Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016


TẠI SAO DONALD TRUMP THẮNG?

Nguyễn Quang Dy


Sau một ngày bầu cử dài đầy kịch tính, đến nửa đêm ngày 8/11 (EST Time) Donald Trump đã thắng tại hầu hết các bang chủ chốt (Florida, Iowa, Ohio, North Carolina). Ông đã giành được 244 phiếu (electoral votes), trong khi bà Clinton được 218 phiếu (điều đó đồng nghĩa với hết hy vọng). Đó là một kết cục bất ngờ và gây sốc. 
Chiến dịch tranh cử tổng thống đầy tai tiếng của ông Trump đã kết thúc bằng một đêm đầy thất vọng đối với bà Clinton và những người ủng hộ, như một nghịch lý khó tin (disbelief). Tâm trạng của họ đã chuyển từ lạc quan và tin tưởng ban đầu, trở thành bi quan và thất vọng vào giờ chót, khi cuộc đua sát nút trở thành vô vọng.  
Đúng 3 giờ sáng (EST Time) Donald Trump đã tuyên bố đắc cử (với 278 phiếu), và trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, sau khi bà Clinton thừa nhận thất bại (với 218 phiếu). Trong bài phát biểu, ông Trump đã gọi chiến dịch tranh cử của mình là “một phong trào lớn”, và kêu gọi đoàn kết, hàn gắn vết thương, để tái thiết đất nước.  

Tâm trạng của cử tri 
Thắng lợi của ông Trump là thắng lợi của một bộ phận cử tri Mỹ muốn thay đổi với xu hướng biệt lập, phản kháng giới cầm quyền (establishment) vô cảm mà họ đã mất lòng tin. Cách đây 8 năm họ đã bầu ông Obama, một thường dân da đen, vì ông ấy kêu gọi và hứa hẹn thay đổi. Bây giờ họ lại bầu cho ông Trump, một tỷ phú vô chính trị, vì ông ấy kêu gọi và hứa hẹn thay đổi. Phải chăng mong muốn thay đổi của họ là tối thượng?
Tâm trạng thất vọng và thái độ tức giận của người Mỹ, nhất là nhóm cử tri da trắng trẻ tuổi ít học và thu nhập thấp, chính là cơ hội mà Donald Trump (và Bernie Sanders) đã lợi dụng để giành nhiều phiếu trong quá trình tranh cử, từ giai đoạn đầu (primary). Vì vậy mà giới cầm quyền của đảng Cộng Hòa (và cả Dân chủ) đã bị bất ngờ và thất bại. Bà Clinton tuy may mắn thắng Bernie Sanders, nhưng cũng khó khăn và bấp bênh.
Hình ảnh xấu với nhiều bê bối của ông Trump đã làm nhiều người lo ngại và quay lưng lại. Không phải chỉ có người da màu và phụ nữ, giới báo chí và học giả, mà cả lãnh đạo đảng Cộng Hòa. Ngay cả vợ chồng cựu tổng thống George Bush cũng không bỏ phiếu cho ông Trump. Nhưng tại sao ông ấy vẫn thắng? Tâm trạng muốn thay đổi, và thái độ tức giận của cử tri đối với giới cầm quyền còn lớn hơn cả mối lo ngại ông Trump.    
Họ bỏ phiếu cho ông Trump không phải vì họ yêu quý ông ấy, mà họ hy vọng ông ấy có thể thay thay đổi (như họ đã từng bỏ phiếu cho ông Obama trước đây). Nói cách khác, đó là cuộc nổi dậy (revolt) của cử tri Mỹ, để phản kháng giới cầm quyền. Ông Trump là một hiện tượng. Không phải vì ông ấy tài giỏi, mà vì ông ấy đã nắm bắt trúng tâm trạng một dân tộc và chộp lấy cơ hội đó bằng “chủ nghĩa dân túy” (populism). Sự kiện này phản ánh thoái trào của toàn cầu hóa, và cao trào của chủ nghiã dân tộc (như brexit).
Thật trớ trêu khi ông Trump (một tỷ phú) kêu gọi giai cấp công nhân đứng lên chống lại giới cầm quyền (“The working class is striking back”). Sức mạnh của ông Trump là trực giác (instincts) và các khẩu hiệu đơn giản hợp lòng dân. Ông Trump thắng vì tâm trạng muốn thay đổi (bằng mọi giá) của cử tri Mỹ vẫn mạnh hơn tâm lý lo ngại ông ấy không đủ tư cách và năng lực lãnh đạo. Nó phản ánh khủng hoảng lòng tin của người Mỹ.

Các yếu tố làm thay đổi
Đa số mọi người quan tâm đến ai sẽ thắng (Donald Trump hay Hillary Clinton). Nhưng điều quan trọng hơn là tại sao lại thắng, và hệ quả sẽ ra sao. Phản hồi của cử tri (exit poll) là một chỉ số quan trọng phản ánh khá trung thực tâm trạng của cử tri. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trước đây (và cả lần này) nó có thể không chính xác.
Ví dụ, -11% cử tri không ủng hộ Clinton, trong khi -28% không ủng hộ Trump. 13% cử tri tin vào sự thay đổi của Clinton, trong khi 82% tin vào thay đổi của Trump. 17% cử tri phấn khích nếu Clinton trúng cử, trong khi 13% phấn khích nếu Trump trúng cử. 54% cử tri không thích Clinton, trong khi 61% không thích Trump. 29% cử tri sợ Clinton, trong khi 37% sợ Trump. 59% không tin Clinton, trong khi 65% không tin Trump.
Số lượng cử tri đi bầu nhiều hơn dự kiến (record turnout) và đi bầu sớm, thậm chí nhiều nơi phải xếp hàng bỏ phiếu. Đó là dấu hiệu thuận lợi cho bà Clinton, vì nếu cử tri đi bầu ít, thì hầu như chắc chắn ông Trump sẽ thắng. Nhưng tại sao cử tri đi bầu nhiều, mà ông Trump vẫn thắng? Không phải chỉ có người da trắng trẻ tuổi ít học và thu nhập thấp bỏ phiếu cho ông Trump, mà nhiều người da màu và phụ nữ cũng bỏ phiếu cho ông ấy.       
Phải chăng đó là thất bại của bà Clinton, không tranh thủ được họ? Tỉ lệ người da màu (Black & Hispanic) đã tăng lên đáng kể trong cơ cấu dân số Mỹ (demographic changes). Người Mỹ da màu đã tăng từ 13% lên 18%, trong khi người Mỹ da trắng giảm từ 80% xuống 62%. Đa số cử trị da màu (như cộng đồng Hispanic) đã ủng hộ bà Clinton, vì họ lo ngại chính sách chống nhập cư và phân biệt chủng tộc của ông Trump. Nhưng tại sao ông Trump vẫn thắng tại bang Florida và các bang khác còn “chưa ngã ngũ” (swing states)?
Chỉ có thể giải thích là sự thay đổi về cơ cấu dân số nói trên vẫn chưa đủ lớn để bà Clinton thắng cử. Theo thống kê, 58% người Mỹ da trắng (nhất là giới trẻ ít học và thu nhập thấp) ủng hộ ông Trump, trong khi chỉ có 37% ủng hộ bà Clinton. Trong xã hội Mỹ, tỷ lệ người Mỹ da màu (black & Hispanic) đang tăng lên (18%), nhưng người Mỹ da trắng vẫn chiếm đa số (62%). Không phải chỉ đa số đàn ông da trắng đã bỏ phiếu cho ông Trump, mà khá nhiều phụ nữ da trắng cũng bỏ phiếu cho ông ấy. Đó là một bất ngờ đối vơi bà Clinton.    
Một điều nữa đáng suy nghĩ là ông Trump đã thắng tại hầu hết các bang chưa ngã ngũ (swing states) và các bang kinh tế suy thoái (rust belt), mặc dù ông ấy không được lãnh đạo đảng Công Hòa ủng hộ. Trong khi đó, tổng thống Obama và hầu hết lãnh đạo đảng Dân Chủ đã ủng hộ bà Clinton rất mạnh. Phải chăng cử tri Mỹ cho rằng tuy ông Trump không có kinh nghiệm về chính trị, nhưng là một doanh nhân có kinh nghiệm (deal maker). Tuy bà Clinton có các chính sách bài bản hơn ông Trump, nhưng nhiều cử tri đã mất lòng tin vào bà Clinton và đảng Dân Chủ, cũng như di sản (legacy) sau 8 năm cầm quyền của ông Obama.  


Hệ quả không định trước  
Sự kiện ông Trump thắng cử là một bất ngờ lớn (upset) trong chính trị nước Mỹ, có tác động  lớn không những đến nước Mỹ, mà còn đối với các nước đồng minh, cũng như thù địch. Với cá tính cách đặc biệt, và những phát biểu bất thường của ông Trump (loose cannon), nhiều nước chưa biết nên ứng xử với Tổng thống Donald Trump như thế nào.  Ngay sau khi ông Trump tuyên bố thắng cử, các nước đồng minh chưa có phản ứng ngay. Đối với các nước như Trung Quốc và Việt Nam, thì chắc còn chậm hơn nữa.    
Ngay trong ngày bầu cử, thị trường chứng khoán Châu Á (Nhật, Singapore, Hongkong) đã phản ứng tích cực (tăng) khi bà Clinton thắng điểm, nhưng sau đó các thị trường Châu Á, Châu Âu, và Úc đã phản ứng tiêu cực (giảm) khi ông Trump thắng. Thái độ lo lắng của thị trường phản ánh thái độ lo lắng của người Mỹ. Tuy lúc này mong muốn thay đổi và tâm trạng tức giận của họ vẫn lớn hơn nỗi sợ, nhưng với thời gian, họ có thể phải trả giá.
Thắng lợi của ông Trump còn là một thách thức lớn đối với các thể chế truyền thống của Mỹ. Không những lãnh đạo đảng Cộng Hòa mà cả lãnh đạo đảng Dân Chủ đã bị ông Trump qua mặt và đánh bại. Sau khi ông Trump đắc cử, đảng Cộng Hòa không những làm chủ Nhà trắng, mà còn kiểm soát cả hai viện Quốc Hội và Tòa án Tối cao. 
Nhìn lại, lãnh đạo hai đảng đã đánh giá thấp đối phuơng, và không hiểu tâm trạng của dân tộc. Không phải chỉ có chính quyền, mà các chuyên gia bầu cử, và giới báo chí truyền thông cũng bị bất ngờ, cần kiểm điểm (soul searching). Ông Trump đã từng tuyên bố sẽ “bỏ tù bà Clinton nếu thắng cử”, nhưng nay ông kêu gọi đoàn kết và hàn gắn vết thương. Chưa rõ hai đảng sẽ hòa giải và hàn gắn như thế nào, sau chiến dịch tranh cử quyết liệt. 
Thay lời kết
Tâm trạng một dân tộc luôn là một ẩn số đối với những người cầm quyền, dù là chính thể dân chủ hay độc tài. Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ là một bài học lớn, tiếp theo bài học Brexit tại nước Anh và bài học Duterte tại Philippines. Qua việc bầu một người như ông Trump làm tổng thống, cử tri Mỹ (giống cử tri Anh, và Philippine) đã có một quyết định dũng cảm, nhưng cũng đầy rủi ro, với hệ quả không định trước chưa thể lường được.
Đa số người Việt (trong đó có tôi) đều mong muốn bà Clinton thắng, vì nhiều lý do dễ hiểu. Nhưng như người ta nói, “không ai có thể thay đổi đổi được quá khứ” (dù vừa mới xảy ra), nhưng có thể thu xếp được tương lai, bằng một thái độ tích cực.

NQD. 9/11/2016

For the record : US election: What has Donald Trump promised to do as president? của ABC News



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét