BA NGÀY CUỐI THÁNG 8 NĂM 1963 -
TÀI LIỆU GIẢI MẬT CỦA CHÍNH PHỦ MỸ
(CIA - Bộ Ngoại Giao - Pentagon
Papers)
Người dịch: Tâm Diệu, Trí Tánh,
Nguyên Giác
Lời Giới Thiệu
- Ngày 5 tháng 7 năm 1967, Quốc hội Mỹ khóa thứ 89 ban hành đạo luật “Freedom
of Information Act (FOIA)”. Mục đích của đạo luật nầy là “… thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính
minh bạch của chính phủ bằng cách cung cấp một khung pháp lý cho các cá nhân có
nhu cầu truy cập các tài liệu của chính phủ” (“The FOI Act promotes government accountability and transparency by
providing a legal framework for individuals to request access to government
documents”). Ngoại trừ
9 biệt lệ được xử lý với quy trình riêng, hầu hết mọi tài liệu của chính phủ được
ban bố từ 50 năm trở đi đều có thể được tự động chọn lựa để giải mật (declassification),
hoặc được xét riêng để giải mật khi được yêu cầu.
Những tài liệu liên quan đến “Biến
cố 1963” tại miền Nam Việt Nam, kéo dài từ lễ Phật Đản đến Chính biến 1-11-1963,
thì nay đã đáp ứng điều kiện khung “thời
gian 50 năm” nầy của đạo luật FOIA. Khối tài liệu đồ sộ nầy của chính quyền
Kennedy (tại Washington cũng như tại Sài Gòn) được giới nghiên cứu đặc biệt
quan tâm kể từ giữa thập niên 2010’s, khi có một số sử gia Mỹ bắt đầu tìm cách nghiên
cứu và đánh giá lại toàn bộ chiến tranh Việt Nam.
Trong
“Biến cố 1963”, phong trào đấu
tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo Việt Nam kéo dài 6 tháng,
còn được gọi là “Sáu tháng Pháp Nạn”,
có ba cột mốc lớn:
(1)
Vụ chính quyền đàn áp gây tử vong tại đài Phát thanh Huế đêm Phật Đản 8/5/1963.
(2)
Vụ tự thiêu của Hòa
thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn ngày 11/6/1963, và
(3)
Chiến dịch “Nước Lũ” càn
quét chùa và bắt bớ Tăng Ni toàn quốc do Cố vấn Ngô Đình Nhu phát động trong đêm
20/8/1963, gần như đã tê liệt hóa toàn bộ Phong trào Phật giáo, biến cuộc đấu
tranh bất bạo động cho bình đẳng tôn giáo thành cuộc đấu tranh chính trị công
khai của đảng phái, trí thức và sinh viên (và của quân đội trong bí mật).
Chiến
dịch Nước Lũ đó, do vậy, cũng đã là một bước ngoặt quan trọng làm gay gắt thêm
mâu thuẩn giữa chính phủ Ngô Đình Diệm và các tổ chức bất mãn của Quân đội
do các Tướng lãnh chủ xướng. Đồng thời cũng đặt chính phủ Mỹ trước viễn ảnh một cuộc khủng hoảng về khả
năng chống Cọng của phía Việt Nam và sự tham dự của Mỹ tại “tiền đồn chống Cọng”
nầy.
Các
tài liệu (văn bản, công điện, bản ghi nhớ, …) của chính phủ Mỹ trong ba ngày cuối
tháng Tám năm 1963 mà chúng tôi tìm dịch dưới đây, ghi lại các thảo
luận, quyết định, động thái của cấp lãnh đạo Mỹ một tuần ngay sau chiến dịch “Nước Lũ”.
Hy
vọng các thông tin được giải mật nầy, ít nhất là từ phía Mỹ, sẽ giúp các nhà viết
sử có thêm tài liệu tham chiếu để thẩm định lại một cách đúng đắn hơn về một
giai đoạn bi hùng của lịch sử nước ta.
(Phổ
biến, nhân dịp sắp đến kỷ niệm ngày sinh thứ 120 của ông Ngô Đình Diệm, một
nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Việt Nam cận đại - Phần nhấn mạnh / in
đậm là của blog Nam Giao - 12/2020)
----------------------------------------------------------------------------------------------------
■ Ngày 27/8/1963. Điện văn từ CIA
Sài Gòn gửi về trung ương. Trung tá Conein gặp Tướng Trần Thiện Khiêm theo lời
mời của Khiêm tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Khiêm nói kế hoạch đảo chánh đã thảo
luận với một ủy ban tướng lãnh trong đó lãnh đạo là Tướng Dương Văn Minh, và
tất cả đồng ý là sẽ thực hiện đảo chánh trong vòng một tuần nữa.
Ủy ban tướng lãnh, bên cạnh Tướng Dương Văn Minh còn có các
tướng: Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh, Phạm Xuân Chiểu, Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Tử Oai
(Oai không là thành viên ủy ban nhưng cho biết sẽ hợp tác). Tướng Trần Văn Đôn
là thành viên ủy ban nhưng không thể hành động, vì đang bị vây quanh và ngăn
chận bởi người của Tổng Thống Phủ.
Các tướng không nằm trong kế hoạch và phải bị vô hiệu hóa
là: Tướng Tôn Thất Đính, Tướng Huỳnh Văn Cao.
Đại tá Lê Quang Tung bị xem là một mục tiêu chính phải tấn
công và tiêu diệt cùng với toàn bộ nhân sự trung thành của Tung ngay trong các
hành động đầu tiên của đảo chánh.
Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ biết về kế hoạch đảo chánh và
cho biết ủng hộ. Thơ là lựa chọn của các tướng lãnh để làm lãnh đạo dân sự của
chính phủ kế tiếp. Thơ cũng biết nội dung cuộc nói chuyện giữa Conein với
Khiêm.
Nội các chính phủ lập sau cuộc đảo chánh sẽ do Phó Tổng
Thống Thơ lãnh đạo, nhưng sẽ có một vài chức trong nội các do các tướng nắm
giữ. Để tránh bất ổn định, chánh phủ kế tiếp sẽ không phải là chính phủ quân sự
hay thuần tướng lãnh.
.
■ Ngày 27/8/1963. Bản ghi nhớ từ Michael V. Forrestal (NSC)
trình Tổng Thống Kennedy. Cho biết vào chiều nay lúc 4 p.m. sẽ có môt số viên
chức tới trình bày với Tổng Thống về chính sách Mỹ tại Việt Nam. Trong buổi họp
sẽ có thêm Murrow (Giám đốc Truyền thông Hoa Kỳ) và Đại sứ Nolting.
Roger Hilsman (Thứ Trưởng Ngoại Giao về Viễn Đông Sự Vụ) và
Bill Colby (CIA) sẽ trình bày cho Tổng Thống nghe về diễn tiến mới. Một ủy ban
các tướng lãnh VN đã thành lập nhằm đảo chánh trong vòng một tuần nữa. Dự kiến đảo
chánh xong, nội các mới sẽ do Phó Tổng Thống Thơ lãnh đạo, và vài tướng lãnh
giữ chức Bộ Trưởng. Các tướng yêu cầu Mỹ bày tỏ thiện chí bằng một thông
điệp vô hại trên đài VOA. Có tin về một âm mưu đảo chánh khác do các nhà đối
lập dân sự đang hình thành, trong đó sẽ có Trần Quốc Bửu, nhà lãnh đạo lao
động, và họ muốn đưa Tướng Dương Văn Minh lên chức Tổng Thống.
Đề nghị Tổng Thống [Kennedy] có thể kết thúc buổi họp
bằng cách lập lại chính sách hiện nay với VN là: Mỹ không thể ủng hộ một chính
phủ tại Nam VN do Cố vấn Nhu khống chế; Mỹ muốn giữ lại Tổng Thống Diệm trong
chức vụ Tổng Thống, nhưng nghiêm túc lo ngại về tính khả thi hiệu quả hay
không, và do vậy để tùy các tướng VN xem có thể giữ lại Diệm hay không; Mục
tiêu căn bản của Mỹ tại VN không đổi: tiếp tục toàn lực hỗ trợ cuộc chiến chống
Cộng, và sẽ tiếp tục viện trợ bất kỳ chính phủ nào tại Nam VN có khả năng thực
hiện nỗ lực này.
.
■ Ngày 27/8/1963. Bản ghi nhớ của Phụ tá Thứ Trưởng Bộ Quốc
Phòng Hoa Kỳ (Lansdale). Theo lời mời của bà Trần Văn Chương (mẹ của bà Nhu),
tôi (Lansdale) tới thăm bà tại lãnh sự quán VN ở thủ đô Washington. Một chút
sau khi tôi tới, Đại sứ Trần Văn Chương vào, cùng nói chuyện. Các điểm chính
như sau.
Hai ông bà: Mỹ phải hành động cứng rắn, nhanh nhóng, để thay
thế cả Diệm và Nhu, bằng chính phủ mới. Dân VN đã phẫn nộ, và đã quá trễ để giữ
ông Diệm ở lại trên ngôi Tổng Thống. Người dân, nhìn thấy Lực Lượng Đặc Biệt và cảnh sát cùng với vũ khí và quân trang Mỹ, biết rằng
Diệm chỉ có thể ở trên ngôi với hỗ trợ từ Mỹ, họ sẽ chống lại Mỹ trừ phi có
thay đổi ở cấp cao chính phủ. Nếu Mỹ hài lòng với việc thay đổi chính sách của
Diệm về Phật Giáo và sinh viên, kể
cả việc trả tự do cho tù nhân Phật Tử và sinh viên, điều này không đổi được sự
căm ghét của người dân VN đối với các hành vi tội phạm đã gây ra.
Đại sứ Chương: Mỹ sẽ bán đứng dân VN cho Cộng sản nếu đúng
là Mỹ đang tính đưa Bửu Hội làm Thủ Tướng dưới quyền Tổng Thống Diệm. Bửu Hội,
với liên hệ CS, sẽ trở thành một hình thức Việt Nam của Souvanna Phouma và CS
sẽ chiến thắng.
Bà Chương (nói riêng): Ông (Lansdale) phải tới Sài Gòn mau,
bảo Diệm và 2 ông bà Nhu rời VN bây giờ. Dân chúng căm ghét họ, và họ không nên
ở lại vì dân chúng sẽ giết họ. Họ chắc chắn sẽ bị giết nếu ở lại VN. Không ai ở
Tổng Thống Phủ nói thực với họ cảm xúc của dân.
Cả hai ông bà Chương: Chúng tôi sẽ ở lại Tòa Đại sứ cho tới
khi Ly, tân Đại sứ, tới từ New Delhi, và chúng tôi sẽ ở lại trong khu vực thủ
đô Mỹ với tư cách công dân riêng tư.
Đại tá Edward Lansdale,
Phụ tá Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trái)
và Đại sứ VN tại Hoa
Kỳ Trần Văn Chương (Thân phụ bà Ngô Đình Nhu)
■ Ngày 27/8/1963. Điện văn từ Tòa đại sứ Mỹ số 364. Lodge
đánh giá lạc quan về lực lượng tham dự đảo chánh, bày tỏ tin tưởng các tướng
lãnh.
NSC họp buổi thường nhật. Các viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
đồng ý xúc tiến đảo chánh, trong khi Bộ Quốc Phòng và cựu Đại sứ Nolting cản
lại để thuyết phục TT Diệm thêm.
.
■ Ngày 28/8/1963. Điện văn từ MACV (Military Assistance
Command—Vietnam), ký số 1557. Tướng Harkins (Tư lệnh MACV) bày tỏ nghi ngờ về
lực lượng sẽ tham dự đảo chánh và thấy không có lý do nào phải chấp thuận gấp
rút.
Điện văn Bộ Ngoại Giao Mỹ ký số 269, Tổng Thống Kennedy gửi
Lodge, và điện văn Bộ Quốc Phòng Mỹ ký số 3385, Taylor gửi Harkins. Lo ngại vì
các quan điểm dị biệt của Lodge và Harkins, cũng như ý kiến dị biệt ở thủ đô
Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống hỏi ý Đại sứ và MACV về các lượng định tình hình
riêng biệt của họ.
https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v04/d60
■ Ngày 28/8/1963. Bản tin CIA báo cáo rằng vào ngày
28/8/1963, Ngô Đình Nhu suy diễn rằng bản tin đài VOA hôm 26/8/1963 và các hành
động của Mỹ từ khi Đại sứ Lodge tới VN là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính phủ
Mỹ muốn gỡ bỏ Nhu ra khỏi bất kỳ chức vụ quyền lực nào trong chính phủ. Nhu
không nghĩ rằng chính phủ Mỹ muốn gỡ bỏ ông Diệm ra khỏi quyền lực. Nhu đã ra
lệnh bắt một số nhà hoạt động đối lập dân sự.
.
■ Ngày 28/8/1963. Bản ghi nhớ về buổi họp với TT Kennedy. Có
tham dự của nhiều viên chức cao cấp của CIA, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao.
Tướng Taylor báo cáo rằng quân lực Mỹ trong khu vực đã sẵn
sàng, nếu cần phải di tản công dân Mỹ ra khỏi VN. Ông nói khoảng 3000 tới 4000
người Mỹ có thể được di tản bằng phi cơ không vận ra khỏi VN. Đại sứ Lodge lo
ngại khả năng không vận chưa chắc thích nghi. Tướng Taylor nói, không kể
quân nhân, tại Sài Gòn có hơn 4000 người Mỹ. Taylor nói quân trung thành với
Diệm tại Sài gòn đông gấp đôi quân đảo chánh tại Sài Gòn, nhưng họ sẽ ủng hộ
các tướng lãnh khi xảy ra đảo chánh. Bên ngoài Sài Gòn, quân của các tướng đảo
chánh đông hơn quân trung thành của TT Diệm, nhưng chỉ cần vài đơn vị quân tinh
nhuệ tuy ít nhưng có thể kiểm soát tình hình là đủ để đảo chánh thành công.
Đại sứ Nolting nói, ông tin là Diệm và Nhu đã biết các hoạt
động của Mỹ với các tướng lãnh.
Bộ Trưởng McNamara nói rằng Mỹ nên quyết định trước tiên
rằng có nên ủng hộ các tướng lãnh trong nỗ lực của họ đảo chánh Diệm hay không.
Nếu ủng hộ, Mỹ nên bàn kế hoạch làm sao chiêu dụ các tướng lãnh còn nghi ngờ dao
động.
Ball nói tình hình sẽ khó khăn, nếu không phải là bế tắc cho
Mỹ trong tình thế mà Nhu là thế lực khống chế tại VN. Ball nói ông tin là Mỹ
không còn đường nào để chọn, chỉ duy là phải ủng hộ đảo chánh. Mỹ đã quá điểm
có thể quay trở lại rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao giúp đảo chánh thành công.
McNamara nói, ông tin là Mỹ không nên tiến hành nếu bị thúc
đẩy. Nếu Mỹ quyết định ủng hộ đảo chánh, thì nên xúc tiến để thắng. Các điện văn ông đọc từ Sài Gòn nêu ngờ vực về khả
năng chưa chắc thắng của các tướng đảo chánh. Ít nhất là ban đầu, quân trung
thành của Diệm có thể đè bẹp quân đảo chánh.
TT Kennedy nói rằng cả Đại sứ Lodge và Tướng Harkins đã
khuyến nghị Mỹ nên ủng hộ đảo chánh. TT Kennedy nói ông không tin là Mỹ nên
chọn vị trí mà phải xúc tiến chỉ vì đã đi tới quá xa. Nếu đảo chánh không nằm
trong các giải pháp, Mỹ có thể từ chối. Các tướng nói về đảo chánh đã không có
vẻ nhiệt tình.
Bundy nói về nên cân nhắc hậu quả từ chối đảo chánh đối với
xúc tiến ủng hộ đảo chánh. Ông nói Mỹ phải quyết định ngay hôm nay là có nên từ
chối ủng hộ các tướng đảo chánh hay không.
TT Kennedy nói rằng Tổng Thống đã hỏi Tướng Harkins hai lần
là có ủng hộ đảo chánh hay không. Cả Đại sứ Lodge và Tướng Harkins đều nói là
nên ủng hộ các tướng đảo chánh.
Đại sứ Nolting nói rằng ông không ủng hộ đảo chánh vì lòng
tin vào người Mỹ có liên hệ chuyện này. Ủng hộ đảo chánh là tệ hại trên nguyên
tắc, và là đưa ra một tiền lệ bất lợi.
Ball nói về ý kiến của Nolting, vấn đề là Diệm đã thất hứa
với Mỹ, trong khi Diệm và thủ hạ đang có các hành động chống lại người Mỹ. Tình
hình bây giờ là: chúng ta không thể chiến thắng cuộc chiến chống cộng với Diệm
ở vị trí kiểm soát, vì thế giới nhìn
thấy Mỹ ủng hộ một chế độ không được dân ủng hộ. Do vậy, không thể lùi
trong nỗ lực gỡ bỏ cả Diệm và Nhu. Nếu Mỹ để mặc kệ các tướng, và họ đảo chánh
thất bại, chúng ta cũng thua, vì kết quả không tốt gì. Chúng ta quyết định tiến
hành, không lựa chọn nào khác, và phải quyết định bây giờ để giúp đảo chánh ông Diệm thành công.
Harriman nói đồng ý với Ball.
TT Kennedy nói bây giờ phải tăng cơ hội thành công cho các
tướng lãnh đảo chánh. Chúng ta nên hỏi Đại sứ Lodge và Tướng Harkins làm sao
chúng ta có thể xây dựng lực lượng quân sự có thể đảo chánh thành công. Vì hiện
giờ, có vẻ quân đảo chánh không thể thắng quân trung thành của Diệm.
Hilsman nói Đại sứ Lodge xin thẩm quyền đứng chờ: ngưng tất
cả viện trợ kinh tế cho chính phủ Diệm, nhưng tiếp tục viện trợ bằng cách trực
tiếp trao cho các tướng; ngưng tất cả hoạt động của Mỹ tại VN; Trợ giúp các
tướng phe đảo chánh bằng cách trao quân dụng cho họ; Tuyên bố công khai rằng Mỹ
ủng hộ quân đội đang tìm cách lật đổ ông Diệm…
Harriman nói Mỹ mất Việt Nam nếu đảo chánh thất bại. Ông
nói, Mỹ không thể chiến thắng nếu còn ông bà Nhu. Mỹ đã thua cuộc ở VN và phải
rút toàn bộ ra nếu không có đảo chánh. Mỹ
đã đưa Diệm lên Tổng Thống và Diệm đã phản bội Hoa Kỳ. Ông nói rằng phải gỡ
bỏ Nhu và sai lầm là Mỹ đã không hành động như thế từ lâu.
Hilsman nói Mỹ không ngăn cản nổi các tướng bây giờ,
và họ phải xúc tiến đảo chánh, nếu không, họ sẽ chết. Ông nói, Mỹ không
thể thắng trận, nếu không gỡ bỏ Diệm.
Trả lời câu hỏi của TT Kennedy, Harriman nói Mỹ trước đây
chiến thắng cùng với Diệm là nhờ các tướng đứng bên Diệm. Bây giờ các tướng nổi
loạn vì hành động của Diệm chống lại Phật Giáo. Trong tình hình hiện nay, chống
Diệm có thể sẽ được ủng hộ mạnh mẽ.
TT Kennedy nói tạm hoãn thảo luận, sẽ họp lại lần nữa vào
6:00 p.m.
.
■ Ngày 28/8/1963. 6 p.m. Bản ghi nhớ về buổi họp với TT
Kennedy. Có tham dự của nhiều viên chức cao cấp của CIA, Bộ Quốc Phòng và Bộ
Ngoại Giao.
TT Kennedy đã yêu cầu họp riêng trong một phòng khác với
Dean Rusk (Ngoại Trưởng), McNamara (Bộ Trưởng Quốc Phòng), Mac Bundy (Cố vấn An
ninh Quốc gia) và Tướng Taylor (Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ).
Sau khi họp riêng trở lại, TT Kennedy loan báo rằng có 3
điện văn sẽ gửi tới Sài Gòn. Một, từ Tướng Taylor gửi Tướng Harkins để hỏi về
lượng định cá nhân về tình hình và về kế hoạch của các tướng lãnh. Hai, thông
điệp cá nhân từ Kennedy gửi Đại sứ Lodge, muốn được bảo đảm là có phối hợp toàn
diện giữa Sài Gòn và Washington, rằng Kennedy muốn lượng định cá nhân và thẳng
thắn của Lodge, rằng Kennedy muốn tránh bất kỳ tình thế nào mà sứ quán tiến
hành một kế hoạch mà trái nghịch với đánh giá tốt hơn của họ bởi vì họ nghĩ rằng
đó là lệnh từ Washington và Washington đang đưa ra chỉ thị dựa trên giả thiết
sai lầm rằng phía sứ quán đã đồng ý. Ba, điện văn tổng quát soạn bởi McNamara,
Harriman, Bundy, Forrestal và Hilsman sau buổi họp sáng nay.
Kennedy kết thúc buổi họp bằng ý kiến: "Cần biết nhận định của Tướng Harkins về
những gì chúng ta nên làm, chứ không phải là phản ứng của Tướng Harkins đối với
những gì Tướng Harkins nghĩ là đã có quyết định ở đây." TT Kennedy nói
rằng ý kiến của Tướng Harkins chưa rõ ràng lúc này.
Mùa Hè năm 1963, Tổng
thống Kennedy họp với Đại sứ Cabot Lodge (hình trái)
và với Tướng Maxwell
Taylor và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara
■ Ngày 29/8/1963. Các viên chức tình báo CAS gặp Tướng Minh.
Buổi gặp do Minh thu xếp. Tướng Minh hỏi chứng cớ rõ ràng rằng Mỹ sẽ không bán
đứng họ cho Nhu. Tướng Minh không muốn
nói chi tiết về kế hoạch đảo chánh. Khi được hỏi là dấu hiệu nào cho thấy
Mỹ sẽ hỗ trợ đảo chánh, Tướng Minh trả lời rằng Mỹ nên ngưng viện trợ kinh tế
cho VN.
Điện văn từ tòa đại sứ Mỹ gửi, số 375. Lodge trả lời câu hỏi
của Tổng Thống Kennedy rằng Hoa Kỳ có nên cam kết chắc chắn với các tướng VNCH
hay không. Lodge đề nghị chuyển các lời cam kết qua các viên chức CAS để các
tướng lãnh tin cậy và nếu như thế chưa đủ, Lodge đề nghị ngưng viện trợ kinh tế
như các tướng muốn thấy có dấu hiệu Mỹ
sẽ không trở mặt với các tướng.
Điện văn từ MACV số 1566. Harkins trả lời Taylor, gợi ý rằng
một nỗ lực cuối nên làm với ông Diệm là trong hình thức một tối hậu thư yêu cầu
gỡ bỏ ông Nhu. Làm như thế, không gây nguy hiểm cho các tướng lãnh.
NCS họp. Một buổi họp khác, kết quả vẫn là ý kiến chia rẽ về chuyện Mỹ có nên ủng hộ
cuộc đảo chánh của các tướng lãnh hay không.Kết quả là để Lodge quyết định
chính sách.
Điện văn Bộ Ngoại Giao Mỹ số 272. Lodge được cho phép để
Harkins chuyển các thông điệp CAS cho các tướng lãnh xem để đổi lại, được biết
về kế hoạch chi tiết của các tướng. Lodge cũng được phép ngưng viện trợ Mỹ, nếu
cần.
.
■ Ngày 29/8/1963. 6 p.m. Điện văn từ Tòa Đại sứ gửi về
Bộ Ngoại Giao Mỹ. Ký tên Lodge. Chúng ta đã bước tới chỗ không thể trở ngược
lại được: lật đổ chính phủ Diệm. Không trở ngược lại được, bởi vì, theo tôi
nhìn, với chính phủ Diệm, chúng ta không
thể nào chiến thắng Việt Cộng. Dù là với Diệm hay với bất kỳ ai trong gia
đình nhà Ngô nắm quyền, cũng không thể
nào chinh phục được lòng dân Viêt Nam, như giới trí thức trong và ngoài chính
quyền, giới quân đội và dân sự -- đó là chưa kể tới dân Mỹ. Trong vài tháng
vừa qua (và đặc biệt, từng ngày) họ [nhà Ngô] đã mất lòng dân tới mức không thể
đo lường nổi. Chúng ta nên toàn lực giúp
các tướng đảo chánh. Tôi nhận thấy rằng [giúp đảo chánh] sẽ có rủi ro rất
lớn là mất Việt Nam. Nó cũng liên hệ một số rủi ro làm người Mỹ chết. Tôi sẽ
không bao giờ đề nghị nếu tôi cảm thấy có một cơ may hợp lý để giữ Việt Nam với
Diệm. Tướng Harkins nghĩ rằng tôi nên yêu cầu Diệm từ bỏ Nhu trước khi giúp các
tướng đảo chánh. Nhưng tôi tin rằng, yêu cầu như thế sẽ không có kết quả và sẽ
có hậu quả nghiêm trọng là sẽ bị các tướng xem là người Mỹ do dự và muốn trì
hoãn. Các tướng hiện thời đã không tin
chúng ta nhiều. Điểm nữa, Diệm sẽ xin thời gian cho yêu cầu (từ bỏ Nhu) khó
làm đó. Điều này trao trái banh về phía Nhu.
.
■ Ngày 29/8/1963. Giữa trưa. Bản ghi nhớ về cuộc thảo luận
với Tổng Thống Kennedy. Có tham dự của Ngoại Trưởng Rusk, Bộ Trưởng Quốc Phòng
McNamara, Bộ Trưởng Ngân Khố Dillon, và nhiều viên chức cao cấp Bộ Ngoại Giao
và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Rusk nói rằng cả Đại sứ Lodge và Tướng Harkins đồng ý rằng cuộc chiến chống Cộng tại VN không thể
thắng dưới chế độ Diệm. Tướng Harkins muốn thử cách tách rời ông bà Nhu ra
xa ông Diệm, vì tin mục tiêu trở ngại là Nhu hơn là Diệm. Bây giờ phải quyết
định có nên chỉ thị Tướng Harkins phải hỗ trợ phương pháp đã đề nghị với các
tướng VN do các viên chức VIA đưa ra. Đại sứ Lodge đã nói với một viên chức
CIA, Phillips, rằng hãy nói với các tướng VN rằng Đại sứ Loge ủng hộ phương
pháp của CIA. Mặc dù cho thấy ủng hộ đảo chánh, chúng ta nên tránh dính vào chi tiết về kế hoạch các
tướng dàn dựng đảo chánh.
TT Kennedy hỏi là có ai có ý kiến dè dặt gì về các hành động
Mỹ đang xúc tiến không. Nghĩa là, có nên tiếp tục như đang làm, hay là rút lui
khỏi các nỗ lực hiện nay (nghĩa là: ủng hộ đảo chánh hay thôi).
McNamara đề nghị Mỹ không nên dính vào các nỗ lực đảo chánh,
nhưng ông muốn có nỗ lực của Tướng Harkins là bảo Diệm sa thải Nhu. Gilpatric
đồng ý với cách này, nói rằng nên gặp Diệm, đưa ra tối hậu thư nói rằng trong
vòng vài giờ Diệm phải quyết định [loại bỏ Nhu hay không], mục đích cũng không
để Diệm có thì giờ phản ứng chống các tướng lãnh trong thời khoảng trước khi họ
sẵn sàng khai hỏa đảo chánh.
McNamara nói không thấy có ai thay thế Diệm được. PTT Thơ
thì không phải loại người thay ông Diệm. Một nhóm tướng lãnh VN đang âm mưu đảo
chánh thì không có khả năng điều hành chính phủ lâu dài. Do vậy, nỗ lực cuối
nên là thúc giục Diệm sa thải Nhu.
Trả lời câu hỏi của TT Kennedy về ai đang điều hành chính phủ
VN, Đại sứ Nolting nói Diệm kiểm soát và thường làm việc 18 giờ/ngày. Diệm dựa vào Nhu là ý kiến. Người giúp
điểu hành cho Diệm là Thuần (Bộ Trưởng Bộ Tổng Thống), chống Nhu và trung thành
với Diệm. Nếu Nhu ra đi, Thuần sẽ ở lại với Diệm.
Rusk nói rằng Mỹ đang đối phó với Nhu. Nếu đảo chánh thành
công, Nhu sẽ mất quyền và có thể mất mạng. Do vậy, Nhu không có gì để mất. Nhu có thể kêu gọi Bắc Việt giúp Nhu trục
xuất người Mỹ ra khỏi VN. Mỹ không nên tới gặp Diệm và bảo là phải sa thải
Nhu, nhưng chính các tướng lãnh, như khúc dạo đầu của đảo chánh, sẽ đòi Diệm sa
thải Nhu.
Rusk nói, giai đoạn đầu là tước bỏ quyền lực ông bà Nhu.
Đại sứ Lodge có vẻ như tin rằng không có hy vọng nào tách
rời Diệm và Nhu được.
TT Kennedy nêu ra vấn đề di tản công dân Mỹ [nếu đảo chánh
thất bại] và hỏi khả năng di tản có đủ không. McNamara tóm tắt về kế hoạch di
tản, đưa chiến binh Mỹ vào Sài Gòn trong vòng 10 giờ đồng hồ để đưa dân Mỹ đi.
Tướng Taylor nói đang đưa thêm môt số đơn vị tới gần VN để khi cần thì nhảy vào
VN đưa công dân Mỹ di tản.
TT Kennedy chỉ thị: Tướng Harkins
nhận lệnh hỗ trợ phương pháp CIA với các tướng VN; Đại sứ Lodge được phép loan
báo ngưng viện trợ Mỹ; Không nói gì về tình hình đưa quân Mỹ vào khu vực gần VN
[để di tản dân Mỹ, nếu cần], tin này dương nhiên cũng sẽ bị lộ ra. Nhưng Mỹ
không muốn người VN suy đoán là quân đội Mỹ sửa soạn can thiệp vào VN; Trao Đại
sứ Lodge thẩm quyền toàn bộ chiến dịch này.
TDTTNG/12.2020