LẠI NÓI VỀ TIẾNG
VIỆT TỆ HẠI
CỦA BBC-VIỆT NGỮ
Đào Văn Bình
Vào
ngày 20/3/2013 tôi đã viết một bài nhan đề, “Trình độ Việt Ngữ của BBC và VOA tiếng Việt” trong đó đề cập tới
trình độ Việt ngữ quá kém cỏi, bạ đâu viết đó, không hề có chủ bút, chủ biên,
trưởng ban ghé mắt coi qua, tức khinh thường độc giả quá đỗi. Nếu BBC chỉ là loại
báo chợ, báo biếu, báo lá cải quăng ở các siêu thị thì tác động không bao
nhiêu. Thế nhưng vì nó là một trang tin, có thể có cả triệu độc giả ghé mắt coi
qua hoặc theo dõi cho nên nó có thể tạo ảnh hưởng nếu những người đọc vốn Việt
ngữ kém hoặc trình độ Việt ngữ không có. Nếu loại tiếng Việt ba trợn này tiếp tục
được duy trì nó sẽ phá nát tiếng Việt truyền thống lúc nào không hay.
Do
vậy, một lần nữa tôi có lên tiếng thì không phải vì ghét bỏ, kỳ thị các anh chị
em đang dịch, đang viết bản tin cho BBC mà chỉ vì tiền đồ văn hóa của dân tộc.
Tôi biết anh/chị em đang làm việc cho Ban Việt ngữ BBC phần lớn đều sinh trưởng
ở Miền Bắc. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, làm sao tôi có thể ghét bỏ
Miền Bắc và tiếng Bắc được chứ? Nhưng vì loại tiếng Bắc mà anh chị em đang sử dụng
không phải tiếng Bắc truyền thống mà là loại tiếng Bắc bát nháo, đường phố của
giới ít học, buôn lậu, mánh mung, đứng bến… chứ không phải tiếng Bắc của “cửa
Khổng sân Trình”, tiếng Bắc của gia đình nề nếp, thanh lịch, thừa kế cả gia tài
ngôn ngữ và văn chương phong phú, bác học, trữ tình của tổ tiên.
Ngoài
ra tôi không biết anh/chị em được dạy Việt ngữ như thế nào ở bậc tiểu học và
trung học. Không biết anh chị em có được dạy văn phạm không? Văn phạm tức là
quy tắc viết văn sao cho đúng. Một câu văn đúng văn phạm là câu văn phải tránh
những lỗi sau đây: Câu văn què, Câu văn tối nghĩa, Câu văn ngớ ngẩn, Câu
văn dùng chữ không chính xác, Câu văn thừa, Câu văn trùng lập hay dài lòng
thòng, Câu văn gây hiểu lầm, Câu văn lai căng dùng chen tiếng Tây, tiếng Mỹ,
Câu văn làm dáng /kiểu cọ, Câu văn dị hợm, Câu văn cường điệu, đao to búa lớn,
Câu văn xúc phạm hay dâm ô chẳng hạn như kiểu “đố tục giảng thanh”, Nói có
sách, mách có chứng. Dưới đây tôi sẽ hài ra một số lỗi và xin quý anh chị coi
qua:
1)
Câu văn què tức
câu văn chưa đủ nghĩa hoặc dùng thiếu chữ.
-
BBC
tiếng Việt ngày 8/9/2015: “Đồng rúp mất
giá ảnh hưởng du lịch Việt Nam?”. Khi nói ảnh hưởng thì phải nêu rõ ảnh hưởng
tới cái gì chẳng hạn “ảnh hưởng tới sức khỏe”, “ảnh hưởng tới môi trường”, “ảnh
hưởng tới cuộc sống” v.v… Do đó câu văn hoàn chỉnh phải là, “Đồng rúp (ruble) mất giá ảnh hưởng tới ngành du lịch của Việt Nam”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 10/9/2015: “Tên lửa phát
xít đưa Anh lên vũ trụ ra sao?” Câu hỏi đặt ra ở đây là “tên lửa phátxít”
là tên lửa gì?” Đây là câu văn què. Ngoài ra câu văn mắc phải lỗi lầm nữa là:
Con người chỉ có thể “lên” Mặt Trăng, “lên” Hỏa Tinh…chứ không thể “lên” vũ trụ
được. Vũ trụ rộng bao la vô biên như thế làm sao có thể “lên” được, mà phải nói
khám phá hoặc bay vào vũ trụ. Câu văn hoàn chỉnh phải là, “Tên lửa của phátxít Đức giúp Anh bay vào/khám phá vũ trụ ra sao?”
-
BBC
tiếng Việt ngày 14/9/2015: “Vụ bom
Bangkok: Malaysia bắt ba người”. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy một câu
văn què cụt, lạ kỳ đến như vậy. Câu văn đúng đắn phải là: “Mã Lai bắt giữ ba người liên quan đến vụ đánh bom ở Bangkok” hoặc “Vụ đánh bom ở Bangkok: Mã Lai bắt giữ ba người”
-
BBC
tiếng Việt ngày 16/9/2015: “Trong cách
cúi của người Nhật”. Đây là câu văn què. Câu văn rõ nghĩa phải là, “Trong cách cúi đầu của người Nhật.”
2)
Câu văn tối
nghĩa tức câu văn khiến người đọc không hiểu ý thế nào. Đọc câu văn tối nghĩa độc
giả khó chịu, đôi khi nhức đầu.
-
BBC
tiếng Việt ngày 9/9/2015: “Muộn Đại hội Đảng
ở VN vì còn bất đồng?” Đây là câu văn tối nghĩa hoặc dịch ra từ tiếng Anh.
Câu văn rõ nghĩa phải là, “Đại Hội Đảng tổ
chức trễ vì còn bất đồng?”
-
BBC
ngày 9/9/2015, “Đan Mạch dừng đường tàu
qua Đức”. Thú thực đọc đoạn văn này tôi nhức đầu quá, không hiểu ra làm
sao. Đọc nội dung, thì ra, “Đan Mạch
ngưng các chuyến xe lửa tới Đức”. Ngưng là ngưng các chuyến xe chứ không thể
ngưng đường tàu được. Xin nhớ, đặt một câu văn ngắn gọn cho tiêu đề không phải
dễ. Luôn luôn phải có chủ bút duyệt lại.
-
BBC
tiếng Việt ngày 2/9/2015: “Cà phê và triển
vọng kết cục cay đắng”. Đây là câu văn rất tối nghĩa. Có lẽ chính tác giả
cũng chẳng hiểu mình viết gì. Đọc kỹ nội dung, câu chuyện chỉ là, “Biến đổi khí hậu khiến ảnh hưởng tới số phận
của càphê” hoặc, “Biển đổi khí hậu:
Tương lai đen tối của càphê”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 30/8/2015: “Làm gì để đối
phó với chính trị văn phòng?” Đọc kỹ nội dung thì tiêu đề phải viết, “Làm sao để đối phó với áp lực chính trị tại
nơi làm việc?” hoặc “Làm sao thoát khỏi
bầu không khí chính trị/ khuynh hướng chính trị tại văn phòng?” Làm gì có
“Chính trị văn phòng”? mà chỉ có khuynh hướng chính trị nào đó tại nơi mình làm
việc mà thôi. Xin đừng bịa ra chữ hoặc không rành tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên
dịch bừa thành câu văn ngô nghê. Nếu có “chính trị văn phòng” thì lại phải có
“chính trị cơ xưởng”, “chính trị nhà máy”, “chính trị đơn vị”, “chính trị siêu thị”…
nữa sao?
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/9/2015: “Khu kinh tế mở
Chu Lai”. Thú thực tôi không hiểu “khu kinh tế mở” là khu kinh tế như thế
nào. Không biết tác giả dịch từ chữ nào của tiếng Anh? Sau khi tra cứu tôi mới
thấy đây là một khu kinh tế mô phỏng theo Trung Quốc mà tiếng Anh gọi là
“Special Economic Zone” hay “Open Economic Zone”. Hiện nay Trung Quốc có bốn
khu như vậy. Nếu đúng thế thì phải gọi, “Đặc Khu Kinh Tế Chu Lai” hoặc “Khu Kinh Tế Mở Rộng Chu Lai”, hoặc “Khu
Kinh Tế Không Hạn Chế Chu Lai”.
3)
Câu văn ngớ ngẩn,
tức câu văn không biết tác giả muốn nói gì… cứ viết đại ra cho có:
-
BBC
tiếng Việt ngày 10/9/2015: “Tướng Thanh
tiếp khách Ấn Độ”. Có cả ngàn khách Ấn Độ… nào là khách ngoại giao, thương
mại, quân sự, biết tiếp ai đây? Và khách Ấn Độ ở đây là ông nào? Tiêu đề đúng đắn
phải là, “Tướng Phùng Quang Thanh tiếp Đại
Tướng Ấn Độ Arup Raha”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/9/2015: “21 tuổi và mạng
lưới phòng khách sạn lớn nhất Ấn Độ”. Khách sạn đương nhiên là có phòng rồi.
Mình tới khách sạn là để mướn phòng ngủ thế mà lại dùng chữ “phòng khách sạn” hết
sức ngây ngô, chứng tỏ trình độ Việt ngữ kém cỏi. Ngoài ra chữ “mạng lưới” chỉ
dùng cho “mạng lưới điện”, “mạng lưới toàn cầu” (Internet). Một hệ thống khách
sạn hoặc chuỗi (chain) khách sạn hoặc hệ thống nhà hàng McDonals… dù nhiều cách
mấy cũng không thể là một mạng lưới được. Mạng lưới có nghĩa là chằng chịt.
-
BBC
tiếng Việt ngày 20/9/2015: “Người dân Hy
Lạp đi tổng tuyển cử”. Đây là câu văn ngớ ngẩn và khinh thường độc giả quá
đỗi. Câu văn hoàn chỉnh phải là, “Người
dân Hy Lạp tham gia tổng tuyển cử”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 20/9/2015: “Cuba: Đông đảo
sẽ dự Thánh lễ với Giáo hoàng”. Đây là câu văn cẩu thả không còn ra thể thống
gì nữa. “Đông đảo” là một “tính từ” (adjective) nó không thể làm chủ từ cho câu
văn được. Học sinh Lớp 4, Lớp 5 cũng không viết một câu văn tệ hại đến như vậy.
Câu văn hoàn chỉnh phải là, “Đông đảo tín
đồ sẽ tham dự thánh lễ với Giáo Hoàng”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 20/9/2015: “Khủng hoảng
di dân: 13 người chết”. Câu văn này khiến người đọc phì cười bởi vì khủng
hoảng di dân gì mà chỉ có 13 người chết thôi sao? Có lẽ tác giả bản dịch này vừa
đặt tiêu đề vừa tán dóc với bạn bè cho nên bạ đâu viết đó. Tiêu đề hoàn chỉnh
phải là,” Lại thêm 13 người chết trong cuộc
khủng hoảng di dân” hoặc “Khủng hoảng
di dân: Thêm 13 người chết”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 26/9/2015: “’Trần tuổi’ với
Đại hội Đảng thế nào?” Đây là câu văn dịch ngô nghê chứng tỏ người dịch kém
tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Câu văn thuần Việt và rõ nghĩa phải là, “Hạn tuổi ảnh hưởng thế nào tới đại hội đảng?”
-
BBC
tiếng Việt ngày 26/9/2015: “Ô. Tập Cận
Bình… đã được Tổng thống Barack Obama đón tiếp khá thẳng thắn.” Đây là bài
viết của ông Tiến Sĩ Vũ Cao Phan gửi cho BBC từ Hà Nội. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới
giờ tôi chỉ đọc và nghe nói, “tiếp đãi nồng hậu” , “tiếp đãi ân cần” hoặc “đón
tiếp lạnh nhạt”, chứ chưa bao giờ đọc và nghe nói “ đón tiếp thẳng thắn”. Nhưng
tôi đã được đọc và nghe nói, “thảo luận thẳng thắn”. Xin ông tiến sĩ mở từ điển,
coi lại sách vở từ ngàn xưa đến giờ xem có cuộc tiếp đón nào gọi là “thẳng thắn”
hay không? Phải chăng “tiếp đón thẳng thắn” có nghĩa là Ô.Tập Cận Bình vừa bước
vào cửa Tòa Bạch Ốc, Ô. Obama đã chỉ vào mặt nói, “Này, ông phải thẳng thắn
không được giấu diếm gì nghe không!” Nếu Ô. Obama làm thế, cả nước Mỹ sẽ nghĩ
Ô. Obama điên mất rồi và cần phải vào dưỡng trí viện (nhà thương điên) nghỉ
ngơi một thời gian cho nó “thư giãn” rồi sẽ về làm tổng thống tiếp.
4)
Câu văn dùng chữ
không chính xác hoặc chính tác giả cũng không hiểu rõ nghĩa nhưng cứ viết bừa.
-
BBC
tiếng Việt ngày 10/9/2015, “Redstone là
phiên bản phát triển từ chiếc V2” Theo đúng văn tự thì Redstone không phải
là “phiên bản” (bản sao chép, copy giống hệt 100%) mà “phát triển” từ hỏa tiễn
V2. Như vậy Redstone là bản mô phỏng (version) chứ không phải phiên bản tức sao
chép. Do đó câu văn chính xác phải là. : “Redstone
là bản mô phỏng từ V2” Xin tác giả nhớ cho: Danh từ “copy” được người Tàu dịch
là “phiên bản”. Còn Việt Nam dịch là “sao chép”. Trong giấy tờ hành chính gọi
là, “Sao y bản chính”. Còn “version” là mô phỏng (không đúng 100%).
-
BBC
tiếng Việt ngày 29/8/2015: “Công nghệ cho
xe ôm ở Jakarta” thú thực đọc đoạn văn này tôi không hiểu gì cả. Theo chỗ
tôi biết “công nghệ” là kỹ nghệ chế tạo cơ khí, máy móc. Miền Nam trước đây có
Trường Kỹ Sư Công Nghệ. Đọc kỹ nội dung thì đây chỉ là “Điện thoại thông minh giúp tìm xe ôm ở Jakarta” hoặc “Điện thoại thông minh giúp nghề xe ôm ở
Jakarta”, chứ chẳng có khoa học, kỹ thuật gì ở đây cả.
-
BBC
tiếng Việt ngày 19/9/2015: “Đạt cực đỉnh
với một cú nhấn nút”. Đây là câu văn dùng chữ sai và bát nháo. “đạt cực đỉnh”
là đạt cái gì? Theo nội dung bài viết thì đây là một thiết bị điện tử gắn vào
các dây thần kinh ở xương sườn giúp người bị rối loạn tình dục (không nói rõ rối
loạn tình dục là gì) đạt khoái cảm chỉ một lần bấm nút. Do đó câu văn hoàn chỉnh
phải là, “Đạt khoái cảm chỉ một lần bấm
nút”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 25/9/2015: “Giáo hoàng
kêu gọi Mỹ nhân bản với di dân”. Theo từ điển Việt Nam, “nhân bản” có nghĩa
là “lấy con người làm gốc”. Câu văn dùng chữ không đúng, mà phải nói, “Giáo Hoàng kêu gọi Mỹ bày tỏ lòng nhân đạo với
di dân”. Ngoài ra câu văn còn sai văn phạm. “Nhân bản” là một danh từ chứ
không phải một động từ. Trong câu trên, hai chữ “nhân bản” được dùng như một động
từ.
5)
Câu văn thừa tức
câu văn lập lại những chữ cùng nghĩa như nhau hoặc thêm vào khiến câu văn vô
duyên, không biết gom ý, thiếu đầu óc tổng hợp, thiếu kiến thức. Nếu kiến thức
sâu rộng, chỉ cần vài chữ là có thể diễn đạt cả một câu văn hoặc ý tưởng.
-
BBC
tiếng Việt ngày 13/8/2014: “Ánh Viên đạt
thêm thành tích bơi mới” Ai cũng biết Ánh Viên là lực sĩ bơi lội rồi, do đó
thêm chữ “bơi” là thừa. Tiêu đề hoàn chỉnh phải là, “Kình ngư Ánh Viên đạt thêm thành tích mới” hoặc, “Ánh Viên lập thêm thành tích mới”.
6)
Câu văn sai văn
phạm:
-
BBC
tiếng Việt ngày 17/9/2015, “Hối tiếc việc
trao giải Nobel cho Obama”. Đây là câu hoàn toàn sai văn phạm. Sau chữ “hối
tiếc” phải là chữ “đã” chứ không thể là một danh từ. Thí dụ: “Tôi hối tiếc đã
không theo học nghành y khoa” hoặc, “Tôi hối tiếc đã từ chối lời mời hôm đó.”
Do đó câu văn đúng văn phạm phải là, “Hối
tiếc đã trao Giải Nobel Hòa Bình cho Obama”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 21/9/2015: “Tiếp tục tìm
hai ngư dân nổ tàu cá”. Đây là câu văn sai văn phạm. Câu văn hòan chỉnh phải
là, “Tiếp tục tìm kiếm hai ngư dân của
tàu cá bị nổ”.
7)
Câu văn gây hiểu
lầm khiến người đọc hiểu sai ý tác giả. Nguyên do dùng chữ không chính xác, cẩu
thả hoặc tiếng Việt kém.
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/8/2015: “Manuel
Pellegrini gia hạn hợp đồng tại City”. Tiêu đề này khiến chúng ta hiểu lầm
rằng Manuel Pelligrini gia hạn hợp đồng để mướn một cầu thủ nào đó của đội
Manchester City. Nhưng đọc nội dung thì mới vỡ lẽ ra chính Manuel Pelligrini được
gia hạn hợp đồng. Do đó tựa đề hoàn chỉnh phải là, “Manuel Pellegrini được gia hạn hợp đồng tại Manchester City”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 14/9/2015: “Du khách
Mexico bị giết ở Ai Cập”. Câu văn này gây hiểu lầm là du khách Mexico bị giết
bởi nhiều lý do như trộm cướp, khủng bố… do tình trạng mất an ninh, nhưng thực
tế là, “Du khách Mexico bị bắn lầm trong
chiến dịch chống khủng bố ở Ai Cập” hoặc, “Du khách Mễ Tây Cơ bị bắn lầm tại Ai Cập”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 16/8/2015: “Djokovic và
mùi cần sa khi thi đấu”. Câu văn này gây hiểu lầm là mùi cần sa toát ra từ
chính cây vợt Djokovic. Câu văn không gây hiểu lầm là “Djokovic và mùi cần sa toát ra từ khán đài”.
-
BBC
tiếng Việt ngày 26/9/2015: “Hãy thẳng thắn
với ông Tập Cận Bình”. Câu văn này gây hiểu lầm là Việt Nam đã lươn lẹo,
gian trá, quanh co cho nên không “thẳng thắn” với Ô. Tập Cận Bình. Chẳng hạn
chúng ta thường nói, “Ông ta không phải là người thẳng thắn” tức ông ta lươn lẹo,
nói dối, khó chơi. Câu văn đúng đắn và không gây hiểu lầm là, “Hãy nói thẳng với ông Tập Cận Bình” hoặc
“Hãy nói rõ vấn đề với ông Tập Cận Bình”.
Khi hai người đang thảo luận với nhau, nếu chúng ta nói, “Xin ông đi thẳng vào
vấn đề.” thì không sao. Nhưng nếu chúng ta nói, “Xin ông thẳng thắn cho.” thì
người nghe có thể nổi đóa và đấm vào mặt chúng ta vì câu văn thứ hai là câu văn
chạm tự ái. Đây là sự tế nhị của ngôn ngữ đòi hỏi phải học rộng, giao tiếp nhiều
và suy nghĩ nhiều mới thấy. Bài viết có tiêu đề trên là của tác giả Tiến Sĩ Vũ
Cao Phan gửi cho BBC từ Hà Nội.
8)
Câu văn lai căng
dùng chen tiếng Tây, tiếng Mỹ “ba rọi” mà những từ này đã được dịch qua Việt ngữ
hoặc có tiếng tương đương.
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/9/2015, “Dự trữ ngoại tệ
TQ sụt 94 tỷ USD” Trong khi biết dịch đồng Ruble ra tiếng Việt (rúp) thì lại
không biết dịch USD ra tiếng Việt. Xin thưa tiếng Việt gọi đó là đồng đôla.
Ngày xưa lính Mỹ vào Việt Nam xài hai loại đôla cùng lúc: Đôla Xanh và Đôla
Đỏ.
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/9/2015, “Tập đoàn Hong
Kong nắm casino ở Hội An”. Và “dự án
resort casino Nam Hội An”. Xin thưa “casino” là sòng bài. Còn “resort
casino” là vừa sòng bài vừa nghỉ mát/nghỉ dưỡng. Nếu không biết thì nên tra từ
điển.
-
BBC
tiếng Việt ngày 1/9/2015: “Bỏ logo của Thế
vận hội Tokyo”. Xin nhắc “logo” là viết tắt của “logotype” tức huy hiệu hay
nhãn hiệu.
-
BBC
tiếng Việt ngày 17/8/2015: “Từ vụ scandal
với bác sĩ Carneiro”. Xin nhắc “scandal” là vụ tai tiếng.
BBC Việt ngữ tức
là dùng 100% Việt ngữ chứ không phải “BBC tiếng Việt pha tiếng Anh ba rọi”.
Ngày xưa ai nói tiếng Việt thỉnh thoảng chen vào vài câu tiếng Tây cho nó oai,
bị mỉa mai là nói tiếng Tây “ba rọi”. Thực Dân Pháp cút về nước lâu lắm rồi,
nay lại nảy sinh tệ nạn nói tiếng Mỹ “ba rọi”. Đây là đầu óc nô lệ hoặc mặc cảm
với tiếng Việt, cho rằng ngôn ngữ Việt thấp kém, hoặc không rành tiếng Anh nên
không biết dịch ra làm sao nên để “nguyên” cho nó tiện, trong khi đó mình đã có
tiếng tương đương đầy rẫy trong từ điển.
9)
Câu văn làm dáng
-
BBC
tiếng Việt ngày 8/8/2015: “HAGL: Chút nắng
vàng giờ đây cũng vội”. Tiêu để giống như một câu thơ của một người đầu óc
lãng đãng, để làm dáng (Miền Nam gọi là kiểu cọ) chứ không phải người bình luận
về những trận đấu bóng tròn. Thực ra thì đội Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mùa này
đá tệ quá khiến người hâm mộ tiếc nuối thời kỳ vàng son mà tác giả gọi là “bao
tia nắng ấm áp” của ngày xưa. Ông ký giả này nên bỏ nghề bình luận thể thao để
làm thi sĩ… có lẽ thành công hơn.
10) Câu văn dị hợm do sáng chế chữ không thuyết
phục được độc giả hoặc làm cho tiếng Việt trở nên bát nháo hay một mớ xà bần, hổ
lốn, tả pín lù. Xin nhớ muốn sáng chế chữ thì phải có tài về văn chương mà
ai cũng phục… như thế mới gọi là sáng tạo. Sáng tạo mà bị người ta chê, phê
bình, chỉ trích là phá hoại ngôn ngữ.
-
BBC
tiếng Việt ngày 9/9/2015: “Rooney viết
nên trang sử mới cho tuyển Anh”. Bây giờ tại Việt Nam, các chữ như đội tuyển
Việt Nam, đội tuyển Anh Quốc, đội tuyển Pháp, đội tuyển Mỹ v.v… đểu được viết
thành: tuyển Việt Nam, tuyển Anh, tuyển Pháp, tuyển Mỹ… Đây là lối viết vô cùng
bát nháo, sáng tạo kiểu đường phố, vỉa hè. Tuyển Anh, tuyển phu, tuyển quân,
tuyển thí sinh, tuyển lựa ca sĩ v.v… Tuyển Anh là tuyển chọn nước Anh để làm một
cái gì đó chăng?
-
BBC
tiếng Việt này 9/9/2015, “đi nghỉ bằng du
thuyền lớn là biểu tượng đẳng cấp của người Trung Quốc” Câu hỏi ở đây là đẳng
cấp là gì? Đệ nhất đẳng huyền đai hay đẳng cấp chuyên nghiệp hay đẳng cấp cao?
Đẳng cấp cao chưa hẳn là người giàu có. Đây là loại tiếng Việt bát nháo, là loại
ngôn ngữ của “hè phố” mánh mung, ít học. Ngôn ngữ đàng hoàng phải là, “Nghỉ mát bằng du thuyền là biểu tượng giàu
có của dân Trung Quốc”
-
BBC
tiếng Việt ngày 7/9/2015 “bên ngoài căn hộ”.
Thú thực cứ mỗi lần đọc tới hai chữ “căn hộ” là tôi khó chịu. Hai chữ “căn nhà”
vừa thuần tiếng Việt, vừa có trong văn chương ngàn đời nay sao không dùng mà lại
ghép chữ theo kiểu lai căng, kém cỏi? Thà dùng nguyên câu ngạn ngữ HánViệt như
“môn đăng hộ đối” thì không ai nói gì. Chỉ cần dùng một câu đơn giản “ngoài
nhà” là người ta hiểu rồi. Miền Nam trước đây có câu nói để đời, “Dốt thường
hay nói chữ” chẳng hạn như: “căn nhà” không nói mà lại nói “căn hộ”, “cô ấy đẹp” hoặc “cô ấy có chút
nhan sắc” không nói mà lại nói “cô ấy sở
hữu một nhan sắc ”, “cô ấy sở hữu đôi
môi đẹp”. Chữ “gia đình” cũng thế, đã có cả ngàn năm nay không nói mà lại
nói “hộ dân”, “một con hổ” không nói
mà lại nói “một cá thể hổ”, tình hình
“căng thẳng lắm” không nói mà lại nói “tình
hình căng lắm”, trận so găng trên võ đài, trận đá bóng, trận đấu quần vợt,
các môn điền kinh… không nói mà lại nói “trận
thi đấu”, “cầu thủ bị treo giò sáu tháng” không nói mà lại nói, “bị cấm thi đấu sáu tháng”. Cái gì cũng
“thi” như thi công, thi đấu, thi đua…“Công nhân đang làm việc trong nhà máy”
không nói mà lại nói, “Công nhân đang thi
công.” “hoàn thành đúng thời hạn” không nói mà lại nói, “đạt tiến độ thi công” nghe nhức đầu quá.
Ngay trong trường học cũng “thi đua”. Thầy cô chỉ cần làm đúng bổn phận của
mình là tốt rồi. Cả thế giới đều như vậy. Thi đua để làm gì? Thi đua để kiệt sức
mà chết hay vào bệnh viện (À quên, phải nói “nhập viện” mới đúng) tốn tiền
chính phủ?
-
BBC
tiếng Việt ngày 17/9/2015, “Việt Nam nói
Thái Lan phải ‘khẩn trương điều tra’ vụ tàu Thái Lan”. Tôi sợ hai chữ “khẩn
trương” lắm rồi. Đi ỉa, đi đái cũng “khẩn trương lên!”. Tại sao không nói, “Việt Nam yêu cầu Thái Lan điều tra ngay vụ
tàu Thái Lan…” hoặc “Việt Nam yêu cầu
Thái Lan điều tra gấp vụ tàu Thái Lan…” Các quốc gia trên thế giới khi đất
nước sắp lâm nguy hoặc một thiên tai thảm họa sắp đổ xuống, chính quyền ban bố
tình trạng gọi là “tình trạng khẩn trương” (State of Emergency). Khẩn trương ở
đây không có nghĩa là nhanh lên, gấp lên, lẹ lên mà là tình trạng khó khăn của đất
nước mà mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
11)
Câu văn dùng chữ “đao to búa lớn” không thích hợp
- BBC tiếng Việt ngày 14/9/2015: “Đường
lối Đỏ đang lên ở Anh và Mỹ?” Câu văn này có vẻ cường điệu hơn là trình bày
sự thực. Khuynh hướng của hai ông Sanders (Mỹ) và Corbyn (Anh) là khuynh hướng
của người theo Chủ Nghĩa Xã Hội hơn là “Đỏ” tức Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Kết
Luận:
Với những lỗi rất sơ đẳng mà học sinh tiểu học năm xưa ở Miền Nam cũng không mắc
phải, tôi đề nghị nếu Ban Việt Ngữ BBC không tuyển được những cộng tác viên kha
khá tiếng Việt thì nên đóng cửa trang tin này để đừng làm khổ độc giả.
Tôi không hề có ác cảm hoặc mặc cảm với
trang Việt ngữ này. Chỉ vì tiền đồ văn hóa của dân tộc mà tôi nói. Khi mình viết
ra chỉ để người yêu hoặc bạn bè mình đọc thì muốn viết sao cũng được. Nhưng khi
đã viết trên một trang tin điện tử có cả triệu độc giả thì phải hết sức cẩn trọng
vì trong số độc giả có rất nhiều người là bậc thầy của mình chứ không phải tất
cả chỉ là phường bát nháo.
Nếu cảm thấy không rành, không khá,
không am tường Việt ngữ thì nên tìm nghề khác sinh sống. Cầm bút là sự nghiệp
liên quan đến văn hóa chứ không phải chuyện đùa. Trên thế giới này có rất nhiều
nhà bình luận, ký giả, phóng viên, truyền thông đi vào lịch sử ngành báo chí và
được quần chúng nhớ mãi. Nhưng những người này, ngoài kiến thức sâu rộng, khả
năng lý luận, nhận xét bén nhậy, tính công minh chính trực…còn được Trời phú
cho vốn ngôn ngữ mẹ đẻ rất quảng bác, truyền thống và mẫu mực.
Cứ thử đọc các bản tin của các hãng
thông tấn lớn như AP, AFP, Reuters, UPI, các báo lớn của Hoa Kỳ như New York
Times, Washington Post, Boston Globe…chúng ta thấy họ viết bằng lối văn rất mẫu
mực, nghiêm túc bởi vì các bản tin mà các hãng thông tấn này gửi đi được cả
ngàn tờ báo trên thế giới trích đăng lại, bao nhiêu chính trị gia, các vị
nguyên thủ quốc gia cũng phải theo dõi các bản tin này.
Xin nhớ cho văn chương báo chí là ngôn
ngữ bình dị, dễ hiểu, trong sáng, không gây hiểu lầm, không hai nghĩa, nghiêm
túc, không đùa cợt, không làm dáng, không được dùng tiếng lóng hoặc loại ngôn của
phường đứng bến xe, bến cảng, đầu đường, cuối chợ, mánh mung, chụp giựt.
Mình không phải là người thô tục nhưng
dùng ngôn ngữ thô tục thì chính mình là kẻ thô tục. Mình không phải là phường
bát nháo nhưng dùng ngôn ngữ của hạng người đứng bến, đầu đường cuối phố thì
chính mình là phường bát nháo… Mình chưa hẳn là người xấu nhưng dùng ngôn ngữ
cay độc, đâm bị thóc chọc bị gạo, vu oan giá họa, bôi lọ, chụp mũ… thì người đọc
sẽ nghĩ rằng mình là người gian ác… bởi vì “văn tức là người”. Mình là nhà văn,
nhà báo thì phải hướng dẫn “đường phố” để dân “đường phố” từ từ có chút học
hành, ăn nói đúng đắn, thanh lịch hơn lên… chứ không phải chạy theo “đường phố”
bởi vì ngôn ngữ “đường phố” là ngôn ngữ của những kẻ ít học.
Không hiểu rõ những nguyên tắc đó mà nhảy
vào nghề làm báo, làm phóng viên, bình luận, phiên dịch… là một thảm họa, cho
chính mình trước và sau đó cho văn hóa nước nhà.
ĐÀO VĂN BÌNH
(California ngày 27 Tháng 9, 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét