30 THÁNG 4:
TẢN MẠN NHÂN VẬT LỊCH
SỬ DƯƠNG VĂN MINH
Trần Văn Chánh
Tổng thống VNCH Dương
Văn Minh, 30-4-1975
Trong
lịch sử cận-hiện đại của Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam sau Hiệp định
Genève 1954 nói riêng, trường hợp nhân vật lịch sử Dương Văn Minh (1916-2001)
có lẽ khá đặc biệt, và không ít người đã coi ông là một vị tướng
lãnh “có vấn đề”. Ông sống nói chung trong sạch, bề ngoài có vẻ luôn khiêm tốn
hiền lành nhưng toàn tham gia những đại sự quân chính có tác dụng đảo chuyển
hướng đi của lịch sử.
Vào thời kỳ đầu của Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm,
Dương Văn Minh đã từng được coi là anh hùng trong thành tích đánh dẹp lực lượng
Bình Xuyên (năm 1954) ở khu Rừng Sác (ngoại vi Sài Gòn) và dẹp tan quân đội của
giáo phái Hòa Hảo (năm 1956), được thăng chức Trung tướng (5.1.1956). Hai đại
sự khác trong đời ông là việc năm 1963 với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quân nhân
Cách mạng ông cầm đầu nhóm tướng lãnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và
việc năm 1975 với tư cách Tổng thống đã quyết định đầu hàng không điều kiện
“đối phương” miền Bắc để kết thúc gọn nhẹ cuộc chiến tranh thảm khốc 30 năm,
lập lại hòa bình cho dân tộc Việt.
Sở dĩ bị coi là vị tướng “có vấn đề” vì trong cả hai trường hợp
vừa nêu trên, ông có những chỗ rất dễ bị chỉ trích bởi một số người khác biệt
quyền lợi hoặc không đồng quan điểm. Đây cũng là một lẽ rất thường tình, bởi
nếu ông Minh chỉ là một kẻ tầm thường vô dụng, không lý tưởng, chỉ biết sống
“dĩ hòa vi quý” cho được vinh thân phì gia như bao người khác thì có lẽ chẳng
ai cần nhắc gì tới ông, kể cả việc chỉ trích ông thậm tệ nhất đi nữa.
■ Liên quan cuộc đảo chánh 1.11.1963, trừ ra một số người sùng bái
ông Diệm mà quyền lợi của họ vốn gắn chặt với chế độ Đệ nhất Cộng hòa, còn thì
đa số nhân dân miền Nam lúc đó đều hoan nghênh ủng hộ.
Về lịch sử/ diễn biến cuộc đảo chánh, đã có rất nhiều sách báo/
tài liệu đề cập chi tiết nên ở đây xin khỏi nhắc lại. Chỗ có vấn đề đang nói
cho đến nay vẫn còn nhiều người thắc mắc, đó là việc ông Minh có phải hay không
là người ra lệnh cho những người dưới trướng ông hạ sát Tổng thống Diệm và Cố
vấn Ngô Đình Nhu trên chiếc xe bọc sắt M 113 một cách thảm thiết quá, trên
đường chở hai ông Diệm-Nhu về Bộ Tổng tham mưu ngày 2.11.1963 để xử lý, thay vì
theo truyền thống văn hóa chính trị, phải để cho hai nhân vật lãnh đạo này được
lưu vong sang xứ khác? Ngoài ra, nhắc lại việc này, một số người còn tố cáo ông
Minh là kẻ phản bội tàn ác, vì con đường binh nghiệp của ông được thăng tiến
nhanh chóng có một phần quan trọng là nhờ ở Tổng thống Ngô Đình Diệm…
Cho đến cuối đời, sống ở Pháp rồi ở Mỹ, vì là việc quá tế nhị,
nhóm đảo chánh của ông Minh (gồm cả Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất
Đính…) không ai dám hé môi nói rõ việc này. Tuy nhiên, cũng có vài chi tiết
được hé lộ trong hồi ký của một vài chứng nhân, qua đó chúng ta có thể đánh giá
tương đối chính xác.
Hồi ký Tâm sự tướng lưu vong của Hoành Linh Đỗ
Mậu (NXB Công An Nhân Dân, 1995, tr. 502-503), có đoạn kể, ngày 2.11.1963, ông
Mậu thấy các tướng đảo chánh gồm Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và
Đại tá Dương Ngọc Lắm đang xầm xì bàn tán có vẻ bí mật, đến hỏi thì tướng Trần
Văn Minh (Minh nhỏ) trả lời rất nhỏ, “Anh em đang bàn định cách đối xử với ông
Diệm, nên giết hay nên cho ông ta xuất ngoại”. Ông Mậu phát biểu không đồng ý
giết ông Diệm[1] thì
tướng Nguyễn Ngọc Lễ nói to lên: “Xin anh em đừng nghe lời anh Mậu, đã nhổ cỏ
thì phải nhổ cho tận rễ”. Thấy không ai phản đối tướng Lễ mà có vẻ im lặng đồng
ý, Đỗ Mậu bèn nói thêm: “Việc tha hay giết ông Diệm là hành động lịch sử, vậy
muốn tha hay giết ông ta, tôi đề nghị phải lấy quyết định tối hậu qua một cuộc
bỏ phiếu kín, phải ghi vào biên bản đàng hoàng”. Đỗ Mậu cho biết tiếp: “Tất cả
mọi người lại im lặng không có ai tỏ ra tán đồng ý kiến của tôi. Còn tướng
Dương Văn Minh thì nhún vai tỏ thái độ bất mãn với tôi… Sau đó tướng Minh ra
lệnh cho tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa
và Đại úy Nguyễn Văn Nhung đi đón hai ông Diệm-Nhu tại nhà thờ Cha
Tam”.
Đỗ Thọ (cháu gọi Đỗ Mậu bằng chú ruột) lúc đó là sĩ quan tùy viên
thân cận nhất của Ngô Đình Diệm, người đã theo sát đến phút chót bên cạnh hai
ông Diệm-Nhu trên đường trốn từ Dinh Gia Long đến nhà thờ Cha Tam, trong một
đoạn hồi ký cũng có nhắc lại sự kiện gần giống như trên: “Chú tôi (tức Đỗ Mậu-
TVC) nói rằng luôn luôn kính trọng thương tiếc Tổng thống Diệm. Vụ 1.11.1963
chỉ cốt lật đổ ông bà Ngô Đình Nhu. Đưa Tổng thống Diệm lên Đà Lạt hoặc Côn Đảo
trong một thời gian. Nhưng quyết định này đã có nhiều tướng lãnh không chịu.
Trong đó có tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân” (Nhật ký Đỗ
Thọ, Đồng Nai xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 158). Ở một đoạn tiếp theo, tác
giả Đỗ Thọ còn cho biết, khi ông Nhu không chịu lên xe M 113 để chở về Bộ Tổng
tham mưu, một sĩ quan phe đảo chánh đã gào lên: “Ông không còn là cố vấn… Và
Tổng thống nữa. Hãy lên xe gấp. Chúng tôi được lệnh Trung tướng Chủ tịch phải
thi hành” (tr. 177).
Theo mấy chi tiết dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể thấy, việc
giết hai ông Diệm-Nhu, ông Minh không quyết định một mình, mà có sự họp bàn tập
thể nhưng chỉ bàn kín hạn chế với vài tướng lãnh chủ chốt, trong đó có các
tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm, chứ không đưa ra toàn
thể Hội đồng Quân nhân Cách mạng lấy quyết định. Còn ở một vài tướng tá khác,
tuy không thấy nhắc trong đoạn hồi ký trên kia của Đỗ Mậu, nhưng chắc chắn cũng
đã được ông Minh tham khảo ý kiến trước đó theo một cách nào đó thôi.
Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận có vài năm sống
tá túc hoạt động báo chí trong nhà của Dương Văn Minh (ở số 3 Võ Văn Tần bây
giờ), “Có sách ngoại quốc nói rõ người điều khiển việc bắt giết Ngô Đình Diệm,
Ngô Đình Nhu là Trung tướng Mai Hữu Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tướng Xuân là
người thân tín với Dương Văn Minh. Rất có thể tướng Xuân đã ra lệnh bắn chết
Diệm, Nhu để tuyệt trừ hậu họa. Người thi hành lệnh bắn là thiếu tá Nhung, một
trong những cận vệ của tướng Minh. Tướng Mai Hữu Xuân trực tiếp chỉ huy việc
tiến chiếm Dinh Gia Long, ông chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm, Nhu với tư
cách người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Nhưng một vấn đề chưa sáng tỏ là ông
Xuân thi hành lệnh của Dương Văn Minh hay tự ý quyết định tại mặt trận. Giết
Diệm, Nhu để tránh hậu họa, một giả thuyết hợp lý đối với con người mưu lược
như ông Mai Hữu Xuân”. Rồi Dương Văn Ba kết luận: “Về phần Dương Văn Minh, ông chưa lần nào lên tiếng nói rõ vấn đề này.
Dù có ra lệnh giết hay không, tướng Minh vẫn phải chịu trách nhiệm trước lịch
sử về cái chết của Diệm, Nhu” (Hồi ký Những ngả rẽ, Bản thảo
phổ biến nội bộ, tr. 26-27).
Từ khi hai anh em ông Diệm-Nhu bị chết thảm (ngày 2.11.1963), ông
Minh và đám tướng tá đồng sự của ông không ai công khai thừa nhận mình có tham
gia quyết định giết Tổng thống, có thể vì 2 lẽ: (1) Việc giết nguyên thủ quốc
gia có tiếng tăm lớn như ông Diệm là một việc quá sức tưởng tượng theo quan
niệm của Việt Nam Cộng Hòa thời đó; (2) Các tướng tá tham gia đảo chánh trong
chừng mực nào đó hầu hết đều có thọ ơn ông Diệm trên con đường thăng tiến binh
nghiệp của mình, nhưng họ bất đắc dĩ phải hạ thủ là để “sát
nhất miêu cứu vạn thử” (giết một con mèo để cứu muôn con chuột), và cần phải
“nhổ cỏ tận gốc” đề phòng nhóm ông Diệm lưu vong nước ngoài sẽ có thể tái tập
hợp lực lượng, kết hợp với ngoại bang hoặc thành phần trong nước tìm cách phục
hồi.
Xét hai lẽ nêu trên thì thấy việc nhóm ông Minh trước sau vẫn kín
tiếng không thừa nhận giết Tổng thống Diệm cũng là một sự cận nhân tình, hầu
như ai cũng vậy, vì họ sợ dư luận nghĩ không tốt về mình. Còn việc bắt buộc
phải giết Tổng thống như trong trường hợp ông Diệm thì đó thuộc về lý do chính
trị mà theo cách nghĩ của họ ngay vào thời điểm đó, khó thể có một chọn lựa nào
khác tốt hơn. Có thể rằng ông Minh và vài người khác sau này cảm thấy áy náy
trong lòng khi nghĩ lại chuyện đã qua, nhưng đây thuộc trường hợp mâu thuẫn mà
một chính khách có lương tâm dễ bị mắc phải khi phải đối đầu với những tình
huống quá phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động của nhóm ông Minh đã có
thể được biện minh khi kết quả cuộc đảo chánh như được biết đã mang lại lợi ích
cho đại đa số dân chúng, bằng việc loại trừ được một chế độ có nhiều chỗ bất ổn
cho dân, theo kiểu “sát nhất miêu cứu vạn thử!”.
■ Đại sự thứ hai trong cuộc đời ông Minh liên quan đến ngày
30.4.1975 lịch sử, khi đại quân miền Bắc ồ ạt tiến sát vào Sài Gòn, quân lính
Việt Nam Cộng Hòa nhiều nơi đã bị tan rã. Khi ấy, với cương vị Tổng thống vừa
được Quốc hội đưa lên trước đó chỉ 3 ngày, nhóm chấp chính Dương Văn Minh (gồm
cả Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu…) đã quyết định “không
chống cự” và sau đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự đầu hàng nhanh chóng này
tất nhiên nhận được nhiều sự đánh giá trái ngược nhau. Đối với “bên thua cuộc”,
mỗi lần nhắc đến Dương Văn Minh, không ít người Việt tị nạn ở nước ngoài vẫn
còn oán trách, cho ông là “hàng tướng” đã hèn nhát đầu hàng CS, “trao nước cho
giặc”, để đến nỗi đất nước phải như ngày hôm nay (theo họ là nghèo nàn lạc hậu,
nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, mất dân chủ này khác…). Đây là một
quan điểm đánh giá có nhiều phần vội vã, cực đoan, đơn giản, không thấy hết
thực tế của hình thế thời cục lúc đó, cũng như nhu cầu bức thiết chấm dứt chiến
tranh tái lập hòa bình phải là mối ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ nhà lãnh đạo
nào biết thương dân, vì đó là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả hai miền
Nam, Bắc, sau khi đã bị nếm trải cuộc chiến tranh kéo dài vô cùng khốc liệt, mà
cuộc chiến tranh ấy, ai cũng biết, không hoàn toàn do mỗi bên chủ động vì còn
chịu ảnh hưởng nặng nề của các cường quốc, trong đó cả hai bên chiến tuyến đều
thường có những người là họ hàng ruột thịt với nhau. Là một quân nhân kinh qua
nhiều chiến trận, hơn ai hết ông Dương Văn Minh là người thấu cảm với nỗi khổ
của nhân dân vô tội trong chiến tranh, và ngay cả bản thân ông, cũng có người
em ruột là sĩ quan cao cấp Dương Thanh Nhựt (Mười Tỵ) đang đấu tranh chống lại
Việt Nam Cộng Hòa ở bên kia chiến tuyến.
Giả định, ngày 30.4.1975, Dương Văn Minh không chịu đầu hàng mà
kiên quyết “tử thủ” thì khó thể suy đoán sẽ còn bao nhiêu dân và quân của cả
hai bên chiến cuộc tiếp tục thương vong, đổ máu. Ngay cả những người chủ trương
“tử thủ” cùng với gia đình vợ con họ vì thế còn chưa biết số phận rồi sẽ đi
đến đâu? Trong khi đó, tử thủ trong điều kiện cận kề ngày 30.4 như đã biết thì
kết quả hầu như chắc chắn phải thua, nhưng cho dù có thắng, phía bên kia tiếp
tục kháng chiến thì chiến tranh vẫn sẽ còn kéo dài lâu hơn, 5 năm hay 10 năm
nữa chưa biết chừng. Cho nên có thể nói, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng
là một hành động sáng suốt tránh cho Sài Gòn và cả nước không bị đổ máu thêm vô
ích, trước hết vì mục tiêu hòa bình và hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là chủ
trương căn bản của ông, cho dù ông có chịu ảnh hưởng bởi những ý đồ chính trị
phức tạp của người Mỹ, người Pháp, hay có bị CS móc nối hay không. Trong trường
hợp này, cũng giống như trong cuộc đảo chánh năm 1963, có lẽ phải nghĩ ông
Dương Văn Minh tuy không hoàn toàn độc lập hành động (làm sao có sự độc lập này
được?), cũng không phải tiếp tay cho CS (tuy rằng về mặt tác dụng khách quan
thì có), nhưng là người đã biết khéo nương theo diễn biến thời thế, khai thác
những chỗ “ám hợp” (hợp ngầm) giữa ông với những thế lực chi phối khác để làm
lợi cho dân tộc: năm 1963 xóa bỏ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, còn nay là để
kết thúc cuộc chiến tranh đau khổ tái lập nền hòa bình. Giả định, nếu được cầm
quyền lâu hơn, đường lối chính trị của ông Minh chắc chắn sẽ có nhiều điểm
không giống hẳn với những người
CS.
Việc ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” trong thế thua để tránh
bớt thương vong cho dân quân của cả hai phe xem ra cũng có khía cạnh hao hao
giống với quyết định giao thành cho giặc rồi uống thuốc độc tự tử của Phan
Thanh Giản, khi hùng binh của Pháp tiến đánh Vĩnh Long tháng 6.1867. Điểm khác
biệt là ở đối tượng được giao, và ông Minh đã không tự tử như Phan Thanh Giản[2],
vì hoàn cảnh lịch sử và tình huống cụ thể có khác, nhưng trong cả hai trường
hợp của người xưa và người nay, đều rất dễ phát sinh dị nghị.
Có quan điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn
giản chỉ vì bị lâm vào cái thế hoàn toàn thúc thủ, nhưng theo một số nhân chứng
lịch sử lúc bấy giờ, tướng Dương Văn Minh nhận lên làm Tổng thống không có ý để
thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết;
cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình,
hòa giải hòa hợp dân tộc (xem Chánh Trinh, Hồi ký không tên, NXB
Thời Đại, 2012).
Một câu hỏi nữa cũng đáng để đặt ra: Là một tướng lãnh cấp cao
nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thông thường phải có khuynh hướng chủ
chiến, nhưng tại sao Chính phủ do ông Minh đứng đầu lại có vẻ hiền lành chủ hòa
với thiện ý cao nhất?
Ngoài
những
lý do đương nhiên về
chính trị, cũng như những đòi hỏi
khách quan của lịch sử cùng nguyện vọng hòa bình của dân tộc, theo tôi chắc
hẳn còn
có một lý do sâu xa tiềm ẩn
quan trọng nữa có thể giải thích nguồn gốc thái độ và chủ trương hòa bình-hòa
giải hòa hợp dân tộc của Chính phủ Dương Văn Minh, từ đó đi tới quyết định đầu
hàng nhanh chóng. Đó là lý do tôn giáo: Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng
Vũ Văn Mẫu đều theo Phật giáo, trong khi Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền là
người rất mộ Kitô giáo. Đạo Phật là đạo của hòa bình, từ bi hỉ xả; Kitô giáo là
đạo của lòng bác ái vị tha, lẽ tất nhiên các ông đứng đầu này đều có khuynh
hướng chung không muốn cho sinh linh phải bị tàn sát, trong bất kỳ điều kiện
nào còn có thể tránh được.
Họ
đều là những người nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, sống nghèo, chưa nghe có tai
tiếng gì về đời tư, thậm chí có người còn sống khổ hạnh, như ông Huyền cả đời
chỉ ở nhà cấp 4, không có xe hơi riêng, cuối đời chỉ chuyên lo việc tu hành.
Riêng bản thân ông Dương Văn Minh theo đạo Phật, nhân từ, thương người, sợ sát
sinh, sợ phải giết người. Thấy ai hoạn nạn thì ra tay can thiệp, cứu giúp, cả
đối với một số người thuộc chiến tuyến đối lập.
Cả ba vị đứng đầu Chính phủ Dương Văn Minh đều đã hành động xuất
phát từ lòng nhân đạo, đã kết hợp nhuần nhuyễn nhau trong sự đồng thuận chấp
nhận ưu tiên đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc và giải pháp đầu hàng trong
buổi hoàng hôn của chế độ để tránh cho thành phố Sài Gòn khỏi đổ nát và nhân
dân vô tội cả nước khỏi phải chết thảm thêm nữa vì việc đánh nhau giữa hai bên
vào giờ chót. Nếu không có sự đồng thuận giữa những con người cùng lý tưởng,
được un đúc thấm nhuần bởi tinh thần từ bi hỉ xả và vị tha của các bậc giáo
chủ, thì thật khó đi đến một quyết định mau lẹ, kịp thời và sáng suốt như vậy.
Vì thế cho nên bây giờ bình tĩnh nhìn lại, có người còn đánh giá cuộc đầu hàng
lịch sử nêu trên chẳng những không chút nhục nhã mà còn đáng ca ngợi là một
hành vi anh hùng, đặc biệt hợp với lối hành xử bi-trí-dũng của nhà Phật.
Một số người thân cận với Dương Văn Minh (như các ông Hồ Ngọc
Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Thích Trí Quang…) đều cho rằng ông không
phải là người làm chính trị sắc bén, có bản lĩnh[3],
có lẽ họ nói theo nghĩa phàm đã xông pha vào chính trị thì phải khéo linh hoạt
với rất nhiều thủ đoạn.
Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận từng ở nhờ thời
gian khá dài trong tư gia của tướng Dương Văn Minh (số 3 đường Trần Quý Cáp,
nay là Võ Văn Tần), cả trước và sau 30.4.1975, thì ông Minh là “loại người trầm lắng, suy tư dù gốc của ông
là một quân nhân. Triết lý của ông là triết lý trầm lắng của Phật giáo, ông
không đua chen, không sân si; ông thuộc vào loại thấy đủ biết đủ, thấy nhàn
biết nhàn. Đó là một loại triết lý pha lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo. Ông sống
khá bình dị, hòa mình với mọi người, đa số bạn bè bà con đều thương ông”
(tldd., tr. 263).
Ông Ba còn cho biết tiếp: “Gia
đình ông Dương Văn Minh thuộc vào loại thanh bạch, không có dư dả nhiều. Tài
sản ông để lại trước khi ông đi Pháp là hàng ngàn chậu Hoa Lan, 3-4 con chó bẹc
giê, 5-7 cái máy chụp hình loại chuyên nghiệp và lũ khũ những đồ đạc, vật dụng
linh tinh không giá trị nhiều lắm của một vị tướng lãnh” (tr. 364).
Rõ
ràng, ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” không phải để được vinh thân phì gia,
vì ai cũng biết, sau khi hoàn tất trách nhiệm trước lịch sử và lui khỏi chính
trường, ông đã sống cuộc đời ẩn dật nơi nước ngoài với con cái, không phát biểu
về chính trị, không viết hồi ký để kiếm tiền, chấp nhận cuộc sống nghèo bình
thường, từ chối mọi sự trợ cấp từ phía các chính phủ Pháp, Mỹ mà ông đã có thời
gian từng phục vụ[4].
Ông không giống như một vài vị tướng khác, suốt ngày đeo cái lon tướng để được
tiếp tục nhận sự vinh danh cho tới chết mới thôi, mặc dù nhiệm vụ lịch sử đã
hoàn thành từ rất lâu.
Ngày
nay, xét diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc đầu hàng của
Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông chẳng những không nhục nhã mà
còn là hành động sáng suốt thức thời vụ. Điều này về sau đã được cố thủ tướng
Võ Văn Kiệt công khai thừa nhận trong một lần trả lời cuộc phỏng vấn liên quan
đến vấn đề đang xét của tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) nhân
dịp 30.4.2005. Có lần ông Kiệt chia sẻ với cựu dân biểu Lý Quý Chung: “Ông Minh là một con người tốt và có lòng yêu
nước…” (Hồi ký không tên, sđd., tr. 447).
Cho
nên, liên quan đến một chi tiết về thủ tục tiếp quản tại Dinh Độc Lập ngày
30.4.1975, khi ông Minh bảo rằng sáng nay đã có một tuyên bố trao quyền cho
Chính phủ Cách mạng Lâm thời rồi thì người cán bộ tiếp quản nói “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể
tuyên bố đầu hàng!”[5], tôi
cho câu nói vặn lại này là một câu hơi lố, rất dở, không thật sự cần thiết,
không xứng với tầm nghĩ việc lớn cũng như với thiện chí rất đáng được trân quý
của ông Dương Văn Minh.
Tướng Dương Văn Minh
(1916-2001), và Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008)
Con trai ông Dương Văn Minh, kỹ sư Dương Minh Đức, có lần được hỏi
ý kiến nhận xét sự kiện lịch sử ngày 30.4.1975, và về người cha của mình, đã
phát biểu: “Tôi rất yêu quý ba tôi…Thứ
nhất, ông là vị tướng sống trong sạch, không chấp nhận chuyện tham nhũng; thứ
hai, trong nguyên tắc tìm giải pháp hòa bình cho đất nước Việt Nam, theo ông
phải do chính người Việt Nam tự giải quyết. Tôi hiểu quan điểm của ba tôi luôn
đặt dân tộc và sinh mệnh nhân dân trên hết. Chính vì vậy, ông không ngại đứng
ra đảm nhận vai trò Tổng thống trong buổi hoàng hôn của một chế độ…. Ba tôi là
người luôn chủ trương hòa giải, hòa bình dân tộc và ông đã bác bỏ ý kiến của
một số người yêu cầu “tử thủ” Sài Gòn. Tôi tin rằng đây là quan điểm xuyên suốt
trong cuộc đời chính trị của ông “ yêu nước trước hết là phải cứu dân”
(theo tạp chí Hồn Việt, 1.6.2009).
Đúng như vậy đó, khái niệm yêu nước rất rộng. Đánh giặc hăng say
chỉ là một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước khi đất nước bị xâm
lăng mất độc lập, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là hành động bất đắc dĩ chứ chẳng
nên lúc nào cũng cổ vũ thái quá, bởi lẽ đơn giản “phi nguy bất chiến” (lời
trong Tôn Tử binh pháp, không kẹt vào thế nguy thì đừng đánh).
Trong mọi trường hợp khác nhau, yêu nước không thể tách rời với thương dân/ cứu
dân, mà thương dân/ cứu dân trước hết là phải bảo vệ tối đa và bằng mọi cách
sinh mạng của dân, rồi sau đó mới tính tới chuyện để cho họ được hưởng đầy đủ
các phúc lợi vật chất cũng như các quyền về tự do dân chủ. Thà chịu “thua” ngay
tức khắc mà bảo vệ được sinh mạng của dân, sớm mang lại hòa bình cho dân tộc,
còn danh dự hơn cố đánh trong cái thế tất bại mà để cho dân, quân phải hi sinh
xương máu quá nhiều. Mặt khác, cho dù một bên có thắng mà nướng con dân trong
lửa đỏ cũng không phải điều tốt. Hiểu được như vậy ta sẽ thấy ông Dương Văn
Minh là một người có đức kiên trì tốt nhịn, có lòng nhân ái thiết tha, đã xử lý
vấn đề hợp tình lý, đúng lúc đúng thời theo cái nghĩa “quân tử kiến cơ nhi tác”
(người quân tử biết nương theo thời cơ mà hành động), “thức thời giả vi hào
kiệt” (kẻ thức thời là hào kiệt), và sẽ là không quá đáng nếu chúng ta hôm nay
coi quyết định đầu hàng ngày 30.4.1975 của ông là một hành động anh hùng.
23.4.2018
[1] Đỗ
Mậu tham gia đảo chánh chỉ vì muốn loại trừ sự lộng hành của vợ chồng Ngô Đình
Nhu, còn đối với ông Diệm, Đỗ Mậu vẫn là người tâm phúc.
[2] Trong
một bức thư ông Minh gởi cho tướng Nguyễn Chánh Thi (người từng đảo chánh Ngô
Đình Diệm năm 1960 nhưng thất bại) đề ngày 15.4.1987, có đoạn viết: “Theo tôi,
tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Đôi khi mình phải dám sống để hứng nhận
những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có lẽ anh Đỗ Mậu (cũng như
nhiều người) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng sau khi đã tham khảo ý
kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại, với những anh em quân
nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó thầy Trí Quang và Trí
Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân” (xem Trương Võ Anh Giang, Máu
chảy về tim, NXB Trẻ, 2016, tr. 311).
[4] Về
cuộc sống đạm bạc của ông Dương Văn Minh trong thời gian ẩn dật ở Pháp và ở Mỹ,
cũng như nhiều chi tiết khác liên quan cả cuộc đời ông, rất nhiều sách vở tài
liệu đã ghi chép. Có thể xem: Trương Võ Anh Giang, sđd., “Viết tiếp bài ‘Ông
Dương Văn Minh và tôi’”, NXB Trẻ, 2016, tr. 290-318.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày
23-4-18
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét