SỰ THIÊN VỊ THIÊN CHÚA GIÁO
VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ
Vũ Văn Mẫu
Vũ Văn Mẫu (1914-1998)
là một học giả lớn về Luật Việt Nam, một chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975
ở Sài Gòn. Ông từng là Thượng Nghị sĩ trong
Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ
tướng của Việt Nam Cộng hòa.
Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn.
Văn kiện pháp lý cơ bản trong một
quốc gia là Hiến pháp. Hiến pháp qui
định các quyền và nghĩa vụ của công dân, cũng như tổ chức bộ máy chính quyền
trong nước, hiến pháp phải được tôn trọng triệt để. Luật pháp nào vi phạm vào hiến pháp sẽ bị coi
là vi hiến và không có giá trị trên phương diện pháp lý.
Lần lượt trong đoạn này, sẽ xét
hai vấn đề:
- Hiến pháp 1956 của nền Đệ nhất
Cộng hòa có thiên vị Thiên Chúa giáo không?
- Luật pháp thông thường của nền
Đệ nhất Cộng hòa có ưu đãi Thiên Chúa giáo không?
A – Hiến Pháp 1956 và sự
thiên vị Thiên Chúa giáo
Hiến pháp 1956 do Quốc hội biểu
quyết ngày 20/10/1956 được Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 26/10/1956,
thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa. Hiến pháp 26/10/1956 gồm 98 điều, chia làm 8
thiên. Thiên thứ hai qui định về “Quyền
lợi và nhiệm vụ của người dân” theo tinh thần bản tuyên ngôn nhân quyền
quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Điều 17 của Hiến pháp Việt Nam
1956 đã được giáo sư Bửu Hội chiếu dẫn trước tổ chức Liên Hiệp Quốc để chứng
minh rằng tại Việt Nam … không có sự kỳ thi tôn giáo. Điều 17 này qui định như sau: “Mọi người dân đều có tự do tín ngưỡng, tự
do hành giáo và tự do truyền giáo, miễn là xử dụng quyền ấy không trái với luân
lý và thuần phong mỹ tục.” Hiến pháp 26/10/1956 như vậy đã minh thị công
nhận nguyên tắc tự do tín ngưỡng và bình đẵng giữa các tôn giáo.
Tuy nhiên trong phần “Mở đầu”
của Hiến pháp, đã có một đoạn phản chiếu của một sự thiên vị Thiên Chúa giáo
khá rõ rệt như sau:
“Ý thức
rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng
tiếp nhận các trào lưu tư tưỡng tiến bộ để hoàn
thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa và trước nhân loại là xây dựng
một nền văn minh nhân bản và phát triễn con người toàn diện....”
Trong đoạn văn trích dẫn này,
phần mở đầu của Hiến pháp 1956 đã đề cập đến “sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa” [chứ không phải trước dân tộc], tức là trước Đức Chúa trời trong Thiên Chúa giáo,
mà không đề cập tới các tôn giáo khác.
Đoạn văn này đã đượm sắc thái
thiên vị Thiên Chúa giáo. Vô tình hay cố
ý, đoạn văn này đã tạo cho Thiên Chúa giáo một địa vị ưu đãi đặc biệt tại Việt
Nam vì Hiến pháp 1956 nói rõ là nhằm mục dích hoàn thành sứ mạng trước Chúa tức
là Đấng Tạo hóa đã tạo dựng ra trời đất
và vạn vật theo như Thánh kinh của Thiên Chúa giáo đã chép.
Sự thiên vị này cũng không có gì
lạ vì chính em Tổng thống Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Nhu, giữ chức “cố vấn chính
trị” bên cạnh tổng thống cũng như là một
dân biểu đắc cử tại quận Vạn Ninh, Ninh
Hòa (tỉnh Khánh Hòa) với tư cách ứng cử viên
của đảng Cần Lao.
Vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân
cũng trúng cử dân biểu tại đơn vị 1 (các quận Gio Linh, Trung Lương , Cam Lộ và
Hương Hóa - tỉnh Quãng Trị). Ngoài ra hầu
hết các dân biểu khác đều là bộ hạ của gia đình họ Ngô.
Do đó lời mở đầu của Hiến pháp
năm 1956 đã phản ảnh một sự thiên vị đối
với Thiên Chúa giáo là điều không có gì lạ, nhất là sự thiên vị này chỉ được đề
cập đến trên một bình diện lý thuyết, không có những hậu quả như Dụ số 10, biệt
đãi Thiên Chúa giáo về phương diện thực tế.
B. - Dụ số 10 và sự ưu đãi Thiên Chúa giáo
Trong nền luật pháp thông thường
của nền Đệ nhất Cộng hòa, Dụ số 10 ngày 6 tháng 8 năm 1950 là bản văn pháp
luật đã bị dư luận chỉ trích rất nhiều, vì đã minh thị dành cho Thiên Chúa giáo một địa vị ưu đãi và đồng hóa các
tôn giáo khác, trong đó có Phật giáo, vào các hiệp hội mà sự thành lập cũng như
các sinh hoạt khác phải tuân theo một sự
quy định chặt chẽ. Sự hủy bỏ
Dụ số 10 này là một trong năm đòi hỏi của Phật giáo sau vụ triệt hạ cờ Phật
giáo tại Huế.
Dụ số 10 này đã được Bảo Đại ban
hành từ ngày 6/8/1950 để quy định thể lệ lập hiệp hội (Association). Tại sao sự quy định này đã được áp cho tất cả
các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng?
Tại sao Ngô Đình Diệm không sửa đổi sự quy định ấy?
Ông Diệm hôn tay Hồng y Agagianan tại Sài Gòn
(1959) nhân dịp Tòa thánh Vatican nâng nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương Cung Thánh
Đường - Ông Diệm giữ nguyên Dụ số 10 do Vua Bảo Đại ban hành ngày 6 -8-1950, cố tình duy trì một chế độ đặc biệt cho Thiên Chúa giáo
Các nét chính của của Dụ số 10:
● Điều thứ nhất của Dụ số 10 đă
định nghĩa thế nào là một hiệp hội
và đồng thời hoạch định phạm vi áp dụng của Dụ này :”Hội là hiệp
ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên
tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích tế
tư, tôn giáo, chính trị, từ thiện,
khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên thể thao va đồng hiệp ái
hữu. Muốn có hiệu lực thì
hội nào cũng phải hợp với nguyên tắc chung của pháp luật và khế ước và nghĩa
vụ.”
● Điều số 4 của Dụ số 10 bắt buộc
các hiệp hội phải được các Tổng trưởng Bộ Nội vụ ký nghị định cho phép thành
lập mới được hoạt động. Nếu hiệp hội
chỉ được hoạt động trong phạm vi một phần Việt Nam , thì nghị định cho phép thành
lập do Thủ hiến ký chiếu ủy nhiệm của Tổng trưởng Bộ Nội vụ.
● Theo điều thứ 6, người sáng lập hội phải làm đơn xin phép
thành lập kê rõ:
-
Mục đích của hội
-
Tên hiệu của hội
-
Hạn điều ước
-
Thể lệ vào hội, ra hội
va trục xuất khỏi hội
-
Nghĩa vụ và quyền lợi
các hội viên.
-
Tài sản của hội.
-
Thể lệ về động sản và
bất động sản của hội.
-
Họ và tên tuổi của
người sáng lập.
-
Thể lệ về việc cử và bãi của những người quản trị và những
quyền hạn của người ấy.
-
Nguyên cớ giải tán
hội.
-
Thể lệ thanh toán va
quy dụng tài sản hội.
● Điều thứ 8 quy định rằng hạn
trong một tháng kể từ ngày được phép thành lập, nhân viên trong ban trị sự của
hội phải đăng trong công báo Việt Nam hay trong Hành pháp Tập san tại các phần
Việt Nam, một bán báo cáo nói rõ ngày được phép thành lập hội, nghị định do
chức vụ nào ký, danh hiệu mục đích của hội và sở.
● Điều thứ 10 dự liệu rằng nếu có
việc gì thay đổi trong việc trị sự của hội thì hạn trong 1 tháng phải trình cho
Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Quận trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn để trình cho Thủ hiến và
Tổng trưởng Bộ Nội vụ biết.
Những tờ khai ấy phải nói rõ:
-
Những sự thay đổi trong nhân viên ban trị sự hay Giám đốc.
-
Những doanh sở và chi
nhánh mới thành lập.
-
Những sự thay đổi về
địa chỉ của hội sở.
-
Những việc mua bán bất
động sản và đính theo một tờ trình phác tả và kê giá mua, giá bán các bất động
sản ấy.
Các sự thay đổi trong việc trị sự
và điều lệ của hiệp hội phải biên rõ trong một cuốn sổ để tại trụ sở của hội và
phải biên rõ ngày khai và ngày duyệt y các sự thay đổi ấy.
● Điều thứ 13 còn đặt ra một điều
kiện khó khăn hơn : Các hiệp hội mỗi
năm, trong tuần lễ sau khi hội họp đại hội thường niên, phải theo hệ thống cai
trị, gởi cho Thủ hiến sở tại để chuyển lên Tổng trưởng Bộ Nội vụ hai bản danh sách các hội viên, và hai bản
kê tình hình tài chánh và tự rõ các căn nguyện cùng việc xữ dụng tiền tài
của hội.
● Điều thứ 14 liên hệ đến các
nguồn lợi tức và tài chánh của các hiệp hội:”Không hội nào có quyền trợ cấp
của chính phủ, của các địa phương, quỹ hàng tỉnh và quỹ hàng xã, trừ những hội
khoa hoc, mỹ nghệ, tiêu khiển, từ thiện, thanh niên và thể thao.”
Các hội đều có quyền thu và xử
dụng tiền góp của hội viên và quyền thưa kiện tại tòa án.
Ngoài ra các hội chỉ có quyền
chiếm hữu, tạo mãi, quản trị, đứng làm sở hữu chủ những bất động sản thật cần
thiết để đạt mục đích của hội. Những
người có liên quan và công tố viên có quyền
xin tòa án hủy bỏ những việc tạo mãi bất động sản trái với điều này. Bất động sản ấy sẽ đem bán đấu giá và được
bao nhiêu tiền sẽ sung vào quỷ hội.
● Theo điều thứ 20, điều lệ của
hội định rõ nghĩa vụ cùng quyền lợi của các hội viên. Người nào vào hội thì bắt buộc phải tuân theo
điều lệ của hội.
● Các điều 25, 26 va 27 qui định
về Đại hội đồng của hội: Đại hội đồng có quyền tuyệt đối trong hội. Đại hội đồng do những người thay mặt hội đứng
chiêu tập. Sự chiêu tập cứ như điều lệ
hoặc khi có một phần tư trong số hội viên thỉnh cầu mà làm. (Đ 25).
Đại hội đồng sẽ định đoạt về việc
nhận hội viên vào hay trục xuất hội viên khỏi hội, cử các người thay mặt hội,
kiểm soát việc làm của họ và có thể bãi nhiệm vụ của họ, nếu có duyên cớ chính
đáng
Đại hội đồng xét xử mọi việc không
thuộc về các cơ quan khác của hội. (Đ.26)
Hội viên nào cũng có quyền bỏ
phiếu như nhau trong kỳ Đại hội đồng.
● Các điều 30, 31, 32 và 33 qui
định chặt chẽ các hoạt động của hiệp hội và dự liệu các sự chế tài.
Sau khi hội đã được phép thành
lập, ban trị sự phải trình chiếu nhà đương chức sở tại và Tổng trưởng bộ Nội vụ
hay Thủ hiến, theo hệ thống cai trị, bản nội qui của hội và nếu sau này có điều
gì sửa đổi cùng phải trình chiếu những sự sửa đổi ấy. (Đ.30)
Các hội đã được phép thành lập
phải hoạt động theo đúng mục đích của hội đã tự trong điều lệ. Khi nào xét ra một hội đã quả thị trực tiếp
hay gián tiếp theo những mục đích khác với mục đích trong điều lệ thì hội sẽ bị
giải tán và các hội viên, nhân viên ban trị sự có thể bị truy tố tại tòa
án. (Đ.
31)
Những hội không đươc phép thành
lập thì coi như không có và tất cả những hoạt động của hội đều coi như vô hiệu
lực và hội sở của hội ấy thuộc quản hạt tòa án tỉnh ấy có quyền giải tán.
Người nào cũng có quyền trình
tòa án để xin giải tán các hội không được phép thành lập.( Đ. 32)
● Điều 33 dự liệu trong những
hình phạt đối với những hội viên sáng lập, những hội viên giám đốc và quản trị
không được phép thành lập hay đã được phép thành lập nhưng sau lại bị giải tán,
mà vẫn cứ hoạt động hay lại tự tiện tự lập trái phép, hay đã hoạt động ra ngoài
mục đích định trong điều lệ hội để đạt mục đích trái phép hay trái phong
tục.... Trong những phong tục kể trên, hình phạt sẽ là phạt bạc 50 đồng đến
5.000 đồng và phạt giam từ 6 ngày cho
đến 6 tháng.
Đối với hội viên thường, hình
phạt từ 50 đồng tới 200 đồng và phạt giam từ 6 ngày đền 2 tháng hoặc một trong
hai thứ hình phạt này.
Những người dung túng cho họp các
hội không được phép thành lập hay bị giải tán cũng có thể bị phạt như
trên. Tòa án khi truy tố sẽ giải tán
hội.
● Điều 43 dự định rằng các nghiệp
đoàn phải tuân theo sự quy định của Dụ số 10.
Các nghiệp đoàn đã thành lập rồi phải tạm ngưng hoạt động và trong thời
hạn một tháng sẽ phải hợp thức hóa theo Dụ số 10.
● Điều 44 quan trọng nhất vì
người ta đã căn cứ vào điều này để áp dụng Dụ số 10 cho Phật giáo. Điều 44 quy định: “Chế độ đặc biệt cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo và Gia Tô và
các Hoa kiều lý sự Hội sẽ ấn định sau.”
Vì điều 44 chỉ đề cập tới chế độ
riêng biệt cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo và các Lý sự Hội Hoa kiều nên Chính phủ Ngô đình Diệm
đã cho rằng Phật giáo – vì không nằm
trong các trừ lệ kể trên - cũng bị
Dụ số 10 chi phối.
Nói khác, mặc dầu Dụ số 10 do Bảo
Đại ban hành từ tháng 8/1950, gần 4 năm trước khi Ngô Đình Diệm về chấp chánh,
nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn đem Dụ ấy ra áp dụng cho các Hội Phật giáo,
không thay đổi, coi Giáo hội cũng như các Hiệp hội thể thao hay từ thiện. Trong khi đó các hội Truyền giáo Gia Tô được biệt đãi vì điều 44 của Dụ số 10 đã
dự liệu quy chế các Hội này sẽ được dự liệu sau.
Phạm vi áp dung Dụ số 10
Tại sao lại đem áp dụng Dụ số 10
về các Hiệp hội cho Giáo hội Phật giáo?
Dụ số 10 đã minh bạch nêu rõ ngay
trong nhan đề là “Dụ quy định thể lệ
lập hội”
Mặc dù trong điều thứ nhất, Dụ số
10 có định nghĩa minh bạch: “Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận
góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải
là chia lợi tức, như mục đích thuộc về tế tư, tôn giáo...ta không thể nào coi các tổ chức Phật giáo như
Tổng hội Phật Giáo Việt Nam là một
hiệp hội thông thường giống như các hiệp hội khuyến khích văn hóa hay thể thao
và bắt buộc tuân theo Dụ số 10.
Ngay đối với các nghiệp đoàn, nhà
làm luật 1950 cũng thấy cần phải minh thị ghi rõ trong điều 43 là các nghiệp
đoàn cũng do Dụ số 10 chi phối. Đối với các hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo
và các Lý Sự hội Hoa kiều (tức là các Bang Hoa kiều), nhà làm luật 1950 cũng
ghi rõ sẽ qui định một chế độ riêng.
Đối với Phật giáo sỡ dĩ nhà làm
luật 1950 không ghi rõ là do Dụ số 10
và chi phối, và cũng không bắt buộc
hợp thức hóa như các nghiệp đoàn, vì sự thật đã quá hiển nhiên: Tự
ngàn xưa các tổ chức Phật giáo không bao
giờ là một hội. Dân chúng đến
chùa đi lễ Phật, để nguyện cầu thoát khỏi bể khổ trần gian và vòng sinh
hóa. Không một Phật tử nào có một ý nghĩ
vào hội hay lập hội theo ý nghĩ thông thường phàm tục.
Đứng trên phương diện thuần túy
pháp lý, phải có yếu tố chính yếu là ý muốn lập hội (Animus societatis
hay affectio societatis) của các đương sự mới có thể nói đến hội. Thiếu yếu tố ấy như trong cộng đồng Phật tử,
không thể nào nói đến hội hay hiệp hội.
Chính trong điều thứ nhất Dự số
10 đã định nghĩa minh bạch “Hội là Hiệp ước hai hay nhiều người thỏa
thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi một mục
đích...” Ở đây trong các giáo hội hay các tổ chức trong Phật giáo, thiếu hẳn sự thỏa thuận lập hội trong
tâm trí của các Phật tử, thì làm sao gọi được là hội để áp dụng Dụ số 10? Bắt buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
phải tuân theo Dụ số 10 như một hội khuyến khích thể thao hay một hội văn hóa là một hành động ngu dốt của chính quyền.
Sở dĩ chúng tôi đã phân rõ nội
dung những điều chính yếu của Dụ số 10, chính là để chứng minh rằng sự quy định
ấy không thể nào áp dụng cho Giáo hội Phật giáo.
Chúng tôi chỉ cần nêu một điểm
hiển nhiên: Theo điều 13 “Các hội mỗi
năm, trong tuần lễ sau khi họp đại hội đồng thường xuyên, phải theo hệ thống
cai trị, gởi cho Thủ hiến sở tại để chuyển lên Tổng trưởng Bộ Nội Vụ hai bản danh sách các hội viên
và hai bản kê khai tình hình tài chánh và tự rõ các căn nguyên cùng việc xử
dụng các tiền tài của hội.”
Ai cũng rõ là các Phật tử gồm hơn
80% dân số. Nếu coi các Phật tử là hội
viên của giáo hội và hàng năm phải gửi
các danh sách lên Bộ Nội vụ, thật là một điều phiền nhiều vô lý!
Tuy nhiên, chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn công nhiên coi phạm vi áp dụng Dụ số 10 bao
gồm cả giáo hội Phật giáo.
Khi phái đoàn điều tra của tổ
chức Liên Hiệp quốc được phái sang Việt Nam vào tháng 10 năm 1963, ông Bùi văn
Lượng, Bộ trưởng bộ Nội vụ, đã phải biện luận một cách gượng gạo như sau về sự
áp dụng Dụ số 10 cho Phật giáo:
“Chúng tôi
luôn luôn có một thái độ vô cùng cởi mở đối với những vấn đề tôn giáo và nhất
là đối với Phật giáo. Nhiều điều khoản
trong Dụ, như sự bắt buộc phải khai báo với bộ Nội vụ danh sách những hội
viên của chùa, của một ủy ban hay của một hội Phật giáo thường đươc làm ngơ,
nhất là taị các tỉnh. Cho đến 1960,
thái độ dễ dãi ấy trở thành thông dụng, và khi tôi được bổ nhiệm giữ chức Bộ
Trưởng Bộ Nội Vụ, thái độ ấy vẫn còn tiếp tục, và tôi không bắt thi hành một
cuộc kiễm tra nào hết. Nhưng năm 1963,
tôi tra cứu các sổ bộ và thấy sự hiện diện của một số chùa chiền và Phật giáo
đồ, tôi mới nhận ra rằng thật quả
chúng tôi không thi hành Dụ số 10! Những sổ bộ ghi chép bỏ dỡ dang,
chứng tỏ rằng chúng tôi đã áp dụng Dụ số 10 một cách tự do và mềm dẽo. Những ngôi chùa và những hội Phật giáo được
thành lập mà không khai báo. Điều ấy có
thể chấp nhận ở thôn quê nhưng ngay ở các đô thị và bộ Nội vụ cũng không có
giấy tờ khai báo cả. Từ 1954 đến tháng
1/1963, chúng tôi không nhận được một đơn từ khiếu nại hay yêu cầu sửa đổi Dụ
số 10 nào cả. Tôi cần phải minh xác hai
điểm sau đây. Chỉ vào tháng 5 năm nay
(1963), trong khi vụ Phật giáo bùng nổ, tôi mới tra cứu sổ bộ để xem tổng số
chùa chiền. Lúc ấy tôi mới nhận thấy
rằng các sổ bộ không được ghi chép một cách đầy đủ, kịp thời và có nhiều
chùa và hội không được nhập bộ ngay ở các tỉnh....” (2)
Như vậy chính Bộ trưởng bộ Nội vụ
cũng xác nhận rằng trước năm 1963, trong thực tế, Dụ số 10 không áp dụng cho
các chùa chiền và Phật giáo. Danh sách
hội viên không được kê khai đầy đủ và bộ Nội Vụ cũng bỏ ngơ không bắt buộc phải
gửi các danh sách đến chính quyền.
Sự thực như đã nêu rõ trên đây, đem áp dụng Dụ số 10 cho Phật giáo là một việc làm trái với mục đích và sự quy
định của nhà làm luật 1950. Hơn nữa
nếu quả Dụ số 10 có một phạm vi áp dụng dẫn đến sự đối đãi các tôn giáo một
cách bất bình đẵng, thì Dụ số 10 vi
hiến, trái với điều 17 của Hiến pháp 1956 dự liệu sự tự do tín ngưỡng mà
chúng ta đã phân tách.
Thiếu tướng Trần Tử Oai, đại diện
của chính phủ Ngô Đình Diệm, thuyết trình về vấn đề Phật giáo trước phái đoàn
Liên Hiệp Quốc, cũng đã đề cập đến Dụ số 10 và một quan điểm tương tự như Bộ
trưởng Bộ Nội vụ: ....“Trong thực tế, chính phủ không áp dụng triệt để Dụ
số 10.”:
“Đối với nhũng
hội thuần túy Phật giáo, chính phủ cũng rất khoan hồng, bằng chứng là hàng trăm
ngôi chùa được dựng lên mà không cho chính quyền biết chúng thuộc hội nào, cũng
không trình điều lệ lập hội hay khai báo gì cả.
Những ngôi
chùa ấy , mà sự thống nhất chỉ nằm trong danh từ Phật đà và cái y của nhà sư,
thường thường không có một giây liên hệ gì với nhau hết. Hiện nay có nhiều chùa và nhiều giáo phái
Phật giáo hoàn toàn khác nhau về phương diện thờ cúng và không thống thuộc gì
với Tổng hội Phật giáo Việt Nam
cả.
Trong thực tế, từ khi ban hành
Dụ số 10, chính phủ chỉ áp dụng những điều khoản trong văn kiện ấy đối với
những hội tôn giáo mà những hoạt động có những tính cách hoạt dộng xã hội. như hoạt động của Phật giáo xã hội chẵng
hạn. Chính phủ chưa bao giờ dùng dụ ấy
để nhằm mục đich kỳ thị tôn giáo nào hết.
Cũng nên ghi nhớ rằng từ năm
1950, nghĩa là từ 13 năm nay, không có một hội tôn giáo nào, Phật giáo hay
Thiên Chúa giáo, gợi lên vấn đề liên quan đến căn bản của Dụ số 10 nói trên.
Mặc dù thế để đáp lại nguyện
vọng của phái đoàn Phật giáo, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã chỉ thị cho ông
Bộ trưởng Nội vụ tiếp xúc với cơ quan Lập pháp để nghiên cứu những sửa đổi cho
Dụ số 10, và Quốc hội đã thành lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ xem xét toàn
diện vấn đề liên quan đến các hội truyền giáo.
Bản thuyết trình của Thiếu
tướng Trần Tử Oai được thảo bằng Pháp văn và đã được trao tay cho phái đoàn
Liên Hiệp Quốc” (3)
Về vấn đề sửa đổi Dụ số 10,
Tổng trưởng Bộ Nội vụ đã cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc biết :”Từ 1956 đến
1959, chúng tôi đã trải qua hai Quốc hội Lập pháp, và trước khi vụ Phật giáo
bùng nổ, chính phủ không được Quốc hội chuyển một dự án nào về sự sửa đổi Dụ số
10. Cái nguồn xuất phát thứ hai của
những sửa đổi là chính phủ. Muốn đề cập
đến sự sửa đổi một đạo dụ hay không, phải chú ý đến hai điểm. Thứ nhất phải xem xét sự sửa đổi có cần thiết
không, thứ hai phải có đơn thỉnh nguyện của dân chúng. Về điểm thứ nhất cho đến khi vụ Phật giáo
bùng nổ trong tháng năm 1963, chúng tôi nhận thấy không cần thiết phải sửa đổi
dụ ấy vì mặc dù có những điều khoản rất
nghiệt ngã và sự dự trù kiểm soát rất chặt chẽ của nó đối với các hiệp hội,
chính phủ chưa bao giờ áp dụng một cách ngiêm khắc...” (4)
Sự thực, việc áp dụng Dụ số 10
cho Phật giáo, dù là một sự áp dụng lỏng
lẻo, cũng là một sai lầm vì Phật giáo cũng là một tôn giáo, không phải là một
hiệp hội. Sở dĩ Dụ số 10 được đem thi
hành cho Phật giáo chỉ vì chính phủ muốn kiểm soát Phật giáo.
Không những trên phương diện hiến
pháp va pháp luật, chính phủ Ngô Đình Diệm đã ưu đãi Thiên Chúa giáo, thái độ
này còn được phản ảnh trong nhiều hành động khác.
Vũ Văn Mẫu
[Trích từ “Sáu tháng Pháp nạn”]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét