Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019


ĐỌC VUA GIA LONG VÀ NGƯỜI PHÁP CỦA THỤY KHUÊ

Nguyễn Minh



Với độc giả yêu thích văn học, Thụy Khuê là cái tên quen thuộc. Bà từng nhiều năm phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài RFI (Pháp), đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm phê bình – khảo cứu giá trị, như bộ Sóng Từ Trường, hay cuốn Nhân Văn Giai Phẩm Và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc. Gần đây hơn, bà “lấn sân” sang sử học, khi cho xuất bản Vua Gia Long & Người Pháp: Khảo Sát Về Ảnh Hưởng Của Người Pháp Trong Giai Đoạn Triều Nguyễn[1] (từ đây gọi tắt là Gia Long), một sách tham khảo dày dặn, công phu.

Trước tiên, phải nhận rằng cuốn Gia Long viết rất lôi cuốn, khiến chúng tôi đọc say mê, và học hỏi thêm được nhiều điều. Chúng tôi cũng đồng ý với Thụy Khuê rằng:
1/ “Các nhà nghiên cứu thuộc địa [Pháp] đã xây nên một thứ huyễn sử, trong đó Bá Đa Lộc có công tột đỉnh, đứng đầu tổ chức, mua súng ống, tàu chiến, chiêu mộ các “sĩ quan” và binh lính Pháp về giúp Nguyễn Ánh. Các “sĩ quan” này không những đã lập chiến công rực rỡ mà còn làm tàu chiến, dựng nền pháo binh và tổ chức quân đội theo lối Tây phương, xây dựng những thành trì kiến trúc kiểu “Vauban” trên toàn thể nước Việt” (tr.20).
2/ Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã “chấp nhận huyễn sử đó, không một lời bàn lại, mà còn khuếch trương thêm trong sách sử Việt” (tr.20).
3/ Do đó, “Việc điều tra lại sự thật là cần thiết...Lịch sử bắt buộc chúng ta phải điều tra lại tất cả những gì được các sử gia thực dân đưa ra, được người Việt chép lại” (tr.21-23).

Bởi những lý do trên, Thụy Khuê viết cuốn Gia Long, nhằm nỗ lực phản biện, điều tra sự thực về vai trò của người Pháp trong công cuộc phục quốc của Nguyễn Ánh. Bà nhấn mạnh mình không “bác bỏ công lao” (tr.448) người Pháp, mà chỉ tìm lại sự thực lịch sử.
Tuy vậy, chúng tôi chủ trương: Với những gì đã được công nhận là đúng, nếu muốn lật lại vấn đề, phủ nhận chúng đi, ta phải tìm ra bằng chứng đủ sức thuyết phục; nếu bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục, thì chưa thể phủ nhận. Có lẽ Thụy Khuê đã bị “tinh thần dân tộc” đẩy đi hơi xa, nên đôi khi đánh mất tính khách quan của một nhà nghiên cứu. Có những luận điểm của bà, chúng tôi thấy chưa vững, như sau đây sẽ phân tích (Vì Thụy Khuê, nói chung, không tin sử Tây, chúng tôi chủ yếu sử dụng sử Việt để hầu chuyện bà).

Ảnh Hưởng Của Sử Quan Thuộc Địa Trên Giới Sử Gia Việt Nam
Trong chương 1 cuốn Gia Long, mang tên Nhu Cầu Viết Lại Lịch Sử Thời Pháp Thuộc, Thụy Khuê khẳng định sử gia Việt Nam thường “nghiêng theo lối trình bày sự kiện và cách đánh giá của các sử gia thuộc địa” (tr.27), tức là lặp lại những lập luận của giới học giả thực dân, giáo sỹ Pháp như Maybon, Gosselin, Bissachère…, qua đó đã, vô hình trung, xuyên tạc lịch sử dân tộc. Sang chương 2, bà giới thiệu cuốn sử Nguyễn Văn Tường[2]của Nguyễn Quốc Trị (cháu ba đời Nguyễn Văn Tường!), khen đây là “công trình nghiên cứu mới, mở đầu cho một khuynh hướng tìm lại, viết lại, và đọc lại lịch sử Việt Nam” (tr.52), vì tác giả dám “phản bác những luận điểm xuyên tạc của sử gia thuộc địa” (tr.44). Dẫu không tiện nói ra, chắc Thụy Khuê cũng xếp tác phẩm của mình vào hạng tiền phong trong khuynh hướng ấy!

Nhưng nhìn vào chương 1, ta hãy thử xem Thụy Khuê đã khảo sát được bao nhiêu sử gia Việt Nam. Xin thưa, chỉ vỏn vẹn những cái tên (theo thứ tự xuất hiện): Trần Trọng Kim, Trương Vĩnh Ký, Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Khắc Ngữ, và Tạ Chí Đại Trường (Phạm Văn Sơn chỉ được kể tên, không được nêu qua tác phẩm). Đây toàn là học giả tiền chiến, hoặc học giả Miền Nam trước 1975[3]. Như vậy, bản “literature review” của Thụy Khuê không những thiếu sót, mà còn “dated” trầm trọng. Chẳng lẽ sử học Miền Nam trước 1975 chỉ có mấy cái tên trên? Còn giới sử gia Bắc Việt, cũng như CHXHCN VN, Thụy Khuê bỏ đi đâu cả?

Của đáng tội, Thụy Khuê cũng có nhắc đến Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Trần Văn Giáp… đấy, nhưng chỉ để khen công dịch thuật chính sử triều Nguyễn. Song họ đâu chỉ dịch thuật mà thôi. Những tác phẩm lên án thực dân của họ, sao Thụy Khuê không kể? Gần đây hơn, còn nhiều bài viết, công trình vạch mặt giáo sỹ, thừa sai cùng bọn “theo đuôi”, của nhóm Giao Điểm[4], sao Thụy Khuê cũng lờ? Nếu đã đọc những công trình đó, sẽ thấy sách của Nguyễn Quốc Trị và của Thụy Khuê chẳng phải là “mới” lắm.
Vì lý do gì, Thụy Khuê bỏ qua một lượng văn liệu lớn đến vậy? Bà có biết, và đọc rồi, nhưng cố tình không nhắc đến, để độc giả ngỡ rằng sách bà viết ra thực sự “mới” chăng? Nếu vậy, Thụy Khê đã không trung thực. Hay bà không biết, và chưa đọc? Nếu vậy, trước khi nêu kết luận, bà nên đọc nhiều sách sử Việt Nam hơn.
(Có lẽ vì ít đọc sử Việt, Thụy Khuê dường như ngạc nhiên khi phát hiện trong tác phẩm của John Barrow chi tiết Nguyễn Lữ, một trong ba anh em Tây Sơn, là nhà tu. Thật ra, nhiều tác giả Việt đã viết về điều này. Có tác giả, như Quách Tấn[5], còn khẳng định Nguyễn Lữ tu theo Minh giáo.)

Vai Trò Của Chính Sử Triều Nguyễn
Ở nhiều chỗ, để bác thông tin trong sách của các sử gia thuộc địa, Thụy Khuê chỉ đơn thuần trích dẫn sử liệu triều Nguyễn, chủ yếu là Đại Nam Thực Lục [6]và Đại Nam Liệt Truyện [7](từ đây gọi tắt là Thực Lục & Liệt Truyện). Làm như thế, chẳng qua là lý luận kiểu: “Ông nói sai rồi. Tôi đã nghe ông kia nói. Ông kia có nói vậy đâu”! Nhưng chắc gì “ông kia” nói đúng cơ chứ?

Thiết nghĩ khi nghiên cứu, cần giữ sự khách quan tuyệt đối. Đã đành Thực Lục & Liệt Truyệt là quốc sử nước ta, song không có nghĩa những gì “ta” viết đều đúng, những gì “các ông Tây” viết đều sai. Thụy Khuê nhận xét “Đại Nam Thực Lục do vua Minh Mạng ra lệnh soạn, sai người đi khắp các nơi tìm tài liệu lịch sử, nhưng nhà vua không kiểm duyệt. Sách bắt đầu in khi ông đã qua đời, dưới triều Tự Đức. Vậy có thể nói là các sử thần đã được tự do viết sử dưới triều Minh Mạng” (tr.40). Chúng tôi thì không cho rằng sử thần có quyền tự do. Ăn cây nào, ắt phải rào cây nấy. Sử thần triều Nguyễn, tất chỉ được nói tốt cho triều Nguyễn, và gạt bỏ những thông tin bất lợi. Dù Thực Lục chỉ bắt đầu in khi Minh Mạng đã qua đời, không kiểm duyệt được, chẳng lẽ Tự Đức lại chấp nhận để sử thần “kể tội” ông nội, ông cố mình hay sao?

Theo nhận định của chúng tôi, sự thật nằm đâu đó nơi chính giữa, vì nếu như thực dân đã tìm cách thổi phồng công trạng của những người Pháp đi theo Gia Long, thì Thực Lục và Liệt Truyệt lại cố tình hạ thấp công ấy xuống. Liệt Truyện chép về công thần Tây dương vô cùng sơ lược, và gộp cả bọn vào phần cuối truyện Bá Đa Lộc, mặc dù nhiều người trong số họ, với những đóng góp đáng kể, xứng đáng được dành một tiểu truyện riêng. Manuel (Mạn Hòe), chẳng hạn, đã chiến đấu anh dũng, sau khi tử trận được truy tặng đến Hiếu Nghĩa Công Thần Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, cho thờ tại đền Hiển Trung. Jean-Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) và Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn) thì phụng sự lâu năm, trải từ Gia Long sang Minh Mạng, được phong Chưởng Cơ, trật tòng nhị phẩm. Đây là chức quan võ rất cao. Nên nhớ rằng bên văn giai, ngay lục bộ thượng thư cũng chỉ là chánh nhị phẩm mà thôi.

(Thụy Khuê ban đầu thừa nhận Chưởng Cơ là tòng nhị phẩm (tr.372), nhưng sau đó lại mâu thuẫn với chính mình, liên tục khẳng định chức này thuộc hàng tam phẩm. Chính vì thế, khi bàn về việc Chaigneau và Vannier kể chuyện họ được quyền tham dự Hội Đồng Nội Các (Công Đồng), nhưng sợ các quan Việt Nam ganh tỵ nên không dự, bà nhận xét hai ông kể sai, vì cả hai “là quan võ, hàng tam phẩm, mà Công đồng chỉ dành cho các quan đại thần hàng nhị phẩm trở lên mới được dự” (tr.605). Viết câu trên, Thụy Khê chẳng những không bác bỏ nổi lời của Chaigneau và Vannier, mà còn gián tiếp công nhận hai ông nói đúng, vì Chưởng Cơ là quan nhị phẩm, có phải tam phẩm đâu!)

Trong Liệt Truyện, người Tây dương duy nhất có tiểu truyện riêng là Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), song tiểu truyện này hết sức sơ sài, vỏn vẹn vài trang, lại phải đèo bòng thêm hành trạng của nhóm Manuel, Chaigneau…như đã viết ở trên. Trong khi đó, truyện Lê Chất, hàng tướng Tây Sơn, chiếm trọn một quyển; truyện Nguyễn Văn Thành cũng một quyển; truyện Lê Văn Duyệt: hai quyển…Đây là điều bất hợp lý, nếu ta biết Bá Đa Lộc được truy phong Thái Tử Thái Phó, Bi Nhu Quận Công, một phẩm vị cực cao. Đời Gia Long, tuy tước hầu được ban phát tràn lan, mất đi giá trị, tước công vẫn chỉ dành cho những bậc đại thần. Với tước quận công, Bá Đa Lộc đứng ngang với nhóm Nguyễn Văn Thành, Lê Chất…, chỉ kém Võ Tánh (truy phong Quốc Công). Các bậc văn thần lừng lẫy của Gia Long, như Trịnh Hoài Đức, Đặng Đức Siêu, khi mất chỉ được truy tặng Thiếu Bảo, Thiếu Sư[8], tức thua Bá Đa Lộc một bậc.

Dĩ nhiên, qua những dòng trên, chúng tôi chỉ muốn nói rằng không nên “tận tín ư thư” đối với quốc sử, chứ không phủ nhận quốc sử. Liệt Truyện là nguồn thông tin vô giá. Thực Lục cũng vậy, từ Tiền Biên, Chính Biên đệ nhất kỷ, cho tới đệ lục kỷ phụ biên và đệ thất kỷ mới công bố sau này. Đáng buồn thay, chúng tôi có cảm tưởng giống Thụy Khuê: Sử gia Việt Nam ít đọc Thực Lục & Liệt Truyện, vả nếu có đọc, cũng chỉ xem lướt vội vàng những chỗ có liên quan đến công trình nghiên cứu của mình, không đọc hết, đọc kỹ toàn bộ, do đó không có cái nhìn toàn diện, và thường trích dẫn sai.
Nhưng không chỉ sử gia nhà, sử gia nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam cũng vậy. Chính Thụy Khuê cũng vậy. Chẳng hạn, nếu đọc kỹ Thực Lục, bà đã không viết “Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long” (tr.103) vào năm 1802. Thực Lục đệ nhất kỷ, quyển XVII, chỉ chép việc lấy niên hiệu Gia Long trong năm 1802, việc lên ngôi hoàng đế phải đợi đến 1806 (xem quyển XXVIII).

Tương tự, Thụy Khuê viết “Phía Việt cũng có tước công, hầu, nhưng không dùng trong nghĩa quý tộc như ở Pháp, chỉ dành cho quan võ” (tr.373) là chưa chính xác. Đời Gia Long, vì phải chinh chiến nhiều, hai tước công, hầu chủ yếu phong cho quan võ, nhưng không có nghĩa quan văn không được phong. Nơi đoạn trước đã nhắc, tước của Bá Đa Lộc là Bi Nhu Quận Công, mà Bá Đa Lộc thì, như Thụy Khuê đã ra sức chứng minh trong sách của mình, chả phải quan võ! Sang các đời vua sau, trường hợp quan văn nhận tước công, hầu tăng thêm nhiều. Ví dụ: Trương Đăng Quế được tấn phong Tuy Thạnh Quận Công.



Công Trạng Bá Đa Lộc
Giới giáo sỹ, sử gia thực dân hết mực tôn vinh Bá Đa Lộc, xem ông như một nhà quân sự xuất sắc, thầy của Gia Long, trên thực tế nắm quyền tể tướng nước Nam. Chúng tôi không đồng ý. Trái lại, Thụy Khuê bảo “Bá Đa Lộc chẳng mộ lính, chẳng mua khí giới, và cũng không có quyền hành gì về chính trị lẫn quân sự[9]” (tr.458), chúng tôi cũng không đồng ý. Một lần nữa, chúng tôi cho rằng sự thật nằm ở giữa: Bá Đa Lộc là một trong những quân sư, được Gia Long tín cẩn, và có thế lực khá lớn ở triều đình.

Không tín cẩn, sao Gia Long có thể giao Đông Cung Cảnh vào tay ông trên hành trình vạn dặm sang Tây dương, và để ông đại diện nhà vua giao thiệp cùng Pháp?
Không có công trạng lớn, sao được phong Thái Tử Thái Phó, Bi Nhu Quận Công? Gia Long loạn óc chăng?
Không có thế lực, sao lúc Trần Đại Luật dâng sớ xin chém đầu Bá Đa Lộc, đã phải lo xa, dặn người nhà sắm sẵn áo quan cho mình? Trong tờ sớ, Trần Đại Luật cũng ghi rõ ông Bá “sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì” (xem Liệt Truyện, truyện Trần Đại Luật). Một người chẳng có quyền hành, lại dám ngông nghênh thế ư?
Để phủ định Bá Đa Lộc, Thụy Khuê khẳng định ông không có công cứu giá Gia Long, và không đóng góp được gì vào công cuộc phục quốc. Chúng ta hãy cùng xét qua hai luận điểm ấy.

1/ Bá Đa Lộc có công cứu giá Gia Long hay không?
Theo các tài liệu Tây phương, Gia Long trong cơn bĩ cực, từng được Bá Đa Lộc cứu giá. Thụy Khuê dựa vào Sử Ký Đại Nam Việt, một cuốn sử của Công giáo, cùng một số nguồn khác, để khẳng định người cứu Gia Long không phải ông Bá, mà là linh mục Paul Nghị. Song linh mục Paul Nghị này lại là người tín cẩn của Bá Đa Lộc, và Sử Ký Đại Nam Việt chép rõ sau khi cứu giá, Paul Nghị liền sai người báo tin cho Bá, đồng thời giấu Gia Long vào nhà Bá. Như vậy, dẫu không trực tiếp giúp vua, Bá Đa Lộc vẫn có vai trò. Không loại trừ việc ông đã chỉ thị trước cho Paul Nghị về cách hành xử, khi gặp người bên phe Nguyễn Ánh.
Ngoài ra, truyện Bá Đa Lộc trong Liệt Truyện chép rằng: “Năm Nhâm Dần, Tây Sơn vào xâm lấn, vua phải chạy ra ngoài, Hoàng thái hậu và cung quyến sang Chân Lạp, người Lạp mưu phản, sắp có việc bất trắc, Đa Lộc biết, đem các đồ đệ bày kế bảo hộ từ giá và cung quyến về Tam Phụ cùng vua hội ngộ.” Thế là Bá Đa Lộc còn cứu cả mẹ Gia Long nữa.
Kết luận: Sử Việt lẫn sử Tây đều ghi công Bá Đa Lộc, Thụy Khuê sao phủ nhận được?

2/ Bá Đa Lộc có đóng góp vào công cuộc phục quốc hay không?
Theo Thụy Khê, Bá Đa Lộc chỉ được tôn trọng với vai trò thầy giáo dạy Đông Cung Cảnh. Ông không có ảnh hưởng chính trị, không điều binh khiển tướng, không được tham gia lĩnh vực quân sự, không mộ binh, mua khí giới cho vua, cũng không dịch sách kỹ thuật, viết thư giúp vua giao thiệp với nước ngoài.
Về chính trị, chúng tôi thiết tưởng chẳng cần phản bác Thụy Khuê. Chỉ nội việc Bá Đa Lộc đem Đông Cung Cảnh sang Pháp cầu viện cũng đủ nói lên vai trò chính trị to lớn của ông rồi. Còn cầu viện bất thành, ấy là một vấn đề khác.
Về quân sự, Bá Đa Lộc là nhà tu, đương nhiên không điều binh khiển tướng, nhưng Thực Lục và Liệt Truyệnnhiều chỗ ghi nhận việc ông theo đi đánh trận, hoặc giúp Đông Cung giữ thành, nghĩa là có tham dự quân cơ. Ngay Thụy Khuê khi viết về Bá Đa Lộc, cũng có câu nhận định “Giám mục bất mãn vì vua không nghe lời khuyên nên đánh ra Bắc” (tr.469), tức thừa nhận Bá đã “quân trung luận bàn”, khuyên vua đánh Bắc. Tuy nhiên, bên cạnh Bá còn những quân sư khác, và vua rốt cuộc không nghe ông.

Về việc mộ binh, tiến cử nhân tài, Liệt Truyện, truyện Bá Đa Lộc, viết “Về đồ đệ có những tên: Mạn Hòe, Đa Vật, Va Nê E, Ô Ly Vi (tức tên là Tín) và Lê Văn Lăng, đều là người nước Phú Lãng Sa.” “Đồ đệ”, chúng tôi hiểu theo nghĩa rộng, là những người được Bá Đa Lộc nâng đỡ, tiến cử. Thụy Khê bình thường tin Liệt Truyện, song chỗ nào Liệt Truyện chép khác ý mình thì phản bác. Nhằm hạ thấp tối đa tầm ảnh hưởng của Bá Đa Lộc, bà lý luận như sau:
Thực ra, trong 5 người này, chỉ có Mạn Hòe là đồ đệ của Bá Đa Lộc. Còn về Đa-Vật, chữ này ban đầu chắc phiên âm chữ Dayot, được vua trọng vọng trong thời gian đầu, nhưng sau đó, Dayot làm đắm tàu và trốn đi năm 1795, rồi Chaigneau đến đầu quân, nên các sử thần đã dùng chữ Đa-Vật để chỉ Chaigneau…Trong ba người còn lại: Va Nê E, Ô Ly Vi và Lê Văn Lăng, thì Vannier từ Pondichéry đến, nhận chức Cai đội ngày 27/6/1790. De Forcanz quản tàu Bằng Phi, không biết đến từ đâu, khoảng 1800 mới thấy xuất hiện trên Thực Lục và trong thư các giáo sĩ…Olivier de Puymanel, con nhà gia thế, trước khi sang Á Châu, đã được gia đình gửi gắm với Bá Đa Lộc…Vì vậy, chỉ có mình Olivier de Puymanel có thể tạm coi là được vị Giám mục “đỡ đầu”, tuy nhiên quyết định đi Nam Hà của Olivier có từ trước” (tr.416).

Lý lẽ trong đoạn trên rất yếu. Đã bảo “chỉ có Mạn Hòe là đồ đệ của Bá Đa Lộc”, sao lại còn “chỉ có mình Olivier de Puymanel có thể tạm coi là được vị Giám mục đỡ đầu”? Vannier “từ Pondichéry đến, nhận chức Cai đội ngày 27/6/1790” thì sao, sao lại không thể do Bá tiến cử? De Forcanz, Thụy Khuê đã “không biết đến từ đâu”, sao dám khẳng định không liên quan đến Bá? Còn Dayot, chẳng thấy Thụy Khuê nêu lý do chi cả. Ngoài những nhân vật trên, ta biết còn nhiều người Tây dương khác phục vụ dưới trướng Gia Long. Chẳng có bằng chứng gì chắc chắn để bảo họ không phải do Bá Đa Lộc “mộ”.
Về việc Bá Đa Lộc dịch sách, viết thư, Thụy Khuê không tin, và đưa ra lý lẽ như sau:
-Sử Ký Đại Nam Việt và tài liệu của Le Labousse ghi rằng Gia Long thường đọc sách Tây, tuy không hiểu chữ nhưng cố gắng tìm hiểu qua hình vẽ và đồ thị (tr.158 & 385-387). Nếu Bá đã dịch, vua không phải khổ sở như thế.
-Trong triều đã có nhiều người giỏi tiếng Pháp như Trần Văn Học, Hồ Văn Nghị để dịch và viết thư rồi (tr. 386).
Ta thấy ngay lý do 1 không vững: Bá Đa Lộc không thể dịch cả thư viện, sách nào chưa dịch, vua muốn xem ắt phải mày mò. Lý do 2 cũng không vững: Cho là Trần Văn Học, Hồ Văn Nghị giỏi tiếng Pháp, chẳng lẽ giỏi hơn chính người Pháp ư? Đó là chưa kể hai lý do còn mâu thuẫn với nhau: Nếu Bá không dịch, thì Học và Nghị đâu, sao cũng không dịch, mà để vua vất vả xem hình? Tóm lại, Thụy Khuê chưa đủ bằng chứng để bác bỏ việc Bá dịch sách cho vua, và giúp vua giao thiệp với nước ngoài để mua quân nhu, vũ khí.

Le Brun Và Những Người Pháp Khác
Chúng tôi sẵn sàng đồng ý với Thụy Khuê rằng lực lượng Tây phương không đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến giữa Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu. Cũng khó có thể tin họ đã mở trường võ bị, chỉ huy lục quân, lãnh đạo hải quân, đào tạo kỹ sư, và chủ trì xây dựng hàng loạt thành trì Việt Nam, như giới sử gia thuộc địa mô tả. Nhưng Thụy Khuê đã đi quá xa khi khẳng định “quân đội Nguyễn Ánh không có gì là “Tây phương” cả” (tr.187), và thành quách Việt Nam bấy giờ được xây theo “lối kiến trúc hoàn toàn Đông phương” (tr. 443). Dường như bà tự hào rằng nước ta bấy giờ đã quá mạnh rồi, chẳng cần học gì từ bọn Tây sất! Đây là thái độ tự tôn rất nguy hiểm. Chúng ta cần tự biết bản thân, tích cực học hỏi nhằm tiến bộ, chứ cứ cao ngạo cho mình là giỏi, thì mãi mãi chỉ như ếch ngồi đáy giếng không hơn.

Chính Thụy Khuê phải thừa nhận Gia Long đã mua rất nhiều binh khí, súng ống Tây phương, đồng thời mua cả tàu Tây, hoặc tự đóng tàu theo lối Tây. Dấu ấn Tây phương trong quân đội Việt như vậy rất nhiều đấy chứ. Mà không chỉ Gia Long, cả tổ tiên ông cũng học Tây nữa, không Tây Pháp thì Tây Bồ Đào Nha, Tây Y Pha Nho, vì Thụy Khê cũng viết “Chúa Sãi [Nguyễn Phúc Nguyên] đóng tàu theo kiểu Tây phương” (tr.401), và “từ năm 1660 đến năm 1682, một người Ấn Độ lai Bồ hay Y, tên Joao Da Crus (Jean de la Croix) đã mở lò đúc súng cho chúa Nguyễn Phước Tần…Jean de la Croix chính là “thủy tổ” nghề đúc súng đại bác tại Huế” (tr.403).

Về việc thành trì, Thụy Khuê dùng lời mô tả sơ lược của một số nhân vật nước ngoài như Shihoken Seishi và John White để chứng minh thành Gia Đình không mang phong cách Vauban. Cứ cho là không Vauban, điều đó không đồng nghĩa với việc ngôi thành không mang ảnh hưởng Tây phương. Nhiều người Tây khác từng thăm thành, như Finlayson mà Thụy Khê trích dẫn (tr.379), cho biết nó “xây…theo lối Tây phương” kia mà. Hơn nữa, Thụy Khê còn dẫn Le Labousse rằng “Vua Gia Long có trong cung nhiều sách Pháp viết về việc xây dựng đồn lũy…Ông lật từng trang để xem các đồ bản và tìm cách bắt chước” (tr.384-385).
Đối với nhóm binh sỹ Tây dưới quyền Gia Long, Thụy Khuê nhìn chung tỏ thái độ khinh thị, bảo họ đa số chỉ là binh nhất, binh nhì, vô học bất tài, nhờ khai man lý lịch, chuyên môn, mới được vua phong làm quan. Để chứng minh họ vô học, bà dựa vào những bức thư do họ viết, hiện còn lưu giữ được, chứa đựng nhiều lỗi chính tả, văn phạm. Nhưng kém về văn chương chữ nghĩa là một chuyện, giỏi nghề hay không lại là chuyện khác. Riêng chuyện khai man, bà chỉ suy diễn, chứ không có bằng chứng.

Thụy Khuê biết mình thiếu bằng chứng, nên ban đầu chỉ dám viết “họ khai man hay vì một lý do nào khác” (tr.372), song về sau, càng viết càng hăng, bà cứ “khai man” mà khẳng định, không e dè chi nữa. Do khuôn khổ bài viết giới hạn, chúng tôi chỉ dẫn ở đây những gì bà nhận định về nhân vật Théodore Le Brun.
Thoạt tiên, Thụy Khuê ghi lại văn bằng do Gia Long ban cho Le Brun “Hoàng thượng xét thấy tài năng của Théodore Le Brun, quốc tịch Pháp, với bằng văn bằng này, ban cho y chức Khâm sai Cai Đội Thanh oai hầu, quản chiếu việc công thự…vì thế, Hoàng thượng, giao cho y coi sóc tất cả những đồn lũy trong nước, và lệnh cho y phải tìm mọi cách để có được sự bảo đảm an toàn cho những thành trì này[10]” (tr.444).
Sau đó, bà nhận định “Qua văn bằng này, ta thấy Le Brun đã tự nhận mình là kỹ sư xây dựng, nên mới được vua cho chức Khâm sai Cai đội Thanh oai hầu, cai quản các thành trì…Trường hợp Le Brun không biết thế nào, nhưng ta cũng có thể đoán: Vì khai man là kỹ sư, nên khi không làm được việc phòng bố các đồn lũy, sợ bị tội nên y đã phải bỏ đi” (tr.444).
Xin lỗi bà Thụy Khuê, nhưng chúng tôi đọc mãi văn bằng, chả thấy chỗ nào nói Le Brun khai trình độ kỹ sư xây dựng, đó chỉ là bà suy diễn. Từ suy diễn này, bà nhảy sang suy diễn khác: Le Brun không làm nổi việc, nên chuồn, trong khi trên thực tế, chẳng tài liệu nào nói vậy. Thiếu bằng cấp chính qui, không nhất thiết không làm được việc. Như ông Nguyễn Trường Tộ của ta thì tốt nghiệp trường kiến trúc nào, mà vẫn thiết kế nổi công trình lớn?

Giả sử mọi chuyện chỉ có thế, thì cũng chấp nhận được, vì bà chỉ đoán thôi mà. Nhưng sang đến trang 448, bà lại viết “Có mấy điểm ta có thể chắc chắn: Le Brun khai man là kỹ sư chuyên về đồn lũy, nên mới được nhận chức quản chiếu công thự…Việc vua trao cho Le Brun khó làm, quá khả năng của y, nên tránh bị tội, y mới bỏ đi.”
Sao mới bốn trang, mà từ “đoán” chuyển ngay sang “chắc chắn” thế, thưa bà? Vả lại, dẫu Le Brun khai man chăng nữa, không phải bà vẫn khen Gia Long và quần thần là những người vô cùng tài giỏi, sáng suốt đó sao? Chẳng lẽ sáng suốt như rứa, mà không biết “thẩm tra trình độ” Le Brun, chỉ nghe lời khai rồi phong chức ngay à?
Nếu nghiêm túc đọc văn bằng, không suy diễn cảm tính như Thụy Khuê, chúng ta thấy gì? Với chức Cai Đội, dù có là Khâm Sai, hiển nhiên Le Brun không đủ quyền để làm tổng chỉ huy việc xây dựng thành trì, nhưng lời lẽ văn bằng cho thấy rõ ràng ông được giao trách nhiệm rất lớn, rất quan trọng.

Trong cuốn Gia Long, Thụy Khuê dẫn nhiều văn bằng Gia Long phong cho người Pháp, không thấy phê bình gì. Riêng văn bằng của Le Brun, bà nghi bị dịch sai, chắc bởi nó không hợp ý bà, dám trao Le Brun cái quyền quá lớn. Tuy nhiên, bà lại mâu thuẫn với chính mình, khi thòng thêm câu nhận xét này “Văn bằng tuy ghi là Puymanel dịch nhưng Puymanel mới đến Việt Nam năm 1788, thì năm 1790 chưa thể dịch được văn bằng chữ Hán, chắc Trần Văn Học hay Hồ Văn Nghị dịch giúp” (tr.447).
Vậy còn nghi gì? Nếu Puymanel dịch, còn bảo dịch sai được, chứ Trần Văn Học và Hồ Văn Nghị chả lẽ không hiểu chữ Hán hay sao mà dịch sai?

Ngoài Le Brun, còn nhiều người Pháp giữ vai trò quan trọng. Liệt Truyện, truyện Trần Văn Học, chép việc Olivier de Puymanel “phiên dịch tiếng chữ Tây, và chế tạo các hạng hỏa xa, chấn địa lôi, binh khí.” Jean-Marie Dayot [11]thì đo đạc, vẽ bản đồ; Laurent Barisy giúp vua trong việc buôn bán, mua vũ khí; Manuel, Vannier và Chaigneau đã nhắc ở trên. Ta thấy tuy số lượng không nhiều, những người Pháp ở Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho Gia Long, trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ chiến đấu, giao thương, hậu cần, cho tới kỹ thuật quân sự (vũ khí, xây dựng, đo đạc).
Các chú binh nhất, binh nhì, vô học bất tài, xem ra cũng được việc thật!

Ký Sự Bissachère
Thụy Khuê phê bình, chỉ trích nhiều giáo sỹ, sử gia thuộc địa, nhiều chỗ chưa được thỏa đáng. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể phản biện tất cả, chỉ tập trung vào trường hợp giáo sỹ Pierre-Jacques Lemonier de La Bissachère, vì Thụy Khuê đã nêu đích danh tập ký sự của Bissachère, cùng bài Nhập Đề đi kèm của Félix Renouard de Sainte-Croix, như thủy tổ của sự bóp méo lịch sử. Theo Thụy Khuê, tài liệu này đưa ra những thông tin sai lạc, vô bằng vô cớ, bôi nhọ Gia Long, bôi nhọ Quang Trung, và nói xấu người Việt.

Chúng tôi công nhận, Bissachère nhiều chỗ cung cấp thông tin vu vơ, vô bằng vô cớ, không dẫn nguồn, nhưng nên nhớ ông không phải học giả, cũng không sống ở thế kỷ 21, nên ta không thể áp dụng tiêu chuẩn nghiên cứu hiện đại với ông. Chẳng cứ Bissachère, mà ký sự của những tác giả khác đương thời đa số cũng đều như thế. Họ chép những gì mắt thấy tai nghe (nghe nói), không quan tâm nguồn, và không có điều kiện kiểm chứng dữ liệu. Nếu áp dụng tiêu chuẩn quá khắt khe, sẽ chẳng tin được ai, và chẳng dùng được tài liệu nào.
Bởi không hiểu Việt Nam, và cái thấy cái nghe chưa toàn diện, Bissachère đã phạm những sai lầm lớn, như trong đoạn ông viết về Quang Trung, được Thụy Khuê dịch lại:
Quang Trung đang ở Nam Hà, hay tin quân Tàu đã sang, chạy vội ra Bắc với vài trăm lính, đi ngày đêm, lượm trên đường tất cả những kẻ có thể cầm được khí giới, cướp lương thực trong các làng mạc đi qua, chặt đầu kẻ nào không theo lệnh, đốt nhà kẻ nào không hiến gạo, trâu, lợn cho quân ăn, thường nổi cơn giận hoặc lên cơn điên, hay ra lệnh giết ngay trước mặt những người, ngựa không bước kịp theo. Ông ta tiến gần đến trại quân Tàu với đoàn quân mỏi mệt, què cụt vì đường xa, dở sống dở chết, chẳng làm khiếp sợ quân địch; ông ta tấn công và giết khoảng 40.000 người ngay hôm mới đến, những kẻ thoát được trốn vào rừng rồi cũng chết. Chỉ còn lại rất ít chạy về Tàu báo tin thua trận” (tr.223).
Ai đọc vào cũng thấy ngay sự phi lý. “Quân mỏi mệt, què cụt…dở sống dở chết” mà lại đại thắng, “giết khoảng 40.000 người ngay hôm mới đến”!

Nhưng nhiều chỗ khác, Thụy Khuê phê phán Bissachère không trúng. Chẳng hạn, để chứng minh sự bôi nhọ Gia Long, bà dẫn những đoạn Bissachère mô tả cảnh Gia Long vũ nhục hài cốt các vua Tây Sơn, cho xé xác các con Quang Trung và mẹ con bà Bùi Thị Xuân. Có thể lời Bissachère chưa đúng hẳn với thực tế, song Thực Lục, đệ nhất kỷ, quyển XIX, rõ ràng ghi nhận “áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác…đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại.” Gia Long báo thù Tây Sơn một cách tàn độc là một sự thật, sử nhà Nguyễn còn ghi, tả lại sự thật ấy, sao gọi bôi nhọ?

Hành hình Bùi Thị Xuân là đoạn nổi tiếng, được nhiều sử gia Việt Nam trích dẫn, không nghi ngờ gì. Thụy Khuê bác bỏ đoạn này, đưa ra những lý do như: “Việc Gia Long hành hình mà Bissachère mô tả sau đó, không phải ông được xem tận mắt, mà do người đầy tớ của ông kể lại…Người “đầy tớ” này được ông sai vào triều để xin phép vua hay xin vua một giấy phép…Tại sao “người đầy tớ” của một giáo sĩ không có chức vụ gì đặc biệt trong triều, lại được quyền vào cung, đứng trước mặt vua, trong một tháng?...Một giáo sĩ vô danh như Bissachère làm sao có thể “giao thiệp” với vua, chưa nói đến việc gửi đầy tớ vào triều, xin vua việc này việc nọ?...Ông có “thế lực” đến độ có quyền gửi “đầy tớ” vào cung. Ông không biết là sứ thần các cường quốc Anh, Pháp đến xin yết kiến, cũng không được vua tiếp” (tr.225).
Thụy Khuê lập luận hữu lý. Nhiều khả năng Bissachère bịa ra tên đầy tớ, để lời kể của mình đáng tin hơn. Nhưng không có gì chứng minh vị giáo sỹ đã tưởng tượng, dựng đứng câu chuyện. Có thể ông nghe một người nào khác kể, và câu chuyện về cơ bản vẫn đúng.

Thụy Khuê lại lập luận: Vì các tướng Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng chỉ bị chém đầu, bà Bùi Thị Xuân không thể bị voi giày, tức là “xử nặng hơn chồng…ngang hàng với các con vua Quang Trung” (tr.231). Bà còn nêu một giả thuyết lạ lùng là Bùi Thị Xuân không rơi vào tay địch, bất chấp thông tin trong Liệt Truyện, truyện Nguyễn Quang Toản, rằng “Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống.
Chuyện Bùi Thị Xuân, chính chúng tôi cũng ngờ, vì con gái bà Xuân có tội tình gì, mà phải chịu voi giày như mẹ? Song mối ngờ ấy chỉ đủ cho chúng ta đặt nghi vấn, chứ chưa đủ để bác bỏ lời thuật của Bissachère. Có lẽ Gia Long có lý do gì đặc biệt chăng? Vả cũng nên nhớ, voi giày, xé xác không phải cực hình đặc biệt dành riêng cho vương giả. Tây Sơn trước đó từng áp dụng hình phạt xé xác với Nguyễn Hữu Chỉnh[12].
Cũng nằm chung mạch “bôi nhọ Gia Long”, Thụy Khuê dịch lời Sainte-Croix:
Ông hoàng đầy quyền lực và giàu có này cho người đầu bếp một nửa đồng tiền mỗi ngày để đi chợ. Gã đầu bếp đi chợ với lính, vơ tất cả những thứ mà hắn muốn, không trả tiền, bọn lính cũng làm y như vậy, những người bán hàng không dám than phiền gì cả. Tóm lại, bàn ăn của vua đầy các thứ cao lương mỹ vị mà toàn đồ ăn cướp của dân (tr.246).
Trong nước này chỉ mình ông [Gia Long] là giàu, trong khi tất cả các giống dân dưới sự cai trị của ông đều cực kỳ đói khổ, vì bị các quan nhỏ sách nhiễu chưa từng thấy, rồi quan nhỏ lại bị quan lớn cướp bóc sách nhiễu, và sau cùng nhà vua chém đầu bọn quan lớn để chiếm hữu tiền bạc của cải mà họ đã kiếm chác bất hợp pháp. Những cuộc hành hình xảy ra luôn luôn, và người ta vẫn làm. Hình như ăn cắp là tính thiên bẩm của tất cả các dân tộc Á Châu, đặc biệt người Tàu và người Việt” (tr.245-246).

Đọc câu cuối, chúng tôi nghĩ không chỉ Thụy Khuê, mà rất nhiều người Việt khác cũng sẽ phẫn nộ. Thụy Khuê lên án Bissachère và Sainte-Croix miệt thị, phỉ báng người Việt quả không sai. Không thể phủ nhận họ đã nói quá lời và vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, đọc những gì các tác giả Tây phương thời ấy viết về Việt Nam, chúng tôi thấy họ khen cũng có, mà chê cũng nhiều. Ta nên xem sách họ viết với tinh thần cầu thị, đừng hễ thấy khen thì tự mãn, mà chê thì nổi giận bất bình. Không chỉ Sainte-Croix viết về “tính ăn cắp”, một số tác giả khác cũng thế, như Pierre Poivre[13]. Khi nhiều người cùng nói giống nhau, điều ấy chưa chắc đã đúng, song ta cũng cần xét mình. Thêm vào đó, phải nhớ thời xưa, thành kiến Đông Tây rất nặng. Bản thân người Việt xem Tây dương như “bạch quỷ” mọi rợ, thì họ có nghĩ xấu về ta cũng là chuyện thường.
Còn chuyện nhà vua giàu có, người dân đói khổ, cũng như quan binh sách nhiễu nhân dân, chắc cũng chứa đựng mấy phần sự thật. Đâu phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”!

***

Trên đây là vài lời trao đổi cùng Thụy Khuê. Tóm lại, chúng tôi trân trọng nỗ lực phản biện của bà, và tán đồng chủ trương cần xét lại lịch sử. Tuy nhiên, trong việc nghiên cứu, thiết nghĩ cần giữ tinh thần khách quan, tránh để “tinh thần dân tộc” chi phối, cũng như cần hết sức cẩn trọng, chỉ khẳng định khi đã có bằng chứng chắc chắn. Lập luận của Thụy Khuê nhiều chỗ chưa vững, chính do bà không đủ bằng chứng, và/hoặc đã để cảm tính đẩy mình đi quá xa vậy.

Nguyễn Minh
Nhà giáo – Dịch giả, Adelaide, Australia


[1] Thụy Khuê 2017, Vua Gia Long & Người Pháp: Khảo Sát Về Ảnh Hưởng Của Người Pháp Trong Giai Đoạn Triều Nguyễn, NXB Hồng Đức & SaigonBooks. Bản online được đăng trên website Thụy Khuê từ 2016.
[2] Nguyễn Quốc Trị 2013, Nguyễn Văn Tường (1824-1886) Và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp Của Nhà Nguyễn, tác giả xuất bản, Maryland, Hoa Kỳ.
[3] Có những tác giả, như Nguyễn Thế Anh và Tạ Chí Đại Trường, vẫn hoạt động mạnh sau 1975, nhưng Thụy Khuê chỉ kể tác phẩm cũ của họ.
[4] Xem tại: http://sachhiem.net/. Chúng tôi không đồng tình với chủ trương cực đoan của nhóm này, chỉ nêu họ lên như một ví dụ, cho thấy “tư tưởng xét lại” của Thụy Khuê không mới.
[5] Quách Tấn & Quách Giao 1988, Nhà Tây Sơn, Sở Văn Hóa Thông Tin Nghĩa Bình. Đây là cuốn sách mang nhiều tính “tiểu thuyết”, nhưng không phải không có giá trị sử học.
[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, ấn bản 2002-2007, NXB Giáo Dục.
[7] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, ấn bản 2006, NXB Thuận Hóa.
[8] Tam Thái (Thái Sư, Thái Bảo, Thái Phó) cao hơn Tam Thiếu (Thiếu Sư, Thiếu Bảo, Thiếu Phó).
[9] Chắc Thụy Khuê dựa trên thực tế rằng khi còn sống, Bá Đa Lộc không giữ chức vụ gì cụ thể. Có lẽ vì Bá Đa Lộc là nhà tu, nên không tiện nhận chức, hoặc ông có những toan tính chính trị riêng.
[10] Dịch lại từ bản dịch tiếng Pháp. Nguyên bản tiếng Hán không có.
[11] Thụy Khuê trách Dayot phản bội, dâng bản đồ lên chính phủ Pháp, nhưng đấy lại là chuyện khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thực tế là Gia Long đã nhờ Dayot vẽ bản đồ.
[12] Xem, chẳng hạn, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ấn bản 1998, NXB Giáo Dục.
[13] Xem Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, trong Li Tana & Anthony Reid (eds) 1993, Southern Vietnam under the Nguyen: Documents on the economic history of Cochinchina (Dang Trong), 1602-1777, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-7-18

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét