Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

 

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI (3/2021)

THE TRUTH AT THE HEART OF THE LIE

(Giáo hội Công giáo đã Đánh mất Linh hồn như thế nào)

 

·         Tác phẩm: The Truth at the Heart of the Lie: How the Catholic Church Lost Its Soul

·         Nhà Xuất bản: Random House (Mã số ISBN 978-0-593-13470-2)

·     Phát hành ngày 23-3-2021 tại Barnes & Nobles, Hudson Booksellers, Books A Million, Powell’s, Indie Bound, Amazon, Wallmart, Target….

·   Tác giả : James Carroll. Sinh năm 1943 tại Chicago, ông là một tác gia, sử gia và nhà báo Mỹ. Là một Linh mục tu xuất Công giáo, khôi nguyên hai giải thưởng (National Book Award và  Best Book by Publishers), ông chuyên nghiên cứu về những nỗ lực hiện đại nhằm cải cách Giáo hội Công giáo. Ông đã nhận 9 bằng Tiến sĩ Danh dự của một số Đại học Mỹ và là Hội viên của American Academy of Arts & Sciences.

Publishers Weekly giới thiệu

Lý Nguyên Diệu phỏng dịch:

 

Tác giả James Carroll là bình luận gia nhật báo Boston Globe, cựu Linh mục Công giáo giòng thánh Phao-Lồ (Missionary Society of Saint Paul the Apostle, thành lập năm 1858 tại Nữu Ước – N.D.) và là tác giả cuốn “Constantine’s Sword” (“Thanh Gươm của Đại Đế Constantine”). Tác phẩm mới xuất bản (3/2021) nầy của ông là một phân tích sắc bén về nạn khủng hoảng lạm dụng tình dục trong giáo hội Công giáo. Theo ông thì đại nạn nầy không chỉ bắt nguồn từ một số Linh mục dâm loạn mà từ một hệ thống mục nát của một nhóm nhỏ các ông xử dụng uy quyền tối đa để điều khiển toàn Giáo hội.

Theo tác giả, quan điểm của Giáo hội về giới tính và tình dục, qua nhiều thế kỷ, đã được song song triển khai với dụng ý bảo vệ cho quyền lợi của các Giáo sĩ để tạo thành một hệ thống “nam giới thượng đẳng” chống lại các con chiên (đa số thuộc phái nữ) có ý muốn đòi bình quyền hay phân quyền trong Giáo hội. “Cái ác tính đó của giới giáo sĩ đã được vạch trần trong những năm gần đây qua đại nạn ấu dâm của các Linh mục”.

Để chứng thực những lạm dụng đó bắt nguồn do nhiều phương cách đến từ “kim tự tháp Giáo sĩ”, tác giả Caroll đã kể lại những kinh nghiệm mà chính ông đã trải qua.

Trong những năm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, với tư cách là một Linh mục, tác giả nhận ra rằng chính những Giám mục Mỹ hiếu chiến đã cung cấp cho chính quyền một “lý do để không chấp nhận quyền phản kháng vì lương tâm của các thanh niên Công giáo”. Vì không ngăn chận được sự lạm dụng đó và cũng không muốn trở thành đồng loã của tình trạng nầy, ông đã từ bỏ chức Linh mục.

Tuy có nội dung chỉ trích Giáo hội một cách nghiêm trọng, tác phẩm nầy vẫn khuyến khích những con chiên nên coi mình như một người phản kháng vì lương tâm và hãy đấu tranh cho những gì tốt đẹp và chân thật còn lại trong niềm tin của họ. Tác phẩm đầy tính thuyết phục và đầy khiêu khích nầy là một cuốn sách mà các con chiên Công giáo ngoan đạo phải đọc.

 

The Truth at the Heart of the Lie: How the Catholic Church Lost Its Soul

James Carroll. Random House, $28.99 (384p) ISBN 978-0-593-13470-2

 

In this trenchant analysis, Boston Globe columnist and former Paulist priest Carroll (Constantine’s Sword) argues the sexual abuse crisis in the Catholic church isn’t rooted in a few bad priests, but rather a profoundly corrupt system in which a small group of men wield enormous power over others. Over centuries, Carroll writes, the church’s views on gender and sexuality developed in tandem with its desire to protect clerical power, allowing for a “male-supremacist” system stacked against Catholics (often women) who tried to claim or share that power: “The malignity of that clericalism has been laid bare in recent years by the scandal of priests sexually abusing children.” Carroll also includes his own story to effectively show the varied ways this “ecclesiastical pyramid” engenders abuse.

As a priest during the Vietnam War, he writes, he came to believe that jingoistic American bishops were providing the government “an excuse to reject the conscientious objector claims of Catholic boys.” Unable to stop what he saw as abuse, and unwilling to be part of perpetuating it, he left the priesthood. Despite it’s significant criticisms, the book encourages despairing Catholics to think of themselves as conscientious objectors—and to fight for what remains good and true about their faith. This persuasive, provocative work will be a must-read for any practicing Catholic. (Mar.)

 

Release date: 03/23/2021

https://www.publishersweekly.com/978-0-593-13470-2

 

Harvard Bookstore giới thiệu

Lý Nguyên Diệu phỏng dịch:

 

Sự Thật tại Tâm điểm của Dối Trá:

Tiến Trình Đánh Mất Linh Hồn của Giáo Hội Công Giáo

 

Can đảm và đầy cảm hứng” – Karen Armstrong, tác giả “The Case of God

Tác giả James Carroll đưa chúng ta vào tâm điểm của một trong những cuộc khủng hoảng lớn của thời đại hiện tại” – Stephen Greenblatt, tác giả “The Swerve”.

“Đây là hồi ký hùng hồn của một cựu Linh mục và là một tác giả đã từng đọat giải National Book Award (Giải thưởng Sách Toàn quốc). Ông vạch ra nguồn gốc của đại nạn Lạm dụng Tình dục của Công giáo xuất phát từ chính cấu trúc quyền lực của Giáo hội. Ông cũng khảo sát lại cơn khủng hoảng niềm tin của chính ông và con đường ông đi tìm một cuộc đổi mới.

 

Tác phẩm nầy của James Carroll là một kết hợp của hai chuyện: Một là cuộc hành trình đi tìm để hiểu niềm tin riêng của mình thông qua mối liên hệ với Giáo hội, và hai là Lịch sử của chính Giáo hội. Từ khi còn là một cậu bé tìm được niềm tin cho đến khi dần dần trở thành một tín đồ Công giáo vỡ mộng. Tác giả đã mổ xẽ một cách sắc bén vừa chính con người của ông vừa quá trình đã làm cho Giáo hội trở thành một định chế bị giới Giáo sĩ toàn Nam giới dùng quyền lực để thống trị tất cả đám con chiên.  

Tác giả Carroll cho rằng chủ trương “Nam giới thượng đẳng” của giới Giáo sĩ là gốc rễ và cũng là hàng ngũ phòng ngự hiện nay cho phép cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục tồn tại. Cấu trúc quyền lực của hàng Giáo sĩ đang là một mối đe dọa cho sự tồn vong của Giáo hội, và cũng là một chướng ngại cho khả năng của một Giáo hoàng, dù có tiến bộ như Giáo hoàng Phanxicô (Francis), thực hiện được những cải cách trong một định chế chỉ chịu trách nhiệm với chính mình mà thôi. (Như định chế đảng Cọng sản trong các xã hội Xã hội chủ nghĩa - ND). Tác giả Carroll đã vạch lại lịch sử của nan đề nầy từ thời Đế quốc La Mã cho đến thời Trung Cổ, khi mà các Thánh thư, Chúa Giêsu, những Lời dạy của Chúa được tái diễn dịch để (biến) Giáo hội thành một Đế quốc.

Tác giả Carroll đã tự kiểm thảo một cách sâu sắc khi ông đấu tranh với nội tâm trong những ngày được Chúa chọn, kinh qua thời gian làm Linh mục, nãy sinh những nghi ngờ khiến ông phải từ bỏ vai trò Linh mục để bước vào con đường đổi mới riêng tư, kể cả khi ông làm bình luận gia cho nhật báo Boston Globe để viết về tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo.

Để kết thúc, tác giả Carroll kêu gọi Giáo hội và tất cả con chiên có tinh thần cải cách hãy làm sống lại văn hóa từ trong lòng Giáo hội bằng cách chống đối giới Giáo sĩ, ủng hộ Nữ giới và kiên định vững vàng trong tinh thần Từ ái vốn là sự thật thiết yếu nằm trong tâm điểm của đời sống Đạo và niềm tin Thiên Chúa.

The Truth at the Heart of the Lie: How the Catholic Church Lost Its Soul

by James Carroll

“Courageous and inspiring.” —Karen Armstrong, author of The Case for God

“James Carroll takes us to the heart of one of the great crises of our times.” —Stephen Greenblatt, author of The Swerve

An eloquent memoir by a former priest and National Book Award–winning writer who traces the roots of the Catholic sexual abuse scandal back to the power structure of the Church itself, as he explores his own crisis of faith and journey to renewal

 

James Carroll weaves together the story of his quest to understand his personal beliefs and his relationship to the Catholic Church with the history of the Church itself. From his first awakening of faith as a boy to his gradual disillusionment as a Catholic, Carroll offers a razor-sharp examination both of himself and of how the Church became an institution that places power and dominance over people through an all-male clergy.

Carroll argues that a male-supremacist clericalism is both the root cause and the ongoing enabler of the sexual abuse crisis. The power structure of clericalism poses an existential threat to the Church and compromises the ability of even a progressive pope like Pope Francis to advance change in an institution accountable only to itself. Carroll traces this dilemma back to the Roman Empire and the Middle Ages, when Scripture, Jesus Christ, and His teachings were reinterpreted as the Church became an empire. In a deeply personal re-examination of self, Carroll grapples with his own feelings of being chosen, his experiences as a priest, and the moments of doubt that made him leave the priesthood and embark on a long personal journey toward renewal—including his tenure as an op-ed columnist at The Boston Globe writing about sexual abuse in the Church.

Ultimately, Carroll calls on the Church and all reform-minded Catholics to revive the culture from within by embracing anti-clerical, anti-misogynist resistance and staying grounded in the spirit of love that is the essential truth at the heart of Christian belief and Christian life.

The Truth at the Heart of the Lie: How the Catholic Church Lost Its Soul - Harvard Book Store

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

 

TỰ THUẬT CỦA NGƯỜI ĐỔ XĂNG
Tác giả Hùynh Văn Hải (nguyên là ĐĐ Thích Chơn Ngữ)

Trong “Biến cố 1963”,  phong trào đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo Việt Nam kéo dài 6 tháng, còn được gọi là “Sáu tháng Pháp Nạn”, có ba cột mốc lớn:

(1) Vụ chính quyền đàn áp Phật tử gây tử vong tại đài Phát thanh Huế đêm Phật Đản 8/5/1963.

(2) Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn ngày 11/6/1963, và

(3) Chiến dịch “Nước Lũ” càn quét chùa và bắt bớ Tăng Ni toàn quốc do ông Cố vấn Ngô Đình Nhu phát động trong đêm 20/8/1963, gần như làm tê liệt hóa toàn bộ Phong trào Phật giáo, biến cuộc đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo thành cuộc đấu tranh chính trị công khai của đảng phái, trí thức và sinh viên (và của quân đội trong bí mật).

Cho đến nay, sau 58 năm trôi qua, các thế lực thù nghịch Phật Giáo vẫn còn tiếp tục đánh phá Phật Giáo nhằm chạy tội quá khứ đã chống lại dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam – bằng cách cáo buộc phong trào tranh đấu Phật Giáo 1963 là do Cộng Sản giật dây hay là do những người Cộng Sản hay thân Cộng Sản chủ trương nên đã tuyên truyền rằng “người tưới xăng lên thân Hòa Thượng Thích Quảng Đức là cán bộ Cộng Sản nằm vùng Nguyễn Công Hoan, cựu dân biểu “lưỡng triều” Việt Nam Cộng Hòa”.

Nói rằng Nguyễn Công Hoan là cựu dân biểu quốc hội miền Nam Việt Nam thời đệ nhị Cộng Hòa (nhiệm kỳ 1971-1975) và là cựu dân biểu quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sau năm 1975) là đúng, nhưng nói rằng người tưới xăng lên Hòa Thượng Thích Quảng Đức là ông Nguyễn Công Hoan là hoàn toàn sai sự thật.

Vậy ai là người đã giúp (tưới xăng) lên HT. Thích Quảng Đức để ngài tự thiêu? Người đó chính là Đại Đức Thích Chơn Ngữ, sinh năm 1933 tức 30 tuổi vào năm 1963, thế danh là Huỳnh Văn Hải, đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau năm 1963, Đại Đức Thích Chơn Ngữ đi du học tại Hoa Kỳ, sau đó qua Pháp học và đỗ Tiến sĩ Sử Học tại Đại Học Sorbonne, Paris. Năm 1973 ông về Việt Nam dạy học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sau năm 1975 cởi áo xuất tu , vượt biển và được nhập cư vào Mỹ năm 1982 và hiện đang sống tại San Jose Hoa Kỳ. Ông Huỳnh Văn Hải, người vừa là chứng nhân, vừa là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc tự thiêu của ngài Quảng Đức đã thuật lại như sau trong bài viết “Tự thuật của người đổ xăng


 Phóng ảnh trang 6 và 7 của Nguyệt san CHẤN HƯNG, số 12,
phát hành tháng 11/1987 tại miền Nam California

Xem thêm:
Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Trong Ngày 11/6/1963 Đã Bị Mạo Hóa
________________________________

VÀI NÉT VỀ ĐẠI ĐỨC THÍCH CHƠN NGỮ


Đại đức Thích Chơn Ngữ, người tưới xăng lên mình Ngài Quảng Đức, là nhân chứng thứ nhì: Đại đức có thế danh Huỳnh Văn Hải, vốn là đệ tử của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân tại Huế. Đại đức người Huế, vào khoảng 30 tuổi vào năm 1963, người tương đối cao lớn nên được phân công đổ xăng lên thân thể Hoà thượng Quảng Đức. Vì tham gia vào vụ tự thiêu trong vai trò đó, ĐĐ Chơn Ngữ đã bị chính quyền Diệm bắt giam để khảo cung, và bị tra tấn tàn bạo làm hư hại bộ phận sinh dục không thể có con. Sau khi chế độ Diệm sụp đổ, ĐĐ Chơn Ngữ được một học bổng đi du học và tốt nghiệp Tiến sĩ đệ tam cấp (Docteur Troisième Cycle) tại Pháp. Cuối năm 1973 hay đầu năm 1974, ĐĐ về nước và dạy tại Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, sinh viên ghi danh theo học lớp của ĐĐ khá đông. Sau 1975, trong tình hình mới nhiều phức tạp, Đại đức cởi áo xuất tu, trở lại với thế danh Huỳnh Văn Hải. Rồi khoảng năm 1981, theo phong trào boat people, ông vượt biển đến Indonesia. Ông được nhập cư vào Mỹ, sống ở Los Angeles một thời gian và cuối cùng về định cư tại thành phố San Jose ở bang California. Hiện nay (2011), ông Huỳnh Văn Hải đã già yếu, gần 80 tuổi nên thị lực kém, và đang ở vùng Bay Area. Ông có một số bà con ở tại Orange County, miền nam California và ở Houston, tiểu bang Texas.

Năm 1985, trả lời cho tạp chí Chấn Hưng do một số cư sĩ Phật giáo ở Los Angeles chủ trương, ông Huỳnh Văn Hải (nguyên là Đại đức Thích Chơn Ngữ), người vừa là nhân chứng vừa đóng vai trò quan trọng trong cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức, đã kể lại như sau:

“... Ngày 15 tháng 5, Tổng thống Diệm bất đắc dĩ phải tiếp phái đoàn Phật giáo gồm 5 vị: Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ, Tâm Châu và Đôn Hậu, nhưng ông Diệm đã không thực tâm giải quyết vấn đề. Do đó, ngày 16 lại có nhiều cuộc tuyệt thực khác và biểu tình rầm rộ trước Quốc Hội, nhưng chính quyền vẫn không đả động gì đến những yêu cầu của Phật giáo đồ... Bây giờ câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là việc tự thiêu, người hưởng ứng đầu tiên là Ngài Quảng Đức.

 

... Lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, tôi dìu Ngài ra đến cổng chùa, thầy Đức Nghiệp mở cửa chiếc xe Austin đã đậu sẵn, mời Ngài lên. Xe gặp đường Phan Đình Phùng quẹo phía trái là đường Lê Văn Duyệt, tài xế dừng xe lại, xung quanh tôi các tăng ni đã đứng chật ních bao vây ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng.

 

Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già” tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật.

Tiếng niệm Phật rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao, phủ kín cả người Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai tay trước ngực.

 

Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng Tọa Thích Tâm Châu mà nay là Hòa thượng tu hành tại nước Pháp.

 

Ngài Quảng Đức đã hiến mình cho Đạo Pháp bằng cách an nhiên tọa thuyền trong biển lửa cao ngút. BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC đã tự đốt mình để bảo vệ Đạo Pháp lúc lâm nguy và để bảo vệ quyền Tự Do Tín Ngưỡng. Hành động can đảm và tuyệt vời này của Ngài đã làm cả thế giới khâm phục và đã thức tỉnh lương tri nhân loại rằng đàn áp, chém giết chỉ gieo rắc thêm hận thù. Bạo lực sẽ thất bại trước TỰ DO, CÔNG BẰNG, TÌNH THƯƠNG và lòng KHOAN DUNG.


Trích từ “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” - Nguyệt san Chấn Hưng số 4, tháng 8 năm 1985, trang 2, 3 và 19. Los Angeles, Hoa Kỳ.” Lúc bấy giờ, nguyệt san Chấn Hưng chủ yếu được phổ biến trong các chùa và cộng đồng cư sĩ Phật giáo ở Mỹ. Và 24 năm trước đây, phần trích đoạn ở trên của bài viết “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” đã được cụ Hoành Linh Đỗ Mậu in lại trong tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Phụ Lục A, số thứ tự 27, trang 1083 và 1084, ấn bản 1987, và được tiếp tục duy trì trên các ấn bản tiếp theo, kể cả ấn bản điện tử 2007.

(Trích từ bài "Ngụy tạo và xuyên tạc cuộc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức, Tại sao?", tác giả: Pháp Lạc & Nguyễn Kha.)

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a35481/tu-thuat-cua-nguoi-do-xang

 

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

 

CHIẾM NHÀ QUỐC HỘI VÀ GIỌT NƯỚC TRÀN LY

Nguyễn Quang Dy

Ngày 6/1/2021 sẽ đi vào lịch sử khi hàng ngàn người ủng hộ Trump quá khích xông vào Nhà Quốc Hội gây bạo loạn. Nếu Nhà Quốc Hội (Capitol), Tượng đài Washington (Monument) và Bảo tàng Lincoln (Memorial) ở Washington D.C. là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ thì vụ tấn công vào Capitol là lần đầu tiên đánh thẳng vào nền dân chủ Mỹ. Joe Biden gọi đó là “khủng bố trong nước” (domestic terrorists), để so sánh với vụ máy bay khủng bố của Al Qaeda đánh sập Tháp Đôi (11/9/2001) của Trung tâm Thương mại ở New York.  

Cùng tắc biến

Người Mỹ phẫn nộ nhưng không ngạc nhiên khi bạo loạn xảy ra trên đường phố, như “Black Lives Matter” (BLM) gần đây. Nhưng họ thực sự sốc khi thấy Capitol bị tấn công, làm phó Tổng thống Mike Pence và các nghị sỹ đang họp phải trốn. Hình ảnh Capitol thất thủ không chỉ làm người Mỹ phẫn nộ mà còn làm nhiều nước lo ngại. Khi các nhà báo phỏng vấn những người quá khích đó, nhiều người không biết họ muốn gì, vẫn tưởng rằng nghe lời kêu gọi của Trump tấn công Capitol là “Làm Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” (MAGA).

Cảnh bạo loạn ở Capitol có thể làm người ta nhớ lại hình ảnh hồng vệ binh thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, và làm nhiều người khác nhớ lại hình ảnh nước Cộng hòa Chuối (Banana Republic). Trong khi Trump mỵ dân bằng MAGA, ông đã làm xấu nước Mỹ bằng MADA (Make America Disgraced Again). Trump đã làm nước Mỹ ngày càng giống một nước Cộng hòa Chuối, và làm cho chính mình giống “Đại tá Trump”. Có người gọi Trump là “trùm kích động” (Inciter-In-Chief) cũng như “trùm nói dối” (Liar-in-Chief).  

Những người ủng hộ Trump quá khích xông vào Capitol có thể bị truy tố vì tội phá hoại, nhưng  họ chỉ là nạn nhân bị xúi giục. Cách đây bốn năm, Trump đã từng khoe “Tôi có thể đứng giữa Đại lộ số Năm và bắn ai đó, nhưng không mất phiếu”.  Chắc không có chính khách nào dám nói như vậy. Nhưng Không chỉ có Trump, mà một số nghị sỹ (như TNS Ted Cruz và TNS Josh Hawley) đã ủng hộ Trump và xúi giục họ phản đối Quốc Hội xác nhận kết quả bỏ phiếu, vì động cơ cá nhân của họ là gây quỹ và tìm cơ hội tranh cử năm 2024.

Giọt nước tràn ly

Trump đắc cử năm 2016 với ảo tưởng (delusion). Khi Trump thất cử năm 2020 ảo tưởng đó bị tổn thương, kích hoạt hội chứng ngạo mạn (nascissism) trở nên cực đoan. Trong khi đó, những người ủng hộ Trump bị mê hoặc bởi chủ nghĩa mị dân Trumpism, và thuyết âm mưu pha trộn tâm linh của Epoch Times, biến thành một thứ bùa mê như một loại cocktail. Họ ngộ nhận về Trump như một thánh nhân chứ không phải bệnh nhân (psychopath). Bùa mê đó lây lan như virus Corona, nên năm 2020, nước Mỹ mắc hai loại virus nguy hiểm.   

Năm 2016, Trump đắc cử nên chưa có cơ hội ăn vạ rằng “bầu cử gian lận” (fraud). Năm 2020, Trump thất cử nhưng không chấp nhận thất bại, tiếp tục đấu lý và ăn vạ rằng bầu cử gian lận, tuy các luật sư của Trump (như Rudy Giuliani) không đưa ra được bằng chứng nào trước tòa. Hai tháng đấu lý vô vọng và tốn kém (lương Giuliani $ 20.000/ngày), trong khi hình ảnh Rudy Giuliani và Sidney Powell ngày càng phản cảm. Trump không chỉ thất cử mà còn bị cô lập ngay trong đảng Cộng Hòa, vì ngạo mạn hành xử như “con bạc khát nước”.  

Trump kêu gọi người ủng hộ đến Capitol để ngăn cản Quốc Hội xác nhận kết quả kiểm phiếu, nhưng ảo tưởng của Trump trở thành “điểm bùng phát” (tipping point) làm “giọt nước tràn ly”.  Cuộc đối đầu thầm lặng (standoff) hai tháng qua đã kết thúc tại Capitol (như “anti-climax”),  phản ánh cuộc khủng hoảng chính trị và truyền thông. Tình trạng chia rẽ và phân hóa không chỉ diễn ra giữa hai đảng, mà còn trong nội bộ của đảng Cộng Hòa đã bị Trump thao túng, nay hàng loạt quan chức Nhà Trắng và Nội các đang từ chức (tuy quá muộn).

Bốn năm qua, tuy Trump làm được những điều mà các tổng thống khác chưa làm được là dám chống Trung Quốc, nhưng ông lại rút khỏi TPP, giúp Trung Quốc một cơ hội vàng. Gần đây, Trung Quốc đã ký được hiệp định thương mại RCEP với 10 nước ASEAN và bốn nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan) mà không có Mỹ và Ấn Độ. Tuy chính quyền Trump chống Trung Quốc mạnh hơn, nhưng làm suy yếu quan hệ đồng minh. Tuy bức tranh kinh tế tốt hơn, nhưng đại dịch Corona năm 2020 làm Mỹ phải trả giá quá đắt.

Lời cuối

Tuy buộc phải “lên án bạo lực và hứa sẽ chuyển giao quyền lực”, Trump khuyên người ủng hộ mình “về nhà” (go home, I love you!), trong khi Quốc Hội vận dụng Tu Chính án 25 để phế truất Trump (lần hai). Nếu Trump bắt chước Nixon từ chức để Mike Pence ân xá (trước 20/1), thì có thể thoát tội liên bang, nhưng khó thoát tội tiểu bang New York. Trump từng dọa Hillary Clinton (lock her up), nay đến lượt mình (lock him up). Tuy chưa điều tra vụ Capitol, nhưng Trump bị Facebook và tweeter khóa tài khoản vì “kích động bạo lực”.

Tuy còn quá sớm để biết Trump và những người liên quan có thoát tội hay không, nhưng chắc Trump sẽ không được hoan nghênh trong “câu lạc bộ các cựu thổng thống”. Hôm trước, Trump kêu gọi những người ủng hộ mình kéo đến Đại lộ số Năm và Nhà Quốc Hội, nhưng hôm sau Trump lên án bạo lực và “quay lưng lại với họ”. Tấn công vào Capitol là một vết đen cùng Trump đi vào lịch sử như một hiện tượng xấu xa của Trumpism. Đáng tiếc là có nhiều người Việt ủng hộ Trump, và treo lá cờ VNCH trên nóc nhà Quốc Hội Mỹ.   

Đây là sự thật chứ không phải đang xem vở kịch “Fawlty Towers”!

NQD. 09/01/2021

Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_ChiemNhaQuocHoi.html

 

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

 

HAI NGÀY SÔI ĐỘNG CUỐI THÁNG 9 NĂM 1963:

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CỦA “MR. SMITH” VÀ “MR. R”

(Tài liệu Giải mật của CIA, Bộ Ngoại giao và Pentagon Papers)

Người dịch: Tâm Diệu, Trí Tánh, Nguyên Giác

Office of the Historian (Văn phòng Sử gia) là một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, “theo luật định, chịu trách nhiệm về việc soạn thảo và phát hành tài liệu lịch sử chính thức của chánh sách ngoại giao Mỹ” trong Tổng tập FRUS (Foreign Relations of the United States), đã được giải mật.

 [The Office of the Historian is responsible, under law, for the preparation and    publication of the official documentary history of U.S. foreign policy in the "Foreign Relations of the United States" series].

 

Lời Giới Thiệu - Ngày 5 tháng 7 năm 1967, Quốc hội Mỹ khóa thứ 89 ban hành đạo luật “Freedom of Information Act (FOIA)” cho phép các tài liệu của chính phủ Mỹ có thể được giải mật (declassification) nếu vượt quá thời hạn 50 năm ban hành. Mục đích của  đạo luật nầy là  “… thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ bằng cách cung cấp một khung pháp lý cho các cá nhân có nhu cầu truy cập các tài liệu của chính phủ” (“The FOI Act promotes government accountability and transparency by providing a legal framework for individuals to request access to government documents”). 

Những tài liệu liên quan đến “Biến cố 1963” tại miền Nam Việt Nam, kéo dài từ lễ Phật Đản đến Chính biến 1-11-1963, thì nay đã đáp ứng điều kiện khung “thời gian 50 năm” nầy của đạo luật FOIA. Khối tài liệu đồ sộ nầy của chính quyền Kennedy (tại Washington cũng như tại Sài Gòn) được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm kể từ giữa thập niên 2010’s, khi có một số sử gia Mỹ bắt đầu tìm cách nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ chiến tranh Việt Nam.

Hy vọng các thông tin được giải mật nầy, ít nhất là từ phía Mỹ, sẽ giúp các nhà viết sử có thêm tài liệu tham chiếu để thẩm định lại một cách chính xác và đúng đắn hơn về một giai đoạn bi hùng của lịch sử nước ta.

 

Vào cuối tháng 9 năm 1963, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Việt Nam đtìm hiểu (fact finding mission) của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tướng Chỉ huy trưởng Liên quân Maxwell Taylor, có hai nhân vật được nhắc đến tên trong các văn kiện trao đổi giữa các giới chức lãnh đạo của Mỹ tại Sài Gòn và Washington. Họ được đặt bí danh là “Mr Smith” cho một nhà nghiên cứu người Mỹ   “Mr. R” cho một viên chức cao cấp người Việt thân tín bậc nhất của ông Diệm.

Cho đến nay, nhân thân của “Mr. Smith” vẫn chưa được tiết lộ, chỉ biết lúc đó ở Sài Gòn, là một nhà nghiên cứu và là nhà văn về Việt Nam, trước đó là người ủng hộ Diệm nồng nhiệt cho tới lúc đó”. Còn “Mr. R”, thì bây giờ chúng ta biết rõ chính là ông Nguyễn Đình Thuần , Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng, tạm giữ chức Bộ trưởng Đặc nhiệm Phối hợp An ninh”. Bộ trưởng Thuần chính là người mà từ hai năm trước đó, đã theo lệnh TT Diệm, yêu cầu chính phủ MỹGửi quân Mỹ tác chiến hoặc quân Mỹ “cố vấn tác chiến” cho quân VNCH.” (Theo “The Pentagon Papers”, Ed. Bantam Books Inc., 1971, trang 40, trích từ Điện văn của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi bộ Ngoại Giao ngày 13 tháng 10, 1961)

 

Hai nhân vật nầy, trong những văn kiện trao đổi giữa Washington và Sài Gòn trong hai ngày 26 và 27/9/1963 đã được đề cập đến như  là đã cung cấp các thông tin được cập nhật, cũng như những phân tích và bình luận tình hình tại Nam Việt Nam. Đáng lưu ý là, những ý kiến của hai “Mr” nầy đã được đánh giá cao và góp phần định hình quyết sách của Mỹ trong thời gian sôi động đó, cũng như đã cảnh báo khá đúng phản ứng của hai ông Diệm Nhu sau nầy.    

 (Hình ảnh lấy từ Internet - Phần nhấn mạnh / in đậm là của blog Nam Giao - 1/2021)

 ------------------------------------------------------------------------------------------------

■ Ngày 26/9/1963. Từ CIA Sài Gòn gửi về trung ương Hoa Kỳ.

Sau đây là tóm tắt nội dung cuộc nói chuyện dài nửa giờ với Tướng Khiêm vào sáng ngày 26/9/1963 do Khiêm mời tới. Khiêm giải thích rằng Khiêm yêu cầu nói chuyện theo lệnh Tướng Dương Văn Minh, muốn tiếp tục liên lạc thế này. Khiêm nói về nội dung cuộc nói chuyện giữa Khiêm với Minh, chỉ với Minh thôi, và xin đừng để lộ ra. Tướng Khiêm nói Việt Cộng mới đây cho thấy sức mạnh ở chiến trường, nơi thiệt hại của quân đội VNCH lần đầu tiên nặng nề như của VC. Khiêm thêm rằng xuyên qua các chiến dịch mới đây chỉ huy do Đại Tá Phước của ARVN J-2 (Tình Báo Quân Đội, VNCH) cho thấy nhiều chứng cớ rằng VC đã rất mạnh, đã có kế hoạch kỹ lưỡng và có nguồn lực tại chỗ để nỗ lực tấn công Sài Gòn nếu có bất kỳ hỗn loạn nào xảy ra. Khiêm nói có biết phía "dân sự" cũng đang âm mưu đảo chánh, nhưng phía "dân sự" không biết gì về tình hình sức mạnh của Việt Cộng. Do vậy, nên các tướng (tức là, Minh, Khiêm và Khánh) quyết định hủy bỏ kế hoạch đảo chánh trong khi chờ chính phủ Diệm cải tổ theo yêu cầu của các tướng lãnh.

(Lời Người Dịch: Trong tuần lễ thứ nhì của tháng 9/1963, các tướng lo ngại Nhu sẽ thương thuyết với Hà Nội và sẽ từ từ nhuộm đỏ Miền Nam, nên đã đề nghị với TT Diệm cải tổ chính phủ, để quân nhân nắm chức Bộ Trưởng các Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Tâm Lý Chiến và Bộ Giáo Dục. TT Diệm nói sẽ trả lời sau. Các tướng đề nghị với TT Diệm rằng, Bộ Quốc Phòng giao cho hoặc Tướng Minh, Đôn hoặc Khánh. Các tướng tiên đoán TT Diệm sẽ chọn Tướng Đôn nắm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Đề nghị Tướng Tôn Thất Đính nắm Bộ Nội Vụ, và tin là TT Diệm sẽ đồng ý. Bộ Tâm Lý Chiến đề nghị hoặc Tướng Trần Tử Oai hay Lê Văn Kim. Bộ Giáo Dục, hoặc tướng Trần Văn Minh hoặc Phạm Xuân Chiểu.)

Tướng Khiêm tin rằng TT Diệm sẽ đồng ý. Khiêm dự trù rằng ngày 4/10/9163 sẽ là hạn chót của các tướng để TT Diệm chấp nhận thay đổi chính phủ, nếu không thì các tướng sẽ có kế hoạch khác. Các tướng tin rằng TT Diệm sẽ chấp thuận nội các chiến tranh đó, vì quân VC đã cho thấy họ có sức mạnh nguy hiểm là từ kết quả chính phủ Diệm-Nhu trong quá khứ đã có những sai lầm chính sách cho tới giờ này. Các tướng tin rằng nếu các bộ quan trọng thay đổi (tốt nhất là, Tướng Dương Văn Minh nắm Bộ Quốc Phòng, Tướng Trần Văn Đôn nắm Bộ Nội Vụ) thì đường dây chỉ huy các mặt trận, và xuống tới các tỉnh, huyện sẽ hiệu quả chống lại hiểm họa từ trong (nội bộ chính phủ Diệm-Nhu) cho tới ngoài là Bắc VN.

Diệm đã có một bước như các tướng muốn là mới vài ngày trước đã ký lệnh đưa Đại Tá Tung và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt của Tung nằm trực tiếp dưới quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Chưa rõ lệnh này hiệu quả ra sao. Diệm cũng có hành động khác làm hài lòng các tướng là đưa Bác sĩ Trần Kim Tuyến (chỉ huy mật vụ, an ninh) ra ngoài VN. Tướng Khiêm xem Tuyến là một trong những người của Nhu chịu trách nhiệm nhiều nhất về tính kém hiệu quả của các cơ quan dân sự trong cuộc chiến chống VC. Khiêm nói, nếu tân chính phủ cải tổ như ý các tướng, ảnh hưởng của Cố vấn Nhu đối với hướng đi của VN sẽ thành tối thiểu. (Nhận định từ CIA Sài Gòn: Chúng tôi không chia sẻ niềm tin của Khiêm rằng Diệm sẽ chấp thuận đề nghị trao các Bộ đó cho các tướng nắm giữ.)

Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara trong chuyến

Tham quan Tìm hiểu (Fact Finding Mission trip) vào tháng 9 năm 1963. 

■ Ngày 26/9/1963. Bản báo cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara. Viết từ Sài Gòn.

Nội dung: McNamara phỏng vấn Giáo sư Smith. Ghi chú cho biết, theo William P. Bundy, người tháp tùng McNamara tới Việt Nam, GS Smith là tên giả. Smith lúc đó ở Sài Gòn, là một nhà nghiên cứu và là nhà văn về Việt Nam, trước đó là người ủng hộ Diệm nồng nhiệt cho tới lúc đó. Bundy về sau nhớ lại rằng ý kiến của Smith ảnh hưởng mạnh vào McNamara. Sau đây là tóm lược bài phỏng vấn.

Smith, một giáo sư tại đại học hàng đầu American University, nói tiếng Việt lưu loát, học giả về Đông Phương, quen biết rộng với các lãnh đạo ở cả Nam và Bắc VN, công việc hàng ngày tiếp cận các bản chép lại các bài phát thanh của Bắc Việt và các lá thư cá nhân và các tài liệu khác được đưa lậu ra khỏi Bắc VN. Smith vừa hoàn tất chuyến thăm Nam VN, các lần viếng thăm trước đó là năm 1960 và 1953. Trong chuyến đi này, Smith không đi nhiều ra ngoài Sài Gòn. Smith nói với McNamara như sau.

Khi tới thăm Nam VN, Smith nghĩ rằng sẽ nguy hiểm nếu cuộc chiến chống Cộng không có TT Diệm. Sau nhiều tuần lễ ở đây, ông đổi ý kiến. Diệm già kinh khủng kề từ 1960, bây giờ trí não trì trệ. Nhu là người, với lưng đã bị đẩy vào tường; bản thân Nhu đã rơi vào tình trạng kinh hoàng và đã tới một giai đoạn phản ứng tuyệt vọng; và rồi, ngay cả với các thành phần không liên hệ tới chính trị tại Sài Gòn cũng lo sợ bị Nhu bắt giam.. Diệm sẽ không tồn tại quá 24 giờ nếu không có Nhu, người tiếp nhận các khoản tiền hối lộ và quấy động quyền lực để sống còn. Nhu sẽ không tồn tại quá 24 giờ nếu không có vẻ ngoài uy tín của Diệm. Họ cần nhau. Không thể làm cho chế độ cởi mở. Diệm không có khả năng thay đổi. Do vậy, Mỹ phải chọn giữa việc chiến thắng cùng với chế độ này, hay là ủng hộ sự thay đổi để có chế độ khác.

Trong nhiều năm, công chúng chỉ trích chế độ, nhưng là chỗ rieng tư. Bây giờ là chỉ trích công khai, từ người dân ngoài đường phố, và chỉ trích cũng công khai từ quân nhân và cảnh sát. Chế độ đàn áp Phật Tử đã gây bất mãn cho mọi thành phần người Việt. Họ kinh hoàng khi cảnh sát tấn công các chùa. Cả người Thiên Chúa Giáo cũng bất mãn như Phật Tử. Không có chuyện xô xát Phật Tử với giáo dân Thiên Chúa Giáo. Trong quá khứ chưa từng có giáo hội chính thức nào của Phật Giáo, thế rồi đột nhiên họ phải tổ chức lại, vv. Từ lâu đã có sự chống đối chế độ một cách tiêu cực khắp VN, nhưng đã hiển lộ ra quanh người Phật Tử sau khi xảy ra sự kiện Huế. Bây giờ, không chỉ là phong trào tôn giáo, mà còn là chính trị.

Điểm đầu tiên để nghiên cứu kỹ lưỡng là: Chúng ta có thể chiến thắng với chế độ Diệm không? GS Smith tin là không thể chiến thắng. Như vậy, là phải thay thế. Bất kỳ vận động nào tách rời chế độ đều rất rủi ro. Sinh viên và Phật Tử không thể lật đổ chính phủ. Chỉ có đảo chánh quân sự hay một cú ám sát mới hiệu quả, và một trong 2 viễn ảnh đó thế nào cũng sẽ xảy ra. Trong các viễn ảnh đó, Hoa Kỳ có 50% cơ may sẽ có được điều tốt đẹp hơn. Thompson tuần trước nói rằng chương trình Ấp Chiến Lược tiến triển khả quan; đài phát thanh Bắc Việt chỉ trích nặng nề nhất là chương trình đó. Qua các nguồn tin độc lập, Smith xác nhận rằng Nhu nói với phóng viên Alsop (của báo Washington Post) và rồi Alsop viết lên báo, và rằng Bắc Việt đã nói chuyện với Nhu xuyên qua người Pháp, như Nhu đã nói. Một Đại tá quân đội, bạn chung của Nhu và của GS Smith, nói rằng mới vài ngày trước, Nhu hỏi rằng quân đội VNCH sẽ phản ứng ra sao đối với việc thương thuyết hai miền. Đại Tá nói với Nhu rằng ông sẽ không sống sót quá 24 giờ sau khi khởi động thương thuyết như thế. Nếu CS chiếm trọn Miền Nam VN, sẽ không có lãnh tụ chính trị nào tại Châu Á còn tin vào thế giới Phương Tây nữa. Thực sự, mất lòng tin sẽ không riêng ở các lãnh đạo Châu Á. Chính phủ Mỹ không thể làm gì khác hơn là hoặc công khai ủng hộ Diệm, hoặc im lặng. Nếu Mỹ im lặng, sẽ có một cuộc đảo chánh có lẽ xảy ra trong vòng 4 tuần lễ nữa. Đó sẽ là ván cờ bạc để xem ai sẽ nắm quyền sau chế độ quân sự lâm thời.

Các giáo sư tại Đại Học Sài Gòn nói rằng đời sống y hệt như địa ngục. Nếu đại học mở cửa lại, sinh viên sẽ lại xuống đường và Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa sẽ cùng với sinh viên biểu tình. Nhu đan bắt giam nhiều người thêm, và căng thẳng không ngừng. Do vậy, tinh thần chiến binh cũng xuống. Gỡ bỏ thiết quân luật và giới nghiêm nhưng tăng tốc bắt giam. Thế là nhà tù đầy thêm. Nếu Mỹ âm mưu đảo chánh, thì lại thất bại, vì chính phủ mới sẽ bị tai tiếng  là búp-bê của Mỹ. VC chưa lợi dụng được bất ổn chính trị, và Bắc Việt đang thiếu lương thực thê thảm. Theo ý tôi (GS Smith), nếu chính phủ Mỹ không nói gì để ủng hộ chính phủ Diệm, sự bùng nổ sẽ xảy ra trong vòng 2 hay 3, hay 4 tuần lễ tới.

.

■ Ngày 27/9/1963. Bầu cử Quốc Hội VNCH trên toàn lãnh thổ Nam VN, với tiên đoán được là tỷ lệ đi bầu sẽ đông và đa số ứng cử viên là người của chính phủ Diệm. Bản ghi chú của Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi rằng một ứng cử viên nổi tiếng với các quan điểm độc lập, Nguyễn Trân, bị chính phủ cho là bất hợp lệ. Không có nhà hoạt động đối lập nào được tranh cử. Có một số nghi ngờ rằng chính quyền gian lận bằng cách cấp cho các cá nhân tin cậy mỗi người nhiều hơn một phiếu bầu, và cũng gian lận bằng cách đếm sai, trong khi chính phủ có một danh sách các ứng cử viên được ưa thích sẵn và đã giúp cho các ứng cử viên này.

Các ứng cử viên thắng phiếu sẽ vào 123 ghế, trong đó có 60 ghế đương nhiệm (có 25 người đương nhiệm thất cử). Theo báo cáo của CAS, 96 ứng cử viên được chính phủ Diệm hỗ trợ đã thắng cử. Trong đó bao gồm 55 thành viên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (NRM) và 19 phụ nữ, tất cả đều có lẽ là thành viên Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới (WSM). Mặt khác, dựa vào báo cáo CAS, có 15 trường hợp được chính phủ VN hỗ trợ nhưng thất cử (chính phủ VN giữ trung lập trong phần còn lại cùa các ứng cử viên). Chưa rõ tất cả nhóm 15 người thất cử này sẽ chấp nhận thua hay không, vì có tin vài người nộp đơn khiếu nại. Khuôn mặt mới có 2 đại biểu người gốc Hoa, và là lần đầu tiên người Hoa ở Chợ Lớn gia nhập chính trị VN. Vắng mặt trong Quốc Hội mới sẽ là các khuôn mặt tương đối độc lập, những người có khuynh hướng gần với nghiệp đoàn lao động, như Phạm Văn Tùng và Trần Sanh Bửu. Điều chú ý là, 2 người này thua phiếu 2 ứng cử viên gốc Hoa kia. Trong tình hình Quốc Hội cũ vốn đã bất lực, các nhân sự mới không có vẻ gì sẽ là vai trò sáng tạo. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ không sẵn sàng chấp nhận con số do chính phủ VN đưa ra là 92.82% dân số đi bầu là khả tín, nhưng xác nhận rằng người dân đông đảo đi bầu, một phần vì áp lực từ các viên chức địa phương, một phần vì không khí lễ hội trong ngày bầu cử. 

Biết rằng Bộ Trưởng McNamara và Tướng Taylor sẽ đề nghị dùng chương trình viện trợ để áp lực TT Diệm, cho nên cả Đại sứ Lodge và Brent (Giám Đốc USOM) đều chống lại phương pháp đó. Lodge gửi điện văn lúc giữa trưa, nói rằng nếu Mỹ cắt giảm viện trợ sẽ làm đời sống người dân khổ hơn, và sẽ bất lợi cho cuộc chiến chống Cộng.

.

■ Ngày 27/9/1963. 6 p.m. Gửi từ Tòa Đại sứ về BNG. Ký tên Lodge. Hãy chuyển tới USIA cho Murrow.

Tôi đề nghị nghiên cứu tức khắc về khả năng làm một loạt chương trình trên đài VOA, sẽ nói bằng tiếng Việt trên làn sóng phủ khắp Nam VN đều đặn, trình bày các lý tưởng Hoa Kỳ như tự do phát biểu, tự do báo chí, quyền được ra tòa nếu bị bắt, phẩm chất cá nhân phải được tôn trọng, quyền tìm hạnh phúc, mọi người đều bình đẳng, chính quyền là đầy tớ của dân, vân vân. Hiện nay tất cả các nguyên tắc đều bị vi phạm tàn bạo ở VN. Thực sự, tôi vừa nhận được bản báo cáo khả tin về chuyện cảnh sát nửa đêm gõ cửa nhà dân và bắt đi các phụ nữ trong một gia đình về nhà giam để thẩm vấn (Xem khung chữ đính kèm).

Mục đích chiến dịch thông tin này để dân VN ý thức về quyền của họ, tới mức gây lo ngại cho Diệm-Nhu và sẽ giúp Mỹ có sức ép. Tôi tin rằng sức mạnh của lý tưởng chúng ta sẽ mạnh hơn là tiền hay là thế lực của chúng ta. Tôi có ý nghĩ trên vì tin rằng đài VOA có đông thính giả tại VN. Mecklin cũng nghĩ thế.

.

■ Từ Sài Gòn. Không ghi ngày. Bản báo cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara. Về buổi nói chuyện ngày 27/9/1963 với Richardson (Trưởng Phòng CIA Sài Gòn). Buổi nói chuyện dài 2 giờ đồng hồ. Sau đây là nhận xét của Richardson.

Khủng hoảng Phật Giáo chỉ là cao điểm của những bất mãn đã ẩn tàng từ lâu. Tương lai bất định, khó đoán. Tình hình bắt giam hàng loạt sinh viên là rất tệ hại. Các vụ bắt giam này có cả các con của các sĩ quan và các công chức cao cấp. Các vụ bắt trong đêm chỉ làm người dân căm ghét thêm. R (bí danh của Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần) nói với Diệm rằng cứ mỗi viên chức trong nội các là đều có một khủng hoảng cá nhân. Điều R muốn nói chính là bầu không khí của những nỗi nghi ngờ. Họ kính trọng Diệm, nhưng không chịu nổi gia đình nhà Ngô. R đặc biệt lo sợ hành động của các cấp cao nhất trong quân đội. Hai lần trong vài ngày qua, R từ chối đề nghị rằng R sẽ lên nắm chức Tổng Thư Ký Hội Đồng Chính Phủ (Secretary General of the Council); Diệm nói như thế là đưa R vào chức Thủ Tướng, nhưng R nói R không thể chấp nhận chức vụ đó trong chính phủ này. R được báo cáo là R đang bị theo dõi, gia đình nhà Ngô nhìn R như một người Mỹ. R nói R không thấy có ai có đủ đạo đức cá nhân để thay thế Diệm, nhưng hướng đi mà Diệm và nhà Ngô đang dẫn đi sẽ đưa tới thảm họa. Diệm là người yêu nước nhưng gắn bó với gia tộc nhà Ngô. Quan hệ giữa các cố vấn quân sự Hoa Kỳ và người tương nhiệm (VN) là tốt, nhưng nếu bầu không khí nghi ngờ không hết, các cấp thấp phía người Việt sẽ rút ra khỏi quan hệ này -- R nói có thấy tiến trình xấu này. Richardson nói, "Tôi yêu cầu Bộ Trưởng hãy rất cứng rắn; đây là con đường duy nhất. Đừng cắt đứt viện trợ; chỉ treo viện trợ thôi." Diệm lo lắng về chuyện chậm trễ viện trợ thương mại. R nói, có 4 tướng xin được giữ chức trong nội các chính phủ. Họ rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Đình Thuần (thứ hai từ trái, ngồi bên mặt PTT Nguyễn Ngọc Thơ) trong một cuộc họp báo của Ủy ban Liên Bộ năm 1963. Vì ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống nhưng kiêm nhiệm luôn chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nên ông Thuần chỉ giữ chức “Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng” kiêm nhiệm “Bộ trưởng Phủ Tổng thống”). - Hình của Lo Vinh, sưu tầm của southeastasiacollector.

Để cứu VN, chúng ta phải áp lực Diệm để buộc ngưng các biện pháp đàn áp dân và phải buộc Nhu ra đi. Nếu không, đảo chánh sẽ xảy ra và sẽ là thảm họa. Nhu là kẻ chủ mưu, chỉ huy trận tấn công các chùa. Đừng tin những gì nhìn thấy, vì người dân đang nổi giận. Chuỵện các sinh viên thì cực kỳ kinh hoàng. Trong thâm tâm, nhiều sĩ quan đã bất mãn lớn với chính phủ. Tư Lệnh Hải Quân, người đã cứu sinh mạng Diệm trong năm 1960, bây giờ không thuyết phục nổi chính thân phụ của mình về cái gì là tốt đẹp của chính phủ. Dân chúng ghét bà Nhu và cậu em (Trần Văn Khiêm). Nếu Nhu tìm cách nối ngôi Diệm, sẽ có chiến tranh liền. Không chỉ có chuyện bắt người ban đêm, cũng có chuyện Mật Vụ bắt cóc người. Có bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu được thả ra? Tôi không biết. Tổng Thư Ký tờ Trudo (Tự Do?), tờ báo bị nghi là ủng hộ người Mỹ, bây giờ đã bị bắt giam.

Nhiều thành viên nội các chính phủ đã chán rồi, muốn từ chức, nhưng nếu từ chức là sẽ có chuyện bất tường. Có 36 mật vụ trong nhà Mẫu [Ngoại trưởng] khi Mẫu tìm cách rời VN. R nói với Diệm: Tổng Thống không thể sống sót nếu không có viện trợ Mỹ. Đồng tiền sẽ sụt gíá, lúc đó đồng tiền đã sụt giá rồi. Khiêm, em trai bà Nhu và là chỉ huy cảnh sát bí mật, là một người điên khủng và bị ám ảnh tình dục. R nằm trong danh sách ám sát của Khiêm. Bộ Trưởng Kinh Tế, một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành, nói với R rằng ông không thể ngủ đêm qua khi nghĩ về các lời tuyên bố chống Mỹ của Nhu; ông tin rằng tuyên bố như thế thì phe hưởng lợi nhiều nhất là người Cộng sản và ông kết luận rằng hẳn là có một người Cộng sản phía sau Nhu. Bản báo cáo này có chữ ký được đánh máy của Bộ Trưởng Robert S. McNamara.

TDTTNG/202101