LIÊN HỆ
THỰC DÂN VÀ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Nguyễn Văn Trung
[Trích từ “Chủ nghĩa
Thực dân Pháp ở Việt Nam
- Thực Chất Và Huyền Thoại”
Nhà xuất bản Nam Sơn, ngày
28-11-1963, Sài Gòn]
● Ông Nguyễn Văn Trung là một trí thức Công giáo, tốt nghiệp Tiến sĩ
Triết tại Institut Supérieur de Philosophie, Đại học Công giáo Louvain (Belgique)
với luận án La Conception Bouddhique du Devenir (Biến dịch theo quan điểm Phật giáo). Luận án nầy bị phê phán
là để “…Những thế lực văn hóa ngoại lai, dầu che đậy dưới
chiêu bài Chủ nghĩa Nhân vị hay núp bóng trong những giảng đường đại học, tấn
công Phật Giáo với cùng một ý đồ, cùng một luận điệu đã được hấp thụ từ trời
Tây. Trường hợp Nguyễn Văn Trung với luận án Tiến sĩ về Phật Giáo ở Đại học
Công Giáo Louvain chỉ là một trường hợp điển hình”. Để biết vài sinh
hoạt của ông Trung sau khi về nước dạy học tại hai Đại học Văn khoa Huế và Sài
Gòn (và đặc biệt ngay sau 1975), xin đọc “Thư
Ngỏ gửi Giáo sư Nguyễn Văn Trung” của Cha Trần Thái Đỉnh. Từ 1975 đến 1994, ông sống tại Sài Gòn và làm việc tại Khoa
Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Sau 1994, ông sống tại thành phố Montréal , Canada .
Hai anh em ông Nguyễn Văn Trung (trái) và
Nguyễn Văn Lục
● Điều thú vị “bên lề” là ông Trung lại chính là anh
của ông Nguyễn Văn Lục,
người nỗi tiếng bênh vực chế độ Diệm một cách điên cuồng, trở
thành nỗi ám ảnh (bị obssédé) đến độ cho rằng
vụ tự tử của văn hào Nhất Linh để phản đối chế độ Diệm (ngày 7-7-1963) là vì Nhất Linh bị bệnh … tâm thần, và
ý định quyên sinh được manh nha từ … 10 năm trước, chứ Nhất
Linh chẳng chống đối gì chế độ Diệm rất tốt đẹp đó cả ! Ông Nguyễn Tường Thiết, thứ nam của nhà văn Nhất Linh, đã làm sáng tỏ vụ việc và vạch trần
ý đồ đen tối của ông Lục trong bài viết “Sự thật về cái chết của
Nhất Linh” trên nhật báo Người Việt ở California vào ngày
1/2/2012.
● Riêng
đoạn ngắn dưới đây, trích từ tác phẩm “Chủ
nghĩa Thực dân Pháp ở Việt Nam - Thực Chất Và Huyền Thoại” của ông Nguyễn Văn
Trung, mô tả chính sách thuộc địa và phân tích những chứng lý quanh các hoạt động
của “ông quan thuộc địa” Lanessan, đã
là lời “đấm ngực’ cực kỳ hiếm hoi của một trí thức Công giáo Việt Nam (ngoài
Linh mục Trần tam Tĩnh, cha Nguyễn Ngọc Lan và ông Lý Chánh Trung) quyết định
chấp nhận sự thật, không mạo hóa lịch sử, về sự toa rập không thể chối cải giữa
Thực dân và Công giáo trong quá trình xâm lăng và đô hộ nước ta trong gần 100 năm.
Cuộc toa rập xấu xa đó vốn là nỗi phẫn uất nhức nhối của lịch sử dân tộc nhưng, cho đến bây giờ, thê thảm thay vẫn là niềm hảnh
diện của lịch sử Công giáo Việt Nam . – Nắm vững được ngọn nguồn cuộc toa rập đó trong lịch sử cận đại nước ta thì
dễ phát hiện và lột trần được bản chất phi
dân tộc của những động thái phản dân
tộc của người Công giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như bây giờ.
■ LANESSAN (Trang 108-113)
Jean Marie Antoine de Lanessan (1843-1919)
Lanessan là ông quan thuộc địa
đầu tiên gây dựng cho chế độ thực dân ở Đông Dương một chủ nghĩa, một chính
sách hẳn hoi. Chủ nghĩa ở đây chưa hẳn là một hệ tư tưởng hoàn toàn, nhưng chủ
yếu chỉ là một đường lối, kế hoạch nhằm xác-định
những tiêu chuẩn hướng dẫn hành động cụ thể là việc cai trị thuộc địa.
Ông
là một người trí thức, giáo sư thạc sĩ sinh vật học ở trường Y khoa Paris, tác
giả nhiều sách nghiên cứu khoa học và sau khi được Chính phủ cử đi tham quan
các thuộc điạ Pháp và được đặt làm Toàn quyền Đông Dương, ông viết nhiều sách
biên khảo về thuộc-điạ.
Có
lẽ Lanessan là người tiêu biểu hơn cả về đường lối chính trị cao trong những
buổi đầu của chế độ thực dân.
Đọc
những sách ông viết, người ta không thấy cái giọng sảo quyệt và thái-độ khinh
bỉ người Việt như Lyautey (Xin xem Phụ chú ở cuối bài về ông Tây
Lyautey này). Ngược lại hình như ông vẫn giữ được thái độ nghiên cứu
trong khi khảo sát thực tại thuộc địa như thái độ của một chuyên viên, một nhà
kỹ thuật.
Đã
hẵn ông tin ở thuộc điạ và nhằm phục vụ
quyền lợi thuộc địa của nước Pháp. Nhưng vì ông cho rằng chỉ phục vụ tốt,
lâu dài quyền lợi đó khi những người lãnh đạo thuộc địa không vụng về và bạc
đãi quá người bản xứ. Đó là đường lối chính trị cao. Có lẽ khi ông làm
Toàn quyền, ông cũng khôn khéo, dè dặt, biết điều đối với người bản xứ qua một
vài vụ khó xử mà ông đã trích dẫn làm ví dụ trong các sách của ông.
Trong
cuốn “Sự bành-trướng thuộc-điạ của nước Pháp” (1), hơn một nghìn trang,
ông nghiên-cứu về điạ lý, khí hậu, dân tộc, văn hóa các thuộc-điạ của Pháp để
đặt một cơ sở lý thuyết có tính chất thực tiẽn, cho việc khai thác
thuộc-điạ. Trong sách, có một phần bàn về Đông-dương. Có lẽ đây
cũng là một trong những công trình biên khảo đầu-tiên của người Pháp về đất đai
sông ngòi, khí hậu, sinh-vật ở Việt-Nam.
Một
nguyên tắc căn bản mà Lanessan rút ra được từ công trình biên khảo ít nhiều có
tính cách khoa học về điạ lý, nhân văn của các thuộc điạ là:
Mỗi
nơi có một hoàn-cảnh điạ lý, văn hoá, dân tộc khác nhau, mỗi xứ có những khả
năng để khai thác khác nhau, nên chính sách thuộc điạ cũng phải thay đổi để
thích nghi. Chẳng hạn không thể coi xứ Annam như một xứ thuộc điạ
Phi-châu.
Lanessan
viết:
“Từ
những nguyên tắc đó, phải coi xứ Annam như một thuộc điạ có một nền văn minh
tương-đối cao, có một khí-hậu không thuận lợi cho việc phát triển vô hạn going giống
chúng ta, cũng không thuận tiện cho việc cư ngụ mãi mãi
người Âu châu; cho nên chúng ta sẽ coi việc cố gắng tôn trọng những chế tài
chính trị, xã hội của người Annam làm tiêu chuẩn tổ chức thuộc điạ. Chúng ta
phải coi dân chúng ở thuộc điạ này như người hiệp tác (associé) trong công cuộc
văn minh tiến bộ mà bất cứ một công cuộc thực dân nào cũng phải coi như là mục tiêu”,
(trang 542)
“Một
xứ rất giàu về nông sản, không kể những nguyên liệu hầm mỏ, có một tương lai
thương mại rất lớn, từ nay ở dưới quyền cai trị của ta. Dân cư của nó,
ước độ 20 triệu là một trong số những dân diụ dàng và dễ cai trị nhất hoàn cầu;
đó cũng là một dân thông-minh nhất trong số những dân
bị người Âu châu cai trị. Sau cùng sức bành trướng của dân tộc này
khá mạnh cho nên chúng ta có thể mong rằng sau này nó sẽ tràn khắp các miền còn
hoang vu ở những xứ giáp với sông Cửu Long, Sông Đồng Nai, sông Hồng, nghiã là
phần đất đẹp và giàu nhất Đông dương.
Muốn
đạt tới những kết quả đó, phải làm gì? cần những người cai trị sang suốt và cần
mẫn biết tôn trọng luật lệ, phong tục người bản xứ và
biết làm cho họ cộng tác với mình trong công cuộc xây đắp văn minh…Cần
những người thực dân khéo léo hơn là
có nhiều , những nhà tư bản đáng tín nhiệm và quả cảm. Nếu những điều kiện đó
không tìm thấy ở Pháp, thì phải thất vọng về tương lai buôn bán, kỹ nghệ và
chính trị của nước chúng ta” (trang 692).
Cuốn
thứ hai viết riêng về Đông-Dương (2) sau khi đi tham quan về, vừa có tính cách
biên khảo, vừa như là một bản bá cáo, tường trình tình hình cho chính phủ Pháp.
Sách dầy gần 800 trang bàn nhiều về đường lối nên theo ở Đông-Dương.
Lanessan chủ-trương bảo hộ thực sự. Chỉ dùng một số người Pháp cai trị có khả
năng, khôn khéo để lãnh đạo; còn sự thừa hành nhường lại cho người bản xứ và
tôn trọng quyền hạn của họ, nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ, Lanessan tố cáo “chính
sách mập mờ” của Pháp mà Lanessan cho là tai hại:
“Hai
chánh sách khác nhau có thể áp dụng ở Trung kỳ và Bắc kỳ, chính sách sát nhập
và Bảo hộ. Nhưng cả hai không bao giờ được thực hiện một cách ngay thẳng
rõ rệt” (trang 683).
Theo
Lanessan, chính những quan cai trị Nam-kỳ chủ trương chính sách sát nhập Trung
và Bắc kỳ. Tinh-thần hoà ước 1883 và 1884 là muốn tách Bắc kỳ khỏi Trung
kỳ để tạo ra chế độ chính trị khác nhau và để về sau sát nhập Bắc kỳ trước, rồi
Trung kỳ sau.
“Ở
Bắc kỳ, chính sách của chúng ta ngay từ ngày đầu là chính sách chiếm đoạt hay
sát nhập trá hình” (trang 700).
Cũng
theo Lanessan, về sau, bọn quan cai trị Nam kỳ không thể thực hiện ngay
chính sách biến Trung và Bắc kỳ thành thuộc điạ, nên họ tạo ra cái “Liên hiệp
Đông Dương” và lập toàn quyền:
“Buộc
phải từ bỏ chính sách vết dầu loang, những tay chủ trương sát nhập ở Sài gòn
bám vào ý tưởng một lien hiệp Đông dương nghĩa là sự thành-lập một toàn quyền
chung mà Sài gòn sẽ là Thủ Đô” (trang 747).
Lập
Liên hiệp tức là nhằm xoá bỏ tính cách tự trị của mọi xứ trong liên bang.
Trong
sách, Lanessan cũng chú trọng tới vấn đề đối xử với các tôn giáo mà ông sẽ còn
nói nhiều hơn trong cuốn “Nguyên-tắc Thực-dân”
Lanessan
chống lại chính sách của những người Pháp muốn ưu đãi người Công giáo để cho họ trung thành với nước Pháp.
Nhưng Lanessan cho rằng thành-phần theo đạo Thiên Chúa thường dốt, nghèo, không phải
thành phần giàu có, học thức, nên không lợi gì mà trái lại còn hại vì “khi chính-quyền sốt sắng nâng đỡ người Công-giáo,
chính-quyền làm mất lòng một phần lớn dân chúng và làm hỏng công cuộc khai khẩn
thuộc-điạ” , và Lanessan kết luận:
“Quyền-
bính của nước Pháp sẽ được tôn trọng hơn nếu đừng tự
coi trước mặt người Phật giáo như đứa con trưởng của Giáo-hội La Mã”
(trang 61).
Nói
cách khác, Lanessan chống lại đường lối các “hội
thừa sai hay là chính sách thực dân bằng tôn giáo” (colonisation par la religion) như đã
thi hành ở Phi Luật Tân; chẳng những không lợi về kinh tế vì chả mở mang được
gì mà còn hại về tâm lý, và chủ trương một chính sách thực dân theo lối đời
(colonisation laique) như người Anh và Hoà Lan đã làm.
Ông
viết: “Trong khi những thuộc địa Hoà-Lan, Anh có những con đưòng đẹp, đường
xe lửa cầu cống, thì Phi-Luật-Tân chỉ có đường nhựa ở vùng lân cận những trung tâm
lớn và tất cả ngân-sách đều dùng vào việc xây nhà thờ,
nhà dòng và dinh-thự công cộng” (trang 43)
Lanessan
tố cáo chính sách ưu đãi người Công giáo vì mục đích chính trị; bằng cách chứng
minh rằng chánh sách đó không lợi gì về chính-trị:
“Chúng ta có thấy đó là sai nhầm không khi chúng ta coi đạo
của chúng ta như chính sách chính trị của chúng ta, đến nỗi có thể làm cho
người bản xứ nghĩ rằng người Pháp và Công giáo là như nhau? Chúng ta có tôn-trọng những đền chùa, thần
linh của người Bản xứ như chúng ta muốn người ta tôn trọng nhà thờ và Chúa của
chúng ta?
Ở
khắp xứ Bắc kỳ và Trung kỳ, tôi thấy những chùa
chiền bị quân-đội chiếm-đóng, đôi khi một cách vô ích, làm gương xấu cho
dân chúng; binh lính của ta còn ăn trộm
cắp những đồ thờ phượng rất được tôn trọng và thường cấp chỉ huy bịt tai
không nghe những lời khiếu naị chính đáng của quan lại bản-xứ,…Tôi không muốn
nói tới những bắt nạt đủ thứ mà nhân viên của chúng ta
đã đối xử với người Phật giáo trong khi họ chiều chuộng, thi-ân cho những người bản-xứ trở lại đạo Công giáo…” (trang
60).
Giám mục Paul-Franҫois Puginier (1835-1892)
của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris
Nhưng nhất là ông tố cáo sự để cho các Hội Thừa sai dính vào chính trị
hay lơị dụng chính-trị để truyền đạo.
Lanessan
cho rằng chính sách trực trị mà một số người Pháp muốn thi hành ở Bắc kỳ là do
ảnh-hưởng và áp lực thừa sai, như Giám mục
Puginier. Thừa sai chủ trương trực trị, vì như thế
sẽ tiêu diệt được bọn nho sĩ là lớp người có thể ngăn cản việc truyền đạo bằng
vốn học và niềm tin, đạo đức cố chấp của họ. Lanessan thuật laị buổi nói
chuyện với Giám mục Puginier:
“Vì ngài cứ nhấn mạnh mãi với tôi cần phải tiêu-diệt
bọn nho-sĩ, tôi không không thể không nhắc cho ngài hiểu rằng, chính
sách tiêu diệt những người giàu có nhất và có học nhất, sẽ đưa chúng ta đến chỗ
sát nhập và chiếm đoạt. Tôi nói: “Tôi thừa hiểu Ngài muốn phá tan bọn nho sĩ mà ngài coi như một sức
kháng cự mãnh liệt việc truyền-đạo của Ngài; nhưng khi ngài khuyên những
người đại diện của chúng tôi giữ một thái độ mà hậu quả sẽ làm cho cả một phần
lực lượng dân chúng nổi dậy chống lại chúng tôi, thì chính Ngài đã thúc đẩy họ
phạm một lầm lỗi nghiêm-trọng và nguy hiểm. Nếu Ngài tưởng làm như vậy là phục vụ
quyền lợi nước Pháp thì quả thật là nhầm lớn: Ngài làm cho việc bình trị và nền
bảo hộ mà Hoà ước 1884 đã thiết-lập ở Trung kỳ, Bắc kỳ không thể thi hành được
và do đó Ngài đưa chúng ta vào chỗ phải hao tổn rất nhiều tiền và người”.
“Tuy
nhiên quả thật chính
sách của thừa sai là chính sách vẫn được áp dụng từ trước đến nay.
Chính đường lối đó chỉ đạo một cách trực tiếp hay gián tiếp việc Ông Harmand
hay Patenôtre ký các hoà ước và những dự định của Paul Bert mà tôi đã
nói ở trên” (trang 715-716)
■ THÁI ĐỘ ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI BẢN
XỨ, VỀ PHƯƠNG DIỆN TÔN TRỌNG NGƯỜI, CỦA CẢI, TÔN GIÁO, PHONG TỤC, TẬP QUÁN, XÃ HỘI.
(Trang 114-117)
Trước
hết, Lanessan thẳng thắn nhận rằng không thể kể hết những tội ác do những kẻ đi chiếm thuộc điạ
phạm. Nguyên nhân chính là vì họ coi những dân thuộc điạ không phải
là con người hay chỉ là một thứ người hạ cấp, do đó họ không cần phải kính
nể gì và tha hồ xâm-phạm tới của cải, tôn giáo, phong tục, ngay cả sự sống của
người bản-xứ. Như thế “việc thực dân ngày nay tàn bạo chẳng kém gì
thuở xưa” (trang 49).
“Tất
cả những ai biết lịch sử chinh-phục thuộc điạ của các nước Âu châu, đêù thấy rõ
những đạo binh âu châu đã tàn bạo thế nào trong khi xâm chiếm thuộc điạ, không có một
chiến-thắng nào của họ không kèm theo những cuộc tàn sát kinh khủng, và những báo chí ở các thủ đô của chúng ta đã ghi số
người bản xứ bị ngã gục dưới làn đạn của chúng ta hay bị tiêu diệt vì trái phá,
lưỡi lê của chúng ta một cách thật là vui vẻ”…(trang 50)
Rồi
Lanessan nhắc tới một vài tàn sát như vụ tên thực dân Peters ở Phi Châu giết
những người cu-li không chịu gánh đồ cho hắn hoặc đốt cả một làng làm sáng đêm Sinh-Nhật để mừng
Lễ Giáng Sinh! Ở Việt Nam , Lanessan kể việc một tên thanh tra. trong hai tuần hồi năm
1891, đã chặt đầu 75 quan viên thuộc về một huyện mà thôi của thành-phố Hà Nội,
vì họ không khai báo những hoạt động của những người làm loạn. Lanessan công
nhận rằng những cuộc khủng bố như vậy thường rất hay xẩy ra ở đồng bằng Bắc kỳ
hồi đó. Hơn nữa những cuộc tàn sát này còn kèm theo những vụ đốt cả làng, mùa
màng khi họ bị tình nghi là theo “giặc” như một người Pháp đã tóm-lược
tất cả những gì mà Lanessan muốn nói: “một biện-pháp
khác là tuyên-bố cả làng liên-đới chịu trách nhiệm khi họ chứa chấp một đám
phiến loạn hay không khai báo. Rồi đem
xã-trưởng và một vài người tai mắt trong làng ra chặt đầu, sau cùng đốt làng thành
bình điạ. Như thế, người ta có thể chắc chắn là sau đó những
làng bên cạnh sẽ khai báo những toán phiến loạn qua lại. Người ta chỉ có thể cai trị dân này bằng khủng-bố” (trang
56).
Lanessan
đứng ở cương vị thực dân tế nhị cao cấp chống lại với những thái độ tàn sát dã
man đó vì cho rằng làm như vậy là “bất lợi” có hại về đường chính trị.
Đã không tôn trọng sự sống của con người, thì còn nói gì tới tôn trọng của cải,
phong tục, tôn giáo của dân bị trị. Thực dân phá hủy đền thờ, chùa chiền,
hoặc dùng làm trụ sở nơi đóng quân. Lanessan kể lại khi đi tới đâu, những đơn khiếu nại hầu hết đều xin trả lại chùa, đình hay tôn trọng đền
thờ, văn miếu…
Lanessan
đưa ra tiêu chuẩn căn bản: phải tuyệt đối tôn trọng phong tục, lễ nghi, tôn giáo
cổ truyền của người bản xứ. Nhưng còn một vấn đề phức tạp khác là người thực dân
cần phải có một thái độ thế nào với các thừa sai và tín hữu theo Ki-tô giaó.
Lanessan
nhận-định rằng: “Bất cứ một người Annam theo đạo Thiên Chúa đều bị người đồng
hương coi như một kẻ phản bội tổ quốc” (trang 68) do đó, những nguyên nhân cấm đạo tàn sát giáo dân không có tính cách tôn-giáo như người ta
vẫn lầm tưởng vì dân Việt Nam
rất khoan dung về tín ngưỡng, mà chỉ có
tính cách ái quốc thôi. Như
Linh Mục Louvel trong cuốn “Đức cha Puginier” cũng đã viết: “ Sự bách hại người Công giáo mang mặc tính chất một cuộc trả thù của lòng yêu nước chống lại việc thiết lập
chế độ bảo hộ”.
Và
đứng về phiá thực dân, chính quyền bảo hộ phải tránh những hành động có thể làm
cho người bản xứ không theo Công giáo dị nghị và mất lòng như tránh ưu đãi
người Công giáo, hay không nên để cho người Công giáo, thừa sai can thiệp vào
việc cai trị. Tuy nhiên vì lợi ích thực dân, chính quyền bảo hộ phải biết
lợi dụng sự truyền giáo một cách khéo léo. Ở đây Lanessan đã có những nhận
xét tế nhị về cách truyền giáo nào là lợi cho việc thực
dân.
Évêque en tournée – Collection de MEP
(Courtesy: L’Indochine coloniale)
(Cố đạo Tây đang vi hành - Tài liệu của Hội
Truyền giáo Hải ngoại Paris )
Theo
Lanessan, các vị thừa sai Công giáo thường nhắm quần-chúng, dân quê, bần cùng nghèo khổ,
hoặc kẻ trộm cắp để giảng đạo. Nói cách khác, người Công giáo thường thuộc thành phần
những giai cấp thấp hèn nhất trong xã-hội. Những người này thường
được tập họp lại thành làng xóm riêng, tách khỏi đoàn thể dân tộc. Lý do cô lập
các làng theo đạo ở tại các thừa sai sợ người theo đạo, giao thiệp với người
Lương có thể quay lại những phong tục lễ nghi ngoại-đạo. Cũng vì lý do sợ đó mà họ đã tạo
ra chữ quốc ngữ chủ-đích là để cho giáo dân khi biết đọc chữ quốc ngữ, thì chỉ
biết đọc sách báo đạo mà thôi, trái lại nếu để cho họ học chữ Nho, sợ họ có
thể thong cảm lại với tư tưởng ngoại giáo. Thành ra việc sáng lập chữ Quốc ngữ phải chăng nhằm một mục đích “ngu-dân” ly khai với văn-hoá dân tộc?
Về
hoạt động, các vị thừa sai cũng chỉ lo dậy đạo, và có một đời sống hoà đồng với
lối sống đơn giản khó nghèo của dân chúng ăn mặc, ở như họ.
Trái
lại, đạo Tin Lành thường nhắm những tầng lớp thượng lưu, qúy phái, các mục sư
dậy đạo cho người bản xứ bằng tiếng nói của nước bảo hộ, đồng thời tập cho họ những thói quen mới theo phong
tục, lối sống Tây phương, do đó cũng tạo cho họ những nhu cầu mới.
Hơn
nữa, con nhà qúy phái theo đạo Tin Lành còn có thể được gửi ngay sang mẫu quốc ăn học, trong khi con cái người Công giáo
ở thành phần nghèo, Linh mục cũng nghèo, không nghĩ đến chuyện được gởi đi du
học. Cách truyền giáo như vậy có lợi vì làm cho người theo đạo đi vào
cộng đồng văn hoá với người bảo hộ, tạo điều kiện hiểu nhau dễ dàng hơn, đồng thời
cũng làm phát triển kỹ nghệ thương mại: ví dụ trong khi Linh-Mục công giáo mặc
áo giống áo của người bản xứ và cùng một thứ vải nội hoá thì mục-sư Tin-lành làm cho những người theo
đạo ăn mặc giống như Âu châu. Do đó, “Ở khắp nơi, Tin Lành có tính cách chính
trị nhiều hơn Công giáo” (trang 74)
“Đời
sống của vị thừa sai công giáo có thể là đầy hy sinh rất lợi ích cho sự truyền bá
đạo nhưng không giúp ích gì cho quyền lợi những nhà máy ở quê hương họ”
(trang 82).
Và
“người ta có thể quả quyết rằng những
xứ đạo Tin Lành giúp ích nhiều hơn cho công cuộc thực dân của những
Quốc-gia là quê hương của các vị thừa-sai đó, hơn là những xứ đạo Công giáo”
(trang 84)
●
Chú Thích:
(1)
“L’expansion
coloniale de la France ,
etude économique, plolitique et géographique sur les établissements francais
d’outre-mer”. Paris ,
1886
(2)
“L’Indochine
francaise (etude politique, économique et administrative sur la cochinchine, le
Cambodge, l’Annam et le Tonkin ”. F. Alcan.
Paris , 1889
●
Phụ Chú:
Tác
giả Nguyễn Văn Trung đã viết về Lyautey ở trang 101-102 như sau:
“Lyautey
và Galliéni là hai người thực dân nổi tiếng về bình trị (pacification) tức là
giai đoạn tiếp sau giai đoạn xâm lăng. Tây gọi là công cuộc dẹp giặc, trộm
cướp. Chữ giặc, trộm cướp (pirate) đây để gọi cả những phong trào ái quốc chống
lại thực dân – như Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật v.v. . . Lyautey đã ghi lại
những nhận xét của Ông ta về việc bình trị và cai trị thuộc địa trong tập “Thư
Từ xứ Bắc kỳ và Madagascar ”.
●
Sách của Lanessan & Lyautey:
Jean
Marie Antoine de Lanessan (Toàn quyền Đông Dương, 1891-1894):
- L’Expansion coloniale de la France . Etude
économique, politique et géographique sur les établissements francais
d’outre-mer. Paris ,
1886.
- L’Indochine francaise (étude
politique, économique et administrative sur la Cochinchine, le Cambodge,
l’Annam et le Tonkin ). Alcan. Paris , 1889.
-
Principes de colonisation.
Alcan. Paris ,
1897.
- Les
missions et leur protectorat. Paris ,
1907.
Louis
Hubert Gonzalve Lyautey (Chánh võ phòng Toàn quyền Armand Rousseau ở Đông
Dương, 1894-1897): Lettres du Tonkin
et de Madagascar (1894-1899), Paris
2ème ed. 1921.
(Trích từ: “CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP Ở VIỆT NAM - Thực Chất Và Huyền Thoại”
Tác giả: NGUYỄN VĂN TRUNG, nhà xuất bản Nam Sơn,
ngày 28-11-1963, Sài Gòn, tr 108-117)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét