Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015


NHẬT TIẾN VÀ VĂN HÀO NHẤT LINH

Ngô Thế Vinh

Cuối năm 1955, qua Trương Cam Vĩnh là em nhà văn Trương Bảo Sơn, Nhất Linh nhận được bản thảo Những Người Áo Trắng cũng là tác phẩm đầu tay của Nhật Tiến. Nhất Linh nhận ra văn tài của Nhật Tiến nên đã chọn và đưa ngay Những Người Áo Trắng cho nhà Phượng Giang xuất bản. Nhất Linh giới thiệu Nhật Tiến vào Văn Bút mà lúc đó Nhất Linh đang là Chủ tịch, và đồng thời cũng mời Nhật Tiến viết cho tạp chí Văn Hoá Ngày Nay. Mối giao tình giữa văn hào Nhất Linh và Nhật Tiến từ 1955 tới 1963 phải nói là sâu đậm.
Năm 1963, tình hình chính trị Miền Nam cực kỳ biến động nơi các thành phố với những cuộc biểu tình tự thiêu, giữa lúc khói lửa ngập trời do cuộc chiến tranh phát động từ Miền Bắc đã lan rộng ra khắp các tỉnh Miền Nam. Cái chết của Nguyễn Tường Tam nhà hoạt động chính trị và Nhất Linh nhà văn là một nét của thảm kịch giai đoạn đó. Đó là một phần của lịch sử.  Cái chết của nhà văn Nhất Linh thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn là một xúc động lớn cho giới trẻ Miền Nam lúc đó. Người viết muốn ghi lại ở đây một chút riêng tư liên quan tới bản Di Chúc của Nhất Linh. 

Có lẽ Nhất Linh đã chuẩn bị chu đáo cái chết của mình từ mấy tuần lễ trước. Bị theo dõi, nghĩ rằng bản di chúc của ông có thể bị tước đoạt, thời điểm năm 1963 chưa có máy photocopy, scanner, internet phổ biến như bây giờ. Nhất Linh đã viết thêm một bản di chúc thứ hai giao cho nhóm sinh viên. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Y khoa. Vào những ngày đầu của tháng Bảy, 1963 Nguyễn Tường Quý chở anh là Nguyễn Tường Vũ [con của ông Nguyễn Tường Thuỵ, người anh cả của mấy Anh Em gia đình Nguyễn Tường] xuống Đại học xá Minh Mạng tìm tôi. Quý chờ xe ở ngoài, chỉ có Nguyễn Tường Vũ vào gặp. Không nói gì nhiều, Vũ trao tay cho tôi một phong thư mỏng, cho biết đó là một trong hai bản di chúc viết tay của Nhất Linh: "Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại". Khi Nguyễn Tường Vũ ra về, tôi đã lặng lẽ cất bản di chúc thứ hai ấy - như một chứng từ lịch sử, trong tủ sách giữa những trang bộ Từ điển Đào Duy Anh bìa cứng dầy cộm do Nxb Minh Tân, Paris xuất bản.

Bản Chúc thư ngắn, cô đọng chỉ với 71 chữ:
"Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự huỷ mình cũng như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do."
7-7-63
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
(Chử ký)

Nhất Linh tuẫn tiết vào ngày 7 tháng 7 năm 1963. Chỉ một ngày sau bản tin của UPI/ United Press International do Neil Sheehan gửi đi sáng ngày 8 tháng 7, 1963 đã phổ biến rộng rãi trên báo chí thế giới:
"South Viet Nam Eminent Writer Commits Suicide" by Neil Sheehan,"South Viet Nam's most eminent writer committed suicide today as a political protest on the eve of his trial for alledged complicity in the abortive 1960 coup against President Ngo Dinh Diem. Nguyen Tuong Tam [mispelled Pam by Sheehan] 58, who wrote under the pen name of Nhat Linh, left an eloquent testament protesting against Diem's rule. The former nationalist leader died in a hospital after taking poison. The suicide of Tam, considered Viet Nam's greatest writer of the 20th century, came at a time of growing political and religious unrest under Diem's regime. His death was expected to stir further political repercussions, particularly among the country's intellectuals... The text of Tam's short testament said: "History alone will judge my life. I will allow no man to try me. The arrest and trial of all the nationalist opponents of the regime is a crime which will force the nation into the hands of the communists."  UPI 7/8/1963


Và như vậy là bản chúc thư thứ nhất của Nhất Linh đã tới tay báo giới ngoại quốc. Bản tôi hiện giữ không còn tầm quan trọng một-mất-một-còn như lúc Vũ trao cho tôi trước đó. Sau này, qua Ls Nguyễn Tường Bá, tôi được biết bản chúc đã được nhà báo Như Phong chuyển tay cho hãng thông tấn UPI.

Đám tang Nhất Linh diễn ra ngày 13 tháng 7, 1963. Thành phần đưa đám ông đa số là học sinh sinh viên. Nỗi xúc động của họ đa phần hướng về cái chết của một nhà văn, trong khi các đồng chí của ông thì muốn dán nhãn cho cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam như một "tuẫn tiết chính trị". Bấy lâu, từ những thập niên 1930, Nhất Linh đã là một khuôn mặt của quần chúng / public figure về cả hai phương diện văn học và chính trị. Phần nào văn học hay chánh trị đậm nét hơn là do tâm cảnh của từng người. Tôi vẫn thấy đậm nét văn học của đám tang Nhất Linh ngày hôm đó. Bức hình chụp chân dung Nhất Linh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, câu đối viếng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với toàn tên tác phẩm của Nhất Linh:

"Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt
Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu"

Cái chết của mỗi nhà văn tự thân bao giờ cũng là một bi kịch nếu không muốn nói là một thảm kịch. Theo một nghĩa nào đó, mỗi nhà văn đã chết từng phần trên mỗi tác phẩm của họ. Hãy trân trọng những cái chết đó, xem đó như một mẫu số chung hàn gắn thay vì phân hoá. Chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, nhà văn thì vẫn cứ trường tồn với tác phẩm của họ.

Điếu văn của nhà văn trẻ Nhật Tiến lúc đó mới 27 tuổi, giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, Nhật Tiến đã can đảm phát biểu với tính cách một nhà văn độc lập cho dù lúc đó Anh đang là phó Chủ tịch Văn Bút. Nhật Tiến đã ràn rụa nước mắt với hết tâm can nói tới cái chết của nhà văn Nhất Linh:   
      "Văn hào đã hình thành sứ mạng cao quý của người cầm bút.
       Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính."

Ít ngày sau đám tang Nhất Linh khi gặp lại, tôi trả Nguyễn Tường Vũ và Tường Quý bản di chúc thứ hai ấy. Nguyễn Tường Vũ rất nghệ sĩ, cũng là người trình bày cho tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, anh đã mất ngày 19 tháng 5, 1991 khi anh đang làm công tác thiện nguyện thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc lo việc cứu trợ thuyền nhân ở Palawan, Phi Luật Tân. Nguyễn Tường Quý thì nay vẫn còn nhớ khi đưa Vũ xuống Đại học xá gặp tôi để Vũ đã giao cho tôi giữ một bản di chúc của "Bác Tam" ngày hôm đó.  

Trích đoạn từ “Nhật Tiến Thềm Hoang Vẫn Một Tráng Sinh Lên Đường” của Ngô Thế Vinh


Hình và Ghi chú của Nam Giao: Bản di chúc thứ nhì của Nhất Linh, được cháu trai là Nguyễn Tường Vũ trao cho Ngô Thế Vinh cất giữ để ngừa trường hợp tất cả dòng họ Nguyễn Tường bị bắt và di chúc thứ nhất bị tịch thu, thì còn bản thứ nhì sẽ gửi ra quốc tế. Nội dung hai bản hoàn toàn giống nhau trừ ra di chúc thứ nhì có hai khác biệt:
(1) Câu đầu tiên, không có chữ “tôi” ở cuối câu: “không chịu để ai xử cả”
(2) Cuối di chúc, ngày “7-7-63” được đưa xuống cuối cùng, dưới chữ ký.   




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét