Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013


KIÊU DÂN CÔNG GIÁO THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM
 

Trần Lâm

Bài các bạn đang đọc được viết với hai mục đích có liên quan mật thiết với nhau.

Thứ nhất, để góp ý với Trần Ngọc Cư, Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích về bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Thời Đệ Nhất Cộng hòa, trong buổi lễ chào cờ, bài ca này phải được hát kèm với Tiếng gọi Công dân, Quốc ca chính thức do Lưu Hữu Phước et al sáng tác. Nó có đoạn như sau:

Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống
Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống
Xin thượng đế ban phước lành cho người
 
Thứ hai, để trả lời một câu hỏi quan trọng mà Dũng Vũ đã đặt ra cho tôi trên diễn đàn talawas. Câu hỏi này có liên quan đến nhận định của sử gia Tạ Chí Đại Trường về khối người từng làm nòng cốt cho chế độ Ngô Đình Diệm.

Tôi sẽ đi sâu vào bài quốc ca “kép” nói trên, sau khi giải quyết xong thắc mắc do Dũng Vũ nêu lên về nhận định của nhà viết sử họ Tạ.

 Theo Tạ Chí Đại Trường, người từng sống dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đồng bào Công giáo từ Bắc di cư vào Nam thời đó là một khối kiêu dân. Sau đây là toàn bộ văn cảnh của nhận định nói trên nơi trang 457 trong cuốn Sử Việt, đọc vài quyển, được Văn Mới xuất bản tại California năm 2004. Khi bàn về mối hiểm họa của Cộng sản miền Bắc đối với Miền Nam, Tạ Chí Đại Trường tự hỏi:

Làm cách nào mà một chính quyền Sài Gòn lộn xộn với giáo phái sứ quân, với giang hồ đạo tặc, với Công giáo di cư ít nhiều gì cũng là kiêu dân, với cả người Pháp còn tham vọng giữ phần đất thuộc địa cuối cùng… có thể đương cự với cả một nền tảng đe doạ trùng trùng như thế? Lịch sử ổn định bước đầu của chính quyền đó là một phối hợp tuyệt vọng của những người Việt chống cộng (một tập-hợp-từ tiêu cực đúng với thực chất hổ-lốn của nó) chỉ còn một mảnh đất nương thân, và của người Mĩ đứng nhìn trong bình diện chiến lược quốc tế thấy mình phải chen chân vào.”

Vì họ Tạ là một sử gia có uy tín, nên sau khi đọc câu văn mười hai chữ được nhấn mạnh ở trên vào khoảng cuối năm 2004, tôi lập tức tìm cách kiểm chứng nó và tôi đã tìm được sự xác nhận đầu tiên trong hai bài nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh, “L’engagement politique du Bouddhisme au Sud-Viêt-Nam dans les années 1960” trong Alain Forest et al (dir.), Bouddhismes et Sociétés Asiatiques: Clergés, Sociétés et Pouvoirs, L’Harmattan, Paris, 1990, tr. 111-124, và “Le Sangha bouddhiste et la société vietnamienne d’aujourd’hui”, được đăng trên trang VIET NAM Infos.

Giáo sư Nguyễn Thế Anh là một học giả có tầm vóc quốc tế, được đồng nghiệp Á Âu Mỹ công nhận là một trong những người có thẩm quyền nhất về lịch sử Việt Nam thời cận đại. Thế nhưng, tôi cũng ý thức được rằng tôi không thể chỉ dựa vào uy tín của ông để lượng định mức khả tín của câu văn mười hai chữ nói trên. Hai bài nghiên cứu của vị cựu viện trưởng viện đại học Huế và nguyên Trưởng ban sử học Đại học Văn khoa Sài Gòn này chỉ là những sử liệu hạng hai. Muốn kiểm chứng một cách thấu đáo nhận định của Tạ Chí Đại Trường về “kiêu dân Công giáo” thời Ngô Đình Diệm, tôi phải cố gắng tìm cho ra sử liệu hạng nhất về vấn đề này. Hai loại sử liệu mà tôi phân chia ra thành hạng nhất và hạng hai được Nguyễn Kỳ Phong, tác giả cuốn Vũng lầy của Bạch Ốc: Người Mỹ Và chiến tranh Việt nam 1945- 1975, định nghĩa một cách tương tự như sau:

“Sử liệu có hai loại: primarysecondary documents (tài liệu chánh và tài liệu phụ). Hồi ký, văn kiện chính thức, lời phỏng vấn từ nhân chứng, được xếp vào loại tài liệu chánh. Trích dẫn, nghe nói lại, hay sách biên khảo của người thứ ba, là tài liệu phụ. Hai loại tài liệu đó đều được công nhận khi dùng làm sử liệu viết sách.”

Vốn là mọt sách tu lâu năm trong Tàng Kinh Các ở Tây Phương, nên qua phần ghi chú trong hai quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam, tôi đã tìm thấy hai tài liệu được hình thành trước ngày 8 tháng 5 năm 1963. Chính vì được viết ra trước khi biến cố Phật giáo 1963 bùng nổ, nên nội dung của hai tài liệu này không bị chi phối bởi cuộc tranh chấp giữa phong trào Phật giáo và chế độ Ngô Đình Diệm. Do đó, chúng có một mức độ khả tín rất cao. Hai tài liệu nói trên gồm

1) “The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government”, một tài liệu do các nhà biên khảo Hoa Kỳ hoàn tất vào tháng Tư năm 1961 và hiện đang được lưu trữ tại Văn khố Chiến tranh Việt Nam ở Lubbock bên Texas, và

2) “L’Église au Sud-Vietnam”, một phóng sự được đăng trên tạp chí Informations Catholiques Internationales vào ngày 15 Mars 1963, từ trang 17 đến trang 26.

Như vậy, câu văn mười hai chữ của Tạ Chí Đại Trường chẳng những được một chuyên gia hàng đầu trong ngành sử Việt xác nhận (confirmed), mà còn được tăng bổ (corroborated) bởi hai tài liệu chánh (sử liệu hạng nhất) mà chúng ta có quyền cho là rất khả tín. Nhờ vậy nên tôi đã có đầy đủ căn cứ để chấp nhận rằng nhận định ngắn gọn mà Tạ sử gia đã đưa ra về khối kiêu dân Công giáo thời Ngô Đình Diệm cầm quyền tại miền Nam Việt Nam là một nhận định rất khả tín, có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao Ngô triều đã đánh mất sự ủng hộ của người Lương và cuối cùng bị lật đổ.

Sau khi công bố những điều vừa mới được viết bên trên trong mục phản hồi ở diễn đàn talawas, tôi hân hạnh nhận được sự lưu tâm và câu hỏi dưới đây của độc giả Dũng Vũ:

Thưa ông Trần Lâm,
Ông viết: “Tôi hoàn toàn không vô tình khi dùng 2 chữ “kiêu dân”, vì những sử liệu do tôi đưa lên mạng cho phép tôi suy luận rằng khái niệm “kiêu dân Công giáo” là một khái niệm có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao chế độ Diệm đã đánh mất sự ủng hộ của người Lương tại miền Nam Việt Nam, đưa đến sự sụp đổ của chế độ này… Tôi nói chuyện có bằng chứng hẳn hoi, thì tại sao tôi phải sợ ai?”
Xin phép được hỏi ông: “Kiêu dân” có nghĩa là gì?

Cảm ơn ông…’

Đây là một câu hỏi rất chính đáng, cần được một sự hồi đáp tường tận. Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi này một cách thỏa đáng thì có lẽ chúng ta sẽ có thể tìm được nguyên nhân sâu xa đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Như đã nói qua ở trên, chế độ này còn được gọi là Ngô triều hay Ngô trào.

Ngô Trào

Trải qua một cuộc bể dâu
Trông vời cố quận biết đâu là nhà
Khéo oan gia, của phá gia
Này là em ruột, này là em dâu!
Cửa nhà dù tính về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Chơi Chữ)

Tôi không rành chuyện văn chương, nên chỉ dám đoán mò rằng câu Cửa nhà dù tính về sau trong bài thơ nói trên ám chỉ việc Ngô Đình Cẩn đã cho xây một ngôi biệt thự rất nguy nga tráng lệ ở ngoài Huế. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 20 năm tôi có đọc trong Nhật Ký Đỗ Thọ rằng người ta đã phải đập đồ bát vỡ ra từng mảnh để lát nền (cho một phần) trong ngôi biệt thự này. Trong những dòng chữ dưới đây, tôi sẽ không đập vỡ bất cứ vật gì, mà chỉ cố gắng đi lượm lặt những mảnh sử liệu vụn vặt, rồi sắp xếp chúng lại thành một bức khảm mosaic, để Dũng Vũ nói riêng và bạn đọc bốn phương nói chung ít nhiều gì cũng thấy được bộ mặt của kiêu dân Công giáo thời Ngô Đình Diệm.

Kiêu dân, ngươi là ai?

Thời dòng họ Ngô Đình “dĩ đức vi chính” tại miền Nam Việt Nam, kiêu dân thường là những tín đồ Công giáo (di cư) dựa vào sự dung túng của kẻ có thế, có quyền để hống hách ngang ngược, xem thường luật pháp, vi phạm một cách trắng trợn nhân quyền và dân quyền của người khác, thường là những Lương dân vô tội.

Sau đây là vài ví dụ điển hình.

1. Trong suốt ba năm liền, kiêu dân đã hằng đêm ném gạch, đá vào nhà thân nhân vô tội của một chính trị phạm, mà (hình như) không hề bị cơ quan công lực trừng phạt. Xem chứng từ của Phan Lạc Giang Đông, một cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa và cũng là bào đệ của Phạm Lạc Tuyên, một viên sĩ quan tham gia vào cuộc đảo chính hụt ngày 11 tháng 11 năm 1960:

Gia đình tôi kể từ ngày này hoàn toàn không còn được yên nữa. Khu xứ đạo Thái Hòa (xứ đạo của đồng bào Bắc di cư vào Nam), mọi người ở lối xóm đã có thái độ khác trước. Mỗi tối, khoảng từ bảy, tám giờ thì một số người, không biết từ nhà nào đã ném gạch, đá lên mái nhà (bằng tole) của gia đình, ông cụ thân sinh tôi rất buồn và gặp thẳng Linh mục xứ đạo để nói việc này, song không giải quyết được. Việc họ ném như thế kéo dài cho đến khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ mới chấm dứt.”[1]

Xin thêm: Xứ đạo Thái Hòa, theo lời của Phan Lạc Giang Đông, nằm ở Ngã Ba Ông Tạ. Là một người sinh ra và sống những năm đầu đời tại một thị xã hẻo lánh ngoài Vùng II Chiến Thuật trước khi theo cha mẹ vượt biên tỵ nạn Cộng sản, tôi thật tình không biết cái ngã ba này nằm ở đâu. Nhưng vì chúng ta đang bàn về câu văn mười hai chữ của vị sử gia họ Tạ, nên xin ghi luôn chi tiết vui vui bên lề này vào bài.

2. Tại tỉnh Quảng Ngãi, một vị linh mục đã thông đồng với viên tỉnh trưởng trong mưu toan cướp đất của một ngôi chùa tại một làng trong tỉnh này để xây tượng đài cho Đức Mẹ, đưa đến sự xung đột giữa Phật tử ở ngôi làng nói trên và chính quyền địa phương. Xem trang 4 trong tài liệu “The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government” đã được đề cập đến ở phần đầu của bài. Xin nhắc lại, vì tài liệu này được hình thành trước khi cuộc xung đột giữa Phật giáo và chế độ Diệm bùng nổ, nên nội dung của nó rất đáng tin.

3. Dưới thời Ngô Đình Diệm, tín đồ Công giáo thường được quân đội và cơ quan Thông tin tiếp tay để tổ chức trên đường phố Sài Gòn hay Huế những cuộc rước lễ [?] linh đình, gây ra sự tắc nghẽn giao thông trầm trọng, khiến cho người Lương phải gặp nhiều phiên phức trong việc đi lại. Việc này đã khiến cho Giáo sư Nguyễn Văn Trung lúc đó phải thốt lên rằng những người tổ chức các cuộc rước lễ [?] nói trên nghĩ đường phố là của riêng của Giáo hội Công giáo hay sao.[2] Tuy nhiên, có người vẫn chưa hài lòng. Khi Phật tử tiến hành nghi lễ tại chùa thì sinh hoạt tôn giáo của họ, theo chứng từ của một tín đồ Công giáo Việt Nam, lại bị các công xa của sở Thông tin có mang loa phóng thanh đậu ở gần chùa phá rối.[3]

Chứng từ nói trên được đăng trong tạp chí Informations Catholiques Internationales, phát hành vào tháng Ba năm 1963, cho nên nội dung của nó không thể bị ảnh hưởng bởi biến cố Phật giáo xảy ra sau đó. Vì vậy chứng từ này cũng là một sử liệu rất đáng tin.

4. Kiêu dân gây áp lực không cho sách của Nguyễn Hiến Lê được dùng tại các trường ngoài miền Trung, tuy sách này đã được Bộ Thông tin cho phép phát hành. Sau đây là lời tường thuật của chính vị cố học giả họ Nguyễn:

Đầu niên khóa 1954-1955, trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong bốn năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông soạn chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ, ông viết hai cuốn giữa cho đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in, năm 1955 in xong trước kì tựu trường tháng chín. (…)

Sau một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được Bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi thì không có lí gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông báo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông. ( ….)

Hồi đó bộ Lịch sử thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó; trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết, tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên chân như vậy.”[4]

5. Cũng theo chứng từ của người Giáo dân mà chúng ta vừa gặp ở phần trên, kiêu dân đã lạm dụng quyền thế để đả kích tín ngưỡng của các học viên người Lương phải theo học khóa học Nhân Vị tại Trung tâm Nhân Vị ở Vĩnh Long. Vì sợ bị ghi danh vào sổ đen, những nạn nhân này đành phải chịu đựng trong im lặng, khiến cho các học viên Công giáo tại khóa học cũng cảm thấy hổ thẹn trước hành động hống hách nói trên.[5]

Đây là một điểm cần phải được nhấn mạnh, vì nó cho ta thấy rõ không phải tín đồ Công giáo nào tại miền Nam cũng là kiêu dân khi vùng đất đáng lẽ là tự do này phải sống dưới sự thống trị của nhà Ngô. Ngay cả trong hàng giáo phẩm Công giáo cũng đã có những bậc chân tu cố tránh xa chế độ Ngô Đình Diệm để duy trì uy tín và tính chất độc lập của Giáo hội.[6]

Cố học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long… tạo ra thuyết Duy linh chống với thuyết Duy vật của Cộng sản, bắt công chức nào cũng phải học. Họ chẳng học được điều gì mới cả, chỉ phải nghe mạt sát đạo Phật và đạo Khổng. Những người theo học đại đa số thờ Phật, đau lòng mà không dám cãi.”[7]

Phải chăng thái độ kiêu căng và khiêu khích của một bộ phận quan trọng trong cộng đồng Công giáo tại Miền Nam mà chúng ta vừa thấy qua những trường hợp nêu trên đã là một trong những nguyên nhân chính khiến cho khối người Lương ở phía dưới vĩ tuyến 17 ngày càng xa cách chế độ Ngô Đình Diệm, đưa đến sự sụp đổ của nó vào cuối năm 1963?

“Cả làng xin được rửa tội….”

 Do những biến cố xảy ra trong năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm thường bị những người chống đối tố cáo là một chế độ đã lệ thuộc (quá) nhiều vào sự hậu thuẫn trung thành của Giáo dân (di cư) và, vì vậy, đã dành cho khối người này một sự nâng đỡ đặc biệt. Nhưng thật ra, không phải đợi đến năm 1963 mới thấy được sự gắn bó keo sơn giữa (một khối) tín đồ Công giáo và nền Cộng hòa Nhân vị do anh em Tổng thống Diệm lãnh đạo. Quan hệ này đã nhen nhúm ngay sau khi chế độ Ngô Đình Diệm vượt qua được giai đoạn phôi thai đầy nguy hiểm. Trong tạp chí International Affairs phát hành vào tháng 4 năm 1956, J. Donald Lancaster nhận xét:  Tổng thống Diệm bị hạn chế trong việc thế thiên hành đạo tại miền Nam Việt Nam bởi lòng trung thành đối với tôn giáo cũng như gia đình của chính ông ta.

Lòng trung thành nói trên rất có thể đã là một trong những yếu tố khiến cho người Lương đột nhiên theo đạo Công giáo hàng loạt thời dòng họ Ngô Đình cầm cân nẩy mực phía dưới vĩ tuyến 17, một hiện tượng Nguyễn Hiến Lê có đề cập đến trong hồi ký của mình (trang 121, tập II). Ông kể lại: “Diệm-Nhu theo chính sách ba-Đ: Đảng (Cần Lao), Đạo (Công giáo) và Địa phương (miền Trung). Chỉ công chức nào có đủ ba Đ mới được tin dùng, cho nên con số tín đồ Công giáo tăng vọt lên, nhất là ở miền Trung; có giáo đường làm lễ rửa tội hằng trăm người một lúc.”

Người nổi tiếng và thành đạt nhất trong nhóm Giáo dân tân tòng này không phải ai khác hơn là một viên sĩ quan gốc miền Trung tên Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu lập gia đình với một nữ tín đồ Công giáo trước khi Ngô triều được thiết lập. Nhưng mãi đến năm 1958, tức là lúc triều đại này đã “vững nền thịnh trị”, ông mới để cho Linh mục Bửu Dưỡng, một lý thuyết gia quan trọng của trường phái Cần lao Nhân vị, rửa tội tại Đà Lạt. Chính LM Bửu Dưỡng đã cho Tướng Edward Lansdale biết điều này và nhờ bản báo cáo Lansdale gửi cho Đại sứ Elsworth Bunker ngày 20 tháng 4 năm 1968, nên sử gia Vũ Ngự Chiêu mới có thể tìm ra được một chứng liệu thành văn về sự trở lại đạo của Nguyễn Văn Thiệu.[8] Arthur Dommen, một học giả có cảm tình với họ Ngô, cũng cho biết vị Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh trong tương lai này không theo đạo lúc lập gia đình, mà chỉ làm việc này sau khi chiếc ghế Tổng thống của Ngô Đình Diệm đã vững như bàn thạch.[9]

 Trường hợp Nguyễn Văn Thiệu, như đã nói, chỉ là trường hợp nổi bật nhất. Hiện tượng người Lương ồ ạt theo đạo Công giáo thời Ngô Đình Diệm mà Nguyễn Hiến Lê kể lại đã được tạp chí Informations Catholiques Internationales phát hành ngày 15 tháng 3 năm 1963 xác nhận. Nên xem những con số ngoạn mục được nêu ra trong đó. Ngoài ra, nhờ tạp chí này mà chúng ta còn biết được Đức ông Ngô Đình Thục đã khoe với một đồng nghiệp người Pháp rằng ở giáo phận Vĩnh Long đôi khi có đến nguyên cả làng xin được rửa tội và, ngoài Phi Luật Tân ra, Nam Việt Nam là quốc gia độc nhất tại Viễn Đông sẽ phải được ở trên con đường đưa đến sự trở lại đạo hoàn toàn.[10] Tuy nhiên, Informations Catholiques Internationales cũng cho chúng ta biết, thái độ đắc thắng do cả chế độ Ngô Đình Diệm lẫn khối thiểu số Công giáo phơi bày đã tạo ra một sự bất mãn nhất định trong khối người Lương, một sự bất mãn mà tạp chí này cho là dễ thấy ngay tại Sài gòn cũng như ở các ngôi làng xa xôi hẻo lánh nhất.[11]

Nhận định nói trên rất phù hợp với báo cáo mà Đại Sứ Pháp Roger Lalouette gửi về Paris đúng một năm trước đó.[12] Lalouette cho biết ngoài Cộng sản ra, chế độ Diệm còn phải đương đầu với sự chống đối của những thế lực phi Cộng sản:

Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng giả Nam Kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử Bắc hay Trung vào tị nạn, những giáo pháo bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát, tất cả những người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (10% dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo. Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ.”

Chính nội dung của những tư liệu được hình thành trước biến cố Phật giáo nói trên đã cho phép chúng ta (tạm) tin lời Vũ Tài Lục, người đã từng sống trong thời cai trị của nhà Ngô, khi vị học giả này khẳng định rằng đến tháng 5 năm 1963 thì sự kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm (mà ông gọi là “chế độ Diệm-Thục” để nhấn mạnh vai trò của Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục trong đó) đã đến mức không thể chịu đựng hơn được nữa, nên Phật tử đã phải xuống đường để phản đối. Dù sao đi nữa thì mối liên hệ nhân quả giữa tệ trạng kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm và Biến cố Phật giáo 1963 sẽ được phân tích một cách tường tận hơn trong một bài khác, đang được chuẩn bị.

Một hiện tượng thuộc lịch sử?

 Ngoài việc kỳ thị tôn giáo, chế độ do anh em Ngô Đình Diệm cầm đầu còn gây ra cho người dân miền Nam những bực mình không cần thiết. Khi bàn đến một tấm hình ăn ý của ông ta, Đoàn Thêm, một viên chức cao cấp làm việc trong Dinh Độc lập thời Đệ Nhất Cộng hòa, có kể lại:

Một người bạn trẻ ở ngoài chính giới đã bảo tôi:
- Coi bộ thì cũng không đến nỗi nào, nhất là bức ảnh Âu phục chụp nghiêng 3/4 thấy treo ở nhiều nơi.
Tôi cho biết là chính ông ưa bức đó hơn cả, nhưng anh ta lại càu nhàu luôn:
- Chỉ phải cái rất bực và rồi phát ghét, là cứ phải chào! Sao lại đem in tròn giữa quốc kỳ để bắt đứng dậy chào khi xem xi nê? Thà tới chậm, mất hẳn đoạn phim thời sự, còn hơn phải ngắm mặt mũi, bảnh bao mấy cũng bỏ đi!
Tôi không thể chối cãi, vì chính là trường hợp tôi mỗi khi muốn coi phim…”

Không những chế độ Ngô Đình Diệm làm phiền người dân, chính cá nhân họ Ngô cũng quấy rầy nhân viên dưới quyền ông ta. Theo Đoàn Thêm:

Ông Tổng thống luyến tiếc các biểu hiệu quân chủ, nên tái lập Kim Khánh của nhà Nguyễn và công nhận là huy chương cao nhất của Việt Nam. Ông gây lại không khí cung đình, đặt lễ phục gấm lam khăn đen cho các nhân viên cao cấp, và chỉ nhận chúc Tết Nguyên Đán vào sớm ngày mồng một. Đã có vài người xin ông cho chúc vào chiều ngày ba mươi, vì Tết đầu năm là ngày của gia đình, theo cổ tục, buổi sáng dành cho gia tiên, đa số còn phải đèn nhang cúng vái, hoặc mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông không nghe, vì theo ông, xưa kia phải triều bái ở điện Thái Hòa hoặc ở Vọng Cung các tỉnh, nghĩ đến Vua rồi mới đến nhà, vì Vua là là nước. ‘Vua ban hồng phước không tốt hơn là chờ người xông đất hay sao?’
Bởi vậy, cứ tám giờ mồng một, là hàng trăm người, cả nhân viên, lẫn đại diện đoàn thể dân chúng, đành phải xúng xính áo khăn vào cầu ơn trên phù hộ cho ông.
Một công chức bực quá đã thốt ra một câu chua chát:
- Thôi thì coi bái khánh như một công vụ đã được tính vào số lương tháng rồi!
Có lẽ vì thế mà hai tiếng Ngô Triều đã được nói đến ngay từ 1957, chớ không phải từ sau Cách mạng 1963, do một Tôn Thất nhà Nguyễn đương làm Giám đốc một Nha.”

 
 Chuyện lố lăng nhất mà chế độ Nhân vị của dòng họ Ngô Đình đã gây ra là việc họ bắt buộc người dân miền Nam hát bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống trong lễ chào cờ. Cách đây trên hai mươi năm, tờ Làng Văn, một nguyệt san chống Cộng hữu danh tại hải ngoại, có đăng trong số 47 một bài mang tên “Sơ kết vấn đề Quốc-Ca”, trong đó có chứa đựng những dữ kiện lý thú về bài hát sùng bái cá nhân nói trên. (Khi đó tôi là một học sinh trung học, còn hai năm nữa mới được thi tú tài, nhưng cũng đã bắt đầu có quan tâm đặc biệt đến chế độ Ngô Đình Diệm, nên đã cẩn thận cất giữ tờ báo đó cho đến ngày hôm nay đem ra xài.)

Tờ Làng Văn viết:

Vấn đề Quốc ca đã được mang ra bàn cãi tất cả ba lần. Lần thứ nhất do Quốc hội đệ nhất Cộng-hòa năm 1956…

Lần thảo luận thứ nhất không đưa tới một sự thay đổi nào, vì có một số đại diện dân cử vì lòng tôn sùng cá nhân, muốn đưa bài Suy tôn Ngô Tổng Thống… ra thay bài Tiếng gọi công dân… Cuộc bàn cãi để đi tìm một bài hát khác làm Quốc ca thay cho bài hát đương thời, với tác giả chính đã đứng về phía CS, lại biến thành một cuộc tranh chấp giữa tinh thần tôn quân kiểu mới và khuynh hướng dân chủ tự do. Phe tôn quân không thắng nổi số đông, mà phe đa số cũng không dám dùng thế lực của mình để loại bài suy tôn cá nhân. Trong trường hợp đó, thà giữ nguyên bài cũ còn hơn.

Cuối cùng, vì đoàn kết quốc gia, vì thể diện của lãnh tụ, và quan trọng hơn hết, vì an ninh bản thân, một giải pháp chìm xuồng đã được đưa ra, dung hợp cả hai chủ trương: giữ lại bài Tiếng gọi công dân làm Quốc ca, và hát kèm bài Suy tôn Ngô Tổng Thống ngay trong lễ chào cờ. Từ đó, 1956, Việt Nam Cộng hòa có một bài quốc ca ‘kép’. Tình trạng này kéo dài tới 1963 mới chấm dứt, sau khi Trung tướng Dương Văn Minh đảo chánh thành công, kết thúc chín năm cai trị của Ngô triều.”[13]

 Trong mục phản hồi trên diễn đàn talawas, Trần Ngọc Cư mới đây có lời than phiền về tệ trạng sùng bái cá nhân nói trên. Nhưng có lẽ là người tuổi đã cao, nên họ Trần không muốn nhắc đến khả năng đề kháng thụ động của khối người Lương trước sự lố lăng này của chế độ Ngô Đình Diệm và thái độ kiêu ngạo của tập đoàn Công giáo di cư phía sau lưng nó, một sự đề kháng được biểu lộ qua câu Toàn dân Bùi Chu mút cu Ngô Tổng Thống. Đây là một sử liệu truyền khẩu mà tôi được những người lớn tuổi đã từng sống dưới sự thống trị của Ngô triều kể lại cho nghe tại hải ngoại. Nó rất ăn khớp với những sử liệu thành văn mà tôi đã thu thập được và vừa giới thiệu trong bài này. Do đó, nó rất đáng được gìn giữ và phổ biến.

Cách nhìn nói trên không phải là một cách nhìn được mọi người chấp nhận. Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích hình như muốn tương đối hóa việc làm lố bịch của chế độ Ngô Đình Diệm.

Hòa Nguyễn viết: “Nhưng cũng nên “thông cảm” những bài hát suy tôn ở vào cái thời thế giới (thứ ba) thích ca tụng các lãnh tụ “anh minh, vĩ đại” của họ, như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Kim Nhật Thành, Lý Thừa Vãng, Sukarno (được bầu làm tổng thống trọn đời).”

Trong bảng Phong thần do Hoà Nguyễn nêu ra không thấy có tên của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng Ấn Độ. Ấn Độ trong giai đoạn đó cũng là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nhưng hoàn toàn không có tệ trạng sùng bái Nehru. Có lẽ vì Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, nhất là khi so sánh với Indonesia, Nam, Bắc Hàn, Nam, Bắc Việt Nam, Trung Quốc hay Đài Loan. Bản chất dân chủ của một chế độ không cho phép chuyện lố bịch nói trên xảy ra.

Hơn nữa, việc sùng bái cá nhân không phải chỉ xảy ra tại thế giới thứ ba. Chuyện này đã xảy ra ngay tại nước Pháp dưới thời Pétain và cũng đã lan tràn sang Đông Dương, lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát của chế độ Vichy do Pétain cầm đầu.

Trần Văn Tích viết:

Thời Pháp thuộc tôi lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, lúc bấy giờ có tên chính thức là Tourane. Học trò nhà nước chúng tôi trước khi sắp hàng vào lớp thường phải đứng nghiêm để hát bài Maréchal, nous voilà ca tụng Thống chế Pétain, trong đó có câu “Devant toi, le sauveur de la France”. Vậy nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm sau này được xem là “cứu đất nước” v.v… thì cũng chỉ là một hiện tượng thuộc lịch sử vào một giai đoạn nhất định.”

Có thể đây là một nhận định chưa hoàn toàn chính xác. Trước khi Pétain lên chấp chính năm 1940, không có một chính quyền nào của Đệ Tam Cộng hòa lại bắt học sinh hát bài ca tụng Thủ tướng Clemenceau là cứu tinh của nước Pháp, tuy không ai phủ nhận công lao rất lớn của ông trong giai đoạn quyết định cuối Đệ Nhất Thế chiến. Nền Cộng hòa dân chủ này đã vinh danh “le Père-la-Victoire” bằng một cách văn minh hơn. Bởi thế nên việc chế độ Vichy do Pétain cầm đầu bắt học sinh làm chuyện tào lao nói trên có thể được xem như là một triệu chứng của bản chất bệnh hoạn của chế độ này, một chế độ trung gian bản xứ đã tỏ ra rất đắc lực trong việc truy lùng, bắt giữ và chuyển giao người Do thái cho Đức quốc xã - việc làm nhơ nhuốc nhất bên cạnh những việc phản động khác của chế độ Vichy.[14]

Bác sĩ Tích viết tiếp: “Nghĩ lại, nếu quốc ca nước Anh có lời hát “God save the Queen” thì lời bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” có câu “Xin Thượng Đế ban phước lành cho người” có thể được xem là hai hiện tượng lịch sử – như đã trình bày – hay chăng?

Câu hỏi này hình như được đặt ra trên những dữ kiện còn thiếu sót. Kể từ khi vua Henry VIII đọan giao với Tòa thánh La Mã để lập ra Giáo hội Anh giáo, các vị quốc vương hay nữ hoàng Anh quốc không những là nguyên thủ của một quốc gia mà còn phải đóng vai trò lãnh tụ của một tôn giáo (Supreme Governor of the Church of England). Vì vậy, cầu nguyện Thượng đế phù hộ cho ông hay bà ta là việc không có gì đáng nói. Hơn nữa, bài God save the Queen hay God save the King có từ thế kỷ thứ 18,[15] và hình như không mang ý nghĩa khẩn cầu cho một cá nhân cụ thể nào, chẳng hạn Victoria hay Elizabeth II, mà chỉ cầu mong sự bảo bọc của bề trên đối với ngôi vị nguyên thủ của một quốc gia quân chủ có truyền thống Ki-tô lâu đời. Có lẽ do những lý do nói trên mà bài hát này vẫn còn được giữ làm Quốc ca Anh Quốc cho đến ngày hôm nay, trong khi bài ca sùng bái Ngô Đình Diệm phải chịu chung số phận với cái chế độ đã ép buộc người dân miền Nam hát nó.

 Vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng những nỗ lực tương đối hóa mà Hòa Nguyễn và Trần Văn Tích đã dành cho tệ trạng sùng bái cá nhân dưới sự thống trị của Ngô triều vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Có thể cũng như trong trường hợp của chế độ Vichy, tệ trạng này phản ảnh bản chất kém lành mạnh của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong chế độ lành mạnh nào mà nhân viên an ninh có thể áp dụng một chính sách trả thù bỉ ổi đối với lương dân vô tội mà những kẻ lèo lái quốc gia lại không hề hay biết? Sau cuộc đảo chánh hụt năm 1960, tay chân của anh em Ngô Đình Diệm đã xâm phạm tính dục nhiều người vợ của những viên sĩ quan tham gia vào biến cố đó và, ít nhất là trong trường hợp của Phan Lạc Tuyên, đã bao vây kinh tế cha mẹ, khiến cho con cái họ bị thất học. Nhưng cả ông Ngô Đình Diệm lẫn ông Ngô Đình Nhu, theo chứng từ của Trần Ngọc Nhuận, một sĩ quan tình báo cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đều không biết đến tội ác động trời này![16] Phải chăng vì họ không biết chế độ của họ đang bị côn đồ hóa, nên cuối cùng chính họ đã bị thuộc hạ cũ giết chết bằng một cách rất côn đồ? Chính sách trả thù đối với đàn bà, người già và trẻ em nói trên đã được kể lại trong: 1) Trần Ngọc Nhuận, Đời quân ngũ, Xuân Thu, 1992, tr. 305-306, và 2) Phan Lạc Giang Đông, “Nhớ lại và suy nghĩ”, trong Chính Đạo (chủ biên), Nhìn lại biến cố 11/11/1960, Văn Hóa, Houston, 1997, tr. 207-231.

 
© 2009 Trần Lâm

© 2009 talawas

 
[1] Nguồn: Phan Lạc Giang Đông, “Nhớ lại và suy Nghĩ”, trong: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu] (chủ biên), Nhìn lại biến cố 11/11/1960, Văn hóa, Houston, 1997, tr. 210.
[2] Informations Catholiques Internationales, “L’Église au Sud-Vietnam”, 15 Mars 1963, tr. 21.
[3] Ibid, tr. 19.
[4] Tại trang 99 và 100 trong cuốn Đời viết văn của tôi, do Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1986.
[5] Ibid.
[6] Ibid, tr. 21.
[7] Hồi kí, Tập II, Văn Nghệ, California, 1990, trang 120-121.
[8] Xem: Chính Đạo, Mậu Thân 68: Thắng hay Bại?, Văn Hóa, Houston, tái bản lần thứ hai, 1998, tr. 355. Xem thêm: Arthur Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans, Indiana University Press, 2001, tr. 658.
[9] Arthur Dommen nói rằng Nguyễn Văn Thiệu là đảng viên Đại Việt, còn Vũ Ngự Chiêu thì cho biết ông ta là Ủy viên Quân ủy Cần lao Nhân vị Cách mạng Đảng. Xem Nguyên Vũ, Paris Xuân 96, Văn Hóa, 1997, tr. 87-88.
[10] Nguyên văn: “C’est le seul pays d’Extrême-Orient (à part les Philippines) qui soit en marche vers une conversion totale…”
[11] Nguyên văn: “Ce que nous avons appelé, pour faire image, le ‘triomphalisme’ conjugé du régime et de la minorité catholique ne manque pas de nourrir un certain mécontentement chez les non-catholiques. Quoique en contradiction avec les conversions massives dont nous avons parlé plus haut, il est facilement observable à Saigon comme dans les plus lointains villages.”
[12] Báo cáo này đã được Vũ Ngự Chiêu tìm thấy, dịch sang tiếng Việt và cho in lại trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, Tập I-C: 1955-1963, Văn Hóa, Houston, 2000, tr. 248-250.
[13] Bạn đọc bốn phương cần lưu ý đến chi tiết này: Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ bút tờ Làng Văn, đã bị một số người hiểu lầm (?) khái niệm tử năng thừa phụ nghiệp tố cáo là con trai của đại tướng VC Nguyễn Chí Thanh. Nhưng nhờ có Bác sĩ Trần Văn Tích, một người có lập trường chống Cộng rất vững vàng, từng là cộng tác viên cho tờ báo này, nên tôi mới dám xài những dữ kiện do nó cung cấp về bài Suy tôn Ngô Tổng Thống.
[14] Bạn nào hiếu kỳ muốn biết thêm về nó thì nên tìm đọc: Robert Paxton, Vichy France: Old Guard and New Order, 1940-1944, Knopf, New York, 1972. Sau Đệ Nhị Thế chiến, người Pháp đã cố che giấu sự thật, cố tương đối hóa những việc làm kém sạch sẽ của chế độ này. Chính nhờ sự đào bới trong văn khố Đức của Paxton, một sử gia người Mỹ, mà bộ mặt nhơ nhuốc của nó đã bị lột trần trước công chúng Pháp. Cách đây vài năm, tạp chí Journal of Contemporary History có đăng một bài nghiên cứu về tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông ta đối với giới sử học Pháp. Tôi đã đưa bài đó lên mạng, các bạn có thể đọc nó tại đây. Thật thú vị khi thấy một người Mỹ quê ở Virginia giảng cho mấy ông Tây bà Đầm nghe về quá khứ khá bẩn thỉu của quốc gia họ. Nhưng dân Phú Lang Sa vẫn còn giữ được tinh thần thượng võ. Mới đây họ đã trao tặng cho Paxton huân chương Légion d’honneur để bày tỏ lòng biết ơn đối với công trình nghiên cứu của ông: “Son œuvre a été controversée à une époque où la France refusait de regarder son passé en face, même s’il est difficile à accepter. Grâce à lui on sait que, contrairement à la légende, Vichy n’a pas été contraint à collaborer à ce point et que la Révolution nationale de Pétain, son régime fasciste, n’a pas été imposée par les Allemands.”
[15] “Like many aspects of British constitutional life, its official status derives from custom and use, not from Royal Proclamation or Act of Parliament.”
[16] Hai anh em ông Diệm, ông Nhu cầm vận mệnh quốc gia trong tay, mà khi thủ hạ của họ hại dân vô tội – những người mà họ có bổn phận bảo vệ -  họ lại hoàn toàn không biết. Điều này khiến chúng ta phải tự hỏi tại sao họ không biết. Ở một quốc gia văn minh, nạn nhân có thể dựa vào hệ thống tư pháp độc lập hoặc hệ thống truyền thông tự do để lưu ý giới hữu trách đến những tệ trạng mà họ phải gánh chịu. Vì dưới nền Cộng hòa Nhân vị, hệ thống tư pháp không được độc lập và giới truyền thông không được tự do nên hai anh em ông Diệm mới có thể không biết gì cả. Việc giới lãnh đạo của một quốc gia không biết dân vô tội bị xâm phạm phi pháp và việc những nạn nhân này không có cách nào làm cho giới lãnh đạo biết được tệ trạng nói trên thật ra là một bản cáo trạng đối với giới lãnh đạo đó: Họ không biết, vì bộ máy chính trị của họ là một bộ máy kém lành mạnh, nếu không muốn nói là bệnh hoạn.

 

 

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013


HỒNG Y SPELLMAN VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

 
Trần Thị Vĩnh Tường


Soldiers Never Lose
Ngươì dân Mỹ biết taị sao họ tham chiến ở Pearl Harbor năm 1941, ở Triều Tiên năm 1950. Nhưng hình như họ không hiểu tại sao xứ họ lún vào “vũng lầy” chiến tranh Việt Nam từ 1954 đến 1975. Từ chiến trường Việt Nam xa xôi, quan tài liên tiếp trở về.  Khi nốt nhạc chiêu hồn còn đang lơ lửng, bên nấm mồ phủ hoa và lá cờ đầy kịch tính, gia đình tử sĩ giật mình “Sự thật ở đâu? Ngưòi anh hùng không toàn thây kia nằm xuống cho ai?” Tướng McArthur nói “Old soldiers never die; they just fade away/Ngưòi lính già không chết; họ chỉ nhạt dần đi”. Có lẽ phải thêm “Soldiers never lose, but are betrayed/ Người lính không bao giờ thua trận/họ chỉ bị phản bội”. 
Cựu quân nhân Việt Mỹ giống nhau một điểm: ồn ào nhận thua trận mà quên rằng:
Chỉ cấp lãnh đạo mới thua trận!
Chỉ cấp lãnh đạo mới phản bội!

Nhưng cấp lãnh đạo chiến tranh Việt Nam là ai?
Lúc người dân Mỹ khám phá ra rằng khi chấp nhận chiến tranh thì phải chấp nhận hy sinh nhưng Hồng Y Spellman chỉ muốn ngườì “hy sinh’ cho ngài, họ bắt đầu biểu tình trưóc nhà thờ St. Patrick và tư dinh của ngài ở New York. Lần đầu tiên tên một hồng y được đặt tên cho cuộc chiến, “Spellman’s War.” Những bài viết cay đắng về ngài khá nhiều. Có một điều người dân Mỹ “cay đắng” về cuộc chiến Việt Nam: đang từ một dân tộc anh hùng kiểu “vì dân diệt bạo”, họ trở thành hiếu chiến hiếu sát, trong khi đó, Vatican được tiếng là rao giảng hoà bình. Ý kiến của một cựu chiến binh “Hơn 58,000 lính Mỹ không biết rằng họ chết ở Việt Nam cho Giáo Hội Ki-tô. Không đi lính, thì đi tù 5 năm. Biết vậy, tôi  không đăng lính năm 1968. Tôi sẽ đi biểu tình chống chiến tranh và ngồi tù trong danh dự để thách đố những láo khoét của chính phủ về tình hình Việt Nam.

Điều đau của quân nhân Mỹ-Việt, từ tướng cho đến quân, trong cuộc chiến Việt Nam: đào ngũ thì bị tù, muốn đánh cũng không đuợc, muốn thua cũng không xong, muốn thắng lại càng khó! Chết uổng đời, sống bị phỉ nhổ!  Khi siêu quyền lực muốn kéo dài chiến tranh để tiêu thụ võ khí, thì xác người chỉ là con số, Việt Nam là nấm mồ, chôn ai không cần biết.

Trong 28 năm làm hồng y, hồng y Spellman trực tiếp can dự vào cuộc chiến Việt Nam suốt 13 năm - từ 1954 đến 1967. Tuy có tới hơn ba triệu ngươì Việt-Mỹ chết “Cho Ngài, Do Ngài và Vì Ngài”, mặc dù tên tuổi của ngài hình như còn rất xa lạ với người mình, ngoại trừ một số du học sinh ở Úc, Mỹ… những năm 1960, bật TV lên là thấy ngài.

Nhưng hồng y Spellman là ai? 

Truyền thông Hoa Kỳ ghi chép đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp hồng y Spellman (1889-1967). Quan điểm của những  tác giả độc lập này khá khách quan, khi chỉ muốn tìm ra “sự thật”, tìm ra “mục tiêu tối thưọng” cuả sự việc.  Họ không tìm cách bào chữa/tâng bốc/đạp đổ nhân vật, mà chỉ phân tích mục tiêu cho cho ra lẽ. Tác giả Avro Manhatttan còn cẩn thận viết “Đề cập đến “giáo hội Ki-Tô” cuốn sách của tôi không nhắm đến những tín đồ thuần thành, không biết chút xíu gì về những âm mưu toan tính nói trên, chỉ nói đến giới lãnh đạo cao cấp ở Vatican và những tu sĩ Dòng Tên”.

Bài viết này chỉ nhặt những chi tiết có liên quan xa gần tới chiến tranh Việt Nam, còn những sự việc khác như ngài là người đồng tính (homosexual), chiếm giải quán quân trong việc phát triển giáo hội qua việc xây dựng trường học Công giáo trên toàn thế giới, thành công vượt bực trong kinh doanh “Knights of Malta”, thiết lập Ratlines giúp đám Nazis Đức Quốc Xã chạy trốn, thành tích quậy phá các xứ Trung Mỹ…không liên quan gì đến vận mệnh ngườì Việt cả.

Có thể nói đường hoạn lộ cuả  ngài thẳng băng  như một cây thước kẻ.

     Hồng y Spellman - Tiệc mừng hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kennedy và Nixon (1960)

VỀ tôn giÁO:
Năm 1911, chủng sinh Spellman/dòng Jesuits (tức dòng Tên), 22 tưổi tu học ở Rome được hân hạnh kết bạn rất thân với Hồng Y Eugenio Pacelli. Hồng y gọi yêu cậu là “Frank hay Franny”.  Trong 7 năm, hồng y Pacelli đi khắp thế giới đều mang Frank theo, từ leo núi Alps đến bãi biển Hy Lạp. Tháng 7-1932, Frank đưọc phong làm giám mục giáo phận Boston, thủ đô tiểu bang Massachssetts. Chính hồng y Pacelli, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao, tấn phong cho Frank trong một buổi lễ trọng thể cử hành ở đền thờ Thánh Phêrô/St. Peter’s Basilica ở Vatican, Frank mặc aó lễ màu vàng chói mà hồng y Pacelli mặc năm xưa.  Lần đầu tiên một giám mục Hoa Kỳ được hân hạnh này, giáo dân Boston nở nang mặt mũi.

Tháng 3-1939, hồng y Pacelli được bầu làm gíao hòang Pius XII.  Đúng tám tuần lễ sau, giáo hoàng Pius XII phong cho Spellman làm Tổng giám mục New York, giáo phận giầu có nhất Hoa Kỳ.  20 năm sau, hồng y Spellman biến New York thành giáo phận giầu nhất thế gìới. Cùng năm 1939, Spellman đuợc phong chức tổng tuyên úy quân đội: cái vé tối danh dự đặt giám mục Spellman trên đỉnh mạng lưói siêu quyền lực gồm siêu quí tộc/tài phiệt/chính trị/tình báo/quân sự liên quốc gia có tên Sovereign Military Order of Malta, viết tắt SMOM, hội viên phải được giáo hoàng sắc phong. Nội cái tên không thôi đã nói lên mục đích của SMOM.

Năm 1946, giáo hoàng Pius XII  phong Spellman chức hồng y.  Không cần mọc cánh, ngài trở thành “thiên thần” giữa Vatican và bộ ngọai giao Mỹ. Ở Mỹ, người ta linh đình chúc tụng ngài là American Pope/Giáo Hoàng Hoa Kỳ. Ở Vatican, ngươì ta gọi ngài là Cardinal Moneybags/Hồng Y Túi Tiền. Ngôi thánh đường Patrick ngài ngự đuợc gọị chệch đi là “Come-on-wealth Avenue/Đaị lộ Của Cải Nhào Vô” (thay vì “Commonwealth”), trở thành thời thượng. Ngài làm lễ cưới cho Edward Kennedy ở đó.   

2. QuyÈn lỰc:
Đóng góp tài chánh của hồng y Spellman cho Vatican, tình bạn với Giáo hoàng Pius XII, vị trí chót vót trên đỉnh  SMOM, quyền lực Spellman hầu như vô tận không ai dám đụng.  Bạn của ngài nằm trong danh sách 100 người quan trọng nhất thế kỷ 20. Ngài giới thiệu với giáo hoàng Pius XII hàng loạt các nhà cự phú, biến họ thành quí tộc Hiệp sĩ Malta, không ai dám đụng tới. Hốt tiền chỗ này bỏ chỗ kia khéo léo như một bà chủ hụi, dưới bàn tay Spellman mọi việc trôi êm. Thay vì nộp tiền niên liễm cuả Knights of Malta- Hiệp sĩ Malta vào tổng hành dinh SMOM ở Rome, Spellman chuyển tiền đó vào tài khoản riêng cuả hồng y Nicola Canali (1939-1961) bộ trưỏng bộ ngoại giao Vatican.  Vài câu hỏi yếu ớt vang lên, ngài không bận tâm trả lời.  Báo nào xa gần hơi “tiêu cực” về ngài, ngài cho lệnh các cửa hàng sang trọng khu Sak Fifth Avenue rút hết quảng cáo liền một khi. Thương xá Sak Fifth/New York chỉ là một tài sản khiêm nhường của ngài, cũng như tổng giám mục Ngô Đình Thục là chủ thương xá Tax/Saigon vậy. 

Hồng y Spellman giúp Vatican 1 triệu đô la tài trợ Công đồng Vatican II nhưng ngài không hơi sức nào bầu bạn với nhũng kẻ nghèo khó. Tháng 3/1949, hai trăm phu đào huyệt nghĩa trang Calgary - rộng 500 mẫu mà ngài là chủ nhân - đòi tăng lương 20% từ 59.40 lên 71.40 $USD (một tuần). Ngài không chấp nhận, ngày mím môi bắt các chủng sinh nhà thờ St. Patrick thay thế, đào huyệt chôn 1020 quan tài xếp lớp. Ngài đổ cho cái đám cùng khổ ấy là bọn… cộng sản.  Mấy ngươì vợ nghèo khổ của đám phu đào huyệt mếu máo phân trần “Chồng tôi chỉ muốn tăng lương, không biết cộng sản là gì”. 

3. VỀ chính trỊ:
Hồng y Spellman đìều khiển thế giớí bằng điện thoại. Ngài cho hay trước sẽ không ai viết được tiểu sử  ngài, vì sẽ không bao giờ có dấu vết chứng từ. Ngài là cố vấn của năm đời tổng thống Mỹ từ 1933 đến 1967, từ Roosevelt, Truman, Eisenhower, Kennedy đến Johnson. Ngài là bạn thân với tưóng William Donovan - xếp sòng OSS, tiền thân CIA. Donovan chỉ định Allen Dulles nối ngôi  CIA, nên hai anh em nhà Dulles, bộ trưởng ngoại giao và giám đốc CIA, cũng dưới tay ngài. 

Một trong những ngưòi bạn danh giá là đại gia Joseph Kennedy, thân phụ của thượng nghị sĩ trẻ tuổi John Kennedy/tiểu bang nhà, Mass. Năm 1935, taì sản ông Kennedy đã lên tới $180 triệu đô la, khoảng 3 tỷ bây giờ. Sau thế chiến II, một trong những chiến lược của Vatican trong việc ngăn chặn cộng sản bằng cách ủng hộ các ứng viên phe Dân Chủ Ki-Tô giáo. Đang khi Vatican muốn có một tổng thống Ki-tô ở tòa Bạch Ốc, đúng lúc Joseph Kennedy  muốn John Kennedy làm tổng thống. Giáo hoàng Pius XII gưỉ bác sĩ riêng Riccardo Galeazzi đến gặp Spellman và Joseph Kennedy để thương lượng. Có tiền mua chức tổng thống dễ như mua bắp rang.

Những yếu tố trên chín mùi cùng lúc, Spellman dựa vào Vatican dựng lên hai tổng thống Ki-tô dân chủ đầu tiên: John F. Kennedy ở Washington D.C cũng như Ngô Đình Diệm trước đó ở Saigon.

Tài liệu ngoại quốc không có những chi tiết như trong bài viết “Có phải Hoa Thịnh Đốn Đã Đưa Ông Diệm Về Làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà VN” cuả Linh mục An-Tôn Trần Văn Kiệm. LM là người duy nhất ở gần ông Ngô Đình Diệm trong hơn hai năm ông Diệm ở Mỹ,  Theo Linh mục, có ba người đưọc hồng y Spellman bảo trợ, nhận làm con nuôi: hai linh mục Trần Văn Kiệm-Nguyễn Đức Quý và ông Ngô Đình Diệm.

(Ghi chú: ông Ngô Đình Diệm có tói ba vị “cha nuôi” oai quyền một cõi: thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Hồng y Spellman và trùm CIA Allen Dulles)
 
Ba vị “cha nuôi” của ông Ngô Đình Diệm: Thượng thư Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), Hồng y Francis Joseph Spellman (1889-1967) và Trùm CIA Allen Dulles (1893-1969)

Năm 1951, đang ở New York, Linh mục Trần Văn Kiệm, được điện tín từ Âu châu ra đón tổng giám mục Ngô Đình Thục và em là Ngô Đình Diệm taị phi trường Idlewild (phi trường Kennedy bây giờ).  Sau đó  Hồng y Spellman gửi ông Diệm trú taị nhà dòng các linh mục Maryknoll, New Jersey. Tuy đuợc Hồng y Spellman giầu có bảo trợ, ông Diệm không được Hồng y cho đồng xu nào. Suốt hai năm, chỉ một mình Linh mục Kiệm thăm viếng, bao biện việc di chuyển, kể cả thuê khách sạn cho ông tiếp khách vì biết ông rất thanh bạch. Cho đến  tháng 6/1953, ngày ông từ giã Hoa Kỳ qua Pháp gặp hoàng đế Bảo Đại trước khi về VN nhận chức thủ tướng, Linh mục Trần Văn Kiệm và năm ngươì bạn còn chạy mua vội cho ông chiếc cà vạt màu xanh.

Tuy vậy, theo linh mục Trần Văn Kiệm, mãi đến giữa năm 1953, chính giới Mỹ chẳng biết gì về ông Ngô.   LM TVKiệm viết:

-”Có lần chính khách Mỹ phàn nàn với tôi: linh mục đề cao tư cách lãnh đạo của ông Ngô Đình Diệm, và cả Đức Cha Ngô Đình Thục cũng làm như thế, nhưng chúng tôi cần thêm chứng nhân, vì Đức Cha Thục là anh đề cao em thì có chi là lạ”.

-”Mãi tới gần một tháng sau khi trận Điện Biên phủ nổ lớn ngày 13 tháng 3 năm 1954  (thất thủ ngày 26 tháng 6) và có lẽ cũng vì nghe lời Đức Hồng y Francis Spellman kêu gọi, ngày mùng 7 tháng tư năm 1954 tổng thống Eisenhower mới lên tiếng cảnh giác, khi ông xướng lên chủ thuyết Domino: “Nếu Việt Nam sụp đổ trước sức tấn công Cộng sản quốc tế với Liên Xô và Trung hoa yểm trợ Hà nội, thì mấy nước ở Đông Nam Á sẽ khó mà đứng vững được”. 

HỒng Y  Spellman  dỰng  nên  ĐỆ NhẤt CỘng Hòa VIỆT NAM

Một chân ở điện Capitol, một chân ở Vatican, hồng y Spellman ảnh hưởng cả tổng thống Mỹ, sai khiến được trùm CIA, hoạch định chính sách cho bộ ngoại giao, nên ngài yên chí sẽ được bầu làm giáo hoàng ở Vatican khi bạn thân ngài là giáo hoàng Pius XII qua đời.  Không ngờ, ngày 28-10-1958, người đựợc bầu là Hồng Y Angelo Roncalli, tức Giáo hoàng John XXIII.  Hồng y Spellman giận lắm, nhiếc sau lưng  ông: “Ông ta đâu xứng làm Giáo Hòang, Ổng đáng đi bán chuối/He’s no Pope. He should be selling bananas”. 

Hồng y Spellman có vẻ như lập laị câu nói cuả Cesar “Veni, Vidi, Vici”. Những năm 1950, chính khách Mỹ nói về châu Á còn lọng cọng dở bản đồ, Spellman đã đi qua cả rồi. Năm 1948, ngài đỡ đầu cho linh mục Fulton Green qua Australia đọc diễn văn tại nhà thờ St. Mary’s ở Sydney. Spellman ghé Singapore và Bangkok, bay ngang Angkor Wat. Trên đưòng trở về Mỹ, trứơc khi bay qua Canton và Hongkong, ngài tiện chân ghé Saigon. Tổng giám mục Saigon người Pháp Jean Cassaigne có mời tổng giám mục Vĩnh-Long Ngô Đình Thục trong buổi tiếp đón ngày 25-5-1948: từ buổi “tiện chân” định mệnh này, số phận cuả dòng họ Ngô-Đình đã an bài.

Giới học thuật Mỹ - tôn giáo, chính trị, truyền thông, giáo dục -  đồng ý dứt khóat 100% về vai trò của Hồng Y Spellman trong việc dựng lên tổng thống Ngô Đình Diệm. Xin chỉ giới hạn vào bốn tác giả mà sách của họ đã được thử thách với thờì gian. Trong số bốn ngươì này, hai là linh mục Ki-tô giáo:

- Theo Wilson D Miscamlble, giáo sư môn sử/đaị học Notre Dame/Indiana, trong bài viết  “Francis Cardinal Spellman and Spellman’s War”, lý do người Mỹ nhúng tay vào chiến tranh VN bắt nguồn từ Chiến Tranh Lạnh kéo dài từ châu Âu.  Dưới ảnh hưởng vô cùng to lớn của Spellman, chính giới Mỹ đều tin tưởng rằng sự bành trướng của khối Cộng Sản Liên Sô và đồng minh của họ, Bắc VN, là mối đe dọa trực tiếp nước Mỹ.

- “The American Pope: The Life and Times of Francis Cardinal Spellman”, tác giả John Cooney (cây bút cuả Wall Street Journal) viết: Nếu không có Spellman ủng hộ Ngô ĐìnhDiệm hồi 1950, chắc chắn không có chính phủ miền Nam Việt Nam.” Cooney dành 18 trang riêng về Spellman và Việt Nam. Tờ Church & State  phê bình  “dẫn chứng kỹ càng, tất cả người Mỹ nên đọc và học hỏi”

- “An American Requiem/Kinh Cầu Hồn Nước Mỹ”, tự truyện, tác giả James Carroll có bố là trung tá tình báo Pentagon: chuyên viên tìm toạ độ để ném bom ở Việt Nam, mẹ lại là bạn thân cuả hồng y Spellman. Ông viết “Chiến tranh VN bắt đầu từ Spellman”, sách-bán-chạy nhất 1960-70, đoạt National Book Award for Non-Fiction (1996), giải thưởng cao quí nhất cuả văn học Mỹ. Carroll dành nguyên chương 8, “Holy War/Cuộc Chiến Thần Thánh” cho chiến tranh Việt Nam.

- Theo linh mục Martin Malachi: Spellman dấn thân vào Việt Nam là theo ý muốn của Giáo Hoàng Pius XII: muốn ngưòi Mỹ đưa ông Ngô Đình Diệm lên vì ảnh hưởng của tổng giám mục Ngô Đình Thục.

[Ghi chú: Linh mục Malachi, giáo sư Giáo hoàng Học Viện Vatican (Pontifical Biblical Institute) từ 1958 đến 1964, cùng thờì điểm chìến tranh Việt Nam.  Ông là phụ tá, thư ký riêng, thông dịch viên cho hồng y Augustin Bea/dòng Jesuit và cho Giáo hoàng John XXIII.  Ông ở cùng dinh vơí giáo hoàng John XXIII, được giao phó nhiều việc “nhậy cảm”. Là linh mục dòng Jesuits/dòng Tên trong 25 năm, năm 1965 ông xin chấm dứt ơn kêu goị, nghiã là ra khỏi dòng Jesuits. Ông qua New York, sống lang thang làm bồi bàn, tài xế taxi, rửa chén. Hai năm sau ông bắt đầu kiếm ăn bằng viết sách. Cuốn nổi tiếng nhất: “The Jesuits: The Society of Jesus and the Betrayal of the Roman Catholic Church/ Dòng Jesuit và Sự Phản Bội Của Giáo Hội La Mã”].

(Cả ba cuốn The American Pope, An American Requiem, The Jesuits đều có trên amazon.com.)
 
      
Có thể tóm tắt: được các nhân vật tối cao cuả lập pháp, tư pháp, tình báo, taì phiệt và tôn giáo Hoa Kỳ đã nâng đỡ, con đường hoạn lộ cuả ông quan Á Châu Ngô Đình Diệm giống như truyện cổ tích Cô Bé Lọ Lem, ngọai trừ đoạn cuối.

1. 1951: taị New York, Hồng Y Spellman giới thiệu ông quan-tự lưu vong-Ngô Đình Diệm với chính giới Mỹ, gồm thượng nghị sĩ Michael Mansfield, thẩm phán tối cao pháp viện William O. Douglas, trùm CIA Allen Dulles, cha con Joseph Kennedy, tất cả là tín đồ công giáo.

2. 1954: CIA gửi Edward Landsdale qua Saigon hóa phép “trưng cầu dân ý” truất phế Baỏ Đaị-ủng hộ thủ tứơng NĐDiệm. Landsdale đề nghị tỷ lệ đắc cử là 70%, ông Diệm không đồng ý, đòi phải đạt được 92.2%, con số cao hơn cả số cử tri ghi danh.

3.  1955: Bộ Ngoaị Giao gửi đoàn cố vấn dân sự  qua Saigon (giáo sư Wesley Fishel/đại học Michigan cầm đầu) soạn cấu trúc cho an ninh, kinh tế, giáo dục, hành chánh, soạn cả hiến pháp cho Việt Nam Cộng Hòa. Cơ quan USAID/Sở Thông tin Hoa Kỳ phát không tờ Thế Giới Tự Do, lò sản xuất những khẩu hiệu như “tiền đồn chống cộng, lý tưởng tự do, ngươì quốc gia…”. USAID cũng bao dàn trọn gói luôn tờ The Times bằng tiếng Anh của ông Ngô Đình Nhu.

4.   1955: chính phủ Eisenhower tài trợ  20 triệu đô la cho quĩ [Roman] Catholic Relief Services , “Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo”.  Hồng y Spellman cũng đích thân viếng Saigon và tặng  $100,000 cho quỹ này, giúp tái định cư ngưòi di cư (có tài liệu ghi $10,000). Từ đó mỗi năm, Hoa Kỳ viện trợ khoảng 500 triệu đô la một năm cho Việt Nam Cọng Hòa.

5.  Ngoài cố vấn Mỹ chính thức tạị dinh Độc Lập, Spellman còn gàì điệp viên kiểm soát hai anh em ông Diệm-Nhu. 

6.  Từ đầu năm 1963, Spellman bắt đầu tách rời khỏi Ngô Đình Diệm khi chính phủ Diệm từ chối không cho thêm quân nhân Hoa Kỳ vào Việt Nam.

7.  Ngày 7-9-1963  tổng giám mục Ngô Đình Thục rời Việt Nam qua Roma, bước lưu vong đầu tiên, không được giáo hoàng Paul VI tiếp.  Ngày 11-9-1963 Ngô Đình Thục bay qua New York cầu cứu, hồng y Spellman lánh mặt đi Miami Beach/Florida dự lễ gắn huy chưong.

8.  Ngày 1-11-1963: Spellman bật đèn xanh cho âm mưu dứt điểm con nuôi Ngô Đình Diệm. Từ đó,  Spellman không hề nhắc đến tên Thục-Diệm thêm một lần nào nữa. 

9. Spellman tiếp tục đìều khiển guồng máy chiến tranh Việt Nam không-Diệm cho đến khi về hưởng nhan thánh Chuá năm 1967.

Hồng  Y hay đaị tướng?

Đáng lẽ Hồng y Spellman phải theo nghiệp binh đao. Năm 1943, chỉ trong bốn tháng, ngài vượt 15,000 miles, đến 16 quốc gia vừa là đại diện của Vatican, vừa là tổng tuyên uý quân đội, vừa là đặc sứ cuả tổng thống Roosevelt.  Ngài khéo léo luôn để Vatican đứng ngoài, và đứng trên chìến tranh.  Ngài đuợc West Point trao tặng huy chương. Ngàì có bằng lái máy bay cả ở Italy lẫn Massachussets. 

Fidel Castro mô tả hồng y Spellman là “Giám mục của Ngũ Giác Đài, của CIA và FBI”. Tổng thống Mỹ còn sợ bị ám sát, Spellman thì không. Trong cuốn “Vietnam… Why Did We Go?/Vì Sao Chúng Ta Đã Đi Việt Nam” tác giả Avro Manhattan chứng minh “siêu quyền lực” giết tổng thống John Kennedy chính là  Hồng y Spellman. Bản dịch tiếng Việt, có trên internet, dịch giả Trần Thanh Lưu.
 

“Vietnam, Why Did We Go?” Câu chuyện gây sốc về vai trò của “giáo hội” Công giáo trong buổi khởi đầu của Chiến tranh Việt Nam - Hồng y Spellman, Chỉ huy Tuyên úy quân đội Mỹ.

Hậu thuẫn lớn của hồng y Spellman cho chính quyền Lyndon Johnson không phải ở châu Mỹ La Tinh, mà ở Việt Nam. Dù ở tuổi nào ngài cũng thich làm “anh là lính đa tình”. Ngaì thường xuyên gặp gỡ các ông tướng ở tòa Bạch Ốc, có mặt tại những phiên họp mật của tình báo. Ngài họp với Ngũ Giác Đài, bàn cãi chiến thuật/chiến lược với hàng tướng lãnh.  Phiên họp cuối ngài tham dự, tháng 3/1965, tại Carlisle một trưòng huấn luyện quân sự ở Pensylvania. Ngài cho tiền các giáo hội địa phương, nguồn cung cấp tin tức vô tận. Khi cần ngài hỗ trợ cho CIA và FBI khiến hai cơ quan này khép nép dưới chân ngài. Họ không sao có được mạng lướí rộng lớn, miễn phí và trung thành như giáo dân. Trong khi hồng y Spellman chỉ phán một câu, các giáo hội địa phương xa xôi nghèo nàn mừng mừng tủi tủi, vứt cả tổ tiên ứng hầu thánh ý.

Linh mục William F. Powers viết “Hình như Hồng Y Spellman đến Việt Nam để ban phép lành cho những khẩu đại bác, trong khi giáo hoàng John 23 đang năn nỉ phải cất chúng đi.  Ngài sang thăm lính Mỹ ở Việt Nam trong binh phục kaki vàng. Có lần, vừa trở về từ mặt trận VN, “áo anh mùi thuốc súng” ngài lập tức bay đến Washington dùng cơm trưa với tổng thống Johnson, có cả mục sư Billy Graham (đuợc coi như Giáo hoàng Tin Lành ở Mỹ). Tổng thống hỏi ý cả hai ngài bước kế tiếp phải làm gì. Trong khi mục sư Graham còn đang lúng túng giữ yên lặng, HY Spellman không ngần ngaị, nói liền một câu lạnh cẳng “Thả bom chúng! Chỉ việc thả bom chúng!” Và Johnson đã làm theo lời cố vấn cuả ngài. [Thus, when Johnson asked both Spellman and Billy Graham at a luncheon what he should do next in Vietnam, Graham was uncomfortably silent. “Bomb them!” Spellman unhesitatingly ordered. “Just bomb them!”And Johnson did].  Chúng là ai? Là người Việt. Chưa được đọc bài nào của tác giả Việt về câu nói kinh hãi này. Chỉ mới thấy tác giả Nguyễn Tiến Hưng giận dữ về câu “Sao chúng nó không chết phứt đi cho rồi” cuả ông Henry Kissinger.

Billy Graham (1918-) đâu phải tay mơ. Ông được coi như “giaó hoàng Tin Lành,” cố vấn các tổng thống Mỹ từ đời Eisenhower đến G. Bush. Ông rất oai, quở trách tổng thống Richard Nixon như con cái trong nhà. Có lẽ thấy Spellman ngon lành quá, Graham bắt chưóc y chang khiến ông cũng rất nổi tiếng trong quân sử Hoa kỳ với lá thơ 13 trang: Năm 1969 Graham đến Bangkok gặp gỡ vài “nhà truyền giáo” từ VN qua.  Các đaị diện Chúa sau khi làm dấu thánh giá, đề nghị nếu hội nghị hoà bình Paris thất bại, Nixon nên dội bom các đê điều ở Bắc Việt. Không rõ các nhà truyền giáo này kiêm điệp viên hay điệp viên kiêm nhà truyền giáo, họ là người Việt hay ngưòi ngoaị quốc, thuộc dòng nào, từ đâu qua Bangkok gặp Graham… rất tiếc bản tin không nói rõ. Trở về Mỹ, Billy hăng hái gửi 13 trang viết tay đề ngày 15-4-1969 cho tổng thống Nixon “dội bom các đê Bắc Việt Nam, chỉ trong một đêm thì kinh tế ở đó tiêu đìều liền hà”. Bức thư này đuơc bạch hóa tháng 4/1989. 

Tạ ơn Chúa, Alleluia!! “Dội bom đê điều” giết cả triệu dân là tội ác chiến tranh!  Người Mỹ phải hành quân đáng mặt nưóc lớn. Họ không quên án lệ Arthur Seyss-Inquart, luật sư ngườì Đức, sĩ quan Phát xít cuả Hitler. Ngày 16-10-1946, toà án  quốc tế xử treo cổ ông này và 10 người khác vì phá hủy đê ở Hoà Lan trong thế chiến II. Trưóc khi chết, Seyss-Inquart còn nói kiểu sân khấu: “Hy vọng cuộc hành hình này là thảm kịch cuối cùng cuả thế chiến II mà bài học sẽ là hoà bình và hiểu biết giữa con người.” Tử tội xin “trở laị đạo”, đuợc xưng tội và chiụ  đủ các phép bí tích. Kể cũng hay, giết ngưòi xong xưng tội là linh mục tha tội ngay, Chúa có tha không tính sau. Có hơi thắc mắc không biết ông có tái sinh làm Ki-tô hữu chưa.

Wilson D. Miscamble kết luận về “sự nghiệp” cuả hồng y Spellman như sau:

Lòng ái quốc mù quáng đã ngăn cản ông tự hỏi một điều rất quan trọng “mục đích của chiến tranh là gì?” Ông cũng không thèm biết đến “phương tiện và hậu quả”.

Ông không hề biết rằng những báo cáo của chính phủ về Việt Nam là lừa gạt.

Ông không bao giờ biết đến nhân mạng và tiền bạc trả cho cuộc chiến tính đến 1967.

Ông cũng không bao giờ phản đối cách nước Mỹ tiến hành cuộc chiến. Ngược lại ông là người cổ võ việc ném bom Bắc Việt Nam.

Cuối cùng, ông không bao giờ tỏ ý hối tiếc về vai trò cuả ông. Sự thiệt hại nhân mạng do việc dội bom cũng không hề dấy lên trong ông bất cứ một tình cảm nào. Đó là điều đáng trách nhất, vì ông là một đấng chủ chăn.

Theo nhà tranh đấu Lê Thị Công Nhân:

“Sự kiện 30-4-75 thì tôi không phải là chứng nhân của sự kiện đó vì tôi sinh ra vào năm 1979 nhưng với những gì mà tôi trực tiếp trải qua, và tôi chịu đựng trên đất nước Việt Nam, tôi thấy đây là 1 sự kiện hết sức đặc biệt và cá nhân tôi nghĩ rằng đây là sự an bài nghiệt ngã của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc Việt Nam”.

Cứ dâng vạn nỗi đau thương lên cho Chúa, người cũng sẽ im lặng như ngàn năm nay, như khi dân Do Thái cuả Chúa bị tận diệt. Đổ cho Chúa, Việt Cộng mừng vì “Chúa an bài như thế, khỏi tranh đấu nữa”. Hồng y Spellman mừng, Cộng sản quốc tế mừng, tư bản mừng! Cứ làm đi rồi đổ hô cho Chúa. Nhưng một khi bom đạn và tổn thất sinh mạng cân đong đo đếm được thì nguyên nhân/thủ phạm cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Dù không làm kẻ chết sống lại, người mù sáng mắt, nhưng ít ra học được vô số bài học. Nếu không, chắc chắn quá khứ sẽ lập lại thêm lần nữa.

Có khi đang lặng lẽ xảy ra cũng nên!

Trần Thị Vỉnh Tường

[Nguồn: Tạp chí SàiGòn Nhỏ, số 1265, ngày 22 tháng 10 năm 2010, Ấn bản Orange County, trang A1]

 

 

 

 

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013


BÁT CƠM BẢO HỘ CỦA NGÔ ĐÌNH KHÔI

Vũ Ngự Chiêu

Sử gia Vũ Ngự Chiêu đã tìm được trong văn khố Pháp một tài liệu quan trọng giúp chúng ta biết được thái độ “chống Pháp” của người trong gia đình Ngô Đình Diệm:

Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, anh em ông Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đã nương vào thế lực của đoàn quân viễn chinh Nhật tại Việt Nam để hoạt động chống Pháp. Mùa hè năm 1944, tổ chức Đại Việt Phục Hưng Hội của họ Ngô bị Mật Thám Pháp khám phá và hơn 50 thành viên của hội bị bắt giam. Ngô Đình Diệm may mắn được người Nhật giúp thoát khỏi bàn tay người Pháp, nhưng Ngô Đình Khôi thì lại phải đối diện với cơ quan an ninh của chế độ Bảo Hộ.

Ông Khôi đã nhờ Ngô Đình Nhu nói với Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Paul Arnoux ông ta xin thề ông không bao giờ xúi ai chống Pháp  và chỉ mong được nhận bát cơm từ tay nước Pháp mà thôi. Sau đây là nguyên văn trong bức điện tín mà Arnoux đã gửi cho Toàn Quyền Jean Decoux để báo cáo thượng cấp về vụ này:

NGO DINH DIEM est toujours en Indochine. NGO DINH NHU reconnaît son agitation coupable et aveuglément ardente; il aurait reçu hier après-midi sur crucifix de son aîné KHOI – que ce dernier n’a jamais incité quiconque contre la France à laquelle il ne demande plus que  son bol de riz ajoutant  il ne nourrit aucun mauvais sentiment contre gouverneur général qu’il considère comme animé droiture parfaite malgré erreurs dues ses collaborateurs.”

[NGÔ ĐÌNH DIỆM thì vẫn luôn luôn ở Đông Dương. (Còn) NGÔ ĐÌNH NHU thì thú nhận tội sách động và nhiệt tình mù quáng; chiều hôm qua, Nhu thề trước thập giá là người anh trưởng (Ngô Đình) Khôi không bao giờ xúi dục ai chống lại nước Pháp là quốc gia mà Khôi không đòi hỏi gì hơn là “bát cơm”, và thêm rằng Khôi không nuôi trong lòng một tình cảm xấu xa nào đối với quan Toàn quyền mà Khôi cho là biểu hiện sự ngay thẳng tuyệt hảo dù những cọng sự viên của quan có lầm lỗi’ – Ban Chủ biên dịch]

Thái độ của Ngô Đình Khôi thật khác thái độ của những vị chí sĩ đấu tranh chống Pháp như Nguyễn An Ninh hay Nguyễn Thế Truyền rất xa. Ninh chết trong tù ngoài Côn Đảo còn Truyền bị đày sang Madagascar.

Bản phóng ảnh của bức điện tín nói trên đã được  in lại trong: Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 3, Văn Hóa, 2000, tr. 856.