Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014


NHIỀU PHÁT HIỆN MỚI
VỀ ANH HÙNG DÂN TỘC HOÀNG HOA THÁM­­


Hơn 40 năm nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, Tiến sĩ (TS) Khổng Đức Thiêm đau đáu một "món nợ” đó là chưa làm sáng tỏ nhiều khuất lấp về một vĩ nhân lịch sử và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nay, cuốn sách Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của ông sắp ra mắt bạn đọc với nhiều phát hiện mới về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế đã hoá giải cho ông "món nợ” 40 năm. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS Khổng Đức Thiêm.




Có nhiều ý kiến khác nhau về ngày mất, nơi mất của Hoàng Hoa Thám. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Ngay sau Sự kiện Hố Lẩy xảy ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Quý Sửu (10- 2-1913), tờ Tương lai xứ Bắc Kỳ đã nhạy bén và hăm hở đi đầu trong việc đưa tin dữ đến khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, tạo ra một không khí bi ai trong lòng người Việt. Kể từ thời điểm đó, trong tất cả các tài liệu chính thống đều ghi nhận Sự kiện Hố Lẩy đã đặt dấu chấm hết đối với Hùm thiêng Yên Thế.

Tuy nhiên, ngay từ giây phút đầu tiên, những người đã từng được gặp gỡ, gần gũi Đề Thám đều nhận ra cái đầu được đem "bêu” ở Nhã Nam, Cao Thượng là đầu của người khác vì chưa tìm ra những đặc điểm như họ đã thấy (không có đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, cằm không có vết sẹo và không có râu) khi được tiếp cận với thủ lĩnh ở Phồn Xương.
Từ hiện thực này, câu chuyện người thủ lĩnh còn sống ở đâu đó được lưu truyền trong dân chúng. Bắt đầu là vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi Thống Luận mở chợ và sửa đình làng Chũng, sự kiện này liền được mọi người gắn với việc Đề Thám đã từng sống những ngày cuối đời ở nhà Thống Luận, đến đây chết vì già yếu, được gia chủ làm ma dưới một vỏ bọc khác.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước trở đi, đồng hành với việc quan tâm của Nhà nước và việc con cháu Cụ nhờ các nhà tâm linh đi tìm nơi an nghỉ của Đề Thám, không gian, thời gian bao quanh sự ra đi của người anh hùng ngày càng mở rộng biên độ.

Trong tỉnh, từ Yên Thế (Hố Lẩy) nơi yên nghỉ của ông được chuyển xuống Tân Yên (Chũng Mỗ) rồi sang Hiệp Hòa (Mai Trung). Ngoài tỉnh, ngoài việc lan tới Hữu Lũng (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nhiều người còn nhắc tới Hòa Bình, Cao Bằng hoặc Nghệ An là nơi chôn cất cụ.

Thực ra không riêng gì Hoàng Hoa Thám mà đối với nhiều vĩ nhân khác cũng có chuyện tương tự. Gần nhất với Đề Thám là cái chết của Cai Kinh vào ngày 6-7-1888. Khi đó rõ ràng Cai Kinh đã bị sát hại nhưng nhân dân không thừa nhận, cho rằng cái đầu được đem bêu ở Chi Lăng, không phải của Cai Kinh vì tai trái không có lỗ thủng như thường thấy. Từ đó mọi người cho rằng Cai Kinh vẫn sống, nhiều năm sau mới mất.

Tâm lý chung của người dân là không bao giờ chấp nhận việc những con người dũng cảm, oai hùng của dân tộc phải chết dưới hòn tên, mũi đạn hoặc bằng âm mưu hèn mạt của kẻ thù. Mọi người đều mong muốn những người anh hùng đó bất tử và đã trân trọng lưu giữ hình ảnh trong tâm khảm bằng nhiều cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.

Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Còn quan điểm riêng của ông thì sao?

Quan điểm của cá nhân tôi giống như nhiều nhà nghiên cứu đã chấp nhận Sự kiện Hố Lẩy. Tuy nhiên, có một sự khác biệt là chúng tôi chú trọng hơn vào hiện tượng bên cạnh ba tên tay sai của Lương Tam Kỳ, có một nhân vật thứ tư xuất hiện vào phút cuối, đó là Lý Bắc, còn gọi là Lý Ón, lý trưởng làng Dĩnh Thép để từ đó làm xuất phát điểm đi sâu vào việc tìm hiểu bản chất của Sự kiện Hố Lẩy.

Lý Bắc tuy làm lý trưởng nhưng là chân trong của Đề Thám. Khi nhận được tin Đề Thám bị sát hại, Lý Bắc và toàn bộ gia nhân của mình đã có mặt ở Hố Lẩy buộc các tay chân của Lương Tam Kỳ phải giao lại xác và đầu của Hoàng Hoa Thám, để dân làng bí mật đem an táng tại một nơi nào đó.

Đổi lại, chúng sẽ có ba người khác chết thế (một trong ba người có một người cao lớn mang nhiều nét giống Đề Thám, nhiều người bảo là sư ông chùa Lèo, xã Hữu Xương hoặc sư ông chùa Chay thuộc Canh Nậu), nhưng chúng chỉ được mang ra Nhã Nam ba thủ cấp còn xác phải để lại (có lẽ để tạo ra các đặc điểm trên thân thể để đề phòng sự nhận dạng của viên Đại lý Nhã Nam vốn khá quen thuộc những đặc điểm riêng của Đề Thám).

Như vậy là về bản chất, trước sau tôi vẫn thấy những diễn biến xảy ra trong thời điểm đó là hợp lý, hợp logic và có lẽ, những băn khoăn về một thời điểm khác, về một hoàn cảnh khác khiến Hoàng Hoa Thám qua đời cũng cần được giải tỏa. Thời điểm 10-2-1913 đã được xác tín. Vấn đề còn lại là tìm cho ra nơi yên nghỉ của Đề Thám mà thôi.

Những căn cứ nào để ông khẳng định như vậy?

Thứ nhất, chiếc đầu mà quân Pháp bêu ở Nhã Nam, sau đó bêu ở Cao Thượng được cho là của Đề Thám không được mọi người thừa nhận với những lý do bác bỏ khá xác đáng.


Nghĩa quân Đề Thám.

Thứ hai, việc người Pháp đã tổ chức đưa thợ chụp ảnh từ Hà Nội lên với dự định sẽ cho công bố rộng rãi trên báo chí Đông Dương, các thuộc địa của Pháp và chính quốc bằng chứng đã giết được và lấy đầu Đề Thám (tương tự như những cuộc hành hình đối với Đội Văn và những người đã tham gia khởi nghĩa Hà Thành- còn gọi là Vụ đầu độc tại Hà Nội năm 1908, do phong trào Yên Thế chỉ đạo) nhưng ngay sau đó họ đã tịch thu và tiêu hủy toàn bộ gương ảnh vì biết là đã bị đánh tráo.

Thứ ba, như thường lệ, việc bêu đầu sẽ không chỉ dừng lại ở vùng Yên Thế mà còn đưa đi nhiều tỉnh Bắc Kỳ và Hà Nội ngay sau khi việc bêu ở hai địa điểm trên chấm dứt. Tuy nhiên, người Pháp đã vội cho tiêu hủy mấy cái đầu, tro cốt đổ ngay xuống ao phủ.

Còn chuyện cụ Thống Luận dùng hình thức mở chợ, khánh thành sửa đình, theo tôi có lẽ là lúc cụ phát hiện được nơi chôn cất Đề Thám nên đã cho làm các việc trên cùng với việc cho mổ hai con ngựa, lấy da bọc hài cốt đưa về chôn cất ở làng Chũng (Tân Yên). Như vậy là, từ sau Sự kiện Hố Lẩy, Hoàng Hoa Thám không xuất hiện và không còn một bất kỳ ghi chép nào về ông nữa. Bà Hoàng Thị Điệp- cháu nội Đề Thám cũng chính là cháu ngoại cụ Thống Luận cho biết cụ Thống Luận khi còn sống vẫn để con cháu cúng giỗ Đề Thám vào ngày mồng 5 tháng Giêng hằng năm.

Còn về ngày sinh của Hoàng Hoa Thám thì sao, thưa ông?

Đây cũng là điều mà giới nghiên cứu băn khoăn và tốn khá nhiều công sức. Cái mốc Đề Thám sinh năm 1846 mà Hoài Nam đưa ra trong bài viết Về gốc tích của ông Đề Thám trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử tháng 2-1962, hầu như không được chấp nhận. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chủ trương Đề Thám sinh năm 1856 hoặc 1858. Lại có ý kiến cho rằng Đề Thám sinh vào năm 1864 (trong khi Cả Trọng sinh năm 1877 và như vậy sẽ là vô lý vì Đề Thám chắc chắn không thể có con từ năm 13 tuổi).


Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế. Ảnh tư liệu.

Qua Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia phả họ Bùi ở Thái Bình (những người trong họ Bùi tham gia bắt bố Đề Thám nên được thăng quan) mà chúng tôi mới tra cứu được, một sự thật được khám phá, cho biết Đề Thám chính thức được sinh ra vào năm 1836. Vì, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn được coi là tài liệu cơ bản, chứa đựng toàn bộ những tài liệu gốc, mang tính pháp lý cao nhất, lại được bổ sung bằng Gia phả họ Bùi, do đó khi tôi công bố bài viết Xem lại những năm sinh và gốc tích của Hoàng Hoa Thám trên tạp chí Xưa và Nay, số 430/6-2013 và trong chuyên khảoHoàng Hoa Thám 1836-1913, các cứ liệu đã tỏ ra đủ sức thuyết phục các nhà sử học vì độ chính xác tuyệt đối của sự kiện.

Trong quá trình nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám, những phát hiện nào ông thấy tâm đắc nhất?

Hơn 40 năm nghiên cứu, tôi có tới hàng chục phát hiện mới về Hoàng Hoa Thám cũng như Khởi nghĩa Yên Thế. Đó đều là những thông tin có giá trị như những phát kiến khoa học, mặc dù chưa bao giờ tôi đề nghị công nhận điều này. Ví dụ như về thời điểm bùng nổ cuộc khởi nghĩa Yên Thế 16-3-1884, sau được dùng cho ngày mở hội Phồn Xương.
Tuy nhiên, phát hiện mà tôi thấy tâm đắc nhất là tìm được năm sinh và lý giải thời điểm mất của Đề Thám một cách khoa học, đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, đối với cuộc đời của một con người, nhất là của một anh hùng như Đề Thám mà sự ra đời cũng như lúc ra đi cứ phải bàn cãi mãi, chẳng có cơ sở khoa học và pháp lý nào để dựa, thì nhà sử học liệu có an tâm?
Được biết ông vừa hoàn thành bản thảo cuốn sách Hoàng Hoa Thám (1836 -1913), xin ông giới thiệu khái quát về cuốn sách này?

Vâng, cuốn sách này gồm có 13 chương và nhiều phụ lục, ảnh, sơ đồ với độ dày trên dưới 1.000 trang giới thiệu về quê hương, gia tộc, sự ra đời cho đến lúc mất của Hoàng Hoa Thám; trong đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề như khẳng định họ Đoàn là họ gốc của Hoàng Hoa Thám, Dị Chế (Hưng Yên) là quê hương, đưa ra những căn cứ khẳng định năm sinh, năm mất của ông; tìm hiểu được thân thế, sự nghiệp của Đoàn Danh Lại tức Trương Văn Thận, thân phụ của Hoàng Hoa Thám.

Ngoài ra, công trình còn tập trung phản ánh thời kỳ trưởng thành của Đề Thám từ năm 1854 (tức là khi 18 tuổi) đến năm 1885, vì trước đó các tài liệu chỉ tìm hiểu về Đề Thám từ khi tham gia khởi nghĩa còn trước thời kỳ đó rất ít đề cập, trừ Phan Bội Châu có nêu trong cuốn Chân tướng quân. Mặt khác, cuốn sách còn đưa ra sự kiện Hoàng Hoa Thám hưởng ứng Chiếu Cần vương, đã lặn lội vào tận Nghệ Tĩnh xin tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, khiến cho biên độ hoạt động của Đề Thám được mở rộng, trình bày những hiểu biết về Đội Văn (thủ lĩnh khởi nghĩa Bãi Sậy), Kỳ Đồng hoặc các nội dung những cuộc tiếp xúc giữa Hoàng Hoa Thám với Phan Châu Chinh và Phan Bội Châu, sự hỗ trợ của Hoàng Hoa Thám với phong trào cách mạng Trung Hoa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, sự chỉ đạo trực tiếp của Đề Thám đối với cuộc khởi nghĩa Hà Thành, các đánh giá từ phía nhà cầm quyền Pháp và giới sử học hiện nay đối với Lê Hoan, Bá Phức- những người đã từng bị coi là bán nước nhưng thực chất là giàu lòng yêu nước, có nhiều giúp đỡ cuộc khởi nghĩa Yên Thế…

Năm 2012, những địa điểm liên quan tới khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cảm nghĩ của ông về sự kiện này như thế nào?

Tôi rất mừng khi nhà nước đã đánh giá đúng tầm cỡ của các di tích của khởi nghĩa Yên Thế. Với những cơ sở pháp lý đó, chúng ta có điều kiện để tuyên truyền sâu rộng hơn, đầu tư nhiều hơn để tôn tạo và bảo tồn di tích gắn với phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là phát triển du lịch… Nhưng tiếc là khu di tích hiện vẫn chưa được tôn tạo, khôi phục xứng tầm.

Để tiếp tục có nghiên cứu mở rộng và đầy đủ hơn về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, ông có kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan chức năng?

Trong những năm trước mắt, chúng ta có rất nhiều thời điểm quý giá để phát huy những giá trị lớn lao của chiều sâu lịch sử của tỉnh nhà như Kỷ niệm 130 năm ngày khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ (tháng 3-2014), 120 năm tỉnh Bắc Giang ra đời (tháng 10-2015), 180 năm ngày sinh Đề Thám (1836-2016) và 125 năm ngày mất của Lương Văn Nắm (tháng 4-2017).

Chúng ta đã có khá nhiều hoạt động tôn vinh công trạng của Hoàng Hoa Thám nhưng lại rất ít với Thủ lĩnh Lương Văn Nắm, người có công mở đầu cuộc khởi nghĩa. Vì vậy tôi đề xuất cần có hội thảo đánh giá về vai trò Thủ lĩnh Lương Văn Nắm với khởi nghĩa Yên Thế và nhiều hoạt động tôn vinh công trạng của Đề Nắm hơn nữa.

Nhân các sự kiện trên, chính quyền, ngành chức năng nên tổ chức các hội thảo, xuất bản các tài liệu để công bố những phát hiện mới về Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế đến đông đảo công chúng; biên soạn Bắc Giang – 120 năm xây dựng và phát triển để tuyên truyền về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân địa phương giành được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Đức - Nguyễn Hưởng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét