PHẬT GIÁO
MUỐN GÌ?
Cao Huy
Thuần
GNO - Tại Đại lễ kỷ
niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (Khánh Hoà, 28 đến
30-5-2013), Giáo sư Cao Huy Thuần đã có buổi thuyết trình đề tài "Từ áo
lam tử đạo đến Ngọn lửa Quảng Đức". Sau đây là một phần nội dung được
trích từ bài nói chuyện của Giáo sư trước hai ngàn thính chúng là Tăng Ni, trí
thức, Phật tử và tuổi trẻ tại xứ Trầm Hương - quê hương của Bồ-tát Thích Quảng
Đức.
Giáo sư Cao Huy Thuần tại Đại lễ kỷ niệm Bồ-tát Quảng Đức (chùa
Long Sơn, Nha Trang)
Pháp nạn năm 1963 mở đầu cho một sự tham dự trực
tiếp của Phật giáo vào tình hình của thời cuộc gây nên do chiến tranh và sự lợi
dụng chiến tranh để nắm giữ quyền hành của dư đảng ông Diệm. Lần đầu tiên, tên
gọi “Phật giáo dấn thân” xuất hiện trên báo chí. Phật giáo làm chính trị chăng?
Xin bàn một chút về lý thuyết, không ra ngoài
phạm vi của đề tài năm 1963. Thế nào là “dấn thân”? Năm 1963 chẳng phải là dấn
thân đó sao? Như đã nói, các nhà lãnh đạo Phật giáo hồi đó luôn luôn muốn hành
động của mình không rời lý thuyết để không ai. Vì vậy, dấn thân của sự kiện năm
1963 cũng như sau năm 1963 là dấn thân trên mặt trận văn hóa, không phải dấn
thân vào chính trị. Dấn thân theo nghĩa đó không mới mẻ gì trong lịch sử Phật
giáo. Đó chỉ là tinh thần nhập thế trong đạo Phật. Vậy thì, thế nào là xuất
thế, thế nào là nhập thế?
Phật giáo xuất thế gian, đúng vậy, nhất là đối
với người xuất gia. Chùa chiền thì xây trên núi. Cách sống thì xa lánh cõi
trần. “Cạo bỏ râu tóc, làm bậc sa môn,
tiếp nhận lấy đạo, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ, mỗi ngày
đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm. Làm
cho người u mê tồi tệ chính là ái dục”. Phật đã dạy như vậy trong Kinh 42
bài.
Mẫu mực đó đâu phải là của người dấn thân vào những
tranh đấu trong xã hội? “Tu” là để giải thoát. Mà người giải thoát là người đã
thấy rõ sự vật là vô ngã, vô thường. Thấy rồi thì sinh tâm nhàm chán, cắt bỏ
phiền não vô minh, đoạn trừ luân hồi sinh tử. Vậy thì tại sao các ông sư thời
63 biểu tình tuyệt thực? Lý tưởng là diệt khổ, đeo thêm cái khổ chính trị làm
chi? Đó là miệng lưỡi của chính quyền trong những năm 1963 để an trí các ông sư
trong chùa.
Xuất thế đâu phải vậy! Lấy lý thuyết mà nói,
Phật giáo nhìn thực tại dưới hai mặt: một mặt thuộc về tục đế, một mặt thuộc về
chân đế, nói nôm na là cái thấy ở cấp dưới và cái thấy ở cấp cao tột.
Ở tục đế, khi chưa giải thoát, ta thấy có sinh
lão bệnh tử, có khổ cần phải diệt, có niết bàn để hướng đến. Khi đã giải thoát,
khi phiền não đã phá tung, nhận thức thay đổi: những thứ trước đây gọi là khổ,
là sinh lão bệnh tử, thì nay được nhận ra không còn là khổ nữa. “Nếu cần sinh
ra thì sinh, đến lúc già thì già, nếu phải bệnh thì bệnh, rồi khi chết thì
chết”. Khổ đã không thấy thì niết bàn cũng không thấy, vì ta đã sống trong đó
rồi. An vui, thanh thản, vững chắc trong cái mà trước đây ta gọi là khổ. Ta rời
cái thấy về khổ ở tục đế để đạt đến cái thấy về khổ ở chân đế. Và như vậy, niềm
vui xuất thế gian không còn là niềm vui đối nghịch với khổ nữa, vì khổ còn đâu
nữa mà đối nghịch? Khổ đã không còn thì tất cả đều không còn, kể cả không còn
tu. Kinh Bát Nhã nói: “không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không thanh, hương,
vị, xúc, pháp” là thế, là tất cả đều không. Sự thật thế gian đã đi sang xuất
thế gian. Và vì tất cả đều không nên Kinh nói: giải thoát ra khỏi mọi khiếp sợ.
Nhưng tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng biện
chứng. Biện chứng cả trong lý thuyết lẫn hành động. Trong lý thuyết, chân đế
không rời tục đế. Phải thấy cái khổ ở mức tục đế rồi mới siêu việt cái khổ ở
mức chân đế. Không còn thấy cái khổ nữa ở mức chân đế không có nghĩa là không
biết có khổ ở mức tục đế. Cái thấy ở xuất thế gian không có nghĩa là không biết
cái thấy ở mức thế gian. Có cái này rồi mới biết có cái kia. Khi có cái kia rồi
vẫn biết nhân gian còn có cái này. Cho nên xuất thế gian không rời thế gian.
Tư tưởng biện chứng đưa đến hành động biện
chứng. Thấy tất cả đều không thì không còn gì là chướng ngại. Ngay đến kẻ thù
cũng không còn là kẻ thù. Dưới con mắt của chân đế, kẻ thù chỉ là nạn nhân của
khổ mà chính họ không biết. Thì ta phải giải khổ cho họ với lòng từ bi! Căn bản
của tranh đấu bất bạo động là như vậy. Thấy kẻ thù không phải là kẻ thù, chỉ là
đối phương mà tình thương của ta sẽ làm hóa giải. Không thấy được điều đó thì
không hiểu được ngọn lửa Quảng Đức. Thì không thể hiểu được tại sao Vũ Hoàng
Chương lại đặt tên cho bài thơ bất hủ của ông về ngài là “Lửa từ bi ”. Vì ngài có cái nhìn xuất thế gian nên mới có hành động
nhập thế đến mức ấy.
Đông đảo thính chúng là Tăng Ni, trí thức, Phật tử và tuổi trẻ tham dự
Giữa xuất thế và nhập thế, hai bên qua lại thong
dong, không có biên giới. Tôi đọc một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm:
“Ngài Trì Địa Bồ-tát bạch với đức Phật: ‘Con nhớ xưa làm người xuất gia, bấy giờ
đường sá, sông biển, ruộng đất, núi non, tất cả chỗ ấy nơi nào có chi chướng
ngại, hại cho sự đi lại và sự chuyên chở, thì con san bằng phẳng, làm cầu cống,
lấp hầm hố. Siêng khó như vậy trải qua vô số kiếp. Có ai cần người mang gánh
giúp thì con mang gánh trước, đến tận chỗ họ muốn rồi con để xuống, đi ngay,
không lấy tiền thuê. Mãi đến thời kỳ đức Tỳ Xá ra đời, bấy giờ thế gian đói khổ
lắm, con làm người gánh chở giúp, bất kể xa gần. Chỗ nào xe, đò bị mắc kẹt, thì
con rán sức xô đẩy. Quốc chúa nước con lúc đó thiết trai cúng dường đức Tỳ Xá
Thế Tôn, con bèn san đắp bằng phẳng đường đi để đón chờ. Khi ngài đi qua, xoa
đầu con mà bảo: Hãy bình tâm địa thì thế giới đại địa đều bình’”.
Đó là nhập thế. Xuất thế ngay lập tức không
chướng ngại:
“Nghe lời
ấy, tâm trí con tức thì khai ngộ. Con thấy những đan vị cực nhỏ tạo thành thân
con cùng với những đan vị cực nhỏ tạo thành vũ trụ đều bình đẳng không sai
biệt. Tánh của những đan vị ấy không xúc chạm nhau, cho đến binh đao khí giới
cũng đều như vậy, không hề đụng chạm lẫn nhau”. Không ở đâu biện chứng xuất
thế và nhập thế hiển lộ cụ thể hơn nơi con người Trần Thái Tông và Sư Trúc Lâm.
Trần Thái Tông muốn gì khi bỏ kinh đô lên Yên Tử? “Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm lục Phật pháp
để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó để đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn
sao?”. Vua nói thêm: “Lại nghĩ sự
nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không tường, cho nên Trẫm đến núi
này chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác”. Ấy là Trần Thái Tông muốn
xuất thế.
Và Sư Trúc Lâm, người đã xuất thế rồi, đã ở trên
non rồi, khuyên gì nhà vua? Hãy nhập thế! “Phàm
làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm
của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ Hạ trở về, Bệ Hạ không
về sao được. Song phải nghiên cứu nội điển, mong Bệ Hạ đừng xao lãng”.
Nghĩa là hãy nhập thế, nhưng hãy học xuất thế. Nếu ngày nay, ai làm vua làm
quan mà biết xuất thế như vậy, cái bả quyền lực phú quý đâu còn ngậm chặt trong
lưỡi! Khi vào thì làm đầy tớ cho dân cũng làm như kinh Lăng Nghiêm dặn thế, khi
ra thì không vướng ngại, không thấy sai biệt, ra vào với một tâm bình đẳng.
Tôi nhắc một chút lý thuyết như vậy để làm rõ
cái ý muốn đanh thép của các vị lãnh đạo phong trào Phật giáo năm 1963. Các vị
ấy dấn thân vào một cuộc tranh đấu dù sao cũng dính dáng đến chính trị nhưng họ
không muốn vướng mùi bùn chính trị. Trước mắt họ là tấm gương sáng ngời của các
vị quốc sư trong lịch sử, vua vời đến để hỏi chuyện chính sự thì nói chính sự,
nhưng nói xong thì rút về chốn núi non. Mà chuyện “chính sự” của các quốc sư ấy
không phải là thứ chính trị nhỏ nhặt, đó thường là cái thế để giữ nước trường
tồn, nghĩa là những nguyên lý mà tính chất văn hóa, đạo lý là căn bản.
Tôi trích vài đoạn phản ánh ý muốn không lay
chuyển nói trên có liên quan đến thời sự 1963:
“Tại sao
người xuất gia không thể tham gia chính trị và quân sự?
1.
Trước hết, dù ở trong trường hợp tự vệ, quân sự cũng vẫn là một hành động trái
với nguyên tắc tôn trọng sự sống, huống chi là trường hợp khác. Trong trường
hợp tự vệ, vì cái tinh thần vô úy hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, người Phật
tử tại gia phải làm, bất đắc dĩ phải làm. Còn người xuất gia thì không thể như
vậy vì họ đã là hiện thân của nguyên tắc tôn trọng sự sống của tất cả.
2.
Huống chi phương pháp tự vệ không phải chỉ là chính trị và quân sự; chính trị
và nhất là quân sự là những điều bất đác dĩ nhất trong tự vệ. Hai người muốn
thắng nhau mà phải đánh nhau vẫn là một điều dở. Cho nên người xuất gia, vì lẽ
tương quan sinh tồn, nếu có thể, chỉ nên tham gia kinh tế, văn hóa và xã hội mà
thôi, còn chính trị và quân sự không những trái với nguyên tắc tôn trọng sự
sống, mà còn trái hẳn với nguyên tắc “trên tất cả”, không phân biệt chủng tộc,
giai cấp của người xuất gia”.
Trong một đoạn ngắn mà đã có đến hai lần xác
nhận thái độ “bất đắc dĩ”. Đấu tranh năm 1963 cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Thêm
một “bất đắc dĩ” nữa trong đoạn dưới đây:
“Đạo Phật
chỉ thừa nhận sự tương quan sinh tồn. Đạo Phật dạy cho người ta thấy ở đời phải
tự lập chớ không thể biệt lập. Phật tử không thấy, không tạo nên một đối
phương. Vũ trụ là một lò tương quan; không có gì là trung tâm, không có gì là
phụ thuộc, hay là ngược lại. Bởi thế cho nên phân ly là tự tạo một ung nhọt, mà
chiến đấu (theo nghĩa hẹp) chỉ là tương đối. Chiến đấu phải là một hành động vì
bảo vệ sự sinh tồn mà bất đắc dĩ. Nếu biến sự bất đắc dĩ ấy thành sự tuyệt đối
cần thiết trong mọi trường hợp, thì chiến đấu sẽ trở thành chiến tranh.
Nhập
thế thì chiến đấu hết mình, hy sinh cả mạng sống. Nhưng tuyệt đối phải biết
xuất thế để tẩy ngay cả cái khái niệm chiến tranh ra khỏi tâm. Khi bắt đầu khởi
động phong trào 63, không mấy ai tin ở thành công. Nhưng bắt buộc chiến đấu thì
sẵn sàng chiến đấu, xem thành bại trong chiến đấu giống như thành bại trong
công việc hoằng pháp hàng ngày, thành thì tốt, mà bại không chừng lại còn tốt
hơn: đó là điều khó hiểu đối với người thường, nhưng đó lại là điều hiển nhiên
của hành động trong Phật giáo:
“Chúng
ta đã và vẫn sẵn sàng chấp nhận cảnh ngộ khó khăn. Điều đó chúng ta không
thiệt, trái lại nữa là đằng khác. Bởi vì việc làm gặp cảnh ngộ dễ dãi thì đó là
cảnh ngộ tác thành, chúng ta có công đức gì đâu. Còn nếu chúng ta chỉ biết nỗ
lực mà làm thì chúng ta vẫn có công đức; còn việc làm ấy có thành hay bại vì
cảnh ngộ chăng nữa, công đức cũng không vì sự thành hay bại ấy mà có hay không
có. Ấy là nói về bản thân người làm. Còn nói hậu quả thì thành cố nhiên là tốt,
mà bại lại càng tốt hơn. Việc làm nào được gọi là chân chính là phải có sự quy
phục của nhân tâm. Mà cảnh ngộ Phật giáo hiện thời, nếu thành thì nhân tâm đã
có, mà nếu bại thì nhân tâm lại càng có hơn. Đó là sự thật hiển nhiên”.
Tư liệu báo chí năm 1963 được giới thiệu tại triển lãm - một trong những nội dung của Đại lễ
Hành động trái nghĩa với manh động. Manh động
thì rất sợ bại. Mà thường là bại. Nhập thế với cái tâm không sợ bại, vậy mà
thường là thắng. Trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa cực kỳ khó khăn của năm
1963, mấy ai dám tin vào thành công? Vậy mà Phật giáo vượt qua pháp nạn!
Pháp nạn vượt qua, các nhà lãnh đạo cảnh giác
ngay cái bẫy chính trị luôn luôn rình rập các tôn giáo, khẳng định lại lập
trường cố hữu của mình với ba nguyên tắc cụ thể:
1. Phật giáo không ủng hộ cũng không chống lại
một chính quyền nào; Phật giáo ủng hộ hoặc chống lại các chính sách. Phật giáo
ủng hộ chính sách nào tốt. Phật giáo chống lại chính sách nào xấu.
2. Trên tiêu chuẩn nào xét đoán chính sách nào
tốt, chính sách nào xấu? Trên tiêu chuẩn phù hợp hay không phù hợp với tiền đồ
của Phật giáo và dân tộc. Phật tử không bao giờ chấp nhận các chính sách đưa
đến những hậu quả tai hại cho Phật giáo và dân tộc.
3. Phật giáo không nhắm việc nắm chính quyền, dù
trực tiếp hay gián tiếp.
Căn cứ trên ba nguyên tắc đó, HT.Thích Trí
Quang, lúc đó là Thượng tọa, kết luận: Phật giáo làm hết sức mình để phụng sự
tổ quốc và dân tộc, chống lại những ai lợi dụng tôn giáo để tìm cách thống trị
chính quyền và dân chúng, và kêu gọi phật tử ủng hộ hết lòng các chính sách tốt
và chống lại các chính sách xấu: đó là “sức mạnh” mà người ta có thể tìm thấy
trong Phật giáo.
Sức mạnh đó là sức mạnh văn hóa. Đời đời không
phải là sức mạnh chính trị mà Phật giáo lánh xa. Bởi vì chính trị không nằm
trong bản chất của Phật giáo. “Phật giáo không thích ứng với chính trị mà thích
ứng với văn hóa. Phật giáo tồn tại bởi dân tộc, không như tôn giáo khác tồn tại
vì chính quyền”. Đó là nguyên văn lời khẳng định lặp đi lặp lại bao nhiêu lần
trong suốt mùa bão tố 1963 và sau đó. Trước 1963, Hội Phật giáo đã xác định tôn
chỉ của mình rõ ràng:
“Vì là một
tổ chức tôn giáo, nhất là một tôn giáo dân tộc, hội Phật giáo trung thành với
sứ mạng chánh yếu của mình, sứ mạng củng cố và khai thác nền đạo đức của dân
tộc. Hội xác nhận rằng điều đó thật là tối hệ trọng đối với dân tộc, vì dân tộc
muốn còn là phải còn dân tộc tính, mà dân tộc tính căn bản là nền đạo đức của
dân tộc: đó là một sự thực quá rõ ràng bất cứ được nhìn bằng nhãn giới nào”.
“Phật giáo và văn hóa của dân tộc”: đó không
phải là khẩu hiệu suông. Đó là niềm tin sắt đá của người lãnh đạo phong trào
1963. Tin rằng Phật giáo và văn hóa Việt Nam là một. Tin rằng Phật giáo phải
luôn luôn tự mình xứng đáng để vẫn là một với Việt Nam. Đạo Phật “nhập thế” là
nhập thế vào xã hội, văn hóa, nhắm vào con người mà cho vui, cứu khổ, nhắm vào
đạo đức mà phát huy, nhưng đạo Phật “siêu thoát” thế gian, nhất là siêu thoát
khỏi chính trị. Đời đời.
Tôi trích dẫn trên đây khá nhiều câu viết của
HT.Trí Quang bởì vì lập trường ấy là huyết mạch của phong trào 63. Xuyên qua
lập trường ấy, xuyên qua toàn bộ các tác phẩm của vị lãnh đạo này, nổi bật lên
một chữ thôi, một chữ tự nó đủ sức cắt nghĩa tất cả tinh hoa mà đạo Phật muốn
mang cống hiến cho thời đại: chữ “khác”. Trong một thư gửi cho Phật tử Huế, nơi
khởi sinh cuộc tranh đấu 1963, chữ ấy là châm ngôn, là lý tưởng của hành động:
“Phật tử
Huế phải làm cho đạo mình “khác” đạo kẻ khác, chứ không phải làm cho đạo mình
“hơn” đạo kẻ khác – “khác” ở chỗ nêu cao và thể hiện cho được sự khoan hồng và
độ lượng của đức tính Từ bi dầu phải thiệt thòi đến cao độ”
Cái chữ “khác” ấy là gia tài văn hóa mà đạo Phật
đã để lại trong lịch sử. Thể nhập cái gia tài ấy, Phật giáo Việt Nam tiếp tục
viết nên trang sử năm 1963 mà rạng rỡ nhất là ngọn lửa Quảng Đức.
Sự kiện năm 1963 là một khẳng định văn hóa.
Tuyệt đối không phải là một phản ứng chính trị.
Cao Huy Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét