Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

“LỜI ĐỀ” CỦA BA VỊ ĐỒNG LIÊU VỚI ÔNG DIỆM


 

“LỜI ĐỀ” CỦA BA VỊ ĐỒNG LIÊU VỚI ÔNG DIỆM

 
"CHÍN NĂM MÁU LỬA DƯỚI CHẾ ĐỘ GIA ĐÌNH TRỊ NGÔ ĐÌNH DIỆM"
của hai soạn giả Nguyệt Đam và Thần Phong, xuất bản năm 1964


1) "LỜI ĐỀ CỦA CỤ TUẦN PHỦ TRÍ SĨ VŨ CÚC SƠN

Được biết ông Ngô Đình Diệm, trong khi qua lại chốn Thần kinh, tôi vẫn thường nghe nói nhiều về những hành động của ông, khi ông còn đương tại chức, nhất là trong hồi ông làm Tuần Vũ và hồi ông được thăng chức Thượng thư tại Triều Đình Huế .

Sau khi bị Phạm Quỳnh đàn hặc và bị về nghỉ, ông Diệm có tới thăm tôi tại Hà Tĩnh, và phàn nàn về sự "dữ nhân quả hợp" của ông. Tôi có an ủi ông "nên tạm lánh mình về chốn điền viên, cho được an nhàn tâm trí. Công danh phú quý chẳng qua cũng như giấc mộng kê vàng, theo đuổi mãi mà chi".

Nhưng ông không nghe, và chẳng bao lâu, tôi lại được tin ông qua Bắc Sơn, tìm đến yết kiến Hồ Chí Minh, rồi bị bắt giam tại Tuyên Quang. Tai vạ này thực là do ông tạo ra vậy!

Sau này, khi ông ở hải ngoại về, đảm nhiệm chức Tổng Thống. Tuy tôi không có dịp được gặp ông, nhưng vẫn thường theo dõi về cuộc đời thăng trầm của ông. Tôi đã được tin ông bị bắn hụt tại Ban Mê Thuột; bị đả đảo năm 1960; bị nã bom năm 1962; rồi đến lần đảo chánh năm 1963, lật đổ chế độ độc tài, để kết thúc cuộc đời của ông.

Đó, sự quá tham vọng của ông đã gây cho ông cái chết thê thảm, để đền tội trước nhân quần, xã hội.

VŨ CÚC SƠN"
Tuần Phủ Trí Sĩ

***

2) "LỜI ĐỀ CỦA CỤ CỬ NHÂN, THƯỢNG-THƯ TRÍ-SĨ PHẠM VĂN HANH

Đành rằng "đối với người đã khuất thì không nên nói đến". Nhưng đây, trong việc sưu tầm tài liệu, ghi vào sử sách lưu lại về sau, lẽ tất nhiên chúng ta phải giữ gìn chuyện cũ, bổ khuyết những chuyện nghi ngờ, ngõ hầu có thể giúp ích, một phần nào, cho mai hậu, trong việc khảo cứu về chuyện cũ nước nhà.

Tôi, lúc thiếu thời đã từng giong ruổi trong hoạn trường, trên ba mươi năm và đã được quen biết ông Ngô đình Diệm từ lâu. Chẳng những ông với tôi cùng là người miền Trung, lại là chỗ đồng liêu. Nên tôi đã có dịp nhận xét riêng về tính tình của ông, và thành tích của gia đình ông.

Nay được đọc qua bản thảo của cuốn " Chín Năm Máu Lửa " nói về gia đình họ Ngô, tôi đã nhận thấy những lời ghi chép về ông, về gia đình ông, rất phù hợp với những điều mà tôi đã được mắt thấy tai nghe. Như vậy, đủ tỏ rằng đây là một ngòi bút đáng tin cậy, không còn nghi ngờ gì nữa.

Sự thất bại quá nặng nề của ông Ngô Đình Diệm và anh em ông âu cũng là hậu quả tai hại của những con người "làm sự bất nghĩa, tất nhiên phải đến chỗ chết", đúng với câu chữ hán (1) của các bậc hiền triết đời xưa: "Đa hành bất nghĩa tất tự tế" (Làm nhiều điều bất nghĩa, tức là tự giết mình). Đó, cũng là một lẽ đương nhiên của con Tạo đã an bài. (2)

PHẠM VĂN HANH
Lão Tẩu: Cử nhân, Thượng Thư Trí Sĩ -

***

3) "LỜI ĐỀ CỦA CỤ VĂN TRAI, NGUYỄN KINH LỊCH

Trong hồi ông Ngô Đình Diệm làm Tuần Vũ Bình Thuận, được Khâm sứ Thibaudeau đặc cách triệu về Huế, cho đảm nhiệm chức Thượng Thư Bộ Lại, thì tôi hiện đương giúp việc tại Bộ Hộ. Nên đã được biết ông Diệm, và thường được nghe nói về ông nhiều.

Nay tôi đã ngoài 70 tuổi (vào năm 1964). Những hành vi của ông Diệm, từ hồi ở nước ngoài về làm Tổng Thống, cho đến ngày nay, tôi vì già yếu, ít đi, ít nghe ông được rõ lắm.

Nay tôi đọc qua bản thảo cuốn "Chín Năm Máu Lửa" trong chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, tôi nhận thấy cuốn sách này đã nói lên được tất cả những thủ đoạn gian hùng của ông Diệm và anh em ông. Ngoài các chi tiết lặt vặt không đáng kể, cuốn sách này, đã ghi đúng những điều mà tôi đã mắt thấy tai nghe, trong khi làm việc gần ông Diệm.

Cuốn " Chín Năm Máu Lửa " này thực là một cuốn sách đáng tin cậy và có thể giúp ích cho các nhà viết sử sau này muốn sưu tầm dấu vết của gia đình họ Ngô. Tôi xin trân trọng đề lời giới thiệu.

VĂN TRAI
Ty Hiến Sát sứ Qui Nhơn (Trung Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét