Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

TRỞ LẠI NƠI XẢY RA VỤ THẢM SÁT MỸ LAI

Seymour M. Hersh / The New Yorker (30-3-2015)
Người Dịch: Nguyễn Minh Tâm / Calitoday (20-4-2015)



Photo courtesy: www.cleveland.com


TRONG MỘT CÁI HỐ KHÁ DÀI  ở làng Mỹ Lai. Sáng ngày 16 tháng Ba năm 1968, người ta chất đầy xác người xuống hố – hàng chục phụ nữ, trẻ em, và người già cả, tất cả đều bị binh sĩ Hoa Kỳ bắn chết. Bây giờ 47 năm sau, đường mương dài ở làng Mỹ Lai hình như  rộng hơn, nếu tôi so với tấm hình đăng trên báo hồi xưa. Đất soi mòn, và thời gian đã làm cho đường rãnh lớn hơn.  Hồi còn chiến tranh Việt Nam, gần đường rãnh có  một ruộng lúa nhỏ, nhưng ngày nay ruộng lúa đã được đắp thành đường đi để người ta có thể đến Mỹ Lai dễ dàng. Điạ điểm vụ thảm sát trở thành một điạ danh lôi cuốn du khách. Mỗi năm có hàng ngàn du khách đến đây, họ đi lang thang quanh nơi ghi dấu vụ tàn sát khủng khiếp. Mỹ Lai là điểm mốc then chốt của cuộc chiến tranh phi lý: Một đại đội binh sĩ Hoa Kỳ tên là Charlie Company nhận được tin tức tình báo sai lạc cho hay họ sẽ đụng đầu với quân Việt Cộng, và cảm tình viên VC ở làng Mỹ Lai. Nhưng khi đến nơi, họ chỉ gặp những người dân làng hiền lành đang ăn sáng. Vậy mà lính Mỹ của đại đội Charlie vẫn xông vào làng, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà dân, và chĩa súng M-16 bắn vào thường dân, không có vũ khí trong tay. Người chỉ huy đại đội Charlie là Trung Úy William L. Calley, một sinh viên bỏ học dở dang ở đại học cộng đồng thành phố Miami.

Vào đầu năm 1969, đa số binh sĩ trong Đại Đội Charlie đều hoàn tất chuyến công tác ở Việt Nam, và quanh về Mỹ. Lúc đó tôi đang là một ký giả độc lập ở Hoa Thịnh Đốn, mới 32 tuổi. Cố tình muốn tìm hiểu vì sao nhũng thanh niên trẻ tuổi, mặt búng ra sữa, lại làm cái chuyện tàn sát như vậy, tôi theo sát vết chân của họ để hỏi thăm từng người trong nhiều tuần lễ. Đa số đều nói chuyện với tôi rất cởi mở, họ kể lại một cách thành thật những gì xảy ra ở Mỹ Lai, và làm cách nào để họ có thể tiếp tục sống với những ấn tượng hãi hùng sau vụ tàn sát.

Trong cuộc điều trần trước Uỷ Ban Điều Tra Lục Quân, một số quân nhân công nhận họ có mặt tại đường mương đầy xác người, nhưng khai rằng họ đã cãi lệnh Trung Úy Calley, người ra lệnh cho họ phải giết dân làng. Họ nói hai người xả súng bắn vào thường dân là Trung Úy Calley và Binh Nhất Paul Meadlo. Sự thực xảy ra như thế nào khó mà biết chính xác. Tuy nhiên, đa số người lính trong đại đội đều nhớ một hình ảnh khá rõ ràng. Sau khi Trung Úy Calley ra lệnh bắn, binh nhất Meadlo và nhiều binh sĩ khác bắn nhiều băng đạn vào cái hố đầy xác người. Cuối cùng họ còn ném thêm vài trái lựu đạn xuống hố.

Bỗng dưng có một tiếng khóc ré lên, rất lớn của một thằng bé trai khoảng hai hay ba tuổi, trên người nhuộm đầy máu, nó bò từ trong đống xác người đi ra ngoài ruộng lúa. Có lẽ mẹ của nó đã ôm chặt lấy thằng bé để che chở cho nó. Calley trông thấy đứa bé bò ra, Calley chạy theo đứa bé, kéo nó trở lại, ném nó xuống hố, và bắn nó.

Sáng ngày hôm sau, Meadlo đạp phải mìn trong lúc đi tuần, bàn chân phải của Meadlo bị văng đi mất. Trong lúc chờ trực thăng đưa đi bệnh viện dã chiến, anh ta chửi rủa Trung Úy Calley thậm tệ. Một người lính nghe rõ Meadlo chửi: “Tiên sư mày, Calley, Chúa sẽ trừng phạt mày vì những gì mày gây ra cho tao.”.

Trung úy Calley hét lớn, ra lệnh: “Gọi trực thăng đem nó đi.”

Meadlo tiếp tục chửi Calley cho đến lúc trực thăng đến bốc anh ta đi.

Meadlo lớn lên trong vùng nhà quê ở  phía tây Indiana. Sau khi tốn rất nhiều tiền xu, và đợi chờ ở máy điện thoại công cộng, tôi tìm ra được điạ chỉ gia đình Meadlo, ghi trên cuốn niên giám điện thoại tỉnh New Goshen, một thị trấn nhỏ gần vùng Terre Haute. Một người đàn bà, mẹ của Paul Meadlo, bà Myrtle trả lời điện thoại. Tôi giới thiệu với bà tôi là một ký giả viết về chiến tranh Việt Nam. Tôi hỏi thăm anh Paul dạo này ra sao, và xin phép bà đến nói chuyện với anh Paul vào ngày hôm sau. Bà nói bà sẵn sàng tiếp đón tôi.

Anh Paul Meadlo sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ vách ván, bên cạnh trại nuôi gà tồi tàn. Khi tôi lái chiếc xe tôi thuê đến sát căn nhà, bà Myrtle chạy ra đón tôi, và nói rằng anh Paul đang ngồi ở trong nhà. Nhưng bà không biết anh Paul có đồng ý tiếp tôi hay không. Rõ ràng là anh Paul kể cho mẹ anh nghe rất ít về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó, bà Myrtle lầm bầm trong miệng than thở về cuộc chiến mà mọi người oán ghét. Đại khái bà nói rằng: “Tôi đẻ con ra là những đứa bé ngoan, khi lớn lên chiến tranh người ta biến chúng nó thành những tên sát nhân.”.

Anh Meadlo mời tôi vào nhà, và đồng ý nói chuyện với tôi. Lúc bấy giờ anh được 22 tuổi. Anh đã có vợ trước khi sang Việt Nam. Hai vợ chồng anh có một đứa con trai hai tuổi và một bé gái sơ sinh. Mặc dù bị cụt chân, song anh vẫn tìm được việc làm trong một xưởng sản xuất, kiếm đủ tiền nuôi vợ con. Tôi yêu cầu anh cho xem vết thương và nói sơ về việc chữa trị vết thương này. Anh tháo phần chân giả lấy ra cho tôi xem, và kể lại thời gian anh được chữa trị vết thương. Một hồi sau câu chuyện dẫn đến vụ thảm sát Mỹ Lai. Anh Meadlo nói rất nhiều, nói say sưa, như là để cải chính, để dành lại ít nhiều sự kính nể. Anh xúc động khi anh kể về lệnh giết người của Trung Úy Calley. Anh không tìm cách biện minh cho hành động của mình, nhưng anh nói: “Vụ thảm sát này làm lương tâm tôi cắn rứt lắm. Nhưng chúng tôi làm như vậy một phần là vì đồng đội của mình bị giết nhiều quá.”.

Anh Meadlo kể lại chi tiết vụ thảm sát với giọng đều đều vô cảm. Anh nói với tôi: “Chúng tôi nhận được tin Việt Cộng ở làng Mỹ Lai. Chúng tôi có nhiệm  vụ phải tảo thanh. Khi đến nơi, chúng tôi lôi dân làng ra, tập trung vào một chỗ… và thẩm vấn từng người một. Lúc đó có khoảng 40 hay 45 người thường dân đứng tập trung thành vòng tròn, ngay giữa làng…Calley dặn tôi và vài người bạn hãy đứng canh chừng dân làng. Rồi anh Meadlo nhớ lại là khi Calley quanh trở lại, ông ta ra lệnh: “Giết hết chúng nó đi. Tôi muốn mấy anh bắn chết hết bọn chúng.”. Đứng cách Meadlo chừng mười thước, Calley ra lệnh: “Bắn đi, còn chờ gì nữa…. Tôi bắt đầu bắn, nhưng những người lính khác không chịu bắn. Calley và Meadlo nhắc những lính Mỹ khác: “ Đi tới, bắn chúng nó đi.”. Meadlo ước tính anh đã bắn chết khoảng 15 người đứng ở vòng tròn đó. Anh nói với tôi: “Chúng tôi làm theo lệnh cấp trên, và nghĩ rằng điều chúng tôi làm là đúng. Lúc bấy giờ, tôi không thắc mắc gì về việc bắn giết cả.”. Trong lời khai, Meadlo nói anh rất bực tức với lệnh của Calley. Một người lính trong đại đội Charlie kể lại rằng sau khi Calley ra lệnh cho Meadlo canh chừng dân làng, anh Meadlo đã vui vẻ đứng chơi với lũ trẻ con, anh cho chúng kẹo. Nhưng khi Calley quanh trở lại ra lệnh ông muốn giết hết dân làng. Anh Meadlo trố mắt đứng nhìn Trung Úy Calley với sự ngạc nhiên không tin. Anh hỏi lại: “Giết sạch chúng ư?”. Khi Calley xác nhận giết sạch, anh Meadlo bắt đầu bắn dân làng, và anh ta khóc.

Ông Mike Wallace, ký giả đài truyền hình CBS tỏ ý quan tâm đến cuộc phỏng vấn của tôi, ông mời anh Meadlo lên kể lại câu chuyện trên đài truyền hình toàn quốc. Tôi ngồi coi đoạn phim phỏng vấn này tại ghế sa lông nhà anh Meadlo. Sáng hôm sau, tôi trở về New York cùng với vợ chồng anh Meadlo. Ở đó, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm sự hơn. Anh Meadlo kể cho tôi nghe thời gian anh chữa bệnh trong bệnh viện của quân đội Mỹ ở bên Nhật. Khi trở về Mỹ, anh không hề hé răng nói chuyện gì về chiến tranh Việt Nam. Một đêm, theo lời kể của vợ anh, chị thức giấc và nghe tiếng khóc tức tưởi bên phòng ngủ của mấy đứa con. Chị bước sang xem chuyện gì xảy ra, chị trông thấy anh Paul, chồng chị đang nắm chặt đứa con gằn giọng, và khóc tức tưởi.

TÔI ĐƯỢC GEOFFREY COWAN, một luật sư phản chiến trẻ tuổi ở Hoa Thịnh Đốn mách cho biết về vụ giết người ở Mỹ Lai. Anh Cowan không biết nhiều chi tiết về vụ này, nhưng anh được một người lính Mỹ dấu tên nói với anh rằng lính Mỹ đã giết người thường dân Việt Nam một cách điên khùng. Trước đó ba năm, trong lúc làm việc cho hãng thông tấn AP phụ trách tin tức về Ngũ Giác Đài, tôi đã nghe các sĩ quan từ chiến trường trở về kể chuyện thường dân Việt Nam bị giết oan trong lúc chiến sự tiếp diễn. Một hôm trong lúc theo dõi nguồn tin do anh Cowan mách, tôi gặp một đại tá Bộ Binh còn trẻ. Ông này tôi quen khi còn làm việc ở Ngũ Giác Đài. Ông bị thương ở chân, trong khi chờ chữa lành vết thương, ông được vinh thăng lên cấp tướng. Hiện ông ngồi làm việc văn phòng, theo dõi tin tức chiến sự hàng ngày. Khi tôi hỏi thăm ông về tin tức liên quan đến người quân nhân dấu tên đưa tin về vụ thảm sát. Ông nhìn tôi với ánh mắt tức giận, nói như hét vào mặt tôi: “Thằng nhóc Calley đó chưa bao giờ bắn một ai cao hơn đầu gối tôi.”.

Nhờ ông buột miệng nói ra, tôi biết đến tên Calley, tên người tôi muốn tìm. Tại thư viện điạ phương, tôi tìm được tờ báo The New York Times, đăng tin Trung Úy Calley bị binh chủng Bộ Binh truy tố về tội giết người vì đã giết chết thường dân người Việt, không rõ con số bao nhiêu người. Tôi truy tìm tiếp, và biết được binh chủng Bộ Binh đã tạm dấu người Trung Úy này trong một khu gia cư sĩ quan trong trại lính Fort Benning, ở Columbus, tiểu bang Georgia. Lúc đó, một người trong Bộ Binh đã cho tôi xem nguyên văn bản án kết tội Calley. Người sĩ quan đã giết chết 109 “người Đông phương”.

Trung úy William Calley (1943- )

Gặp mặt Calley, trông ông ta không có vẻ gì là ác độc, cuồng sát. Dáng người gầy, lúc nào cũng tỏ ra bối rối, ở lứa tuổi trên hai mươi, da mặt trắng xanh, nhợt nhạt. Ông cố làm ra vẻ là người hung tợn dữ dằn. Sau khi uống vài lon bia, ông kể cho tôi nghe ông và nhiều người lính khác đã đánh giặc và giết quân thù như thế nào ở Mỹ Lai, trong một trận đụng độ ác liệt. Chúng tôi ngồi nói chuyện suốt đêm. Có một lúc, ông Calley xin phép đi vào nhà vệ sinh. Ông lỡ để cánh cửa hé mở, và tôi trông thấy ông ta ói ra máu.

Tháng 11 năm 1969, tôi viết vài bài báo về Calley, Meadlo và vụ thảm sát. Tôi nhờ báo Life và báo Look  đăng, nhưng không được. Vì vậy tôi phải gửi cho một hãng thông tấn nhỏ ở Hoa Thịnh Đốn, chuyên đăng tin phản chiến, tên là Dispatch News Service. Đây là thời điểm nước Mỹ đang sôi sục vì có nhiều chuyện xáo trộn xảy ra. Richard Nixon thắng cử năm 1968, hứa sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh. Nhưng trong bụng ông ta muốn thắng cuộc chiến này bằng cách leo thang, và bí mật ném bom. Trong năm 1969, mỗi tháng số lính Mỹ tử trận ở Việt Nam lên đến 1,500 người, giống như con số tử vong trong năm trước. 

Những phóng viên chiến trường như Homer Bigart, Bernard Fall, David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne, Francisc Fitzgerald, Gloria Emerson, Morley Safer, và Ward Just gửi về vô số bản tin chiến trường nói rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam không có căn bản đạo đức, chúng ta hoàn toàn thua về mặt chiến lược. Sự thực ngoài chiến trường khác hẳn với những điều giới chức quân sự và chính trị nói với công chúng ở Saigon và Hoa Thịnh Đốn. Ngày 15 tháng 11, hai ngày sau khi tôi gửi báo cáo về vụ thảm sát ở Mỹ Lai, một cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn, tụ tập gần nửa triệu người. Phụ tá thân tín của Nixon, ông H.R Haldeman, viết phúc trình ghi nhận sự kiện này gửi lên Oval Office (Văn Phòng Tổng thống), 18 năm sau phúc trình này mới được tiết lộ. Báo cáo nói rằng ngày 1 tháng 12 năm 1969 khi tin tức về lời khai của Paul Meadlo được loan truyền, Nixon bật đèn xanh cho phụ tá sử dụng “đòn ma giáo” là phủ nhận lời khai của nhân chứng về vụ thảm sát. Qua đến năm 1971, khi bồi thẩm đoàn của binh chủng Bộ Binh kết án Calley về tội sát nhân, với  án tù chung thân khổ sai, Nixon can thiệp, ra lệnh thả Calley ra khỏi nhà tù của Bộ Binh, và đặt đương sự trong tình trạng “tù tại gia” để chờ duyệt lại án lệnh. Calley được trả tự do ba tháng sau khi Nixon từ chức. Ông Calley ta dùng hết quãng đời còn lại phụ giúp cha vợ trông nom tiệm bán nữ trang ở Columbus, tiểu bang Georgia. Calley chỉ đồng ý trả lời những cuộc phỏng vấn nếu được trả tiền. Cuối cùng, mãi đến năm 2009, trong một bài diễn văn đọc ở Kiwanis Club, ông ta mới nói: “trong suốt thời gian  qua, không có ngày nào tôi không cảm thấy ân hận” về chuyện xảy ra ở Mỹ Lai, nhưng ông tự bào chữa rằng ông chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên “ một cách ngu xuẩn”. Năm nay Calley được 71 tuổi. Ông là người sĩ quan duy nhất bị kết tội trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai.

Tháng Ba năm 1970, ban điều tra của Lục quân đưa ra bản cáo trạng dành cho 14 sĩ quan dính líu đến vụ Mỹ lai, gồm đủ mọi tội, từ tội sát nhân đến tội bất tuân lệnh. Một số tướng lãnh, và đại tá bị kết tội che dấu tài liệu về vụ thảm sát. Ngoài Calley ra, chỉ có một sĩ quan khác bị đưa ra toà  quân sự, sau đó, người sĩ quan này được xét là vô tội.

Vài tháng sau, khi những cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên lên đến cực điểm- sinh viên biểu tình chống chiến tranh sau vụ Vệ Binh Quốc Gia bắn chết bốn sinh viên ở Ohio – tôi đọc một bài diễn văn chống chiến tranh ở trường Macalester College, thành phố St. Paul, Minnesota. Ông Hubert Humphrey trước đó là Phó Tổng thống trung thành với ông Lyndon Johnson, bấy giờ đang giảng dạy môn chính trị học tại đây. Ông bị Richard Nixon đánh bại trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1968, có lẽ vì tên tuổi của ông dính liền với tên ông Johnson. Sau bài diễn văn, ông Humphrey đòi gặp tôi để nói chuyện. Ông nói: “Tôi không có vấn đề gì với ông cả ông Hersh à, ông có việc của ông, tôi có việc của tôi. Ông làm việc của ông giỏi lắm. Nhưng riêng cái vụ lũ sinh viên cứ reo hò câu nguyển rủa: “Hey, hey LBJ, hôm nay mày giết được mấy đứa trẻ.” Tôi không chịu nổi. Nói tới đây, mặt ông Humphrey đỏ bừng tức giận, và nói lớn lên: “Tổ cha chúng nó, chỉ nói bậy là giỏi.”.

CÁCH ĐÂY VÀI THÁNG, lần đầu tiên tôi cùng gia đình trở lại thăm Mỹ Lai, quân đội Hoa Kỳ gọi là “Ấp Mỹ Lai”. Trở lại thăm khung cảnh xảy ra tội phạm đối với người ký giả ở tuổi của tôi hẳn là mọi sự đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng tôi vẫn cứ bị thôi thúc phải đi thăm Mỹ Lai một lần cho thoả trí tò mò. Ngày xưa, hồi năm 1970, tôi xin phép chính phủ Saigon mấy lần mà không được, bởi vì lúc đó Ngũ Giác Đài đang mở cuộc điều tra, nên họ cấm người ngoài lai vãng tới. Năm 1972, tôi gia nhập với đoàn ký giả của tờ The New York Times đi thăm Hà Nội, Bắc Việt. Năm 1980, năm năm sau khi Saigon sụp đổ, tôi  đi du lịch Việt Nam để thực hiện một vài cuộc phỏng vấn cho cuốn sách tôi đang viết cho tờ Times. Tôi cứ nghĩ rằng tôi đã biết hết mọi chuyện, hay ít ra cũng gần hết tin tức về vụ thảm sát này. Nhưng rốt cuộc tôi đã lầm.

Mỹ Lai nằm ở miền Trung Việt Nam, không xa quốc lộ 1, nối liền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, tức là Saigon ngày trước, như mọi người vẫn quen gọi. Phạm Thành Công là giám đốc bảo tàng viện Mỹ Lai. Ông là người sống sót trong vụ thảm sát này. Khi mới gặp ông Công lần đầu, ông ta kể cho tôi nghe rất ít về kinh nghiệm bản thân của ông trong vụ thảm sát này. Ông chỉ nói với một giọng đều đều những câu viết sẵn quen thuộc. Ông có dáng người mạnh khoẻ, to lớn, ở lứa tuổi trên 50. Ông nói đúng theo sách vở tuyên truyền như sau: “Người Việt nam chúng tôi luôn luôn chào đón du khách. Chúng tôi tha thứ cho lỗi lầm trong quá khứ, nhưng chúng tôi không quên những đau đớn chúng tôi từng gánh chịu.”.  Sau đó, khi chúng tôi bước ra ngoài viện bảo tàng, ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế băng, ông Công mô tả lại vụ thảm sát mà ông chứng kiến. Lúc bấy giờ, Công là một đứa trẻ 11 tuổi. Khi máy bay trực thăng Mỹ đổ bộ xuống làng, Công cùng với mẹ và bốn anh chị em chạy xuống hầm trú ẩn ở trong căn nhà mái tranh. Lính Mỹ ra lệnh cho sáu mẹ con phải ra khỏi hầm trú ẩn, rồi lại bắt họ chui xuống hầm trở lại, và liệng trái lựu đạn xuống hầm, bắn súng M-16 xuống hầm để giết tất cả. Công bị thương ở ba chỗ: trên đầu, bắp đùi bên phải, và chân phải. Công bị ngất đi. Khi tỉnh dậy, Công thấy mình đang nằm trên một đống xác, gồm có mẹ của Công, ba chị em gái, và đứa em trai sáu tuổi. Lính Mỹ nghĩ rằng Công cũng đã chết. Đến chiều, khi máy bay trực thăng của lính Mỹ đã đi khỏi, cha của Công và một số dân làng còn sống sót, quanh trở lại để chôn cất người chết. Cha của Công tìm thấy Công.  

Về sau, trong lúc ngồi ăn trưa với gia đình tôi, ông Công nói với tôi: “Tôi sẽ không bao giờ quên được nỗi đau đớn.”. Và với việc làm hiện tại, ông ta không thể bỏ qua những kỷ niệm cũ sang một bên. Ông Công kể thêm cho tôi biết cách đây vài năm có một cựu chiến binh Mỹ tên là Kenneth Schiel đến thăm Mỹ Lai. Ông ấy ghé vào xem bảo tàng viện. Ông ta là người lính duy nhất của Đại Đội Charlie quanh trở lại Mỹ Lai. Kỳ này ông ấy đến nhân danh ký gỉả đi làm phóng sự tài liệu cho đài truyền hình Al Jazeera, để kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ thảm sát. Schiel đăng lính vào Bộ Binh sau khi tốt nghiệp trung học ở tỉnh Swartz Creek, một tỉnh nhỏ gần Flint, tiểu bang Michigan. Sau  vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Schiel bị kết tội giết chết 9 dân làng. (Bản án sau đó được hủy bỏ).

Đoạn phim tài liệu mô tả cuộc đối thoại giữa Schiel với ông Công, và chỉ giới thiệu Schiel là một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, không hề nói ông ta từng tham dự vào vụ Mỹ Lai. Trong đoạn phim này, Schiel nói với người phỏng vấn: “Hỏi rằng tôi có bắn chết người không? Tôi trả lời rằng tôi đã bắn cho đến khi tôi nhận ra là mình sai.Tôi không xác nhận tôi có bắn dân làng hay không.”. Ông ta cũng không trực tiếp nói với ông Công về việc này, mặc dù sau đó ai cũng biết ông là người tham dự cuộc bắn giết  ở Mỹ Lai. Schiel nhắc đi nhắc lại đôi ba lần rằng ông muốn “xin lỗi người dân làng Mỹ Lai.”. Nhưng ông không chịu đi xa hơn. Ông nói: “Tôi vẫn thắc mắc tự hỏi vì sao sự việc lại xảy ra như vậy. Tôi không biết.”.

Ông Công gặng hỏi Schiel: “Anh nghĩ sao khi anh cầm súng bắn vào người dân vô tội? Việc đó có khó cho anh không?”. Schiel trả lời rằng ông ta không phải là một trong những người lính Mỹ bắn vào thường dân. Công bèn trả lời: “Như vậy có lẽ tôi mời ông đến nhà để ông bắn chết bà con của tôi hay sao?”.

Bản sao của cuốn phim hiện đang được lưu trữ trong bào tàng viện, chứa đựng mẩu đối thoại trên. Nhiều lần Schiel nói: “Điều duy nhất tôi có thể làm được bây giờ là xin lỗi.”. Ông Công cứ vặn hỏi thêm, và Schiel tiếp tục nói hai chữ: “Sorry, sorry.” Khi ông Công hỏi bắn người xong, anh về trại lính, anh ăn có ngon không. Schiel bắt đầu khóc, và năn nỉ: “Làm ơn đừng hỏi thêm câu nào nữa, tôi giữ bình tĩnh không được nữa đâu.”. Sau đó Schiel yêu cầu ông Công cùng làm lễ khấn vong linh những người chết với ông ta để tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra vụ thảm sát.

Ông Công thẳng tay từ chối, và nói: “Dân trong làng sẽ cảm thấy xấu hổ, và tức giận nếu họ biết rằng ông là một trong những người tham dự vào cuộc thảm sát.”.

Trước khi rời khỏi bào tàng viện, tôi hỏi ông Công vì sao ông tỏ ra khó khăn quá đối với Schiel như vậy. Nét mặt của ông trở nên cứng cỏi hơn. Ông nói rằng ông không ưa việc an ủi sự đau khổ của người lính Mỹ trong vụ Mỹ Lai vì ông đó không hoàn toàn nhận lỗi về việc làm của mình. Cha của Công là một cán binh Việt Cộng, sống với Công sau vụ thảm sát. Đến năm 1970 ông ta bị quân đội Mỹ giết trong một cuộc hành quân. Công phải sống nhờ vào bà con, suốt ngày lo việc chăn trâu, chăn bò. Mãi đến khi chiến tranh chấm dứt, Công mới được cắp sách đi học. 

Khi đọc những con số thống kê mà ông Công thu thập để ghi trong bảo tàng viện, người đọc phải tìm hiểu thêm mới biết được. Tên tuổi người chết được ghi trên tấm “plaque” bằng đá cẩm thạch, chiếm gần hết gian phòng triển lãm. Theo con số của bảo tàng viện có 504 người là nạn nhân, thuộc 247 gia đình. Hai mươi bốn gia đình bị hoàn toàn chu diệt- ba thế hệ cùng bị giết, không một người sống sót. Trong số người chết có 182 người phụ nữ, trong đó 17 người đang mang thai. 173 trẻ em bị hành quyết, trong đó có 56 em là trẻ sơ sinh. Sáu chục ông gìa bị chết. Con số trưng bầy trong viện bảo tàng này không phải là con số nạn nhân ở riêng làng Mỹ Lai (tên chính thức của nó là Mỹ Lai 4) nhưng còn thêm cả nạn nhân ở khu định cư kế bên, người Mỹ gọi là làng Mỹ Khê 4. Khu định cư này cách Mỹ Lai một dậm về phía đông, và bị Đại Đội Bravo lính Mỹ tấn công.  Bảo tàng viện liệt kê 407 nạn nhân ở làng Mỹ Lai 4, và 97 nạn nhân ở làng Mỹ Khê 4.

Qua sự việc này chúng ta thấy rõ những gì xảy ra ở Mỹ Lai 4 là chuyện xảy ra rất thường ở nơi khác, tuy nhiên, con số nạn nhân ít hơn. Như trường hợp Đại Đội Bravo, đơn vị tấn công vào làng cũng chính là Lực Lượng Đặc Nhiệm Baker - giống như trong Đại Đội Charlie. Cuộc hành quân tấn công vào hai làng đều nằm trong kế hoạch hành quân của sư đoàn American Division, Lực Lượng Đặc Nhiệm, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Samuel Koster. Ông tướng này đi ra đi vào những ngôi làng bị tấn công nhiều lần trong ngày để theo dõi tình hình.

Tình hình chiến sự lúc bấy giờ hết sức tồi tệ. Vào năm 1967, chiến cuộc xảy ra bất lợi trên khắp các tỉnh miền Nam. Đặc biệt ba tỉnh cực bắc trung phần: Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Trị. Ba tỉnh này được coi được coi là bất trị, chính phủ trung ương trong miền Nam không kiểm soát nổi. Ba tỉnh coi như đã rơi vào tay Việt Cộng và quân chính quy miền Bắc. Quảng Trị là tỉnh bị ăn bom nhiều nhất. Máy bay Mỹ còn rải thuốc khai quang, dùng nhiều hoá chất độc hại, và chất Da Cam, hay Agent Orange.  

TRONG CHUYẾN ĐI VIỆT NAM GẦN ĐÂY, tôi ra thăm Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Một số sĩ quan hồi hưu, và đảng viên Cộng Sản nói với tôi rằng vụ thảm sát Mỹ Lai giúp Bắc Việt thắng được cuộc chiến tranh. Bởi vì nhờ đó mà phong trào phản chiến ở Mỹ được lớn mạnh. Tôi nghe nói nhiều lần rằng vụ Mỹ Lai là trường hợp duy nhất đáng kể bởi vì qui mô của vụ thảm sát. Câu nói đánh giá thẳng thừng nhất về vụ Mỹ Lai do bà Nguyễn Thị Bình đưa ra. Ở Việt Nam, người ta thường gọi là Bà Bình. Hồi đầu thập niên 1970, bà Bình là trưởng phái đoàn ngoại giao của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đi dự hoà đàm Paris. Bà nổi tiếng vì lối nói bộc trực, và dáng điệu sắc bén thông minh của bà. Năm nay bà Bình được 87 tuổi, bà về hưu, không còn giữ một chức vụ công nào, sau khi đã làm Phó Chủ Tịch nước trong hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, bà vẫn còn trực tiếp tham gia vào hoạt động từ thiện liên quan đến nạn nhân chiến tranh, những nạn nhân của thuốc khai quang, và chất Da Cam Agent Orange. Nhiều người trở nên tật nguyển, hay dị dạng vì hoá chất độc hại này.
Bà Bình nói với tôi: “Tôi nói thật với ông rằng vụ Mỹ Lai chỉ trở nên quan trọng ở Mỹ chỉ vì nó do một người Mỹ viết.”. Thực vậy, vài tuần sau vụ thảm sát, một phát ngôn viên của phái đoàn Bắc Việt ở hoà đàm Paris đã mô tả chi tiết sự kiện này, nhưng không ai để ý, bởi vì câu chuyện bị coi là một hành động tuyên truyền. Bà Bình nói thêm với tôi bằng tiếng Pháp: “Tôi nhớ rõ lắm. Phong trào phản chiến ở Mỹ lớn mạnh vì vụ Mỹ Lai. Nhưng ở Việt Nam, không phải chỉ có một vụ Mỹ Lai, mà còn có nhiều vụ khác tương tự..”.

Một buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê với ông Võ Cao Lợi ở bãi biển Đã Nẵng. Đây là một thành phố cảng ở miền Trung với dân số khoảng một triệu người. Ông Lợi là một trong những người sống sót sau vụ Đại Đội Bravo tấn công làng Mỹ Khê 4. Ông kể cho tôi nghe qua lời thông dịch viên, khi đó ông ta mới được 15 tuổi, mẹ của ông “linh cảm” sẽ có chuyện không hay xảy ra khi bà nghe tiếng máy bay trực thăng bay gần đến làng. Ông kể thêm: “Bỗng dưng sao lại có máy bay Mỹ đến làng. Trước khi đến, chúng thường bắn pháo, và bỏ bom cầy nát trong làng, rồi mới đổ quân xuống.”. Lính Mỹ và lính quân đội Nam Việt Nam từng vào làng hành quân nhiều lần, nhưng lần này họ đuổi tất cả dân làng ra ngoài. Lợi cũng phải đi theo mẹ. Ông có hai người anh trai đã đi bộ đội theo Việt Cộng. Một người mới bị giết trước đó sáu ngay trong cuộc đụng độ. Ông Lợi kể rằng mẹ của ông lôi ông đi theo vì bà sợ rằng khi đó ông đã lớn, có thể bị quân đội Nam Việt bắt đi lính. Ông kể tiếp: “Tôi đi về phía con sông, mới đi được chừng 50 thước, tôi nghe có tiếng súng bắn. Tôi sợ quá, nằm núp im dưới mé sông cho đến chiều tối. Tôi quanh về nhà để chôn mẹ tôi và bà con trong xóm.”.

Hai ngày sau, Việt Cộng đến rủ Lợi đi bộ đội. Họ đem Lợi vào bộ chỉ huy đặt trên núi phía tây. Lúc đó, Lợi còn nhỏ quá để đi bộ đội, nhưng cậu bé được đưa đến trước đơn vị bộ đội tỉnh Quảng Ngãi thuật lại chuyện lính Mỹ giết dân làng Mỹ Khê, nhằm khơi dậy lòng phẫn uất của cán binh. Cuối cùng, Lợi cũng đi bộ đội, và chiến đấu cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Máy bay trinh sát Mỹ và lính Mỹ thường xuyên theo dõi truy lùng đơn vị bộ đội của Lợi. Lợi kể cho tôi nghe: “Đơn vị chúng tôi liên tục rời bộ chỉ huy mỗi khi nghe nói lính Mỹ đến gần. Cách tổ chức đơn vị bộ đội gồm có ba vòng. Vòng trong cùng dành cho các cấp lãnh đạo, chỉ gồm những người tuyệt đối trung thành. Chỉ có tư lệnh sư đoàn mới được ở vòng trong cùng. Khi họ di chuyển, họ ăn mặc giống như bộ đội thường, không ai biết họ là cấp chỉ huy. Họ đi đến các làng gần bên để ẩn náu. Có trường hợp lính Mỹ giết được cấp chỉ huy, nhưng họ không hề biết rằng họ đã giết được cấp lãnh đạo.”. Khi nói về quân đội Mỹ, Lợi cho biết các sĩ quan Việt Cộng thường thổi phồng con số lính Mỹ bị giết để khích lệ tinh thần cán binh. 

Lợi nói rằng vụ tàn sát thường dân ở Mỹ Lai và Mỹ Khê vô cùng tàn bạo, nên đã khơi dậy lòng căm phẫn, nâng cao tinh thần chiến đấu của cán binh Việt Cộng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Được hỏi vì sao các sĩ quan lãnh đạo quân đội Mỹ lại dễ dàng tha thứ cho cấp dưới làm những chuyện tàn ác như vậy. Lợi trả lời rằng ông ta không biết. Song ông tin rằng cấp chỉ huy quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc làm của binh lính dưới quyền. Lợi nói: “Người lính chỉ biết thi hành mệnh lệnh, và phải làm đúng theo nhiệm vụ của mình.”.

Lợi cho biết ông vẫn đau lòng về cái chết của người thân trong gia đình, và thỉnh thoảng ông vẫn có những cơ ác mộng về vụ thảm sát này. Nhưng khác với ông Công, Lợi có ngay một gia đình đỡ đầu. Ông nói: “Bộ đội Việt Cộng thương yêu, đùm bọc tôi, và dạy dỗ tôi.”. Tôi nói cho Lợi nghe về sự tức giận của ông Công đối với Kenneth Schiel, ông Lợi phân trần: “Dù rằng kẻ thù có làm gì đi nữa, mình cũng nên tha thứ cho chúng để còn nhìn về tương lai.”. Sau chiến tranh, Lợi được gia nhập Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân, quân chính qui, chủ lực của Việt Nam. cuối cùng, ông ta về hưu với quân hàm Đại Tá sau 38 năm ở trong quân đội. Hiện nay ông và bà vợ làm chủ một quán cà phê ở Đà Nẵng.

GẦN 70% DÂN SỐ VIỆT NAM hiện nay ở lứa tuổi dưới 40. Mặc dù ảnh hưởng của cuộc chiến ngày xưa vẫn còn là đề tài để bàn, song nó chỉ dành cho những người lớn tuổi. Du khách Mỹ đến thăm Việt Nam nườm nượp. Đó là nguồn lợi lớn cho nền kinh tế. Nếu lính Mỹ có can tội giết người tập thể, thì của đáng tội, trước đó người Pháp và người Tầu cũng phạm tội diệt chủng ở Việt Nam. Nói theo cách nói ngoại giao hiện nay thì ít ra  người Mỹ cũng là bạn, có tiềm năng sẽ giúp Việt Nam chống lại Trung quốc ở phương bắc. Hàng ngàn người Việt làm việc cho Mỹ, hay làm việc chung với người Mỹ đã chạy thoát khỏi Việt Nam hồi năm 1975. Một số con cái của những người này đi ngược lại chủ trương của cha mẹ. Họ trở về Việt Nam, mặc dù họ biết ở Việt nam hiện đang có rất nhiều tệ nạn, ví dụ như tham nhũng tràn lan, và chính quyền kiểm soát đủ thứ.

ợng đài kỹ niệm vụ thảm sát Mỹ Lai

Nguyễn Qúi Đức, một nhà văn, một ký giả 57 tuổi hiện đang khai thác một quán rượu, nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội. Ông là người đã trốn thoát khỏi Việt nam hồi năm 1975. Ba mươi mốt năm sau, ông quay trở lại Việt Nam. Hồi còn ở San Francisco, ông là một ký giả đoạt nhiều giải thưởng, và là một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng. Ông nói với tôi: “Lúc nào tôi cũng muốn quanh trở về và sống ở Việt nam. Tôi cảm thấy mình thiếu cái gì đó khi bỏ nước ra đi ở lứa tuổi 17, và sống như mọi người khác tại Hoa Kỳ. Tôi cám ơn những cơ hội mà nước Mỹ đã cho tôi, nhưng tôi vẫn cần một tình cảm dân tộc. Tôi đến Hà Nội lần đầu tiên trong tư cách một phóng viên của đài NPR, và tôi mê ngay cái thành phố này.”.

Ông Đức cũng nói với tôi rằng, giống như nhiều người Việt khác, ông phải tập thói quen chấp nhận sự tàn bạo của chiến tranh. Ông nói: “Lính Mỹ đã làm những hành vi giết người tàn bạo, nhưng chuyện đó vẫn thuờng xảy ra khi có chiến tranh. Và đó là sự thật mà người Việt không thể chất chứa mãi trong lòng. Người Việt nam chúng tôi có một thái độ ứng xử thực tế là hãy quên đi kẻ thù xấu để có được bạn tốt.”.

Trong thời chiến, thân phụ của ông Đức, cụ Nguyễn Văn Đãi, và Đại Biểu Chính Phủ ở Miền Trung, một chức vụ khá lớn trong chính phủ miền nam Việt Nam. Cụ bị Việt Cộng bắt đi hồi năm 1968, và bỏ tù cho đến năm 1980. Năm 1984, với sự giúp đỡ của một nhà ngoại giao Mỹ, ông Đức đã xin cho cha của mình sang Mỹ đoàn tụ với gia đình ở California. Ông Đức xa người cha trong 16 năm trời. Ông nói khi đến phi trường đón cha, ông lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của cha. Ông cụ bị đưa đi biệt giam trong nhà tù của Cộng Sản ở gần biên giới Trung Hoa, ông cụ bị bại liệt hai chân. Ra đón cha, ông Đức lo không biết ông cụ có phải ngồi xe lăn hay không, và đầu óc có tỉnh táo hay không? Cha của ông Đức đến vào lúc ở California đang có cuộc tranh cử vòng bộ của đảng Dân chủ chọn ứng viên tổng thống. Ông cụ bước ra khỏi máy bay, và mừng rỡ khi gặp con trai. Ông cụ hỏi ngay: “Liệu Jesse Jackson có được phiếu nào không con?”. Ông cụ làm cán sự xã hội và sống thêm được 16 năm trước khi mất.

MỘT SỐ CỰU CHIẾN BINH MỸ cũng sang Việt nam để sinh sống. Ông Chuck Palazzo lớn lên trong một gia đình có nhiều sóng gió, trên đường Arthur Avenue, khu Bronx, New York. Sau khi bỏ học ở trường trung học, ông đăng lính, xin đi Thủy Quân Lục Chiến. Vào mùa Thu năm 1970, sau một năm huấn luyện ông được phái đi trong đơn vị trinh sát thứ dữ. Nhiệm vụ của đơn vị này là kiểm tra tin tức tình báo để nã súng cối vào điạ điểm của Việt Cộng vào ban đêm, và xông vào tấn công vào ban ngày. Có khi ông và đồng đội phải nhảy dù vào giữa vùng giao tranh. Trong một lần ngồi uống bia với tôi ở Đà Nẵng, nơi ông đang sống, và làm việc, ông Palazzo kể với tôi rằng: “Tôi từng tham dự nhiều trận đánh dữ dội với quân chính quy Bắc Việt cũng như với Việt Cộng. Nhiều đồng đội bị chết trong lúc giao tranh.”. Ông kể tiếp với tôi: “Nhưng rồi những đụng độ, trận mạc cũng qua đi. Tôi bắt đầu đọc sách, tìm hiểu về chính trị của cuộc chiến tranh, và một sĩ quan đã nói riêng với tôi rằng cuộc chiến tranh này là sai, là vô nghĩa. Người sĩ quan đón tôi: “Hãy ráng giữ mình và rút chân ra khỏi cuộc chiến cà chớn này.”.

Lần đầu tiên Palazzo đến Đà Nẵng vào năm 1970, và anh lính trẻ trông thấy những quan tài chở lính Mỹ sắp hàng đưa lên máy bay. Khi đó anh mới biết mình đang ở giữa chiến tranh. Mười ba tháng sau, anh ta mới lên máy bay trở về Mỹ, nhưng tên của anh không có trong danh sách hành khách. Sau vài phút cãi cọ, người sắp xếp chuyến bay cho anh nói rằng nếu anh muốn lên máy bay về Mỹ, anh phải ngồi trong máy bay chở quan tài, loại C-141. Và anh đã về Mỹ trên chuyến máy bay chở hàng kỳ quái đó.

Sau khi rời khỏi binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, anh Palazzo đi học đại học, và lấy được văn bằng trở thành chuyên viên điện toán. Nhưng giống như nhiều chiến binh khác, anh trở về đời sống dân sự với những khủng hoảng hậu tai biến, và anh mắc vào vòng nghiện ngập. Hôn nhân của anh bị đổ vỡ. Anh bị mất việc. Năm 2006, anh làm một quyết định “hết sức ích kỷ” là quanh trở lại thành phố Sài Gòn cũ mà bây giờ họ gọi là thành phố Hồ Chí Minh để tự chữa bệnh cho mình. Anh nói không ngờ đó là cách rất hay để anh chống trả lại chứng bệnh khủng hoảng sau tai biến, còn gọi là PTSD. Anh trực diện đối đầu với những bóng ma anh hay gặp trong cơn mê. Cuộc trở lại đầu tiên khiến anh khoái và mê người Việt. Palazzo đang cố gắng làm tất cả những gì anh có thể làm được để giúp nạn nhân của chất Da Cam- Agent Orange.

Ở Hà Nội, tôi gặp Chuck Searcy, một người đàn ông gầy, tóc bạc, 72 tuổi. Ông là người gốc tiểu bang Georgia. Cha của Searcy trước đây từng bị ngườì Đức bắt làm tù binh trong mặt trận Bulge, và Searcy không tìm cách trốn lính để khỏi phải đi đánh nhau ở Việt Nam. Ông nói với tôi: “Tôi cứ nghĩ rằng Tổng Thống Johnson và các vị dân biểu, nghị sĩ ở Quốc Hội biết rõ những gì chúng ta làm ở Việt Nam.”. Năm 1966, Searcy bỏ ngang chương trình học ở đại học  để đăng lính. Ông làm chuyên viên viên phân tích tin tức tình báo, một đơn vị ở gần phi trường Saigon. Mỗi ngày ông phân tích, đánh giá, thẩm lượng tin tình báo và viết phúc trình.

Ông Searcy tâm sự với tôi: “Chỉ trong vòng ba tháng, tôi nhận ý nghĩa của cuộc chiến, bộ mặt thật của nó. Đang từ một cậu thanh niên Georgia yêu nước nồng nàn, tôi đâm hoài nghi về việc làm của nước tôi. Những tin tức tinh báo tôi ngồi phân tích hàng ngày cho thấy có sự dối trá tồi tệ về mặt trí thức.”. Người Miền Nam rõ ràng không biết chút xíu gì về việc tin tức tình báo được thu thập như thế nào. Một đồng nghiệp của tôi ra chợ mua một con cá ở Saigon, và ông trông thấy tờ giấy gói con cá chính là mảnh giấy viết báo cáo tin mật trong đơn vị của ông. Ông Searcy nói với tôi: “Khi tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng Sáu năm 1968, tôi cảm thấy tức tối, và cay đắng vô cùng.”.

Ông Searcy đi Âu châu để làm cho xong phần còn lại của nghĩa vụ quân sự trong Bộ Binh. Khi trở về Mỹ, ông hoàn toàn thất vọng về việc làm của mình trong quân đội. Ông kể với tôi: “Cha tôi nghe tôi nói về chiến tranh, ông đâm ra hoài nghi. Ông hỏi tôi phải chăng tôi bị tẩy não và đi theo Cộng Sản? Ông và mẹ tôi chửi tôi rất nặng, và không coi tôi là đứa con của ông bà, bởi vì tôi không còn là người Mỹ yêu nước nữa. Hai người đuổi tôi ra khỏi nhà.”. Searcy cắp sách đi học đại học, tốt nghiệp trường University of Georgia, làm việc cho tờ báo ở Athens, Georgia. Sau đó, ông tham gia vào hoạt động chính trị, và chính sách công quyền. Ông từng làm phụ tá cho Dân Biểu Wyche Fowler, của đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia.

Năm 1992, Searcy đi du lịch Việt Nam, và quyết định gia nhập với một nhóm cựu chiến binh Mỹ đang làm việc ở đây. Ông tâm sự với tôi: “Tôi biết, ngay từ lúc rời khỏi Việt Nam hồi năm 1968, sẽ có một ngày tôi trở lại đất nước này, hy vọng khi đó có hoà bình. Lúc bấy giờ tôi luôn luôn mang cảm tưởng là mình đã bỏ rơi người Việt Nam, phó mặc vùng đất này cho một số phận thê thảm. Người Mỹ đã phần nào chịu trách nhiệm vì gây ra điều oan nghiệt cho người Việt. Cảm nghĩ đó lúc nào cũng vấn vương trong tâm khảm của tôi.”. Ông Searcy làm việc trong chương trình tháo gỡ mìn. Hoa Kỳ đã ném bom ở Việt Nam với số lượng gấp ba lần số bom họ ném trong Thế Chiến Thứ Hai. Trong khoảng thời gian từ lúc chấm dứt chiến tranh cho đến năm 1998, hơn 100,000 người Việt bị chết, hay bị thương vì đạp phải mìn chưa nổ. Trong hơn hai thập niên, Hoa Kỳ từ chối không bồi thường thiệt hại gây ra bởi bom đạn, hay độc tố Da Cam, mặc dù hồi năm 1996, chính phủ Mỹ có cho ít tiền để tài trợ cho chương trình gỡ mìn. Từ năm 2001 đến năm 2011, quỹ Viet Nam Veterans Memorial Fund cũng giúp tài trợ cho chương trình gỡ mìn. Ông Searcy phân tích: “Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ tin rằng chúng ta cần phải nhận một phần trách nhiệm về việc làm của mình.”. Chương trình gỡ mìn dạy cho người Việt, nhất là dân ở đồng ruộng và trẻ em, biết sự nguy hiểm của các loại vũ khí chưa nổ. Do đó, mức độ thương vong giảm đi rất nhiều.

Quan niệm của Searcy về cuộc chiến tranh phi lý đã được minh chứng trước khi quá trễ. Cha của ông gọi điện thoại cho ông, và kêu ông về nhà ngồi uống cà phê với cụ. Hai vợ chồng cụ đã từ đứa con trai, đuổi Searcy ra khỏi nhà, bây giờ họ mời Searcy về. Ông nói với tôi: “Cha tôi và bà cụ bắt đầu nói chuyện lại với tôi. Họ bảo tôi rằng tôi đúng, và họ sai. Bây giờ họ mời tôi về nhà nói chuyện.”. Ông Searcy quanh về nhà ngay lập tức. Từ đó, ông sống gần với cha mẹ đến ngày hai cụ qua đời. Ông Searcy đã hai lần ly dị, và trong một e mail, ông tâm sự với tôi: “Tôi ráng cưỡng lại sự tử tế của một người Việt để không lập gia đình thêm một lần nữa.”.

CÒN CÓ NHIỀU THỨ KHÁC ĐỂ HỌC Ở VIỆT NAM. Vào đầu năm 1969, đa số lính trong Đại Đội Charlie đã về Mỹ, hay được gửi đi đơn vị chiến đấu khác. Việc che dấu vụ thảm sát này có kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, vào lúc đó lại có một cựu quân nhân Bộ Binh hết sức can đảm, tên là Ronald Ridenhour. Anh ta cả gan viết xuống từng chi tiết vụ của sự việc, anh gọi là “vụ thảm sát đen tối và đẫm máu.”. Anh gửi bản sao bài báo cáo đến cho 30 viên chức cao cấp trong chính quyền và một số Dân Biểu, Nghị Sĩ trong Quốc Hội. Chỉ trong vòng vài tuần, lá thư của anh đến tay bộ chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ  ở Việt Nam.

Trong chuyên đi Hà Nội mới đây của tôi, viên chức chính phủ Việt Nam đề nghị tôi nên ghé vào văn phòng tỉnh Quảng Ngãi, trước khi lái xe xuống Mỹ Lai, cách đó vài dặm. Tại đây tôi được tặng cho một cuốn sách vừa mới xuất bản, hướng dẫn du khách về tỉnh Quảng Ngãi. Trong cuốn sách này có một bài mô tả một vụ thảm sát khác do lính Mỹ làm ở làng Trường Lệ, nằm bên ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Theo bài báo trong cuốn sách này vào sáng ngày 18/4/1969 một Trung đội lính Mỹ hành quân theo kiểu “truy lùng và diệt địch” ở làng Trường Lệ, chưa đầy một năm sau vụ Mỹ Lai. Lính Mỹ đã lôi phụ nữ và trẻ con ra khỏỉ nhà, và châm lửa đốt nguyên cả làng. Ba giờ sau, lính Mỹ quanh trở lại, và giết chết 41 trẻ em, 22 phụ nữ, chỉ có 9 người sống sót.
Rõ ràng là sau khi xảy ra vụ Mỹ Lai, chẳng có gì thay đổi khác trước.

Năm 1998, vài tuần trước ngày kỷ niệm 30 năm xảy ra vụ Mỹ Lai, một viên chức hồi hưu của Ngũ Giác Đài, ông W. Donald Stewart cho tôi xem một phúc trình chưa hề được công bố, do ông soạn vào hồi tháng 8 năm 1967. Phúc trình đó nói rằng đa số lính Mỹ ở Việt nam không hiểu trách nhiệm của mình như thế nào chiếu theo Công Ước Geneve. Khi đó, ông Stewart đang là trưởng ban điều tra của Văn Phòng Tổng Thanh Tra tại Ngũ Giác Đài. Phúc trình của ông là kết quả của nhiều tháng đi công tác, và phỏng vấn rất nhiều người. Bản phúc trình này được thực hiện theo lệnh của ông Robert McNamara, Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời hai tổng thống Kennedy và Johnson. Bản phúc trình của Stewart nói rằng nhiều lính Mỹ khi được phỏng vấn nói rằng: “họ cảm thấy hoàn toàn tự do diễn dịch, gỉai thích Công Ước Geneve theo ý của họ…Chính những người lính trẻ thiếu kinh nghiệm này tha hồ muốn giết hay đối xử tàn bạo với tù nhân chiến tranh theo kiểu nào tùy ý mặc dù đã có chỉ thị nói rằng họ phải làm theo luật quốc tế.”

Ông McNamara thôi làm người lãnh đạo Ngũ Giác Đài vào tháng Hai năm 1968, và bản phúc trình này chưa bao giờ được công bố. Sau này, ông Stewart cho tôi biết lý do vì sao bản báo cáo này bị dấu kín. Ông phân tích: “Người ta gửi ra chiến trường những thanh niên mới 18 tuổi đầu, và chúng tôi không muốn họ tìm ra rằng những người lính trẻ đó đã cắt tai quân địch. Tôi sang Nam Việt Nam để điều tra sự việc, trở về trong lòng nặng chĩu vì thấy sự việc xảy ra hết sức bừa bãi, không kiểm soát nổi…Tôi biết vụ Calley, biết rõ lắm.”.

Thì ra chính ông Robert McNamara cũng biết có những vụ giết người, tàn sát xảy ra. Tôi không hề hay biết gì về báo cáo của Stewart khi tôi viết bài tường thuật về vụ Mỹ Lai năm 1968, nhưng tôi biết rằng ông McNamara đã được cảnh báo về tệ nạn giết ngưi như thế này từ nhiều năm trước xảy ra ở miền Trung Việt Nam. Sau bài viết đầu tiên của tôi về vụ Mỹ Lai được đăng báo, anh Jonathan Schell, lúc bấy giờ là một ký giả trẻ tuổi của tuần báo The New Yorker đã xuất bản  một bài phân tích tai hại về những vụ ném bom không ngừng xảy ra cho tỉnh Quảng Ngãi, và các tỉnh lân cận. Anh Schell qua đời năm ngoái, trước đó, anh có điện thoại nói chuyện với tôi. Anh kể rằng bài phân tích của anh, về sau biến thành cuốn sách mang tực đề “The Military Half” mô tả rằng  giới chức quân sự Hoa Kỳ ở Việt nam tin rằng Việt Cộng nhất định cố thủ ở miền Trung, và được sự tiếp viện rất hùng hậu. Do đó, họ cương quyết sẽ tàn phá kịch liệt vùng này, không phân biệt quân đội và thường dân có mặt ở trong khu vực, gồm có làng Mỹ Lai.

Schell quay trở về Mỹ vào năm 1967. Trong lòng anh tan nát, tơi bời vì những gì anh chứng kiến. Anh xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc ở New York. Cha của anh là một luật sư cho giới tài chánh ở Wall Street. Ông cụ rất rộng lượng, nổi tiếng trong các sinh hoạt bảo trợ mỹ thuật. Khi đi nghỉ hè ở khu Martha’s Vineyard, chỉ dành riêng cho giới qúi tộc Mỹ, ông cụ là hàng xóm của ông Jerome Winesner, cố vấn về khoa học cho Tổng thống John F. Kennedy. Ông Wiesner lúc bấy giờ là Chủ tịch đại học tổng hợp Massachusetts Institute of Technology (M.I.T). Chính ông là người tham gia vào dự án lập hàng rào điện tử McNamara, ngăn chặn Bắc Việt chuyển vận quân nhu, vũ khí vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. (Hàng rào điện tử này chưa bao giờ được hoàn thành). Anh Schell ngồi kể hết cho giáo sư Wiesner những gì anh trông thấy ở Việt nam. Giáo sư Wiesner cũng chia sẻ sự bất mãn chán chường của anh. Ông cố thu xếp cho anh được gặp ông McNamara để trình bầy tất cả sự việc.

Ít lâu sau anh Schell có dịp bàn luận với ông Mc Namara ở Hoa Thịnh Đốn về nhận xét cuả  anh. Anh Schell thú nhận anh không thoải mái khi phải làm báo cáo cho viên chức chính phủ trước khi viết thành bài báo. Nhưng anh cảm thấy mình phải làm ngay điều này. Ông McNamara yêu cầu anh hãy giữ bí mật về chuyện ông gặp anh, và ông hứa sẽ không làm gì để cản trở việc làm của Schell. Ông cũng dành cho Schell một văn phòng làm việc ngay tại Ngũ Giác Đài. Báo cáo của anh được viết thành hai bản. Ông McNamara hứa sẽ dùng bản của ông để bắt đầu điều tra về những việc đối xử tàn bạo như anh Schell mô tả.

Đầu năm sau, báo cáo của anh Schell được hoàn tất. Anh không nghe gi thêm về phía ông McNamara, cũng như không thấy dấu hiệu gì về thay đổi chính sách của chính phủ. Thế rồi bài viết của tôi về vụ thảm sát Mỹ Lai xuất hiện. Anh Schell gọi điện thoại cho ông McNamara, khi đó ông đang làm Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới. Anh nhắc ông McNamara rằng anh đã viết chi tiết về vụ giết người ở Mỹ Lai. Anh Schell hỏi ý tôi có nên tiết lộ việc anh gặp ông McNamara và báo cho ông biết về những vụ giết người xảy ra ở Việt Nam hay không. Tôi phân tích cho anh rõ rằng anh đã có giao ước phải giữ bí mật – ông McNamara gọi là “off the records”- về cuộc gặp gỡ giữa hai người, anh phải tôn trọng.

Anh Schell giữ đúng lời hứa. Trong bài tiểu luận tưởng nhớ ông McNamara đăng trên tạp chí  The Nation năm 2009, anh có nhắc về cuộc gặp gỡ với ông McNamara, nhưng anh không đề cập đến thoả ước ngoại lệ giữ bí mật về cuộc gặp gỡ này. Anh Schell viết rằng anh được Neil Sheehan, người ký giả của hãng thông tấn Associated Press, báo Times, và The New Yorker, tác giả cuốn “A Bright Shining Lie” tiết lộ những tin như sau:  Ông McNamara gửi bản sao tài liệu của anh Schell đến ông đại sứ Mỹ ở Saigon, ông Ellsworth Bunker. Khi tài liệu này gửi sang Saigon, ông McNamara những tưởng rằng sẽ được ông đại sứ dùng làm tài liệu để điều tra, nhưng nào ngờ ở Saigon người ta làm đủ mọi cách để phủ nhận tài liệu của Schell, không cho phổ biến. Điều này chính ông McNamara cũng không biết. 

Vài tháng sau khi bài báo của tôi xuất hiện, nhà xuất bản Harper’s phổ biến một đoản văn trích trong cuốn sách của tôi, tựa đề: “My Lai 4: A Report on the Massacre and its Aftermath.”, “Mỹ Lai 4: Phúc trình về một vụ Thảm sát và những hậu qủa sau đó.”. Đoạn văn này mô tả chi tiết chuyện gì đã xảy ra cho những người lính trong đại đội của Trung Úy Calley, đưa đến việc họ tàn sát dã man dân làng Mỹ Lai. Anh Craig, 20 tuổi, con trai của Bộ trưởng McNamara, một người chống chiến tranh, gọi điện thoại cho tôi và nói rằng anh đã để một copy bài báo này trên bàn làm việc của cha anh. Sau đó, anh thấy cuốn báo đó để gần ở lò sưởi, tức là cha anh có đọc bài báo. Khi về hưu, không còn làm chức vụ công, ông McNamara tích cực hoạt động trong phong trào chống vũ khí nguyên tử, ông cố gắng tìm cách xin mọi người tha tội cho ông vì vai trò của ông trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1995, trong cuốn hồi ký của ông: “In Restrospect: The Tragedy and Lessons of Việt Nam.” “Trong Hồi Tưởng:Thảm Kịch và Những Bài Học qua Chiến Tranh Việt Nam.”, ông McNamara thú nhận rằng cuộc chiến là “một thảm hoạ”. Nhưng trong cả cuốn sách, hiếm khi nào ông tỏ ra ân hận, hối lỗi về những tổn hại gây ra cho người dân Việt nam, và cho những người lính Mỹ như anh Paul Meadlo. Ông tâm sự với nhà làm phim Errol Morris, khi ông này thực hiện cuốn phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, tựa đề là “The Fog of War”, công chiếu vào năm 2003, ông nói: Tôi rất hãnh diện về những thành tựu tôi đã làm được, và tôi cảm thấy hối tiếc là trong lúc làm những việc tốt đó, tôi đã phạm một số lỗi lầm.”.

Khi tài liệu về chiến tranh Việt Nam lần lượt được giải mật, người ta mới thấy rằng trong những năm ông McNamara cầm đầu Ngũ Giác Đài, nhiều lần ông đã bầy tỏ riêng tư với Tổng Thống Johnson sự hoài nghi của ông về cuộc chiến tranh. Nhưng chưa bao giờ ông mạnh dạn nói ra sự hoài nghi, hay mối bi quan của ông trước công chúng. Ông Craig McNamara tâm sự với tôi rằng lúc gần từ gĩa cõi đời, nằm bên giường bệnh chờ chết, cha của ông nói với ông rằng: “Bố có cảm tưởng như Chúa đã bỏ rơi bố, không nhìn bố nữa.”.

Thảm kịch không chỉ xảy ra riêng cho ông Robert McNamara.

Bài ký sự của Seymour M. Hersh trên The New Yorker ngày 30/3/2015
Nguyễn Minh Tâm dịch


1 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    Trả lờiXóa