DIỄN TỪ NHÂN DỊP
NHẬN GIẢI “VĂN HÓA PHAN CHÂU
TRINH 2017”
Cao Huy Thuần
GNO - Tối qua, 24-3-2017, trong
khuôn khổ giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X (năm 2017), được tổ
chức tại hội trường Sunflower - khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), đã chính thức vinh
danh 6 gương mặt tiêu biểu, góp nhiều tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp canh tân
văn hóa và giáo dục của Việt Nam thời đương đại.
GS
Thuần trình bày diễn từ tại đêm vinh danh, trao giải
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu
Trinh (1872 - 1926), được thành lập với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá
trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế
kỷ 21”.
Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do
một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập, với những
hoạt động này nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực
không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hoá và giáo dục Việt Nam.
Theo đó, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm nay đã chính thức
tôn vinh vị danh nhân văn hóa sẽ là nhân vật tiếp theo được vinh danh vào “Dự
án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”: học giả, nhà thơ,
nhà văn, danh nhân văn hóa Phan Khôi. Đồng thời, tôn vinh và trao giải ở 4 lĩnh
vực/hạng mục, bao gồm: Giải Nghiên cứu cho GS.Trịnh Văn Thảo vì những đóng góp đặc
sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, và
GS.Trần Đình Sử vì những đóng góp
to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học; Giải Dịch thuật cho
nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì
những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc văn học và triết học Hungari;
Giải Việt Nam học cho Nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside vì những công trình
nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam; và cuối cùng là Giải Vì
sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục cho GS.Cao Huy Thuần vì những đóng góp
to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa - giáo dục Việt Nam của ông.
Trong diễn từ nhận giải của mình, GS.Cao Huy Thuần bên cạnh sự tri ân đến giải thưởng mà ông cho rằng “đây
là một vinh dự quá to lớn cho một việc làm còn quá nhỏ của tôi”, giáo sư đã
khiến cả khán phòng như vỡ òa với phát biểu sâu sắc của ông về giá trị cốt lõi
của văn hóa mà những con người Việt Nam cần gìn giữ cho chính dân tộc Việt Nam
của mình.
Và ở đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tinh thần và sự hiện hữu của Phật
giáo là yếu tố không thể thiếu cho sự duy trì văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay.
Dưới đây là nguyên văn bài diễn từ của GS.Cao Huy Thuần:
DIỄN TỪ
Kính thưa Bà Chủ Tịch và Hội Đồng Giải
thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa Quý Vị,
Thưa bạn bè, anh chị thân mến,
Tôì rất vinh dự được Quỹ Văn Hóa Phan
Châu Trinh trao giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục" năm
2017. Đây là một bất ngờ đối với tôi, vì vinh dự này quá lớn đối với việc làm
quá nhỏ của tôi. Tôi lại là người ở xa, luôn luôn có mặc cảm vui buồn không
được trực tiếp cùng chia, ấm lạnh không được trực tiếp cùng cảm với bạn bè anh
em trong nước: thiếu sự sống trực tiếp ấy, hai chữ "sự nghiệp" không
khỏi làm tôi áy náy. Tôi đành nghĩ: khi trao giải thưởng này cho người ở xa,
các anh chị trong Hội Đồng muốn nói rằng văn hóa là văn hóa, văn hóa Việt Nam
là văn hóa Việt Nam, không có văn hóa Việt kiều, cũng như không có quốc tịch
Việt kiều.
Có lẽ câu nói vừa rồi của tôi là một
cân nói đùa để che giấu cảm động. Nhưng quả thực, đó là một câu nói tâm
tình, bởi vì có khi người ở xa cảm thấy mình là Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì
ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính
cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc,
bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Người ở xa không phải chỉ tha thiết với bản
sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét,
nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình.
Tôi biết tôi động đến một khái niệm
khó định nghĩa. Có người nói đó là một khái niệm không khoa học. Có người nói
đó là một khái niệm ý thức hệ. Tuy vậy, có ai dám nói rằng không có bản sắc? Có
ai không tự đặt ra cho mình câu hỏi đầu tiên: "tôi là ai?" Câu hỏi
đặt ra là vì có "tôi" và có "người khác". Không có
"người khác" thì không có "tôi". Rồi tôi lại tự hỏi: tôi là
tôi vì tôi nhìn tôi như thế, hay tôi là tôi vì như thế người khác nhìn tôi? Nếu
tôi nhìn tôi qua cái nhìn của người khác, phải chăng có người khác giữa tôi với
tôi? Câu hỏi ấy chảy máu trong lòng người ở xa. Tôi xa tôi rồi chăng?
Câu hỏi ấy cũng cần chảy máu trong
lòng một dân tộc khi dân tộc ấy vọng ngoại. Khi dân tộc ấy không còn thấy cần
thiết phải đặt ra câu hỏi "tôi là ai?". Khi dân tộc ấy không biết
mình là khác. Khi dân tộc ấy nhập nhằng giữa tôi và người. Tôi khác anh: bản
sắc bắt đầu tự định nghĩa với khẳng định quyết liệt ấy. Với chữ
"khác". Khác! Như một tiếng quát. Quát vào mặt kẻ nào muốn đồng
hóa. Như một tiếng sấm. Sấm trong lịch sử. Nổ trong Bình Ngô Đại Cáo:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia
Phong
tục Bắc Nam cũng khác.
Cái gì là cốt lõi trong cái "khác" đó? Văn hiến.
Văn hóa. Và cái gì là cốt lõi trong văn hóa? Phong tục. Anh đừng đem Khổng Mạnh
ra để nói với tôi rằng tôi giống hệt anh, tôi là con đẻ của anh. Anh cũng đừng
đem chữ viết ra để nói rằng tôi nhân chi sơ là sờ vú anh. Văn hóa của tôi không
phải là văn hóa của anh bởi vì phong tục của tôi không phải là phong tục của
anh. Và thế nào là phong tục? Là cách sống. Văn hóa là cách sống. Là cách ăn
cách mặc. Là nước mắm. Là tiếng ru em. Là ca dao. Là lễ hội. Là chùa
chiền. Là làng xóm. Là thói quen. Là ký ức chung. Là ý thức tập thể. Là tất cả
những gì liên quan đến đời sống của một dân tộc, vật chất cũng như tinh thần.
Nói "phong tục" là lấy cái khác nhất của Đại Việt so với chàng kia mà
nói, chứ "phong tục" chính là "văn hiến" đã đại cáo ở trên.
Và văn hiến ấy, Đại Việt ta đây đã có "từ lâu", nghĩa là đã đi vào
lịch sử, nghĩa là đã truyền lại đời này qua đời kia, truyền từ khi nhà ngươi tưởng
đã nuốt sống ta trong ngót ngàn năm dằng dặc.
Trên thế giới, không có một nước nào
so được với Đại Việt về cái rễ văn hóa sâu thẳm ấy. Châu Âu muốn so với ta?
Châu Mỹ muốn so với ta? Có nước nào trong các bạn đẻ ra được, duy trì được,
củng cố được, truyền thừa được, ấp ủ được một cái trứng văn hóa trong suốt ngàn
năm đồng hóa trước khi có bờ cõi? Bản sắc là cái gì nếu không phải là cái trứng
kỳ lạ ấy? Cho đến thế kỷ 18, các bạn ở châu Âu mới thấy xuất hiện cái tư tưởng
rằng văn hóa là cái "tinh yếu" ("essence") dính chặt vào
một dân tộc, và từ đó mỗi dân tộc có một "thần khí"
("génie") riêng biệt, khác với các dân tộc khác. Nhưng lúc đó các bạn
đã có bờ cõi, đã thành lập xong cái mà lịch sử gọi là Etat-Nation, dân tộc nào
có Nhà nước ấy. Trong bờ cõi đã phân chia ranh giới địa dư, các bạn mới xây
dựng dân tộc văn hóa song song với dân tộc chính trị. "Dân tộc nào có bờ
cõi ấy" và "dân tộc nào có văn hóa ấy", hai tư tưởng đó củng cố
lẫn nhau. Nghĩa là lúc đó các bạn chưa có một văn hóa dân tộc, các bạn phải lần
hồi xây dựng văn hóa đó, khác với Đại Việt đã có cái trứng văn hóa từ lâu trước
khi nở ra thành rồng Thăng Long. Cho nên chúng tôi không phải đợi cho đến thế
kỷ 18, 19 mới quan niệm, như các tư tưởng gia ở Đức, văn hóa là cái
"hồn" của mỗi dân tộc, là "Volksgeist". Định nghĩa chính
xác cái "hồn" ấy là gì, đúng là khó. Nhưng khó, không có nghĩa là phủ
nhận cái "hồn". Bởi vì không có hai dân tộc nào cùng có một văn hóa
giống hệt nhau. Nếu có tình trạng đó thì cả hai chỉ có thể hợp thành một dân
tộc. Vì vậy, vì mỗi văn hóa có một sắc thái đặc biệt, văn hóa quyết định bản
sắc của mỗi dân tộc. "Tát cạn văn hóa ra khỏi một dân tộc - nghĩa là tát
cạn ký ức và sắc thái độc đáo ra khỏi dân tộc đó - tức là giết chết dân tộc
đó". Tôi mượn câu nói ấy của Milan Kundera.
Với cái "hồn" ấy, tôi hiện
hữu, tôi là tôi. Tôi nhận máu huyết từ trong đó. Tôi thở với hơi thở ấy. Nhưng
cái đầu của tôi dạy rằng văn hóa là một khái niệm động, vừa như thế, vừa bìến
chuyển với thời gian. Không văn hóa nào sống biệt lập, tách biệt với các văn
hóa khác. Chung đụng, tiếp xúc với nhau, các nền văn hóa ảnh hưởng lên nhau,
mỗi cái "tôi" của văn hóa này phải vừa canh chừng để đừng bị
"cái khác" làm biến chất, lại vừa bị quyến rũ bởi "cái
khác" khi nhận ra "cái khác" có những ưu điểm mà mình không có,
cái "tôi" của mình có những nhược điểm mà mình cứ gối đầu lên ngủ,
bất kể nhục vinh. Và như vậy, tôi vừa là con cháu của Nguyễn Trãi, vừa là con
cháu của Phan Châu Trinh. Của Phan Châu Trinh khi Tây Hồ rơi vào thân phận Việt
kiều, làm "người Việt ở nước ngoài". Nhưng chính nhờ ở nước ngoài mà
ông chạm mắt vào "cái khác" và ông thấy cái nô lệ nằm ngay trong văn
hóa. Tôi mượn một câu của anh Vĩnh Sính, người bạn học giả mà tác phẩm từng
được giải Phan Châu Trinh: "So với những trí thức cùng thời, kể cả Phan
Bội Châu, tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh có điểm nổi bật là rất bén
nhạy về điều hay cái lạ ở nước ngoài cũng như về những nhược điểm về văn hóa và
xã hội mà con người Việt Nam cần khắc phục". Từ đó mà bật ra phương châm "dân
khí", "dân trí". Và dân chủ. Và dân chủ. Phan Châu Trinh là sĩ
phu đầu tiên hô hào dân quyền. Huỳnh Thúc Kháng nói thế. Anh Vĩnh Sính tiếp
theo: "Bởi vậy, khi đọc lại những lời Tây Hồ viết vào đầu thế kỷ trước, ta
vẫn nghe sang sảng tựa hồ như tiên sinh đang đăng đàn diễn thuyết đâu
đây".
Tôi đang nghe sang sảng bên tai những
Lư Thoa, những Mạnh Đức Tư Cưu, những Vạn Lý Tinh Pháp, những Khai Sáng Thế Kỷ,
những Tuyên Ngôn Nhân Quyền. những tư tưởng mới làm choáng ngợp cái đầu rạng
đông của Phan Tây Hồ. Chỉ giới hạn trong quan niệm về dân tộc mà tôi đang nói
đây, tôi nghe sang sảng, như tiên sinh đã nghe, định nghĩa bất hủ của Renan,
trong đó vừa có Nguyễn Trãi của tôi, vừa có Phan Châu Trinh của thời đại mới,
vừa có quá khứ vừa có hiện tại, vừa có Herder của Lãng Mạn Đức, vừa có Rousseau
của "Khế ước xã hội":
"Dân tộc là một linh hồn, một nguyên tắc tâm linh.
Hai yếu tố, thật ra chỉ là một, tạo nên linh hồn ấy, nguyên tắc ấy. Yếu tố thứ
nhất nằm trong quá khứ, yếu tố thứ hai nằm trong hiện tại. Yếu tố thứ nhất là cùng
có chung một gia tài kỷ niệm phong phú, yếu tố thứ hai là sự thỏa thuận hiện
tại, ý muốn cùng sống, hoài bão cùng tiếp tục khai triển gia tài chung đã nhận.
Con người không tự nhiên mà thành người. Một dân tộc, cũng như một cá nhân, là
thành quả của một quá khứ lâu dài làm bằng nỗ lực, bằng hy sinh, bằng tận tụy.
Thờ kính tổ tiên là chính đáng hơn tất cả; chính tổ tiên làm chúng ta thành ra
chúng ta. Một quá khứ anh hùng, những vĩ nhân, vinh quang, đó là cái vốn xã hội
trên đó ta tạo dựng một ý tưởng dân tộc. Cùng có những vinh quang chung trong
quá khứ, một ý chí chung trong hiện tại, đã cùng nhau làm nên những công việc
to lớn, vẫn còn muốn làm như thế nữa: đó là những điều kiện thiết yếu để là một
dân tộc. Hy sinh đã làm càng cao, khổ sở đã chịu càng lớn, thương yêu
càng nhiều. Ta thương cái nhà mà ta đã xây và đã truyền lại. "Ta bây giờ
là hình ảnh của cha ông ngày trước; ta ngày mai sẽ là hình ảnh của cha ông ngày
nay", câu hát đó của dân Sparte ngày xưa đơn giản như thế nhưng tóm tắt
được thế nào là tổ quốc".
Và đây là hiện tại được nhấn mạnh.
Hiện tại mà Phan Châu Trinh hoài bão qua hai chữ "dân quyền":
"Như vậy, một dân tộc có một quá khứ, nhưng tóm gọn
trong hiện tại bằng một sự việc cụ thể: thỏa thuận, ý muốn tiếp tục cùng sống
chung được biểu lộ rõ ràng. Dân tộc là một cuộc bỏ phiếu hồ hởi hằng
ngày".
"Một cuộc bỏ phiếu hồ hỡi hằng
ngày". "Un plébiscite de chaque
jour": lịch sử nước Pháp ghi khắc câu nói ấy. Lịch sử của các nước
tiến bộ văn minh cũng ghi khắc câu nói ấy. Bởi vì câu nói ấy chứa đựng tất cả
tinh túy của một văn hóa, một văn minh không riêng của một dân tộc nào mà chung
cho cả mọi dân tộc. Vì câu nói ấy, vì tinh túy trong ý nghĩa của nó, mà Phan
Châu Trinh khác Phan Bội Châu. Đất nước độc lập, không phải chỉ đuổi lũ cướp
nước là xong. Phải đuổi cái nô lệ ra khỏi cái đầu. Bạo lực có thể đạp đổ bạo
lực. Nhưng bạo lực nào cũng có khuynh hướng thay thế bạo lực cũ để thống trị
bằng cách nô lệ hóa cái đầu. Phan Châu Trinh đã đi trước thời đại bằng lời lẽ
thống thiết kêu gọi phải thắp sáng cái đầu của người dân. Bởi vì thời độc trị
của vua chúa đã qua rồi. Cái nguyên tắc mà Renan gọi là "tâm linh"
("spirituel") không có gì là siêu hình cả, trái lại rất cụ thể. Đó là
người dân. Mỗi người dân. Mọi người dân. Mỗi người dân nắm vận mệnh của mình và
của dân tộc mình. Bằng thỏa thuận. Như thỏa thuận khi ký một hợp đồng. Dân tộc
là linh thiêng, bởi vì trong lòng mỗi người dân đều có cái "hồn" của
tổ tiên, nhưng dân tộc chỉ trường tồn trong hiện tại, trong tương lai, khi
chính người dân, chứ không phải một ai khác trên cao xanh, cùng nhau thỏa thuận
về vận mệnh của đất nước. Sự thỏa thuận ấy, tất nhiên biểu lộ bằng lá phiếu, và
lá phiếu chỉ là lá phiếu khi trung thực. Không có trung thực thì không có thỏa
thuận. Nhưng chữ "plébiscite" của Renan không có nghĩa tầm thường của
một cuộc trưng cầu dân ý. Bởi vì trưng cầu dân ý cụ thể là con số: 51%, 65%,
70%, vân vân. "Plébiscite", trong cái nghĩa của Renan, không phải đo
bằng con số. Đo trong lòng người, người dân nào cũng biết đo và đo rất chính
xác, trung thực. Siêu hình chăng? Cam đoan không. Cứ hỏi mỗi người Việt Nam có
biết đo không, câu trả lời sẽ rất giản dị. Đừng dối nhau làm gì, có thời chúng
ta đã từng nghe: cái cột đèn cũng muốn đi. Và bây giờ lại nghe nói: ai có chút
tiền đều một chân trong chân ngoài. Một dân tộc sống với cái đầu hoài nghi, cái
chân bỏ phiếu, là một dân tộc đang tự thắp nhang cho mình, làm mồi cho cú vọ.
Nếu ai có chút tiền đều muốn đưa con ra ngoài để học rồi để ở lại, thì tim đâu
để máu chảy về? Thì đâu còn định nghĩa được tôi là ai? Thì lấy người khác làm
mình. Thì đâu là "dân khí"? Cái "hồn" nằm ở đâu?
Ngoại xâm trước mắt đâu phải chỉ lấn
đất lấn biển. Nó lấn cái đầu. Cái đầu ấy, ngoại xâm muốn ta giống nó. Nó rất sợ
ta khác nó. Nó muốn ta giống nó bằng văn hóa, bằng ý thức hệ. Nó sợ ta khác nó
với Phan Châu Trinh. Bởi vì chỉ cần ta định nghĩa ta là Phan Châu Trinh, ta có
cái đầu văn hóa mở ra với những chân trời khác, những bình minh khác cùng sáng
lên hai chữ "dân quyền", chỉ cần thế thôi, chỉ cần cái đầu văn hóa ấy
thôi, vận mệnh của đất nước Việt Nam sẽ đổi khác về mọi mặt, bắt đầu là mặt
chiến lược. Vì sao? Vì định nghĩa ai là bạn ai là thù bắt đầu từ đâu nếu không
phải là từ anh khác tôi, tôi khác anh của Nguyễn Trãi?
Chỉ cần thế thôi, một bước ấy thôi,
dân tộc chờ đợi từ thời Phan Châu Trinh. Chỉ cần một câu trả lời với Renan:
Vâng, đúng thế, dân tộc là sự giao thoa của hai thỏa thuận song song: thỏa
thuận giữa người dân với nhau cùng sống cùng chết trên cùng mảnh đất của tổ
tiên; thỏa thuận giữa người dân với chính quyền để cùng nhau đảm đương việc
nước. Một bước. Cả vận mệnh nằm trong một bước. Bước đi! Cái "tôi"
của ngày nay, cái "ta" kiêu hùng, cả tổ tiên nằm trong môt bước.
Thưa Quý Vị,
Bạn bè anh chị thân mến,
Trong tâm tình trên đây của tôi về dân
tộc, tôi xin được kết thúc, rất ngắn, với chút tâm tình về đạo Phật của tôi, vì
hai tâm tình chỉ là một, hòa quyện vào nhau trong toàn bộ chữ viết của tôi. Có
lần trả lời cho báo Lao Động, tôi nói: tất cả những gì tôi viết đều là thư
tình, tình thư tôi gửi về quê hương, dù khi nói về đời, dù khi nói về đạo. Có
một con chim bị đâm gai, nằm chảy máu dưới một bông hoa trắng, và hoa trắng đã
thành hoa hồng. Đó là hoa hồng tôi hiến tặng cho đất nước của tôi từ xa.
Dân tộc tôi, nếu muốn định nghĩa về
bản sắc của mình, không thể không nói đến đạo Phật. Vì đạo Phật thiết yếu như
vậy cho sự sống còn văn hóa của dân tộc tôi, nếu chùa chiền biến chất trong một
hiện tại đầy hoài nghi về văn hóa và giáo dục này, nếu đạo Phật cũng héo hon
theo, thì cái hồn của quá khứ cũng tủi, mà hiện tại cũng bơ vơ bản sắc. Như một
con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị
lão hóa với thời đại kim tiền, tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của
tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn
còn đấy, nhưng để làm cho nó chảy trong cành tươi, con chim nhỏ bị gai đâm chỉ
còn biết chảy máu theo mà thôi, trong chữ viết.
Trung thành với đạo Phật của tôi,
trung thành với dân tộc của tôi, tất cả những gì tôi viết, dù là nước mắm, dù
là tương chao, dù là văn hóa, dù là giáo dục, đều nhắm đến một lý tưởng, lý
tưởng của Phan Châu Trinh: Tiến Bộ. Đừng tưởng đạo Phật không cần tiến bộ.
Không tiến bộ thì xa lìa đời sống. Còn dân tộc, khỏi nói, không tiến bộ thì thế
giới đạp lên xác pháo. Nhưng đạo Phật biết một cái rất quý nói trong kinh Pháp
Hoa: một viên ngọc giấu trong áo cũ. Áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ. Dân
tộc của tôi, nghẹn ngào mà nói, có ngọc quý mà không giữ, lấy cuội của người
làm ngọc của mình, gắn lên vương miện.
Thôi, tôi xin kết luận thôi. Tôi định
nghĩa thế nào đây về tôi? Tôi là ai? Dân tộc tôi là ai? Là gì? Là thế nào? Nếu
không định nghĩa được bằng khẳng định, thôi thì ta tạm định nghĩa bằng phủ
định: Tôi không phải như thế này, tôi đáng lẽ phải là thế khác. Dân tộc tôi
xứng đáng hơn thế này. Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tổ tiên.
Vô cùng cám ơn Quý Vị.
Cao Huy Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét