Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018


LỬA THIÊNG SOI TOÀN THẾ GIỚI
TRONG ĐOẢN KHÚC “VIỆT NAM VIỆT NAM”
CỦA PHẠM DUY LÀ LỬA GÌ?

Phạm Duy và Thích Nhất Hạnh
(Sưu tầm của NG)



Hồi Ký Phạm Duy (Tập 2) viết về chế độ Ngô Đình Diệm

“1958: Định chế hoá tất cả các cơ chế xã hội xong rồi, với chính sách độc tài, diệt trừ đối lập.
1959: Dân chúng bắt đầu bất mãn, khởi sự chống lại; một nhóm trí thức họp tại Hôtel Caravelle ra tuyên ngôn đòi cải cách.
1960: Chính phủ đe doạ bằng luật số 10; Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đảo chánh hụt.
1961: Chính phủ khủng bố; đàn áp lần thứ nhất.
1962: Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập. Chính phủ đàn áp lần thứ hai.
1963: Vụ Phật Giáo xẩy ra; 70 ngày sau, nhà Ngô sụp đổ.”

“... tôi nhận thấy những việc làm của chính quyền miền Nam hồi đó, tuy nhiều thiện chí nhưng chỉ có tính cách bề ngoài. Thấy ông Diệm hay ông Nhu ngồi bảnh choẹ trên thuyền để đi thăm ấp chiến lược trong vùng không có đường cho xe chạy, với dăm ba người dân quê lội nước đẩy thuyền đi, tôi không tin các vị ấy được lòng dân...”

“... Sau những hành động vụng về khác như bắt dân chúng đứng dậy chào quốc ca và suy tôn Tổng Thống tại rạp hát hay chiếu bóng, dựng tượng Hai Bà Trưng có dáng dấp bà Nhu, gian lận trong cuộc bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ hai, cộng với thêm nhiều lầm lỗi khác...”

“...vụ Phật Giáo đấu tranh với chính quyền nhà Ngô làm tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy một chính quyền độc tài có thể bị đánh đổ. Lo vì biết rằng vụ này có thể làm lợi cho chính quyền miền Bắc. Và cũng như mọi người dân trên thế giới, tôi bị rúng động trước cảnh tự thiêu của Thượng Toạ Thích Quảng Đức. Thấy cái chết đó đẹp quá nhưng vì tài hèn sức mọn nên không đưa được vào tác phẩm lớn như bài thơ LỬA TỪ BI của anh Vũ Hoàng Chương. Tuy nhiên ngọn lửa thiêng này cũng được tôi ghi lại trong đoản khúc VIÊT NAM VIÊT NAM.

Là một nghệ sĩ, tôi còn phản ứng mạnh hơn khi thấy bạn đồng nghiệp bị dính líu vào biến cố chính trị này. Ngày 7 tháng 7, phản đối việc chế độ đưa ông ra xét xử về tội phản nghịch, nhà văn mà tôi rất kính phục là Nhất Linh, tự tử. Anh bạn rất thân Nguyễn Đức Quỳnh, dù đã từng giúp việc cho Công Dân Vụ và Lý Đại Nguyên, người cả gan ra tranh cử Tổng Thống với ông Diệm, cả hai đều bị bắt trong một ngày tháng 8 năm 63...”

Dưới đây là ca từ và phần trình diễn đoản khúc “Việt Nam! Việt Nam”, trong đó, với câu thơ “Lửa thiêng soi toàn thế giới”, Phạm Duy đã vinh danh ngọn lửa tử đạo cao cả và bi hùng của HT Thích Quảng Đức đã soi sáng lương tâm nhân loại trên toàn thế giới.

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời

Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôị
[ Lyrics from: http://www.lyricenter.com ]
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xanh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam Việt Nam
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam Việt Nam muôn đời


Có thể nghe hợp ca đoản khúc “Việt Nam! Việt Nam!” tại những links sau đây:

 Thiền Sư Nhất Hạnh

Trích từ bài: Sư Ông Bình Thơ Đêm Giao Thừa 2013
“Cuộc vận động của đạo Bụt đã khôi phục lại quyền làm người trong những năm 1963-1964 và đã gây cảm hứng rất lớn cho nhiều văn nghệ sĩ. Ngọn lửa tự thiêu của Hoà Thượng (HT) Quảng Đức đã đi vào trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Trong bài Chung Khúc của Trường Ca Mẹ Việt Nam. Chúng ta hát như thế này:

Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói
Bên vành nôi : Việt Nam nước tôi.
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam, hai câu nói
Sau cùng khi lìa đời
Đây là những câu chứng tỏ là Phạm Duy muốn đi, Phạm Duy muốn đất nước đi trên con đường của tình thương hơn là con đường của gươm giáo và hận thù.

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Tức là hoà giải với nhau. Bỏ gươm xuống để tới với nhau.

Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Phạm Duy có nói rất rõ. Lửa thiêng đây là ngọn lửa của HT. Quảng Đức đem từ bi xoá bỏ hận thù. Trên con đường xây dựng tương lai thì Việt Nam đóng góp cho thế giới bằng ngọn lửa thiêng đó. Không có làm khổ người. Lấy thân làm đuốc. Lấy từ bi để làm khí giới.
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Ngọn lửa của HT. Quảng Đức không chỉ soi sáng cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam mà là cho tất cả thế giới.

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tức là không chỉ tranh đấu cho đất nước riêng của mình mà là tranh đấu cho cả nhân loại. Và con đường tranh đấu là con đường bất bạo động, con đường tình thương. Chứ không phải là con đường gươm giáo.

Tình yêu đây là khí giới.
Tình thương đem về muôn nơi
Rất là rõ ràng. Khí giới của mình là tình thương và mình muốn khắp nơi trên thế giới đều được thừa hưởng tình thương đó.

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.
Tức là tình người, tình anh chị em là mục đích, là chí hướng của Việt Nam. Việt Nam không phải chỉ để cho Việt Nam mà thôi. Việt Nam phải phụng sự thế giới, phụng sự theo con đường bất bạo động, tâm linh và tình thương.

Có rất nhiều người ở Việt Nam muốn dùng bài này để làm Quốc Ca nhưng mà chuyện đó chắc phải chờ đợi. Bài Quốc Ca cũ thì có xương, có máu quá nhiều. Bài này thì không đòi xương máu mà chỉ kêu gọi thương yêu mà thôi. Nếu mà tuổi trẻ muốn thì nội trong vòng 30 năm thì có thể có bài này được.

Sưu tầm của NG
Tháng 10 năm 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét