Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

VÌ SAO TÀN DƯ CẦN LAO CÔNG GIÁO
CỨ TIẾP TỤC XUYÊN TẠC VỤ PHẬT GIÁO 1963?

Phỏng vấn Ông Võ Văn Ái

LGT – Bài phỏng vấn ông Võ Văn Ái dưới đây của ký giã Triều Thanh là bài thứ ba trong loạt bài “Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu, cùng những hệ lụy, chụp mũ tùy tiện”, phổ biến trong Chương trình “Câu chuyện Cuối tuần” được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đăng tải và phát thanh trên mạng Internet vào ngày 29-11-2016. Bài thứ ba nầy chủ yếu đề cập đến những năm cuối cùng của chế độ Diệm, vì vậy chúng tôi xin đăng lại ở đây để bổ túc hồ sơ về giai đoạn lịch sử nầy – [Đề tựa bài viết được biên tập lại và hình ảnh được thêm vào cho phù hợp với nội dung của bài phỏng vấn] – Blogger Nam Giao

 Phật Đản 1964, hậu-chế độ Diệm
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, trong những năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 10 người ta thấy trên mạng rất nhiều bài tôn vinh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Không chỉ tôn vinh, nhớ tiếc hay cầu hồn cho vị tổng thống, mà nhắm chỉ vào Phật giáo để hạch tội, xem như kẻ thù truyền kiếp của chế độ Đệ nhất Cộng hòa. Ông nghĩ sao về hiện tượng này ? So chiếu trên phương diện lịch sử những phê phán như vậy có đúng không ?
Võ Văn Ái : Tôi nghĩ rằng người dân thuộc bất cứ chính kiến hay tôn giáo nào đều được quyền tưởng niệm, tôn vinh các nhân vật lãnh đạo đất nước. Nhưng lợi dụng tôn vinh một người, rồi đem cả hàng triệu Phật giáo đồ ra xỉ vả, xử tội, kết án thì đấy là chuyện bất thường, nếu không nói phi pháp.

Triều Thanh : Vì sao phi pháp ?
Võ Văn Ái : Chúng ta là người Việt theo chế độ dân chủ, thì mọi sự phải xử lý thông qua pháp luật, chứ không thể đem tư ý vào việc luận tội. Nay không còn quốc gia như trước, thì các nhà khảo cứu có thể góp công suy tìm sự thật, viết thành sách chứng minh. Tiếc thay, hiện tình cộng đồng không theo hướng đó, mà có số người nghiêng về phía phục thù, tố giác thiếu bằng chứng. Không thể đem ý kiến chủ quan hồ đồ phán xét. Vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963, không còn là chuyện mới xẩy ra hôm qua. Tính đến nay là đã 53 năm. Thời gian khá đủ, tư liệu ngày càng dồi dào với những nhân chứng, đặc biệt các tài liệu của Hoa Kỳ được giải mật mang lại nguồn sáng soi rọi vào một giai đoạn lịch sử tối tăm của đất nước ta.
Thiển kiến tôi một người có lương tri, chịu nghiên cứu, tìm hiểu, chịu khó đọc các tài liệu dồi dào như thế, không thể nào lên tiếng tố cáo những điều chỉ có thật trong khối óc tưởng tượng của họ, nhưng không hề có trong thực tế.

Triều Thanh : Đa số những bài viết còn tố giác một số chư Tăng lãnh đạo và phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 là Cộng sản. Là người trong cuộc, ông phân tích như thế nào lời tố giác ấy ?
Võ Văn Ái : Phật giáo bị chụp mũ, không còn là chuyện lạ. Lạ là chụp hai ba thứ mũ khác nhau lên một đầu người ! Phía Cộng sản, như tôi trình bày ở các bài trước, đã gán cho Phong trào Chấn hưng Phật giáotừ những năm 20 thế kỷ trước là “âm mưu của chính phủ Pháp”. Họ làm như Phật giáo đồ, theo nền tín ngưỡng trí tuệ chẳng biết làm gì khác để phát huy đạo Phật của mình, ngoài việc làm đầy tớ cho thực dân Pháp !
Sang thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa, thì ông Trần Bạch Đằng, biệt danh Tư Ánh, thuộc Trung ương Cục Miền Nam và chỉ huy vùng Saigon – Chợ Lớn dưới thời chiến tranh Mỹ Việt, thì báo cáo cấp trên rằng Hòa thượng Trí Quang, linh hồn của Phật giáo miền Trung, là “loại CIA chiến lược”. Ông Trần Bạch Đằng nêu một số sự kiện minh chứng Hòa thượng Trí Quang làm tay sai cho Mỹ như sau :
“Năm 1964 nhân trận lụt lớn ở miền Trung, quân Giải phóng chuẩn bị nhổ các đồn bót ngụy, Thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Cứu lụt”. Cờ 5 màu dựng trên các canô, tàu máy bay trực thăng cứu sạch bọn ngụy quân. Cũng năm 1964 nhân dân phẫn nộ chính quyền quân phiệt ngụy, Mặt trận Giải phóng Miền Nam nêu khẩu hiệu chống quân phiệt để đẩy mạnh Phong trào đô thị, Thượng tọa Trí Quang lập Hội đồng Nhân dân Cứu quốc miền Trung đòi Chính phủ Dân sự, gom hết quần chúng về phía mình và đạp xẹp khẩu hiệu của ta. Năm 1965 Mỹ đổ quân trắng trợn xâm lược miền Nam Việt Nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam đẩy mạnh phong trào Chiến tranh Cách mạng chống Mỹ xâm lược, Thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu “Cầu nguyện Hòa bình” làm hạn chế cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta”.
Đọc các hành động thù ứng cứu người của Phật giáo trên đây, mới thấy lòng từ bi cứu khổ thể hiện sự đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo trong những nghĩa cử trải dài hai nghìn năm lịch sử.

Và nay, một số người tự nhận là “quốc gia” lại quay đi quay lại một dĩa hát cũ thời tranh chấp đã qua do những nhân vật lãnh đạo cao cấp như ông bà Ngô Đình Nhu “chụp mũ” phong trào Phật giáo tranh đấu 1963 là “Cộng sản”.
Không gì nghịch lý hơn, khi ta biết rằng, từ mùa hè năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “Tố Cộng và Diệt Cộng”. Điều 7 của Hiến pháp năm 1956 ghi rõ “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với nguyên tắc ghi trong Hiến pháp”. Rồi tiếp tới Đạo luật 10/59 ban hành tháng 5 năm 1959 tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa Cộng sản, đồng thời mở thêm một hệ thống Tòa án Quân sự Lưu động để xử bị cáo. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 có 48,250 người bị bắt giam vì tội danh “cộng sản”.
Đã có một hệ thống diệt cộng bằng pháp luật như thế, thì tại sao không đưa phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 ra pháp đình xử tội Cộng sản, nếu sự “chụp mũ” Phật giáo là Cộng sản có thật ?
Hai văn kiện pháp luật để không chế nhân dân Miền Nam của chế độ Diệm –
TRÁI: Duy trì Dụ số 10 do Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 6-8-1950 dưới thời bảo hộ Pháp
để dành đặc quyền đặc lợi cho Công giáo và triệt tiêu ảnh hưởng của Phật giáo; và
PHẢI: Ban hành đạo luật 10-59 ngày 6-5-1959, thành lập các Tòa án Quân sự Đặc biệt
nói là để chống Cọng nhưng cũng nhắm đàn áp đối lập chính trị
và thành phần kháng chiến theo Việt Minh nhưng không phải là Cọng sản.
Một số người viết bài hay trả lời phỏng vấn truyền hình ngày nay vẫn ung dung tố giác Phật giáo là Cộng sản, họ không ngờ rằng chính họ đang tố cáo lãnh đạo Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa là Cộng sản, nếu không là dung dưỡng Cộng sản ? Pháp luật cả hai trào Cộng hòa đều đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thì sao không mang chư Tăng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo hay toàn phong trào Phật giáo ra tòa kết án ?
Miệng thì đồn thổi Phật giáo là Cộng sản, nhưng hành động thì không dám áp dụng Đạo luật 10/59 để chứng minh lời tố cáo của mình là đúng ? Chẳng những thế, còn mở cửa Hội trường Diên Hồng tại Saigon ngày 26-6-1963 đón tiếp Phái đoàn Phật giáo do Cố Thượng tọa Thích Thiện Minh dẫn đầu. Phía chính quyền tiếp đón là Ủy ban Liên Bộ gồm có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần, và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương. Kết quả sau 3 ngày thương thảo là Bản Thông cáo chung giữa Chính quyền và Phật giáo, nhằm giải quyết vấn đề Phật giáo. Thế nhưng chính quyền đã nuốt lời không thực hiện cam kết. Nên cuộc tranh đấu tiếp diễn đưa tới sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Đọc kho tài lệu giải mật của Hoa Kỳ chẳng thấy dấu vết gì trong các báo cáo mật về chư Tăng và Phong trào Phật giáo là Cộng sản, hay thi hành chỉ thị Cộng sản.
Những người viết bài hạ nhục, mạ lỵ Phật giáo là Cộng sản lấy chứng cớ đâu làm luận điểm vu cáo ?

Tôi thấy rất thương tâm khi nghe trên Youtube lời ông Huỳnh Văn Lang tố cáo Phật giáo là Cộng sản. Tôi nghĩ một người như ông không nên tố bậy như thế. Ông là một nhân sĩ miền Nam, ông có đủ tất cả những chi người đời ao ước, như tiền bạc, hạnh phúc, học hành, địa vị, chức tước. Có lúc ông là Bí thư cho Tổng Thống Ngô Đình Điệm, từng giữ chức Bí thư Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Quá đủ cho tham vọng một đời người. Nay ông chụp mũ Phật giáo một cách vu vơ, không bằng chứng, thì sự ác khẩu này chẳng mang lại thêm chút danh giá gì cho ông Lang.
Ông vu hãm theo điệu gia trưởng, rằng “Tôi ghét nhứt là cái láo” bởi vì Cộng sản là chúa láo. Tại sao các Thầy bắt chước láo như Cộng sản ? Tại sao Phật giáo bắt chước láo như Cộng sản ?
Tam đoạn luận của ông quá thô thiển và hỏng từ trứng nước.
Từ một nhận xét chủ quan, ông Huỳnh Văn Lang biến thành một nhận định có tính phán xét. Do cung cách hoạt động tài chính và chính trị của ông, thì ngoài chuyện đi săn, ông không còn thì giờ tìm hiểu lịch sử Việt Nam và văn hóa dân tộc. Ông thuộc số người mà lịch sử Việt Nam chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, XVII. Nghĩa là không có các Vua Hùng cho đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê về sau.
Dưới Ngô Đình Nhu là ba thủ lãnh chóp bu của đảng Cần Lao:
Từ trái, ông Trần Chánh Thành, Huỳnh Văn Lang và Trần Kim Tuyến.
Ông Huỳnh Văn Lang lo về kinh tài, là người nắm tay hòm chìa khóa của Đảng
và đã bị “Trùm Mật vụ” Trần Kim Tuyến bắt giam trước ngày tàn của chế độ Diệm.
[Xem thêm bài viết Vanguard of the “Personalist Revolution”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu and the Rise of the Cần Lao Party của Giáo sư Edward Miller - bản Việt dịch tại đây: Nhóm Khởi xướng “Cuộc Cách mạng Nhân Vị”: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và sự Trổi dậy của Đảng Cần Lao]
Cách ăn nói và vận dụng “triết học” mà ông khá tự hào, cho thấy ông thù ghét Phật giáo như một bệnh lý, mà ta thấy qua cuộc phỏng vấn của ký giả Ngô Đình Vận trong Chương trình Văn hóa Nhân bản Lạc Việt. Nhân nhắc lại Phong trào người Vượt Biển, ông Huỳnh Văn Lang tố cáo Thái Lan là một nước “vô cảm”. Ông Lang khẳng định :
“Phong trào Vượt Biển gồm có một triệu hai trăm nghìn người, 1/3 chết. Chết ở đâu ? Chết nhiều nhất là Vịnh Thái Lan. Tại sao Thái Lan là nước 100% Phật giáo mà chỉ sản xuất ra những tên cướp, tên hãm hiếp, giết người ? Tại sao một nước xa xôi như Pháp sản xuất một tàu đi cứu ? Một nước ở kế bên lại vô cảm. Vậy mấy ông thầy chùa ở đâu ? Nước Thái vô cảm !”
Đánh giá hàm hồ cho một quốc gia, một dân tộc theo Phật giáo như thế, có còn là tư cách của một người Thiên chúa giáo đầy lòng bác ái và công chính hay không ?
Ký giả Ngô Đình Vận là người rất mực cung kính ông Lang, có phần xem ông Lang như thần tượng. Nhưng trước lời bình phẩm sai sự thật, Ông Vận phải giải thích ngay :
“Cháu xin góp ý kiến vì cháu là người tị nạn. Cướp là ở các tỉnh phía Nam Thái Lan giáp Mã Lai, họ theo Hồi giáo không theo Phật giáo. Phật giáo chỉ ở các tỉnh phía Bắc, cách đối xử cũng khác qua lại giữa dân chúng. Cháu nghĩ khi Bác nói tổng quát về nước Thái Lan như vậy cần nghiên cứu kỹ dân số họ”.
Mỗi khi đề cập tới Phật giáo, ông Huỳnh Văn Lang tỏ ra mất hẳn lý trí phân tích khoa học để sa đà theo thành kiến kỳ thị tôn giáo. Thử hỏi một lãnh tụ Cần Lao như ông khi có chính quyền trong tay, thì quan điểm tôn giáo của Nhà nước ấy sẽ tai hại như thế nào cho sự hòa hợp dân tộc ?

Công đồng Vatican là nỗ lực bao dung tôn giáo của Giáo triều La Mã đầu thập niên 60. Nhưng ông Huỳnh Văn Lang vẫn chưa theo kịp, nên ông tiếp tục nhìn Phật giáo theo luận điểm của Cố Alexandre de Rhodes qua sách “Phép giảng Tám ngày”, gọi đức Phật là “tên Mọi đen”, một “thằng nói láo”.
Cách đánh giá tuỳ tiện về Thái Lan của ông Huỳnh Văn Lang vô tình ông đã bội ơn với chính người đồng bào của ông. Sau Hội nghị về Người Vượt Biển của LHQ tại Genève năm 1979 mà chúng tôi (Cơ sở Quê Mẹ và Ủy Ban Cứu Sống Người Vượt Biển) có tham dự, Thái Lan chấp nhận đón người Vượt Biển trên lãnh thổ mình và cho phép tiếp xúc với Cao Ủy Nhân quyền LHQ để làm thủ tục tới nước thứ ba. Thái Lan đã đón tiếp 159,975 (một trăm năm mươi chín nghìn chín trăm bảy mươi lăm) người Vượt Biển. Trong khi ấy, Singapore không đón tiếp người Vượt Biển. Mã Lai đuổi ra khỏi lãnh thổ mình 58 nghìn người Vượt Biển.
Quốc gia Phật giáo Thái Lan “vô cảm” ở chỗ nào, thưa ông Huỳnh Văn Lang ?!
Điều ông Lang khen nước Pháp xa xôi đưa tàu ra Biển Đông vớt người càng chứng tỏ ông không đọc báo hay theo dõi sự sống chết của người đồng bào ông vào thập niên 70, 80. Phải chăng nước Pháp trong đầu óc ông là Trưởng Nữ của Giáo triều Vatican nên được ông khen ?
Ông Huỳnh Văn Lang đã sai lầm vì thiếu hiểu biết và thông tin thời sự. Con Tàu “Đảo Ánh Sáng” đi vớt người ấy đã do sự xướng xuất và vận động của một Phật tử Việt Nam sống tại Paris, thành viên của Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển, với sự hậu thuẫn của gần 200 nhân sĩ, trí thức, chính giới, nhà văn Pháp và quốc tế.

Nói chung, các bài đánh phá Phật giáo thường do thiếu hiểu biết, có tiêu đích phục thù, hoặc nhẹ lòng bác ái. Theo kiểu bất chấp sự thực hay lý luận, ông Huỳnh Văn Lang xem thường tha nhân khi phát ngôn tự thị qua các cuộc phỏng vấn, còn có ông Tú Gàn, ba bốn chục năm qua, không ngừng viết bài bôi nhọ Phật giáo. Ông Tú Gàn là cha đẻ hai chữ “Phịa sử” để gán cho những ai không tin vào cách viết sử hồ đồ và tự thị của ông. Cách viết sử tố cáo Phật giáo là Cộng sản của ông Tú Gàn chứng tỏ ông là Chúa Phịa. Bởi ông chẳng có luận chứng, tư liệu gì chứng minh. Toàn những lời nói hớt và dọa hơi. Ba, bốn chục năm viết lách, mà tài liệu minh chứng chỉ được ông hứa cuội là sẽ công bố những tài liệu của “Phòng Nhì Pháp”, của “tình báo Việt Nam Cộng hòa”. Nhưng chẳng bao giờ được ông trưng dẫn. Như con nợ không tiền, hứa lèo để thoát thân.

Triều Thanh : Xin ông cho biết mục tiêu tranh đấu của Phật giáo năm 1963 là gì ? Nó có là mục tiêu chính trị hay lật đổ chính quyền ?
Võ Văn Ái : Cần hiểu một điều quan yếu, là cho đến nay, Phật giáo chỉ đặt vấn đề tôn giáo với chính quyền. Chưa bao giờ đặt vấn đề chính trị với chính quyền. Cho nên, mục tiêu tranh đấu của Phật giáo năm 1963 là mục tiêu thuần túy tôn giáo. Sau vụ chính quyền cấm treo cờ Phật giáo, rổi nổ súng tại Đài Phát thanh Huế gây chết chóc cho 8 Phật tử, ngày 10-5-1963 các cấp lãnh đạo Phật giáo họp bàn tại Chùa Từ Đàm, và đưa ra Tuyên cáo 5 nguyện vọng bào tồn Phật Pháp :
1.      Yêu cầu Chánh phủ VNCH thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ Giáo kỳ của Phật giáo.
2.      Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một qui chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên chúa đã ghi trong Dụ số 10.
3.      Yêu cầu Chánh phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4.      Yêu cầu cho Tăng Ni Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5.      Yêu cầu chánh phủ đền bồi xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội trong đêm 15-4 Lễ Phật Đản và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi xứng đáng.
Năm yêu sách cho cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo như ta vừa đọc, thử hỏi có gì là chính trị hay âm mưu lật đổ chính quyền ?

Triều Thanh : Chính quyền giải quyết ra sao Năm Nguyện Vọng này ?
Võ Văn Ái : Giải quyết bằng sự cò ke, trì hoãn, bằng sự gặp gỡ, thương thảo, ký thông cáo chung, rồi xé bỏ không thi hành, khiến tình hình ngày càng thêm trầm trọng. Sau khi ông Ngô Đình Nhu tung chiến dịch nước lũ vào đêm 20 tháng 8, tấn công các chùa trên toàn quốc, bắt bớ Tăng Ni, thì coi như Phong trào tranh đấu Phật giáo tạm thời chấm dứt. Từ đây, một sinh lực quần chúng mới xuất hiện, từ phong trào học sinh, sinh viên các Đại học, và đặc biệt, là giới Tướng lĩnh Quân lực VNCH làm cuộc đảo chính chấm dứt chế độ Đệ nhất Cộng hòa, thảm sát hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Học sinh các trường Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản bải khóa
ngày 7-9-1963, hơn hai tuần sau khi Ngô Đình Nhu tung chiến dịch Nước Lũ
đánh phá chùa chiền và bắt giam giới lãnh đạo Phật Giáo.
Triều Thanh : Có thể nói Phật giáo là động lực cho cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 ?
Võ Văn Ái : Không. Như đã nói cuộc tranh đấu Phật giáo năm 1963 thuần túy tôn giáo. Việc lật đổ chế độ nhà Ngô là chủ trương “thay ngựa giữa dòng” của Hoa Kỳ qua sự thừa hành của giới Tướng lĩnh quân lực VNCH.

Triều Thanh : Sự thật ấy ai cũng biết. Nhưng tại sao lại trở thành một chiến dịch dai dẳng đánh phá Phật giáo, đổ lên đầu Phật giáo trách nhiệm lật đổ chế độ nhà Ngô, thảm sát hai ông Nhu Diệm, và tố giác Phật giáo là Cộng sản ? Ông có thể giái thích bí ẩn lịch sử này ?
Võ Văn Ái : Thói đời ai cũng muốn vơ hết hào quang và công lao về cho phe mình khi thành công. Gặp lúc thất bại, thì họ lại mất khí tiết để nhận lỗi, nên tìm những con dê tế thần đỡ đòn thay. Phật giáo chính là con dê tế thần được lôi ra che giấu sự thất bại chính trị của tầng lớp Nhà Nho Thiên Chúa giáo sau 9 năm cai trị.
Nay trong cơn thất thế, tha hương, có số người tiếc thương thời vàng son những năm đầu của chế độ Đệ nhất Cộng hòa. Sự thật như thế nào ?

Thực tế lịch sử là Hoa Kỳ đổ tiền rừng bạc bể cho ông Diệm Chống Cộng thông qua “Kế hoạch Năm năm”do Phái bộ Michigan State University (MSU) điều hành từ năm 1955.
Năm 1960 là năm bản lề sinh tử cho chế độ. Vì đó là năm kết toán chính sách Chống Cộng theo “Kế hoạch 5 năm” của ông Diệm thành công hay thất bại.
Cần nhớ trong năm năm đầu (1955-1960) Việt Cộng chưa có kế hoạch quy mô đánh phá Miền Nam bằng vũ lực. Đó là giai đoạn người dân cảm thấy thoải mái, mà 9 năm Kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc với trận Điện Biên Phủ đưa tới sự chia cắt tổ quốc thành hai miền Nam Bắc tại Genève năm 1954.
Đến giữa năm 1959, Đại hội Đảng Lao Động Việt Nam thông qua Nghị Quyết 15 thống nhất đất nước, tức chủ trương dùng vũ lực xâm chiếm Miền Nam, thì những khó khăn dồn dập đẩy chế độ Đệ Nhất Cộng hòa vào chân tường với tất cả nhược điểm chính trị của nó. Và cũng là lúc, Hoa kỳ bắt đầu thấy ra sự bất lực của chế độ trong công cuộc đấu tranh Chống Cộng, nhất là Tổng Thống Diệm đã thất bại trong việc kết hợp nhân dân Miền Nam.
Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu thường than “Một thằng rất hiểu mình thì chỉ tính xỏ mình, một thằng muốn giúp mình thì chẳng hiểu mô tê chi cả”, theo lời dẫn của ông Đoàn Thêm, cựu Phụ tá Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng Thống, viết trong sách “Những Ngày Chưa Quên 1954 – 1963” xuất bản tại Saigon năm 1969. Thằng này thằng kia nói đây là Pháp và Mỹ, ý ông Nhu phê phán hai quốc gia từng viện trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

Sự khôn khéo của tiền nhân chúng ta qua chính sách ngoại giao trung thuận (allégeance/allegiance) đối với Trung quốc đã giữ vững thế độc lập chính trị hằng bao thế kỷ, tránh xa thế ngoại thuộc. Nhưng chính sách ngoại giao thời Đệ nhất Cộng hoà thì lại gặp khó từ Pháp cho đến Mỹ, khiến Mỹ đã bất bình, chuyển từ bạn sang thù. Những chuyến đi đêm với Bắc Việt ở giai đoạn cuối, qua việc ông Nhu gặp gỡ bí mật với Phạm Hùng, hay tiếp tướng Trần Độ ngay tại Dinh Độc lập ở Saigon đã đẩy chế độ từ vị trí được Hoa Kỳ đỡ đầu thành đối địch vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Còn đối với nhân dân Miền Nam, bản chất lý luận của Cần Lao Nhân vị không thích hợp với tì tạng văn hóa truyền thống người Việt. Chính sách Chống Cộng giao phó cho một tôn giáo Nhà nước, thay vì ra công trọng đãi nhân tài Miền Nam cùng các giáo phái đã bám rễ vào đất đai Nam bộ, để tiến hành kết hợp, khai triển thành liên minh dân tộc chống độc tài.

Lịch sử cho thấy chẳng ai nắm độc quyền nhân dân, khi chưa có chính sách, kế hoạch mang lại ấm no, hạnh phúc, tự do và thanh bình cho họ.
Ba năm trước vụ Phật giáo bùng nổ, thì từ năm 1960, nỗi bất bình và chống đối chế độ tràn lan trong các giới quần chúng Miền Nam. Những biểu hiện báo hiệu ngày tàn của chế độ ngày càng lung lay, mà ta có thể thấy qua vài ví dụ tiêu biểu sau đây :
§  Ngày 9.1.1960, trong cuộc tiếp tân đầu năm Tổng Thống Diệm tiếp kiến riêng Đại sứ Pháp chứng tỏ sự lạnh nhạt với Hoa Kỳ theo chính sách mới ve vãn Cộng sản Bắc Việt ;
§  Tết Canh Tý, nhật báo Tự Do của chế độ bỗng dưng đăng trên trang bìa bức vẽ 6 con Chuột (mà độc giả dễ nhận ra các ông Diệm, Thục, ông bà Nhu, Cẩn, Luyện) gặm nhắm trái Dưa Hấu Việt Nam. Toà soạn bị đập phá, nhân viên toà soạn bị bắt ;
§  Ngày 24.2.1960, Cố vấn Mỹ cho Tổng Thống Diệm về Cải Cách Điền Địa, ông Wolf Ladejinsky, thảo luận với Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ về tình trạng thiếu an ninh, Đảng Cần Lao lộng hành, và nạn tham nhũng ;
§  Ngày 6.4.1960, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Elbridge Durbrow than phiền với Tổng Thống Diệm về sự lộng hành của Đảng Cần Lao ;
§  Ngày 26.4.1960, 18 Nhân sĩ Miền Nam họp báo tại Khách sạn Caravelle ở Saigon công bố Kháng Thư phản đối chế độ độc tài và yêu sách mở cửa chính trị. Những nhân sĩ như các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Tuyên, v.v… 11 người trong số họ từng giữ chức Tổng trưởng hay Bộ trưởng thuộc Đệ Nhất Cộng hòa ;
§  Ngày 30.5.1960, Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow yêu cầu Tổng Thống Diệm thay đổi đường lối chính trị, nếu không sẽ cắt giảm viện trợ ;
§  Ngày 1.8.1960, Ông Phan Khắc Sửu và một số nhân sĩ thuộc Mặt Trận Quốc gia Đoàn kết yêu cầu bãi bỏ quốc sách Khu Trù Mật ;
§  Ngày 21.9.1960, Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ họp phiên họp thứ 460, lấy quyết định yêu sách Tổng Thống Diệm mở rộng chính phủ ;
§  Ngày 14.10.1960, Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow trao văn thư yêu cầu Tổng Thống Diệm thi hành chính sách cởi mở chính trị ;
§  Ngày 11.11.1960, nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông làm cuộc đảo chính. Nhưng thất bại. Đến như ông Đại sứ VNCH Trần Văn Chương tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bố vợ ông Nhu, cũng phải nhận định với Hoa Kỳ rằng chế độ Nhà Ngô là một chế độ độc tài toàn trị.
Trái: Bìa báo Tự Do Xuân Canh Tý (1960) vẽ trái dưa hấu Miền Nam
bị 6 con chuột (ám chỉ anh em gia đình họ Ngô) đục khoét –
Phải: Quần chúng Sài Gòn biểu tình chống chế độ “Gia đình trị Ngô Đình Diệm”
trong cuộc binh biến 11-11-1960 của một số đảng phái và binh chũng Nhãy Dù.
Rồi còn cả vụ Sĩ quan Quân lực VCNCH thả bom Dinh Độc Lập. Nhưng mười dẫn chứng tiêu biểu nhất vừa trình bày trên đây cho thấy Phật giáo chẳng dính líu gì vào sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Mà chính bản chất chế độ, đường lối và chính sách của hai ông Diệm Nhu đã đánh mất lòng dân, khiến cho công cuộc Chống Cộng được Hoa Kỳ viện trợ thất bại. Dân chán nản, mất lòng tin vì nạn hà khắc, lộng quyền và kỳ thị của chế độ Nhà Ngô. Người bạn quốc tế bỏ tiền cho ông Diệm Chống Cộng, là Hoa Kỳ, nay cũng thấy ông bất lực, nên đành kiếm người hữu hiệu thay thế. Được hay không, lịch sử đã chứng minh.
Sau này, trong năm 1963, Hoa Kỳ đã từng kêu gọi Tổng Thống Diệm giải quyết ôn hoà vấn đề Phật giáo. Nhưng Tổng Thống Diệm không đáp ứng, và vẫn cho tiến hành vũ lực nhằm dập tắt yêu sách bình đẳng tôn giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Cuộc kết toán “Kế hoạch 5 năm” của Phái bộ Michigan State University xác nhận sự thất bại chính trị trong công cuộc Chống Cộng của Tổng Thống Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Những người trung thành và ủng hộ ông Diệm như Thượng Nghị sĩ Mansfield, nhưng khi được Tổng Thống Kennedy gửi sang Việt Nam quan sát tình hình đầu tháng 12 năm 1962 cũng phải thất vọng với ông Diệm khi viết bản Phúc trình Mansfield bằng câu hỏi tuyệt vọng là “Liệu ta có thể thắng Cộng sản với Diệm không ?”
Ông Diệm và ông Nhu đã vô cùng phẫn nộ bản Phúc trình này. Từ tháng 2 năm 1963 Hoa Kỳ gợi ý cho Đại sứ Nolting tiếp cận giới đối lập ở Saigon để mở đầu chính sách độc lập với ông Diệm. Tiếp tới là Phúc trình McNamara-Taylor, ngày càng cho thấy những dự án mà chế độ đề cao, tán dương, như Ấp Chiến Lược, Khu Trù Mật, Dinh Điền, v.v… là những sự thất bại phũ phàng.
Theo báo cáo của Đại sứ Cabot Lodge gửi Bộ Ngoại giao ngày 30 tháng 9 năm 1963 về cuộc gặp gỡ với Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thơ cho biết tình hình Miền Nam đã quá trầm trọng. Từ thành thị tới nông thôn dân chúng quá bất mãn. Ông Đại sứ muốn tham khảo thêm những người Việt Nam tài giỏi, thì Phó Tổng thống cho biết những người tài giỏi đã trốn ra nước ngoài hết rồi. Bàn sâu vấn đề chính trị, thì ông Thơ từ chối vì ông không có tự do để nói thêm gì khác với ông Đại sứ.

Trên đe là áp lực Hoa Kỳ muốn thay đổi chính sách vô hiệu và sai lầm của ông Diệm. Dưới búa là sự chống đối quyết liệt của toàn dân. Vụ Phật giáo nổ ra chỉ vì chính sách kỳ thị và bất bình đẳng tôn giáo suốt 9 năm trời. Nếu chế độ biết thương dân, và có chút khôn ngoan giải quyết yên thắm theo cung cách dân chủ, thì đâu đến nỗi nào phải sa lầy và vong thân ? Thế nhưng chế độ đã để cơ hội tuột khỏi tay mình, làm cho bi kịch trở thành thảm kịch kết liễu vừa chế độ, vừa bản thân lãnh đạo chế độ đó.
Ta có thể nói mà không sợ sai, là không vì Phật giáo mà Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ đưa tới cái chết thảm thương của ông Diệm và ông Nhu. Sự thất bại đến từ bản thân một chế độ Gia Đình Trị, độc tài, tàn bạo với những ai không tuân thủ ý thức hệ Cần Lao Nhân vị.
Bi kịch của chế độ là hệ quả thất bại trong cuộc bảo vệ tự do cho nhân dân Miền Nam, dù đã tiếp nhận đầy đủ viện trợ Hoa Kỳ.

Trong sách “Những ngày chưa quên 1954 – 1963” ông Đoàn Thêm, vị Phụ tá Đổng lý Văn phòng của Tổng Thống Diệm, viết trong đoạn cuối sách mấy dòng buồn thảm sau đây :
“Ngày Quốc khánh 26 tháng 10 năm 1963, khi ông [Diệm] tiếp các đoàn thể, mặt ông thoáng buồn ; bằng một giọng ai oán, ông nói mấy lời mà nhiều người cho là gở :
“Chế độ này tuy còn nhiều khiếm khuyết cũng còn hơn nhiếu chế độ khác. Người ta chê là độc tài, nhưng chỉ ngại còn nhũng thứ độc tài khủng khiếp hơn… Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi.
(…) “Nhiều bạn và tôi nghe hơi rợn. Tôi thấy như tinh thần ông bị dao động quá nhiều vì sự rối ren, nên hóa ra ảm đạm. Người ta thường nói : họa lai thần ám, hay cũng đúng nếu nói ngược lại : thần ám thì họa lai ?”
Phải chi ông Diệm đừng nói một câu như thế, dù ông chỉ lập lại câu nói của một người Âu ở Phương Tây, chứ không là lòng dạ phát ngôn của tổ tiên con Hồng cháu Lạc. Khiến cho thù hận chất chồng, máu xương thêm đổ trên dải đất đã quá thương đau.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016


Vài cảm nghĩ khi đọc:
"VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI"
của Hoành Linh Đỗ Mậu

Hoàng Ngọc Hiển




LGT - Hồi ký chính trị Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi (VNMLQHT) của cựu tướng Đỗ Mậu, phát hành lần đầu vào năm 1986, đã là một hiện tượng văn học chính trị làm chấn động giới nghiên cứu lịch sử hiện đại của người Việt tị nạn lúc bấy giờ, và tạo ra một cuộc tranh luận chia đôi giới nghiên cứu người Việt tại hải ngoại (Thạch Đăng, tạp chí Đất Việt, Canada). Tác phẩm nhắm “bổ túc hồ sơ sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”, lấy chế độ Ngô Đình Diệm (về mặt chính trị) và Giáo hội Công giáo Việt Nam (về mặt lịch sử) để làm hai đối tượng phân tích và phê phán. Cuốn sách dày 1,260 trang nầy “… đã có rất nhiều, quá nhiều là khác, thảo luận và bút chiến về tác phẩm, và nhiều khi, về từng chủ điểm mà tác phẩm này nêu lên. Cho đến thời điểm này, vẫn còn xuất hiện trên báo chí hải ngoại những bài viết đề cập đến tác phẩm hoặc tác giả. Đặc biệt đã có 13 cuốn sách của những người viết đứng từ những vị trí khác nhau, nhìn từ những góc độ khác nhau, và mang những tâm chất khác nhau, nhưng tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến tác phẩm hay tác giả.” (trích từ Lời Giới Thiệu Ấn bản thứ ba của Nhà Xuất bản Văn Nghệ, năm 1993).

Từ đó đến nay, tác phẩm này đã được tái bản một lần (1987) và in lại tám lần, tổng cọng gần 20 nghìn ấn bản. Bản in trên giấy cuối cùng (1993) của Nhà Xuất bản Văn Nghệ là lần biên tập thứ ba và là lần in lại thứ chín (Third Edition, Ninth Printing). Năm 2007, một nhóm thân hữu của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu đã hoàn thành một ấn bản điện tử, phổ biến rộng rãi trong không gian Internet với mục đích “… đóng góp phần mình vào việc thực hiện tâm nguyện của tác giả đã được trang trải đầy ắp trong tác phẩm nầy.” (trích từ Lời Giới Thiệu Ấn bản Điện tử 2007).
Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi thì đã có 14 “diễn đàn điện tử” trong và ngoài nước phổ biến tác phẩm VNMLQHT. Để đọc toàn bộ tác phẩm, bạn đọc có thể vào các trang web sau đây: Sách Hiếm (Hoa Kỳ), Giao Điểm (Hoa Kỳ), Truyện.com  (Việt Nam) và Truyện.haohanca.com (Việt Nam).

Sau gần 20 năm thuộc loại best seller trong cộng đồng hải ngoại, với thời gian, cuốn sách cũng đã lui vào sau hậu trường chử nghĩa, chỉ còn giá trị tham chiếu cho những ai muốn tìm hiểu về nền Đệ Nhất Cộng Hòa mà thôi.
Thế là sau hàng trăm bài viết kéo dài trong 20 năm, có lẽ bài cuối cùng đề cập đến một cách quy mô tác phẩm VNMLQHT là một bài viết dài 6 trang chữ nhỏ, phổ biến vào tháng 6/2006 có tựa đề “Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc “Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi” Của Hoành Linh Đỗ Mậu” của nhà văn Hoàng Ngọc Hiển.

Đây là một bài “cảm nghĩ” đặc biệtđược đăng trên một tờ báo chuyên đánh phá Phật giáo để bào chữa tội của ông Diệm, do một tác giả Công giáo chấp bút, nhưng lại để đề cao một số luận điểm của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu và tác phẩm VNMLQHT. Thật vậy:

1- Bài nầy xuất hiện trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong (số 731, tháng 6/2006), một tạp chí từng bị ví von là “Tên lính xung kích của Cần Lao Công Giáo”, chuyên đăng bài bênh vực chế độ Diệm. Năm 1978, khi Thượng tọa Thích Thiện Minh bị chính quyền Cọng sản bức tử tại trại Hàm Tân, thế nhưng Văn Nghệ Tìền Phong lại chạy hàng tít lớn ở ngoài bìa: Thích Thiện Minh Đền Tội” chỉ vì Thượng Tọa là một trong những nhà lãnh đạo phong trào đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực thi quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963. Và cũng chính báo nầy đã là nơi phát động cuộc xuyên tạc lịch sử vĩ đại nhất tại nước ngoài để lên án Phật giáo và Tướng lãnh VNCH làm “mất nước”, hầu trả thù cho ông Diệm như lời dặn của chính ông ta, đồng thời  để làm cái loa tuyên truyền cho cái gọi là “Phong trào Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm” ở hải ngoại. Dĩ nhiên, đây cũng là tờ báo làm diễn đàn để chống đối kịch liệt cuốn VNMLQHT của những cây viết “Cần Lao Công giáo” như Linh mục Vũ Đình Hoạt, Linh mục Cao Văn Luận, Tú Gàn, Lâm Lễ Trinh, Tú Rua, Đinh Từ Thức, Cao Thế Dung, Nguyễn Văn Chức, v.v… 


Hình bìa và Trang Mục Lục của tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 731 (từ ngày 1 đến 15-06-2006) – Trang 36 của Mục Lục ghi “36- Đọc sách: ‘VN máu lữa quê hương tôi’ H.N.Hiển” 

2- Tác giả bài viết là một tín hữu Công giáo, bút hiệu là Hoàng Ngọc Hiển (tên thật là Giuse Trần Ngọc Hiển) sinh năm 1942 và mất vào ngày 27-12-2014 tại Nam California. Trước 1975, ông là một giáo sư triết, văn chương và sử địa. Năm 1967, bị động viên (Khóa 25 Thủ Đức).  Rời quân trường, ông chọn  đại đội 399 tiểu khu Bình Long – đơn vị được xem là thiện chiến nhất và “dữ” nhất  của tiểu khu,  có mặt tại những hiểm địa tử thần như Lộc Ninh, An Lộc, Quốc lộ 13…. Về mặt văn chương, năm 1969, tạp chí Văn xuất bản truyện dài “Quê Hương Lưu đày” của ông. Sách bán hết sau hai tháng phát hành. Qua Mỹ, ông vẫn tiếp tục viết với 5 tác phẩm được xuất bản hay tự xuất bản. Đó là chưa kể hai tập truyện còn trong dạng bản thảo và một tác phẩm gồm 18 bài đọc sách chưa in. Sau 1975, ông bị tù 14 năm 7 tháng và qua Mỹ vào cuối năm 1990.

Tác giả Hoàng Ngọc Hiển và trang 36 của tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 731 với tựa đề bài viết: Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc“Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi” Của Hoành Linh Đỗ Mậu

3- Ai đã đọc thì đều biết Sử quan làm nền cho nội dung của tác phẩm VNMLQHT là “Hễ đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc” (Lời Mở Đầu của VNMLQHT), và cựu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu đã lấy hai đối tượng là Chế độ Ngô Đình Diệm và Lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam để qua đó, chứng minh Sử quan của mình là đúng đắn. Thế nhưng trong toàn bộ bài viết, tác giả Hoàng Ngọc Hiển lại không đề cập gì đến hai đối tượng đó cả. Ngược lại, nhà văn Hoàng Ngọc Hiển đã chọn một cách tiếp cận khác. Độc đáo hơn và có tính thuyết phục hơn: Đó là phân tích cái Tâm và cái Tầm của tác giả Đỗ Mậu để gián tiếp đánh giá tác phẩm.
Bài viết xuất hiện muộn màng đến 20 năm sau khi VNMLQHT ra đời, nên tác giả có được sự chính chắn khi đọc tác phẩm, nhất là có độ lùi thời gian để đối chiếu với hiện thực lịch sử. Do đó mà bài viết thâm trầm, khách quan và quân bằng hơn, đứng ngoài những cuộc bút chiến nãy lửa của hai phe thân-Diệm và chống-Diệm. Từ đó, chính cái Tâm nguyện và cái Tầm nhìn của cựu tướng Đỗ Mậu mà ông chia sẽ gần như trọn vẹn, đã là niềm tâm đắc để tác giả Hoàng Ngọc Hiển “cảm nghỉ” về thân phận quê hương và về tương lai Việt Nam.

Đồng cảm với những “cảm nghĩ” của hai tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu và Hoàng Ngọc Hiển, chúng tôi xin đánh máy và số hóa nguyên văn bài viết để phổ biến như một chứng liệu đáng ghi nhớ – NamGiao (11/2016)
*       *
*
Vài cảm nghĩ khi đọc:
"VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI"
của Hoành Linh Đỗ Mậu

[Trích từ Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong số 731 (6/2006),
từ trang 36 đến 38, và 76 đến 78]

"Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" của Hoành Linh Đỗ Mậu, ấn bàn thứ ba của NXB Văn Nghệ, 1993, là một ấn bản đẹp hơn hai lần trước kia. Đối với riêng tôi, một người đọc sách, cuốn hồi ký chính trị này là một cuốn sách rất đẹp, về phương diện hình thức, "là một tải liệu lịch sử quý giá cho kho tàng văn học sử Việt Nam" như giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã đánh giá. Tôi cũng rất đồng ý với Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, đánh giá cuốn sách là "sự phân tích các chứng liệu thật rành mạch và sâu sắc dưới một nhãn quan sáng suốt và thấu đáo, một óc phê phán công bằng và can đảm". Quả nhiên, tác phẩm là "một bản án lịch sử" như nhà luật gia Nguyễn Văn Lượng, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Chính Phủ Ngô Đình Diệm, 1963, đã nói. (Trích vài ý kiến của người đọc ... ở trang bìa sau của cuốn sách).

Tôi cho rằng tác phẩm này không phải là cuốn sách chỉ đọc một lần mà thôi, mà nó là cuốn sách để đọc nhiều lần, đọc đi đọc lại, mỗi lần có thể đọc một chương, dừng lại suy nghĩ ... sẽ có lúc xót xa cho dân tộc, có lúc phẫn uất với cái ác, có lúc cay đắng...và từ đó có thể rút ra cho mình một bài học lịch sử nào đó, nó sẽ rất hữu ích cho những ai muốn dấn thân vào lịch sử. Mới đọc "Lời Mở đầu" của cuốn sách, tôi đã cảm nhận ngay cái tâm của tác giả:
"Tất cả, từ những người có lòng nhất đến những người tài ba đảm lược nhất đều đã thất bại, dù trong cuộc hành trình hùng tráng và bi thiết này, không biết bao nhiêu người đã hy sinh gục ngã... Những nguyên nhân này được cố gắng trang trải như một bài học lịch sử để từ đó và do đó , hy vọng những lớp người đang đi tới sẽ tránh được những vết xe đổ đã nghiền nát bao nhiêu trang sử hiện đại của dân tộc," (Sách đã dẫn, Lời mở đầu, không đánh số trang).

Chúng tôi muốn ghi lại trong bài viết này một vài cảm nghĩ của chúng tôi thôi, với tư cách của một người đọc sách. Cho nên, đây không phải là một bài phê bình, một bài điểm sách với những tính chất cần có của một bài phê bình, một bài điểm sách. Cuốn sách này dầy trên ngàn trang, nội dung phong phú, tài liệu phức tạp... cũng là một lý do làm chúng tôi không dám có tham vọng viết phê bình, điểm sách. Một lần nữa xin thưa trước, đây chỉ là vài cảm nghĩ có tính chất riêng của một người đọc sách, không hơn không kém. Hơn nữa, người đọc sách là chúng tôi đây, đối với tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, chỉ là một kẻ hậu sinh. Bởi vì năm 1942, khi ông Đỗ Mậu là huấn luyện viên lớp hạ sĩ quan tại Huế, ông vừa đúng 25 tuổi, thì tôi mới mở mắt chào đời. Đến năm tôi được 25 tuổi (1967) tôi bước chân vào khoá 25 quân trường Thủ Đức, thì ông Đỗ Mậu đã là một nhân vật lãnh đạo trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà của Miền Nam rồi. Năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, tôi đang ngồi ở giảng đường trường Luật năm thứ nhất, chưa có được suy nghĩ chính chắn về thời cuộc. Tôi hãy còn hời hợt lắm về tất cả những vấn đề của đất nước, có lẽ kể cả lịch sử của dân tộc trong quá khứ bởi tôi chỉ có một mớ bài học tổng quát từ sách vở, chưa thực hiện một cuộc nghiên cứu lịch sử nào tới nơi tới chốn.

Tôi xin thú thật rằng  phải đến năm 1967, khi tôi cầm lệnh trình diện thụ huấn khoá 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trong tay, tôi báo cho mẹ tôi biết, bà có vài lời nói với tôi, rồi kể từ lúc ấy, tôi mới bắt đầu có những suy nghĩ cẩn thận về Độc Lập, Chủ nghĩa Thực Dân, Cộng Sản, cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam... Tôi vẫn còn nhớ, mẹ tôi đã nói với tôi rằng: "Phải, đất nước có chiến tranh, mà chiến tranh có từ trước khi anh ra đời, anh đang sống ở Miền Nam. Đó là lẽ tự nhiên, bởi giặc đến nhà đàn bà còn phải đánh mà. Anh hãy vui vẻ lên đường làm tròn trách nhiệm của anh đối với đất nước." (Mẹ tôi thường gọi tôi là anh, có lẽ vì tôi là con trưởng). Tôi không ngờ mẹ tôi lại dậy tôi như thế. Hai mươi lăm tuổi đầu rồi, mà chẳng hiểu biết tí gì về chính trị cả, có đáng xấu hổ không?!

Vừa ra trường, đến trình diện Trung tá Lộ Công Danh, Tiểu khu Trưởng Tiểu khu Bình Long, tôi đụng ngay trận Tổng Công Kích năm Mậu Thân 1968 của Việt Cộng. Tôi nghĩ định mệnh đã đưa đẩy ném tôi vào những chuyển mình lớn lao của đất nước rồi - như bao nhiêu người trai trẻ khác của thế hệ - mình đang bị đặt tính mạng trước cái chết. Liệu một cái chết về quê hương của mình có một ý nghĩa nào không? Đó là câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho tôi và cố gắng để đi tìm câu trả lời. Nhưng tôi đã không trả lời nổi. Tôi biết tôi mù tịt về chính trị nên không trả lời nổi. Tôi chỉ còn biết nhắm mắt cầm súng chiến đấu, còn ngoài ra không biết gì hết.

Đó là thực tế trước mắt. Tôi nghĩ bao nhiêu người trai như tôi cũng đang phải cầm súng chiến đấu như tôi thôi. Tôi đi từ Trung Đội Trưởng tới Đại Đội phó, rồi Xử Lý Thường Vụ Đại Đội Trưởng, rồi được thuyên chuyển về làm Sĩ Quan Tham Mưu Phòng 3 Tiểu khu Bình Long. Than ơi, càng tìm hiểu, tôi càng cảm nhận dấu hiệu thất bại của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nhất là sau khi Hoa Kỳ có chủ trương Việt Nam hoá chiến tranh. Sư đoàn 1 Không kỵ của Mỹ ở Bình Long rút dần, trao lại vùng hoạt động cho Tiểu khu. Thế là phạm vi trách nhiệm của Tiểu khu cứ mở rộng dần ra, súng đạn giảm đi, các phương tiện khác cũng hạn chế... Tôi đã cảm nhận Miền Nam sụp đổ là điều khó tránh, nhưng tôi không trả lời được "nguyên nhân lớn nhất, thực nhất" dẫn tới thất bại là gì?! Cho tới nay, 2005, 30 năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, tôi đọc và suy gẫm cuốn "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" của Hoành Linh Đỗ Mậu, tôi cảm nhận được câu hỏi đó. Cho nên đối với tôi, ông Đỗ Mậu là người đi trước, là tiền bối, và tôi đã là kẻ hậu sinh đọc sách của ông. Tôi có những cảm nghĩ gì đây? [Toàn bộ cuốn sách ở đây (giaodiemonline) và ở đây (sachhiem) cho độc giả ngoài nước, hay ở đây (xemtailieu) và ở đây (tusach.mobi) cho độc giả trong nước - NG]

I/ Từ hiểu biết về Quảng Bình, tôi cảm nghĩ về quê hương Việt Nam:

Quảng Bình là quê hương của ông Đỗ Mậu. Tác giả viết về đất Quảng Bình của ông:
"... Bình Trị Thiên là ba tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo lớn đó của miền Trung, vì quen nhọc nhằn chống lại thiên nhiên hà khắc, lại vốn làm cái đòn gánh chính trị oằn vai vì sức nặng cách mạng của bốn tỉnh tiếp giáp nên cũng đã cưu mang trong sức sống tất cả cái hào hùng và oan nghiệt của lịch sử. Tỉnh Quảng Bình, tuy là một tỉnh nhỏ về cả hai phương diện dân số lẫn diện tích, nhưng nhờ vậy lại chiếm địa vị của một vùng đất quê hương nổi tiếng địa linh nhân kiệt.
Từ đời Hùng Vương, Quảng Bình đã là một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang, có tên là Việt Thường với Thủ đô là Phong Châu. Vì là tỉnh cực nam tiếp giáp với biên giới Chiêm Thành nên suốt một thời gian dài trong quá trình dựng nước và mở nước, Quảng Bình đã là chiến địa khốc liệt và dai dẳng, lắm phen thay ngôi đổi chủ giữa hai dân tộc Chiêm - Việt, cho đến năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông xuất quân đánh Chiêm Thành bắt được vua Chế Củ và sát nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính thì Quảng Bình (và phần đất phía Bắc tỉnh Quảng Trị) mới hoàn toàn thuộc về lãnh thổ nước Việt Nam và thuộc về chủ quyền dân tộc Việt Nam cho đến bây giờ. Tuy là một tỉnh nhỏ, dù bề dài 110 cây số, nhưng bề ngang chỗ hẹp nhất, chỉ vào khoảng 45 cây số, quanh năm ách nước tai trời, lưng dựa vào Trường Sơn huyền bí, mặt nhìn về biển Đông thét gào, đất cầy lên không sỏi thì đá, nhưng tạo hoá lại đền bù cho Quảng Bình nhiều danh lam thắng cảnh để tô điểm cho thêm thanh kỳ, mỹ tú mà nhiều tỉnh khác không có. Luỹ Thầy, Đèo Ngang, sông Linh Giang, động Phong Nha ... không những là kỳ tích của thiên nhiên mà còn là những địa danh ghi đậm những biến cố hào hùng trong lịch sử nước nhà", ( sđd, trang 1,2)

Sau khi viết về quê hương Quảng Bình, tác giả Đỗ Mậu viết:
"Trong khung cảnh đất nước lúc bấy giờ, và thể hiện rõ ràng trong đời sống ở thôn quên cũng như thị thành, ở trong chính quyền cũng như ở ngoài quần chúng, ba luồng ý thức đối nghịch nhau như nước với lửa, như đêm với ngày, chi phối toàn bộ quốc gia Việt Nam là ý thức dân tộc nhân bản của nền Tam Giáo, ý thức độc thần của Kitô Giáo và ý thức duy vật của chủ nghĩa Mác Lê" , (sđd, trang 12) . Thế rồi: "... định mệnh trớ trêu đưa đẩy dòng lịch sử của dân tộc đến một giai đoạn tranh chấp giữa ba xu hướng từ tầng chính trị bước lên kích thước văn hoá trong suốt những năm dao động của hai thập niên 50 và 60. Ba xu hướng này va chạm vào nhau và nổ bùng thành những cơn lốc chính trị và được lãnh đạo bởi ba nhân vật cùng một quê quán Quảng Bình.  Đó là ông Võ Nguyên Giáp quê làng An Xá, ông Ngô Đình Diệm quê làng Đại Phong và Thượng Toạ Thích Trí Quang quê làng Diên Điền".(sđd, trang 14) Ba ông này “đã trở nên những nhân vật lẫy lừng làm chao nghiêng lịch sử và làm sụt sùi dân tộc" (sđd, trang 15) 

Tôi suy nghĩ gì đây? Rõ ràng cuộc phân đôi đất nước Việt Nam và cuộc đối đầu Bắc Nam là cuộc tranh chấp ý thức hệ mà một bên là ý thức Mác Lê duy vật, và một bên là ý thức Ki Tô Giáo độc thần. Ý thức hệ dân tộc nhân bản của nền Tam Giáo đã bị thời cuộc đẩy lui vào bóng tối. Tôi cho rằng ý thức hệ dân tộc nhân bản này là đặc tình căn bản của dân tộc Việt Nam đã hình thành và plát triển từ ngày lập quốc . Nó đã thấm vào tâm hồn, vào da thịt người Việt Nam. Nó đã chuyển thành hơi thở, thành sức sống của dân tộc Việt Nam, nó đã gắn liền, dính chặt vào, không thể thiếu được nữa tựa như một sự kết hợp tuyệt diệu giữa linh hồn, và thể xác. Nó vẫn sống, lúc nào nó cũng vẫn sống, khi mạnh mẽ, khi tiềm tàng, tuỳ theo thời cuộc biến đối mà thôi. Sở dĩ vừa qua, nó bị đẩy vào trong bóng tối, bởi vì hai ý thức hệ kia tựa như hai ngọn sóng thần từ Tây phương tràn tới Đông phương. Vì chúng là sóng thần, quá mạnh mẽ...nên đã có một sức mạnh ghê gớm, khủng khiếp tàn phá vùng đất này, tưởng như muốn quél sạch hết tất cả, cuốn theo cơn sóng thần đó khi nó rút đi !!!

Trước sức mạnh ấy, dĩ nhiên ý thức dân tộc nhân bản của nền Tam Giáo phải bị đẩy lui vào bóng đêm tăm tối. Nhưng nó không thể chết, không bao giờ chết được, nó vẫn sống trong âm thầm, nhưng mãnh liệt. Ý thức ấy sẽ hồi phục như một lẽ đương nhiên. Tựa như một người bệnh, sau khi những gì không thuộc về con người bị đẩy ra khỏi, người bệnh đó sẽ mạnh mẽ trở lại. Ý thức Ki Tô Giáo độc thần đã tắt dần, tàn lụi dần cùng với sự sụp đổ hoàn toàn của Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Ý thức Mác Lê duy vật mà Hà Nội tiếp tục khoa trương trong cố gắng phát triển, cuối cùng cũng bắt đầu tắt dần, tàn lụi vào cuối thập niên 80, khi mà chủ nghĩa Cộng Sản, tại chính quốc Liên Xô và ở Đông Âu hoàn toàn sụp đổ. Bước sang đầu thế kỷ 21, Hà Nội rơi vào tình trạng níu giữ ý thức Mác Lê với nỗi lo sợ ý thức này tan vỡ hoàn toàn. Từ đầu năm 2005, những phong trào tìm về tư tưởng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh ... Phải chăng đó là những dấu hiệu của ý thức nhân bản dân tộc bắt  đầu thoát ra khỏi bóng tối? Đây là giao điểm. Đây là dấu hiệu thay đổi, càng trở nên rõ rệt , ý thức nhân bản sống dậy thay thế ý thức Mác Lê duy vật. Buổi bình minh của dân tộc Việt nam đã có dấu hiệu, ắt buổi bình minh ấy sẽ đến, chỉ chậm hay nhanh mà thôi !!!

Trước đây, năm 1963, Thượng Toạ Thích Trí Quang đã có tham vọng thực hiện một cuộc Tổng Hợp Đề Văn Hoá để hoà giải dân tộc, nhưng bất thành. " ... Có ai ngờ một chú sa di đầu tròn áo vuông lại trở nên linh hồn của một phong trào tôn giáo quần chúng lớn "làm rung chuyển nước Mỹ" với tham vọng thực hiện cuộc Tổng Hợp Đề Văn Hoá để hoà giải dân tộc ..." (sđd, trang 15). Tôi nghĩ chuyện Thượng Toạ Thích Trí Quang bất thành trong cố gắng trên là lẽ đương nhiên, vì lúc ấy, hai ý thức kia đang lớn mạnh, đang tiến, đang thịnh. Đọc "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" của Đỗ Mậu, tôi càng nhận rõ ra điều đó.

Trở lại với Quảng Bình của tác giả, ông viết:
"Sống giữa thời ly loạn, mà cha chú, bà con phần đông bị giặc Pháp cầm tù hay sát hại, nhà nước thì mất chủ quyền, cha tôi, một nho sĩ nghèo nàn chỉ còn biết kéo dài cuộc đời bất đắc chí. Tôi ra đời giữa khung cảnh đất nước đó, trong một gia cảnh thanh bần, và giữa một làng quê bùn lầy nước đọng". (sđd, trang 23). Và ông viết: "Chính những ân tình của xóm làng gia tộc đã dạy cho tôi về nhân nghĩa, về lòng độ lượng, và bao dung. Cho nên những thực tại đó của đời, những kinh nghiệm sống thật đó của bản thân, hơn tất cả những bài học ở trường, hơn những sách vở mà tôi đã nghiên cứu, mới là hành trang quý giá và thân thương  nhất giúp tôi xông pha vào đời với một lương tâm trong suốt và với một con tim tràn đầy nhiệt huyết" . (sđd, trang 25)

Tôi có cảm nghĩ rằng ông Đỗ Mậu đang nói về Quảng Bình của ông, nhưng có rất nhiều tính chất là những tính chất chung của dân tộc Việt Nam chúng ta. Chẳng hạn như những ân tình của xóm làng gia tộc đã dạy cho ông về nhân nghĩa, độ lượng , bao dung, thì những đặc tính ấy đều là những đặc tính chung của tất cả mọi gia tộc, mọi làng xóm Việt Nam trên khắp nước. Chẳng hạn nữa, như nơi nào cũng sản sinh ra những anh tài, nhân kiệt, tuỳ theo từng thời mà phát ra. Và khắp nước Việt Nam hầu như nơi nào cũng có những danh lam thắng cảnh riêng của nơi ấy để tô điểm cho thêm thanh kỳ, mỹ tú, chứ không phải "nhiều tỉnh khác không có" (sđd, trang 2) như ông Đỗ Mậu đã viết. Dĩ nhiên, viết về vùng đất Quảng Bình của ông, ông không thể tránh khỏi chủ quan, cũng là lẽ thường tình. Ông viết: "Tôi vẫn hoài niệm về làng Thổ Ngoạ tiêu điều đó như là những năng lực tuyệt vời giúp tôi thoát lên trên mọi giông bão" (sđd, trang 25)

Bây giờ hàng triệu người Việt Nam sống ở xứ người, lưu lạc khắp bốn phương trời, vẫn hoài niệm về chốn làng quê nghèo nàn của mình ở trên giải đất Việt Nam hình chữ S, có rặng Trường Sơn hùng vĩ, Cứu Long giang uốn khúc như rồng, và biết bao núi non, sông dài thơ mộng ... nơi đó là những làng mạc, đồng ruộng thanh bình thuở ngàn xưa, đã bị cơn sóng thần từ Tây phương tràn tới gây đổ vỡ tan hoang ... Nhưng tinh thần dân tộc nhân bản, cụ thể là nhân nghĩa, độ lượng, bao dung vẫn sống, sống âm thầm, sống trong đêm tối để chờ giờ phút trồi lên trong một buổi bình minh nào đó sẽ đến, phải đến, tựa như một quy luật tự nhiên, hễ cái gì có cực thịnh, ắt phải có cực suy, cái gì cực suy ắt sẽ từ từ hồi sinh, phục dậy. Đó là luật phản phục. Tôi kẻ tha phương cầu thực, nhiều lúc cảm thấy nhục nhã và cô đơn nơi xứ người, vẫn hoài niệm về quê hương :"Ta về về ta tắm ao ta. Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn". Không có ở đâu đẹp bằng quê hương của mình. 

II/ Cảm nghĩ đến từ những nhân vật đã làm cho thế giới khâm phục:

Trong sách ông Đỗ Mậu trình bầy về việc anh em ông Diệm lợi dụng quyền hành trong tay, xử dụng những phương pháp vô luân và phi pháp để làm giầu riêng. Ông Đỗ Mậu dẫn chứng từ "Bức thư ngỏ gởi ông Hứa Hoành" của ông Trần Ngọc Lý đăng trên tờ Tia Sáng, Houston, số 22 tháng 10 - 1987. Bức thư chỉ trích Tổng Thống Diệm đã dĩ công vi tư, lấy tiền quốc gia giúp Giám Mục Ngô Đình Thục xây cất những cơ sở cho Giáo Hội Thiên Chúa giáo tại Vĩnh Long. Tác giả cho biết ông Diệm có mỗi năm 98 triệu mật phí chính trị, ông còn nhận được một số lợi tức do hãng tôm Long Hải cung cấp.  Hãng tôm Long Hải này do Nguyễn Văn Bửu, một người bà con của ông ở Phú Cam làm quản lý ...

Sau đó tác giả viết:
"Đáng tiếc, và đáng trách vì ông Diệm đã không noi gương kim cổ, để bắt chước phong thái những vị nguyên thủ đồng thời với ông ta, những nhân vật đã làm cho thế giới khâm phục như Thủ Tướng MacMillan nước Anh, Thủ Tướng U Nu nước Miến Điện chẳng hạn.
Thủ Tướng MacMillan, người đệ tử trung kiên của "sư tử Churchill", sau khi thôi làm Thủ Tướng về nhà sống cuộc đời thanh bạch. Ông di chuyển bằng xe buýt, chen chúc giữa đám thường dân, cũng làm đuôi để đổi xe buýt nơi góc đường, đầu phố. Còn Thủ Tướng U Nu vốn là một Phật tử thuần thành và tự biết mình quá ôn hoà, không lãnh đạo được quốc gia trước hiểm hoạ Cộng Sản Miến cho nên tháng 9 năm 1959 ông nhượng chức lại cho Tướng Nê Win để ông này có thể thực hiện được một chánh sách chống Cộng hữu hiệu hơn. Thủ Tướng U Nu khi vào dinh Độc Lập (Miến) chỉ mang theo một chiếc va li mây với mấy bộ quần áo cũ và đôi giầy bố; khi ra về gia tài của ông cũng chỉ đôi giầy vải bố với chiếc va li mây.  Từ chức Thủ Tướng về nhà, ông lại đeo đuổi việc tu hành, sớm hôm vui với câu kinh tiếng kệ. Thái độ nhà lãnh đạo như thế chả trách Miến Điện, dù là một tiểu quốc cô lập giữa vùng rừng núi cao nguyên, lại sát Trung Cộng, đã dám chống lại Mao Trạch Đông và chiến thắng Cộng Sản Miến và vẫn giữ vững nền độc lập và trung lập từ sau đệ nhị thế chiến cho đến ngày nay" (sđd, trang 442, 443)

Tác giả còn nhắc đến Lý Thừa Vãn chịu trách nhiệm trước đồng bào về việc bà con tay chân của ông tham nhũng, rồi xin từ chức ngay và xin đi xuất ngoại để yên lòng dân. Sau mấy năm lưu vong ông lại được dân Đại Hàn mời trở về quê cũ. Ông Đỗ Mậu tỏ ý tiếc cho ông Diệm không chịu nhìn những gương trong sáng đó, "không biết được những thăng trầm tất yếu của kiếp nhân sinh, mà phú  quý lợi danh có khác nào Mây trôi Nước chẩy. Huống chi được xây dựng bằng con đường bất lương, phi nghĩa, xây dựng trên xương máu, trên xác chết của bao nhiêu người thì làm sao tồn tại vững bền cho được. Nó tụ càng nhiều nó phải tan càng mau như nước thuỷ triều sáng lên là chiều phải xuống". (sđd, trang 444)

Đọc đoạn văn này - mà tư tưởng phản ảnh ý thức dân tộc nhân bản, mang mầu sắc triết lý về cõi nhân sinh đã thấm nhuần vào làng mạc, đồng ruộng, núi đồi, biển trời đất nước ta - tôi không tránh khỏi ngừng lại suy nghĩ mông lung về thân phận con người và của cải vật chất thế gian. Than ơi, đến cái thân xác của ta, thiết nghĩ là quý nhất, nó dính liền với ta, mà rồi nhiều lắm 100 năm cũng phải chết, cũng phải bỏ linh hồn ta mà tàn lụi trong hư nát, huống chi là "ngoại thân", cái ở ngoài ta? Quả nhiên, ông Đỗ Mậu viết:"phú quý lợi danh có khác nào Mây trôi Nước chảy", có khác nào ông đã nhắc nhở  mọi người nhớ lại cái chân lý ấy, cái chân lý bất di bất dịch ấy, mà cố nhân chúng ta đã dùng nó như một nguyên lý xử thế? Nó đã không còn là một tư tưởng triết học mơ hồ, hoang tưởng, mà nó đã thấm sâu vào lòng người Việt Nam, tiếp nối từ đời này qua đời khác...Nó âm ỉ sống trong lòng người, chỉ cần hướng nội là gặp được nó ngay. Chỉ một phút lơi là, hướng ngoại, là cái chân lý ấy xa dần ta, để ta bị lôi cuốn vào văn minh vật chất thời thượng bên ngoài, mà quên đi những hệ luận của nó là nhân nghĩa, bao dung, độ lượng?! Đó là đặc tính của truyền thống của dân tộc ta. Nhưng trong nhiều thế kỷ qua, những cơn sóng thần ở bên ngoài tràn tới, phủ lấp gây ra biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương tứ tán cho dân tộc? Thật là xót xa quá!!!

Tôi nghĩ dẫu ta xa quê hương, lăn lộn kiếm sống ở xứ người, nhưng nỗi hoài nhớ quê hương vẫn khắc khoải trong lòng, hễ bất chợt lúc nào dừng lại, hướng nội, ắt ta lại gặp được hình bóng của quê xưa. Phải chăng đó là hồn dân tộc, hồn Việt? Cho nên hễ ta giữ được tinh thần ấy trong ta, ắt không khi nào ta xa rời dân tộc, không bao giờ ta phản bội dân tộc. Nhưng nếu ta lơ là, hướng ngoại, vọng ngoại, ắt dẫn đến  phi dân tộc. Chỉ cần một sự sơ sểnh, con người ta đi đến chỗ phi dân tộc lúc nào không hay!!! Cho vậy, tôi nghĩ người Việt muốn gìn giữ được hồn Việt trong ta, thì ta phải gìn giữ những đặc tính dân tộc (nhân nghĩa, bao dung, độ lượng) như giữ gìn con ngươi của mắt mình! Những người lãnh đạo đất nước  đánh mất những đức tính ấy...phải chăng là quên dân tộc, phi dân tộc ắt dẫn đến phản bội dân tộc, như tác giả Đỗ Mậu đã viết cuốn:"Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" để chứng minh điều đó? Tác giả đã suy nghiệm, đã nhận rõ mặt "Hễ đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc" (sđd, trong lời nói đầu), để rồi dẫn đến kết luận:"Tất cả đã không có căn bản dân tộc nên đã làm khổ đau dân tộc", (sđd, trong lời mở đầu). Đọc cuốn sách, tôi cảm nhận quy luật lịch sử ấy mênh mông trên từng trang sách.

Trở lại với những nhân vật đã làm cho thế giới khâm phục, như Mac Millan; U Nu ... tôi nghĩ nếu Việt Nam chúng ta, trong giai đoạn 1954 - 1975, có được một nhân vật lãnh đạo giống như thế, thì hẳn Việt Nam đã có một cuộc diện khác hẳn như nó đã và đang xẩy ra, người Việt chúng ta đã không phải lang thang trên đất khách. Thời xưa, với tinh thần "Dân vi quý, Quân vi khinh", người làm vua chúa, công hầu danh tướng bao giờ cũng phải khổ trước cái khổ của dân, đói trước cái đói của dân, vui sau cái vui của dân. Vua tôn trọng ý dân -  coi ý dân như ý Trời. Đọc đoạn văn này, tôi trổi dậy ước mơ người Việt bây giờ và mai sau"rút được từ lời kể chuyện mộc mạc và tâm tình  chân thật này", (sđd, trang 850) những suy tư ích quốc lợi dân thì phúc cho quê hương Việt Nam chúng ta biết mấy!!!

Tôi quay nhìn về Đông phương...Tôi có thể thấy gi ở Đông phương? Tác giả Đỗ Mậu đã vạch ra cho tôi thấy rõ:
"Quay lại nhìn về Đông phương, ta thấy không thiếu những nhà lãnh đạo tài ba được ngưỡng mộ như thần thánh và có điều kiện để trở thành độc tôn trong một xã hội còn chậm tiến và thần quyền mà vẫn khiêm tốn và trách nhiệm nhìn thấy vị trí của mình trong những bước tiến thoái của cuộc đời. Một U Nu của Miến Điện, một Shigeru Yoshida của Nhật Bản, một Phác Chánh Hy của Đại Hàn, một Gandhi của Ấn Độ ... Những người đó dù thất bại hay thành công, dù chết êm ấm hay chết bất đắc kỳ tử, đều để lại trong lòng dân tộc họ nỗi thương tiếc và niềm kiêu hãnh vĩ đại, cũng như đã được an vị hùng tráng trên bia đá lịch sử của tổ quốc họ.
Cũng nhìn về phương Đông và thân thiết hơn trong lịch sử nước ta, một Lý Thánh Tôn yêu dân như yêu con, một Lý Anh Tông đã biết "Tu thân là thận trọng ở bề trong như dẫm trên băng mỏng, an dân là kính trọng kẻ dưới hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục" , một Trần Thái Tông "từ bỏ ngai vàng như từ bỏ một đôi giầy rách" và "lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình", một Trần Nhân Tông lập chí rằng "trong nhân gian vẫn còn người đói khổ thì trẫm không được yên lòng"...(sđd, trang 847)

III/ Cảm nghĩ đến từ những tâm tư của tác giả Đỗ Mậu

Ông Đỗ Mậu viết "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" với mục đích cao nhất của tác giả là nói lên sự thật, "những Sự Thật đã vì hiện trạng tế nhị của đất nước mà các nhân chứng chưa nói ra, hoặc những sự thật mà vì cố chấp hẹp hòi sợ hãi, đã bị một số người trình bày một cách sai lạc hoặc nhiều khi cố tình xuyên tạc " (sđd, trang 831).
Sau đó ở chương XX, kết luận, tác giả tâm tình:
"Không những không cố chấp làm một thứ hủ nho hẹp hòi và bị trói chặt trong sự khiêm nhường vô trách nhiệm, tôi còn tự thấy có nhiệm vụ, có bổn phận phải trang trải ra trong lời kết luận này những tâm tư của mình. Những tâm tư của kẻ mà cuối cuộc đời, nhìn lại quá trình hoạt động chỉ thấy thất bại này chồng chất lên thất bại khác: 30 năm chống Cộng để cuối cùng phải chạy trốn nạn Cộng Sản, xả thân cho một lãnh tụ để cuối cùng thấy lãnh tụ đi vào con đường phản quốc hại dân.
Ngày xưa, cụ Phan Bội Châu đã viết hai tập Tự Phán và Ngục Trung Thư để suy ngẫm về những thất bại của mình và trao truyền bài học cho tương lai. Hôm nay tôi viết cuốn hồi ký này là chỉ để theo bước chân của nhà Cách mạng Tiền bối đó, vụng về bắt chước gương của người xưa mà thôi". (sđd, trang 832)

Quả nhiên, tâm sự của tác giả là cay đắng: 30 năm chống Cộng để cuối cùng phải trốn chạy Cộng Sản, xả thân cho một lãnh tụ để cuối cùng thấy lãnh tụ đi vào con đường phản quốc hại dân, thất bại này chồng chất lên thất bại khác!!! Cay đắng là phải lắm, là lẽ đương nhiên vậy!!! Nhưng tôi nghĩ dẫu sao ông Đỗ Mậu cũng còn một thời có quyền hành, lên xe xuống ngựa, có danh có lợi, và cuối cùng khi Hà Nội chiếm trọn Miền Nam Việt Nam, ông và gia đình ông đả thoát được ra nước ngoài, có những điều kiện sống mới, được sống trong bầu không khí tự do. Ông không bị trình diện Cộng Sản để được đưa vào trại tập trung cải tạo để học tập chính trị, lao động cưỡng bách ngoài rừng....mặc đầu ông cho rằng bỏ nước ra đi cũng là kẻ đầu hàng như tướng Dương Văn Minh: "Nói cho cùng thì có phải chỉ có một mình Dương Văn Minh đầu hàng đâu, những kẻ bỏ nước ra đi trước hay sau ngày 30 tháng 4 cũng là những kẻ đầu hàng" (sđd, trang 814).

Biết bao nhiêu dân Miền Nam đã hy sinh cả bản thân và gia đình mình để bảo vệ miền Nam! Thử hỏi xem họ có được hưởng gì? Họ chính là những kẻ nhận lãnh hậu quả bi thảm nhất của chế độ, của cuộc chiến, của những ngọn gió phũ phàng của thời đại quét qua đất nước Việt ta! Họ là những kẻ phải đổ mồ hôi và xương máu nhiều hơn cả. Thế thì họ, họ sẽ cay đắng biết bao nhiêu khi họ xả thân cho một chế độ - trong đó có những lãnh tụ bao gồm chính ông Đỗ Mậu - để rồi cuối cùng thấy quý vị đi vào con đường phản quốc hại dân? Và thấy quý vị bỏ rơi họ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến? Các vị đã nói dối họ. Các vị đã âm thầm lặng lẽ cùng vợ con lên tầu, bỏ nước, ra đi để mặc cho đất nước muốn ra sao thì ra, để mặc họ sống chết cách nào không cần biết?!
Họ, trước đây, trong cả một thời gian dài, đã cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ chức quyền và tài sản của các vị, luôn cả bảo vệ gia đình các vị?! Tâm sự của họ và thân nhân của họ mới cay đắng đến thế nào? Còn biết bao nhiêu người xả thân, đem cái chết của họ để giữ cho Miền Nam được đứng vững cho đến ngày 30.4.75? Giờ đây liệu trong các mồ chôn, họ có ẩn ức? Phải chăng ta không  được phép quên họ  - vì họ đã hy sinh cho ta được sống - ta phải chịu ơn họ?! Nhưng tác giả Đỗ Mậu lại viết: "... Miền Nam thất bại là vì tất cả chúng ta chứ không vì ai hết!” (sđd, trang 815).

Không! Không phải thế! Không thể vì tất cả được!!! Phải có người chịu trách nhiệm chứ? Ai đây, nếu không phải là những nhà lãnh đạo đất nước? Lịch sử rồi đây sẽ làm sáng tỏ điểm này. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước lịch sử trong việc để miền Nam Việt Nam thất bại?! Phải chăng, cuốn "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" của ông Đỗ Mậu, đã đưa ra những sự thật, đã là một sử liệu giúp cho lịch sử tìm ra kẻ chịu trách nhiệm? Vậy sao lại viết "vì tất cả chúng ta" ở phần kết luận? Không, Không thế!!! Chính tác giả đã viết ở đoạn kế tiếp: "thu quyền lực về một nhóm bè đảng ở dinh Độc Lập thì hỏi làm sao toàn dân đoàn kết để bây giờ bắt toàn dân chia sẻ trách nhiệm thất trận đó được" (sđd, trang 815) Phải chăng tác giả mâu thuẫn? Vậy nên câu: "Miền Nam thất bại là vì tất cả chúng ta chứ không phải vì ai hết!" cần được xét lại một cách nghiêm chỉnh.  Đó là suy nghĩ của tôi về tư tưởng "thất bại" của tác giả Đỗ Mậu

Mặt khác, tác giả viết: "Phần cuối cùng của chương Thay Lời Kết Luận này xin được dùng để trang trải lời tâm sự nhỏ với thế hệ tương lai của dân tộc, đang ở trong nước hay ngoài nước, đang ở bên này hay bên kia của những chiến tuyến chính trị và văn hoá" (sđd, trang 848, 849) Vậy thì những tâm sự nhỏ ấy là gì? Và tôi, người đọc sách, cũng có cảm nghĩ về những tâm sự nhỏ ấy, xin được cùng viết ra nơi đây:

1/ "Tôi ra đời và lớn lên từ đất Quảng Bình đau thương nhưng lại là mảnh đất kiêu hùng như mọi tấc đất thiêng liêng khác của tổ quốc... Tôi đã trải qua một cuộc đời thơ ấu nghèo khổ nhưng thanh bạch, đổ mồ hôi trên từng tấc đất để đổi miếng ăn, và lấy luỹ tre làng, đồng ruộng khô làm vũ trụ xinh đẹp và to lớn của mình...
... Bài học lớn đầu tiên mà tôi học được từ đó là tôi yêu quê hương không phải vì quê hương đó xinh đẹp hay xấu xa, giàu mạnh hay nghèo khổ, mà tôi yêu quê hương vì tôi đã có mặt ở đó, sống để cùng chia xẻ vui buồn, sướng khổ, vinh nhục với đồng bào ruột thịt.
... Bài học lớn cuối cùng mà tôi đã học được từ đó là khi đã yêu quê hương thì phải xả thân bảo vệ và nuôi dưỡng nó".

“Bài học lớn đầu tiên và bài học lớn cuối cùng là yêu quê hương và xả thân bảo vệ”. Chí lý lắm. Rất chính xác. Bởi đó là Sự Thật của hầu hết người Việt Nam. Có tới khoảng 85% dân Việt Nam sống ở nông thôn, ban ngày thì đổ mồ hôi ngoài ruộng đồng, ban đêm thì nghỉ ngơi vui vẻ bên trong luỹ tre bao bọc. Bình thường, giản dị, đơn sơ, mộc mạc, đầy ân tình, nhân nghĩa, độ lượng, bao dung với gia tộc, chòm xóm, và rộng hơn với cả cộng đồng dân tộc.  Ấy, giản dị là thế đó, nhưng khi nhà nước có biến, người dân mộc mạc này sẵn sàng hiến dâng tất cả, kể cả tính mạng của mình để đối phó với giặc ngoại xâm. Hội nghị Diên Hồng với cuộc chống quân Mông Cổ dưới đời nhà Trần là một thí dụ điển hình. Nhiều xóm làng đã sẵn sàng thực hiện đường lối "vườn không nhà trống" để đối địch! Họ đã chẳng hy sinh tất cả khi cần đó sao?

Quê hương Việt Nam ta, thưở xưa ấy, đẹp như thế đó. Tôi rất tâm đắc với bài học lớn đầu tiên và bài học lớn cuối cùng của tác giả Đỗ Mậu. Về sau này, với những cuộc xâm lăng của người Phương Bắc, tiếp đến là từ Tây Phương đã làm lung lay đến tận gốc rễ thôn làng xưa ấy...Một thiểu số tiếp tay cho giặc, làm Việt gian đã tạo ra những hủ tục để dễ đàn áp, bóc lột...và cũng đã phá vỡ những truyền thống tốt đẹp nơi làng xã...Nhưng có thể nói rằng những cuộc xâm lăng ấy tựa như những làn sóng dữ tràn vào quê hương, cái tinh thần văn minh cố cựu của chúng ta phải tạm lắng chìm xuống , hay nói khác đi, phải lui vào bóng tối. Nó vẫn âm thầm sống trong bóng tối, chờ đợi ánh bình minh. Cái tinh thần ấy đã là cái sắc thái, bản chất đặc biệt và riêng biệt của một chủng tộc - là chủng tộc người Việt ta - thì chẳng bao giờ mất được! Nó chỉ trầm luân theo sóng dữ, nổi trôi theo thời cuộc, tan tác như lục bình trôi sông... nhưng khi mà sóng gió đã yên, đã lặng, nó lại sống dậy, tựa như  những đám lục bình lại tụ lại bên bờ...

2/ "Bị lôi cuốn trong cơn lốc lịch sử, tôi đã lấy những quyết định bình thường như trăm ngàn người dân Việt khác: chống Tây đô hộ và chống  Cộng Sản độc tài. Đó không phải là những quyết định chính trị có tính toán mà là những phản ứng có tính bản năng và có tính cách truyền thống. Bị áp bức thì vùng lên, bị kiềm chế thì phản kháng, tự nhiên như trẻ thơ đói khát thì bú vú mẹ." (sđd, trang 849). Điểm này cũng rất chi lý, rất chính xác. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc bị xâm lăng, bị đàn áp suốt từ ngày lập quốc đến giờ. Dân tộc ta chỉ tranh đấu để tự vệ. Sở dĩ có cuộc Nam tiến để mở mang bờ cõi về phương Nam, cũng chỉ vì bị người phương Bắc xâm lăng, nên phải bánh trướng về phương Nam để tìm đất sống.  Có thể nói, nôm na, là tất cả người Việt Nam từ các nhân vật lãnh đạo đến thứ dân đều bị cuốn trong những cơn lốc lịch sử, cơn lốc của thời đại, nên đều có những phản ứng có tính cách bản năng, trong hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng hể có người đứng ra lãnh đạo mà có tài đức, ắt được nhân dân hưởng ứng ngay. Nhân dân hướng về rừng núi Lam Sơn, nơi đó có Lê Lợi, Nguyễn Trãi giương ngọn cờ dân tộc đánh đuổi quân nhà Minh, là một thí dụ hùng hồn. Thí dụ gần nhất là những cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nguyễn Thái Học, phong trào Cần Vương, v.v...đều được nhân dân hưởng ứng, sẵn sàng xả thân bảo vệ quê hương. Đó là một sự tự nhiên, không tính toán, không tham sống sợ chết.

Người Việt ta vốn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, phải chăng ý thức hệ dân tộc nhân bản đã bao chứa những điểm tinh hoa: thà chết vinh hơn sống nhục, sát thân thành nhân, quan niệm thành nhân trọng hơn quan niệm thành công, quan niệm ác giả ác báo, nhân quả, sống gửi thác về, trọng nhân nghĩa, sống thật với mình và với người, không màu mè, khinh sự giả trá...Thật là đẹp quá, tuyệt quá! Cho nên, với những điểm tinh hoa ấy, ý thức dân tộc nhân bản chẳng bao giờ có thể bị tiêu diệt được, dẫu những cơn lốc thời đại hung dữ đến đâu. Bởi đó chính là Hồn Việt ... mà sử dụng ngôn ngữ bác học, người ta gọi đó là ý thức hệ dân tộc nhân bản đó thôi. Ý thức hệ ... quả thật, đó là mấy chữ mang mầu sắc triết học và chính trị thời thượng mà thôi. Có lẽ là vì những làn sóng phương Tây tràn tới Việt Nam mang tên ý thức hệ này, ý thức hệ nọ, mà người mình mới phải dùng đến các chữ ý thức hệ dân tộc nhân bản để diễn tả Hồn Việt đó chăng? Để phân biệt với các ý thức hệ kia?

Tác giả viết rất rõ "... là những phản ứng có tính bản năng và có tính cách truyền thống". Vâng, chính cái tính cách truyền thống mà tác giả nói đến, là cái Hồn Việt. Mà đã là truyền thống, ắt không thể mất được, không thể bị tiêu diệt được. Mọi âm mưu xoá bỏ, để áp đặt bất cứ một ý thức hệ nào khác lên dân tộc Việt Nam, đương nhiên, trước sau gì, cũng chuốc lấy thảm hại. Cho nên, hiện nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam, tay sai của đế quốc Cộng Sản muốn áp đặt ý thức hệ Mác-Lê duy vật lên dân tộc Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ thảm bại. Hồn Việt vẫn âm thầm sống, vẫn nở hoa thơm trong bóng đêm, đợi ngày rạng sáng!

3/ "Vì nói cho rốt ráo, nghĩ cho tận cùng, thì những Hồ Chí Minh, những Ngô Đình Diệm, cuối cùng cũng chỉ là nạn nhân của cơn lốc lịch sử, của cuộc khủng hoảng thời đại đang khống chế dân tộc ta" (sđd, trang 850 ). Điểm này cũng chí lý, chính xác lắm. Toàn bộ nội dung cuốn "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" đã nói lên cho đọc giả thấy cơn lốc lịch sử, cuộc khủng hoảng thời đại đã tràn vào đất nước ta và khống chế dân tộc ta.

Vậy thì, nhìn về tương lai, người Việt Nam nào cũng có thể tự hỏi rằng đến bao giờ cơn lốc lịch sử qua đi? cuộc khủng hoảng thời đại qua đi? Để nó không còn như cơn sóng dữ, như cơn bão lớn không chế dân tộc ta? Vâng, bao giờ sóng tan, mưa tạnh, bão tàn lụi, để Việt Nam được Độc Lập và Hoà Bình? Tác giả Đỗ Mậu đã viết ở trang 845, sách đã dẫn:
"Theo lẽ thường thì dân tộc làm chủ đất nước nên vận mệnh của tổ quốc liên hệ đến vận mệnh của dân tộc mà giai tầng lãnh đạo là giai tầng tiêu biểu. Dân tộc Việt Nam đã có những nhà lãnh đạo anh hùng tài đức trùm trời đất cũng như đã có những bạo chúa hại dân hại nước muôn đời bị nguyền rủa. Từ những thế kỷ 20, vận nước đa đoan nên đáng lẽ từ đống tro tàn của Đệ Nhị Thế Chiến, nước ta phải vươn lên theo ngọn gió Giải Thực khắp Đông Tây để giành lại Độc Lập thống nhất trên sơn hà gấm vóc, nhưng sinh lực suy kiệt nên ta chỉ có những nhà lãnh đạo tay sai Hồ Chí Minh, Lê Duẩn ở miền Bắc, và những nhà lãnh đạo tay sai Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam. " 

Phải chăng, những nhà lãnh đạo tay sai này, ở vào cái thế chẳng đặng đừng do cơn lốc lịch sử kia? Họ cũng chỉ là những nạn nhân? Tôi thiết nghĩ, để trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, cần phải có nhiều suy nghĩ thấu đáo hơn, cần đào sâu hơn những tài liệu lịch sử đang được các nhân vật có thẩm quyền giải mật dần.  Bản thân tôi cũng còn phải suy ngẫm nhiều hơn nữa ... Kể cả câu hỏi: "Bao giờ cuộc khủng hoảng thời đại chấm dứt, để nó còn hiệu lực khống chế dân tộc ta?", cũng chưa thể trả lời được? Tôi có cảm tưởng cuộc khủng hoảng thời đại vẫn còn mênh mông, tràn lan trên khắp mặt địa cầu, nhìn đâu cũng thấy một khung trời u ám ...Tôi không trả lời được.

Kết Luận: Dưới đám mây Tần, quê hương nghìn trùng có một ngày trong sáng?

Chúng tôi dùng câu cuối của tác giả Đỗ Mậu trong cuốn "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi", để làm tiểu đề cho kết luận bài viết về cảm nghĩ của tôi đối với cuốn sách: "Dưới đám mây Tần, quê hương nghìn trùng nếu có một ngày trong sáng, thì nấm mộ vàng nơi đất lạ chắc sẽ nở hoa tươi" (sđd, trang 851). Câu văn nói lên cái tâm của tác giả đối với quê hương, cho đến chết vẫn mơ ước quê hương được trong sáng.

Tôi nghĩ, đây là ước vọng của mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước, hiện đứng ở tâm cảnh nào.  Đó là mơ ước chung của người Việt Nam không phân biệt. Vấn đề được gợi ra là làm thế nào thực hiện được ước mơ chung đó? Phải chăng đó là mỗi người Việt Nam góp một chút tâm tư và sức lực để cùng nhau cởi cái nút lịch sử oan nghiệt đang bóp chặt bước tiến của tổ quốc? 

Than ơi, cái nút lịch sử oan nghiệt ấy rất khó biết và cũng rất khó tháo gở ... bởi vì, tôi nghĩ, nó có liên hệ đến cơn lốc lịch sử, cuộc khủng hoảng thời đại, mà tác giả Đỗ Mậu đã nói đến, và chúng tôi đã trích dẫn trên. Có lẽ chúng ta không còn cách nào khác hơn là chờ đợi, nhưng không chờ đợi với thái độ tiêu cực, ù lì đứng một chỗ, mà chờ đợi với thái độ tích cực như trường hợp tác giả Đỗ Mậu:
"Tôi là sự tiếp nối tự nhiên của một tiền nhân vô danh nào đó từ thời lập quốc, bị áp bức thì chống, bị xâm lăng thì đánh, bị đổ vỡ thì xây dựng, chứ không ù lì đứng một chỗ, buộc căn cước văn hoá và lý tưởng đấu tranh vào một triều đại nào, một chế độ nào, hay một ý thức hệ nào." (sđd, trang 850)

Tôi đã suy ngẫm về một số lập trường chính trị trong việc xây dựng Việt Nam, mà ông Đỗ Mậu đã viết ra trong cuốn sách của ông :
" ... từ 30 năm nay, Phật giáo Việt Nam đề nghị một sinh lộ và kêu gọi một nỗ lực cuối cùng: Lấy sức mạnh của dân tộc để hoà giải tranh chấp của quá khứ, Hoà giải các phe đối nghịch trong hiện tại, và Hoà hợp đời sống trong Hoà bình tương lai mà mô thức chính trị quốc gia có thể là Dân Chủ Xã Hội Phi liên kết" (sđd, trang 807)

" ... giáo chủ Phạm Công Tắc đã chủ trương một nước Việt Nam Hoà Bình Trung Lập (cũng giống như chủ trương Phật giáo)" (sđd, trang 807)

"... Chủ trương Việt Nam Trung lập phi liên kết là một sáng tạo chính trị tích cực và là một đóng góp quí giá của Phật giáo Việt Nam cho dân tộc trong cái viễn ảnh đó, tiếc thay cả hai ông Hồ và Ngô đều giáo điều và thiển cận nên không nhìn thấy được, do đó đã làm cho đất nước tang thương và dân tộc điêu linh mãi cho đến ngày nay." (sđd, trang 524)

"... Đau đớn nhìn lại lịch sử...khi mất nước vào tay Cộng sản, lưu vong nơi xứ người, nhiều chính khách, lãnh tụ, tướng tá, trí thức, cả già lẫn trẻ mong cầu Việt Nam sau khi được giải thoát khỏi chế độ Công sản, sẽ là một quốc gia trung lập" (sđd, trang 524)

Tôi tự hỏi Việt Nam trong tương lai, có thể là một quốc gia trung lập không? Hỏi để mà hy vọng. Rất có thể, Việt Nam phải kinh qua những gia đoạn nổi trôi như nó đã và đang xẩy ra, thì rồi đây mới có thể bước tới chỗ ổn định được, theo luật cùng tắc biến biến tắc thông. Cuộc khủng hoảng thời đại sẽ phải tới lúc cùng, phải biến thông. 

Nhìn cuộc diện thế giới, thế lưỡng cực Cộng sản và Tư bản đang mờ nhạt dần, thế đa cực đang chuyển biến hình thành... Trong cái toàn cảnh của toàn cầu ấy, các nước nhỏ như Việt Nam chiếm đa số trên mặt địa cầu, sẽ có nhu cầu được tôn trọng Độc Lập, Thống Nhất, Tự Do và Trung Lập phi liên kết của họ? Việt Nam ta, có thể sẽ có cơ hội thành một quốc gia hoà bình trung lập. Nhưng muốn nắm bắt được cơ hội ấy, người Việt Nam phải có sự chuẩn bị, nhất là tinh thần của người lãnh đạo đất nước, không thể coi mình là những người ngoại quốc sống trên quê hương mình, không như kẻ ngoại nhân đô hộ nhân dân mình, không có lòng trắc ẩn đối với người mình, như trước kia kẻ lãnh đạo đã sai lầm. Kẻ nào thi hành nhân nghĩa sẽ là người cai trị.

HOÀNG NGỌC HIỂN