Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017


CAN THIỆP VỀ NHÂN QUYỀN

Cao Huy Thuần



Các anh chị thân mến, tôi muốn nói lên ở đây cảm giác phân thây của tôi mỗi khi có ai đó can thiệp về vấn đề nhân quyền trong nước khác, nhất là trong nước tôi. Tôi chắc chắn rằng cảm giác của tôi cũng là cảm giác của các anh chị, cảm giác của bất cứ ai yêu nước mình, nhưng cũng yêu công bằng, yêu nhân ái, yêu con người, yêu sự sống. Một đằng, tự hào dân tộc và ký ức về quá khứ nô lệ làm tôi sôi máu khi có kẻ mạnh nào lên mặt dạy bảo về văn hóa và văn minh. Một đằng, bài học nhân nghĩa của Nguyễn Trãi khiến ta mơ ước một xã hội đẹp hơn nữa trong quan hệ giữa người với người, giữa dân với nước. Tôi nghĩ đến lúc chúng ta nói lên được điều này với nhau nhân hội thảo hôm nay về ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Can thiệp về nhân quyền là một vấn đề nóng bỏng trong hiện tượng này.


I

Thật ra, can thiệp là chuyện cũ mèm như chiếc tất rách. Bảo vệ Thượng Đế, bảo vệ lòng tin, bảo vệ con chiên, tự do truyền đạo, pax romana, thập tự quân, thánh chiến, chiến tranh trăm năm, ánh sáng văn minh, tối tăm thuộc địa, tù ngục cọng sản, thiên đường tự do… bao nhiêu cớ để can thiệp đã được viện ra trong lịch sử châu Âu và lịch sử bành trướng châu Âu. Cái mới của ngày hôm nay là sự nổ bùng của các tổ chức phi chính phủ và vai trò tiên phong, xung kích của các tổ chức đó, hoặc đồng tình, hoặc độc lập với các chính quyền, trên mặt trận nhân quyền. Uy thế của các tổ chức này dựa trên nhiều hậu quả của tiến trình toàn cầu hóa: toàn cầu hóa về giá trị dân chủ, toàn cầu hóa về hình ảnh trên truyền hình, toàn cầu hóa về dư luận, và từ đó toàn cầu hóa về cảm xúc, thương xót. Bởi vậy tôi sẽ bắt đầu bằng các tổ chức phi chính phủ, tuy rằng trong thế giới ngày nay, đâu là "tư" đâu là "công", đâu là "phi" đâu là chẳng "phi", đâu là bên trong đâu là bên ngoài, rất khó phân biệt biên giới. Dù thò bàn tay vào, dù rút bàn tay ra, các chính quyền không dại gì mà không điều động thị trường thương xót khi xót thương chiếm lĩnh miếng đất cắm dùi của tranh chấp ý thức hệ ngày hôm qua. Trong số mấy ngàn tổ chức phi chính phủ và giữa các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tiếng trên thế giới, tôi lại hạn chế vấn đề vào các tổ chức của Pháp mà thôi, chẳng phải vì gà gô-loa gáy hay gì mà vì cái tên gọi của họ có liên quan mật thiết đến đề tài hội thảo hôm nay: Médecins sans frontières.

Sans frontières. Không biên giới. Cái tên gọi vừa phát biểu một lý tưởng nhân loại cao đẹp, vừa hiển lộ một tham vọng chính trị lớn, tham vọng phá biên giới. Họ lập luận: quan tâm duy nhất của người thầy thuốc là trị bệnh, không cần biết lý lịch, quốc tịch của người bệnh. Y hệt xe cứu thương chỉ biết bệnh nhân kêu, chạy thật gấp, không cần biết đèn xanh đèn đỏ, thầy thuốc không biết biên giới. Các nạn nhân do thiên tai hoặc con người gây ra cũng cần cấp cứu như thế. Sống chết của họ đặt ra một vấn đề đạo đức, "đạo đức tối khẩn", morale d'extrême urgence. Vì đạo đức đó, biên giới không có ý nghĩa gì nữa, đâu có nạn là ta cứ đi.
Có thật như thế chăng? Có thật chăng xe cứu thương cần một đạo đức mới, đạo đức tối khẩn? Hay đó là đạo đức nghề nghiệp bình thường của mọi người y sĩ? Và nếu xe cứu thương vượt đèn xanh đèn đỏ, phải chăng vì chiếc xe có một quyền đặc biệt được luật lệ giao thông công nhận? Ðó là vấn đề quyền. Chẳng đạo đức gì mới cả. Các ông lang Pháp - French doctors - bày chuyện đạo đức ra như thế để nêu lên vấn đề bổn phận. Bổn phận phải đến với nạn nhân, nghĩa là phải vượt qua bên kia biên giới. Nhưng bổn phận cũng chưa phải là mục tiêu cuối cùng của các ông. Từ bổn phận đó, các ông muốn đòi công nhận một quyền. Quyền gì? Hoặc là quyền của các nạn nhân được cứu trợ, droit d'assistance. Hoặc là quyền can thiệp của chính các ông, droit d'ingérence. Bao nhiêu mực đã chảy ra từ cái droit d'ingérence này!

Từ lâu, luật nhân đạo (droit humanitaire) đã được quy định trong luật quốc tế với Chữ Thập Ðỏ đóng vai trò tiên phong. Các ông French doctors muốn qua mặt Chữ Thập Đỏ trong quan niệm và cách thức cứu trợ. Các ông muốn làm cách mạng trong lĩnh vực luật nhân đạo đó. Chơi theo kiểu cổ điển, với giấy phép xuất nhập cảnh và hàng rào quan thuế, các ông không hưng phấn. Các ông muốn cuộc chơi hào hứng hơn. Chẳng hạn để trợ lực cho chiến khu Papouasie - Nouvelle Guinée, các ông hóa trang y cụ dưới hình thức dàn nhạc rock và vượt biên vào đảo nhân cơ hội một phét-ti-van âm nhạc. Trường ca chiến công của các ông còn ghi hào khí ngất trời của bác sĩ Augoyard vượt biên vào Afghanistan để giúp các trẻ em nạn nhân chiến tranh: ông bị quân đội Liên Xô rượt bắt suốt 72 giờ trên tuyết và nhốt 8 năm tù.

Các ông "vô biên giới" cũng muốn đẩy Chữ Thập Đỏ vào lạc hậu bằng cách kết án lối cứu trợ trong im lặng. Phải cứu trợ và phải la làng. Phải làm nhân chứng. Phải lạnh lùng vung gươm ra sa trường để "cứu các dân tộc đang lâm nguy". Phải faire le tapage, làm rùm beng, dù sẽ bị trục xuất. Chữ Thập Đỏ hoạt động trên nguyên tắc trung lập, Médecins sans frontières lấy lập trường, chọn phe cánh. Cho nên một tay thì các ông cầm ống mạch, một tay cầm máy quay phim. Tay chích tay quay. Phải lấy hình ảnh để tố cáo. Để kích thích lương tâm dư luận. Phải làm thế nào để bà đầm đang ngồi coi tivi với con chó xù kia phải động lòng trắc ẩn để rốt cục phải mở ví rút sổ ngân phiếu ký một đường hào hiệp. Ở thời đại truyền thông có tốc độ ánh sáng này, không có hình ảnh trên tivi thì không ai biết đến mình, không ai biết đến mình thì không ai cho tiền, không ai cho tiền thì dẹp tiệm cứu trợ, dẹp charity business. Đó là luật thép của các tổ chức phi chính phủ. Bernard Kouchner, cha đẻ của lý thuyết can thiệp, giải thích: "Sự phẫn nộ của ngày hôm nay, đạo đức của ngày hôm nay đến từ con mắt". "Can thiệp, trước hết là cái nhìn". "Không có hình ảnh, không có công phẫn". Mồ côi Marx, mồ côi 1968, mồ côi Việt Nam, Kouchner lập thuyết rằng chính trị của ngày mai sẽ được xây dựng trên truyền thông và nhân đạo, và do đó sẽ rất sảng khoái. Cứu trợ sẽ đưa đến giao lưu văn hóa, và hơn thế nữa, "cuộc chiến đấu vì tình nghĩa liên đới diễn ra ở những nước xa xăm là cuộc phiêu lưu cuối cùng mà Tây phương đang chuẩn bị. Can thiệp sẽ tạo ra chất xi măng cho một hợp đồng quốc tế trước khi luật pháp chính thức thừa nhận hợp đồng này". Chưa hết, can thiệp "dự báo trước một chính phủ quốc tế" trong đó công dân của các nước giàu sẽ gánh trên vai thống khổ của loài người. Và như vậy, "can thiệp sẽ giới hạn hoặc ngăn cản chiến tranh" (1).

Có lẽ các anh chị không bằng lòng về cách hành văn diễu cợt của tôi trong một hội nghị khoa học nghiêm túc như thế này. Nhưng làm sao tôi không diễu cợt được khi phải đọc luận thuyết chính trị như thế. Khốn thay, thời đại bây giờ là thời đại của những luận thuyết như vậy, và muốn ăn khách thì phải cần và chỉ cần nói như thế thôi. Bằng chứng là tác giả đã được một tạp chí bầu làm nhân vật ăn khách nhất ở nước Pháp. Một buổi sáng đẹp trời năm 1992, hai con tôi, lúc đó 7 và 10 tuổi, đi học với một lon gạo trong cặp. Ðể làm gì? Để gởi phần của chúng nó cùng với phần của tất cả học sinh tiểu học ở Pháp qua Somalie cứu trợ nạn đói ở đấy. Trước đó, chúng nó đã nghe ca sĩ Patrick Bruel khuyến khích trẻ em mang gạo đến trường như vậy. Mỗi em bé Somalie sẽ nhận 1 ký gạo. Chúng nó vui quá. Ðâu có nghĩ như người lớn, như tôi: với 1 kí gạo, em bé Somalie kia sẽ ký hợp đồng với tử thần không chết ngày mai mà chết ngày mốt. Tôi không độc miệng đâu. Trong một chương trình truyền hình danh tiếng La Marche du Siècle, một chàng thầy thuốc trẻ tuổi kể rằng chàng phát gạo nhiều hay ít cho người này hay người kia tùy theo sự chẩn đoán người nào chết ngày mai hay ngày mốt. Tôi đã không diễu với các con tôi, bởi vì chúng nó đã học một bài học đẹp về liên đới. Nhưng chẳng lẽ tôi không diễu chút đỉnh với các anh chị về tấm hình ông Kouchner vác túi gạo đăng trên báo chí?

Nhưng bây giờ thì tôi không diễu nữa, bởi vì có một nhân vật rất nghiêm trang biết đó không phải là chuyện diễu. Ngày 5-10-1987, nhân lễ dời tro của René Cassin vào điện Panthéon, tổng thống Mitterrand long trọng tuyên bố: "Nhu cầu cứu trợ nhân đạo, giống như hình ảnh, vượt qua những biên giới của ý thức hệ, của ngôn ngữ, của kiểm duyệt, và có khi của cả chủ quyền quốc gia. Bởi vì nó nằm nơi mỗi người, sự thống khổ là phổ quát. Quyền của các nạn nhân được cứu trợ khi họ kêu cứu, và được cứu trợ do những người tự nguyện có thái độ trung lập vì nghề nghiệp, do cái bổn phận gần đây được gọi là "bổn phận can thiệp" nhân đạo, trong những hoàn cảnh cực kỳ khẩn cấp, tất cả những điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ được ghi một ngày nào đó vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Thật vậy, hiển nhiên là không một quốc gia nào được xem như sở hữu chủ của những thống khổ mà quốc gia đó gây ra hay không muốn ai động tới(2).

Trước đó, đầu năm 1987, cả tổng thống Mitterrand lẫn thủ tướng Chirac cùng đến dự một hội thảo do Kouchner và Bettati tổ chức tại Sorbonne để quảng bá cho khái niệm "bổn phận can thiệp" vừa được tung ra. Tháng 5 năm ấy, Mitterrand tái cử tổng thống, Kouchner được chọn làm thứ trưởng phụ trách hoạt động nhân đạo. Nhân đạo đi vào chính phủ như một chính sách, hấp dẫn, sảng khoái, hiện đại như một cô gái tơ bên cạnh Bộ Ngoại Giao, nghiêm nghị, cổ điển như một bậc mẫu nghi thiên hạ. Sự thống khổ là phổ quát, la douleur est universelle, bởi vì nó nằm nơi mỗi người: câu văn nhẹ như cánh chim, nhưng ý tưởng nặng như quả đấm thôi sơn nện vào khái niệm biên giới. Giữa miệng người kêu khổ với tai người cứu khổ, chẳng còn Trường Sơn, Hy Mã Lạp, U ran gì nữa cả.

Nhẹ như cánh chim, câu văn tìm chỗ đáp xuống. Và nó đáp xuống nhà gương của Liên Hợp Quốc. Ngày 8-12-1988, dưới nổ lực ngoại giao của Pháp, Đại Hội Đồng LHQ biểu quyết một quyết nghị (43/131) nửa nạc nửa mỡ, nửa nạc thì hai ba lần xác nhận chủ quyền quốc gia, nửa mỡ thì nhét vào cho kỳ được nhu cầu khẩn thiết của các tổ chức phi chính phủ phải được đến tận bên cạnh nạn nhân của những thiên tai "và những tình trạng khẩn cấp tương tự". Sau đó, ngày 14-12-1990, vẫn dưới huy động của Pháp, Đại Hội Đồng LHQ biểu quyết quyết nghị 45/100 bổ túc thêm một khía cạnh kỹ thuật bằng cách tổ chức "những hành lang khẩn thiết" để vận chuyển lương thực, thuốc men. Cả hai yếu tố mới đó - nhu cầu đến tận nạn nhân và tổ chức hành lang khẩn thiết - được phần đông giới luật gia ca ngợi như một thắng lợi pháp lý vẻ vang của quyền con người trên quyền của quốc gia, của đạo đức trên sức mạnh trần trụi.

Tình hình quốc tế thuận lợi hồi đó cho phép họ thừa thắng xông lên thêm nữa. Năm 1991, dân Kurdes ở Irak nổi loạn chống lại chính quyền trung ương; bị đàn áp, hàng trăm ngàn người chạy loạn về phía biên giới những nước lân cận, gây tình trạng hỗn loạn, đe dọa hòa bình và an ninh trong vùng, nghĩa là tạo duyên cớ chính đáng cho phép Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp hợp pháp theo điều 2 đoạn 7 của Hiến Chương. Với lý do đó, HÐBA biểu quyết quyết nghị 688 ngày 5-4-1991, một mặt kết án sự đàn áp của Irak, một mặt "nhấn mạnh để Irak cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế đến tận tất cả những người cần cứu trợ trong tất cả mọi vùng ở Irak". Sau khi quyết nghị đó được biểu quyết, Mỹ, Pháp và Anh tung ra chiến dịch quân sự cứu trợ dân di tản Kurdes mang tên là "Provide Comfort". Các giới luật gia nói trên xem quyết nghị 688 này như có tính lịch sử, mở kỷ nguyên mới trong việc giải thích lại nguyên tắc cấm can thiệp nói trong điều 2§7 của Hiến Chương.
Tôi không thừa nhận luận cứ như vậy. Trước hết, quyết nghị 688 không phải nhắm trước tiên đến chuyện cứu trợ dân di tản mà nhắm tránh hỗn loạn tại các biên giới Thổ và Iran, rất nguy hiểm cho quyền lợi của chính các cường quốc Tây phương. Thứ hai, lời lẽ trong quyết nghị rất ôn hòa, rất thận trọng, không có câu nào, chữ nào xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của Irak. Thứ ba, chiến dịch Provide Comfort chẳng ăn nhậu gì đến quyết nghị của HÐBA, chỉ là dựa hơi vào cái đuôi của một quyết nghị chứ không phải bắt nguồn từ một văn bản pháp lý. Quyết nghị 688 chỉ là một quyết nghị cá biệt, biểu quyết vì một mục đích cá biệt, áp dụng trong một trường hợp cá biệt, không thể xem như ví dụ của một nguyên tắc tổng quát.

Cũng phải được xem như thế một quyết nghị sau đó của HĐBA, biểu quyết vào tháng 12-1992 trong vụ Somalie. Nhận định rằng cuộc nội chiến tương tàn ở nước đó đã đưa đến những thảm cảnh nhân đạo và thảm cảnh này lại còn tàn khốc hơn nữa vì cứu trợ bị ngăn cản không đến được tay nạn nhân, HÐBA xem đây cũng là một đe dọa cho hòa bình và an ninh thế giới cho phép HĐBA can thiệp. Và cơ quan này đã can thiệp bằng cách gởi lực lượng quân sự đến Somalie để tái lập trật tự. Nhưng HÐBA nói thêm: đây là một "trường hợp cá biệt" đòi hỏi một "phản ứng tức thì và đặc biệt". Trường hợp Somalie lại cũng giống như trường hợp Bosnie cùng năm 1992. Trong cả hai trường hợp, tình thế quá thuận lợi, chưa bao giờ thuận lợi như thế, cho chủ thuyết can thiệp. Các nước mà LHQ đã can thiệp là các nước gần như tan tành xác pháo vì nội chiến, đất đai chia năm xẻ bảy, sắc tộc này xâu xé sắc tộc kia, tôn giáo, bộ lạc, sứ quân sát phạt nhau, diệt chủng nhau. Chính quyền trung ương đâu nữa mà nói chuyện chủ quyền! Chính tình trạng vô chính phủ này đã ngăn cản việc tiếp vận lương thực, chứ không phải một chủ quyền nào cả. Can thiệp ở đây không phải là can thiệp chống lại một chủ quyền quốc gia, hoặc là can thiệp mặc dù chủ quyền quốc gia, mà là can thiệp vào những lãnh thổ vô chủ quyền, phi chủ quyền, những collapsed states nói theo người Mỹ. Không thể nói đó là thắng lợi vẻ vang của chủ thuyết can thiệp trên chủ quyền quốc gia và lấy đó làm cớ để áp dụng như những tiền lệ.

Dù sao, lý thuyết phiêu lưu của Kouchner-Bettati và nổ lực ngoại giao của Pháp ở LHQ đã mang lại một cơn bão lớn trong chén trà chủ quyền. Trong các đại học luật ở Pháp, "droit d'ingérence humanitaire" được sinh viên học như một tiến bộ, một xu thế tất yếu của thời đại. Có thể nhiều thầy và trò đã không tán thành bom Mỹ Anh Pháp dội trên Kosovo, nhưng không mấy ai bênh vực Milosevic và chính sách đàn áp của ông. Lời lẽ cao thượng trong các diễn văn lắm khi chọc cười, nhưng dư luận đã không cười ông Chirac khi ông tuyên bố rằng can thiệp vào Kosovo là hành động của văn minh chống lại man rợ. Droit d'ingérence, dù nửa nạc nửa mỡ, dù chữ "quyền" đươc dùng như một lộng ngôn, vẫn được đại học ở đây trình bày như một khuynh hướng đang thành hình trong quá trình thoái trào của chủ quyền quốc gia trước sự tấn công của các lực lượng xuyên quốc gia mà các tổ chức phi chính phủ là các tay chơi cừ khôi. Chẳng thế sao Médecins sans frontières đã đoạt giải Nobel năm 1999?

Tôi không đủ thì giờ để đi sâu vào tranh chấp pháp lý, bác bỏ thực chất pháp lý của "quyền can thiệp" này. Chỉ nhấn mạnh trên hai điểm sau đây mà thôi. Thứ nhất, đây không phải chỉ là vấn đề cứu trợ nhân đạo. Bettati nói rõ: nạn nhân ở đây còn là nạn nhân của những tai họa chính trị. Kouchner nói rõ hơn nữa: vâng, chúng tôi bảo vệ một quan niệm về quyền của con người và về con người, chúng tôi tranh đấu cho dân chủ. Chiến trận của chúng tôi là chiến trận chính trị, chiến trận vì dân chủ. Vấn đề can thiệp, vì vậy, dù mang tên là nhân đạo, luôn luôn nhá nhem giữa nhân đạo và chính trị. Người can thiệp có lợi ích chính trị của họ. Thứ hai, chính quyền tại các nước châu Âu không dại gì để cho các tổ chức kia nắm độc quyền lấy lòng dân. Các chính đảng cũng vậy, lý tưởng nhân đạo là đề tài thu phục nhân tâm của họ giữa cơn khủng hoảng ý thức hệ và lòng tin nơi dân chúng. Kouchner nói rõ từ đầu: "bộ tam đa nhân đạo của ngày mai sẽ gồm các người tự nguyện, các ký giả và các nhà chính trị". Điều này quá hiển nhiên. Giá thử các người tự nguyện vượt biên giới và gặp cản trở, làm sao họ đến tận nạn nhân nếu không được các chính quyền hậu thuẫn để mở đường? Và nếu lại gặp cản trở nữa, làm sao tiến tới nếu không có súng đạn yểm trợ? Ở Bosnie, nhân đạo đi trước, súng đạn theo sau. Ở Kosovo, súng đạn nhân danh nhân quyền mà nổ và chẳng cần tranh thủ trước một quyết nghị tiên khởi của LHQ. Ngoại giao nhân đạo và bom NATO đã làm hạ màn một bản trường ca trên sân khấu can thiệp. Nếu vở kịch chỉ diễn bạo lực mà thôi, và diễn viên chỉ cầm súng trong tay mà không cầm ống chích nữa, thì đâu có gì mớỉ Thì chiếc tất rách của thế kỷ 19 rồi!

II

Tôi nghe nói có một nhà văn nào đó đã viết một câu bất hủ như thế này:"nửa mẫu bánh mì là bánh mì, nhưng nửa sự thật không phải là sự thật". Phục quá! Khổ thay, trong địa hạt chuyên môn của tôi, và hình như trong bất cứ chuyện gì khác trên đời, sự thật luôn luôn hiện ra dưới dạng hai nửa. Nửa bánh xe đạp cũng không phải là xe đạp. Nửa tờ giấy đô la cũng không phải là đô la. Nửa sự thật không phải là sự thật, nhưng hai nửa thì chắc được. Chuyện tôi đang nói đây về can thiệp nhân quyền cũng thế.

Quả thật tôi có diễu cợt cái mà nhiều đồng nghiệp của tôi gọi là droit d'ingérence. Nhưng tôi cũng gờm nó lắm đấy. Dù nó chẳng có thực chất pháp lý, tôi không nghĩ rằng những gì mà các ông "vô biên giới" đã làm ở LHQ sẽ dừng lại ở đấy. Trào lưu hiện tại là toàn cầu hóa những giá trị của con người và Hiến Chương LHQ có cơ sở để họ làm bàn đạp xông lên keo khác. Từ lâu rồi, các luật gia phương Tây nhấn mạnh rằng Hiến Chương LHQ nhằm hai mục tiêu chứ không phải một: duy trì hòa bình và bảo vệ quyền của con người. Đoạn mở đầu của Hiến Chương, được soạn thảo sau thảm cảnh diệt chủng của Đức Quốc Xã, tuyên bố tức khắc "lòng tin tưởng của chúng tôi vào những quyền căn bản của con người, vào phẩm cách của con người và giá trị của con người". Sự quan tâm đặc biệt về con người đó được xác nhận một lần nữa trong điều 1 nêu rõ "sự tôn trọng quyền của con người và những tự do căn bản của mọi người". Sau đó, nhiều văn bản pháp lý của LHQ đã kể ra một số quyền của con người (3) và tất cả đều nhìn cá nhân, quyền của cá nhân, an ninh của cá nhân ở ngoài và ở trên mọi liên hệ lệ thuộc đối với quốc gia.

Các luật gia đó nói thêm: tuy điều 2§7 cấm can thiệp vào nội bộ các quốc gia, nhưng điều đó đã được trau chuốt về sau trong nhiều quyết nghị để nói thêm rằng nguyên tắc đó "phải được thực hiện trong sự tôn trọng những quyền của con người và những tự do căn bản"(4). Họ giải thích: muốn thế phải có những cơ chế thích hợp và những quốc gia khác có thể dùng những biện pháp thông thường của ngoại giao như áp lực, trừng phạt về chính trị, trừng phạt về kinh tế để đòi hỏi phải tôn trọng những quyền cá nhân đó. Một vài vấn đề đặc biệt như diệt chủng, nô lệ, kỳ thị chủng tộc đã được Tòa án quốc tế xem như những bổn phận liên quan đến bất cứ ai (erga omnes), Nhà nước hay tư nhân. Rõ ràng hơn nữa là gần đây, một Tòa án hình sự quốc tế được thành lập để xử những cá nhân đã phạm tội ác chiến tranh ở Nam Tư và ở Rwanda. Tây phương làm áp lực tối đa để đòi đưa Milosevic ra tòa án đó và đã thành công. Các tay độc tài cũng nên dè chừng: láng cháng đi ra khỏi nước như Pinochet có thể bị tóm cổ. Kissinger đâu có ngờ nhận đước trát đòi ra hầu tòa ở Pháp khi vừa đến một khách sạn Paris!

Trên thực tế, tuy biên giới quốc gia vẫn còn đấy, nhưng hãy xem Irak: một số chủ quyền về lãnh thổ, về kinh tế, về chính trị, về tiềm năng quân sự đã lọt vào tay LHQ, nghĩa là Tây phương. Biên giới vẫn còn, nhưng các lý thuyết gia can thiệp cảnh cáo: từ nay, không chính quyền nào có thể ẩn nấp sau biên giới để làm bất cứ chuyện gì, bởi vì bất cứ chuyện gì cũng đều sẽ bị phanh phui ra giữa thanh thiên bạch nhật. Trong quan hệ quốc tế, một bước tiến quan trọng đã thành tựu: con người trở thành vấn đề quan tâm của thế giới, kể cả mối liên hệ giữa nó với quốc gia của nó.
Như vậy, dù nhìn vấn đề dưới con mắt tiến bộ hay con mắt bảo thủ, phải thấy trào lưu đưa con người lên hàng chủ thể của luật pháp và của bang giao quốc tế, tuy rằng trào lưu đó diễn ra dưới áp lực Tây phương. Chống lại trào lưu đó chăng? Việc gì mà chống? Vẫn có thể chống can thiệp mà không chống trào lưu. Đó chẳng phải là lý tưởng và nguyên do sinh thành của mọi quyền lực chính đáng hay sao? Không bảo vệ con người thì bảo vệ cái gì? Có cái gì quý hơn nữa? Độc lập, tự do để cho ai nếu không phải để con người nô lệ trở thành con người tự chủ?

Hơn nữa, bất cứ ai có chút lương tri đều xúc động trước sự chà đạp nhân phẩm của những bạo quyền trên thế giới. Trong lương tâm mỗi người, ai cũng biết nhận ra đạo đức, ai cũng muốn bênh kẻ yếu thế. Dù phải dè dặt đến bao nhiêu đi nữa đối với những tổ chức nhân đạo như Amnesty International chẳng hạn, khó mà phủ nhận toàn bộ vai trò của họ, khó bất cần biết uy thế tinh thần của họ trên dư luận thế giới, khó quên rằng tại châu Âu, hình ảnh những bộ xương người ở Auschwitz vẫn còn chập chờn trong mặc cảm tội lỗi cộng đồng. Phải biết như vậy để thấy rằng, trên thị trường thương xót, Mã Giám Sinh tràn lan, nhưng những chàng họ Lục tên là Vân Tiên không phải là không có. Đố có ai trong chúng ta ở đây không thường xuyên khắc khoải nghĩ đến vai trò của luật pháp, đến bổn phận của quốc gia đối với công dân của mình. Nói đến Auschwitz, có ai không nghĩ đến trong đầu những sọ người của thời Khmer đỏ? Có ai quên tác động giải phóng con người của Việt Nam khi can thiệp qua bên kia biên giới Tây Nam? Vậy thì can thiệp có khi lại hợp lòng người chăng?

Đó là tranh chấp diễn ra trong lương tâm thâm sâu của mỗi chúng ta, bởi vì con mắt trong lương tâm thường nhận ra hai nửa của một bộ mặt, nửa bênh vực con người, nửa bênh vực chủ quyền. Luật pháp cũng có hai nửa như vậy. Nửa này, như Rousseau đã nói, luật nhắm bảo vệ trật tự đã an bài, nghĩa là kẻ mạnh và kẻ giàu. Nhưng nửa kia, luật làm hòa dịu trật tự đó bằng cách buộc nó phải tuân theo những nguyên tắc, nghĩa là những giới hạn và những bổn phận, và như vậy luật bảo vệ kẻ yếu và kẻ nghèo. Nguyên tắc bất can thiệp là để bảo vệ các nước yếu chống lại tham vọng bá quyền của các nước lớn, nguyên tắc nhân quyền là để bảo vệ cá nhân chống lại áp bức trong lòng mỗi quốc gia. Nguyên tắc nào cũng bao hàm những hậu quả tiêu cực. Bất can thiệp và chủ quyền quốc gia có thể dung dưỡng bạo quyền. Can thiệp có thể tạo ra cái cớ cho đế quốc thao túng. Trong cả hai trường hợp, câu hỏi muôn đời vẫn là câu hỏi mà các con cừu, sống an toàn trước nanh vuốt chó sói, giữa hàng rào bao quanh, be he thốt ra bằng tiếng la tinh: quis custodiet custodet? Ai bảo vệ cho tôi chống lại những người bảo vệ tôi?

Mặc dầu thế, mặc dầu đế quốc và đế quyền đều là tai họa của con người, tôi vẫn bảo vệ chủ quyền quốc gia đến cùng. Bởi vì đó là điều kiện tiên quyết để quyền của con người được tôn trọng. Bởi vì đó cũng là một nửa của sự thật.
Đã đành, khi một ông quan hoạnh họe một người dân đen, ông ta không biết rằng giữa ông với người dân kia có một điểm chung là người. Không thấy người nơi người kia, ông cũng không thấy người nơi mình, không thấy người ở đâu cả. Ông cần phải học quyền của con người để biết rằng con người là có thực. Nhưng khi ông Bush dạy nhân quyền cho tôi, tôi muốn nhắc lại với ông rằng con người phải được nhìn ở cả hai mặt, trừu tượng và cụ thể. Trừu tượng, đó là con người trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948. Nhưng con người đó phải tổ chức thành xã hội để sống và do đó chỉ có thể thành người và phát triển khả năng người của mình một cách cụ thể ở trong những xã hội chính trị. Người thì ở đâu cũng là người, nhưng quyền của người chỉ được thực sự đặt ra và bảo vệ khi người là công dân. Từ xưa, Aristote đã nói rõ điều này. Diogène đã xách đèn đi ban đêm đề tìm cái mà ông không thấy: con người.Ý tưởng về con người chỉ có thể được quan niệm và thực hiện trong một cộng đồng chính trị đặc thù. Rousseau lặp lại quan niệm đó và rút ra những hậu quả rất xa về việc phân biệt giữa bên ngoài và bên trong của mỗi cộng đồng chính trị, giữa công dân ở bên trong và ngoại kiều ở bên ngoài. Từ đó, triết lý chính tri Âu châu bàn tới bàn lui về tính phổ quát và tính đặc thù với trường phái Pháp nghiêng hẳn về khuynh hướng thứ nhất, trường phái Đức, đặc biêt là Fichte, nghiêng hẳn về khuynh hướng thứ hai. Trường phái Pháp cũng không phải đồng nhất: bắt chước Diogène, Joseph de Maistre tuyên bố: tôi chỉ thấy người Đức, người Tàu, người Hy Lạp, còn con người thì thú thật tôi chưa bao giờ thấy trong đời.

Quan niệm này có thể đưa đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng ít ra nó cũng trình bày được mặt cụ thể của khái niệm "người" và vai trò quan trọng của lịch sử trong việc cấu tạo ra những xã hội cụ thể trong đó con người được hình thành. Kẻ nào mạnh cũng có khuynh hướng tấn công, kẻ nào tấn công cũng khoác cho mình một ý thức hệ phổ quát, cũng đem phổ quát để xóa những đặc thù: lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa, lãnh thổ, và bây giờ biên giới, quốc gia. Đưa nhân đạo lên thành ý thức hệ để can thiệp là cố tình không thèm suy nghĩ về chính trị, là đem quan niệm chính trị đặc thù của mình áp đặt lên người khác.Đưa hình ảnh nạn nhân lên màn ảnh truyền hình là phô cái khoảnh khắc, cái instant, mà dấu cái thiên thu: nơi hình ảnh kia, có cả một chiều sâu lịch sử mà các tác giả không thèm biết vì chẳng có ích lợi gì trong việc moi tiền bà đầm. Cái khổ nơi bộ xương kia, hay nơi chiếc vú không có sữa ấy, là cái khổ chính trị, và cái khổ chính trị thì không thể xoa bóp bằng vài hộp sữa đặc có đường.

Chủ quyền quốc gia có thể viện dẫn ra để che đậy những tội ác tày trời, nhưng không thể lấy những trường hợp đặc biệt để làm chỉ đạo trong bang giao quốc tế. Ngay trong một nước có luật lệ đàng hoàng, luật lệ vẫn không ngăn cấm được tội phạm xảy ra. Không một luật nào có thể ngăn cấm sự lạm dụng luật. Giữa một thế giới cạnh tranh sinh tồn hỗn loạn, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một yếu tố trật tự, là nguyên tắc duy nhất có thể quan niệm để tổ chức cuộc sống chung. Nếu muốn nói phổ quát thì đó là nguyên tắc phổ quát căn bản từ đó mọi văn kiện pháp lý quốc tế đã được tạo ra, bắt đầu là Hiến Chương LHQ. Trên măt pháp lý, thế giới là một tập hợp những chủ quyền quốc gia, và mỗi chủ quyền quốc gia là tuyệt đối đối với các chủ quyền khác. Ðiều đó không có nghĩa rằng cộng đồng quốc tế không thể can thiệp trong vài trường hợp nếu quốc gia nào đó không xứng đáng để hành xử chủ quyền, chẳng hạn có hành động đe dọa hòa bình quốc tế. Điều này được trù liệu trong Hiến Chương (chương VI, VII, VIII) nhưng phải nói rõ rằng đây là trường hợp đặc biệt, là ngoại lệ của nguyên tắc, và vì vậy sự can thiệp phải hội đủ những điều kiện chặt chẽ (5).

Gạt bỏ chủ quyền quốc gia, các lý thuyết can thiệp, với ngôn ngữ nhân đạo cao đẹp, thực sự biện minh cho sự hành xử sức mạnh, bởi vì chẳng bao giờ có sự can thiệp của nước yếu vào nước mạnh. Chủ quyền quốc gia lại càng phải được bảo vệ hơn nữa ngày nay, vì trong thời đại toàn cầu hóa này, chủ quyền đó bị tấn công từ mọi phía, từ trong, từ ngoài, từ trên, từ dưới, nhất là từ bên hông, do những lực lượng xuyên quốc gia mà chính quốc gia phải trải thảm đỏ mời vào. Liên hệ giữa những nền kinh tế, liên hệ giữa những xã hội xóa nhòa biên giới, làm biến đổi chủ quyền. Toàn cầu hóa là những con nhện khổng lồ, giăng tơ cùng khắp. Những lý thuyết mới về bang giao quốc tế đã dời lỗ rốn quan tâm của mình từ bang giao giữa các nước qua bang giao giữa các xã hội, xã hội này luồn vào xã hội kia, thịt này tra vào thịt kia, qua mặt cái xương sống biên giới. Mà không phải chỉ lý thuyết suông. Thực tế chiến lược cũng vậy. Cứ dùng xã hội len lỏi vào xã hội, làm đâm chồi nẩy lộc những thớ thịt xã hội, ấy là can thiệp mà không cần can thiệp. Cứ xem những hạt giống tôn giáo kia đang luồn lỏi đâm rễ như thế nào trong miếng đất mầu mỡ của tham nhũng, bất công và chèn ép đất đai của dân miền núi. Có Bộ Ngoại Giao nào không biết sử dụng hai tay, một tay lèo lái ngoại giao chính thức, một tay đưa đẩy hoạt động của các tổ chức phi chính phủ? Chủ quyền còn là cái gì khi xã hội tan rã hoặc biến đổi từ bên trong? Súng đạn nổ vào đâu, nổ vào ai, nổ vào trong ruột của chính mình? Chưa nói một quốc gia ngửa tay ăn xin viện trợ, một quốc gia muốn gia nhập vào một cộng đồng trù phú: làm sao có thể trú ẩn sau thành quách chủ quyền? Tội nghiệp ông tổng thống mới ở Nam Tư đã cố hết sức giữ cho cái áo giáp chủ quyền của ông khỏi thủng, nhưng mấy tỷ đô la và hơn thế nữa đã buộc ông đành lòng vẫy khăn tiễn Milosevic lên xe qua khám La Haye (*). Mà ví thử người ta để yên cho mình trú ẩn cũng không trốn được, phải xin gia nhập cuộc chơi thôi dù luật chơi chưa nắm vững trong tay. Tổ chức thương mại quốc tế là một ví dụ.

Tôi trót sinh ra trong một nước đã có lần mất độc lập với một hiệp ước bảo hộ. Trong một trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà tôi học lúc nhỏ có hình cố Bá-Đa-Lộc (Pigneau de Béhaine) cao lớn đặt tay lên vai một chú bé nhỏ xíu tên là Hoàng tử Cảnh đứng nép bên chân. Tôi cũng học thuộc lòng một bài thơ trong đó có câu:
Khai hóa có Đại Pháp 
Văn minh mở Lạc Hồng

Hình ảnh của bảo hộ in chặt trong đầu tôi như thế từ lúc bé. Một Nhà nườc bảo hộ to lớn. Một dân tộc ấu trĩ. Tôi tưởng cái danh từ protectorat đó đã được chôn sâu dưới đáy mồ nô lệ. Bỗng tôi bàng hoàng thấy nó tái hiện và chính thức áp dụng ở Kosovo mà không làm mấy ai chạnh lòng.

III

Chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền của con người. Bởi vậy tôi không chấp nhận quyền can thiệp, dù dân sự hay quân sự, chính phủ hay phi chính phủ. Tôi đồng ý với lập trường của Trung Quốc và lập trường của các nước Á châu khác trên điểm này. Nhưng tôi là con cháu của Nguyễn Trãi và không ai quên được rằng sau khi chiếm lại chủ quyền quốc gia, câu đầu tiên, câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo là tôn vinh dân:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân 
Quân điếu phạt trước cần trừ bạo

Điếu phạt là lấy từ chữ điếu dân phạt tội: thăm dân đánh kẻ có tội. Tội gì? Bạo quyền. Tất cả những lý thuyết chính trị tôi học được ở trường ốc, nói cho cùng, chưa chắc đã có ích lợi thực tiễn gì cho tôi và cho nước tôi bằng hai câu đơn giản mà thâm sâu ấy. Nguyễn Trãi đã đặt dân lên hàng đầu. Tại sao ta học ai khác mà không học chính cha ông của ta? Bởi vậy túi khôn chẳng cần kiếm đâu xa, nó nằm ngay nơi chiếc áo ta mặc. Có thiếu chăng là ý muốn áp dụng chân thành. Đó sẽ là kết luận của tôi. Nhưng trước khi kết luận, tôi muốn lượn qua một vòng vài thái độ về can thiệp và nhân quyền.

Ạ- Trước hết, hiển nhiên là thái độ của Trung Quốc.
Tôi trích nguyên văn lời tuyên bố của cựu thủ tướng Lý Bằng tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội Đồng Bảo An ngày 31-1-1992:
"Trật tự quốc tế mới phải được xây dựng trên những nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lăng, không can thiệp vào nội bộ, bình đẳng, có lợi lẫn nhau và chung sống hòa bình, những nguyên tắc mà bản chất là không can thiệp vào nội bộ kẻ khác và quyền lựa chọn theo sở thích những định chế xã hội và ý thức hệ của các chính phủ và các dân tộc tùy theo thực tế trong mỗi nước…
Về nội dung, quyền của con người là một vấn đề thuộc chủ quyền của một nước. Vì vậy, khi xem xét tình trạng nhân quyền trong một nước, không thể tách tình trạng đó ra khỏi lịch sử hoặc những điều kiện cụ thể của nước đó. Về vấn đề nhân quyền, đòi hỏi tất cả các nước trên thế giới chấp nhận những tiêu chuẩn và mẫu mực của một nước hoặc của vài nước là không thích hợp mà cũng không thực tế. Trung Quốc xem quyền con người là quan trọng, nhưng Trung Quốc chống lại việc can thiệp, viện cớ nhân quyền, vào nội bộ nước khác"(6).

Tôi rất trân trọng quan điểm này, kính phục lời lẽ, chỉ xin bày tỏ vài nhận xét:
1. Trung Quốc là một nước lớn, một đại cường, có thể là siêu cường, và siêu cường thì lời nói có trọng lượng của siêu cường. Siêu cường choảng nhau, dọa nhau, nhưng siêu cường hiểu nhau, né nhau, thỏa hiệp với nhau bởi vì bắt chẹt nhau quá thì cả hai đều thiệt. Thế của nước lớn không phải là thế của nước nhỏ.
2. Nhưng nước lớn cũng có cái thế yếu của nó. Hồi thế kỷ 19, Tocqueville đã mượn hình thức liên bang làm một trong những lời giải thích về sức mạnh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ: liên bang vừa có sức mạnh của một nước lớn, vừa thuận tiện để thực hiện tự do ở mức các nước nhỏ, mức tiểu bang. Trung Quốc có sức mạnh của một liên bang lớn, nhưng tham vọng trở nên siêu cường và mối lo âu thường xuyên về nguy cơ ly tâm phân tán trong lịch sử tiếp tục đè nặng trên quan hệ giữa trung tâm và địa phương và do đó khó giải quyết những nhược điểm của một chính sách tập quyền mà ai cũng thấy. Cái thế yếu đó nơi đại cường Trung Quốc không có nơi nước thường thường bậc trung Việt Nam. Nói theo luận cứ của Tocqueville, Việt Nam có tầm vóc vừa phải để mạnh và để tự do.
3. Hồi Triệu Tử Dưong còn làm tổng bí thư, phong trào phục hưng Khổng giáo với sự đồng tình của chính quyền đã đàm luận sôi nổi chung quanh khái niệm "tân chuyên chế chủ nghĩa", được một số dư luận xem như cơ sở lý thuyết cho giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ Mao đến một chế độ hợp với đà tiến triển kinh tế, xã hội ở Trung Quốc hơn. Vụ Thiên An Môn đã chấm dứt những bước chập chững khai thông lý thuyết đó. Ngày nay, một cố gắng lý thuyết mới đang thành hình trong các bài diễn văn của tổng bí thư Giang Trạch Dân, hoặc xoay quanh hai đức tính của chính quyền Khổng giáo ngày xưa: kiến thức và đức độ của người cai trị, hoặc chỉnh lý tính cách đại diện của đảng cộng sản trên khái niệm "tam cá đại biểu": đại diện những lực lượng sản xuất tân tiến, đại diện văn hóa tân tiến, đại diện đa số dân chúng. Gác qua một bên những tranh luận về thực chất và giá trị của những lý thuyết vừa nói, mỗi một việc những lý thuyết mới đã được tạo ra cũng đủ để thấy rằng đà tiến triển ở Trung Quốc đã vượt qua những lý thuyết cũ. Dù hay dù dở, dù đúng dù sai, điểm chung của những lý thuyết mới là đi tìm cái mới. Mới hay cũ, cửa nhà ai thì nhà ấy có chìa khóa thích hơp, đâu có dùng để mở cửa nhà khác được.

B- Quan điểm thứ hai là lý thuyết "giá trị châu Á". Thành công trên địa hạt kinh tế, vài nước công nghiệp mới tấn công lý thuyết và chính sách nhân quyền của Tây phương: lý thuyết thì dựa trên những giá trị riêng của phương Tây, chính sách thì quỷ quyệt, gian trá, trịch thượng, hai mặt. Á châu chủ trương rằng phán đoán chỉ có thể căn cứ trên kinh nghiệm và kinh nghiệm thì cho thấy rằng sự thành công của Á châu là hậu quả của truyền thống văn hóa và giá trị Á châu. Người cầm quyền nào đem lại ấm no, phồn thịnh thì người ấy được dân chúng xem như chính đáng để cai trị. Ðó là cơ sở đích thực để thẩm định tính chính đáng (légitimité), không phải dân chủ hay nhân quyền như Tây phương quảng bá.
Tôi không đồng ý với lý thuyết này từ cách đặt vấn đề. Tôi vẫn có thể công nhận có "giá trị Á châu", mà vẫn có thể chủ trương rằng những giá trị đó không có gì ngăn cản sự thực hiện dân chủ, nhân quyền. Nói cách khác, vấn đề nằm nơi ý đồ. Có ý đồ dân chủ thì diễn dịch giá trị Á châu như ông Kim Đại Trung. Có ý đồ không dân chủ thì diễn dịch như ông Lý Quang Diệu. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.

C- Quan điểm thứ ba là chính sách ngoại giao của Pháp. Pháp có hai quan tâm: một là muốn mình vẫn giữ nguyên hình ảnh quê hương của nhân quyền, của Tuyên Ngôn 1789; hai là muốn làm nổi bật sự khác biệt với Mỹ trên chính sách về nhân quyền, dân chủ. Hai quan tâm đó tương phản nhau và lắm khi làm Pháp lúng túng. Nhưng đó đâu phải là mâu thuẫn duy nhất mà nghệ thuật chính trị phải giải quyết!

Về quan tâm thứ nhất, ông Mitterrand đã làm nổ lực ngoại giao ở LHQ như tôi đã trình bày. Ngày 28-6-1992, như một thiên thần, ông từ trên trời đáp xuống giữa địa đàng Sarajevo bị vây hãm dưới tầm đại bác của quân Serbes để cảnh cáo bạo lực và mở đường cho đoàn xe tiếp tế lương thực.
Về quan tâm thứ hai, ông Chirac không mất cơ hội nào để nói khác và làm khác ông Clinton trong chính sách nhân quyền đối với Trung Quốc và các nước Á châu khác. Ông luôn luôn muốn chứng tỏ mình là bạn, là tri kỷ của các văn minh Á châu. Tôi có thể trích cả ông De Gaulle về vấn đề dân chủ. Khi bàn về chính sách ở Maroc, nơi Pháp làm bàn đạp để giữ ảnh hưởng và quyền lợi trên Bắc Phi, ông nói: "Các chế độ dân chủ bao giờ cũng mong manh ít nhiều. Không phải ai cũng có thể tặng cho mình thứ quà sang trọng mong manh đó. Các nước phát triển kia không nên tìm cách trở thành dân chủ quá. Điều quan trọng là quyền lực phải có tính chính đáng nghĩa là phù hợp với tình cảm sâu đậm của dân chúng. Có lẽ đó là trường hợp của Maroc. Dân chủ và tính chính đáng không nhất thiết bao giờ cũng đi đôi với nhau" (7).
Nói như thế e không xa bao nhiêu quan niệm về tính chính đáng của lập luận "giá trị Á châu" chăng? Cả hai đều dựa trên sự bằng lòng của dân chúng. Cả hai đều không nói gì đến biện pháp đo lường sự bằng lòng một cách chuẩn xác. Nhưng hai quan niệm có thể có chỗ không giống nhau. "Tình cảm sâu đậm" nói trong câu của De Gaulle có thể không phải chỉ có tính cách thuần vật chất như trong quan niệm của ông Lý Quang Diệu. Trong "giá trị Á châu", tính chính đáng được đo bằng hiệu quả kinh tế, thành công kinh tế, légitimité = efficacité. Chẳng lẽ con người chỉ có cái bụng thôi sao?

Gần đây nhất, bộ trưởng ngoại giao Hubert Védrine viết sách, viết báo để quảng bá lập trường của Pháp về tính phức tạp của vấn đề dân chủ và nhân quyền ở các nước đang phát triển. Khác với Mỹ, ông chủ trương không nên gây áp lực để buộc các nước đó phải có ngay một thể chế dân chủ như Tây phương mong muốn mà phải để cho các nước đó có thời gian chuẩn bị. Thay vì gây áp lực, hãy khuyến khích, thúc đẩy họ đi từng bước đến dân chủ một cách đích thực. Hành động đi đôi với lý thuyết: ngày 27-6-2000, ông từ chối không ký vào Bản Tuyên Bố Chung về Dân Chủ "Vers une démocratie commune" của Hội Nghị Thế Giới tại Varsovie do Mỹ đỡ đầu. Pháp là nước duy nhất không ký trong số 107 nước tham dự. Đoạn cuối của bản tuyên bố đề nghị "hợp tác giữa các tổ chức quốc tế" để thành lập những "móc nối và liên minh có mục đích yểm trợ những quyết nghị và những hành động quốc tế khác nhằm thúc đẩy một phương thức cai trị dân chủ". H. Védrine nói thẳng: Tây phương khiến người ta có "cảm giác muốn dùng nguyện vọng chung về dân chủ và nhân quyền để gây ảnh hưởng và đô hộ chính trị, kinh tế, văn hóa". Mọi người hiểu ông muốn nhắm ai: nhắm bà Madeleine Albright mà ông đập thêm một đòn nữa khi đả kích quan niệm của Mỹ xem dân chủ như một tôn giáo. Ông chủ trương dân chủ phải đến từ bên trong, bên ngoài chỉ nâng đỡ, khuyến khích các cố gắng tiến đến mục tiêu ấy (8). Giống như câu hát vui mà chúng ta thưởng thức từ tuổi lên hai: vỗ tay bà cho ăn bánh… Dại gì không hát như thế khi anh siêu cường kia đang lăm lẵm cây thước trong tay: không vỗ tay bà đánh ba roi!
Dù sao đi nữa, dù chỉ là khôn ngoan để lấy ảnh hưởng, trong lập trường vừa nói có điểm sau đây mà chắc ai cũng thấy là thực tế: dân chủ, hay nhân quyền, là một quá trình diễn tiến. Muốn đánh giá một kinh nghiệm nào, phải xem những bước nó đã đi, đang đi; đôi khi nó vấp váp, nhưng điều quan trọng là nó tiếp tục đi.

Bởi vậy, tôi có thể kết luận như thế này. Chủ quyền là phương tiện, dân là cứu cánh. Nhân quyền đương nhiên là vấn đề mà mọi nhà cầm quyền phải quan tâm, quan tâm như là thiên chức của mình, chứ không phải vì sợ roi vọt của ai hay ham ăn bánh kẹo gì.Nhân quyền đó là gì? Định nghĩa như thế nào? Tôn trọng đến mức nào? Đâu là hạn chế? Câu trả lời tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, không có một mẫu mực nào duy nhất để làm tiêu chuẩn. Cãi nhau trên lý thuyết không khó, nhưng cãi để làm gì? Cụ thể chỉ là thế này thôi. Một, vì chiều hướng của thời đại là xâm nhập xã hội, chính sách của bên trong không có gì khác hơn là củng cố nội bộ, đoàn kết thực sự. Hai, vì nhân quyền cũng như dân chủ là một quá trình thực hiện, điều làm tôi muốn nói ở đây là bước đi đầu tiên trên con đường dài bất tận. Người dân quá đủ thông minh để thấy cái bước đi đó. Họ không đòi hỏi gì nhiều, chưa ai thấy người dân Việt Nam đòi hỏi gì nhiều trong một lúc. Họ có tình có nghĩa với người cầm quyền. Dân tộc chúng ta hiền hòa, độ lượng. Với một dân tộc như thế, nhân quyền, hiểu trong tinh thần trước hết trừ bạo, đâu có phải là vấn đề cấm kỵ?

Nhân quyền lại càng không phải là vấn đề cấm kỵ vì Việt Nam có một chính quyền vững chắc, vững chắc nhất thế giới, không ai có thể thay thế mà cũng chẳng có nguy cơ nào đe dọa. Đó là chính quyền đủ mạnh, đủ có uy thế để bước cái bước đi mà tôi nói ở trên.

Nhìn những kinh nghiệm đã xảy ra trên thế giới và trên phần đất Đông Á này, tôi có một nhận xét liên quan đến bước đi đó, có lẽ chính bước đi đầu tiên, bước đi quyết định: không có một ý muốn thực sự thực hiện nhân quyền, dân chủ, xin anh chị cứ bàn cãi dân chủ, nhân quyền với cái mặt trăng. Nhưng chừng nào có ý muốn đó, ấy là lúc mặt trời mọc. Ý muốn đó không đến từ đâu khác hơn là từ người lãnh đạo. Có thể bàn luận về những yếu tố nào đã đưa đến ý muốn đó. Nhưng có thể mọi yếu tố đã hội đủ nơi ông A mà ý muốn vẫn không có. Cũng chừng ấy yếu tố nhưng đến khi nằm nơi ông B thì ý muốn phát sinh. Tôi không duy tâm chút nào, nhưng nếu ai gạt bỏ hoàn toàn yếu tố cá nhân, yếu tố con người, yếu tố làm cho người này không phải là người kia, tôi sẽ không ngại ngần xắn tay áo, ăn thua đủ.

Các anh chị hãy nhìn Hàn Quốc. Sau 1945, Lý Thừa Vãn, bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người như Ngô Đình Diệm, đâu có thua gì ông này về độc tài, chỉ thua ở chỗ áp đặt tôn giáo. Họ Lý cũng bị đảo chánh lật đổ và Hàn Quốc cũng từng nếm mùi độc tài quân phiệt. Quân đội. Đảo chánh. Biểu tình. Đàn áp. Ấy vậy mà Hàn Quốc giàu lên, xã hội thay đổi. Khi Roh Tae Woo nắm chức tổng thống, liên hệ ruột thịt của ông ta với chế độ độc tài khó làm ai nghĩ rằng Hàn Quốc sắp rẽ qua một bước ngoặt. Ông Roh đã làm gì? Ông tuyên bố chỉ giữ một nhiệm kỳ. Chưa từng nghe tay độc tài nào nói như thế và làm như thế. Ông Roh đã giữ đúng một nhiệm kỳ để canh tân chế độ, mở đường cho Hàn Quốc đi vào thời đại mới. Và ông trao chức cho ông Kim Young Sam được bầu lên một cách dân chủ.

Cũng thế, nếu chúng ta nhìn vào Đài Loan, nơi Tưởng Giới Thạch đã cầm quyền với bàn tay sắt và đã trao quyền lại cho con, Tưởng Kinh Quốc, có ai nghĩ rằng Đài Loan sẽ canh tân chế độ đâu? Trong bao nhiêu năm, bàn tay của con nắm chặt quyền hành không thua gì cha, với cùng bộ máy Quốc Dân Đảng kiện toàn hơn nữa. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, chính Tưởng Kinh Quốc quyết định không cho phép một Tưởng khác trong gia tộc lên kế vị, mà cũng không chấp nhận cho quân đội lên nắm quyền. Cái bước đầu của chính thể Đài Loan hiện tại có lẽ là đấy.

Trường hợp Nhật Bản khác hơn. Cái bước đầu dân chủ đó do tướng Mac Arthur áp đặt. Nhưng nếu chỉ một mình Mỹ áp đặt mà thành công thì cả châu Mỹ la tinh đã dân chủ từ lâu rồi. Ở Nhật, cả một tầng lớp lãnh đạo, bảo thủ cũng như xã hội, đồng thanh gạt bỏ quá khứ quân phiệt và quyết tâm đứng dậy từ thảm nhục mà bước lên với một hiến pháp dân chủ đồng thuận. Bắt đầu vẫn là một ý muốn. Có ý muốn của người thắng trận, nhưng ý muốn của người bại trận là chủ chốt.
Đó là chứng minh xuôi. Bây giờ chứng minh ngược. Ở Singapour, cái gì khiến xứ đó đi trên con đường đang đi? Một ý muốn từ đầu: ý muốn của Lý Quang Diệu. Chừng nào chưa có ý muốn khác, chừng đó xứ này vẫn còn cứ giàu, cứ sạch, và cứ có cảm tưởng thiếu một cái gì đó. Ai dám nói cái cảm tưởng đó sẽ không tạo ra ý muốn?
Các anh chị thân mến, tôi sẽ không nói chuyện hôm nay về đề tài này nếu tôi không đang nuôi một niềm lạc quan mãnh liệt ở đất nước tôi và ở dân tộc tôi. Nếu tôi không tin tưởng mãnh liệt ở sự kỳ lạ nơi con người. Nơi tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Dù chỉ trên một con chim én, ai dám bảo không thấy mùa xuân?

Cao Huy Thuần

Chú thích:
(1) Về những câu trích dẫn Bernard Kouchner, có thể đọc trong sách của ông: Le malheur des autres, Odile Jacob, 1991, và bài viết của ông: Le mouvement humanitaire, trong tạp chí Le Débat, số 69, tháng 11-12 năm 1991. Thư mục về droit d'ingérence quá nhiều. Tôi có chỉ trích trong cuốn sách của tôi: Mutations internationales et évolution des normes, PUF, 1994. Một số câu nói tôi trích trong đó, ví dụ câu nói trong chương trình truyền hình La Marche du Siècle
(2) Mario Bettati, Théorie et réalité du droit d'ingérence humanitaire, trong Géopolitique, số 68, tháng 1-2000. 
(3) Ví dụ: Hiệp ước 9-12-1948 về sự đề phòng và trừng phạt tội ác diệt chủng; Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền 10-12-1948; những hiệp định quốc tế về quyền của con người 16-12-1966:; hiệp ước 1984 chống lại tra tấn; hiệp ước bảo vệ quyền của thiếu nhi 1989 vv… 
(4) Chẳng hạn quyết nghị 21-12-1965 của Đại Hội Đồng LHQ tuy có biểu quyết một "Tuyên ngôn về tính cách không thể chấp nhận được của sự can thiệp vào nội bộ các quốc gia" nhưng cũng nói: "mọi quốc gia phải tôn trọng quyền tự quyết và độc lập của các dân tộc và quyền đó phải được thực hiện trong sự tôn trọng những quyền của con người và những tự do căn bản". 
(5) Phải được HDBA biểu quyết với đa số; phải không có phiếu chống của các thành viên thường trực. 
(6) Trong Marcel Merle, Bilan des Relations internationales contemporelles, Economica 1995, trang 82.

 (7) như trên, trang 87.
 (8) Xem Le Monde 29-6-2000 và quyển sách của ông: Hubert Védrine, Les cartes de la France, Fayard 2000. Quyển sách vừa được dịch ra tiếng Anh, nhan đề: France in an Age of Globalization. 
(*) Con số viện trợ sẽ tháo khoán cho Nam Tư sau khi Milosevic bị giải qua La Haye là: 1,28 tỷ đô la chỉ riêng cho năm 2001. Mỹ hứa sẽ tháo khoán 181,6 triệu đô la cho năm 2001. Ngân Hàng Quốc Tế hứa cấp 150 triệu đô la, Liên Hiệp Âu châu 450 triệu đô la. Chưa kể Pháp (17,5 triệu euros), Ý (115 triệu euros), Nhật (50 triệu đô la) vv… Xem chi tiết trong Le Monde 1 và 2-7-2001. Vỗ tay, vỗ tay….



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét