NĂM MƯƠI NĂM PHÁP NẠN LỊCH SỬ
1963 :
Ngọn Đuốc Phá
trừ vô minh của Bồ tát Thích Quảng Đức
Võ Văn Ái
Xưa nay một số người đánh giá sai
lầm nếu không là xuyên tạc cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 cho bình đẳng
tôn giáo và công bình xã hội, là vì họ đứng từ quan điểm đối nghịch Phật giáo
trên phạm vi chính trị, tín ngưỡng hay chủ quan. Nhưng họ không nhìn yếu tố
Phật giáo trong toàn bộ lịch sử của một chế độ quốc gia đầu tiên, thoát ách
Pháp thuộc và ly khai chủ nghĩa công sản quốc tế, trên đà tự diệt, vì bỏ rơi
quần chúng Miền Nam vào tay Cộng sản ngoại lai.
Không tiếng nói thiết tha nào hơn,
gióng lên tiếng trống báo hiệu, vừa sáng suốt vừa tiên liệu, vừa đủ quyền uy từ
một trong những công thần của chế độ Nhà Ngô : ông Nguyễn Thái.
Ông Nguyễn Thái, cựu Chủ tịch Hội
Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, được ông Diệm mời về nước sau Hiệp
định Genève 1954, và cử làm Tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã suốt sáu năm,
1955-1961. Do tuyệt vọng trước chế độ độc tài gia đình trị của Tổng thống Diệm,
ông bỏ nước qua Phi Luật Tân, ngồi viết tác phẩm “Is South Vietnam Viable ?”
- Nam Việt Nam có thể tồn tại [trước cuộc xâm lăng Cộng sản chăng ?]. Sách phát
hành tại Manila năm 1962 để cảnh báo chế độ.
Trong lời tựa sách viết từ Cambridge
tháng 11 năm 1962, ông Nguyễn Thái nhận định :
“Đặt hết trọng tâm vào việc tiêu
diệt hết những người quốc gia đối lập, chế độ cố gắng thay sự ủng hộ của nhân
dân Việt Nam bằng sự trợ giúp của người Mỹ. Ngô Đình Diệm cố tạo cho mình
hình ảnh của một lãnh tụ chống Cộng “bất khả thay thế”, và ngày nào mà người Mỹ
còn tin rằng ông Diệm là “bất khả thay thế” thì ngày đó ông Diệm không cần sự
ủng hộ của nhân dân Việt Nam, vì ông ta có thể dựa vào sự ủng hộ vô điều kiện
và vô giới hạn của người Mỹ.
“Bất hạnh thay, chế độ Ngô Đình
Diệm, như ta thấy, đã không đáp ứng được cả điều mong ước tối thiểu này.
Hình như tất cả những gì chế độ này chỉ có thể làm được là phung phí hết những
trợ giúp rộng rãi nhất mà Việt Nam đã được hưởng và bằng mọi giá nắm giữ độc
quyền quyền lực của gia đình nhà Ngô tại miền Nam Việt Nam.
“Miền Nam
Việt Nam do chế độ Ngô Đình Diệm quản trị sẽ không chống lại lâu dài được mối
đe dọa do Cộng Sản khuynh đảo
thì lời tôi chỉ trích chế độ này đã không phải là điều vô ích.
“Nếu quý vị tự hỏi làm thế nào mà
chế độ Ngô Đình Diệm đã có thể tồn tại dài lâu như thế thì tôi xin trả lời rằng
sở dĩ Diệm còn tồn tại được thứ nhất là vì những cố gắng hỗ trợ tận tình của
người Mỹ, thứ hai là vì người Việt thù ghét vô cùng nền độc tài Cộng Sản.
“Do đó mà tại miền Nam Việt Nam ngày
nay, với một quân đội tinh nhuệ và được trang bị đầy đủ, và một bộ máy hành
chánh tương đối to lớn, chế độ vẫn không chống nổi sự khuynh đảo chính trị của
Cộng Sản, vì những người lãnh đạo của chế độ đã vẫn liên tục không chịu chặt
tận gốc rễ những nguyên nhân của tham nhũng và sự vô hiệu. Trái lại, giới lãnh
đạo này đã nỗ lực tối đa để giấu diếm sự thật về tình hình miền Nam Việt Nam,
xuyên tạc sự thật đến độ ngay cả người Mỹ cũng tin rằng không có một giải pháp
chính trị nào khác ngoài tình trạng hiện hữu”.
“Vì từng làm việc mật thiết với chế
độ này trong suốt 7 năm, nên tôi đã có thể thấy được rằng chế độ này không
có khả năng thu phục được sự ủng hộ của nhân dân”.
Sự biến tại Đài Phát thanh Huế ngày
Phật Đản 8.5.1963 là giọt nước làm tràn ly của cuộc khủng hoảng xã hội, chính
trị và tôn giáo kéo dài nhiều năm dưới thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa.
Ba báo động tuyệt vọng trước nền chính
trị tự diệt của Miền Nam
Trước sự biến Phật Đản Huế năm 1963,
ba sự kiện biểu trưng và báo động cho cuộc khủng hoảng chính trị không lối
thoát của chế độ Nhà Ngô : ngày 11.11.1960, cuộc đảo chính hụt của Đại
tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông ; sáng ngày 27.2.1962,
Trung úy Phạm Phú Quốc và Chuẩn úy Nguyễn Văn Cử ném bom xuống dinh Độc lập gây
hư hại nặng nề nhưng không gây thương tích cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia
đình ông cư ngụ tại đây. Đó là hai sự biến trong giới quân nhân.
Sự kiện thứ ba đến từ tôn giáo và là
Phật giáo : ngày 22.2.1962, một hồ sơ gửi lên Tổng thống Ngô Dình Diệm
và ông Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, do Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Hội
trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung phần, và Hòa thượng Thích Tịnh Khiết,
Pháp chủ Giáo hội Tăng già Trung phần ký tên.
Hồ sơ này cung cấp những tư liệu
minh xác các cuộc đàn áp Phật giáo, thảm sát, khủng bố, bắt giam tù hay bắt cải
đạo Thiên chúa tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở Phú Yên, Bình Định, Quảng
Ngãi. Hồ sơ nói lên một sự trạng kéo dài từ 1958 đến 1961, thời gian có hàng
vạn Phật tử bị giam cầm, đày đọa, hàng trăm bị thủ tiêu, và khoảng 2000 bị bắt
buộc phải bỏ đạo Phật để cải đạo Thiên chúa giáo tại miền Trung và các khu dinh
điền.
Sự
biến Đài Phát thanh Huế ngày 8.5.1963 : Giọt nước làm tràn ly
Hai ngày trước Rằm tháng Tư năm Quý
Mão, dương lịch 8.5.1963, là lễ Phật Đản, bức công điện số 5159 từ Đổng lý văn
phòng Phủ Tổng thống gửi Tỉnh trưởng Thừa Thiên chỉ thị cho các tôn giáo chỉ
được treo cờ quốc gia trên các cơ sở phụng tự (nhà thờ, nhà chùa, v.v…) mà
thôi.
Dịch ra ngôn ngữ trái tim Phật tử
Huế, là triệt hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản. Lệnh trái ngược với truyền
thống Huế từ bao nhiêu năm ròng, quần chúng Phật tử treo đèn, kết hoa, thượng
cờ Phật giáo để mừng ngày Đản sinh Đức Phật Thích Ca.
Tổng trị sự Giáo hội Tăng già Trung
phần và Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung phần phản ứng bằng ba bức
điện. Bức điện thứ nhất gửi Phật giáo Thế giới yêu cầu can thiệp với chính phủ
Việt Nam Cộng hòa. Bức điện thứ hai gửi Tổng Thống Ngô Đình Diệm thỉnh cầu Tổng
thống thu hồi công điện nói trên. Bức thứ ba gửi các tập đoàn Phật giáo Việt
Nam thông báo sự trạng và yêu cầu chờ chỉ thị.
Đồng thời một sách lược cho cuộc vận
động Phật giáo được đề ra :
-
Tính chất : Thuần túy tín ngưỡng ;
-
Mục tiêu : Bình đẳng và tự do tín
ngưỡng trong phạm vi nhân quyền ;
-
Phương pháp : Bất bạo động ;
-
Đối tượng : Chỉ phản đối chính sách
bất công ; không coi Chính phủ, và nhất là không coi Thiên chúa giáo, là kẻ đối
lập.
Như thường lệ mọi năm, Phật tử Huế
luôn tổ chức đám rước từ chùa Diệu Đế xuyên qua thành phố Huế lên chùa Từ Đàm
là nơi tiến hành Đại lễ Phật Đản. Thường năm chỉ có dòng biểu ngữ “Mừng Phật
Đản”. Nhưng năm nay, do công lệnh triệt hạ cờ Phật giáo nên có thêm nhiều biểu
ngữ phản đối việc triệt hạ cờ, như “Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách
tôn giáo bình đẳng”, “Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”, “Phật giáo
nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh”. Nhưng đã bị Thượng tọa
ThíchThanh Trí tịch thu. Duy anh chị em Gia Đình Phật tử nài xin để lại biểu
ngữ “Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”.
Sau lễ Phật Đản ở chùa Từ Đàm chiều
hôm 8.5.1963, do không nghe tường thuật trên Đài Phát thanh Huế như các năm
trước, nên đồng bào Phật tử kéo đến Đài Phát thanh Huế tìm hiểu lý do. Người
mỗi lúc mỗi đông, khoảng 10.000 người quy tụ lúc 8 giờ tối.
Tỉnh trưởng Thừa Thiến Huế, ông
Nguyễn Văn Đẳng, và Phó tỉnh trưởng Đặng Sĩ đến xin ý kiến ông Cố Vấn Ngô Đình
Cẩn. Lúc này ông Cẩn đang dự tiệc với Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và nhiều
nhân viên chính phủ, có cả ông Trần Hữu Thế, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Phi
Luật Tân được Tổng giám mục Thục triệu về Huế để thay thế Linh mục Cao Văn Luận
làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, do Linh mục Luận không mấy tán thành việc đàn
áp hật giáo.
Ông Cẩn không nói gì, nhưng Tổng
giám mục Ngô Đình Thục nhìn vào Thiếu tá Đặng Sĩ nói “Dẹp !” Sự kiện
không ai biết này đã được chính ông Đại sứ Trần Hữu Thế tiết lộ.
Những khổ đau, biến loạn xẩy ra sáu
tháng sau đó phát xuất từ lệnh của chữ “Dẹp” này. Dưới quyền điều khiển
của Thiếu tá Đặng Sĩ trên chiến xa mang tên Ngô Đình Khôi đã nã súng vào đám
đông vây quanh Đài Phát thanh Huế vào lúc Thượng tọa Thích Trí Quang cùng ông
Nguyễn Văn Đẳng, Tỉnh trưởng và ông Ngô Ganh Giám đốc Đài Phát thanh Huế thương
lượng chưa ngã ngũ về việc truyền thanh lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm.
Chín nạn nhân bị chết vỡ sọ hoặc
không toàn thây, trừ một em 19 tuổi, tất cả đều từ 15 tuổi trở xuống. Hàng chục
người khác bị thương.
Ngày 10.5.1963, bản Tuyên ngôn của
Tăng Tín đồ Phật giáo Việt Nam do ngài Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam,
Thích Tịnh Khiết ký với đại diện các tổ chức Phật giáo miền Trung là các Thượng
tọa Thích Mật Nguyện, Thích Trí Quang, Thích Mật Hiển, Thích Thiện Siêu. Tuyên
ngôn yêu cầu chính phủ thực thi 5 đểm :
“1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn
Công điện triệt hạ giáo kỳ của Phật giáo ;
“2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt
như các Hội Truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong Dụ số 10 ;
“3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố
tín đồ Phật giáo ;
“4. Yêu cầu cho Tăng Tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và
truyền đạo ;
“5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những
kẻ bị giết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại, phải đền tội đúng mức”.
Bản Tuyên ngôn trên đây đã
được gửi đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm kèm theo bản Phụ đính viết ngày
23.5.63.
Đại quan bản Phụ đính giải thích sâu
rộng về tinh thần của 5 điểm yêu cầu, và phân tích cặn kẽ những điều ức chế
trong Dụ số 10 đối với Phật giáo, chẳng hạn như các điều 1, 7, 10, 12, 18, 19,
25, 26, 27, và 44.
Bản Phụ đính cũng tuyên xưng chủ
trương cơ bản cuộc tranh đấu của Phật giáo theo tinh thần Bất Bạo động của
Thánh Gandhi. Rõ nhất và cơ bản nhất là :
“Thứ nhất, là đối với Chính phủ, Phật giáo không chủ trương
lật đổ.
Thứ hai, là không ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên
Chúa. Phật giáo không tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống với một tôn
giáo, mà chỉ tranh đấu cho lý tưởng Công bình xã hội.
Thứ ba là phương pháp tranh đấu bất bạo động, và từ chối mọi
sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ Phật giáo, nhất là những người Cộng sản
cũng như những kẻ mưu toan chức quyền”
Trên đây là diễn biến được trình bày
như sự thực đã xẩy ra cho chính nạn nhân là Phật giáo. Sự thật này đã bị chính
quyền bóp méo thông qua bộ máy thông tin của chế độ. Bóp méo khi cho rằng tiếng
nổ tại đài phát thanh Huế do “vũ khí” của Việt Cộng mà quân lực Việt Nam Cộng
hòa không thủ đắc. Về sau còn đưa ra phụ giải khác là CIA gây nổ !
Tuy nhiên, qua ngày 12.5.63, Linh
mục Lê Quang Ánh viết Huyết Lệ Thư với một tập thể tín đồ Thiên Chúa giáo ký
tên chung gửi Ngài Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thích Tịnh Khiết, “lên
án tội bất công đã giết hại đồng bào vô tội” và “Tán đồng quan điểm đấu
tranh cho tín ngưỡng tự do” của Phật giáo. Linh mục Cao Văn Luận, Viện
trưởng Viện Đại học Huế, cũng bất đồng quan điểm của chính quyền khi giải thích
sự biến Đài Phát thanh Huế đến từ chủ trương triệt hạ cờ Phật giáo.
Thế là ngoài quan điểm tự vệ của
Phật giáo trước sức tấn công ồ ạt của chính quyền Nhà Ngô, còn có sự đồng tình
của giới thức giả bất phân chính kiến, tôn giáo như đã thấy tại quốc nội trên
đây.
Trên trường quốc tế thì Tổng Giám
mục Ngô Đình Thục đi làm chứng gian cho chính quyền, nhằm giải độc qua ba cuộc
họp báo tại Paris, New York và Roma. Riêng tại Roma, bị Đức Giáo hoàng và tòa
thánh Vatican do chống lại chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình
Điệm, nên đã cấm Tổng giám mục Ngô Đình Thục họp báo trong lãnh thổ Vatican và
cấm phổ biến bài thuyết trình của ông Thục.
Thế nhưng sự làm chứng gian cho chế
độ của ông Tổng giám mục chẳng làm thay đổi công luận quốc tế. Bởi vì tiếng nói
của một nhân chứng khác, với đầy đủ hình ảnh thương tâm của các em thiếu nhi chết
tại Đài phát thanh Huế, đã gây xúc động lương tâm thế giới cũng như tại LHQ. Đó
là nhân chứng sống của Bác sĩ Y khoa người Đức theo đạo Tin Lành, Erich Wulf.
Bác sĩ dạy Y khoa tại Đại học Huế và tận mắt thấy những chi xẩy ra trong ngày
Phật Đản tại Đài Phát thanh Huế.
Từ Huế cuộc tranh đấu của Phật giáo
lan vào Saigon với cuộc lễ Cầu siêu to lớn cho nạn nhân đài Phát thanh Huế ngày
15.5. Cũng ngày 15.5 Phái đoàn Phật giáo yết kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm
trình bày các nguyện vọng Phật giáo. Nhưng chẳng đưa tới kết quả gì. Chùa Xá
Lợi của Hội Phật học Nam Việt ở Saigon trở thành trung tâm chỉ huy và xuất phát
các cuộc đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội. Đã có hàng nghìn
Tăng Ni biểu tình trước nhà Quốc hội. Đã có hằng trăm người đồng loạt cạo đầu
giữa công trường biểu thị cho lòng dân kết nối với cuộc đấu tranh của Phật
giáo.
Ngày 25.5 Ủy ban Liên Phái Bảo vệ
Phật giáo ra đời đưa cuộc đấu tranh lên toàn quốc. Phía chính quyền cũng
thành lập Ủy ban Liên bộ nhằm thương thảo. Nhưng chính quyền vẫn dằn co
không chấp nhận các yêu sách ôn hòa của Phật giáo. Mãi đến khi Ngài Quảng Đức
tự thiêu gây chấn động lương tri nhân loại, chính quyền mới thực sự muốn thương
thảo. Kết quả là Thông cáo chung ra đời ngày 16.6.1963, với chữ ký của Tổng
thống Ngô Đình Diệm. Thế nhưng ký xong lại nuốt lời, không thực thi các hứa
hẹn, nên Phật giáo lại tiếp tục đấu tranh theo cường độ ánh sáng xóa tan bóng
tối…
Ngọn Lửa Từ Bi rạng ngời thế giới
Vào lúc đó một sự kiện hi hữu xẩy ra
: Cuộc tự thiêu ngày 11.6.63 của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại góc đường Lê
Văn Duyệt – Phan Đình Phùng ở Saigon.
HT Thích Quảng Đức sinh năm 1897,
thế danh Lâm Văn Tức, sau đổi qua tên Nguyễn Văn Khiết do Hòa thượng Thích
Hoằng Thâm họ Nguyễn nhận làm con chính thức.
15 tuổi thọ Sa Di, 20 tuổi thọ Cụ
túc giới. Pháp danh Thi Thủy, pháp tự Hành Pháp, hiệu Thích Quảng Đức. Bước
chân hóa độ của ngài đã qua hết các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Nam. Sau 20 năm
hóa độ ngài đã trùng tu 17 ngôi chùa. Thường ở chùa Long Vĩnh nên người ta gọi
ngài là Hòa thượng Long Vĩnh. Trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo, Hội An Nam
Phật học tỉnh Khánh hòa thỉnh ngài làm Chứng minh Đạo sư năm 1932.
Ngài vị pháp thiêu thân năm 66 tuổi.
Chúng ta chứng kiến hai cách chết
trên trái đất này : Cây chết đứng, Người chết nằm.
Riêng Bồ Tát không chết đứng, không
chết nằm. Bồ tát chết thành Ngọn Lửa bừng cao xua lùa bóng tối, soi sáng cõi
lầm than, áp bức và phá trừ vô minh. Cái chết của Bồ Tát biểu hiện sự sống đã
hoàn thiện, tác động thành những cuộc sống tự do, kỳ diệu để chúng sinh sống
đời từ bi, giác ngộ.
Từ bi là công lý chứ không là những
động tác từ thiện mà thôi. Ngày nay, một số trong chúng ta biến từ bi thành ba
phải, thụ động.
Trong kinh sách như kinh Pháp hoa có
nói tới việc thiêu thân để cúng dường Chánh pháp và Đức Phật. Từ thiêu một ngón
tay đến thiêu một cánh tay, hay toàn thân. Trong Đại Việt sử ký Toàn thư cũng
từng ghi lại nhiều cuộc tự thiêu của các bậc cao tăng để cúng dường Chánh pháp
thời Lý, thời Trần. Ở miền Nam nơi vùng núi Thất sơn những năm đầu thế kỷ XX
người ta cũng chứng kiến nhiều cuộc tự thiêu âm thầm trong hóc núi của các ông
đạo như một quá trình tu chứng.
Tây phương quan niệm tự thiêu là tự
sát. Nhưng nghĩ vậy là không biết gì về văn hóa Ấn Độ hay Đông phương. Tự thiêu
tại Ấn Độ và truyền thống Phật giáo, là cách đo đãt sự tu chứng của người Tăng
sĩ đã thấu triệt đạo lý, hiểu rõ lý vô thường, coi tấm thân tứ đại là hình hài
giả tạm.
Cuộc tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức
biểu trưng cho pháp môn Vô úy thí, là bố thí hình thọ cho chúng sinh, tức bố
thí hình hài và thọ mạng của mình. Trong giáo lý Nguyên Thủy, tự thiêu biểu
trưng cho sự giải thoát.
Trường hợp ngài Quảng Đức, ngoài sức
tu chứng còn hiển lộ sự soi sáng vào cơn vô minh của chính quyền thời bấy giờ.
Trong thư để lại, Ngài Quảng Đức cầu nguyện cho Tổng Thồng Ngô Dình Diệm khi
viết rằng “Cầu hồng ơn Phật tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt
chấp nhận 5 nguyện vọng tổi thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên
ngôn”. Không mảy may thù hận với kẻ đàn áp, giết chóc đồng đạo mình.
Thi hào Vũ Hoàng Chương đã làm bài
thơ tuyệt tác “Lửa Từ Bi” định vị cho lòng từ bi qua ngọn đuốc tự thiêu
rực sáng lòng thương vô tận và tinh thần vô úy của Bồ Tát Quảng Đức.
Ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức ngỏ
ý tự thiêu trong một buổi họp tại chùa Xá lợi. Thượng tọa Thanh Long nói như
đùa rằng : Tự thiêu thường để lại Xá lợi, ngài tính để lại gì ? Hòa thượng
Quảng Đức bảo rằng : “Tôi sẽ để lại Trái Tim”. Quả đúng như thế, sau hai lần
thiêu nóng tới bốn nghìn độ. Trái tim Ngài không cháy. Đây là nhiệm mầu thứ nhất.
Đêm 20.8.63 quân đội chính quyền tấn
công chùa Xá Lợi, lùa bắt tất cả chư Tăng. Nhóm tấn công được lệnh phải tìm cho
ra Trái Tim ngài Quảng Đức mà chính quyền thời bấy giờ sợ như một biểu tượng
sống làm rung chuyển chế độ. Họ lục sạo khắp nơi, vất tung mọi thứ. Họ chẳng
tìm thấy Trái Tim Bồ Tát. Sau này Đại Cư sĩ Mai Thọ Truyền cho biết, chẳng giấu
vào đâu cả, Cư sĩ chỉ cất Trái Tim ấy trong hộc tủ đựng hồ sơ. Bạo quyền đã mù
mắt không thấy nhân tâm, nên không nhận ra trái tim của nhân dân hiện hữu trong
Trái Tim Bồ Tát. Đây là nhiệm mầu thứ hai.
Và hôm nay, nơi ngôi chùa Pháp Luân
này, chúng ta Kỷ niệm Năm Mươi Năm Pháp nạn lịch sử 1963 qua Ngọn đuốc phá trừ
Vô Minh của Bồ Tát Thích Quảng Đức, trong mầu nhiệm lịch sử, tôi cảm nhận Trái
Tim Ngài đã hòa nhập vào trái tim của mỗi chúng ta để cho đạo Phật trường tồn
trên quê hương Việt. Phải chăng đây không là mầu nhiệm thứ ba ?
Chùa Pháp Luân, 9.6.2013
Võ Văn Ái
[Nguồn : Thuyết trình nhân
Lễ Kỷ niệm 50 Năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013) tại chùa Pháp Luân,
Houston, Texas]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét