ĐẢNG CẦN LAO NHÂN VỊ
VỚI VẤN ĐỀ TÔN GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ MIỀN NAM (1955-1963)
Hồ Hoàng Thái
(Trích đoạn phần “Mở
Đầu” từ Luận văn Thạc sĩ, Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học
KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội – 2014)
1. Tính cấp thiết / Lý do chọn đề tài
Sự sụp đổ chóng
vánh của chính quyền Ngô Đình Diệm với cái chết của anh em nhà họ Ngô cuối 1963
đến nay vẫn là một đề tài liên tục được bàn thảo, nhất là từ phía những thành
viên (lưu vong?) của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt, vượt ra ngoài nỗi
ám ảnh của những “cựu thần” hết thời, chính nhà sử học cũng cần quan tâm tới
một vấn đề nổi lên từ sự kiện tháng 11-1963 đó, đúng như GS Cao Huy Thuần đã
lưu tâm: làm sao một chính thể bề ngoài vững mạnh, với hệ thống chính trị rộng
khắp, lực lượng cảnh sát-quân đội hùng mạnh, từng liên tập đập tan các trở lực
từ phía các tôn giáo địa phương (Cao Đài, Hòa Hảo, và lực lượng Bình Xuyên,
những năm 1955-1956…), ngăn chặn hiệu quả sự mở rộng ảnh hưởng của Cộng sản
(đặc biệt giai đoạn 1959-1960), thiết lập được hệ thống cải cách kinh tế bước
đầu có những dấu hiệu tốt (dù còn đầy vướng mắc), được sự hậu thuẫn cả về chính
trị (của Công giáo miền Nam) và kinh tế (của Mỹ); rốt cuộc lại tan vỡ trong một
loạt sự biến động chính trị tưởng như đã được kiểm soát vào 1963 ?
Thêm vào đó, lại
có thể nhìn ra một khía cạnh khác: chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính thể
đã áp dụng những hình thức chính trị hiện đại tân thời để kiểm soát xã hội, dù vẫn duy trì một thứ quyền lực bảo thủ cựu thời, sau cùng vẫn không thành công trong nỗ lực tự bảo toàn mình trước các
thế lực mà nó kiềm chế (Phật giáo) hay dung dưỡng (lực lượng quân đội, các
tướng tá thực hiện cuộc phản loạn 1963). Như thế, đó là một chế độ tự hủy hoại về bản chất. Từ đây, tôi
cho rằng cần đi tìm một nhân tố mang tính bản chất của chính quyền Diệm, đặc
biệt ở Đảng Cần lao
Nhân vị vốn là hiện thân chính trị của chính quyền này. Nhưng tính chất ấy phải có một sự tương tác bản chất tới các nhân tố xã hội –
chính trị khác ở miền Nam, mà chính sự tương tác này đã kéo sập lâu đài chính
trị của Diệm. Khi xem xét các biến cố chính trị liên tục từ 1954 cho đến
1963, tôi nhận thấy sự hình thành ở xã hội miền Nam những đặc tính chính trị
mang bản chất tôn giáo (hay tính tôn giáo xâm lấn lĩnh vực chính trị).
Tính chất tôn
giáo không những quyết định dứt khoát sự hình thành và suy vong của các thiết
chế quyền lực tại miền Nam, mà còn trực tiếp tạo nên những cuộc xung đột tôn
giáo dưới đủ các hình thức luận chiến tư tưởng, bạo động tôn giáo, chiến tranh
tôn giáo. Bởi vậy, tôi cho rằng, để phân tích chính quyền Ngô Đình Diệm, thích
hợp nhất là từ tính tôn giáo của nó;
mà trong trường hợp này, phải nhìn dưới
khía cạnh tính tôn giáo của một đảng
chính trị: Đảng Cần lao.
Do đó, khi nghiên
cứu lại trường hợp chính thể Việt Nam Cộng hòa đệ nhất, tôi hướng nghiên cứu
khoa học đến những kết quả sau:
(i) Xem xét bản chất của nền Đệ nhất Cộng hòa qua cái nhìn
về Đảng Cần lao Nhân vị, từ đó tìm ra tính chất nội tại của chế độ này xét từ
cái nhìn tôn giáo – chính trị;
(ii) Phân tích tính cố kết chính trị của chính quyền Việt
Nam Cộng hòa trong tương quan với bối cảnh chính trị Nam Kỳ, xét như sự thất
thoát quyền lực và mất kiểm soát về bạo lực của Đảng Cần lao Nhân vị, mà tôi sẽ
chỉ ra rằng quá trình này song song với quá trình giải trừ tính tôn giáo của
Đảng Cần lao;
(iii) Chỉ ra những vết
thương chính trị ở miền Nam trước 1963 khi những nỗ lực chính trị của Đảng Cần Lao Nhân vị
hoàn toàn thất bại, mà một trong những tình thế chính yếu là sự chấm dứt hoàn
toàn những ảnh hưởng kiềm chế nông thôn của các lực lượng tôn giáo.
Từ đây, tôi xác định mục tiêu của luận văn là chỉ ra đặc tính tôn giáo - chính trị và nguồn gốc
tôn giáo - chính trị đã dẫn đến một hình
thức độc tài – chuyên chế (toàn trị?) là “nền Đệ nhất Cộng hòa”.
2. Tình hình nghiên cứu vấn đề.
Như đã nói, vấn
đề Đảng Cần lao và chính quyền Diệm không phải một đề tài mới mẻ. Những tác
phẩm phân tích chế độ Diệm, Đảng Cần lao không phải là ít. Dưới đây tôi chỉ
điểm những tác phẩm chứa đựng cái nhìn tiêu biểu, mà những bài viết hay sách vở
khác đều khai triển sâu thêm lối nhìn của nó.
■ Một trong những phân tích tổng quát phổ biến
nhất có thể tìm thấy trong hồi ký chính trị Việt
Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Hoành Linh Đỗ Mậu, một viên tướng dưới chế độ
Ngô Đình Diệm. Sự khinh bỉ tột đột chế độ Diệm đã dẫn tới cái nhìn coi chế độ
này là gia đình trị, đầy tính phong kiến, mà Đảng Cần lao Nhân vị chỉ là một thứ chính trị trá hình, thông qua đó gia đình Diệm chi phối toàn
bộ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả Đỗ Mậu cho rằng, chính quyền Diệm thực
chất thực hiện hai nhiệm vụ: (1) tiêu diệt các thế lực đối lập (Cộng sản, các
tôn giáo, các lực lượng chính trị ngoài đảng Cần lao); (2) Công giáo hóa miền
Nam. Từ hai nhiệm vụ này, theo ông Đỗ Mậu, thực chất các anh em trong gia đình
Diệm đã: (a) thu vén lợi ích về phía mình, gây nên sự đứt gãy quyền lực ngay
trong nội bộ bộ máy gia đình trị, tiêu biểu là sự mâu thuẫn giữa Ngô Đình Nhu
và Ngô Đình Cẩn; (b) gây nên tình trạng chia rẽ nặng nề về tôn giáo – xã hội
trong nhân dân miền Nam, biểu hiện ra ở sự tham lam vô độ của Ngô Đình Thục; do
đó (c) hạn chế dân chủ, kỳ thị tôn giáo, dẫn đến khủng hoảng chính trị. Như
thế, với ông Đỗ Mậu, bản chất độc tài
nhưng thiển cận, tham lam, có phần
dốt nát và đầy ảo vọng chính trị (đặc biệt Ngô Đình Diệm và giám mục Ngô
Đình Thục) của anh em nhà họ Ngô chính là cơ sở cho tất cả các biến loạn chính
trị dưới chế độ Diệm. Không khó để nhận ra sự công kích của
Đỗ Mậu nhằm chủ yếu vào các cá nhân, những hiện thân quyền lực của chế độ độc tài
– gia đình trị. Trong đó, các vấn đề khủng hoảng chính trị, xung đột tôn giáo,
chia cắt dân tộc… chỉ là những hệ quả.
■ Cái nhìn tiêu
biểu thứ hai có thể kể đến là loạt bài Nguyên
Nhân Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa Bị Sụp Đổ của tác giả Trần Văn Thưởng
(trên trang blog của chính ông, http://vietnamsolutions.blogspot.com),
một thành viên cũ của Đảng Cần lao. Loạt bài được biên soạn công phu này chứa
nhiều thông tin quý giá về bộ máy Đảng Cần lao. Như một lời biện minh cố gắng
khách quan cho chế độ Ngô Đình Diệm, tác giả đã phác họa một bức tranh toàn
diện về: (1) nguồn gốc quyền lực có can hệ tới tôn giáo của chính quyền Diệm;
(2) sự hình thành Đảng Cần lao Nhân vị, những bất ổn tiềm tàng khiến 14/16 các
quan chức đầu não của Đảng về sau trở mặt với chính quyền Diệm; (3) những sai
lầm trong vấn đề quân sự của Diệm và hệ quả; (4) những sai lầm trên lĩnh vực
kinh tế - xã hội của Diệm; (5) sự sụp đổ của chính quyền Diệm trên mọi lĩnh vực
và biến cố phản loạn 1963, nguyên nhân Hội
Đồng Tướng lĩnh Cách mạng làm phản. Qua đó, ông Thưởng cho rằng: (a) biến
cố 1963 có nguồn gốc từ các sai lầm (có tính không thể lường trước) do những
chính sách và hoạt động của Đảng Cần lao gây ra, nằm ngoài toan tính và ý định
của Diệm; (b) sự mất dân chủ - tự do mà chính quyền Diệm tạo ra (mà ông Thưởng
ở một bài báo ngắn cùng tên, cho rằng tương đương với tình trạng ở miền Bắc) đã
kích động sự nổi loạn của các lực lượng chính trị ở miền Nam; (c) sự chia rẽ
trong nội bộ anh em họ Ngô làm suy yếu tính thống nhất của Đảng Cần lao cũng
như làm tê liệt các quyết định chính trị; và (d), sự bất lực của bộ máy thông
tin, tình báo. Cách tiếp cận của ông do đó chủ yếu nhắm tới phân
tích thể chế: như vậy, thất bại của chính quyền Diệm là sự thất bại của
một thể chế không ăn khớp, liên tục va vấp và sai lầm, tạo
nên những dư chấn chính trị không đáng có; thể chế này để tự bảo toàn mình, đã tạo
ra những đợt sóng chính trị nội tại nhằm loại bỏ những cá nhân đại diện của nó
(anh em họ Ngô), rốt cuộc đã đưa chính những lãnh đạo khác trong bộ máy này lên
nắm quyền, dĩ nhiên với sự trợ giúp của người Mỹ. Đối với ông Thưởng, một phần
cũng tương tự như với ông Đỗ Mậu, tôn
giáo là một sai lầm của chính quyền Diệm, mà đáng lẽ ra Đảng Cần lao phải
tách rời với tôn giáo. Nói cách khác, một ngầm ý được đọc ra ở đây trong cách
nói của cả hai, rằng Đảng Cần lao bị suy thoái do việc đưa vào trong nó các vấn
đề tôn giáo quá sâu, mà (như tôi hiểu), lẽ
ra một nhà nước hiện đại với một Đảng vững mạnh cần loại bỏ tôn giáo ra khỏi
nó. Cách nhìn tương tự có thể chia
sẻ với nhóm cố vấn độc lập của Hoa Kỳ
đã viết The Pentagon Papers, trong
Volume 1, Chapter 5, Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960, Section
2, pp. 283-314. (Boston: Beacon
Press, 1971).
■ Cách tiếp cận
gợi mở nhất, theo tôi, được tác giả Thích Nhất Hạnh đưa ra với Hoa Sen Trong Biển Lửa, mà những ý tưởng
của ông đã được cô đọng trong Việt Nam
Phật Giáo Sử Luận, chương XXXVII,
Những nguyên nhân đưa tới cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình
Diệm. Khi viết Việt Nam Phật Giáo Sử
Luận, ông cho rằng Đảng Cần lao và chế độ Diệm là một hệ thống
chính trị chứa chấp những tiêu cực không thể dung hòa với xã hội khai phóng ở
miền Nam: (1) tính độc tài của chế độ, bản chất gia đình trị của chế độ; (2)
tính tàn ác của chế độ, hay sự thanh trừng vô nhân tính với các lực lượng không
thuộc Đảng Cần lao; (3) tính chèn ép bất công của chế độ, cũng như sự thiên vị
Công giáo một cách vô lối với hàng loạt các hoạt động thừa hưởng từ dụ số 10
của Bảo Đại. Tiếp nối với đó, Hoa Sen Trong Biển Lửa lần lượt phân tích:
(a) vai trò của Phật giáo trong lịch sử
Việt Nam cho đến thời Diệm; (b) tính chất tôn giáo của xã hội miền Nam, đặc
biệt ở nông thôn – hay những vấn đề tâm lý-xã hội của nhân dân
miền Nam (thật bất ngờ rằng từ những năm 1967 đã xuất hiện một cái nhìn theo
lối văn hóa chính trị hết sức sắc sảo
như vậy, dù không ngẫu nhiên khi một thành viên của Phật giáo phát biểu nó);
(c) sự thất bại của Công giáo, hay những nguyên nhân kéo Công giáo vào tình thế
bất dung với dân tộc, và những đường hướng nên đi của Công giáo (chính mâu
thuẫn về đường hướng Công giáo cũng sẽ tạo nên sự căng thẳng giữa Công giáo Bắc
và Công giáo Nam); và (d) sự thất bại của chính quyền Diệm xét như sự bế tắc
trong đường hướng chính trị sai lầm của Diệm và Hoa Kỳ không chỉ trên lĩnh vực
thực hiện bạo lực mà còn ở sự tin tưởng vào Công giáo (dù nằm hoàn toàn trong
chương 4 của cuốn sách, nhưng Thượng tọa Thích Nhất Hạnh đã trình bày vấn đề
này suốt 3 chương đầu).
Tác giả đã chỉ ra điểm mấu chốt của vấn đề tôn giáo-chính trị Nam Kỳ như
sau: (i) nông dân không có ý niệm về vấn đề tự do-dân chủ, nên Cần lao Nhân vị
chỉ là một thứ tư tưởng dành cho thị dân; (ii) nông thôn đã quen với các hình
thức truyền bá và thực hành tín ngưỡng của các tôn giáo bản địa, trong khi Công
giáo lại chưa có khả năng đi cùng dân tộc. Kết luận rất quan trọng có thể được
rút ra ở đây rằng: chính tính không tương hợp về tôn giáo của Công giáo dẫn đến
khiếm khuyết tính tôn giáo của Đảng Cần lao Nhân vị, làm nó không tạo nên ảnh
hưởng tích cực tới vùng nông thôn đã khiến Đảng Cần lao không thực hiện được
chức năng chính trị thống nhất của nó, cũng là nguyên nhân bản chất nhất dẫn
đến sự suy sụp của chính quyền Diệm. Nhưng nếu thế, người ta còn nhìn ra ở đây một sự thể nữa: liệu có phải chính
sự không trọn vẹn của Công giáo tạo điều kiện cho các thành viên của Đảng Cần
lao lạm dụng vai trò chính trị-xã hội-tôn giáo của mình để từ đó trục lợi?
Nghĩa là, nếu thừa nhận điều đó, thì dù Nhất Hạnh đã mạnh mẽ tố cáo tội ác và
tính chuyên quyền độc đoán của chính quyền Diệm, thì người ta lại thấy một ngầm
ý rằng, đó là một hậu
quả xuất phát từ sự yếu kém của Công giáo hơn là nguyên nhân trực tiếp của
tình trạng suy đồi Đảng Cần lao.
■ Trong một
nghiên cứu khác cũng nhìn ra khuyết điểm tai hại đó của Công giáo, ông Nguyễn
Văn Trung, một trí thức Công giáo kiệt xuất, có cảm tình và cùng ý kiến với tác
giả Nhất Hạnh, khi viết cuốn Nhận Định IV
(Nxb Nam Sơn, 1966), lại đồng tình
với nhu cầu độc tài/ chuyên chế, cho rằng đó là vấn đề cần thiết nhất thời
của tình hình chính trị miền Nam bấy giờ, đặc biệt thích hợp để quản lý vùng
nông thôn rộng lớn vốn khó nắm bắt. Vấn đề mà ông Nguyễn Văn Trung đưa ra là:
(1) chính quyền chuyên chế của Diệm đã lạm
dụng khả năng chuyên chế để kiếm lợi và làm ác; và (2) Công giáo đã chưa
thể hòa nhập với đại bộ phận xã hội để thúc đẩy tiến bộ. Chính cách trình bày
của ông Trung lại đã khiến vấn đề bản chất chế độ tách rời vấn đề tôn giáo
hay ý hệ của nó. Cách nhìn này,
dù sao, cũng bị ảnh hưởng bởi vị thế
của ông với tư cách là một trí thức của Công giáo miền Nam. Bởi thế, vấn đề
không nằm ở mô hình quyền lực của chế độ Diệm, mà nằm ở căn bệnh của nó cùng sự
đi xuống của những tầng lớp bệ đỡ cho chế độ này (lực lượng thị dân mới, như
phân tích của ông). Dĩ nhiên, ông cũng nhìn ra như Thích Nhất Hạnh về sau, rằng
chính bộ phận trung lưu mới này không hề có ý định chấm dứt chiến tranh, và coi
đó là khởi nguồn của mọi sự suy thoái chính trị. Phân tích của ông nặng về việc
đánh giá theo các tiêu chí chính trị hiện đại đương thời, chứ không căn cứ vào
một phương pháp khảo cứu có tính tâm lý
xã hội hay văn hóa chính trị như
của Thích Nhất Hạnh, do đó không nhìn thấy
những động lực lịch sử to lớn đã hàm chứa trong xã hội Nam Kỳ thậm chí từ trước
1945.
Ba tác phẩm “tiêu biểu” của các tác giả xuất sinh từ miền
Nam:
Việt Nam Máu Lữa
Quê Hương Tôi (Văn Nghệ, USA, 1986) / Hoành
Linh Đỗ Mậu,
Việt Nam Phật
Giáo Sử Luận (Lá Bối, Paris, 1978) . Nguyễn
Lang (TT Thích Nhất Hạnh)
và Nhận Định IV
(Nam Sơn, Sài Gòn, 1966) / Nguyễn Văn Trung.
■ Ở đây, còn cần
đề cập thêm phân tích kinh điển trong Báo
cáo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành
Trung ương lần thứ 15 (mở rộng), họp từ ngày 12 đến
22-1-1965. Trong Báo cáo này, Đảng
nhận thức chính quyền Mỹ-Diệm được xây dựng từ một loạt hoạt động chính trị
liên tục: thống nhất quân đội, thanh trừng và tái cơ cấu bộ máy hành chính, hợp
tác giữa Diệm và Mỹ, tuyên bố nền độc lập quốc gia giả hiệu, thực hiện chính
sách diệt Cộng, bình định khắp miền Nam từ 1957, đưa ra Hiến pháp phản dân chủ
và thực hiện bưng bít báo chí, mở rộng sức mạnh của lực lượng Công an, xây dựng
nền chính trị gia đình với Đảng Cần lao, hợp tác với CIA khủng bố những người
yêu nước, gia tăng sự thù hằn với Cách Mạng. Từ cái nhìn chính trị, những phân
tích trên khá toàn diện và chính xác, cho dù nhân tố Mỹ được nhấn mạnh và đề
cao để làm nổi bật rõ tính bất chính của chính quyền miền Nam và tính phản cách
mạng – phản động của chính quyền này. Như thế, Đảng Cần lao và Công giáo đều
chỉ là hai biểu hiện của cùng một tiến trình chính trị phản động do người Mỹ
kiến tạo nên thông qua tập đoàn tay sai mà đại biểu là anh em Ngô Đình Diệm.
Đây là cái nhìn xuất sắc và hiếm có về mặt nhãn quan chính chính trị, xem xét
chính quyền Diệm cũng chỉ là một biểu hiện của một tiến trình chính trị tự đi
đến sụp đổ từ bản chất.
■ Trong số những
tác phẩm nghiên cứu thể hiện rõ cái nhìn Marxist, cuốn “Hoạt động tôn giáo và chính trị của Thiên chúa giáo miền Nam thời Mỹ -
Ngụy (1954-30/04/1975)” (trường Cao Đẳng An Ninh Nhân Dân II xuất bản, năm
1990?) thể hiện cái nhìn khá tiêu biểu. Đúng như tên đề tài, nghiên cứu này tập
trung phân tích sự vận động của nền chính trị Mỹ-Ngụy xuyên qua phạm trù “Thiên
Chúa giáo”, từ đó đi đến kết luận Thiên Chúa giáo miền Nam đóng vai trò quan
trọng nhất trong đời sống chính trị Sài Gòn, là tay sai đắc lực cho Mỹ-Diệm
chống phá Cách mạng. Phân tích của tác giả tập trung vào sự tham gia của Thiên
Chúa giáo vào những hoạt động chính trị của chính quyền Diệm (như sự hình thành
các nhóm Thanh niên Cần lao, hay cuộc
di cư 1954-1955, mâu thuẫn giữa Công giáo với các tôn giáo
khác…), mà Đảng Cần Lao là một nhân vật cùng tham gia vào đó. Như vậy, Công
giáo, Đảng Cần Lao và nhà tù Chín Hầm lần lượt là biểu hiện cho quyền lực của
Thục-Nhu-Cẩn với những đường lối chính trị khác nhau, đại diện cho cách nhìn
nhận xã hội khác nhau và các lực lượng xã hội khác nhau. Toàn bộ nghiên cứu này
là một bức phác họa xã hội – chính trị miền Nam bấy giờ dưới cái nhìn Công giáo,
phảng phất một “học thuyết âm mưu” toàn xã hội, trong đó Công giáo đã trở thành
một địa chỉ tập hợp những mâu thuẫn xã hội, các âm mưu chính trị và sự can
thiệp trực tiếp-gián tiếp của người Mỹ, vừa làm gián đoạn nền chính trị, vừa
thúc đẩy tính phản động của chính quyền Mỹ-Diệm.
Những cách nhìn
được trình bày bên trên cũng là các cách tiếp cận tiêu biểu với vấn đề mà luận
văn đặt ra. Trong phần thư mục tham khảo, tôi sẽ điểm những tài liệu được sử
dụng, chỉ khác nhau về thông tin, nhưng không đi ra ngoài bốn góc độ vừa được
nêu ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét