Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013


ĐÒN ÁC LIỆT CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH QUYỀN
 

Nguyễn Lang (HT Thích Nhất Hạnh)


(Trích đoạn từ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,
Tập III, Chương 39, trang 15 – Phiên bản Điện tử)


Chính quyền Ngô Đình Diệm không lùi bước. Ngày 21.8.1963 chính quyền này đánh một đòn ác liệt cuối cùng: tất cả các ngôi chùa làm căn cứ cho cuộc tranh đấu của phật tử trên toàn quốc đều bị tấn công một lần và tất cả các vị lãnh đạo của cuộc tranh đấu, tăng ni cũng như cư sĩ, đều bị tống vào ngục tối.

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tại chùa Xá Lợi được mật báo về cuộc đánh úp này vào lúc 5 giờ chiều ngày 20.8.1963. Một buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Liên Phái được tổ chức ngay sau đó để bàn định kế hoạch đối phó với cuộc tấn công này mà các vị lãnh đạo Phật giáo cho là lá bài chót của chế độ. Sau buổi lễ Phật vào tám giờ rưỡi tối, các phật tử đến hành lễ tại chùa Xá Lợi được yêu cầu ra về trước chín giờ thay vì ra về trước mười một giờ như thường nhật. Vào khoảng mười giờ đêm thì cảnh chùa đã trở lại yên tĩnh. Tam quan chùa và các cửa hông đều được đóng lại kỹ lưỡng. Đèn ngoài sân chùa được để sáng chứ không tắt như mọi hôm. Các tiểu ban của Ủy Ban Liên Phái vẫn im lặng làm việc. Một số thanh niên tăng ngồi canh gác sau các cổng chùa. Vào lúc mười lăm phút sau nửa đêm, Ủy Ban Liên Phái nhận được một tin nữa bằng điện thoại do một người không xưng danh tin cho biết chùa Xá Lợi sắp bị tấn công và các vị lãnh đạo Phật giáo sẽ bị bắt cóc. Tất cả tăng ni trong chùa đều im lặng niệm Phật để chờ đợi. Đúng ba mươi phút sau nữa đêm, một hồi còi ré lên phía ngoài và xe cảnh sát đổ đến vây quanh chùa. Khoảng 200 người của Lực Lượng Đặc Biệt ào tới tấn công chùa. Giây điện thoại và dây đèn bị cắt đứt. Các vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo lúc này đã rút lên chánh điện, bao bọc bởi chư tăng ni. Một số thanh niên tăng trấn ở cầu thang để ngăn không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các bậc trưởng thượng của họ. Những cuộc đập phá đã bắt đầu. Bàn thờ thiền sư Quảng Đức bị lật đổ, các cánh cửa và hương đài bị đập phá. Một số chư tăng đánh trống và dộng chuông để báo hiệu nguy cấp cho dân cư trong khu phố. Nhiều vị khác gõ vào bất cứ thứ gì có thể tạo nên âm thanh để góp phần báo hiệu. Sau khi phá phách bên dưới xong xuôi, những người tấn công bắt đầu leo lên thượng điện. Tại đây, thanh niên tăng đã chất ghế và bàn đầy cầu thang khiến họ không tiến lên ngay được. Những người tấn công tung lựu đạn cay lên. Bị khói cay, các tăng ni ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Họ dùng khăn ướt bịt mặt lại và tiếp tục liệng thêm bàn ghế xuống để chặn đường cầu thang. Thanh niên tăng cầm cự được khoảng gần một giờ rưỡi thì kiệt lực. Nhiều vị ngã ra bất tỉnh. Lựu đạn cay ném lên chánh điện nhiều quá khiến không còn không khí để thở. Áo quần họ cháy sém. Những người tấn công đã lên tới chánh điện, dùng súng và lưỡi lê dồn tất cả tăng ni vào một góc. Họ còng tay từng người rồi dẫn ra trước sân thượng điện. Những ai kháng cự đều bị đánh đập không nương tay. Những người mệt mõi không đi nhanh đều bị họ tống báng súng vào lưng. Nhiều tăng ni mặt mày bị dập, máu tuôn ướt áo.

Trong khi đó, một số trong những người tấn công đi lùng soát các phòng ốc khác trong chùa. Họ phá cửa một căn phòng khóa kín trên tăng xá và tìm thấy gần mười vị thiền sư đang tĩnh tọa. Đại lão thiền sư Tịnh Khiết có mặt trong số người này. Ông bị những người tấn công xô ngã sấp và bị một vết thương nơi mắt trái.

Trong lúc cuộc đàn áp đang diễn ra trên thượng điện một số tăng sĩ ở bên dưới tìm cách leo lên bức tường sau chùa Xá Lợi để thoát ra bên ngoài. Bốn vị trong số đó bị bắn rơi lại dưới chân tường. Hai vị trèo thoát được sang địa phận của cơ quan USOM (193) của Hoa Kỳ và xin tỵ nạn ở đây.

Ngót hai trăm năm mươi vị tăng ni bị bắt. Những người tấn công được lệnh áp giải các thiền sư Tịnh Khiết, Tâm Châu, Thiện Minh, Quảng Độ, Giác Đức và các vị quan trọng khác trong Ủy Ban Liên Phái đi trước. Các vị tăng ni khác lần lượt áp giải ra xe. Năm chiếc xe cam nhông lớn chất đầy các vị tăng ni, người thì bị thương, người còn bất tỉnh, rời chùa Xá Lợi. Cuộc tấn công chùa chấm dứt vào lúc 2 giờ 15' sáng ngày 21.8.1963.

Chùa Xá Lợi bị phá tan hoang. Tượng Phật Thích Ca tại Chánh Điện cũng bị xâm phạm. Những người tấn công đã móc mắt tượng Phật để chiếm lấy hai hạt kim cương trong hai mắt tượng.

Trong khi chùa Xá Lợi ở Sài Gòn bị tấn công thì trong toàn lãnh thổ Việt Nam các chùa lớn làm căn cứ cho cuộc tranh đấu của Phật giáo cũng đều bị tấn công nhất loạt. Cuộc tấn công chùa Từ Đàm ở Huế gặp sức kháng cự của khoảng năm ngàn phật tử trong chùa, đã phải kéo dài từ một giờ khuya tới tám giờ sáng. Lực lượng tấn công là hai ngàn rưỡi, tất cả đều thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Các chùa Diệu Đế, Linh Quang, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc và các chùa hội quán các tỉnh hội Phật giáo trong nước đều bị đánh úp cùng một ngày một giờ, khắp nơi, các tăng sĩ đều bị đánh đập và bắt trói trước khi dẫn đi. Số lượng những vị tăng sĩ và cư sĩ toàn quốc bị bắt nhốt đêm đó, theo tài liệu của chính quyền là 1.400 vị, nhưng có thể cao hơn nhiều. Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài (194) về cuộc chiến tại Việt Nam cũng nói đến 1.400 vị bị bắt trong đêm đó.

Theo sách Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam của Đuốc Tuệ, ngoài số tăng ni và cư sĩ lãnh đạo cuộc tranh đấu bắt vào đêm 20.8.1963, chính quyền đã cho người đi bắt thêm khoản hai ngàn người khác tại tư gia của họ trong đêm đó và những ngày kế tiếp. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng Y Khoa Huế và thi sĩ Vũ Hoàng Chương tác giả bài Lửa Từ Bi cũng bị bắt giam trong dịp này. Trong số những người bị bắt sau này, có nhiều giáo sư, luật sư và sinh viên nhất là ở Sài Gòn và Huế. Tất cả các nhân viên của Ban Chấp Hành Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn và Huế cũng đều bị bắt tại tư gia của họ.

Sáng tinh sương ngày 21.8.1963 trên toàn lãnh thổ Việt Nam Công Hòa, sắc lệnh thiết quân luật đã được dán đầy trên thành phố. Xe phóng thanh của chính quyền chạy khắp phố phường và thôn xã để loan tin "chính phủ đã diệt xong bọn phản động". Truyền đơn và hiệu triệu của chính quyền bay đầy đường.

Các chùa chiền trong toàn quốc hoang tàn và vắng lạnh đến não nùng. Một sự im lặng nặng nề và tang tóc bao trùm lên đời sống của toàn dân chúng. Tất cả các vị lãnh đạo Phật giáo đều đã bị bắt. Sóng gió do phong trào phật tử gây ra hình như không còn nữa. Nhưng sóng gió bắt đầu nổi dậy trong lòng mọi người. Những đợt sóng ngầm vĩ đại trong lòng đại dương không còn ai ngăn chặn và không có cách nào ngăn chặn được nữa. Đêm 20.8.1963 chính quyền của tổng thống Diệm đã chọn cho chính mình một tuyệt lộ.

--------------------------------------------------------------------------------

(183) Sách Phật Giáo Đấu Tranh do Quốc Oai biên soạn (Tấn Sanh, 1963) có in danh sách 21 vị tăng ni bị cảnh sát đã thương trầm trọng ngày 17.7.1963. Theo Quốc Oai, tất cả các vị tăng ni trong cuộc biểu tình ngày 17.7.1963 đều bị đánh đập, không nhiều thì ít. Cảnh sát xé nát áo nhiều người. Có vị bị thương máu me đầy người.
(184) Bản kê khai một số hành động vi phạm Thông Cáo Chung, Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 276-278.
(185) Phật Giáo Tranh Đấu. Quốc Oai, trang 135-140.
(186) Sách đã dẫn, trang 137-140
(187) Một tháng sau, trung tá Trần Thanh Chiêu được công khai tuyên dương công trạng và được gắn Trung Dũng Bội Tinh (Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 231).
(188) Sách đã dẫn, trang 237-239.
(189) Sách vừa dẫn, trang 318-319.
(190) Sách vừa dẫn, trang 278-291)
(191) Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 362.
(192) Bà Ngô Đình Nhu đã từng gọi hành động tự thiêu của các thiền sư là "nướng chả" và đã từng tuyên bố công khai với báo chí trong nước và ngoại quốc là các vị tăng càng tự thiêu càng nhiều thì bà càng vỗ tay hoan hô.
(193) U.S.O.M. là United State Operation Mission.
(194) The Pentagone Papers do nhật báo The New York Times xuất bản năm 1971, New York.



Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013


 

 

LINH MỤC CỦA TT DIỆM KỂ VỚI GS FISHEL:
NHIỀU NGÀN SĨ QUAN VNCH CẢI ĐẠO ĐỂ TIẾN THÂN
 
Foreign Relations of the United States, 1961-1963
Volume II, Vietnam, 1962, Document 24 
   

 (LỜI NGƯỜI DỊCH: Bản Ghi Nhớ này từ kho hồ sơ đã giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, kể về cuộc nói chuyện trong tháng 1-1962 với Tiến Sĩ Wesley Fishel, trong nhóm chuyên gia của Đại Học Michigan State University, nói về tình hình chế độ ông Diệm ngày càng xa lìa dân tới mức nguy hiểm. Buổi nói chuyện tại nhà ông Mendenhall, Cố vấn Chính trị Tòa Đại Sứ Mỹ, và Bản ghi nhớ này viết  lại bởi Menhanhall. Người thứ 3 có mặt là ông Corcoran, thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.


GS Fisehl là bạn thân của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm khi sống lưu vong ở Hoa Kỳ các năm đầu 1950s đã gặp và kết thân với GS Fishel, Phó giáo sư Khoa học Chính trị tại Michigan State University (MSU). Một thời gian sau, khi giữ chức Phó Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Công Quyền của MSU, GS Fishel mời ông Ngô Đình Diệm giữ chức tham vấn Đông Nam Á cho viện.

Nhờ kết thân với Fishel và trong chức vụ tham vấn ở Đại học MSU, ông Diệm tìm được nhiều hỗ trợ chính trị từ quan hệ Thiên  Chúa Giáo Hoa Kỳ và giới công quyền để được đưa về làm Thủ Tướng Nam VN vào tháng 7-1954. Trả ơn, ông Diệm mời GS Fishel làm cố vấn, và GS Fishel trở thành người thân tín nhất của ông Diệm ngoàì gia tộc.

Khi Sở Hợp Tác Quốc Tế Hoa Kỳ (U.S. International Cooperation Administration, USICA) viện trợ, ông Diệm yêu cầu phải có ‘viện trợ kỹ thuật’ từ MSU, và GS Fishel đã tổ chức một nhóm chuyên gia sang giúp VN ổn định kinh tế, sắp xếp hệ thống công quyền, và kể cả huấn luyện cảnh sát cận vệ và cảnh sát chống phiến loạn. Từ 1955 tới 1962, nhóm chuyên gia Đại học MSU cố vấn cho nhiều Bộ, Nha, Sở của VNCH.

Vài điểm về tình hình 1962 từ bản văn “24. Memorandum of Conversation” này:

-          Trong các quân, cán, chính VNCH mà GS Fishel đã quen biết, cố vấn và huấn luyện nhiều năm trước, chỉ còn 3% là ủng hộ ông Diệm.
-          Nhiều viên chức nói với GS Fishel họ sẵn sàng chiến đấu cho đất nước, nhưng không muốn chiến đấu cho nhà Ngô.
-          Nhiều ngàn sĩ quan quân lực VNCH đã cải đạo, vào Thiên Chúa Giáo để tiến thân. Trong đó, chính Linh Mục Giải Tội của TT Diệm cũng kể lại với ‘nỗi buồn lớn’.
-          GS Fishel nói, có 3 Bộ Trưởng cải đạo sang Thiên Chúa Giáo.

Bản Anh văn sẽ kèm theo dưới đây. Bản dịch Bản Ghi Nhớ thực hiện bởi Cư sĩ Nguyên Giác.)


BẢN DỊCH BẮT ĐẦU


24. Bản Ghi Nhớ về Cuộc Nói Chuyện (1)

  • Tiến sĩ Wesley Fishel, Giáo sư Đại học Michigan State University
  • Thomas J. Corcoran, Phụ tá Cố vấn Chính trị, CINCPAC (Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa kỳ Thái Bình Dương)
  • Joseph A. Mendenhall, Cố vấn Chính trị
  • Ông Corcoran và tôi (Mendenhall) có buổi nói chuyện với Tiến sĩ Fisehl tại nhà tôi theo sau cuộc nói chuyện -- mà tôi đã ghi lại trong bản ghi nhớ (2) – trong đó tôi đã nói chuyện với TS Fishel vào ngày 5 tháng 1-1962. Các điểm chính trong cuộc nói chuyện được ghi như sau:
1. TS Fishel nói rằng, trong 2 tuần lễ ở đây, ông đã nói chuyện với khoảng 100 người Việt Nam, trong đó bây giờ chỉ còn ba người ủng hộ chính phủ ông Diệm, và 2 người trong nhóm ủng hộ này nói là họ ủng hộ dè dặt.

Ông nói rằng những cuộc nói chuyện này bao gồm những người ông đã nói chuyện trong chuyến đi dài 4 ngày vừa kết thúc ở vùng Kontum, Quảng Trị và khu vực Vĩ Tuyến 17, và khu vực Nha Trang. Ngay cả vùng ngoại ô Sài Gòn, ông cũng thường gặp thái độ, “Tôi sẵn sàng chiến đấu cho đất nước tôi, nhưng tại sao phảỉ làm thế cho gia đình nhà Ngô.”

Ông nói ông đã quen 90% những nguời ông đã nói chuyện trong thời gian 5 năm ông sống tại Việt Nam từ 1954 tới 1958, và nhiều người lúc đó đã ủng hộ ông Diệm mạnh mẽ. Ông nói rằng những cuộc nói chuyện đó đã tái xác nhận ấn tượng mà ông đã bày tỏ trong cuộc nói chuyện trước đó của chúng tôi về tình hình suy sụp thê thảm về vị trí chính trị của ông Diệm kể từ lần viếng thăm trước, lúc đó là năm 1959. Fishel nói rằng ông rất buồn vì tình hình đó, tới nỗi ông gần như ước muốn phảỉ chi ông đã không tới thăm Việt Nam.

2. Fishel đã hỏi là tôi có biết hay không về chuyện nhiều ngàn sĩ quan quân lực VNCH đã cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, bởi vì họ xem đây là cách để tiến thân dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi trả lời ông rằng tôi không biết như thế, và ông nói ông nghe như thế là từ chính lời của Đức Cha Giải Tội (Father-Confessor) của ông Diệm; vị tu sĩ Thiên Chúa Giáo này đã ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu, và đã nói với TS Fishel thông tin đó với một nỗi buồn lớn.

Fishel đã nói rằng ông đã có kinh nghiệm trực tiếp về điểm đó trong những chuyến đi mấy ngày qua ở vùng nông thôn, khi một Thiếu Tá mà ông đã quen trước đó kể với Fishel về việc ông cải đạo theo Thiên Chúa Giáo và đã bi hài nói rằng đây là cách để tiến thân trong chế độ Diệm. Fishel nói ông cũng đã biết rằng 3 ông Bộ Trưởng đã cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, trong đó có ông Thuần (LND: Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần).

3. Fishel mô tả về bầu không khí chán nản, ưu trầm trong các nhân sự có liên hệ trong Tổng Thống Phủ, hầu hết trong đó ông đã quen biết từ nhiều năm. Ông nói có 2 người trong đó kể lại trong khi ứa nước mắt, khóc vì sự suy sụp của chính phủ ông Diệm. Ông nói họ kể với ông rằng họ tiếp tục tìm cách ngăn cản “họ” (nghĩa là gia đình nhà Ngô và thân tín) không chiếm giữ hết mọi thứ, và trong hy vọng rằng sẽ có biến đổi xảy ra tương lai.

4. Fishel nói rằng chuyến đi của ông tới vùng nông thôn đã cho ông thấy có vài yếu tố hy vọng căn bản về tình hình (điển hình như, tình hình huấn luyện xuất sắc và tinh thần cao của các Biệt Động Quân ở Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Nha Trang, và lý tưởng nhiệt tình thấy rõ của nhiều chiến binh mà ông gặp trong chuyến đi).

Tuy nhiên, ông nói rằng cải cách kinh tế và quân sự mới thực hiện của chính phủ sẽ không đủ khai sinh ra bất kỳ thay đổi nền tảng nào đối với khuynh hướng bất mãn chính phủ. Điều cần thêm hiện nay là một cú chấn động tâm lý. Khi được hỏi điều gì ông nghĩ là cần thiết, Fishel cho biết ông quyết định xin giữ im lặng (hiển nhiên, bởi vì rất khó cho ông đưa ra các đề nghị bất lợi cho sức mạnh chính trị của ông Diệm, người mà ông xem là bạn thân từ quá lâu).

GHI CHÚ:

(1) Nguồn: Trung tâm văn khố quốc gia Washington National Records Center, RG 84, Hồ sơ Tòa Đại sứ Sài Gòn: FRC 68 A 5159, 350-GVN. Hồ sơ Mật. Soạn bởi Mendenhall ngày 17-1-1962. Buổi gặp nhau ở nhà riêng của Mendenhall. Một phó bản khác lưu ở Bộ Ngoại Giao, trong kho hồ sơ “Vietnam Working Group Files: Lot 66 D 193, 14, GVN, 1962, Political Situation, General.” Bản Ghi Nhớ này gửi tới Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ Thái Bình Dương, và trình Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

(2) Không tìm lại được.

 
Bản Văn Đính Kèm.

 

 
 




Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013


VÌ SAO NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC
ƯU ĐÃI PHẬT GIÁO HÁN

Hoang Phong dịch

 
Trong lá thư tháng 9 năm 2013 ( http://www.bouddhismes.net/node/1659 ) của Viện Nghiên Cứu Phật Học Pháp gửi cho các thành viên có giới thiệu một bài báo nói về Phật Giáo Trung Quốc đã đăng trên trang web Fait-religieux.com (http://www.fait-religieux.com/monde/asie_pacifique/2013/06/16 ). Xin chuyển ngữ dưới đây.

Một sự đổi mới thật ngoạn mục thế nhưng cần phải hiểu với sự thận trọng
Năm 1980 số nhà sư sót lại trên lãnh thổ Trung Quốc vào khoảng vài nghìn người. Năm 1994 tông phái Đại Thừa của Phật Giáo Hán gồm có khoảng 40.000 sư sãi và những người mới tu; năm 1997 con số này là 70 000 người, và vào giữa các năm 2006-2007 là 100.000 người. Nói chung tỷ số gia tăng là 8% mỗi năm trong khoảng thời gian từ 1994 đến 2006.
Sự đổi mới đó có vẻ thật ngoạn mục, thế nhưng phải cần thận trọng: trước năm 1949 và trước khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) nắm chính quyền, Phật Giáo Hán gồm ít nhất là 500.000 nhà sư. Nói cách khác là trong sáu mươi năm con số các nhà sư tụt xuống còn 1/5, trong khi đó thì dân số tăng lên gần gấp đôi.
Năm 1980 còn lại khoảng một trăm ngôi chùa Phật Giáo trên lãnh thổ Trung Quốc, con số này tăng lên 5.000 vào năm 1994; 8000 vào năm 1997, 15.000 vào năm 2006, và ngày nay vẫn tiếp tục gia tăng. Có nhiều Ngôi nhà Phật (nguyên văn là Maisons de Bouddha, đại khái có nghĩa là chùa chiền không chính thức) và các Ngôi Nhà dùng làm nơi tụng niệm (nguyên văn là Maisons pour la citation des soutra, có thể đây là các Tịnh xá?) mang ít nhiều tính cách tư nhân và không được đưa vào con số thống kê chính thức về chùa chiền.
Trước năm 1949 có 40.000 ngôi chùa.

Phật Giáo Hán là tôn giáo được nhà nước ưu đãi
Ký giả phỏng vấn: Patricia Zhou (Patricia Châu)

Giảng sư Zhe Ji (Kiết Tường)- INALCO

Zhe Ji (Kiết Tường) là một vị giảng sư (maître de conférence / lecturer) của Viện Quốc Gia về Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO (Institut nationnal des langues et civilisations orientales / một cơ quan nghiên cứu và giảng dạy về các ngôn ngữ và văn minh Đông Phương, được thành lập từ thế kỷ XVII dưới triều đại của vua Louis XIV, cơ quan này trực thuộc Bộ Giáo Dục Đại Học và Khảo Cứu, trụ sở đặt tại Paris, quận XIII) chuyên ngành về xã hội học và lịch sử tôn giáo Trung Quốc. Từ năm 2010 Zhe Ji được giao trọng trách hướng dẫn một chương trình mang tầm vóc quốc tế nhằm nghiên cứu về "Phật Giáo sau thời kỳ Mao", với sự tài trợ của thành phParis trong khuôn khổ một chương trình lớn hơn mang tên là “SBùng Lên" (Emergence / có thể dịch là sự Xuất Hiện).

Người ta nhận thấy rằng từ thập niên 1980 đã có một sự đổi mới về tôn giáo trên lãnh thổ nước Công Hòa Nhân Dân Trung Quốc (People's Republic of China, PRC). Vậy đối với Phật Giáo thì như thế nào?
Vào thập niên 1980, Phật Giáo vẫn còn trong tình trạng phải gặp nhiều khó khăn, mặc dù nhà nước ban hành một chính sách mới về tự do tôn giáo. Các cơ quan chính phủ vẫn tạo nhiều khó khăn trong việc trùng tu chùa chiền. Hơn nữa các nhà sư lại không có một nguồn tài trợ nào cả. Những người Phật Giáo Trung Quốc phải nhờ vào sự giúp đỡ tài chính từ nước ngoài như Hồng Kông, Đài Loan, các nước Đông Nam Á cũng như các nước Á Châu khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong việc trùng tu chùa chiền và tu viện.
Vào giữa thập niên 1990 người thế tục mới bắt đầu hoặc trở lại quan tâm đến Phật Giáo. Nhờ kinh tế phát triển nên sự thu nhập của họ cũng có phần khả quan hơn. Người Trung Quốc trên lục địa từ đó mới bắt đầu dần dần tham gia vào việc tài trợ các công trình tùng tu chùa chiền.

Có đúng là chùa chiền và tu viện đã bị tàn phá trong thời kỳ Cách mạng văn hóa hay không?
Không đúng như thế. Không nhất thiết là chùa chiền bị tàn phá, mà chỉ bị trưng dụng để làm nơi sinh hoạt mang tính cách dân sự. Chùa chiền trở thành trường học, cơ xưởng hay trụ sở chính quyền... Ngay cả ngày nay nhiều cảnh chùa vẫn chưa được trả lại cho Phật Giáo.

Có bao nhiêu người theo Phật Giáo ở Trung Quốc?
Theo kết quả các thống kê gần đây nhất có khoảng từ 10% đến 20% dân chúng Trung Quốc ở tuổi trường thành tự nhận mình là người Phật Giáo. Thật ra không thể nào biết chính xác được số người theo Phật Giáo, bởi vì theo Phật Giáo không cần phải qua một nghi lễ chính thức nào cả, chẳng hạn như trường hợp của Thiên Chúa Giáo, hơn nữa bản tính của người Trung Quốc không cố chấp về các vấn đề này. Vì thế các con số thống kể chỉ có tính cách phỏng đoán. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây thì vào năm 2003 có 100 triệu người Phật Giáo, và trong số này có 90.5 triệu người theo Phật Giáo Hán thuộc tông phái Đại Thừa (người Hán là một sắc dân đa số ở Trung Quốc và gồm 92% dân số - ghi chú trong bản gốc) và 7.6 triệu người theo Phật Giáo Tây Tạng. Ngoài ra cũng có 1,5 triệu người theo Phật Giáo Theravada, hầu hết thuộc sắc tộc Dai (sắc tộc Thái?) sinh sống ở tỉnh Vân Nam thuộc nam Trung Quốc.
Hiện nay, trong số năm tôn giáo chính thức được công nhận - là Phật Giáo, Lão Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành và Hồi Giáo (xin lưu ý là trong số này không có Khổng Giáo) - Phật Giáo có số tín đồ và những người xuất gia đông đảo hơn cả. Người ta ước tính số người Phật Giáo Hán thuộc tông phái Đại Thừa là hơn 100 triệu người, tôi nghĩ rằng con số này không quá đáng.

Chính quyền có chấp nhận sự bành trướng của Phật Giáo hay chăng?
Có. Phật Giáo Hán thuộc tông phái Đại Thừa hiện nay là tôn giáo mà chính quyền Trung Quốc ưu đãi nhất. Sự kiện này xảy ra là vì nhiều lý do. Trước hết, Phật Giáo là một tôn giáo toàn cầu và đã tạo được một hình ảnh đẹp ở Á Châu cũng như trong thế giới Tây Phương, trong khi đó Lão Giáo chỉ giới hạn trong các xã hội Trung Quốc. Chính quyền dựa vào các khía cạnh sinh động của Phật Giáo để phô trương cho mọi người biết là có tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Phật Giáo còn là một mối dây liên kết buộc chặt các xã hội và các dân tộc Á Châu; Bắc Kinh lợi dụng mối dây liên hệ đó trong chính sách đối ngoại của mình từ những năm 1950. Một thí dụ điển hình là "Diễn đàn Phật Giáo thế giới" (Forum Mondial du Bouddhisme) do chính quyền Trung Quốc dàn cảnh từ năm 2006. Diễn đàn này được tổ chức ba năm một lần và đã lôi kéo được hàng trăm các đại biểu Phật Giáo trên thế giới, tất nhiên là ngoại trừ những người Phật Giáo trung thành với Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.
Hơn nữa, các biến cố xảy ra năm 1999 liên quan đến phong trào Pháp Luân Công cũng đã khiến cho chính quyền ý thức được là phải chú ý đến nhu cầu tôn giáo trong dân chúng. Ngày 25 tháng 4 năm 1999 Pháp Luân Công đã huy động được hàng ngàn người kéo nhau đến trước trụ sở trung ương của chính phủ ở Bắc Kinh để hô hào phản đối. Sau biến cố đó phong trào này, dù đã quy tụ được ngay từ lúc đầu hàng triệu tín đồ, được xếp vào các giáo phái cần phải đàn áp. Sau vố đó của Pháp Luân Công (trong nguyên bản là chữ échauder / scald / bị bỏng) chính quyền Trung Quốc bắt đầu quay sang ủng hộ Phật Giáo Hán nhằm đặt tôn giáo này dưới sự canh chừng chặt chẽ và sử dụng tín ngưỡng này để tràn ngập thị trường tôn giáo.
Pháp Luân Công tất nhiên không phải là đối thủ duy nhất của chính quyền trên mặt tôn giáo. Thật không có một chút nghi ngờ nào cả, tôn giáo đang phát triển nhanh nhất hiện nay ở Trung Quốc là Tin Lành - nhất là nhóm Phúc Âm (Evangile / Gospels). Tin Lành tỏ ra rất tích cực và yêu sách rất mạnh. Những người theo Tin Lành có nhiều mối dây liên lạc với nước ngoài, họ không ngần ngại nêu lên vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền. Những người theo Tin Lành tổ chức cả một hệ thống riêng cho họ, bắt đầu từ trong gia đình cho đến làng mạc, thật hết sức khó để kiểm soát. Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo cũng gây cho nhà nước Trung Quốc nhiều khó khăn trên mặt ngoại giao và chính sách sắc tộc. Do đó chính quyền bèn quay sang dùng Phật Giáo như một phương tiện nhằm ngăn chận sự bành trướng của các tôn giáo ấy.
Sau hết là trên phương diện đối nội, chính phủ ủng hộ Phật Giáo cũng là nhắm vào mục đích kinh tế. Kể từ năm 1990 các cơ quan chính quyền địa phương rất hăng say trong việc xây dựng và trùng tu chùa chiền nhằm gia tăng thêm việc buôn bán và thu hút khách du lịch. Chính quyền đang mong ngôi chùa Xingjiao ở Tây An (Xi'An) thuộc tỉnh Sơn Tây (Shanxi) sẽ được đưa vào danh sách di sản thế giới của tổ chức Liên Hiệp Quốc UNESCO (xem hình của hãng thông tấn AFP).

Các cơ quan chính quyền quản lý Phật Giáo bằng cách nào?
Việc kiểm soát trực thuộc Văn Phòng Cục Tôn Giáo (Bureau des Affaires Religieux, BAR) qua trung gian của tổ chức chính thức là Tổng Hội Phật Giáo. Tuy nhiên Văn Phòng Tôn Giáo này đôi khi cũng can thiệp trực tiếp: chẳng hạn như trực tiếp kiểm soát người giữ chức vụ quan trọng, nhất là vị Tổng Thư Ký của Tổng Hội, bởi vì vị này nằm giữ tất cả quyền hành, trong khi vị chủ tịch của Tổng Hội thì chỉ giữ trọng trách hành lễ. Vị Tổng Thư Ký hiện nay của Tổng Hội là một cựu nhân viên của Văn Phòng Cục Tôn Giáo và đã được chính cơ quan này cử sang làm Tổng Thư Ký cho Tổng Hội Phật Giáo.
Văn Phòng Cục Tôn Giáo giám sát việc lập danh sách và quản lý các người tu hành cũng như các nơi thờ phụng. Các tu viện lớn nếu muốn tổ chức các buổi lễ thụ phong (nghĩa là mở các đại giới đàn truyền giới tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa di ni) thì phải có sự chấp thuận của Văn Phòng Cục Tôn Giáo và Hội Đồng Nhân Dân (Association Nationale).
Chính quyền cũng đứng ra kết hợp các chức sắc lãnh đạo Phật Giáo nhằm đưa họ vào hệ thống chính trị của nhà nước, chẳng hạn như cách đặt họ vào các chức vụ trong Hội Đồng Nhân Dân Quốc Gia (Assemblée Populaire Nationale, APN / National People's Congress, NPC) hoặc là Hội Nghị Cố Vấn Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc (Conférence Consultative Politique du Peuple Chinois, CCPPC / Chine People's Political Consultative Conference, CPPCC). Các biện pháp này là do Mặt Trận Thống Nhất chủ xướng, một cơ quan trực thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Parti Communiste Chinois, PCC / Chinese Communist Party, CCP) giữ trọng trách điều hành các "tập thể xã hội", trong đó gồm có cả các "tập thể tôn giáo".

Tình trạng tài chính của chùa chiền như thế nào?
Tình trạng tài chính của 15000 chùa chiền nằm trong danh sách chính thức rất khác biệt nhau. Các ngôi chùa ở những nơi du lịch hoặc trung tâm các thành phố lớn thường có những nguồn tài chính quan trọng hơn so với những ngôi chùa nhỏ ở các vùng hẻo lánh.
Tình trạng tài chính của các ngôi chùa nổi tiếng, chẳng hạn như ngôi chùa Lingyin ở Hàng Châu (Hangzhou), hay các ngôi chùa trong vùng núi Wutai ở Sơn Tây (Shanxi) rất khả quan, nhờ vào sự cúng dường của Phật tử. Trường hợp của một ngôi chùa lớn ở Thượng Hải là một thí dụ cho thấy một ý niệm nào đó về sự kiện trên đây: trong hai tuần lễ liền vào dịp Tết Nguyên Đán, ngôi chùa này thu được 10 triệu nhân dân tệ tiền cúng dường (hơn một triệu euros).
Hầu hết các chùa lớn đều có một vị thầy nổi tiếng, và các chùa này sống nhờ vào tiền cúng dường của các đệ tử các vị ấy. Ngoài ra một số chùa còn có thêm một nguồn lợi tức khác nữa mang lại bằng cách tổ chức các nghi lễ (cầu siêu, cầu an...), đảm trách việc cúng dường, nhất là nhờ các dịp ma chay.

Du lịch có phải là một nguồn thu nhập tài chính của các chùa lớn hay không?
Không đúng như thế. Du lịch và vé vào cửa có thể là một nguồn thu nhập đối với các chùa không được nhiều người biết đến, hoặc không có các vị thầy nổi tiếng trụ trì. Đối với các chùa lớn và nổi tiếng thì tiền cúng dường là nguồn tài chính quan trọng nhất.
Tuy nhiên cũng có một trường hợp ngoại lệ là ngôi chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam (Henan), nổi tiếng nhờ vào truyền thống lâu đời về võ thuật. Ngôi chùa này sống nhờ vào du lịch, các Phật tử không cúng dường nhiều vì họ cho rằng chùa tận dụng quá đáng các hình thức buôn bán và các phương tiện truyền thông. Mỗi năm nhờ vào tiền bán vé chùa thu vào hàng nhiều triệu euros. Thế nhưng 70% thì lại lọt vào ngân quỹ chính quyền địa phương, phần của chùa chỉ còn 30%, hơn nữa việc chi tiêu 30% ấy còn phải đặt dưới sự kiểm soát của một kế toán viên do chính quyền địa phương cử đến.
Hơn thế nữa trước đây vị trụ trì chùa Thiếu Lâm là Shi Yongxin đã nhiều lần xin phép chính quyền địa phương cho tín đồ và các người du lịch đến viếng chùa miễn phí nhưng không được chấp thuận, lý do là có sự tranh giành quyền lợi về tài chính giữa chính quyền địa phương và chùa, và hơn nữa chính quyền địa phương cũng không muốn sự kiện ấy có thể làm lu mờ uy thế của mình nơi địa phương. Các nhà sư Thiếu Lâm nổi tiếng là giỏi võ nghệ (xem hình D.R.).

Ngoài ra chùa chiền còn có các nguồn lợi nào khác nữa hay chăng?
Có. Các xí nghiệp hợp doanh với chính quyền địa phương trong các dự án xây cất chùa chiền ở các nơi du lịch thì thường sau đó phải thuê các nhà sư đảm trách cho việc lễ lạc. Các xí nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch hễ thấy nơi nào có di tích văn hóa - chẳng hạn như có chùa chiền - thì xem đấy là một nơi có nhiều lợi điểm và sẵn sàng đầu tư vào các nơi này. Nhiều trường hợp xảy ra thật hết sức ngoạn mục, chẳng hạn như ngôi chùa Nanshan (Nam Sơn) ở Hải Nam (Hainan). Ngược lại các công trình xây dựng các pho tượng Phật khổng lồ thường thấy tổ chức khắp nơi chỉ nhờ vào các đóng góp tư nhân. Các công trình này không cần đến ngay cả sự kêu gọi cúng dường của các vị tu hành.
Ngoài ra cũng có những người Phật Giáo tự thành lập các khu du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong trường hợp này có thể nêu lên một thí dụ điển hình là ngôi chùa Li Li Gucheng ở tỉnh Cam Túc (Gansu). Một Phật tử nhờ tiền cúng dường đã xây dựng được một khu du lịch thật đồ sộ theo kiến trúc La Mã, và trong khu du lịch này nhiều toà nhà được dành riêng cho việc thiền định.
Các tín đồ Phật Giáo nói chung không thích trông thấy các hình thức sinh hoạt du lịch như thế, bởi vì theo họ chùa chiền phải được dành cho việc tu hành và một cuộc sống khắc khổ. Du lịch chỉ là một hình thức mua bán và trao đổi dịch vụ, khác hẳn với việc hành hương mang tính cách thiêng liêng, tự nguyện và bất vụ lợi: người hành hương không bắt buộc phải cúng dường.

Tôn giáo đảm trách vai trò nào trong nền kinh tế Trung Quốc?
Các sinh hoạt trong lãnh vực tôn giáo đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngành du lịch tôn giáo, đối với tất cả các tôn giáo nói chung, giữ một vai trò quan trọng đối với các sinh hoạt du lịch địa phương, cũng như trong việc phát triển kinh tế ở các nơi này. Một số chùa chiền được xem là các xí nghiệp và được điều hành đúng theo cách quản lý của các xí nghiệp.
Khuynh hướng đó được chính thức xem như thuộc vào bối cảnh sinh hoạt chung của Trung Quốc, thật hết sức rõ ràng đấy là một cách thương mại hóa xã hội (marchandisation de la société / commercialitisation of the society). Ngày nay chính các tổ chức chính quyền địa phương cũng được xem như là các xí nghiệp và phải được quản lý đúng theo nguyên tắc kinh tế thị trường; các trường học, các đại học cũng như bệnh viện cũng không tránh khỏi nguyên tắc đó...
Trung Quốc ngày nay được quản lý bởi hai nguyên tắc lô-gic chủ yếu nhất là: quyền lực (pouvoir / power) và thị trường (marché / market).

Tín ngưỡng có phải là một sức mạnh ngăn chận quyền lực hay không?
Không, hiện nay các chùa chiền quan trọng cũng như các vị lãnh đạo Phật Giáo Hán nổi tiếng đều cảm thấy thoải mái được nhà nước tin dùng và đều chấp nhận quy luật thị trường. Họ không hề nghĩ đến việc đi ngược lại hai nguyên tắc trên đây, cũng không hề đề nghị một giá trị nào đi ngược lại, và cũng không đủ can đảm tạo áp lực buộc những người nắm giữ quyền hành chính trị phải tự vấn lương tâm mình trên phương diện đạo đức, hay nghĩ đến là tự mình phải dấn thân vào các phong trào xã hội. Dầu sao cũng có vài người Phật Giáo dám làm chuyện ấy với tính cách cá nhân, và không được một sự hậu thuẫn chính thức nào.
Chùa chiền tổ chức các sinh hoạt từ thiện (philantropy), nhưng lại không trực tiếp tổ chức các chương trình nhân đạo hay tạo ra bất cứ một phong trào nào, lý do là bất cứ một sự huy động nào không do chính quyền giật dây đều bị cấm đoán trên lãnh thổ Trung Quốc. Có một sự cách biệt hết sức lớn lao giữa giữa Phật Giáo Hán và Phật Giáo dấn thân, tương tự như ở Đài Loan và Việt Nam, chẳng hạn như do thiền sư Thích Nhất Hạnh chủ trương. Ở Trung Quốc nếu nói lên lòng từ bi thì được cho phép, thế nhưng nếu nói đến khổ đau thì lại là một việc cấm kỵ. Nếu nêu lên vấn đề khổ đau trong xã hội thì sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng sẽ còn ra gì nữa. Người ta có thể nói đến karma (nghiệp), nhưng không được nói đến công lý!
Thật hết sức đáng tiếc, nếu Phật Giáo Hán từng mang nhiều giá trị tinh thần thật phong phú và đáng kính thì ngày nay ở nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc không còn ai nghe thấy một lời phát biểu đạo đức nào nhằm cải thiện một xã hội đang biến thành con mồi của những sự khủng hoảng giá trị sâu xa. Phật Giáo Hán đã trở thành một tôn giáo câm nín trước những vấn đề công lý và xã hội.

Vài lời ghi chú của người dịch
Phật Giáo Hán vào thời kỳ hưng thịnh và siêu việt nhất dưới thời nhà Đường, với các vị đại sư như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Huệ Năng..., ngày nay đã trở thành một phương tiện kinh tế và một công cụ chính trị với các nhà sư "hiền lành" hơn nhiều. Người ta cũng hiểu rằng nền văn minh Trung Quốc từng đạt được mức phát triển cao độ nhất ở thời nhà Đường vào các thế kỷ thứ VII và VIII, và sau đó đã suy tàn dần cho đến ngày nay. Chúng ta cũng chỉ biết hy vọng rằng công cụ Phật Giáo Hán và nền kinh tế thị trường ngày nay rồi cũng sẽ phục hồi được thời vàng son đó trong quá khứ của nền văn minh Trung Quốc?
Dầu sao đối với một người Phật Giáo chân chính thì phải hiểu rằng không sao tránh khỏi nghiệp do mình tự tạo ra cho mình. Trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc, không biết bao nhiêu cuộc cách mạng đã xảy ra, và mỗi lần đều mang lại thật nhiều đau thương. Nếu lịch sử không bao giờ dừng lại ở một điểm duy nhất, thì nghiệp cũng không bao giờ ngủ yên một cách vĩnh viễn, dù ở cấp bậc một quốc gia, một dân tộc, một xã hội hay một cá thể con người.
Vì thế thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta, nếu đã tự nhận mình là một người tu tập, và dù đã xuất gia nơi chùa chiền hay vẫn còn vướng bận trong thế tục, thì đôi khi cũng nên nhìn lại lương tâm mình, hành động của mình xem có phù hợp với Đạo Pháp hay không. Đối với những người không tự nhận mình là người Phật Giáo và xem giáo lý của tôn giáo ấy như một công cụ cho mình tha hồ sử dụng, thì chúng ta cũng nên chấp tay cầu xin cho họ đôi khi cũng biết nhìn lại lương tâm và hành động của mình, hầu mở rộng con tim mình để nhìn thấy khổ đau đang bàng bạc trong gia đình, xã hội và quê hương mình.

Bures-Sur-Yvette, 17.09.13

Hoang Phong chuyển ngữ

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013


 

NGÔ ĐÌNH NHU MUỐN THAY THẾ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
LÀM TỔNG THỐNG VNCH NĂM 1963

 
Đánh giá của CIA
(theo Bản Ghi nhớ FRUS-1963.256)
 

Tháng 8 năm 1963, một số biến động chìm và nổi đã đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại miền Nam Việt Nam vào một khúc quanh mới trầm trọng và phức tạp hơn.
“Nổi” là chiến dịch Nước Lũ của ông Ngô Đình Nhu nhằm tiêu diệt toàn bộ cấp lãnh đạo của phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ. Trong đêm 20 rạng ngày 21/8, ông Nhu ra lệnh cho Lực lượng Đặc biệt (của Đại tá Lê Quang Tung) và Cảnh sát Chiến đấu mặc quân phục binh chủng Nhảy Dù (của Giám đốc Cảnh sát Đô thành Trần Văn Tư) ồ ạt và hung bạo tổng tấn công các chùa tại Sài Gòn. Kết quả là chính quyền bắt giam hơn 1,400 tăng Ni và Phật tử.[Xem FRUS 1961-1963, Vietnam,  Điện văn 274, trang 613 và 614], và quân đội bị đài VOA cũng như dân chúng miền Nam hiểu lầm nên lên án hành động hung bạo nầy. Sau đêm đó, cuộc đấu tranh của Phật giáo tại Sài Gòn hầu như bị tê liệt, nhường đấu trường cho quần chúng mà tiên phong là lực lượng thanh niên sinh viên học sinh và giới trí thức thủ đô.
“Chìm” là một mặt ông Nhu tiến hành các động thái thỏa hiệp với Hà Nội qua trung gian Đại diện Ba Lan Mieczylaw Maneli trong Ủy hội Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến ICC; mặt khác, trước cả đêm kinh hoàng “Nước Lũ”, ông Nhu đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc phản đảo chánh giả, đặt tên là Bravo 2, dùng Lực lượng Đặc biệt và vài đơn vị trung thành để chống lại cuộc đảo chánh thật (cũng đang trong quá trình hình thành và được ông Nhu ký hiệu là Bravo 1) của các Tướng lãnh để cuối cùng sẽ vừa vô hiệu hóa các Tướng lãnh vừa đưa ông Nhu lên thay thế ông Diệm làm Tổng thống. Đó là cách chuyển giao quyền lực bất chấp Hiến Pháp của chế độ Đệ Nhất Cọng Hòa theo “kiểu Ngô Đình Nhu” !  Như vậy, trong năm 1963, ông Diệm chỉ là một Tổng thống bù nhìn sắp mất chức, và người thực sự  “cai trị” Đệ Nhất Cọng Hòa chính là ông em “cố vấn” Ngô Đình Nhu đang “bị vấn đề tâm thần” vậy.
Lẽ dĩ nhiên là các Tướng lãnh và giới chính trị Sài Gòn đã phong phanh biết được âm mưu “cướp ngôi” nầy.  Cũng lẽ dĩ nhiên là các cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp, Đài Loan, Vatican, … đều có ít nhiều thông tin. Nhưng nhiều dữ kiện và thông tin xác thực nhất là của Mỹ. Và kế hoạch nầy của ông Nhu nghiêm trọng đến nỗi cơ quan CIA tại Sài Gòn phải theo dõi và liên tục thẩm định để báo cáo về Washington.
Dưới đây là phần Việt dịch của Bản Ghi nhớ đề ngày 16 tháng 8 năm 1963 mà Phó Giám đốc Kế hoạch CIA (Richard Helms) gửi cho Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn đông Sự vụ (Roger Hilsman) để lượng giá về tình hình tại Nam Việt Nam, trong đó có đính kèm hai Bản Phụ Đính (Attachment), phân tích khả năng ông Nhu có thể lên thay thế ông Diệm, và từ đó mô tả bộ máy quyền lực hổn loạn của ba anh em nhà Ngô.
Bản Ghi nhớ nầy được lưu lại trong Hồ sơ Lưu trữ FRUS của Bộ Ngoại giao Mỹ [Foreign Relations of the United States, 1961–1963, Volume III, Vietnam, 1963, Document 256], từ trang 569 đến 574.
Bản Ghi Nhớ 256 (Memorandum) có hai Phụ Đính (attachments):
1-    Phụ đính 1” viết về các điều luật và quy tắc của Hiến Pháp khi xảy ra các trường hợp thay thế chức vụ Tổng thống Việt Nam Cọng Hòa, do đó sẽ không được dịch nguyên văn vì chỉ dùng để làm nền tham chiếu cho “Phụ đính 2”, vốn là phần phân tích và lượng giá của CIA tại Sài Gòn, sẽ được dịch toàn bộ.
2-    Để đọc 5 Cước chú (footnotes) trong văn bản, xin xem nguyên văn Anh ngữ trong phóng ảnh Bản Ghi Nhớ ở cuối bài dịch.


PHẦN DỊCH BẮT ĐẦU:

256   Bản Ghi nhớ do Phó Giám đốc Kế hoạch CIA (Helms) gửi cho Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn đông Sự vụ (Hilsman) 1
Washington, ngày 16 tháng 8 năm 1963
ĐỀ MỤC: Kính chuyển Những Đánh giá về Tình hình tại Nam Việt Nam.
Đính kèm là những đánh giá do CIA Sài Gòn soạn thảo về tình hình bất ổn định của Chính phủ Việt Nam, và khả năng có một cuộc đảo chánh do cuộc khủng hoảng Phật giáo vẫn tiếp diễn. Những thảo luận trong buổi họp ngày 14 tháng 8 2 dựa trên cơ sở của những phúc trình nầy.
Thừa lệnh Phó Giám đốc (Kế hoạch)
W.E.Colby.

Phụ đính 1 3 [Bàn về các điều  32, 33, 34 và 41, 42 của Hiến Pháp VNCH - không dịch]
Phụ đính 2 4

ĐỀ MỤC: Khả năng Ngô Đình Nhu kế vị Tổng thống Ngô Đình Diệm
1-    Những tình huống khi Tổng thống Ngô Đình Diệm rời khỏi chính trường sẽ là những tiền đề cực kỳ quan trọng cho chuyện Ngô Đình Nhu kế vị làm Tổng thống Nam Việt Nam. Những khả năng đó gồm:
a-    Từ chức
b-    Chết tự nhiên hay chết vì tai nạn
c-    Bị ám sát
d-    Bị đảo chánh. Có thể bị giết nhưng không hẵn sẽ xảy ra như thế.

2-    Nhu, dĩ nhiên, là một thành viên của Quốc Hội, đơn vị nhà là tỉnh Khánh Hòa. Với sự loại trừ Diệm, Nhu có thể không vi phạm Hiến Pháp bằng cách dẫn điều 34 để từ đó nắm quyền Tổng thống không quá hai tháng, nếu từ đầu ông ta thuyết phục được Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ từ nhiệm chức vụ hiện tại và xếp đặt để ông ta lên thay thế Chủ tịch Trương Vĩnh Lễ. Sau đó, Nhu sẽ có thêm hai tháng để chuẩn bị và chiến thắng một cuộc bầu cử toàn quốc để đưa ông ta lên chức vụ Tổng thống một cách hợp pháp.
Trong kịch bản nầy, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ là một yếu tố không lường được. Dù chưa bao giờ được xem như là một người đặc biệt có thế giá, ông ta có lẽ không phải là một người tầm thường (cipher) như Chủ tịch Trương Vĩnh Lễ và ông ta chưa bao giờ có dịp để chứng tỏ khí phách (mettle) của mình. Trong một cuộc khủng hoảng của Chính phủ VN, Thơ có thể lấy sáng kiến tạo ra đủ lực hổ trợ để ngăn chặn tham vọng của Nhu, ngay cả nếu ông ta [Thơ] cuối cùng không đủ sức để duy trì chức Tổng thống [theo hiến định] đủ lâu để hết nhiệm kỳ theo quy định của Hiến Pháp.
Dù rất khó thẩm định xem Nhu có thành công trong ván cờ thí (gambit) nầy hay không, trên lý thuyết, Nhu có thể thành công và tiến hành nước cờ của mình theo đúng luật pháp, ít nhất là theo tinh thần của luật pháp, với điều kiện Diệm từ chức chứ không phải bị đảo chánh. Rõ ràng là Nhu, người thứ nhì sau Diệm, hiện nay là quyền lực chính trị mạnh nhất tại Việt Nam.
3-    Hậu quả của khả năng thứ tư, nghĩa là Diệm bi lật đổ bằng bạo lực, thì cơ hội để Nhu lên kế vị sẽ rất thấp dù ông ta dùng phương cách cách hợp hiến hay vi hiến. Mặc dầu có thể thừa nhận rằng Nhu có khả năng ở chức vụ lãnh đạo, trên phương diện kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, và là động lực đàng sau chương trình Ấp Chiến lược, v.v…ông ta lại có quá nhiều người chống đối trong giới trí thức và giới có học trong quần chúng, kể cả giới quân nhân. Điều không thể tranh cải là cục nợ (liability) lớn nhất của ông Nhu chính là bà Nhu, mà các thành phần quần chúng nói trên cũng đã biểu lộ một thái độ thù nghịch cá nhân gay gắt vì họ cho rằng bà ta đồi bại (vicious), nhiễu sự (meddlesome), loạn óc (neurotic), hay có khi tệ hơn nữa.
Dù sự chống đối vợ chồng Nhu căn cứ trên thuần túy logic hay trên cảm tính bồng bột thì điều nầy cũng không quan trọng vì cái chính là sự chống đối đó hiện hữu, có thật. Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là bất khả, để Nhu nắm được quyền bính, dù bằng cách nào, nếu anh ông ta bị đảo chánh lật đổ. Vợ chồng ông Nhu thoát chết là may mắn lắm rồi, vì thật ra đã có ít nhất là một âm mưu muốn ám sát hai vợ chồng ông ta với ông Diệm được giữ lại để chủ trì một chính phủ Việt Nam được tái định hướng.

4-     Trong một buổi nói chuyện với một quan sát viên Mỹ vào ngày 25 tháng 6 vừa qua (TDCSDB-3/655,297 và CSDB-3/655,373), 5 Nhu dần dần tự du mình vào một tình trạng tâm thần với xúc động cao độ (highly emotional state of mind). Một trong những tình trạng đó là Nhu đã biểu lộ sự chống đối mãnh liệt ông Diệm và chính phủ của ông ta, (he expressed strong opposition to Diem and his government)  đến nỗi ta sẽ thiếu khôn ngoan nếu loại trừ hoàn toàn khả năng Nhu sẽ dư sức thử tiến hành một cuộc đảo chánh chống lại Diệm (Nhu would be capable of attempting a coup d’etat against Diem).
Đây không phải là lần đầu tiên Nhu biểu lộ một cách hung bạo như thế. Trong một buổi nói chuyện hai tháng trước đó mà Đặng Đức Khôi làm thông dịch cho Nhu nói chuyện với hai biên tập viên của báo Time/Life, Nhu trắng trợn nói rằng chế độ hiện tại (mà không bắt buộc với Diệm trong chế độ đó) phải bị tiêu hủy (the present regime must be destroyed). Nhu lập đi lập lại lời nói đó nhiều lần và để nhấn mạnh, ông ta còn thốt ra câu nói bằng tiếng La-tinh “Carthago delenda est[LND: Lời hiệu triệu “Nước Carthage phải bị tiêu diệt” của Cọng hòa La Mã trong trận chiến tranh Punic vào thế kỷ thứ nhì]. Đã nhiều lần trong quá khứ, Nhu xác định rõ những nhận xét của mình bằng cách  nói rằng ông ta xem chế độ Diệm chỉ như một giai đoạn chuyển tiếp và chỉ như một đứa bé của nhu cầu lịch sử (Diem regime as a transitional stage and the child of historical necessity), nhưng cho cả hai biên tập viên của Time/Life cũng như cho quan sát viên Mỹ hôm 25 tháng 6, Nhu đã không trình bày quan điểm trung gian [chuyển tiếp] đó là gì.
Một cách tổng quát, cơ may Nhu kế vị Tổng thống sẽ giảm thiểu khi cường độ bạo lực thay thế Diệm gia tăng, nhưng Nhu vẫn còn một khả năng lên làm Tổng thống ngay cả trong một tình huống bạo loạn, kể cả khi có thể Diệm bị ám sát, đó là tình huống chính Nhu tổ chức và kiểm soát cuộc bạo loạn nầy.

5-    Điểm then chốt của mọi kế hoạch nhằm ngăn cản Nhu lên làm Tổng thống chính là Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, và kế hoạch hay nhất là tạo ra một ủy ban hành động được cả nước ủng hộ, nằm ngoài chính quyền hiện hữu, mà nhiệm vụ là trong trường hợp Diệm ra đi thì yểm trợ Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Tổng thống và duy trì quyền lực đó cho ông ta theo đúng quy định của Hiến Pháp.

6-    Chúng tôi bi quan về khả năng cải tiến hình ảnh đối nội cũng như đối ngoại cho Nhu bằng bất kỳ phương tiện nào mà chúng tôi có thể hình dung ra. Ông ta đã là đối tượng của vô số lời bình phẩm bất lợi tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, và chuyện bà Nhu như một cục nợ thì cũng rất quan trọng như đã nhắc đến trên đây. Còn đối với Quân lực Việt Nam Cọng Hòa (ARVN), thì chỉ có Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân Đoàn 4, là vị tướng duy nhất nỗi tiếng ủng hộ Nhu rõ ràng – nhưng ngay cả điều nầy cũng phải định giá lại vì đó là một điểm cần tranh luận, không biết liệu binh sĩ của hai Sư đoàn mà Cao chỉ huy có trung thành với Cao không.
Do đó, thật khó để nâng tầm vóc của Nhu lên được trước mắt Quân lực VNCH cũng như trước mắt của quần chúng Việt Nam và của thế giới. Như các cấp chỉ huy của Quân đội VNCH đều rõ, ông Diệm luôn luôn tự mình kiểm soát việc bổ nhiệm các chỉ huy cao cấp trong quân đội, và vì vậy mà trong mục nầy, họ không có lý do thôi thúc gì để trung thành sâu đậm với Nhu cả.

7-    Quan hệ giữa Nhu và Ngô Đình Cẩn gồm một số điều phức tạp. Từ nhiều năm, hai anh em đã khác nhau trên nhiều vấn đề, và đã khai sinh ra nhiều tổ chức chính trị nội bộ để thường tranh chấp nhau trên những chuyện như bổ nhiệm người vào các vị trí trung cấp và cấp thấp, hoặc những đặc quyền kinh tế béo bở. Bà Nhu lại cũng là một yếu tố vì bà ta và ông Cẩn vốn ghét nhau. Thêm nữa, Cẩn thường biểu lộ sự chê bai về óc phán đoán và tính thực tiển của khả năng lãnh đạo của Nhu. Tuy nhiên, trong một cuộc khủng hoảng mà Nhu nhắm làm Tổng thống, thì sau khi và chỉ sau khi Diệm biến mất, thì chỉ lúc đó, có lẽ Nhu có thể trông cậy vào sự yểm trợ của Cẩn, và Nhu sẽ hăm hở nỗ lực nhờ cậy Cẫn.
Phần lớn quyền lực của Cẩn ở miền Trung là đến từ Sài Gòn, và để duy trì quyền lực nầy trong một khoảng thời gian lâu dài, Cẩn đã cần một sự yểm trợ liên tục. Cẩn sẽ lý luận rằng với Nhu làm Tổng thống ở Sài Gòn, Cẩn sẽ có nhiều cơ may nhận được yểm trợ hơn là với một tập đoàn lãnh đạo khác. Ảnh hưởng của Cẩn trong một cuộc khủng hoảng thật ra độc lập với Sài Gòn vì chính quyền dân sự và quân sự tại các tỉnh [miền Trung], vốn được Cẩn ban cho và lưu giữ, nên họ đương nhiên đứng về phía Cẩn rồi (identification with him).  Cẩn nắm giữ thủ hạ không phải vì họ trung thành với Cẩn mà vì họ ý thức được rằng không có Cẩn, họ sẽ rất có thể bị mất chức (without him, they could very likely lose their own positions).
Trong khi suy đoán về quan hệ của Cẩn đối với Nhu, và ứng xử của Cẩn nếu Nhu tiến chiếm quyền lực, kinh nghiệm quá khứ cho thấy trong một cuộc khủng hoảng, không thể luôn luôn trông cậy Cẩn sẽ đóng một vai trò thuần lý  (cannot always be counted upon to play a rational role), ngay cả khi có dính líu đến quyền lợi thiết thân của Cẩn. Tuy là một chính trị gia khôn ngoan, Cẩn đã nhiều lần tỏ ra có xu hướng hoảng hốt trong trường hợp khẩn cấp, hay chỉ đơn giản tránh đối diện với tình huống mà Cẩn cho là sẽ gặp những vấn đề khó khăn.

8-    Tóm lại, cơ may để Nhu lên làm Tổng thống được ước định như sau:
a-    Trong tình huống không phải một cuộc đảo chánh chống lại Diệm, cơ may để Nhu lên làm Tổng thống từ đầu là khá thuận lợi (fair)
b-    Trong một cuộc đảo chánh chống lại Diệm, chuyện Nhu lên làm Tổng thống hầu như không thể được (impossible). Không những thế, Nhu và vợ rất có thể trở thành nạn nhân của cuộc đảo chánh.
c-    Nếu chính Nhu tự mình chiếm lấy chức Tổng thống, cơ may cũng cố vị thế và duy trì quyền lực trong một thời gian dài là kém (poor)

Nguyễn Kha
(Người dịch)


Phóng ảnh chụp lại từ FRUS
[Foreign Relations of the United States, 1961–1963,
Volume III, Vietnam, 1963, Document 256],
từ trang 569 đến 574