Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014


XIN MÃI MÃI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Trần Tiên Long


Thường thì bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt: mặt trái và mặt phải; mặt nổi và mặt chìm; chiêu bài và thực chất; hoặc điểm và diện.
Bài viết “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều” (click đây)  của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (NĐT) chỉ dựa trên một mặt nổi của vấn đề nhưng đã bỏ qua mặt chìm. Mặt nổi đó là một khía cạnh pháp lý về quyền lợi của người có quốc tịch, thường được tô vẽ hoa hòe, nhưng chỉ là chiêu bài, không phải là thực chất. Nó chỉ là diện, là bề ngoài, không phải là điểm quan trọng để dựa vào đó mà phán đoán. Tốt hơn, chúng ta cần phải nhìn vấn đề từ cả hai mặt trước khi quyết định cách hành xử sao cho hợp với lý lẽ.

Bài viết này có mục đích trình bày một mặt khác, mặt thực của vấn đề. Và vấn đề đặt ra ở đây là việc khẳng định về thân phận, về cái giống người của chúng ta, những người đã vì hoàn cảnh phải xa lìa đất tổ để tiếp tục mưu sinh cho cuộc sống. Vậy chúng ta có còn là người Việt-Nam nữa không sau khi đã gia nhập một quốc tịch khác? Đối với tôi, như cái tựa của bài viết đã khẳng định rồi, rằng tôi xin mãi mãi được là người VN vì tôi phán đoán dựa trên thực chất chứ không trên cái nhãn hiệu bề ngoài.

Sau đây, tôi xin lần lượt biện minh qua các tiểu mục sau:
·         Nếu đã là thực chất thì không dễ gì thay đổi
·         Di hại của việc đồng hóa chế độ với quốc gia và dân tộc
·         Nếu tôi không còn là người Việt Nam
·         Kết luận

1.             Nếu đã là thực chất thì không dễ gì thay đổi

Là người Việt-Nam từ khi mới chào đời, và vì hoàn cảnh chính trị của đất nước, tôi đã vượt biên ngay giữa tháng 5 năm 1975 và được tị nạn tại Pháp. Khi rời VN vừa bước vào tuổi 21, tôi không nghĩ rằng lần ra đi này là đoạn tuyệt với mọi quá khứ. Ở Pháp một năm, tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Trong những năm cuối cùng của thập niên 70, khi đang còn mài đủng quần tại University Of New Orleans, LA, anh chị em sinh viên VN chúng tôi thường chỉ quấn quít bên nhau, ít chịu  hội nhập ngay với xã hội mới. Mỗi lần gặp gỡ, tụ họp, chúng tôi thường ngóng cổ hỏi thăm tin tức về VN. Ở vào thời điểm đó, bang giao giữa Hoa Kỳ và VN chưa có nên tin tức chỉ đến từ những người sang sau. Chẳng có ai trong chúng tôi ý thức được rằng sẽ có ngày chúng tôi vĩnh viễn trở thành công dân Mỹ. Khi ra trường Kỹ sư Cơ khí vào năm 1982, tôi vẫn không tìm ngay được việc làm thích hợp. Những việc liên quan đến kỹ thuật cao thường đòi hỏi phải có quốc tịch Hoa Kỳ. Ngày nay, khi đã có quốc tịch và làm việc cho Bộ Quốc Phòng vài chục năm nay rồi, tôi vẫn nghĩ rằng tôi là người VN.

Thực vậy, nếu tôi là người Mỹ gốc Việt, thì đó chỉ là trên danh nghĩa, trong giấy tờ; vì thực chất dòng máu VN vẫn luôn luôn luân lưu trong con người tôi. Làm sao tôi có thể che giấu được thân phận da vàng mũi tẹt đối với các đồng nghiệp xung quanh tôi? Nhớ những lần đầu tiên gặp họ, sau một vài câu xã giao với cách phát âm còn nặng giọng VN, ai ai cũng đặt cho tôi cùng một câu hỏi, “where are you from?”, ngụ ý rằng họ không xem tôi là người Mỹ như họ. Tôi không phải ngại ngùng, e dè, nhưng nói ngay với họ rằng tôi là người VN, và dĩ nhiên ai ai cũng hiểu tôi phải có quốc tịch Hoa Kỳ.
Mỗi ngày tôi đi làm 8 tiếng, bao gồm hội họp, bàn thảo, làm việc nghiên cứu, viết các bài tường trình đúc kết những kết quả của các cuộc điều tra, hay viết emails, gọi điện thoại trao đổi về các vấn đề kỹ thuật… hoàn toàn xử sự như một người Mỹ. Lúc đó, tôi là người Mỹ gốc Việt. Ngược lại, khi về nhà, tôi chỉ nói tiếng Việt, đọc sách báo Việt, nghe nhạc Việt, ăn các món ăn VN, giao tiếp với các người bạn VN. Vậy tôi là người VN trong suốt 16 tiếng đồng hồ còn lại, cộng thêm 24 tiếng mỗi ngày cho cả hai ngày cuối tuần.

Nếu khi sinh ra đời tôi không có quyền tự do chọn lựa hình hài của người dân nước nào thì tại sao tôi phải từ chối điều mà tôi đã không có quyền lựa chọn? Có điều gì để phải xấu hổ đến mức độ công khai khước từ một định mệnh đã an bài? Tờ giấy quốc tịch chỉ là sự chứng nhận cho tôi được hưởng quyền lợi công dân của một đất nước, nhưng bù lại, tôi cũng phải có những bổn phận và nghĩa vụ đối với đất nước đó. Vì hoàn cảnh mưu sinh của cuộc sống, tôi đã chọn Mỹ. Nhưng cái nhãn hiệu bề ngoài hay thẻ quốc tịch trên giấy tờ không thể thay đổi hình hài mẹ VN đã cưu mang tôi, bao gồm cả phần thể xác lẫn tinh thần, những thực chất của con người VN. Và cái thực chất đó mới là điều quan trọng hơn cái nhãn hiệu, giấy tờ.

Nhưng tại sao vẫn có những người muốn chối bỏ cội nguồn, chẳng hạn như Tiến sĩ NĐT đã lên tiếng “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều”, hoặc ông giám mục Công giáo nọ lại cho rằng“Thật là nhục nhã khi cầm tờ hộ chiếu VN”, mặc dù ông giám mục vẫn hiện còn là công dân của nước VN? Có lẽ họ muốn phản kháng để thiên hạ biết rằng họ không phải là công dân của một chế độ hiện tại? Nhưng lý lẽ đó không vững, bởi vì chúng ta không thể đồng hóa một chế độ với một quốc gia và dân tộc. Chế độ hay chủ nghĩa chỉ là giai đoạn, luôn luôn biến đổi, nay còn mai mất; trong khi dân tộc và quốc gia thì mãi mãi trường tồn. Tôi cũng vẫn luôn luôn là người VN cho dù đất nước VN đang được cai trị bởi chế độ VNCH hay XHCNVN. Và tôi cũng dư biết rằng đất nước VN tôi là một quốc gia rất nghèo, có lịch sử 1,000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, và còn “20 năm nội chiến từng ngày”. Có phải chỉ vì nghèo khó mà tôi thực lòng cam tâm chối bỏ thân phận làm người VN?

Danh từ “Việt kiều” được định nghĩa là người Việt-Nam cư ngụ ở nước ngoài, cho dù họ có đổi quốc tịch hay không. Người Cộng sản hay người Quốc gia thì trước tiên họ cũng vẫn là người VN. Chẳng ai xem “Việt kiều” là người VNCH hay người XHCNVN đang sống ở nước ngoài cả. Quốc tịch cho chúng ta quyền hạn pháp lý của một công dân, nhưng không thay đổi hình hài, máu mũ, và cả cái nền văn hóa đã hấp thụ bao năm qua từ khi mới chào đời, những bản chất đích thực bên trong của một nòi giống dân tộc, những thứ không dễ gì có thể thay đổi một sớm một chiều.
Chẳng hạn, ở Mỹ, khi ra đường, chúng ta bắt gặp một người có vóc dáng Tàu hay Ấn Độ, chúng ta vẫn thường gọi họ là người Tàu hay Ấn Độ, chẳng ai gọi họ là người Mỹ gốc Tàu hay gốc Ấn Độ cả. Nếu có thì cũng chỉ có trên giấy tờ, không phải trong thực tế của cuộc sống hằng ngày. Và, dĩ nhiên, họ cũng đối xử với người VN chúng ta như vậy. Chúng ta thấy có nhiều phố Tàu (China Town), nhưng tuyệt đối chúng ta chưa thấy phố Mỹ gốc Tàu bao giờ cả. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nếu mai này có phải di cư qua Pháp và vì hoàn cảnh cần phải thay đổi quốc tịch thì tôi cũng là người Pháp gốc Việt, không phải là người Pháp gốc Mỹ, cho dù hiện tại tôi đang là công dân Mỹ.

Còn đối với người VN ở quốc nội, dù chúng ta là những người Mỹ hay người Pháp gốc Việt thì họ cũng cứ gọi chúng ta là Việt kiều, một danh từ đã có từ rất lâu đời, trước rất xa biến cố 30/4/1975, để chỉ tất cả những người VN đang sống ở ngoại quốc, bất kể tình trạng pháp lý của họ như thế nào. Dù chúng ta đã có quốc tịch mới hay chỉ là những thường trú nhân, chưa có thẻ quốc tịch, ăn ở nước ngoài hợp pháp hay không hợp pháp, thì họ cũng vẫn gọi chúng ta là những Việt kiều, chẳng chạy đi đâu được. Như vậy, dựa vào lỹ lẽ nào để có thể chối bỏ một sự thực đã có từ ngàn đời như Tiến sĩ NĐT đang làm, rằng “Chúng Tôi Không Phải Là Việt Kiều”?
Chúng ta hãnh diện mình là người Mỹ gốc Việt, từ chối thân phận làm người VN, nhưng đã ở Mỹ gần 40 năm rồi mà vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta chưa nói được tiếng Mỹ để hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Qua vụ bão Katrina ở New Orleans, LA, tình trạng không nói được tiếng Mỹ này đã được phàn nàn nhiều bởi các cơ quan chức năng chính quyền khi họ cố gắng giúp đỡ những nạn nhân người Mỹ gốc Việt.

Tác giả Trần Bình, trong bài “Gửi Các Bạn Hải Ngoại” được ông tuyen do [tonguyenviet@yahoo.com] đưa vào diễn đàn ngày22/3/2014, viết:
Có một sự việc đáng buồn nhưng ít ai biết từ mấy chục năm qua, đến gần đây mới lộ ra. Ở New Orleans, US, nếu không có cơn bão Katrina vừa rồi, thì đâu có ai biết là rất nhiều người Việt định cư ở New Orleans không biết nói tiếng Anh và không thể tiếp xúc với Cảnh Sát khi có việc cần. (đây là những người qua đây từ 1975 đã có cơ nghiệp vững vàng, chứ không phải những người mới qua).
Ở những nơi tập trung đông người Việt như California, Georgia, Texas, và vùng Washington DC, mọi giao dịch đều dùng tiếng Việt, kết quả là trình độ ngoại ngữ của người Việt rất kém.” (Hết trích).
Như vậy, chúng ta vẫn là người VN trong thực chất, không thể chối cãi được, cho dù chúng ta có nhập tịch để là công dân của một quốc gia khác trong giấy tờ.

2.             Di hại của việc đồng hóa chế độ với quốc gia và dân tộc

Sự đồng hóa một chế độ với một quốc gia và dân tộc một cách lầm lẫn như đã bàn ở trên sẽ đưa đến những cách thức hành xử nguy hại cho quyền lợi của quốc gia và dân tộc, vô tình biến chúng ta thành những tội đồ của dân tộc VN. Nhiều khi chúng ta nhân danh việc chống Cộng, tưởng là chúng ta đang chống một chế độ, nhưng thực ra là chúng ta đang chống lại quyền lợi của quốc gia và dân tộc VN chúng ta.

Khi toàn dân cả nước đang cố gắng làm sao cho dân giầu, nước mạnh, bằng cách hội nhập vào cộng đồng quốc tế, và khi toàn thể các quốc gia trên thế giới muốn bang giao, làm bạn, hợp tác, làm ăn với VN, kể cả tòa “thánh” Vatican, thì người VN ở hải ngoại cứ lo loay hoay chống họ. Chúng ta chống Mỹ bang giao với VN, chống VN gia nhập Liên Hiệp Quốc, chống VN được là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, chống thế giới làm ăn với VN, chống VN xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc, chống du lịch về VN, chống cả việc làm từ thiện, giúp đỡ dân nghèo trong các vụ thiên tai, bão lụt ở VN… nhưng kết quả của những thứ chống đó chỉ làm hại đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc, làm chính đất nước và anh em bà con ruột thịt của chúng ta muôn đời nghèo đói vì bị cô lập, ở vào thế bế quan tỏa cảng như Bắc Hàn, chứ không thể đoạt được quyền lực đang trong tay của một chế độ. Những kẻ đang làm nguy hại đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc đều là những tội đồ hay kẻ thù của quốc gia và dân tộc, cho dù họ núp dưới chiêu bài Quốc gia hay Cộng sản.


Mà thực ra, chúng ta chống Cộng chỉ là trên danh nghĩa, chúng ta chống nhau mới là bản chất đích thực của vấn đề. Cứ mỗi khi muốn chống ai trong việc làm ăn hay tranh dành chức vụ thì việc đầu tiên chúng ta đội cho họ cái nón cối Cộng sản, rồi sau đó tha hồ thoải mái tự do tố Cộng mà chẳng cần phải chứng minh họ là Cộng sản. Bao nhiêu tội lỗi của Cộng sản từ trước tới nay được vô tư đổ lên đầu các đối thủ, nhưng chẳng bao giờ chúng ta tự hỏi rằng họ đã làm gì, ngoài sự khác biệt một ý kiến, một quan điểm, một nhận thức về cùng một vấn đề. Có thể khẳng định mà không sợ nói quá đáng rằng có hơn 95% những ý kiến được phát tán hằng ngày trong các diễn đàn công cộng của người Việt hải ngoại là để chửi bới và mạt sát giữa những người Việt Quốc gia với nhau. Bây giờ thì lại có bài của tác giả Trịnh Viết Bắc với nội dung tố ngược ở ngay tựa đề “Chính “Việt Kiều” tỵ nạn cộng sản đã giúp đỡ cộng sản!”.

Cái nghị quyết 36 của Cộng sản tự nhiên trở thành một lý do để chúng ta biện minh cho việc chống nhau, cứ làm như Cộng sản có thuộc tính toàn năng của Thượng đế, luôn luôn núp sau những đối thủ đang chống phá chúng ta. Ngay cả những tội lỗi, bê bối, đã có từ ngàn xưa, của các ông bà chuyên nghề buôn thần bán thánh cũng được đổ lên đầu người Cộng sản. (Nguồn: Nghề Đi Tu - Cộng Sản Không Phải Là Thần Thánh:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5915 ). Tại sao chúng ta không thể can đảm mở rộng mắt ra để nhìn thấy Lỗi Tại Chúng Ta Mọi Đàng? Vì chúng ta cứ lo chụp mũ, đổ tội cho Cộng sản để chạy quanh như vậy nên xung quanh chúng ta chỉ còn toàn là Cộng sản. Nếu Cộng sản có thuộc tính toàn năng thần thánh như chúng ta đang xưng tụng thì chúng ta lấy gì để thắng họ?

3.             Nếu tôi không còn là người Việt Nam

Có một hệ lụy nghiêm trọng khác khi chúng ta từ chối mình là người VN, đó là chúng ta cũng đương nhiên từ chối thân phận người Việt Quốc gia của chúng ta, nếu còn muốn gọi là người Việt Quốc gia. Bởi vì “Chúng Tôi Không Là Việt Kiều”, vậy còn lý do gì để tự nhận mình là người VN tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc và quốc gia VN? Và có mấy người VN tị nạn chính trị từ năm 1975 tới mãi giờ này vẫn chưa vào quốc tịch để còn được gọi là người VN? Nhưng khổ một điều, chỉ có chúng ta, những người VN còn nặng lòng với quê hương và dân tộc, mới thực sự thương yêu đất nước và dân tộc VN.
Nếu chúng ta cứ tưởng mình thực sự là những người Mỹ thì tại sao chúng ta không bắt chước hành xử như người Mỹ, họ đang xem dân tộc VN như những người bạn, mặc dù trong quá khứ đã có một thời là những kẻ thù của nhau? 


Khi Ngoại trưởng John Kerry đến thăm VN vào tháng 12 năm 2013, ông đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tăng thêm viện trợ 32,5 triệu đô để giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền biển, và để bảo đảm quyền tự do hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận thêm 18 triệu, kể cả 5 tàu tuần tiểu cao tốc cho Hải Quan Việt Nam. Với sự giúp đỡ từ phía Hàng Hải Hoa Kỳ này, số tiền viện trợ sẽ lên đến hơn 156 triệu trong vòng hai năm cho vùng Đông Nam Á. (Nguồn: Kerry announces new US maritime security aid to Vietnam amid China tensions, pushes reforms)
Như vậy, nếu tôi là người Mỹ làm việc cho bộ Quốc Phòng thì đương nhiên tôi phải trung thành với chính sách ngoại giao của quốc gia đang cưu mang tôi và gia đình tôi. Và chính sách hiện nay của Hoa Kỳ là hợp tác song phương ở nhiều lãnh vực, bao gồm kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… cho sự lợi ích của cả hai bên. 

Tiến sĩ NĐT khẳng định rằng “Chúng tôi không là Việt kiều. Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt,…” Rồi ông giải thích thêm: “Cái gốc Việt ấy cho phép chúng tôi lên tiếng về các vi phạm nhân quyền và một số vấn đế khác nữa ở Việt Nam.” Nhưng thưa ông Tiến sĩ, bất cứ ai ở Mỹ, chẳng cần phải có cái gốc gác VN như ông đang đòi hỏi, cũng đều có quyền “lên tiếng về các vi phạm nhân quyền và một số vấn đế khác nữa ở Việt Nam”. Chẳng có ai ở một đất nước có tự do ngôn luận như ở Mỹ có thể cấm đoán và bịt miệng ông Tiến sĩ. Vậy chúng ta không nên phàn nàn hay xử sự dựa trên một điều gì không bao giờ có thực. Một điều không thực thì chẳng có thể là lý do để ông dùng biện minh có tính thuyết phục điều ông vừa khẳng định.

4.             Kết luận

Thế giới càng ngày càng bé nhỏ, nhất là ở thời điểm có thông tin điện tử và trao đổi toàn cầu. Nếu không thể loại trừ nhau thì chỉ còn có mỗi một cách duy nhất là sống chung hòa bình với nhau. Không phải chỉ có chiến tranh mới có thể làm thay đổi lịch sử. Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng đã có biết bao cuộc chiến tranh rồi, nhưng sau mỗi một cuộc chiến, chúng ta lại tiếp tục chung sống với nhau. Ngày nay, chúng ta đang sống chung với những kẻ đã gây ít nhất 7 cuộc thánh chiến, những kẻ đã xưng thú 7 núi tội ác đối với đồng loại; chúng ta cũng đang làm bạn với những người Đức quốc một thời hủy diệt toàn dân Do thái; chúng ta cũng đang làm bạn với các quốc gia Cộng sản có một thời gia nhập Liên Bang Xô Viết gây biết bao tội ác cho nhân loại; và chúng ta cũng đang làm bạn với các quốc gia thực dân Pháp và Nhật Bản một thời đã xâm chiếm đất nước của chúng ta. Lấy oán trả oán, oan oan tương báo cứ chồng chất, chẳng bao giờ chấm dứt.

Đối với tôi, có một cuộc chiến quan trọng và trường kỳ kể từ khi có con người, đó là một cuộc chiến giữa thiện và ác; giữa những điều sai lầm, mê tín dị đoan và các chân lý; giữa tinh thần cực đoan cuồng tín giáo điều và lòng bao dung chấp nhận những quan điểm đối nghịch; giữa độc tài và tự do; giữa tham nhũng, bất công và công lý, v/v… mà vấn đề chủ nghĩa hay chế độ chỉ là một trong những biểu hiệu của cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến mà tôi nghĩ bất cứ người trí thức nào cũng không thể từ chối dự phần. Chẳng cần phải khẳng định cương vị của một người dân nước nào thì tôi cũng có thể tham gia trận chiến trong khả năng và hoàn cảnh giới hạn của cá nhân tôi.
Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn rằng chẳng bao giờ tôi muốn là một “chiến sĩ” chỉ biết chống Cộng bằng cách trùm mền hô xung phong ở thời điểm mà chủ nghĩa Cộng sản chỉ còn là một xác chết thuộc về lịch sử. Một thái độ cực đoan tương tự như kiểu “it’s my way or the highway” không phải là thái độ thích hợp mà tôi cần phải theo đuổi.

Năm xưa, tướng quân Trần Bình Trọng khẳng định rằng, “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Quan niệm này chỉ trình bày được cái mặt lý tưởng cực đoan nhưng bỏ qua cái mặt thực tế và thực dụng của vấn đề. Ngày nay, tôi thà làm vương đất Bắc, bởi vì ở thời điểm chính trị, kính tế hội nhập toàn cầu này, với quyền thế của một ông vua, tôi có thể giúp đỡ quốc gia và dân tộc VN tôi dễ dàng hơn là từ vị thế của một thằng quỷ, cho dù là thằng quỷ của nước Nam. Do vậy, tôi sẽ sẳn sàng nhập một quốc tịch mới để có cơ hội phục vụ hiệu quả hơn, trong sự giới hạn của khả năng và hoàn cảnh, cho dân tộc và quốc gia VN nói riêng, và cho cộng đồng nhân loại nói chung. 

Dù sao chăng nữa, hình hài do mẹ VN cưu mang và dòng máu tiên rồng trong con người tôi không thể thay đổi, nay còn mai mất. Vậy tôi xin mãi mãi được là người VN, cho dù không còn trên danh nghĩa giấy tờ. Là người VN trong thực chất, tôi chẳng phải là người của riêng chế độ nào, nhưng chỉ là con dân của nước Việt, một quốc gia của tổ tiên dân tộc tôi. Chế độ hay chủ nghĩa thì chỉ là giai đoạn, còn dân tộc và quốc gia thì mãi mãi trường tồn.

Trần Tiên Long
Havelock, NC
March 23, 2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét