LỊCH SỬ CÓ NỢ
GÌ TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH?
Paul Dreyfus /
Trích từ “Et Saigon Tomba”
Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt
tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975.
[Nhấn mạnh (in đậm) là
của hoangnamgiao]
Tổng thống Dương Văn Minh (đeo kính, cúi đầu)
bị bộ đội cộng sản đưa đi
Photo: GETTY IMAGES
Trong cuốn sách của mình với tựa đề "Và
Sài Gòn sụp đổ" (Et Saigon tomba - Collection Témoignages, 1975),
tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện 'quan trọng nhất' với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào
Bắc Kinh năm 1949 của Mao.
Ông thuật lại những cảm nhận cá nhân qua
những lần tiếp xúc với đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của miền
Nam, theo giới thiệu sau qua lời dịch của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris:
Theo Paul Dreyfus, tướng Minh là "một người minh mẫn và nắm vững tình hình".
Những tâm sự của tướng Minh thời điểm đó mang
lại một cách đánh giá đa chiều về nhân vật gây nhiều tranh cãi.
"Tôi
thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài."
Nhà báo Pháp viết trong cuốn sách:
"Tôi gặp tướng Minh vào ngày thứ hai,
trong một villa rộng lớn, yên bình, không bày biện xa hoa, bao bọc xung quanh
bởi một vườn hoa, nơi ông sống từ nhiều năm, ở giữa Sài Gòn. Trong một cuộc
phỏng vấn kéo dài hơn một giờ, ông nói cho tôi biết cơ hội mỏng manh về đàm
phán với phía bên kia ra sao.
Ông mô tả xúc động về tình trạng kiệt quệ của quân đội, những tướng lĩnh mất tinh thần, những
kho đạn và chiến cụ gần như trống rỗng, vật tư bị bỏ mặc, bộ máy hành chính bất
lực, dân chúng lo lắng và những người của Thiệu không làm gì khác là cất giấu
đô la, vàng, trang sức cùng những tác phẩm nghệ thuật của họ...
Tướng Minh có giọng nói chậm rãi và nhẹ nhàng.
Cặp mắt không chớp sau cặp kính gọng kim loại, nhưng người ta nhận thấy rõ rệt
ông bối rối sâu sắc trước hiện tình đất nước ông."
● Không ra nước ngoài
Cuốn sách 'Và Sài Gòn sụp đổ' của Paul Dreyfus
Photo: caophongpham@ymail.com
"Thế
nào đi nữa, ông nói với tôi, tôi sẽ không đi đâu cả. Hạnh phúc hay bất hạnh đó
vẫn là tổ quốc tôi. Tôi đã sống những năm định cư ở Bangkok. Tôi không thiếu
thốn gì. Nhưng tôi cảm thấy rất bất hạnh. Tôi
thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài."
Cuối cuộc phỏng vấn, tôi hỏi ông thẳng thắn
rằng, ông nghĩ sao sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng của một nhân vật
chính trị.
"Nếu để làm bù nhìn, thì chắc chắn không. Nhưng nếu tôi có thể hữu ích hay có thực
quyền thì tôi sẽ không từ chối." Từ cách nhìn của tôi, từ thời điểm
này, tướng Minh đã sẵn sàng.
“Hôm
nay (24/4/1975), ông già không có chút sinh khí (chỉ tổng thống Hương) đã đến
gặp tướng Minh nêu ra một vai phụ số hai : đó là chức Thủ tướng. Vai trò mà
một người tiền nhiệm vừa bỏ lại sáng nay."
Minh
cự tuyệt, vì ông không có toàn quyền. Ngày mai, ông sẽ có tất cả.
Nếu
không, Việt Cộng sẽ bắt đầu đặt quyền cai trị lên Sài Gòn."
● Khi CIA giả danh Khmer Đỏ
"Thứ
Sáu 25/4/1975. Sau khi Phnom Penh sụp đổ, CIA sử dụng một đài tiếp vận radio
từ Okinawa, hòn đảo lớn phía Nam quần đảo Nhật Bản. Những nhân viên bí mật
của Mỹ phát sóng dưới danh nghĩa những người Khmer. Họ đưa tin như từ chức năng
quyền lực của Khmer Đỏ.
Đài
phát thanh gián điệp này tung những tin
thất thiệt, hướng vào cộng đồng dân chúng Campuchia, hy vọng gây những bất ổn
cho những chủ nhân mới của đất nước.
Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/05/19751975
Photo: GETTY IMAGES
Cũng
là CIA, trong một buổi phát thanh đội lốt ngôi sao đỏ đã đưa tin, có một
cuộc đảo chính tại Hà Nội và họ nói rằng đã có ba sư đoàn Bắc Việt rút về
cứu nguy cho miền Bắc."
Bình luận về việc xuyên tạc này, giám đốc CIA tại Sài Gòn hả hê với
những ai muốn nghe:
"Đó
thật sự là chương trình duy nhất hoạt động tốt."
Thật
khó tin, nhưng đúng như thế!
● Tướng Minh và sứ mệnh bất khả thi
"Tối thứ Bảy, Thượng và Hạ viện [Việt
Nam Cọng Hòa] nhất trí trao toàn quyền cho tướng Minh hoạt động ngõ hầu mang
lại một 'nền hòa bình trong danh dự', trong lúc cả tối thứ Bảy và Chủ Nhật
đạn pháo nã vào trung tâm quyền lực giữa Sài Gòn.
Người dân thủ đô sống trong thấp thỏm trước
những đợt pháo kích ngày càng gia tăng. Những sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng
được chiến xa hạng nặng hỗ trợ chỉ còn không đầy 30 km cách thủ đô VNCH. Những tướng lĩnh can đảm nhất cũng nói rằng
tất cả đã mất.
"Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Trần Văn
Đôn u ám trước tấm bản đồ ngày càng đen tối. Các chuyến bay 'Galaxia' của không
quân Mỹ hối hả chuyển những công dân Hoa Kỳ di tản. Tất cả như trong tình trạng
như khi Byzance thất thủ, các chân tay
thân cận của Thiệu theo chân chủ chạy trốn với những valy chật căng đô la,
nữ trang, vật dụng quý giá, nhà băng đóng cửa , nền kinh tế sụp đổ.
Trong tình thế gần như tuyệt vọng, Lưỡng
viện và ông Tổng thống mắt lòa, chậm chạp với tuổi già vẫn còn loay hoay bàn
cãi về thủ tục bàn giao chính quyền cho
tướng Minh, mà không 'vi hiến'.
Trong không khí nghẹt thở, lưỡng viện bỏ
phiếu cho giải pháp tình thế hệt như trong buổi đẹp trời của Đệ Tam Cộng
hòa. Cuối cùng, sau một ngày điên rồ, khi màn đêm đã buông xuống Sài Gòn, Lưỡng viện Quốc hội [VNCH] nhất trí
chuyển giao hoàn toàn quyền lực cho tướng Minh."
Một người cộng sự thân thiết của tướng Minh
đã nói với tôi ngay từ hôm qua không úp mở:
"Chúng
tôi nắm một sứ mệnh không thể thực hiện nổi."
● Thứ Tư, ngày 30/4/1975: 'Tôi đợi
các ông ở đây'
Bộ đội cộng sản đem cờ Mặt trận Giải
phóng vào cắm ở Dinh Độc Lập 30/04/1975
Photo: GETTY IMAGES
Cuốn sách mô tả tiếp giờ phút tiếp quản:
"Nhóm sĩ quan cấp cao nhảy xuống xe. Xung
quanh họ là những binh sĩ đầy súng ống. Họ chạy nhanh qua những bậc thang
rộng của Phủ Tổng thống, vượt qua phòng khánh tiết và gặp tướng Minh trong
phòng làm việc của ông ta.
'Tôi
đã đợi các ông ở đây', tướng Minh nói.
Buổi sáng cùng ngày, lúc 10 giờ, ông đã cho phát trên radio lời tuyên bố gửi
đến đối phương.
Minh từ căn phòng của Phủ Tổng thống đã ra
lệnh cho tất cả các đơn vị Nam Việt Nam ngừng bắn. Rất trầm tĩnh, Minh trao
đổi với các phụ tá và một vài bộ trưởng mà chỉ trong thời gian ngắn ông đã
tìm được ra.
Các chiến binh Bắc Việt ngay lập tức vây
quanh ông. Trong số những sĩ quan của đoàn quân chiến thắng có những Việt
Cộng hoạt động bí mật tại Sài Gòn, không mặc quân phục, không mang quân
hàm, quân hiệu, có người biết rất rõ tướng Minh. "
Ông ta tiến gần và nói:
"Ông đã làm một việc lớn cho Việt Nam,
ngăn không cho Sài Gòn bị phá hủy.
Chúng tôi cám ơn ông, tướng Minh."
Minh đáp lại rằng, ông hy vọng vào sự nghĩa
hiệp của người chiến thắng."
Nhà báo Paul Dreyfus cũng suy tư về chuyện
ông Minh đã nghĩ gì:
"Có lúc nào, ở thời khắc ngắn ngủi những
ngày trước, tướng Minh đã nghĩ là khả thi thỏa thuận được một cuộc đàm phán?
Tôi không tin. Trong lần gặp gần nhất với ông, khi chưa nắm bộ máy quyền lực,
tôi nhận thấy ông đã nghĩ rằng việc đầu hàng là không tránh khỏi. Song không
nghi ngờ gì, tướng Minh hy vọng có thời gian để dàn xếp thể thức ra sao.
"Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử,
là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết.
Vai trò của ông đã hết.
Thật ngắn ngủi.
Song chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con
người tỉnh táo và can đảm này."
Các đoạn trích do nhà báo Phạm Cao
Phong từ Paris chuyển ngữ. Quý vị có ý kiến, bài vở về chủ đề 30/04 xin
gửi về vietnamese@bbc.co.uk.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét