Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017


BÁO CHÍ SÀI GÒN THỜI VIỆT NAM CỌNG HÒA
… TỰ DO THẤY SỢ

Nguyễn Ngọc Chính

Kể từ khi tờ báo đầu tiên - Gia Định báo - xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1865 dưới thời Pháp thuộc, nghề báo đã phát triển không ngừng với một đội ngũ chủ báo và người viếtbáo ngày càng nhiều và thị trường báo chí ngày càng đa dạng tại miền Nam trong suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa (1954-1975).

Biến cố chính trị năm 1954 với cuộc di cư vào Nam của hơn 1 triệu người miền Bắc đã mang lại một sắc thái mới mẻ trong sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn nói chung và trong làng báo Sài thành nói riêng. Ở miền Bắc, báo chí chỉ dành cho giới trí thức, ngược lại, báo chí miền Nam đã ăn sâu vào tận sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Người đạp cyclo, tài xế taxi, giới tiểu thương cũng có tờ nhựt trình để đọc những khi vắng khách.
Quầy bán báo tại Sài Gòn trước và sau 1954
Thói quen đọc báo đã ăn sâu vào nếp sống của người Sài Gòn và đến khi có cuộc di cư của người Bắc, sinh hoạt báo chí lại nở rộ. Người ta thấy xuất hiện nhiều tờ báo mới như Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận… Người đọc báo cũng dần dần làm quen với những tên tuổi  mới như Thanh Nghị, Đặng Văn Sung, Từ Chung, Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Hải Thủy…
Tờ Tự Do quy tụ các tên tuổi như Tam Lang (chủ nhiệm), Mặc Thu (quản lý), Như Phong (thư ký tòa soạn) và một số nhà văn, nhà thơ “di cư” như Ðinh Hùng, Vũ Khắc Khoan,  Mặc Ðỗ, Tạ Quang Khôi… Phần nội dung có các mục đặc biệt như “Chuyện hàng ngày”do Tam Lang phụ trách, Ðinh Hùng viết thơ châm biếm “Ðàn Ngang Cung” với bút hiệu Thần Ðăng và một truyện dài dã sử nhiều kỳ mang tên “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” với bút hiệu Hoài Ðiệp Thứ Lang. Tự Do còn có mục hí họa, tranh châm biếm mang tính cách “tố cộng”. 

Theo Tạ Quang Khôi, sở dĩ tờ Tự Do bị đình bản vì lý do chính trị. Phủ Tổng thống thấy báo Tự Do được dân Bắc di cư ủng hộ thì không vui, vì nhóm chủ trương và nhân viên tòa soạn không ai có đạo Thiên chúa, lại không có ai là người miền Trung. Thế rồi báo đình bản ít lâu lại tái xuất hiện với chủ nhiệm và quản lý mới, đó là hai ông Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân. Hai ông này không những theo đạo Thiên chúa mà còn là nhân viên phủ Tổng thống.
Manchette Nhật báo TỰ DO
Chủ trương: Tam Lang - Mặc Đỗ - Đinh Hùng - Như Phong - Mặc Thu


Báo DÂN CHỦ đăng tin Vụ án báo chí “Văn Nghệ Tự Do”

“Ông Như Phong vẫn làm thư ký tòa soạn, ông Nguyễn Hoạt vẫn là một nhân viên tòa soạn. Ông còn viết thêm mục “Chuyện Hàng Ngày” với bút hiệu Hiếu Chân. Mục này được đổi tên là“Nói Hay Ðừng”. Ngoài Hiếu Chân còn hai người nữa cũng viết trong mục này, là nhà văn đường rừng Tchya Ðái Ðức Tuấn. Bút hiệu của ông trong “Nói Hay Ðừng” là Mai Nguyệt. Người thứ ba là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân, với bút hiệu Tiểu Nhã. Ông nói lái “Nói Hay Ðừng” thành “Nứng Hay Ðòi”. Mục này được độc giả rất hâm mộ vì lối viết sắc bén và châm biếm của các tác giả”.


Khi báo Tự Do của nhóm “người Bắc di cư” đình bản, một số cây bút chạy sang cộng tác với Ngôn Luận, một tờ báo được chính phủ Ngô Đình Diệm “ưu ái” qua vai trò “Giám đốc chính trị” của Hà Ðức Minh. Về sau, Ngôn Luận có Từ Chung về làm thư ký tòa soạn.
Ngôn Luận có mảng thu hút thiến niên, nhi đồng qua mục“Bé Ngôn, bé Luận” với các hí họa do họa sĩ Văn Ðạt vẽ. Bản thân tôi ngày đó cũng thích mục này và đã có lần được đăng một tryện ngắn trên phụ trang của Ngôn Luận. Về sau trên báo Chính Luận cũng có trang “Mai Bê Bi” dành riêng cho độc giả nhỏ tuổi. 
Ngôn Luận còn có mục “Giải đáp tâm tình” của Kiều Diễm Hồng, cái tên do Tạ Quang Khôi đặt ra dù sau này ông không còn phụ trách. “Thương hiệu” Kiều Diễm Hồng cũng “chạy” sang Chính Luận trong mục “Mai Bê Bi”.  

Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ qua cuộc cách mạng ngày1/11/1963 và nền Đệ nhất Cộng hòa cũng cáo chung. Sang đến thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa, tờ Chính Luận của nghị sĩ Ðặng Văn Sung trở nên ăn khách khi Ngôn Luận đóng cửa và thu hút hầu hết các cây bút một thời viết cho Ngôn Luận. Thư ký tòa soạn Chính Luận là Từ Chung, người sau này bị cộng sản ám sát ngay gần nhà ở trường đua Phú Thọ. Chính Luận có bài xã luận dưới đây về thời Đệ nhất Cộng hòa:
“Dưới thời Nhu, Diệm, không biết có anh nào cắc cớ đã đẻ ra một đoàn thể có danh hiệu rất kêu: Công chức Cách mạng Quốc gia.
Có một số thư ký phục vụ tại những tỉnh nhỏ đã lâu năm, vì hoàn cảnh gia đình, xin thuyên chuyển đến tiếp tục công vụ tại những nơi thuận tiện cho họ hơn, nhưng đơn xin của họ chẳng bao giờ được xét tới, mặc dầu dưới thời “Cách mạng Nhân vị” người ta thường lập đi lập lại câu châm ngôn “Cách mạng Quốc gia nhằm thực hiện công bằng xã hội”.
Tức cười hơn hết là cựu Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần hồi đó đã trả lời trước Quốc hội bù nhìn, câu hỏi của một vài dân biểu về việc thuyên chuyển công chức: “Những nhân viên được chỉ định đến làm việc tại các tỉnh là những người phạm kỷ luật hoặc là những người phục vụ đắc lực tại địa phương”. Câu trả lời đầy mâu thuẫn đó đã làm cho một số người thắc mắc. Người ta tự hỏi: “Ngoài hai hạng công chức này, còn có thể có hạng công chức thứ ba phải ở lại các tỉnh nhỏ . . . muôn năm nữa không?Hạng công chức ấy phải chăng là những kẻ không có khả năng . . . “chè lá” cho những ông công chức khác có trách nhiệm về việc quản trị nhân viên công chức?”.

Chính Luận cũng đưa tin những trận hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng từ ngày 17 đến 19/1/1974 [1]. Tờ báo "giật" nhiều tít nóng bỏng như: “VC [ViệtCộng] bác bỏ đề nghị VNCH lên án vụ TC [Trung Cộng] chiếm H. Sa”, “Giờ phútchót của Ty Khí Tượng Hoàng Sa chứng nhân 24 năm qua tại vùng tranh chấp”, “Nga lên án TC đánh chiếm Hoàng Sa, thúc LHQ buộc TC phải thương thuyết”, …  Trên Chính Luận còn in hình di ảnh của HQ Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, thuộc Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ 10), tử trận tại Hoàng Sa.
Chính Luận đưa tin về cuộc hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng trên đảo Hoàng Sa
Dân gian có câu “nhà báo nói láo ăn tiền”. Câu nói mang tính cách miệt thị nghề báo nhưng nhiều nhà báo vẫn say mê với cái nghề… nói láo ra tiền. Cũng vì người đọc nhận xét về tài “nói láo” của nhà báo nên ký giả Vũ Bằng [1] đã viết hẳn một cuốn hồi ký mang tên “Bốn mươi năm nói láo” để kể lại chuyện 40 năm lăn lộn trong nghề báo. Ông viết trong tập hồi ký:“Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo!”

Biến cố đặc biệt nhất trong làng báo Sài Gòn là chuyện “kýgiả xuống đường đi ăn mày” vào ngày 10/10/1974 để phản đối Sắc luật 007 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sắc luật này quy định muốn ra nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (ngày đó số tiền này tương đương với khoảng 47.000 USD),báo định kỳ đóng 10 triệu. Số tiền này rất lớn khiến nhiều báo không có tiền ký quỹ đành phải đóng cửa. Cũng theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Đã có nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Theo thống kê không chính thức, có khoảng70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giảSài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.
10-10-1974, ngày Ký giả đi ăn mày
Hồi ký không tên của dân biểu kiêm nhà báo Lý Quí Chung cho biết: “…Có vài con số thống kê đáng chú ý như sau: từ vụ xử đầu tiên theo sắc luật 007/72 (tờ báo bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận Biệt khu Thủ đô đầu tiên là Điện Tín ngày 18/8/1972) cho đến hết năm 1973 có tất cả 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí. Trước đó khi chưa có sắc luật 007/72, từ tháng 12/1969 đến tháng 8/1972 có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí” cũ (luật 019/69)”.
Theo Lý Quý Chung, có 4 tổ chức báo chí khởi xướng nhưng chỉ cần nhìn vào những nhân vật dẫn đầu cuộc biểu tình thì biết ai đứng sau lưng sự kiện lịch sử của báo chí Sài Gòn. Ngoài chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam) còn có các nhà văn – nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), nhà thơ Quốc Phượng, nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà… đều là nhà báo cộng sản chính cống hoặc ít ra cũng… “thiên cộng”.

Chính quyền biết trước cuộc xuống đường vì trong làng báo cũng có nhiều ký giả “giả”, ký giả chỉ điểm, ký giả “ăng ten”, ký giả làm việc cho Trung ương Tình báo… Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn chặn cuộc xuống đường lấy hình ảnh “ký giả ăn mày”. Mỗi ký giả tham dự đều được phát một nón lá, một bị cói và một cây gậy giống hệt người ăn mày. Lực lượng chính hỗ trợ cho nhà báo là các dân biểu, nghị sĩ đối lập, trong đó có nhiều người đồng thời là nhà báo như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và Lý Quý Chung.
Lý Quý Chung kể lại trong cuốn hồi ký đã dẫn: 
“Cuộc xuống đường xuất phát từ trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, nằm trên đường Lê Lợi, giáp đường Tự Do (nay là Đồng Khởi). Lộ trình dự định của đoàn biểu tình là tuần hành trên đại lộ Lê Lợi, nhắm thẳng vào chợ Bến Thành nơi có đông đảo quần chúng chờ đợi…
Thật sự trước các nhà báo, các dân biểu, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức rất hiền lành, lực lượng cảnh sát cũng không hăng hái lắm để ra tay đàn áp nếu họ không bị khiêu khích hoặc kích động làm mất đi sự bình tĩnh. Do đó khi đám đông “ký giả đi ăn mày” rướn tới một cách quyết liệt là hàng rào cảnh sát tự vỡ ra và dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ.
Ra đại lộ Lê Lợi như dòng sông đổ ra biển. Người dân hai bên đường hoan hô người biểu tình, nhiều người hào hứng nhập vào đoàn, nhất là thanh niên học sinh. Đến chợ Bến Thành, những người buôn bán trong chợ ào ra “bố thí”. Các ký giả ăn mày, nhét vào bị của chúng tôi đủ thứ bánh trái và quà tặng khiến cho hình ảnh ký giả đi ăn mày càng đậm nét.
“Ký giả ăn mày” đụng độ với Cảnh sát
Một trong những nhân vật nổi tiếng trong làng báo vào thập niên 1960 là nhà văn Chu Tử. Ông ra tờ Sống và báo thu hút một số lượng lớn người đọc với các tiết mục được ưa thích như “Ao thả vịt” (trên trang nhất), “Thơ đen” và trang nhạc trẻ. Báo Sống thường chạy tít rất “giật gân” như:“66 triệu của Tống nha Ngân khố bay đằngnào…” hoặc “5 phút ‘hàn huyên’ với tử tội ‘chịu chơi’ Đặng Cao Sách”…
Nhật báo SỐNG
Những cây viết cộng tác với Sống có các nhà văn, nhà báo Tú Kếu, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng, Trùng Dương... Nhật báo Sống đăng tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton) Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, từ đó nhà văn này trở thành nổi tiếng với công chúng.

Trong Hồi Ký Viết Trên“Gác Bút” (nxb Văn Nghệ, California, 1999) Nguyễn Thụy Long tiết lộ: “Tác phẩm đầu tay của tôi là Loan Mắt Nhung ra đời và làm nên văn nghiệp của tôi được xuất hiện trên tờ báo Sống, do sự khuyến khích của ông Chu Tử… Tôi chính thức là ký giả của báo Sống, nhưng cũng đánh lẻ cho nhiều báo như một số anh em ký giả khác…”
Sau cuộc cách mạng lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, Nguyễn Thụy Long bước vào nghề qua nhật báo Sống từ lúc tờ báo ra mắt cho đến ngày báo đình bản. Chu Tử có rất nhiều “con nuôi” và ông gả một trong số các con nuôi cho Nguyễn Thụy Long.

Vì bất đồng chính kiến, tòa báo Sống bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966. Cũng vào thời điểm này, sáng ngày 16/4/1966, Chu Tử bị mưu sát khi vừa ra khỏi nhà, ông bị trúng đạn nhưng thoát chết. Nhiều người cho rằng cuộc khủng bố này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương.
Tòa soạn Nhật báo SỐNG bị tấn công
Cuối thập niên 1960 báo Sống bị thu hồi giấy phép vì chỉ trích việc chính phủ cho Quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng căn cứ Cam Ranh. Chu Tử ra tiếp tờ Sóng Thần vào tháng 10/1971 và bị rút giấy phép vào tháng 2/1975. Nữ ký giả Trùng Dương là người có liên quan trực tiếp đến Sóng Thần cho biết:
“Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một sốngười khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai”.
Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Sài Gòn do Trùng Dương đứng tên làm chủ nhiệm, Chu Tử làm chủ biên, Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự và UyênThao điều hành với tư cách tổng thư ký.
Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu nhưng không chống chính phủ như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là “anti-government”. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972,  Sóng Thần mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954.
Riêng về các nhà văn viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thụy Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ… sau tăng cường thêm hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Trùng Dương cho biết thêm về phiên tòa “lịch sử” ngày 31/10/1974, ngày Sóng Thần ra trước vành móng ngựa. Tờ báo chạy tít “Ngày dài vô tận” : 
“Tờ báo bị Bộ Nội Vụ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đưa ra toà xử về tội đã đăng nguyên văn bản cáo trạng số 1 của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng do Linh Muc Trần Hữu Thanh chủ xướng với sự tham gia của 300 linh mục. Tổng cộng có 205 luật sư tình nguyện ra toà biện hộ cho Sóng Thần và quyền tự do báo chí”.
“Ngày dài vô tận” của SÓNG THẦN
Chuyện lạ trong làng báo: chủ nhiệm Sóng Thần là nhà báo nữ Trùng Dương nhưng báo chí Sài Gòn còn “lạ”hơn khi có một chủ báo kiêm chủ bút cũng là phụ nữ: bà Bút Trà đứng tên tờ Sàigòn Mới nổi tiếng một thời trong làng báo Sài Gòn. Điều “lạ” hơn nữa là bà Bút Trà không phải là dân làm báo hay làm văn nghệ mà chỉ là một thương gia giàu có đã đưa Saigon Mới thành tờ báo ưa thích của giới bình dân. 
Nhựt báo SÀIGÒN MỚI
Bà Bút Trà, nhũ danh Tô Thị Thân, kết hôn với một ông nhà giàu người Tàu làm chủ khoảng 20 cơ sở kinh doanh nghề “cầm đồ”. Lý do bà nhẩy sang nghề làm báo cũng thật ly kỳ. Nhà văn Bình NguyênLộc [4] đã kể lại trong “Hồi Ký Văn Nghệ”như sau:
“Bà nhà giàu nầy [Tô Thị Thân], về sau, khi lấy chồng Việt Nam, đã xây cất biệt thự lớn ở Phú Nhuận, nhưng bà ấy nhứt định tiếp tục sống trong căn nhà liên-kế, tòa soạn của tờ nhựt báo Sàigòn Mới, chớ không chịu dọn về ngôi biệt thự đẹp, vốn bỏ không… Bà mang tục danh là “Bà chị Bồn binh”, chỉ vì bà bám mãi vào căn nhà thuê trước cái bồn cỏ tròn, nằm giữa tòa soạn của bà và chợ Bến Thành”.

Hồi đó báo chí Sài Gòn, có lẽ vì thiếu đề tài khai thác, nên“đánh hội đồng” nghề cầm đồ với lý do tiệm cầm đồ “hút máu dân nghèo”, chính phủ cần phải rút giấy phép! Bị đụng chạm nghề nghiệp nên bà Tô Thị Thân có nói với Tô Văn Giỏi, anh họ của Bình Nguyên Lộc, nguyên văn như sau: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thiệt giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?”. Đầu óc của những người kinh doanh vào thời nào cũng thế: đòi hàng tốt mà giá lại rẻ!
Chính mắt bà Bút Trà xem lại bài vở của nhân viên tòa soạn trước khi đăng và cũng chính tay bà chọn bài lai cảo… Nhà văn Trọng Nguyên, Tổng thư ký tòa soạn Saigon Mới đã có lần tâm sự với Bình Nguyên Lộc: “Khi nào bà ấy quá bận về việc khác, bà ấy chỉ thị cho tôi làm việc, đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chánh.  Bà chỉ cần tôi về mặt kỷ thuật mà thôi.  Tôi chết đi, bất kỳ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà.”

Bình Nguyên Lộc ngỏ lời muốn cộng tác với Sàigòn Mới, bà Thân từ chối thẳng thừng:“Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”. Người ta chửi bà, gọi bà là thím Xồi (ông chồng cũ người Tàu của bà có tục danh là chú Xồi) bà trả lời trên báo:  “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ ?Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng?  Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?”
Bà Bút Trà còn bị chọc ghẹo bằng cách sửa bút danh của bà thành “Bút Tè”, báo chí tiếp tục “chửi”nghề cầm đồ, bà đáp ngắn gọn: “Hằng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chưởi?”.  
Quả là trường hợp của bà chủ báo Bút Trà đi ngược hẳn với lẽ thường tình. Con buôn nào khi bị chửi trên bào cũng chỉ hành động theo một trong ba cách: (1) cắn răng mà chịu đựng khi nào bị báo chí chửi; (2) hối lộ cho các ký giả viết bài chửi bới; hoặc (3) thuê du côn đánh các ký giả đó.  Bà Tô Thị Thân là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp thứ tư: ra tờ báo chửi lại dù chẳng viết được một câu văn nào. 

Saigon Mới còn có một nhân vật nữ nổi tiếng là bà Tùng Long, phụ trách mục Gỡ rối tơ long từ năm 1953, bà còn giữ mục Tâm Tình Cởi Mở trên báo Tiếng Vang (1962-1972). Hai mục “hỏi đáp tâm tình” này rất ăn khách trên báo và thu hút nhiều người đọc, nhất là phụ nữ vì chủ đề xoay quanh chuyện yêu đương, tình cảm.
Bà Tùng Long làm chủ bút Tuần báo Tân Thời (1935), Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, ngoài ra còn cộng tác với các báo Đồng Nai, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, và các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Duy Tân, Đông Phương… Bà Tùng Long xuất bản trên 60 tác phẩm trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1972.
Người ta thường ví “hiện tượng Tùng Long” tại Sài Gòn được lập lại với nhà văn Quỳnh Giao bên Đài Loan với loại tiểu thuyết tình cảm trong đó có những trớ trêu, ngang trái đã khiến nhiều người đọc, nhất là phụ nữ, phải rơi lệ.

Trích đoạn từ:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét