Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG HOA KỲ TRONG SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM Phần 1

VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG HOA KỲ
TRONG SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM
Zi Jun Toong
[Biên dịch: Đỗ Hải Yến | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp]
Nguồn: Zi Jun Toong (2008).
 “Overthrown by the Press: The US Media’s Role in the Fall of Diem”,
Australian Journal of American Studies, Vol.27, No.1, pp. 56-72.




PHẦN 1/2

Năm 1963 là năm mà các tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam được cả thế giới chú ý đến. Thông qua các cuộc biểu tình, văn chương phản kháng, các vụ tuyệt thực và tự thiêu, các tín đồ Phật giáo đã phản đối sự phân biệt đối xử nhằm vào họ kể từ thời thực dân Pháp, và sau đó là dưới thời chính quyền Công giáo của Ngô Đình Diệm do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Diễn ra trong bối cảnh thời kỳ Chiến tranh Lạnh của chủ nghĩa toàn cầu, các tín đồ Phật giáo này nhận thức rằng sự xuất hiện của các cố vấn Mỹ – và quan trọng hơn cả là báo chí quốc tế – tại miền Nam Việt Nam như một phần của nỗ lực chiến tranh chống lại Chủ nghĩa cộng sản, đã cho họ cơ hội công khai sự đấu tranh của mình trước thế giới và thúc đẩy phong trào của họ. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến khi chính quyền Diệm sụp đổ vào tháng 11 năm 1963, các cuộc biểu tình Phật giáo ngày một căng thẳng vốn bị đàn áp càng lúc càng mạnh tay bởi Chính quyền Nam Việt Nam đều mang lại sự đồng cảm quốc tế dành cho phong trào Phật giáo và khiến chính quyền Diệm độc đoán bị chỉ trích trên toàn thế giới.
Với việc thế giới theo dõi sát cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Chủ nghĩa cộng sản, Chính quyền Hoa Kỳ còn phải gánh chịu sự phản đối quốc tế đối với vấn đề hỗ trợ quân sự và tài chính cho chế độ đàn áp của Diệm. Đồng tình với công chúng và quốc hội Hoa Kỳ, các chính phủ trên khắp thế giới bắt đầu chất vấn về các biện pháp do chính quyền Kennedy vận dụng vào cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa cộng sản. Lập trường không thỏa hiệp của Diệm đối với các tín đồ Phật giáo được truyền thông quốc tế ghi nhận tỉ mỉ như là một tình huống đã chuyển biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện. Ngoài ra, việc Diệm không được lòng dân còn trở nên tồi tệ hơn bởi những tuyên bố bài Phật giáo công khai và thường xuyên của người em dâu – bà Ngô Đình Nhu – trước truyền thông Mỹ, cho dù tất cả những tuyên bố này Diệm đều không phản đối. Sau nhiều nỗ lực thất bại nhằm thúc đẩy Diệm hướng đến những hành động hòa giải đối với các tín đồ Phật giáo, các tin tức truyền thông mang tính tiêu cực quá mức và sau đó là công luận quốc tế về Diệm và cuộc khủng hoảng Phật giáo đã đóng vai trò trung tâm trong việc Washington quyết định ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ Diệm.
Cuộc lật đổ Diệm gây tranh cãi đã được nhiều sử gia tìm hiểu rộng rãi bởi nó được xem như một trong những bước ngoặt trọng yếu của Chiến tranh Việt Nam. Tranh cãi tồn tại xung quanh những lý do giải thích tại sao chính quyền Kennedy lại đi đến quyết định ủng hộ một cuộc đảo chính. Vài sử gia lập luận rằng các cuộc đàm phán của Diệm với miền Bắc Việt Nam đã khiến Washington ủng hộ cuộc đảo chính. Tuy nhiên, những tìm hiểu của tôi, dựa trên việc phân tích các tư liệu chính phủ và tin tức truyền thông, lại ủng hộ quan điểm cho rằng chính sự phản đối của công luận quốc tế dành cho Diệm là yếu tố chủ chốt.
Trong cuộc tranh luận xung quanh việc lật đổ Diệm, vài sử gia tập trung vào Cuộc khủng hoảng Phật giáo. Các sử gia này tán thành chắc chắn rằng việc xử lý tình thế của Diệm đã góp phần lớn vào việc ông ta trở thành gánh nặng đối với chính quyền Kennedy. Bài phân tích này cho rằng dư luận giữ một vai trò nhất định, vì trở thành gánh nặng tức là không được lòng dư luận, nhưng các tranh luận thường giảm bớt vai trò trung tâm của truyền thông. Các sử gia như Philip E. Catton, Seth Jacobs và Howard Jones tập trung vào ảnh hưởng của cuộc lật đổ Diệm lên sự can dự sau đó của Hoa Kỳ vào miền Nam Việt Nam.[1] Các sử gia khác – chẳng hạn Ross A. Fisher, William Conrad Gibbons và Francis X. Winters – đã cố gắng xác định những ai bên trong chính quyền Kennedy chịu trách nhiệm cho quyết định sau cùng nhằm ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại Diệm.[2] Mặt khác, các sử gia John Prado và Ellen J. Hammer thuật lại chi tiết cuộc khủng hoảng Phật giáo đã dẫn đến cuộc đảo chính ra sao.[3]
Bài luận này gia tăng sức nặng đáng kể cũng như bổ sung chi tiết mới vào quan điểm cho rằng Diệm đã trở thành một gánh nặng gây trở ngại trong dư luận. Sự tập trung của tôi vào vai trò truyền thông trong cuộc lật đổ Diệm cũng cho thấy truyền thông là một yếu tố quan trọng định hình nên cuộc Chiến tranh Việt Nam trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 – sự kiện vốn được biết đến rộng rãi như một bước ngoặt trong chiến tranh nhờ vào vai trò của báo chí.
Cuộc khủng hoảng Phật giáo bắt đầu vào ngày 8 tháng 5 năm 1963, khi truyền thông quốc tế ghi nhận tin tức về các vụ tấn công vô cớ của binh lính chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Việt Nam CH) nhằm vào những Phật tử biểu tình hòa bình tại Huế.[4] Một ngày trước đó, các tín đồ Phật giáo đã treo cờ tại nhà và chùa trên khắp địa phận Huế để kỷ niệm lễ Phật đản lần thứ 2507. Theo luật Nam Việt Nam (Nghị định số 189), chỉ có cờ quốc gia Việt Nam được phép treo công khai.[5] Tuy nhiên, luật này hiếm khi có hiệu lực, điển hình là việc các tín đồ Công giáo treo cờ giáo hoàng tràn lan một tuần trước cuộc khủng hoảng Phật giáo nhân lễ kỷ niệm thụ phong chức tổng giám mục cho Ngô Đình Thục – anh trai Diệm.[6] Vì vậy vào ngày Phật đản, các nỗ lực thi hành Nghị định 189 của cảnh sát đã gặp phải sự phản kháng. Sau đó cảnh sát tiến hành giật đổ các lá cờ tôn giáo. Ngày tiếp theo, các tín đồ Phật giáo tức tối tập hợp tại đài phát thanh ở Huế, nơi bài diễn văn từ người lãnh đạo của họ là hòa thượng Thích Trí Quang phản đối sự đàn áp thấy rõ của chính quyền Việt Nam CH đối với tự do tôn giáo và sự thiên vị dành cho các tín đồ Công giáo bị khước từ không cho phát sóng.[7] Khi những lời hô hào của Tỉnh trưởng không giải tán được đám đông, quân đội chính quyền Việt Nam CH đã nổ súng và ném ít nhất mười lăm quả lựu đạn vào đoàn biểu tình hòa bình, làm 9 người chết.[8]
Phản ứng của Diệm trước cuộc đổ máu ngày 8 tháng 5 về cơ bản đã định hình những nỗ lực hòa giải đối với các tín đồ Phật giáo xuyên suốt cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, ông ta có cớ để đổ lỗi cho những người Cộng sản, quả quyết rằng một Việt Cộng đã ném lựu đạn vào đám đông, và rằng quân đội chính quyền Việt Nam CH chỉ nổ súng nhằm bảo vệ những người biểu tình. Tuy nhiên, lập luận này chỉ làm mất uy tín của chính quyền Việt Nam CH và khiến các tín đồ Phật giáo tức giận bởi không ai tin vào điều đó. Các nhân chứng đã tận mắt chứng kiến quân đội chính quyền Việt Nam CH mở đầu các vụ tấn công vào đám đông dù không có bất cứ khiêu khích nào.[9] Vì Washington lập tức nhận ra khả năng gây kích động của cuộc tranh cãi về Phật giáo này và dự đoán trước về ‘một vài phản ứng quốc tế đối với sự kiện’ nên họ đã hối thúc Diệm áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm hòa giải với các tín đồ Phật giáo.[10] Tuy nhiên, thay vì có những nỗ lực tức thời nhằm khắc phục tình hình, Diệm chỉ gặp mặt các lãnh đạo Phật giáo vào ngày 15 tháng 5, tạo thời gian cho họ gia tăng bất bình.
Cuộc tranh cãi về chuyện treo cờ nhanh chóng chuyển biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị. Các tín đồ Phật giáo thảo ra một tuyên ngôn năm điểm, trong đó đề ra các mục tiêu chính trị của các cuộc biểu tình diễn ra sau đó, đồng thời yêu cầu chính quyền Diệm:

1. Cho phép treo cờ Phật giáo;
2. Trao cho tín đồ Phật giáo các quyền bình đẳng như tín đồ Công giáo;
3. Dừng các cuộc bắt bớ và khủng bố những người theo Phật giáo;
4. Trao quyền tự do thuyết giáo và cử hành lễ nghi tôn giáo cho các tín đồ Phật giáo;
5. Bồi thường cho những người bị giết hại vào ngày 8 tháng 5, đồng thời trừng phạt những kẻ phải chịu trách nhiệm về tội danh “giết người”.[11]

Trong cuộc họp giữa chính quyền Việt Nam CH với giới Phật giáo, Diệm vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với các tín đồ Phật giáo. Ông ta khẳng định rằng không có sự đàn áp tôn giáo tại miền Nam Việt Nam và những bất công mà các tín đồ Phật giáo gánh chịu cần phải quy cho nhà cầm quyền địa phương.[12] Trong khi Diệm hứa hỗ trợ tài chính – một khoản khiêm tốn chỉ 500.000 đồng (7.000 USD) – cho các gia đình nạn nhân, ông ta nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam CH sẽ không chịu trách nhiệm về các sự kiện diễn ra vào ngày mồng 8.[13] Chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc họp này không thể xoa dịu các yêu cầu của các tín đồ Phật giáo. Cách xử lý hời hợt tình trạng phân biệt đối xử tôn giáo của Diệm khó lòng được các tín đồ Phật giáo đón nhận. Họ đã dùng đến các cuộc mít-tinh và biểu tình quần chúng, tuyệt thực, và phổ biến văn chương phản kháng trên khắp Việt Nam.[14] Các tín đồ Phật giáo sau đó trở thành một nhóm được xem là phe đối lập chính trị.[15]
Vào những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Phật giáo, công chúng Mỹ và chính quyền Kennedy ít chú ý đến Việt Nam. Truyền thông Mỹ tràn ngập hình ảnh các cuộc đấu tranh về quyền công dân tại quê nhà. Vì vậy, Kennedy phải tập trung đối phó với các cuộc biểu tình chống lại chính quyền của ông ta.[16] Tuy nhiên, từ buổi đầu của cuộc khủng hoảng Phật giáo, các tín đồ Phật giáo đã thể hiện rõ ý định tranh thủ báo chí phương Tây; họ mang theo những biểu ngữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời chọn một trong số ít những hòa thượng biết nói tiếng Anh làm người phát ngôn nhằm cho phép những thông điệp của họ có thể tiếp cận độc giả quốc tế.[17] Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, trong khi tính hiệu quả truyền thông còn chưa rõ rệt, các biểu ngữ này rõ ràng là một nỗ lực nhằm gửi đi thông điệp về sự phản kháng của Phật giáo đến các bộ phận dân cư trên khắp thế giới. Những nỗ lực này chắc chắn đã góp phần khiến cho Cuộc khủng hoảng Phật giáo lan rộng ra quốc tế.
Khi tháng 6 đến gần, Cuộc khủng hoảng Phật giáo đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Diệm áp dụng vũ lực ngày một mạnh tay nhằm đàn áp các cuộc biểu tình chống chính quyền của ông ta, vốn đang lan rộng khắp miền Nam Việt Nam. Vào ngày 2 và 3 tháng 6, quân đội chính quyền Việt Nam CH đã trấn áp các cuộc biểu tình Phật giáo tại thị xã Quảng Trị và thành phố Huế bằng hơi cay, chất khí vốn gây khó thở và bỏng da.[18] Riêng ngày mồng 3, báo cáo cho hay 67 thanh niên phải nhập viện và 3 người chết vì lý do này.[19] Ngày tiếp theo chứng kiến gần 200 thanh niên tuyệt thực tại chùa Từ Đàm nhằm phản đối sự dã man và phân biệt đối xử của chính quyền.[20] William Trueheart, đại biện lâm thời của Hoa Kỳ tại Việt Nam, khăng khăng rằng Diệm đã đưa ra những nhượng bộ rộng rãi trước các tín đồ Phật giáo nhằm giảm bớt căng thẳng. Điều đó khiến chính quyền Kennedy thất vọng bởi
Cách xử lý thiếu khéo léo của chính phủ đã cho phép một sự kiện cục bộ tại Huế phát triển thành một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng. Vấn đề có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định của chính quyền trừ khi Diệm có khả năng đạt được một sự hòa giải nhanh chóng với các tín đồ Phật giáo.[21]
Một lần nữa, chịu sức ép từ Washington, Diệm đã đàm phán với các lãnh đạo Phật giáo vào ngày 5 tháng 6. Lần này, ông ta đã chấp nhận thêm các yêu cầu của các tín đồ Phật giáo và đưa ra một tuyên bố trên đài phát thanh về các điều khoản của thỏa hiệp.[22]
Ngay khi cuộc khủng hoảng dường như gần đi đến hồi kết thì các nỗ lực nhằm tạo dựng một thỏa hiệp của Diệm đã bị bà Nhu phá vỡ. Bà đã phá hoại các cố gắng của chính quyền Việt Nam CH trong việc nhượng bộ các Phật tử bằng những tuyên bố công khai bài Phật giáo. Một ngày sau thỏa hiệp, thông qua Phong trào Phụ nữ Liên đới của mình, bà Nhu đã đưa ra một nghị quyết đi ngược lại chính sách hòa giải của chính quyền trước báo chí.[23] Nghị quyết chỉ trích những người biểu tình Phật giáo là những người theo chủ nghĩa phản dân tộc ‘bị cộng sản lợi dụng và kiểm soát’.[24] Trueheart nhấn mạnh rằng Diệm ‘đã bác bỏ nó’ bởi nghị quyết gây tổn hại cao độ đến thỏa thuận hòa hoãn.[25] Quan trọng hơn, điều mà Trueheart bận tâm là
Tuyên bố [của bà Nhu] sẽ phá vỡ sự ủng hộ của công chúng và Quốc hội Mỹ dành cho chính quyền Việt Nam CH. Chính quyền Việt Nam CH không thể mong đợi chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ và hỗ trợ chi phí đắt đỏ về nhân lực và vật lực trừ khi chính sách này [được] người dân Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ.[26]
Cuối cùng, điều này trở thành lý do để chính quyền Kennedy quyết định ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Tuy nhiên, Diệm từng tuyên bố rằng bà Nhu được tự do thể hiện quan điểm của mình.[27] Với hành động này, Diệm đã đặt ra một tiền lệ khuyến khích bà Nhu về sau trực tiếp đưa ra những tuyên bố công khai trước truyền thông phương Tây, điều càng khiến độc giả quốc tế chắc chắn rằng chính quyền Việt Nam CH là một nền độc tài tàn bạo.
            Trong khi các tờ báo lớn dõi theo tình hình ngày một xấu đi ở Việt Nam, Cuộc khủng hoảng Phật giáo vẫn chưa chiếm vị trí trung tâm của tin tức thế giới cho đến ngày 11 tháng 6 năm 1963. Việc đưa tin về đề tài Phật giáo của tờ tạp chí Time phát hành hàng tuần đã thể hiện điều này (tham khảo Hình 1). Trên thực tế, các bài báo nói về cuộc khủng hoảng chỉ được xuất bản vào tuần thứ ba của tháng 6, tuần lễ ngay sau sự kiện vốn thu hút sự tập trung của quốc tế vào chính quyền Việt Nam CH và buộc độc giả quốc tế phải chất vấn về sự dính líu của Hoa Kỳ tại Việt Nam.


Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, lão hòa thượng Thích Quảng Đức 73 tuổi ngồi tại một ngã tư nối hai con phố chính của Sài Gòn. Trước sự chứng kiến của khoảng 350 người biểu tình cùng những người đi đường hiếu kỳ, ông đã tự thiêu đến chết.[28] Phía sau là biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt với dòng chữ ‘Một tăng lữ Phật giáo tự thiêu vì năm nguyện vọng của chúng tôi’.[29] Cảnh tượng này được duy nhất hai phóng viên Hoa Kỳ ghi lại, những người đã không bỏ qua lời mách nước từ một đại diện Phật giáo rằng sẽ có “điều quan trọng” xảy ra ngày hôm đó.[30] Phóng viên tờ New York Times David Halberstam đã miêu tả rõ cảnh tượng mà ông chứng kiến ‘Lúc tự thiêu, ông ấy không ngồi bất động, không thốt ra một âm thanh nào, vẻ điềm tĩnh bên ngoài của ông trái ngược hẳn với những người đang rền rĩ kêu khóc xung quanh ông’.[31]
Ngay cả những người không có mặt tại hiện trường cũng bị lay động bởi bài tường thuật của Halberstam và sự hy sinh của vị hòa thượng. Malcolm Browne, một phóng viên của hãng Associated Press cũng hiện diện và giữ đủ bình tĩnh để chụp ảnh. Khi các bức ảnh của ông lên trang nhất báo chí ở khắp mọi nơi, những chỉ trích dành cho chính quyền Diệm tăng lên nhanh chóng. Kennedy sau đó bình luận rằng ‘chưa có tin tức nào trong lịch sử lại tạo ra quá nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như tin tức ấy’.[32] Sự hy sinh của Thích Quảng Đức đã khiến dư luận quay sang phản đối chế độ Diệm; ngay cả Marguerite Higgins, một trong số ít những người ủng hộ Diệm trong báo giới Sài Gòn cũng buộc phải ghi nhận tội lỗi của Diệm:
Tổng thống Ngô Đình Diệm đang làm gì mà khiến các Phật tử này phải chọn một cái chết khủng khiếp là tự thiêu như vậy?… Thực tế rằng [câu hỏi này] quy trước tội lỗi cho Diệm cũng không khiến tôi băn khoăn chút nào… đó cũng là giả định của tôi.[33]
Tác động truyền thông của các vụ tự thiêu là không thể phủ nhận. Hành động tự sát của Thích Quảng Đức đã thành công trong việc hướng sự chú ý vào hoàn cảnh tuyệt vọng của các Phật tử ở miền Nam Việt Nam. Các cuộc biểu tình của họ đã đánh vào một giá trị mà người Mỹ nâng niu nhiều nhất: quyền tự do tôn giáo.[34]
Nếu hành động tự sát của Thích Quảng Đức không khiến dư luận quốc tế chú ý thì cuộc phỏng vấn của CBS với bà Nhu chắc chắn làm được điều đó. Bình luận về vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức, bà ta đã nhẫn tâm nói (bằng tiếng Anh – NBT) rằng “Các lãnh đạo Phật giáo đã làm gì thế này?… Họ đã nướng barbecue một trong những hòa thượng của họ, người đã bị họ đầu độc…’[35]
Đúng như dự đoán, Diệm khước từ lên án tuyên bố của bà Nhu.[36] Cho tới lúc này, ngay cả những người Mỹ từng có thiện cảm với chế độ của Diệm bằng cách tỏ thái độ ngờ vực (với sự việc) cũng cảm thấy kinh sợ trước việc chính quyền coi vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức như không có gì và việc Diệm khước từ lên án thái độ ấy.[37] Theo như nhận định của Jacobs,
Bà Nhu… là em dâu của tổng thống, bà sống trong dinh và giữ một ghế trong Quốc hội. Cũng là lẽ tự nhiên khi cho rằng khi tổng thống không bác bỏ bà ta đã phát ngôn thay mặt chính phủ.[38]

ỚC CHÚ PHẦN 1/2
[1] Catton lập luận rằng việc lật đổ Diệm đã củng cố cam kết của Mỹ với Nam Việt Nam, bởi ‘tình trạng lộn xộn về chính trị [kết quả của việc lật đổ Diệm] đã phá hoại nỗ lực chiến tranh, vì thế dọn đường cho quá trình Mỹ hóa cuộc xung đột đầy rủi ro’. Mở rộng tranh luận này, Howard Jones – như tựa đề cuốn sách của ông cho thấy – đã nghiên cứu việc lật đổ Diệm, cùng với vụ ám sát Kennedy, đã làm kéo dài cuộc Chiến tranh Việt Nam ra sao. Xem Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam, Đại học Kansas, Kansas, 2002, trang 205; Seth Jacobs, Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the origins of America’s war in Vietnam, 1950-1963, Rowman & Littlefield, Lanham, Md., 2006, trang 185-189; Howard Jones, Death of a Generation: How the Assassinations of Diem & JFK Prolonged the War, OUP, New York, 2003.

[2] Fisher lập luận rằng ‘Diệm có một nhóm lớn những người ngưỡng mộ cũng như những người chỉ trích bên trong chính quyền Kennedy, biến vai trò của người Mỹ trong việc lật đổ ông ta thành một giai đoạn mà trong đó như Robert Kennedy đã nói là  ‘chính phủ chia làm hai’’. Ross A. Fisher, ‘The Kennedy Administration and the Overthrow of Ngo Dinh Diem: What Happened, Why Did It Happen, and Was It a Good Idea?’, trong Ross A. Fisher, John Norton Moore và Robert F. Turner (eds.), To Oppose Any Foe: The Legacy of U.S. Intervention in Vietnam, Carolina Academic Press, Durham, Bắc Carolina, 2006, trang 4; William Conrad Gibbons, The U.S. Government and the Vietnam War: Executive and Legislative Roles and Relationships, Part II: 1961-1964, Princeton University Press, Princeton, NJ., 1986; Francis X. Winters, The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963 – February 15, 1964, University of Georgia Press, Athens and London, 1997.

[3] John Prados, The Hidden History of the Vietnam War (Chicago: Ivan R. Dee, 1995); Ellen J. Hammer, A Death in November: America in Vietnam, 1963 (New York: E.P. Dutton, 1987); Howard Jones, Death of a Generation: How the Assassinations of Diem & JFK Prolonged the War, OUP, New York, 2003.

[4] Năm 1963 là một năm thích hợp để các tín đồ Phật giáo quyết định bắt đầu chủ động gây sức ép lên chính quyền vì quyền tự do tôn giáo của họ. Đấu tranh Phật giáo bắt đầu từ thời thực dân Pháp cai trị vào thế kỷ thứ 19 với sự thiên vị công khai dành cho người Việt theo Công giáo; do đó, xuất hiện một tỷ lệ tập trung bất cân xứng về giáo dục và của cải dành cho nhóm tôn giáo được thiên vị này. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam phát triển vào thời kỳ từ năm 1956 đến 1962, với số thành viên trong các hiệp hội Phật giáo gia tăng đột ngột. Năm 1962, Tổng hội Phật giáo, đại diện bởi sáu trong số mười sáu giáo phái Đại thừa ở miền Nam Việt Nam, xác nhận có khoảng 3.000 hòa thượng, 600 ni sư và 3 triệu Phật tử, bao gồm 70.000 đến 90.000 người thuộc các nhóm thanh niên. Vì vậy, năm 1963, các tín đồ Phật giáo chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số Việt Nam. Tuy nhiên, sự tan rã của nền cai trị thực dân vào thập niên 1950 đã không đồng hành với việc hủy bỏ các đạo luật bài Phật giáo do Pháp áp đặt, chẳng hạn như Sắc lệnh số 10, vốn là trung tâm cho Cuộc khủng hoảng Phật giáo. Đó là đỉnh cao của thứ mà Topmiller gọi là ‘thời kỳ Phục hưng của Phật giáo Việt Nam’, thời kỳ mà các tín đồ Phật giáo giải tỏa cơn thịnh nộ sục sôi của mình trước sự phân biệt đối xử của chính quyền. – Prados, The Hidden History of the Vietnam War, trang 89-90.

[5] FRUS of the United States, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007 [sau đây gọi là FRUS]

[6] Như trên; Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, University Press of  Kentucky, Kentucky, 2002, trang 2.

[7] John Helble, ‘Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State’ (9 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[8] Hai trong số những người chết là trẻ em. – Như trên

[9] Sự mất uy tín của chính quyền Việt Nam CH được minh họa bằng thất bại của một cuộc biểu tình do chính quyền bảo trợ – nhằm lên án ‘hành động khủng bố của Việt Cộng tối ngày 8 tháng 5’ – nhằm lôi kéo sự chú ý. Trong khi đó, một cuộc biểu tình do các lãnh đạo Phật giáo ở chùa Từ Đàm, Huế tổ chức vào ngày 10 tháng 5 đã thu hút được năm đến sáu ngàn Phật tử tham gia. – John Helble, ‘Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State’ (2a.m., 10 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; Frederick Nolting, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (18 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[10] John Helble, ‘Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State’ (3p.m., 10 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; Dean Rusk, ‘Telegram From the Department of State to the Embassy in Vietnam’ (9 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[11] Các tín đồ Phật giáo cũng đề xuất Diệm bãi bỏ một đạo luật do Pháp áp đặt, Sắc lệnh số 10, vốn gán cho Phật giáo cái tên “hiệp hội” thay vì tôn giáo, và vì vậy để thực hiện bất kỳ hoạt động công khai nào, Phật tử phải được chính quyền cho phép. Mang tính phân biệt đối xử một cách rõ rệt, Sắc lệnh số 10 còn quy định rằng ‘một địa vị đặc biệt sẽ được giành…cho các hội truyền giáo Tin lành và Công giáo’. ‘Manifesto of Vietnamese Buddhist Clergy and Faithful’ (10 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963.

[12] Đáp lại bản tuyên ngôn, Diệm tuyên bố cả dân Công giáo và Phật giáo đều có lỗi trong việc ‘sử dụng bừa bãi’ cờ tôn giáo và lá cờ quốc gia phải giữ vị trí tối cao. William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (30 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; Nolting, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (18 tháng 5 năm 1963).

[13] Nolting, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (18 tháng 5 năm 1963); Jacobs, Cold War Mandarin, trang 144.

[14] Nolting, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (18 tháng 5 năm 1963).

[15] William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (31 tháng 5 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[16] Khi nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia Michael V. Forrestal đưa ra bản báo cáo về các cuộc biểu tình Phật giáo ở Huế, Kennedy thực sự đã hỏi ‘Những người này là ai?’ John F. Kennedy được Seth Jacobs dẫn lời trong Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the origins of America’s war in Vietnam, 1950-1963, Rowman & Littlefield, Lanham, Md., 2006, trang 144.

[17] Cụ thể là, vào ngày 10 tháng 5, một đoàn người gồm năm đến sáu ngàn Phật tử có mặt tại chùa Từ Đàm, giơ cao biểu ngữ viết bằng tiếng Anh: ‘hãy giết chúng tôi đi, sẵn sàng đổ máu, các tín đồ Phật giáo và Công giáo đều bình đẳng. Bãi bỏ Sắc lệnh số 10, yêu cầu ngừng bắt bớ và bắt cóc; ngọn cờ Phật giáo sẽ không bao giờ hạ xuống’. Helble, ‘Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State’ (3p.m., 10 tháng 5 năm 1963).

[18] William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (3 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (4 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[19] John Helble, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (2p.m., 3 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[20] Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (4 tháng 6 năm 1963).

[21] ‘Current Intelligence Memorandum Prepared in the Office of Current Intelligence, Central Intelligence Agency’ (3 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[22] William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (1p.m., 6 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[23] William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam (Trueheart) to the Department of State (Hilsman)’ (1a.m., 9 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[24] ‘Resolution issued by the Central Committee of the Women’s Solidarity Movement of Vietnam’ trích trong ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (8 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[25] Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam (Trueheart) to the Department of State (Hilsman)’ (1a.m., 9 tháng 6 năm 1963).

[26] Dean Rusk, ‘Telegram from the Department of State to the Embassy in Vietnam’ (12.55p.m., 8 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[27] Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam (Trueheart) to the Department of State (Hilsman)’ (1a.m., 9 tháng 6 năm 1963).

[28] David Halberstam, The Making of a Quagmire (New York: Random House), trang 211; Jacobs, Cold War Mandarin, trang 147-149.

[29] William Trueheart, ‘Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State’ (trưa, 11 tháng 6 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[30] Jacobs, Cold War Mandarin, trang 147.

[31] Halberstam, The Making of a Quagmire, trang 211.

[32] Henry Cabot Lodge trích lời John F. Kennedy, ‘Oral history interview with Henry Cabot Lodge, 4 tháng 8 năm 1965’, FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007.

[33] Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare, Harper and Row, New York, 1965, trang 2-3.

[34] George Ball, ‘Telegram from the Department of State to the Embassy in Vietnam’ (8.52p.m., 1 tháng 7 năm 1963), FRUS, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963, dẫn nguồn từ: http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/8163.htm, truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2007; Topmiller, The Lotus Unleashed, 3.

[35]Bà Ngô Đình Nhu, ‘Madame Nhu’s Response to Thich Quang Duc’ (video), dẫn nguồn từ http://youtube.com/watch?v=d_PWM9gWR5E truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2007.

[36] Diệm thậm chí tán thành điều này trên một kênh phát thanh, cho rằng ‘một số người đã mê muội và gây ra cái chết không đáng, khiến tôi rất lấy làm tiếc’. David Halberstam trích lời Ngô Đình Diệm, ‘Diem Asks Peace in Religion Crisis’, New York Times, 12 tháng 7 năm 1963, trang 3; “Trial by Fire”, Time, 21 tháng 6 năm 1963, dẫn nguồn từ http://www.time.com/magazine/article/0,9171,874895,00.html truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.

[37] Ngay cả Higgins cũng thừa nhận rằng tuyên bố “nướng barbecue” là “man rợ”, đồng thời nêu rõ những ý kiến phản đối của người Mỹ trước sự vô cảm của bà Nhu:
Bất cứ ai có thể đưa ra nhận xét quá sức vô cảm và nhẫn tâm thì chắc chắn có đủ khả năng trở thành phạm nhân trong một vụ tra tấn, ngược đãi và các vụ việc trầm trọng hơn thế.
Higgins, Our Vietnam Nightmare, trang 59-60.


[38] Jacobs, Cold War Mandarin, trang 149.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét