KIÊU DÂN CÔNG GIÁO THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM
Trần Lâm
Bài các bạn đang đọc được viết
với hai mục đích có liên quan mật thiết với nhau.
Thứ nhất, để góp ý với Trần Ngọc
Cư, Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích về bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Thời Đệ Nhất
Cộng hòa, trong buổi lễ chào cờ, bài ca này phải được hát kèm với Tiếng gọi Công dân, Quốc ca chính thức
do Lưu Hữu Phước et al sáng tác. Nó có đoạn như sau:
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống
Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống
Xin thượng đế ban phước lành cho người
Thứ hai, để trả lời một câu hỏi
quan trọng mà Dũng Vũ đã đặt ra cho tôi trên diễn đàn talawas. Câu hỏi này có
liên quan đến nhận định của sử gia Tạ Chí Đại Trường về khối người từng làm
nòng cốt cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Tôi sẽ đi sâu vào bài quốc ca
“kép” nói trên, sau khi giải quyết xong thắc mắc do Dũng Vũ nêu lên về nhận
định của nhà viết sử họ Tạ.
Theo Tạ Chí Đại Trường, người từng sống dưới
chế độ Ngô Đình Diệm, đồng bào Công giáo từ Bắc di cư vào Nam thời đó là một khối kiêu dân. Sau đây là toàn
bộ văn cảnh của nhận định nói trên nơi trang 457 trong cuốn Sử Việt, đọc vài quyển, được Văn Mới
xuất bản tại California năm 2004. Khi bàn về mối hiểm họa của Cộng sản miền Bắc
đối với Miền Nam, Tạ Chí Đại Trường tự hỏi:
“Làm cách nào mà một chính quyền Sài Gòn lộn xộn với giáo phái sứ quân,
với giang hồ đạo tặc, với Công giáo di cư ít nhiều gì cũng là kiêu dân, với cả
người Pháp còn tham vọng giữ phần đất thuộc địa cuối cùng… có thể đương cự với
cả một nền tảng đe doạ trùng trùng như thế? Lịch sử ổn định bước đầu của chính
quyền đó là một phối hợp tuyệt vọng của những người Việt chống cộng (một
tập-hợp-từ tiêu cực đúng với thực chất hổ-lốn của nó) chỉ còn một mảnh đất
nương thân, và của người Mĩ đứng nhìn trong bình diện chiến lược quốc tế thấy
mình phải chen chân vào.”
Vì họ Tạ là một sử gia có uy tín,
nên sau khi đọc câu văn mười hai chữ được nhấn mạnh ở trên vào khoảng cuối năm
2004, tôi lập tức tìm cách kiểm chứng nó và tôi đã tìm được sự xác nhận đầu
tiên trong hai bài nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh, “L’engagement politique du Bouddhisme au Sud-Viêt-Nam dans les années
1960” trong Alain Forest et al (dir.), Bouddhismes et Sociétés Asiatiques:
Clergés, Sociétés et Pouvoirs, L’Harmattan, Paris, 1990, tr. 111-124, và “Le Sangha bouddhiste et la société vietnamienne
d’aujourd’hui”, được đăng trên trang VIET NAM Infos.
Giáo sư Nguyễn Thế Anh là một học
giả có tầm vóc quốc tế, được đồng nghiệp Á Âu Mỹ công nhận là một trong những
người có thẩm quyền nhất về lịch sử Việt Nam thời cận đại. Thế nhưng, tôi cũng
ý thức được rằng tôi không thể chỉ dựa vào uy tín của ông để lượng định mức khả
tín của câu văn mười hai chữ nói trên. Hai bài nghiên cứu của vị cựu viện
trưởng viện đại học Huế và nguyên Trưởng ban sử học Đại học Văn khoa Sài Gòn
này chỉ là những sử liệu hạng hai. Muốn kiểm chứng một cách thấu đáo nhận định
của Tạ Chí Đại Trường về “kiêu dân Công
giáo” thời Ngô Đình Diệm, tôi phải cố gắng tìm cho ra sử liệu hạng nhất về
vấn đề này. Hai loại sử liệu mà tôi phân chia ra thành hạng nhất và hạng hai
được Nguyễn Kỳ Phong, tác giả cuốn Vũng
lầy của Bạch Ốc: Người Mỹ Và chiến tranh Việt nam 1945- 1975, định nghĩa
một cách tương tự như sau:
“Sử liệu có hai loại: primary và secondary documents (tài liệu chánh và tài liệu phụ). Hồi ký, văn
kiện chính thức, lời phỏng vấn từ nhân chứng, được xếp vào loại tài liệu chánh.
Trích dẫn, nghe nói lại, hay sách biên khảo của người thứ ba, là tài liệu phụ.
Hai loại tài liệu đó đều được công nhận khi dùng làm sử liệu viết sách.”
Vốn là mọt sách tu lâu năm trong
Tàng Kinh Các ở Tây Phương, nên qua phần ghi chú trong hai quyển sách viết về
chiến tranh Việt Nam, tôi đã tìm thấy hai tài liệu được hình thành trước ngày 8
tháng 5 năm 1963. Chính vì được viết ra trước
khi biến cố Phật giáo 1963 bùng nổ, nên nội dung của hai tài liệu này không bị chi phối bởi cuộc tranh chấp
giữa phong trào Phật giáo và chế độ Ngô Đình Diệm. Do đó, chúng có một mức độ
khả tín rất cao. Hai tài liệu nói trên gồm
1) “The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present
Government”, một tài liệu do các nhà biên khảo Hoa Kỳ hoàn tất vào tháng Tư
năm 1961 và hiện đang được lưu trữ tại Văn khố Chiến tranh Việt Nam ở Lubbock
bên Texas, và
2) “L’Église au Sud-Vietnam”, một
phóng sự được đăng trên tạp chí Informations Catholiques Internationales vào
ngày 15 Mars 1963, từ trang 17 đến trang 26.
Như vậy, câu văn mười hai chữ của Tạ Chí Đại Trường chẳng những được một
chuyên gia hàng đầu trong ngành sử Việt xác nhận (confirmed), mà còn được tăng
bổ (corroborated) bởi hai tài liệu chánh (sử liệu hạng nhất) mà chúng ta có
quyền cho là rất khả tín. Nhờ vậy nên tôi đã có đầy đủ căn cứ để chấp nhận rằng
nhận định ngắn gọn mà Tạ sử gia đã đưa ra về khối kiêu dân Công giáo thời Ngô
Đình Diệm cầm quyền tại miền Nam Việt Nam là một nhận định rất khả tín, có thể
giúp chúng ta hiểu được tại sao Ngô
triều đã đánh mất sự ủng hộ của người Lương và cuối cùng bị lật đổ.
Sau khi công bố những điều vừa mới được viết bên trên trong mục phản hồi ở
diễn đàn talawas, tôi hân hạnh nhận được sự lưu tâm và câu hỏi dưới đây của độc
giả Dũng Vũ:
‘Thưa ông
Trần Lâm,
Ông
viết: “Tôi hoàn toàn không vô tình khi dùng 2 chữ “kiêu dân”, vì những sử liệu
do tôi đưa lên mạng cho phép tôi suy luận rằng khái niệm “kiêu dân Công giáo”
là một khái niệm có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao chế độ Diệm đã đánh mất
sự ủng hộ của người Lương tại miền Nam Việt Nam, đưa đến sự sụp đổ của chế độ
này… Tôi nói chuyện có bằng chứng hẳn hoi, thì tại sao tôi phải sợ ai?”
Xin
phép được hỏi ông: “Kiêu dân” có nghĩa là gì?
Cảm
ơn ông…’
Đây là một câu hỏi rất chính đáng, cần được một sự hồi đáp tường tận. Nếu
chúng ta trả lời được câu hỏi này một cách thỏa đáng thì có lẽ chúng ta sẽ có
thể tìm được nguyên nhân sâu xa đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Như
đã nói qua ở trên, chế độ này còn được gọi là Ngô triều hay Ngô trào.
Ngô
Trào
Trải
qua một cuộc bể dâu
Trông
vời cố quận biết đâu là nhà
Khéo oan gia, của phá gia
Này
là em ruột, này là em dâu!
Cửa
nhà dù tính về sau
Nghìn
năm ai có khen đâu Hoàng Sào!
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Chơi Chữ)
Tôi không rành chuyện văn chương, nên chỉ dám đoán mò rằng câu Cửa nhà dù
tính về sau trong bài thơ nói trên ám chỉ việc Ngô Đình Cẩn đã cho xây một ngôi
biệt thự rất nguy nga tráng lệ ở ngoài Huế. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 20 năm
tôi có đọc trong Nhật Ký Đỗ Thọ rằng người ta đã phải đập đồ bát vỡ ra từng
mảnh để lát nền (cho một phần) trong ngôi biệt thự này. Trong những dòng chữ
dưới đây, tôi sẽ không đập vỡ bất cứ vật gì, mà chỉ cố gắng đi lượm lặt những
mảnh sử liệu vụn vặt, rồi sắp xếp chúng lại thành một bức khảm mosaic, để Dũng
Vũ nói riêng và bạn đọc bốn phương nói chung ít nhiều gì cũng thấy được bộ mặt
của kiêu dân Công giáo thời Ngô Đình
Diệm.
Kiêu dân, ngươi là ai?
Thời dòng họ Ngô Đình “dĩ đức vi chính” tại miền Nam Việt Nam, kiêu dân
thường là những tín đồ Công giáo (di cư) dựa vào sự dung túng của kẻ có thế, có
quyền để hống hách ngang ngược, xem thường luật pháp, vi phạm một cách trắng
trợn nhân quyền và dân quyền của người khác, thường là những Lương dân vô tội.
Sau đây là vài ví dụ điển hình.
1. Trong suốt ba năm liền, kiêu dân đã hằng đêm ném gạch, đá vào nhà thân nhân vô tội của một
chính trị phạm, mà (hình như) không hề bị cơ quan công lực trừng phạt. Xem
chứng từ của Phan Lạc Giang Đông, một cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa và
cũng là bào đệ của Phạm Lạc Tuyên, một viên sĩ quan tham gia vào cuộc đảo chính
hụt ngày 11 tháng 11 năm 1960:
“Gia đình tôi kể từ ngày này hoàn
toàn không còn được yên nữa. Khu xứ đạo Thái Hòa (xứ đạo của đồng bào Bắc di cư
vào Nam), mọi người ở lối xóm đã có thái độ khác trước. Mỗi tối, khoảng từ bảy,
tám giờ thì một số người, không biết từ nhà nào đã ném gạch, đá lên mái nhà
(bằng tole) của gia đình, ông cụ thân sinh tôi rất buồn và gặp thẳng Linh mục
xứ đạo để nói việc này, song không giải quyết được. Việc họ ném như thế kéo dài
cho đến khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ mới chấm dứt.”[1]
Xin thêm: Xứ đạo Thái Hòa, theo lời của Phan Lạc Giang Đông, nằm ở Ngã Ba
Ông Tạ. Là một người sinh ra và sống những năm đầu đời tại một thị xã hẻo lánh
ngoài Vùng II Chiến Thuật trước khi theo cha mẹ vượt biên tỵ nạn Cộng sản, tôi
thật tình không biết cái ngã ba này nằm ở đâu. Nhưng vì chúng ta đang bàn về
câu văn mười hai chữ của vị sử gia họ Tạ, nên xin ghi luôn chi tiết vui vui bên
lề này vào bài.
2. Tại tỉnh Quảng Ngãi, một vị linh mục đã thông đồng với viên tỉnh trưởng trong mưu toan cướp
đất của một ngôi chùa tại một làng trong tỉnh này để xây tượng đài cho Đức Mẹ,
đưa đến sự xung đột giữa Phật tử ở ngôi làng nói trên và chính quyền địa
phương. Xem trang 4 trong tài liệu “The
Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government”
đã được đề cập đến ở phần đầu của bài. Xin nhắc lại, vì tài liệu này được hình
thành trước khi cuộc xung đột giữa Phật giáo và chế độ Diệm bùng nổ, nên nội
dung của nó rất đáng tin.
3. Dưới thời Ngô Đình Diệm, tín
đồ Công giáo thường được quân đội và cơ quan Thông tin tiếp tay để tổ chức trên
đường phố Sài Gòn hay Huế những cuộc rước lễ [?] linh đình, gây ra sự tắc
nghẽn giao thông trầm trọng, khiến cho người Lương phải gặp nhiều phiên phức
trong việc đi lại. Việc này đã khiến cho Giáo sư Nguyễn Văn Trung lúc đó phải
thốt lên rằng những người tổ chức các cuộc rước lễ [?] nói trên nghĩ đường phố là của riêng của Giáo hội Công
giáo hay sao.[2] Tuy nhiên, có người vẫn chưa hài lòng. Khi Phật tử tiến
hành nghi lễ tại chùa thì sinh hoạt tôn giáo của họ, theo chứng từ của một tín
đồ Công giáo Việt Nam, lại bị các công xa của sở Thông tin có mang loa phóng
thanh đậu ở gần chùa phá rối.[3]
Chứng từ nói trên được đăng trong
tạp chí Informations Catholiques
Internationales, phát hành vào tháng Ba năm 1963, cho nên nội dung của nó
không thể bị ảnh hưởng bởi biến cố Phật giáo xảy ra sau đó. Vì vậy chứng từ này
cũng là một sử liệu rất đáng tin.
4. Kiêu dân gây áp lực không
cho sách của Nguyễn Hiến Lê được dùng tại các trường ngoài miền Trung, tuy
sách này đã được Bộ Thông tin cho phép phát hành. Sau đây là lời tường thuật
của chính vị cố học giả họ Nguyễn:
“Đầu niên khóa 1954-1955, trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có
thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong bốn năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các
lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông soạn chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt
cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi
phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ, ông viết
hai cuốn giữa cho đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong
6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in, năm 1955 in xong trước kì tựu trường tháng
chín. (…)
Sau một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ
sử đó vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối
của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cử nhân lại tiếp xúc
với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn
như bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được Bộ Thông tin cho phép
in, lại nạp bản rồi thì không có lí gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra
thông báo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen
vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó,
còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông. ( ….)
Hồi đó bộ Lịch sử thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà
phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó; trong Nam thì
không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết, tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên
chân như vậy.”[4]
5. Cũng theo chứng từ của người Giáo dân mà chúng ta vừa gặp ở phần
trên, kiêu dân đã lạm dụng quyền thế để
đả kích tín ngưỡng của các học viên người Lương phải theo học khóa học Nhân
Vị tại Trung tâm Nhân Vị ở Vĩnh Long. Vì sợ bị ghi danh vào sổ đen, những nạn
nhân này đành phải chịu đựng trong im lặng, khiến cho các học viên Công giáo
tại khóa học cũng cảm thấy hổ thẹn trước hành động hống hách nói trên.[5]
Đây là một điểm cần phải được
nhấn mạnh, vì nó cho ta thấy rõ không phải tín đồ Công giáo nào tại miền Nam
cũng là kiêu dân khi vùng đất đáng lẽ là tự do này phải sống dưới sự thống trị
của nhà Ngô. Ngay cả trong hàng giáo phẩm Công giáo cũng đã có những bậc chân
tu cố tránh xa chế độ Ngô Đình Diệm để duy trì uy tín và tính chất độc lập của
Giáo hội.[6]
Cố học giả Nguyễn Hiến Lê cho
biết: “Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long… tạo ra
thuyết Duy linh chống với thuyết Duy vật của Cộng sản, bắt công chức nào cũng
phải học. Họ chẳng học được điều gì mới cả, chỉ phải nghe mạt sát đạo Phật và đạo Khổng. Những người theo học đại đa số thờ
Phật, đau lòng mà không dám cãi.”[7]
Phải chăng thái độ kiêu căng và
khiêu khích của một bộ phận quan trọng trong cộng đồng Công giáo tại Miền Nam
mà chúng ta vừa thấy qua những trường hợp nêu trên đã là một trong những nguyên
nhân chính khiến cho khối người Lương ở
phía dưới vĩ tuyến 17 ngày càng xa cách chế độ Ngô Đình Diệm, đưa đến sự sụp đổ
của nó vào cuối năm 1963?
“Cả làng xin được rửa tội….”
Do những biến cố xảy ra trong năm 1963, chế độ
Ngô Đình Diệm thường bị những người chống đối tố cáo là một chế độ đã lệ thuộc
(quá) nhiều vào sự hậu thuẫn trung thành của Giáo dân (di cư) và, vì vậy, đã
dành cho khối người này một sự nâng đỡ đặc biệt. Nhưng thật ra, không phải đợi đến năm 1963 mới thấy
được sự gắn bó keo sơn giữa (một khối) tín đồ Công giáo và nền Cộng hòa Nhân vị
do anh em Tổng thống Diệm lãnh đạo. Quan hệ này đã nhen nhúm ngay sau khi chế
độ Ngô Đình Diệm vượt qua được giai đoạn phôi thai đầy nguy hiểm. Trong tạp chí
International Affairs phát hành vào
tháng 4 năm 1956, J. Donald Lancaster nhận xét:
Tổng thống Diệm bị hạn chế trong việc thế thiên hành đạo tại miền Nam
Việt Nam bởi lòng trung thành đối với tôn giáo cũng như gia đình của chính ông
ta.
Lòng trung thành nói trên rất có
thể đã là một trong những yếu tố khiến cho người Lương đột nhiên theo đạo Công
giáo hàng loạt thời dòng họ Ngô Đình cầm cân nẩy mực phía dưới vĩ tuyến 17, một
hiện tượng Nguyễn Hiến Lê có đề cập đến trong hồi ký của mình (trang 121, tập
II). Ông kể lại: “Diệm-Nhu theo chính
sách ba-Đ: Đảng (Cần Lao), Đạo (Công giáo) và Địa phương (miền Trung). Chỉ công
chức nào có đủ ba Đ mới được tin dùng,
cho nên con số tín đồ Công giáo tăng vọt lên, nhất là ở miền Trung; có giáo
đường làm lễ rửa tội hằng trăm người một lúc.”
Người nổi tiếng và thành đạt nhất
trong nhóm Giáo dân tân tòng này không phải ai khác hơn là một viên sĩ quan gốc
miền Trung tên Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu lập gia đình với một nữ tín đồ Công
giáo trước khi Ngô triều được thiết lập. Nhưng mãi đến năm 1958, tức là lúc
triều đại này đã “vững nền thịnh trị”, ông mới để cho Linh mục Bửu Dưỡng, một
lý thuyết gia quan trọng của trường phái Cần lao Nhân vị, rửa tội tại Đà Lạt.
Chính LM Bửu Dưỡng đã cho Tướng Edward Lansdale biết điều này và nhờ bản báo
cáo Lansdale gửi cho Đại sứ Elsworth Bunker ngày 20 tháng 4 năm 1968, nên sử
gia Vũ Ngự Chiêu mới có thể tìm ra được một chứng liệu thành văn về sự trở lại
đạo của Nguyễn Văn Thiệu.[8] Arthur Dommen, một học giả có cảm tình với họ Ngô,
cũng cho biết vị Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh trong tương lai này không theo đạo lúc lập gia đình, mà chỉ làm
việc này sau khi chiếc ghế Tổng thống của Ngô Đình Diệm đã vững như bàn thạch.[9]
Trường hợp Nguyễn Văn Thiệu, như đã nói, chỉ
là trường hợp nổi bật nhất. Hiện tượng người Lương ồ ạt theo đạo Công giáo thời
Ngô Đình Diệm mà Nguyễn Hiến Lê kể lại đã được tạp chí Informations Catholiques
Internationales phát hành ngày 15 tháng 3 năm 1963 xác nhận. Nên xem những con số
ngoạn mục được nêu ra trong đó. Ngoài ra, nhờ tạp chí này mà chúng ta còn biết
được Đức ông Ngô Đình Thục đã khoe với một đồng nghiệp người Pháp rằng ở giáo phận Vĩnh Long đôi khi có đến nguyên
cả làng xin được rửa tội và, ngoài Phi Luật Tân ra, Nam Việt Nam là quốc
gia độc nhất tại Viễn Đông sẽ phải được ở trên con đường đưa đến sự trở lại đạo hoàn toàn.[10] Tuy nhiên,
Informations Catholiques Internationales cũng cho chúng ta biết, thái độ đắc
thắng do cả chế độ Ngô Đình Diệm lẫn khối thiểu số Công giáo phơi bày đã tạo ra
một sự bất mãn nhất định trong khối người Lương, một sự bất mãn mà tạp chí này
cho là dễ thấy ngay tại Sài gòn cũng như ở các ngôi làng xa xôi hẻo lánh
nhất.[11]
Nhận định nói trên rất phù hợp
với báo cáo mà Đại Sứ Pháp Roger Lalouette gửi về Paris đúng một năm trước
đó.[12] Lalouette cho biết ngoài Cộng sản ra, chế độ Diệm còn phải đương đầu
với sự chống đối của những thế lực phi Cộng sản:
“Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng
giả Nam Kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử Bắc hay Trung
vào tị nạn, những giáo pháo bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát,
tất cả những người không Ki-tô chống lại
thiểu số Ki-tô (10% dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo.
Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ.”
Chính nội dung của những tư liệu
được hình thành trước biến cố Phật giáo
nói trên đã cho phép chúng ta (tạm) tin lời Vũ Tài Lục, người đã từng sống
trong thời cai trị của nhà Ngô, khi vị học giả này khẳng định rằng đến tháng 5
năm 1963 thì sự kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm (mà ông gọi là “chế độ Diệm-Thục” để nhấn mạnh vai trò
của Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục trong đó) đã đến mức không thể chịu đựng
hơn được nữa, nên Phật tử đã phải xuống đường để phản đối. Dù sao đi nữa thì
mối liên hệ nhân quả giữa tệ trạng kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm và
Biến cố Phật giáo 1963 sẽ được phân tích một cách tường tận hơn trong một bài
khác, đang được chuẩn bị.
Một hiện tượng thuộc lịch sử?
Ngoài việc kỳ thị tôn giáo, chế độ do anh em
Ngô Đình Diệm cầm đầu còn gây ra cho người dân miền Nam những bực mình không
cần thiết. Khi bàn đến một tấm hình ăn ý của ông ta, Đoàn Thêm, một viên chức
cao cấp làm việc trong Dinh Độc lập thời Đệ Nhất Cộng hòa, có kể lại:
“Một người bạn trẻ ở ngoài chính giới đã bảo tôi:
- Coi bộ thì cũng không đến nỗi nào, nhất là bức ảnh Âu phục chụp
nghiêng 3/4 thấy treo ở nhiều nơi.
Tôi cho biết là chính ông ưa bức đó hơn cả, nhưng anh ta lại càu nhàu
luôn:
- Chỉ phải cái rất bực và rồi phát ghét, là cứ phải chào! Sao lại đem
in tròn giữa quốc kỳ để bắt đứng dậy chào khi xem xi nê? Thà tới chậm, mất hẳn
đoạn phim thời sự, còn hơn phải ngắm mặt mũi, bảnh bao mấy cũng bỏ đi!
Tôi không thể chối cãi, vì chính là trường hợp tôi mỗi khi muốn coi
phim…”
Không những chế độ Ngô Đình Diệm
làm phiền người dân, chính cá nhân họ Ngô cũng quấy rầy nhân viên dưới quyền
ông ta. Theo Đoàn Thêm:
“Ông Tổng thống luyến tiếc các
biểu hiệu quân chủ, nên tái lập Kim Khánh của nhà Nguyễn và công nhận là
huy chương cao nhất của Việt Nam. Ông gây
lại không khí cung đình, đặt lễ phục gấm lam khăn đen cho các nhân viên cao
cấp, và chỉ nhận chúc Tết Nguyên Đán vào sớm ngày mồng một. Đã có vài người xin
ông cho chúc vào chiều ngày ba mươi, vì Tết đầu năm là ngày của gia đình, theo
cổ tục, buổi sáng dành cho gia tiên, đa số còn phải đèn nhang cúng vái, hoặc
mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông không nghe, vì theo ông, xưa kia phải triều bái ở
điện Thái Hòa hoặc ở Vọng Cung các tỉnh, nghĩ đến Vua rồi mới đến nhà, vì Vua
là là nước. ‘Vua ban hồng phước không tốt hơn là chờ người xông đất hay sao?’
Bởi vậy, cứ tám giờ mồng một, là hàng trăm người, cả nhân viên, lẫn đại
diện đoàn thể dân chúng, đành phải xúng xính áo khăn vào cầu ơn trên phù hộ cho
ông.
Một công chức bực quá đã thốt ra một câu chua chát:
- Thôi thì coi bái khánh như một
công vụ đã được tính vào số lương tháng rồi!
Có lẽ vì thế mà hai tiếng Ngô
Triều đã được nói đến ngay từ 1957, chớ không phải từ sau Cách mạng 1963,
do một Tôn Thất nhà Nguyễn đương làm Giám đốc một Nha.”
Chuyện lố lăng nhất mà chế độ Nhân vị của dòng
họ Ngô Đình đã gây ra là việc họ bắt buộc người dân miền Nam hát bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống trong lễ chào cờ.
Cách đây trên hai mươi năm, tờ Làng Văn, một nguyệt san chống Cộng hữu danh tại
hải ngoại, có đăng trong số 47 một bài mang tên “Sơ kết vấn đề Quốc-Ca”, trong đó có chứa đựng những dữ kiện lý thú
về bài hát sùng bái cá nhân nói trên. (Khi đó tôi là một học sinh trung học,
còn hai năm nữa mới được thi tú tài, nhưng cũng đã bắt đầu có quan tâm đặc biệt
đến chế độ Ngô Đình Diệm, nên đã cẩn thận cất giữ tờ báo đó cho đến ngày hôm
nay đem ra xài.)
Tờ Làng Văn viết:
“Vấn đề Quốc ca đã được mang ra bàn cãi tất cả ba lần. Lần thứ nhất do
Quốc hội đệ nhất Cộng-hòa năm 1956…
Lần thảo luận thứ nhất không đưa tới một sự thay đổi nào, vì có một số
đại diện dân cử vì lòng tôn sùng cá nhân, muốn đưa bài Suy tôn Ngô Tổng Thống…
ra thay bài Tiếng gọi công dân… Cuộc bàn cãi để đi tìm một bài hát khác làm
Quốc ca thay cho bài hát đương thời, với tác giả chính đã đứng về phía CS, lại
biến thành một cuộc tranh chấp giữa tinh thần tôn quân kiểu mới và khuynh hướng
dân chủ tự do. Phe tôn quân không thắng nổi số đông, mà phe đa số cũng không
dám dùng thế lực của mình để loại bài suy tôn cá nhân. Trong trường hợp đó, thà
giữ nguyên bài cũ còn hơn.
Cuối cùng, vì đoàn kết quốc gia, vì thể diện của lãnh tụ, và quan trọng
hơn hết, vì an ninh bản thân, một giải pháp chìm xuồng đã được đưa ra, dung hợp
cả hai chủ trương: giữ lại bài Tiếng gọi công dân làm Quốc ca, và hát kèm bài
Suy tôn Ngô Tổng Thống ngay trong lễ chào cờ. Từ đó, 1956, Việt Nam Cộng hòa có
một bài quốc ca ‘kép’. Tình trạng này kéo dài tới 1963 mới chấm dứt, sau khi
Trung tướng Dương Văn Minh đảo chánh thành công, kết thúc chín năm cai trị của
Ngô triều.”[13]
Trong mục phản hồi trên diễn đàn talawas, Trần
Ngọc Cư mới đây có lời than phiền về tệ trạng sùng bái cá nhân nói trên. Nhưng
có lẽ là người tuổi đã cao, nên họ Trần không muốn nhắc đến khả năng đề kháng
thụ động của khối người Lương trước sự lố lăng này của chế độ Ngô Đình Diệm và thái độ kiêu ngạo của tập đoàn Công giáo di
cư phía sau lưng nó, một sự đề kháng được biểu lộ qua câu Toàn dân Bùi Chu mút cu Ngô Tổng Thống.
Đây là một sử liệu truyền khẩu mà tôi được những người lớn tuổi đã từng sống
dưới sự thống trị của Ngô triều kể lại cho nghe tại hải ngoại. Nó rất ăn khớp
với những sử liệu thành văn mà tôi đã thu thập được và vừa giới thiệu trong bài
này. Do đó, nó rất đáng được gìn giữ và phổ biến.
Cách nhìn nói trên không phải là
một cách nhìn được mọi người chấp nhận. Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích hình như
muốn tương đối hóa việc làm lố bịch của chế độ Ngô Đình Diệm.
Hòa Nguyễn viết: “Nhưng cũng nên “thông cảm” những bài hát suy
tôn ở vào cái thời thế giới (thứ ba) thích ca tụng các lãnh tụ “anh minh, vĩ
đại” của họ, như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Kim Nhật Thành,
Lý Thừa Vãng, Sukarno (được bầu làm tổng thống trọn đời).”
Trong bảng Phong thần do Hoà
Nguyễn nêu ra không thấy có tên của
Jawaharlal Nehru, Thủ tướng Ấn Độ. Ấn Độ trong giai đoạn đó cũng là một quốc
gia thuộc thế giới thứ ba, nhưng hoàn toàn không có tệ trạng sùng bái Nehru. Có
lẽ vì Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, nhất là khi so sánh với Indonesia, Nam,
Bắc Hàn, Nam, Bắc Việt Nam, Trung Quốc hay Đài Loan. Bản chất dân chủ của một
chế độ không cho phép chuyện lố bịch nói trên xảy ra.
Hơn nữa, việc sùng bái cá nhân
không phải chỉ xảy ra tại thế giới thứ ba. Chuyện này đã xảy ra ngay tại nước
Pháp dưới thời Pétain và cũng đã lan tràn sang Đông Dương, lúc đó đang nằm dưới
sự kiểm soát của chế độ Vichy do Pétain cầm đầu.
Trần Văn Tích viết:
“Thời Pháp thuộc tôi lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, lúc bấy giờ có tên
chính thức là Tourane. Học trò nhà nước chúng tôi trước khi sắp hàng vào lớp
thường phải đứng nghiêm để hát bài Maréchal, nous voilà ca tụng Thống chế
Pétain, trong đó có câu “Devant toi, le sauveur de la France”. Vậy nếu Tổng
thống Ngô Đình Diệm sau này được xem là “cứu đất nước” v.v… thì cũng chỉ là một
hiện tượng thuộc lịch sử vào một giai đoạn nhất định.”
Có thể đây là một nhận định chưa
hoàn toàn chính xác. Trước khi Pétain lên chấp chính năm 1940, không có một chính quyền nào của Đệ Tam
Cộng hòa lại bắt học sinh hát bài ca
tụng Thủ tướng Clemenceau là cứu tinh của nước Pháp, tuy không ai phủ nhận
công lao rất lớn của ông trong giai đoạn quyết định cuối Đệ Nhất Thế chiến. Nền
Cộng hòa dân chủ này đã vinh danh “le Père-la-Victoire” bằng một cách văn minh
hơn. Bởi thế nên việc chế độ Vichy do Pétain cầm đầu bắt học sinh làm chuyện
tào lao nói trên có thể được xem như là một triệu chứng của bản chất bệnh hoạn
của chế độ này, một chế độ trung gian bản xứ đã tỏ ra rất đắc lực trong việc
truy lùng, bắt giữ và chuyển giao người Do thái cho Đức quốc xã - việc làm nhơ
nhuốc nhất bên cạnh những việc phản động khác của chế độ Vichy.[14]
Bác sĩ Tích viết tiếp: “Nghĩ lại, nếu quốc ca nước Anh có lời hát
“God save the Queen” thì lời bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” có câu “Xin
Thượng Đế ban phước lành cho người” có
thể được xem là hai hiện tượng lịch sử – như đã trình bày – hay chăng?”
Câu hỏi này hình như được đặt ra
trên những dữ kiện còn thiếu sót. Kể từ khi vua Henry VIII đọan giao với Tòa
thánh La Mã để lập ra Giáo hội Anh giáo, các vị quốc vương hay nữ hoàng Anh
quốc không những là nguyên thủ của một quốc gia mà còn phải đóng vai trò lãnh
tụ của một tôn giáo (Supreme Governor of the Church of England). Vì vậy, cầu
nguyện Thượng đế phù hộ cho ông hay bà ta là việc không có gì đáng nói. Hơn
nữa, bài God save the Queen hay God save the King có từ thế kỷ thứ
18,[15] và hình như không mang ý nghĩa khẩn cầu cho một cá nhân cụ thể nào, chẳng hạn Victoria hay Elizabeth II, mà chỉ
cầu mong sự bảo bọc của bề trên đối với ngôi vị nguyên thủ của một quốc gia
quân chủ có truyền thống Ki-tô lâu đời. Có lẽ do những lý do nói trên mà bài
hát này vẫn còn được giữ làm Quốc ca Anh Quốc cho đến ngày hôm nay, trong khi
bài ca sùng bái Ngô Đình Diệm phải chịu
chung số phận với cái chế độ đã ép buộc người dân miền Nam hát nó.
Vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng những nỗ
lực tương đối hóa mà Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích đã dành cho tệ trạng sùng bái
cá nhân dưới sự thống trị của Ngô triều vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Có thể
cũng như trong trường hợp của chế độ Vichy, tệ trạng này phản ảnh bản chất kém
lành mạnh của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong chế độ lành mạnh nào mà nhân viên an
ninh có thể áp dụng một chính sách trả thù bỉ ổi đối với lương dân vô tội mà
những kẻ lèo lái quốc gia lại không hề hay biết? Sau cuộc đảo chánh hụt năm
1960, tay chân của anh em Ngô Đình Diệm đã xâm
phạm tính dục nhiều người vợ của những viên sĩ quan tham gia vào biến cố đó
và, ít nhất là trong trường hợp của Phan Lạc Tuyên, đã bao vây kinh tế cha mẹ,
khiến cho con cái họ bị thất học. Nhưng cả ông Ngô Đình Diệm lẫn ông Ngô Đình
Nhu, theo chứng từ của Trần Ngọc Nhuận, một sĩ quan tình báo cao cấp trong Quân
lực Việt Nam Cộng hòa, đều không biết đến tội ác động trời này![16] Phải chăng
vì họ không biết chế độ của họ đang bị
côn đồ hóa, nên cuối cùng chính họ đã bị thuộc hạ cũ giết chết bằng một
cách rất côn đồ? Chính sách trả thù đối với đàn bà, người già và trẻ em nói
trên đã được kể lại trong: 1) Trần Ngọc Nhuận, Đời quân ngũ, Xuân Thu, 1992,
tr. 305-306, và 2) Phan Lạc Giang Đông, “Nhớ
lại và suy nghĩ”, trong Chính Đạo (chủ biên), Nhìn lại biến cố 11/11/1960,
Văn Hóa, Houston, 1997, tr. 207-231.
© 2009 Trần Lâm
© 2009 talawas
[1] Nguồn: Phan Lạc Giang Đông,
“Nhớ lại và suy Nghĩ”, trong: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu] (chủ biên), Nhìn lại
biến cố 11/11/1960, Văn hóa, Houston, 1997, tr. 210.
[2] Informations Catholiques Internationales, “L’Église au Sud-Vietnam”, 15
Mars 1963, tr. 21.
[3] Ibid, tr. 19.
[4] Tại trang 99 và 100 trong cuốn Đời viết văn của tôi, do Văn Nghệ xuất
bản tại California năm 1986.
[5] Ibid.
[6] Ibid, tr. 21.
[7] Hồi kí, Tập II, Văn Nghệ,
California, 1990, trang 120-121.
[8] Xem: Chính Đạo, Mậu Thân 68:
Thắng hay Bại?, Văn Hóa, Houston, tái bản lần thứ hai, 1998, tr. 355. Xem thêm:
Arthur Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans,
Indiana University Press, 2001, tr. 658.
[9] Arthur Dommen nói rằng Nguyễn
Văn Thiệu là đảng viên Đại Việt, còn Vũ Ngự Chiêu thì cho biết ông ta là Ủy
viên Quân ủy Cần lao Nhân vị Cách mạng Đảng. Xem Nguyên Vũ, Paris Xuân 96, Văn Hóa, 1997, tr. 87-88.
[10] Nguyên văn: “C’est le seul pays d’Extrême-Orient (à part les
Philippines) qui soit en marche vers une conversion totale…”
[11] Nguyên văn: “Ce que nous avons appelé, pour faire image, le
‘triomphalisme’ conjugé du régime et de la minorité catholique ne manque pas de
nourrir un certain mécontentement chez les non-catholiques. Quoique en
contradiction avec les conversions massives dont nous avons parlé plus haut, il
est facilement observable à Saigon comme dans les plus lointains villages.”
[12] Báo cáo này đã được Vũ Ngự Chiêu tìm thấy, dịch sang tiếng Việt và cho
in lại trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, Tập I-C: 1955-1963, Văn
Hóa, Houston, 2000, tr. 248-250.
[13] Bạn đọc bốn phương cần lưu ý đến chi tiết này: Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ
bút tờ Làng Văn, đã bị một số người hiểu lầm (?) khái niệm tử năng thừa phụ
nghiệp tố cáo là con trai của đại tướng VC Nguyễn Chí Thanh. Nhưng nhờ có Bác
sĩ Trần Văn Tích, một người có lập trường chống Cộng rất vững vàng, từng là
cộng tác viên cho tờ báo này, nên tôi mới dám xài những dữ kiện do nó cung cấp
về bài Suy tôn Ngô Tổng Thống.
[14] Bạn nào hiếu kỳ muốn biết
thêm về nó thì nên tìm đọc: Robert Paxton, Vichy France: Old Guard and New
Order, 1940-1944, Knopf, New York, 1972. Sau Đệ Nhị Thế chiến, người Pháp đã cố
che giấu sự thật, cố tương đối hóa những việc làm kém sạch sẽ của chế độ này.
Chính nhờ sự đào bới trong văn khố Đức của Paxton, một sử gia người Mỹ, mà bộ
mặt nhơ nhuốc của nó đã bị lột trần trước công chúng Pháp. Cách đây vài năm,
tạp chí Journal of Contemporary History có đăng một bài nghiên cứu về tầm ảnh
hưởng sâu rộng của ông ta đối với giới sử học Pháp. Tôi đã đưa bài đó lên mạng,
các bạn có thể đọc nó tại đây. Thật thú vị khi thấy một người Mỹ quê ở Virginia
giảng cho mấy ông Tây bà Đầm nghe về quá khứ khá bẩn thỉu của quốc gia họ.
Nhưng dân Phú Lang Sa vẫn còn giữ được tinh thần thượng võ. Mới đây họ đã trao tặng cho Paxton huân chương
Légion d’honneur để bày tỏ lòng biết ơn đối với công trình nghiên cứu của ông:
“Son œuvre a été controversée à une époque où la France refusait de regarder
son passé en face, même s’il est difficile à accepter. Grâce à lui on sait que,
contrairement à la légende, Vichy n’a pas été contraint à collaborer à ce point
et que la Révolution nationale de Pétain, son régime fasciste, n’a pas été
imposée par les Allemands.”
[15] “Like many aspects of
British constitutional life, its official status derives from custom and use,
not from Royal Proclamation or Act of Parliament.”
[16] Hai anh em ông Diệm, ông Nhu
cầm vận mệnh quốc gia trong tay, mà khi thủ hạ của họ hại dân vô tội – những
người mà họ có bổn phận bảo vệ - họ lại
hoàn toàn không biết. Điều này khiến chúng ta phải tự hỏi tại sao họ không
biết. Ở một quốc gia văn minh, nạn nhân có thể dựa vào hệ thống tư pháp độc lập
hoặc hệ thống truyền thông tự do để lưu ý giới hữu trách đến những tệ trạng mà
họ phải gánh chịu. Vì dưới nền Cộng hòa Nhân vị, hệ thống tư pháp không được
độc lập và giới truyền thông không được tự do nên hai anh em ông Diệm mới có
thể không biết gì cả. Việc giới lãnh đạo của một quốc gia không biết dân vô tội
bị xâm phạm phi pháp và việc những nạn nhân này không có cách nào làm cho giới
lãnh đạo biết được tệ trạng nói trên thật ra là một bản cáo trạng đối với giới
lãnh đạo đó: Họ không biết, vì bộ máy chính trị của họ là một bộ máy kém lành
mạnh, nếu không muốn nói là bệnh hoạn.
[Source: http://www.talawas.org/?p=12797–11/2009]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét