Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014


DI NGUYỆN NGỌN ĐUỐC SỐNG
Đức Hoàng

Chiều ngày 2/11/1965, Norman Morrison bế đứa con gái 11 tháng tuổi của anh, Emily, đến trước Lầu Năm Góc. 5h15, Morrison trao Emily cho một người trên phố, rồi châm lửa, tự biến mình thành một ngọn đuốc sống, cách cửa sổ văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara không xa.
Người đàn ông 31 tuổi đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến mà Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam.
Cái tên Norman Morrison đã đi vào lịch sử. Ở Đà Nẵng, hôm nay vẫn còn một con đường được đặt theo tên anh ở quận Sơn Trà. Nhà thơ Tố Hữu đã viết một bài thơ rất xúc động về anh, “Emily, con ơi”. Trên mạng hôm nay, bạn vẫn có thể tìm thấy một con tem in hình Norman Morrison do Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành.
Bản tin về cuộc Tự thiêu của anh Norman Morrison trên nhật báo The Sun

Nhưng có lẽ ít người biết đến số phận hay tâm trạng của những người còn lại trong gia đình Morrison. Morrison để lại một người vợ trẻ, Anne, và ba đứa con nhỏ. Thật khó để người phụ nữ đang phải chèo chống cả một gia đình trong cô độc ấy, và những đứa trẻ thơ dại chấp nhận rằng cha chúng đã hy sinh cho những người ở một quốc gia xa lạ.
Người vợ góa Anne nhớ lại: “Nói chuyện về cái chết của cha với lũ trẻ là việc đau đớn cùng cực. Chúng cứ liên tục tìm ra những câu hỏi mới. Không có cách nào tốt hơn hả mẹ? Tại sao lại là Cha?”. Còn Christina, cô con gái thứ hai, mới 5 tuổi khi cha qua đời, thì tự hỏi: “Tại sao những người dân của một quốc gia xa xôi lại quan trọng hơn chúng con?”.
Rồi đến một ngày, Christina nói với Anne sự thật mà cô sợ phải nghe nhất: “Việc đó không hề kết thúc được cuộc chiến”.
Đứa trẻ đã nói ra một sự thật thuần túy, chua xót nhưng thật rằng, bản thân hành động tự thiêu của Norman Morrison không hề kết thúc được cuộc chiến, ngay cả khi McNamara tận mắt nhìn thấy ngọn đuốc sống từ cửa sổ phòng mình.

Nhưng Norman Morrison đã góp phần thức tỉnh nước Mỹ. Hay nói như Anne sau này, khi nỗi đau qua đi, rằng “anh khiến chúng ta không thể nhắm mắt lại hoặc lờ đi những sự thật nghiệt ngã”. Trong những năm sau đó, phong trào phản chiến của nước Mỹ được thực hiện với mức độ ngày càng tăng.
Khi Norman Morrison tự thiêu, nước Mỹ cũng đã đầy những quan điểm trái chiều. Tiến sĩ S.Brian Wilson, một người đồng môn của Morrison ở trung học, nhớ lại, vào chiều ngày 2/11/1965 ấy, ông đang ngồi trong phòng làm bài tập ở trường đại học, và khi nghe tin, ông đã nghĩ tay này hẳn bị điên.
Thật đáng hổ thẹn. Ông không phải người duy nhất nghĩ như thế. Mãi đến sau này, khi trở thành một quân nhân tham chiến ở Việt Nam, nghe những người Việt nói về Morrison, Wilson mới nhận ra rằng hành động của anh có ý nghĩa thế nào, và rồi nhiều năm sau đó Wilson trở thành một nhà hoạt động xã hội tại các quốc gia nghèo và yếu thế.
Cuối cùng thì bản thân ngọn đuốc sẽ không có ý nghĩa gì nếu thiếu đi thái độ của những người còn sống với ngọn đuốc ấy.
Hôm qua [23-5-2014], tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Tuyết Mai đã quyết định tự thiêu trước cổng Dinh Thống Nhất. Những lời bà để lại, là: “Yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Việt Nam”; “Trả lại biển đảo cho Việt Nam”; “Đốt ánh sáng soi đường cho những người yêu nước”.
Thủ bút của nữ Phật tử Lê Thị Tuyết Mai (Ảnh danluan.org)

Bây giờ nếu đi sâu vào bản chất của hành động quyên sinh ấy, nếu nghĩ đến nỗi đau những người thân ở lại phải gánh chịu, nếu mổ xẻ nó từ một góc độ đạo đức học hay tôn giáo nào đó, rất khó để phân định đúng và sai. Trên mạng hôm qua, đã thấy xuất hiện những ý kiến phiền lòng, rằng thật ra, bà Mai chẳng nên làm như thế. Việc làm ấy, phải thừa nhận, có hàm chứa những mâu thuẫn.
Thật ra, mọi hành động quyên sinh đều có thể gây ra những băn khoăn và phiền não như thế. Và thật ra, bé Christina nói đúng, một ngọn đuốc sống không thể có tác động trực tiếp nào.
Nhưng cái nổi bật lên trên tất cả, không phải bản thân người đã hy sinh, mà là ý nguyện họ để lại – chính vì cái ý nguyện ấy, mà họ đã buông bỏ thân mình. Để người ta “không thể nhắm mắt hay lờ đi thực tế nghiệt ngã”.
Không phải người đã khuất mà là thái độ của người còn sống trước di nguyện của họ mới là thứ làm nên những điều khác biệt.
Và chúng ta, những người Việt Nam đang còn sống, sẽ làm gì trước ngọn đuốc sống mà người phụ nữ kia vừa lấy thân mình thắp lên?
Đức Hoàng

2 nhận xét: