Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017


TRIỄN VỌNG QUAN HỆ VIỆT-MỸ
Nguyễn Quang Dy
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ chính thức (29-31/5/2017). Đã có nhiều người bình luận và phỏng đoán về sự kiện này. Có lẽ đây là một dịp tốt để nhìn lại quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh thế giới mới đầy biến động bất thường và bất định. Muốn hiểu hiện tại và biết về tương lai, chúng ta không được quên quá khứ. 

Trở về tương lai
Mỗi khi đề cập đến quan hệ Việt-Mỹ, người ta thường nhớ lại quá khứ đau buồn khi Chiến tranh Việt Nam đã biến hai quốc gia này thành kẻ thù. Nhưng nhiều người quên mất lịch sử trước đó khi hai quốc này gia suýt nữa trở thành đồng minh. Ngày 16/7/1945, OSS đã cử nhóm “Con Nai” (Deer Team) đến Tân Trào để giúp Việt Minh, sau khi cụ Hồ thỏa thuận với Archimedes Patti (chỉ huy OSS tại Kunming). Hơn bốn thập kỷ sau Chiến tranh Việt Nam, nay hai quốc gia lại đang cố gắng để trở thành đồng minh, như “trở về tương lai” (back to the future). Vậy số mệnh trong tử vi của hai quốc này là kẻ thù hay đồng minh? Các sử gia cần làm rõ và xác định xem vì sao đoàn tàu Việt-Mỹ đã bị bẻ ghi đi chệch sang hướng khác, với những “hệ quả không định trước”, và làm thế nào để đưa đoàn tàu này “trở về tương lai”.
Nếu đặt quan hệ Việt-Mỹ vào bức tranh lịch sử đầy nghịch lý và trớ trêu đó, chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này (cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trước đây) chỉ là những điểm dừng chân của đoàn tàu Việt-Mỹ tại các nhà ga (cả ga chính và “ga xép”). Thế giới hiện nay còn nhiều nghịch lý và điên rồ hơn trước, vì ngày càng nhiều kẻ khùng đang cướp lái và bẻ ghi các đoàn tàu quốc gia. Trong khi có những người tin rằng thế giới đang tiến gần đến “ngày tận số”, thì nhiều người khác mất hết lòng tin vào cả hiện tại và tương lai, vì họ đã quên hoặc hiểu nhầm quá khứ. Ảo tưởng và nhầm lẫn trong lịch sử đã phải trả giá rất đắt, nên nếu lặp lại sai lầm một lần nữa thì thật là ngu xuẩn và điên rồ.
Có thể nói đoàn tàu Viêt-Mỹ đã vượt qua một quãng đường dài, có lúc chạy nhanh, có lúc chạy chậm, có lúc thậm chí dừng lại một chỗ vì lúng túng không biết chạy hướng nào trước ngã ba đường. Vấn đề không phải là đường ray hay biển chỉ đường bị sai mà là do đầu óc của những người lái tàu bị hồ đồ nhầm lẫn nên lầm đường lạc lối. Đoàn tàu đã rời ga “Đối tác Toàn diện” gần bốn năm, nay đang hướng tới ga mới là “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Nhưng không hiểu sao đoàn tàu Việt-Mỹ chạy mãi mà vẫn chưa tới được cái ga đó (cứ như một nhà ga ảo). Có lẽ chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ tới được một cái “ga xép” dọc đường, chứ chưa tới được cái ga chính, vì chủ nhân của Nhà Trắng đã thay đổi. Một năm trước đây khi ông Obama còn làm chủ Nhà Trắng, chỉ cần Hà Nội dấn thêm một bước nữa là đoàn tàu Việt-Mỹ có thể tới được cái ga đó rồi (nhưng nay cơ hội đó đã trôi qua).

Những rào cản lớn    
Chặng đường trước mắt của đoàn tàu Việt-Mỹ còn nhiều trắc trở, với những rào cản hữu hình và vô hình (mà người ta sợ “nhạy cảm” nên không nói ra). Rào cản lớn nhất có tên là Bắc Kinh. Cứ mỗi khi đoàn tàu Việt-Mỹ định tăng tốc thì nó lại xuất hiện, làm cho đoàn tàu lắc lư phải chạy chậm lại, hoặc dừng hẳn. Ví dụ, khi đoàn tàu Việt-Mỹ đang chạy tới ga “Normalization” (hay “WTO” và “BTA”) thì lại có biển báo dừng lại, không phải biển cấm vì tàu đi vào đường một chiều, mà là biển báo hiệu nguy hiểm vì “diễn biến hòa bình”. Điều trớ trêu là Bắc Kinh ngăn cản Hà Nội kết bạn với Washington, trong khi họ làm tình với nhau.
Mặc dù Hà Nội biết cái biển báo đó là của Bắc Kinh, nhưng đoàn tàu vẫn phải chạy chậm hay dừng lại, không phải vì người lái tàu Hà Nội sợ sai luật giao thông mà sợ sai “quy trình”, như sợ một bóng ma vô hình. Cứ mỗi khi Hà Nội cử một lãnh đạo nào sang Washington, thì lại phải sang Trung Nam Hải trước, như một tiền lệ “bất thành văn”. Cái bóng Bắc Kinh đã ám ảnh đoàn tàu Viêt-Mỹ suốt 27 năm qua (từ 9/1990) khi những người lái Tàu Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau bí mật tại Thành Đô để “bẻ ghi” đoàn tàu Việt-Trung chạy theo hướng ngược lại. Từ “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”, Trung Quốc trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” với “16 chữ vàng”. Đó là một bước ngoặt chiến lược nguy hiểm để “trở về tương lai” của mối quan hệ “Bắc thuộc” (mà ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó đã cảnh báo).       
Rào cản lớn thứ hai đối với đoàn tầu Việt-Mỹ là Nhân Quyền, mà trước đây là vấn đề MIA đã từng cản trở quan hệ Việt-Mỹ suốt thời hậu chiến. Điều trớ trêu là trong khi Washington chấp nhận chế độ cộng sản Hà Nội mà biểu tượng là Tổng thống Obama đã tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong “Phòng Bầu dục” của Nhà Trắng, thì Washington lại không thể bỏ qua hồ sơ vi phạm nhân quyền, do sức ép của Quốc Hội và dư luận báo chí. Hiện nay, mặc dù Tổng thống Donald Trump có thể bị nhiều người Mỹ lên án là vi phạm nhân quyền hay vi phạm quyền tự do báo chí, nhưng vấn đề Nhân quyền vẫn là một “cục xương mắc họng” trong quan hệ Viêt-Mỹ. Vì vậy không nên nhầm lẫn giữa hai vấn đề này. Trong khi rào cản Bắc Kinh là một thực tế khách quan mà Hà Nội không làm gì được (trừ phi “thoát Trung”), thì rào cản Nhân quyền là một vấn đề mà Hà Nội có thể tháo gỡ bằng đổi mới thể chế.
Rào cản lớn thứ ba là sự “bất cập” của năng lực lãnh đạo (trong ngoại giao cá nhân). Mặc dù ai cũng biết ông Donald Trump là một Tổng thống bất bình thường, thậm chí có nhiều tai tiếng, nhưng nguyên thủ nước nào cũng phải đến Washington gặp ông Trump, từ Thủ tướng Nhật Abe đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Đức Merkel, thủ tướng Anh May, v.v. Đơn giản vì Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới. Vì vậy, Thủ tướng Việt Nam muốn đến Nhà Trắng gặp ông Trump cũng là điều dễ hiểu, vừa vì lợi ích quốc gia (để đối phó với những vấn nạn hiện nay), vừa vì lợi ích cá nhân (để tăng cường vị thế chính trị của mình).
Tuy các cố vấn chủ chốt của ông Trump như Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster, ngoại trưởng Rex Tillerson (trong nhóm “Axis of Adults”) có thể ủng hộ quan hệ đối tác Việt-Mỹ, vì lợi ích chung của hai nước. Nhưng họ có thuyết phục được ông Trump coi Việt Nam là “đối tác quan trọng” về kinh tế và chiến lược hay không, còn phụ thuộc vào ông Phúc có chứng minh được điều đó hay không, bằng cách trực tiếp thuyết phục ông Trump khi gặp gỡ. Ông Trump vốn thích “ngoại giao cá nhân” (personal diplomacy) và hay hành động theo cảm tính, đôi khi thất thường nên rất khó đoán. Trong khi ông Trump có thể tùy hứng thay đổi kịch bản có sẵn (script), thì ông Phúc (và hầu hết lãnh đạo Việt Nam) lại quen dựa vào kịch bản một cách cứng nhắc, nên dễ bị động và lúng túng. Vấn đề là ông Phúc làm thế nào để gây ấn tượng cá nhân tốt đẹp với ông Trump (như các nguyên thủ khác vẫn làm). Điểm mạnh của ông Trump lại là điểm yếu của ông Phúc (đã từng mang tiếng là “Thủ tướng CLMV”).
Tuy nhiên ông Phúc có thể dùng chiến thuật du kích làm ông Trump bất ngờ, như đề nghị mua thêm vũ khí tối tân, hoặc lập luận rằng trong số 32 tỷ USD thâm hụt thương mại mà Mỹ nhâp siêu từ Việt Nam (năm 2016), hầu hết là sản phẩm điện tử của hãng Samsung và Intel (như điện thoại di dộng và linh kiện máy tính) sản xuất gia công tại Việt Nam. Số hàng hóa “nhập siêu” này thực chất không phải là hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, mà là hàng Việt Nam gia công cho nước ngoài, để hưởng dịch vụ (chỉ khoảng 5-8% gía trị hàng hóa). Nói cách khác, đây là một sự nhầm lẫn “oan” cho Việt Nam, do khác nhau về cách thống kê.     

Xung quanh chuyến đi
Trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Mỹ (29-31/5/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm chính thức Bắc Kinh (11/5/2017) nhân dịp dự diễn đàn quốc tế “Một Vành Đai một Con Đường” (14-15/5/2017). Ông đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình, và hai bên đã thông qua Thông cáo Chung về Biển Đông. Trong một động thái khác, ngày 22/5/2017, đại sứ Mỹ Ted Osius đã trao cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra biển (Metal Shark) trong số 18 chiếc mà Tổng thống Obama đã cam kết 4 năm trước. Tiếp đó, ngày 24/5/2017, chiến hạm USS Dewey đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Vành Khăn tại Trường Sa, mà không thông báo trước như thường lệ “đi qua vô hại” (innocent passage). Đây là chuyến tuần tra FONOP đầu tiên, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN đến Nhà Trắng gặp ông Trump, dù trước đó các lãnh đạo Châu Á khác đã gặp ông Trump như Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình. Để thu xếp cho lãnh đạo nước họ gặp ông Trump và tháo gỡ những rào cản, người Nhật và người Trung Quốc đã phải khôn khéo vận động (lobby). Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Mấy tháng qua, lãnh đạo Hà Nội đã chủ động bày tỏ mong muốn gặp ông Trump, và cử các đoàn đi Mỹ vận động Quốc Hội và các thế lực ủng hộ quan hệ với Việt Nam và duy trì tuần tra tại Biển Đông (FONOP). Theo Reuters, Viêt Nam thuê một người vận động hành lang (lobbyist) với giá 30.000 USD/tháng.
Ngày 20-21/4/2017, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã đến Mỹ để “tiền trạm”, gặp gỡ các quan chức chủ chốt của Chính quyền và Quốc hội, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Trong dịp đó, ông McMaster đã trao cho ông Minh thư của Tổng thống Donald Trup mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Mỹ. Đồng thời, ông Minh cũng chuyển lời mời chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (tháng 11/2017) và thăm Việt Nam. Ông Trump đã nhận lời và khẳng định sẽ tham dự. 
Mặc dù ông Trump đã quyết định rút khỏi TPP, bỏ rơi chính sách xoay trục sang Châu Á của ông Obama, và tỏ ra không tha thiết với vấn đề Biển Đông, nhưng trước chuyến thăm của ông Phúc, Reuters (28/5/2017) nhận thấy một số dấu hiệu tích cực. Nhà Trắng gọi Việt Nam “là một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á”. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ (Katrina Adams) nói rõ, “Quan hệ đối tác Việt-Mỹ là một phần cốt yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” (the US-Vietnam partnership is a critical component of US foreign policy in the Asia-Pacific region). Theo Carl Thayer, Viêt Nam là “một con bài quan trọng trong cấu trúc an ninh đa phương trong khu vực” của Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Rodrigo Duterte “lánh xa Mỹ và xích lại với Trung Quốc”.
Theo Carl Thayer, lúc này Việt Nam gần với Mỹ còn hơn cả hai nước đồng minh có hiệp ước quân sự với Mỹ là Thái Lan và Philippines. Việt Nam cần tham gia nhóm các nước đối tác của Mỹ trong khu vực (mà Singapore là đối tác số một). Theo Diplomat (5/2016) Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng dưới thời Trump, Mỹ đã lặng lẽ rút lui khỏi khu vực, để Trung Quốc tự do hành động bá quyền, làm phương hại cho các nước như Việt nam. Sự nhân nhượng của Washington là một củ cà rốt to để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Bắc Kinh nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, một việc Trump rất cần nên sẵn sàng thỏa hiệp. 

Đánh giá triển vọng
Hãy tham khảo một số đánh giá của những chuyên gia quen biết.
Theo Alexander Vuving ( “What Vietnam Can Offer America”, Alexander Vuving, National interest, May 27, 2017) vấn đề sống còn của Việt Nam là làm thế nào cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Đó là bối cảnh cho chuyến thăm Mỹ của ông Phúc. Vuving cho rằng trong quan hệ với Mỹ có 3 vấn đề quan trọng nhất thiết phải đạt được. Thứ nhất là phải đạt được một hiệp định thương mại và đầu tư có triển vọng. Thứ hai là phải thỏa thuận được quan điểm về Biển Đông không chấp nhận hiện trạng. Thứ ba là phải xây dựng quan hệ đồng minh Viêt-Mỹ trên cơ sở “đối tác chiến lược toàn diện”. Tuy quan hệ đối tác phải mang tính chiến lược sâu sắc hơn, nhưng không nhất thiết phải là cam kết quốc phòng.   
Theo Minxin Pei (“The TPP’s Second Act”, Minxin Pei, Project Syndicate, May 24, 2017), quan điểm đồng thuận cho rằng thực tế ông Trump đã nhân nhượng và trao Đông Á cho Trung Quốc tuy có cơ sở, nhưng lại bỏ qua một thực tế địa chính trị cơ bản. Đó là nhiều nước Đông Á đã dựa dẫm ỷ lại vào vai trò đứng đầu của Mỹ nên không đầu tư cho an ninh kinh tế và quốc phòng của mình. Nay không còn dựa dẫm được vào Mỹ để duy trì hòa bình và thinh vượng, họ đang đứng trước các sự lựa chọn rất khó khăn, và phân hóa làm 3 nhóm.  
Nhóm thứ nhất chọn cách ngả theo Trung Quốc, bao gồm một số nước như Thailand, Malaysia, Cambodia, Laos. Nhóm thứ hai chọn chiến lược đề phòng rủi ro (hedging strategy), gồm các nước như Australia, South Korea, Singapore. Nhóm thứ ba chọn chiến lược tự lo cho mình (self-help strategy) gồm các nước như India, Japan, Vietnam, Indonesia. 
Để lấp lỗ trống do Mỹ rút khỏi TPP, Nhật phải dẫn đầu TPP11, thuyết phục các nước Châu Á xiết chặt hàng ngũ, không khuất phục Trung Quốc. Muốn vậy, Nhật phải có chính sách sẵn sàng chấp nhận phí tổn cao hơn để giữ cho Nhật và các đối tác khác thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nếu Hàn Quốc và Indonesia tham gia TPP11, thì cán cân sẽ thay đổi.
Theo Jonathan London (“High Stakes for Vietnam Prime Minister’s Visit to Washington”, Jonathan London, CSIS CogitAsia, May 29, 2017), chuyến thăm của ông Phúc có ý nghĩa quan trọng trên 3 lĩnh vực. Thứ nhất là thương mại. Mỹ và Việt Nam có nhiều lý do để mở rộng và đa dạng hóa quan hệ thương mại. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh được tình trạng sử dụng những công nghệ rẻ tiền, gây ô nhiễm cao, có hại cho người lao động, đồng thời khuyến khích Chính phủ bỏ những dự án nhiệt điện gây ô nhiễm và thay bằng những dự án mới dựa trên công nghệ và đầu tư của Mỹ, ví dụ như khai thác nguồn khí đốt ngoài khơi. 
Thứ hai là vấn đề an ninh. Làm thế nào để Mỹ và Việt Nam (cùng các nước khác) có thể đảm bảo cho môi trường an ninh hàng hải ở Đông Á, phù hợp với luật quốc tế. Trước những dấu hiệu Bắc Kinh đang theo đuổi những mục đích ngược với lợi ích của Mỹ, thì lợi ích an ninh của Việt Nam và Mỹ ngày càng song trùng, hơn với bất cứ nước nào khác.  Hai nước cần tiếp tục hợp tác về an ninh, như vừa rồi Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần tra biển. Vì Trump quan tâm đến mua bán vũ khí, nên đây có thể là một lĩnh vực dễ hợp tác.  
Thứ ba là một khía cạnh không đo đếm được nên dễ bị bỏ qua, liên quan đến vai trò của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, liệu ông ấy có vị thế quan trọng như thế nào trong sự phát triển kinh tế và chính trị của Việt Nam. Trong khi có vẻ thiếu khí thế và tiếng nói về vấn đề nhân quyền, ông Phúc lại là người có ý tưởng cải cách. Vừa rồi, khi Ban Tuyên giáo kêu gọi đối thoại với giới bất đồng chính kiến, một bầu không khí chống lại tư tưởng bảo thủ lại trỗi dậy. Theo các nhà quan sát, đây là một tín hiệu xấu cho tương lại cải cách ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, không biết chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng có ý nghĩa gì tốt đẹp. 
Vì vậy, hy vọng Nhà Trắng, Quốc hội, và các lãnh đạo khác trong chính quyền có tiếng nói rõ ràng và tha thiết để biểu lộ cam kết thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam. Xét cho cùng, chỉ có người Việt Nam mới tự quyết định được tương lai của mình. Nếu nhìn xa hơn, bỏ qua chuyện chính trị trước mắt, thì Việt Nam và Mỹ có nhiều lợi ích lâu dài để xây dựng một quan hệ vững mạnh, đặc biệt là về lĩnh vực thương mại và quốc phòng.   
Theo David Brown (“Vietnam’s Premier Phuc Enters the US Cobra Den”, David Brown, Asia Sentinel, May 29, 2017), TPP là công cụ để Hà Nội tháo gỡ sự ách tắc về ý thức hệ. Còn đối với quan hệ Viêt-Mỹ, TPP là chất keo kinh tế để gắn kết một quan hệ đối tác chiến lược bền vững. Tuy ông Trump đã rút khỏi TPP, nhưng Hà Nội vẫn hy vọng đạt được một hiệp định thương mại song phương với Mỹ tương tự như TPP (ưu tiên cao nhất của ông Phúc). Biết đâu một ngày nào đó, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để đưa Mỹ trở lại sân chơi TPP.
David Brown cho rằng bản thân cuộc gặp ông Trump 30 phút tại Phòng Bầu dục là một sự kiện quan trọng, vì 3 ý nghĩa. Thứ nhất, Ngoại trưởng Phạm Bình minh và Đại sứ Phạm Quang Vinh đã thu xếp để ông Phúc trở thành thủ tướng đầu tiên của ASEAN được ông Trump tiếp đón tại Nhà Trắng. Thứ hai, Hà nội có lý do để hy vọng đàm phán thương mại song phương như TPP sẽ có kết quả. Thứ ba, món quà của Hà Nội mà ông Phúc đem đến cho ông Trump có thể là đề nghị mua một số vũ khí tối tân của Mỹ. Đây sẽ là cái chốt của cuộc gặp. Trong khi ông Phúc có thể bám vào kịch bản có sẵn, thì ông Trump lại hay nói nhiều và tùy hứng, nên không loại trừ tình huống bất ngờ, có thể lái quan hệ Viêt-Mỹ theo một hướng khác.   

Thay lời kết
Tuy các nhà quan sát có thể phân tích nhưng rất khó dự đoán kết quả của sự kiện ngoại giao này, liệu có xảy ra trục trặc hay sai sót nào không. Đây vừa là một cơ hội vừa là thách thức và rủi ro đối với ông Phúc, vì Donald Trump là một bài toán đố khó tìm lời giải. Là một lái buôn (dealer) đầy cá tính, Donald Trump không phải là Bill Clinton hay Barack Obama. Ông ấy muốn phủ nhận mọi di sản của chính quyền trước. Đối với một tổng thống khác, kết quả gặp gỡ tùy thuộc nhiều hơn vào sự chuẩn bị (homework) và làm việc nhóm (teamwork). Nhưng đối với ông Trump, nó tùy thuộc nhiều hơn vào ngoại giao cá nhân và tương tác cá nhân (là một điểm yếu của ông Phúc). Cuộc gặp gỡ này có thể là một màn trình diễn của hai nhân vật có cá tính, như trong một chương trình “truyền hình thực tế” (reality television show).  
Hiện nay, lo ngại lớn nhất của Việt Nam là liệu Mỹ và Trung Quốc có trở nên quá gần gũi và do đó không đếm xỉa đến lợi ích của Việt Nam hay không. Đối với Việt Nam lúc này, lựa chọn đối sách khả thi là rất khó, nên phải chơi cờ thế (gambit) bằng đề phòng rủi ro (hedging). Vì vậy, Việt Nam đang tăng cường hợp tác chặt chẽ với Nhật (chơi “lá bài Nhật”) và chuyển sang “phương án B” về TPP (còn gọi là TPP11). Vì Mỹ đã rút khỏi TPP nên Nhật trở thành động lực chính đối với TPP11, cũng như đối với Việt Nam trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, sự kiện ngoại giao song phương Việt-Mỹ này còn có ý nghĩa đa phương.  

NQD. 30/5/2017


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017


PHẬT GIÁO VỚI NHỮNG ẢO TƯỞNG THỜI THƯỢNG
Trần Trọng Sỹ

LTS: Đây là bài lên tiếng của một Phật tử trí thức về một câu trích dẫn được cho là của nhà bác học Albert Einstein, và được vô tình lặp đi lặp lại ở nhiều nơi trong nhiều năm nay nhưng thiếu nguồn tài liệu khả tín. Qua cách trình bày tỉ mỉ và tận tường của tác giả, chúng ta thấy rõ đây là một nỗ lực thể hiện lòng Bi, Trí và Dũng mà người Phật tử nên tự hào. Mong được các bậc thức giả đón nhận hoặc đóng góp thêm ý kiến nếu có để được rộng đường dư luận. (SH, 24-5-2017)
"In a time of universal deceit - telling the truth
is a revolutionary act." (George Orwell)
"Hell is Truth Seen Too Late." (Thomas Hobbes)
Albert Einstein (1879-1955)
Có 3 câu nói, được cho là của Einstein, thường được toàn thể các website Phật giáo thế giới trích dẫn để nói về tính khoa học của đạo Phật.
Câu thứ nhất:
"Phật giáo không cần duyệt xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan niệm của mình để chấp nhận khoa học bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học và đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống chung quanh nó. Phật giáo siêu việt vượt qua thời gian."
[Buddhism requires no revision to keep it up today with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is a bridge between religious and scientific thoughts, that the stimulates man to discover the talent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless]
Câu thứ hai:
"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó"
[The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description]
Câu thứ ba, là phần đầu của câu thứ nhất, thường được trích dẫn như dưới đây :
"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"
[If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science]
Ba câu nói trên, đúng hơn là hai câu, vì câu thứ ba và câu thứ nhất có thể gọp chung lại làm một, gần như là những lời tuyên chiến không những với các tôn giáo khác trên thế giới, mà còn tuyên chiến ngay cả với chính khoa học.
Thú thật, lần đầu tiên đọc được câu thứ nhất, là một phật tử, tôi sướng như trẻ con được kẹo, thiếu điều muốn nhảy lên mà hét thật to rằng, quả thực, đạo Phật là số một, là number one ! Niềm vui cùng với sự kiêu hãnh kia cũng kéo dài được...vài năm, cho đến một hôm, tôi đặt bút xuống viết về tính khoa học của đạo Phật thì mới chưng hửng ra rằng, những trích dẫn tưởng chừng như quá hiển nhiên kia, điều mà gần như tất cả các website phật giáo, anh ngữ hay việt ngữ, không ngừng in đậm, không ngừng lập đi lập lại, thậm chí được in vào một khung ảnh có dán hình của Einstein với câu nói số một được tung ra khắp Internet, những câu trích ấy, theo các học giả Âu Mỹ, là không có căn cứ ! Thế là bài viết tôi dự định viết ra tựa như cái bong bóng căng cứng bị va mạnh vào đầu một mũi kim nhọn !
Mời các bạn lên google, chép câu nói ấy bằng anh ngữ, và cho khởi động truy cập, các bạn sẽ thấy rất nhiều website lập đi lập lại câu nói trứ danh ấy, nhưng khi để ý kỹ, các bạn sẽ nhận ra rằng, hoặc đó là các website của xứ Sri Lanka, hoặc đó là của các cơ quan Phật giáo, nhất là PGVN, tại các quốc gia Âu Mỹ, hoàn toàn vắng bóng các website, báo chí, sách vở, wikipedia mang tính khoa học vô tư phi tôn giáo.
Người Âu Mỹ không có thói quen trâu buộc ghét trâu ăn, không có nỗi sợ vạch áo cho người xem lưng như người Đông Á; xấu họ nói xấu, tốt họ khen tốt; dù kẻ tốt nằm bên đối nghịch, kẻ xấu nằm ngay trong nhà. Tôi khá rành lịch sử tàn ác của Công giáo nhờ đọc sách của người Âu Mỹ, tôi được biết có cả triệu linh mục mắc bệnh sida cũng nhờ thông tin từ báo chí Âu Mỹ, tôi am hiểu sức lan tỏa của đạo Phật ở Âu Mỹ cũng nhờ vào chính thông tín không che đây của họ, nhưng những gì mà các website Phật giáo gán vào miệng Albert Einstein như câu nói trên, tôi moi đi moi lại hằng chục lần, anh ngữ, pháp ngữ và cả việt ngữ, vẫn không hề tìm ra nguồn của nó được trích từ sách nào, báo nào. Khi có nơi cho nguồn, thì cái link cho nguồn hoặc bị hỏng, hoặc nó dẫn tới một link khác, rồi cái linh khác ấy lại đưa tôi vào một rừng tư liệu khoa học, phải đọc hết mấy chục trang tư liệu ấy để moí cho được câu trích dẫn của bố Einstein nhà tôi, vẫn không thấy vân mồng đâu cả !
Thí dụ như sau đây là tài liệu mà tôi tìm được bằng Việt ngữ, xét ra khá đáng tin cậy, vì do trang nhà Thư Viện Hoa Sen giới thiệu Phật tử Tuệ Uyển dịch. Trong bản dịch của Tuệ Uyển có 5 câu được cho là trích dẫn từ Einstein, thì câu đầu tiên là không có căn cứ, còn lại những câu sau đề có thể truy cập xuất xứ. Tuy nhiên, chỉ cần câu đầu tiên thiếu nguồn trộn lẫn với những câu có nguồn cội chính đáng, ta không thể đánh giá đó là tác phẩm đáng tin cậy nữa. Thư Viện Hoa Sen là nơi khá uy tín, đứng đắn, nhưng về tư liệu nguồn của các câu nói do Tuệ Uyển dịch, thì cũng mập mờ, hoàn toàn dẫn vào ngõ cụt, mời xem link :
Tuệ Uyển lấy tư liệu từ website :
Scribd là một trang mạng chuyên đăng tải chia sẻ các tài liệu trực tuyến, hoạt động từ năm 2007, cơ sở đặt ở San Francisco Hoa Kỳ. Scribd được ông Trip Adler thành lập năm 2006, do vậy ai muốn thì cứ đăng các tài liệu lên đây, và cơ quan này hoàn toàn không chịu trách nhiệm giá trị tri thức hay tính chính xác của các tài liệu. Tài liệu mà Tuệ Uyển đọc lại tự nói rằng, những trích dẫn nó có được là do website sau đây cung cấp:
Tôi vào website được giới thiệu, đây là một blog khoa học của triết gia Geoff Haselhurst chuyên bàn về các lãnh vực cực cao của nền khoa học hiện đại, ông tự cho mình là bạn của Albert Einstein, và ông trích dẫn hầu hết các lời nói của Einstein trong blog của ông - để hiểu được những gì trong blog này, rất cần một vốn liếng tri thức cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nên tôi đọc gần cả ngày để hiểu thôi thì cạn kiệt sức lực, vì có quá nhiều thông tin về sóng và hạt (wave and particle), sự tác hợp giữa siêu hình học và khoa học, sự không cần thiết các ''hạt Chúa'' (God's particles) của Newton trong không gian, phương trình Dirac nói về cơ học lượng tử xuyên qua thuyết tương đối khi bàn về electron... cả một kho tàng tri thức, thích thú nhất là nó chào đón khách tham quan bằng câu nói của nhà hiền triết Platon: And those whose hearts are fixed on Reality itself deserve the title of Philosophers. (Plato, Republic, 380BC) (Và cho những ai có trái tim gắn liền với chính Sự Thực xứng đáng với danh hiệu triết gia)
Một website chào đón độc giả bằng phong cách như vậy, ai ai cũng là triết gia, ai ai cũng là trí thức, tựa như Cảnh Sách trong nhà Phật, Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất, ai tự khinh mình thì cứ đi lùi lại, không dám nhìn sự thực, Platon cũng chỉ nói thế mà thôi, cho nên ai ai cũng phải phải tôn trọng sự thực khi đọc và viết tư liệu, nhất là tư liệu khoa học. Nhưng thất vọng thay, tôi mất cả ngày, đọc hết những gì website này nói, vẫn chẳng tìm thấy Einstein nói điều gì về Phật giáo cả mặc dù ông có nhắc đến Lão giáo chỉ một lần, tôi không biết Tuệ Uyển có tìm như tôi không, hay chỉ thấy Einstein khen tặng Phật giáo thì mừng rỡ và dịch ngay mà không cần biết điều mình dịch đến từ nguốn nào ? Có đáng tin hay không ?
Chỉ một lần duy nhất Einstein bàn về tôn giáo mà Geoff Haselhurst giới thiệu, tôi mời các bạn tham khảo :
Albert Einstein expresses this enlightened view of God well, he writes :
'I believe in Spinoza's God who reveals himself in the orderly harmony of what exists, not in a God who concerns himself with the fates and actions of human beings.'
A. Einstein bày tỏ quan điểm sáng suốt về Thượng Đế một cách rõ ràng, ông viết:
'Tôi tin vào Thượng Đế của Spinoza, người biểu hiện mình như là bản hòa âm trật tự của mọi hiện hữu, không phải là ông Thượng Đế ăn rồi chỉ lo chuyện bao đồng về số phận và hành vi của loài người' (ý nói đến Chúa Trời của Thiên chúa giáo với đầy uy quyền thuởng phạt hay xen vào chuyện thế gian). - Câu này được wikipedia việt ngữ dịch như sau: "Tôi tin vào Chúa của Spinoza, người mà biểu lộ chính mình trong nguyên lý hài hòa của thế giới, không phải là một vị Chúa có số mệnh và hành động của một con người. "
Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì ''câu nói của Einstein'' đầu tiên, được viết trong cuốn sách mang tựa đề ''Pre-Historic Lanka to End of Terrorism'' của Sripali Vaiamon, một học giả người Sri Lanka.
Thứ đó, tôi thấy trang nhà Quảng Đức của Phật Giáo VN hải ngoại có đăng một bài viết của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, với đề tài ''Nhà Khoa Học Albert Einstein và Đạo Phật'' đã trích dẫn câu hai và câu ba, cùng với chú thích rằng cả hai đều do nguồn 'http://rescomp.stanford.edu/~cheshire/Einsteinquotes.htm' cung cấp, nhưng tiếc thay, khi tôi truy cập nguồn này thì nó dẫn tới link không có.
Tiếp theo thì tôi đọc trong trang nhà Thư Viện Hoa Sen cũng đăng tải lời giới thiệu của Thượng Tọa Thích Nguyên Giác cho dịch phẩm mang tựa đề ''Tân Vật Lý và Vũ Trụ Luận Phật Giáo và Thế Giới Lượng Tử'', ngài cũng lập lại những câu nói được cho là của Einstein mà Thích Nguyên Tạng đã sử dụng, nhưng cũng chẳng thấy nguồn
gốc ở đâu cả !
Một tác giả khác cũng sử dụng các câu nói này trong tác phẩm 'Einstein Questions, Buddha Answers ( Einstein hỏi, Phật trả lời) của Supawan Green, một nữ tu sĩ phật giáo hoàn tục người Thái Lan có gốc Trung Hoa.
Trong tất cả các tác giả trích dẫn những câu nói của Einstein, có một người tôi rất mến, nhưng lại nổi danh là một người rất bốc đồng, khó có thể có một thuyết phục tri thức, người đó là Madalyn Murray O'Hair, nhà hoạt động vô thần luôn hô hào tách rời nhà nước khỏi tôn giáo, đồng thời là người sáng lập hội vô thần Mỹ, cũng là người đàn bà bị ghét nhất nước Mỹ vào năm 1963. Trong cuốn All the Questions You Ever Wanted to Ask American Atheists (1982) vol. ii., trang 29, bà có ghi câu thứ ba của Einstein được nêu ở đầu bài.
Nói chung, những câu nói này được cả thế giới phật giáo sử dụng tùy tiện theo mục đích truyền giáo, người sử dụng chúng có người có cả học hàm tiến sĩ, nhưng chưa ai đưa ra được xuất xứ chính xác của chúng.
Trong nỗ lực tìm nguồn cho các câu trích dẫn trên, tôi tình cờ thấy trên một trang wikipedia có cuộc thảo luận về khoa học và Phật giáo, một tác giả tên là Blainster, chuyên nghiên cứu cho wikipedia, có cái nhìn nghiêm chỉnh, tự nhận là phật tử, đồng thời là nhà vật lý học, đã có nhận xét rằng ông sẽ rất vui mừng nếu các lời trích tán dương Phật giáo như là tôn giáo vũ trụ cho tương lai của nhân loại, hoặc Phật giáo là tôn giáo duy nhất có thể đáp ứng được đòi hỏi của khoa học là do chính Einstein nói ra, nhưng ông không hề tìm ra được xuất xứ của chúng, và ông cũng đã truy vấn các người bạn chuyên nghiên cứu về Einstein (Einstein scholors) như John Stachel ở đại học Boston, nhà xuất bản 'sưu tập các văn kiện của Eisntein', những tác giả chuyên trích dẫn Einstein như Thomas J. McFarlane, với cuốn Buddha and Einstein: The Parallel Sayings ( Đức Phật và Einstein, những lời nói song song) hoặc Alice Calaprice, tác giả cuốn The New Quotable Einstein ( Trích dẫn mới của Einstein) mà không người nào từng đã trích ra những điều trên cả !
Nguyên văn :
1) Buddhism has the characteristics of what would be expected in a cosmic religion for the future: It transcends a personal God, avoids dogmas and theology; it covers both the natural and the spiritual, and it is based on a religious sense aspiring from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. and 2) Buddhism is the only religion able to cope with modern scientific needs – Einstein
As a Buddhist and physicist myself, I'd be delighted if this very widely-cited quote really could be attributed to Einstein, but regrettably there is no evidence that it can. It sometimes appears with a reference to Albert Einstein: The Human Side (Princeton University Press, 1954), but there is never a page reference - for the simple reason that the quote does not appear anywhere in that book.
I have personally discussed the reliability of this quote with Einstein scholars (including John Stachel at Boston U, and founding editor of The Collected Papers of Albert Einstein), and with the authors of compilations of Einstein quotations (Thomas J. McFarlane, author of Buddha and Einstein: The Parallel Sayings and Alice Calaprice, author of The New Quotable Einstein) - none of whom cite it. In short, neither they nor I know of any evidence that Einstein delivered a speech containing this quote. (https://en.wikipedia.org/wiki/Talk%3ABuddhism_and_science)
Một học giả phật giáo đại thừa, tiến sĩ Donald S. Lopez Jr., đã viết trong cuốn 'Buddhism and Science: A Guide for the Perplexed' cho rằng Einstein không hề nói những tuyên bố như trên. Theo ông, có thể Einstein đã từng đề cập đến Đức Phật trong những lần nói chuyện, nhưng có cái gì thúc đẩy ai đó chế biến lời tuyên bố rồi gắn nó vào tên tuổi của Einstein, (được xem là) vị Phật của thế giới hiện đại. (Einstein appears to have occasionally made passing references to the Buddha in conversation. Yet something compelled someone to concoct this statement and attribute it to Einstein, the Buddha of the Modern Age.
Người việt đến thậm chí còn đăng tin rằng, 3 năm trước khi qua đời, Einstein đã quy y theo Phật, ngày ngày vác đàn Violin tấu nhạc, và trước ngực thì đeo một tượng Phật. Họ cũng loan tin cựu tổng thống Bill Clinton quy y theo Phật, ăn chay, ngồi thiền ; còn tổng thống Obama luôn có trong túi một tượng Phật tí hon, và trong tòa nhà trắng có một nơi thờ Phật.
Theo tôi được biết, ông Clinton do bị bệnh tim, ông ngồi thiền và ăn chay theo dưỡng sinh thì đúng, vì ngày nay có rất nhiều người Âu Mỹ có cảm tình với Phật giáo, họ không xem đạo Phật là một tôn giáo, mà chỉ đơn thuần như một lối sống, nên họ thực hành theo các phương pháp dưỡng sinh của đạo Phật, không nên vì vậy mà rao tùm lum lên rằng họ quy y theo Phật. Tôi không cần nguồn ở đâu để xác minh chuyện này, chỉ cần suy tư một chút theo logic như sau, Bill Clinton tuy không còn làm chính trị, nhưng vợ ông luôn muốn ra ứng cử tổng thống, và muốn được cử tri Mỹ bỏ phiếu, thực khó hy vọng rằng, ứng cử viên lại là người từ bỏ truyền thống Kitô giáo mà có thể được đắc cử. Nên nhớ, Hoa Kỳ chứ không phải Âu Châu, dân Mỹ rất cuồng chúa; cho dù Clinton có theo Phật, tôi tin rằng ông không dại gì tuyên bố bỏ đạo Chúa của ông cả !
Còn cái tượng Phật tí hon mà ông Obama khoe với báo chí, là do một phật tử tặng lúc ông ra tranh cử lần đâu. Ngoài tượng Phật, ông cũng luôn có trong túi một chuỗi hạt Mân Côi và một cây Thánh giá của đạo Copte cũng như một con khỉ của Ấn giáo - biểu tượng cho thần Hanuman, nhưng chuyện có một tượng Phật ở tòa Bạch Ốc thì chỉ thấy được thông tin trên báo chi Phật giáo Việt ngữ.
Sự kiện quan trọng như việc đưa tượng Phật vào Bạch Cung trong một quốc gia 'in God we trust' không thể im lìm như vậy được, ít nhất phải có các đài truyền hình đến quay phim, các tờ báo lớn như Washiton post, Huffinton post, New York times, hoặc đài VOA phải đưa hàng tít lớn để báo động toàn nước Mỹ chứ ! (xem Thích Như Bảo viết về việc Obama đưa tượng Phật vào Bạch Cung- https://nhatbaovanhoa.com/…/tong-thong-obama-thinh-duc-phat…)
Câu chuyện thứ hai mà tôi muốn bàn ở đây là chuyện Phật giáo được bầu làm tôn giáo tốt nhất thế giới.
Chỉ cần vào google gõ tìm thông tin 'Phật giáo được bầu làm tôn giáo số một thế giới', thì có hằng chục website việt ngữ mở ra cho ta ngay cái thông tin nóng bỏng, mà người đạo Phật xem ai cũng nức lòng hãnh diện, còn người đạo khác xem thì...tức cành hông !
Trang nhà Tôn Giáo & Dân Tộc có một bài viết tựa đề : ICARUS bầu chọn Phật giáo là tôn giáo vĩ đại nhất.
Trang nhà sachhiem.net, nơi mà tôi thường đọc và cọng tác, cũng có một bài đăng tương tự về đề tài này.
Cả hai đều lấy nguồn từ tác giả Linda Moulin, do Thiện Hữu dịch.
Đây là thông tin mà hầu hết các trang mạng có liên quan đến Phật giáo đều đăng tải, nhất là các cơ quan Phật giáo Việt Nam, như phatgiaovietnam.vn.
Muốn biết được ICARUS là gì thì các trang mạng VN hoàn toàn chả ai đề cập, chỉ viết gọn là ICARUS, rồi theo bản dịch của Thiện Hữu cùng đồng loạt gọi là 'Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh'.
Truy tìm nguồn trên beliefnet.com ta mới có được tên anh ngữ là' International Coalition for the Advancement of Religious and Spirituality'. Vào nguồn chính này, ta mới thấy có quá nhiều lỗi đánh máy, chữ này dính chữ nọ tựa như bản nháp, ngay cái tên tổ chức đã viết sai, Religious đi kèm với Spirituality thì đã quá đập vào mắt rằng đây chẳng thể nào là tài liệu của một tổ chức đứng đắn, nói chi là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Genève !
Tôi cố gắng tìm ICARUS bằng pháp ngữ xem, vì Gevène là vùng nói tiếng pháp của Thụy Sĩ, nhưng tin tức về một tổ chức quốc tế mang tên ICARUS hoàn toàn không có.
I=International, C=Coalition, A=Advancement, R=Religious, S=Spirituality, vậy U là gì ?
Phải chăng người tạo ra tổ chức và thông tin này đã cố ý dùng tên một nhân vật không biết tự lượng sức mình, Icarus, nhân vật được người cha lắp cho đôi cánh, muốn bay cao và bay xa trong thần thoại Hy Lạp, đã gãy cánh rơi chết, để lừa những ai là Phật tử nhẹ dạ vào cái tròng của cạm bẩy danh vọng ?
Ta hãy đọc những lời vào đầu cho thông báo trao giải thưởng như sau :
[Qua giải thưởng Leading Figure hằng năm về nhân vật tôn giáo đã đóng góp cho nhân loại và hòa bình, Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh đóng tại Geneva, Thụy Sĩ (ICARUS) đã quyết định bầu chọn và ban tặng một giải thưởng đặc biệt năm nay cho cộng đồng Phật giáo Hans Groehlichen, chủ tịch Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS) đã phát biểu trong hội thảo vào ngày thứ hai vừa qua: “Chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu theo mạng rada, đồng thời tổ chức của chúng tôi đánh giá trên một tinh thần công bằng về những giá trị truyền thống. Chúng tôi đã trải qua phân tích từng tôn giáo để bình chọn và trao giải thưởng cho một tôn giáo vĩ đại nhất thế giới (Best Religion in the World). Qua đó chúng ta cổ vũ và khuyến khích những nhà lãnh đạo tôn giáo khác thấy được những ích lợi trong việc thực hành hạnh từ bi.”]
Giải thưởng Leading Figure, mới nghe, ta cứ tưởng đó là tên của giải thưởng, và năm nào cũng trao giải, nhưng ý nghĩa của từ 'leading figure' chỉ đơn thuần là 'khuôn mặt dẫn đầu', vì nếu đó là tên của giải thưởng hằng năm, thì sao ngay cả ngày trao giải cũng chả thấy được đề cập ? ai đã từng lãnh giải này cũng chẳng bao giờ thấy báo chí loan tin ?
Càng tra xét càng thấy có thể đây là kiểu Phật giáo cuồng tín tự biên tự diễn.
Tôi có truy cứu một tài liệu với lời lẽ nặng nề lên án giải thưởng này cho rằng nó được ngụy tạo bởi người Sri Lanka, tôi không tiện dịch những lời khiếm nhã ấy, mời các bạn cứ vào link này mà đọc: http://icaruswept.com/…/buddhism-the-best-religion-in-the-…/
Nói chung tôi không hiểu vì kém hiểu anh ngữ hay vì cuồng tín mà chúng ta thường có thái độ cho rằng Âu Mỹ bái phục đạo Phật hết nước, Einstein thì khen đạo Phật vượt xa khoa học nên quy y theo Phật, tổng thống Clinton cũng quy y theo Phật, Obama đem Phật vào thờ ở tòa bạch ốc, đạo Phật được bầu là tôn giáo tốt nhất thế giới...
Khi tôi đọc các tin tức nâng cao đạo Công giáo La Mã như phép lạ ở Lourde, để rồi khám phá ra rằng vụ Lourde hoàn toàn do bịa xạo dàn dựng; mẹ Térésa là thánh, sau đó biết là bà đã buôn người nghèo để gây quỹ cho Vatican, bà đã lừa gạt tin tức về việc chữa bệnh ung thư...tôi cứ nghĩ chỉ có Kitô giáo mới cuồng tín như thế, nhưng qua các sự việc như tôi vừa trình bày, bên Phật giáo cũng cuồng tín không kém dù cách thức tương đối nhẹ nhàng hơn.
Dù sao, vẫn còn có những tiếng nói trong sáng trong các vụ này, chẳng hạn blog của Phật giáo Hoa Kỳ lập tức cho rằng đây là cơ quan không có thực ''A Buddhist news story has been popping up all over the internet lately. Only problem is, it's probably not true. No one can find "ICARUS" or even the "Tribune de Geneve." But since monks sent the story into WQ, we thought readers might nevertheless like to see it'' 
Shravasti Dhammika

Một tiếng nói trong sáng khác, tu sĩ nam tông Shravasti Dhammika đang hành đạo tại Singapore, khi nghe tin tức về ICARUS, đã lập tức cho rằng đây là tin ảo, với lời lẽ đúng là người theo Phật, không bị rung động bỡi bất kỳ một trần cấu hư ảo nào, ông viết: ''Tôi là người theo Phật bởi vì tôi tìm thấy trong Chánh pháp một nền minh triết đầy đủ, nhân bản, đầy thuyết phục và thực tiễn cho đời sống, (nó) phù hợp với nhu cầu và sinh mệnh của tôi một cách tuyệt vời, chẳng phải vì nó đã đoạt được một giải thưởng rơm rác nào đó. Và cho dẫu có 500 người lãnh giải Nobel bầu cho nó là tôn giáo tồi tệ nhất thế gian thì điều đó cũng chả thể lung lạc niềm tin của tôi dù chỉ là một phần nghìn mét'' [I’m a Buddhist because I have found the Dhamma to be a complete, humane, convincing and practical philosophy of life that suits my disposition and needs perfectly, not because it won a straw poll. And even if 500 Nobel Prize winners voted it the worst religion in the world that wouldn’t shake my conviction one millimetre.]
Phải nói rằng, sự lan tỏa các câu trích dẫn được cho là của Einstein, dù không có nguồn gốc chính xác, nhưng chúng rất gần với những tư tưởng mà Einstein thường phát biểu khi ông bàn về thượng đế. Và dĩ nhiên những trích dẫn vang dội này đã làm phiền không ít những ai thờ thượng đế mang đầy ngã (cá) tính (personal God) của Kitô giáo, nên có hai khuynh hướng Kitô giáo phản bác lại Einstein, khuynh hướng thứ nhất là các độc giả vô danh, thay vì phản biện, họ nói xấu Einstein, nào là ông ăn cắp tài liệu, đạo văn để được nổi danh, và dĩ nhiên họ dùng hết lời lẽ khó nghe nhất để thóa mạ ông; khuynh hướng thứ hai, do các mục sư Tin Lành chủ xướng, mà đại diện là Lê Anh Huy, người luôn phản bác các khoa học gia không theo chúa như Darwin và luôn viết bài bằng các dẫn chứng với một rừng thông tin chuyên môn từ sinh học đến vật lý học mà không biết chính tác giả có hiểu hết hay không, để kết luận rằng Darwin hay Einstein hoàn toàn sai. Đối với họ, khoa học nào chứng minh có thượng đế như kinh thánh, có quyền ban thưởng và giáng họa thì đó là khoa học chính đáng, ngược lại là sai, là tà giáo, và không thể có cái gì nếu không có thượng đế, vì chính ngài sáng tạo ra vũ trụ này, điều mà ngày nay ta thường thấy các lý thuyết gia của trường phái Thiết Kế Thông Minh ( intelligent design ) chủ trương.
Sri Lanka là một quốc gia Phật giáo, và có lẽ vì ở đây Phật giáo quá thịnh, nên một số người theo Phật đã vô tình quên mất bản chất của đạo Phật là đạo như thật (Religion of Reality).
Và vì là đạo như thật, PG là một nền minh triết đầu tiên và duy nhất của nhân loại đã giải phóng con người ra khỏi những mê tín vào thần quyền, đưa con người từ thời kỳ của đứa trẻ chỉ biết sợ hãi thiên nhiên và thần linh thành con người trưởng thành biết tin vào chính nghị lực và sự phán xét của trí năng, điều mà các triết gia Tây phương chỉ mới khám phá và vận động thành phong trào ''Thượng Đế đã chết'' (Dieu est mort) vào thế kỷ thứ XIX với hai triết gia vĩ đại của nhân loại Feuerbach và Nietzsche.
Tôi hiểu Einstein thường mong ước có một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion) mà nhiều người thường dịch là tôn giáo toàn cầu, nhưng theo thiển ý, nên dịch là vũ trụ, vì nhà khoa học này thường trực sống trong vũ trụ và với vũ trụ, ông cho rằng nên có một tôn giáo khiến cho con người sống hài hòa với thiên nhiên, chính mình là một thành phần trong hòa âm của vũ trụ, không có chiến tranh, không có kỳ thị và trách nhiệm liên đới cho hạnh phúc của một trong tất cả và tất cả trong một. Tôi tự hỏi Einstein đã từng đọc kinh Hoa Nghiêm chưa, nếu chưa, thì có thể nói ông và Đức Phật có những điểm rất tương đồng. Và có lẽ do chính sự tương đồng này đã ''sản xuất'' ra nhiều câu nói của ông đánh bóng Phật giáo vượt lên trên cả khoa học, một sự cống cao ngã mạn mà chính Phật giáo luôn mong muốn người thực hành nó phải từ bỏ.
Để kết luận bài viết này, thiết nghĩ, có lẽ không ai dạy chúng ta rõ hơn về cách thức tiếp cận một vấn đề bằng chính giáo pháp của đạo Phật trong kinh Kalama như sau:
"Này quý vị Kalama, đừng tin theo vì nghe nghe đi nghe lại nhiều lần, đừng tin theo vì đó là truyền thống, đừng tin theo vì nghe đồn đại, đừng tin theo vì được ghi trong kinh điển, đừng tin theo vì phỏng đoán, đừng tin theo vì đó là tiên đề, đừng tin theo vì lý luận có vẻ hợp lý, đừng tin theo vì dựa theo ý kiến chủ quan đã được cân nhắc, đừng tin theo vì vị ấy có vẻ có khả năng, đừng tin theo vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."

Trần Trọng Sỹ
Viết xong tại Paris 24.04.2017

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017


HAI NHÀ XUẤT BẢN PHẬT HỌC
VỚI NHIỀU SÁCH GIÁ TRỊ VỀ TU HỌC

Việt Báo (Westminster, CA)

SAN DIEGO/ WESTMINSTER, Calif. (VB) -- Trong khi kinh doanh của các tiệm sách và ngành xuất bản suy yếu dần trong thời đại Internet, hai nhà xuất bản Phật học lại đang vững vàng tạo uy tín với các tác phẩm giá trị, được tin cậy trên nhiều phương diện --
Các tác phẩm mới ấn hành của hai nhà xuất bản Liên Phật HộiAnanda Viet Foundation là những dòng chữ viết lên từ các suy nghĩ cẩn trọng về cuộc đời, từ các nghiên cứu sâu rộng về Phật học, và cả biên khảo chính xác về lịch sử.

Như tuyển tập “Từ Mảnh Đất Tâm” dày 342 trang của Huỳnh Kim Quang, tác giả  họ Huỳnh cũng là một giảng sư rất uyên bác nhưng cũng rất mực khiêm tốn, đã tóm lược về tuyển tập này do Liên Phật Hội ấn hành, trích:
Tập sách này gồm các bài viết về Phật Giáo từ nhiều năm qua, đã được đăng rải rác trên các báo và trang mạng toàn cầu.
Những suy tư chứa đựng trong các bài viết khởi sinh từ mảnh đất tâm, giống như cỏ cây hoa lá mọc lên từ lòng đất.
Mọi thứ trên đời này đều từ tâm sinh và rồi cũng từ tâm diệt. Không có pháp nào chẳng phải là tâm. Con người nhận biết thế giới và mọi sự mọi vật thông qua sự tiếp xúc của sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý], sáu trần [hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và pháp], nhưng không thể thiếu sáu thức [nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức]. Không có sáu thức thì cho dù sáu căn có đối diện với sáu trần cũng chỉ như là cái xác chết nằm yên chẳng hay biết gì. Tất nhiên, sáu thức mới chỉ là bề ngoài chứ chưa phải tàng thức (thuộc bát thức) sâu nhiệm bên trong, nơi căn thân của mọi pháp. Nơi đó, cái mà chúng ta gọi là pháp chỉ là ảnh hiện hay tướng sở tri của thức A-lại-da, nghĩa là cũng chỉ là thức biến.
Những gì khởi sinh Từ Mảnh Đất Tâm chỉ là suy tư, nhận thức và trải nghiệm của một người con Phật có được phước duyên đời này gặp Phật Pháp và thọ nhận ân đức giáo dưỡng của Cha Mẹ, Thầy, Tổ, thiện hữu tri thức và pháp giới chúng sinh.
Nếu có chút lợi lạc nào Từ Mảnh Đất Tâm này, xin hồi hướng cho tất cả mười phương chúng sinh đều trọn thành Phật Đạo.”(ngưng trích)
Nhà văn Huỳnh Kim Quang có pháp danh là Tâm Huy. Bút hiệu khác: Ỷ Thu Am Sinh năm Đinh Dậu, 1957, thôn Vĩnh Phú, xã Hòa Thắng, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Quy y với Đại Lão Hòa Thượng Thích Vĩnh Lưu, Phương Trượng Tổ đình Sắc Tứ Kim Cang, Tuy Hòa, Phú Yên. Tham dự lớp Cao Cấp Chuyên Khoa Phật Học tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, 1980-1984. Vượt biên qua Mã Lai Á năm 1986. Định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1987. Hiện làm báo tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Cộng tác với các báo Chân Nguyên, Phật Giáo Hải Ngoại, Phương Trời Cao Rộng, Việt Báo, Chánh Pháp. Có bài đăng trên các trang mạng toàn cầu, như Pháp Vân, Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Hoa Vô Ưu, Rộng Mở Tâm Hồn, Việt Báo, v.v... Các tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản: - Đức Đạo Kinh của Lão Tử, dịch, California, Hoa Kỳ, 1994 - Những Mộng Đàm Về Phật Giáo Thiền Tông, dịch, California, Hoa Kỳ, 1996 - Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo, trong Ban Chủ Trương, California, Hoa Kỳ, 2010.

Trong khi đó, tuyển tập “Như Thị Ngã Văn” dày 190 trang, do Ananda Viet Foundation ấn hành, của nhà văn Trí Tánh Đỗ Hữu Tài, khi trình bày về Phật Giáo Việt Nam đã mang nhiều suy tư mang tính lịch sử và xã hội hơn.
Tác giả trong Lời Giới thiệu “Như thị Ngã Văn” đã nói nơi đâu sách, trích:
“... khi mượn của ngài Anan cụm từ đó để đặt tên cho cuốn sách nhỏ nầy, người viết xin thú nhận rằng phần “chân thực” may ra chỉ nằm trong tấm lòng người viết, còn dù đã cố gắng thì tính xác thực của sự kiện và tính đúng đắn của lý luận, khi đã “lập văn tự”, chắc chắn chỉ là tương đối. Rất tương đối.

2. Tại nước ta, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Đó là chân lý lịch sử bất di bất dịch. Đó là truyền thống văn hóa không thể đổi thay. Phật giáo và Dân tộc đã quấn quít chuyền trao máu thịt và trí tuệ cho nhau, chia sẻ vinh quang và tủi nhục với nhau.  Nhưng trên cuộc trường chinh hơn hai ngàn năm đó, không phải lúc nào đạo Phật cũng sóng đôi với dân tộc mà có nhiều lúc lủi thủi bước gập ghềnh đi theo từ xa. Đó là những lúc Tăng đoàn mất thanh tịnh và không hòa hợp, đó là những lúc Phật tử lìa chánh pháp và làm bạn với ma quân. Nhưng dù ngay cả có lúc như vậy, thì suốt những chặng đường lịch sử, Phật giáo và Dân tộc lúc nào cũng như bóng và hình. Sáng lên chiều xuống chập chùng, dù có lúc bóng có dang ra xa nhưng lúc nào cũng quấn quít dưới chân hình. Những suy tư của người viết là nỗ lực nhỏ nhoi đóng góp cho hành trạng bóng-hình đó.

3. Là một Phật tử Việt Nam sống tại Mỹ, người viết chịu rất nhiều giới hạn khi chọn tình hình Phật giáo Việt Nam để chiêm nghiệm và trang trải những suy nghĩ của mình. Giới hạn về không thời gian, về những thông tin khả tín về hiện thực Phật giáo Việt Nam tại quê nhà, và nhất là giới hạn do sư cách biệt về tập quán tư duy được hình thành trong quá trình người viết tương tác với nền  văn hóa bản địa ở ngoài quê hương. Nhưng có một điều chắc chắn là không có giới hạn về tình cảm gắn bó với quê hương và đạo pháp. Ngược lại là khác. Cho nên cũng chính vì là một Phật tử Việt Nam xa quê hương gần trọn nửa trái cầu, nên mới thao thức nhiều hơn về tương lai của Phật giáo Việt Nam, vốn là cái nôi đã cùng với văn hóa dân tộc đong đưa nuôi dưỡng người viết từ thưở ấu thơ theo anh đến chùa....”(ngưng trích)

Trong khi đó, 2 ấn phẩm mới của Liên Phật Hội thuần túy là lịch sử khách quan:
- “Hồ Sơ Mật 1963 - Từ Các Nguồn Tài Liệu Của Chính Phủ Mỹ”, thực hiện bởi: Tâm Diệu, Trí Tánh, Nguyên Giác và Nguyễn Minh Tiến.
Tập sách này hầu hết gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần  lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các Công điện, Bản Ghi nhớ, Điện tín, Phúc trình... Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Hội đồng An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).

- “Phúc Trình A/5630 Của Phái Đoàn Điều Tra LHQ Về  Đàn Áp Phật Giáo Tại Miền Nam VN Vào Năm 1963”, tác giả là Nguyễn Minh Tiến.
Phúc trình mang số hiệu A/5630 là Báo cáo của Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc tại Nam Việt Nam (Report of the United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam) được soạn thảo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, là kết quả của một cuộc điều tra khách quan do Liên Hiệp Quốc tiến hành thông qua việc chỉ định các đại diện từ 7 quốc gia thành viên cùng một số nhân viên chuyên môn để hỗ trợ hoạt động điều tra. Phái đoàn điều tra này đã đến Nam Việt Nam ngày 24-10-1963 và đến sáng ngày 1-11 thì họ dự kiến sẽ hoàn tất công việc vào cuối ngày 3-11.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ ưa thích văn học Phật giáo lãng mạn?
Hai tuyển tập truyện ngắn do Ananda Viet Foundation ấn hành:
- Cậu Bé Và Hoa Mai;
- Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh
của nhà văn Phan Tấn Hải viết với bút pháp như thực, như mộng... nơi đó, những mối tình hiện ra như mơ, và những môái tình rất sương khói, đôi khi lồng trong hoàn cảnh sân chùa thời đất nước gian nan... và khi các ước vọng hiến đời cho sự nghiệp giác ngộ hốt nhiên bị gián đoạn vì một tiếng cười giai nhân...

Ananda Việt Foundation cũng vừa xuất bản tác phẩm Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học, dày 140 trang, trong đó tác giả Tâm Diệu sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, mạch lạc, với các chứng minh khoa học từ các cuộc nghiên cứu y tế Hoa Kỳ đã cho thấy rằng ăn chay thích hợp sẽ ngừa được nhiều bệnh, và cũng chữa trị được một số bệnh thường gặp ở Hoa Kỳ.
Tác phẩm gồm 16 bài viết chiếu rọi nhiều phương diện về chủ đề ăn chay, cho thấy ăn chay là nền tảng sức khỏe, vì ăn thịt sẽ gây ra rất nhiều bệnh.
Nhưng không chỉ tự chữa các bệnh như mập phì, ngừa tim mạch, và ung thư, ăn chay còn giúp làm sạch môi trường địa cầu... và đặc biệt, với Phật tử, ăn chay còn vì lòng từ bi.

Gần nhất là tuyển tập “Thiền Tập Trong Đời Thường” dày 288 trang của Nguyên Giác, cũng do Ananda Viet Foundation ấn hành.
Thiền Tập Trong Đời Thường là cuốn sách cho tất cả những người muốn tập Thiền trong đời thường, giaỉ thích và trích dẫn nhiều cuộc nghiên cứu về lợi ích thiền tập. Sách ghi lại nhiều phương pháp thiền tập để giúp độc giả giảm căng thăng, giúp trẻ em tập trung trong việc học, và giúp phụ nữ giữ gìn nhan sắc đẹp nhất trong mức có thể.
Thêm nữa, sách này cho thấy ba mẹ có thể dạy cách tăng khả năng học đôái với con em bệnh tự kỷ hay chậm trí...

Liên Phật Hội Ananda Viet Foundation là 2 tổ chức bất vụ lợi, và do vậy tất cả các ấn phẩm là một phần trong các hoạt động hộ trì chánh pháp của 2 hội này.
Độc giả có thể tìm mua bằng cách vào Amazon, gõ nhan đề sách không cần dấu:
- Từ Mảnh Đất Tâm (vào amazon.com, gõ chữ “tu manh dat tam”).
- Như Thị Ngã Văn (gõ: nhu thi nga van)
- Hồ sơ mật 1963 (gõ: ho so mat 1963)
- Phúc Trình A/5630 (gõ: phuc trinh a)
- Ăn chay qua lăng kính khoa học (gõ: an chay qua lang kinh khoa hoc)
- Cậu bé và hoa mai (gõ: cau be va hoa mai)
- Thiếu nữ trong ngôi nhà bệnh (gõ: thieu nu trong ngoi nha benh)
- Thiền tập trong đời thường (gõ: thien tap trong doi thuong).

Độc giả ở Việt Nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:
xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn tại VN.



Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017


MỘT SỐ HỒ SƠ CIA ĐƯỢC GIẢI MẬT
VỀ VIỆT NAM ĐẦU THẬP NIÊN 1960’s


(Photo: TheDuran)



1963-2013: NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

MỘT NHÂN CHỨNG Ở HUẾ NĂM 1963 LÀ BÁC SĨ NGƯỜI ĐỨC WULFF có 7 bài đã dịch ở đây:
http://thuvienhoasen.org/author/post/484/1/erich-wulff

CÁC HỒ SƠ CIA GIẢI MẬTchưa từng địch ra tiếng Việt,  ngắn trung bình 1 tới 5 trang.

CIA: TT. Ngô Đình Diệm ưu đãi Công giáo ra sao?

Công giáo cũng chống lại chế độ Ngô Đình Diệm (xem trang 6)

TRAN KIM TUYEN PREDICTS DIRE PROSPECTS FOR THE DIEM REGIME IN SOUTH VIETNAM
(xem đoạn 1 và đoạn 2 ở trang 1:)

BUDDHIST DEMONSTRATIONS IN SOUTH VIETNAM

Huỳnh Văn Lang, xem trang 4 đoạn 10 cũng âm mưu đảo chánh:

CIA phân tích về gia đình trị của TT. Ngô Đình Diệm. Từ trang 5 trở đi là sự kiện Huế và PG:

Phân tích về Công Giáo, Phật Giáo và gia đình TT. Ngô Đình Diệm:

CIA: TT. Ngô Đình Diệm thiên vị Công Giáo, phân tích về Dụ số 10

Buddhists in Vietnam

Bỏ phiếu thống nhất 2 miền: STUDY SAID TO SHOW DIEM, NOT U.S., BARRED '55 VOTE

Chánh Văn Phòng Võ Văn Hải sợ bị Nhu ám sát:

REPRESSION BY THE DIEM GOVERNMENT

TRƯỚC 1963

Điều ngạc nhiên là: Đối với một số chiến lược gia Hoa Kỳ, Cuộc Chiến VN đã thấy thất bại từ năm 1960

13 May 1960 (Tình hình chế độ Saigon suy yếu dần- 5 trang)

23 August 1960 (tình hình VN lo ngại- 5 trang)

Taylor Mission 1961 (chỉ cần đọc pages 1-40 - phái đòan Tướng Taylor tường trình bi quan về VN)

97. Các nông dân này vất vả để làm, trong khi ông Diệm trong cương vị Hoàng đế   muốn chỉ thấy những người có bản tay sạch và áo quần sạch. Một nông dân kể lại chuyến ông Diệm viếng thăm: “Hồi đầu năm 1962, khi ông Diệm tới thăm trung tâm nông nghiện ở huyện Đức Huệ, tôi không biết ông Diệm có biết hay không rằng dân nhiều làng đã bỏ ra gần 2 tháng để đắp lối đi bộ cho ông Diệm. Nhiều người làm ngày, làm đêm để chặt hết các cây tre trong làng để đắp lên con đường bùn dài 10 kilomét để Tổng Thống bước lên trong chuyến viếng thăm có 1 giờ đồng hồ tới trung tâm này ... Lúc đó, tất cả dân làng đều ghét ông Ngô Đình Diệm, nhưng không ai dám nói gì nghịch với ông ta.” (Phỏng vấn” RAND Corporation File FDIA, trang 14)

NĂM 1963

Hỏi: Tướng Dương Văn Minh lật đổ ông Diệm xong, là xóa sổ Ấp Chiến Lược để đón VC vào?
Đáp: Thực ra, CIA từ tháng 3-1963 đã nói, ấp chiến lược thua lâu rồi.

20 March 1963 (Chương trình Ấp Chiến Lược thảm bại lớn vì bị VC trà trộn vào) dài 2+ trang --

24 June 1963 (nghi ngờ lời hứa ông Diệm với PG - 1 trang)

10 July 1963 (Tình hình VN - dài 8 trang)

2 August 1963 (PG sôi động ở nhiều tỉnh - 6 trang)

16 August 1963 (Tướng Trần Tử Oai nói về PG và đảo chánh - 3 trang)

17 August 1963 (thêm nhiều cuộc tư thiêu, biểu tình - 1 trang)

22 August 1963 (thiết quân luật - dài 1 trang)

23 August 1963 (Sĩ quan VNCH muốn thay đổi, chỉ lo ngại là Mỹ ủng hộ Diệm) dài 3+ trang:

24 Augst 1963 (Mỹ: Bắc Việt muốn giữ Diệm trên ngôi để VC có chính nghĩa - 4 trang)

27 August 1963 (Nhu nói với Hội Đồng Tướng Lãnh rằng Mỹ dự tính rút, và quân VNCH sẽ phải độc lập - 2 trang)

4 Sep 1963 (tình hình VN - 2 trang)

12 Sep 1963 (lòng dân VN sôi sục - 7 trang)

16 Sep 1963 (Tình hình Nam VN - dài 7 trang)

 17 Sep 1963 (tình hình VN - 15 trang)

24 Sep 1963 (Trần Kim Tuyến bị trục xuất - dài 2 trang)

4 Oct 1963 (Ni sư Diệu Huệ, mẹ của Đại sứ Bửu Hội, chuẩn bị tự tử - dài 2 trang)

18 Oct 1963 (các âm mưu của Ngô Đình Nhu - 2 trang)

1 Nov 1963 (Cuộc đảo chánh - dài 5 trang)

4 Nov 1963 (hậu đảo chánh - 6 trang)

SAU 1963
.
31 Oct 1966 (không quan trọng - thương thuyết nam-bắc - 82 trang)

1968 Tet Offensive (đánh giá - 9 trang)

TỔNG THỐNG KENNEDY RA LỆNH RÚT QUÂN MỸ KHỎI VIỆT NAM TỪ HÈ 1963.

Exit Strategy: In 1963, JFK ordered a complete withdrawal from Vietnam
In 1963, JFK ordered a complete withdrawal from Vietnam.
James K. Galbraith -- September 01, 2003


Nguồn: https://vietbao.com/p122a252213/mot-so-ho-so-cia-giai-mat-ve-cuoc-chien-viet-nam?date=20160101