DONALD TRUMP: MỘT BI KỊCH MỸ
David Remnick
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Illustration by Oliver Munday
Việc Donald Trump đắc cử tổng thống không khác gì một bi
kịch đối với nền cộng hòa Mỹ, một bi kịch đối với hiến pháp Mỹ, và một chiến
thắng đối với các lực lượng, trong nước và ngoài nước, của chủ nghĩa bản địa
bài ngoại, chủ nghĩa chuyên chế, sự kỳ thị nữ giới, và phân biệt chủng tộc.
Chiến thắng chấn động của Trump, việc ông leo lên ghế tổng thống, là một sự
kiện đáng thất vọng trong lịch sử nước Mỹ và nền dân chủ tự do. Ngày 20 tháng 1
năm 2017, chúng ta sẽ chia tay vị tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên—một con
người của liêm chính, phẩm giá, và tinh thần hào sảng—và chứng kiến lễ nhậm
chức của một con người giả dối đã không làm gì nhiều để cự tuyệt sự ủng hộ của
các lực lượng bài ngoại và thượng tôn da trắng. Không thể nào phản ứng lại thời
khắc này với bất cứ điều gì khác ngoài sự ghê tởm và lo lắng sâu sắc.
Có những bất hạnh chắc chắn đang đến: một Tối cao Pháp viện
ngày càng phản động; một Quốc hội cánh hữu được củng cố; một tổng thống có thái
độ khinh thị đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số, các quyền tự do dân sự và
thực tế khoa học, chưa nói gì đến phép lịch sự đơn thuần, đã được thể hiện
nhiều lần. Trump là sự thô tục vô biên, một lãnh đạo nhà nước thiếu kiến thức,
người sẽ không chỉ làm các thị trường tụt dốc mà còn gây ra nỗi sợ cho những
người dễ bị tổn thương, yếu thế, và, trên tất cả, nhiều biến thể “người khác”
mà ông đã xúc phạm nặng nề. Người Mỹ gốc Phi khác. Người Mỹ gốc Tây Ban Nha
khác. Người phụ nữ khác. Người Do thái và Hồi giáo khác. Cách nhìn hy vọng
nhất—và đó là nói quá—về sự kiện đau thương này là cuộc bầu cử này và những năm
tới sẽ là một bài thử thách sức mạnh, hoặc tính mong manh, của những thể chế
Mỹ. Nó sẽ là một bài thử thách sự nghiêm túc và quyết tâm của chúng ta.
Đầu ngày bầu cử, các cuộc thăm dò đã cho thấy có lý do để lo
ngại, nhưng cũng đem đến những tin tức đủ hứa hẹn cho các đảng viên Dân chủ ở
những tiểu bang như Pennsylvania, Michigan, North Carolina, và thậm chí Florida
đến mức không có lý do gì để không nghĩ đến việc ăn mừng hội nghị Seneca Falls
được trọn vẹn, việc người phụ nữ đầu tiên đắc cử vào Nhà Trắng. Chiến thắng
tiềm năng ở những tiểu bang như Georgia đã biến mất, chỉ hơn một tuần trước
đấy, với lá thư tắc trách và đầy tổn hại gửi Quốc hội của giám đốc F.B.I. về
việc mở lại cuộc điều tra của ông và sự xuất hiện trở lại của những từ ngữ
thịnh hành đầy tổn hại như “e-mail,” “Anthony Weiner,” và “cô bé mười lăm
tuổi.” Nhưng lợi thế vẫn nghiêng về phía Hillary Clinton.
Ngay từ đầu, Trump đã có vẻ giống như một bức biếm họa méo
mó của mọi phản ánh mục nát của cánh hữu cực đoan. Việc ông đã thắng thế, việc
ông đã chiến thắng cuộc bầu cử này, là một đòn choáng váng vào tinh thần; đó là
một sự kiện rất có thể sẽ đưa đất nước vào một giai đoạn bất ổn kinh tế, chính
trị, và xã hội mà chúng ta chưa thể hình dung ra. Việc đa số tương đối cử tri
quyết định sống trong thế giới phù phiếm, hận thù, kiêu ngạo, giả dối, và liều
lĩnh của Trump, sự quay lưng của ông đối với các chuẩn mực dân chủ, là một thực
tế chắc chắn sẽ dẫn đến mọi hình thức suy tàn và khổ cực của đất nước.
Trong những ngày tới, các nhà bình luận sẽ cố gắng bình
thường hóa sự kiện này. Họ sẽ cố gắng xoa dịu độc giả và khán giả bằng những
suy nghĩ về “sự khôn ngoan bẩm sinh” và “sự đứng đắn về bản chất” của người Mỹ.
Họ sẽ đánh giá thấp tính độc hại của chủ nghĩa dân tộc đang hiện diện, quyết
định tàn nhẫn là bầu lên một người đi lại bằng máy bay mạ vàng nhưng giành ghế
tổng thống bằng luận điệu dân túy kiểu máu và đất. George Orwell, người can đảm
nhất trong các nhà bình luận, đã đúng khi chỉ ra rằng dư luận vốn không khôn
ngoan không khác gì con người vốn không tốt đẹp. Người ta có thể hành xử một
cách ngu ngốc, bất cẩn, và tự hủy hoại trong số đông cũng như khi đứng một
mình. Đôi khi tất cả những gì họ cần là một nhà lãnh đạo xảo quyệt, một kẻ mị
dân đọc được những cơn sóng oán giận và cưỡi chúng đến một chiến thắng đa số.
“Vấn đề là sự tự do tương đối mà chúng ta hưởng lại phụ thuộc vào dư luận,”
Orwell viết trong tiểu luận “Freedom of the Park.”
“Luật pháp không phải là sự bảo hộ. Chính quyền làm ra luật pháp, nhưng chúng
có được thực thi hay không, và cảnh sát hành xử thế nào, thì phụ thuộc vào tâm
tính chung của đất nước. Nếu nhiều người quan tâm đến tự do ngôn luận thì sẽ có
tự do ngôn luận, cho dù luật pháp có cấm đoán; nếu dư luận trì trệ, những nhóm
thiểu số gặp khó khăn sẽ bị bức hại, cho dù luật pháp có tồn tại để bảo vệ họ.”
Trump trong chiến dịch tranh cử của mình đã cảm nhận được
cảm giác bị tước đoạt và lo âu của hàng triệu cử tri—đa số là cử tri da trắng.
Và nhiều trong số họ—không phải tất cả, nhưng nhiều người—đã đi theo Trump bởi
họ thấy kẻ trình diễn bóng bẩy này, từng là một người tương đối vô danh về
chính trị, một anh hề ngoài lề tự quảng bá bản thân trong bối cảnh New York
những năm tám mươi và chín mươi, đã sẵn lòng đón nhận những oán hận của họ, cơn
giận của họ, cảm quan của họ về một thế giới đang âm mưu chống lại lợi ích của
họ. Việc ông là một tỷ phú ít được tôn trọng đã không ngăn cản họ, không khác
gì nhiều cử tri ở Anh ủng hộ Brexit đã không bị ngăn cản bởi chủ nghĩa hoài
nghi của Boris Johnson và rất nhiều người khác. Cử tri đảng Dân chủ có lẽ đã an
tâm với thực tế là đất nước đã phần nào phục hồi đáng kể, dù không đồng đều,
sau Đại Suy thoái—tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,9%—nhưng nó đã khiến họ, nó
đã khiến chúng ta, đánh giá quá thấp hiện thực. Cử tri đảng Dân chủ cũng đã tin
rằng, với việc bầu lên một tổng thống người Mỹ gốc Phi và sự trỗi dậy của bình
đẳng hôn nhân và những dấu ấn tương tự khác, các cuộc chiến tranh văn hóa đã đi
đến hồi kết.
Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử với tuyên bố người nhập cư
Mexico là “những kẻ hiếp dâm”; ông kết thúc nó bằng một quảng cáo bài Do thái
gợi lên cuốn The Protocols of the Elders of Zion;
hành vi của chính ông đã nhạo báng phẩm giá và thân thể của phụ nữ. Và, khi bị
chỉ trích vì bất kỳ điều gì, ông gạt bay nó như sự “đúng đắn chính trị.” Chắc
chắn một nhân vật tàn nhẫn và suy đồi như vậy có thể thành công với một số cử
tri, nhưng làm sao ông có thể thắng? Chắc chắc, Breitbart News, một trang tin
đầy âm mưu hiểm độc, không thể trở thành một nguồn tin tức và ý kiến chủ lưu
cho hàng triệu người. Vậy mà Trump, vốn rất có thể chỉ khởi đầu chiến dịch của
mình như một nỗ lực tạo dựng thương hiệu, sớm muộn đã nhận ra ông có thể đại diện
cho và thao túng được những lực lượng đen tối ấy. Việc những đảng viên Cộng hòa
“truyền thống,” từ George H. W. Bush đến Mitt Romney, tuyên bố không ủng hộ
Trump có vẻ chỉ làm sâu sắc thêm sự ủng hộ tinh thần dành cho ông.
Các nhà bình luận, trong nỗ lực bình thường hóa bi kịch này,
cũng sẽ tìm cách giảm nhẹ hành động vụng về và phá hoại của F.B.I., sự can
thiệp thâm hiểm của tình báo Nga, thẻ thông hành—những giờ đưa tin liên tục,
không qua biên tập về những buổi vận động cử tri của ông—mà các đài truyền hình
cáp đem lại cho Trump, nhất là trong những tháng đầu của chiến dịch của ông.
Chúng ta sẽ được yêu cầu tin tưởng vào sự ổn định của các thể chế Mỹ, vào xu
thế là ngay cả những chính trị gia cực đoan nhất cũng sẽ tiết chế bản thân khi
nhậm chức. Các nhà tự do chủ nghĩa sẽ bị cho là tự mãn, xa rời khổ cực, cứ như
thể nhiều đảng viên Dân chủ không biết thế nào là nghèo đói, vật lộn, và bất
hạnh. Không có lý do gì để tin vào lời phỉnh phờ này. Không có lý do gì để tin
rằng Trump và phe nhóm cộng sự của ông—Chris Christie, Rudolph Giuliani, Mike
Pence, và, phải, cả Paul Ryan—sẽ muốn quản trị với tư cách đảng viên Cộng hòa
trong những ranh giới lễ nghi truyền thống. Trump không được bầu lên trên nền
tảng của sự đứng đắn, công bằng, ôn hòa, thỏa hiệp, và pháp quyền; mà được bầu
lên chủ yếu trên nền tảng của sự oán hận. Chủ nghĩa phát xít không phải—nó
không thể; chúng ta không thể cho phép nó—là tương lai của chúng ta, nhưng đây
chắc chắn là cách chủ nghĩa phát xít có thể khởi đầu.
Hilary Clinton là một ứng cử viên thiếu sót, nhưng là một
nhà lãnh đạo kiên cường, thông minh, và có năng lực, một người không bao giờ có
thể vượt qua hình ảnh của mình trong hàng triệu cử tri như một người không đáng
tin và có đặc quyền. Một phần của điều này là kết quả của bản năng gây nghi ngờ
cố hữu của bà, phát triển trong nhiều năm sau hết vụ “bê bối” giả này đến vụ
khác. Vậy mà, bằng cách nào đó, bất luận bà phụng sự công chúng nghiêm túc lâu
và tận tâm thế nào, bà vẫn không đáng tin bằng Trump, một người giả dối lừa gạt
cả những khách hàng, các nhà đầu tư, và các nhà thầu của mình; một con người
sáo rỗng với vô số phát ngôn và hành vi phản ánh một con người mang những phẩm
chất thấp kém—tham lam, gian dối, và cuồng tín. Mức độ ích kỷ của ông hiếm khi
được thể hiện bên ngoài một môi trường y tế lâm sàng.
Trong tám năm qua, đất nước đã sống với Barack Obama trên
cương vị tổng thống. Chúng ta quá thường xuyên cố xem nhẹ sự phân biệt chủng
tộc và oán hận đã sôi sục dưới bề mặt không gian mạng. Nhưng vòng lặp thông tin
đã tan vỡ. Trên Facebook, những bài viết trong nền báo chí truyền thống, dựa
trên thực tế, trông giống hệt như bài viết của truyền thông alt-right đầy
thuyết âm mưu. Những người phát ngôn cho những điều không thể nói ra nay tiếp
cận được một lượng thính giả lớn. Đây là cái vạc dầu, với rất nhiều từ ngữ kỳ
thị phụ nữ, đã giúp hạ thấp và tiêu diệt Clinton. Báo chí alt-right là nơi cung
cấp những lời dối trá, tuyên truyền, và thuyết âm mưu không ngừng mà Trump dùng
làm nhiên liệu cho chiến dịch của mình. Steve Bannon, một nhân vật chủ chốt của
Breibart, là tuyên truyền viên và nhà quản lý chiến dịch của ông.
New York City, ngày 9-11-2016, trước TRUMP
TOWER
Đó tất cả là một bức tranh ảm đạm. Cuối đêm qua, khi kết quả
về từ những bang cuối cùng, một người bạn gọi cho tôi đầy buồn bã, đầy lo lắng
về xung đột, về chiến tranh. Sao không rời bỏ đất nước này? Nhưng tuyệt vọng
không phải là câu trả lời. Chiến đấu chống chủ nghĩa chuyên chế, vạch trần
những lời dối trá, đấu tranh một cách tự hào và quyết liệt nhân danh những lý
tưởng Mỹ—đó là những gì còn lại để làm. Đó là tất cả những gì còn tồn tại để
làm. ♦
David Remnick là tổng biên tập tạp chí The New Yorker từ năm 1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét