Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017


BỐN TUYÊN BỐ “ĐỂ ĐỜI”
CỦA ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Sưu tầm của Kevin Trần

 
Bốn ảnh gốc từ LIFE Magazine, 1963
KT bố cục và chỉnh đổi lại, 2017

Mỗi lãnh tụ lớn, nhất là lãnh tụ chính trị, sau khi qua đời thường để lại một số di sản cho hậu thế. Di sản đó có thể là thành quả cụ thể của những chính sách, có thể là những dấu ấn chính trị lâu dài, cũng có thể là một số tư tưởng lập thuyết … Trong số di sản đó, nỗi bật nhất là những câu nói ngắn gọn và dễ nhớ như một tuyên ngôn, phản ảnh tâm nguyện hay lý tưởng hay nhân cách của vị lãnh tụ trước một biến cố nào đó.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: “Một chính phủ của dân, do dân và vì dân” (Government of the People, by the People, for the People). Anh hùng đấu tranh bất bạo động Ấn Độ Mahatma Gandhi: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ cho ai cả. Lòng tha thứ là đặc tính chỉ người mạnh mới có” (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong).  Tín đồ Công giáo độc tài Quốc xã Adolf Hitler: “Ai dám nói rằng ta không được Thiên Chúa che chở một cách đặc biệt?” (Who says I am not under the special protection of God?)
Hay gần gũi với chúng ta hơn, nhà vua thiền sư Trần Nhân Tông hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Vị anh hùng áo vãi cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Linh mục lãnh tụ Khu An toàn Phát Diệm Hoàng Quỳnh: “Thà mất nước chứ không thà mất Chúa”.
Ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng hòa. Là một lãnh tụ chính trị nên ông cũng để lại nhiều tuyên bố trong quá trình xây dựng sự nghiệp chính trị của ông. Trong số đó có bốn tuyên bố “để đời” mà cho đến nay, hằng năm, vẫn được nhiều người nhắc đến mỗi độ tháng Mười Một về:

1-      Tuyên bố về quan điểm dụng nhân trong bộ máy cai trị quốc gia: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền
Câu nói nầy được trích từ đề mục “Ngô Đình Diệm”, tiểu mục “Trở thành Tổng thống” trong Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt. Nguyên văn như sau: “Ông Diệm là người phân biệt cá nhân theo vùng miền. Ông chỉ thích nâng đỡ người gốc Huế. Ngô Đình Diệm thường nói: "Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền". Cách hành xử của ông Diệm cũng rất cao ngạo. Ông xem Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là quốc gia của riêng ông và của gia đình ông.” 
Qua câu nói nầy, ta thấy cách ông Diệm phân biệt vùng miền và đánh giá gốc gác địa phương như thế, chưa nói đến đúng hay sai trong một nhận định khái quát hóa không có cơ sở khoa học, thì cũng đã phản ảnh đầu óc cục bộ của một viên quan lại hẹp hòi và cao ngạo (với cái gốc miền Trung của ông). Chẳng trách gì sau nầy khi làm tổng thống, với tâm phân biệt ông đã dựng lên quanh mình ông những vòng rào khu biệt phân cách rạch ròi: Trong cùng là vòng rào anh em dòng họ Ngô Đình như 5 con chuôt mà họa sĩ Phạm Tăng vẽ trên bìa báo Tự Do Xuân Canh Tý 1960, rồi đến vòng rào Công giáo mà Sử gia Tạ Chí Đại Trường gọi là đám “kiêu dân, rồi đến vòng rào đảng Cần Lao với một bầy Mật vụ khuyển ưng, và cuối cùng là vòng rào gốc miền Trung của hai tỉnh Huế và Quảng Bình. Còn bên ngoài mênh mông là bàn dân thiên hạ thuộc thành phần “buôn bán” và “võ biền”. Ngất ngưỡng trên chóp đỉnh quyền lực ở trung tâm 4 vòng đồng tâm nầy, ông đặt lòng tin và ban phát đặc quyền đặc lợi theo đúng độ gần xa của mỗi vòng. Cơ chế hành chánh quốc gia và bộ máy chính trị của ông, do đó, cũng theo một mô hình hướng tâm (centripetal) độc tài như vậy. Đến nổi khi nói đến “gia đình trị” hay “Công giáo trị” … thì ai cũng biết là nói dến chế độ nào. Và chính ông bố vợ của ông Ngô Đình Nhu là ông Trần Văn Chương, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, cũng đã phải lên án chế độ Ngô Đình Diệm là một “chế độ toàn trị” (FRUS 1961-1963 Volume IV, Doc.118).

2-      Tuyên bố về bản chất của mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam: “Liên quan tới vấn đề an ninh, biên giới của Mỹ không ngừng ở bờ biển Đại Tây dương và Thái Bình dương mà kéo dài, tại Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, vốn chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến thứ 17, tạo thành cái biên giới đã bị đe dọa của Thế giới Tự do mà chúng ta đều trân trọng
Tuyên bố nầy nguyên được phát biểu bằng tiếng Anh từ bài diễn văn của ông Diệm tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York City ngày 13-5-1957, trong bửa tiệc trưa mà vị Thị trưởng Thành phố New York chiêu đải ông. Nguyên văn tiếng Anh như sau: “With regard to security, the frontiers of the United States do not stop at the Atlantic and Pacific Coasts, but extend, in South East Asia, to the Ben Hai river, which partitions Viet-Nam at the 17th parallel, and forms the threatened border of the Free World, which we all cherish”.
Toàn bộ bài diễn văn, sau đó, được Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa (2251 R Street N.W., Washington DC) in lại và phổ biến với nguyên văn câu tiếng Anh như trên.  
TRÁI – Trang bìa: Address by His Excellency Ngo Dinh Diem President of the Republic
of Viet Nam at Luncheon in His Honor by The Mayor of The City of New York –
Waldorf-Astoria Hotel – May 13, 1957 / Embassy of Vietnam, 2251 R Street N.W., Washington DC, Adams 4-3301.
PHẢI – Cuối trang 3 và đầu trang 4: Câu trích dẫn “With regard … which we all cherish
[Nguồn: Texas Tech University, The Vietnam Center and Archive, Lubbock, TX: https://www.vietnam.ttu.edu//virtualarchive/items.php?item=2321507006 ]
Trong tuyên bố nầy, cụm từ “biên giới của Mỹ … tới sông Bến Hải” đã làm cho mọi người sửng sốt và tức giận vì thấy hậu ý “bán nước” của ông Diệm là như muốn biến miền Nam Việt Nam thành “Tiểu bang thứ 49” của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Nhất là lời tuyên bố đó đã “tạo cơ hội cho đài phát thanh Hà Nội lợi dụng tuyên truyền về bản chất tay sai của chính quyền miền Nam trong quan hệ Mỹ-Diệm, và đã đập tan cái luận cứ độc lập và dân tộc chống Cọng của chính nghĩa miền Nam trong nhân dân” (Hồi ký chính trị của Hoành Linh Đỗ Mậu, Chương 16). Theo sử gia Jacques Dalloz (1943-2005), có lẽ ông Diệm cũng thấy mình “nói hớ” nên ra lệnh cho báo chí Sài Gòn biên tập lại, thay và đổi “biên giới của Mỹ …” thành “biên giới của Thế giới Tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải” [Xem Đề mục “Ngô Đình Diệm”, Tiểu mục “Câu nói” tại  Wikipedia, footnote 151]. Sau 1975, tại hải ngoại, ta còn thấy nhóm Cần Lao hoài-Ngô tìm cách  bênh vực ông Diệm bằng cách phịa ra nhiều dị bản quái đản khác để bào chữa cho “ý đồ bán nước” của ông Diệm nữa!
Nhưng tại sao ông Diệm lại “nói hớ” như thế? Đơn giản là tại vì sự hình thành của Đệ nhất Cộng hòa cũng như chức vụ Tổng thống mà ông nắm giữ đều do người Mỹ vận động, dàn xếp và thậm chí có khi trực tiếp can thiệp (như Đại tá Tình báo Mỹ Lansdale) mới có ngày hôm đó của năm 1957 cho ông đứng đọc diễn văn ở New York City. Ăn cây nào rào cây ấy, ông không còn biết danh dự dân tộc, chủ quyền quốc gia, tư cách nguyên thủ, nên từ tiềm thức, ông đã xuống giọng, hạ một câu nói “bán nước” trắng trợn như thế, phản ánh đầy đủ tư cách của một kẻ “hể đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc”.   

3-      Tuyên bố về tư thế quyền lực giữa ông và bộ luật cao nhất của Đệ Nhất Cộng Hoà là Hiến Pháp 1956: “Không nên tin có âm mưu trì hoãn giải quyết các vấn đề, sau lưng Phật giáo trong nước hãy còn có Hiến Pháp, nghĩa là có tôi
Lời tuyên bố nầy là một đoạn trích từ thông điệp sáng ngày 14-6-1963 của ông Diệm, sau một loạt các biến cố dẫn đến bế tắc giữa hai Ủy ban Liên Phái (của Phật giáo) và Ủy ban Liên Bộ (của chính phủ) trong quá trình đàm phán giải quyết những đòi hỏi tự do và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đồ. Cao điểm của những biến cố đó là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 trước thái độ sắt đá để đối phó với Phật giáo của ông bà Ngô Đình Nhu.
Hai ngày sau Thông điệp nầy, hai Ủy ban ra được một Thông Cáo chung (16-6-1963), trả lời 5 nguyện vọng của Phật giáo. Nhưng Thông Cáo chung đó đã không bao giờ được chính quyền thực thi vì ông bà Nhu đã có sẳn quyết sách riêng, dẫn đến kế hoạch Nước Lũ tàn bạo, tổng tấn công chùa chiền trên toàn miền Nam và bắt giam 1,426 Tăng Ni vào đêm 20-8-1963 [FRUS 1961-1963, Volume IV, Doc. 274].
Hừmmm! “… có Hiến Pháp, nghĩa là có tôi”. Tôi là Hiến Pháp! Nền dân chủ và nguyên tắc “Tam quyền phân lập” của chế độ Đệ Nhất Cọng Hòa bị vất vào sọt rác chỉ với một lời tuyên bố trắng trợn nầy của ông Diệm. Chẳng trách bốn nhà Luật học là quý ông Nguyễn Hữu Châu, Đoàn Thêm, Vũ Văn Mẫu, và Nguyễn Văn Bông đã phải kêu trời vì Hiến Pháp 1956 của Đệ nhất Cộng hòa đã dành cho Hành pháp quá nhiều quyền lực, lấn áp và không chế Lập pháp và Tư pháp, tạo cơ sở cho ông Diệm làm vua để thiết lập nền độc tài toàn trị tại miền Nam Việt Nam. (Xem thêm: Đánh giá Hiến pháp Đệ nhất Cọng hòa 1956)

4-      Lời nguyền trước tình hình bế tắc, dẫn đến tuyệt lộ trong hồi chung cuộc của một tên bạo chúa : “Tôi tiến thì theo tôi. Tôi lùi thì giết tôi. Tôi chết thì trả thù cho tôi”.
Đây là câu nói mà ông sử gia hoài-Ngô là Hoàng Ngọc Thành cho rằng ông Diệm nói khi tiếp các đoàn thể vào dịp lễ Quốc Khánh 26-10-1963. Nhưng ông Lê Châu Lộc thì lại kể rằng đã được nghe ông Diệm nói nhiều lần mỗi khi ông được hầu chuyện riêng với ông Diệm. Tuy nhiên, không những hai câu đó khác nhau về hoàn cảnh nói lúc nào và nói với ai, hai ông tự cho là biết rất rõ tiểu sử cuộc đời của ông Diệm lại còn khác nhau về nội dung và từ ngữ xử dụng: 
- Ông Ngọc Thành thì: Tôi tiến thì theo Tôi, Tôi lùi thì bắn Tôi, Tôi chết thì trả thù cho Tôi.
- Ông Châu Lộc thì: Tôi tiến. Hãy tiến theo tôi! Tôi lui. Hãy giết tôi! Tôi chết. Hãy nối chí tôi!
[Xin đọc thêm về khám phá thú vị nầy của ông Lê Xuân Nhuận]

Khác hẳn nhau như vậy thì trong hai ông tín đồ Công giáo nầy phải có một ông phạm vào điều răn thứ Tám của Đức Chúa Trời là “Chớ làm chứng dối”. Nhiều khả năng ông Sĩ quan Tùy viên Lê Châu Lộc của ông Diệm đúng là người làm chứng dối vì hai lý do: 
(i)                 Vế thứ ba “trả thù cho tôi” nghe có vẽ nhỏ nhen, hận thù và rất phi-catholic nên để bao che cho Boss của mình, ông Lộc bèn sửa thành “nối chí tôi” cho có vẽ “hiền lành” hơn, và cho hợp với nỗ lực “phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm” quái đãn của Nhà Thờ tại hải ngoại.
(ii)               Cũng vế thứ ba “trả thù cho tôi” đó, khi truy cứu nguồn gốc của nó, ta sẽ thấy có một liên hệ chặt chẻ, trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, với tư duy và tâm cảnh vốn chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp và niềm tin Công giáo của ông Diệm.
Thật vậy, câu nầy nguyên được hô bằng tiếng Pháp từ năm 1793, đúng 170 năm trước khi ông Diệm bị giết: “Mes amis, si j'avance, suivez-moi! Si je recule, tuez-moi! Si je meurs, vengez-moi!”, còn được binh chủng sắt máu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ lấy làm motto là “If I charge, follow me. If I retreat, kill me. If I die, revenge me.”. “Vengez-moi” của Pháp và “revenge me” của Mỹ thì chắc chắn không phải là “nối chí tôi” của ông Đại úy Tùy viên Lê Châu Lộc rồi!

Thật ra, người nói câu nầy là một sĩ quan người Pháp tên là Henri Duvergier (1772-1794), còn được biết đến dưới tước hiệu “Bá tước de la Rochejaquelein”. Ông là một sĩ quan của đội quân phòng vệ (Garde Constitutionelle du Roi) cho Điện Tuileries của vua Louis XVI vào tháng 4-1792 chống lại lực lượng cách mạng Pháp. Ngày 20-10 năm đó, mới 20 tuổi, ông được bầu làm Tổng Tư lệnh “Quân đội Công Giáo và Hoàng Gia” (Armée Catholique et Royal de Vendé). Tháng 4-1793, trong một trận đánh tuyệt vọng chống lại đội quân Cọng hòa Pháp (République Francaise) của lực lượng cách mạng tại thành phố Cholet thuộc vùng Marne-et-Loire, ông đã động viên binh sĩ bằng câu nói nầy.  Qua năm sau, ngày 28-1-1794, trong nỗ lực cuối cùng nhằm tập họp tàn quân để đánh tiếp, ông đã bị quân Cọng Hòa giết chết tại tỉnh Nuaillé, vùng Marne-et-Loire.
Tháng 4-1793, ông quan Henri Duvergier là một tín đồ Công giáo thuần thành, muốn bảo vệ Vương quyền Đế chế đang bị quân đội và nhân dân cách mạng Pháp đẩy vào tuyệt lộ … sao mà giống tình hình và tâm trạng của “ông quan” Công giáo Ngô Đình Diệm đang tìm cách bảo vệ chế độ độc tài của gia đình ông trong tuyệt vọng và đang bị toàn quân dân miền Nam chống đối vào cuối tháng 10-1963 thế! Trong bước đường cùng, ông Diệm chỉ còn biết nương tựa vào “người xưa”, người giống ông điểm oan trái nhất: Cả hai đều là tín đồ Công giáo muốn báo thù! Vì vậy, ông Diệm “mượn tạm” câu nói của người đồng đạo để hô hào “trả thù cho tôi”. Lời nguyền đó được tàn dư của ông xem như lời di chúc thiêng liêng, và giải thích vì sao hơn 50 năm sau, vẫn còn những kẻ đồng đạo giáo điều và quá khích của ông Diệm tiếp tục xuyên tạc lịch sử để kêu gọi hận thù …   
*      *
*
Năm 2016, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ thứ 45, ứng cử viên đảng Cọng hòa là tỷ phú địa ốc Donald Trump đã chiến thắng ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton một phần nhờ những tuyên bố “hợp lòng dân” và đúng bài bản của một chiến dịch marketing siêu đẳng. Ông đáng được gọi là … Marketer-in-Chief, hứa hẹn lung tung miễn sao vừa lòng khách hàng để bán được sản phẩm. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump hứa 76 điều và ai cũng biết là chắc chắn ông không thể thực hiện được hết cả 76 lời hứa đó, thậm chí có lời hứa ông sẽ còn làm ngược lại là khác. Nhưng it’s OK, ông là Marketer-in-Chief  kiểu Mỹ, nói một đàng, làm một nẻo cũng không sao!

Ông Diệm dứt khoát không phải là ông Trump. Ông Diệm là sàn phẩm tổng hợp của hai nền văn hóa bảo thủ, giáo điều và khắc khổ là Tống Nho phong kiến và Công giáo Trung cổ (Bernard Fall, trong The Two Vietnams, gọi ông Diệm là một Đại Phán Quan – Grand Inquisitor – của các Tòa án Dị giáo). Do đó, điều gì ông Diệm đã tuyên bố là chắc nịch, chắc như mấy ông “lính thủy đánh bộ” Mỹ, phản ảnh đầy đủ tâm hồn và phong cách “khổ tu” giáo điều của ông.
Ảnh chụp một số các Cha dòng Đaminh và Phanxicô cùng hơn 50 Giáo dân
đến làm lễ tưởng niệm ông Diệm (bia ghi là “Gioan Baotixita Huynh”)
tại nghĩa trang ở Lái Thiêu ngày 1-11-2013.   
Vậy thì bốn tuyên bố “để đời” của ông ở trên ít nhất cho ta biết gì về con người chính trị thật của ông Ngô Đình Diệm? Ông là người kỳ thị địa phương, ông là người phi dân tộc, ông là người phản dân chủ, và ông là người cổ súy hận thù. Thế mà ông Diệm đó đã từng làm “Ngô Tổng thống muôn năm” của nền Đệ Nhất Cọng Hòa. Và bây giờ đang được Công giáo Việt Nam lăng xăng dựng lại cái thây ma của ông để toan tính thực hiện mưu đồ chính trị trong ván bài của Đế quốc Vatican tại Việt Nam đấy!!!   

Kevin Trần

1-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét