Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013


 

 
TỪ THÁNG 4/1960,
NHÓM CARAVELLE ĐÃ CẢNH CÁO ÔNG DIỆM

 
CỎ THƠM - Sau khi dẹp Bình Xuyên và giáo phái, truất phế Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, bác bỏ ngày 20.7.1956 việc tổng tuyển cử hai miền quy định bởi Hiệp ước Genève, ông [Diệm] tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa ngày 26. 10.1956. Từ 1956 cho đến nửa năm 1959, tình hình an ninh trong xứ được vãn hồi tương đối nhờ những cải cách xã hội, tảo thanh của Quân đội quốc gia và vì một phần quân đội Bắc Việt rút về trên vĩ tuyến 17.

Tuy nhiên một thời gian sau, Việt cộng xây dựng lại được cơ sở hạ tầng tại nông thôn với các cán bộ không tập kết. Ngày 26.1.1960, cách tỉnh lỵ Tây ninh lối 12 cây số, chúng chiếm đồn Trảng Sập, gây thiệt hại nặng về nhân mạng và võ khí cho sư đoàn 21. Mặt khác, sự lộng quyền của một số đảng viên Cần lao và chính sách đàn áp của Chính phủ bắt đầu gây bất mãn trong quần chúng. Nhóm “Tự do Tiến bộ” xuất hiện - gồm nhiều nhà trí thức đối lập - trong đó Trần Văn Văn là một người đầu đàn vì giao thiệp rộng, có uy tín và mưu trí. Sau nhiều tuần thảo luận và tiếp xúc trong vòng bí mật, sáng ngày 26.4.1960, hai ông Phan Khắc Sửu và Trần Văn Văn, âu phục chỉnh tề, bất thần đến trước cổng Dinh Độc Lập, đại lộ Thống Nhứt Sài Gòn, nhờ quân phòng vệ chuyển đến Tổng thống Ngô Đình Diệm một bản tuyên ngôn mang chữ ký của 18 nhân sĩ thưộc nhiều khuynh hướng chính trị, xong họ đi thẳng đến khách sạn Caravelle, ở trung tâm Saigon, họp báo. Báo giới ngoại quốc và các Tòa Đại sứ được mời tham dự nhưng không cho biết trước địa điểm, hẹn sẽ được hướng dẫn khi đến giờ. Caravelle được chọn vì an toàn. Để đánh lạc hướng cảnh sát, báo chí Việt được mời nhóm riêng tại một khách sạn Chợ lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, hiện ở Virginia, tiết lộ, ông được giao phó thảo ra bản tuyên cáo (dựa vào các ý kiến thu thập trong nhóm Tự do Tiến bộ) với sự giúp đỡ của giáo sư Trần Văn Hương và ông Trần Văn Văn. Trần Văn Tòng, trưởng nam của cố dân biểu Trần Văn Văn, hiện giữ trong tay bản chính được (cố) ký giả Bernard Fall dịch ra ngoại ngữ để phổ biến. Nội dung văn kiện này chỉ trích quyết liệt các sai lầm của chính quyền Diệm về chính trị, hành chính, xã hội và quân sự, gây ra tình trạng bất mãn trong dân chúng, suy thoái của chế độ và làm giãm tiềm lực đấu tranh chống cộng. Tuy nhiên, ngoài việc đòi hỏi thực thi dân chủ và chấm dứt gia đình trị, những đề nghị cải cách tương đối khiêm tốn. 18 nhân vật ký tên bản tuyên ngôn gồm có : Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Lê Ngọc Chấn, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Đổ, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Lương Trọng Tường và linh mục Hồ Văn Vui. Mười trong số đó là cựu ân nhân, đồng chí, bạn thân và Bộ trưởng từng hợp tác với ông Diệm. Cố vấn Ngô Đình Nhu mỉa mai gọi họ là «
chính khách xa-lông, chính khách phòng trà ». Lời kêu gọi của các trí thức đối lập này, tiếc thay, không được chính phủ xét đến.

Tuy nhiên, bản tuyên cáo báo động Caravelle có tiếng vang ở quốc ngoại và trong quân đội. Một chuỗi biến cố liên tiếp xảy ra sau đó: Cuối tháng 10.1960, Tổng thống Diệm cải tổ nội các vì có bất đồng nội bộ, bốn bộ trưởng ra đi: Nội vụ (Lâm Lễ Trinh), Quốc phòng (Trần Trung Dung), Thông tin (Trần Chánh Thành) và Tư pháp (Nguyễn Văn Sĩ) sau một thủ tục điều tra do các bộ này khởi xướng về những lạm quyền của đảng Cần lao. (đọc Hoàng Lạc & Hoàng Mai Việt trong tác phẩm Blind Design, Why America lost the VN War?, chương The Lottery scandal, trang 131, và trong hồi ức Đỗ Mậu « VN máu lửa, quê hương tôi », trang 259}. Lối hai tuần sau, ngày 11.11.1960. nhóm Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng, Nguyễn Chánh Thi, Hoàng Cơ Thụy Phan Quang Đán đảo chính nhưng thất bại. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên xác nhận : nhóm Caravelle không có liên hệ gì đến vụ mưu loạn nhưng cơ quan an ninh Nhà nước thừa cơ hội để câu lưu nhiều thành viên của tổ chức này tại trại Ô Ma (Aux Mares). Ngày 20.12.1960, Mặt trận Giải phóng Miền Nam được thành lập. Tháng 2.1961, lực lượng võ trang Giải phóng Miền Nam chính thức hoạt động. Ngày 27.2.1962, hai phi công Phạm Phú Quốc Nguyễn Văn Cử dội bom Dinh Độc lập và cuối cùng, ngày 1.11.1963, Quân đội lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, đưa Miền Nam Việt Nam vào một cuộc phiêu lưu hỗn loạn.

 

TUYÊN NGÔN CỦA 18 NHÂN VẬT
THUỘC NHÓM "TỰ DO TIẾN BỘ"
GỞI TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA, SÀI GÒN

 

Thưa Tổng thống,

Chúng tôi ký tên dưới đây, đại diện cho một nhóm đồng bào, nhân vật và trí thức tên tuổi thuộc mọi xu hướng, nhóm những người thiện chí nhận thấy rằng đối diện với sự trầm trọng của tình hình chính trị hiện nay, chúng tôi không thể cứ bàng quan với những thực tế của nước ta.

Vì vậy, chúng tôi chính thức gửi đến Tổng thống hôm nay lời kêu gọi, với mục đích phơi bày với Tổng thống tất cả sự thật trong niềm hy vọng là chính quyền sẽ lưu tâm để gấp rút thay đổi chính sách, hầu cứu vãn tình hình hiện nay để đưa quốc dân ra khỏi cơn nguy biến.

Chúng ta hãy nhìn lại dĩ vãng thời Tổng thống còn ở nước ngoài. Đã 8, 9 năm qua, dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thử thách do chiến tranh mang lại; từ sự độ hộ của Pháp đến việc chiếm đóng của Nhật, từ cách mạng cho đến kháng chiến, từ việc Cộng Sản núp sau chiêu bài quốc gia để gạt gẫm cho đến nền độc lập giả tạo che dấu nền thực dân, từ kinh hoàng này đến kinh hoàng khác, hy sinh liên tục - nói tóm lại từ hứa hẹn này đến hứa hẹn khác, cuối cùng cho đến khi niềm hy vọng kết thúc bằng một sự thất vọng chua cay.

Vì vậy, khi Tổng thống sắp sửa hồi hương, toàn dân đã nuôi mối hy vọng là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, toàn dân sẽ lại tìm thấy được nền Hòa bình cần thiết để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, để dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy, để đặt lại được cái cày trên những mảnh đất từng bị bỏ hoang. Nhân dân hy vọng rằng không còn bị bắt buộc buổi sáng hoan hô một chế độ, buổi chiều hoan hô một chế độ khác, không còn là con mồi cho sự tàn bạo và áp lực của một phe phái nào, không còn bị đối xử như cu-li, không còn một nền độc quyền nào thao túng, không còn bị sự cướp bóc của công chức tham nhũng và độc đoán. Nói tóm lại, nhân dân ước mong được sinh sống trong sự an ninh, dưới một thể chế sẽ đem lại cho họ một chút công lý và tự do. Toàn dân nghĩ rằng Tổng thống sẽ là con người của thời thế và sẽ đáp ứng được nguyện vọng của họ.

Lúc Tổng thống mới về nước thì tình trạng quốc gia như thế đó. Hiệp ước Genève năm 1954 chấm dứt cuộc chiến và sự tàn phá của chiến tranh. Quân đội viễn chinh Pháp tuần tự rút đi và nền độc lập cho miền Nam Việt Nam trở thành một sự thật. Ngoài ra, nước nhà còn được sự khích lệ tinh thần và được hưởng sự viện trợ đáng kể của thế giới tự do. Với nhiều yếu tố chính trị thuận lợi như thế thêm vào những điều kiện địa dư may mắn có được đất đai màu mỡ về nông lâm sản và thặng dư về hải sản, đáng lẽ miền Nam Việt Nam đã phải đủ sức để bắt đầu đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến đấu với miền Bắc, để có thể thỏa mãn được ý dân và đưa đất nước đến hy vọng, tự do và hạnh phúc. Ngày này, sáu năm sau, sau khi hưởng được nhiều lợi điểm không thể chối cãi đến như thế, Chính phủ đã làm được những gì? Chính phủ đã đưa miền Nam đi về đâu? Những ước vọng tha thiết nào của nhân dân đã được thành tựu?

Chúng ta thử tổng kết tình hình một cách khách quan, không xu nịnh mà cũng không buộc tội sai lầm, theo đúng đường hướng xây dựng mà chính Tổng thống vẫn hay nói đến với ước vọng là Chính phủ sẽ thay đổi chính sách để tự đưa mình ra khỏi một tình trạng hết sức hiểm nghèo cho sự sinh tồn của quốc gia.

 VỀ CHÍNH TRỊ

 Mặc dù chế độ ngoại lai do thực dân tạo ra và che chở đã bị lật đổ và nhiều phe nhóm từng đàn áp nhân dân đã bị triệt hạ, dân chúng vẫn chưa tìm thấy được một cuộc sống khá hơn hay có nhiều tự do hơn dưới chế độ Cộng Hòa do Tổng thống thành lập. Một hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. Và những cuộc bầu cử phản dân chủ. Toàn là những phương pháp và “trò hề” bắt chước các chế độ Cộng Sản độc tài và lẽ tất nhiên là không thể đem ra để so sánh với miền Bắc được.

Những vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà giam và khám đường đầy đến tận nóc như hiện nay đang xảy ra; dư luận quần chúng và báo chí phải câm lặng. Cũng thế, ý dân bị khinh nhục và chà đạp trong những cuộc đầu phiếu (ví dụ trường hợp xảy ra trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 mới đây). Tất cả những điều này đã gây ra sự nản chí và bất mãn của dân chúng.

Các chính đảng và giáo phái đã bị loại bỏ. Thay vào đấy là các “Nhóm” và “Phong trào”. Nhưng sự thay thế này chỉ đem đến những điều áp bức mới cho dân chúng mà không che chở được cho dân chúng của các giáo phái từ trước vẫn là những vùng tử địa của Cộng Sản thì nay không những đã mất hết an ninh (cho người Quốc gia) mà còn trở thành những đại lộ cho du kích Việt Cộng mà tình trạng chung như thế xảy ra khắp nơi.

Đây là chứng cớ cho thấy rằng các giáo phái tuy nhỏ nhoi không đáng kể đã là những thành phần chống Cộng hữu hiệu. Việc triệt hạ các giáo phái đã mở lối cho Việt Cộng và vô tình dọn đường cho kẻ thù, trong khi một chính sách thực tế và uyển chuyển hơn đã có thể liên kết họ về chung thành một khối để tiếp sức cho trận tuyến chống Cộng.

Ngày nay, nhân dân muốn được tự do. Đáng lẽ Tổng thống nên mở rộng chế độ, khuyến khích nền dân chủ, bảo đảm các quyền công dân tối thiểu và công nhận đối lập hầu dân chúng được nói lên tiếng nói của mình mà không sợ hãi để dẹp được sự bất mãn và căm thù, vì đối với dân chúng, thế đối lập là lý do độc nhất cho họ tồn tại. Khi Tổng thống thực hiện xong được những điều này thì nhân dân miền Nam Việt Nam có thế đứng của mình đối với miền Bắc mà nhận ra được giá trị của một nền tự do thật sự và một nền dân chủ chân chính. Chỉ đến lúc đó dân chúng mới sẽ nỗ lực và hy sinh tối đa để bảo vệ sự tự do và nền dân chủ ấy.

 VỀ CHÍNH QUYỀN

 Lãnh thổ thu hẹp lại, số công chức lại tăng lên mà việc quản trị lại không chạy. Ấy là vì chính quyền giống như Cộng Sản, đã để cho các đoàn thể chính trị (của chính quyền) kiểm soát người dân, tách rời nhóm ưu tư ra khỏi hạ tầng và gieo rắc sự nghi ngờ giữa những kẻ liên hệ với “đoàn thể” và những người “ngoài đoàn thể”. Thực quyền không còn ở trong tay của những người đáng lý có trách nhiệm của “gia đình”, nơi từ đó các mệnh lệnh được truyền ra. Điều này làm cho guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể che dấu được, những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hằng triệu bạc.

Guồng máy hành chánh, vốn đã bị đình trệ bây giờ hầu như hoàn toàn trở nên tê liệt. Nền hành chánh cần được cải tổ gấp rút. Những người có khả năng phải được đặt đúng vào những chức vụ từ trên xuống dưới, hệ thống hành chánh và kỷ luật phải được tái lập, quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi với nhau; sự hữu hiệu, sáng kiến, lòng ngay thẳng và tính cần kiệm phải là những tiêu chuẩn để dùng vào việc thăng thưởng, khả năng nghề nghiệp phải được tôn trọng. Phải loại trừ tình trạng ban phát ân huệ bằng vào những liên hệ gia đình hay phe phái. Những kẻ buôn bán quyền hành, tham nhũng và lạm dụng quyền thế phải bị trừng trị.

Có như thế thì mọi chuyện vẫn còn có thể cứu vãn được, nhân phẩm còn có thể phục hồi, và có thể dựng lại niềm tin vào một chính quyền thành thật và công bình.

 VỀ QUÂN ĐỘI

 Quân đội viễn chinh đã ra khỏi nước và một quân đội Cộng Hòa đã được thành lập; nhờ vào viện trợ Hoa Kỳ quân đội này đã được trang bị với quân trang quân cụ tối tân. Tuy nhiên ngay cả trong lực lượng thanh niên kiêu hãnh như Quân đội Việt Nam - nơi mà đáng lý tinh thần danh dự phải được vun xới, gồm những kẻ mà bầu nhiệt huyết và những cánh tay phải được tận dụng vào việc bảo vệ quốc gia, nơi mà đáng lẽ phải vắng bóng đầu óc phe phái - thì tinh thần “Phong trào Cách mạng Quốc gia” hoặc tinh thần “Nhân vị” đã chia rẽ những kẻ cùng chung một đơn vị, gây ngờ vực giữa những bạn đồng ngũ đồng cấp và lấy “sự trung thành với một đảng để tùng phục mù quáng những kẻ lãnh đạo đảng” làm tiêu chuẩn thăng thưởng. Điều này đã tạo ra những điều kiện cực kỳ nguy hiểm, như trong vụ vừa xảy ra ở Tây Ninh. (Bernard Fall ghi chú: Vụ sư đoàn 21 bị Việt Cộng tấn công đầu năm 1960).

Nhiệm vụ của quân đội, rường cột của việc bảo vệ quê hương, là chận đứng những cuộc ngoại xâm và tiêu diệt các phong trào nổi loạn. Quân đội chỉ phục vụ quốc gia và không nên để cho một phe nhóm hay đảng phái nào lợi dụng. Việc cải tổ toàn diện quân đội là một điều cần thiết. Đầu óc phe phái và sự trung thành với một đảng phải được loại bỏ; tinh thần quân đội phải được tái phục hồi cho mạnh lên, phải tạo ra một truyền thống cao đẹp về niềm hãnh diện quốc gia; và tinh thần chiến đấu, lương tâm nghề nghiệp và lòng can trường phải là những tiêu chuẩn dùng trong việc thăng thưởng. Phải khuyến khích binh sỹ biết kính trọng cấp trên và phải khuyến khích sĩ quan phải biết yêu thương binh sĩ. Phải loại bỏ lòng ngờ vực, ganh tỵ và đố kỵ giữa những kẻ đồng đội, đồng ngũ.

Có như thế, gặp thời nguy biến quốc gia sẽ có được một quân đội hào hùng thúc đẩy bởi một tinh thần và có cùng một lý tưởng: bảo vệ cho cái sở hữu chúng ta: quê hương Việt Nam.

 
Sĩ quan Quân đội VNCH bị xem như gia nhân, lội nước đẩy thuyền cho Tổng thống

 VỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

 Một xứ sở giàu có và phì nhiêu với thực phẩm dư thừa, một ngân sách không cần phải đối phó với những chi phí Quốc phòng, (chi phí Quốc phòng của miền Nam Việt Nam do kinh viện và quân viện của Hoa Kỳ đài thọ: ghi nhận thêm của Bernard Fall) những ngân khoản bồi thường chiến tranh lớn lao, mức lời cao đẻ ra từ công khố phiếu quốc gia, một chương trình ngoại viện khổng lồ, một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là nhiều điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc. Gạo nhiều nhưng bán không được, các tiệm đầy hàng mà hàng hóa lại không di chuyển - nguồn lợi nằm trong tay những kẻ đầu cơ, dùng phe nhóm, đoàn thể của chính quyền để che dấu việc buôn bán độc quyền đem lợi về cho một thiểu số tư nhân. Trong lúc đó, hằng ngàn dân bị huy động đi làm việc cực nhọc, bị ép buộc phải rời bỏ công ăn việc làm, nhà cửa gia đình của mình để tham gia vào công tác xây dựng những “Khu Dinh Điền” tuy đồ sộ nhưng vô ích. Điều này làm họ mỏi mệt và mất thiện cảm với chính quyền càng làm cho mối bất mãn thêm trầm trọng và tạo một môi trường lý tưởng cho công tác tuyên truyền của địch.

Kinh tế là nền móng của xã hội và lòng dân là yếu tố sống còn của chế độ. Chính quyền phải phá tan mọi chướng ngại cản trở việc mở mang kinh tế. Phải hủy bỏ sự độc quyền và đầu cơ dưới mọi hình thức; phải tạo môi trường thuận tiện cho việc đầu tư đến từ phía các quốc gia thân hữu cũng như từ chính nhân dân của ta; phải khuyến khích kinh doanh thương mại, khuếch trương kỹ nghệ và tạo công ăn việc làm để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Đồng thời, chính quyền phải chấm dứt sự bóc lột con người dưới mọi hình thức trong các công trường lao động của những “Khu Dinh Điền”.

Có thế nền kinh tế mới lại phát triển, người dân mới tìm lại được cuộc sống an bình và mới được thụ hưởng đời sống của mình, xã hội mới được tái thiết trong một bầu không khí tự do và dân chủ.

Thưa Tổng thống, có lẽ đây là lần đầu tiên Tổng thống mới được nghe lời phê bình gắt gao và khó chịu ngược lại với ý muốn của Tổng thống. Tuy nhiên, thưa Tổng thống, những lời trình bày ở đây là sự thật hoàn toàn, một sự thật cay đắng nặng nề mà Tổng thống chưa bao giờ biết được vì dù vô tình hay chủ ý, một khoảng trống quanh Tổng thống đã được tạo ra và chính vì cái địa vị cao cả của Tổng thống mà không ai để cho Tổng thống nhận ra được thời kỳ nghiêm trọng khi mà sự thật sẽ tràn tới như những làn sóng căm hờn không cưỡng nổi, sự căm hờn của nhân dân đã từ rất lâu phải nhận chịu sự đau khổ khủng khiếp đến một lúc sẽ vùng lên bẻ gẫy những ràng buộc từng cột chặt mình, đè mình xuống. Làn sóng này sẽ quét sạch sự ô nhục và bất công vốn bao quanh người dân đã áp bức họ.

Vì chúng tôi hoàn toàn thành thật không muốn thấy Quê Cha Đất Tổ phải trải chịu những ngày tháng hiểm nghèo đó nên chúng tôi - không kể đến những hậu quả do hành động của chúng tôi sẽ mang lại cho chúng tôi - hôm nay gióng lên tiếng chuông báo động trước mối nguy cơ cấp thiết đang đe dọa chính quyền.

Cho đến nay, chúng tôi đã giữ im lặng và để cho chính quyền mặc ý hành động. Nhưng bây giờ đã đến lúc khẩn thiết, chúng tôi cảm thấy rằng bổn phận của chúng tôi - và trong lúc nước nhà gặp cảnh rối loạn thì ngay cả những kẻ hèn kém nhất cũng phải chia xẻ bổn phận này - là phải nói lên sự thật, thức tỉnh dư luận, báo động với nhân dân, và liên kết những kẻ đối lập, để cho thấy lối thoát.

Chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng Hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ.

Trân trọng

   Ngày 26 tháng 4 năm 1960

1. Trần Văn Văn (1907-1973), quê Long Xuyên. Học trung học ở Lycée Chasseloup Laubat, Sàigòn. Năm 1926, vì tham gia bãi khóa nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh ở Sàigòn nên bị đuổi học. Cụ thân sinh gởi qua Pháp để tiếp tục thi xong tú tài. Sau đó tốt nghiệp trường Cao Đẳng Thương Mãi (HEC) Paris và đại học Oxford (Anh quốc).
Tham gia kháng chiến chống Pháp để dành độc lập cho nước nhà (bản thảo viết tay trả lời phỏng vấn đài tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, tháng 9,1966). Tháng 5 năm 1945, ra Huế làm Đổng Lý Văn Phòng cho bác sĩ Hố Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh Tế trong chánh phủ Trần Trọng Kim (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi). Sau khi chánh phủ Trần Trọng Kim giải tán, cụ trở về Nam tham gia kháng chiến chống Pháp dành độc lập với tư cách Ủy viên Kinh tế.
Lúc chánh quyền Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tiêu diệt các giáo phái và Bình Xuyên, vì biết ông là người được tướng Lê Văn Viễn, thường gọi Bãy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, đặc biệt nể trọng, nên ông Ngô Đình Nhu yêu cầu ông cùng ngồi xe qua tổng hành dinh của Bình Xuyên, thuyết phục Bảy Viễn dẹp bỏ ý định pháo kích phá hủy Sàigòn.
Cuối 1959, nhận thấy tình thế ngày càng nguy ngập của Miền Nam trước hiểm họa xâm lăng ngày càng rõ rệt của Cộng Sản Bắc Việt, ông thiết kế hành động để thúc đẩy chánh quyền Ngô Đình Diệm cải tồ.
Ông ra ý kiến, rồi cùng cụ Trần Văn Hương và bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, ba người thảo ra bản điều trần kêu gọi chánh quyền Ngô Đình Diệm cải tổ.
Ông phối hợp với ông Phan Thông của Việt Nam Quốc Dân Đảng để tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Sàigòn, và đi thuyết phục 15 nhân sĩ khác, thuộc mọi khuynh hướng và tiêu biểu cho 3 miền đất nước, từng người một, ký tên vào bản điều trần.
Ngày 26 tháng 4 năm 1960, cụ Phan Khắc Sửu và ông mang bản điều trần đưa vào dinh Độc Lập rồi đến khách sạn Caravelle hợp báo. Ông đề nghị gọi nhóm 18 nhân sĩ ký vào bản điều trần là nhóm Tự Do Tiến Bộ, gọi tắt là Cấp Tiến, để thành tựu đối lập hợp hiến với chánh quyền ( về sau có một phong trào do 2 Gs Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy sáng lập cũng lấy tên là Cấp Tiến).
Ông Ngô Đình Nhu gọi mỉa mai nhóm nầy là nhóm Caravelle, để rêu rao đây là thành phần trưởng giả rất xa lạ với nguyện vọng của quần chúng (Từ đó bản điều trần được biết đến như là bản tuyên ngôn Caravelle. Bản dịch tiếng Anh có đăng trong Vietnam Reader của Bernard Fall, và trong The Pentagon Papers. Về sau có một số người mạo nhận đã sáng lập ra nhóm Caravelle, hay đã ra ý kiến hoặc đã đóng góp vào việc soạn thảo bản điều trần. (Xem Nguyễn Ngọc An, chung quanh vụ Caravelle.)
Thừa cơ hội nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vưong Văn Đông, Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thuỵ, đảo chánh thất bại ngày 11/11/1960, chánh quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh bắt giam một số nhân sĩ trong nhóm Tự Do Tiến Bộ gồm các ông Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Đổ, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Tăng Nguyên,Trần Văn Tuyên mặc dù họ hoàn toàn không can dự vào cuộc đảo chánh. Ông bị giam giữ từ 12/11/1960 đến 07/04/1961, được thả ra cùng lúc với cụ Trần Văn Hương (Trần Văn Hương, Lao Trung Lãnh Vận).
Tháng 7 năm 1963, một tòa án quân sự đặc biệt do đại tá hải quân Phạm Gia Hẹ chủ tọa chánh án đem 18 nhân sĩ của nhóm Tự Do Tiến Bộ ra xét xử. Trong phiên tòa, công tố viện trưng bằng chứng cụ thể để cho thấy chính ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã đích thân tổ chức giám thị và lũng đoạn nội bộ nhóm "Tự Do Tiến Bộ" (hay Caravelle) như thế nào. Báo chí Việt Nam đều có đại diện tham dự phiên tòa cùng một số ký giả ngoại quốc trong đó có 2 ký giả Pháp, François Nivolon của nhật báo Le Figaro và Jean Lacouture của tuần báo Le Nouvel Observateur. Tòa tuyên án tha bổng tất cả các bị can.
Ngày 7 tháng 12 năm 1966 trên đường đi vào Quốc Hội, lúc 9g05 sáng, ông bị ám sát tại góc đường Phan Kế Bính – Phan Đình Phùng.

2. Phan Khắc Sửu (1905-1970) quê Cân Thơ, tín đồ Cao Đài, tốt nghiệp Kỹ sư Canh Nông tại Pháp, cựu Tổng trưởng Canh nông và Cải cách Điền địa dưới thời Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, không lâu sau, ông nhận thấy được sự thiếu thực tâm và những mầm mống độc tài của chế độ Diệm nên đã từ chức sau khi nhậm chức không bao lâu.
Tháng 2 năm 1959, ông đắc cử dân biểu (đơn vị bầu cử Sài Gòn) rồi gia nhập Mặt trận Đại đoàn kết Quốc dân cùng với Nguyễn Tường Tam đối lập với chính phủ. Ngày 26 tháng 4 năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ ký tên vào bản tuyên cáo, về sau nổi tiếng với tên gọi "Tuyên cáo Caravelle", chỉ trích các sai lầm của chính quyền và yêu cầu Tổng thống phải cải tổ. Việc làm này càng làm ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền. Nhân cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 thất bại, ông bị chính quyền quy tội ủng hộ đảo chính và bắt giam. Đêm 11 tháng 7 năm 1963, ông bị tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn kết án 8 năm cấm cố cùng với Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Bùi Lương... Lúc tự biện hộ trước tòa, ông đã nói: “Nếu tôi có tội, thì tôi chỉ có mỗi một tội, là tội đuổi Pháp ra khỏi Sài Gòn, tội vì Dân tộc mà thôi!”.Ngày 31 tháng 7 năm 1963, ông bị đày ra Côn Đảo thụ án. Tuy nhiên, chỉ sau đó 3 tháng, một cuộc đảo chính khác nổ ra, lật đổ Ngô Đình Diệm, ông được đón về Sài Gòn.
Sau nầy, ông từng giữ chức Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 19641965 .

3. Trần Văn Hương (1902-1982), quê Vĩnh Long.  Tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội. Giáo sư Trung học tại Mỹ Tho. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, do không đồng tình với việc lực lượng Việt Minh quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu, ông bỏ về quê sống ẩn dật và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp. Sau đó, ông vào Sài Gòn mở hiệu thuốc cho đến năm 1954[1]. Trong thời gian đó ông lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị như Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch Trần Văn Văn.[2]
Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông ra làm đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Sau đó, ông từ chức để phản đối chính sách độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm thời Đệ nhất Cộng hòa. Năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm Tự do Tiến bộ, tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là "nhóm Caravelle"), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi đứng đầu nổ ra, nhóm đã tuyên bố ủng hộ. Vì thế ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù (Phòng biệt giam P42), ông có viết một tập thơ lấy tên là Lao trung lãnh vận (tức "Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù").

4. Nguyễn Lưu Viên (1919- ) quê ở Trà Vinh. Bác sĩ Y khoa, từng là Quân y trưởng tại Sư đoàn 320 trong mặt trận Việt Minh. Tham gia nội các Ngô Đình Diệm rồi từ chức Phó Tổng ủy Di cư và đã tham gia nhóm Caravelle thập niên 50 để phản đối độc tài gia đình trị của nhà Ngô. Trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, ông làm Phó Thủ tưóng kiêm Bộ trường Văn hóa Giáo dục. Tham gia Hoà đàm Ba Lê (1968-1973) với tư cách là Quan sát viên và sau đó  được chọn làm trưởng đoàn tại Hội nghị Hiệp thương La Celle Saint Cloud cho đến 5/1974.

5. Huỳnh Kim Hữu quê Nam phần, Tam giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần. Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế. Tháng 4 năm 1955, tham gia Ủy ban Cách mạng Quốc gia (sau đổi tên là Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia) mà Chủ tịch Ủy ban là Nguyễn Bảo Toàn thuộc đảng Dân Xã; Phó Chủ tịch là Hồ Hán Sơn thuộc Việt Nam Phục quốc Hội (Cao Đài) và Thư ký là thiếu tá Nhị Lang (Cao Đài) để ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Hai ông Nguyễn Bảo Toàn và Hồ Hán Sơn, sau nầy, bị ông Diệm thủ tiêu.

6. Phan Huy Quát (1908-1979), quê Trung phần, một lãnh tụ thuộc đảng Đại Việt. Khi Quốc gia Việt Nam được thành lập, ông làm Tổng trưởng các bộ Giáo dục (1949), Quốc phòng (1950, 1954) trong các chính phủ Quốc gia Việt Nam thời Quốc trưởng Bảo Đại. Sau đó ông lui về hành nghề bác sĩ tại Sài Gòn.
Năm 1964, vì áp lực của Hội đồng Quân lực, tướng Nguyễn Khánh phải rút khỏi chính trường và chính phủ dân sự được thành lập do ông đứng đầu với cương vị Thủ tướng. Phó thủ tướng là Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 25 Tháng Năm năm 1965 ông quyết định cải tổ Nội các, thay thế một số tổng trưởng nhưng phe giáo dân Thiên Chúa giáo phản đối. Ngày 11 Tháng Sáu, ông triệu tập hội đồng chính phủ để giải quyết nhưng không đạt được thỏa hiệp nào nên ông ra lệnh giải tán chính phủ và từ chức thủ tướng.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình bị kẹt lại ở Việt Nam do không kịp di tản. Ông không ra trình diện theo lệnh của chính quyền mới và sống trốn tránh trong một thời gian ngắn. Trên đường đi trốn, ông bị bắt giam cùng con trai út là Phan Huy Anh và chết tại nhà giam Chí Hòa vì bệnh gan và không được cứu chữa kịp thời ngày 27 tháng 4 năm 1979.

7. Trần Văn Lý (1901-1970) quê Quảng Trị, tín đồ Thiên Chúa giáo, có quan hệ bà con với Giám mục Lê Hữu Từ. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hành chánh Hà Nội, ông làm Tham tá tại Qui Nhơn trong ngạch quan lại Pháp. Sau khi Nhật đảo chính, Pháp mở đường cho học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ đã mời ông giữ chức Tổng đốc cai trị 4 miền cực Nam Trung Việt như là một Tiểu Khâm Sai. Ông có tiếng là một vị quan nổi tiếng liêm chính, sống giản dị, quan tâm đến dân chúng.
Từ năm 1947, để đảm bảo an ninh trật tự tại miền Trung ông cho thành lập Nha Cảnh sát và Công An Trung Phần, phát triển lực lượng Bảo vệ quân (năm sau đổi là Việt Binh đoàn Trung phần) do đại úy Nguyễn Ngọc Lễ làm chủ huy. Ông cũng cho thành lập Nha Văn hóa Trung phần mời linh mục Cao Văn Luận làm Giám đốc. Ông là cựu đồng chí của Tổng thống Diệm trong phong trào Cường Để) cựu Thủ hiến Trung-Việt.
Sau năm 1954 ông sống ở Sài Gòn, tham gia hàng ngũ nhân sĩ đối lập chính phủ Ngô Đình Diệm.
Năm 1960 ông tham gia nhóm Caravelle kiến nghị lên Tổng thống Ngô Đình Diệm dòi cải cách thể chế.[5] Năm 1967 ông tham gia ứng cử chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trong liên danh Cái Lư cùng ông Huỳnh Công Đương.
Năm 1970 ông mất tại Viêt Nam , thọ 69 tuổi.

8. Nguyễn Tiến Hỷ, quê Bắc phần, Tam giáo, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bác sĩ Y khoa.

9. Trần Văn Đỗ * (1903-1990) sinh ở Hà Nam, nhưng nguyên quán ở Nam Kỳ. Gia đình của ông rất có tiếng tăm. Thân phụ của ông là Trần Văn Thông, từng làm Tổng đốc Nam Định trong 17 năm. Ông gọi chính khách Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập hiến Đông Dương, bằng cậu.[2] Ông cũng là em ruột của luật sư Trần Văn Chương. Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân gọi ông là chú.
Ông du học tại Pháp, đậu bằng bác sĩ y khoa của Đại học Paris.
Năm 1954, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phái đoàn đại diện Quốc gia Việt Nam ở Genève, thay cho ông Nguyễn Quốc Định. Ông nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam[3] và nhân danh phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng. Sau đó ông được bổ làm Tổng trưởng Ngoại giao nhưng chỉ được một năm thì rút lui vào năm 1955. Thời Đệ nhất Cộng hòa, ông phản đối chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông là một trong 18 người thuộc nhóm Caravelle ký tên vào thỉnh nguyện thư, còn gọi là Tuyên cáo Caravelle gửi Ngô Đình Diệm đòi chính phủ cải tổ vào tháng 4 năm 1960.[5]
Năm 1965, ông nhận làm Phó thủ tướng trong nội các của Thủ tướng Phan Huy Quát rồi Tổng Ủy viên Ngoại giao, tức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1965-1967) trong Nội các chiến tranh của tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Sau năm 1975, ông sang tỵ nạn tại Pháp và mất ngày 20 tháng 12 năm 1990 ở Paris.

10. Lê Ngọc Chấn ( - 1986) quê Bắc phần. Ông là một Luật sư, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Diệm nhưng từ chức để phản đối chính sách độc tài của gia đình họ Ngô. Ông ký tên vào “Tuyên ngôn” Caravelle và bị đi tù hơn 3 năm. Chức vụ cuối cùng trước 1975 là Đại sứ tại Vương quốc Anh..
Tháng 6.1986, ông bị bệnh và chết trên đường đến bệnh viện, quàn xác tại nhà thi sĩ Hà Thượng Nhân, thiêu và hũ cốt để tại chùa Vĩnh Nghiêm, hương linh ở chùa An Lạc, Sài Gòn.

11. Lê Quang Luật, quê Bắc phần, Thiên Chúa giáo, lãnh tụ Phong trào Liên hiệp Dân chúng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm khi ông Diệm còn ở hải ngoại. Ông là một Luật sư, nhà báo, cựu đại diện Chính phủ tại Bắc Việt sau khi Hiệp ước Genève ra đời, lãnh đạo việc đưa 800.000 dân di cư vào Nam, và cựu Bộ trưởng Thông tin. Ông là một trong những người Công giáo chống ông Diệm sớm nhất và quyết liệt nhất.

12. Lương Trọng Tường* , quê Nam phần, là lãnh tụ của một trong ba hệ phái Hòa Hảo (hai hệ phái kia do hai ông Huỳnh Văn Nhiệm và Lê Quang Liêm lãnh đạo). Ông tốt nghiệp Kỹ sư công chánh, và đã từng là cựu Thứ trưởng Kinh tế Quốc gia dưới thời ông Diệm.

13. Nguyễn Tăng Nguyên* , quê Trung phần, Phật giáo, một lãnh tụ thuộc nhóm Tinh Thần, một sáng lập viên Đảng Cần Lao Nhân Vị. Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Lao Động và Thanh Niên.

14. Phạm Hữu Chương, quê Bắc phần. Bác sĩ Y khoa, cựu Bộ trưởng Y tế và Công tác Xã hội.

15. Trần Văn Tuyên (1913-1976) quê Tuyên Quang, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Ông là phụ tá cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam trong Chính phủ Liên hiệp năm 1946. Thành viên của phái đoàn Quốc gia Việt Nam đi dự Hội nghị Genève,
Tháng 6 năm 1960, ông sinh hoạt trong tổ chức Tự do Tiến bộ (nhóm Caravelle) cùng với Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Lê Ngọc Chấn và một số chiến hữu. Ông là đồng tác giả bản tuyên ngôn của nhóm. Ông bị giam giữ 3 năm tại trại mật vụ Võ Tánh. Tháng 7 năm 1963 tòa án quân sự Sài Gòn thụ lý truy tố ông nhưng sau khi Nguyễn Tường Tam tuẫn tiết, tòa tha bổng cho tất cả 19 bị cáo.
Từ 1964, ông là tổng bí thư Việt Nam Quốc dân Đảng (hệ phái miền Nam). Phó thủ tướng Đặc trách Kế hoạch trong chính phủ Phan Huy Quát. Trưởng Khối Đối lập Dân tộc Xã hội tại Hạ nghị viện.
Năm 1975 sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông bị bắt ngày 16 tháng 5, đưa vào trại cải tạo. Ông mất trong trại giam.

16. Tạ Chương Phùng, quê ở Trung phần. Ông đỗ Cử nhân Hán học, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 - 50 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và trở thành thành viên nhóm Caravelle. Ông là thân phụ của chuyên gia sử học và dân tộc học Tạ Chí Đại Trường; và là vai trên của ông Tạ Chí Diệp, một người bị chính quyền Diệm thủ tiêu từ những ngày đầu.

   17. Trần Lê Chất (quê Bắc phần, Tam giáo) Tiến sĩ Hán học.

18. Hồ Văn Vui, quê Nam phần. Linh mục, cựu Cha sở một họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn và hiện nay là Cha sở tại Tha La, Tây Ninh. “Linh mục Hồ Văn Vui được coi là một tu sĩ có nhiều uy tín trong giới Thiên Chúa giáo miền Nam. dạo năm 1958, Linh mục đã nhiều lần công khai phê phán chế độ và trong một bài thuyết giảng tại nhà thờ Đức Bà, Linh mục Hồ Văn Vui đã lên tiếng phê bình chính phủ một cách vô tư thẳng thắn


 Ghi Chú :

(*) Các Bộ trưởng trong Nội các đầu tiên của ông Ngô Đình Diệm (từ ngày 24-9-1954).
- Nhân thân của 18 nhân vật nầy chủ yếu được trích từ Wikipedia và lấy trên Internet.
- Trích, dịch từ “The Two Vietnam” của Bernard Fall, phụ bản II trang 435-441-Hoa Kỳ 1967.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét