Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014


“VŨ ÁNH,
MỘT NGÒI BÚT CHÍNH TRỰC”

Vũ Quí Hạo Nhiên

Ông Vũ Ánh gắn bó cả đời với báo chí, 
khi còn ở trong nước lẫn khi ra hải ngoại.

Một cây đại thụ đáng kính của ngành báo chí, phát thanh Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại, nhà báo Vũ Ánh (1941-2014), qua đời đột ngột tại Quận Cam ngày 14/3/2014.
Ông mất khoảng vài phút hay vài giờ sau khi làm xong công việc ông từng làm trong nửa thế kỷ: viết báo. Bài báo cuối cùng, “Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí,” ông gửi đi lúc 11:37, và không bao lâu sau đó ông qua đời.

Trong 50 năm trời, từ khi mới ra đại học năm 23 tuổi, ông liên tục làm báo. Thời trước 1975, ông làm phóng viên chiến trường, dần dần lên đến Chánh sự vụ Sở Thời sự đài Phát thanh Sài Gòn, một chức vụ khiến ông bị bắt và bị giam trong trại cải tạo suốt 13 năm.
Ngay cả trong thời gian tù, ông cũng làm được một tờ báo chui mang tên Hợp Đoàn. Để làm được tờ báo này, ở một nơi không có giấy không có bút, ông đã chăm chỉ làm một việc mà người khác chưa chắc đã nghĩ ra: ông lấy báo Nhân Dân, cắt ra từng chữ cái một, gom lại và dùng chúng để dán thành báo!
Vì tờ báo chui này, và vì mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 ông kiên quyết không chịu ngồi xem phim “Giải phóng miền Nam,” mà ông chịu đựng nhiều tháng trời biệt giam, bị cùm trong thùng conex.
Tôi làm việc chung với ông Vũ Ánh nhiều năm ở báo Người Việt, nơi "chú Ánh" là chủ bút và tôi là tổng thư ký. Như nhiều đồng nghiệp khác cùng tuổi, cùng lứa của mình, tôi kính mến gọi ông bằng “chú Vũ Ánh” hay “chú Ánh.”

'Không thích khoe khoang'

"Một đồng nghiệp trong tòa soạn có lần hỏi chú, “Tại sao chú làm tin tức, chú biết tình hình như vậy, sao trước 30/4 chú không đi?,” chú nói: “Tao đâu bỏ nhân viên tao được."
Chức vụ chú Ánh trong đài Phát thanh Sài Gòn, tôi biết được là do người khác nói, không phải do chú khoe. Chú không bao giờ khoe ra những chức vụ đã có trong quá khứ - nhưng không phải chú không hãnh diện với những thành tích của mình.
Chú có kể chuyện trước 1975, nhưng khác với những người kể về sự thành đạt, thì chú kể về những công việc chú làm: những chuyến đi theo đoàn quân đi tường trình, đọc vào băng, vào đĩa, rồi gởi về đài phát thanh.
Những thùng thu thanh cồng kềnh và nặng nề không như cái máy gọn gàng “của các cậu.” Chuyện tường trình chuyến công du của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Mỹ. Cuộc phỏng vấn riêng với Tổng thống Richard Nixon tại “tòa Bạch Ốc miền Tây” ở San Clemente.
Và công việc đau đớn nhất trong đoạn đời ấy, là trưa 30/4/1975, khi đoàn quân Bắc Việt áp tải Tổng thống Dương Văn Minh đến đài Phát thanh Sài Gòn, chú đã cho nhân viên về hết, chỉ còn chú và kỹ thuật viên Lê Phú Bổn (hiện cũng làm truyền thông tại miền Nam California) ở lại để Tổng thống Minh phát lời đầu hàng.
Là một thiếu niên di cư lớn lên trong miền Nam, chú đã phục vụ chính thể Việt Nam Cộng Hòa cho tới hành động cuối cùng của chính quyền đó.
Một đồng nghiệp trong tòa soạn có lần hỏi chú, “Tại sao chú làm tin tức, chú biết tình hình như vậy, sao trước 30/4 chú không đi?” Chú nói, “Tao đâu bỏ nhân viên tao được.”
Trong nhiều năm làm việc với chú, tôi hiểu chú có đặc tính đó. Ai chú thương, thì chú chiều, và chú bảo vệ. Ai chú xem thường, thì chú không xin xỏ, không khuất phục.

'Quan tâm người trẻ'

Cộng đồng và đồng nghiệp tưởng niệm nhà báo Vũ Ánh tại Hoa Kỳ.
Chú đặc biệt quan tâm đến những người trẻ hơn đang vào nghề báo. Các bạn phóng viên trẻ muốn làm dự án nào hay muốn thay đổi gì, xin chú, chú đều đồng ý với lời động viên “cậu cứ làm.” Ngay cả nhiều khi thích ăn quà vặt, muốn có tiền, “vô xin chú Ánh” là thế nào cũng được.
Nhiều khán giả xem chương trình bình luận thời sự chú thực hiện trên đài SBTN với nhà báo Đỗ Dzũng có thể cho rằng Đỗ Dzũng hay “nói chen” chú Ánh, nhưng đó cũng là biểu hiện của việc chú “chiều” Đỗ Dzũng, và anh Dzũng chắc chắn cũng biết thế!
Năm 2008, khi báo Xuân Người Việt đăng bài “Mẹ chồng tôi” kèm hình minh họa là cái chậu rửa chân làm nail sơn màu cờ Việt Nam, chú chủ động lên tiếng ra khỏi tòa báo. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn ngờ ngợ là chú làm vậy như một hình thức nhận thay cho tôi.
Và ngược lại, những ai chú xem thường, chú nhất định không năn nỉ, không xin xỏ, không nhân nhượng. Cứ nhìn lại cuộc đời của chú trong trại cải tạo: bao nhiêu người trong chúng ta sống trong lòng cộng sản mà dám từ chối không xem phim tuyên truyền? Rất ít người, và chú Vũ Ánh là một trong rất ít người đó.
Không phải chỉ có vậy thôi. Khi quản giáo kỷ luật chú bằng cách ngăn chặn không cho mẹ chú vào thăm, chú kể là chú không thể “để chúng lợi dụng mẹ mình như vậy được. Bà cụ già đi lặn lội ra thăm con mà nó dùng bà để uy hiếp mình.” Chú kể, chú viết thư nói mẹ không cần thăm nuôi con - và tôi hiểu là chú làm vậy như một hình thức tước vũ khí của những kẻ chú coi thường.
Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi được đọc bức email chú viết cho phóng viên Ngọc Lan ngay sau khi nghỉ việc năm 2008, trong đó chú viết, “Nếu tờ báo là của riêng chú thì sẽ chẳng bao giờ chú lùi bước trước bất công và vài chục người biểu tình.”
Trong email, được đăng trên blog Ngọc Lan, chú cũng viết, “Chú là nhà báo, chú không phải là cán bộ tuyên truyền một chiều cho cộng đồng.”

'Bảo vệ tự do'

Tham luận trình bày tại “Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu” do Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 23-6-2013 tại Hội trường Jerome Center, Santa Ana, California
(Hình của Việt Báo, NamGiao minh họa cho bài viết nầy )

"Nhưng đó là chú Vũ Ánh. Chú không thể đạo đức giả, không thể “vuốt ve” độc giả, không thể sống bằng cách nào khác ngoài cách sống thật, sống thẳng thắn"
Điều này không lạ. Đó là lời chú vẫn nói và vẫn viết ra công khai. Chính vì những bài viết chính trực như vậy, mà từ nhiều năm chú đã bị nằm trong tầm ngắm của khoảng 2-3 người từng được xem là lãnh tụ cộng đồng.
Họ không ưa khi chú chủ trương viết tin không kèm nhũng lời nói xỏ cộng sản. Họ ghim để đấy khi, ngay từ lúc mới đến California làm báo Viễn Đông, chú lên tiếng chỉ trích những sự bất minh trong các tổ chức mang danh tranh đấu.
Họ càng ghét hơn khi chú viết những bài bảo vệ tự do báo chí với những tựa như “Không ai được quyền thiết lập sự KIỂM DUYỆT VÔ HÌNH đối với truyền thông, báo chí tại Hoa Kỳ.”
Một người thông minh và từng trải như chú thì không ngây thơ để không biết rằng có người đang ghét mình và chỉ chờ mình hở sườn là đập. Nhưng đó là chú Vũ Ánh. Chú không thể đạo đức giả, không thể “vuốt ve” độc giả, không thể sống bằng cách nào khác ngoài cách sống thật, sống thẳng thắn.
“Yên tâm đi, một ngày nào đó, các cháu sẽ thấy sự chọn lựa của chú là đúng,” chú đã viết như thế.
Tới ngày hôm nay, khi chú rời cõi đời này, đa số mọi người đều đã thấy sự chọn lựa của chú là đúng.
Nhà báo Vũ Ánh, người con đất cảng Hải Phòng và cây bút chính trực của Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam hải ngoại, qua đời để lại bà quả phụ Ngô Yến Tuyết, bốn người con và hai người cháu.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, cựu Tổng thư ký tòa soạn Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét