LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỰNG ĐỨNG
MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ ?
MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ ?
SƠN - SẾN – SAWYER - SỬ… VÀ SCOTT
Trần Lâm
Sau khi được cụ Đinh Từ Thức trả
lời câu hỏi liên quan đến một biến cố quan trọng trong lịch sử miền Nam
Việt Nam, tôi lại được đọc trên diễn đàn talawas bài “Sơn – Sến – Sawyer – Sử“, một bài bàn
luận về cách (không nên) viết sử do Nguyễn Hoàng Văn ở Sydney chấp bút. Câu trả
lời của cụ Thức đã giúp tôi có thêm dữ kiện để nhận ra rằng tựa đề của bài này
còn thiếu ít nhất là một tên: Scott. Scott đây tất nhiên là đại uý Scott, người
mà theo Cao Thế Dung chính là hung thủ
gây ra vụ đổ máu tại đài phát thanh Huế vào tháng 5 năm 1963.
Câu chuyện về đại uý Scott đã được ông Dung kể lại lần đầu
tiên trên một tờ báo phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975. Bây giờ bạn
đọc có thể đọc chuyện này từ trang 326 đến trang 330 trong thiên bút ký lịch sử
Làm thế nào để giết một Tổng thống? do Cơ sở Văn hóa Đông Phương tái
bản tại Hoa Kỳ năm 1988. Theo ông Dung thì việc Scott đặt chất nổ ở Huế được
chính đương sự kể lại cho đại uý Bửu nghe. Ngoài
lời kể đó ra, ông Dung không cung cấp bằng chứng nào khác. Chỉ có bao nhiêu
đó thôi cũng đủ làm cho chúng ta nghi ngờ sự khả tín của câu chuyện này. Tuy
nhiên, sự khả tín của nó có thể sẽ rơi xuống dưới mức zero nếu chúng ta biết
rằng ông Dung là người có trí tưởng
tượng rất phong phú. Các bạn chỉ cần đọc những gì ông ta đã khai trước Tòa
Thượng thẩm hạt Santa Clara, Bắc California năm 1994, để biết được ông ta có óc
tưởng tượng phong phú đến cỡ nào và từ đó lượng định mức khả tín của ông ta cao
hay thấp đến bao nhiêu. Bạn nào hiếu kỳ thì có thể đọc lời khai này từ trang
133 đến trang 135 trong cuốn Một ngày có 26 giờ của Nguyễn Vũ Vũ Ngự
Chiêu, người có mặt trong Toà cùng một lúc với ông Dung.
Có lẽ câu chuyện hoang tưởng về đại uý Scott hợp với khẩu vị chính trị của một thành
phần nào đó trong xã hội miền Nam trước tháng Tư 1975 và tại hải ngoại sau
đó, nên nó đã tạo được một ảnh hưởng rất sâu đậm ngay cả với những người có học
vấn tương đối cao hay rất cao. Đại uý Scott không những đã xuất hiện nơi trang
24 của một assignment paper do một sinh viên gốc Việt tại một đại học Hoa Kỳ
viết, mà còn được một nhà khoa bảng và trí thức hàng đầu của miền Nam Việt Nam
đối đãi như một nhân vật lịch sử. Trong một loạt bài được đăng trên trang nhà
của nhóm Thông Luận năm 2007, loạt bài mà nhóm này “trân trọng gửi đến bạn
đọc… như những chứng tích hiếm hoi còn lại do một người chứng đương thời của
một thời kì trăm hoa đua nở đã thực sự có mặt trên phần đất nước bị chia cắt,”
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã hạ bút
chép: “Vụ nổ plastic ở đài phát thanh
Huế, do đại uý cố vấn đơn vị Biệt động Quân tên là Scott, xác nhận thừa lệnh
trên trao cho trung uý Thiều, thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế ném vào đám đông.”
Trong giới nghiên cứu Mỹ thì đại uý Scott đã được ít nhất
là hai học giả có cảm tình với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa vào những trang
sử do họ viết. Năm 1987, Ellen Hammer
còn e dè thú thật rằng bà không thể
chứng minh hay phủ nhận sự khả tín của câu chuyện về viên đại uý này, nhưng
đến năm 2001 thì Arthur Dommen có vẻ
không còn bận tâm với những chuyện lẻ tẻ như vậy nữa. Trong một cuốn sử dày gần
1200 trang do Indiana University Press xuất bản, ông dường như đã chấp nhận
rằng Scott đích thực là thủ phạm đặt chất nổ giết người tại đài phát thanh Huế
vào đêm ngày 8 tháng 5 năm 1963. “Lịch sử… chính là một cô ả bán trôn bởi
nếu có quyền hay có tiền trong tay là người ta có thể sở hữu cái… trôn của cô ả
được.” Đây là định nghĩa mà Nguyễn Hoàng Văn đã mượn của một sử gia Trung
Hoa. Không biết nó có thể được áp dụng vào việc chép sử về đại uý Scott hay
không. Dù sao đi nữa, chỉ trong vòng ba mươi năm mà viên sĩ quan người Mỹ này
đã có thể vượt qua một đoạn đường dài, bỏ lại sau lưng trang báo Việt ngữ, nơi
chôn nhau cắt rún của ông, để bước vào một công trình nghiên cứu nguy nga đồ
sộ, đầy hàn lâm tính, được nhà xuất bản của một đại học có tầm vóc tại Hoa Kỳ
đưa đến tay bạn đọc!
Nguyễn Hoàng Văn viết: “Cái khó là khi đối diện với
những vấn đề của lịch sử chúng ta hiếm khi đối diện với một cái nhìn công bằng,
ngay thẳng và không tránh né… Chúng ta vẫn ngây ngô ngờ ngệch trước ‘bảy chữ
tám nghề’ của mấy ả điếm lịch sử.” Trường hợp của đại uý Scott cho thấy
việc ngụy tạo lịch sử không phải là
việc thuộc độc quyền của người cộng sản. Bởi vậy khi đăng đàn thuyết giảng về
phương pháp viết sử, một vị pháp sư không nên chỉ triệu những cô hồn quen
thuộc, mà người Tây phương thường gọi là the usual suspects, như Dương
Vân Nga, Trần Dân Tiên hay Lê Văn Tám đến đàn tràng để nghe “thuyết pháp.” Với
một bảng phong thần đơn điệu và một chiều như vậy tôi e rằng thính giả sẽ nghĩ
vị pháp sư này chưa cao tay ấn.
Cách đây hai mươi năm về trước, Tạ Chí Đại Trường đã chê
việc ông Viện trưởng Viện Sử học ở Hà Nội đem cái tên Vân Nga đẹp đẽ của tuồng
cải lương gán cho bà Dương Thái Hậu của thế kỷ X. Ông chê việc làm này trong
khi còn sống dưới một chế độ toàn trị, thiếu thông tin, thiếu tự do tư
tưởng, nơi mà “học giả” ăn lương nhà nước thường mượn thế lực chính trị để bịt
miệng đối thủ của mình. Thế nên lời nói của ông vào lúc đó mới có giá trị khai
phá, phản ảnh khả năng chuyên môn và, quan trọng hơn, cái khí phách ngang tàng
được thừa hưởng từ các sử quan thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đó có lẽ là lý do tại
sao sách do ông viết được người trong nước chuyền tay nhau để ngấu nghiến đọc.
Sự đón tiếp nồng nhiệt mà độc giả tại quốc nội đã dành cho tác phẩm của vị sử
gia bị vô sản hóa này cho thấy một tập đoàn toàn trị như chế độ cộng sản chưa
phải là một mối nguy đe dọa khả năng tiếp cận lịch sử của quần chúng Việt Nam.
Sau bao năm sống dưới chế độ này, họ rõ ràng còn có dư sức để phân biệt được
thế nào là chính sử và thế nào là ngụy sử. Cho nên, mối nguy đáng sợ hơn CSVN
có lẽ chính là thái độ thờ ơ, thiếu cảnh giác của chúng ta đối với việc dựng đứng một nhân vật lịch sử trong
một xã hội tự do hay tương đối tự do. Nếu chúng ta không coi chừng thì một ngày
nào đó đa số người Việt có thể sẽ tin rằng phong trào Phật giáo 1963 thật ra
chỉ là một biến động do Mỹ giựt dây, với đại uý Scott trong vai trò người châm
ngòi nổ.
và Bác sĩ
TrẦn Kim TuyẾn
Trần Lâm
Vụ đổ máu tại Đài Phát thanh Huế trong đêm ngày 8 tháng 5
năm 1963 là một biến cố quan trọng trong lịch sử miền Nam Việt Nam. Nếu chúng
ta không tìm hiểu biến cố này một cách tường tận thì chúng ta khó có thể đánh
giá một cách chính xác phong trào Phật giáo đấu tranh nổi lên sau đó. Căn cứ
vào sự lưu tâm mà các độc giả đã dành cho bài “Làm thế
nào để dựng đứng một nhân vật lịch sử? (1) – Sơn – Sến – Sawyer – Sử …và
Scott” do tôi viết, tôi thấy vẫn còn có người chưa muốn hoặc chưa có
thể chấp nhận rằng đại uý Scott là sản phẩm
của trí tưởng tượng rất phong phú của Cao Thế Dung. Vì nghĩ rằng ngày nào còn có người tin rằng viên sĩ quan
người Mỹ này là hung thủ gây ra vụ đổ máu nói trên, thì ngày ấy chúng ta chưa
có thể đối diện những vấn nạn của lịch sử Việt Nam Cộng hoà “với một cái
nhìn công bằng, ngay thẳng và không tránh né,” nên tôi quyết định viết một
bài thứ hai về nhân vật này để giải đáp một cách thấu đáo những nghi vấn cuối
cùng mà hình như một số độc giả đang dựa vào để khỏi phải công nhận rằng đại uý Scott chỉ là một nhân vật được dựng
nên.
■ Bác sĩ
Trần Kim Tuyến
Câu chuyện về đại uý Scott được kể lại lần đầu tiên trên
một tờ báo phát hành ở miền Nam trước tháng Tư năm 1975. “Bởi là người sinh sau
đẻ muộn tại một thị xã hẻo lánh cách các trung tâm văn hóa như Sài Gòn hay Huế
rất xa,” nên tôi chưa bao giờ được đọc tờ báo này. Nhưng căn cứ vào thông tin
do cụ Đinh Từ Thức và cố học giả Ellen Hammer cung cấp, tôi có thể kết
luận độc giả miền Nam đã làm quen với đại uý Scott lần đầu tiên qua một
loạt bài được đăng trên báo Hòa Bình. Chính cụ Thức là người đặt cho
loạt bài này cái tên “Làm thế nào để giết một Tổng thống?” quen thuộc với chúng
ta hôm nay. “[S]au khi loạt bài đăng báo chấm dứt, tác giả cho in thành
sách, vẫn dùng tên cũ.” Như đã nói trong bài trước, thiên bút ký lịch sử
này được Cơ sở Văn hóa Đông Phương tái bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ năm 1988 và
bạn đọc bây giờ có thể theo dõi những cuộc phiêu lưu của đại uý Scott trên
chiến trường Việt Nam từ trang 326 đến trang 331 trong sách đó.
Tuy trên bìa sách lúc nào cũng ghi Cao Thế Dung và Lương
Khải Minh, tức BS Trần Kim Tuyến, là tác giả, nhưng lúc tôi hỏi cụ Thức về đại
uý Scott thì cụ chỉ nhắc đến ông Dung mà thôi. Cụ viết: “Tôi đặt
tên cho bút ký ‘Làm thế nào để giết một Tổng thống’ trước khi lọat bài
này được đăng báo. Tác giả viết tới đâu, đăng tới đó. Khi đặt tên, tôi không
được biết Scott là ai. Đến khi đọc thấy nói Scott là người đặt chất nổ, tôi hỏi
tác giả, thì ông CTD xác nhận chuyện đó là thật, và hứa hôm nào sẽ đưa Scott lại tòa báo giới thiệu.” Chính ông
Dung cũng viết ở trang 606 của cuốn sách nói trên rằng BS Tuyến chỉ là người
cung cấp tài liệu, còn ông mới thật sự là người chấp bút.
Có ít nhất là một độc giả trên diễn đàn Talawas, độc giả Binh, đã vin vào vai trò đồng tác giả của BS Tuyến trên bìa
sách để phủ nhận tính chất hoang tưởng của câu chuyện về đại uý Scott. Ông (hay
bà) Binh biện bạch: “[C]ùng viết chung với ông CTD là tác giả Lương Khải
Minh. Ông này là ai? … Theo tôi biết thì Lương Khải Minh là bút danh của BS
Trần Kim Tuyến, nhân vật có quyền uy rất lớn trong chế độ Tổng thống Ngô Đình
Diệm, thành lập cơ sở ‘tình báo’ của chế độ. BS Tuyến biết gì về Scott? Như
vậy, vụ Scott không thể bác bỏ một cách ‘cảm tính’ … được.”
Điều đáng nói ở đây là việc chính BS Tuyến đã phủ nhận vai trò người cung cấp tài liệu hoặc đồng tác giả mà Cao Thế Dung đã cố
gắng gán cho ông. Sự phủ nhận này được Vũ Khánh Thành ghi lại trong một bài
viết về BS Tuyến đăng trên trang Việt ngữ của đài BBC ngày 18 tháng 9 năm 2007.
Vũ Khánh Thành: “Tôi chỉ quen Bác sĩ Tuyến từ năm 1980 do Cha Gastine (tên
Việt là Bùi Đức Tín), nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long, thầy
dạy của tôi và tôi đã quen ngài trước đó. Cha Gastine thấy tôi được tầu Anh
vớt, được ở bên Anh và tôi đang làm cho chương trình định cư của Bộ Nội vụ Anh
đưa 25 ngàn người Việt từ Hồng Kông qua định cư ở Anh Quốc nên ngài giới thiệu
Bác sĩ Tuyến cho tôi vì Bác sĩ Tuyến cũng học Đại Chủng viện Xuân Bích Hà Nội
trước năm 1954 và là học trò của ngài.”
Ông Thành cho biết ông có hỏi BS Tuyến nhiều về thiên bút
ký lịch sử nói trên và đã được BS Tuyến chia sẻ cảm nghĩ của ông về cuốn
sách này. “Bác sĩ Tuyến có nói, Cao Thế Dung có gặp tôi đề nghị viết chung
hay cho tài liệu để viết về cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm do phe đảo
chính của Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu… chủ mưu với sự
cộng tác của Hoa Kỳ. Bác Sĩ Tuyến nói, viết sách làm chi…” Và BS Tuyến kết
luận: “Cao Thế Dung viết lăng nhăng,
có nhắc đến tôi trong sách, tôi rất bực nhưng cũng chẳng làm ầm lên làm gì.”
BS Tuyến bây giờ đã là người thiên cổ, nên không thể xác
nhận (hay phủ nhận) được những gì Vũ Khánh Thành viết về mình, mặc dù chúng ta
hiện giờ không có lý do cụ thể nào để hoài nghi sự xác tín của những gì ông
Thành đã viết. Tuy nhiên, để nói cho hết lý, chúng ta hãy thử giả định rằng BS
Tuyến quả thật là người cung cấp tài liệu để cho Cao Thế Dung viết sách. Trong
trường hợp đó, chúng ta có được phép tin những điều mà BS Tuyến có thể đã nói
với ông Dung về việc Scott đặt chất nổ giết người tại Đài Phát thanh Huế hay
không?
Muốn tìm được câu trả lời, chúng ta trước tiên phải biết
rằng vào năm 1963 BS Tuyến đã bị thất
sủng. William Colby, một chuyên viên tình báo cao cấp hoạt động lâu năm tại
miền Nam Việt Nam, có kể lại ở trang 150 trong tập hồi ký Lost Victory
rằng sau khi phong trào Phật giáo đấu tranh dấy lên,
BS Tuyến cùng một số người khác mưu tính
thay thế Tổng thống Diệm, vì họ kết luận ông Diệm đã đánh mất sứ
mệnh mà người Mỹ trao cho ông. Còn cố học giả Hammer thì viết nơi trang
249 của cuốn A Death in November rằng BS Tuyến cùng với
đại tá Phạm Ngọc Thảo, Tổng Thanh tra Chương trình Ấp Chiến
lược, và đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội, âm mưu lật đổ chế độ Ngô
Đình Diệm. Một số tài
liệu CIA được giải mật (và được lưu trữ tại trang nhà www.cia.gov) cũng xác nhận những
hoạt động chống chế độ của BS Tuyến mà Colby và Hammer đã cho chúng ta biết
trong sách của họ. Tuy nhiên đến năm 1971 thì BS Tuyến, theo bà Hammer trong
trang sách nói trên, lại viết một loạt bài đăng trên báo để biện bạch cho chế
độ Ngô Đình Diệm và để thanh minh thanh nga cho vai trò mờ ám của chính mình
trong năm 1963…
Chính vì những lý do vừa được nêu ra, nên ngay trong trường
hợp chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết BS Tuyến là người đã cung cấp tài
liệu về đại uý Scott cho Cao Thể Dung, chúng ta vẫn phải nhận định rằng dù
cho việc đó có thật sự xảy ra đi nữa thì BS Tuyến rỏ ràng
cũng không phải là một nguồn tài liệu vô tư và khả tín. Căn cứ vào sự phân
tích này, tôi kết luận chúng ta phải loại yếu tố Trần Kim Tuyến ra khỏi việc
thẩm định tính khả tín của câu chuyện về đại uý Scott. Chúng ta chỉ cần phải
lưu ý đến ông khi có người chứng minh được rằng: a. BS Tuyến thật sự là người đã cung cấp tài liệu cho Cao
Thế Dung và b. ông ta là một
người hoàn toàn vô tư khi làm việc đó.
■ Tiến
sĩ Cao Thế Dung
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Nguyễn Du
Khi tôi bác bỏ câu chuyện về đại uý Scott như một chuyện
không đáng tin, vì Cao Thế Dung, người kể lại nó, là một người có trí tưởng
tượng rất phong phú, thì độc giả Binh nói trên có bảo rằng tôi chỉ căn cứ vào
sự phỏng đoán của tôi để đưa ra lời phản bác đó. Nhưng thật sự thì sức tưởng
tượng vô cùng dồi dào của ông Dung là một sự kiện không ai có thể chối cãi
được.
Sau khi sang Hoa Kỳ, ông Dung thường tuyên bố ông đã đậu bằng tiến sĩ tại Đại học Georgetown
hay Columbia vào năm 1980 hoặc 1981, với một luận án mang tên là “The role
of the Chinese merchants in Vietnam’s rice market 1865-1965.” Có lẽ để thanh
toán một mối ân oán giang hồ nào đó, nên Cửu Long Lê Trọng Văn đã bỏ ra công sức và thời gian để điều tra lời tuyên
bố nói trên của Vị Hoàng Cao Thế Dung. Kết quả của cuộc điều tra này
được ông Văn công bố trong cuốn Lột mặt nạ
những con thò lò chính trị, do Mẹ Việt Nam xuất bản tại Hoa Kỳ
năm 1991. Ông Văn cho biết ông đã viết thư cho Đại học Georgetown và Đại học
Columbia để hỏi về mảnh bằng PhD của ông Dung, nhưng
Georgetown không trả lời, còn Columbia thì cho biết ông Dung không có tên trong
hệ thống computer của họ. Theo lời chỉ dẫn của một ông tiến sĩ thứ thiệt, Lê
Trọng Văn sau đó ra thư viện tìm bộ DISSERTATION ABSTRACTS INTERNATIONAL của
năm 1980 và 1981 để tham khảo, vì “trong đó có ghi tất cả danh sách những
người đỗ tiến sĩ tất cả mọi ngành cùng với tên luận án, tên trường đại học trên
toàn thế giới tự do.” Tuy tìm đi kiếm lại rất kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng
vẫn không thấy tên Cao Thế Dung đâu, cả nơi vần C lẫn vần D trong mấy quyển
sách đồ sộ đó. Như thế thì Lê Trọng Văn đã mở đường cho độc giả kết luận rằng
cái mà ông gọi là “văn bằng tiến sĩ lúa gạo” của Cao Thế Dung thật sự chỉ hiện
hữu trong óc tưởng tượng rất phong phú của ông này mà thôi.
Cuốn sách của Lê Trọng Văn có thể là yếu tố khiến Cao Thế
Dung phải tưởng tượng một câu chuyện ly kỳ hơn, khi ông bị trát đòi ra hầu toà
tại Toà Thượng thẩm hạt Santa Clara, Bắc California năm 1994. Theo lời tường
thuật của Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu,
người có mặt trong toà cùng một lúc với Cao Thế Dung, thì ông Dung đã khai
trước toà rằng sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân Việt Hán tại Đại học Văn khoa
Sài Gòn năm 1967, ông “tiếp tục ghi danh học hàm thụ chương trình Tiến sĩ của trường Ecole Universelle de Paris, và năm 1974
thì tốt nghiệp. Nhận bằng xong, ông mang ra mồ bà mẹ nuôi, đốt đi cúng mẹ, vì bà không những đã
nuôi dưỡng Cao Thế Dung từ nhỏ mà còn khuyến khích họ Cao kiếm cho được mảnh
bằng Tiến sĩ.”
Câu chuyện đốt bằng trước mộ mẹ nuôi này đã có một tác dụng
khả đoán nơi người nghe. Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu kể tiếp: “Lời khai của Cao
Thế Dung khiến không khí phiên tòa sôi động hẳn lên, phá vỡ bầu không khí nặng
nề suốt 8 ngày qua. Thẩm phán Biafore cũng phải bật cười, nhưng cố tạo vẻ
nghiêm chỉnh trở lại. Bồi thẩm đoàn che miệng cười – và, sau khi xuống phòng
nghỉ giải lao – còn mang theo tiếng cười ròn rã trở lại phòng xử. ... Tôi
cũng cười chảy nước mắt, xen lẫn trong những cơn ho vì chớm cảm lạnh.”
Như có nói trong bài trước, tác phẩm ứng khẩu độc đáo mà
Vị Hoàng Cao Thế Dung trình làng tại Toà Thượng thẩm hạt Santa Clara năm
1994 đã được Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu ghi lại từ trang 133 đến trang 135 trong cuốn
Một ngày có 26
giờ, do Văn Hoá xuất bản tại Houston
năm 1995. Chính quyển bút ký này và cuốn Lột mặt nạ những con thò lò chính
trị của Cửu Long Lê Trọng Văn đã dọn sân cho tôi khẳng định đại
úy Scott chỉ là một nhân vật do ông Dung dựng nên. Làm sao chúng ta có thể tin
rằng viên sĩ quan bí ẩn này là một nhân vật có thật, khi hành trạng của ông ta
chỉ được kể lại bởi một người giàu trí tưởng tượng như Cao Thế Dung? Xin nhắc
lại, ngoài lời tường thuật của Cao Thế Dung, chúng ta không có bất cứ dấu hiệu
cụ thể nào khác về việc đại úy Scott đặt chất nổ giết người tại Đài Phát thanh
Huế.
Tại sao lại vẫn còn có người tin một câu chuyện hoang đường
như thế này vào đầu thế kỷ thứ 21? Có thể vì nó phù hợp với khẩu vị của một số đông người đang cố bám vào quan niệm
cho rằng phong trào Phật giáo 1963 vốn chỉ là một biến động chính trị do Mỹ
giựt dây chứ không phải là một vận động xã hội bộc phát từ những lý do chính
đáng. Có lẽ vì không tìm được bằng chứng thuyết phục, nên có người đã đành phải
dựng nên bằng chứng để làm nền tảng cho sử quan của mình. Và đại úy Scott
hình như đã trở thành một nhân vật không thể thiếu trong việc đó. Cựu chính trị
gia Nguyễn Trân, tác giả tập hồi ký Công và Tội mà cụ Trần Văn Tích nhắc đến khi cụ cho ý kiến về bài viết trước của tôi, là một
ví dụ điển hình khác cho phương pháp thu thập bằng chứng lịch sử theo kiểu Cao
Thế Dung.
Ông Trân chép từ trang
415 đến trang 416 của tập hồi ký này rằng
những gì mà Cao Thế Dung đã viết về đại uý Scott trong cuốn Làm thế nào để
giết một Tổng thống? đều “đúng với tin mà chính tôi, tác giả, đã đọc
trong một tập san Mỹ vào tháng 6 hay 7 năm 1975, tại nhà con gái tôi ở Arcadia
sau khi gia đình tôi di tản đến ở đó. Người ký tên dưới cột báo ấy là James
Scott, tự nhận đã ném plastic làm chết người trước Đài Phát thanh Huế trong đêm
8-5-1963.” Khổ nỗi là Nguyễn Trân không còn có thể cho chúng ta biết ông
đã đọc bài báo đó trong tập san nào. “[L]úc bấy giờ tôi ở trong thảm trạng
bỏ nước ra đi để lại đứa con trai duy nhứt còn lại, tôi buồn phiền không nghĩ
đến việc viết lách gì hết, nên rất tiếc đã không giữ tập san ấy làm tài liệu.
Song tôi quả quyết là tôi đã đọc rõ ràng, không thể có nghi ngờ gì hết.”
Nếu James Scott nào đó quả thật có đăng lời tự thú nói trên
trong một tập san Mỹ năm 1975 thì chuyện động trời này phải được nhiều người
biết, nhất là những người chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời cận
đại nói chung và lịch sử thời Đệ Nhất Cộng hòa nói riêng. Nhưng thậm chí
những học giả Mỹ và Việt có cảm tình đặc biệt với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
cũng không bao giờ nhắc đến bài báo do
James Scott ký tên mà Nguyễn Trân quả quyết ông đã đọc. Năm 1987, cố học giả
Ellen Hammer nói bà lấy tin về Scott từ báo Hoà Bình. Đến
năm 2001 thì Arthur Dommen ghi chú trong quyển The Indochinese Experience of the French
and the Americans rằng ông tham khảo cuốn Làm thế nào để giết một Tổng
thống? để viết về Scott. Trong cuốn Những ngày
cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm,
được in lại lần thứ 5 năm 2003, hai tác giả Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân
Đức hoàn toàn không đả động gì đến bài báo nói trên khi họ nhắc đến Scott chỉ có vỏn vẹn một lần một trong cuốn sách dày hơn 600
trang của họ. Điều này có thể có nghĩa là sau trên 25 năm kể từ ngày ông Trân đọc bài báo do James Scott ký tên, các nhà nghiên cứu nói
trên vẫn chưa tìm ra được dấu vết nào của bài báo đó! Bên cạnh một đại uý ma, bây giờ chúng ta lại có thêm
một bài báo ma nữa.
■ Đại uý
James Scott
Chúng ta bây giờ có thể kết luận đại uý Scott đích
thực là một nhân vật thuộc cõi Việt Nho của huyền sử gia Lương Kim Định. Đó chính là lý do tại sao cụ Đinh Từ Thức,
một người nơi trần thế, “không bao giờ có cơ hội gặp Scott,” tuy Cao
Thế Dung có “hứa hôm nào sẽ đưa Scott lại tòa báo giới thiệu.” Kết luận này
lại cho phép chúng ta (tái) khẳng định rằng, trái với lời quả quyết có tính
cách khôi hài của cụ Tôn Thất Tuệ,
Giáo sư Nguyễn Văn Trung hoàn
toàn nói sai sự thật khi ông tuyên bố trên thongluan.org: “Vụ nổ plastic ở
Đài Phát thanh Huế, do đại uý cố vấn đơn vị Biệt động Quân tên là Scott, xác
nhận thừa lệnh trên trao cho trung uý Thiều, thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế ném
vào đám đông.” Viết đến đây tôi chợt thấy
ra một điều vô cùng ngộ nghĩnh: Trần Dân Tiên, Trần Huy Liệu và các
môn sinh của họ nhất định không phải là những người độc nhất biết hành
động trên nguyên tắc Geschichtsschreibung ist die Fortsetzung
der Politik unter Einbeziehung
anderer Mittel (viết sử là tiếp nối chính
trị bằng những phương tiện khác).
© 2009 Trần
Lâm
© 2009 talawas blog
[Nguồn: http://www.talawas.org/?p=5924
]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét