PHONG TRÀO PHẬT GIÁO NĂM 1963
MỘT CÁCH TIẾP CẬN
Hà Minh Hồng
Phạm Thị
Ngọc Thu
Từ năm 1963 đến nay, cứ mỗi dịp Đại lễ Phật đản, người Việt theo đạo
Phật hay không theo đạo nào lại không quên những ngày nóng bỏng năm Phật lịch
2507 ấy. Không quên, nhưng khi nhìn lại, thì lại có thêm lời bàn; dường như khoảng
cách thời gian càng lùi xa, càng cho phép nhìn lại rõ hơn và lời bàn càng chân
thực khách quan hơn. Nay thêm một cách tiếp cận nữa về Phong trào Phật giáo thời
điểm nửa thế kỷ trước.
1.
Phong trào Phật giáo 1963 không nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền
Diệm-Nhu, nhưng chính quyền ấy bị lật đổ có nguyên cớ từ phong trào Phật giáo
Có phải “cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm
(1-11-1963) là kết quả trực tiếp của phong trào Phật giáo và phong trào nhân
dân đô thị chống chính quyền Ngô Đình Diệm trong năm 1963”(1)? Nếu bắt đầu từ sự kiện từ ngày
5-8-1963, sẽ thấy các vụ việc trong gần 6 tháng kế tiếp đều kết nối khá logic
giữa phong trào Phật giáo với sự tồn vong một chế độ chính trị.
Ngày 8-5-1963, quần chúng Phật tử Huế biểu
tình đòi “Tự do tín ngưỡng”; “Đả đảo những kẻ chống lại tôn giáo”;
“Phật giáo bất diệt”. Chính quyền Ngô Đình Diệm huy động xe tăng và binh
lính đến đàn áp làm 8 Phật tử thiệt mạng, nhiều người khác bị thương.
Ngày
10-5-1963, Tăng Ni, Phật tử tại chùa Từ Đàm ra tuyên ngôn đòi chính quyền Ngô
Đình Diệm thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo.
Ngày
30-5-1963, tại Sài Gòn bốn trăm nhà sư biểu tình ngồi trước trụ sở Quốc hội; đồng
bào Phật tử các địa phương miền Nam, đặc biệt là sinh viên, hưởng ứng và tham
gia biểu tình, tuyệt thực lên án chính quyền chính Ngô Đình Diệm đàn áp tôn
giáo.
Ngày
3-6-1963, hàng trăm sinh viên Huế biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo. Cảnh sát
đàn áp và giải tán bằng hơi cay, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh phong tỏa
chùa Từ Đàm (Huế), chùa Xá Lợi (Sài Gòn).
Ngày
11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn, biểu thị cao nhất về
sự căm phẫn đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ đó thúc đẩy quần chúng tiếp tục cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô
Đình Diệm.
Ngày
16-6-1963, đồng bào Sài Gòn xuống đường biểu tình kéo đến chùa Xá Lợi, nơi đặt
thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức; Chính quyền Ngô Đình Diệm cho năm trăm
hiến binh, cảnh sát đến đàn áp và sau đó có một kế hoạch quy mô rộng lớn nhằm
đè dập tắt phong trào.
Ngày
18-8, tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, 30.000 người tuyệt thực và cầu siêu cho những
người đã hy sinh trong cuộc tranh đấu.
Đêm
20-8-1963, Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng giới nghiêm và cho quân đội tấn
công tất cả các chùa, trọng điểm là chùa Xá Lợi (Sài Gòn), chùa Từ Đàm (Huế), bắt
các nhà lãnh đạo Phật giáo và những thành phần tham gia phong trào (TT. Thiện
Minh bị bắt ở chùa Từ Đàm Huế, TT. Tâm Châu, Huyền Quang và tất cả hàng lãnh đạo
Phật giáo đều bị bắt ở Sài Gòn, TT. Trí Quang bị bắt ở chùa Xá Lợi…)
Ngày
22-8-1963, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố không tán thành chính sách đàn áp Phật
giáo của Diệm – Nhu. Cabodge Lodge đến Sài Gòn nhận chức Đại sứ; và ngày
1-11-1963, cuộc đảo chính lật đổ Diệm – Nhu cùng chế độ độc tài gia đình trị.
Nhưng
thực ra phong trào Phật giáo 1963 không phải là nguyên nhân trực tiếp của cuộc
đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và nền đệ nhất cộng hòa. Bởi ngay từ đầu
và suốt thời gian sau đó, phong trào Phật giáo 1963 đã không xác định mục tiêu
chống chính quyền.
Tổng hội Phật giáo miền Trung trước và trong ngày 8-5-1963 khi đưa
ra yêu cầu đòi được treo cờ Phật trong ngày Phật đản đã chủ trương: Bất bạo động;
Phản đối chính sách bất công về tôn giáo; Không chống chính phủ (TG nhấn mạnh);
Không chống đạo Thiên Chúa; Tự do tín ngưỡng Phật giáo; Bình đẳng tôn giáo.
Bản
Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 gửi Tổng thống Diệm cũng nêu rõ nguyện vọng: Yêu cầu
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện cấm treo cờ tôn giáo
nơi công cộng; Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội
truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10; Yêu cầu
chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo; Yêu cầu cho
Tăng Ni, Phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo; Yêu cầu chính phủ bồi thường
thích đáng cho những người chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị xét xử.
Bản
Phụ đính ngày 23-5-1963 giải thích rõ hơn lập trường thuần tôn giáo là:
1. Phật giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ (tác
giả nhấn mạnh) để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự thay đổi
chính sách của chính phủ.
2. Phật giáo Việt Nam không
có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không
phải là Thiên Chúa giáo mà là chính sách bất công tôn giáo.
3. Cuộc tranh đấu của Phật
giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng
xã hội.
4. Cuộc tranh đấu của Phật
giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động.
5. Phật giáo Việt Nam không
chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo
và công bình xã hội.
Những
hoạt động của phong trào trong suốt thời gian đấu tranh dù có quyết liệt không
khoan nhượng, không lùi bước trước áp lực và bạo lực của chính quyền Diệm, thậm
chí không chấp nhận hòa giải với chính quyền Diệm; nhưng trước sau vẫn chỉ thấy
rõ một phong trào bất bạo động, tay không (không vũ khí) và không hề có xu hướng
bạo lực, dù chỉ là một khẩu hiệu đòi lật đổ chính quyền Diệm.
Điều đó không chỉ là hiện thân của đức từ bi trong giáo lý căn bản
của Phật, mà còn có thể làm cơ sở để bác bỏ mọi gán ghép phong trào Phật giáo với
hoạt động Việt cộng hay Cộng sản hay với bất cứ mâu thuẫn chính trị nào liên
quan đến sự tồn vong của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cũng không thể gán ghép sự
bùng nổ của phong trào với mâu thuẫn tôn giáo hay mâu thuẫn cá nhân nào ở miền
Nam Việt Nam; bởi trước sau phong trào Phật giáo lúc này vẫn không chủ trương lấy
oán báo oán, mà dựa trên cơ sở lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Tính
độc lập của phong trào xuất phát từ giáo lý nhà Phật và quyền lợi thực tế của
tín đồ, nhất là khi niềm tin và giáo lý bị xâm phạm thì đấu tranh của Phật giáo
trước hết để đòi phục hồi lẽ phải. Ngược lại, chính quyền Diệm-Nhu đã tiếp tục
chính sách thù địch đối với đạo Phật và thẳng tay đàn áp phong trào Phật giáo
năm 1963. Cho đến sau ngày chiến dịch Nước
Lũ (20-8-1963), phong trào Phật giáo đã chịu tổn thất lớn và hoàn toàn cam
chịu kết quả đấu tranh với tác dụng to lớn nhất là liên kết và thống nhất các hệ
phái ở miền Nam; như thế dường như phong trào Phật giáo năm 1963 không có liên
hệ gì đến kế hoạch – lực lượng – hành động – kết quả cuộc đảo chính diễn ra sau
đó hơn 2 tháng rưỡi.
Tuy
vậy vẫn có thể thấy nguyên cớ của cuộc đảo chính ít nhiều liên quan đến phong
trào to lớn nhất ở Nam Việt Nam trong thời gian này. Truy ngược lại sẽ thấy:
- Ngày 22-8-1963 (một ngày
sau chiến dịch Nước Lũ của chính quyền Diệm), Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố
không tán thành chính sách đàn áp Phật giáo của Diệm - Nhu và cử Cabodge Lodge
đến Sài Gòn nhận chức đại sứ nhằm thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng”, mở
đường cho cuộc đảo chính ngày 1-11-1963.
- Trước đó, ngày 14-7-1963,
Phật giáo chính thức tái phát động đấu tranh đòi chính quyền thực thi Thông cáo
chung. Đại sứ Nolting vẫn bênh vực Diệm, nhưng cũng khuyên Diệm nên khôn khéo
hơn.
- Trước đó nữa, ngày
25-6-1963, khi Richardson thuyết phục Nhu nên hòa hoãn, thì Nhu thẳng thừng bác
bỏ vì cho rằng các cuộc biểu tình của Phật giáo là phi pháp và hăm dọa trầm trọng
đối với chế độ. Nhu muốn cho Mỹ biết đừng bắt bí Tổng thống Diệm phải nhượng bộ
quá nhiều.
- Từ sau ngày 11-6-1963, người
phụ trách cơ quan tình báo CIA là Colby đã nhận thấy dân chúng Nam Việt Nam
không đứng sau lưng chính quyền Diệm nữa và vì thế dân Mỹ sẽ không ủng hộ chính
sách Mỹ ở Nam Việt Nam nữa. Washington qua Phó Đại sứ William C. Trueheart báo
cho chính quyền Diệm biết chưa chủ trương lật Diệm nhưng khuyến cáo Diệm phải
giải quyết vấn đề Phật giáo.
Như thế, phong trào Phật giáo năm 1963 với những sự kiện khởi điểm
là Phật đản, sự kiện nhảy vọt là cuộc tự thiêu và sự kiện đỉnh điểm là cuộc đàn
áp chiến dịch nước lũ, đã làm cơ sở cho Mỹ xem xét chính sách rồi đi đến quyết
sách về cuộc đảo chính lật đổ Diệm-Nhu để bảo toàn chế độ thực dân mới của họ ở
Nam Việt Nam.
2. Phong
trào Phật giáo 1963 là một bộ phận của phong trào dân tộc, nhưng không thể trở
thành ngọn cờ dân tộc chống đế quốc và chiến tranh thực dân mới được
Phong
trào Phật giáo năm 1963 diễn ra trong bối cảnh phong trào dân tộc chống Mỹ-Diệm
và chiến tranh thực dân mới ở miền Nam Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Đó
là thời kỳ các tầng lớp nhân dân ở miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ (1954) đấu
tranh chống chia cắt đất nước, đòi thi hành Hiệp định hòa bình, đòi hiệp thương
tiến tới tổng tuyển cử, đòi dân sinh dân chủ, chống khủng bố tố cộng diệt cộng...
Từ năm 1960 trở đi, phong trào dân tộc ở miền Nam đã chuyển theo xu thế mới với
những cuộc nổi dậy khởi nghĩa từng phần nổ ra đồng loạt ở nhiều vùng nông thôn
và rừng núi miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng MNVN
ra đời đã tập hợp tất cả các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp, giai cấp, đảng
phái, đoàn thể, cùng thực hiện một mục tiêu chung của dân tộc là giải phóng miền
Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Từ đó đồng bào các tôn giáo, các dân
tộc, công nhân và nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức và nhiều tầng lớp
khác ở thành thị và nông thôn miền Nam đã liên tục đấu tranh chống chính quyền
Diệm-Nhu dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
-
Phong trào học sinh, sinh viên, giáo chức nổ ra ở Sài Gòn, Huế và các đô thị miền
Nam vì tự do học đường, vì nền văn hóa dân tộc.
-
Phong trào công nhân ở các đô thị và vùng công nghiệp đòi cải thiện điều kiện
lao động và lương bổng.
-
Phong trào nông dân các vùng nông thôn (kể cả nông thôn ngoại thành) chống xáo
canh, chống truy tô, chống chế độ điền địa.
-
Phong trào của các tôn giáo (trước hết là đạo Phật, sau đó là Cao Đài, Hòa Hảo)
đòi tự do tôn giáo, đòi bình quyền.
Như vậy, phong trào Phật giáo chỉ là một bộ phận trong phong trào
dân tộc đương thời. Tính bộ phận của phong trào Phật giáo trước hết xuất phát từ
căn nguyên của giáo lý về dân tộc và cộng đồng, về bình đẳng và công bằng; sau
đó và đồng thời với tính thuần tôn giáo ấy, là sự gặp gỡ và trùng hợp đương
nhiên với những nhiệm vụ, mục tiêu, tính chất của phong trào dân tộc ở miền Nam
Việt Nam trong thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân mới – một thứ chủ nghĩa thực
dân giấu mặt trá hình qua chính thể Việt Nam Cộng hòa do gia đình họ Ngô làm đại
diện. Phong trào Phật giáo 1963 vì vậy có tính dân tộc, dân chủ, phù hợp với
yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu chung của dân tộc và cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
Trong yêu cầu, nhiệm vụ chung ấy của phong trào dân tộc và cách mạng, những hoạt
động thuần tôn giáo như phong trào Phật giáo năm 1963 đã đóng góp tích cực vào
quá trình chống lại bất bình đẳng, đòi tự do dân chủ, chống chủ nghĩa thực dân
mới. Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức và các chư tăng trong những
năm 1963-1965 không chỉ tiêu biểu cho
tinh thần tôn giáo, mà còn là những tấm gương anh hùng của dân tộc, có tác
dụng cổ vũ lớn lao cho phong trào dân tộc chống chủ nghĩa thực dân mới. Sức mạnh
từ sự chịu đựng khổ đau cùng cực nhất qua hành động tự thiêu, nhằm để bảo vệ
cho con người, để chết cho người khác, tạo dựng một ý chí quyết tâm mới cho mọi
người; như thế hoàn toàn phù hợp với tinh thần bất diệt của người anh hùng và
là những minh chứng hùng hồn của tính chất chính nghĩa trong cuộc kháng chiến của
dân tộc chống xâm lược thực dân mới Mỹ.
Nhưng
lịch sử cũng cho thấy phong trào của bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam chưa bao giờ
phát triển trở thành dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ của lịch sử dân tộc đặt
ra. Phong trào Phật giáo năm 1963 có xu hướng phát triển thành trung tâm phong
trào đô thị và có khả năng giương lên ngọn cờ dân tộc, nhưng cuối cùng chỉ trở
thành đối tượng tấn công của kẻ thù mà thôi.
Từ lễ Phật đản
ở Huế chuyển thành cuộc mít-tinh và biểu tình tuần hành trên các đường phố; lập
tức cảnh sát và quân đội của chính quyền Diệm được điều động đến để giải tán bằng
vòi rồng xịt nước, lựu đạn cay và xe tăng được lệnh lao vào đám đông… Đã có 8
Phật tử chết và nhiều người bị thương; nhưng bất chấp đàn áp, phong trào quần
chúng Phật tử vẫn sục sôi đấu tranh; cùng với Huế, mít-tinh, biểu tình, tuyệt
thực cũng được tổ chức ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ… Khi tuyệt thực của
hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đang diễn ra tại chùa Xá Lợi, thì cuộc tự thiêu của
Hòa thượng Thích Quảng Đức “châm lên ngọn lửa căm hờn trong các trung tâm
thành thị khắp Nam Việt Nam”(2). Phong trào phát triển nhanh lên đỉnh cao
quyết liệt, lễ tang Hòa thượng Thích Quảng Đức biến thành cuộc biểu tình của
hàng vạn đồng bào, Phật tử, học sinh sinh viên tuần hành khắp Sài Gòn và nhiều
thành phố khác. Chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng giới nghiêm và
cho lực lượng quân sự, cảnh sát đồng loạt tấn công các chùa lớn của Sài Gòn-Gia
Định, khám xét tất cả những ngôi chùa chính trên toàn miền Nam, hàng nghìn
thanh niên sinh viên học sinh, trí thức, giáo viên, không kể là Phật tử hay
không, bị bắt giam…
Các
lực lượng cách mạng ở Sài Gòn và nhiều đô thị miền Nam đã có tổ chức và phong
trào đấu tranh từ sau đồng khởi. Trước diễn biến phong trào Phật giáo đã có nhiều
bộ phận Phật tử tham gia vào đấu tranh cho mục tiêu tôn giáo, nhưng chưa đủ điều
kiện (về tổ chức, lực lượng, hoạt động quân sự) để phong trào đấu tranh chính
trị của quần chúng cách mạng phối hợp với phong trào Phật giáo.
Cũng
không hề thấy phong trào Phật giáo năm 1963 lôi kéo thêm đồng minh nào làm hậu
thuẫn để chớp lấy thời cơ thuận lợi nhằm tới mục tiêu chính trị về quyền lực
trong thời điểm “nhạy cảm” – thời điểm đấu tranh cho mục tiêu bình đẳng tôn
giáo, trong khi các đô thị và nông thôn ở Sài Gòn, Huế cũng như nhiều địa
phương miền Nam vốn đang có nhiều tôn giáo (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên…) từng
bị chính quyền Diệm thanh trừng trong những năm 1955-1956, nay đã phục hồi và
có thể phục thù.
Phong
trào Phật giáo năm 1963 phát triển hoàn
toàn độc lập và không hề bị lôi kéo bởi lực lượng nào, cho dù lúc đó ở miền
Nam có nhiều bộ phận mâu thuẫn với chế độ gia đình trị của Diệm-Nhu, nhất là
qua việc xử những người tham gia đảo chính đầu năm 1960 (Có ít nhất mười nhóm
âm mưu đảo chính của các tướng tá trẻ trong quân đội và chính quyền Sài Gòn).
Không thể đòi hỏi một tôn giáo vốn Từ bi Hỷ xả, Vô ngã Vị tha, Cứu
khổ Cứu nạn, lại có thể tự trang bị vũ trang trong đấu tranh như lực lượng quần
chúng trong đấu tranh cách mạng được. Phong trào Phật giáo năm 1963 đã có thể tạo
ra sự thống nhất các hệ phái Phật giáo miền Nam, góp phần quan trọng vào phong
trào vùng chiến lược đô thị trong đấu tranh chống chế độ gia đình trị họ Ngô,
góp phần thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, khi phong
trào Phật giáo có thể chuyển thành bạo lực cách mạng quần chúng, thì tinh thần
từ bi của nhà Phật đã chi phối trong các bộ phận lãnh đạo phong trào (Tổng hội
Phật giáo, Ủy ban Liên phái, các vị Hòa thượng…), làm triệt tiêu cả khả năng tự
vệ vốn có của quần chúng Phật tử trước bạo lực tàn bạo của kẻ thù, cam chịu “chấp
nhận một sự hy sinh đến cùng độ”. Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt
Nam, lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã ban hành Thông bạch
quy định phương thức tiến hành cuộc tranh đấu theo tinh thần bất bạo động rằng,
nếu đi tụng kinh và tuyệt thực để cầu nguyện mà bị ngăn chặn lại thì dầu mấy
người cũng ngồi xuống niệm xong 100 tiếng niệm Phật rồi trở về. Nếu bị bắt thì
tất cả cùng xin vào tù. Nếu chùa bị bao vây thì bình tĩnh cầu nguyện cho đến chết.
3. Dường
như Ngô Đình Diệm và chế độ gia đình trị họ Ngô là đối tượng chính yếu của
phong trào Phật giáo 1963, nhưng thực tế đó cũng chỉ là sản phẩm của chính sách
thực dân mới Mỹ mà thôi
Chính
chế độ chính trị do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống phân biệt đối xử với đạo Phật,
tuyên chiến với đạo Phật ngay trong ngày Phật đản, là nguyên nhân trực tiếp cho
phong trào Phật giáo năm 1963.
Chế
độ ấy là gia đình trị với những người như Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, Cố vấn
Ngô Đình Nhu, Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân, Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn triệt
tiêu Phật giáo. Những tuyên bố của Ngô Đình Thục (“lá cờ chỉ là một miếng vải
ba xu có chi mà phải tranh đấu...”(3)), Ngô Đình Nhu (“sẽ xuống tay với
chùa Xá Lợi”(4)), Ngô Đình Diệm (bắt giữ “bọn Tăng Ni làm loạn”) và
của Trần Lệ Xuân (sẽ “phá tan Phật giáo”(5)) đã nói rõ bản chất thù hằn
của gia đình họ Ngô đối với đạo Phật; đặc biệt là những lời lẽ của Trần Lệ Xuân
khi chế giễu việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, là rất bất nhã, đầy
miệt thị và khiêu khích. Gia đình trị họ Ngô phản công đạo Phật bằng cách triển
khai các chiến dịch rộng lớn, sử dụng các tổ chức Thanh niên Cộng hòa, Phụ nữ
Liên đới, các cơ quan chính quyền như Thông tin dân vận, Thương phế binh, Mật vụ,
Công an, Cảnh sát, đặc biệt là quân đội để đàn áp, khủng bố, bắt giam, ám sát,
bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu, kết hợp với vu khống, hăm dọa, cô lập phong trào Phật
giáo trong khoảng thời gian khá dài từ 8-5 đến 21-8-1963.
Chế độ ấy
không có chính sách và biện pháp nào thích hợp với tôn giáo ngoài biện pháp dùng
công cụ bạo lực đàn áp. Ngay từ buổi đầu thiết lập chế độ Việt Nam Cộng hòa,
chính quyền Diệm-Nhu đã dùng biện pháp bạo lực của cảnh sát, quân đội là chính
để thực hiện bình định, gây nên các cuộc xung đột tàn bạo trong các vụ thanh
toán lực lượng Đại Việt, lực lượng Bình Xuyên, các tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo. Sau vụ bị ám sát hụt ở Buôn Mê Thuột, Ngô Đình Diệm cùng
Ngô Đình Nhu càng tập trung nắm vững công cụ vũ trang và biện pháp mạnh để giải
quyết nhóm Caravelle, lực lượng đảo
chính của Nguyễn Chánh Thi, cuộc ném bom Dinh Độc Lập… Đối với Phật
giáo, ngay trong ngày lễ Phật đản và Phật tử tụ tập ở Đài phát thanh Huế, chính
quyền Diệm đã sử dụng xe bọc thép và binh lính nổ súng gây đổ máu. Trong các cuộc
biểu tình tay không của quần chúng không hề có tự vệ trong khuôn viên các chùa
Xá Lợi, Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang… thì cảnh sát có vũ trang và quân đội của
chính quyền Diệm vẫn được sử dụng để trấn áp, dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói,
chó nghiệp vụ để giải tán khiến hàng trăm người bị thương. Đặc biệt chính quyền
Diệm chủ động phát động “chiến dịch nước lũ” huy động cảnh sát, quân đội và lực
lượng đặc biệt đồng loạt tấn công các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Từ Đàm, Diệu Đế,
Linh Quang cùng hầu hết các chùa khác; cho bắn vào mặt tượng Phật, bắt giam
1.400 nhà sư và nhiều lãnh đạo Phật giáo, dùng dây thép gai quây các chùa…
Nhưng
suy cho cùng, chế độ gia đình trị Diệm-Nhu lại là sản phẩm trực tiếp của chính
sách thực dân mới của Mỹ mà thôi.
Thực
tế là không có chính sách thực dân của Mỹ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, thì cũng
không có chính quyền Diệm-Nhu và không có chế độ gia định trị họ Ngô. Mỹ đưa
Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng và từ đó bắt đầu quá trình thiết lập chế độ
Việt Nam Cộng hòa ở Nam Việt Nam. Mỹ viện trợ và đảm bảo mọi mặt cho chính quyền
Diệm-Nhu trở thành chính quyền có đủ các công cụ cần thiết để thiết lập nền
chuyên chính độc đoán và chống cộng. Sản phẩm đưa đến là Diệm cần có Mỹ và Mỹ cần
có Diệm – Mỹ-Diệm cần có nhau. Trong đó Mỹ cần có chính quyền Diệm như thế để
minh chứng cho thành công chính sách thực dân mới; ngược lại chính quyền Diệm-Nhu
cần có sự viện trợ và liên minh với Mỹ như thế để củng cố, tồn tại. Thành công
của cả Mỹ và chính quyền Diệm-Nhu ở Nam Việt Nam là tạo nên được sự hỗ trợ lẫn
nhau trong việc tạo dựng một chính thể Việt Nam cộng hòa trong quỹ đạo thế giới
tự do kiểu Mỹ. Quan hệ Mỹ-Việt Nam Cộng hòa là quan hệ bất bình đẳng nhưng lệ
thuộc lẫn nhau.
Nhưng từ năm 1960 trở đi, khi phong trào cách mạng bùng nổ và chuyển
sang chiến tranh cách mạng, thì sản phẩm của sự liên minh cần có nhau trên đây
đứng trước nguy cơ bất ổn. Yêu cầu của tình hình thực tế ở Nam Việt Nam là: Mỹ
phải thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để chống nổi dậy và giữ vững ổn
định chế độ Diệm-Nhu; trong khi đó chính quyền Diệm-Nhu phải đẩy mạnh chính
sách và biện pháp bạo lực, phát huy ảnh hưởng chế độ gia đình trị họ Ngô.
Mâu
thuẫn nảy sinh khi chính sách và biện pháp bạo lực của chính quyền Diệm-Nhu
không đáp ứng đúng yêu cầu của Mỹ trong chính sách thực dân mới; đồng thời cũng
không có khả năng tự ổn định tình hình; càng ngày họ càng cách xa nhau về nhận
thức tình hình và giải pháp đối phó. Đặc biệt là qua việc đối phó với phong
trào Phật giáo năm 1963, Mỹ thấy Diệm-Nhu và chế độ gia đình trị họ Ngô không
còn là công cụ đáp ứng cho việc duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở Nam Việt Nam
(bất kể phong trào Phật giáo đưa đến kết quả như thế nào).
Cách
giải quyết mâu thuẫn ấy theo lối quen dùng của Mỹ là chọn phương án “thay ngựa
giữa dòng”. Phương án ấy thật đơn giản: Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, xử
lý thường vụ Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk ký gửi cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn
Lodge bức Công điện ngày 24-8-1963 về việc Ngô Đình Nhu đã tiếm quyền, về việc
hãy cho Diệm cơ hội gạt Nhu và bè nhóm ra một bên, nếu Diệm vẫn khăng khăng từ
chối, thì Diệm cũng không cứu được… Mọi việc kể như xong và ngày 1-11-1963 kịch
bản được thực hiện.
Rõ
ràng chính sách thực dân mới của Mỹ là nhân tố cơ bản để nhìn nhận chính quyền
Diệm-Nhu trong trường hợp phong trào Phật giáo năm 1963. Hình ảnh “giọt nước
tràn ly” như thế có thể chỉ là một trong những điểm nhấn đáng chú ý, chưa thể
là toàn bộ bản chất vấn đề khi tiếp cận phong trào Phật giáo năm 1963.
* * *
Phật
giáo từ lâu trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã là tôn giáo của nhiều tầng lớp
nhân dân chiếm số đông nhất trong tỷ lệ dân cư. Trong thời kỳ từ sau Hiệp định
Giơnevơ đến trước sự biến 1963, phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam là một
bộ phận của phong trào dân tộc. Chính trong khuôn khổ ấy, phong trào Phật giáo
đã bộc lộ toàn diện và đầy đủ chức năng yêu cầu của đạo pháp thời hiện đại.
Phong trào Phật giáo năm 1963 góp phần quan trọng vào lung lay chế độ thực dân
mới và tạo ra nguyên cớ cho cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô. Mỹ
đã tận dụng tối đa phong trào Phật giáo để thực hiện các mục tiêu trước mắt
trong việc duy trì chủ nghĩa thực dân mới, nhưng Mỹ không thể hiểu được bản chất
phong trào chính trị của một dân tộc có Phật giáo từng làm quốc giáo trong lịch
sử, năm 1963 từng giữ ngọn cờ chính đạo của phong trào yêu nước công khai ở miền
Nam Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 5-2013
CƯỚC
CHÚ
1. Lê
Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm
(1/11/1963).
2.
Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng. Theo Lịch sử Nam bộ
kháng chiến. Nxb CTQG, H.2011, tr.296.
3.
Ngô Đình Thục nói chuyện với đại diện quân cán chính tại đại giảng
đường Đại học Văn khoa (Huế) sau ngày
Phật đản 8-5-1963.
4.
Tuyên bố của Nhu đăng báo New York Times ngày 5-8-1963.
5.
Trả lời báo Life số ra ngày 16-8-1963.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Nam Bộ kháng
chiến (1945-1975). Tập II. Nxb CTQG H.2011.
2. Lịch sử kháng chiến chống
Mỹ cứu nước (1954-1975), tập III. Nxb CTQG H.2008.
3. Philip B. Davidson. Những
bí mật của cuộc chiến tranh Việt Nam (Sách tham khảo). Nxb CTQG, H.1995.
4. Viện Lịch sử Quân sự Việt
Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam,
H.1991.
5. Hồi ký Hoành Linh Đỗ Mậu.
Tâm sự tướng lưu vong. Nxb Công an Nhân dân H.2001.
6. Trần Văn Giàu. Miền
Nam giữ vững thành đồng, Tập II. Nxb KHXH H.1966.
7. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm
1963, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2008.
[Trích từ:
Kỹ yếu Hội thảo “Nhìn lại Phong trào Phật
giáo miền Nam năm 1963”, Trường ĐHQG/TpHCM và Học Viện PGVN/TpHCM, Bình
Dương, 6/2013]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét