Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014


LẠI PHẢI TRẢ LỜI CHO ÔNG CHU TẤT TIẾN
(Về bài “Lời Cuối Cho Ngài Học Gỉa Trần Tiên Long”)

Trần Tiên Long

Hình ông Chu Tất Tiến (aka “Bắc Kỳ Di Cư”), một trí thức Catô giáo nỗi tiếng với lời vu khống
Phật giáo Việt Nam giết hại hơn 100 nghìn người cùng máu đỏ da vàng chỉ vì họ
theo đạo Ca Tô” trong bài viết “Đòn khiêu khích tôn giáo của bọn tay sai Cộng sản
được phổ biến trên các diễn đàn Internet vào tháng 12/2010

Trước khi trả lời ông Bắc Kỳ Di Cư Chu Tất Tiến về bài “Lời Cuối Cho Ngài Học Gỉa Trần Tiên Long”, có một điều cần phải làm sáng tỏ là tôi chưa bao giờ tự xưng là học giả. Khi tôi nhắc đến hay trích dẫn những lập luận của những người mà tôi gọi là học giả, kể cả các tác giả ngoại quốc cũng như VN, là đều có ý trân trọng. Và tôi cũng chưa bao giờ nói về bằng cấp, chức vụ, hay nghề nghiệp của mình trên các diễn đàn vì đó là những điều chẳng có liên quan gì đến đề tài tôi viết. Như vậy, nếu có đọc giả nào đó gọi tôi là học giả, giáo sư, hay tiến sĩ thì cũng chỉ là lịch sự theo phép xã giao. Nhưng việc ông BKDC gọi tôi là “ngài học giả” và nhiều lần chữ “giả” lại để trong ngoặc kép cho tôi hiểu là ông đang có ác ý xách mé. Vậy ông là loại người gì thì xin để công luận phán xét.
Và cũng xin khẳng định rằng, tất cả những gì liên quan đến tôn giáo trong bài này là tác giả muốn bàn về Thiên Chúa giáo, vì chỉ có Thiên Chúa giáo mới có những chiến dịch qui mô chống đối và đả phá khoa học từ hơn 2000 năm nay.
Dĩ nhiên, tôi luôn luôn chủ trương rằng, nếu tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách. Bất cứ một bài viết nào cũng có thể mắc phải đôi ba điều sai lầm vì do tính chủ quan, thiếu thông tin trung thực, hoặc không nắm vững vấn đề trình bày. Chúng ta đều là những con người hay lầm lẫn, không phải là những ông bà thánh. Do đó, tôi luôn luôn trân trọng và mang ơn bất cứ ai lên tiếng góp ý và vạch ra cho tôi biết những điều sai lầm để tôi có cơ hội học hỏi. Tuy nhiên, đọc liên tiếp ba bài phản biện của ông BKDC, tôi chưa tìm được điều gì có thể gọi là sai lầm để phải cám ơn ông, kể cả những chuyện chỉ trích vụn vặt, vạch lá tìm sâu, bắt bẻ về hình thức, định nghĩa một vài từ ngữ, hoặc lạc đề, miên man tán sang một đề tài không phải là chủ đề tôi nhắm tới. Tuyệt nhiên, tôi chưa hề thấy ông đưa ra một lập luận thuyết phục nào khả dĩ phản bác được những luận điểm chính yếu mà tôi đã trình bày. Và bên cạnh đó là toàn những thứ văn chương mạt sát, phỉ báng, ám sát tư cách của tác giả một bài viết.
Một trong những thủ đoạn thường gặp ở ông BKDC là xuyên tạc, đặt điều những gì tác giả không có viết. Đó là lối tấn công trật đường rầy hoặc tấn công một người rơm do chính ông nặn ra, thay vì chủ yếu tấn công vào các lập luận của tác giả.
Sau đây, tôi sẽ lần lượt phản biện về những bắt bẻ từ ngữ; chứng minh tính xuyên tạc; và điều quan trọng hơn cả là trưng bày tài liệu để phản biện điều mà ông kết án là “thiếu tài liệu; thiếu dẫn chứng; nói vu vơ, ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai; chỉ có thêm tiếng “nổ””; trình bày về kết quả của cuộc chiến giữa khoa học và Thiên Chúa giáo, tiêu biểu là giữa thuyết Tiến hóa và thuyết Sáng tạo, để vạch trần lối truyền thông đầu độc, tấn công khoa học của Thiên Chúa giáo mà ông BKDC là một chiến sĩ hăng say; và cuối cùng, đưa ra một vài hệ lụy về kết quả cuộc chiến đó.
Dĩ nhiên, ông BKDC muốn viết thêm “lời cuối” lần nữa hay không là quyền tự do chọn lựa của ông. Nhưng một khi ông viết và phát tán những điều không đúng với sự thật thì công luận bắt buộc phải lên tiếng. Bài phản biện này cũng như những bài phản biện trước chỉ là những cố gắng đóng góp ý kiến để công luận dễ dàng làm công việc phán xét: ai mới là người “vừa kém tiếng Việt vừa sai tiếng Anh, lý luận ấu trĩ, và có đầu óc bệnh hoạn cực đoan, cuồng tín (fanatic) kỳ thị tôn giáo.”?
1. Vấn đề từ ngữ
a. Điều sai lầm căn bản của ông BKDC là vì mang tâm cảnh bắt bẻ để làm nhục tác giả nên ông không chịu hiểu theo văn cảnh của một bài viết. Chủ đề của bài là “Thượng đế và các nhà khoa học”, và các nhà khoa học tôi bàn là những nhà khoa học Tây phương, tất cả đều là những người theo Thiên Chúa giáo hoặc ít nhất cũng có một nền văn hóa giáo dục của Thiên Chúa giáo, mà tiêu biểu và sáng giá nhất là Einstein và Newton. Những tư tưởng tôi đã trích dịch đều có dẫn chứng nguồn gốc ở phần chú thích cuối bài. Vậy thì tại sao tôi không thể dịch chữ “God” là Thượng đế để chỉ bàn về Thượng đế của độc thần giáo đối với những nhà khoa học đó? Một đề tài có giới hạn về Thượng đế đã bị bắt bẻ, đòi hỏi phải bàn cả về những quỉ ma thần thánh khác ở các nền văn hóa khác. Đó cũng là tâm cảnh khi ông phản biện lạc đề ở lần trước về bài “Tôi không theo Pascal”, đả kích tác giả là “ngụy biện” vì chỉ trình bày một nửa sự thực.
b. Điều sai lầm kế tiếp là ông BKDC không biết có sự khác biệt giữa từ “God” viết hoa và từ “god” không viết hoa. Định nghĩa từ cuốn tự điển vndic.org như sau:
  • god: thần
    • the god of wine: thần rượu
    • a feast for the gods: một bữa tiệc ngon và quý (như của thần tiên)
  • God: Chúa, trời, thượng đế
Như vậy, khi tôi dùng từ “Thượng đế” hay Thiên Chúa là theo nghĩa của chữ “God” viết hoa, và trong phần phản biện ở bài trước tôi cũng luôn luôn cố tình dùng chữ “God” viết hoa này. Bởi vì ông không biết có sự khác biệt này nên ông đã và đang tiếp tục đi lạc đề, bàn sang đủ loại thần chẳng ăn nhặp gì đến chủ đề.
c. Rồi ông CTT đổi sang chỉ trích từ “personal God” khi ông viết:
“Hoặc là ông cố tình chế ra chữ “personal God” để làm cho độc giả “tẩu hỏa nhập ma”, hoặc là bộ não của ông bé hơn người thường, nên hiểu tầm bậy tầm bạ!”
Tôi chẳng cần phải phản biện điều này, nhưng chỉ muốn mời ông đọc bài “The idea of a personal God” của nhà thần học Paul Tillich ở cái nguồn sau đây để ông hiểu rằng, không phải cứ tưởng những gì mình không biết thì người khác cũng không biết, nên tất nhiên họ phải “chế ra”, có “bộ não bé hơn người thường”, hay “hiểu tầm bậy tầm bạ!”: http://being.publicradio.org/programs/einsteinsgod/tillich-einsteinresponse.shtml
Một nhà trí thức Công Giáo có tầm cỡ, một gương mặt của công cộng, tác giả của nhiều bài viết và nhiều cuốn sách đã xuất bản, lại không biết tí gì về một ý niệm “personal God” rất phổ biến trong Thần học Thiên Chúa giáo thì thật là điều khó có thể tưởng tượng. Ý niệm này đã được nhiều nhà thần học bàn đến và được các tác giả VN dịch khác nhau. Có kẻ gọi “Thượng đế hữu ngã”, “Thượng đế có nhân tính”, “một con người cụ thể” cho dù từ “personal” chẳng liên quan gì tới cụ thể hay hữu ngã.[1] Vậy ai đúng ai sai?
d. Thuộc tính của Thiên Chúa: Tôi trích dẫn 23 thuộc tính của Thiên Chúa trong bài “Có “Christian God” Hay Không” của Gs. Trần Chung Ngọc ở cái nguồn http://giaodiemonline.com/2008/10/cochua.htm có ghi rõ ràng ở phần Ghi Chú cuối bài. Vậy mà ông BKDC lại viết:
“Thưa ông, một lần nữa, những tĩnh từ này ở đâu ra vậy? Các cụ nói: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Theo niềm tin của người Công Giáo, Thiên Chúa là thể hiện của ba trạng thái: Toàn năng (Omnipotent), Toàn Trí (Omniscient), và Hiện Diện khắp mọi nơi (Omnipresence)… … Còn “thuộc tính” là gì? Chắc Học Giả định nói là những tính phụ thuộc? (Chữ này không có trong tự điển Việt Anh!) Chào thua!”
Vậy xin ông BKDC CTT hãy nhấn con chuột vào cái nguồn sau để biết từ “thuộc tính” có trong tự điển hay không: http://www.vndic.org/index.html?typing=en&w=attribute&act=GO&dic=ev
Attribute: (danh từ) thuộc tính; vật tượng trưng; (ngôn ngữ học) thuộc ngữ.
Điều này, thêm một lần nữa, đã chứng minh rằng những gì mà ông BKDC không biết thì ông lại ngạo mạn tưởng rằng nhất định thiên hạ cũng không biết như ông, hoặc “không có trong tự điển Việt Anh” để nhục mạ thiên hạ là “ngu”. Vậy xin để công luận phán xét ai ngu hơn ai.
Chúng ta hãy xem ông BKDC nhục mạ tác giả như thế nào khi ông viết tiếp:
Ông sáng tác ra tới những 23 “thuộc tính” để hù thiên hạ, nhưng không biết rằng ông đã lột áo cho người xem lưng: Ông dốt cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, ông không biết đọc một trang Kinh Thánh mà cứ bầy đặt nghiên cứu!
Không thấy ông BKDC dựa vào đâu để kết án khơi khơi tác giả “không biết đọc một trang Kinh Thánh mà cứ bầy đặt nghiên cứu!”, bởi vì bài “Thượng đế và các nhà khoa học” không có một chút gì liên quan đến đề tài đọc Kinh Thánh. Đó cũng là tâm cảnh chung của những tín đồ thường cứ tưởng chỉ có mình mới biết đọc Kinh Thánh, mặc dù đã có một nghiên cứu thống kê của PEW khẳng định rằng những người vô thần và người không tin thì có nhiều kiến thức căn bản về giáo lý tôn giáo, lịch sử, và về những nhân vật nổi tiếng của các tôn giáo lớn trong thế giới, hơn những người hữu thần như Công Giáo và Tin Lành.
Người vô thần hay người không tin là những người không tin Thượng Đế có nhân tính của Thiên Chúa Giáo hiện hữu. PEW là một tổ chức độc lập, chuyên nghiên cứu các thống kê về tôn giáo và sinh hoạt công cộng cho mục đích thăng tiến sự hiểu biết về những vấn đề liên quan đến tôn giáo trong các sinh hoạt cộng đồng. Trong tổng số 32 câu hỏi được đặt ra liên quan đến kiến thức về tôn giáo, người vô thần và người không tin đạt được 20,9 điểm; người Tin Lành 16 điểm; và người Công Giáo 14,7 điểm, dưới cả điểm trung bình là 16 điểm.[2]
Ông BKDC không biết ngay cả chữ “23 attributes” cũng đã được viết rõ ràng trong bài của Gs. TCN mặc dù tôi đã đưa cái nguồn vào trong bài của tôi. Theo tôi hiểu, thuộc tính có nghĩa là những đặc tính mà con người gán cho Thiên Chúa theo sự hoang tưởng của các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo để đề cao Thiên Chúa. Nhưng ông BKDC lại độc đoán muốn thiên hạ phải gọi là “trạng thái” (the state or quality). Và ông giải thích thêm: “Thiên Chúa là thể hiện của ba trạng thái: Toàn năng (Omnipotent), Toàn Trí (Omniscient), và Hiện Diện khắp mọi nơi (Omnipresence).” Đây là lối trả bài như con vẹt, học sao thì viết vậy mà không có sự suy luận và tìm hiểu. Ông không thể hiểu rằng "toàn năng" và "toàn trí" có tính cách loại trừ hỗ tương (mutually exclusive), có cái này thì không thể có cái kia, và đó không phải là "trạng thái". Chỉ cần đơn giản dùng lý luận thuần lý của Parmenides, một triết gia cổ Hy lạp, cũng đủ đánh đổ ý niệm một Thiên Chúa như vậy, bởi vì không thể có sự hiện hữu của bất cứ thứ gì có những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau. Epicurus lý luận như sau từ mấy ngàn năm trước:
  • Có phải Thiên Chúa muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không thể? Vậy là Ngài không phải toàn năng.
  • Có phải Ngài có thể ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không muốn? Vậy là Ngài ác độc.
  • Có phải Ngài có thể và cũng muốn ngăn ngừa sự dữ? Vậy tại sao lại có sự dữ?
  • Phải chăng Ngài không có thể và cũng không muốn ngăn ngừa sự dữ? Vậy tại sao lại gọi Ngài là Thiên Chúa để tôn thờ?
e. Tĩnh từ hay danh từ? Ông BKDC CTT còn độc đoán bắt tác giả phải dùng danh từ thay vì tĩnh từ cho từ “omnipresent” khi ông viết:
“Cuối cùng phải nhắn ông là ông đã viết sai văn phạm: Ông đã dùng chữ “omnipresent”! Chữ này là tĩnh từ! Thật ra, phải dùng danh từ: Omnipresence, Học Giả ESL ạ!”
Tại sao nhất định phải dùng danh từ trong một bản liệt kê, không phải trong một câu văn có những luật lệ văn phạm rõ ràng, khi mà tất cả những từ khác trong cùng bản liệt kê đang ở dạng tĩnh từ? Luật văn phạm nào bắt buộc phải như vậy? Tại sao tất cả các từ khác không phải để ở dạng danh từ luôn? Một lần nữa, trình độ Anh văn của ông xin để công luận phán xét.
2. Cố tình xuyên tạc
Ngoài những điều xuyên tạc như đã trình bày ở phần trên, chẳng hạn bảo rằng tôi đã “sáng tác ra tới những 23 “thuộc tính” để hù thiên hạ” hoặc “cố tình chế ra chữ “personal God” để làm cho độc giả “tẩu hỏa nhập ma””, ở phần này, tôi muốn trưng ra thêm vài bằng chứng khác để chứng minh ông BKDC đã cố tình xuyên tạc một cách trắng trợn ý của tác giả.
a. Ông viết: “Có lẽ vì học “giả” Trần Tiên Long chưa có cơ hội cắp cặp đi học ở Trường Mỹ trừ trường dậy ESL, nên viết tào lao thiên địa, cho rằng chữ “God” chỉ có thể dịch là “Thượng Đế” hay “Thiên Chúa” mà thôi!”
Xin ông BKDC hãy lương thiện chứng minh chỗ nào tôi đã “cho rằng chữ “God” chỉ có thể dịch là “Thượng Đế” hay “Thiên Chúa” mà thôi!” Tôi chưa hề có một khẳng định tuyệt đối nào về cách dịch của từ “God”. Những chữ ông dùng như “chỉ có thể dịch” và “mà thôi” là để cố tình xuyên tạc ý của tác giả.
b. Và khi tôi viết: “Bây giờ thì có nhiều học giả phiên âm để gọi là “Gót” cũng chẳng sao.” thì ông lại lại phản pháo “Câu này lại chứng tỏ Học Giả Trần Tiên Long “dốt mà hay nói chữ”. Học giả nào phiên âm chữ “God” là “got”? Cách phát âm của âm cuối (d, t) khác hẳn nhau”. Ông không phân biệt được rõ ràng chữ “Gót” tôi dùng có sấu sắc, có viết hoa, còn chữ “got” ông dùng không có dấu sắc, không viết hoa; do đó, ông tiếp tục mô phạm thiên hạ bằng cách đi lạc đề bàn về cách phát âm khác nhau giữa chữ “d” và “t” ở cuối một từ. Ông cũng không biết đã có biết bao tác giả dùng từ “Gót” trong các bài của họ, kể cả tác giả Lê Dọn Bàn, nhưng, dĩ nhiên, chẳng có ai dùng từ “got” như ông đang dùng, bởi vì trong tiếng Việt, không có chữ “got” mà không có dấu như ông BKDC đã viết. Vậy ai “dốt mà hay nói chữ” hơn ai thì xin để công luận phán xét. Một lần nữa, ông đang xuyên tạc để tấn công một người rơm do ông nặn ra.
c. Ngoài những điều xuyên tạc như đã trình bày, có nói không, không nói có, ông BKDC còn cố tình gài vấn đề Cộng Sản và chống phá tôn giáo vào trong bài phản biện của ông có ý để khích động lòng hận thù tôn giáo, bởi vì ông không hiểu rõ ràng giữa việc đánh phá những điều sai lầm với việc đánh phá tôn giáo. Chính nhờ đánh phá những điều sai lầm của Thiên Chúa giáo do các khoa học gia và các triết gia trong phong trào Khai sáng ở những thế kỷ trước, nên ngày nay “thập giá và lưỡi gươm” không còn nằm trong tay của Thiên Chúa giáo nữa, nhờ đó mới giải phóng được con người khỏi họa nô lệ tâm linh. Đó chính là chống phá để xây dựng, làm xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Bàn về tư tưởng tôn giáo của một vài khoa học gia tiêu biểu như cái đang là, cái chân như, không phải như cái được tôn giáo đã bẻ cong cho mưu đồ xuyên tạc, là điều cần thiết cho những người còn có đầu óc dám suy nghĩ tự do. Đề tài trong bài “Thượng đế và các nhà khoa học” chẳng dính dáng gì tới Cộng sản.
3. Chứng minh những gì tác giả TTL đã viết
Tôi ngạc nhiên khi ông BKDC đã biết rõ ràng nguồn gốc của những trích dẫn nhưng ông vẫn cứ tiếp tục xuyên tạc, bảo rằng tác giả đã “sáng tác ra”, “nói vu vơ”, “ở đâu ra vậy”, “để hù thiên hạ”. Ngoài những điều xuyên tạc đã được trình bày rải rác ở các phần trên, tôi muốn trưng ra thêm hai điều xuyên tạc nghiêm trọng khác: Con số 98,85% và thuyết Sáng tạo mà Vatican không còn dạy cho các tín đồ.
a. Con số 98,85%
Ông BKDC viết: “Ngài “nổ” hoăng thiên địa, tạo ra con số 99,85% và 0.15% chứng tỏ Ngài đúng là “dốt mà hay nói chữ!””
Thưa ông BKDC, đó không phải là con số tôi “tạo ra”. Ông hãy bấm con chuột vào cái nguồn sau đây để tự kiểm chứng: http://www.religioustolerance.org/ev_proof.htm (However, sufficient evidence exists in support of evolution to convince 99.85% of America's earth and life scientists that the theory is valid. Evolution is the key unifying theory that unifies many different branches of science, from cosmology to biology.) [3]
Còn con số 0,15% là do (100% - 99,85%) = 0,15%. Như vậy, ông BKDC thuộc thành phần con số hiếm hoi 0,15% những nhà Sinh vật học và Địa chất học không tin vào thuyết Tiến hóa.
Dĩ nhiên, nghiên cứu thống kê là một trong những bộ môn khoa học không có tính chính xác 100%. Tuy nhiên, một kết quả đạt được tới 99,85% thì có xác suất đúng gần như 100%. Thường thường, số sai biệt chỉ khoảng cộng trừ 3-5% là nhiều. Trong những nghiên cứu thống kê để tiên đoán ứng cử viên chính trị thắng cử, chưa có lần tiên đoán nào, ở tuần lễ chót trước ngày bầu cử, mà ứng cử viên có số thống kê được bầu hơn đối thủ chừng 10% mà lại không thắng cử.
Vậy ai mới là người “dốt mà hay nói chữ” thì xin để công luận phán xét.
b. Thuyết Sáng tạo không còn được Vatican dạy cho các tín đồ.
Ông BKDC tiếp tục xuyên tạc:
“Còn nữa, dựa vào đâu mà ông viết: “lập luận Thiết kế Thông minh, một phó sản của thuyết Sáng tạo đã được Vatican không còn dạy cho các tín đồ”.
Người có liêm sỉ, khi bất đắc dĩ phải nói láo nhất định đỏ mặt! Còn ông, ông có đỏ mặt khi phán ra câu xanh rờn này không?”
Thưa ông BKDC, tôi không quen “nói láo” như ông nên nhất định không phải “đỏ mặt”. Tôi còn giữ một bản tin của msncb.com, xin chép lại toàn bản tin để ở phần chú thích như là bằng chứng. Ở chỗ này, tôi chỉ trích dịch một đoạn có liên quan:
“Giáo hoàng Benedict và vị tiền nhiệm của ông, Giáo hoàng John Paul, đã cố gắng lột bỏ bộ mặt chống khoa học của Giáo hội, một danh hiệu đã dính chặt khi Giáo hội đã kết án Galileo về việc ông dạy trái đất xoay xung quanh mặt trời, dám thách thức những lời trong Kinh Thánh.
Galileo đã được phục hồi danh dự và ngày nay Giáo hội cũng đã chấp nhận tiến hóa như là một lý thuyết khoa học và nhận thấy không có lý do tại sao Thiên Chúa không thể dùng tiến trình tiến hóa tự nhiên cho việc tạo dựng chủng loại người.
Giáo hội Công Giáo không còn dạy thuyết Sáng tạo nữa – một niềm tin Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới trong sáu ngày như được diễn tả trong Kinh Thánh – và cho rằng câu chuyện trong kinh Sáng Thế Ký là một biểu tượng cho cách thức Thiên Chúa tạo dựng thế giới.
Nhưng Giáo hội phản đối việc dùng tiến hóa để hổ trợ triết lý vô thần, triết lý này từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc bất cứ nhiệm vụ thần thánh nào trong công việc tạo dựng. Giáo hội cũng phản đối việc dùng kinh Sáng Thế Ký như là một cuốn sách khoa học.” [3]
Việc Giáo hội Công Giáo không còn giảng dạy thuyết Sáng tạo cho các tín đồ nữa là một sự kiện quan trọng, vậy mà một giáo dân có tầm cỡ như ông BKDC cũng không biết đến, huống hồ những tín đồ Công Giáo VN có trình độ trí thức thấp kém hơn. Nhưng không biết thì không có tội. Cái tội là của ông là phổ biến những điều ông không biết, cổ vũ cho những tư tưởng lạc hậu, sai lầm để “có thể ảnh hưởng phần nào đến những tâm hồn đơn giản, không cầu kỳ, và dễ dàng chấp nhận mọi ý tưởng được trình diễn qua các ngôn ngữ khoa trương.”
Vậy ai là người vô liêm sĩ, nói láo không đỏ mặt? Ai là người vừa ăn cướp vừa la làng? Xin dành quyền phán xét này cho công luận.
4. Kết quả cuộc chiến giữa Tiến hóa và Sáng tạo.
Đọc bản tin trên, ai ai cũng thấy rằng “ngày nay Giáo hội cũng đã chấp nhận tiến hóa như là một lý thuyết khoa học” và “không còn dạy thuyết Sáng tạo” cho các tín đồ nữa, sau hơn 100 năm chống đối và đả phá.
Cũng nên biết rằng, Giáo hội Công Giáo La Mã đã có những tổ chức bao gồm các nhà khoa học và thần học luôn luôn làm công việc phục vụ cho quyền lợi của Giáo hội. Kết quả hơn 100 năm làm công việc chống đối và đả phá thuyết Tiến hóa là một nền văn hóa tuyên truyền, ngụy tạo, núp dưới bóng khoa học, để đả phá thuyết Tiến hóa. Những gì ông BKDC trình bày về lý thuyết khoa học này là những đồ phế thải ở Tây phương, kể cả câu chuyện xuyên tạc của bà có tên gọi “Lady Hope” mà tôi đã vạch trần ở lần phản biện trước. Có lẽ đó cũng là lý do Gs. TCN viết bài Công Giáo Tây Phương Đã Tỉnh – Công Giáo Việt Nam Hãy Còn Mê. [4]
Ở đây, tôi không muốn mất thì giờ tranh luận với ông BKDC về tính đúng đắn của thuyết Tiến hóa, nhưng chỉ muốn đưa ra một vài kết quả như là những sự kiện bất khả phủ bác về cuộc chiến giữa hai lý thuyết. Chính các kết quả là những bằng chứng hùng hồn và hoàn toàn thuyết phục để xác định lý thuyết nào đúng đắn hơn cả.
Trong bài Darwin Hay Thượng Đế? Tiến Hóa Hay Sáng Tạo? Gs. TCN viết:
“Và năm 1998, trong một cuốn sách hướng dẫn cho các thầy giáo, phụ huynh học sinh, nhà trường, và các nhà đưa ra chính sách giáo dục, Hàn Lâm Viện Quốc Gia Khoa Học (Hoa Kỳ) đã viết:
“Trong cộng đồng khoa học, không còn có sự tranh luận về sự tiến hóa có xảy ra hay không, và không có bằng chứng nào chứng tỏ là sự tiến hóa đã không xảy ra.”
(“There is no debate within the scientific community over whether evolution has occured, and there is no evidence that evolution has not occured”, the National Academy of Sciences said in a guidebook intended for teachers, parents, school administrators and policymakers.)
Sự kiện này cho thấy, ở Mỹ, tôn giáo, dù là Ki Tô Giáo, tôn giáo của đa số người dân, chỉ là vấn đề tín ngưỡng riêng tư, và những kẻ trong Ki Tô Giáo, thường là Tin Lành, vẫn tiếp tục cất lên tiếng nói chống thuyết Tiến Hóa, chẳng qua chỉ là những kẻ cuồng tín, đi ngược thời gian. Những tiếng chống đối này không bao giờ có thể có chỗ đứng trong thế giới tiến bộ của nhân loại ngày nay. Tuy Pháp Viện Tối Cao Hoa Kỳ đã phán quyết là các trường công không thể dạy là Thiên Chúa tạo ra vũ trụ (The Supreme Court ruled that public schools cannot teach that God created the universe.), tại một vài tiểu bang mà Ki Tô Giáo mạnh, Tin Lành vẫn còn cố gắng vận động để thuyết sáng tạo được dạy song song với thuyết tiến hóa. Họ vẫn tiếp tục chống đối thuyết tiến hóa và cùng lúc, đưa thuyết sáng tạo lên như một bộ môn khoa học, không phải là tôn giáo, để tránh né điều khoản trong Hiến Pháp Hoa Kỳ: tách rời nhà nước và tôn giáo. Có vài nơi, các nhà bảo thủ Ki Tô Giáo (fundamentalists) còn vận động đưa ra đạo luật để bỏ danh từ “tiến hóa” (evolution) trong những sách giáo khoa, thay thế vào đó bằng từ “thay đổi với thời gian” (change with time). Nhưng ở khắp nơi: Arizona 1996, Illinois 1997, và Kansas 1999, Ki Tô Giáo đã thất bại trong mưu toan này.” [5]
Dù đồng ý hay không, ngày nay, thuyết Tiến hóa vẫn đang là một lý thuyết căn bản để giải thích những quan sát của khoa học, nhất là trong các lĩnh vực của Sinh vật học, Nhân chủng học, Địa chất học, và cả trong lĩnh vực vi mô của Vật lý Lượng tử. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm thấy bất cứ hiện tượng nào khả dĩ phản bác thuyết Tiến hóa khoa học này.
5. Hệ lụy của kết quả cuộc chiến
Những kết quả đó là những sự kiện bất khả phủ bác, không phải là những lập luận theo lối suy diễn để có thể còn phải tranh cãi. Vậy nếu Giáo hội Công Giáo La Mã đã chấp nhận thuyết Tiến hóa thì hệ quả phải như thế nào đối với những tín điều Thiên Chúa giáo? Một em bé học sinh trình độ trung học cũng đủ thông minh để trả lời cho câu hỏi này.
Đó là thuyết Tiến hóa đã đánh đổ hoàn toàn nền Thần học Thiên Chúa giáo và chứng minh tôn giáo này là sai lầm. Tại sao? Thưa, tại vì nếu câu chuyện tạo dựng trong kinh Sáng Thế Ký chỉ là chuyện thần thoại hoang đường, có ý nghĩa biểu tượng, cũng giống như chuyện rồng tiên Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ VN, thì tội tổ tông không phải là một tội có thực. Và nếu tội tổ tông không có thực thì đâu cần phải Giê-su xuống thế làm người để chuộc cái tội không có thực của thiên hạ, đâu cần có bí tích rửa tội cho những em bé mới sinh được sạch khỏi cái tội mà chúng không có. Do đó, tất cả các tín điều như Giê-su xuống thế, Giê-su cứu chuộc, Giê-su sống lại, Giê-su lên trời cả hồn lẫn xác, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, v/v… đều là những trò lừa bịp của Giáo hội để giữ các tín đồ mãi mãi ngụp lặn trong cơn mê. Đó cũng là lý do tại sao Thiên Chúa giáo luôn luôn dạy các tín đồ phải nhắm mắt mà tin, không được thắc mắc các tín điều vì đó là những mầu nhiệm không thể giải thích. Chỉ có Thiên Chúa giáo mới thăng hoa đức tin thành một nhân đức lớn.
Như vậy, điều còn lại cuối cùng và duy nhất mà Thiên Chúa giáo có thể vớt vát sau khi “đã chấp nhận tiến hóa như là một lý thuyết khoa học” là gán cho Thiên Chúa đã “dùng tiến trình tiến hóa tự nhiên cho việc tạo dựng chủng loại người”. Mặc dù vậy, lập luận này lại đưa đến những thắc mắc khác không có giải đáp.
Tiến hóa là một tiến trình tiệm tiến, tích lũy, đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác cần phải đôi ba chục ngàn năm, có khi cả trăm ngàn năm. Muôn loài muôn vật tiến hoá từ những đơn bào thành các chủng loại sơ đẳng rồi mới tiến dần đến phức tạp, tinh vi và thông minh hơn. Vậy ở thời điểm nào của chủng loại người, Thiên Chúa mới thổi vào nó một linh hồn? Thiên Chúa giáo dạy rằng chỉ có con người mới có phần linh hồn. Vậy khi con người còn là những con vật linh trưởng (primates), hay người đứng thẳng (homo erectus), chưa có đủ thông minh như con người khôn ngoan (homo sapiens) ngày nay để có thể gọi được là con người, thì nó đã có linh hồn chưa? Chẳng có nhà tôn giáo nào trả lời được cho những câu hỏi như vậy.
Cho dù đã có những cố gắng “lột bỏ bộ mặt chống khoa học của Giáo hội, một danh hiệu đã dính chặt khi Giáo hội đã kết án Galileo về việc ông dạy trái đất xoay xung quanh mặt trời, dám thách thức những lời trong Kinh Thánh” thì sự kiện tiến hóa đã chứng minh Thiên Chúa giáo là một tôn giáo sai lầm. Rồi nó sẽ cùng chung số phận như nhiều tôn giáo khác đã một thời có mặt trong tiến trình lịch sử của con người mà ngày nay chẳng còn ai buồn nhắc đến.
Còn chuyện ông BKDC hô hào hòa giải liên tôn thì cá nhân tôi rất đáng nghi ngờ. Quí đọc giả cứ đọc ba bài phản biện của ông để nhận ngay rằng ông nói vậy mà không phải vậy. Làm sao chúng ta có thể hòa giải khi chúng ta cứ lôi nhau ra nơi chốn công cộng để mạ lị, mạt sát, phỉ báng nhau chỉ vì chuyện bất đồng quan điểm? Làm sao chúng ta có thể tin một người có ý tốt lành muốn hòa giải khi họ đã từng lên tiếng công khai đòi đuổi những người không phải Thiên Chúa giáo như họ ra khỏi đất nước tự do này? Thật là một điều bất hạnh cho chúng ta vì có quá nhiều đạo đức giả tràn ngập ở các diễn đàn.


Ghi chú:
[2] Ki-tô giáo hay Thiên Chúa giáo? / Trần Tiên Long. Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9192&rb=12
[3] Vì tác giả không còn địa chỉ của cái nguồn nên phải chép lại toàn bản tin của msnbc.com như sau: God’s mind was behind complex scientific theories such as the Big Bang, and Christians should reject the idea that the universe came into being by accident, Pope Benedict said Thursday.
“The universe is not the result of chance, as some would want to make us believe,” Benedict said on the day Christians mark the Epiphany, the day the Bible says the three kings reached the site where Jesus was born by following a star.
“Contempling it (the universe) we are invited to read something profound into it: the wisdom of the creator, the inexhaustible creativity of God,” he said in a sermon to some 10,000 people in St. Peter’s Basalica on the feast day.
While the pope has spoken before about evolution, he has rarely delved back in time to discuss specific concepts such as the Big Bang, which scientists believe led to the formation of the universe some 13.7 billion years ago.
Researchers at CERN, the nuclear research center in Geneva, have been smashing protons together at near the speed of light to simulate conditions that they believe brought into existence the primordial universe from which stars, planets and life on earth – and perhaps elsewhere – eventually emerged. Proof God doesn’t exist?
Some atheists say science can prove that God does not exist, but Benedict said that some scientific theories were “mind limiting” because “they only arrive at a certain point… and do not manage to explain the ultimate sense of reality.”
He said scientific theories on the origin and development of the universe and humans, while not in conflict with faith, left many questions unanswered.
“In the beauty of the world, in its mystery, in its greatness and in its rationality… we can only let ourselves be guided toward God, creator of heaven and earth,” he said.
Benedict and his predecessor John Paul have been trying to shed the Church’s image of being anti-science, a label that stuck when it condemned Galileo for teaching that the earth revolves around the sun, challenging the words of the Bible.
Galileo was rehabilitated and the Church now also accepts evolution as a scientific theory and sees no reason why God could not have used a natural evolutionary process in the forming of the human species. The Catholic Church no longer teaches creationism – the belief that God created the world in six days as described in the Bible – and says that the account in the book of Genesis is an allegory for the way God created the world.
But it objects to using evolution to back an atheist philosophy that denies God’s existence or any divine role in creation. It also objects to using Genesis as a scientific text.
[4] Công Giáo Tây Phương Đã Tỉnh – Công Giáo Việt Nam Hãy Còn Mê / Gs. Trần Chung Ngọc. Nguồn: http://giaodiemonline.com/2010/03/conggiao.htm
[5] Darwin Hay Thượng Đế? Tiến Hóa Hay Sáng Tạo? / Gs. Trần Chung Ngọc. Nguồn:http://giaodiemonline.com/2009/02/tienhoa.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét