Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013


DẠY SỬ DƯỚI THỜI DIỆM

Nguyễn Hiến Lê

 

… Điều may thứ nhì là một cơ hội tốt để tôi thực hiện một điểm trong chương trình mở mang kiến thức thanh niên. Từ mấy năm trước tôi đã mua được mấy cuốn Histoire Universelle của Wells, Histoire de l’Humanité của H. Van Loon đọc rất hấp dẫn, tôi tính sẽ dịch hoặc tóm tắt. Đầu niên khóa 1954-1955, trong chương trình Trung học Đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử Thế giới dạy trong bốn năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy Sử các lớp đệ Lục đệ Ngũ. Tôi bàn với ông soạn chung bộ Sử Thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ Thất và đệ Tứ, ông viết hai cuốn giữa cho lớp đệ Lục và đệ Ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong. Tôi bỏ vốn ra in. Năm 1955, in xong trước kì tựu trường tháng chin. Bộ đó khá chạy, sau tôi nhường cho nhà Khai Trí tái bản.

Một chuyện đáng ghi là vì bộ đó mà năm 1956 bị một độc giả ở Cần Thơ mạt sát là “đầu óc đầy rác rưởi” chỉ vì chúng tôi nhắc qua đến thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người. Chẳng cần nói ai cũng biết độc giả đó là một tín đồ Công giáo.

Sau, một Linh mục ở Trung yêu cầu Bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ đó vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân tiếp xúc với tôi. Ông nầy nhã nhặn khen tôi viết sử có nhiệt tâm cho nên đọc hấp dẫn như đọc bộ sử Pháp của Michelet, rối nhận rằng sách của tôi được Bộ Thông tin cho phép in lại nạp bản rồi thì không có lí gì tịch thu cấm bán được, chỉ có thể ra thông cáo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nạp Bộ, và Bộ sẽ trả lời Linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông ta. Ông ta lại hỏi lớp mẫu giáo của tôi đã được phép của Bộ chưa. Tôi đáp: Đơn nạp cả năm rồi, giấy tờ đủ cả, tôi đã nhắc Sở giáo dục thành phố mà người ta cứ làm thinh, không cho phép mà cũng không cấm. Ông ta chỉ gật đầu.

Hồi đó, bộ Lịch sử Thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm ngoài Trung dùng nó, trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết, tôi không tái bản. [NĐD mới cầm quyền mấy năm mà] Công giáo thời đó lên chân như vậy. Nghe nói một ông tỉnh trưởng miền Tây không dám cho Hội Phật giáo cất chùa trong thị xã và bảo: “Công giáo cất nhà thờ, bây giờ Phật giáo cũng xin cất chùa, bộ các ngươi muốn kình với Công giáo hả ?

Một hôm, bà láng giềng của tôi cho hay: “Ít lâu nay tôi thấy ngày nào cũng có một hai người ngồi ở quán cà phê bên kia đường nhìn về phía nhà thầy và nhà tôi như rình cái gì. Hôm qua một người vào nhà hỏi tôi: ‘Ông Lê ở nhà bên lúc nầy đi đâu mà không thấy ?’ Tôi đáp: ‘Ông ấy đau nằm ở trong phóng chứ đi đâu. Thầy cứ vô mà hỏi’. Rồi họ bỏ đi”.

Vậy là mật vụ rình tôi mà tôi không biết. Vì tôi là công chức thời Pháp mà tản cư lâu quá, về lại không hợp tác với chính phủ Diệm, hay vì bộ Lịch sử Thế giới mà họ theo dõi như vậy ? Có lẽ vì cả hai.

Hơn một chục năm sau, một giáo sư ở Huế vô thăm tôi, hỏi: “Tại sao hồi đó ông không làm đơn trình bày rằng ông đã dùng sách nào để viết về các Giáo hoàng thời Trung cổ rồi xin cho bộ sử của ông được dùng trong các trường ?”. Tôi đáp: “Không khi nào tôi làm việc xin xỏ đó”. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giáo sư đó lại thăm tôi nữa, và bảo: “Tôi phục tư cách của ông từ thời đó” …

 
Đời Viết Văn Của Tôi - Hồi Ký (trang 99 đến 101), Văn Nghệ, 1986

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét