Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

 

CÁCH MÀ NGƯỜI PHẬT TỬ LANKAN CHIẾN THẮNG

TRONG TRẬN CHIẾN CHỐNG LẠI SỰ CẢI ĐẠO

(Menafn - NewsIn.Asia) By P.K.Balachandran/Ceylon Today

Tâm Diệu chuyển ngữ

Bức tranh mô tả người Bồ Đào Nha đang phá hủy một ngôi chùa

Phật giáo ở Sri Lanka (Hình ảnh thuộc về Prasanna Weerkkody)

Các tín đồ Phật giáo Sri Lanka [01] đã hứng chịu sự tấn công liên tục và trực diện từ các nhà truyền giáo Cơ đốc (Christian) trong thời kỳ cai trị của người Bồ Đào Nha và Hà Lan trong gần ba thế kỷ (1505 đến 1796). Do sự thiếu cân bằng quyền lực, nhiều Phật tử đã bị ép buộc hoặc bị lôi kéo cải đạo sang Công giáo La Mã (Roman Catholicism) dưới thời người Bồ Đào Nha cai trị và theo chủ nghĩa Calvinism [02] dưới thời Hà Lan. Nhưng bằng cách áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau, được uyển chuyển điều chỉnh để phù hợp với sự cân bằng quyền lực tại bất kỳ thời điểm nào, các Phật tử Lankan vẫn tiếp tục đánh bại các cuộc tấn công của họ và cố gắng bảo tồn Phật giáo là tôn giáo chủ yếu của quốc đảo này.

Ngài James Emerson Tennent, Bộ trưởng bộ Thuộc địa Tích Lan (Ceylon) từ năm 1841 đến năm 1850, là dấu vết thành công cuối cùng của các Phật tử Sinhala [03] nhờ một trong những phẩm chất bẩm sinh của họ. Trong cuốn sách Cơ đốc giáo ở Tích Lan (Christianity in Ceylon | John Murray, London, 1850), Tennent nói: ‘Dưới mắt nhìn của các nhà truyền giáo Cơ đốc, họ (những người theo đạo Phật) hoàn toàn không phải là chất dẻo được mô tả như cho thấy - có khả năng được đúc thành bất kỳ hình thức nào hoặc giữ lại vĩnh viễn bất kỳ ấn tượng thông thường nào - mà là một chất lỏng được tạo ra có hình dạng của nó giống như hình dạng của bình mà nó có thể được đổ vào, mà không có bất kỳ thay đổi nào về chất lượng hoặc bất kỳ thay đổi nào về đặc tính của nó.' [04]

Bản chất của cuộc tấn công vào Phật giáo Sinhala và những cách khéo léo mà các Phật tử đối phó đã vượt qua mối đe dọa cải đạo được giáo sư P.V.J. Jayasekera mô tả bằng hình ảnh trong cuốn sách của ông: Đối đầu với chủ nghĩa thực dân Vol: 1 1796-1920 (Vijitha Yapa, 2017). Jayasekera sử dụng thuật ngữ 'chủ nghĩa thực dân Cơ đốc’ cho sự cai trị của người Bồ Đào Nha và Hà Lan vì cả Cơ đốc giáo và chủ nghĩa thực dân như một hệ thống kinh tế-chính trị đi đôi với nhau. Chương trình nghị sự của thực dân là thực hiện đồng thời quyền kiểm soát chính trị, kinh tế và tinh thần đối với các đối tượng của chúng (giới tín đồ Phật Giáo). Thật vậy, yếu tố tâm linh và vật chất thế tục được tăng cường bổ trợ lẫn nhau.

Tư tưởng 'chủ nghĩa thực dân Cơ đốc' bắt nguồn từ lời khẳng định của Giáo hoàng Innocent IV vào thế kỷ thứ 13 rằng với tư cách là Đại diện của Chúa Kitô, Giáo hoàng có quyền lực không chỉ đối với những người theo đạo Thiên chúa mà còn đối với cả những người ngoại đạo. Thông qua một loạt Sắc lệnh (Papal Bulls) [05] và Sắc chỉ Inter Caeteras [06] từ năm 1455, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã được trao quyền kiểm soát vật chất và tư tưởng đối với các tín đồ và những kẻ ngoại đạo trên toàn thế giới. Họ được ủy quyền để 'đánh bại, nô dịch, làm nhục hoặc khuất phục kẻ không tin để theo đuổi sứ mệnh thiêng liêng.'

Ở Sri Lanka, người Bồ Đào Nha đã phá hủy một cách có hệ thống những nơi thờ tự của Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Các luật khắc nghiệt đã được ban hành để ngăn cấm việc thực hành các tôn giáo bản địa. Vào thời điểm đó, các Phật tử Lankan tin rằng sự cứu rỗi có thể đạt được thông qua nhiều con đường và do đó họ đồng ý cải đạo. Thậm chí vua Buvanekabau của Kotte (1458-1550) còn mời những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha (đi truyền giáo ở xứ ông), mặc dù chính ông đã khước từ việc cải đạo.

Nhưng cháu trai và người kế vị của ông, Dharmapala (hay còn gọi là Don Juan), đã cải đạo vào năm 1557. Do đó, các Phật tử đã nổi dậy chống lại. Ba mươi vị Tỳ kheo đã tử vì đạo. Có ít nhất mười cuộc nổi dậy nổi tiếng trong 44 năm. Một trong số đó được lãnh đạo bởi Edirille Rala (1594-1596) mà người Bồ Đào Nha mô tả là 'cuộc nổi dậy của quốc gia Sinhalese'. Biên niên sử người Bồ Đào Nha Queroz lưu ý rằng Đại sư Budavance đã đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở Sitavaka. Các nhà truyền giáo và nhà thờ bị tấn công. Năm 1630-1631, việc phá hủy tài sản của người Bồ Đào Nha diễn ra trên diện rộng. Để dập tắt nó, người Bồ Đào Nha đã tăng cường phá hủy những nơi thờ cúng Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Điều thú vị là nhiều thủ lãnh của các cuộc nổi dậy như Edirille Rala, Kangara Arachchi và Nikapitiya Bandara lại là những người đã cải đạo! Nhiều người đã cải đạo vì lý do này hay lý do khác nhưng cuối cùng cũng đã nổi dậy hoặc quay trở lại với niềm tin cũ của họ. Điều này khiến người Bồ Đào Nha (và sau đó là người Hà Lan) lấy làm thất vọng và cho rằng việc cải đạo một người Phật tử Sinhalese thực sự chẳng có nghĩa lý gì. Ngay cả 50 năm sau, khi người Bồ Đào Nha thiết lập sự cai trị ở bờ biển phía Tây, họ đã phá hủy hàng loạt các ngôi chùa Phật giáo vì thấy công tác truyền giáo (cải đạo) đã không mang lại kết quả. Thất vọng với việc cải đạo người lớn, người Bồ Đào Nha tập trung vào trẻ em trong các trường học mà họ thiết lập.

Bức phù điêu mô tả việc tấn phong vua cho the Kotte King Don Juan Dharmapala

bởi Hoàng đế Portugal sau khi ông ấy cải đạo sang Thiên Chúa Giáo vào năm 1557.

Người Hà Lan áp dụng luật

Người Hà Lan (Dutch), giới cai trị Sri Lanka từ năm 1658 đến năm 1796 ngay sau người Bồ Đào Nha, ít bạo lực hơn nhưng hợp pháp hơn trong việc truyền đạo của họ. Người Hà Lan sử dụng luật pháp được hỗ trợ bởi một hệ thống trừng phạt khắc nghiệt. Phép rửa tội là cần thiết để thừa kế tài sản. Các cuộc hôn nhân phải được đăng ký kết hôn trong nhà thờ. Nhiều Phật tử đã phải cải đạo ngay trên giường bệnh nhằm để lại tài sản cho người thừa kế. Bằng chứng của một người không chịu cải đạo không được chấp nhận trước tòa án.

Các trường học được thành lập chủ yếu với mục đích cải đạo và các hiệu trưởng phải tuân thủ lệnh thực hành chính sách Cơ đốc giáo hóa học sinh. Thống đốc các tỉnh Hà Lan (Disawes) cùng với các linh mục người Hà Lan đi kiểm tra trường học bốn lần trong một năm với đội hộ tống có vũ trang. Những hiệu trưởng bỏ bê nhiệm vụ bị trừng phạt nghiêm khắc. Tiền phạt nặng và bị cưỡng bách lao động đeo dây xích trong ba tháng. Khi nhận thấy rằng mọi người không tuân lệnh cải đạo, vào năm 1732 người Hà Lan đã ra lệnh yêu cầu tất cả các xã trưởng phải triệt hạ các ngôi chùa Phật giáo trong khu vực của họ. Để thực thi, Hà Lan đã tăng cường hình phạt lên 2000 Rix dollars hoặc bị lao động xiềng xích trong 25 năm.

Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của các hình phạt, sự thách thức của các Phật tử vẫn tiếp tục cả thụ động lẫn bạo động. Năm 1646, Kottapitiya Appuhamy thuộc (tỉnh) Weligama Korale, nổi dậy. Các nhà sư và cư sĩ công khai chế nhạo các linh mục người Hà Lan. Các lập luận chống Cơ đốc giáo được viết trên lá Ola và trên thân cây để mọi người có thể đọc.

Các nhà sư và cư sĩ của quận Galle và Matara tích cực đấu tranh không mệt mỏi, điều này khiến nhà truyền giáo nổi tiếng Dòng Tên ‘Goan Jesuit missionary’ là Cha Jacome Gonsalves nói rằng các Phật tử của Galle và Matara cực kỳ trung kiên với Phật giáo. Các cuộc nổi dậy ở phía nam cũng được sự hỗ trợ đầy đủ của các nhà sư Kandyan. Hội đồng Nhà thờ quận Galle của Hà Lan tuyệt vọng đã viết thư cho Amsterdam (thủ đô Hà Lan) vào năm 1736 rằng: 'Người bản xứ có ác cảm với Cơ đốc giáo và gắn bó với chủ thuyết tà giáo (Heathenism.)'

Các Phật tử đã cực lực tranh đấu để phục hồi chùa Kelaniya Raja Maha Viharaya [07], nơi Đức Phật đã từng đến thăm và bị người Hà Lan chiếm đóng. Người Hà Lan đã lấy đá của ngôi chùa để xây dựng Pháo đài Colombo. Năm 1647, Vua Rajasinghe II (1629-1687) của Kandyan yêu cầu người Hà Lan di dời ngôi chùa nhưng họ đã phớt lờ. Sau đó, Vua Wimaladharmasirya II (1687-1707) đã xin phép cho các Phật tử ít nhất được thờ phượng ở đó. Nhưng người Hà Lan không cho phép thờ và sùng bái ngẫu tượng [08]. Người Hà Lan chỉ nhượng bộ sau 140 năm cai trị tức là vào năm 1780, khi họ quyết định rằng các cuộc đàn áp không có hiệu quả với những người theo đạo Phật Sinhalese.

Tác giả: P.K.Balachandran/Ceylon Today | Chuyển ngữ: Tâm Diệu

Bản gốc tiếng Anh: https://menafn.com/1101168268/How-Lankan-Buddhists-won-the-battle-against-proselytization

 

Chú Thích:

[01] Tiếng Việt xưa gọi là Tích Lan, cũng từng được gọi là Ceylon trước năm 1952 là một đảo quốc với đa số dân theo Phật giáo nằm ở phía nam Ấn Độ. Dân số Sri Lanka vào  khoảng 20 triệu người. Phật giáo Nguyên thủy là tôn giáo lớn nhất và là quốc giáo của Sri Lanka, với 70,19% dân số là Phật tử vào năm 2012. Phật giáo đã được trao vị trí quan trọng hàng đầu theo Điều 9 của Hiến pháp nước này, có thể bắt nguồn từ nỗ lực đưa tình trạng của Phật giáo trở lại tình trạng mà nó được hưởng trước khi bị thực dân Bồ Đào Nha và Hà Lan phá hủy.

[02] Calvinism là hệ thống thần học và phương pháp ứng dụng đức tin vào nếp sống Cơ Đốc, đặt trọng tâm vào quyền trị vì của Thiên Chúa. Được gọi theo tên của nhà cải cách Jean Calvin, mô hình Cơ Đốc giáo Kháng Cách này đôi khi được gọi là "truyền thống Cải cách" (Reformed), "đức tin Cải cách", hoặc "thần học Cải cách".

[03] Người Sinhala là một dân tộc Ấn-Arya chủ yếu sinh sống trên đảo Sri Lanka. Họ chiếm khoảng 82% dân số Sri Lanka (hơn 15 triệu người), hầu hết theo đạo Phật Nam Tông.

[04] Áp dụng theo tinh thần “tùy duyên bất biến, khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ” của Phật giáo. Tuy có uyển chuyển và linh động một số điểm cho phù hợp, tương thích với tình hình mới nhưng phần chính yếu, cốt tủy của Phật pháp thì luôn được giữ vững, không đổi thay, gọi là bất biến.


[05] Trong tiếng Anh, tông sắc hay sắc lệnh hoặc thánh lệnh được định nghĩa bởi thuật ngữ Papal Bulls. Thuật ngữ này nhằm đề cập đến con dấu chì, bulla, được đính kèm với tài liệu để chứng thực là một sắc lệnh. Sắc lệnh của giáo hoàng là một văn bản chính thức với mục đích thiết lập một dòng tu, làm rõ một học thuyết, phê chuẩn các văn kiện khác, thành lập một trường đại học, triệu tập một công đồng, vv..

[06] Ngày 03 tháng 5 năm 1493, Giáo hoàng Alexander VI ra sắc lệnh lịch sử Inter caetera quy định dùng một đường kinh tuyến chạy dọc từ cực này đến cực kia để phân chia Đại Tây Dương. Sắc lệnh có nội dung công nhận tuyên bố chủ quyền của Tây Ban Nha đối với mọi vùng đất mà trước đó chưa từng thuộc quyền của bất kỳ quân chủ Công giáo nào, đồng thời giữ nguyên những quyền lợi trước đây của Bồ Đào Nha. Sắc lệnh có phần thiên vị nên không tồn tại được lâu vì vấp phải sự phản đối của Bồ Đào Nha. Theo yêu cầu của Lisbon, ngay hôm sau, Roma ban tiếp sắc chỉ cũng với tên gọi Inter Caetera trao cho các nhà quân chủ Tây Ban Nha trọng trách loan truyền đức tin về phần phía tây đường kẻ được vẽ “cách 100 dặm về phía tây và phía nam các quần đảo Azore và Cape Verde”, ngược lại, phần phía đông được giao cho các nhà quân chủ Bồ Đào Nha.

[07] Maha Vihara Kelaniya là một ngôi chùa Phật giáo ở Kelaniya, Sri Lanka. Theo biên niên sử cổ đại "Mahavamsa" cho rằng vào năm thứ tám sau khi giác ngộ; Đức Phật đã viếng thăm KelLocation với 500 Tỳ kheo theo lời mời của Vua Maniakkhikha để thuyết pháp.

[08] Ngẫu tượng là thần tượng, cũng là tà thần, là sùng bái ai đó hoặc cái gì đó ngoài Thiên Chúa.

 

 





Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

 

Thêm hồ sơ giải mật:

Thái độ của TT Kennedy

về vụ đảo chánh TT Ngô Đình Diệm (Tóm dịch của VOA)

(New Light in a Dark Corner:

Evidence on the Diem Coup in South Vietnam, November 1963

Luke A. Nichter và John Prados)

 

VOA: Theo một công bố mới về băng ghi âm và ghi chép của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống John F. Kennedy ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1963 hơn là được ghi nhận trước đó. Việc lật đổ Tổng thống Diệm bằng một cuộc đảo chánh quân sự có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ và sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào Việt Nam đã điễn ra cách đây 57 năm. Ngay cả bây giờ những quan điểm của Tổng thống Kennedy và một số phụ tá hàng đầu của ông về cuộc đảo chánh đã bị che phủ vì những tài liệu không đầy đủ đã khiến cho các học giả chú trọng nhiều hơn đến thái độ của những thuộc cấp của Tổng thống. Tuy nhiên vào lúc này, Văn khố An ninh Quốc gia, một viện nghiên cứu và thư viện độc lập phi chính phủ tại Trường Đại học George Washington ở Washington D.C., lần đầu tiên đưa ra những tài liệu của các văn khố Mỹ và Việt Nam mở rộng các cửa về sự kiện quan trọng này qua phần trình bày của hai tác giả Luke A. Nichter và John Prados qua bài viết “New Light in a Dark Corner: Evidence on the Diem Coup in South Vietnam, November 1963” (Ánh Sáng Mới Trong Góc Tối: Bằng Chứng Về Cuộc Đảo Chánh Ông Diệm tại Nam Việt Nam, tháng 11/1963)

https://www.voatiengviet.com/a/ho-so-giai-mat-dao-chanh-ngo-dinh-diem-kennedy-nhu/5659845.html

Quyền lực quốc gia nằm trong tay gia đình dòng họ Ngô Đình (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Tổng Giám mục THỤC, Tổng thống DIỆM, Cố vấn NHU, Đại sứ LUYỆN, Cố vấn miền Trung CẨN và Bà Cố vấn NHU (Trần Lệ Xuân)

[Hình composite nầy và các nhấn mạnh trong bài là của hoangnamgiao]


Vào năm 1963, nửa đường trong cuộc dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Kennedy cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Nam Việt Nam, một phần của nước Việt Nam trước kia, được Mỹ ủng hộ, vẫn còn đang dấn sâu vào cuộc nội chiến giữa chính phủ chống cộng được Mỹ hỗ trợ và du kích quân cộng sản được Bắc Việt đỡ đầu.

■ Chính phủ VNCH thời TT Ngô Đình Diệm dưới nhãn quan người Mỹ

Các lực lượng chính phủ dường như không biết làm cách nào đối phó với Mặt Trận Giải phóng Miền Nam. Quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ tranh cãi về sự tiến triển của chiến tranh. Trong khi phủ nhận những nhận xét của báo chí là Hoa Kỳ đang sa lầy tại Việt Nam, chính quyền Kennedy nhận thức được những vấn đề trong chiến tranh và nỗ lực áp dụng mọi biện pháp để truyền sinh lực cho Việt Nam.

Một vấn đề lớn nằm tại Sài Gòn, thủ đô miền Nam, với ngay chính phủ Việt Nam. Đầy dẫy tham nhũng, mưu đồ chính trị, tranh chấp nội bộ liên tục, miền Nam Việt Nam thường xuyên bất đồng ý kiến với nhau.

Quan tâm chính của người Mỹ là cuộc chiến chống du kích Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Nam Việt Nam hứa cộng tác nhưng thi hành rất ít. Còn có những khó khăn khác bắt nguồn từ cách thức chính phủ Việt Nam được thành lập lúc ban đầu, và phương cách Mỹ giúp tổ chức quân đội Nam Việt Nam trong những năm 1950, nhưng tất cả những yếu tố đó không trực tiếp quan hệ đến biến cố năm 1963.

Chính phủ Sài Gòn do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông là một nhà lãnh đạo độc tài, gia đình trị, đánh giá cao quyền lực hơn là các quan hệ với người dân Việt Nam hay tiến bộ trong cuộc chiến chống cộng sản. Ông Diệm lúc đầu lên cầm quyền bằng những phương tiện hợp pháp, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng chính phủ có từ năm 1954, và sau đó ông củng cố quyền hành bằng một loạt các cuộc đảo chánh quân sự, bán đảo chánh, tái tổ chức chính phủ, trưng cầu dân ý và cuối cùng là một loạt các cuộc bầu cử tổng thống được dàn dựng.

Ông Diệm gọi Nam Việt Nam là một nước Cộng hòa và ông giữ chức vụ Tổng thống, nhưng ông cấm các đảng phái chính trị, ngoài đảng của ông và từ chối cho phép đối lập hợp pháp. Từ năm 1954 trở về sau, Hoa Kỳ thúc đẩy ông Diệm cải cách chính trị, và ông Diệm liên tục hứa cải cách nhưng không bao giờ thi hành.

Đường lối lãnh đạo độc tài của ông Diệm không làm dân chúng Nam Việt Nam hài lòng và dân chúng càng ngày càng không thích ông Diệm. Một cuộc đảo chánh quân sự chống ông Diệm vào tháng 11 năm 1960 nhưng ông thoát hiểm do có chia rẽ trong giới lãnh đạo quân đội. Ông Diệm khai thác việc này để tạo ra các phe phái chống đối lẫn nhau giúp ông vẫn tại vị.

Vào tháng 2 năm 1962, hai phi công bất mãn thả bom dinh Độc lập nhằm giết ông Diệm và có lãnh đạo mới nhưng lúc đó ông không có mặt tại khu vực bị đánh bom. Ông Diệm tái phối trí lại các sĩ quan để cải thiện an ninh cho ông nhưng ông vẫn không cải tổ chính trị.

Chính quyền tổng thống Kennedy từ năm 1961 đến năm 1963 liên tục gia tăng mức viện trợ quân sự cho Sài Gòn, tài trợ việc gia tăng các lực lượng vũ trang Việt Nam. Quân đội Mỹ và tình báo quân đội Mỹ, chú trọng đến việc cải thiện, đến tỉ số lớn mạnh giữa chính phủ và du kích tiếp sau việc gia tăng lực lượng và cho rằng cuộc chiến thành công. Các nhà ngoại giao và các giới chức viện trợ bi quan hơn. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA được lệnh đánh giá tình báo vào mùa xuân năm 1963, đã cho phép quan điểm của họ bị quân đội tác động và đưa ra một đánh giá về tình báo quốc gia, hạ giảm việc ông Diệm yếu kém về chính trị. Tổng thống Kennedy nghe những cảnh cáo từ các giới chức Bộ Ngoại giao và những hình ảnh màu hồng của quân đội, và cảm thấy an tâm về những đánh giá của CIA.

Cảm tưởng của Tòa Bạch Ốc bị tiêu tan bắt đầu vào ngày 8/5 khi lực lượng an ninh Nam Việt Nam, hành động theo lệnh của một trong những anh em của ông Diệm bắn vào một đám đông Phật tử tuần hành kỷ niệm Phật Đản 2527 năm. Lý lẻ để giải tán cuộc tuần hành này không quan trọng hơn việc các Phật tử bất chấp một lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngoài cờ Nam Việt Nam. Một người anh của ông Diệm là Giám mục Công Giáo La Mã trong cùng khu vực tại Nam Việt Nam đã treo cờ mà không bị trừng phạt chỉ vài tuần trước khi ông được thăng chức trong giáo hội. Người Phật tử có thể được khuyến khích bằng hành động này nên nghĩ rằng hành động của họ cũng được cho phép như vậy. Việc đàn áp cuộc tuần hành của Phật tử tại cố đô Huế đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị có tên là “cuộc khủng hoảng Phật Giáo” bùng nổ tại Sài Gòn trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1963.

Tuy nhiên hai anh em ông Diệm liên hệ đến cuộc đàn áp tại Huế không phải là vấn đề chính của lãnh đạo tại Sài Gòn. Ông Ngô Đình Nhu ngồi trong Dinh Độc lập với tư cách là cố vấn, người lôi kéo công luận, phái viên và người giật giây của chính phủ Sài Gòn. Ông Ngô Đình Nhu được người dân Nam Việt Nam xem là mối đe dọa hơn ông Diệm. Ông điều khiển đảng của ông Diệm, một số cơ quan tình báo, và Lực lượng Đặc biệt được thành lập theo một trong những chương trình viện trợ của Mỹ.

Ông Nhu có một quan điểm rất tiêu cực về những rắc rối do Phật Giáo gây ra. Ông Diệm đối phó với cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Có lúc ông bác bỏ những chuyện đã xảy ra và hứa cải cách chính trị và tôn giáo và thương thuyết về một tạm ước với các Phật tử được thực hiện tại Sài Gòn. Tuy nhiên ông Nhu khuyến cáo nhà lãnh đạo Nam Việt Nam rút lại thỏa thuận và một lần nữa ông không ban hành những nhượng bộ về chính trị như đã thỏa thuận.

Những cuộc biểu tình của Phật Giáo đến Sài Gòn vào cuối tháng 5 và hầu như trở thành hàng ngày. Vào ngày 11/6 chống đối chính phủ đạt một mức độ mới sau khi một nhà sư tự thiêu tại ngả tư một đường phố đông người như là cao điểm của cuộc biểu tình. Hình ảnh cuộc tự thiêu làm cả thế giới kinh hoàng và lảm cho cuộc khủng hoảng Phật Giáo trở thành một vấn đề tại Mỹ đối với tổng thống Kennedy, hiện phải đối phó với những vấn đề gay go trong việc viện trợ kinh tế và quân sự cho một chính phủ rõ ràng vi phạm nhân quyền đối với người dân của họ.

CIA thêm vào một phụ lục trong bản đánh giá tình báo trước đây về viễn ảnh chính trị của ông Diệm, và tình báo Bộ Ngoại giao đưa ra một phúc trình tiên đoán những rắc rối chính tại Sài Gòn.

Tình hình tồi tệ thêm của Tổng thống Diệm khiến ông phải tuyên bố thiết quân luật vào tháng 8/1963 và vào ngày 21/8, dùng quyền hạn thiết quân luật để bố ráp chùa chiền của những nhóm đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Ông Nhu tiến hành cuộc bố ráp như thể là các chỉ huy quân đội đứng đằng sau những cuộc bố ráp đó và sử dụng lực lượng do CIA tài trợ để thực hiện cuộc bố ráp.

■ Đảo chánh quân sự

Theo tài liệu của Thư viện Tổng thống John F. Kennedy và của Cơ quan An ninh Quốc gia thì Giám đốc CIA lúc bấy giờ là John A. McCone đã thuyết trình cho Tổng thống Kennedy trong vòng 24 giờ sau khi một tướng lãnh quân đội Miền Nam Việt Nam tiếp xúc với nhân viên tình báo Mỹ Lucien Conein tại Sài Gòn. Tướng Trần Văn Đôn nói với ông Conein vào ngày 8/7/1963 là có những kế hoạch của quân đội lật đổ Tổng thống Diệm, nhưng ông không cho biết ngày giờ rõ rệt, chỉ nói là trong vòng 10 ngày. Ông cho biết là tất cả tướng lãnh, trừ một hay hai người, đồng ý với kế hoạch đảo chánh. Tướng Đôn nói thêm là quân đội cần phải hành động để ngăn Việt Cộng lợi dụng cuộc khủng hoảng Phật Giáo đang tiếp diễn. Ngoài ra ông McCone còn nói là còn có một âm mưu khác do Bác sĩ Trần Kim Tuyến, cựu giám đốc mật vụ của ông Diệm dự trù thực hiện vào ngày 10/7 với sự hợp tác của một số thành phần trong quân đội. Nhưng cuối cùng ông Tuyến được cử làm đại sứ Việt Nam tại Ai Cập. Trong một bản ghi nhớ gởi Tổng Thống Kennedy ngay trước phiên họp 4 giờ chiều ngày 27/8/1963, ông Michael V. Forrestal, phụ tá hàng đầu của Cố vấn An ninh Quốc gia, McGeorge Bundy, nói có báo cáo về một âm mưu đảo chánh do ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam, đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống nếu thành công.

Trích xuất công điện “tối mật” ngày 9 tháng Bảy, 1963: “Nam Việt Nam vẫn tiếp tục cứng đầu đối với vấn đề Phật Giao chưa thể giải quyết và một âm mưu đảo chánh ngày càng gia tăng chắc chắn.”

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn01.pdf

Về phần Mỹ, Tổng thống Kennedy quyết định thay đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Frederick E. Nolting và cử ông Henry Cabot Lodge thay thế. Ngày 18/8/1963, đại sứ Cabot Lodge gặp Tổng Thống Kennedy tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Kennedy bày tỏ ý kiến là cần phải làm một chuyện gì đó đối với ông Diệm nhưng ông chưa chắc chắn là ngoài ông Diệm, Mỹ có thể ủng hộ ai tại Sài Gòn. Tổng thống Kennedy muốn ông Cabot Lodge đánh giá việc này. Trước khi đi Việt Nam ông Lodge đã có gặp ông bà Trần Văn Chương, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và là bố mẹ của bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu. Đại sứ Cabot Lodge đến Việt Nam trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Diệm ngày 26/8/1963.

Tại Tòa Bạch Ốc, trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 8/1963, Tổng thống Kennedy họp với các phụ tá, cố vấn, Hội đồng An ninh quốc gia, giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Trung ương tình báo để thảo luận về yêu cầu đảo chánh tại Việt Nam.

Vào lúc này, Đại sứ Cabot Lodge tại Sài Gòn đã nhận được điện văn của ông Roger Hilsman, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Viễn Đông Sự vụ thường được gọi là DepTel 243 để trả lời cuộc tiếp xúc giữa Tướng Trần Văn Dôn và giới chức CIA cao cấp tại Sài Gòn Lucien Conein ngày 23/8, nêu rõ lập trường của chánh phủ Mỹ là loại bỏ ông Ngô Đình Nhu và nếu ông Diệm từ chối thì ông Diệm cũng sẽ chịu chung số phận.

Công điện tối mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu “có hành động lập tức,” có đoạn “bây giờ thì đã rõ có phải quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hay ông Nhu nhử họ vào cái bẫy ấy…”

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn02.pdf

Cuộc thảo luận trong 3 ngày cuối tháng 8 xoay quanh vấn đề liệu có xác nhận những chỉ thị trong điện văn của ông Hilsman hay không. Tại các cuộc thảo luận này có hai phe rõ rệt. Các ông Hilsman, Averell Hariman, thứ trưởng ngoại giao phụ trách chính trị sự vụ và viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia Michael Forestall đồng ý vụ đảo chánh, trong khi một số người chống đối đứng về phía cựu đại sứ Nolting. Chống đối về phía quân đội có Đại tướng Maxwell Taylor, chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp và Tướng Krulak. Ngoài ra phe chống đối còn có Giám đốc CIA John McCone và William Colby, Trưởng ban Viễn Đông của CIA. Tổng thống Kennedy đóng vai điều hợp các cuộc thảo luận. Ông cũng xem Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và em ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, là những người chống đối khác.

Các giới chức Mỹ cũng bất đồng ý kiến về người lãnh đạo sau khi hai ông Diệm, Nhu bị lật đổ. Không như cựu Đại sứ Nolting cho rằng không có ứng cử viên nào cả thì Văn phòng Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao (INR) đưa ra một danh sách dài và nhấn mạnh rằng “Chúng tôi tin là Việt Nam không phải đối mặt với bất cứ sự thiếu vắng nào về người lãnh đạo hữu hiệu không Cộng Sản.” Ông Thomas L. Hughes, giám đốc INR ngày nay vẫn tự hào về danh sách các chuyên gia của ông tập họp vào năm 1963.

Công điện mật 25 tháng 10, 1963: Danh sách các nhân vật dân sự được xem là có thể thay thế tổng thống Ngô Đình Diệm hậu đảo chánh.

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn16.pdf

Ngày kế tiếp, INR soạn thảo một tài liệu về “vấn đề ông Nhu” trong đó các nhà phân tích nói rằng theo nhận xét của người miền Nam Việt Nam thì ông Nhu đã trở nên một quyền lực chế ngự tại Sài Gòn, hành xử “một ảnh hưởng bất di bất dịch, không đếm xỉa gì đến ông Diệm”.

Trong một phúc trình đề ngày 24/7/1963 về một cuộc gặp với ông Ngô Đình Nhu, văn phòng trưởng CIA tại Sài Gòn, John Richarson, nói ông Nhu cho rằng các Phật tử tuyên truyền cho cộng sản và che dấu cán bộ cộng sản trong số các nhà sư tại một số chùa quan trọng nhất. Ông Nhu cũng bắt đầu tiếp xúc hàng tuần với các tướng lãnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) và nói về cuộc đảo chánh-và ông nói với CIA rằng đây là một cuộc “phân tích tâm lý” nhằm làm cho các sĩ quan này tiết lộ ý định của họ. Phúc trình ông Richardson đưa ra nhận xét là ông Nhu đang chuẩn bị cho một cuộc đảo chánh trong một trường hợp nào đó chống lại ông Diệm và ông là người lãnh đạo cuộc đảo chánh.

Báo của của CIA ngày 24 tháng Bảy, 1963 trong đó đề cập đến các nhận định của ông Ngô Đình Nhu về vấn đề Việt Cộng xâm nhập Phật Giáo.

https://nsarchive.gwu.edu/dc.html?doc=7279414-National-Security-Archive-Doc-01-CIA-Information

Những người thân cận với Tổng thống Kennedy kết luận là ông Nhu phải ra đi và nếu ông Diệm từ chối loại bỏ ông Nhu thì ông Diệm cũng sẽ phải ra đi.

Qua đến tháng 9, tháng 10, Washington tìm cách nêu lên lập trường bằng cách cứu xét việc di tản công dân Mỹ, rút quân và ngưng viện trợ của CIA cho lực lựơng đặc biệt Việt Nam. Tổng thống Kennedy muốn hiểu tình hình cặn kẻ hơn nên đã cử nhiều toán nghiên cứu đến Sài Gòn, trong đó có ông Huntington Seldon của CIA, bộ trưởng Robert McNamara, Tướng Maxwell Taylor, Tướng Krulak và ông Joseph Mendenhall. Tất cả các toán này tường trình cho Tổng thống Kennedy, xác nhận những điều INR đã viết trong tài liệu “vấn đế ông Nhu”.

Vào ngày 15/9 Ngoại trưởng Dean Rusk gởi điện cảnh báo đại sứ Cabot Lodge là vụ đảo chánh nêu trong điện tín của ông Hilsman “hoàn toàn ngưng lại” và không nên có nỗ lực nào để khơi động bất cứ âm mưu đảo chính nào. Chưa có quyết định nào được Washington đưa ra. Cùng lúc đó đại sứ Cabot Lodge dính líu đến một vụ tranh chấp với CIA về việc thay đổi người đứng đầu CIA tại Sài Gòn. Trong khung cảnh này, Tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu có cuộc gặp với CIA. Cuộc tiếp xúc và cuộc họp sau đó báo cho Mỹ biết là ông Nhu đang tìm cách tiếp xúc với Hà Nội và nhắc lại kế hoạch đảo chánh vẫn còn và thông báo với CIA là quân đội đang chờ ông Diệm trả lời đòi hỏi của quân đội có chân trong nội các.

Vào ngày 5/10, Tướng Dương Văn Minh gặp ông Conein với tư cách là người cầm đầu cuộc đảo chính nhắc lại lời yêu cầu vào tháng 8 là Mỹ bày tỏ sự ủng hộ cuộc đảo chánh và đảm bảo với nhân viên CIA là cuộc đảo chánh sẽ xảy ra trong tương lai gần và phác họa một vài giải pháp đảo chánh. Tướng Minh nói giải pháp “dễ nhất” là ám sát hai người em của ông Diệm và vẫn giữ ông Diệm là một người lãnh đạo không thực quyền.

Sau đó, Tòa Đại sứ Mỹ và văn phòng CIA ở Sài Gòn đóng vai trò tích cực hơn trong tư cách quan sát viên của việc đảo chánh tại Miền Nam Việt Nam. Từ đó có thêm nhiều cuộc tiếp xúc với các tướng lãnh Việt Nam.

Theo tài liệu của CIA, từ ngày 23/8 đến 23/10/1963, các tướng lãnh Việt Nam đã gặp nhân viên CIA tất cả 21 lần để chuyển đạt tin tức về cuộc đảo chánh và dò xét thái độ của Mỹ đối với đảo chánh. Phần lớn những cuộc họp này chỉ có một hay hai tướng đại diện trong đó có các tướng Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Dương Văn Minh. Riêng lần gặp ngày 29/8, ngoài các tướng lãnh còn có một người không thuộc giới quân nhân là ông Bùi Diễm, thuộc Đảng Đại Việt, tháp tùng Tướng Lê Văn Kim trong cuộc tiếp xúc với phía Mỹ.

Một hồ sơ giải mật được giải mật liên quan đến tài liệu vụ ám sát tổng thống Kennedy.

https://nsarchive.gwu.edu/dc.html?doc=7279426-National-Security-Archive-Doc-13-CIA-Memo

Ngày 29/10/1963, Tổng thống Kennedy triệu tập một phiên họp với các cố vấn có sự tham dự của Phó Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Tướng Tay lor và Tướng Krulak để duyệt lại một lần nữa về việc có nên hay không nên ủng hộ đảo chánh của các tướng lãnh Việt Nam. Trong phiên họp này ngoại trưởng Dean Rush lo ngại về khả năng giao tranh kéo dài giữa hai phe ủng hộ và chống đảo chánh có thể làm nhiều người chết. Một lo ngại khác nữa của ông là trường hợp một hay cả hai bên đều kêu gọi Mỹ ủng hộ thì phải giải quyết ra sao. Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy thì cho rằng về quan điểm của Mỹ thì cuộc đảo chánh không có ý nghĩa vì đặt tương lai cả Việt Nam và của Đông Nam Á vào tay những người Mỹ không biết rõ. Mỹ chỉ biết ông Diệm là một người tranh đấu và sẽ tranh đấu đến cùng. Ông kết luận là Mỹ phải đóng một vai trò chính trong việc tìm hiểu kế hoạch của phe đảo chính ra sao và ảnh hưởng để cuộc đảo chánh có nên diễn ra hay không. Ông chỉ ra rằng dù Mỹ có làm hay không làm thì Mỹ vẫn bị đổ lỗi cho kết quả. Tổng thống Kennedy khuyến cáo là phe đảo chánh nên được có ưu thế về quân sự. Tổng thống giao cho Đại sứ Cabot Lodge tìm hiểu xem lập trường của các đơn vị quân đội chính đối với cuộc đảo chính như thế nào.

Cuộc đảo chánh thực sự bùng nổ ngày 1/11/1963 và anh em ông Diệm Nhu bị giết ngày 2/11/1963. Trước đó, vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 1/11/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm gọi cho Đại sứ Cabot Lodge yêu cầu cho biết về thái độ của Mỹ đối với cuộc đảo chánh. Đại sứ Lodge trả lời là ông có nghe tiếng súng nổ, nhưng ông không biết rõ các sự kiện và không có thông tin đầy đủ để trả lời. Vả lại tại Washington là 4 giờ rưỡi sáng nên chính phủ Mỹ không thể nào có quan điểm chính thức vào lúc này. Ông Cabot Lodge bày tỏ sự lo ngại về an toàn của tổng thống Diệm và hỏi thêm là tổng thống có biết phe đảo chánh đề nghị hai anh em ông ra nước ngoài nếu ông từ chức hay không thì ông Diệm trả lời không biết. Ông Cabot Lodge kết thúc câu chuyện bằng cách hứa là ông sẽ làm đủ mọi cách có thể được để bảo đảm an toàn cho ông Diệm nếu ông Diệm gọi cho ông.

Tài liệu ghi lại cuộc nói chuyện của TT Ngô Đình Diệm và Đại Sứ Cabot Lodge, 1 tháng 11, 1963, ngày đảo chánh: “4 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 11, 1963, phủ Tổng thống liên lạc tư dinh chúng tôi. TT Diệm đòi nói chuyện với đại sứ [Lodge]”.

https://nsarchive2.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB101/vn23.pdf

Tại Washington, khi nhận được tin này, tổng thống Kennedy không tin là hai ông Diệm Nhu tự tử vì cả hai là tín đồ Công Giáo.

Báo cáo của CIA gởi về Washington nói rằng họ tin hai anh em Diệm Nhu bị giết thay vì tự tử như một số tin. Đại sứ Cavot Lodge lái xe chạy vòng quanh Sài Gòn và được hoan hô. Không có chỉ dấu cho thấy có tình cảm chống Mỹ. CIA cho rằng việc chống nổi dậy sẽ gặp trở ngại tạm thời vì ấp chiến lược và chương trình bán quân sự do ông Nhu điều hành bị giải tán.

 

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/ho-so-giai-mat-dao-chanh-ngo-dinh-diem-kennedy-nhu/5659845.html

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
CHÚC MỪNG TỔNG THỐNG TÂN CỬ JOE BIDEN

(Việt dịch của Cư sĩ Nguyên Giác)



Viết từ thị trấn Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Vào sáng ngày 8/11/2020, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết thư gửi ông Joe Biden để chúc mừng đã thắng cuộc bầu cử để nhận nhiệm vụ Tổng Thống kế tiếp của Hoa Kỳ.

Ngài viết, "Như ngài có thể biết, tôi từ lâu đã ngưỡng mộ Hoa Kỳ như là trụ cột nương tựa cho tự do, dân chủ, tự do tôn giáo và pháp quyền. Nhân loại đặt hy vọng lớn trong viễn kiến dân chủ và năng lực lãnh đạo của Hoa Kỳ trong cương vị lãnh đạo của thế giới tự do. Đặc biệt trong các thời đại đầy thách thức này, tôi hy vọng ngài sẽ có thể đóng góp để kiến tạo một thế giới hòa bình hơn, trong đó những người thọ khổ vì đói nghèo và bất công sẽ tìm được cứu tế. Nhu cầu giải quyết các nan đề này, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu, là thực sự thiết yếu.

"Xin cho tôi cũng ca ngợi ngài đã lựa chọn một phụ nữ, bà Kamala Harris, làm Phó Tổng Thống cho ngài.

"Sau khi tôi trao lại thẩm quyền chính trị về các vấn đề liên hệ tới chính nghĩa Tây Tạng cho các dân cử lãnh đạo Tây Tạng lưu vong, tôi đã tập trung vào việc đề cao các giá trị con người, hòa hợp tôn giáo và các nguyên tắc của bất bạo động và từ bi, mà tôi tin là rất cần trong thế giới hôm nay.

"Tôi muốn cảm ơn ngài về sự hỗ trợ của ngài cho dân tộc Tây Tạng, trong thời kỳ ngài làm việc ở Quốc Hội và trong chính phủ trước đây, cũng như bản văn của ngài hồi tháng 9 trong năm nay. Dân tộc Tây Tạng rất may mắn nhận được tình bạn và sự khuyến khích của người dân Hoa Kỳ và các vị Tổng Thống trong nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ và bảo tồn  nền văn hóa Phật giáo xưa cổ --- một nền văn hóa của hòa bình, bất bạo động và từ bi --- đó đã là năng lực lớn để làm lợi ích cho nhân loại như một tổng thể. Thay mặt dân tộc Tây Tạng, tôi nhân cơ hội này xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi một lần nữa.

"Tôi cầu chúc cho ngài trọn vẹn thành công khi đối phó các thách thức nằm phía trước để đáp ứng đầy đủ các hy vọng và mong muốn của người dân Hoa Kỳ và trong việc đóng góp cho một thế giới hòa bình và hòa hợp hơn."

Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc lá thư bằng cách tụng kinh hồi hướng và chúc lành.



Bản tin gốc:
https://www.dalailama.com/news/2020/congratulating-president-elect-joe-biden  

Congratulating President-Elect Joe Biden

November 8, 2020

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - This morning His Holiness the Dalai Lama has written to Joe Biden to congratulate him on his election as the next president of the United States of America.

“As you may be aware,” he wrote, “I have long been an admirer of the U.S. as the anchor of liberty, democracy, religious freedom and the rule of law. Humanity places great hope in the democratic vision and leadership of the U.S. as leader of the free world. Particularly in these challenging times, I hope you will be able to contribute to shaping a more peaceful world in which people suffering poverty and injustice find relief. The need to address these issues, as well as climate change, is indeed pressing.

“May I also commend you for your choice of a woman, Kamala Harris, to be your Vice President.

“Following my devolution of political authority over matters relating to the cause of Tibet to the elected Tibetan leadership in exile, I have been committed to promoting human values, religious harmony and the principles of non-violence and compassion, which I believe are very much needed in today's world.

“I would like to thank you for your support for the Tibetan people, during your time in Congress and the previous administration, as well as for your statement in September this year. It has been the Tibetan people's good fortune to have received the friendship and encouragement of the American people and their respective Presidents in our endeavor to protect and preserve our ancient Buddhist culture — a culture of peace, non-violence and compassion — that has great potential to benefit humanity as a whole. On their behalf, I take this opportunity to express my gratitude once again.

“I wish you every success in meeting the challenges that lie ahead in fulfilling the hopes and aspirations of the people of the United States and in contributing to a more peaceful and harmonious world.”

His Holiness concluded his letter by offering his prayers and good wishes.