Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013


VÀI CHỨNG TÍCH VỀ KỲ THỊ PHẬT GIÁO
DƯỚI CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM

 
Tổng hợp của Nam Giao

 

 

MỘT

Trích đoạn tPhần I: Tiêu Diệt Phật Giáo của tác phẩm “PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU”, tác giả Quốc Oai, do nhà xuất bản Tân Sanh số 12 Bùi Viện, Sài Gòn, phát hành năm 1964. Quốc Oai là bút hiệu lúc bấy giờ của nhà báo Thanh Thương Hoàng, từng đảm nhiệm các chức vụ: Chủ Bút tờ Phim Kịch (1963), Tổng Thư Ký nhật báo Chính Luận (1964-1965), Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả (1965).

Là ký giả, ông có cơ hội thu thập các tài liệu, hình ảnh từ phía chính quyền, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, ký giả ngoại quốc, bản tin của các hãng thông tấn, các đoàn thể thanh niên, sinh viên và cá nhân tranh đấu thường gửi tài liệu tới báo chí để nhờ phổ biến. Đây là cuốn sách tổng hợp các tài liệu và hình ảnh xác thực, chứ không phải cuốn hồi ký phản ảnh chủ quan, thương ghét cá nhân.

Năm 1975, ông bị đi cải tạo và được phóng thích năm 1985. Mười bốn năm sau, năm 1999, nhờ sự can thiệp của một giới chức Mỹ, ông được đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ.

Sau đó, ông cho con về lại Việt Nam chụp phóng ảnh tác phẩm nầy và cho tái bản tại  Mỹ vào năm 2011. Quý vị muốn có bản chụp của cuốn sách xin liên lạc với tác giả:

Thanh Thương Hoàng:  PO. Box 51625 San Jose, CA 95151-9998. Điều kiện thế nào, tùy tác giả [Thông tin t bài giới thiệu của Đào Văn Bình]


 Một sự kiện hiển nhiên không ai có thể chối cãi được là tám mươi phần trăm dân chúng Việt Nam theo Phật Giáo. Từ lúc mới lập quốc, hơn bất cứ đạo giáo nào khác, Phật Giáo đã xuất hiện ở nước ta. Phật Giáo như một cây Bồ Đề to lớn, gốc rễ ăn sâu bám chặt và cành lá xum xuê trùm phủ kín mảnh đất Việt Nam. Dù giông to bão lớn, dù sấm sét dữ dội cũng không thể nào lật đổ cây Bồ Đề to lớn ấy được. Lịch sử và thời gian đã chứng minh Phật Giáo đóng góp một phần công lao rất lớn vào việc xây dựng đất nước, nòi giống. Biết bao vị chân tu từ xưa tới nay đã làm rạng danh đất nước. Dân chúng yêu kính và tôn sùng như những bậc Thánh.”

Phật Giáo không ồn áo náo nhiệt, sôi nổi hời hợt bề mặt. Phật Giáo không phô trương thanh thế; không tổ chức thành một lực lượng để bảo vệ cũng như tranh đấu cho đạo. Phật Giáo không bao giờ chen lấn, áp đảo các đạo giáo khác, ngay như hồi Phật Giáo được nâng lên hàng Quốc Giáo ở các đời Lý, Đinh, v.v…(Lúc đó Khổng Giáo và Lão Giáo đã truyền sang nước ta từ lâu). Phật Giáo lúc nào cũng chủ trương ôn hòa, bất bạo động theo đúng như giáo lý của Phật. Bởi những nguyên cớ ấy nên tới ngày nay mới có người coi thường ,( hay quá sợ?) Phật Giáo và nhất định ra tay đàn áp, trừ diệt. Những kẻ đó chính là anh em nhà họ Ngô: những bạo chúa, hung thần của nước Việt Nam cuối Thế Kỷ Hai Mươi.”

Để minh chứng, tác giả đã dùng “một số tài liệu chính xác về sự đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm từ năm 1959 tại các Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Tỉnh Quảng Ngãi:  

1.      Chính quyền đã bắt hai Phật tử Hà ThừaĐỗ Trọng cho “học tập” dài hạn tại Trại Cải Huấn.
2.      Ngày 12/10/1961 lại bắt thêm hai Phật tử Dương KhanhNguyễn Hữu Khánh (nhân viên trong ban trị sự Phật Giáo) đem về Trại Cải Huấn “học tập” dài hạn.
3.      Ngày 12/12/1961 Hội Đồng Xã Sơn Trung Sơn Trung đã tổ chức một lớp học tập về Thuyết Duy Linh trong bốn ngày tại Thôn Hà Nhai. Sau khóa học tập chính quyền địa phương đã bắt buộc các Phật tử phải bỏ Phật Giáo và ký giấy theo Thiên Chúa Giáo.
4.       Ngày 19/10 năm Tân Sửu (1962) Phật tử Phạm Thơ 52 tuổi vô cớ bị bắt đưa vào Trại Cải Huấn giam hơn 3 tháng. Viên quản đốc trại cải huấn rỉ tai cho ông Thơ biết nếu chịu bỏ Phật Giáo và ký tên theo Thiên Chúa Giáo thì sẽ được thả ngay tức khắc. Vì gia đình đông con lại nghèo và nhất là đương ở trong hoàn cảnh tù đày bất đắc dĩ ký giấy theo Thiên Chúa Giáo. Quả như lời viên quản đốc nói, một giờ sau ông được thả ngay. Nhưng sau khi đã được về với gia đình, ông Thơ không chịu được sự cắn rứt của lương tâm nên đã nhất định trở về với Phật Giáo.
5.      Ngày 20/11/1961 tại Xã Sơn Mỹ, Quận Sơn Tịnh một số Phật tử là Nguyễn Ngạt, Ngô Phong, Đỗ Hoài, Nguyễn Đài, Võ Trung, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Ký đã bị hai ông Lưu Truyên và Lê Đạt là người Thiên Chúa Giáo, đại diện cho chính quyền địa phương lạm dụng chức vụ của mình bắt những người nói trên phải rửa tội và đe dọa nếu không chịu nghe theo sẽ bị bắt đi trại cải huấn ba tháng.
6.      Ngày 20/8/1961 Khuôn Hội Phật Giáo Kim Sa thuộc Xã Sơn Kim, một số đạo hữu là: Hà Ngu, Phạm Phẩm, Trần Đến, Nguyễn Thị Lễ, Nguyễn Chẩn, Nguyễn Nhung đã bị ông thôn trưởng Hà Sơn Mai và hai cán bộ truyền giáo Thiên Chúa Giáo đến tận từng nhà bắt ký giấy theo đạo Thiên Chúa. Họ ngang nhiên đưa ra điều kiện nếu chịu ký giấy gia nhập Thiên Chúa Giáo sẽ được sống yên ổn làm ăn, còn trái lời sẽ bị ghép vào thành phần tình nghi là cán bộ cộng sản và sẽ bị bắt về trại cải huấn giam giữ.
7.      Năm 1960 Thày Thích Minh Tịnh tục danh là Lê Hồng Vân tọa chủ Chùa Phước Long ở Thôn Lộ Bàn, Xã Phổ Bình, Quận Đức Phổ, vô cớ bị bắt giam tra tấn cực kỳ dã man và bị vu khống là cán bộ cộng sản. Sau một thời gian tra tấn tù đày, Thầy Thích Minh Tịnh được trở về chùa mang theo nhiều vết thương và bệnh tật trên mình. Nhưng được ít lâu Thày lại bị bắt và bi vu khống là xâm phạm thuần phong mỹ tục (với phụ nữ). Đứng trước sự vu khống trắng trợn này người phụ nữ bị tình nghi dan díu với Thày Thích Minh Tịnh đã hơn một lần làm đơn kêu oan cho Thày lên tòa án do đấy Thày mới được phóng thích. Nhân Ngày Thành Đạo (tức ngày 13-1-1962) Chi Công An Quận Đức Phổ lại bắt Thày Thích Minh Tịnh, tra tấn cực hình rồi hạ ngục với tội mà họ tự dựng đứng lên là Thày tiếp tế cho Việt cộng.”

Tỉnh Bình Định:

1.      Ngày 15/13/1961 tại Vức Diêm Vân thuộc Khuôn Hội Phước Thuận, Quận Tuy Phước, các Phật tử là Nguyễn Giang, Trần Tích, Trần Cang bị ghi vào danh sách di dân mặc dầu những người này thuộc hạng giàu có nhất trong vùng. Nguyên do chỉ vì họ đã bỏ tiền làm chùa và là Phật tử.
2.      Ngày 12/12/1961 tại Thôn Quảng Vân, Xã Phước Thuận, Quận Tuy Phước những đạo hữu là Trần Thích, Trần Cũng, Trần Chim, Lê Có là những người giàu có nhất vùng nhưng bị bắt đi di dân chỉ vì họ là những người theo đạo Phật.
3.      Ngày 21/11/1961 ông Nguyễn Đức Chỉnh mang thẻ căn cước số T300048. A001077 tại Thôn Lạc Điền, Xã Phước Thắng, Quận Tuy Phước, công an tới ntịch thu thẻ căn cước và bắt buộc phải di dân, chỉ vì ông là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử.
4.      Ngày 15 và 16/11/1961 công an Xã Phước Thắng, Quận Tuy Phước đã thu giấy kiểm tra các đạo hữu ở các Khuôn Lạc Điền: Gia đình đạo hữu Nguyễn Vi 4 thẻ, gia đình Trần Ân 2 thẻ, gia đình Nguyễn Văn Cương 2 thẻ, gia đình Bùi Xuân Bình 4 thẻ, gia đình Trần Cao Thăng 1 thẻ; tại Vức Hội, Phổ Đồng: Gia đình Võ Lý Bá 2 thẻ, Nguyễn Bong 5 thẻ, Lê Thị Ngưu 3 thẻ, Võ Thị Phiếm 1 thẻ; Vức Hội An Lợi: Gia đình Lê Tòng 4 thẻ, Trần Khánh Đinh 2 thẻ, Phạm Thẩm 2 thẻ. Tổng số đạo hữu bị thu thẻ căn cước là 33 người. Những người này đều bị bắt đi di dân vì họ là Phật tử.”

Tỉnh Phú Yên:

1.      Ngày 24/6 năm Tân Sử, tại Xã Xuân Phước, Quận Đồng Xuân, có một ông thày đến giảng đạo Thiên Chúa tên là Tùng. Đã cấu kết với tên Phan Khằn là trưởng ban quản trị Làng Phước Hòa, bắt hai đạo hữu Trần ThưMai Phước Hữu. Ông Khằn lại còn đe dọa nếu không chịu rửa tội thì đừng trách là không nói trước.
2.      Ông Võ Oanh pháp danh Tâm Tiếng, 41 tuổi, thẻ kiểm ra số 20A.0664 cấp ngày 30/10/1955 tại Tuy Hòa và vợ là Lê Thị Bàn pháp danh Tâm Kính cùng ở Làng Trường Thạnh, Xã Hòa Vinh đều bị bắt ra quận giam ngày 24/1/1962 và buộc phải theo Thiên Chúa Giáo mới được tha. Bà Lương Thị Phượng 30 tuổi, kiểm tra số 31B.0030 tại Thôn Phú Thạnh, Xã Hòa Quang, ủy viên Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên. Ngày 20/8/1961 có làm đơn nhờ Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên can thiệp về việc chồng bà là ông Đặng Dương Oai bị Đặng Sĩ, dân vệ Xã Hòa Quang bắt đi mất tích vào hồi 8 giờ sáng ngày 21/1/1961 mãi tới nay không thấy tin tức. Nguyên do chồng bà bị bắt chỉ vì là người có công với Phật Giáo tại địa phương này.
3.      Theo đơn thưa của Ban Trị Sự Khuôn Hội Phật Giáo Hòa Vinh ngày 27/11/1961 v/v chính quyền địa phương đã bắt cóc thủ tiêu các hội viên dưới đây:
- Lê Đức Ngưng
- Võ Cho
-  Một số hội viên không ở trong ban quản trị khuôn hội cũng bị hội đồng xã bắt và buộc phải theo Thiên Chúa Giáo mới cho về
-  Bà Hà Thị Đam 60 tuổi nạp đơn lên Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên xin can thiệp về việc chồng bà là Nguyễn Chuyển 60 tuổi bị hội đồng xã bắt đi đem chôn sống. Bà Nguyễn Thị Thiện làm đơn thưa về việc chồng bà là Đỗ Thìn bị bắt đi đem chôn sống.
-  Ông Võ Xuân Chính cán bộ tư pháp Xã Xuân Phước, Quận Đồng Xuân hăm dọa và bắt giam Phật tử Lê Hồng Hải. Sau khi giam 17 ngày Chính buộc ông Hải phải theo Thiên Chúa Giáo mới toàn mạng sồng.
-  Hà Thị Voi, Xã Phước Hòa ngày 12/4/1961 cũng bị Võ Xuân Chính vu cho là Việt cộng và bắt ép phải theo Thiên Chúa Giáo mới toàn mạng sống.
-  Ông Trần Kỷ 43 tuổi ở Làng Phú Xuân, Xã Xuân Phước bị Nguyễn Cù và Lê Ngọc Mai thuộc chính quyền địa phương bắt ép phải bỏ Phật Giáo để theo Thiên Chúa Giáo ngày 26/8/1961.
-  Khuôn Hội Phật Giáo Xã Hòa Quang có những đạo hữu sau đây đã bị chính quyền địa phương thu thẻ kiểm tra và buộc theo Thiên Chúa Giáo: Trần Di thôn Mậu Lâm, Phan Đích thôn Thạnh Lâm, Ngô Thị Ràng và chồng ở Thạnh Lâm.
-  Ông Đỗ Sửa bị Trần Văn Thiện và Lê Năng Đắc bắt tra tấn vu cho là Việt cộng, nếu theo Thiên Chúa Giáo sẽ được thả.
-  Nguyễn Thị Đôn và chồng Lê Trung Thành bị Trần Văn Thiện, Lê Năng Đắc, Dương Nhảy bắt giam và ép vào Thiên Chúa Giáo mới tha.

Trên đây chỉ là hồ sơ đại cương của 21 vụ trong số 50 vụ của ba Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên từ năm 1960-1961. Còn những năm về sau chưa kể tớiDân tộc Việt Nam quen nhẫn nhục chịu đựng, nhưng sức người có hạn mà sự hà hiếp, đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày một gia tăng quá mức, nên trước sự mất còn của Đạo, họ phải vùng lên công khai chống đối lại bạo lực, chống đối lại cường quyền. Việc phải đến đã đến!”.



*   *   *

HAI

Năm 1981, nguyệt san Khai Phóng (Los Angeles) có đăng một loạt bài với tựa đề là “Những Xuyên Tạc và Ngộ Nhận về Phật Giáo Việt Nam” của  tác giả Lê Quân, bút hiệu của một cựu giáo sư Đại học Huế, nhằm làm sáng tỏ và phản biện một số vu khống có ác ý của một số báo Công giáo của người Việt tại Mỹ (nhất là tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong của một cựu đảng viên đảng Cần Lao thời Ngô Đình Diệm.)

Sau đó, trên Khai Phóng số 6 (tháng 10/1981) một trí thức Công giáo tại Paris (Pháp) là ông Nguyễn Kim Long đã cùng với tác giả Lê Quân có trao đồi với nhau một số vấn đề, trong đó, ông Nguyễn Kim Long có vẽ nghi ngờ rằng trên thực tế, không có kỳ thị và đàn áp Phật giáo dưới thời ông Diệm.  Nay xin trích đăng lại đoạn trao đổi đó:  

THẮC MẮC CỦA ÔNG NGUYỄN KIM LONG:
 
[…] Vấn đề cho phép treo cờ (tại Huế) chỉ là một chi tiết nhỏ trong những chi tiết. Dĩ nhiên, chúng ta không chối cái là có những lạm dụng quyền hành ở cấp dưới, nhất là hàng Quận và Xã, nhằm bắt nạt để “lập công” với Đảng Cần Lao. Lối “lập công” này không có tính cách kỳ thị tôn giáo, nhưng đúng hơn là để một tệ đoan trong một xã hội mới tập tễnh vào con đường dân chủ.

[…] Vậy thì những lạm quyền ở cấp dưới lúc nào cũng có. Còn như chỉ căn cứ vào một số sách vở ngoại quốc viết thì e rằng chúng ta (tác giả và cả tôi nữa) có thể vô tình làm “nô lệ” cho những phương tiện truyền thông một chiều đương thời (do các nhóm tài phiệt khuấy động và ngầm điều khiển). Cũng của ngoại bang!

TRẢ LỜI CỦA ÔNG LÊ QUÂN:

[…] Mặc dầu tôn trọng tất cả những cảm tưởng, cảm nghĩ, nhận xét của anh, tôi vẫn xin nói ngay rằng, cái cảm tưởng “hình như tác giả bị “tên độc tài chuyên chế Ngô Đình Diệm” bỏ tù (?) nên đâm ra uất ức” là hoàn toàn không đúng với thực tế. Tôi đã không bị bắt bỏ tù ở P42, Chín Hầm, Côn Đảo, Phú Quốc hay bất cứ một nhà tù tương tự nào khác dưới chế độ ông Diệm. Bản thân tôi, do đó, vốn không có gì để phải uất ức và nuôi dưỡng sự uất ức đến ngày nay đối với chế độ này. Vả chăng, tôi không quen và không từng viết bài bằng vào cái ý thức “để đáp trả lại những gì mà kẻ khác đã gây ra cho mình” theo kiểu “ân oán giang hồ” xưa nay.

Điều khác biệt căn bản giữa anh với tôi là điều này: trong khi anh “đã không phải sống trong thời Chính phủ Ngô Đình Diệm cầm quyền” như chính anh xác nhận thì ngược lại, tôi đã phải sống trong thời này và lại sống ở nhiều nơi khác nhau trên những vùng đất khốn khổ của quê hương. Vì đã sống như thế mà dù muốn dù không, tôi cũng đã phải chứng kiến tận mắt, một phần nào, những nỗi tủi nhục đau thương diễn ra chung quanh mình cho những người mà trước khi là đồng đạo, họ đã là đồng bào của tôi.

-          Đó là những giọt nước mắt của những người đã bị buộc phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để lên sống ở những vùng Dinh Điền trên Cao nguyên rồi lại bị buộc phải từ bỏ “Đạo cũ” để có thể nhận được một tấm tôn, một lon gạo hay một khúc bánh mì.
-          Đó là khuôn mặt chất ngất đau thương của một người bị trói đứng dưới cột cờ ở một vùng Dinh Điền chỉ vì đêm hôm trước, ông ta đã tụng kinh trước bàn thờ Phật ở trong nhà.
-          Đó là tiếng kêu tủi nhục của hàng ngàn người ở Huế trong một mùa Phật Đản vì họ đã không thể thực hiện được cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm khi mà một khải hoàn môn có hình Đức Mẹ và cờ Tòa Thánh Vatican đã được dựng lên trên cầu Trường Tiền vào đúng ngày Phật Đản này.
-          Đó là sự phẫn nộ không nói được ra lời của một số ngư dân ở Đà Nẵng khi một ngày vào năm 1956, trông lên chùa Non Nước ở Ngũ Hành Sơn, thấy một cây Thập Tự Giá được ai đó cắm lên.
-          Đó là những lời ta thán của những người dân vô tội ở thị xã Quảng Ngãi dưới thời ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất khi bị bắt buộc dời mồ mả cha ông từ bao đời đi nơi khác để dành đất xây một ngôi nhà thờ.
-          Đó là hình ảnh những thân thể vùng vẫy như điên như dại trong cơn mê sảng của những người - trong số có bạn bè của tôi - bị tấn công bằng lựu đạn cay, lựu đạn khói trong những ngày Phật giáo đấu tranh của năm 1963.
-          Đó còn là những câu nói mà tôi đã được nghe trong cái thời đang còn cắp sách đến trường trung học: “phải dẹp bọn ma quỷ đã cản trở công việc làm sáng danh Chúa” để hơn một lần, phải tự hỏi, đâu là chỗ đứng của mình và của những người thân yêu đồng đạo khác nếu như xứ sở nghèo khó này cứ được dẫn đạo bởi một ý thức như thế.
-          Đó cũng còn là những bài học văn chương Việt Nam vỡ lòng, khi tuổi thơ chưa có bao nhiêu suy nghĩ đã được nhét vào đầu óc những câu ca dao (được tuyển chọn trong hàng ngàn câu ca dao!): “Ba cô đội gạo lên chùa - Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư - Sư về sư ốm tương tư - ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu” với lời dặn dò nghiêm khắc của vị giáo sư: “Phải học thuộc lòng vì đây là những câu ca dao tiêu biểu”, (may mắn là khi lớn lên tôi đã biết rằng, nền giáo dục mà tôi thụ hưởng đó là một nền giáo dục nối dài, ít nhất là trên căn bản tinh thần, của nền giáo dục thực dân Pháp trước đó và biết thêm nữa rằng, ca dao Việt Nam còn rất nhiều những câu châm biếm các tôn giáo khác, chứ không riêng gì Phật giáo, nhất là ở dưới các thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Còn nếu không thì thực là rất khó để tôi có thể hình dung ra được hình ảnh của một vị tu sĩ Phật giáo khả kính là như thế nào, dù có muốn đi chăng nữa).

Thế đó. Tôi không có những uất ức của cá nhân mình. Tôi chỉ có những tủi nhục chung của cả một thế hệ đồng bào và đồng đạo - những tủi nhục thống thiết đến nỗi, đã có người phải chết vì nó - những tủi nhục mà tôi đã cảm nhận như một liên hệ với máu xương của chính mình. Nhưng dù có cảm nhận như thế, tôi vẫn chưa bao giờ để nó trở thành một thứ “mặc cảm tôn giáo” hay rõ hơn, một thứ “tình cảm uất ức vì tôn giáo” dù đây là thứ mặc cảm đã từng có ở một số người Việt Nam chúng ta. Tôi không để nó trở thành thứ mặc cảm này vì tôi không bao giờ tin rằng, sự tranh chấp tôn giáo lại là một điều có thực. Mọi sự tranh chấp mà người ta gọi là “tranh chấp tôn giáo” chỉ là những sự kiện giả tưởng trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, không làm gì có cái gọi là tranh chấp tôn giáo khi mà mục đích của tôn giáo là Giải Thoát, là Cứu Rỗi mà ý nghĩa trước hết của nó phải là Giải Thoát, Cứu Rỗi con người ra khỏi chính vỏ bọc tôn giáo, ra khỏi tình trạng nô lệ của con người vào chính tôn giáo của mình.

Sự “tranh chấp tôn giáo”, “mặc cảm tôn giáo” mà anh hay nhắc đến, do đó, chỉ là sự tranh chấp của con người, chỉ là cái mặc cảm của những kẻ nô lệ vào chính tôn giáo của mình, biến tôn giáo của mình thành một thứ pháo đài hay một cái vỏ bọc mà thôi.

*   *   *

BA

Trích đoạn từ “Chương 14: Kỳ Thị Tôn Giáo” của tác phẩm “VIỆT NAM MÁU LỮA QUÊ HƯƠNG TÔI” (Văn Nghệ, 1993, California) của cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

[…] Hành động kỳ thị đầu tiên ghi nhận được vào năm 1956 khi một vị linh mục có tên là Vàng, giảng sư của trung tâm Nhân Vị Vĩnh Long, đi thuyết trình tại các tỉnh và khi đến Đà Nẵng, ông đã cho cắm Thập Tự Giá lên núi Ngũ Hành Sơn, nơi có chùa Non Nước lịch sử mà dân chúng đã từ lâu tôn vinh là đệ nhất thắng cảnh quốc gia, đẹp hơn cả chùa Hương tại miền Bắc. Buồn cười là mỗi ngày khi cha Vàng cho cắm Thập Tự Giá lên thì sáng hôm sau lại thấy cây Thập tự bị chặt vất bỏ trên sườn đồi. Sau ba ngày như thế, linh mục Vàng nổi giận và quy tội cho Phật tử đã cố tình phá hoại nên khi ra Huế, ông đến gặp Hoà thượng Trí Thủ, Tổng trị sự Phật giáo miền Trung, đòi Hoà Thượng phải bảo toàn cây Thánh giá ở Ngũ Hành Sơn ! Sau này, nhờ cuộc điều tra của chính quyền mới biết được sự thật là chính dân chài Sơn Trà, vì mê tín sợ cây Thánh giá cắm trên đầu nóc chùa có thể làm mất tính thiêng liêng của ngôi chùa, hại cho nghề đi biển, nên họ đã chặt đi và ném xuống sườn núi.

[…] Năm 1956-1957 tại Huế, cứ đến gần ngày lễ Phật Đản thì dân chúng lại thấy cầu Trường Tiền băng ngang sông Hương được trang hoàng bằng những Khải Hoàn Môn có treo cờ ... Tòa Thánh và ảnh tượng Đức Mẹ. Tất nhiên đám rước Phật từ chùa Từ Đàm qua chùa Diệu Đế không thể đi bộ dưới những ảnh tượng đó để qua cầu Trường Tiền mà phải qua sông Hương bằng đò. Trong vụ này, âm mưu thâm độc của Công Giáo Cần Lao là để gây khó khăn, và nhất là để làm nhục Phật giáo: nếu đám rước cứ đi bộ qua cầu thì tượng ảnh của Đức Phật, cờ Phật phải chui dưới ảnh tượng của Đức Mẹ, mà nếu qua sông thì phải tốn tải, phiền hà, mất thì giờ vì phải huy động hàng ngàn chiếc đò. …

[…] Dù sao thì những thì những thủ đoạn vừa kể trên chỉ là những hành động cục bộ vì thật ra chính thái độ và các biện pháp của các Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Công an Cần Lao Công Giáo mới nguy hiểm hơn. Họ lạm dụng thủ tục thăng thưởng, chế tài, đề bạt, thuyên chuyển để áp lực thuộc cấp phải cải đạo, ai không bằng lòng cải đạo thì không được đề nghị thăng thưởng, bị sa thải hay bị đổi đến những địa điểm hẻo lánh xa xôi.

[…]  lên tới cấp chính sách, Cần Lao Công Giáo còn tàn ác hơn khi chúng lợi dụng phong trào "Tố Cộng" để khủng bố dân lành buộc họ phải bỏ đạo thờ ông bà để vào Công Giáo. Dân chúng vốn đã sống mười năm dưới chế độ Việt Minh làm sao khỏi cộng tác và liên hệ ít nhiều với bộ máy hành chính cũ, biết vậy nên nhóm Cần Lao Công Giáo dựa vào những thành tích cũ đó để áp bức dân lành theo đạo, nếu không thì sẽ bị bắt bớ, tù đày. Những sự kiện áp bức này đã được nhiều tác giả đề cập đến [Chu Bằng Lĩnh, Cần Lao Cách Mạng Đảng]. Oan ức và tội nghiệp nhất là những đảng viên trong những đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Quốc, Quốc Dân Đảng, vốn là kẻ thù của Việt Minh, bị Việt Cộng nằm vùng dưới chế độ Diệm lợi dụng chính sách Tố Cộng để tố ngược lại, làm những người quốc gia biến thành Cộng Sản, rồi trở thành nạn nhân đau khổ nhất của Cần Lao.

[…] Chương trình dinh điền là chính sách đưa dân miền Trung, nơi người đông đất hẹp, lên vùng Cao Nguyên để lập nghiệp.  Để lựa chọn dân đi dinh điền, những Tỉnh trưởng, Quận trưởng Cần Lao vâng lệnh ông Nhu tổ chức các buổi Bình Nghị. Chúng tập họp dân chúng lại, rồi bọn cán bộ xã ấp tay trong trình bày trường hợp của mỗi người dân (mà chúng bắt theo đạo) để đề nghị gần như cưỡng ép ghi tên họ vào danh sách "được" đi dinh điền. Nếu những người dân đó thuận theo đạo thì được ở nhà, ngược lại thì phải đi Cao Nguyên. Biện pháp này đã dùng chính sách của quốc gia như một biện pháp chế tài và đem tôn giáo can dự mạnh mẽ vào sinh hoạt kinh tế của quốc gia. Nhưng lên Cao Nguyên mà nào có được yên thân, di dân còn bị tai họa không theo đạo không có gạo mà ăn khốn khổ hơn.

Trung tâm trưởng dinh điền thường là các vị linh mục "Bắc kỳ di cư", là những ông vua con có quyền sinh sát. Nếu di dân theo đạo thì được các ông phát gạo, muối, cá khô, dụng cụ và cây giống cho làm ăn sinh sống, nếu không thì chẳng những không được phát đồ ăn, dụng cụ, mà bàn thờ, lư hương, tượng Phật còn bị ném vất ra đường... ai kháng cự thì các linh mục cho lính, dân vệ, bảo an tới đàn áp. Một số dân dinh điền trốn được về làng báo cáo những hành động kỳ thị áp bức cho các tăng sĩ Phật giáo nên Hòa thượng Trí Thủ bèn gởi đơn và hồ sơ lên chính phủ và Quốc hội để xin can thiệp. Đơn gởi đến 5, 7 lần và nhờ những nhân vật Phật giáo thân với ông Nhu, ông Diệm như Thị trưởng Đà Lạt Trần văn Phước (hiện ở Canada), cụ Án Võ Vọng trình bày, vận động, ông Diệm mới bằng lòng thành lập một uỷ ban điều tra để cứu xét vụ kỳ thị tôn giáo ở các dinh điền.

Uỷ ban đã đến từng trung tâm dinh điền ở bốn tỉnh Cao Nguyên thị sát điều tra và xác nhận những sự kiện kỳ thị khủng bố, lập biên bản có tất cả các chữ ký của các uỷ viên. Tờ trình của Uỷ ban được gởi lên cho Tổng thống Diệm và được sao ra cho Quốc hội, Quân đoàn, đại biểu chính phủ Trung phần và Cao nguyên, và các uỷ viên. Nhưng thời gian cứ trôi qua mà chính phủ vẫn không có một xét xử nào, không có một biện pháp nào để chấm dứt sự lộng hành của các linh mục.

[…] Không thiếu gì sách sử đã trình bày chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm trong chương trình Khu Trù Mật, trong quốc sách Ấp Chiến Lược, trong kế hoạch Dinh điền với nhiều tình tiết đau thương đầy máu lệ. Ở đây tôi chỉ trích lại đoạn văn của nhà báo Frances Fitzgerald, tác giả của Fire In The Lake,  nói về chủ trương "theo đạo có gạo mà ăn" của chế độ Diệm:

Trong suốt những năm cầm quyền, Ngô Đình Diệm chỉ có một đồng minh trong nước là khối người Công giáo, nhất là Công giáo miền Bắc di cư. Ngay từ khởi đầu, ông Diệm đã tự trói mình một cách chặt chẽ vào khối Công giáo đó và chỉ đã nâng đỡ các làng Công giáo hơn mọi thành phần dân chúng còn lại. Những chức quyền của chế độ Diệm hợp tác chặt chẽ với các linh mục trong các làng Công giáo đã được lãnh viện trợ Mỹ. Những chức quyền đó cho người Công giáo làm gỗ tại rừng cấm của quốc gia và độc quyền thu lợi tức mùa màng do Mỹ viện trợ kỹ thuật.

"Theo đạo để có gạo mà ăn" là khẩu hiệu xưa cũ từ thời đô hộ Pháp. Dưới chế độ Diệm, lương dân miền Nam cũng chịu sự cưỡng chế đó, đặc biệt là dân miền Trung. Hàng ngàn dân chúng, nhiều khi cả làng, phải theo đạo Công giáo để tránh khỏi các tạp dịch nặng nề, hay tránh khỏi việc rời làng vào nơi rừng thiêng nước độc. Tất nhiên đó là cái lợi cho giới Công giáo. Nuôi sống người Công giáo bằng sự hy sinh của lương dân, chính phủ Diệm đã có một đường lối chính trị thiển cận mà ông Diệm không có một sự lựa chọn nào khác hơn, người Mỹ cũng không hiến cho ông ta một kế hoạch nào. [Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, tr. 103-104]

Đúng như những nhận xét của Frances Fitzgerald, nhiều nơi dân cả làng bị bắt buộc phải cải đạo để tránh nạn rời làng, vì thế Bản tin Công Giáo Quốc tế, phát hành tại Paris ngày 15 tháng 3 năm 1963, mới hân hoan thông bào thành quả của phong trào cải đạo tại miền Nam dưới chế độ Diệm. Ví dụ làng Phú Hoà tại Bình Định vào năm 1958 chỉ có 692 giáo dân, thế mà năm 1959, con số theo đạo Công giáo đã lên đến 2000 người. Nghĩa là trong một năm tăng gần 300%. Giám mục Ngô Đình Thục cũng cho biết là tại địa phận Vĩnh Long có rất nhiều làng "xin" được cải đạo tập thể đến nỗi thiếu cả kẻ chăn chiên. Theo Ngô Đình Thục thì tại Viễn Đông, ngoài Phi Luật Tân ra, Việt Nam là quốc gia sẽ đi đến việc cả nước theo đạo. [Thích Nhất Hạnh, Lotus In A Sea Of Fire, tr. 26, 28]

 […] Trên đây là một số ít các trường hợp điển hình. Thật ra với 9, 10 năm dưới chế độ Diệm, người dân thấp cổ bé miệng ở nông thôn, nhất là nông thôn miền Trung, đã phải chịu đựng một chính sách kỳ thị khủng khiếp mà thành phần trí thức và những người ăn sung mặc sướng ở thị thành mấy ai biết được nỗi khổ của lương dân. Đã thế, những nhà lãnh đạo Phật giáo lại cũng chỉ âm thầm chịu đựng tai hoạ do thế lực Công giáo Cần Lao gây ra mà không có một phản ứng nào. Cho đến năm 1963, bị dày xéo quá độ phải vùng lên đấu tranh, giáo hội mới gởi lên cho tổ chức Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tại New York những tập hồ sơ dày cộm nói về tội ác của chế độ Diệm  [Thích Nhất Hạnh, Lotus In A Sea Of Fire, tr. 26, 28]

Và sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, vào năm 1964, tu sĩ Tuệ Giác mới dám cho xuất bản cuốn Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử do nhà xuất bản Hoa Nghiêm đường Trần Bình Trọng phát hành để nêu tên tuổi nạn nhân của chính sách kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Diệm (cuốn sách của Tuệ Giác hiện có trong các thư viện lớn tại Hoa Kỳ).

[…] Năm 1957, chính phủ Diệm bãi bỏ lễ Phật Đản trong lịch trình ngày nghỉ lễ hàng năm của quốc gia. Thủ đoạn này là để làm cho công chức quân nhân, học sinh, sinh viên, thợ thuyền theo đạo Phật không được nghỉ lễ để đi chùa mừng Phật Đản. Trước thủ đoạn thâm độc đó, Phật tử phản ứng lại bằng cách tổ chức Phật Đản tuy nhỏ nhưng lại đông đảo hơn những năm trước nên lôi kéo được dư luận nổi lên công phẫn chống đối. Vì thế chính phủ mới chịu "sửa sai" cho ghi lại ngày nghỉ lễ hàng năm của quốc gia. [Thích Nhất Hạnh, Lotus In A Sea Of Fire, tr. 26, 28]

[…] Vừa nắm được chính quyền, anh em ông Diệm đã vội nghĩ ngay đến việc trùng tu nhà thờ La Vang rồi nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường. Vào ngày 9-3-1960, ngôi nhà thờ này được Toà Thánh Vatican tặng một cây sáp. Ngày 17-8-1961, Ngô Đình Thục tổ chức một đại lễ "dâng hiến Đức Mẹ hiện ra cách đây 160 năm". Ngô Đình Thục còn cho dựng một tấm bảng lớn bắng xi măng cốt sắt với hàng chữ "Pháo Đài Tinh Thần của Quốc Gia” (The Spiritual Bastion of The Country) để 15 triệu dân miền Nam, dù đại đa số là tín đồ của các tôn giáo khác, phải mặc nhiên công nhận một ngôi nhà thờ của Thiên Chúa giáo như là biểu tượng chính trị và văn hoá của quốc gia, như là thành trì tinh thần của dân tộc.

[... ] Tại Sài Gòn đã có rất nhiều nhà thờ lớn trên các khu đất khang trang, có quá nhiều nữa là khác. Ngay tại trung tâm thủ đô, ở quận nhất sang trọng của giao điểm hai đường Tự Do và Thống Nhất đã có Vương Cung Thánh Đường đồ sộ, thế mà hàng năm cứ vào dịp lễ Giáng Sinh, cơ sở quốc gia là Toà Đô Sảnh ở đại lộ Nguyễn Huệ vẫn cứ bị trưng dụng để treo đèn kết hoa mừng Chúa xuống trần.

[…] Dưới chế độ Diệm, nhà thờ mọc lên khắp nơi, hầu như mọi đơn vị quân đội (ngay cả giữa Sài Gòn) đều có một nhà thờ, và ngay những nhà thờ cũ bị hư hại thời chiến tranh cũng đều được trùng tu lại hết. Những cơ sở văn hoá, xã hội, kinh tế, các trường tiểu học, trung học, đại học tư, bệnh viện, Giáo Hoàng học viện Pie X... của Công giáo mọc lên rất nhiều.

Trong lúc đó thì Cao Đài, Hoà Hảo không có một cơ sở nào đáng kể ngoài các Toà Thánh, còn Phật giáo cũng chỉ vỏn vẹn mấy trường Bồ Đề cũ từ thời trước để lại….  Hội Thánh Tin Lành, một tôn giáo nhỏ, không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống quốc gia và không tranh chấp với ai, những tín đồ lại có tinh thần chống Cộng rất cao, chỉ xin xây cất một bệnh xá và một trường thần học nhỏ bé tại Hòn Chồng (Nha Trang) mà cũng bị kỳ thị.

[…] Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, các tổ chức Công giáo tha hồ xuất bản báo chí, kinh sách, tiếng nói Công giáo ra rả ngày đêm trên các đài truyền thanh. Thế mà kinh sách Phật giáo lại bị kiểm duyệt gắt gao đến nỗi Phật giáo không dám ra một tờ báo có tính quần chúng suốt mười năm trời, ngay cả việc sử dụng đài phát thanh cũng không được chấp thuận.

 […] Suốt 9, 10 năm trời nhà Ngô cho xuất ngoại không biết bao nhiêu là linh mục, giám mục, bà sơ, sư huynh, đi hành hương tại Fatima, tại Lourdes ở Pháp, tại Y Pha Nho, đi viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại La Mã, đi du học tại các chủng viện quốc tế, đi du lịch, đi chữa bệnh,... nếu tính ra được thì số ngoại tệ bị mất không phải là nhỏ. Chế độ Diệm cũng cho rất nhiều sinh viên Công giáo xuất ngoại du học trong chính sách "trồng người" để đào tạo cán bộ, công chức cao cấp cho guồng máy chính quyền và tổ chức dân sự để chuẩn bị cho kế sách Công giáo hoá miền Nam. Thế mà bên Phật giáo chỉ được chính thức một lần đi dự hội nghị Phật Giáo Quốc Tế nhóm họp tại Colombo, và một lần ba Thượng Toạ Trí Thủ, Đôn Hậu, Trí Quang tháp tùng một phái đoàn chính phủ do Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành cầm đầu để tham dự hội chợ That Luong tại Lào mà thôi. Và chỉ có hai nhà sư được xuất ngoại. Đó là các Thượng toạ Nhất Hạnh và Mãn Giác.

[…] Ngoài ra, chính sách kỳ thị tôn giáo trong quân đội lại còn trắng trợn, lộ liễu hơn. Quân đội là xương sống của quốc gia, là thành trì bảo vệ đất nước và chế độ, đáng lẽ phải được đối xử hết sức công minh về mặt tâm linh và tinh thần thì ông Diệm lại không cho thành lập ngành Tuyên Úy Phật Giáo. Ông chỉ cho Công giáo và Tin Lành thành lập ngành này mà thôi.

[…] Ký giả lảo thành Robert Shaplen của tạp chí The New Yorker đã viết:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc nổi dậy của Phật giáo vào năm 1963 có nguyên do cả về chính trị lẫn tôn giáo. Rõ ràng cuộc nổi dậy là để chống đối cái tình trạng khủng hoảng từ lâu của xã hội Việt Nam, nghĩa là từ năm 1954, khi chế độ Diệm được thành lập và gần một triệu giáo dân miền Bắc như dòng suối chảy qua vĩ tuyến 17 tràn vào Nam để trở thành chủ lực hăng say ủng hộ chính phủ ông Diệm. Từ khi trở thành kẻ tay trắng, người Công giáo di cư đã chọn lựa sống chung với nhau dưới sự lãnh đạo của những linh mục và xây dựng những xã ấp mới thường mang tên những làng xóm cũ mà họ đã bỏ lại ngoài Bắc. Vì ông Diệm chỉ dựa vào những thành phần đó và vì các linh mục dễ dàng ra vào dinh Độc Lập, những người Công giáo di cư trở thành những phần tử thống trị trên đa số nhân dân, nhất là tại miền Trung. Đa số những Tỉnh trưởng, Quận trưởng, và cấp trưởng thôn, trưởng ấp đều là người Công giáo, ngay cả những cấp chỉ huy quan trọng của quân đội cũng vậy. Tình trạng giáo dân của các làng như một giai cấp mới nở hoa, hưởng thụ hầu hết chương trình viện trợ Mỹ. Họ được cấp phát số lớn đất đai để xây trường học và nhà thương với sự giúp đỡ của quân đội, được ưu tiên mượn tiền của chính phủ do chương trình của ngân hàng nông nghiệp, được phép đốn gỗ chặt rừng, ngay cả rừng cấm, và độc quyền về xuất nhập cảng, kể cả được quyền thu hoa lợi qua việc trồng trọt cây Kapot, và cây Knaf.

Trong lúc anh em họ Ngô, bằng cách này hay cách khác, thụ hưởng tiền bạc do kết quả sử dụng khối Công giáo tay sai, thì không thể nói rằng mãi đến ngày cuối cùng, gia đình họ Ngô mới bắt đầu có ý định đàn áp, khủng bố Phật giáo. Trong số 15 triệu người dân miền Nam, Phật giáo có độ 11 triệu người, gồm có 4 triệu Phật tử được lãnh đạo và số còn lại là người theo đạo ông bà. Tuy nhiên dinh Tổng thống không những chỉ thiên vị người Công giáo mà còn khuyến khích họ kỳ thị và đàn áp Phật tử tại thôn quê, nơi chỉ có độ 1 triệu giáo dân, qua sự điều động của các ông linh mục và chính quyền địa phương, những lãnh tụ của quốc gia. Kể từ năm 1960, với tình trạng an ninh mỗi ngày một nguy ngập thì sự kỳ thị càng lúc càng nặng nề thêm đối với Phật giáo. Ví dụ trong lúc xây dựng ấp chiến lược, các ông linh mục can thiệp cho người Công giáo được miễn trừ tạp dịch rồi bắt binh sĩ thay thế làm việc. Trong chương trình nông nghiệp, người Công giáo luôn luôn được lãnh phần đất tốt và gần vùng an ninh, trong lúc Phật tử bị đày đến những nơi xa xôi, nơi mà chẳng những đất đã xấu mà mạng sống lại còn nguy hiểm vì súng đạn của Việt Cộng. Họ phải đi để được yên thân hay để có cơ hội trốn tránh, do đó mới thấy lý do làm sao hàng trăm người, có khi cả làng, phải cải đạo, phương thức mà các linh mục mà các linh mục xúi dục vì ai không cải đạo là mua lấy sự bất an. Chính quyền địa phương thường phát tiền quỹ quốc gia cho các ông linh mục hăng hái để các ông này hướng dẫn công tác tuyên truyền chống lại sự công kích chính phủ, nhiều làng Công giáo còn được phát súng tự vệ và để chống lại Phật giáo. Vào khoảng năm 1962, khi mà chế độ Sài Gòn đang đến lúc suy sụp, chiến dịch đàn áp Phật giáo đã đi đến độ khủng bố cả chính trị, xã hội, tín ngưỡng. Và khi nỗi bất mãn của dân chúng dâng lên vào mùa Xuân năm1963 thì sự căm thù chế độ độc tài lan ra cả nước. [Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 191,192]

*   *   *

BỐN

Trích đoạn từ “MÙA PHẬT ĐẢN ĐẪM MÁU” (Tạp chí Hợp Lưu số 88, 89 và 90) của Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu, khi tác giả phân tích nguồn gốc và bản chất của chế độ Diệm để giải thích vì sao chế độ nầy phải phóng tay kỳ thị, thậm chí còn muốn tiêu diệt, Phật giáo. Từ “tội tổ tông” (chữ dùng của Hồ Sỹ Khuê) đó, chế độ Diệm đã luồn vào các chính sách quốc gia (Giáo dục, Quốc phòng, Dinh điền, Tín ngưỡng, Luật pháp, Xã hội, …) những biện pháp khống chế và triệt tiêu Phật giáo.

[…] Trong giai đoạn Pháp xâm chiếm Việt Nam, Ki-tô giáo ngày một vượt thắng vì là tôn giáo của giai tầng chiếm đóng (Pháp) và đa số giai tầng trung gian bản xứ trung kiên. Rất nhiều danh tự của Ðại Nam đã biến thành nhà thờ ở Hà Nội, Sài Gòn, Nam Ðịnh hay Quảng Trị. Mặc dù từ thập niên 1910, viên chức Pháp quyết định đoạn tuyệt với chính sách đồng hóa và Ki-tô hóa của Hội truyền giáo, chuyển sang chính sách hợp tác hay Pháp-Việt đề huề, mãi tới thập niên 1920 Phật giáo và các tổ chức tôn giáo bản xứ khác mới bắt đầu được “duy tân” và khuyến khích đoàn ngũ hóa. Nhưng thời gian này, các cộng đồng Ki-tô bản xứ đã trở thành những quốc gia trong một quốc gia, tự ban danh hiệu “công giáo,” và cung cấp cho giai tầng trung gian bản xứ cũng như thị dân một nhân số quan trọng.

[…] Ngô Ðình Diệm (1897-1963)–với thành tích hết hợp tác với Pháp tới Nhật, và bị đánh giá là “cuồng đạo” [a Catholic mystic hay religious fanatic]–vẫn được chọn cầm đầu miền Nam. Ngắn và gọn, số chùa chiền, tu viện, khuôn hội Phật giáo gia tăng từ 1954 tới 1963 không chỉ do ảnh hưởng quốc sách chống Cộng, mà còn phản ảnh sự chống đối vừa tiêu cực vừa tích cực của Phật giáo với chế độ giáo phiệt Ki-tô Diệm-Thục-Nhu. [Xem, thư ngày 20/2/1962, Thích Tịnh Khiết gửi Ngô Ðình Diệm, về việc đàn áp Phật Giáo tại Phú Yên, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam; KLTQG II (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 7941; thư ngày 17/2/1962, Wesley Fishel gửi John A. Hannah, Viện trưởng Ðại học Tiểu bang Michigan (MSU); Foreign Relations of the United States [FRUS], 1961-1963, II:148-52; báo cáo của Ðại sứ Roger Lalouette ngày 10/3/1962; Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975 [VNNB], I-C: 1955-1963, tr. 248-250]

[…] Tổng Giám Mục Thục (1897-1984), người cai quản địa phận Huế từ năm 1961, dĩ nhiên chẳng muốn thấy sự hiện hữu của bất cứ lá cờ Phật giáo nào tại Huế hay miền Trung, nói chi sự phát triển vững mạnh của Tổng Giáo Hội Phật Giáo. Thục, theo Tướng Lê Văn Nghiêm, từng tuyên bố với những người tín cẩn rằng “cần phải hạ Phật giáo bằng mọi phương tiện, nếu không Phật giáo sẽ mạnh hơn Ki-tô,” và “ngay cả đời sống giáo dân sẽ bị đe dọa.” [Archives du Ministère des Affaires Etrangères [AMAE] (Paris), Cambodge-Laos-Vietnam [CLV], Sud Vietnam [SV], 17:70-73]


 
*   *   *

NĂM

TÀI LIỆU CẦN ĐỌC THÊM VỀ CHỦ ĐỀ NẦY:

·         Thanh Thương Hoàng – Phật Giáo Tranh Đấu, Tân Sanh, Sài Gòn 1964;  Hoa Kỳ 2012
·         Tuệ  Giác – Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Hoa Nghiêm, Sài Gòn 1964
·         Quốc Tuệ - Công Cuộc Tranh Ðấu Của Phật Giáo Việt Nam, Sài Gòn 1964
·         Kiêm Đạt - Lịch Sử Tranh Đấu của Phật Giáo Việt Nam, Sài Gòn 1965
·         Võ Đình Cường – Vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam - Bản bá cáo của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ đàn áp Phật giáo, dịch từ Phúc trình của Liên Hiệp Quốc (Report of the United Nations Fact-finding Misssion to South Vietnam), Sài Gòn 1966
·         Thích Nhất Hạnh – Hoa Sen trong Biển Lửa, Paris 1968
·         Nguyễn Lang – Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Lá Bối, Paris 1978
·         Vũ Văn Mẫu – Sáu Tháng Pháp Nạn, in Ronéo 1984; Giao Điểm, Hoa Kỳ 2003

*   *   *

SÁU

TÁC PHẨM NGOẠI QUỐC ĐỀ CẬP ĐẾN CHỦ ĐỀ NẦY:

1.      “Vietnam: Crisis of Conscience" của Robert McAfee Brown, Abraham J. Heschel & Michael Novak, Associated Press, New York 1967
2.      “The Making of a Quagmire” của David Halberstam, Random House, New York, 1965
3.      "Fire In The Lake" của Frances Fitgerald (Winner of the Pulitzer Prize, Winner of the National Book Award, Winner of the Bancroft Prize For History), Vintage Books, New York 1985
4.      “Vietnam: A Political History” của Joseph Buttinger, Frederick A. Praeger, New York, 1968
5.      “Vietnam a History” của Stanley Karnow, King Presss, New York: 1983
6.      "Background to Vietnam" của Bernard Newman.  Signet Books, New York 1965
7.      "Backfire: Vietnam - The Myths That Made Us Fight, the Illusions That  Help Us Lose, The Legacy That Haunts Us Today" của Loren Baritz, Ballantine Books, New York 1985
8.      "A Bright Shining Lie" của Neil Sheehan, Vintage Books, New York 1989
9.      "American in Vietnam" của Dr. John Guilmartin, United Press International/Bettmann, England 1991
10.  "Vietnam: The Valor and the Sorrow" của Thomas D. Boettcher, Little Brown & Company, Boston 1985
11.   "Les Deux Guerres du Vietnam" của, George Chaffard, Ed Plon, Paris 1969
12.  "The Indochine Story" của the Committee of Concerned Asian Scholars, A Bantam Book, New York 1970
13.  “Vietnam, Lotus in a Sea of Fire” của Thích Nhất Hạnh, Hill & Wang, New York 1967.
14.  "The Story of Vietnam" của Hal Dareff, An Avon Camelot Book, New York 1966
15.  "The Two Viet-Nams" của Bernard B. Fall, Frederik A. Praeger Publisher, New York 1967
16.  "An Eye For The Dragon" của Dennis Bloodworth; Farrar, Straus & Giroux, New York 1970
17.  The New Face of Buddha” của Jerold Schecter, Coward-McCann, New York 1967.
18.  " Intervention and Revolution" của Richard J. Barnet, A Meridian Book, New York 1972
19.  "Vietnam: Why Did We Go?" của Avro Manhattan, Chick Publication, California 1984
20.  "Nobody Wanted War" của Ralph K. White, A Doubleday Anchor Book, New York 1970
21.  "The Political Economy of Human Rights. Vol I" của Noam Chomsky and Edward S. Herman, Black Rose Books, Canada 1979
22.  "The American Pope" của John Cooney, A Dell Book, New York 1984
23.  The Final Superstitioncủa Joseph L. Daleiden, Prometheus Books, New York, 1994
24.  America's Longest War" của George C. Herring, John Wiley & Sons,  New York 1979
25.  "Unwinding the Vietnam War: From War Into Peace" của Reese Williams, The Real Comet Press, Seattle 1987

 
 

 

 

]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét