

51. FRUS, 1961-1963, IV:340-341.

52. Xem Trần Ngọc Châu, “Phúc trình về cuộc tranh chấp của Tỉnh hội Phật giáo tại Ðà Nẵng” (19/9/1963); TTLTQG II (Sài Gòn), HS 8520.

53. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8520.

54. FRUS, 1961-1963, III:343-347; A/5630.

55. FRUS, 1961-1963, III:348-349. Tướng Ðôn báo cáo rằng đây là loại lựu đạn cay Pháp sử dụng trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

56. Ngày 26/2/1964, Thích Trí Quang yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Khánh điều tra và trừng trị thủ phạm; đồng thời bồi thường xứng đáng cho các nạn nhân. Ngày 7/3/1964, đích thân Trí Quang gặp Thiếu tướng Tôn Thất Xứng, Tư lệnh QÐ I, Vùng I Chiến thuật, yêu cầu giải quyết. Ngày 17/3/1964, Thiếu tướng Xứng xác nhận một đơn vị quân đội đã nhận lệnh xua chó berger và ném lựu đạn cường toan vào đám đông Phật tử đang tiến đến chùa Từ Ðàm. Ngày 5/3/1964, Nha CS Trung nguyên Trung phần đã xác nhận việc này. “Hiện còn khoảng 40 nạn nhân bị xuất huyết, mắt càng ngày càng mờ, cơn điên cuồng ngày càng tăng.” [41 người bị thương trong các ngày 3, 4, 5, và 6/6/1963 điều trị tại Huế. 20 người xin về nhà. 47 người trong số trên là Phật tử. Danh sách do Nha CSBTNTP: 45 người. Phật tử trở lại điều trị ở Huế, 10 người]; (PThT, HS 29369) Ngày 21/3/1964, do sự can thiệp của Ðại tá Nguyễn Chánh Thi, 12 nạn nhân được phi cơ quân sự đưa từ Huế vào Sài Gòn. 5 người điều trị tại Grall, 7 người khác ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. (Tờ trình số 330/BYT/VP/M, ngày 13/4/1964, Ðại tá Vương Quang Trường gửi Phó Thủ tướng đặc trách Văn Hóa-Xã hội; (PThT, HS 29369)

57. FRUS, 1961-1963, III:349-352.

58. Xem Chính Ðạo, “Phiến Cộng trong Dinh Gia Long;” Ði Tới (Montréal, Canada), số 73 & 74, 9-10/2003, tr. 46-77; Idem., Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston, TX: Văn Hoá, 2004). Bản cập nhật đăng trên Hợp Lưu online.

59. Xem báo cáo của Nha Cảnh Sát Bắc Trung nguyên Trung Phần về những hành động và âm mưu của người Mỹ có liên hệ đến cuộc đấu tranh của Phật Giáo, 12-16/9/1963 [Thiếu tá Ðào Quang Hiếu, 16/9/1963]; HS 8502.

60. FRUS, 1961-1963, III:356-358; KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8509.

61. FRUS, 1961-1963, III:359-360, 360-361. Sau này, mới xác nhận “phần tử quá khích” là nhóm “Phật giáo nhập thế,” hay “tân tăng,” mà người dưới phố gọi là “sư hổ mang”–và đa số đi tu để trốn lính. Họ gọi phái Lục Hòa Tăng là “thày cúng.”

62. FRUS, 1961-1963, III:360; Vấn đề Phật Giáo, I:1; TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8511.

63. CÐ ngày 4/6/1963, Nguyễn Quang Trình gửi Viện trưởng Huế; Ibid., HS 8501. Giáo sư Wulff, một chứng nhân của cuộc thảm sát 8/5 tại Huế, đã viết hồi ký về biến cố trên, và bạn ông chụp được nhiều hình ảnh tại nhà xác Huế. Các tài liệu này được nạp cho Liên Hiệp Quốc, khiến LHQ quyết định mở cuộc điều tra. Trong dịp viếng thăm Bệnh viện Huế ngày 18/4/1964, Ðại tá Nguyễn Chánh Thi đã yêu cầu di tản những bệnh nhân bị phỏng vì chất cường toan trong ngày 4/6/1963 tại Huế vào Sài Gòn điều trị. Xem tờ trình ngày 13/4/1964, Bộ trưởng Y tế gửi Phó Thủ tướng đặc trách Văn hoá-Xã hội; TTLTQG II, Phủ Thủ tướng, HS 29369.

64. FRUS, 1961-1963, III:367-368.

65. “Quyết nghị của Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới Việt Nam” (Sài Gòn, 7/6/1963), KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8515; FRUS, 1961-1963, III:362n2.

66. The Pentagon Papers (Gravel), II:208; FRUS, 1961-1963, III:366-369.

67. Năm 1956-1957, Hồ Vinh, một giáo sư Pháp văn trường Phan Châu Trinh Ðà Nẵng từng bị tra tấn đến chết trong nhà lao Thừa Phủ (Huế). Nguyễn Ðăng Ngọc, hiệu trưởng, một cán bộ Cần Lao, đích thân đến các lớp đọc bức công điện mật, loan tin “tên Cộng Sản Vinh” đã “tự tử” trong ngục. Xem thêm lời khai của Phan Quang Ðông, và bản án Ngô Ðình Cẩn ngày 22/4/1964 về những cuộc thủ tiêu những người bị vu cáo là Cộng Sản hay gián điệp Pháp, như Nguyễn Văn Yến, v.. v...

68. CÐ 1194, 8/6/1963 & 1196, 8/6/1963, BNG gửi Ðại sứ Việt Nam; FRUS, 1961-1963, III:363-364, 364-366. Trong số các đề nghị, BNG yêu cầu VNCH “ít nữa cũng tạm thời ít nhắc đến thuyết Nhân Vị trước công chúng và tuyên truyền của chính phủ vì đám đông đồng hóa Nhân Vị với Ki-tô giáo; bổ nhiệm các tuyên úy Phật giáo; thành lập một Hội Ðồng Tôn Giáo Quốc Gia, vài tăng hay lãnh tụ Phật tử ứng cử trong cuộc tranh cử vào Quốc Hội tháng 8/1963, và cho họ đắc cử [at least temporarily playdown Personalism in public pronouncements and GVN propaganda because of popular identification Personalism with Catholicism; appoint Buddhist chaplains; create National Religious Council, permit several monks or lay Buddhist leaders run for and win seats in August National Assembly elections [NVN: two monk representatives]; Ibid., III:364-365. Trong báo cáo về Oat-shinh-tân, Trueheart nói không có ý định gặp Diệm, vì Thuần đã đạt được một số tiến bộ. BNG Mỹ đồng ý.

69. FRUS, 1961-1963, III:369-371. Giao tình giữa chính phủ Diệm và báo chí Tây phương đầy sóng gió từ năm 1957, sau khi Diệm được tâng bốc như “Winston Churchill của Ðông Nam Á.”

70. FRUS, 1961-1963, III:371-373. Về lễ cầu hồn cho John XIII, Paul Hiếu không nói đúng sự thực. Xem văn thư về lễ trên trong KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8428.

71. FRUS, 1961-1963, III:374. Hiện nay, tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Ðình ChiểƯu (trụ sở UyỰ Ban Nhân Dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, tức Tòa Ðại sứ Cao Miên cũ), còn một miếu nhỏ thờ Thượng tọa Quảng Ðức)

72. FRUS, 1961-1963, III:375-376.

73. FRUS, 1961-1963, III:376-378.

74. FRUS, 1961-1963, III:376-378.

75. Mẫu, 2003:277.

76. “Thông điệp của Tổng thống gởi đồng bào thủ đô ngày 11/6/1963;” KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8506, 8501; NYT, 12/6/1963. Sau này, có lẽ do áp lực Mỹ, bản dịch tiếng Anh được viết nhẹ hơn: “Buddhism in Vietnam finds its fundamendal safeguard in the Constitution of which I personally am the guardian.”

77. Nguyên văn: “If Diem does not take prompt and effective steps to reestablish Buddhist confidence in him we will have to reexamine our entire relationship with his regime;” CÐ 1207, 11/6/1963, BNG gửi Ðại sứ Việt Nam; FRUS, 1961-1963, III:383.

78. FRUS, 1961-1963, III:385-387. Theo tài liệu Bạch Cung ngày 14/6/1963, Kennedy không biết gì về đe dọa giải kết [disassociation] này, và nhấn mạnh rằng đây là lần chót; từ nay bất cứ lời đe dọa chính thức nào cần được sự phê chuẩn của Kennedy. Ibid., III:386-387.

79. Tâm Châu 1994:19; FRUS, 1961-1963, III:384.

80. FRUS, 1961-1963, III:387-389. Theo Thuần, Phật giáo đã sửa đổi đôi chút các đòi hỏi, nhưng Trueheart nhấn mạnh nên bỏ các tiểu tiết để đạt ngay thỏa ước.

81. FRUS, 1961-1963, III:391.

82. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8509. [Xem Phụ Bản] Xem thêm Tâm Châu, 1994:41-4; The Pentagon Papers (Gravel), II:226-7; FRUS, 1961-1963, III:Tài liệu 177, 178, 179.

83. NYT, 16/6/1963; FRUS, 1961-1963, III:396-397.

84. NYT, 17/6/1963; FRUS, 1961-1963, III:396-397. Theo bản tin AP ngày 17/6, đây là cuộc biểu tình chống chính phủ bạo động nhất từ nhiều năm qua; Ibid., III:397n3.

85. Lãnh đạo hệ phái này cho rằng họ là hệ phái lâu đời nhất tại Việt Nam, với hai triệu Phật tử. Mãi tới năm 1964, Cổ Sơn Môn mới gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất.

86. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501; Mẫu, 2003:302-304.

87. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501; Mẫu, 2003:307-313. Theo Nhu, TNCH lên tới 1.5 triệu đoàn viên; Ibid., tr.300, 304, 310.

88. FRUS, 1961-1963, III:401. Gene Gregory từng quen biết Diệm từ thập niên 1950.

89. FRUS, 1961-1963, III, tr. 409-410.

90. Nguyên văn bản dịch tiếng Pháp: “Un bon catholique, en vertu même de la doctrine catholique, est le meilleur des citoyens, attaché à sa patrie, loyalement soumis à l’autorité civile établie, sous n’importe quelle légitime de gouvernement.” Ainsi s’explique Pie XI dans l’encyclique illius Magistri du 31 décembre 1929.”

91. Nolting, From Trust to Tragedy: The Political Memoirs of Frederick Nolting [Từ tin cậy tới thảm kịch: Hồi ký chính trị của Frederick Nolting] (New York: Preager, 1988), tr. 115-116. Lập luận của Nolting giống hệt tuyên cáo của chính phủ Diệm ngày 21/8/1963–“lợi dụng tín ngưỡng cho mục đích chính trị.”

92. Thư ngày 26/6/1963, Tịnh Khiết gửi TT; KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541.

93. Ibid., HS 8541.

94. CÐ 1219, 14/6/1963, BNG gửi Ðại sứ SG; FRUS, 1961-1963, III:394-395. Charles Ben Wood, người phụ trách Phòng Ðông Dương, soạn thảo Kế hoạch này từ tháng 5/1963, chuyển về Oat-shinh-tân ngày 23/5/1963, và được Bạch Cung chấp thuận ngày 6/6/1963; FRUS, 1961-1963, III:Tài liệu 133. Ngày 16/6, Sài-gòn mới nhận được lệnh trên.

95. Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 296, 298.

96. FRUS, 1961-1963, III:400-401.

97. FRUS, 1961-1963, III:402-404.

98. FRUS, 1961-1963, III:392.

99. Max Frankel, “US Warns South Viet-Nam on Demands of Buddhists” [Mỹ cảnh giác Nam Việt-Nam về những đòi hỏi của Phật tử]; NYT, 15/6/1963. Tài liệu BNG ghi là ngày 14/6/1963; FRUS, 1961-1963, III:393.

100. FRUS, 1961-1963, III:392.

101. Báo cáo của Ðại tá Nguyễn Văn An ngày 22/5/1963 & 15/6/1963; KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8508.

102. Ngày 18/7, Cảnh sát Quận 5 bắt giữ ba người bị tình nghi hoạt động nội tuyến cho CS trong hàng ngũ Phật Giáo; Ibid., HS 8501.

103. Hội nghị Khu Ủy Khu V mở rộng [từ 15/7 tới ngày 31/7/1963] ra nghị quyết: “trước mắt ra sức nuôi dưỡng mở rộng cuộc đấu tranh của đồng bào Phật Giáo và nhân dân các tầng lớp chống địch đàn áp Phật Giáo, chia rẽ các tôn giáo.” [tr. 942] (Huế: thuộc Liên tỉnh 1 của Khu V) Tuy nhiên, đường lối tổng quát không thay đổi: Cần phải và có khả năng kiềm chế địch trong loại chiến tranh thứ ba và thắng địch trong loại chiến tranh ấy [tr. 907]; trường kỳ kháng chiến, đánh địch trường kỳ, giành thắng lợi từng phần [tr. 908]; ở miền núi, đấu tranh võ trang là chính [tr. 910]; ở đồng bằng, đấu tranh chính trị, vũ trang song song.[ tr.910]; ở đô thị đấu tranh chính trị là chủ yếu, có kết hợp đấu tranh vũ trang trong một mức độ nhất định.[ tr. 911] [VKÐTT, 24:895-954]

Nghị quyết tháng 10/1963 của Khu VI mới ghi nhận “cần chú ý tranh thủ xây dựng cơ sở trong tín đồ Phật Giáo và từng mặt liên minh hành động tiến tới nắm một số sư sãi tiến bộ, có uy tín trong giới Phật Giáo, cũng như phải tích cực tranh thủ xây dựng những phấn tử lớp trên . . . có xu hướng tiến bộ để tiến tới hình thành Mặt Trận lâm thời của thành phố.” (VKÐTT, 24:989)

104. CÐ số 1250 gửi Sài Gòn, DOS, Central Files, PER-Lodge, Henry Cabot. (Ngày 22/6, Trueheart báo cáo là Diệm đồng ý tiếp Trueheart vào chiều ngày 22/6; CÐ số 1230 từ Sài Gòn; Ibid)

105. FRUS, 1961-1963, III:414. Diệm khẳng định với Trueheart là sẽ tôn trọng những điều thỏa thuận với Phật giáo; phủ nhận không có việc Nhu sử dụng Thanh Niên Cộng Hoà để chống lại Phật giáo; nhưng không đề cập gì đến Bạch thư của Lệ Xuân. Về Cổ Sơn Môn, Diệm nói họ có quyền tự do họp Ðại Hội và bày tỏ ý kiến. Việc phóng thích những người tham dự biểu tình, Diệm nói cần thanh lọc; nếu họ không Cộng sản sẽ được phóng thích. Tóm lại, chính Diệm tách dần khỏi những lời cố vấn của Mỹ; Ibid., III:411-413.

106. Ibid.

107. CÐ 1271, 26/6/1963, Ball gửi Ðại sứ VN; Ibid., III:415-416.

108. FRUS, 1961-1963, III:427-428.

109. FRUS, 1961-1963, III:426n3.

110. FRUS, 1961-1963, III:429-431; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 304-305.

111. Nolting, 1988:126.

112. The Pentagon Papers (Gravel), II:236; FRUS, 1961-1963, III:474; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 307.

113. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 11, tr. 427.

114. FRUS, 1961-1963, III:433n2.

115. FRUS, 1961-1963, III:441-443.

116. FRUS, 1961-1963, III:443-444.

117. FRUS, 1962-1963, III:445-447.

118. FRUS, 1962-1963, III:449-450.

119. Thời thực dân Pháp, cái mũ “Cộng Sản” đồng nghĩa với “phản loạn.” Nhưng hiện tượng chụp mũ “Cộng Sản” cho người khác ý kiến hoặc mình không ưa còn phát triển rộng rãi hơn, vì quốc sách miền Nam là “chống Cộng.” Tàn tích của thói quen “Tố Cộng” này được bảo quản tốt đẹp ở hải ngoại.

120. FRUS, 1962-1963, III:451-453.

121. Hôm sau, Browne và Arnett bị truy tố về tội hành hung hai Phó Thẩm sát viên công nhựt Nguyễn Văn Lăng và Lâm Văn Lý. Xem báo cáo của Phạm Công Kỉnh, Quận trưởng Cảnh Sát Q. 3, trong KLTQG II, PTT, Ð1CH, HS 8536. Theo Trần Thiện Khiêm, các ký giả này dùng đá và máy ảnh để đánh trả Cảnh sát. Một viên chức nào đó, phê bằng mực đỏ: “Có thực không?” Ibid., HS 8527. BNG Mỹ chỉ thị Trueheart can thiệp để miễn tố. Thoạt tiên, Diệm không đồng ý. Mãi tới ngày 17/7 mới thuận. FRUS, 1962-1963, III:470-472.

122. The Pentagon Papers (Gravel), II:729-33; US-Vietnam Relations, Bk 12:534;

123. FRUS, 1962-1963, III:483-485.

124. Nguyên văn: [He is hurt by what he considers misrepresentations and calumnies (both in Vietnam and outside), torn by conflicting advise, resentful of US pressure, and not completely in control of his government’s actions (Nhus). He is, in brief, in a martyr’s mood himself.]; CÐ 85, ngày 15/7/1963, Nolting gửi BNG; FRUS, 1961-1963, III:487; Nolting 1988:113.

125. Khán giả và công an, mật vụ khoảng 500 người. Khoảng 11G45, đoàn biểu tình kéo về chùa Xá Lợi, tuyên bố sẽ tuyệt thực 48 giờ. FRUS, 1961-1963, Tài liệu 221; Tâm Châu, 1994:19. Ngày 9/7/1963, Tâm Châu đã viết thư cho Ðại sứ Mỹ, yêu cầu Mỹ cho quân bảo vệ chùa Xá Lợi vì đang có dấu hiệu Diệm-Nhu sẽ đánh chùa. Ibid., III:478-479.

126. Mẫu, 2003:353.

127. Báo cáo ngày 23/7/1963 của Ðại biểu CP tại Cao nguyên trung phần; TTLTQG II, PTT, Ð1CH, HS 8501.

128. Mẫu, 2003:354-360.

129. FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 234. Tưởng nên ghi nhận Hilsman từng là Giám đốc cơ quan sưu tầm và tình báo, từng ghé thăm Sài Gòn vào tháng 1/1963 và gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, kể cả Ngô Ðình Diệm. Xem FRUS, 1961-1963, vol III: Jan-August 1963 (Washington, DC: GPO, 1991), tr. 1-16.

130. FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 237.

131. Ngày 24/7, Thuần cho Nolting biết Chiêu đã bị phạt kỷ luật. Báo chí loan tin Chiêu bị 40 ngày trọng cấm. Ngày 26/7, Tịnh Khiết viết thư xin Diệm nhẹ tay hơn với Chiêu. Ngày 30/7, Nhu định truy tố Chiêu ra tòa để có dịp nói rõ “nguyên do thúc đẩy Chiêu biểu tình ... cho báo chí ghi chép.” CÐ ngày 31/7/1963, Ðổng lý văn phòng Phủ TT gửi Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng; TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501. Sau đó, Chiêu được ân thưởng “Trung dũng bội tinh.” Theo Vũ Văn Mẫu, các thương phế binh đều là giả; Mẫu, 2003:313-314.

132. FRUS, 1961-1963, III:Tài liệu 198, 200.

133. TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501. Hội còn đại diện chế độ qua New York trình bày với Tổng thư Ký LHQ về cuộc tranh đấu của Phật Giáo vào tháng 10/1963. Tưởng cũng nên ghi nhận, Hội chỉ bênh vực Nhu, và đồng ý bắt Thục cũng như Lệ Xuân phải rời nước để trấn an dư luận.

134. Newsweek, 9/8/1963; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 314.

135. Ngày 11/8, Thuần báo cáo với Nolting là Lệ Xuân giao cho Khiêm tổ chức một lực lượng Mật vụ riêng; nhưng Nhu phủ nhận. Ngày Thứ Bảy, 31/8, khi được ký giả người Úc, Denis Warner, phỏng vấn, Khiêm cho Warner coi một danh sách các viên chức mà Khiêm định ám sát. Theo CIA, Chương, cha Khiêm và Lệ Xuân, coi Khiêm như “bất lực, tham nhũng và hèn nhát;” FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 68.

136. Ngày 5/8, báo NYT đăng lại tin này; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 312. Tại Việt Nam, Tịnh Khiết cũng viết thư cho Diệm, báo động về Kế hoạch Nước Lũ, gồm hai giai đoạn đảo chính và phản đảo chính giả; Thư ngày 5 & 7//8/1963, Tịnh Khiết gửi TT; TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541.

137. Ibid., HS 8541; Mẫu, 2003:344-346.

138. TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541; Mẫu, 2003:343-344.

139. Chính Ðạo, Tôn Giáo & Chính trị, 1994:334-335. Xem thêm TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541 (Thanh Tuệ), 8532 (Diệu Quang), 8534 (đô thành)

140. Nolting 1988:117.

141. Trong báo cáo ngày 10/8, Nolting cho biết Thơ, Thuần, Nhu, Mẫu, Bửu Hội v.. v... đưa ra giải pháp sau: Lệ Xuân đi “nghỉ dài hạn,” Tổng Giám Mục Thục sẽ được thăng cấp [về Roma]. Thuần còn mật báo rằng các Bộ trưởng đều đồng ý đã đến giờ thứ 11 của Diệm. Lệ Xuân cùng em ruột là Trần Văn Khiêm tổ chức một toán cảnh sát đặc biệt để bắt cóc đối thủ. Chắc chắn Nhu cũng biết việc này.

142. FRUS, 1961-1963, III:Tài liệu 252; Chính Ðạo, VNNB, I-C:1955-1963, tr. 315.

143. Nolting, 1988:119.

144. NYHT, 15/8/1963; Nolting 1988:118; KLTQG II, PTT, Ð1CH, HS 8506.

145. Ngày 9/8/1963, trong phiếu trình lên Kennedy về vợ chồng Nhu, Michael Forrestal tiết lộ Miên, Ceylon [Sri Lanka], và Nepal đã đưa vấn đề Phật giáo ra trước văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Có thể sẽ họp Ðại Hội Ðồng LHQ.

146. Văn thư số 4406/NA/CT ngày 10/8/1963; HS 8529)

147. CÐ số 4435-TT/NA/CT/M ngày 12/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529)

148. Tục danh Bùi Huy Chương (1945-1963), 17 tuổi, tu tại chùa Phước Duyên, Hưng Long, Thừa Thiên; HS 8541; Nguyễn Ngu Í 1964a:42.

149. HS 8541.

150. Nguyễn Ngu Í 1964a:42.

151. CÐ số 4470-TT/NA/CT/M ngày 15/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529; Nguyễn Ngu Í, 1964a:42-43. [Xem chú 13 supra]

152. CÐ số 4470-TT/NA/CT/M ngày 15/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529; Nguyễn Ngu Í 1964a:43)

153. (HS 8532)

154. HS 8527; Nguyễn Ngu Í 1964a:43.

155. CÐ số 4545-TT/NA/CT/M ngày 17/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529)

156. CÐ số 4545-TT/NA/CT/M ngày 17/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529)

157. Nguyễn Ngu Í 1964a:43)

158. Nguyễn Ngu Í 1964a:43-44. [Xem chú 13 supra]

159. Nguyễn Ngu Í 1964b:28)

160. CÐ số 4545-TT/NA/CT/M ngày 17/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529; Nguyễn Ngu Í 1964a:46.

161. CÐ số 4529-TT/NA/CT/M ngày 18/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8529.

162. Nguyễn Ngu Í 1964a:33.

163. Nguyễn Ngu Í 1964b:35-6. Theo Vũ Văn Mẫu, Thế đã lẻn về Sài-gòn, xin cho trở lại nhiệm sở cũ. Ngày 19/8,ờ Mẫu ký giấy cho Thế ra đi; Mẫu, 2003:218-221, 387.

164. Phạm Trọng Nhân, “Cuốn sổ tay của một nhân viên ngoại giao nhân vụ tấn công chùa Xá Lợi,” Bách Khoa, số 169 (15/1/1964), tr. 34. [Sẽ dẫn: Nhân 1964a]

165. Mẫu, 2003:377-379.

165 bis. KLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8541.

166. Phiếu trình ngày 17/8/1963 của Bộ TTM v/v Cộng Sản đang lợi dụng Phật Giáo; TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501.

167. Thông cáo của TT/VNCH ngày 20/8/1963; Ibid., HS 8501.

168. Theo tờ trình của Tôn Thất Ðính ngày 22/8/1963, phía Tăng ni không có ai bị thương; phía công lực, 20 người bị thương. Tại Sài Gòn, 389 sư ni, 106 Phật tử và 133 học sinh bị bắt giữ. Phiếu Ðệ Trình số 0289/QÐIII/VPTL, ngày 22/8/1963, Tôn Thất Ðính kính đệ Tổng thống; TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8527 [số cũ: TM-HS.209]; Lê Cung, 2003:312-316. Xem thêm The Pentagon Papers (Gravel), II:232; Tâm Châu 1994:19. Nguyễn Ngu Í 1964b:37-44. [Xem chú 13 supra]

169. Nguyễn Mâu, “Bản tổng kết thành tích kế hoạch thanh toán vụ tranh chấp bạo động của Phật Giáo tại Thừa Thiên-Huế, từ 21/8 tới 20/9/1963 (3/10/1963);” TTLTQG II, PTT/Ð1CH, HS 8501. Theo Mâu, 964 người, kể cả 100 tăng ni, 42 giáo chức, 40 công chức bị bắt, nhưng 638 người, trong đó có 96 tăng ni, được phóng thích; Ibid.

170. Nhân, “Cuốn sổ tay;” Bách Khoa, số 169 (15/1/1964), tr. 31-43, và số 170 (1/2/1964), tr. 21-31); Mẫu, 2003:390-398. Riêng tại Sài-gòn, số tăng ni Phật tử bị bắt lên tới 2,000 người.

171. Nhân 1964a:35-36; Mẫu, 2003:399-418.

172. Sắc Lệnh số 84-TTP, ngày 20/8/1963; KLTTƯ II, PTT/1CH, HS 8501 & 8506 [SC.04-HS.8466; Cung, 2003:311]. Lệnh này hết hiệu lực từ 12G00 ngày 16/9/1963; SL số 104-TTP, ngày 14/9/1963. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp ban hành ngày 15/10/1961, qua SL 209-TTP, được duy trì cho đến khi có lệnh mới.; Ibid. [8561?] [SC.04-HS.8466]; Lê Cung, 2003:311. “Sắc lệnh tuyên bố tình trạng giới nghiêm” trên toàn quốc.

173. Ngày 6/9, ông Nhu biện bạch với một viên chức CIA Mỹ rằng không liên quan gì đến việc ban hành thiết quân luật hay tấn công chùa chiền. Tối ngày 18/8, các Tướng đã yêu cầu Diệm ban hành thiết quân luật. Ngày 19 hay 20/8, Ðỗ Cao Trí cũng vào gặp Nhu trình bày một kế hoạch tấn công các chùa và danh sách những người cần bắt mà Trí đã chuẩn bị từ một tháng trước. Nhu chỉ là con dê tế thần trong cuộc khủng hoảng này. Từ sau ngày 21/8, Nhu vẫn theo đuổi chính sách hòa hoãn. Nhân viên CIA có cảm tưởng Nhu dấu diếm sự thực [deception]; FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 69.

174. VNCH, UBLBÐTACL, Biên bản số 62: Phiên họp của UBLBÐTACL tại Dinh Gia Long ngày 23/8/1963, tr. 6-12; PTT/1CH, HS 8278.

175. PTT/1CH, HS 8511.

176. HS 8530; CÐ ngày 29/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8530) Tài liệu Việt Tấn Xã tăng lên 80,000 người “lên án bọn người lợi dụng tôn giáo để đầu cơ chính trị;” HS 8511.

177. CÐ ngày 29/8/1963, Thừa Thiên gửi BNV; HS 8530.

178. Cao Văn Luận 1972:352-386.

179. Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bản tin đặc biệt ngày 24/8/1963; HS 8513; Nhân 1964a:37, 39.

180. PTT ICH, HS 8501.

181. PTT ICH, HS 8513.

182. HS 8511; Herald Tribune, 24/8/1963; Nhân 1964a:34.

183. Nguyên văn: “You must go to Saigon fast and tell Diem and the Nhu’s to leave the country now. The people hate them and they shouldn’t stay for the people to kill them. They will surely be killed if they stay, and nobody at the Palace now is telling them how the people really feel. They are cut off from reality. Why do they need power, after nine years of it, if the family is killed? The US told Synman Rhee to leave. Why not Diem and Nhu?” JFK Library, NSF Country File, Vietnam; FRUS, 1961-1963, III:666; William C. Gibbons, The U.S. Government and the Vietnam War, 3 vols (Princeton, NJ: Princeton Univ Press, 1993), II:155.

184. FRUS, 1961-1963, IV:114-5. Ngày 5/9/1963, Harriman mới chuyển thư này cho Bundy, Cố vấn ANQG của Kennedy.

185. CÐ số 896, ngày 23/8/1963, Phnom Penh gửi Paris; CLV, SV, d. 17)

186. Bộ Ngoại Giao Pháp, CÐ số 4879/83, Ðại sứ ở Mỹ gửi BNG; CLV, SV, 17:29.

187. CLV, SV, 17:33.

188. Từ ngày 11/7/1963, cơ quan an ninh Mỹ đã ghi nhận có dấu hiệu là các sĩ quan cao cấp và ngay chính Nhu đang âm mưu đảo chính. Trong hai buổi tiếp xúc với “khoảng 14 Tướng,” kể cả tân Thiếu tướng Ðỗ Cao Trí, Tư lệnh QÐ I, Nhu tuyên bố có thể có một cuộc đảo chính nếu Diệm trở thành “nô bộc” của Mỹ [if he believed the government, meaning Diem, was becoming servile to the United States, he himself would lead a coup d’Etat]. Ngày 25/6, chính Nhu cũng nói với một quan sát viên Mỹ như trên. FRUS, 1961-1963, III:490-491. Ngày 13/7, cơ quan CIA báo cáo Ðôn tự nhận nằm trong một nhóm âm mưu đảo chính; Ibid., III:491. Ngày 15/7, một cá nhân thuộc nhóm Trần Kim Tuyến tuyên bố sắp có đảo chính, nhưng không trước ngày 20/7. Ngày 16/7, Big Minh nghĩ cần phải có sự thay đổi chính phủ; Ibid., III:491n8.

189. Nolting, 1988:121.

190. FRUS, 1961-1963, III:605.

191. The Pentagon Papers (Gravel), II:234.

192. FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 275; Chính Ðạo, VNNB, IC: 1961-1963, tr. 208, 322-323. Trong hồi ký của McNamara, đoạn nói về Lệ Xuân, tương tự như nhận định này. McNamara còn gọi Lệ Xuân là “một mụ phù thủy.” Theo cựu Ðại tá Phạm Văn Liễu, năm 1954, đài phát thanh Quân Ðội Quốc Gia đã phát thanh hầu như mỗi ngày một câu đồng dao: “Nực cười cho họ Ngô Ðình, Trai không có vợ, mượn tình em dâu.” Trai không có vợ ám chỉ Ngô Ðình Diệm, và “em dâu” là Lệ Xuân; Trả Ta Sông Núi (Houston: Văn Hóa, 2001), tập I, tr. 310.

193. FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 174, 273.

194. FRUS, 1961-1963, III:607-610.

195. FRUS, 1961-1964, IV:175.

 

9/2003 - 8/5/2008

Chính Ðạo

[Source: Tạp chí Hợp Lưu số 88, 89 và 90

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét