Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013


CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM SỤP ĐỔ - BA LÝ DO CHÍNH

Trần Gia Phụng

 

Cali Today News - Cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 có thể bắt nguồn từ các lý do chính sau đây: tập trung quyền lực, vấn đề tôn giáo và sự can thiệp của Hoa Kỳ.

1.- TẬP TRUNG QUYỀN LỰC

Sau khi cầm quyền ngày 7-7-1954, chính phủ của thủ tướng Diệm ổn định tình hình, đánh các đảng phái chính trị ở miền Trung, dẹp vụ Bình Xuyên, loại lực lượng võ trang các giáo phái ở miền Nam, tổ chức Trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, truất phế Bảo Đại, tự tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa và tự tuyên bố trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.(1)

Tuy nền Cộng hòa được phân nhiệm rõ ràng, chính phủ trung ương gồm nhiều bộ trưởng điều hành việc nước, đồng thời tản quyền cho các tòa đại biểu tại các vùng (Trung nguyên Trung phần, Cao nguyên Trung phần, Miền Đông Nam phần, Miền Tây Nam phần), nhưng ngoài tổng thống Diệm, quyền hành nằm trong tay một số người là các ông bà Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, và một số ít người thân tín. Tổng giám mục Ngô Đình Thục không chính thức giữ một chức vụ hành chánh hay chính trị nào, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tổng thống Diệm, đến các bộ trưởng trong chính phủ và các viên chức địa phương. Lúc đó, dư luận cho rằng tổng thống Diệm chủ trương độc tài và gia đình trị.
 
 TGM Pierre Martin Ngô Đình Thục, TT Jean Baptiste Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu
Đại sứ Ngô Đình Luyện, Cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn và Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân

Vì vậy, chính phủ Diệm càng ngày càng bị phản đối, nổi bật nhất là các vụ: 1) Ngày 26-4-1960, 18 chính khách tên tuổi trong Uỷ Ban Tiến Bộ Và Tự Do họp tại khách sạn Caravelle ở Sài Gòn, ra kháng thư công khai phản đối chế độ Ngô Đình Diệm độc tài. 2) Ngày 11-11-1960 của nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đảo chánh hụt. 3) Ngày 27-2-1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập.

Về phía chính phủ, tổng thống Diệm càng ngày càng tập trung quyền lực, chỉ tin dùng những người trong gia đình và trong đảng Cần Lao, không mở rộng thành phần chính phủ. Chính phủ càng ngày càng trở nên cứng rắn với những thành phần không đồng chính kiến. Ngày 5-7-1963, Tòa án Quân sự đặc biệt nhóm họp tại Sài Gòn, bắt đầu xét xử 19 quân nhân và 34 nhân sĩ liên can đến cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960. Kết quả, ngày 11-7-1963, tòa tuyên 20 án cấm cố và 14 trường hợp tha bổng. Hôm sau, ngày 12-7-1963 tòa xử các quân nhân và nhân sĩ vắng mặt. Trong số những người được tha bổng, có nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Tuy không bị bắt giam và chỉ bị gọi ra tòa xét xử, Nguyễn Tường Tam uống thuốc độc tự tử ngày 7-7-1963. Trước khi quyên sinh, Nhất Linh đã để lại những dòng tuyệt mệnh như sau: “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”(1)
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963)
Di bút lịch sử ngày 7-7-1963 cảnh cáo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
 
Vụ tự tử của Nguyễn Tường Tam và vụ tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 (trình bày phía dưới), mở đầu một loạt tự thiêu của các tăng ni khác, là những phản kháng công khai mạnh mẽ nhất đối với chế độ của tổng thống Diệm.

2.- DỤ SỐ 10 VÀ VẤN ĐỀ TÔN GIÁO


Chính sách tôn giáo của chính phủ Diệm dựa trên Dụ số 10 do chính phủ Trần Văn Hữu ban hành ngày 6-8-1950 dưới thời quốc trưởng Bảo Đại. Dụ nầy ấn định quy chế các hiệp hội, gồm có 5 chương, 45 điều. Điều 1 của dụ nầy sắp các tôn giáo, trừ Ky-Tô giáo, vào loại hiệp hội thường (như hội thể thao, hội đua ngựa...); trong khi điều 45 của dụ nầy cho biết sẽ ấn định quy chế đặc biệt cho các hội truyền đạo Ky-Tô và các hội Hoa kiều.(2) Dụ nầy cũng quy định các tôn giáo và hội đoàn chỉ được treo cờ trong khuôn viên nơi thờ phượng, hoặc trụ sở hội đoàn mà thôi.

Dụ nầy rõ ràng không công bằng giữa các tôn giáo. Ngoài đạo Thờ cúng ông bà, người Việt theo các đạo chính: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Ky-Tô giáo, Cao Đài giáo và Phật giáo Hòa Hảo (PGHH). Trong các đạo trên đây, tổng số tín đồ Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Cao Đài giáo và PGHH chiếm tỷ lệ rất lớn trên tổng dân số Việt Nam, có thể lên đến trên 80% dân số, thì bị xếp như các hiệp hội, trong khi Ky-Tô giáo với số lượng tín đồ ít, thì được hứa hẹn một quy chế đặc biệt. Dầu vậy, do sự uyển chuyển của các nhà cầm quyền thời quốc trưởng Bảo Đại, dụ nầy không được thi hành, nên chưa xảy ra cuộc chống đối mạnh mẽ nào.

Cần chú ý là sau dụ số 10 ngày 6-8-1950 cho đến đầu thập niên 60, tình hình tôn giáo Việt Nam thay đổi rất nhiều, nhưng dụ số 10 ngày 6-8-1950 vẫn không được điều chỉnh. Càng ngày hệ thống tổ chức tín đồ các đạo Phật giáo, Cao Đài giáo và PGHH càng có quy củ. Riêng Phật giáo, ngày 6-5-1951, các hội Phật học trên toàn cõi Việt Nam họp tại chùa Từ Đàm (Huế), thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thông qua bản điều lệ, nội quy, bầu ban quản trị và suy cử hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tổng hội chủ.
Công văn của Chính phủ ban hành Dụ số 10 – Cờ Phật giáo Quốc tế - Chùa Từ Đàm ở Huế


Trong thời gian đầu của chế độ VNCH, dụ nầy hầu như không được áp dụng. Ngày 6-5-1963, hai ngày trước lễ Phật đản, đổng lý văn phòng Phủ tổng thống gởi công điện yêu cầu các địa phương không được treo cờ ngoài khuôn viên của chùa,(3) theo đúng tinh thần dụ số 10 ngày 6-8-1950. Công điện nầy chẳng những làm cho giới Phật tử bất bình, mà còn làm cho dân chúng nói chung, dù không phải là tín đồ Phật giáo, cũng không bằng lòng, vì trước đó trong các dịp lễ Ky-Tô giáo, cờ Tòa thánh Vatican (màu vàng và trắng) được treo tự do mà không bị chính phủ cấm đoán.

Trong các đạo trên đây, trên lãnh thổ VNCH, Cao Đài giáo và PGHH phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam, thuộc đồng bằng sông Cửu Long; Phật giáo thịnh hành ở các tỉnh miền bắc VNCH, nhất là Huế, nơi có nhiều chùa được thành lập từ thế kỷ 17 trở đi.

Về phía Ky-Tô giáo, lúc bấy giờ tổng giám mục địa phận Huế là Ngô Đình Thục, anh của tổng thống Diệm. Ngô Đình Thục thụ phong giám mục tại Huế năm 1938, được cử làm giám mục đầu tiên địa phận Vĩnh Long. Năm 1961, Ngô Đình Thục được đổi ra làm tổng giám mục tổng giáo phận Huế. Tính đến năm 1963, ông Thục được thâm niên giám mục 25 năm.


Lúc đó dư luận cho rằng nhân dịp lễ ngân khánh (25 năm) của mình, tổng giám mục Thục vận động để được Tòa thánh La Mã phong chức hồng y.(4) Dư luận nầy còn thêm rằng ông Thục trình với Tòa thánh Vatican rằng số tín đồ trong tổng giáo phận Huế, lúc đó gồm hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, do ông cai quản chiếm 80% dân số khu vực. Tháng 5-1963, Tòa thánh cử một phái đoàn điều tra đến Huế, thì dân chúng Phật tử đang treo cờ mừng Phật đản. Kết luận sơ khởi của phái đoàn là chỉ có 20% dân chúng địa phận Huế theo Ky-Tô giáo chứ không phải 80%.(5) Vào ngày 7-5-1963, sau khi thăm viếng nhà thờ La Vang (Quảng Trị) và trở về Huế, tổng giám mục Thục nhận thấy dọc đường dân chúng treo nhiều cờ Phật giáo để đón mừng Phật đản (8-5-1963). Tổng giám mục Thục cho mời viên đại biểu chính phủ tại Trung nguyên Trung phần là Hồ Đắc Khương đến Tòa tổng giám mục Huế khiển trách là tại sao tòa đại biểu chính phủ lại để tín đồ Phật giáo treo cờ ngoài đường, trái với quy định của chính phủ vì quy định nầy chỉ cho phép treo cờ trong khuôn viên của chùa mà thôi.

Hồ Đắc Khương gởi khẩn điện về Sài Gòn xin ý kiến. Điện văn trả lời của phủ tổng thống “xác nhận rằng nghị định cấm treo cờ tôn giáo hay đảng phái bên ngoài khuôn viên và trụ sở vẫn còn giá trị”. Dựa vào công điện nầy, Hồ Đắc Khương “ra lệnh cho chính quyền địa phương tại miền Trung phải triệt hạ cờ Phật giáo”.(CVL, sđd. tr 229.) Từ đó, bùng nổ cuộc phản đối.

Tối Phật đản 8-5-1963, khi dân chúng tụ tập ở Đài phát thanh Huế để theo dõi buổi tường thuật Lễ Phật đản ngày hôm đó, một tiếng nổ bùng lên, làm thiệt mạng 8 người và bị thương 15 người. Tin tức về vụ nổ được lan truyền nhanh chóng. Người ta không biết đích xác ai gây ra vụ nổ. Chính quyền đổ lỗi cho khủng bố Việt Cộng. Dân chúng đổ lỗi cho chính quyền Huế ném chất nổ để giải tán đồng bào Phật tử.(6) Dù ai gây ra vụ nổ, vụ nổ đã làm cho 8 người thiệt mạng. Tức thì, làn sóng phản đối chính quyền càng ngày càng dâng cao và càng trở nên bạo động.

Trước hết, ngày 9-5-1963, tại Sài Gòn, Ủy Ban Liên Phái bảo Vệ Phật Giáo được thành lập, do thượng thọa Thích Tâm Châu làm chủ tịch, Mai Thọ Truyền làm tổng thư ký, văn phòng đặt tại chùa Xá Lợi, trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Ủy ban gồm 11 hội đoàn Phật giáo.

Sau lễ Phật đản, Hồ Đắc Khương, đại biểu chính phủ ở Trung nguyên Trung phần bị thay thế ngày 1-6-1963. Người được bổ nhiệm đến thay là Nguyễn Xuân Khương, nguyên tổng giám đốc Điền địa. Nguyễn Văn Đẳng tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, cùng thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an tỉnh Thừa Thiên, bị triệu về đợi lệnh tại bộ Nội vụ ở Sài Gòn. (Đoàn Thêm, sđd. tr.349.) Một quan chức khác cũng bị thay thế là thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, tư lệnh quân đoàn I, được thay ngày 16-9-1963 bằng một đại tá mới thăng thiếu tướng là Đỗ Cao Trí. Trong khi đó, Ngày 4-6-1963, tổng thống Diệm thành lập Ủy ban Liên bộ của chính phủ để nghiên cứu những yêu cầu của Phật giáo, do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu.

Ngày 11-6-1963, tại thủ đô Sài Gòn, thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, để phản đối chính phủ. Hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu trong ngọn lửa bập bùng làm rúng động toàn thể dân chúng Việt Nam và dân chúng thế giới. Sau các cuộc họp giữa Uỷ ban Liên bộ của chính phủ và phái đoàn Uỷ ban Liên phái Phật giáo do thượng tọa Thích Thiện Minh cầm đầu từ 14-6 đến 16-6-1963 , chính phủ Diệm nhượng bộ, đồng ý để Phật tử tự do treo cờ và tạm ngưng áp dụng sắc dụ số 10 ngày 6-8-1950.

Ngày 9 và 29-7-1963, bộ Nội vụ liên tiếp ra hai nghị định công nhận cờ Phật giáo và việc treo cờ Phật giáo. Tuy nhiên, một mặt những cuộc tập họp về phía Phật giáo ở Sài Gòn và ở các địa phương chẳng những bị cản trở, mà một số tín đồ còn bị bắt, một mặt chính phủ tổ chức những hội đoàn thân chính phủ, lên tiếng phản đối Phật giáo. Vì vậy, mâu thuẫn giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Chắc chắn mâu thuẫn nầy còn bị Việt Cộng lợi dụng nhằm đào sâu hố chia rẽ giữa chính quyền với dân chúng, và giữa các tôn giáo với nhau.

Ngày 1-8-1963, trả lời phỏng vấn của đài CBS (Columbia Broadcasting System, Hoa Kỳ), bà Ngô Đình Nhu tố cáo các lãnh tụ Phật giáo đang mưu toan lật đổ chính phủ và tự thiêu chỉ là việc “nướng thịt sư” (barbecue a bonze).(CĐ, nb I-C, sđd. tr. 312.) Tiếp theo đó, ngày 3-8-1963, khi phát biểu tại lễ mãn khóa huấn luyện bán quân sự của đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa, bà Nhu lên án những vụ tranh đấu về tôn giáo. Lời lẽ của bà Nhu được thân phụ bà là Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, gọi là “thiếu lễ độ” đối với Phật giáo. (Đoàn Thêm, tr. 357.)
 
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu – Bà Ngô Đình Nhucho đó chỉ là “nướng thịt sư

Những ý kiến như trên chẳng những làm cho mối liên lạc giữa chính phủ Diệm với tín đồ Phật giáo càng thêm xấu đi, mà còn làm cho cả những người dân bình thường cũng bất bình với chế độ. Sau ý kiến của bà Nhu, trong tháng 8-1963, liên tiếp xảy ra nhiều cuộc phản đối chính phủ, trong đó quan trọng nhất là các vụ tư thiêu của các tăng ni Phật giáo.

Ngày 4-8-1963, tại Phan Thiết (Bình Thuận), đại đức Thích Nguyên Hương, thế danh là Huỳnh Văn Lễ, tự thiêu trước dinh tỉnh trưởng. Khuya 12-8, tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn, nữ sinh Mai Tuyết An, 18 tuổi cầm dao chặt bàn tay trái để phản đối bà Ngô Đình Nhu; máu ra nhiều nhưng tay không đứt. Ngày 13-8-1963, đại đức Thích Thanh Tuệ, thế danh là Bùi Huy Chương, tự thiêu tại chùa Phước Duyên, Hương Trà, Thừa Thiên. Ngày 15-8-1963, ni sư Thích Nữ Diệu Quang, thế danh là Nguyễn Thị Thu, tự thiêu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ngày 16-8-1963, thượng tọa Thích Tiêu Diêu, thế danh Đoàn Mễ, tự thiêu ở chùa Từ Đàm, Huế.


Cũng trong ngày 16-8-1963, tại Huế, theo lệnh của tổng thống Diệm, linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng viện Đại học Huế, bị giải nhiệm và giáo sư Trần Hữu Thế được cử lên thay.(CVL, tr. 261-263.) Sự thay đổi nầy khiến cho nhiều khoa trưởng và giáo sư đại học từ chức, và giới sinh viên phẫn nộ mạnh mẽ.


Dầu càng ngày dân chúng càng phản đối và tình hình xã hội càng ngày càng xáo trộn, chính phủ Diệm vẫn không nhượng bộ.(7) Ngày 18-8-1963, mười tướng lãnh cao cấp đề nghị với chính phủ là nên ban hành thiết quân luật, để tái lập trật tự. Dựa vào đề nghị đó, tổng thống Diệm liền quyết định thiết quân luật trên toàn quốc kể từ 0 giờ sáng 21-8-1963. Quyết định nầy do quyền tổng tham mưu trưởng Quân đội VNCH, trung tướng Trần Văn Đôn, ký tên.


Điều quan trọng trong vụ thiết quân luật nầy là khoảng nửa giờ sau khi được ban hành, nghĩa là qua sáng 21-8-1963, chính phủ ra lệnh cho ruồng bố chùa chiền trên toàn quốc, bắt hết các tăng ni lãnh tụ tranh đấu chống chính phủ. Riêng tại Sài Gòn, Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Các lãnh tụ Phật giáo đều bị bắt, trừ vài người trốn thoát. Thượng tọa Thích Trí Quang cũng bị bắt, nhưng sau đó ông trốn được vào Tòa đại sứ Hoa Kỳ ngày 23-8-1963.(8) Tân đại sứ Henry Cabot Lodge vừa đến Sài Gòn ngày 22-8-1963.

Sau vụ tấn công chùa, tình hình càng thêm rối loạn. Ngày 21-8-1963, Trần Văn Chương đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ bị chính phủ Diệm bãi nhiệm và ngược lại Trần Văn Chương tuyên bố từ chức. Bà Trần Văn Chương tên thật là Thân Thị Nam Trân từ chức quan sát Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Chiều ngày 22-8-1963, tại Sài Gòn, Vũ Văn Mẫu từ chức ngoại trưởng.

Lúc đó, bản tin đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA = Voice of America) loan báo rằng quân đội đã tấn công chùa, nên trung tướng Trần Văn Đôn cho mời trung tá Lucien Conein, nhân viên CIA, đến gặp. Lúc đó trên danh nghĩa chính thức, Lucien Conein là cố vấn bộ Nội vụ VNCH. Trong cuộc nói chuyện với Conein vào tối 23-8-1963 tại bộ TTM, tướng Đôn cho biết rằng quân đội không tham gia vào việc đánh phá các chùa mà chính là Cảnh sát đặc biệt của chính phủ. Khi Conein hỏi “Các tướng lãnh Việt Nam có ý định đảo chánh không?”, thì tướng Đôn dè dặt trả lời “sẽ nói chuyện sau”.(9) Từ đó, Conein thường liên lạc và dò hỏi các tướng lãnh Việt Nam.

Ngày 24-8-1963, tổng thống Diệm cử Trương Công Cừu làm bộ trưởng Ngoại giao thay Vũ Văn Mẫu và cũng trong ngày nầy, chính phủ ra lệnh đóng cửa các trường học ở Sài Gòn, nhưng sinh viên học sinh vẫn tiếp tục phản đối chính phủ. (Các trường học mở cửa lại ngày 4-9-1963.) Ngày 25-8-1963, khoảng 300 sinh viên học sinh biểu tình tại công trường Diên Hồng, trước chợ Bến Thành. Đoàn biểu tình bị đàn áp, một nữ sinh tên là Quách Thị Trang bị bắn chết. Quách Thi Trang, pháp danh Diệu Nghiêm, khoảng 15 tuổi, nữ sinh tư thục Trường Sơn (Sài Gòn).

Cũng trước chợ Bến Thành, ngày 5-10-1963, đại đức Thích Quảng Hương, thế danh Nguyễn Ngọc Kỳ, tự thiêu để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Diệm, theo như huyết thư mà đại đức để lại. Sau Thích Quảng Hương, đại đức Thích Thiện Mỹ, thế danh Hoàng Miều (1940-1963), tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Trên thế giới, ngày 9-8-1963, Cambodia, Ceylon (sau đổi thành Sri Lanka), Nepal đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đại hội đồng LHQ ngày 8-10-1963 quyết định gởi một phái đoàn điều tra đến Việt Nam. Phái đoàn LHQ đến Sài Gòn ngày 24-10-1963. Hôm sau, phái đoàn đến gặp tổng thống Diệm và tổ chức họp báo. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 364) Phái đoàn chưa hoàn tất công việc điều tra, thì chính phủ Diệm sụp đổ ngày 1-11-1963.

3.- VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA KỲ

Không riêng Hoa Kỳ, tất cả các nước bỏ tiền ra viện trợ, đều muốn công cuộc viện trợ đạt hiệu quả và nhất là muốn dựa trên viện trợ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước nhận viện trợ; hướng dẫn hoặc điều khiển đường lối của nước đó theo chủ trương của nước viện trợ. Ngược lại, những nước nhận viện trợ luôn luôn muốn duy trì chủ quyền quốc gia đối với các nước viện trợ, chống lại sự can thiệp của nước chủ viện.

Tình trạng giữa Hoa Kỳ và VNCH cũng vậy. Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH để chống cộng, nhưng không phải chống cộng theo đường lối VNCH, mà là chống cộng theo đường lối Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một cường quốc trên thế giới và Hoa Kỳ muốn giữ thăng bằng ngoại giao với tất cả các nước. Người Hoa Kỳ nổi tiếng thực dụng, nên chính phủ Hoa Kỳ cũng phải thực dụng theo quyền lợi của tư bản Hoa Kỳ, mới có thể được tái cử. Từ đó, giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ VNCH xảy ra những mâu thuẫn trong cách thức tiến hành viện trợ và chống cộng.

Một điểm cần chú ý là dầu Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH, nhưng trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ, không phải ai cũng đều ủng hộ tổng thống Diệm. Những người Mỹ ủng hộ ông Diệm cho rằng chính phủ Diệm chống cộng hữu hiệu, hoặc chưa tìm ra được một người khác có khả năng hơn ông Diệm để thay thế. Những người Mỹ chống ông Diệm cho rằng chính phủ Diệm tham nhũng, đàn áp đối lập, không chống cộng hữu hiệu. Một điều quan trọng hơn cả đối với người Mỹ, nhưng người Mỹ tránh nói công khai, là ông Diệm không dễ dàng tuân theo đường lối của Mỹ, và ông Diệm bảo vệ chủ quyền quốc gia khá cứng rắn, đến độ bảo thủ.

Sau khi lên cầm quyền vào tháng 1-1961, tổng thống John F. Kennedy gởi phó tổng thống Lyndon Johnson sang Việt Nam ngày 11-5-1961. Trong cuộc hội kiến với phó tổng thống Mỹ, tổng thống Diệm tuyên bố không chấp nhận việc Mỹ gởi quân chiến đấu đến Việt Nam, mà chỉ yêu cầu Mỹ gởi cố vấn sang huấn luyện mà thôi. (Chính Đạo, sđd. I-C, tt. 223-224.) Sau đó, trong một cuộc tiếp kiến đại sứ Frederick Nolting (đại sứ từ 10-5-1961), khi Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về chính trị, quân sự và kinh tế, tổng thống Diệm trả lời rằng “chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ ”.(10)
Có tài liệu cho rằng từ năm 1961, Hoa Kỳ muốn thành lập căn cứ không quân và hải quân tại Cam Ranh, nhưng tổng thống Diệm không chấp thuận.(11) Quả thật, cho đến năm 1964, sau khi tổng thống Diệm bị sát hại, thì Đệ thất hạm đội của Hoa Kỳ mới đưa được một vài đơn vị vào tiền thám tại đây, và từ 1965 Hoa Kỳ chính thức thành lập căn cứ Hải quân. Lúc đó, căn cứ nầy kiểm soát hoạt động toàn vùng biển Việt Nam và Đông Nam Á.

Tại Hoa Kỳ, khi còn tại chức, tổng thống Dwight Eisenhower chủ trương ủng hộ chính phủ hoàng gia Lào, đánh dẹp Pathet Lào, chận đứng các cuộc nổi dậy của cộng sản. Lên thay Eisenhower, Kennedy thay luôn chính sách về Lào. Kennedy giao cho Averell Harriman, mưu tìm một giải pháp chính trị để giải quyết chiến tranh ở Lào. Harriman là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn đông (Assistant Secretary of State for Far Eastern Affairs) từ tháng 1 đến tháng 11-1961, và trở thành thứ trưởng Ngoại giao đặc trách về chính trị (Under Secretary of State for Political Affairs). Harriman vận động triệu tập hội nghị quốc tế tại Genève nhằm trung lập hóa nước Lào.(12) Hội nghị bắt đầu từ 16-5-1961 đến 23-7-1962, đưa đến hiệp định công nhận Lào là một nước độc lập và trung lập, do hoàng thân Souvanna Phouma làm thủ tướng.

Hiệp định trung lập nước Lào bị chính phủ Diệm phản đối, vì chính phủ Diệm lo ngại rằng Lào sẽ không đủ khả năng tự bảo vệ biên giới chống lại sự xâm nhập của cộng sản Việt Nam, tạo cơ hội cho quân Bắc Việt vào đất Lào, để rồi theo đường Trường Sơn, xuống quấy phá Nam Việt. Lúc đầu, tổng thống Diệm không chịu ký vào bản hiệp định trung lập hóa nước Lào. Điều nầy làm cho Harriman tức giận và căm ghét tổng thống Diệm. Tổng thống Kennedy liền gởi thư cho tổng thống Diệm, bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không trung lập hóa Nam Việt, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Nam Việt, để chống cộng sản. Do áp lực từ phía Hoa Kỳ, tổng thống Diệm đành nhượng bộ, chấp nhận cho ngoại trưởng VNCH ký vào hiệp định nầy. (Mark Moyar, tt. 163-164.)

Bên cạnh đó, từ giữa năm 1962, chính phủ Hoa Kỳ khá bận tâm về các nguồn tin cho rằng chính phủ Diệm đang ngầm liên lạc với nhà nước cộng sản Hà Nội. Sự việc nầy bắt đầu vào mùa hè năm 1962, khi cố vấn Ngô Đình Nhu cầm đầu phái đoàn Việt Nam qua Maroc (Morocco), thăm xã giao nước nầy. Tại đây, ông Nhu gặp Antoine Pinay, lúc đó làm bộ trưởng Phủ tổng thống Pháp. Pinay đề nghị một cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Hà Nội và Sài Gòn để bàn chuyện hiệp thương Nam Bắc. Về lại Việt Nam, Ngô Đình Nhu mượn cớ đi săn cọp, đã bí mật gặp tại Bình Tuy một nhân vật cao cấp của cộng sản là Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị đảng Lao Đông.(13)

Từ tháng 8-1962, Joseph A. Mendenhall, cố vấn chính trị Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã đề nghị loại bỏ tổng thống Diệm, vợ chồng Ngô Đình Nhu và những người trong gia đình ông Diệm, bằng một số nhân vật khác, vì các ông Diệm Nhu không chịu thay đổi lề lối làm việc dù bị Hoa Kỳ áp lực. (Chính Đạo, nb. I-C, sđd. tt. 256-257.) Lề lối làm việc ở đây có nghĩa là chủ trương chính sách của tổng thống VNCH. Như thế, có nghĩa là người Hoa Kỳ có ý định loại bỏ tổng thống Diệm trước khi xảy ra biến cố Phật giáo vào tháng 5-1963.
Vào dịp Tết Quý mão (25-1-1963), chủ tịch Bắc Việt là Hồ Chí Minh gởi một cành đào tặng tổng thống Nam Việt là Ngô Đình Diệm. Cành đào nầy được trưng bày trong Phòng khánh tiết Dinh Độc Lập và trên cành đào có danh thiếp chúc Tết của Hồ Chí Minh.(14)

Sau khi được đề cử làm ngoại trưởng ngày 24-8-1963, Trương Công Cừu mở cuộc tiếp tân đầu tiên ngày 25-8-1963 nhằm ra mắt ngoại giao đoàn tại Sài Gòn, đồng thời đón tiếp tân đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge. Trong buổi tiếp tân nầy, cố vấn Ngô Đình Nhu lần thứ nhất gặp Mieczylslaw Maneli, trưởng đoàn Ba Lan (Poland) trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Ngô Đình Nhu còn gặp Maneli lần thứ hai tại dinh Gia Long ngày 2-9-1963 bàn việc liên lạc với Hà Nội. (Chính Đạo, sđd. tr. 325 và tr. 339.)

Chắc chắn tình báo Mỹ không bỏ sót chuyện Ngô Đình Nhu liên lạc với cộng sản và chuyện cành đào Hà Nội ở Dinh Độc Lập trong dịp Tết năm 1963. Để nắm vững tình hình, cuối tháng 9-1963, tổng thống Kennedy gởi bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara cùng tướng Maxwell Taylor qua Sài Gòn. Ngày 29-9-1963, hai ông gặp tổng thống Diệm. McNamara nói thẳng với tổng thống Diệm rằng việc đàn áp Phật tử gây trở ngại cho nỗ lực chống cộng và phàn nàn về những tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu. Tổng thống Diệm tránh các vấn đề do McNamara đưa ra.

Trong khi đó, báo chí Hoa Kỳ liên tục chỉ trích chính phủ Diệm, nhất là từ sau biến cố Phật giáo ở Huế (tháng 5-1963) và sau vụ chính phủ Diệm ra lệnh tấn công các chùa (tháng 8-1963). Dư luận Hoa Kỳ cho rằng tổng thống Diệm chủ trương độc tài gia đình trị, càng ngày càng mất lòng dân, càng ngày càng kém hữu hiệu trong việc điều hành đất nước và chống lại du kích cộng sản.(Chính Đạo, nb. I-C, sđd. tt. 357-361.)

Năm 1963 là năm trước của năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (1964). Dư luận báo chí Hoa Kỳ năm 1963 rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử trong năm sau (1964). Tổng thống Kennedy lo ngại tình hình Việt Nam ảnh hưởng xấu đến cuộc tái tranh cử của ông vào năm 1964.

Vì tất cả những lý do trên, chính phủ Kennedy muốn tìm một giải pháp mới, nhằm thay đổi tình hình tại ViệtNam theo chiều hướng có lợi cho Hoa Kỳ, và có lợi cho sự tái tranh cử của Kennedy.

4.- MẬT ĐIỆN SỐ 243 NGÀY THỨ BẢY 24-8-1963

Theo Trần Văn Đôn, nhóm đảo chánh của các ông không cho người Mỹ biết về dự tính đảo chánh. (TVĐ, sđd. tr. 209.) Tuy nhiên, người Mỹ chẳng những biết việc nầy, mà còn yểm trợ việc nầy, vì cũng Trần Văn Đôn kể rằng nhóm các ông kết nạp được Trần Thiện Khiêm vào tổ chức đảo chánh là nhờ người Mỹ. (TVĐ, sđd. tr. 193.) Như thế nghĩa là người Hoa Kỳ giữ một vai trò quan trọng trong việc đứng làm trung gian liên kết nhân sự cho nhóm dự tính đảo chánh.

Thật ra, như đã trình bày ở trên, người Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc thay đổi nhà lãnh đạo VNCH từ hơn một năm trước qua đề nghị của Joseph Mendenhall, cố vấn chính trị Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, trong phiếu trình đề ngày 16-8-1962.

Sau biến cố Phật giáo ngày 8-5-1963 ở Huế, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu Việt Nam thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ, Ben Wood, soạn một kế hoạch khẩn cấp ngày 23-5-1963 về các cách thay đổi chính phủ Diệm. Sau khi Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngày 11-6-1963, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị ngày 14-6-1963 cho Tòa đại sứ Sài Gòn xúc tiến kế hoạch thay tổng thống Diệm.

Ngày 27- 6-1963, tổng thống Kennedy công bố quyết định thay đổi đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thay đổi đại sứ trong lúc tình hình căng thẳng là dấu hiệu thay đổi chính sách, nhưng để yên lòng chính phủ Việt Nam, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu tòa đại sứ tại Sài Gòn cho tổng thống Diệm biết rằng chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi, tiếp tục ủng hộ chính phủ Việt Nam chống cộng sản. (Chính Đạo, nb. I-C, sđd. tr. 302.) Tiếp tục ủng hộ công cuộc chống cộng của Việt Nam, không có nghĩa là ủng hộ cá nhân người điều hành chính phủ.

Ngày 22-8-1963, tân đại sứ Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn và trình uỷ nhiệm thư ngày 26-8-1963. Trước đó hai ngày, 24-8-1963, Lodge gởi về Washington DC một điện văn báo cáo rằng ông Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chánh của một số tướng lãnh.

Ngày 24-8-1963 là thứ Bảy, tổng thống Kennedy, bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, bộ trưởng Quốc phòng MacNamara, giám đốc CIA McCone đều đi nghỉ cuối tuần. Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, xử lý thường vụ ngoại trưởng, cùng Harriman (thứ trưởng Ngoại giao), Hilsman (phụ tá ngoại trưởng), Forrestal (phụ tá tổng thống) đồng soạn và ký tên mật điện 243 gởi cho Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cùng trong ngày 24-8-1963, rồi chuyển cho tổng thống Kennedy và ngoại trưởng Rusk. Hai ông nầy đồng ý cho gởi đi. Nội dung đoạn cuối điện văn rất quan trọng, được dịch như sau:

Chính phủ Hoa kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng quân đội tinh nhuệ và các chính trị gia có tư cách.
Nếu ông [tức đại sứ Lodge] cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối đầu với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được.”(15)

Bức mật điện số 243 ngày 24-8-1963 trên đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị cho tân đại sứ Cabot Lodge yêu cầu tổng thống Diệm phải loại bỏ cố vấn Nhu. (Đây là điều mà người Mỹ biết ông Diệm không bao giờ chịu làm.) Nếu ông Diệm không chấp thuận, thì loại bỏ luôn ông Diệm. Nói cách khác, bức mật điện nầy ngầm cho phép đại sứ Lodge, nếu cần, có thể tiến hành đảo chánh, lật đổ tổng thống Diệm. Cần chú ý: Averell Harriman, người chủ trương trung lập hóa Lào, bị tổng thống Diệm phản đối, là một trong bốn người soạn bản mật điện 243. Harriman rất căm ghét tổng thống Diệm. Phải chăng đây là dịp Harriman kiếm cách trả thù, vì bản mật điện nầy có thể xem là tờ khai tử chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm?

KẾT LUẬN


Trong công cuộc cai trị, về đối nội, chính phủ Diệm chủ trương tập trung quyền lực, bị lên án là độc tài gia đình trị. Chính phủ Diệm lại áp dụng một cách cứng rắn luật số 10 năm 1950 từ thời chính phủ Trần Văn Hữu, không công bằng giữa các tôn giáo. Trong di chúc để lại cho con là vua Minh Mạng năm 1819, vua Gia Long đã dặn: “Không được ngược đãi tôn giáo, vì đó là nguyên nhân gây rối loạn và đôi khi làm mất nước.”(16)

Dầu chế độ Ngô ĐìnhDiệm chưa đến mức ngược đãi tôn giáo, nhưng việc thi hành một cách cứng rắn dụ số 10 đã làm bùng lên cuộc đấu tranh của giới Phật giáo, là thành phần chiếm đại đa số dân chúng Việt Nam. Lúc đó, chắc chắn có nhiều thành phần từ nhiều phía lợi dụng cuộc phản đối của Phật giáo để phá rối chính phủ Diệm và phá rối VNCH. Trong khi đó, dù tổng thống Diệm và chính phủ tỏ thiện chí để giải quyết khủng hoảng, thì vẫn có một số người trong chính quyền thiếu sáng suốt, gây thêm nhiều chia rẽ giữa chính phủ và dân chúng, như những lời tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu. Cứ thế mâu thuẫn giữa hai bên càng ngày càng gay gắt thêm.

Về đối ngoại, chính phủ Diệm chủ trương độc lập với người Mỹ, trong khi người Mỹ muốn kiểm soát chính phủ VNCH. Hai ông Diệm và Nhu lại có sáng kiến ngoại giao trực tiếp với Bắc Việt để giải quyết chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc với nhau, chẳng những làm cho dư luận Việt hoang mang, mà còn làm cho chính phủ Mỹ nghi ngờ và bất bình, vì người Mỹ bị hai ông đặt ra ngoài cuộc thương thuyết.
Người Mỹ không quan tâm đến quyền lợi của người Việt mà chỉ lo lắng cho quyền lợi của Mỹ. Vấn đề Phật giáo và đối lập chính trị tại Việt Nam chỉ quan trọng đối với người Việt, chứ không quan trọng đối với người Mỹ. Người Mỹ dựa vào những vấn đề nầy, xúi giục và yểm trợ các tướng lãnh đảo chánh lật đổ ông Diệm, vì quyền lợi của Mỹ và vì việc tái tranh cử của Kennedy mà thôi. Sự tiếp tay của Tòa đại sứ Mỹ và của đại sứ Henry Cabot Lodge đã góp phần quyết định trong sự thành công của cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. (Trích: Việt sử đại cương tập 6.)

TRẦN GIA PHỤNG



CHÚ THÍCH
1. Hai câu của cuộc trưng cầu dân ý chỉ hỏi truất phế hay không truất phế Bảo Đại và chấp thuận hay không chấp thuận Ngô Đình Diệm làm quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ, chứ không nói đến việc thành lập nền Cộng hòa và nhất là không nói đến việc chọn Ngô Đình Diệm làm tổng thống.
2. Nhiều tác giả, Nhất Linh, Người nghệ sĩ-Người chiến sĩ, California: Nxb. Thế Kỷ, 2004, tr. 125.
3. Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Sài Gòn 1966, Xuân Thu California, tái bản không đề năm, tr. 75.(Viết tắt: Đoàn Thêm, sđd. tr.)
4. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975 (Tập I-C: 1955-1963), Nxb. Văn Hoá, Houston, 2000, tr. 278. (Viết tắt: Chính Đạo, I-C, sđd. tr.)
5. Linh mục Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử Việt Nam, 1940-1975, Sacramento: TANTU Research, 1983, tr. 224, tr. 229. Cần chú ý các điểm: Cao Văn Luận là người đồng đạo với Ngô Đình Thục và Ngô Đình Diệm. Lúc đó LM Cao Văn Luận đang làm viện trưởng Viện Đại học Huế. Vì là linh mục và là viện trưởng Viện Đại học, nên LM Cao Văn Luận có điều kiện để tiếp cận các viên chức hành chánh và biết rõ các tin tức về biến cố nầy. (Viết tắt: CVL, sđd. tr.)
6. Chính Đạo, Tôn giáo & chính trị, Phật giáo, 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 25.
7. Có 4 dư luận khác nhau: 1) Dư luận thứ nhất cho rằng thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an, ra lệnh cho lực lượng dưới quyền ném chất nổ để giải tán đồng bào và gây thương vong. 2) Dư luật thứ hai cho rằng Việt cộng lợi dụng sự bất bình của dân chúng, cho nổ lựu đạn gây chết người rồi đổ lỗi cho chính quyền, nhằm đẩy cao lòng bất mãn của dân chúng đối với chính quyền. 3) Một ý kiến khác lúc đó cho rằng cả phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lẫn phía du kích cộng sản cũng đều chưa có loại võ khí gây nổ nầy, nhưng người ta không biết là của ai? 4) Ý kiến cuối cùng cho rằng người Mỹ liên hệ đến vụ nổ nầy. (dư luận cuối cùng nầy, theo Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của tổng thống Diệm, San Jose: Nxb. Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu, in lần thứ hai, 2003, tt. 221-222.)
8. Theo lời linh mục Cao Văn Luận, sau khi bị giải nhiệm chức viện trưởng Viện Đại học Huế, linh mục vào Sài Gòn và đến gặp giám mục khâm sứ Tòa thánh La Mã tại Việt Nam. Ông được giám mục khâm sứ Tòa thánh La Mã cho biết có lúc ông Diệm theo lời khuyên của Đức giáo hoàng, dự tính bãi bỏ những biện pháp cứng rắn đối với Phật giáo. “Nhưng sau một phiên họp Hội đồng gia tộc thu hẹp không có bà Nhu, ông Cẩn, chỉ có ba người là ông Diệm, ông Nhu và Đức cha Thục, tổng Thống quyết định dùng biện pháp cứng rắn như đã ban hành ngày 21-8-1963.” (trích nguyên văn, L.M. Cao Văn Luận, sđd. tr. 271.)
9. Theo lời thượng tọa Thích Trí Quang, khi chùa Xá Lợi bị tấn công, ông bị bắt cùng với một số tăng ni và bị đưa về đồn Rạch Cát. (Trước 1975, Rạch Cát thuộc quận Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân, TpHCM.) Khi các tu sĩ Nam tông được thả ra, Thích Trí Quang thay áo một tu sĩ Nam tông, đến chùa Pháp Quang (chùa Nam tông) và thừa cơ hội trốn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ lúc đó còn ở trên đường Hàm Nghi. (Theo Thích Trí Quang, “Từ Rạch Cát tới tòa đại sứ”. . (Trích 1-2-2009.)
10. Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 173.(TVĐ, sđd. tr.)
11. Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, sđd. tr. 532. Tác giả Hoàng Ngọc Thành trích dẫn Richard Reeves, President Kennedy, Profile of Power, New York: Simon & Schuster, 1993, tr. 651.
12. Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, California: Nxb. Xuân Thu, 1992, tr. 478.
13. Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, Cambridge: Cambridge University Press, 2006, tr. 128. (Viết tắt: Mark Moyar, sđd. tr.)
14. Theo lời kể của ông Cao Xuân Vỹ, hiện đang sinh sống tại California với ông Minh Võ. (Minh Võ, “Ba giờ nghe một nhân chứng”, Đàn Chim Việt, ngày 18-07-2007.) Lúc đó, ông Cao Xuân Vỹ là tổng giám đốc Thanh Niên, và là phó tổng thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa. Ngô Đình Nhu là tổng thủ lãnh. Ngoài ra, theo Trần Văn Đôn, sđd. tt.183-184, đầu tháng 2-1963, trung tá Lê Văn Bường, tỉnh trưởng Bình Tuy dùng xe Dodge 4x4 chở Ngô Đình Nhu đến quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Tới điểm hẹn, ông Nhu một mình gặp Phạm Hùng.
15. Minh Võ, “Hoa đào và máu đào”, điện báo Đàn Chim Việt, ngày 31-10-2007. Trong bài nầy, Minh Võ dẫn chứng tài liệu của Francis X. Winter, The Year of the Hare [Năm con thỏ], Athens: University Georgia Press, 1997, tr. 12.[ Năm Con Thỏ theo người Trung Hoa, tức Năm Con Mèo, ở đây là năm Quý Mão (1963).] Minh Võ còn cho biết thêm hai nhân chứng: 1) Ông Lê Châu Lộc, tùy viên của tổng thống Diệm, hiện sinh sống ở California, kể lại rằng tự tay ông Lộc đã nhận cành đào đó từ trụ sở Uỷ Hội Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC). 2) Ông Quách Tòng Đức, đổng lý văn phòng Phủ tổng thống đã xác nhận việc cành đào trong cuộc phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh, đăng nhiều báo ở Mỹ.
16. Xin xem bản dịch điện văn phía dưới.
17. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, volume III, Paris: Librairie Orientale et Américaine, Maisonneuve Frères, Éditeurs, 1925, tr. 436.
18. BẢN DỊCH ĐIỆN VĂN SỐ 243 NGÀY 24-8-1963
"Bộ Ngoại Giao gởi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn để thi hành ngay lập tức.
Tối Mật. Không được phép phổ biến.

Chỉ đích thân Đại Sứ Lodge mới được phép đọc mà thôi. Đối với CINPAC/POLAD thì chỉ Đô Đốc Felt được phép đọc mà thôi.
Theo CAS Sài Gòn 0265 báo cáo về quan điểm của Tướng Đôn; Saigon 320, Saigon 316, Saigon 329. [Các con số là những ký hiệu mật mã.]
Bây giờ thì rõ là hoặc quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hoặc ông Nhu đã lừa họ. Ông Nhu đã lợi dụng tình trạng đó để tấn công chùa chiền bằng cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Tung trung thành với ông ta, làm cho nhân dân Việt Nam và thế giới ngỡ lầm rằng quân đội làm. Hơn nữa, cũng thật quá rõ là ông Nhu đã âm mưu sắp đặt ông ta vào vị trí chỉ huy.
Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng quân đội tinh nhuệ và các chính trị gia có tư cách.
Nếu ông [tức Đại Sứ Lodge] cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối đầu với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được.
Ký tên: Hilsman, Forrestal, Ball, W.Everell Hariman ".


(Trích Internet: "Khui hồ sơ bí mật”, Ngô Kỷ tổng hợp và chuyển ngữ.)

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét