ĐẢNG CẦN LAO NHÂN VỊ VÀ CÁC TỔ CHỨC NGOẠI VI
Trần Văn Đôn
Trích trong "Việt Nam Nhân Chứng" (trang
141-144)
Hồi ký của Trung Tướng Trần Văn
Đôn
Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QĐVNCH
/ 1963
Tổng Tư Lệnh QĐVNCH kiêm Tổng
Trưởng Quốc Phòng / 1963-1964
Thượng Nghị Sĩ VNCH / 1967
Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng
Quốc Phòng Chính quyền VNCH 1974 - 1975
Ông Ngô Đình Diệm khi ổn định
được tình thế thì nắm toàn quyền mà không phân
quyền cho Tư Pháp và Quốc Hội. Trong Quốc Hội thì ông bà Ngô Đình Nhu và một số người thân tín mà họ đưa vào bằng đường
lối bầu cử gian lận nắm then chốt lèo lái. Tư Pháp thì bổ nhiệm những người dễ sai biểu. Hành Pháp, Tư Pháp, Lập Pháp ở
trong tay, vì vậy càng ngày Ngô Đình Diệm càng ngày trở thành độc tài đảng trị.
Ngày 17 tháng 4 năm 1955, trước
Quốc Hội Lập Hiến, Ngô Đình Diệm
trình bày chính sách Nhân Vị mà Ngô Đình
Nhu học được từ triết lý Nhân vị của E.Mounier .
Ông Ngô Đình Nhu muốn cho đảng
Cần Lao Nhân Vị là đảng duy nhất của
quốc gia, ông lý luận rằng chính quyền phải dựa trên một đảng chính trị mạnh, và đảng này
phải có một triết lý phù hợp tinh thần tôn trọng giá trị con người, mỗi con
người được coi như một huyền nhiệm tối thượng không thể thay thế được gọi là
nhân vị. Để đối đầu với lý thuyết Cộng Sản vốn không coi mỗi con người có giá
trị do đó không có nhân vị, lý thuyết Nhân Vị trên nguyên tắc là lý thuyết tốt,
tiếc rằng khi khai triển để trở thành căn bản cho sự hoạt động của một đảng
phái có những vấn đề thực tế của nó mà ông Ngô Đình Nhu và các cộng tác viên
của ông không vượt qua được .
Đảng Cần Lao Nhân Vị đang từ là
một lý thuyết chống Cộng đã biến thành một
phương tiện để được vào hàng ngũ những người nắm chánh quyền . Để trực tiếp nắm vững đảng, anh em
Ngô Đình Diệm dùng những cán bộ là các nhân viên cao cấp và người thân
tín. Những cán bộ này được hưởng nhiều quyền lợi. Thời đó có một nguyên tắc
truyền miệng mà những người muốn có
quyền hành đều cố gắng đạt cho được, đó là nguyên tắc phải có ba chữ C đứng
đầu, nghĩa là phải :
- Cần Lao,
- Công Giáo,
- Centre VietNam ( tức là người miền
Trung ).
Cần Lao Nhân Vị kiểm soát luôn Quân Đội qua Đại Tá Lê Quang
Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt dưới quyền trực tiếp của Ngô Đình Nhu.
Cán bộ Cần Lao kiểm soát tất cả các tổ
chức kinh tế của chính phủ. Cần Lao có một Lữ đoàn quan sát viên và liên lạc
viên : Nửa dân sự, nửa quân sự gồm 35.000 đảng viên trực thuộc thẳng Ngô Đình
Nhu. Cảnh sát bí mật, thường được gọi là Mật vụ hoạt động song song với các cơ
quan tương đương chính quyền, nhưng cán bộ Cần Lao không báo cáo theo hệ thống
chính quyền mà báo cáo thẳng với trung
ương nên không ai biết người có trách nhiệm.
Rất nhiều nơi các Tỉnh trưởng,
Quận trưởng, Ty trưởng sợ cán bộ Cần Lao, dân
chúng lại càng sợ Cần Lao hơn nữa, vì vậy mà họ lộng hành tác oai tác quái.
Cán bộ của Đảng Cần Lao NhânVị
được tổ chức theo từng tổ, một tổ từ 5 đến 25 đảng viên, sinh hoạt ngay tại cơ
quan làm việc của mình. Đảng viên trong tổ gặp nhau hằng ngày.
Tổ chức Đảng Cần Lao Nhân Vị hầu
như có mặt trong khắp các cơ quan song song với tổ chức hành chánh từ thị xã
đến trung ương với đảng viên hầu hết là các ông công chức từ cao cấp trên trung ương xuống đến cac
cấp thấp ở các thị xã.
Về mặt nhân dân, ông Ngô Đình Cẩn
tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia.
Cũng theo hệ thống Trung ương
xuống đến ấp, phường. Lãnh đạo phong trào là ông Ngô Đình Cẩn và các viên chức
cao cấp " 3C " ở trung ương. Tại các địa phương thì các công chức địa
phương, đa số ban chấp hành là công chức " 3C "; ngoài ra kết nạp
thêm vài người uy tín địa phương vào ban chấp hành cho có vẻ đoàn thể của dân.
Nhiệm vụ của Phong Trào là tuyên truyền và cho cán bộ đoàn viên học tập chính
trị. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tổ chức sâu rộng đến xã, phường, kết nạp hầu
hết những người tương đối có chút kiến thức. Họ mời đến họp và đưa đơn cho gia
nhập. Không ai dám từ chối vì sợ nghi ngờ thiên cộng sản, hay chống đối chính
quyền.
Chẳng bao lâu tổng số đoàn viên
Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia lên quá cao. Thấy số đoàn viên quá đông đảo,
trung ương nảy sanh ý sắp xếp hàng ngũ nhân dân, lựa tùy số tuổi phân hạng : thanh niên, thanh
nữ, thiếu niên, thiếu nữ, phụ lão... Bốn đoàn thể trẻ gồm Thanh niên, Thanh nữ,
Thiếu niên và Thiếu nữ mặc đồng phục mổi khi làm lễ hoặc diễn hành, và tùy theo
hệ thống hành chánh mà đặt danh xưng. Thí dụ ở quận thì gọi Quận đoàn. Thành
phố hay thị xã thì gọi là Thành đoàn. Các đoàn thể thanh niên này chỉ sinh hoạt
một thời gian ngắn rồi biến sang Thanh niên,
Thanh nữ Cộng Hòa với đồng phục duy nhất : Bộ âu phục màu xanh nước
biển.
Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia
khởi xướng năm 1955 có 10.000 đoàn viên. Năm 1956 đã lên đến 1.000 000 đoàn
viên, và năm 1963 lên đến 2.000 000 đoàn
viên. Ngoài ra còn chưa kể đến hàng triệu đoàn viên Thanh niên, Thanh nữ Cộng
Hòa, mấy trăm ngàn đoàn viên Phong Trào
Phụ Nữ Liên Đới bao gồm Thanh nữ bán quân sự do bà Ngô Đình Nhu lãnh đạo.
Sau Thanh niên Thanh nữ Cộng Hòa
năm 1961, bà Nhu cho ra đời Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới.
Chủ tịch ở trung ương là bà Nhu,
còn các ủy viên trung ương hầu hết là vợ của các Bộ trưởng, Tướng lãnh, Hiệu
trưởng các trường nữ trung học ...Chủ tịch Phong Trào Liên Đới ở tỉnh phải là
vợ của Tỉnh trưởng, nếu ông Tỉnh trưởng để vợ ở hẳn Sài gòn thì vợ của Phó Tỉnh
trưởng thay, cũng như vợ các Trưởng ty, các sĩ quan cấp tá, các chánh án.
v.v....đều nằm vào ủy viên tỉnh, đôi khi mới có một vài phụ nữ, thanh nữ uy tín
ở địa phương "được mời" vào
thành phần ban chấp hành.
Trong Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới có các ủy viên phụ trách các ngành như:
- Ủy viên Tư pháp
- Ủy viên Gia đình binh sĩ
- Ủy viên Y tế
- Ủy viên Học chánh
- Ủy viên Xã hội
- Ủy viên Thanh nữ bán quân sự, v.v...
Các ban kia sinh hoạt có lệ, mổi tháng làm một vài công việc thăm viếng
giúp đỡ đại khái để có việc báo cáo công tác.
Riêng Thanh nữ bán quân sự là một tiểu ban mà bà Ngô Đình Nhu chú trọng
nhất và nhân số đông nhất của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới. Chính bà Nhu nhờ tôi
soạn thảo kế hoạch tổ chức và huấn luyện về Thanh nữ bán quân sự võ trang này.
Bà Nhu với Thanh
nữ Bán Quân sự - Ngô Đình Lệ Thủy trong đồng phục Thanh nữ Cọng hòa
Thanh nữ Bán quân sự đa số do Thanh nữ Cộng hòa chuyển sang. Một số chính
cán bộ từ các tỉnh cho vào Sài Gòn thụ huấn quân sự, về huấn luyện lại tại địa
phương. Các nữ cán bộ này có lãnh lương
của quốc qia. Thật ra tiếng Thanh nữ bán quân sự đông đão rầm rộ, hình ảnh trên
báo chí, nhất là tạp chí "Thế giới Tự do", ai cũng tưởng là đông đão quy mô lắm, nhưng kỳ thật mổi tỉnh cử 5,7 nữ
cán bộ về tập cơ bản thao diễn cho Thanh nữ, nữ công chức và nữ sinh các trường
trung học để thao diễn trong cuộc lễ. Mỗi khóa huấn luyện quân sự cho Thanh
nữ (kỳ thật đa số là nữ công chức và nữ sinh), mổi đoàn viên lên xạ trường tập
bắn vài phát phát . Hình ảnh được chụp đăng lên báo chí thật là xôm, nhưng thực chất chỉ là những hình ảnh để trình diễn, tuyên truyền.
Vì vậy nên ngày đảo chánh 1.11.1963, các Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa, đoàn viên Phong trào Cách mạng Quốc gia này
chờ cách mạng thành công mà ra đường vui mừng công kênh chiến sĩ cách mạng
đã lật đổ Thủ lãnh của họ.
Trung tướng Trần Văn Đôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét