Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013


VÌ SAO CHÚNG TA ĐẾN VIỆT NAM ?
[VIETNAM: WHY DID WE GO ? – Avro Manhattan]

CHƯƠNG 15
___________________

Ngày Tàn Của Nền Độc Tài Công Giáo
Sự Sát Hại Hai Tổng Thống Công Giáo

Đối với Vatican, Việt Nam là một cuộc thao dượt khác để cấy chủ nghĩa Công giáo toàn trị vào một đất nước lạ bất chấp ước vọng của đại đa số quần chúng. Vatican là một bậc thầy trong việc lợi dụng các cơ hội chính trị và quân sự để thăng tiến những chính sách tôn giáo của riêng mình, cuối cùng có nghĩa là sự mở rộng của Giáo hội Công giáo mà nó đại diện. Như một quy tắc, để thúc đẩy các chính sách như vậy, nó sẽ sử dụng những cá nhân cuồng đạo để thực hiện các hoạt động tôn giáo và chính trị của nó.

Trường hợp của Diệm là một ví dụ điển hình. Vatican hỗ trợ Diệm, bởi vì ông ta là một giáo dân Ca-tô cuồng đạo, Mỹ ủng hộ ông vì ông là một kẻ chống Cộng hăng say. Vào thời điểm này, vì chính sách của Giáo hội Công giáo là toàn diện chống Cộng, nên hậu quả là kẻ cuồng đạo phải phục tùng Nhà Thờ và thành kẻ hăng say chống Cộng tựa như nó.

Do đó, đối với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và với Vatican, tính cuồng đạo và lối sống khắc khổ của Diệm là sự bảo đảm chắc chắn nhất rằng Diệm sẽ thực thi chính sách phối hợp của họ với mức trung thành tối đa, và những sự kiện tiếp diễn về sau đã chứng minh rằng họ đã đúng ở điểm này. Tuy nhiên những kẻ biết chuyện, đã không hề đồng quan điểm về tính thích nghi của Diệm. Tòa Đại sứ Mỹ chẳng hạn, đã khuyến cáo chống lại ông từ đầu. Cảnh báo của tòa Đại sứ đã hoàn toàn bị Washington bỏ qua, và mặc dù ngay cả Bộ Ngoại Giao chống lại sự lựa chọn này, Sở Chiến Dịch Đăc Vụ của Ngũ Giác Đài lại dứt khoát chọn Diệm. Nó đã thành công. Lời giải thích? Một bọn nào đó ở Ngũ Giác Đài đã được xúi giục bởi một đám người trong CIA vốn có các liên kết mật thiết với nhóm vận động hành lang Công giáo ở Washington và mấy tay Hồng y ở Mỹ và qua đó đã hoàn toàn ăn ý với Vatican, đã quyết định phải có một giáo dân Công giáo trung thành tại Nam Việt Nam.

Nên ghi nhớ rằng đây là giai đoạn tồi tệ nhất của Cuộc Chiến tranh Lạnh. Những kẻ cổ vũ quái quỷ của nó chính là anh em nhà Dulles – một tại Bộ Ngoại giao và một tại CIA - và Giáo hoàng. Pius XII tại Vatican, đang tiến hành một đại chiến lược phối hợp về ngoại giao, chính trị và hệ tư tưởng bao gồm cả phương Tây và Viễn Đông mà Việt Nam là một phần trong đó.



Sự lựa chọn đã tỏ cho thấy là một thảm họa cho miền Nam Việt Nam và cho các chính sách Á châu của Hoa Kỳ. Như chúng ta đã thấy, vấn đề tôn giáo rốt ráo đã làm mất hiệu lực cả toàn bộ chiến lược lớn của Mỹ ở đó.



Hai Tổng thống Công giáo, Diệm và Kennedy, đã trở thành những kẻ đứng đầu của hai quốc gia có liên quan mật thiết trong một cuộc chiến tranh gây tranh cãi nhiều nhất. Nếu nhìn từ quan điểm của Vatican và sự tiến hành của các kế hoạch của nó tại châu Á, thì điều này có những khả năng vô giới hạn. Trong những hoàn cảnh khác, sự chia sẻ những tín ngưỡng tôn giáo chung đã có thể giúp nhau trong việc tiến hành một chính sách chung, vì lợi ích chính trị của hai nước đều song hành.

Tuy nhiên, với giáo dân, Diệm đang theo đuổi những cuộc đàn áp tôn giáo lỗi thời, giáo dân Kennedy càng cảm thấy chẳng thoải mái chút nào, vì ông ta vốn là đã một nhà chính trị quá tinh khôn để chịu làm hỏng sự nghiệp chính trị của mình hoặc hy sinh lợi ích của Hoa Kỳ chỉ vì một đồng đạo Công giáo, kẻ rốt cục đã làm sĩ nhục đại đa số dân Mỹ, mà phần lớn vẫn nghi ngờ đạo Công giáo của Kennedy. Vì thế mà chính quyền Kennedy cuối cùng đã cho phép lật đổ chế độ Diệm. Thông thường, với trường hợp người Công giáo cầm quyền, bất cứ khi nào hoàn cảnh cho phép và không bị hạn chế bởi các điều khoản của hiến pháp hoặc các sự chế tài khác, thì họ có xu hướng thi hành chính sách ngày càng đồng bộ với tinh thần tôn giáo của họ. Kết quả, do kết hợp các lợi ích của đất nước với những quyền lợi của Giáo hội của họ, thường là họ tạo nên các lĩnh vực xã hội và chính trị không cần thiết.

Khi việc nước đi dần đến chỗ khủng hoảng do sự kháng cự của phe đối lập phi-Công giáo thì liền đó, đám giáo dân Ca-tô nắm quyền lực chính trị hay quân sự sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh ấy chống lại những người phản đối họ. Ở giai đoạn này, như là một quy luật, quyền lợi của Giáo Hội của họ vượt lên trên quyền lợi của đất nước họ.

Công thức này đã được chứng minh là đúng trong trường hợp của miền Nam Việt Nam. Tổng thống Diệm, đã lỡ kích động một cuộc khủng hoảng như thế, lại coi thường lợi ích của đất nước, và của cả những kẻ đở đầu cho mình là Hoa Kỳ, để theo đuổi những gì mà ông ta cho là lợi ích của Giáo hội của ông.

Trong khi các yếu tố chính trị và quân sự vốn không quan trọng đã đóng một vai trò hàng đầu trong thảm kịch cuối cùng, chính yếu tố tôn giáo đã che khuất tầm nhìn về chính trị và quân sự của Tổng thống Diệm, và đã dẫn ông đến điều bất hạnh. Chỉ có hai mươi năm trước, tại châu Âu, một giáo dân Ca-tô khác, Ante Pavelich, đã tạo ra nước Croatia Công giáo, trong đó Giáo hội Công giáo cai trị tối cao để loại trừ bất kỳ tôn giáo khác. Giống như Diệm, Pavelich đã biện minh cho chế độ Toàn trị Công giáo trên cơ sở là một nền độc tài Công giáo là cách phòng thủ tốt nhất chống lại chủ nghĩa Cộng sản.

Theo quan niệm như vậy mà y cho mình có quyền không chỉ để phát động các cuộc đàn áp bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì phi-Công giáo, trong trường hợp của y là Giáo hội Chính Thống, nhưng còn tiêu diệt hơn 600 ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em - một trong những hành động khiếp đãm nhất của Thế chiến II.

Ở châu Á, tình hình thì đa dạng và các bối cảnh chính trị và quân sự đang bị giám sát bởi một quyền lực hùng mạnh là Hoa Kỳ, các vụ lạm quyền như vậy đều không được phép. Thế nhưng những việc chuẩn bị cho các cuộc đàn áp tôn giáo và các trại tập trung đã là chỉ dẫn cho những gì có thể đã xảy ra nếu dư luận thế giới và ảnh hưởng hạn chế của Hoa Kỳ không kịp thời can thiệp vào. Tuy nhiên, các tham vọng chính trị và tôn giáo của hai kẻ độc tài Công giáo và mối quan hệ của họ với Giáo hội Công giáo đều đồng bộ. Vì vậy, khi bộ máy chính trị và quân sự bị kiểm soát bởi những kẻ độc tài Nam Việt Nam và Croatia được dùng vào việc phục vụ Giáo hội Công giáo, Giáo hội này liền đặt bộ máy tinh thần và nhà thờ của mình vào tay của hai kẻ độc tài để họ làm tất cả mọi người và mọi thứ phải qui phục chính sách độc tài tôn giáo và chính trị của nó.
Cả Diệm và Pavelich đã theo đuổi ba mục tiêu cùng một lúc: (1) sự hủy diệt của một kẻ thù chính trị, tức là chủ nghĩa Cộng sản; (2) sự biện minh cho sự hủy diệt của một giáo hội thù địch, tức là Giáo hội Chính Thống trong trường hợp Pavelich và Phật giáo trong trường hợp của Diệm; (3) sự thiết lập nền độc tài tôn giáo và chính trị Công giáo tại mỗi quốc gia.


Không cần bàn đến những hoàn cảnh và bối cảnh địa lý cùng nền văn hóa khác nhau, các mô hình của hai chế độ đều y khuôn: Bất cứ điều gì và bất cứ ai không chịu uốn mình và phục tùng đạo Công giáo đều bị tiêu diệt một cách tàn nhẫn bằng bắt giữ, ngược đãi, các trại tập trung và xử tử. Với kết quả do việc xem thường lợi ích của đất nước của họ mà chỉ thúc đẩy các lợi ích của tôn giáo của họ, cả hai kẻ độc tài cuối cùng đã đưa đất nước của họ vào đáy vực.


Trong trường hợp của Tổng thống Diệm, khi ông đưa Công giáo lên hàng đầu, ông đã xa lạ không chỉ với đại đa số quần chúng Nam Việt Nam, nhưng nguy hiểm hơn là số lượng lớn nhất của quân đội Nam Việt Nam, những người đã từng ủng hộ ông toàn bộ về chính trị. Ở điểm này, tiềm năng và thực tế đầy nguy hiểm của mặt trận chống Cộng mà chính sách của Diệm dựa vào, cuối cùng đã lôi việc can thiệp quân sự của Mỹ vào và đã dẫn đến các hậu quả tai hại.

Tuy Diệm vẫn là kẻ được đở đầu chính trị của Hoa Kỳ, nhưng bằng cách theo đuổi một chính sách lấy cảm hứng từ nhiệt tình tôn giáo của riêng cá nhân mình, và bằng cách bỏ qua lợi ích ngoại giao chính trị nhất định đã được kết nối với chiến lược quân sự chung của Hoa Kỳ, ông ta đã gây nguy hiễm cho cả một chính sách toàn bộ ở Đông Nam Á. Điều này trở nên rõ ràng hơn, không chỉ vì những sự bất ổn đặc biệt do ông gây trong cả nước, nhưng trên tất cả, vì các cuộc đàn áp tôn giáo của ông đã gây nguy khốn nghiêm trọng đến hiệu quả của quân đội.

Nên ghi nhớ rằng đại đa số quân đội Nam Việt Nam là Phật giáo đồ. Nhiều người trong số này, khi thấy tôn giáo của họ bị đàn áp, tăng sĩ của họ bị bắt, người thân của họ bị giữ trong các trại giam, đã trở nên chán nãn, và dĩ nhiên muốn gây binh biến. Những trường hợp vắng mặt ngày càng tăng, đào ngũ, và thậm chí cả nổi loạn. Kết quả toàn bộ của điều này không phải vì cuộc chiến tranh tôn giáo đã tự nó bất lực hóa chế độ Diệm, nhưng còn tệ hơn, là những tính toán quân sự của Mỹ đã bị hiễm nguy nghiêm trọng. Vấn đề tại thời điểm này càng trở thành bi thảm hơn, vì trong cùng thời gian đó, Hoa Kỳ đã bầu lên vị tổng thống Công giáo đầu tiên của họ, và còn bi đát hơn nữa về phương diện cá nhân, chính Kennedy trước khi vào Nhà Trắng, lại là một người kiên trì ủng hộ giáo dân Công giáo Diệm. Thật vậy, ông đã là một trong những thành viên có ảnh hưởng lớn nhất của nhóm vận động hành lang Công giáo đã lái Hoa Kỳ hướng về chiến tranh Việt Nam.

Khi tình hình nội trị và quân sự bên trong miền Nam Việt Nam đã đi từ xấu đến tồi tệ hơn, các nhà thảo kế hoạch của khu vực Đông Nam Á đã báo cáo rõ cho ông ta (Kennedy) phải làm một điều gì đó mạnh mẽ với sự hỗ trợ hoàn toàn cho giới quân sự tại chỗ để ngăn chặn sự rã ngũ rộng rãi của quân đội Nam Việt Nam. Những căng thẳng leo thang với Liên Xô Nga và Trung Quốc Đỏ đã buộc Washington đi nước cờ cấp bách, vì sự suy thoái nội bộ và quân sự có thể làm mặt trận chống Cộng sản bị sụp đổ hoàn toàn từ bên trong. Áp lực đã trở thành không thể cưỡng lại được và những bước gở đầu tiên được đưa ra. Trợ cấp cho Lực lượng Đặc biệt Việt Nam bị ngưng. Các chỉ thị bí mật đã được ban ra cho các ngành có kết nối chặt chẽ với các đường dây nội bộ giữa Hoa Kỳ và chế độ Diệm. Cuối cùng, vào ngày 4 Tháng 10, 1963, John Richardson, người đứng đầu của CIA tại Việt Nam, bất ngờ bị giải nhiệm và gọi về Washington. Một số cá nhân hiểu rằng họ đã được giao lệnh tự do hành động cho một một cuộc đảo chính chống Diệm.

Một cuộc đảo chính đã được thiết kế thành công, Tổng thống Diệm và em trai, kẻ đứng đầu đáng ghét của ngành mật vụ phải chạy trốn. Họ đã bị phiến quân phát hiện đang ẩn náu trong một nhà thờ nhỏ. Bị bắt giữ, họ đã bị đẩy vào trong một chiếc xe cơ giới như những tội phạm quốc gia. Vừa đến nơi phải tới - cả Diệm và em trai ông đã bị bắn chết. Xác chết của họ đã được đặt chỉ cách vài trăm mét từ chùa Xá Lợi, trung tâm của cuộc kháng chiến chống sự đàn áp Phật giáo của Diệm [1].


Hai mươi ngày sau vụ ám sát Diệm, tổng thống Công giáo đầu tiên của Nam Việt Nam, tổng thống Công giáo đầu tiên của Mỹ, John F. Kennedy, lại bị ám sát tại Dallas, Texas. Tại sao, và bởi ai vẫn là một bí mật từ bấy giờ.


Sau sự sụp đổ của chế độ độc tài của Tổng thống Diệm, sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại kéo dài thêm mười năm nữa từ 1963-1973 [2].

Vào tháng Tư năm 1975, Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay Cộng sản. Năm sau, ngày 24 tháng 6 năm 1976, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam khai trương tại Hà Nội ở miền Bắc. Ngày 2 Tháng 7 năm 1976, Bắc và Nam tuyên bố thống nhất, như thế kết thúc 20 năm chia cắt. Lá cờ mới của họ, một ngôi sao năm cánh vàng trên nền đỏ, đã trở thành biểu tượng cho quốc gia mới, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người dân Việt Nam đã tổn thất hàng trăm ngàn người bị thương và chết, sự tàn phá đất nước của họ và sự đau khổ vô bờ của con người. Hoa Kỳ đã hao tốn hàng tỷ và hàng tỷ đô la, sự cay đắng nội bộ và bên ngoài nước, sự tham gia của hơn 5 triệu rưỡi thanh niên Mỹ với sự mất mát của hơn 58 ngàn mạng sống của người trẻ Mỹ.[3]


Ghi chú cuối chương:

[1]. Người bị cáo buộc đã giết ông ta (Diệm) là một Đại úy Nguyễn Văn Nhung, người đã tự tử vào ngày 31 tháng 1, 1965.

[2]. Hoa Kỳ đã buông bỏ trực tiếp tham gia vào Việt Nam vào tháng Giêng, 1973. Sau đó, Quốc hội, mặc dù các cam kết hỗ trợ, đã quyết liệt cắt giảm viện trợ cho quân đội Nam Việt Nam – trong khi Liên Xô lại tăng gấp đôi hỗ trợ của nó. Nam Việt Nam tan rã vào tháng tư, năm 1975.
[3]. U.S. News and World Report, ngày 10 tháng 10, 1983.

Tác giả: Avro Manhattan

Người Dịch: Trần Thanh-Lưu



Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013


BẤT ĐẮC DĨ KHƠI ĐỐNG TRO TÀN 
Lê Nguyên Long


LTS: Tác giả bài này là một nhân sĩ miền Trung, lãnh tụ Việt Quốc vùng Nam Ngãi. Trưởng thành qua những thời đại Phong kiến, Độc tài, Cộng Sản. Ông đã là chứng nhân của lịch sử cận và hiện đại. Bài viết của ông sau đây, dù thuộc về một đề tài vốn đã được nói nhiều nhưng vì tính cách chứng nhân đó của tác giả mà nó vẫn có cái giá trị riêng biệt của nó - cần thiết cho một cái nhìn đúng đắn về lịch sử. – KP, 1981
Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát cách đây đã gần hai thập niên, sự việc đã chìm vào quên lãng, đáng lẽ những ân oán xa xưa chẳng nên đề cập, nhưng hơn vài năm nay nơi hải ngoại, một vài tổ chức đã phát động phong trào suy tôn ông Diệm. Một vài tờ báo đã đề cao ông Diệm như: “Lịch sử đã ghi tên Ngô Đình Diệm là một vĩ nhân cận đại, lịch sử đã ghi nhận Ngô Đình Diệm là một nhà đại ái quốc, một người Việt Nam kiêu hùng, một cứu tinh của dân tộc v.v...” và đã có nhiều kẻ từng thừa hưởng đỉnh chung của nhà Ngô đã lập luận: “Nếu ông Diệm không chết thì chúng ta đã không mất nước!”.

Kẻ viết bài này thật sự luôn luôn thiết tha với tình tự đoàn kết quốc gia dân tộc, không muốn khơi lại đống tro tàn ô uế dĩ vãng... Đã bỏ nước đau khổ lưu vong thôi thì tất cả ai cũng chống Cộng là đồng chí, là anh em... nhưng thiết nghĩ Sự Thật chẳng thể bẻ cong, nhất là sự thật lịch sử phải trả cho lịch sử.
Lịch sử Việt Nam không thể gọi vua Long Đỉnh Ngọa Triều là anh quân, Mạc Đăng Dung là ông vua anh hùng, Lê Chiêu Thống là ông vua cứu nước. Vậy thì sự thật như thế nào về thời Ngô Đình Diệm phải được minh định để trả sự thật về cho lịch sử.

Từ ngày được Hồng Y Spellman đỡ đầu, được Chính phủ Eisenhower ủng hộ, được Quốc trưởng Bảo Đại chấp nhận, ông Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ về chấp chánh ở Việt Nam năm 1954, trong khi Hiệp định Genève sắp kết thúc, (tháng 7-1954). Lúc đó, lòng dân thật tình hướng về ông Ngô Đình Diệm. Người ta đã nghĩ ông Diệm sau khi từ quan, chu du ngoại quốc, chắc hẳn là một nhà lãnh đạo quốc gia xứng đáng. Hầu hết các phe phái và các nhân vật quốc gia đã nồng nhiệt tin tưởng và kỳ vọng ở ông Diệm.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cầm quyền, chủ trương độc tôn, độc tài, phản bội, lật lọng, phong kiến, thối nát, bất lực, kỳ thị của nhà Ngô đã lần lượt thể hiện... Khiến những người vốn tích cực ủng hộ ông Diệm, đến những người vô tư khách quan với ông Diệm lần lượt đứng lên chống đối và nhà Ngô đã dùng thủ đoạn sắt máu đàn áp để củng cố địa vị suốt 9 năm cầm quyền.

Có thể nói trừ chế độ Cộng Sản ra, chưa có một chế độ nào ở Việt Nam đã đàn áp, thủ tiêu, ám sát, bắt cóc, tra tấn, cầm tù hàng vạn người quốc gia cũng như các tu sĩ các tôn giáo như thời Diệm.
Trừ Cộng Sản ra, chưa có một chế độ nào đã thẳng tay đàn áp đối lập để củng cố địa vị như chế độ ông Diệm. Chưa có một chế độ nào phản dân chủ và khinh thị lợi dụng nhân dân làm cái bung xung để hợp thức hóa các chức vụ theo ý muốn của mình bằng cách tổ chức những cuộc bầu cử gian lận như chế độ ông Diệm.

Tất cả những ai chỉ ở thủ đô hoặc các thành phố lớn khó lòng thấy rõ chánh sách gian ác, hành động bất nhân, phản dân hại nước của chế độ Diệm, mà phải quan sát ở các tỉnh, quận, nông thôn (90% lãnh thổ toàn quốc) mới thấy rõ tội ác của tay chân nhà Ngô một thời... mà có người đã nói: Trúc Nam Sơn không thể chép hết tội, nước muôn sông không thể nào rửa hết nhơ!

Rõ ràng ông Diệm đã có một cái may mắn mà chưa có một nhân vật lãnh đạo quốc gia nào sau 1945 được cái may mắn như ông kể từ Chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm đến Bửu Lộc là: Đất nước đã tạm chấm dứt chiến tranh, dân tình phấn khởi bồng bột ủng hộ người lãnh đạo và được ngoại viện dồi dào như ông Diệm. Ông Diệm cầm quyền sau Hiệp định Genève, khoảng 6 năm trời từ 1954 đến 1959 miền Nam không có chiến tranh và chưa có Cộng Sản hoạt động đáng kể. Từ thành thị đến thôn quê quốc gia có thể kiểm soát chặt chẽ khắp hang cùng ngõ hẻm.

Đại đa số dân chúng nông thôn ở các vùng Cộng Sản chiếm từ trước như Nam, Ngãi, Bình, Phú chẳng hạn, đã chán ngấy thù ghét Cộng Sản và đều ngã về Quốc gia. Ông Diệm còn có một kho cán bộ kinh nghiệm chống Cộng, vốn mắc kẹt trong vùng Cộng Sản hoặc một số lớn thị thành, vì mặc cảm làm việc cho Pháp, đã “trùm chăn”, nay vươn mình đứng lên tích cực ủng hộ cho Ngô Thủ tướng.

Lúc ấy ở miền Trung có hàng nghìn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí. Bao năm khổ đau sống trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản lụi tàn. Nhưng ngay lúc đó, ông Diệm và tay chân của ông lo diệt người Quốc gia hơn là Cộng Sản, một thời cơ thuận lợi để nắm dân ông Diệm đã đánh mất!

Những cuộc bầu cử như Trưng Cầu Dân ý truất phế Bảo Đại, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, Lập Pháp, Tổng thống đều hoàn toàn gian lận vi luật trắng trợn. Ông Diệm đã hạ lệnh cho quân đội tấn công Hòa Hảo, Cao Đài vốn là những lực lượng chống Cộng, hữu hiệu từ 1945 đến bây giờ và nếu ông Diệm không độc tôn đã có thể đoàn kết thu hút họ. Ông đã lường gạt tướng Lê Quang Vinh, người hùng Nam Bộ, từng lập chiến khu chống cả Pháp lẫn Cộng về hợp tác, rồi bắt chặt đầu. Cái chết bí mật của tướng Cao Đài Trình Minh Thế cũng trong nghi vấn là ông Diệm đã giết.

Và, ác nghiệt hơn cả, nhà Ngô đã tuyển chọn quân đội người Nùng - một binh chủng thiện chiến say máu - thời bấy giờ, và các chỉ huy trưởng có đảng tịch Cần Lao cầm quân vào các chiến khu Quốc Dân Đảng ở miền Trung với ác lệnh: giết sạch. Sự tấn công vào các chiến khu Quốc Dân Đảng còn tàn độc hơn hồi giặc Pháp đi “càn quét” nhiều. Đốt thực phẩm đốt nhà, tra tấn giết người một cách tàn ác đã xảy ra ở Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên v.v... vào những năm 1955-1956. Với lối tấn công ấy, nhà Ngô đã phá vỡ được chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, nhưng không thể tiêu diệt các chiến khu Quốc Dân Đảng. Thuở đó quân du kích Quốc Dân Đảng Nam Ngãi đã giáng cho chính quyền địa phương Diệm nhiều đòn chí tử. Biết rõ không thể tấn công để thủ thắng, cuối cùng Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, lập kế mời về hợp tác. Làm kế phỉnh gạt, hơn 2000 nghĩa binh Quốc Dân Đảng kéo về với đầy đủ vũ khí và làm lễ hợp tác tại Hội An cuối năm 1956. Nhưng sau đó bọn họ đều bị thủ tiêu và lần lượt bị bắt đi mất tích. (Khi ông Diệm đổ, một số trong bọn họ đã được thả ra, nhưng đều thân tàn ma dại).

Thiết tưởng kẻ viết cần trình bày rõ là Quốc Dân Đảng miền Trung lúc đầu ủng hộ ông Diệm tích cực. Họ đã lên án Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ ông Diệm để chống Cộng. Họ đã có cán bộ giữ chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Nam Ngãi (Quảng Nam Tỉnh trưởng Lê Trung Chi, Quảng Ngãi Phạm Đình Nghị). Phong trào tố Cộng ly khai Cộng Sản, xé đảng kỳ Cộng Sản, bắt đầu tháng 10-1954 do họ tiên khởi phát động ở Quảng Nam rồi sau mới lan ra toàn quốc, nhưng tay chân nhà Ngô nhận định: Nếu để uy thế Quốc Dân Đảng miền Trung lan tràn thì Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao Nhân Vị do nhà Ngô đẻ ra sẽ tuyệt địa. Nên ông Diệm bất thần giải chức các Tỉnh trưởng và bắt giam hàng loạt các Quận trưởng Quốc Dân Đảng ở hai tỉnh Nam Ngãi và mật lệnh triệt hạ toàn bộ Quốc Dân Đảng (lại vu cáo Quốc Dân Đảng theo Pháp). Và, vì cớ ấy, khoảng tháng 3-1955 Quốc Dân Đảng miền Trung lập chiến khu để tự vệ và để quật khởi chống Diệm.

Trong suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền, thời gian đó ở nông thôn cơ quan nào cũng có thể bắt người. Công an bắt người, Xã trưởng bắt người, Cách Mạng Quốc Gia (phong trào đẻ ra từ nhà Ngô) cũng bắt người rồi giao cho Công an trừng trị. Nhưng ghê tởm nhất là đoàn “Mật Vụ Miền Trung” do Ngô Đình Cẩn đỡ đầu. Đó là đoàn hung thần toàn quyền sinh sát.
Đoàn có quyền đi khắp nơi, đến đâu địa phương phải tiếp rước chu đáo. Đoàn cần bắt ai thì giao cho Công an đi bắt bất kỳ đêm ngày. Nếu tra tấn chết thì Quận trưởng và Công an phải lập biên bản hợp thức hóa sự chết và bị bắt không cần phải có chứng cớ chỉ bị nghi chống Chính phủ là bị bắt. (Tại Long Beach, California có một đồng hương từ ngày vào đất Mỹ đến nay, vẫn nằm bẹp ở nhà, vì bệnh cũ tái phát, hậu quả của sự tra tấn tàn độc của mật vụ Diệm).
Hầu hết viên chức chính quyền từ Quận trưởng, Ty trưởng, Tỉnh trưởng ở miền Trung được bổ dụng thời đó, không phải vì khả năng chuyên môn hay tài đức, mà vì lòng trung thành hay mức quỳ lụy cao thấp đối với gia đình nhà Ngô thôi.

Phần lớn viên chức chỉ huy cấp Tỉnh, Quận được bổ dụng do một người ở hậu trường định đoạt. Đó là ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, với chức vụ “Cố vấn Chỉ đạo” Phong trào Cách mạng Quốc gia (chức vụ này trên danh nghĩa là một tổ chức nhân dân, nhưng trên thực tế là quyền quyết định tối hậu) cũng như ở miền Nam thì do vợ chồng ông Nhu định đoạt.
Cũng vì lối bổ dụng đặc biệt này mới có tên Nguyễn Văn Tất nguyên là hương bộ thôn thời Pháp thuộc, nghiễm nhiên thành Tỉnh trưởng Quảng Ngãi; Lê Gia Quyến, cán bộ phù động hạng chót, bỗng nhiên là Quận trưởng Trà Bồng. (Hai tên này khi Diệm đổ thì bị bắt) và còn hàng chục hàng trăm trường hợp bổ dụng tương tự kể sao cho xiết.
Cũng vì lối bổ dụng này mới có tên Thái, Quận trưởng Điện Bàn, mỗi khi đi hành hạt có điều phật ý là cầm “ba tông” đánh xả lên đầu viên chức xã. Cũng vì lối bổ dụng này mà các Tỉnh, Quận trưởng mỗi khi về chầu hầu ông Cố vấn chỉ đạo, ông đều xem như tôi tớ, xưng hô “mày tao” nhưng bọn vô liêm sỉ này vẫn gật đầu vâng dạ và xem sự điếu đóm chầu hầu “cậu” là một diễm phúc có hy vọng thăng quan tiến chức hoặc giữ vững địa vị.

Trước 1954 các Xã trưởng đều được dân bầu, nhưng thời Diệm đã bãi bỏ bầu cử các viên chức Xã. Lại cho quyền Quận trưởng đề nghị lên Tỉnh trưởng bổ dụng hoặc cách chức viên chức xã, ấp. Vì thế các Xã trưởng, ấp trưởng là những tôi tớ của Quận, Tỉnh hoàn toàn không phải của dân. (Điểm này phải khen ông Diệm thành thật. Tuy phản bội nguyên tắc dân chủ trắng trợn, nhưng lại có minh văn. Nghị định bãi bỏ bầu cử xã 1956).
Vì bộ máy chính quyền gồm toàn tay sai, tổ chức theo lối gia nô hóa cho nhà Ngô như vậy, cho nên đã gây ra bao nhiêu tham nhũng bất công, tang tóc, tù đày cho lương dân vô tội nơi nông thôn. Mỗi một chính sách của nhà Ngô đưa ra là dân chúng kinh hoàng.

Quốc sách Dinh Điền nghe thuyết trình thì thật hay nhưng thi hành thì lệch lạc sai quấy. Cán bộ Xã, Ấp cứ nhằm những người mình thù ghét hoặc cần làm tiền thì ép buộc phải đi dinh điền. Thế cho nên ở một vài tỉnh đã có người tự tử vì bị ép buộc. Còn những người chịu đi Dinh Điền, khi đến nơi lại bị cán bộ dinh điền hành hạ, đối xử bất công, ăn chận của cấp phát v.v... nhiều sự không tốt xảy ra khiến họ chán nản trốn về, vì vậy tỉnh nào cũng có người ở tù vì chống phá quốc sách dinh điền.
Quốc sách Dinh Điền của nhà Ngô trừ một vài vùng tương đối thành công, còn phần lớn, hàng chục vùng Dinh Điền khác đều thất bại hoàn toàn. Dân chúng lũ lượt trốn về quê, rồi bị bắt bớ đánh đập đã tổn phí tiêu hao không biết bao nhiêu công quỹ!
Nhà “lãnh đạo anh minh” có lần đi kinh lý một vùng dinh điền nhìn thấy những cây ăn trái được trồng trọt tốt tươi, ngay thẳng, ông ta ban khen, nhưng chính đó là những nhánh cây vừa được chặt cắm xuống đất trong ban đêm, do sáng kiến của khu trưởng Dinh Điền chào mừng Tổng thống.

Về Quốc sách Ấp Chiến Lược là một quốc sách vô hiệu, nhưng đã làm phiền nhiễu hành hạ dân chúng không thể kể xiết.
Ấp Chiến Lược trước hết là phải rào làng-Xã, Ấp bằng nhằm vào những nhà có của khá giả trong làng đe dọa sẽ bỏ ra ngoài vòng rào vì những lý do “tiện” hoặc “bất tiện” theo ý của họ. Thế là màn trà nước van xin được diễn ra (vì bỏ ra ngoài rào là chết). Rồi đến khi rào làng, thì dân chúng phải tự nai lưng ra tìm kiếm vật liệu như tre, gai, cọc gỗ v.v... và bỏ công đi rào ngày này qua ngày nọ. Còn quỹ Ấp Chiến Lược do Mỹ viện trợ phần nhiều do Tỉnh trưởng, Quận trưởng chia nhau bỏ túi hoặc làm kinh tài cho “Cậu”. Sự rào các Xã cho đúng tiêu chuẩn là một điều kiện khó khăn mà dân làng không đủ sức vì quá tốn kém. Vì vậy Ấp Chiến Lược chỉ được rào kỹ một vài đoạn bề mặt để trình diện và để báo cáo. Còn lại, thì chỉ rào sơ sài, ai ra vào cũng được. Nhưng mỗi tháng một lần, Xã, Ấp lại đốc xuất dân kiếm vật liệu như tre, gai đi tu bổ. Người dân biết rõ ràng rào Xã, Ấp như kiểu họ đang làm là một điều vô ích, chẳng ngăn ngừa gì được Cộng Sản, nhưng phải bỏ công đi rào vì không thể không tuân lệnh.
Trên đây là một vài nét điển hình về những quốc sách kỳ công của ông Diệm.

Thời Ngô, những sự xây dựng cơ cấu dân chủ như bầu cử Quốc hội, Tổng thống là những Trò Hề. Khi chưa bỏ phiếu người dân đã biết rõ ai trúng ai trật một cách chắc chắn.
Một Dân biểu thời Ngô, người Thừa Thiên, được chỉ định ra ứng cử tại Quận Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có cái tên mà dân chúng địa phương không biết y là đàn ông hay đàn bà vẫn đắc cử với số 99% với số phiếu. Đó là ông Lâm My Bạch Tuyết. (Dân biểu này có liên quan trong một vụ buôn gạo của Ngô Đình Cẩn cho Cộng Sản Bắc Việt, bị bắt quả tang, nhưng Tòa án không giám xử).
Dân chúng Ninh Thuận vẫn còn nhớ trong năm 1956, ứng cử viên Dân biểu đơn vị Ninh Thuận là ông Trần Trung Dung, cháu rể ông Diệm, từ chức Thứ trưởng Quốc phòng để ra ứng cử. Khi ra Ninh Thuận “tranh cử”, ứng cử viên Trần Trung Dung đã được Tỉnh trưởng Ninh Thuận Hồ Trần Chánh tổ chức một cuộc tiếp rước linh đình trọng thể. Dân chúng và học sinh đứng hai bên đường từng đoàn từng đoàn từ ga Tháp Chàm về đến tỉnh lỵ Phan Rang để hoan hô ứng cử viên. Khi ông Dung bước lên diễn đàn để tuyên bố: “Ngày trước Ngô Tổng thống cai trị ở đây, ngài biết rõ dân tình ở đây nên nhờ tôi ra ứng cử ở địa phương này để có thể đạo đạt nguyện vọng nhân dân lên Tổng thống v.v...”
Rồi sau đó ứng cử viên Dung được tiếp rước về nhà Công quán của Tòa Hành Chánh Ninh Thuận có lính hầu hạ canh gác trước sau. Chưa bỏ phiếu, dân Ninh Thuận đã biết chắc ông Dung sẽ đắc cử 99% số phiếu.

Ai cũng chưởi ông Thiệu độc diễn. Nhưng sự độc diễn của ông Thiệu còn thật thà hơn ông Diệm, là khi ông Diệm ứng cử nhiệm kỳ 2 (1961) có các ông Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Đình Quát dàn cảnh.
Mỗi lần ông Quát, ông Truyền đọc diễn văn tranh cử trên đài không có ai nghe được gì hết vì đài bị phá. Cán bộ các ông ấy đi về các tỉnh vận động liền bị Công an tổ chức những nhóm anh chị du côn hăm dọa họ xin tý huyết.
Khắp nơi, ngày bỏ phiếu họ trốn về không dám ở lại các tỉnh. Vậy mà sau khi kiểm phiếu Quận trưởng, Xã trưởng phải... chịu khó tráo sửa biên bản để Ngô Tổng thống được 95% số phiếu.

Về kinh tế, tất cả tài nguyên từ trên núi xuống bể, mọi dịch vụ tài chánh từ Quảng Trị đến Cà Mâu, thượng vàng hạ cám, đều do tay chân quyến thuộc nhà Ngô bao thầu, thao túng, chiếm đoạt khai thác.
Người viết không muốn bẩn bút nhắc đến những ai trong thân tộc hoặc tay chân Ngô triều vốn là Tay trắng chỉ trong vài năm “làm kinh tài cho đoàn thể” đã trở nên triệu phú kếch xù!

Ông Diệm nói chống Cộng nhưng tất cả việc làm của Ngô triều đều bắt chước Cộng Sản. Cộng Sản bắt dân suy tôn Hồ Chí Minh thì ông Diệm cũng bắt dân suy tôn mình. Cộng Sản có Quốc Hội bù nhìn, thì ông Diệm cũng tổ chức một cái Quốc Hội nghị gật tay sai. (Quốc Hội gì mà cả một khóa họp chỉ ê a thảo luận các luật gia đình để có lợi cho bà “Đệ Nhất Phu Nhân”?)
Cộng Sản có cái đảng Lao Động làm nòng cốt, Mặt Trận Cứu Quốc Liên Việt làm ngoại vi, thì ông Diệm cũng có cái Đảng Cần Lao làm cốt và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Tập Đoàn Công Dân, Phụ Nữ Liên Đới làm ngoại vi. Nhưng có một điều khác là Cộng Sản, từ Đảng đẻ ra chính quyền, còn ông Diệm thì có chính quyền rồi mới dùng nhân sự, phương tiện của chính quyền đẻ ra Đảng. Nên tất cả tổ chức của ông Diệm chỉ là bèo bọt, chính quyền đổ thì đảng đổ theo.
Cộng Sản độc quyền ái quốc, ai khác mình là phản động Việt gian, thì ông Diệm cũng độc quyền chống Cộng, ai khác mình là Cộng Sản phải giết!
(Đã biết bao người chống Cộng, từng bị Cộng Sản giam cầm, đến khi ông Diệm cầm quyền thì hồ sơ của họ trở thành là những người hoạt động cho Cộng Sản! Biết bao đảng viên Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân một sớm một chiều hồ sơ của họ biến thành Cộng Sản di hại cho họ mãi sau khi ông Diệm đổ).

Cộng Sản có chủ thuyết Mác Xít, giai cấp đấu tranh thì ông Diệm cũng ráng nặn ra cái chủ nghĩa nhân vị nhưng hoàn toàn vô vị... (vô vị vì ngoài tay chân ông Diệm ra toàn dân có ai để ý hoặc tìm hiểu các thuyết nhân vị là gì đâu?)
Cộng Sản có hiến pháp nhưng không bao giờ thực thi, thì ông Diệm cũng bắt chước mà dẫm nát lên Hiến Pháp của mình.

Tự do đi lại, hội họp, ngôn luận v.v... những quyền tối thiểu ấy có ghi trong Hiến Pháp, nhưng suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền có bao giờ thực thi đâu?
Báo chí thời Diệm trừ tờ Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện bị đóng cửa đưa ra Tòa và tờ Tân Dân của Cụ Lộc phải đình bản, còn tất cả đều nói theo luận điệu của đài Sài Gòn. Thế cho nên bao nhiêu hành vi gian ác bất lương, tham nhũng của tay chân cán bộ nhà Ngô có bao giờ được công khai phanh phui như trong các Chính phủ khác?

Từ xưa đến nay chưa có một vị lãnh đạo quốc gia nào làm phiền nhiễu dân chúng như ông Diệm. Mỗi lần ông Diệm đi kinh lý một tỉnh nào thì toàn dân tỉnh ấy phải chuẩn bị cơm nước từ khuya, quần áo tươm tất, đi bộ lên tỉnh để cầm cờ tung hô ông Diệm. (Gia đình nào không có lý do chính đáng mà vắng mặt sẽ bị Xã, Ấp ghi vào sổ đen rất nguy hiểm). Còn các cơ quan Hành chánh, Quân sự Tỉnh, Quận được huy động tối đa trong việc đón tiếp. Phải bố trí công an chìm nổi, phải tổ chức huấn luyện cho những người đứng gần ông Diệm thưa bẩm những gì... phải dàn cảnh sao cho xôm tụ, cho Tổng thống hài lòng. Thành thử dù nghìn lần đi kinh lý, ông Diệm chỉ thấy cái giả dối, hào nhoáng bề ngoài, làm gì biết được ẩn tình dân chúng bên trong.

Thời gian ông Diệm cầm quyền ở nhiệm kỳ I, trong nước chưa có chiến tranh nhưng mọi tự do đều bị bóp nghẹt: không có giấy chứng nhận đi bầu cử thì không được ra khỏi làng để đi chợ.

Có một điều kỳ lạ tại sao ông Diệm lại bãi bỏ Lễ Tổ Hùng Vương? nhưng có người mách: điều kỳ lạ này có thể hỏi Đức Cha Cố Vấn cho ông Diệm.

Về việc kỳ thị tôn giáo, bản thân kẻ viết không muốn nhắc đến. Chỉ mong sao các tôn giáo hiện tại tâm thành Đoàn Kết trước quốc thù Cộng Sản vì tất cả các tôn giáo đều đã bị đại khủng bố ở quê nhà.
Nhưng vì có kẻ biện hộ ông Diệm đã nói: Họ chưa thấy ông Diệm ký một sắc lệnh nào nâng đỡ ưu tiên cho Công giáo hay bóp nghẹt Phật giáo mà gọi là kỳ thị?
Vụ tranh đấu Phật giáo đâu phải bất thần nổ ra từ Phật Đản 1963 mà nó đã tiềm tàng âm ỉ từ nhiều năm về trước. Thời ông Diệm tại miền Trung, mỗi tỉnh có một vị Linh mục hầu như cố vấn và giám sát Tỉnh trưởng. Những Tỉnh trưởng nào dù lương hay giáo, nếu có hành vi trái ý vị Linh mục thì rất khó tại vị. Vị linh mục sẽ đề nghị lên ông Cố vấn chỉ đạo Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (ông Ngô Đình Cẩn) có biện pháp (hoặc thuyên chuyển hoặc cách chức).

Vì cảm thông uy quyền ngầm của các vị Linh mục, nên các Tỉnh, Quận trưởng thời nhà Ngô không có ai gan làm trái ý những yêu cầu, đề nghị của các vị Linh mục. Nhiều vùng Linh mục đi giảng đạo nơi nào, có thể yêu cầu Xã trưởng cho mượn Trụ Sở Xã, triệu tập dân xã v.v... Trong khi đó các tôn giáo khác muốn hội họp phải xin phép khó khăn.
Nhiều Linh mục còn lộng hành hơn nữa là nhận đơn kiện cáo hoặc thỉnh nguyện của các con chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến Quận trưởng bảo xử theo ý của Linh mục.
Người ta rỉ tai nhau cho biết các Cha rất có thế lực. Cứ vào Công giáo sẽ như ưu dân, sẽ được đề bạt v.v...

Có nhiều Linh mục tổ chức Hội chợ, tổ chức sổ số Tombola không cần giấy phép Bộ Nội Vụ. Khi tiêu thụ Tombola, các Linh mục đã nhờ các Quận trưởng gởi cho các xã bán. Nhiều xã đã xuất công quỹ để mua Tombola ủng hộ các Cha.
Người viết biết rất rõ có một nhà thờ ở một tỉnh miền Trung, do Tỉnh trưởng dùng uy quyền chiếm trên 2 mẫu đất công, ở một địa điểm tốt đẹp và lươn lẹo dùng phương tiện công quỹ của tỉnh để xây cất tòa nhà thờ đồ sộ ấy. Công việc nửa chừng thì ông Diệm đổ, viên Tỉnh trưởng bị bắt và nhà thờ xây cất nửa chừng phải bỏ dở.
Còn biết bao nhiêu tranh chấp lặt vặt phi lý như những thắng cảnh từ lâu vốn là của Phật giáo như Núi Bút Quảng Ngãi, Ngũ Hành Sơn Quảng Nam, chính quyền địa phương đã muốn giúp các linh mục thiết lập nhà thờ ở những nơi ấy nhưng đã bị Phật tử phản ứng quyết liệt.

Thời gian thuận lợi 1954-1958 bất kỳ ai cũng có thể cầm quyền làm bằng hoặc hơn ông Diệm. Không cần ông Diệm chống Pháp, Pháp cũng rút, vì Hiệp định Genève đã quy định, và vì Pháp đã ký kết với chính phủ Bảo Đại giao trả độc lập cho Việt Nam. Trước khi ông Diệm về chấp chánh đã có gần 40 nước trong thế giới Tự Do công nhận và bang giao với Việt Nam kể cả Anh, Mỹ và Tòa Thánh Vatican.
Nếu nói những khó khăn của ông Diệm thời đó, thì cũng phải nói đến những thuận lợi, tiện nghi của ông Diệm trong việc tiếp thu một chính quyền có sẵn tất cả và Đất Nước Đã Chấm Dứt Chiến Tranh.

Đến đây kẻ viết muốn hỏi nhỏ quý vị đang suy tôn ông Diệm: Ông Diệm từ một đường quan Tri Huyện, lần lượt lên Quản Đạo, Tuần Vũ rồi Thượng thư Bộ Lại, nếu thật sự chống Pháp, sao đường công danh của lãnh tụ quý vị lại hanh thông như vậy? (trong thời Pháp thuộc muốn xin một chân giáo viên mà có thành tích chống Pháp bị ty Liêm Phóng (Service de Sureté phê “Avis défavorable” vào hồ sơ là đương sự xem như... “lúa”, chỉ có về nhà... xua gà cho vợ). Vậy tại sao đường công danh của “chí sĩ” Ngô Đình Diệm lại lên vùn vụt?
Việc từ quan của ông Diệm chỉ vì chống nhau với ông Phạm Quỳnh đương triều, nhưng ở đây người viết không đề cập đến vấn đề đó.

Ông Diệm tự phong mình là người thành tín quân tử, nhưng việc truất phế Bảo Đại là Đại Phản Phúc. Nếu nói chống ông Bảo Đại, thì ai cũng có quyền chống, nhưng trừ ông Diệm. Vì cha, anh ông Diệm và cả ông Diệm vốn là tôi con nhà Nguyễn. Ông Bảo Đại trên nguyên tắc đã tín nhiệm ông Diệm, đã phú thác việc nước cho ông Diệm và ông Diệm đã phục mệnh.
Trước và sau khi truất phế ông Bảo Đại, ông Diệm, (qua Bộ Thông Tin) đã thuê bọn bồi bút (hầu hết báo chí thời Diệm) mở một chiến dịch dài hạn đả kích, bêu xấu, vu cáo nhục mạ ông Bảo Đại một cách tàn tệ.
Thiết nghĩ một người có lương tâm tối thiểu, không ai nỡ hành xử như thế! Cũng phải khen việc “Trưng cầu dân ý” tổ chức thật chu đáo. Đến Bà Từ Cung (là mẹ) mà cũng bỏ phiếu truất phế (con là) ông Bảo Đại!

Tóm lại: Ông Diệm Đã Làm Hỏng Đại Cuộc, đã sát hại nhiều phần tử quốc gia, đã tự tâm thiên vị làm hư Công giáo, đã kỳ thị khủng bố Phật giáo đã Lường Gạt Phản Bội Và Vô Cùng Tham Quyền Cố Vị. (Ông đã vận động Quốc Hội thông qua đạo luật cho ông ứng cử lần thứ 3).

Do những hành động tham nhũng, đàn áp, khủng bố đại thất nhân tâm như đã kể trên, của bộ máy chính quyền gia nô, do ông lãnh đạo, đã xô đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên, phụ lão, những người vốn không phải Cộng Sản đã ngã về Cộng Sản.
Ông Diệm hô hào chống Cộng, độc quyền chống Cộng, cho đến đầu năm 1963 thì toàn quốc ở trong cái thế cài răng lược với Cộng Sản và ông đã tuyên bố trước đó: “Tổ Quốc Lâm Nguy!”
Sau khi ông chết, thì tay chân tôi tớ ông vẫn cầm quyền. Hậu quả của Ngô Đình Diệm để lại sau 63 là một ngôi nhà mục nát sửa sang gì cũng khó lòng đứng vững. Bàn cờ nhà Ngô đã đi bậy bạ... Khi sang tay khác đánh cờ, nếu gặp phải tay cao thủ thì còn có thể gỡ gạt..., nhưng không may, bàn cờ lại rơi vào các tay thấp như vịt, cho nên họ chỉ loay hoay lên Tướng, xuống Sĩ và giục Tốt mà thôi!

Trách Mỹ lật đổ nhà Ngô ư? Mỹ bồng nhà Ngô lên thì Mỹ lại hạ nhà Ngô xuống, có gì mà đáng trách.
Sau khi ông Diệm chết, tay chân nhà Ngô còn trong quân đội, trong chính quyền đã âm mưu phá nát thêm Quốc gia, bí mật mở cửa cho Cộng Sản thao túng vì muốn chứng tỏ: Không có “Cụ” của chúng thì tai hại thế đó. (Đây là một hiện tượng nguy hiểm cho quốc gia sau ngày Diệm đổ mà ít ai để ý).

Chỉ tiếc Dương Văn Minh nhu nhược, đã lật Diệm mà chỉ lật nửa chừng, chỉ hạ cái chóp bu còn tay chân vẫn để y nguyên như cũ, sau Diệm có thể gọi là “Diemist sans Diem”. Cuộc lật đổ nhà Ngô năm 1963 đáng lý là một cuộc cách mạng vì đã nối tiếp tinh thần quật khởi chống bạo quyền của dân Việt, nối tiếp những hành động đại nghĩa hy sinh liên tục của các chiến sĩ quốc gia dưới thời Diệm trị.
Ta có nên kể lại từ một thanh niên Cao Đài hành động như một Kinh Kha tại Ban Mê Thuột năm 1955, từ các sĩ quan Nhảy Dù bao vây dinh Độc Lập 1960, từ 2 phi công ưu tú Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử bắn phá dinh Độc Lập 1962 và biết bao nhiệm vụ mưu sát bạo chúa bất thành, mà chỉ có mật vụ nhà Ngô mới biết rõ, cho đến khi Đại úy Nhung và Thiếu tá Nghĩa căm phẫn trả thù cho các đồng chí của họ.
Lật Diệm năm 1963 đáng lý là một cuộc cách mạng vì đã giải thoát hàng vạn người quốc gia trong các ngục tù trên toàn quốc, giải thoát hàng triệu nhân dân đang nghẹt thở dưới một chế độ thối nát học thói độc tài. Toàn dân đã bừng bừng phấn khởi... Nhưng hỡi ơi hương lửa cách mạng chỉ bừng lên vài ba tuần đầu rồi dần dần tắt ngủm, chỉ vì người cầm đầu Dương Văn Minh nhu nhược chỉ muốn cuộc cách mạng ấy là một binh biến hay chỉnh lý thôi.

Nhiều người bào chữa cho ông Diệm: Ông Diệm rất tốt chỉ vì tay chân ông làm sai. Lối bào chữa này e giống Cộng Sản: Hồ Chủ tịch luôn luôn sáng suốt chỉ có cấp dưới làm bậy!
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hỉ xả, uất hận bao nhiêu nhưng khi đối phương đã xuống ngựa thì sẵn sàng làm lành với nhau quên đi hết mọi lỗi lầm thù xưa oán cũ. Nhưng cây muốn lặng gió mà gió chẳng dừng, ta bất đắc dĩ khơi lại đống tro tàn để phơi bày sự thật.

Vì là chứng nhân nên chẳng muốn ẩn danh.

Lê Nguyên Long

[Source: Khai Phóng số 7, 1981, USA]

TẠI SAO CÓ CUỘC TRANH ĐẤU CỦA PHẬT GIÁO?
Vũ Ngự Chiêu

Cuộc tranh đấu bi hùng của Phật Giáo năm 1963 là một biến cố làm rúng chuyển lương tâm nhân loại. Ngay đến Hồ Chí Minh, người từng lên án tôn giáo là thuốc phiện tinh thần, cũng từng lên án cuộc đàn áp Phật giáo của chế độ ông Diệm bằng lời buộc tội nặng nề: “Tội ác dã man của chúng [họ Ngô] trời đất không dung tha.”

Thay vì nhìn nhận tội ác và lỗi lầm của chế độ Diệm-Nhu, một số người tìm cách bẻ cong lịch sử, vu cáo cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đủ điều. Cho tới năm 1965-1966, giáo mục và giáo dân Ki-tô cuồng tín còn tung tin rằng Đại sứ Lodge mỗi đêm “nhậu nhẹt” với Thượng tọa Thích Trí Quang. Vài người từng hưởng ân sủng chế độ Diệm còn “bí ẩn” ra việc Thượng tọa Quảng Đức bị chích thuốc trước khi tự thiêu; hay đã tự thiêu vì lý do cá nhân hơn cúng dường đạo pháp. Những lời vu khống này, dĩ nhiên, chẳng thay đổi được sự thực lịch sử; nhưng trong gần 30 năm qua cứ vào dịp giỗ anh em ông Diệm-Nhu, được lập đi, lập lại nhiều lần, theo nguyên tắc của Paul Joseph Goebbels (1897-1945): Nói dối mãi cũng có người tin. Và, nếu không tin, thì dở trò côn đồ, báo chí hoặc bạo lực.

Cho tới đầu thế kỷ XXI—dù chính phủ Mỹ đã nhìn nhận chế độ Cộng Sản Việt Nam từ năm 1996, bình thường hóa thương mại năm 2001—chưa ai tìm được tài liệu nào giúp khẳng định các lãnh tụ Phật giáo là cán bộ Cộng Sản, hay do Cộng Sản giật dây như họ Ngô và thuộc hạ vu cáo. Chỉ thấy những cựu lãnh tụ Phật giáo tranh đấu gục chết trong ngục tù (Thích Thiện Minh), hay đang tiếp tục chống Cộng, ngay trong nội địa Việt Nam (Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận) hay hải ngoại (Hòa thượng Tâm Châu, Hộ Giác, v.. v...). Tương tự, vẫn chưa ai trưng được bằng cớ rằng năm 1963 Mỹ xúi dục lãnh tụ Phật giáo nổi lên chống chế độ Diệm. Chỉ là những lời cả vú lấp miệng em, bất kể lý lẽ, hoặc chỉ thứ lý lẽ . . . dẻ rách sinh chuột con.

Trong khi đó, rất nhiều bằng chứng khẳng định ông Diệm muốn trở thành một thứ Constantine của Nam Việt Nam; và nỗ lực này được nhiều nhân chứng, kể cả các nhà ngoại giao Tây phương, ghi nhận. Việc ông Diệm tiếp tục áp dụng Dụ số 10 của Bảo Đại (nhìn nhận Ki-tô giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất hoạt động không phải xin phép chính phủ); hay dành độc quyền Nha Tuyên ủy trong quân đội cho Ki-tô giáo; và thành lập Đại học Ki-tô Đà Lạt là ba bằng chứng rõ ràng nhất.

Những lời Bảo Đại và Giám mục Lê Hữu Từ chỉ trích ông Diệm năm 1954-1955 cũng chứng minh rõ giấc mơ Constantine của anh em họ Ngô. Thêm một bằng chứng khác nữa là báo cáo ngày 10/3/1962 của Đại sứ Lalouette về những đặc quyền dành cho Ki-tô giáo.(Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, tr. 248-9) Tổng Giám Mục Thục thì không những chỉ xen lấn vào thế quyền—như gửi gấm Phạm Ngọc Thảo cho ông Huỳnh Văn Lang, nắm độc quyền đấu thầu việc phá rừng để xây đại học Ki-tô giáo Đà Lạt—mà còn nuôi tham vọng trở thành Hồng Y Giáo chủ đầu tiên của VNCH. (Xem Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 [Houston: Văn Hóa, 1994], chương I & Phụ Bản; Cao Văn Luận, Bên dòng lịch sử [Sài Gòn: 1974], tr. 328) Đó là chưa kể việc ưu tiên cấp học bổng du học cho các giáo dân Ki-tô, dưới sự điều động của Linh mục Luận. Và rồi, cuối cùng, cái “khẩu lệnh” quái ác cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản 1963; lệnh “tái lập trật tự” ở Huế và Sài Gòn; lệnh tấn công chùa chiền và bắt giữ hơn ngàn tăng ni đêm 20 rạng 21/8/1963.

Ngày Thứ Sáu, 27/9, Richardson nói với McNamara rằng  khủng hoảng Phật giáo kết tinh những bất bình ngủ yên bấy lâu. Việc bắt giữ tập thể học sinh, sinh viên (kể cả con em công chức, quân nhân) là điều xấu. Việc lùng bắt trong đêm khiến dân chúng ghét chế độ hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, muốn cứu đất nước cần áp lực NGÔ ĐÌNH DIỆM cải tổ, nhưng Nhu phải ra đi. Nhu là người khởi xướng cuộc tấn đánh các chùa. Đừng đánh giá bằng quan sát phiến diện, dân chúng đang tức giận. Hồ Tấn Quyền cũng không thể thuyết phục được chính cha mình về giá trị của chính phủ. (FRUS, 1961-1963, IV:301-3)

 Đáng buồn nhất là hiện tượng “đười ươi cầm ống” lịch sử. Không đọc sách lịch sử, không nghiên cứu tư liệu lịch sử, nhưng một số người vẫn khua chuông gõ trống cho những lời cung văn anh em, dòng họ nhà Ngô; và mạ lỵ Phật Giáo hay những người đã mang đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm….

Vũ Ngự Chiêu

 



http://www.vietnamvanhien.net/chinhdao.html

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013


TỔNG THỐNG DIỆM VÀ QUÂN ĐỐI MỸ
Ngô Đắc Triết

Mỗi năm cứ vào khoảng đầu tháng 11 thì lại thấy xuất hiện trên báo chí hải ngoại một số bài viết về biến cố lịch sử 1/11/1963. Hiển nhiên, ngày này đánh dấu một khúc quanh quan-trọng của lịch-sử Việt-Nam (VN) cận đại. Trong khi đa số những ngày lịch sử khác thường được nhắc đến để xây dựng tình yêu nước (ngày giỗ tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, v.v.) thì ngày 1/11/1963 được nhắc đến để làm hiện rõ cái hố chia rẽ triền miên giữa những người theo “Ngô chí sĩ” và những người chống “gia đình trị”.

Phân tích nguyên nhân của ngày lịch sử này, do đó, đã luôn luôn là một tiến trình phân chia giới nghiên cứu chính trị VN làm hai phe đối nghịch. Một cách tổng quát, phe này nói nguyên nhân đến từ lòng dân quá chán ghét chế độ Ngô Đình Diệm dùng Cần lao Công giáo để áp đặt một chế độ độc tài gia đình trị và phe kia nói nguyên nhân đến từ thái độ yêu nước của Tổng thống Ngô Đình Diệm chống chiến lược đổ thêm quân của người Mỹ nên bị họ tổ chức lật đổ.

Vì vậy bài này sẽ gồm phần thứ nhất nói ngắn gọn về yếu tố VN của nguyên nhân “chế độ mất lòng dân” rất rõ ràng không cần phải giải thích nhiều. Phần thứ hai phải nói dài hơn về yếu tố ngoại bang vì đây là nỗi đau nhức của những người “ủng hộ tinh thần Ngô Đình Diệm” mà bài này, cố gắng chứng minh rõ rệt một lần cuối cùng, giúp họ thấy được sự thật là ông Diệm chẳng những đã không chống mà còn xin thêm quân ngoại bang vào VN. Để cho mỗi năm đến tháng 11, họ không phải vi phạm vào Điều Răn thứ chín của Chúa: “Con không được làm chứng dối chống lại đồng loại. (Xh 20,16). . . Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt, 33)” như Cao Văn Luận, Cao Thế Dung, Tú Gàn Nguyễn Cần, Nguyễn văn Chức đã và đang bị ác quỷ dẫn dắt.

Hãy bắt đầu bằng yếu tố VN qua bốn lãnh vực :
1. Quần chúng :
Sự ủng hộ của nhân dân dĩ nhiên là chủ yếu để chính quyền được tồn tại. Trong một chế độ dân chủ, thật hay giả, sự ủng hộ này có thể phân biệt được là tự phát hoặc ép buộc qua những cuộc bầu cử. Theo bài giảng “Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học” cho sinh-viên năm thứ nhất Luật khoa của Giáo sư Nguyễn văn Bông, trong cuộc Trưng cầu dân ý tháng 10/1955 để ông Diệm được lên làm Quốc trưởng, kết quả có 5,721,735 phiếu thuận (hơn 98%) trong tổng số 5,828,907 người dân đi bầu. Tháng 4/1961, trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, ông Diệm không chứng tỏ là một học trò giỏi về thực tế của khái niệm dân chủ đã thắng với tỷ số 89% (5,997,972 trên tổng số 6,723,720). Hai kết quả này thua 100% của ông Sadam Hussein không xa bao nhiêu. Nếu những người “ủng hộ tinh thần Ngô Đình Diệm” không đỏ mặt khi đọc hai kết quả bầu cử này thì họ không nên và không cần đọc tiếp bài nầy nữa.….
2. Thành phần chính trị :
Gồm các lực lượng đối lập và ủng hộ chính quyền. Trong lực lượng ủng hộ, đảng Cần Lao độc quyền tổ chức bao trùm cả hai môi trường dân sự và quân sự trên toàn quốc làm cho tính độc tài của chế độ trở nên không thể chối cãi như tình trạng độc đảng của các chế độ Cọng sản. Ai cũng biết không có đối lập thật sự thì không thể có dân chủ thực sự. Vì vậy mà trong lực lượng đối lập, hai trường hợp tiêu biểu là ông Nhất Linh của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phải uống thuốc độc tự tử, và ông Nguyễn Bảo Toàn của lực lượng Hòa Hảo đã bị chính quyền thủ tiêu … Ngoài ra, cứ nhìn hai nhà tù P42 (của ông Nhu ở Sở thú Sài Gón) và Chín Hầm (của ông Cẩn ở Huế), không thuộc Bộ Tư Pháp, bí mật giam giữ và tra tấn hàng trăm nhà chính trị quốc gia đối lập "chui" thì đủ thấy chế độ Diệm đã mất lòng dân như thế nào..
3. Thành phần tôn giáo:
Về phương diện pháp lý, chính quyền ông Diệm đã độc lập được 9 năm mà vẫn giữ nguyên đạo dụ số 10 của thực dân Tây để lại coi Phật giáo như một hội đá banh. Vì vậy mà một trong 5 nguyện vọng của Phật giáo gửi cho chính phủ Diệm trong tháng 5/1963 là “được bình quyền với Ki-tô giáo”. Một đạo mang niềm tin của gần 90% dân mà lại xin được bình quyền với một đạo của gần 10% dân! Về thực tế, sự kiện đạo của thiểu số Ki-tô là tôn giáo duy nhất (gồm hai nhánh Gia-tô La mã và Tin Lành) có tuyên úy trong quân-đội đã đủ để nói về chính sách kỳ thị tôn giáo (và nhắm riêng vào Phật giáo)……
4. Thành phần quân đội:
Quân đội VNCH có gốc rể từ quân đội Pháp. Đại đa số những sĩ quan lãnh đạo đều đã có kinh nghiệm với chế độ thuộc địa. Những kinh nghiệm này cọng với truyền thống kỷ luật của quân đội mà họ đã theo đuổi từ thời trai trẻ đã tạo trong họ một trống vắng về ý thức chính trị sâu sắc. Do đó, những hành động, phản ứng hay quyết định của họ có tính cách bản năng, nặng về cảm tính và chú trọng đến hiệu quả thực tiễn. Điều này được chứng nghiệm năm 1954 qua sự ủng hộ vô điều kiện của họ đối với chính khách Ngô Đình Diệm, sự đối kháng của họ đối với thực dân Pháp và quyết tâm chống mối đe dọa Cọng sản từ miền Bắc.
Nhưng từ năm 1958 trở đi, quân đội đã thấy rất rõ, từ vị thế quân nhân của họ, sự phân hóa và bất công do một "quân đội Cần Lao" hống hách trong quân lực, sự đe dọa quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và cuối cùng sự phản bội của một chế độ chống Cọng mà đi đêm với Cọng … Cho nên trong 3 năm cuối cùng của chế độ, họ đã ba lần quyết liệt nói lên thái độ chống đối chế độ của họ: Binh biến 11/1960 của binh chủng Nhãy Dù, oanh kích ném bom dinh Độc Lập 2/1962, và cuối cùng là cuộc chính biến 11/1963 dứt điểm một chế độ độc tài.

*  *  *


Bên cạnh yếu tố Việt Nam, yếu tố ngoại bang trở nên tương đối đơn giản và khẳng định hơn vì nhân chứng và tài liệu thì đầy đủ và dễ phối kiểm và, do đó, giúp chúng ta có thể suy luận một cách khách quan hơn.


Những tài liệu, sách báo, hồi ký xuất bản từ năm 1963 ở Mỹ đã cho thấy rõ ràng mối liên hệ chặt chẽ giữa nước này và ông Diệm. Trong một bài, đã được đăng trên nhật báo Người Việt ở Westminster, California ngày 9 tháng 11/1996, tác giả Lương Minh Sơn đã đúc kết các chứng liệu ngoại quốc để trình bày một cách súc tích và chính xác sự đúng chỗ, đúng lúc và đúng người của ông Diệm khi ông được chính quyền Mỹ và Vatican chọn lựa và dọn đường cho ông về VN.

Trong khuôn khổ của bài nầy, vấn đề chỉ cần giới hạn trong câu hỏi: Tại sao người Mỹ đưa ông Diệm về năm 1954 rồi 9 năm sau lại muốn lật đổ?

Có phải vì mục tiêu và sách lược của người Mỹ đã thay đổi? Câu trả lời, trong trường hợp VN, tất nhiên là: Không. Vì từ 1954 đến 1963, ngươì Mỹ chỉ có một sách lược và một quyết tâm là chống Cộng sản.. (Thật ra thì chính sách đối ngoại của Mỹ đặt cơ sở trên sách lược ngăn chận Cọng sản – Containment - đã bắt đầu từ bài báo năm 1947 của George Kennan cho đến 1989 khi Nga Sô-viết sụp đổ và Trung Cọng bắt đầu chạy theo kinh tế thị trường). Mục tiêu không thay đổi thì có thể là đường lối đã thay đổi. Đây là chỗ đưa đến lập luận sở đắc của những người mang “tinh thần Ngô Đình Diệm” : “Đồng minh Mỹ trở nên đế quốc, muốn đem quân chiến đấu vào để thao túng chủ quyền của VN mà chống Cọng theo kiểu Mỹ, Tổng thống Diệm muốn bảo toàn độc lập quốc gia nên chống lại âm mưu này và đã phải trả giá bằng chính mạng sống và chính quyền của ông.”
Bằng lý luận chính trị, lập luận này không đứng vững trong bối cảnh của nước Mỹ có một Tổng thống bị thất bại nặng nề ngay từ đầu nhiệm kỳ trong phiêu lưu quân sự ở Vịnh Con Heo (tháng 4/1961) để mưu lật đổ Fidel Castro của Cuba. Ông Kennedy dĩ nhiên là không muốn phiêu lưu vào một thất bại lật đổ Ngô Đình Diệm ở một xứ VN xa xôi vào cuối nhiệm kỳ (tháng 11/1963) khi cuộc chuẩn bị bầu cử cho nhiệm kỳ hai đã bắt đầu.
Cụ thể hơn, bài này sẽ chứng minh ông Diệm chẳng những không chống mà còn xin thêm quân Mỹ và Tàu, (vâng, quân Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt) đổ vào VN.
 Qua tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ và tài liệu công khai của Phòng Báo chí Tòa Bạch ốc, lập luận “chống Mỹ” này lại càng mất thêm giá trị để được xứng đáng gọi là một lập luận chính trị. Cựu Bộ trưởng McNamara đã dùng tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng để tiết lộ những chi tiết sau đây trong hồi ký “In Retrospect” (Ed. Random House, NY, 1995) của ông :

1). “(Ngoại Trưởng) Dean Rusk và các cố vấn của ông ta cũng đi đến kết luận như (của tôi) vậy. Ngày 11/11 (năm 1961) ông ta và tôi, sau khi suy nghĩ và thảo luận thêm, cùng gửi một văn thư liên bộ (Ngoại Giao và Quốc Phòng) cho Tổng thống để can ngăn việc gửi quân chiến đấu sang VN theo đề nghị của Walt (Rostow) và Tướng Max (well Taylor). . . . Chiều hôm ấy, TT Kennedy đã đem cả hai văn thư đó ra giữa buổi họp tại Tòa Bạch ốc. Ông nói rõ rằng ông không muốn cam kết một cách vô điều kiện sẽ giữ cho miền Nam Việt Nam khỏi bị sụp đổ và tuyệt đối không chấp nhận việc gửi quân tác chiến Mỹ sang VN.” [Tr. 39]

2). Trong bản tường trình mật lên Tổng thống, sau chuyến viếng thăm VN (tháng 9/1963), Bộ trưởng McNamara đã có những đề nghị sau đây (trong an ninh tình báo, những đề nghị mật trong giới lãnh đạo cao cấp loại này được coi như là những ý định thật của một chính phủ) :
“Thành lập một chương trình để huấn luyện người Việt Nam đến cuối năm 1965 có thể thay thế quân nhân Mỹ trong các nhiệm vụ thiết yếu. Vào thời điểm đó, một số lớn nhân viên Mỹ có thể được rút về nước.. . .
Theo chương trình huấn luyện (quân đội) Việt Nam để từ từ thay thế (quân đội Mỹ) trong các nhiệm vụ quân sự, Bộ Quốc Phòng nên tuyên bố sớm kế hoạch đang được chuẩn bị để rút 1,000 quân Mỹ vào cuối năm 1963.” [Tr. 78]

3). Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Bạch ốc ngày 2 tháng 10, 1963 :
“Cuối cùng tổng thống đồng ý, và Tham vụ Báo chí Pierre Salinger đã đưa ra bản thông báo sau buổi họp. Bản thông báo này có đoạn như sau : Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor. . . báo cáo rằng chương trình huấn luyện của Mỹ tại VN sẽ tiến triển đến mức 1,000 quân nhân Mỹ đang đóng tại Nam Việt Nam sẽ có thể được rút về vào cuối năm nay.” [Tr. 80]

4). Trong một lá thư được nhật báo The New York Times đăng ngày 14 tháng 9/1995 để trả lời một độc giả, ông McNamara đã tổng kết như sau :
“. . . Tôi tin rằng các tài liệu đã chứng tỏ là Tổng thống Kennedy, chẳng những đã không trù tính một kế hoạch leo thang nào, mà còn quyết định - và tuyên bố công khai ngày 2 tháng 10, 1963 - rằng Mỹ dự tính rút quân đội ra (khỏi Việt Nam) vào cuối năm 1965 và bước đầu tiên là rút 1,000 (trong tổng số 16 ngàn quân) vào cuối năm 1963.”

5). Mới nhất là bản tin ngày 23 tháng 12, 1997 của Associated Press trích từ hồ sơ dày hơn 800 trang của văn phòng Tổng tham mưu Liên quân Mỹ (Joint Chiefs of Staff) tiết lộ “Tổng thống Diệm đã dấu diếm những báo cáo chiến trường cho thấy cuộc chiến đã diễn tiến một cách bất lợi cho Nam Việt Nam” (“Diem had been hiding reports from the field that showed the war was going badly for the South Vietnamese”). Mặt khác, “vài tuần trước khi bị ám sát, TT Kennedy đã muốn các lãnh đạo quân sự lập cho ông một kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Việt Nam sau cuộc bầu cử 1964” (“weeks before his assasination President Kennedy wanted his military leaders to draw up contigency plans for a U.S. withdrawal from Vietnam after the 1964 presidential election.”).
Bên kia những tiết lộ rõ rệt này về ý đồ của người Mỹ thì “Hồ sơ Mật của Ngũ Giác Đài” (“The Pentagon Papers”, Ed. Bantam Books Inc., 1971, trang 40) lại cho thấy chính ông Diệm đã có ý đồ... xin thêm quân tác chiến Mỹ và Tàu vào Việt Nam, từ năm 1961!

“Điện văn của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi bộ Ngoại Giao ngày 13 tháng 10, 1961 về những yêu cầu của ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc Phòng của Nam Việt Nam...

Trong buổi họp ngày 13/10/1961 Thuần đã yêu cầu :
1. Gửi thêm các phi đoàn khu trục AD6...
2. Gửi phi công dân sự Mỹ...
3. Gửi quân Mỹ tác chiến hoặc quân Mỹ “cố vấn tác chiến” cho quân VNCH. Một phần quân số này sẽ đóng gần vĩ tuyến 17 để quân VNCH được rảnh tay chống quân du kích ở miền cao nguyên ...
4. Xin được biết phản ứng của Mỹ đối với đề nghị (của ông Diệm) xin Trung Hoa Quốc gia gửi một sư đoàn quân tác chiến vào khu vực hành quân ở vùng Tây Nam ....

(Bộ trưởng Thuần) nói ông Diệm, dựa trên tình hình Lào, sự xâm nhập (của quân đội Bắc Việt) và sự lưu tâm của TT Kennedy khi gửi Tướng Taylor qua thăm VN, đã yêu cầu Mỹ hãy duyệt gấp những yêu cầu trên.” [Tr. 40]

* * *

Tất cả những tài liệu trên đây đã tự nó nói lên hai sự thật đơn giản :
1. Tổng thống Diệm không thể “chống Mỹ đổ thêm quân”, vì cho đến ngày lịch sử 1/11/1963 chính quyền Mỹ không có ý đổ thêm quân vào Việt Nam mà ngược lại còn dự tính - và tuyên bố công khai - sẽ rút quân kể từ cuối năm 1963.
2. Ngược lại, từ năm 1961, chính Tổng thống Diệm lại đã cầu viện quân ngoại bang (Mỹ và Tàu) vào Việt Nam.
Nguyên nhân của một biến cố lịch sử làm sụp đổ một chế độ dài 9 năm phải đến từ nhiều yếu tố. Không thể lý luận một cách ngu muội là tất cả đều do Mỹ và những người chống ông Diệm (từ Nhất Linh đến Thích Trí Quang đến Trần Kim Tuyến đến Dương Văn Minh) đều bị CIA … mua chuộc. Qua những chứng liệu rõ rệt trên đây, một độc giả thông minh tối thiểu và không cuồng tín vì tôn giáo sẽ thấy nguyên nhân của ngày 1/11/1963 đến từ cả hai yếu tố bên trongbên ngoài Việt Nam. Với một người có tinh thần dân tộc thì sẽ nhận ra ngay yếu tố Việt Nam mới là tối quan trọng, yếu tố lòng dân Việt Nam mới là chủ yếu. Với loại người được truyền giáo để trở thành phi dân tộc và vọng ngoại thì dĩ nhiên chỉ có thể thấy được yếu tố ngoại bang.

Nếu những người này đã có can đảm đọc đến đây và đã được “mặc khải” thì xin hãy chôn đi cái huyền thoại TT Diệm “chết vì chống Mỹ” sau khi đọc điều số 4 trong lá thư của Bộ trưởng Thuần ở trên rằng “Xin được biết phản ứng của Mỹ đối với đề nghị (của ông Diệm) xin Trung Hoa Quốc gia gửi một sư đoàn quân tác chiến vào khu vực hành quân ở vùng Tây Nam...”.  Được như vậy, vào tháng 11 mỗi năm, quý vị hoài Ngô khỏi phải day dứt vì mặc cảm phạm tội mà đi mua nhang đèn làm lễ tưởng niệm “tinh thần" “xin-được-biết-phản-ứng-của-Mỹ của Ngô chí sĩ, và chúa Ki-tô khỏi phải nhọc công lập lại Điều răn thứ Chín cho những "nhà nghiên cứu" như các ông Cao Văn Luận, Cao Thế Dung (Hà Nhân Văn, Hà Nhân!!), Nguyễn văn Chức, Tú Gàn Nguyễn Cần.

 Ngô Đắc Triết (Montréal) 3.11.2002


GÓP Ý VỚI ÔNG NGÔ ĐẮC TRIẾT
Lý Đương Nhiên

Nhân đọc bài “Tổng Thống Diệm và Quân Đội Mỹ” của tác gia Ngô Đắc Triết, tôi cũng xin có đôi lời góp ý.
Cách đây mấy tuần lễ, bình lúận gia nổi tiếng Trần Bình Nam có cho phổ biến loạt bài “CIA Và Các Ông Tướng” trong đó tác giả có để cập đến chi tiết “Tổng Thống Diệm phản đối việc quân đội Mỹ đổ bộ vào  Việt Nam” phổ biến trên website Đàn Chim Việt. Liền sau đó, ông Phan Đức Minh cũng cho phổ biến trên Đàn Chim Việt loạt bài “Nhớ Ngày 1/11/1963” trong đó ông có cho biết Tổng Thống Diệm có ra thăm Quân Đoàn I ở Đà Nẵng vào năm 1960 và có nói chuyện với các sĩ quan. Trong buổi đó, Tổng Thống Diệm cũng cho biết “ông chống việc quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam.”
Nhân dịp có bài viết của ông Phan Đức Minh, ông Nguyễn Tường Tâm, cháu của nhà văn Nhất Linh, có bài Góp Ý ở dưới bài viết trên đây với đại ý như sau:
▪ 1.- Buổi nói chuyện của Tổng Thống Diệm có thật không? Xin ông cho biết một vài chi tiết để chứng thực.
▪ 2.- Xin ông Phan Đức Minh cho tài liệu về việc Tổng Thống Diệm chống việc quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam.
Đồng thời, ông (Nguyễn Tường Tâm)  cũng cho biết ông có yêu cầu ông Trần Bình Nam cho ông tài liệu đó, nhưng ông Trần Bình Nam đã thành thật trả lời rằng không thể cung cấp tài liệu đó cho tôi được.
Xin góp ý như sau:
1.- Buổi nói chuyện của Tổng Thống Diệm với các sĩ quan Quân Đoàn I vào năm 1960 ở Đà Nẵng là hoàn tòan không có vì rằng từ ngày 1/1/1960 đến ngày 31/12/1960, Tổng Thống Diệm không hề đi Đà Nẵng. Xin đọc (1) sách Hai Mươi Năm Qua 1945-1964 – Việc Từng Ngày (Los Alamitos, CA: Xuân Thu – không đề năm) của tác giả Đoàn Thêm.  (Cụ Đoàm Thêm làm việc trong văn phòng Tổng Thống Diệm), và (2) Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 Tầp I-C: 1955-1963 (Houston TX: Văn Hóa, 2000) của tác giả Chính Đạo.
2.- Giáo-sư Nguyễn Mạnh Quang và Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu cũng đã cố gắng đi các thư viện truy tầm mà cũng không tìm ra một văn kiện nào đề cập đến Việc Tổng Thống Diệm chống quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam và việc Mỹ xin Tổng Thống Diệm sử dụng hải cảng Cam Ranh, nhưng bị ông Diệm từ chối.
Trong lúc đi tìm tài liệu lịch sử nói về Việt Nam trong thời cận và hiện đại, Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu bắt gặp được mấy tờ phúc trình của Đại-sứ Pháp Lalouette gửi về chính quyền Pháp, trong đó có nói việc ông Diệm cho Đại-sứ Pháp biết rõ là Cuộc Chiến Việt Nam hiện nay trên thực tế đã giống như Cuộc Chiên Triều Tiên trước đây và “Ít nữa cho tới ngày 7/11/1961, (miền Nam Việt Nam) không những muốn đón nhận quân chiến đấu Mỹ và các nước bạn, mà còn tuyên bố đại đa số dân miền Nam tán thành (welcome) việc này (quân đội Mỹ đến Việt Nam.) . Sự kiện này được sách sử ghi lại rõ ràng như sau:
Tư liệu trong kho Cambodge-Laos-Vietnam ghi nhận Ngô Đình Diệm ít nữa cho tới ngày  7/11/1961, không những muốn đón nhận quân chiến đấu Mỹ và các nước bạn, mà còn tuyên bố đại đa số dân miền Nam tán thành (welcome) việc này. Như thế, những lời tuyên bố chống Mỹ vào năm 1963 của vợ chồng Ngô Đình Nhu chỉ nhằm vào các cố vấn quân sự Mỹ sau khi  Ngô Đình Nhu đã bí mật gặp nhiều đại diện Cộng Sản…”  Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (Thiên Mệnh Đại Pháp) 1884-1945 – Tập 3 (Houston, TX: Văn Hóa, 2000), tr 1038.  
Ngoài sự kiện lịch sử trên đây,, lại còn có nhiều skiện khác như:
a.- Ngày 11/11/1960, Tổng Thống Diệm Nhờ Linh-mục Raymond de Jaegher, người Bỉ, quốc tịch Mỹ, xin với Đại-sứ Mỹ Elbridge Durbrow cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ vào Sàigòn để bảo vệ công dân Mỹ và kiểm sóat phi trường Tân Sơn Nhất. Sự kiện này được sách  Việt Nam Niên Biểu  1939-1975 Tập I-C 1939-1975 ghi lại rõ ràng như sau:
Thứ Sáu 11/11/1960… 13G30: Durbrow báo cáo Đại-tá Thi đang thương thuyết tại Dinh Độc Lập. Thi đã bắt giữ Đại-Tướng Tỵ và Trung Tướng Thái Quang Hoàng (Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô) làm con tin. Trên đài phát thanh, Thi khẳng định lập trường chống Cộng.
Vẫn theo Durbrow, Diệm từng nhờ Raymond de Jaegher, một linh mục người Bỉ,  đại diện Hội Thái Bình Dương Tự Do, Vùng Viễn Đông – yêu cầu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ để bảo vệ công dân Mỹ và kiểm soát phi trường Tân-sơn-nhất. Durbrow tin rằng điều này không thể được. Cho tới 13G30, vẫn chưa có Mỹ kiều nào bị tổn hại. (FRUS, 1958-1960: I:633-4).” Chính Đạo,  Việt Nam Niên Biểu  1939-1975 Tập I-C 1939-1975 (Houston, TX: Văn Hóa 2000), tr. 186.
b.- Ngày 29/9/1961: Diệm gặp Đô Đốc Harry D. Felt, Đại Sư Nolting, đề nghị ký một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Chính Đạo, Sđd., tr. 229.
c.- Ngày 20/10/1961: Taylor hội thảo với Diệm lần đầu tiên. Diệm đề nghị một hiệp ước hỗ tương phòng thủ, gia tăng quân số Việt Nam Cộng Hòa và không yểm của Mỹ.
d.- Ngày 27/10/1961: Taylor hội thảo với Diệm lần thứ hai:
Đề nghị đưa bộ binh Mỹ vào miền Nam Việt Nam dưới danh nghĩa là cứu lụt. Theo Taylor, Diệm rất tán thành.” Chính Đạo, Sđd.,tr. 231.
NHẬN XÉT: Đã cương quyết chống việc quân đội Mỹ vào Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, thì TẠI SAO lại còn mời Mỹ vào Việt Nam để làm gì?
Một khi đã ký một thỏa hiệp phòng thủ chung với Mỹ thì đương nhiên là quân đội Mỹ phải trú đóng ở trên lãnh thổ Việt Nam giống như quân đội Mỹ đóng ở Đại Hàn vậy.
ĐỀ NGHI: Mong rằng ông Trần Bình Nam, Phan Đức Minh và các ông đã từng đưa ra lập luận nói rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm chống lại việc chính quyền Mỹ muốn đứa quân vào Việt Nam cho nên mới bị Mỹ thuê người giết ông Diệm, hãy  lên tiếng làm sáng tỏ vấn đề này để cho các ông khỏi mang tiếng là những người NÓI LÁO và PHỊA SỬ.
Mong lắm thay!

Lý Đương Nhiên