Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019


CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM
TỪ GÓC NHÌN CỦA MỘT TRÍ THỨC MIỀN NAM

[Trích từ Thân Phận Trí Thức của Vũ Tài Lục]

Bìa Thân Phận Trí Thức (Việt Chiến, Sài Gòn, 1969)

LGT – Nếu học giả Đoàn Thêm, người được may mắn nằm ở trung tâm quyền lực chính trị dưới nhiều chế độ, đã cần mẫn và chi li ghi lại những biến cố tại Việt Nam qua hai tác phẩm “Hai Mươi Năm Qua - Việc Từng Ngày (1945-1964)” và “Những Ngày Chưa Quên (1954-1963)” mà nhờ đó, ta mới có được một kho tài liệu vô giá về giai đoạn lịch sử nhiều biến động, thì nhà nghiên cứu Vũ Tài Lục, cũng là một “người chép sử” (History Recorder) khác, nhưng với phong thái của một người “ngoài cuộc” để mô tả và phân tích các lực vận động lịch sử xã hội nào đã tác động vào vận mệnh nước ta trong những thập niên 1960’s và 70’s. Ông là một loại “Sĩ phu Bắc hà” di cư vào Nam trong thập niên 1950’s. Là người quen biết rộng và sâu với Who’s Who của miền Nam, bạn thân với nhiều giới trong và ngoài chính quyền nhưng chưa bao giờ tham chính để giữ cho tư duy và ngòi bút của mình được ngay thẳng.
Ngoài Thân Phận Trí Thức, ông còn xuất bản Quốc Tế Chính Trị, Thủ Đoạn Chính Trị, Những Quy Luật Chính Trị Trong Sử Việt, Những Khuôn Mặt Tài Phiệt, Nói Chuyện Tam Quốc, …và một số sách nghiên cứu Tử vi, Tướng mệnh Đông phương.
Trích đoạn dưới đây là góc nhìn của ông về chế độ Ngô Đình Diệm. Phần nhấn mạnh là của HNG



… Ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ đặc biệt của Hoa Kỳ được đưa về chấp chánh toàn miền Nam kể từ vĩ tuyến 17 trở vào. Năm đầu ông phải đương đầu với vấn đề xã hội. Nhờ miền Nam sung túc phì nhiêu, nhờ viện trợ Mỹ đầy đủ, vấn đề xã hội miền Nam không những ổn định dễ dàng mà còn chuyển thành công cuộc thống nhất văn hóa lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Sang năm thứ hai ông phải đương đầu với vần đề chính trị. Pháp thỏa thuận với Mỹ lặng lẽ rút lui nhưng còn những thế lực chính trị của Pháp ở lại. Nhờ chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ đầu tiên mang nhiều sắc thái độc lập nhất kể từ lúc người Pháp đặt chân lên đây cho nên toàn dân nhiệt liệt ủng hộ. Quan trọng hơn hết là quân đội cũng ủng hộ để tiêu diệt các thế lực chính trị của Pháp qua trung gian (par personne interposé). Và từ đó quân đội lớn lên trong chiến tranh Việt-Pháp bây giờ thực sự trở thành một quân đội của quốc gia độc lập. Nhờ lực lượng quân đội ông Ngô Đình Diệm đã giải quyết vấn đề quét sạch các thế lực chính trị đối nghịch dễ dàng.
Chính phủ Diệm sau khi đã củng cố vững mạnh phải gánh vác hai sứ mạng trọng đại:
-        Thứ nhất là đấu tranh quốc tế, chặn đứng ngọn sóng lan tràn của thế lực đỏ cho thế giới tư sản tự do.
-        Thứ hai là đấu tranh xây dựng một quốc gia chống Cộng sản.

Ông Ngô Đình Diệm có thành công không?
Mấy năm đầu sứ mạng ngăn chặn ngọn sóng đỏ có thành công. Ký giả thân cộng Burchett cũng thú nhận điều này. Nhưng thành công xét kỹ ra là nhờ thế cục nhiều hơn là giỏi giang.
Đến sứ mạng xây dựng một quốc gia để tạo ra hình thế Quốc Cộng thì ông Diệm lại thất bại ngay từ đầu. Ông Ngô Đình Nhu, người trí thức của chính quyền Diệm, trước khi về chấp chánh ông rất thận trọng bằng việc mang chủ nghĩa nhân vị về nước làm căn bản đấu tranh tư tưởng chống lại chủ nghĩa Mác xít. Nhưng ông đã lầm và chủ nghĩa nhân vị có gốc gác thần học không thể được người trí thức Việt, vốn cho tôn giáo là mê tín, chấp nhận. Chủ nghĩa nhân vị cũng không thể đi vào tâm hồn người công giáo chất phác vốn tin Chúa và phép lạ một cách tuyệt đối vì nó tự do quá. Thế là chủ nghĩa nhân vị bị bỏ sang một bên. Nghiên cứu nhân vị chủ nghĩa là công việc làm cho có lệ, chẳng một ai tin tưởng vào nó.


Ông Ngô Đình Diệm, một vị quan tu xuất làm Tổng thống
Ông Ngô Đình Nhu, một chiến lược gia cuồng vĩ làm Cố vấn

Nhờ được thế tốt, mọi việc trôi chảy dễ dàng. Uy tín ông Diệm bành trướng quá mau chóng. Qua tâm trạng say với quyền bính, qua sự phỉnh nịnh của quyền uy, các nhà lãnh đạo cho vứt xó mọi lý tưởng để thiết lập chế độ… chế độ Diệm và gia đình. Một trận tuyến quốc gia dân tộc đâu có bằng một trận tuyến anh minh Ngô Đình Diệm.
Những năm tháng thắng lợi to tát làm cho ông Nhu tưởng ông có một tài năng chính trị vô biên, ông không bao giờ nghĩ rằng ở Austerlitz, Napoléon là một thiên tài nhưng ở Moscou, Napoléon là một tên imbécile [ngu xuẫn – HNG].
Phần ông Diệm, ông là người của tín ngưỡng. Ông tin Chúa nhưng lỗi lầm của ông là ông cũng tin Chúa tin ông ta. Ông ưa học thuyết Khổng Tử nhưng lỗi lầm của ông là ông ưa học thuyết này vì nó nói rằng địa vị ông bây giờ đứng ở đầu tam cương ngũ thường.
Bởi vậy thay vì gây dựng hình thế Quốc-Cộng, hai ông Nhu, Diệm đã gây dựng hình thế Diệm-Cộng. Thêm vào đấy, hai ông Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Cẩn gây dựng hình thể Công giáo-Cộng sản.

Dưới chế độ Diệm, phần tử trí thức đi theo đều bị biến thành bọn thư lại, thấp hơn nữa là gia nhân của một triều đại.
Do ảnh hưởng quốc tế thay đổi, một bộ phận lớn trí thức được đào tạo vào hoạt động thông ngôn. Vì hết chiến tranh, vì những cuộc di động của một số lớn người nên phong trào đi học dâng lên như nấm mà vẫn không đủ cung cho số cầu. Nhưng bởi không có một chính sách văn hóa đúng đắn, không có một chính sách giáo dục hẳn hoi, chỉ biết vá chắp nay đổi mai thay, bởi chế độ Diệm đã đem thần tài vào học cung cho nên giáo dục rơi vào tình trạng hỗn tạp quái đản. Trên mặt văn học, chế độ phong kiến của gia đình Diệm không thể đi đôi với một nền văn học dua nịnh tâng bốc khiến cho hàng ngũ trí thức chia hẳn.
Phần tử trí thức phản kháng thì hoàn toàn tiêu cực, chui rúc vào tư tưởng tự do bằng một số từ ngữ tối nghĩa. Ở đó chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập. Một số khác thì viết báo chửi tục để xả hơi, hoặc nói bóng gió chửi xiên xéo cho hả giận.

Năm khúc quanh
Ảnh hưởng chính trị Mỹ với Việt Nam có năm khúc quanh (virage)
1) Ngày 27-6-1950, Tổng Thống Truman tuyên bố gởi một phái bộ quân sự tới Đông Dương để cộng tác chặt chẽ với quân viễn chinh Pháp.
2) Pháp thua trận Điện Biên Phủ đặt thành vấn đề Mỹ phải thay Pháp trong chiến tranh Đông Dương? Tổng Thống Eisenhower áp dụng chính sách triết-trung giữa hai chủ trương: can thiệp quân sự và khoanh tay bỏ mặc. Người đại diện thi hành chính sách này là ông Ngô Đình Diệm.
3) Năm 1961 tại Washington xôn xao về tin chế độ Diệm hấp hối. Vấn đề đặt ra cho chính quyền Kennedy là làm thế nào tránh cho Việt Nam một sự sụp đổ? Có hai nhóm đưa ra giải pháp:
a/- Nhóm Harriman, Galbraith và H. White chủ trương chính trị, đòi thay chính phủ Saigon, không ủng hộ chính thể Diệm, tách chính trị Saigon ra khỏi lệ thuộc quân sự.
b/- Nhóm Maxwell Taylor và W. Rostow chủ trương quân sự, đề nghị gửi những bộ đội chiến thuật (groupement tactique) của Mỹ qua Việt Nam, ít thôi nhưng có sức quật (force de frappe) rất mạnh. Dean Rusk ủng hộ nhóm Taylor.
Cuối cùng nhóm Taylor và Rostow được Tổng Thống Kennedy nghe theo. Chấp nhận giải pháp quân sự có nghĩa là tăng cường luôn cả sự ủng hộ chính phủ Diệm. Ông đại sứ Nolting và tướng Harkins thi hành.
4) Năm 1963 nhiều quan sát viên Mỹ phàn nàn Hoa Kỳ không hề ủng hộ một chính phủ Việt Nam mà ủng hộ một gia đình phong kiến kỳ cục. Các chính khách Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn các ông Diệm, Nhu, Thục, Cẩn và bà Nhu bằng nhãn quan tâm lý bệnh học. Họ gọi những người ấy là bọn mất hết lý trí (déraison absolue) và chính phủ Diệm là chính phủ của những người điên (un government de fous).
Chiến tranh và chính trị phong kiến của Diệm đã làm cho chế độ suy yếu. Chế độ Diệm càng suy yếu thì bang giao giữa chế độ này với Hoa Kỳ càng tàn hoại. Hoa Kỳ muốn thay Diệm mà Diệm cứ cố nắm chặt chính quyền. Hoa Kỳ sửa soạn và rình rập một sai lầm là quật đổ người mà Hoa Kỳ đã tố cáo là điên. Tháng 5-1963, do kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm- Thục đã đến độ không thể chịu đựng hơn nữa, Phật giáo biểu tình phản đối giám mục Thục cấm treo cờ Phật giáo ngày Phật đản. Chính phủ huy động lực lượng cảnh sát đàn áp, bắn vào đám quần chúng Phật giáo. Phong trào lan rộng ra toàn quốc. Ông Thích Quảng Đức tự thiêu vang dội đấu tranh ra khắp thế giới. Tình hình nặng nề kéo non 6 tháng. Tháng 11 quân đội hưởng ứng phong trào đấu tranh Phật giáo, nổi dậy đảo chính. Chế độ Diệm sụp đổ.
5) Ngày 28-7-1965 Tổng Thống Johnson loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới ông đã quyết định gửi một số quân quan trọng sang dự chiến ở Việt Nam. Quyết định này nằm trong quyết định tham dự không hạn chế. (engagement illimité).
…. 
Vũ Tài Lục
[Thân Phận Trí Thức, Nhà xuất bản Việt Chiến, Sài Gòn, 1969]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét