TỔNG GIÁM MỤC NGÔ ĐÌNH THỤC:
NHIỀU THAM VỌNG NHỀU CAY ĐẮNG
Văn Thư
Theo lời nhận xét của ông Quách
Tòng Đức, từng làm Đổng lý Văn phòng cho Ngô Đình Diệm khi ông này ngồi trên
ghế Tổng thống của cái gọi là nền Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam, trong gia đình họ
Ngô theo Công giáo thời ấy có hai người đã gây nên nhiều tiếng xấu nhất trong
dư luận là Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình
Nhu, và Tổng Giám mục Ngô Đình Thục.
Là
một người khoác áo nhà tu nhưng Ngô Đình Thục đã có không ít những hành động
sai quấy cả trên phương diện đạo đức lẫn chính trị, khiến cho chế độ gia đình
trị của hai người em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu rốt cuộc đã bị xoá sổ mau
chóng sau chưa đầy một thập niên làm mưa làm gió trên chính trường Sài Gòn.
TGM Ngô Đình Thục và
lá thư gửi Toàn quyền Decoux xin tha tội cho hai em Diệm và Nhu
Trong số con cái của trọng thần triều Nguyễn Ngô
Đình Khả, người con trai thứ hai Ngô Đình Thục chọn riêng một lối đi tôn giáo
nhưng không phải vì thế mà không lấm bụi thế sự. Đặc biệt từ sau năm 1945, khi
người anh cả Ngô Đình Khôi, một viên quan rất có máu mặt và khét tiếng gian ác
của chế độ Nam Triều bị nhân dân trừng trị và phải chết bất đắc kỳ tử, Ngô Đình
Thục đã nhận lấy "quyền huynh thế phụ" và vì thế, càng có những ảnh
hưởng quyết định đến những xoay vần thế cuộc của dòng họ Ngô Đình. Nhiều nguồn
tư liệu đã chứng minh vai trò không thể gì thay thế được của Ngô Đình Thục
trong những móc nối với các thế lực ngoại quốc để đưa người em trai của ông ta
là Ngô Đình Diệm lên ngôi vị hàng đầu của chính trường Sài Gòn những năm đầu
thập niên 50 của thế kỷ trước.
Tổng Giám mục Ngô Đình Thục có tên thánh là
Pièrre Martin, sinh ngày 6-10-1897 tại Phủ Cam, Huế. Thuở thiếu thời, Ngô Đình
Thục đã được gia đình cho theo học tại trường tư thục Pellerin ở Huế. Năm 12
tuổi (1909), Ngô Đình Thục đã vào học ở Tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị) rồi
tới tháng 9/1917, vào học ở Đại Chủng viện Phú Xuân thuộc Giáo phận Huế. Có lẽ
ngay từ khi đó giới giáo chức cao cấp ở Huế cũng như gia đình họ Ngô đã nhận ra
thiên hướng có thể ăn nên làm ra trên con đường tu hành của Ngô Đình Thục nên
Chánh xứ Phủ Cam khi đó là Eugène Marie Joseph Allys (thường gọi là Cố Lý,
1852-1936) tháng 11/1919 đã gửi cậu giáo sinh họ Ngô đi du học Trường Truyền
giáo Rome. "Con ông cháu cha" nên Ngô Đình Thục ngay ở Rome cũng rất
được chăm bẵm.
Cuối năm 1922, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, bạn
đồng liêu của Ngô Đình Khả, cũng là một người Công giáo, sau khi tháp tùng vua Khải
Định du ngoạn sang Pháp "như một món
hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ" (chữ dùng của Nguyễn ái
Quốc) đã đến thành Rome. Sẵn quan hệ cũ, Nguyễn Hữu Bài đã mang theo cậu giáo
sinh Ngô Đình Thục vào yết kiến Đức Giáo hoàng Piô XI. Sự việc này đã có tác
động tốt đến hoạn lộ sau này của Ngô Đình Thục.
Cũng trong năm đó, Ngô Đình Thục đã có được bằng
Tiến sĩ Triết học. Ngày 20/12/1925, Ngô Đình Thục đã được phong chức linh mục
rồi đi dạy ở Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp. Năm 1926, Ngô Đình Thục lấy được
bằng Tiến sĩ Thần học và năm 1927 có thêm Tiến sĩ Giáo luật ở Đại học
Appolinaire… Tiếp theo, Ngô Đình Thục qua Pháp học tại Institut Catholique de
Paris từ tháng 10/1927 đến tháng 6/1929 và đỗ Cử nhân Văn chương.
Trở về Việt Nam năm 1929, Ngô Đình Thục khi đó
còn là linh mục, làm giáo sư dòng Thánh Tâm ở Phường Đúc (Trường An) Huế, từ
tháng 11/1929. Đến tháng 9/1931, Giám mục Alexandre Chabanon (Giáo, 1873-1936)
đã bổ nhiệm Ngô Đình Thục làm giáo sư Đại Chủng viện Phú Xuân, Huế.
Tháng 10/1933, Ngô Đình Thục trở thành Giám đốc
Trường Thiên Hựu (Providence), một trường tư thục Công giáo tại Huế. Năm 1935,
ông ta còn kiêm luôn cả chức Chủ nhiệm báo Sacerdos
Indosinensis. Năm 1938, Ngô Đình Thục được thụ phong Giám mục Giám quản
tông Tòa Giáo phận Vĩnh Long… Từ thời điểm đó cho tới cuối những năm 50 của thế
kỷ trước, Ngô Đình Thục mặc dù chỉ ở Vĩnh Long nhưng đã tham gia khá tích cực
vào các cuộc vận động hành lang cho sự ra đời của một chế độ riêng của gia tộc
Ngô Đình.
Giám mục Ngô Đình Thục có ảnh hưởng mạnh mẽ tới
Ngô Đình Diệm cũng như những người em khác trong gia tộc Ngô Đình. Chính nhà tu
này đã có vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế những mối quan hệ hữu hảo
với phương Tây thông qua Hồng y Giáo chủ Spellman
để cuối cùng Washington đã chọn Ngô Đình
Diệm làm con bài chống Cộng chủ đạo ở Việt Nam sau khi quân đội viễn chinh
Pháp phải thua chạy khỏi đây sau trận Điện Biên Phủ. Cũng chính Ngô Đình Thục
đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình lôi Ngô Đình Diệm từ sân sau của chính trường Sài
Gòn để giúp ông thu được 98% (?!) số phiếu ủng hộ của các cử tri miền Nam trong
cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu ngày 23/10/1955 và nhờ thế, Ngô Đình Diệm đã qua
mặt được vua Bảo Đại tiến tới ngôi Tổng thống.
TGM Ngô Đình Thục
trả lời báo chí Mỹ tại thủ đô Washington -
Hồng y Spellman, người
được Giám mục Thục vận động để đở đầu cho “lá bài” Ngô Đình Diệm trong chính giới
Mỹ vào đầu thập niên 1950’
Một khi em đã làm "vua" thế sự thì anh
cũng dễ dàng hơn trong những thăng tiến ở nhà thờ. Ngày 24/11/1960, Ngô Đình
Thục đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Huế. Và ông ta đã tận dụng
tối đa ảnh hưởng của ông em Tổng thống để triển khai đủ loại hoạt động kinh tế
(thí dụ như khai thác lâm sản, mua thương xá Tax, làm chủ nhà sách Albert
Portail...), để kiếm lời bạc tỷ. Thậm chí đã có lúc Ngô Đình Thục dùng lính bộ binh và cả xe bọc thép thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ và vận chuyển cho các vụ khai thác gỗ rừng trong các
tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, lấy vật liệu của công và nhân viên chính quyền để
xây cư xá Vĩnh Long, tổ chức lễ Ngân khánh (25 năm ngày Ngô Đình Thục được
Vatican phong làm Tổng Giám mục) cưỡng ép công chức cao cấp và thương gia nộp
tiền… Một vị linh mục ở Sài Gòn thời đó tên là Trần Tam Tỉnh đã thuật lại việc
tổ chức mừng lễ Ngân khánh trong quyển biên khảo Thập giá và Lưỡi gươm (Nhà xuất bản Sud - Est Asie, Paris, 1978):
"Từ tháng 3/1963, một ủy ban ngân
khánh đã được thành lập do chủ tịch quốc hội làm chủ tịch với nhiều vị bộ
trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên. Người ta tổ chức tại Sài Gòn một bữa
tiệc mà mỗi thực khách phải đóng 5.000 đồng. Người ta muốn biến lễ Ngân khánh
này thành quốc lễ".
Cách hành xử như thế của Ngô Đình Thục hiển nhiên
là đã gây nên nhiều bê bối trong dư luận nhưng Ngô Đình Diệm vẫn cứ đoan chắc
rằng ông anh mình không làm điều gì sai quấy vì số tiền kiếm ra dường như đã
được dùng vào việc nuôi sống Trường Đại học Đà Lạt do chính Ngô Đình Thục lập
ra cũng như để đáp ứng các nhu cầu khác của nhà thờ. Thật nực cười! Không chỉ trục
lợi kinh tế mà Tổng Giám mục Ngô Đình Thục còn tạo nên những lý do chính trị
tai hại đối với chế độ Diệm - Nhu. Nhiều nguồn tư liệu còn lại tới hôm nay cho
rằng, Ngô Đình Thục khi ở trên đỉnh cao danh vọng tôn giáo đã bị hoang tưởng về
quyền lực của mình cũng như của gia tộc mình và đã đánh đồng thần quyền với thế quyền. Là anh của Tổng thống Diệm, Ngô
Đình Thục nghĩ rằng ông ta, như linh mục Trần Tam Tỉnh nhận xét "đã hóa thành trí não tuyệt vời của chế độ.
Người ta tìm đến ông để xin xỏ ân huệ, đặc quyền. Giám mục làm như là hiện thân
của giáo hội, cũng như ông em là hiện thân của Nhà nước…".
Một nhân chứng khác ở thời đó đã ghi chép lại về
thời miền Nam nằm dưới sự trị vì của chế độ gia đình trị của dòng họ Ngô Đình
như sau: "Các linh mục thuộc tập đoàn
Ngô Đình Diệm đã ra sức thao túng, bóc lột, cướp tài sản của dân chúng. Có
những linh mục bắt các quận trưởng phải
nộp tiền bạc, để làm cái này, làm cái kia, nếu ai không tuân lệnh, họ sẽ
báo cáo xấu lên tổng thống mà bị mất chức hoặc bị ngồi tù. Vì muốn Ngô Đình
Thục được làm Hồng y, vây cánh Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn để gia tăng
giáo dân, trong đó có việc cưỡng bách sĩ
quan, binh sĩ và dân chúng theo Thiên Chúa giáo, ai không theo bị chúng vu
khống là cộng sản rồi bắt bỏ tù. Họ khủng bố Cao Đài, Hòa Hảo, tận diệt
Quốc Dân đảng và Đại Việt…".
Viên sĩ quan dù cao cấp về sau trở thành tướng
nổi loạn Nguyễn Chánh Thi đã nhận xét về sự lộng hành của một số linh mục thời
Diệm - Nhu: "Cứ hầu như mỗi một tỉnh
của miền Nam, nhất là tại miền Trung, có một linh mục có quyền sinh sát trong
tay mà chả ai đả động đến, vì đằng sau họ là sức mạnh chính quyền. Họ còn lộng
hành hơn là nhận đơn kiện cáo của con
chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến tỉnh trưởng hay quận trưởng, bảo phải xử theo ý
của linh mục A, linh mục B, không thì mất chức. Một số linh mục dưới chế độ
Ngô Đình Diệm, họ sống như các ông vua của một xứ xưa kia!...".
Cũng theo linh mục Trần Tam Tỉnh, đáp lại các lời
chỉ trích, giám mục Thục nói với ICI, tạp chí Công giáo số 15/4/1963, rằng
"Trên bàn giấy của tôi chồng chất cả
lô đơn xin tôi can thiệp cho họ ơn này, ơn nọ, khổ thay thường chỉ là thế tục.
Tôi không thể dửng dưng được trước lời kêu gọi của họ! ở vào địa vị của tôi các
ông sẽ xử sự như thế nào?". Giả dối đến thế là cùng!
Tổng Giám mục Ngô Đình Thục cũng là một người mang nặng tư tưởng phân biệt tôn giáo.
Thậm chí không ít người ở miền Nam khi đó còn cho rằng, Tổng giám mục Ngô Đình
Thục đã nuôi tham vọng Công giáo hóa
toàn bộ cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa. Chính những lùm xùm xung quanh lễ
Ngân khánh năm 1963 đã châm ngòi lửa cho những biến cố Phật giáo, gây nên mối
nguy hiểm chí tử đối với chế độ tay sai này của Mỹ ở Sài Gòn. Mọi sự quá mù ra
mưa tới mức Vatican cũng lên án chính
phủ Diệm - Nhu và quyết định rút Tổng Giám mục Ngô Đình Thục ra khỏi Việt
Nam.
Nhận thức được hiểm họa này, Washington đã không
khoanh tay thúc thủ và quyết định gây sức ép để loại bỏ Ngô Đình Thục ra khỏi
trung tâm quyền lực ở Sài Gòn. Ngày 20/8/1963, Nhà Trắng đưa Cabot Lodge sang
làm đại sứ ở Sài Gòn với những chỉ thị mang tinh thần khác hẳn trước đây…
Giờ cáo chung đã điểm đối với quyền lực chính trị của gia tộc Ngô Đình.
Trước đó khoảng 6 năm (1957), tại cố đô Huế đã xảy ra một điềm xấu: sét đánh đúng ngôi mộ của ông Ngô Đình Khả,
từng được xây cất rất kỹ lưỡng bởi một lực lượng công binh tinh nhuệ nhất của
chế độ Sài Gòn bằng những vật liệu có chất lượng tốt nhất...
Tháng 9/1963, Ngô Đình Thục rời Sài Gòn tới
Vatican để tìm cách vớt vát uy tín cho chế độ Diệm - Nhu trên trường quốc tế
(cũng là đúng ý Mỹ muốn ông ta đi cho "khuất mắt trông coi"). Tuy
nhiên, mọi sự đã muộn màng. Bản thân Ngô Đình Thục cũng bị Vatican tước bỏ chức
vụ tôn giáo.
Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 đã kết liễu tính
mạng của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn… Ngô Đình Thục đành
phải sống tha phương trong cảnh khá là bần hàn và mãi tới sau năm 1975, mới
được Vatican cho phục chức. Thế rồi Tổng Giám mục Ngô Đình Thục về hưu ở Mỹ và
phải sống tại một Viện dưỡng lão Công giáo thuộc tiểu bang Missouri cho tới khi
trút hơi thở cuối cùng ngày 13/12/1984.
Văn Thư
[Source: sachhiem.net
– 9/2008]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét