Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017



HỒI KÝ CHÍNH TRỊ CỦA CỰU TƯỚNG ĐỖ MẬU

Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam Hải Ngoại

LGT – Nguyệt san “VIỆT NAM HẢI NGOẠI” là một trong những tạp chí tiếng Việt đầu tiên của người Việt tị nạn tại Mỹ. Ra đời từ khoảng năm 1978 tại San Diego, tạp chí nầy do Luật sư Đinh Thạch Bích và ông Lê Văn Thái chủ trương (ông Lê Văn Thái còn được gọi là “Thái Trắng”, một người phụ trách về các vấn đề Đảng phái cho ông Ngô Đình Nhu dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa). “Nhóm Ngiên Cứu Việt Nam Hải Ngoại” là một bộ phận chuyên về nghiên cứu lý luận  của Tạp chí nầy.
Bài điểm sách dưới đây được trích từ Nguyệt san VIỆT NAM HẢI NGOẠI số 184.


Đầu tháng 10 năm 1986, cựu Thiếu Tướng Đỗ Mậu (với bút hiệu Hoành Linh) cho phát hành Tập Hồi Ký Chính Trị của ông, tựa đề là “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”. Đó là một tập hồi ký đồ sộ cả về nội dung lẫn hình thức mà ông đã cưu mang từ gần 3 năm nay, kể từ khi các thân hữu và các bạn trẻ thúc giục ông phải viết với tư cách của một nhân chứng lịch sử đã từng được giới báo chí Sài Gòn trước năm 1975, gọi là “người biết quá nhiều”.
 
Từ khi tị nạn ra nước ngoài, khác với một số tướng lãnh VNCH khác, ta không thấy ông tham dự vào các sinh hoạt chính trị hải ngoại. Ngoài chức vụ Hội trưởng Hội Phật Giáo Fresno, ta chỉ thấy ông “gián tiếp” xuất hiện hai lần: một lần qua bài Hồi ký nói về tướng Nguyễn Cao Kỳ đăng trên tạp chí Việt Nam Hải Ngoại (năm 1978) và một bài về Thượng toạ Thích Thiện Minh đăng trên báo Phật Giáo VN (năm 1981). Thỉnh thoảng người ta thấy tên ông được nêu lên trên báo Văn Nghệ Tiền Phong và cũng thỉnh thoảng ta thấy những chiến hữu cũ, những thân hữu mới, từ “tả” đến “hữu” ghé qua nhà ông để thúc giục ông”nhập thế”. Nhưng ông đều từ chối với nhiều lý do khác nhau, mà một trong những lý do đó là dồn nỗ lực hoàn thành tập Hồi Ký Chính Trị, như một đóng góp cho đại cuộc ở cuối đời.

Nhớ lại vào tháng 9 năm 1979, tập luận đề “Làm Gì?” của Trần Lê ra đời đã làm sôi nổi giới nghiên cứu lý luận cách mạng và làm chấn động một số quan điểm của giới đấu tranh như thế nào thì tháng 10 năm nay, tập hồi ký VNMLQHT của Hoành Linh Đỗ Mậu cũng đã “làm đảo lộn những nề nếp suy nghiệm cũ và làm lung lay những đánh giá lịch sử đã được một số người hài lòng công nhận” như dự đoán của tác giả trong lời mở đầu. Vì đó là một tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài, lại là một đóng góp quý giá cho sinh hoạt nghiên cứu của cộng đồng nên cũng như 8 năm trước, hôm nay nhóm Nghiên Cứu Việt Nam Hải Ngoại xin phân tích và phê bình tác phẩm này.

KHUNG CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỬ LUẬN

Vì là một hồi ký nên khoảng thời gian được đề cập trong tác phẩm đã đóng khung trong 70 năm sống và 30 năm hoạt động của tác giả. Tuy chủ yếu là từ năm 1942 (khi tác giả bắt đầu gia nhập tổ chức của ông Diệm để phò Hoàng thân Cường Để chống Pháp) cho đến năm 1975 (khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản) nhưng thật sự thì ta thấy tác giả đã bắt đầu từ một quá khứ xa hơn, vào những năm đầu của thế kỷ thứ 19 và chấm dứt bằng những dự phóng chính trị của mình về một tương lai dài hơn khi đất nước được giải phóng, để những “nấm mộ vàng nơi đất lạ chắc sẽ nở hoa tươi”.

Theo tác giả, đây là một giai đoạn lịch sử sôi động và phức tạp nhất của đất nước ta. Vì đây là giai đoạn mà dân tộc ta phải chống trả với những đợt công phá của một thế giới cay nghiệt bên ngoài đến từ các cường quốc Âu, Á, Tàu, Nhật, Pháp, Mỹ, Nga dưới ba chủ nghĩa Đế quốc, Thực dân và Cộng sản. Trong cơn chống trả kịch liệt đó, tác giả đã đưa ra được hai nhận định sắc sảo: Dân tộc bị kiệt quệ trên mặt sinh lực văn hoá nên những nhà lãnh đạo VN đã dẫn dụ được dân tộc vào những cuộc chém giết uỷ nhiệm cho các thế lực ngoại lai, và trong suốt hơn 100 năm máu lửa, dân tộc chưa bao giờ làm chủ được vận mệnh của mình nên bị đánh bại về mọi phía và nhiều khi vô thức trở thành công cụ cho các thế lực tay sai.

Tác giả bị cuốn vào cơn lốc lịch sử đó nên chỉ bây giờ khi soát xét lại khung cảnh lịch sử nầy, tác giả mới đau đớn mà can đảm mổ xẻ không nhân nhượng, phê phán không tiếc thương những nhà lãnh đạo (Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu), những giai tầng lãnh đạo (Trí thức, Tu sĩ, Tướng lãnh) để làm bài học cho tương lai.

Về mặt sử luận, tác giả không cho rằng lịch sử có tính tình cờ mà lịch sử phải có quy luật vận hành của nó. Tuy không được trình bày như một hệ thống, nhưng qua những suy nghiệm của tác giả ta thấy rõ phương pháp luận được đặt căn bản trên 2 điểm: liên tục tính và nhân quả tính. Cho nên để nói đến cái quốc nạn 30-4-75, tác giả đã không ngừng lại ở chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà mà còn đi xa hơn để tìm nguồn gốc và các biến thiên của nó về thời Ngô Đình Diệm, về lúc quân Pháp và các giáo sĩ Tây Phương toa rập xâm lăng nước ta, về đến lúc cây đại thụ văn hoá bị ruỗng gốc.

Dùng phương pháp luận đó, tác giả nối được các biến cố lịch sử vào với nhau một cách chặt chẻ, và giải thích được các hiện tượng thăng trầm một cách khúc chiết (tuy vẫn còn bị giới hạn vì cái khung hồi ký của tác phẩm). Cũng như khi xuống đến một tầm mức nhỏ hơn, nói đến một nhân vật (mà ở đây chủ yếu là ông Ngô Đình Diệm) tác giả đã dựng lên được những khung cảnh, liên hệ, động cơ, quá trình, … để giải thích vì sao nhân vật đó đã phải hành xử một cách lỗi lầm như thế.

TÁC GIẢ VÀ TÂM TRẠNG

Cuộc đời và những hoạt động của tác giả (được nói đến vào khoảng 30% của cuốn sách) đã được trình bầy một cách thật bất ngờ, khác hẳn với những hồi ký cận đại, nhất là hồi ký của người Việt Nam. Tác giả đã không ngần ngại nói đến cái quá khứ chăn trâu nghèo khổ và đăng lính khố xanh của mình, cái làng mạc rách nát và cái uất ức ít học của tuổi ấu thơ. Nhưng cũng nhờ đó mà ta biết được tác giả vốn xuất thân từ một gia tộc cách mạng và nho phong, cặm cụi tự học để trau dồi kiến thức; tác giả vốn là một chiến hữu chứ không phải là một lính hầu của Tuần phủ Ngô Đình Diệm như từ 30 năm nay vẫn có người hiểu lầm.

Đi theo toàn bộ cuộc đời tác giả, ta thấy đó là một người có quyết tâm và dám làm. Cặm cụi làm, hùng hục làm, dù có vào tù ra khám, dù tổ chức có tan vỡ, thời thế có sôi động hay lắng chìm thì tác giả cũng vẫn đủ kiên trì sẵn sàng xây dựng lại từ đầu. Có lẽ vì nghèo và ít học trong 40 năm đầu của cuộc đời nên tác giả có được tính trung hậu và quật cường, hai sắc thái đặc thù của nông dân Việt Nam. Sau nầy, khi làm đến Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội, rồi Phó Thủ tướng Văn Hoá Xã Hội, ta thấy tác giả tuy có dính dự vào những biến cố lịch sử lớn mà vẫn đôn hậu, giản dị và “gìn vàng giữ ngọc” trong một thế sự đảo điên nhiều cạm bẫy. Khi công chưa thành mà thân đã thoái, tác giả lui về với chén trà câu thơ, làm bạn với những người trong sạch và cương cường.

Cuộc đời và con người của tác giả đã được gói ghém như một lời dặn dò về tính bình đẳng của quyền làm người: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, dù sắt đó lúc ban đầu có là sắt chăn trâu, sắt lính khố xanh hay sắt ít học. Nhưng suốt quá trình mài sắt thành kim, trong toàn bộ Tập Hồi Ký ta thấy nổi bật lên ba tâm trạng:

-          Cái tâm trạng trung với vua hay trung với nước khi tham dự vào cuộc Cách Mạng lật đổ ông Diệm, người mà tác giả đã xem như một vị thầy của mình. Dù đã giãi bày mạch lạc và khúc chiết thì cái con người nông dân của Đỗ Mậu, cuối cùng đã phải nhớ đến lý luận cách mạng và triết lý của đạo Phật mới thoát ra được cái ám ảnh giả tạo về cái chết của ông Diệm, một cái chết mà cả nước hả dạ để cho quy luật của cách mạng Việt được chứng nghiệm là bạo chúa thì thế nào cũng bị tiêu diệt.
-          Tâm trạng thứ nhì là sự uất ức thấy lẽ phải không được nói lên, chính nghĩa không được hiển lộ, sự thật bị xuyên tạc. Bằng không biết bao nhiêu chứng cớ lịch sử cụ thể, nhân chứng lịch sử còn sống, tác giả đã tìm cách để phá cho bung cái mạng lưới xuyên tạc và bôi nhọ sự thật của những kẻ theo Tây làm chỉ điểm và theo ông Diệm đàn áp đồng bào mà ngày nay tại hải ngoại còn tìm cách bóp méo lịch sử.
-          Tâm trạng thứ ba là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc. Niềm tin đó được bộc lộ sôi nổi qua quan điểm lịch sử của tác giả với những chứng nghiệm có thực của thời cuộc và với cái tình cảm không chuyển đổi của một người đọc sử, học sử, sống sử. Niềm tin đó bàng bạc từ trang mở đầu đến lời kết luận, và đến khi đóng cuốn sách lại, dù tác giả có công nhận rằng “ai là người không có tội” trong việc để Cộng sản chiếm miền Nam cũng như suốt đời tác giả chỉ có “thất bại nầy chồng chất lên thất bại khác”, thì ta vẫn thấy sáng rực lên sự tin tưởng mãnh liệt vào dân tộc.
   
CHỦ ĐỀ VÀ CÁC LUẬN ĐỀ

Chủ đề của tác phẩm được in đậm và in lớn trong một lời mở đầu rất ngắn là “Hễ đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc”. Do đó, toàn bộ tác phẩm chỉ xoay quanh chủ đề, để nâng nó lên thành quy luật của lịch sử Việt, quy luật của cách mạng Việt. Cũng do đó mà những bí ẩn được dấu kín nhất đã được tác giả nói toạc ra, những sự thật đau đớn nhất đã được tác giả vạch trần ra, những suy nghiệm chân thành nhất đã được tác giả can đảm bộc bạch ra. Chủ đề đó được biện chứng bằng 3 luận đề sau đây:

1. - Vì một tai nạn lịch sử, quá trình truyền giáo của Toà Thánh Vatican tại bán đảo Đông Dương đã là một sự cấu kết với đạo quân xâm lược Pháp. Xuyên qua quá trình đó, một truyền thống đã thành hình trong giáo hội Thiên Chúa Giáo VN: đứng về phía thống trị, đứng về phía chính quyền. Do đó mặc dầu có một số nổ lực hiếm hoi của một số nhỏ tín đồ Thiên Chúa Giáo, cuối cùng giáo hội nầy đã bị tách rời khỏi dân tộc và khi lên đến cao điểm (dưới thời ông Diệm) giáo hội nầy đã biến cuộc chiến Quốc-Cộng thành Công-Cộng, đánh mất chính nghĩa dân tộc cần thiết trong cuộc thư hùng sống mái với Cộng sản.

2. - Vì không phát hiện và vận dụng đúng đắn sức mạnh của dân tộc, những nhà lãnh đạo chính trị của cả hai miền Bắc và Nam, VN cuối cùng đều chỉ là tay sai của ngoại bang. Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của các nhà cách mạng tiền bối đáng lẽ có thể thành công nếu không bị một bộ phận hùng mạnh là lực lượng Thiên Chúa Giáo (người Việt) yểm trợ và tạo chính nghĩa cho kẻ thù. Cộng sản VN ra đời trong khung cảnh đó, mượn cái chính nghĩa chống xâm lăng và mượn cớ chống lại sự cấu kết của thực dân và tay sai bản xứ để lớn mạnh và lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn dân. Con tinh trùng Cộng sản quốc tế biến thành cái bào thai Cộng sản VN mà người nuôi dưỡng là Thực dân và Giáo Hội Thiên Chúa Giáo VN.

3. - Cuối cùng, tin tưởng vào cái cốt lõi tinh truyền của dân tộc, tác giả nhìn về tương lai và nhất định rằng Cộng sản (mà tác giả gọi là cái nạn lớn của dân tộc) vì không có căn bản dân tộc nên cũng sẽ thất bại, và những người Thiên Chúa Giáo vì cái căn bản “Rồng Tiên’ còn sót lại nên “Họ sẽ có dân tộc và dân tộc sẽ có họ” khi quân bằng được cái bản chất quốc tế và quốc gia trong tâm chất họ.

Xoay quanh ba luận đề đó ta hình dung được một cụ già 70 tuổi chong đèn ngồi viết ba năm để trang trải hết tâm huyết của mình lên trang giấy, để dùng cuộc đời mình như một duyên cớ nhỏ hầu nói lên được một chủ đề lớn là làm nghiêng ngữa lịch sử mấy trăm năm qua.

NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO

Nét độc đáo đầu tiên là can đảm và lương thiện hiếm có của một kẻ sĩ biết cân nhắc cái khó khăn và nguy hiểm bây giờ nhưng vẫn viết hết và viết thật những điều mình biết cho mai sau. Biết trước sẽ có người chống đối, sẽ có người hãm hại, tác giả vẫn cứ nói thẳng, nói thật.

Điểm độc đáo thứ nhì là về mặt văn phong. Người ta chỉ biết tướng Đỗ Mậu là một quân nhân, một người hoạt động chính trị. Bạn bè thân thiết của ông biết thêm ông đã từng viết báo, làm thơ và đọc sách rất nhiều. Nhưng phải đợi đến khi đọc xong tập hồi ký mới biết được ông đa tài, đa dạng. Khi kết án thì như Tư Mã Thiên dao chém đá, khi rung cảm thì như Tản Đà thiết tha.
Đó là về mặt con người qua thái độ và văn phong.

Về nội dung tác phẩm, điểm độc giả mong đợi cũng là điểm độc giả hài lòng: những bí ẩn chính trị trong 30 năm qua. Lẽ dĩ nhiên vì chỉ là một hồi ký nên những gì tác giả biết không thể hoàn toàn, đầy đủ như do một người viết sử. Từ vấn đề truyền giáo đến gia tộc ông Diệm, từ vai trò của ông bà Nhu trong chính quyền đến vai trò khiêm nhường và quyết định trễ tràng của người Mỹ trong cuộc cách mạng 1-11-63; từ lập trường trung lập lâu đời của Phật Giáo cho đến cuốn nhật ký của ông Maneli “bật mí” những vận động thoả hiệp giữa hai ông Diệm, Nhu và Cộng sản Hà Nội.

Cũng qua những bí mật mà ông đã nói lên về các nhân vật chính trị hiện đang hoạt động sau 1975, ta biết rõ thêm được ai là kẻ có lòng, ai là người đóng kịch: Nguyễn Văn Thiệu ra sao, phong trào phục hồi ông Diệm như thế nào …

Và cuối cùng là về mặt tài liệu. Không những gần 200 tác phẩm (được liệt kê trong Thư Mục) mà còn cả trong 4 phần phụ lục xúc tích về phẩm lẫn đồ sộ về lượng. Một trăm lời trích dẫn và 6 bài nghiên cứu không những là một sáng kiến độc đáo về mặt hình thức mà còn yểm trợ một cách mạnh mẽ cho cái nội dung đầy đủ và đúng đắn của cuốn sách.

Tuy có những nét độc đáo đó, tác phẩm cũng đã phạm phải ba khuyết điểm:
-          Thứ nhất là về mặt hình thức vẫn còn quá nhiều lỗi lầm ấn loát và lập lại các sự kiện. Thiếu một Danh mục (Name Index) để đối chiếu và tra cứu, và cách sắp xếp 250 cuốn sách trong Thư mục (Bibliography) không được hợp lý lắm.
-          Thứ hai là có vài đoạn tác giả có vẻ quá xúc động nên nếu đoạn đó có được điểm tích cực là nói lên được tâm tình của tác giả thì mặt khác cũng phần nào làm giảm tính khách quan cần thiết trong khi đánh giá một sự kiện lịch sử dù sự kiện nầy đã tự nó được chứng minh rõ ràng.
-          Khuyết điểm cuối cùng là tác giả đã không trình bày một cách đầy đủ hơn và rõ ràng hơn những quan điểm chủ yếu mà từ đó tác giả đã nhìn lịch sử như quan điểm Dân Tộc, Cách Mạng, Văn Hoá, …
Những khuyết điểm nầy, tuy vậy, vẫn có thể sửa chữa trong ấn bản sau và tự nó không làm mất giá trị của tập hồi ký.

KẾT LUẬN

Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” là một tác phẩm lạ và lớn.
Lạ vì ngay cả trước năm 1975, trong sinh hoạt nghiên cứu lý luận chính trị và lịch sử đã không có những tác phẩm đưa ra các luận đề và tiết lộ những sự kiện quyết liệt như thế. Ngay sau 1975 tại hải ngoại, trong một môi trường mà sử liệu và trí thức được lưu thông tự do và dễ dàng hơn, vẫn không có một tác giả nào dám viết một tác phẩm táo bạo như thế.

Nhưng lạ vẫn chưa đủ. Đó còn là một tác phẩm lớn vì nó đã trình bày một cách nhìn lịch sử từ một góc cạnh khác, chưa biết có đúng đắn hơn hay không nhưng chắc chắn là đầy đủ hơn. Nó còn mang một kích thước lớn hơn khi ta thấy tác phẩm chủ yếu viết cho người đời sau hơn là cho người đời nay, viết cho tương lai hơn là viết cho quá khứ hay hiện tại.

Tuỳ vị trí chính trị và lịch sử của người đọc, mỗi người sẽ nhìn thấy được câu trả lời vì sao và thế lực nào đã đẩy đưa dân tộc đến thảm hoạ ngày hôm nay? Nếu câu trả lời chỉ là Cộng sản thì đơn giản và chủ quan, nên tập hồi ký của tướng Đỗ Mậu hy vọng sẽ mở đầu cho một sinh hoạt nghiên cứu nghiêm túc hơn, không phải để xé nát cái cộng đồng hải ngoại bất ổn nầy mà để nhìn lại thực tính của mình để từ đó một lòng một dạ cùng lên đường cứu nước, dựng tương lai.

Nhóm Nghiên Cứu VNHN
Tháng 11 năm 1986




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét