Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014


VĂN HÓA KHÔNG PHẢI LÝ DO THẤT BẠI
Đặng Hoàng Giang

Một trong những tác động xã hội bất ngờ của dàn khoan HD981 là giống như một bác sĩ tâm lý nghiêm khắc, nó bắt người Việt quay lại truy vấn về bản thân mình, về gốc gác và bản sắc văn hoá của mình. Và khá nhanh chóng, chữ “thoát Trung” được truyền tay nhau.
Một cảm giác hưng phấn treo lơ lửng trên không và chạy rần rật trên các mạng xã hội. “Một cơ hội nghìn năm có một”, thời cơ để Việt Nam thoát khỏi cái bóng (ma) rộng lớn mang tên Trung Quốc - nhiều người tự nhủ.

Không chỉ muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng về kinh tế (ai mà chẳng muốn miếng cơm, manh áo của mình không phụ thuộc vào một kẻ duy nhất), hay về chính trị (ai mà chẳng muốn mình không phải một con rối của một quốc gia khác), rất nhiều tiếng nói yêu cầu Việt Nam thoát Trung về văn hoá.
Theo họ, khước từ văn hoá Trung Quốc, tức là khước từ gốc gác của văn hoá Việt, là điều cấp thiết nhất để Việt Nam trở nên hùng mạnh và thịnh vượng.

Là một trong những giọng nói khẩn thiết nhất, bài “Thoát Trung luận” của tác giả Giáp Văn Dương kêu gọi Việt Nam hướng tới phương Tây (thú vị thay, bằng văn phong của một bản hịch thời phong kiến).
Bài luận phê bình việc dùng các bài khấn bằng chữ Hán trong ma chay “mặc dù người chết không đọc được lấy một chữ”, hay việc chiếu phim Trung Quốc trên TV.

Ông Dương liệt kê ra những thói hư tật xấu mà ông cho là đặc trưng của văn hoá Trung Quốc, như “ngông nghênh coi thường chân lý”, “ếch ngồi đáy giếng”, “bằng cấp hư danh” và cho rằng do quá “nghiêm cẩn” với “người thầy” phương Bắc của mình, nhất nhất tuân theo, mà người Việt để cho những thói hư tật xấu này hoành hành ở đất nước mình.
Theo ông, đi theo những giá trị tiến bộ phương Tây là cách duy nhất để dứt bỏ “thói hành dân”, “nịnh trên lừa dưới”, “tệ chạy chức chạy quyền”.

Những người khác còn đi xa hơn, họ cho rằng đạo Khổng, với đạo lý tôn trọng tôn ti trật tự, cá nhân nằm dưới gia đình nằm dưới cộng đồng nằm dưới vua quan, chính là lý do tại sao chúng ta lại ở trong tình trạng bi đát như bây giờ. Phải đoạn tuyệt với văn hóa Khổng Giáo, thay thế nó bằng chủ nghĩa tự do cá nhân, họ khẳng định.
Tư tưởng của các nhà cách tân Việt Nam của đầu thế kỷ 20 được lấy ra, phủi bụi, và sử dụng lại y nguyên như là thế giới vẫn đứng im trong 100 năm qua. “Đi theo phương Tây, hay là chết” - phương châm của họ có thể tóm tắt lại như thế.

'Sửa ruột bên trong'
Đáng tiếc là câu chuyện không đơn giản như vậy.
Nếu ông Lý Quang Diệu có theo dõi cuộc tranh luận sôi nổi này của người Việt, hẳn ông ta phải nhăn mũi khó chịu. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông đã quảng bá không mệt mỏi cho “những giá trị châu Á”, được nuôi dưỡng chính từ những triết lý của Đạo Khổng, và coi con đường cá nhân chủ nghĩa của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ, là đi vào chỗ tắc.

Ngoài ông Diệu, cơ man các công trình nghiên cứu kinh tế phát triển cũng cho rằng sự thành công của bốn con rồng Á châu (Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong) là do đóng góp của văn hoá Khổng giáo: tôn trọng trật tự, kỷ luật, hy sinh cá nhân vì lợi ích tập thể.
Singapore đã đưa Khổng giáo vào trong chương trình giáo dục phổ thông tới tận thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tức là trong toàn bộ 30 năm cất cánh của họ. Các tập đoàn lớn của Hàn quốc dùng các giá trị Khổng giáo trong các khoá đào tạo lãnh đạo của mình.
Không cần tới ví dụ của các con rồng châu Á người ta cũng có thể thấy là “ngông nghênh”, “hành dân”, “tham nhũng”, “chạy chức chạy quyền” không phải đặc tính của Khổng giáo, hay của bất cứ một văn hoá nào khác, mà là đặc tính của một nền quản trị quốc gia bị thất bại.

Sự thành công thì có nhiều con đường, Bắc Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á, nhưng sự thất bại thì bao giờ cũng có hình thù giống nhau. Tham nhũng ở Phillipines thì cũng có hình dạng như ở Pakistan hay ở Việt Nam, cho dù văn hoá của các nước này là Công giáo, Đạo Hồi hay Khổng giáo.
Mục tiêu lớn nhất của các nhà cách tân Việt Nam đầu thế kỷ 20 là khắc phục tinh thần “dị ngoại”, nghĩa là ghét cái khác mình, của người Việt, để người Việt có thể hiểu được phương Tây, làm việc cùng phương Tây, và trở nên hiện đại như phương Tây.

Việt Nam của thế kỷ 21 nằm trọn vẹn trong một thế giới phẳng. Nhân lực, vốn tài chính, các sản phẩm văn hoá, di chuyển xuyên quốc gia theo sự điều khiển của bàn tay thị trường toàn cầu. Cách đây 100 năm, cắt móng tay, tóc húi cua, mặc áo vét, đi giày da… là những hành động mang tính biểu tượng để đưa người Việt Nam lại gần với một nền văn minh của máy móc và công nghệ. Ngày nay, mục đích của Việt Nam là xây dựng thượng tôn pháp luật, phát triển kinh tế bền vững, đi cùng với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Cái cần phải sửa là cái ruột bên trong, chứ không phải những cái hình thức bên ngoài như ông Giáp Văn Dương lo lắng.
Bởi vì với cái thẩm mỹ của số đông u mê hiện nay, với cung cách chụp giật, câu view của các nhà đài, không có phim tập Tàu thì sẽ có phim tập Hàn, đầy ung thư, phản bội, chia ly sướt mướt, hay phim tập Việt sống sượng rẻ tiền. Cũng là nhét rác vào đầu thì có cần ưu tiên rác Việt, rác Hàn chứ không phải rác Tầu?
Bởi vì nếu hàng năm Tết đến người ta vẫn xin ông đồ chữ Nhẫn như một cái máy, mà không ai bỏ ra lấy hai phút để nghĩ xem trong năm mình đã tu tập, cảnh tỉnh bản thân thế nào, thì nếu có bỏ cái chữ Hán đó đi mà thay vào đó một cái gì mà người ta “đọc được” như ông Dương yêu cầu (“Keep calm” cho nó Tây?) thì cái tờ chữ đó cũng chẳng thần kỳ biến người sở hữu nó thành một người tự chủ, đàng hoàng, bản lĩnh.
Bởi vì nếu các trường học chỉ thay cái khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đi, và thay vào đó là “Hãy tin vào chính bạn” (một phương châm 100% Mỹ), thì liệu vì thế nạn dạy thêm, phong bì, chạy trường chạy điểm, sẽ bỗng dưng biến mất. Nếu thay cái Tết Nguyên đán bằng Lễ Noel thì người ta sẽ thôi biếu sếp phong bì tiền tấn, mà chuyển sang tặng ngỗng?

Văn hóa không phải lý do

Ông Giáp Văn Dương và những người giống ông có đang đề nghị Việt Nam làm một cuộc cách mạng văn hoá nữa, lại đạp đổ các đền chùa miếu mạo, lại lên danh sách các “hủ tục”, phát động phong trào xây dựng “văn hoá mới”, duy lần này không phải xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa mà là ”con người mới tư bản toàn cầu”?

Tôi mong muốn được nhìn thấy các cộng đồng mà người dân đọc được các chữ Hán, chữ Nôm viết trên các chùa chiền, đình, miếu của nơi mình ở, những nơi có thể biến thành các bảo tàng của cộng đồng, giúp người dân hiểu được lịch sử của địa phương mình.
Tôi tin vào sự quan trọng của văn hoá không bị đứt gãy, chỉ có thể có khi người dân đọc được những tư liệu cổ của nước mình. Tôi muốn đạo Khổng được dạy trong một môi trường giáo dục có tự do ngôn luận và tự do học thuật, bên cạnh các văn hoá khác, mà không bị bắt cóc bởi các mưu đồ chính trị (như đang xảy ra ở các Viện Khổng tử của Trung Quốc hoạt động ở Mỹ).
Tôi muốn nhìn thấy người dân Việt Nam có đủ hiểu biết và sự dẻo dai về văn hoá để chèo lái trên biển toàn cầu hoá, để trở nên những công dân toàn cầu mà không bị tha hương về văn hoá, bị bơ vơ về bản sắc. Họ không cần phải thoát đi đâu cả.


Năm 2012, hai học giả Daron Acemoglu và James A. Robinson của MIT và ĐH Harvard cho ra đời cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại”, gây tiếng vang lớn. Những người đang kêu gọi “thoát Á”, “thoát Khổng”, “thoát Trung” nên đọc cuốn này.
Tôi không muốn tiết lộ câu trả lời, nhưng chỉ điều này: theo các tác giả, văn hoá không phải là lý do.


Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014


TƯỢNG PHẬT Ở QUÁN CAFÉ


Julia O'Malley

Một Khối Đá im lặng thì có khả năng hoằng pháp lớn hơn một Nhà Tu lắm lời
hay một Bộ Kinh phủ bụi trong tàng kinh các - NG

Tựa bài viết này không là một ý thơ kiểu cọ thời đại, hay một tư tưởng lạ của mấy triết gia, mà chỉ là một sự thật tôi từng được biết nhân đọc báo mấy năm trước. Trong bài viết tuần qua, nhân nói về một cô gái Việt sống ở Unalaska, tiểu bang Alaska, tôi có hứa kể bạn nghe chuyện một pho tượng Phật trắng toát đã phiêu lưu từ miền Trung Việt Nam đến tận thành phố Anchorage ở miền băng giá Alaska. Tượng Phật này được an vị bất đắc dĩ trong một quán cà phê của người Mỹ, và trở thành một biểu tượng cho sự bình an đối với bất cứ ai từng ghé quán Side Street Espresso nằm trên đường G Street.

Tượng Phật ngồi bằng đá cẩm thạch này nặng gần 700 pounds, tức là hơn 310 kí-lô, cao chừng một mét. Sau khi tượng đến quán được một thời gian khá lâu, mùa hè năm 2011, nữ ký giả Julia O'Malley đã viết bài đăng trên báo Anchorage Daily News về pho tượng và người đã mang tượng đến Alaska.

Bà Julia kể rằng vài năm trước đó, ông Suel Jones, một thợ máy về hưu từng làm việc cho hãng dầu BP, đã có cảm tình với một pho tượng Phật được đẽo gọt bởi một nghệ nhân ở bên lề đường trên Núi Ngũ Hành Sơn (người Tây Phương gọi là Núi Đá Cẩm Thạch). Ngày ấy ông Suel đã du lịch đến vùng ngoại ô Đà Nẵng.

Tôi chỉ nhìn pho tượng và biết rằng mình muốn nó hơn những tượng khác nằm quanh đấy,” ông nói với bà Julia. “Tôi không thể giải thích tại sao tôi thích tượng Phật ấy, có lẽ vì nét mặt, có lẽ vì chất liệu, tôi không thật sự hiểu.”

Thế rồi ông nói thêm rằng tượng gợi nhớ một thời quá khứ bất ổn khi ông là một người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi mới đến Việt Nam. Ông nhớ rõ một ngày nọ khoảng 40 năm trước, khi ông và các đồng đội tiến vào một ngôi làng gọi là Cam Lộ.

Có một ngôi chùa bị bắn nổ tan tành,” ông kể. Trong ngôi chùa tan hoang ấy, ông thấy một pho tượng Phật ngồi vững vàng, thanh tịnh giữa những đổ nát của chiến tranh. Điều đó khiến ông nghĩ đến những gì đang xảy ra cho đất nước Việt Nam, cho con người và cho truyền thống từ ngàn xưa của họ.

Tượng Phật cẩm thạch trông quen thuộc với ông vì lẽ ấy. Có lẽ vì nụ cười của Phật, như là vị Phật mà ông từng thấy lần đầu 40 năm trước nay bỗng trở về với ông. Cựu quân nhân này cảm thấy trong lòng một sự biết ơn mà ông không hề nghĩ mình có trước đây, về sự có mặt của Phật trong đời ông.

Thế là ông Suel đồng ý mua tượng Phật với giá $500. Ông tốn thêm gấp đôi số tiền để cho người ta chuyên chở tượng đến Alaska. Khi mua tượng thì ông không thật sự biết mình sẽ làm gì với nó. Chắc đặt ở ngoài vườn tại căn cabin của ông ở Glacier View, ông nghĩ vậy. Căn cabin và cũng là nhà của ông nằm cách xa Anchorage khoảng 100 dặm nằm trên bang lộ Glenn Highway. Khi tượng Phật đến Alaska, ông Suel đã lái một chiếc pickup và chở tượng ở đằng sau trong suốt mấy ngày. Lái xe đến đâu ông cũng gây chú ý. Ai ai cũng tò mò nhìn pho tượng Phật trắng ngần nằm trên xe của ông Suel. Ở các ngã tư đèn đỏ và ở trạm xăng, người lạ bước đến gần và hỏi ông về pho tượng ấy. Ai cũng thắc mắc, không biết tại sao ông Suel này lại mang Phật đến Alaska.

Họ không ngần ngại khi bước đến và sờ tượng Phật ở đằng sau xe của tôi,” ông kể.

Ông đã chở Phật xuống phố đến quán cà phê Side Street Espresso, nơi mà ông là một khách hàng quen mặt trong hơn 20 năm. Ông muốn hai chủ nhân George Gee và Deb Seaton được thấy tượng. Bà Deb cho rằng tượng này nên đặt trong bảo tàng viện.

Tôi đã xúc động đến muốn khóc,” bà Deb kể với ký giả Julia. “Tượng Phật sao mà đẹp quá.”

Thế rồi ông Suel xét lại, nghĩ rằng tượng Phật này không thể đặt ở một khu vườn hẻo lánh. Trong thời gian gần đây, ông sống nửa năm tại Glacier View và nửa năm còn lại ở Việt Nam, nơi ông làm việc với các hội cứu chiến binh của người Mỹ. Ông đã lập ra một hội chuyên trợ giúp các cựu chiến binh ở Alaska, bất kể họ trở về từ cuộc chiến nào trên thế giới. Tại Việt Nam thì ông phụ giúp trong công tác tháo gỡ mìn, xây nhà chơi cho trẻ em.

Ban đầu ông nghĩ đến việc bán tượng Phật để gây quỹ cho hội, và dùng tiền để làm thêm việc thiện ở Việt Nam. Cặp chủ nhân George và Deb đề nghị ông để Phật ở trong quán cà phê trong lúc chờ người mua.

Xe cần cẩu từng được dùng để đưa tượng Phật lên xe của ông. Giờ đây ông và hai người bạn không có xe cần cẩu để mang tượng xuống. Họ vận động thêm vài người bạn đến giúp một tay. Thế nhưng pho tượng nặng 700 cân chỉ có thể được mang từ trên xe xuống mặt đất, không thể nào khiêng vào bên trong quán cà phê. Mọi người nặn óc, đưa ra những sáng kiến. Thế nhưng đề nghị nào cũng thất bại. Tượng quá nặng so với sức của họ.

Thế rồi đúng lúc mọi người đành bó tay, chưa biết phải di chuyển Phật như thế nào, thì bỗng nhiên có hai ông lái xe mô-tô phóng qua. Ông nào cũng có đôi tay vạm vỡ đầy bắp thịt rắn chắc như cầu thủ chơi football. Hai ông mặc áo da đi xe mô-tô này đã phóng xe qua và rồi vòng xe lại vì muốn quan sát một bức tượng mà họ thấy xuất hiện kỳ lạ ở nơi đây. Khi biết nhóm ông Suel cần khiêng tượng vào trong tiệm, hai ông lái xe mô-tô liền ra tay giúp.

Hai người này gần như tự họ khiêng Phật vào bên trong, không cần ai giúp,” ông Suel nhớ lại.

Thế là Phật được an vị trong quán cà phê Side Street như vậy. Họ đặt tượng giữa một tủ lạnh và một chiếc bàn với khăn ca-rô phủ bên trên. Hai năm trôi qua.

Tượng Phật và ông Suel Jones trong quán cà phê ở Anchorage, Alaska.
(Hình: Erick Hill / Anchorage Daily News)

Chúng tôi không may mắn trong việc bán tượng,” ông Suel kể. “Giống như là tượng đã quyết định ở lại đây, không muốn đi đâu hết.”

Quán Side Street có rất đông khách lui tới thường xuyên, và hầu như ai cũng cảm thấy thân quen với tượng. Họ thường ve vuốt những nếp y trên tượng. Đôi vai của Phật không còn bóng loáng vì có quá nhiều dấu tay sờ bên trên. Thế rồi họ dần dần đặt thêm đèn cầy ở cạnh tượng, choàng thêm vòng hoa trên Phật và biến góc nhỏ này thành nơi thờ phượng.

Khi được hỏi ý ông nghĩ sao về việc bức tượng thu hút người ta đến như vậy, ông Suel trả lời, “Có lẽ nước Mỹ chúng ta đang trải qua quá nhiều vấn đề rối rắm.” Ông nhắc đến nền kinh tế lúc ấy không được khá, chính trị bị chia rẽ, và có rất nhiều cựu quân nhân trở về từ hai cuộc chiến mới nhất. Ai cũng tìm cách thấu hiểu những gì đang xảy ra ở chung quanh họ.

Họ cần bất cứ cái gì có thể cho họ một cảm tưởng bình yên, tĩnh lặng,” ông nhận xét.

Ông chủ George Gee dậy sớm mỗi ngày để vẽ chân dung và viết thực đơn cho món đặc biệt trong ngày trên một tấm bảng nhỏ. Là một họa sĩ, ông thường vẽ khuôn mặt của những nhân vật thời sự trong ngày kèm thêm lời châm biếm hài hước để mua vui thực khách. Chẳng hạn như mới đây ông George vẽ mặt anh chàng Edward Snowden để quảng cáo cho một món nước uống có pha thêm hương vị dừa “coconut,” để ám chỉ hành động dại khờ của anh khi tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ Mỹ, để rồi phải trốn chạy qua Hồng Kông và nay bị mắc kẹt ở Nga.

George nói rằng tượng Phật đã trở nên quá thân thuộc với ông trong những lúc ông cần suy nghĩ nhất trong ngày. Ông nói quán cà phê luôn có một nguồn năng lực riêng của nó, và tượng Phật đã thật phù hợp trong không gian này.

Tượng hình như đã có sẵn một năng lực huyền bí từ lâu,” ông nói. Lực đó đã khiến những tay anh hùng lái xe mô-tô phải rời xe của họ, và cũng có thể đã khiến một người quyết định đưa pho tượng nặng 700 cân đi nửa vòng trái đất đến đây, ông George nghĩ vậy.

Vào khoảng tháng Sáu năm 2011, những thân chủ của tiệm đã mau chóng truyền tin với nhau rằng có người đã trả giá mua tượng Phật và sắp mang tượng rời quán cà phê. Họ cảm thấy luyến tiếc khi nghĩ đến việc một ngày kia Phật không còn ngồi ở chỗ quen thuộc trong quán. Thế rồi khoảng hai tuần sau đó, một thân chủ đến uống cà phê như mọi lần. Khi mở bóp lấy tiền trả nước uống, ông cầm ra $3,000. Ông muốn mua tượng Phật với một điều kiện, ông George kể. Điều kiện duy nhất ấy là Phật phải ở trong tiệm này, không đi đâu hết.

Ông Suel đồng ý. Số tiền bán tượng ấy đã được ông Suel mang đến miền Trung Việt Nam để tiếp tục công tác từ thiện của hội Cựu Chiến Binh Cho Hòa Bình (Veterans for Peace).

Tôi rất ngạc nhiên, bạn biết chăng,” ông Suel kể. “Nhưng rồi tôi cũng hiểu, tôi thấy rằng ông ấy cũng muốn chia sẻ tượng với mọi người.”

Thế nên giờ đây Phật vẫn còn an vị trong một quán cà phê nằm trên đường G Street ở Anchorage, Alaska, không ngồi trong một ngôi đền hoặc một ngôi chùa nào xa thế gian. Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại, với nét mặt đẹp sáng ngời, và với một nụ cười thân thuộc luôn mang đến sự bình yên. 


Phúc Quỳnh dịch
(VienDongDaily.com, 17/06/2014)



Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014


CHXHCN VIỆT NAM CÓ BỊ RÀNG BUỘC
BỞI CÔNG THƯ 1958 KHÔNG?

Quốc Pháp

 

Những ngày vừa qua, trên báo chí nổi lên cuộc tranh luận về Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cũng như về một vài tư liệu khác (bản đồ, sách giáo khoa…) mà ngày 9.6.2014 Trung Quốc đề nghị cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc.

Sau khi đọc những tài liệu trên và một số bài của các học giả Trung Quốc, tôi thấy cần phải trao đổi đôi điều về vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam - một trong những luận cứ chính mà phía Trung Quốc muốn dùng để bào chữa cho hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Một số khái niệm cơ bản về thừa kế quốc gia
1. Thừa kế quốc gia là một chế định luật pháp quốc tế khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến khi ra đời 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Công ước về thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978; Công ước về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia năm 1983, các luật gia trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này.
Căn cứ vào hai Công ước nói trên, có 3 trường hơp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là: Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập; Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia; Thừa kế khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác. 
Nhiều luật gia còn nêu ra trường hợp thừa kế quốc gia sau cách mạng xã hội, nhưng hai Công ước 1978 và 1983 đã không coi cách mạng xã hội là một trường hợp dẫn đến thừa kế quốc gia. Như vậy, luật pháp quốc tế coi cách mạng xã hội chỉ làm thay đổi chế độ chính trị (chính phủ) trong một quốc gia chứ không hình thành nên một quốc gia - chủ thể mới của luật pháp quốc tế. Trong 3 trường hợp trên, về khách quan chúng ta đều thấy có sự hiện diện của hai quốc gia là quốc gia tiền bối (predecessor state) và quốc gia thừa kế (successor state) khác nhau (với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia theo Công ước Montevideo, bao gồm: dân cư, lãnh thổ và một chính quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại), còn trong trường hợp cách mạng xã hội thì tương đối khó chứng minh điều này.
2. Hai Công ước của LHQ đều định nghĩa: “Thừa kế quốc gia” là sự thay đổi đối với trách nhiệm về quan hệ quốc tế của lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. (Succession of states” means the replacement of one state by another in the responsibility for the international relations of territory).
Đồng thời với việc xác định ba trường hợp thừa kế quốc gia, hai Công ước cũng quy định những nguyên tắc pháp lý áp dụng cho từng trường hợp thừa kế nói trên. Khác với nguyên tắc “thừa kế đương nhiên và toàn bộ” trong trường hợp sáp nhập hoặc tách rời quốc gia, trường hợp các quốc gia mới độc lập, nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế cũng như nợ quốc gia được áp dụng trong hai Công ước về cơ bản là nguyên tắc “xóa sạch” (tabula rasa) hay còn gọi là thừa kế có chọn lọc.
Việt Nam là quốc gia mới độc lập đã áp dụng nguyên tắc này trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. 
Tàu Cảnh sát biển VN đang thực thi pháp luật tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Trung Quốc) hạ đặt trái phép - Ảnh: M.T.Hải
3. Mặc dù vậy, vẫn có một nguyên tắc được áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp thừa kế quốc gia - đó là khi thừa kế quốc gia liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Đ.11 và 12 của Công ước 1978 về thừa kế quốc gia quy định: thừa kế quốc gia không làm ảnh hưởng đến đường biên giới, chế độ biên giới hoặc quy chế các vùng lãnh thổ được quy đinh trong các điều ước quốc tế. Nói cách khác tức là các quốc gia thừa kế (ngay cả trường hợp quốc gia mới độc lập), đều không thể đơn phương hủy bỏ, thay đổi các điều ước về biên giới, về chế độ biên giới hoặc về quy chế một vùng lãnh thổ nào đó. Nếu điều ước đó là bất hợp lý thì quốc gia mới được thành lập (quốc gia thừa kế), trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đàm phán với các quốc gia liên quan để sửa đổi.
Điều 11 và 12 làm rõ thêm quy định của luật pháp quốc tế: tranh chấp về biên giới lãnh thổ không thể giải quyết bằng các hành động đơn phương, đặc biệt là bằng vũ lực. Điều này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc cấm sử dụng vũ lưc và đe dọa sử dụng vũ lưc, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình…

Thừa kế quốc gia của Nhà nước Việt Nam
1. Trước khi bị Pháp xâm lược, nước Việt Nam, mà người đại diện là Triều đình của các Hoàng đế nhà Nguyễn, đã là một quốc gia - chủ thể của luật pháp quốc tế. Các vua chúa nhà Nguyễn là người đã xác lập và thực thi chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông qua việc ký Hiệp ước 1884 với Triều đình Huế, về phương diện pháp lý quốc tế, Pháp đã hoàn tất quá trình biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Từ thời điểm này, Việt Nam mất độc lập chủ quyền, không có quan hệ đối ngoại, không phải là chủ thể luật pháp quốc tế.
Theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ thì Pháp là quốc gia thừa kế của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Với tư cách đó, Pháp đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ với Triều đình nhà Thanh và khi phân chia các đơn vị hành chính Việt Nam, Pháp đã đưa Hoàng Sa vào quản lý hành chính của tỉnh Quảng Nam, Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cũng với tư cách là quốc gia thừa kế của Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho xây dựng trạm khí tượng trên Hoàng Sa và cấp phép cho các công ty khai thác phân dơi trên quần đảo này…
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm độc quyền cai trị Việt Nam dẫn đến sự kiện Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các điều ước bất bình đẳng 1862, 1874, 1884 giữa Việt Nam và Pháp, xóa bỏ quy chế thuộc địa và việc chia cắt Việt Nam thành ba Kỳ. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng với sự kiện này Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuyên cáo của Bảo Đại ngày 11.3.1945 nói “nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập” không thể coi là văn kiện làm phát sinh thừa kế quốc gia, nếu có chăng chỉ là việc Nhật thừa kế các quyền lợi của Pháp tại Việt Nam. Nhật đã thay thế Pháp quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Với Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, chủ thể của luật pháp quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ dân chủ công hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Câu nói trên đã khái quát một cách hết sức cô đọng vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) xuất hiện như một quốc gia mới độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế, nhưng không phải tách ra từ thuộc địa của Pháp, vì “Pháp đã chạy”, những điều ước của Pháp đã bị xóa bỏ. Nước Việt Nam cũng không phải là quốc gia thừa kế trực tiếp của Nhật, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng Đồng minh. VNDCCH lại càng không phải là quốc gia thừa kế của Triều đình Huế, bởi vì không thể có thừa kế quốc gia đối với triều đình bù nhìn.
Việc ngày 23.9.1945, Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và trong thời gian đầu chiếm được phần lớn lãnh thổ Việt Nam không đem lại địa vị pháp lý quốc tế mà Pháp đã có ở Việt Nam trước năm 1945. Đó chỉ là hành động xâm lược đối với một quốc gia đã có độc lập chủ quyền là VNDCCH. Với sách lược hòa hoãn, VNDCCH đã ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 cho nên, về khách quan, giữa VNDCCH và Pháp chưa thể diễn ra việc chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể theo thừa kế quốc gia.
3. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 8.3.1949 Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Élysée, công nhận “nền độc lập của Việt Nam”, trên cơ sở đó Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam (từ 1956 đổi thành Việt Nam Cộng hòa - dưới dây gọi chung là VNCH). Hiệp định Élysée 1949 cùng với Hiệp ước trao trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 4.6.1954 được nhiều luật gia miền Nam trước đây coi là hai văn kiện pháp lý quốc tế đánh dấu sự ra đời của môt quốc gia Việt Nam độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế và là văn kiện quy định về thừa kế quốc gia của Việt Nam sau khi chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp. Về khoa học pháp lý quốc tế, những khẳng định này là không đúng.
Từ thời điểm này trên lãnh thổ Việt Nam song song tồn tại hai chính phủ là VNDCCH và VNCH, cả hai chính phủ này đều coi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thuộc quyền quản lý của mình và chỉ có mình là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Việt Nam.
Trên thực tế, Pháp đã sử dụng khá thành công hai văn kiện 1949 và 1954 nói trên để từ chối quan hệ với VNDCCH và chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho VNCH với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, VNCH đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của LHQ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO - tháng 6.1951), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA - tháng 9.1961)… Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận VNDCCH, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với VNCH. Họ coi VNCH như là người đại diện cho quốc gia Việt Nam.
VNCH tham dự Hội nghi San Francisco 1951, tại đây đã chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa  và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.
Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ VNDCCH, bắt đầu từ tháng 1.1950 Trung Quốc, Liên Xô rồi sau đó là một loạt các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Các nước XHCN công nhận VNDCCH như là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của Việt Nam, từ chối quan hệ chính thức với VNCH.
4. Hiệp định Genève 1954 là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương quan trọng đầu tiên công nhận “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Bên cạnh Pháp và VNDCCH, tham dự Hội nghị Genève cùng với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Campuchia, Lào còn có đại diện của Quốc gia Việt Nam. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại đã từ chối ký Hiệp định Genève với lý do chính đưa ra là phản đối việc Hiệp định này chia cắt Việt Nam thành hai miền.
Theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết (chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam). Mặc dù “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. (Đ.6 Tuyên bố chung), nhưng Đ.14 (k.a) lại quy định "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy (TG nhấn mạnh)". 
5. Sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng đưa đến việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào ngày 8 tháng 6 năm 1969. Từ tháng 6.1969 đến cuối năm 1975, CHMNVN đã được hơn 50 nước trên thế giới công nhận và lập quan hệ ngoại giao. 
Trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện thêm một chính phủ, nhưng khác với VNDCCH và VNCH, CHMNVN chỉ khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam (tức là từ phía Nam vĩ tuyến 17) và coi mình là “đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam”. CHMNVN được VNDCCH công nhận là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam và thiết lập Văn phòng Đại diện có quy chế ngoại giao tại Hà Nội.
Cho đến ngày 30.4.1975, bên cạnh việc tham dự Hội nghi Paris bốn bên về Việt Nam, CHMNVN vận động để được tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Đầu tiên là việc gia nhập Phong trào Không Liên kết tại Hội nghị cấp cao Alger 1973; sau đó là cuộc vận động để tham dự Hội nghị Ngoại giao về Luật quốc tế Nhân đạo tai Genève năm 1974; CHMNVN đã gửi Công thư cho Tổng thư ký LHQ yêu cầu được hưởng quy chế Quan sát viên tại tổ chức này (sau ngày 30.4.1975 CHMNVN tiếp quản quy chế Quan sát viên của VNCH tại LHQ)…
Đầu năm 1974, khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, CHMNVN đã có Tuyên bố chính thức phản đối hành động này vì coi mình là người quản lý lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
6. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975, CHMNVN đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví du như:  Tuyên bố ngày 1.5.1975 của Bộ Ngoại giao CHMNVN khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của VNCH ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do CHMNVN quản lý…
Cũng với cách tiếp cận tương tự, CHMNVN đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống LHQ mà trước đó VNCH đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO,  IAEA, IMF, WB…).
Việc CHMNVN tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ VNCH cũng như quy chế hội viên tại các TCQT diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới luật pháp quốc tế. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp CHMNVN cùng với VNDCCH làm thành viên LHQ càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ).
Về đối nội, các văn kiện Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 21.11.1975 đã khẳng định CHMNVN thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn VNDCCH thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền CHMNVN đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền.
Trên biển, quân giải phóng MNVN đã tiếp thu tất cả các đảo trên biển Đông phía Nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH đồn trú mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào trong cũng như ngoài khu vực.
7. Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên toàn lãnh thổ VNDCCH và CHMNVN vào ngày 25.4.1976. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) với Thủ đô là Hà Nội.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN có Công thư gửi cho các quốc gia và tổ chức quốc tế thông báo về những quyết định của Quốc hôi nước Việt Nam thống nhất và về việc hợp nhất cơ quan đại diện đối ngoại của VNDCCH và CHMNVN ở nước ngoài thành cơ quan đại diện của CHXHCNVN.
Tuy vậy, vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam lúc này diễn ra không hoàn toàn thuận lợi như trước đây. Quan điểm của CHXHCNVN không công nhận sự ràng buộc đối với những Hiệp định vay nợ mà VNCH đã ký trước ngày 30.4.1975 đã không được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp nhận. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đấu tranh đòi áp dụng nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với quốc gia mới độc lập cũng không thuyết phục được đối tác trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất quán quan điểm coi CHXHCNVN là chủ thể mới của luật pháp quốc tế, hình thành trên cơ sở sát nhập VNDCCH và CHMNVN. Ba trường hợp sau sẽ cho thấy thực tiễn giải quyết vấn đề thừa kế quốc gia của CHXHCNVN.
● VNCH là hội viện sáng lập của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 1966. Trong gần 10 năm, ADB đã dành cho VNCH 11 khoản vay để thực hiện 9 dự án phát triển. Cho đến 30.4.1975, VNCH còn nợ ADB 5.580.000 USD (gần như tương đương với 5.360.000 USD là khoản đóng góp mà VNCH đang có tại ADB). Sau khi giải phóng miền Nam, ADB đương nhiên coi CHMNVN là hội viên thay thế cho VNCH. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, để có thể thừa kế quyền hội viên của CHMNVN thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải có Công thư ngày 30.8.1976 gửi cho Chủ tịch ADB tuyên bố thay mặt Chính phủ CHXHCNVN nhận tất cả những nghĩa vụ đối với các khoản tín dụng mà ADB dành cho miền Nam Việt Nam trước ngày 24.6.1976.
● Đối với các Hiệp định tín dụng mà Chính phủ Nhật cho VNCH vay trước 1975, cách giải quyết có khác hơn, nhưng về nguyên tắc vẫn không thay đổi. Sau những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, đầu năm 1978 hai bên đã đi đến thỏa thuận: CHXHCNVN đồng ý trả khoản nợ của VNCH trong thời hạn 25 năm, để đổi lại, trong vòng 3 năm Nhật viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một khoản tiền tương đương với khoản nợ của VNCH, đồng thời trong 2 năm tài khóa 1978 - 1979 Nhật sẽ cung cấp cho CHXHCNVN một khoản tín dụng 20 tỉ Yên với lãi xuất ưu đãi là 2,78% và thời gian trả nợ là 30 năm.
● Cuộc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng không phải là ngọai lệ, cuối cùng CHXHCNVN cũng đồng ý trả, tuy không phải là tất cả, những khoản tín dụng hợp lý mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết với VNCH.

Công thư 1958 có ràng buộc CHXHCNVN hay không ?
1. Từ những dẫn chứng trên có thể kết luận: VNCH là một quốc gia chủ thể của luật pháp quốc tế và những hành động với tư cách quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế của VNCH cần phải được tôn trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, tất cả những quốc gia bị chia cắt sau Chiến tranh Thế giới II, đều trở thành các quốc gia độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế (CHLB Đức, CHDC Đức, Triều Tiên, Hàn Quốc…). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chẳng phải trước kia nhiều quốc gia cũng đã từng không công nhận Hàn Quốc hoặc Triều Tiên nhưng nay đã có quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Thực tế này không cản trở việc thống nhất Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai (như trường hợp Việt Nam và Đức).
Tàu Trung Quốc nhiều lần hung hăng áp sát, đâm va tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật tại Hoàng Sa - Ảnh: M.T.Hải
Chính phủ và các học giả Trung Quốc đang tìm cách không công nhận thực tế này với ý đồ tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa liệu có thể chối cãi được việc họ đã công nhận trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 1954 - 6.1976 tồn tại hai quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế thông qua việc bỏ phiếu ủng hộ VNDCCH và CHMNVN cùng gia nhập LHQ với tư cách là quốc gia hội viên? Và còn nhiều bằng chứng không thể bác bỏ khác.
2. Với tư cách là quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế, VNCH đã tiếp quản và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế đã khẳng định rõ ràng, xâm chiếm bằng vũ lực vĩnh viễn không đem lai danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia đã tiến hành những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
3. Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH  Phạm Văn Đồng không nói đến hai quần đảo, không thể dùng Công thư này để khẳng định VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy, nếu không có Công thư này thì sẽ tránh được những sự lợi dụng ác ý.
Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì để vu cáo Việt Nam, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCNVN. Với tư cách là quốc gia thừa kế của VNDCCH và CHMNVN, những gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa nếu có sự mâu thuẩn giữa hai quốc gia tiền bối thì những hành động (hơn nữa, đó là những hành động rõ ràng, kiên quyết và phù hợp với luật pháp quốc tế) của CHMNVN và Chính phủ tiền nhiệm của nó là VNCH, người thực sự quản lý hai quần đảo này một cách hợp pháp, sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với CHXHCNVN. Điều này được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng. Xương máu bao đời của cả dân tộc Việt nam đã đổ ra để bảo vệ chủ quyền hai quần đảo sẽ không bao giờ trở thành vô ích.
4. Nếu có ai còn có những định kiến về học thuật (và cả chính trị, nếu có) thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế khách quan được cả thế giới công nhận trên để đi đến những kết luận đúng đắn về thừa kế quốc gia của Việt Nam. Như G.V.Goethe, thi hào vĩ đại và là nhà tư tưởng của nước Đức đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Quốc Pháp

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014


BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ TRAO QUYỀN CHO NỮ GIỚI 
TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
(Gender Equality and the Empowerment of Women
in Theravada Buddhism)

Tác giả: Ajahn Brahm
[Việt dịch: Trần Như Mai]



Bản tin của Buddhist Channel (25/5/14 ) : Cổ động cho việc ‘ Phát triển bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới ’ là mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ do Liên Hiệp Quốc công bố, và được Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu Liên Bang (Federation of Australian Buddhist Councils = FABC) mạnh mẽ ủng hộ. Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu. Bài tham luận của Ajahn Brahm đã được Ban Tổ Chức Hội Nghị chấp thuận nhiều tháng trước khi hội nghị diễn ra.
Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu Liên Bang rất thất vọng khi bị bỏ qua cơ hội này để cổ động cho vấn đề quan trọng về bình đẳng giới tại một sự kiện Phật Giáo quốc tế đón mừng ngày lễ trọng đại nhất của Phật lịch.
Bài phát biểu của Ajahn Brahm trình bày một luận điểm vững chắc về việc truyền đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, được hổ trợ bằng những tham khảo trích dẫn từ lời dạy của Đức Phật và những qui định trong Luật Tạng về việc điều hành sinh hoạt Giáo đoàn Phật giáo.
Dẫn Nhập :
Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955, ở thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, một phụ nữ người Mỹ gốc Phi châu đã từ chối lệnh của người tài xế xe buýt bảo bà phải nhường chỗ ngồi của mình trên xe bus cho một hành khách da trắng. Hành động đơn giản bày tỏ thái độ bất tuân ấy vì mục đích công bằng xã hội đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Phong Trào Dân Quyền hiện đại ở Hoa Kỳ. Người phụ nữ ấy là Rosa Parks. Quốc Hội Hoa Kỳ đã gọi bà là “ đệ nhất phu nhân của dân quyền ” và là “ bà mẹ của phong trào tự do ”. Ngày 1 tháng 12 được tưởng niệm ở các tiểu bang California và Ohio của Mỹ như là “Ngày Rosa Parks ”. Rosa Parks đã trở thành một Phật tử trước khi bà qua đời vào năm 2005 ở tuổi 92. Người ta có thể suy đoán rằng biểu tượng phụ nữ chống kỳ thị chủng tộc này đã chọn Phật Giáo bởi vì tôn giáo này rất thích hợp đế xúc tiến các vấn đề công bằng xã hội.
Trong bài tham luận này, tôi sẽ thảo luận bằng cách nào Phật giáo có thể xúc tiến vấn đề công bằng xã hội đặc biệt đối với Mục Tiêu Thứ Ba (MTT3) trong Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) , qua đề tài : Bình Đẳng Giới và Trao Quyền Cho Nữ Giới. Tôi sẽ hướng trọng tâm vào giới lãnh đạo tăng đoàn hiên tại của Phật giáo Nguyên Thủy về nhu cầu cần bày tỏ rõ ràng sự cam kết của chính họ đối với MTT3 của Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ LHQ thông qua sự công nhận việc truyền đại giới Tỳ-kheo ni . Chỉ lúc đó tăng đoàn mới có thể sử dụng ảnh hưởng lớn lao của họ để làm cho thế giới chúng ta công bằng hơn, một thế giới trong đó con người được đánh giá bởi nhân cách của họ chứ không phải bởi giới tính.
Bất Bình Đẳng Giới ở Úc và Những Đóng Góp của Các Vị Lãnh Đạo Phật Giáo
Trong bản phúc trình về bình đẳng giới do Hội đồng Chính Phủ Úc ban hành vào ngày Thứ Ba, 19 tháng 11 năm 2011, người ta thấy mức lương trung bình của nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Úc thấp hơn 10% so với nam sinh viên. Mặc dù họ có trình độ đạt tiêu chuẩn ngang nhau, phái nữ nhận lương ít hơn phái nam. Như vậy, trong một quốc gia phát triển như nước Úc, bất bình đẳng giới tính vẫn còn tồn tại. Trong những nước kém phát triển hơn, vấn đề này tệ hại hơn nhiều.
Người đồng nghiệp của tôi là Ajahn Sujato, vừa qua đã tham dự Nghi Viện Các Tôn Giáo vì Hòa Bình Thế Giới ở Vienna, do chính phủ Saudi Arabi tài trợ. Sư Sujato đã tường thuật lại trong blog của mình : “ Một chủ tọa đoàn được dành trọn để thảo luận vấn đề vai trò của nữ giới trong tôn giáo, và như có thể tiên đoán được, việc này gây ấn tượng mạnh mẽ và xúc động. Nạn hiếp dâm, bạo lực trong gia đình, buôn bán phụ nữ , ép buộc bán dâm, tử vong vì sinh sản: đó là những thực tại quá đau đớn đối với nhiều phụ nữ; trong lúc đó đạo đức tôn giáo do nam giới thống trị lại cứ bị ám ảnh về vấn đề giáo lý chính xác và ngăn chận đồng tính luyến ái. Những khổ đau của phụ nữ hiếm khi được mô tả trong các bài thuyết giảng tôn giáo, và như một trong những đại biểu đã nói, khi vấn đề đó được đề cập nó thường tẻ nhạt và mơ hồ. Tuy nhiên, như những ai đang hoạt động trong vấn đề phát triển đất nước đều biết rõ, trao quyền cho nữ giới là phương tiện duy nhất có hiệu quả để các quốc gia thoát khỏi đói nghèo.”
Là những Phật tử ủng hộ lý tưởng từ bi vô điều kiên và tôn trọng con người, đánh giá con người theo cách hành xử của họ chứ không phải theo nguồn gốc họ sinh ra, chúng ta phải chuẩn bị tốt vị thế của mình để chứng tỏ tài lãnh đạo của chúng ta vể vấn đề phát triển bình đẳng giới trong thế giới hiện đại và đem lại kết quả là giảm thiểu nỗi thống khổ cho một nửa dân số trên thế giới này. Hơn nữa, nếu Phật giáo cần phải duy trì tính chất thích hợp với thời đại và phát triển, thì chúng ta phải đối đầu trực tiếp để giải quyết những vấn đề này. Nhưng làm sao chúng ta có thể bàn về vấn đề bình đẳng giới trong khi một số trong những tổ chức Phật giáo Nguyên Thủy vẫn còn phân biệt giới tính ?
Ở Úc, Giáo hội Cơ Đốc Anh đại diện cho 17.1% dân số ( theo Thống kê 2011) và vẫn duy trì tính chất hợp thời của họ bằng cách chấp nhận tấn phong nữ giám mục. Vào tháng 5 năm 2008, ở Perth, tôi được mời tham dự lễ thụ phong vị nữ giám mục đầu tiên trên thế giới của Giáo Hội Cơ Đốc Anh, đó là Giám mục Kay Goldsworthy. Giới truyền thông đã đáp ứng vô cùng tích cực đối với việc công nhận phụ nữ trong Giáo hội Cơ Đốc Anh. Những bước tiên phong như vậy đã tỏa sáng làm lộ rõ sự nổi bật đáng chê trách của các tôn giáo khác ở Úc vốn vẫn còn phân biệt đối xử dựa trên căn bản giới tính. Nhưng việc này lại tỏa ánh sáng tích cực vào Phật Giáo Nguyên Thủy ở Perth hiện đã có chư ni được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni.
Thật không may là những chùa chiền tu viện Phật Giáo Nguyên Thủy khác ở Úc và ở các nơi khác trên thế giới vẫn còn giữ chặt không cho phép ni chúng được thọ đại giới để làm thành viên chính thức của Giáo đoàn. Tôi sẽ tranh luận về sau rằng không có một căn bản giới luật nào trong Luật Tạng, là Bộ Giới Bổn nguyên thủy của Phật Giáo, phủ nhận quyền được thọ đại giới của ni chúng. Hơn nữa, khi một số thành phần của Phật Giáo Nguyên Thủy nói chung vẫn được xem là đã ngăn cản một cách không hợp lý việc thọ đại giới của ni chúng, thì họ không có thẩm quyền đạo đức để bàn về bình đảng giới. Họ đã đánh mất cơ hội bàn về việc trao quyền cho nữ giới trong các lãnh vực khác của xã hội và xúc tiến Mục Tiêu Thứ Ba của Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ .
Khi Mahatma Gandhi còn là một sinh viên luật ở London, bà chủ nhà trọ của anh yêu cầu anh nói chuyện với con trai bà. Con trai bà ăn quá nhiều đường và không muốn nghe lời mẹ khi bà bảo cậu ấy ngưng ăn đường. Tuy nhiên, cậu ấy lại mến thích anh thanh niên Gandhi. Bà gợi ý là nếu anh Gandhi khuyên bảo con trai bà đừng ăn quá nhiều đường như thế, thì chắc là cậu ta sẽ nghe theo lời khuyên tốt đẹp ấy. Một hai tuần lễ trôi qua và cậu con trai bà chủ nhà trọ vẫn tiếp tuc ăn rất nhiều đường. Vì thế bà ấy đến gặp riêng anh Gandhi và hỏi anh tại sao anh không giữ lời hứa là sẽ nói chuyện với con trai bà. Anh Gandhi trả lời “Tôi đã nói chuyện với con trai bà, nhưng chỉ mới nói sáng nay.” - “ Vậy thì tại sao anh phải chờ lâu đến thế ? -“ Vì tôi cũng chỉ mới từ bỏ ăn đường ngày hôm qua”. Đó là câu trả lời của một người đàn ông vĩ đại.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo, hơn ai hết, phải thực hành những gì họ thuyết giảng một cách nghiêm túc để cho lời khuyên của họ có hiệu quả.
Quyền Lực của Lãnh Đạo bằng cách Nêu Gương
Theo những số liệu mới nhất của Trang Mạng Wikipedia, có khoảng từ 506 triệu đến 1,146 triệu tín đồ Phật Giáo trên thế giới. Ngay cả với con số ước lượng thấp nhất thì đó cũng là một tỷ lệ đáng kể của dân số toàn cầu. Đại đa số những tín đồ đó nhìn vào các vị tăng sĩ và lạt-ma để tìm nguồn cảm hứng, hướng dẫn và lãnh đạo tâm linh. Hơn nữa, nhiều người trong số những Phật tử đó đang sống ở các quốc gia kém phát triển hay đang phát triển, nơi mà việc trao quyền cho nữ giới là rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của các quốc gia đó. Trong một thế giới được kết nối rất nhanh như ngày nay, lời nói chưa đủ. Cần phải hành động.
Ni Sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen), người phụ nữ sáng lập Tổ Chức Từ Tế Quốc tế (International Tzu Chi Foundation), là một gương mẫu về quyền lực của một Ni Sư Phật Giáo. Ni Sư thọ đại giới ở Đài Loan vào năm 1962, vào thời điểm mà nữ giới có rất ít ảnh hưởng trong chính sách xã hội; ngày nay Ni sư được xem là một biểu tượng nổi bật trên khắp quê hương của bà cũng như trên trường quốc tế. Ni sư đã xây dựng những bệnh viện tối tân nhất có khả năng chống động đất ở Đài Loan năm 1962, dẫn đầu trong việc khuyến khích tái chế rác thải trong đất nước của ni sư, và thiết lập Tổ Chức Cứu Trợ Phật Giáo lớn nhất thế giới. Khi tôi viếng thăm Từ Tế Công Đức Hội ở Đài Loan vào tháng 5 năm 2013, tôi được nhân viên trình bày cho thấy làm cách nào những chai nhựa phế thải được chế biến thành những tấm mền để gởi đến cứu trợ các vùng bị thiên tai, như những vùng bị trận bão Haiyan tàn phá ở Philippines. Phần lớn việc này do những ông bà hưu trí thực hiện, những người đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của họ khi cùng làm việc với nhau và nhận được rất nhiều lợi lạc về mặt tình cảm và sức khỏe từ những hoạt động xã hội như thế đem lại cho họ. Họ đang vui hưởng cuộc sống trong những năm cuối cùng của đời mình thay vì lãng phí thời gian nếu chỉ ở nhà. Không có nhà sư hay lat-ma nào đã làm việc gì tương tự có thể so sánh được.
Để Phật Giáo phát triển trong thế giới chúng ta, chúng ta cần hành động nhiều hơn là chỉ dạy thiền, thuyết giảng các bài pháp đầy hứng khởi, hay làm cho kinh điển được tiếp cận dễ dàng trên mạng Internet. Chúng ta rất giỏi nghiên cứu, xuất bản và truyền bá Phật pháp. Những gì chúng ta chưa được thành công lắm là việc bày tỏ lòng từ bi và vị tha của Giáo Pháp bằng những hành động của chúng ta. Chúng ta đã viết rất nhiều trong sách của chúng ta hơn là nói vài lời tử tế với những người nghèo, đơn độc và tuyệt vọng. Chúng ta đã xây nhiều chùa hơn các cô nhi viện.
Nữ Giới Lãnh Đạo trong các Quốc Gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy
Tích Lan (Sri Lanka) một quốc gia đa số dân chúng theo Phật giáo Nguyên Thủy, có thể hãnh diện là đã có nữ Thủ Tướng đầu tiên trên thế giới hiện đại, Bà Sirimavo Bandaranaik, vào năm 1960. Miến Điện (Myanmar) đáng lẽ đã có vị lãnh đạo chính phủ phái nữ đầu tiên vào năm 1990 khi Bà Aung San Su Kyi và đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ ( National League for Democracy = NLD) của bà đã dành được 59% số phiếu phổ thông trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, nhưng kết quả đã không được chấp nhận. Năm 2013, Thái Lan đã bầu vị nữ Thủ Tướng đầu tiên của họ là bà Yingluk Shinawatara.
Điều này chứng tỏ rằng cư sĩ Phật Giáo Nguyên thủy có thể chấp nhận phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, tại sao Tăng đoàn lại không thể làm như vậy ?
Truyền Thống
Nói chung, các tăng sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy rất bảo thủ. Họ thường tuyên bố rằng họ là những người bảo hộ của “ Phật Giáo Nguyên Thủy cổ xưa “ từ thời Đức Phật. Họ cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là bảo tồn những giáo pháp đầu tiên quý báu và đích thực ấy. Trong bối cảnh này, những gì là truyền thống vào thời Đức Phật đối với vấn đề nữ giới trong Giáo Đoàn ?
Mọi tăng sĩ thuộc mọi truyền thống trong mọi quốc gia, cũng như tất cả những cư sĩ học giả Phật học, đều hoàn toàn chấp nhận rằng đã có những phụ nữ được thọ đại giới, gọi là Tỳ-kheo-ni, vào thời Đức Phật còn tại thế. Hơn nữa, điều này đã được khẳng định trong những bài thuyết giảng xưa cổ đầu tiên rằng một trong những mục tiêu của sứ mạng Đức Phật là ban cho phụ nữ quyền được thọ đại giới:
Này Ananda, một thời ta đang ở tại Uruvela trên bờ sông Ni-Liên-Thuyền (Neranjana) ( hiện nay là Bodh Gaya), dưới gốc cây Bồ đề ( Goatherd’s Banyan tree), khi ta mới thành đạo. Và lúc bấy giờ Ác ma đến chỗ ta ở, khi đến xong liền đứng một bên và nói : “ Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.”
Này Ananda, khi nghe như vậy, ta nói với Ác ma:” Này Ác ma, ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của ta chưa thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy Pháp; sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.”( Kinh Mahaparinibbana Sutta / Đại Bát Niết Bàn - Trường Bộ Kinh - bản dịch tiếng Việt của HT Thích Minh Châu)
Phật giáo Nguyên Thủy được thuận lợi hơn những tôn giáo lớn khác trên thế giới bởi vì truyền thống của họ đã công khai ban quyền bình đẳng ấy cho nữ giới. Thiên Chúa giáo không có truyền thống bình đẳng giới trong các chức vụ giáo sĩ. Hồi Giáo, Do Thái Giáo hay nhiều trường phái khác nhau của Ấn Giáo cũng không có truyền thống này. Phật giáo đứng tách biệt và đi trước thời đại của họ khi ban cho phụ nữ địa vị bình đẳng ấy kể từ “ khi Ta (Đức Phật ) vừa mới chứng đắc giác ngộ tối thượng” ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Như vậy, việc truyền đại giới cho phụ nữ là một phần của truyền thống cổ xưa nhất. Đó cũng là ước vọng đã được tuyên bố của Đức Phật.
Những Trở Ngại về Vấn Đề Bình Đẳng Giới trong Giáo Đoàn Nguyên Thủy
Có hai trở ngại chính về việc chấp nhận truyền đại giới Tỳ-kheo-ni trong Phật giáo Nguyên Thủy :
1) Không hiểu biết về việc ai có quyền đưa ra những quyết định điều hành Giáo đoàn.
2) Không hiểu biết về Luật Tạng, là các luật lệ do Đức Phật thiết lập để giới hạn những quyết định nào có thể được hình thành.
Nhiều tăng sĩ Thái lan lập luận rằng một điều luật của quy chế Tăng Già Thái Lan năm 1928 ngăn cấm việc truyền giới cho tu nữ :
Thông Báo
“ Không cho phép bất cứ Tỳ kheo nào truyền giới xuất gia cho phụ nữ.
Bất cứ phụ nữ nào có nguyện vọng được xuất gia như một Sa-di-ni, theo đúng sự chấp thuận của Đức Phật, phải được truyền giới từ một Tỳ-kheo-ni đã thọ đầy đủ đại giới . Đức Phật đã thiết lập qui định rằng chỉ có một Tỳ-kheo-ni đã trải qua hơn 12 tuổi hạ (Vassas ) mới được quyền làm Giáo Thọ (Preceptor).
Đức Phật không cho phép một Tỳ kheo làm Giáo Thọ trong lễ truyền giới này. Thật không may, dòng truyền thừa Tỳ-kheo-ni từ đó đã phai nhạt và mất hẳn. Kể từ đó, không còn Tỳ-kheo-ni thọ đầy đủ đại giới để tiếp tục dòng truyền thừa, do đó không còn Sa-di-ni nào được truyền giới đúng pháp từ một vị Tỳ-kheo-ni đã thọ đầy đủ đại giới.
Như vậy, cả dòng truyền thừa Tỳ-kheo-ni lẫn Sa-di-ni đều đã chấm dứt. Vì thế, bất cứ Tỳ kheo nào truyền giới cho một phụ nữ trở thành Sa-di-ni, có thể nói là vị Tỳ kheo đó không hành xử đúng theo pháp chế Đức Phật đã ban hành. Điểm cốt lõi là vị Tỳ kheo ấy đang làm theo đường lối của chính mình và tách rời khỏi đường lối hướng dẫn Đức Phật đã thiết lập. Đây là điều sẽ gây nguy hại cho Phật giáo và không phải là một tấm gương tốt cho những Tỳ kheo khác.”
Vì vậy, tất cả tăng chúng và các chú tiểu tập sự thuộc cả hai tông phái Nikayas bị cấm không được truyền giới cho bất cứ phụ nữ nào như là Tỳ-kheo-ni ( Bikkhuni), Thức-xoa-ma-ni (Sikkhamana) hay Sa-di-ni( Samenera) kể từ ngày này trở đi ”.
Phra Bancha Somdet Pra Sangharacha Jiao Gromluang Jinawarn Siriwad ( ngày18 tháng 6, PL 2471)
( Đây là thông báo chính thức trích từ Biên Bản Buổi Họp của Hội Đồng Tăng Già Thái Lan , Quyển số 16, trang 157)
Ghi nhận tính chất lỗi thời của điều luật này cũng như cần vạch rõ rằng Hội ĐồngTăng Già Thái Lan, cùng với Hội Đồng Trưởng Lão Thái Lan (Mahatherasamakom ), theo quy chế ràng buộc họ về mặt pháp lý , chỉ được phép điều hành những vấn đề trực tiếp liên hệ đến tăng chúng và các chú tiểu tập sự thuộc hai tông phái chính của Thái là Mahanikaya và Dhammayuttanikaya. Về mặt pháp lý họ không được trao quyền điều hành công việc của các tông phái khác, như chư tăng thuộc Bắc Tông Trung quốc ở Thái Lan, hay ni chúng. Đối với chư tăng có thiện chí muốn chờ đợi Hội Đồng Trưởng Lão quyết định tính hợp pháp của Tỳ-kheo-ni Nguyên Thủy, họ sẽ phải chờ đợi mãi mãi. Về mặt pháp lý, Hội Đồng Trưởng Lão Thái không được quyền điều hành những vấn đề vượt qua quyền hạn của họ.
Như cố Trưởng lão Somdet Phra Pootajarn, là vị đảm nhiệm chức vụ quyền lãnh đạo của Hội Đồng Trưởng Lão Thái lúc đó, đã nói với tôi vào năm 2009 liên quan đến vấn đề truyền đại giới Tỳ-kheo-ni : “ Luật pháp Thái Lan không thể áp dụng bên ngoài nước Thái ”. Điểm cốt lõi là Tăng Già Thái Lan không thể điều hành những tăng sự của Giáo Đoàn ở Sri Lanka hay ở Úc.
Thật vậy, Đức Phật đã quy định rằng tất cả quy chế tăng sự ( Sanghakamma), như là truyền đại giới Tỳ-kheo-ni, phải do cộng đồng Phật giáo địa phương quyết định, được định nghĩa như là những vị tăng ni trong cùng một biên cương đạo tràng. Quyết định hay ý kiến của những hội chúng khác không có hiệu lực. Việc quản trị Giáo đoàn được ban cho mỗi hội chúng. Đây là qui luật của Đức Phật.
Tuy nhiên, mỗi hội chúng đều bắt buộc phải hành động trong phạm vi những điều luật gọi là Luật Tạng. Như vậy những điều luật đó có phải là một trở ngại cho việc truyền thọ đại giới Tỳ-kheo-ni ?
Quy chế Tăng già Thái lan năm 1928 đưa ra điều luật rằng một Tỳ kheo tăng không được truyền giới cho một Tỳ-kheo-ni, bởi vì cần phải có những Tỳ-kheo-ni khác truyền giới cho một tỳ-kheo-ni. Đây là điểm gây bất đồng ý kiến. Trong một bài báo xuất bản gần đây nhan đề “ Việc Phục Hoạt Giáo Đoàn Tỳ-kheo-ni và sự Suy Tàn của Giáo Pháp ” do một vị Tỳ kheo học giả Phật học nổi tiếng là Bhikkhu Analayo ( trong Đặc san Đạo Đức học Phật Giáo (Journal of Buddhist Ethics), tập 20- 2013, có thể đọc trên Mạng Internet ở địa chỉ http://blogs.dickinson.edu/buddhistethics/files/2013/09/Analayo-Legality-final.pdf ), tác giả lập luận rằng việc truyền đại giới Tỳ-kheo-ni  hợp pháp. Nói tóm tắt, Tỳ kheo Analayo lập luận rằng trước tiên Đức Phật ban cho các Tỳ-kheo-tăng quyền truyền giới cho Tỳ-kheo-ni. Sau đó, Đức Phật ban cho các Tỳ-kheo-ni được thọ đại giới trong một giới đàn do nhị bộ tăng ni thực hiện; trước tiên là trong một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, và sau đó là trong một Giáo đoàn Tỳ-kheo-tăng. Tuy nhiên, ngược lại với lịch sử của việc truyền đại giới Tỳ-kheo-tăng, theo đó người ta tìm thấy rằng bất cứ khi nào Đức Phật cho phép có một lễ truyền giới mới, thì nghi thức truyền giới trước đó bị bãi bỏ ngay tức khắc, Đức Phật đã không hủy bỏ nghi thức truyến đại giới Tỳ-kheo-ni do Tỳ-kheo-tăng thực hiện lúc ban đầu. Nguyên tắc chung của Phật Giáo Nguyên Thủy là “ Không hủy bỏ những gì đã được Đức Phật chính thức cho phép” ( một trong bảy nguyên nhân để Phật giáo trường tồn – Tăng Chi Bộ Kinh 7, 23). Như vậy, đây là một luận điểm mạnh mẽ về tính hợp pháp của đại giới đàn Tỳ-kheo-ni chỉ do Tỳ-kheo-tăng truyền giới mà thôi.
Nhìn chung mọi người đều xem đại giới đàn Tỳ-kheo-ni đầu tiền trong thời hiện đại là giới đàn đã được tổ chức vào năm 1998 ở Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là đại giới đàn do nhị bộ tăng ni thực hiện, trước tiên do các vị Tỳ-kheo-ni Trung quốc theo Giới Luật“ Pháp Tạng Bộ” (Dharmagupta) truyền giới, và sau đó là do một Giáo đoàn Tỳ-kheo-tăng Nguyên Thủy quốc tế truyền giới. Việc này có hợp pháp không ?
Có bốn cách, và chỉ bốn cách mà thôi, để một giới đàn được đánh giá là bất hợp pháp :
1) Simavipatti: khi có một vị tăng hay ni trong cùng một giới tràng, phải hiện diện, nhưng đã vắng mặt.
2) Parisavipatti: Khi không có đủ túc số Giới sư.
3) Vatthuvipatti: (để truyền giới) khi một ứng viên không đạt tiêu chuẩn để thọ giới, chẳng hạn như là chưa đủ tuổi.
4) Kammavacavipatti: khi nghi thức xướng lễ không đúng qui định, ví dụ như một lễ truyền giới không được tác pháp và ba lần yết ma.
Đối với giới đàn ở Bồ Đề Đạo Tràng, không có gì phải nghi ngờ vì :
  1. Tất cả tăng ni trong giới tràng đều hiện diện.
  2. Tất cả ứng viên đều đạt tiêu chuẩn (để thọ đại giới). và
  3. Nghi thức xướng lễ đúng pháp.
Nhưng có đủ túc số giới sư không? Chư Ni Đại Thừa có đạt tiêu chuẩn để làm giới sư không?
Không có bằng chứng hợp lý nào để nghi ngờ rằng các Tỳ-kheo-ni thực hành nghi thức giới đàn ở Bồ Đề Đạo Tràng không phải là những Tỳ-kheo-ni hợp pháp. Các văn kiện lưu trữ chứng minh rằng dòng truyền thừa của họ xuất phát từ Tích Lan. Nghi thức truyền đại giới của họ không thiếu bất cứ điều kiện nào trong bốn điều kiện nêu trên. Chư Tỳ-kheo-ni này đã thực hiện nghi lễ với tất cả tăng ni đều hiện diện đầy đủ trong giới tràng ( mà họ gọi là ‘ giới đàn’ ). Luôn luôn có đầy đủ túc số giới sư. Các vị này bảo đảm rằng ứng viên đạt tiêu chuẩn để thọ giới. Và nghi lễ được tác pháp và ba lần yết ma giống như trong Phật Giáo Nguyên Thủy, cho dù họ xướng tụng bằng tiếng Hoa. Chư ni này là Tỳ-kheo-ni đúng theo Luật Tạng và họ có quyền truyền giới cho các tỳ-kheo-ni khác.
Nhưng còn vấn đề túc số giới sư của tông phái Đại Thừa truyền giới cho chư ni thuộc tông phái khác ( Nguyên Thủy ) ?
Các Tông Phái trong Phật Giáo
Các tông phái khác nhau của Phật giáo Nguyên Thủy được gọi là “nanasamvasa” trong Luật Tạng. Họ là những hội chúng riêng biệt thực hiện những luật lệ điều hành của riêng họ (Sanghakamma =Nội qui Tăng sự), ngay cả trong cùng một biên cương đạo tràng. Luật Tạng xác định rằng chỉ có hai căn nguyên phát sinh các hội chúng riêng biệt (nanasamvasabhumi- Vinaya Mahavagga, Chương 10, câu 1.10):
  1. Một vị tăng tự quyết định mình thuộc về một hội chúng riêng biệt với các hội chúng khác. Hoặc là ,
  2. Giáo đoàn bắt buộc một vị tăng ra khỏi hội chúng bằng cách áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo luật Tỳ Kheo Ukkepaniyakamma ( trục xuất một vị tăng phạm giới) bằng cách tác pháp và ba lần yết ma.
Nguyên nhân thứ hai để tách riêng hội chúng không còn áp dụng ngày nay. Như vậy chỉ còn nguyên nhân thứ nhất, đó là do sự chọn lưa cá nhân. Nói một cách đơn giản, theo Luật Tạng, một vị tăng được phép lựa chọn thi hành Nội qui Tăng sự (Sanghakamma) với bất cứ tăng đoàn nào mà vị ấy cảm thấy thích hợp. Không có một trở ngại pháp lý nào ngăn cấm một vị tăng Nguyên Thủy thi hành Nội Qui Tăng Sự với một Tỳ kheo Đại Thừa. Thật vậy, có thể nói một cách chính xác rằng không có Tỳ-kheo Nguyên Thủy hay Đại Thừa, theo Luật Tạng, chỉ có những Tỳ-kheo tùy duyên theo nghi thức Nguyên Thủy hay Đại thừa. Như vậy, một vị tăng đã thọ giới theo nghi lễ Nguyên Thủy có thể gia nhập vào một tu viện Đại Thừa mà không cần phài làm lễ thọ giới lại.
Như vậy, theo Luật Tạng, các Tỳ-kheo-ni Đại Thừa có thể thực hiện phần đầu của nghi thức truyền đại giới cho một vị tân Tỳ-kheo-ni, và sau đó vị tân Tỳ-kheo-ni có thể tiến hành phần thứ hai với chư tăng Nguyên Thủy, theo nghi lễ truyền đại giới do nhị bộ tăng ni thực hiện,. Đây là những gì đã xảy ra ở Bồ Đề Đạo Tràng. Không có lập luận hợp lý nào dựa trên Luật Tạng để vô hiệu hóa việc truyền thọ đại giới này. Và các Tỳ-kheo-ni thọ giới ở Bồ Đề Đạo Tràng thuộc về tông phái nào ? Tùy quý vị ấy lựa chọn !
Giới Đàn Tỳ-kheo-ni ở Perth năm 2009
Một khi đã có Tỳ-kheo-ni Nguyên Thủy thì việc tổ chức truyền đại giới cho bốn vị tu nữ trở thành Tỳ-kheo-ni ở Perth tương đối dễ dàng. Mặc dù vào thời điểm đó việc này cũng tạo nên một số rắc rối, bây giờ thì tất cả những vị Tỳ-kheo-ni được thọ đại giới đều đã được công nhận là Tỳ-kheo-ni theo đúng Luật Tạng. Như một câu danh ngôn xưa đã nói: “ Người ta không thể làm món trứng chiên mà không đập vỡ trứng ”.
Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đang phát triển. Ở Perth, Ni viện Dammasara hiện tại có 11 thành viên của Ni Đoàn cùng với một danh sách ghi tên chờ đợi của phụ nữ khắp thế mong muốn được thọ giới. Mới đây, kênh Truyền hình Thái đã thăm viếng Ni Viện và phỏng vấn các Tỳ-kheo-ni. Ở Thái Lan có khoảng 100 Tỳ-kheo-ni (Theo Murray Hunter, ANU, 2/1/2014) và Tích Lan có khoảng 800 Tỳ-kheo-ni (Theo báo The Sunday Leader, Sri Lanka, 3 March 2013). Họ có thể không được tất cả chư tăng tôn trọng, nhưng họ đang được cộng đồng cư sĩ Phật tử kính trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong các nước Tây phương. Chư Tỳ-kheo-ni ở Perth đang giảng pháp và dạy hành thiền. Chư ni đang giữ đúng vị trí của họ trong tứ chúng đồng tu của Phật giáo như Đức Phật mong muốn. Họ đang nhận được sự hổ trợ rộng lớn.
Đối với Giới Lãnh Đạo Phật Giáo Nguyên Thủy Hiện Nay Có Nhu Cầu Cần Chấp Thuận Giới Đàn Tỳ-kheo-ni
Có lẽ cũng đáng cho chư tăng Thái lan quan tâm khi biết rằng vị Giới sư tại giới đàn Tỳ-kheo-ni ở Perth, là Sư cô Ayya Tathhaloka, đã thăm viếng Ngài Trưởng Lão Ajahn Maha Boowa tại Chùa Wat Bahn That ở Udon chỉ một thời gian ngắn trước khi có giới đàn Tỳ-kheo-ni ở Perth. Ngài Ajahn Boowa đã mời sư cô nghỉ qua đêm trong khu vực ni xá, và đã công nhận giới phẩm của sư cô bằng cách mời sư cô lên ngồi trên sàng tọa cùng với chư tăng và giới thiệu sư cô là Tỳ-kheo-ni trước mặt Tăng Đoàn cùng với hội chúng cư sĩ .
Nhiều vị lãnh đạo uy quyền của Thái lan rất kính trọng Ngài Ajahn Boowa đến mức là sự kiện này có thể khuyến khích nhiều vị cao tăng khác chấp nhận sự hiện hữu của Tỳ-kheo-ni ở Thái lan. Sự chấp nhận của các vị tăng lãnh đạo sẽ đưa đến kết quả là địa vị của Tỳ-kheo-ni được giới cư sĩ Phật tử kính trọng nhiều hơn. Từ đó chư ni ấy sẽ được trao quyền lãnh đạo trong nhiều lãnh vực khác vì lợi lạc và tiến bộ của đất nước họ.
Sự Liên Quan của Giới Đàn Tỳ-kheo-ni đối với Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Trong một bài tham luận được ấn hành gần đây của Emma Tomalin và Caroline Starkey (Bản tin báo Sakyadhita, Winter 2012), hai tác giả đã nghiên cứu tìm hiểu vai trò của Phật giáo Thái lan và Cambodia trong việc duy trì sự bất bình đẳng giới tính trong giáo dục và, “ cuối cùng hỏi rằng mối tương quan giữa việc tái khẳng định quyền được thọ đại giới theo truyền thống của phụ nữ và việc trao quyền cho nữ giới thông qua giáo dục là gì ? ”. Họ ghi nhận : “ Nhiều học giả, cả Thái lẫn Tây phương, đã gợi ý rằng Phật giáo là một yếu tố giải thích cho sự bất bình đẳng giới trong lịch sử, đặc biệt là ở những vùng nghèo nhất”. Và “ Nhiều người cổ xúy cho việc truyền thọ đại giới Tỳ-kheo-ni cho rằng có một sự liên quan trực tiếp giữa địa vị thấp kém của nữ giới trong nhiều truyền thống Phật giáo và địa vị thấp kém của phụ nữ trong các xã hội Phật giáo”.
Như vậy, bằng cách phục hồi sự bình đẳng cho nữ giới trong Giáo Đoàn Nguyên Thủy qua việc trao trả lại quyền được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni, chúng ta sẽ giải quyết được địa vị thấp kém của phụ nữ trong nhiều nước theo Phật giáo Nguyên Thủy, cổ động cho quyền bình đẳng giới trong giáo dục, và như vậy, tạo được một tuyên ngôn mạnh mẽ để ủng hộ cho Mục Tiêu thứ Ba trong những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Bằng cách trước tiên sửa chữa lại ngôi nhà của chính chúng ta, chúng ta sẽ có cơ hội và thẩm quyền đạo đức rất lớn qua sách chúng ta viết và các bài thuyết pháp để khơi nguồn cảm hứng và khuyến khích tín đồ Phật giáo của chúng ta cùng hoạt động tiến tới bình đẳng giới trong những lãnh vực khác ngoài tôn giáo. Điều này sẽ đưa đến một thế giới bớt bạo động, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn.